Bài Tin Mừng hôm nay có thể chia này thành 2 phần tương đối rõ rệt,

* Phần đầu (các câu 37-39) Đức Giêsu dạy các môn đệ về sự từ bỏ:

* Phần sau (các câu 40- 42) dạy về sự tiếp đón

A. VỀ SỰ TỪ BỎ.

1. Có nhiều loại từ bỏ.

– Tôi soạn lại tủ áo của tôi. Nhiều áo quá. Có những chiếc đã cũ và lỗi thời, tôi có thể bỏ bớt để đem cho người nghèo.

– Trong sân nhà tôi có hai cây mọc cạnh nhau. Nếu cứ để như thế thì hai cây vẫn sống, nhưng không cây nào lớn mạnh tốt được. Tôi nên bỏ bớt một cây để cây kia mọc tốt hơn.

– Nha sĩ khám thấy có một chiếc răng của tôi đang bị hư nặng. Ông bảo phải bỏ nó đi, nếu không, nó sẽ lây cho những chiếc bên cạnh.

Đức Giêsu kêu gọi người đi theo Ngài hãy từ bỏ. Bỏ những gì và bỏ cách nào?

– Có những thứ ta có thể bỏ. Thí dụ bớt chút thức ăn, bớt chút giờ ngủ khi ta ăn chay hãm mình.

– Có những thứ ta nên bỏ để cuộc sống của ta nên tốt hơn. Thí dụ khi ta nhường nhịn không trả đũa, không đòi lại của cải hoặc danh dự bị người khác làm tổn thương, mất mát.

– Có những thứ ta bó buộc phải bỏ như: tội lỗi, thói xấu, dịp tội.

2. Xét như thế thì Chúa muốn chúng ta từ bỏ để được nên tốt hơn.

Người ta kể lại rằng: khi nhà danh họa Lêô Nardô de Vinci đem bức tranh nổi tiếng của mình là bức tranh vẽ Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly ra trưng bày cho mọi người thưởng lãm. Đây là một bức tranh rất đẹp. Chúa Giêsu ở giữa và chung quanh là các môn đệ của Người. Lúc triển lãm bức danh, tác giả cố ý núp ở một chỗ trong một phòng kín có ý để quan sát. Ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy điểm thu hút sự chú ý của mọi người không phải là khuôn mặt của chúa Giêsu mà là cánh hoa ông vẽ bên góc bức họa. Ngay lập tức ông đã nhận ra sự sai lầm của mình đó là đã thêm một cánh hoa vào bức tranh làm cho người xem bị phân tâm không còn chú ý tới trọng tâm của bức tranh là Chúa Giêsu nữa. Ông liền lấy cọ bôi bỏ cánh hoa đó. Và sau đó thì mọi người xem đều dán chặt mắt vào khuôn mặt Chúa Giêsu.

Việc bỏ cánh hoa là việc rất nên. Chính vì thế mà Vinci đã đạt được ước nguyện của mình.

Đàng khác vấn đề mất và được ở trên thế gian này có gì là tuyệt đối đâu.

Ngày xưa có một ông lão ở gần cửa ải mất một con ngựa. Có người đến thăm chia buồn vì sự rủi ro đó. Ông đáp:

– Biết đâu chuyện mất ngựa chẳng là điều may.

Vài ngày sau, con ngựa cũ trở về lại rủ thêm được một con ngựa Hồ rất hay. Có người cho đó là điều may mắn nên đến chúc mừng. Ông nói:

– Chưa hẳn được ngựa là may đâu.

Ông có đứa con trai, thấy ngựa Hồ hay, liền bắt cởi thử, chẳng may bị ngã ngựa té gãy chân. Nhiều người cho rằng xui xẻo. Ông lại nói chưa biết chừng đây là điềm báo trước điều phúc cho gia đình ông. Qua năm sau, giặc Hồ tràn sang nước ông. Theo lệnh vua, các trai tráng trong làng đều phải sung vào cơ ngũ đi dẹp loạn, 10 người chỉ sống sót được một. Con trai ông vì tàn tật nên được miễn dịch, nhờ đó mà thoát chết, gia đình ông được an toàn. Nên việc họa phúc không biết đâu mà ngờ được.

Sống theo chúa Giêsu là đặt ngài làm trọng tâm của cuộc sống, nhìn thấy Ngài trong mọi sự. Đó là bí quyết của các thánh. Chúa Giêsu không chỉ là bậc thầy, vạch ra một con đường cho người khác đi theo. Ngài còn tự xưng mình là con đường duy nhất, Ngài đòi hỏi con người phải đi theo Ngài một cách tuyệt đối, nghĩa là vì Ngài sẵn sàng từ bỏ tất cả và từ bỏ tức khắc: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy… không xứng với Thầy… Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất…  (Mt.. 10,37.39). Đi theo chúa, bỏ tất cả, hiến mạng sống làm gia nghiệp đó là đòi hỏi Chúa Giêsu đã kể ra trong Tin mừng hôm nay cho chúng ta.

Đi theo chúa Giêsu cũng có nghĩa là sống thế nào để mọi người nhìn vào đều thấy được gương mặt Ngài. Một cuộc sống như thế đòi nhiều hy sinh từ bỏ, cũng như nhà họa sĩ sẵn sàng bôi bỏ một cánh hoa để thu hút sự chú ý của khán giả vào gương mặt của Chúa Giêsu. Cũng thế người môn đệ Ngài luôn sẵn sàng tháo gỡ và dứt bỏ mọi thứ vướng bận để chỉ sống cho Ngài và làm cho mọi người nhận ra gương mặt của Chúa qua cuộc sống của chính mình” (Theo “Phút cầu nguyện cuối ngày” Tập II).

B. Vần Đề Thứ hai về sự tiếp đón:

1. Thánh Kinh đã ghi lại những cuộc tiếp đón rất đẹp và rất dễ thương.

a. Abraham thấy 3 người khách lạ đang đi trong sa mạc. Ông chạy ra năn nỉ họ vào nhà và ân cần chăm sóc họ. Đó là 3 sứ giả của Thiên Chúa. Đáp lại tấm lòng của Abraham, 3 sứ giả này ban ơn cho vợ chồng son sẻ của Abraham có con trai đầu lòng (St 18);

b. Một gia đình ở Sunam chẳng những tiếp đón ngôn sứ Elisê, mà còn dọn hẳn cho ông một căn phòng để những lần sau ông tới có chỗ trọ. Đáp lại, Elisê cũng giúp họ thoát khỏi tình trạng son sẻ (bài đọc I);

c. Gia đình Matta, Maria và Lazarô ở Bêtania là nơi thường xuyên tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ. Đáp lại, Đức Giêsu đã làm cho Ladarô sống lại.

2. Phần thưởng của tấm lòng quảng đại ấy là gì?

Là sự sống: Một đứa con cho cặp vợ chồng già, hai đứa con trai đầu lòng cho hai vợ chồng son sẻ, và mạng sống được trả lại cho Ladarô đã chết 4 ngày. Xét cho cùng, ơn ban sự sống ấy không phải do những người khách, mà chính Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống, ban cho họ.

Những câu chuyện rất đẹp trên đây khuyến khích chúng ta hãy quảng đại tiếp đón:

– Tiếp đón không chỉ là đón người vào trọ trong nhà mình, cho họ ăn, cho họ nghỉ, mà còn là biết quan tâm tới nhu cầu của người khách và đáp ứng theo khả năng của mình.

– Khi tiếp đón, dĩ nhiên chúng ta phải mất mát: mất giờ, mất tiền của, mất công…Nhưng Thiên Chúa sẽ trọng thưởng chúng ta: Ngài sẽ cho sức sống thần linh của Ngài thêm lớn mạnh trong sự sống chúng ta.

Tiến sĩ Marcello Candia là một người Ý đã dùng tất cả tài sản để xây một nhà thương dành cho người nghèo ngay giữa khu rừng già Amazon của đất nước Brazil. Hơn thế nữa, ông cũng tình nguyện ở lại đó và làm việc bên cạnh những người nghèo mà ông hết sức yêu quí ông tâm sự:

– Khi còn học trung học, tôi được cùng một nhóm trưởng sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của một cha dòng Phanxicô. Chúng tôi thường đi thăm các gia đình nghèo tại ngoại ô thành phố Milano.

Rồi một hôm, một tu sĩ già trong dòng đã nhờ tôi phân phát thức ăn cho những người thiếu đói đang tìm đến tu viện. Tôi chú ý thấy trong căn phòng có treo một tấm hình cha Daniel Samarate, một vị thừa sai của Dòng Phanxicô đã chết vì bệnh cùi sau một thời gian phục vụ các thổ dân ở Brazil.

Trong suốt buổi phân phát thức ăn hình ảnh ấy cứ luôn hiển hiện trước mắt tôi nơi những con người nghèo khổ. Kể từ lần ấy, ước muốn phục vụ những người phong cùi đã nảy sinh trong tôi.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Marcello đã tình nguyện đi làm việc không công tại nhiều quốc gia nghèo trên thế giới. Sau một chuyến ghé thăm ruột vùng cư dân nghèo nàn lạc hậu ở Brazil, Marcello đã trở về và quyết định bán hết gia sản thừa kế và chuyển sang Brasil học lấy bằng tiến Y khoa. Ông đã xây cất được một bệnh viện với 120 giường, được trang bị đầy đủ các dụng cụ để phục vụ riêng cho người nghèo.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng con vừa nghe một bài Tin Mừng. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa nói với chúng ta về hai điều cần thiết cho tất cả chúng ta. Đó là việc theo Chúa và việc đón tiếp nhau trong cuộc sống hằng ngày.

A. Cha hỏi chúng con: Chúng con có muốn theo Chúa hay không?

– Dạ thưa có.

Rất đúng! Ai trong chúng ta mà lại chẳng muốn theo Chúa.

Không ai ai mà lại không muốn theo Chúa hết. Thế nhưng muốn theo Chúa, chúng ta phải làm gì? Đây chúng con hãy nghe chính Chúa nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”.

Cha thú thật với chúng con khi đọc lại những lời này của Chúa, nhiều lúc cha cũng cảm thấy rất sợ. Để được theo Chúa, Chúa đòi hỏi chúng ta nhiều quá: Chúa đòi phải hy sinh và từ bỏ quá nhiều.

Cha tự hỏi tại sao Chúa đòi hỏi như vậy? Chúa không thấy khi đòi hỏi khó khăn như thế thì sẽ chẳng có ai dám theo Chúa hay không!

Nghĩ thì nghĩ như vậy nhưng khi nhìn lại thực tế thì cha lại thấy khác. Thực tế thì lại có rất nhiều người muốn theo Chúa. Có rất nhiều người. Ho theo Chúa rất can đảm. Họ rất vui mừng theo Chúa. Dường như họ không biết sợ là gì. Họ còn cảm thấy rất vui khi được từ bỏ và hy sinh vì Chúa.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này. Đây là câu chuyện có thật đã xảy ra:

Thánh Giáo phụ Basilio bị điệu ra tòa án Roma trước mặt Hoàng đế:

– Người bỏ đạo, ta sẽ ban cho chức cao lộc hậu.

– Lời dạy bảo của bệ hạ chỉ dạy dỗ được trẻ con. Kinh Thánh tôi dạy khác hẳn, nên thà chết hơn lìa bỏ đấng Kitô.

– Ngươi không biết trẫm là ai sao?

– Tôi không tuân lệnh bệ hạ đâu.

– Ngươi không biết ta có quyền ban chức tước cho ngươi sao?

– Chức tước bổng lộc có thể thay đổi như chính bệ hạ.

Thấy không thể lay chuyển lòng thánh nhân vua đe tịch thu tài sản, tra tấn tù tội và giết.

– Tâu bệ hạ tôi chẳng có gia tài cho bệ hạ tịch biên. Lưu đày chăng? Tôi có quê thiên đàng. Tra tấn ư? Tôi sẵn sàng chịu vì Chúa. Giết tôi ư? Càng sớm về trời.

– Ngươi thật điên cuồng!

Tôi mong được điên mãi như thế này.

Hoàng Đế và triều thần phải thua cuộc trước đức tin của Basilio.

B. Việc đón tiếp nhau trong cuộc sống hằng ngày.

Đây chúng con hãy nghe chính Chúa nói: “ Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”(Mt 10,40-42)

Đón tiếp – Tiếp đón là việc Chúa rất yêu thích. Hơn nữa Chúa còn hứa ban phần thưởng cho những ai làm việc này.

a. Thánh Kinh có ghi lại những cuộc tiếp đón rất đẹp lòng Chúa và rất dễ thương.

* Thí dụ Abraham thấy 3 người khách lạ đang đi trong sa mạc. Ông chạy ra năn nỉ họ vào nhà và ân cần chăm sóc họ. Đó là 3 sứ giả của Thiên Chúa. Đáp lại tấm lòng của Abraham, 3 sứ giả này ban ơn cho vợ chồng son sẻ của Abraham có con trai đầu lòng (St 18);

* Một gia đình ở Sunam chẳng những tiếp đón ngôn sứ Elisê, mà còn dọn hẳn cho ông một căn phòng để những lần sau ông tới có chỗ trọ. Đáp lại, Elisê cũng giúp họ thoát khỏi tình trạng son sẻ (bài đọc I);

* Gia đình Matta, Maria và Lazarô ở Bêtania là nơi thường xuyên tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ. Đáp lại, Đức Giêsu đã làm cho Ladarô sống lại.

b. Hơn nữa Chúa còn coi việc đón tiếp anh em, đón tiếp các sứ giả của Chúa, đó tiếp các ngôn sứ, đó tiếp người công chính…như là đón tiếp chính Chúa. Việc đón tiếp đó có phí tốn dù chỉ là một bát nước lã thì Chúa cũng không quên.

Chúa hứa với một người đàn bà là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bài rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Rồi bà ngồi và đợi Chúa đến.

Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói: “Không, hôm nay tôi không giúp anh được, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại.

Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. Thấy gì? Vài người già nghèo nàn. “Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ các ông”. Rồi bà đóng sầm cửa lại.

Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh xin ăn và nghỉ qua đêm. “Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến. Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.

Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.

Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Rồi bà ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc mơ bà thấy Chúa đến và nói với bà: “Hôm nay Ta đã đến với con 3 lần và cả 3 lần con đều đuổi Ta đi”.

Sau khi được Thiên Chúa kêu gọi, Apraham đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa và đến cắm lều trên vùng đất Chúa hứa ban cho dòng dõi ông.

Một hôm, ông đang đứng trước cửa lều thì một người ăn xin rách rưới đến xin ông bố thí. Động lòng trắc ẩn, tổ phụ Apraham mời người vào và làm tiệc thiết đãi.

Trước khi ngồi bàn tiệc, ông mời người ấy cùng dâng lời chúc tụng và cảm tạ Chúa. Nhưng vừa nghe nói đến Chúa, anh ta liền mở miệng nói những lời lộng ngôn xúc phạm đến Ngài.

Apraham nổi giận, túm cổ người ăn xin và tống ra khỏi lều.

Đêm ấy, khi Apraham quỳ gối cầu nguyện, ông nghe tiếng Chúa phán:

– Này Apraham, ngươi có biết không, người anh xin ấy đã nhục mạ Ta suốt 50 năm rồi đó. Vậy mà mỗi ngày Ta vẫn ban lương thực cho hắn. Còn ngươi. ngươi không thể yêu thương và cho hắn một bữa ăn sao?

Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đến mặc khải cho chúng ta là một người Cha yêu thương tất cả mọi con cái mình.

Không những Ngài chỉ yêu thương những đứa con hiếu thảo, mà còn yêu cả những đứa con bất hiếu, ngỗ nghịch, bởi chúng có một chỗ đặc biệt trong trái tim Ngài. Ngài là Đấng cho mặt trời mọc lên, cho mưa rơi xuống trên người lành cũng như kẻ dữ. Vì tất cả đều là con cái của Ngài.

Khi mặc khải cho chúng ta về Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả mọi người. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cũng hãy nên hoàn thiện như Thiên Chúa, Cha chúng ta, nghĩa là yêu thương tất cả, không loại trừ ai.

Chúng ta vừa nghe một trong những đoạn Tin Mừng có nhiều chất an ủi nhất ở trong Tin Mừng. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II rất thích đoạn Tin Mừng này. Ngài đã chọn để đọc trong ngày lễ đăng quang của Ngài.

Chỉ trong một đoạn văn vắn như thế mà 3 lần Chúa Giêsu bảo với các môn đệ: “Đừng sợ”.

1. Mệnh lệnh thứ nhất được ghi ở trong câu 26-27. Đừng sợ. Lý do:

a/ Vì chẳng có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra và chẳng có gì kín đáo mà sẽ không được biết đến.

Khi nói như thế Chúa muốn nói rằng: Sự thật sẽ toàn thắng. Châm ngôn Latinh có câu: “ Sự thật là vĩ đại. Sự thật sẽ toàn thắng”. Khi vua Giacôbê VI hăm dọa treo cổ hoặc lưu đày Andrê Meville, ông đã nói thẳng với nhà vua: “Vua không thể treo cổ và lưu đầy sự thật được”. Khi Kitô hữu chịu khổ hay hy sinh, thậm chí có phải chết vì đạo đi nữa thì cũng phải nhớ rằng một ngày kia mọi sự sẽ được phơi bày. Lúc đó quyền lực của kẻ bách hại và sự anh dũng của người theo Chúa sẽ được minh giải và mỗi người sẽ nhận được đúng với những gì mình đã làm.

Chính vì thế mà người theo Chúa phải biết mạnh dạn rao giảng những gì Chúa truyền dạy. Phải nói điều mình đã nghe và đã sống, dù việc loan báo như thế có phải chuốc lấy vạ vào thân hay thậm chí có phải mất mạng đi nữa.

Tại sao lại như thế? Thưa vì thế gian không ưa thích sự thật. Nhà triết học Diogene bảo: “Sự thật như ánh sáng chiếu vào mắt làm cho mắt bị đau”.

Một lần kia Giáo sĩ Latimer giảng. Hôm đó có cả vua Henri tham dự. Ngài biết mình sắp phải nói điều nhà vua không ưa. Được Chúa soi sáng từ trên tòa giảng Ngài nói thật lớn như nói với chính mình: “Latimer. Latimer, Latimer…Hãy coi chừng điều ngươi sắp nói…Có Đức Vua nghe đấy” Sau đó ngài ngừng một chút rồi nói tiếp: “Latimer. Latimer, Latimer..Hãy coi chừng điều ngươi nói.Vì có Đức Vua của các vua đang ở đây”. Người loan báo Tin Mừng loan báo cho loài người nhưng phải loan báo trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Khi chôn Gioan Knox người ta đã nói về ông như thế này: “Đây là nơi an nghỉ của một người kính sợ Thiên Chúa đến nỗi không bao giờ sợ hãi trước mặt loài người”.

Chứng nhân của Chúa Kitô là người không biết sợ vì biết rằng sự phán xét đời đời sẽ điều chỉnh lại sự phán xét tạm thời.

2. Mệnh lệnh thứ hai nằm ở trong câu 28.

Một cách đơn giản điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây phải hiểu là không có hình phạt nào của con người có thể so sánh được với số phận tối hậu của một người cả dám phạm tội bất tuân đối với lệnh Chúa truyền. Con người chỉ có thể giết chết được thân xác. Thiên Chúa mới là Đấng có thể lên án chết cho cả xác và hồn.

Người Do thái hiểu rất rõ điều Chúa muốn nói: nếu Chúa mà trừng phạt thì thật là khủng khiếp. Sách khôn ngoan có chép: “Quả thực Thiên Chúa có quyền trên sự sống và sự chết. Ngài đưa xuống tận âm phủ rồi lại kéo ra. Còn người ta do lòng gian ác có thể giết chết, nhưng khi linh hồn xuất ra rồi, nó không tài nào dẫn về được, cũng không giải thoát linh hồn ra khỏi âm phủ được”.

Trong cuộc khởi nghĩa Maccabê, lúc phải chịu chết vì đạo 7 anh em trong gia đình đã dùng những lời như thế này để khích lệ nhau: “Đừng sợ những kẻ tưởng có thể giết chết được chúng ta. Những cực nhọc và đau đớn khủng khiếp của phần hồn trong sự trừng phạt đời đời đang chờ đợi những ai dám vi phạm giới răn của Đức Chúa Trời”

b/ Phải nhớ rằng những hình phạt của loài người chẳng có nghĩa gì đối với sự trừng phạt của Thiên Chúa cũng như phần thưởng người thương ban.

3. Mệnh lệnh thứ 3 nằm ở trong câu 31

Đừng sợ vì Thiên Chúa luôn chăm lo cho những ai biết phụng sự Người.

Nếu Người đã chăm sóc cả đến những con chim sẻ thì chẳng lẽ Người lại không lưu tâm để ý đến những kẻ phụng sự Người sao?

Mathêo nói: hai con chim sẻ được bán để lấy một xu, ấy thế mà có con nào rơi xuống đất mà Chúa không để ý đến đâu.

Luca diễn tả lời Chúa nói dưới một hình thức khác “Năm con chim sẻ há chẳng bán được hai đồng sao? Thế mà trước mặt Thiên Chúa không một con nào bị bỏ quên” (12,6).

Chắc chắn khi Chúa phán những lời đó, người Do thái hiểu rất rõ. Chẳng có dân tộc nào hiểu rõ sự chăm sóc tỉ mỉ của Thiên Chúa đối với con người bằng dân tộc được Chúa tuyển chọn một cách đặc biệt.

Rabi Chania nói: “Ở trần gian này không ai làm tổn thương đến ngón tay mình trừ khi Thiên Chúa đã định” Trong sách của các Rabi còn ghi lại câu này: “Chúa Giavê nuôi cả thế giới từ cái sừng trâu cho đến cái trứng rận”

Tình thương của Thiên Chúa không phải chỉ được diễn tả qua việc tạo thành hay trong những biến cố lớn lao của Lịch sử mà chúng ta còn có thể tìm thấy được cả trong sự chăm nuôi của Thiên Chúa dành cho con người cũng như các thụ tạo của Người.

Như vậy thì chúng ta còn phải sợ ai ?

II. Vâng kính thưa anh chị em. Đó là những lời đầy lòng yêu thương của Chúa. Nhưng trong thực tế thử hỏi rằng những người theo Chúa có dám sống như Chúa mong muốn hay không? Câu trả lời là vừa có vừa không. Trong cơn bách hại chắc chắn có những người sẽ trung thành nhưng bên cạnh đó chắc chắn cũng có những người phản bội. Chúa đã thấy trước điều đó và chính vì thế mà Chúa long trọng nói lên như một lời hứa, như một lời thề “Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời thì Thầy sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời thì Thầy sẽ chối người đó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời.”

Nhìn lại Lịch sử của Giáo Hội, chúng ta đã thấy có rất nhiều anh hùng. Đầu tiên là nhóm 12. Ngoại trừ một mình Giuđa. Giuđa có tội bán Chúa. Nhưng cái tội lớn hơn theo tôi đó là tội thất vọng, tội mất niềm vào Chúa và vì thế Ông đã kết thúc cuộc đời của mình một cách thảm bại. Còn các tông đồ khác, các Ngài đã trung thành tới cùng mặc dầu trên con đường theo Chúa họ có cả những lỗi lầm. Chúng ta còn nhớ lời tuyên bố thật rõ ràng của Phêrô và Gioan trước Thượng Hội đồng của người Do Thái: “Chúng tôi không thể không nói lên những điều chúng tôi đã mắt thấy tai nghe”

Sau đó chúng ta được chứng kiến những trang sử hào hùng của 3 thế kỷ đẫm máu, thời mà Giáo Hội phải thở bằng máu. Dù bị phanh thây phơi xác, các anh hùng tử đạo cũng luôn trung thành.

Nhìn vào Giáo Hội VN những trang sử ban đầu cũng thế… đẫm máu, nhưng đó là những trang sử hào hùng để lại cho những thế hệ mai sau một niềm tự hào thánh thiện vì họ là dòng dõi của những tổ tiên anh hùng .

Rồi trải qua suốt dòng lịch sử, những chứng nhân kiên cường và anh hùng vẫn không thiếu.

Mới đây tại Algérie một nhóm tu sĩ Trappiste bị nhóm Hồi giáo cực đoan bắt cóc và sau đó Bộ trưởng Nội Vụ Algérie tuyên bố là đã tìm thấy xác 7 đan sĩ đã bị giết. Trong một lá thư gửi cho gia đình cách đây hai năm, một tu sĩ trong nhóm bị sát hại đã viết: “Nếu con có chết thì cũng đừng coi cái chết của con như là một sự tử đạo. Việc tử đạo quá dễ. Nhưng hãy coi cái chết của con như là việc hoàn thành một hy tế mà Đức Giêsu muốn con cùng dâng hiến với Ngài”.

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng rất hay của Chúa Giêsu.

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn bài Tin Mừng này để đọc trong ngày lễ đăng quang Giáo Hoàng của Ngài.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng con thấy Chúa Giêsu đã ba lần nói với mọi người “Đừng sợ”

1. Sợ trong cuộc sống con người.

Cha hỏi chúng con đã có bao giờ chúng con sợ chưa?

– Dạ thưa cha có…Có rất nhiều.

– Chúng con sợ cái gì nào?

– Sợ chết, sợ bị phạt, sợ ma, sợ thi rớt, sợ nhiều thứ lắm.

– Đúng là cuộc đời có nhiều thứ đáng sợ quá. Nỗi sợ cứ đeo bám cả cuộc đời của con người. Còn bé thì sợ phải xa mẹ, lớn lên một chút thì sợ già, người già sợ chết. Chết thì sở xuống hỏa ngục.

Sợ hãi còn xuất hiện dưới muôn ngàn dáng vẻ. Sợ cô đơn, sợ bệnh tật, sợ phụ bạc, sợ tương lai. Sợ thất nghiệp, sợ đói nghèo, sợ thất học, sợ chia ly…

Lại còn cá cả những nỗi sợ mang tính đạo đức nữa: sợ phải sống theo lương tâm, sợ phải đối diện phải với sự thật, sợ trước sự ác đang hoành hành, sợ tôn giáo bị mai một v.vv

Ngoái ra nhiều khi con người còn sợ nhau: người da đen sợ người da trắng, nước nghèo sợ nước giàu, bạn bè, anh em, hàng xóm cũng sợ nhau.

Và sau hết chúng con thấy thấy nhiều người còn sợ Chúa, sợ cha, sợ mẹ, hay như nô lệ sợ một ông chủ khó tính của mình.

Vâng! Nỗi sợ cứ quấn lấy cả đời người.

Có lần một lữ khách gặp “thần dịch hạch” đang trên đường tới Baghdad. Lữ khách hỏi:

– Ngài đi đâu đấy?

Thần dịch hạch đáp:

– Ta được lệnh đi giết 5.000 người ở thành phố này.

Lữ khách rùng mình và vội rẽ sang lối khác. Tuy nhiên, sau đó lữ khách gặp một người lánh nạn từ thành phố chết chóc ấy và được cho biết rằng không phải 5.000 người mà tới 50.000 người đã chết vì bệnh dịch hạch.

Lần sau khi gặp lại thần dịch hạch đang tới một thành phố khác. Lữ khách xẵng giọng với thần dịch hạch:

– Ông là người nói láo. Ông bảo rằng ông chỉ giết 5.000 người, tại sao số người chết lên tới 50.000 người?

Thần dịch hạch ra chiều thỏa mãn và giải thích:

– Này bạn ơi! Tôi thực chỉ giết có 5.000 người thôi, số còn lại, họ sợ quá mà chết đấy.(Cheer Up)

Trong một tập truyện cố ngày xưa người ta đọc được câu chuyện này: Ở phía Nam cửa sông Hạ có một người tên gọi là Quyên Thục Lương. Anh ta ngu dốt lại hết sức nhát gan, nhìn thấy cái gì cũng sợ hãi.

Có lần anh ta đi đêm dưới ánh trăng rằm lồng lộng, chợt anh cúi đầu xuống, trông thấy cái bóng của mình cũng rảo bước theo anh. Anh tưởng là con quỷ đang đuổi theo. Anh ngẩng đầu lên, trông thấy tóc mình lòa xòa trước trán, anh cho là ma quái đang chặn đường. Anh ta sợ quá, Hồn bay phách lạc, liều mạng tháo chạy. Vừa về đến sân, chưa kịp bước vào nhà, anh bị đứt mạch máu, lăn đùng ra mà chết.

Đúng là nỗi sợ đáng sợ thật. Nó làm cho cuộc sống mất đi nhiều niềm vui. Nó giết chết sức mạnh của nghị lực. Nó làm tiêu tan nhiều hy vọng. Nó làm cho cuộc sống không còn dám sống.

Chính vì thế mà ông Dale Carnegie một nhà tư tưởng lớn của thời đại trong một cuốn sách rất nổi tiếng của ông, cuốn “Quảng gánh lo đi và vui sống” đã dành một phần rất quan trọng trong cuốn này để khuyên mọi người đừng để cho nỗi sợ chi phối cuộc đời của mình.

Cha hỏi chúng con chúng con có biết một người rất nổi tiếng, người đó đã có lần đến Việt Nam chúng ta. Người đó sinh ra đã không có hai tay, hai chân ..

– Thưa cha đó là Nick Vujivic.

– Chúng con rất giỏi.

Nick Vujivic sinh ra bất hạnh như vậy, thế mà ông đã cố gắng vượt qua mọi nỗi sợ hãi để sống vươn lên thành một người có ích.

Đây là những tâm sự của Nick Vujivic: Rất nhiều người bị ám ảnh bởi những nỗi sợ hãi luôn nghĩ đến những chuyện gì sẽ xảy ra

– Điều gì sẽ xảy ra nếu mình thất bại?

– Điều gì sẽ xảy ra nếu mình không đủ tốt?

– Điều gì sẽ xảy ra nếu họ cười mình?

– Điều gì sẽ xảy ra nếu mình bị gạt bò?

– Điều gì sẽ xảy ra nếu mình không thể duy trì những thành công?

Tôi hiểu cách nghĩ đó. Khi lớn lên tôi đã phải đương đầu với nỗi sợ khủng khiếp sợ bị loại bỏ, sợ bản thân mình khiếm khuyết, sợ bị phụ thuộc. Đó không chỉ là sự tưởng tượng của tôi: thân thể tôi thiếu các bộ phận mà ai cũng có. Nhưng cha mẹ đã bảo rằng tôi không nên lúc nào cũng nghĩ đến những khuyết tật của mình mà hãy nghĩ đến những gì tôi có thể tạo ra nếu dám theo đuổi mơ ước.

“Hãy mơ những giấc mơ lớn, Nicky ạ, và đừng bao giờ để nỗi sợ hãi ngăn cản con thực hiện ước mơ của mình”, cha mẹ tôi nói. “Con không thể để cho sợ hãi định đoạt tương lai của con. Hãy chọn cuộc sống mà con mong muốn và cố gắng vươn tới cuộc sống đó”.

Cho đến nay tôi đã nói chuyện với rất nhiều khán thính giả ở gần hai mươi nước trên thế giới. Tôi đã mang thông điệp của hy vọng và niềm tin truyền cho những đám đông hàng nghìn người tại các sân vận động, diễn đàn, trường học, nhà thờ, nhà tù. Tôi không bao giờ có thể làm được điều đó nếu như cha mẹ không khuyến khích tôi nhận thức được những nỗi sợ hãi của mình để rồi chiến thắng chúng.

Đừng Để Nỗi Sợ Ám Ảnh Bạn

– Hãy Biến Nỗi Sợ Thành Động Lực

– Hãy Vượt Lên Nỗi Sợ Hãi

2. Sợ đối với những người có niềm tin vào Chúa.

Chúa Giêsu đã khuyên gì về sự sợ hãi? Đây chúng con hãy nghe.

– Anh em đừng sợ người ta.

– Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn.

– Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

Ba lần Chúa bảo đừng sợ.

Tại sao Chúa bảo thế ? Thưa vì Chúa muốn cho những người theo Chúa phải biết can đảm. Phải can đảm để sống. Vì sự sống là hồng ân của Chúa. Phải can đảm làm chứng cho Chúa. “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. (Mt 10,32-33)

Phải biết tin tưởng vào sự yêu thương quan phòng của Chúa. Nếu bông hoa ngoài đồng mà Chúa còn chăm sóc, nếu những con chim sẻ mà Chúa còn nuôi dưỡng thì con người là tạo vật yêu thương của Chúa, thì Chúa sẽ chăm sóc như thế nào.

Bởi vậy hãy can đảm. Hãy tin tưởng vào Chúa để được luôn được sống bình an và hạnh phúc

Người mẹ và đứa con gái 4 tuổi chuẩn bị ngủ đêm. Đứa con sợ sợ bóng đêm và người mẹ, ở một mình với con, cũng sợ. Khi đèn đã tắt, người con thấy bóng trăng ngoài cửa sổ, em hỏi mẹ:

– Mặt trăng có phải là ánh sáng của Chúa không hả mẹ?

– Phải, ánh sáng của Chúa luôn luôn giải chiếu

– Chúa có tắt đèn để đi ngủ chăng?

– Không con ạ, Chúa không bao giờ ngủ.

Lời nói của mẹ làm con yên chí. Đứa con nói tiếp:

– Vậy thì bao lâu Chúa còn thức, con không sợ gì?

Một vị tuyên úy người Mỹ vừa giảng một bài cho các binh sĩ Mỹ trong một thánh lễ tại một giáo đường ở Châu Âu. Chủ đề của bài giảng là: “Hãy tự hào về Đức tin Công giáo của bạn: Đừng xấu hổ khi phải tuyên xưng nó”.

Sau thánh lễ, một lính thuỷ do rất xúc động vì bài giảng đã chặn vị tuyên úy ngay trước cửa giáo đường và hỏi:

– Thưa Cha, Cha có bằng lòng nghe con xưng tội không?

Vị tuyên úy trả lời:

– Tôi rất hạnh phúc được nghe anh xưng tội.

Thế là chàng lính thủy quì ngay xuống lối đi bên cạnh ngay trước giáo đường. Vị tuyên úy vội nói:

– Đừng quì gối kẻo thiên hạ nhìn kìa!

Chàng lính thủy đáp lại:

– Kệ họ, thưa Cha, cứ để họ nhìn, con hãnh diện về đức tin của con.

Mình Máu Thánh Chúa! Một mầu nhiệm vừa tế nhị vừa rất khó hiểu.

I. CÁI NHÌN LỊCH SỬ

Cũng như Mầu nhiệm Phục sinh, mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa có liên hệ rất mật thiết với cuộc đời của mỗi người chúng ta

Để chuẩn bị cho các tông đồ đón nhận mầu nhiệm Phục sinh, Chúa đã thực hiện ba phép lạ:

1/ Cho con gái ông Giairô mới chết được sống lại.

2/ Phục sinh chàng thanh niên con bà góa thành Naim, đã chết, người ta đang khiêng đi chôn,

3/ Cuối cùng là phục sinh Lazarô, người đã chết và đã chôn trong mộ bốn ngày.

Cũng vậy để chuẩn bị cho các tông đồ và những người tin Chúa đón nhận Màu nhiệm Thánh Thể, Chúa đã làm 2 phép lạ thật lớn: Hóa bánh ra nhiều hai lần và cộng thêm vào đó là một bài giảng rất dài và rất quyết liệt về Bánh hằng sống. Chúa nói thật rõ: “Thịt ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống – Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời”(Ga 6,55)

Lời Chúa là như thế nhưng tin vào bánh trở thành thịt và rượu trở thành máu Máu Chúa vẫn còn là một khoảng cách rất dài.

Vào thế kỷ thứ 8 tại Lanciano nước Ý, một linh mục dòng thánh Basiliô đang khi cử hành thánh lễ, sau khi truyền phép xong, bỗng nghi ngờ sự hiện diện của Chúa dưới hình bánh rượu thì lập tức Phép lạ đã xảy ra ngay trong tay vị linh mục đó: Bánh trở nên thịt sống và rượu trở nên máu tươi.

Đây là phép lạ hàng đầu- và có thể coi là phép lạ lớn nhất trong số hơn 40 phép lạ Chúa đã làm trải dài qua dòng thời gian cho đến ngày hôm nay, để củng cố niềm tin của con người trước mầu nhiệm kỳ diệu này.

Phép lạ tại Lanciano còn được lưu giữ cho đến ngày hôm nay tại nhà thờ Thánh Phanxicô bên Ý. Giáo quyền đã cho phép thực hiện nhiều cuộc giảo nghiệm do giáo quyền cùng làm việc với những người chuyên môn:

Năm 1574 do Đức Cha Rodriguez.

Năm 1637 do Cha Tổng đại diện Giáo phận

Năm 1770 do Đức Cha Cervasone

Năm 1886 do Đức Cha Fetrarco

Và gần đây nhất vào thời đại của chúng ta, do nhu cầu cần phải xác minh thêm một lần nữa, giáo quyền đã cho phép thực hiện một cuộc giảo nghiệm mới, với những phương tiện mới hơn để khẳng định một cách khách quan hơn về tính cách lạ lùng của Phép lạ này.

Được giáo quyền cho phép, ngày 18/11/1970 các cha dòng Phanxicô, những người có trách nhiệm bảo lưu đã trao thánh tích cho một nhóm chuyên viên khoa học để họ làm công việc tế nhị và khó khăn này.

Nhóm này do Giáo sư Odoardo Linoli với sự cộng tác của Giáo sư Ruggero Bartelli thuộc đại học nổi tiếng Siena điều khiển.

Công việc được thực hiện một cách hết sức khoa học và nghiêm túc. Đến ngày 4/3/1971 tại nhà thờ Thánh Phanxicô chính Giáo sư Linoli chủ tọa buổi đúc kết công trình nghiên cứu trước sự hiện diện của giáo quyền, chính quyền, đại biểu giới văn học, y học. Các cuộc phân tích được minh họa bằng một loạt các hình ảnh chụp dưới kính hiển vi.

Sau đây là kết luận của công trình nghiên cứu được nhiều tạp chí khoa học trên thế giới đăng tải

1. Thịt này là thịt thật. Máu này đúng là máu thật.

2. Thịt và máu là thịt và máu của con người

3. Thịt và máu đều thuộc cùng nhóm A-B

4. Đồ hình của Máu này giống với đồ hình của máu người được trích lấy từ một cơ thể con người trong một ngày.

5. Thịt được làm thành từ mô cơ tim.

6. Thịt máu hoàn toàn giống với thịt máu của một người sống thực sự.

7. Không hề tìm thấy dấu vết việc tẩm ướp mô tế bào bởi bất cứ một hóa chất nào được dùng trong kỹ thuật bảo trì bằng tẩm ướp.

8. Miếng thịt này được lấy ra từ phần thịt của trái tim một cách khéo léo tuyệt mỹ như do một nhà phẫu thuật tài ba thực hiện.

9. Hàm lượng các protéin chứa trong máu được phân phối đều đặn theo tỷ lệ y hệt như trong đồ hình protéin huyết thanh của máu tươi bình thường.

10. Trong máu có các chất chlorua, photspho, manhêdi, potassium, sodium và calcium.

11. Việc các di vật thánh này được lưu giữ một cách tự nhiên từ bao thế kỷ, bất chấp ảnh hưởng của những xúc tác vật lý, không khí, sinh vật…là một hiện tượng không sao giải thích được theo phương diện khoa học.

Như vậy chúng ta có thể nói sau khi được mời gọi để thẩm định, Khoa học đã nói lên tiếng nói khách quan của mình về phép lạ Chúa đã làm tại Lanciano.

II. CHÚA LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ ĐỂ LÀM GÌ?

a/ Trước hết để thực hiện một lời hứa: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20)

Thiên Chúa muốn được gần gũi với con người, tạo vật kỳ diệu nhất trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Ngay từ trong Cựu Ước, ý muốn đó đã được nói lên:

* Nói lên bằng lời: “Niềm vui của Ta là được ở giữa loài người.”

* Nói lên một cách cụ thể bằng hòm bia thánh.

* Nói lên bằng một việc làm cụ thể: Đó là Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể – nói theo Cha Teilhard de Chardin – là để Chúa có thể hiện diện tràn lan trên khắp địa cầu.

b/ Để tiếp tục bày tỏ cho con người biết là Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người và cho con người được sống sự sống của Ngài.

Về điểm này Cha Teilhard de Chardin diễn tả rất hay: “Nhờ hiệu quả của việc Ngài dấn mình vào giữa lòng thế giới mà những dòng nước lớn của vật chất êm đềm có đầy sức sống. Nhìn bề ngoài thì chẳng có gì xao động dưới cuộc biến dạng khôn tả này. Tuy nhiên khi tiếp xúc với Lời Bản thể thì vũ trụ đã trở thành nhục thể Ngài cách kỳ diệu”.

Con người được sống chính sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa chia sẻ sự sống của Chúa cho con người. Chẳng có gì hạnh phúc hơn. Chẳng có gì kỳ diệu hơn.

c/ Cuối cùng, Chúa ở trong Bí tích Thánh Thể để giúp cho mọi người nhận ra mình là anh chị em với nhau trong Chúa.

Trong cuộc khủng hoảng con tin xảy ra ở Perou cách đây không lâu. Một cuộc khủng hoảng dai dẳng, nghẹt thở kéo dài nhiều tuần lễ, người ta đã hết lời ca tụng một người. Người đó chính là cha Juan Julio Wicht. Ngài được thả vào ngày nhưng ngài tình nguyện ở lại. Việc Ngài ở lại đã làm nức lòng thủ lãnh của quân khủng bố. Ngày 18/4/1965 nhân ngày sinh nhật của Ngài, Nestor Cerpa Carlotini thủ lãnh quân khủng bố có gửi đến Ngài một điện văn như sau: “Mặc dù giữa chúng ta có những khác biệt nhưng chúng tôi muốn gửi đến cha những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày sinh nhật của cha cũng như lòng kính trọng của chúng tôi với quyết định ở lại của cha”.

Sau này khi được hỏi về những ngày bị giam giữ, Cha Juan Julio Wicht đã nói: “Các du kích đã không làm gì xúc phạm đến chúng tôi trong lời nói cũng như trong việc làm”

Chính sự hiện diện của Cha đã làm cho mọi người đối xử tốt với nhau hơn.

Chúa Giêsu cũng thế. Đây là tâm sự của cha Jacques Loew: “Tôi có thể nói như hai môn đệ Emmau: Tôi nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh. Chính lúc bẻ bánh chúng tôi mới nhận ra chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô. Có những người mà trước đó gặp ngoài đường, chúng ta dửng dưng như người xa lạ, nhưng trên bàn tiệc thánh, chúng ta thấy gần gũi với nhau. Tôi gặp Chúa Kitô nơi họ, cũng như họ gặp Chúa Kitô nơi tôi. Bởi chúng tôi cùng tin Phúc Âm, cũng lãnh nhận một của ăn là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô”.

Chúng con yêu quí,

1. Hôm nay chúng ta mừng lễ gì chúng con?

– Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa.

– Rất đúng.

– Việc Chúa bảo Chúa lấy Mình Chúa làm của ăn và Máu Chúa làm của uống lần đầu tiên được Chúa làm lúc nào chúng con?

– Thưa cha: Trong bữa Tiệc Ly trước khi Chúa đi chịu chết.

– Đúng rồi! Chúng con rất giỏi. Đúng là Chúa đã làm một việc mà con người không thể ngờ tới. Việc Chúa làm mãi về sau người ta mới hiểu được. Chúa làm việc đó để thực hiện một lời hứa: “Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho tới ngày tận thế”(Mt 28,20).

Chúa hứa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế nhưng làm thế nào để cho lời hứa đó thành sự thật được?

Làm sao mà một người như Chúa lại có thể làm được việc đó. Chúa có phải là một người có đời sống “bất tử’ đâu? Chúa đã chịu chết trên Thánh Giá và như Tin Mừng kể lại Chúa đã lên trời rồi mà! Thế thì làm sao mà Chúa lại bảo là Chúa ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế. Đúng là Chúa không thể nào làm được như thế nếu Chúa chỉ là một con người như bao người khác. Nhưng chúng con nhớ Chúa không phải chỉ là người mà Chúa còn là Thiên Chúa. Và với tư cách là một Thiên Chúa, Chúa có thể làm được tất cả những gì Chúa muốn. Những gì con người không thể nghĩ ra, không thể làm được thì Chúa làm được. Chúng ta đã từng được thấy những việc lạ lùng Chúa làm trong Tin Mừng. Thí dụ như việc Đức Mẹ được chịu thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, thí dụ rõ rệt nhất như việc Chúa tự mình sống lại từ cõi chết. Thế thì việc Chúa muốn ở lại với loài người cho đến ngày tận thế cũng là việc Chúa làm được thôi.

Chúa làm bằng cách nào chúng con biết không?

– Thưa Chúa làm qua con đường Bí Tích.

Chúng con còn nhớ trước khi phó mình để chịu chết, trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh Chúa đã làm gì không?

– Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục.

Bí tích Thánh thể để biến bánh thành Mình Thánh Chúa, biến rượu nho thành Máy Thánh Chúa.

Chúng con có nhớ Chúa nói thế nào không? Tin Mừng còn ghi thật rõ: “Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.(Mt 26,26-29) và ngay sau đó Chúa truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”(Lc 22,19).

Bí tích Thánh Thể để biến bánh thành Mình Chúa, biến rượu thành Máu Thánh Chúa. Chức Linh Mục đề cho việc này được được làm đi làm lại mãi mãi cho đến ngày tận thế để Chúa ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế.

Cha nói lại một lần nữa. Đây là việc chỉ có quyền phép của Chúa mới làm được. Chúa đã dùng Bí tích Thánh Thể để ban sự sống của Chúa cho chúng ta. Chúng ta hãy cám ơn Chúa về việc quá vĩ đại này.

2. Bây giờ cha hỏi thêm chúng con: Vì Sao Chúa Lại Muốn Trao Ban Sự Sống Cho Chúng Ta?

Chúa muốn trao ban cho chúng ta sự sống của Chúa để chúng ta được sống bằng chính sự sống của Ngài, và sống thật dồi dào.

Chúng con con biết, khi nhận Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống thần linh của chính Ngài, nhưng sự sống đó còn non nớt, còn ở trong tình trạng phôi thai, luôn bị đe dọa bởi cám dỗ, tội lỗi, có nguy cơ suy thoái, lụi tàn. Chính vì thế mà mỗi ngày Chúa Giêsu dùng Mình Máu Ngài để tiếp sức và cho chúng ta có thêm sức sống mới để Ngài gìn giữ, củng cố, nuôi dưỡng đời sống thần linh trong chúng ta. Chẳng những vậy mà còn làm tăng trưởng, làm cho sự sống đó thêm tràn đầy, sinh hoa kết quả dồi dào trong tâm hồn. Cũng giống như mỗi ngày chúng ta phải ăn uống tiếp nhận thêm thực phẩm để duy trì và bảo vệ sự sống của chúng ta vậy.

Như vậy chúng ta không được coi Bí tích Thánh Thể chỉ như là một thứ phụ thuộc bên ngoài, một thứ gia vị không cần thiết, một thứ quà ăn dặm thêm ngoài bữa. Nhưng là một nhu cầu, một lương thực chính yếu. Nhiều khi Mình Máu Chúa Giêsu còn cần thiết như một phương thế cấp cứu, giống như dưỡng khí, nước biển để cấp cứu bệnh nhân. Không có Chúa Giêsu Thánh Thể bổ dưỡng, chúng ta khó có thể sống một cuộc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Không có Chúa Giêsu Thánh thể giúp đỡ chúng ta khó mà sống được một cuộc sống đáng nể phục.

Cha kể cho chúng con câu chuyện có thục này: Mẹ thánh Têrêxa ở Calcutta có một quy định này: khi một ai mới đến để xin gia nhập vào dòng của Mẹ, Dòng Thừa Sai Bác ái, thì ngay ngày hôm sau, người ấy phải đến Nhà Bệnh nhân Hấp hối.

Một ngày kia, có một cô gái từ bên ngoài nước Ấn Độ đến và Mẹ thánh Têrêxa đã nói với cô: “Chắc là con đã thấy linh mục chạm vào Đức Giêsu trong bánh thánh lúc cử hành thánh lễ với sự yêu thương và chăm sóc như thế nào rồi chứ!. Bây giờ con cũng đi đến Nhà của những người hấp hối và làm như thế, bởi vì con sẽ tìm thấy ở đó, trong những thân thể đau thương của người nghèo. Họ chính là thân thể Đức Giêsu”

Chị ấy ra đi và ba giờ sau chị trở về và với nụ cười trên môi, chị nói với Mẹ: “Thưa Mẹ, con đã chạm vào thân thể Đức Kitô trong suốt ba giờ!”

Thế nào? Con đã làm gì? Mẹ Têrêxa hỏi chị.

– Khi con đến đó “, chị đáp “người ta khiêng vào một người đàn ông đã ngã xuống một cống nước, và đã nằm ở đó trong một thời gian. Người ông bẩn thỉu và có vài vết thương. Con đã tắm rửa và lau các vết thương cho ông. Khi con làm như thế, con biết rằng con đã chạm vào thân thể của Đức Kitô”. Để có thể sống được cuộc sống đáng nể phục như thế, con người phải cậy dựa vào sự giúp đỡ của chính Chúa mà trên hết là sự giúp đỡ mà Thánh Thể đem lại.

Chính Mẹ Têrêxa cũng đã phải khẳng định: “Trong Bí tích Thánh Thể, tôi nhận được lương thực tâm linh nâng đỡ tôi trong mọi công việc. Không có Thánh Thể, tôi không thể sống nổi dù chỉ một ngày hoặc một giờ trong đời tôi “

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể xin làm cho mọi người chúng con biết nhận ra Chúa trong mỗi người chúng con gặp và cho chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con.

Kính thưa anh chị em,

Suốt trong thời gian thật dài vừa qua, chúng ta đã có dịp nói với nhau nhiều về Chúa Giêsu.

Tuần vừa qua chúng ta đã suy niệm về Chúa Thánh Thần.

Hôm nay Giáo Hội dẫn chúng ta vào trọng tâm quan trọng nhất của niềm tin khi Giáo Hội, hướng chúng ta về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm cột trụ của Đạo.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm rất khó trình bày. Khó không phải về phía Thiên Chúa mà khó về phía con người chúng ta. Ngôn ngữ của chúng ta không đủ sức để diễn tả về một mầu nhiệm cao cả như thế này.

Ở đây tôi cũng không dám có một tham vọng làm cho anh chị em hiểu thật rõ mầu nhiệm này. Tuy nhiên tôi cũng phải cố gắng nói một điều gì đó cho việc cử hành phụng vụ hôm nay.

Tôi xin dựa vào Thánh Kinh để nói với anh chị em. Vậy thử hỏi Thánh Kinh đã nói gì về mầu nhiệm này?

A. Trước hết là Cựu ước.

Có thể nói Cựu ước không có một chỉ dẫn nào rõ rệt về Mầu nhiệm này.

a- Hình ảnh đầu tiên mà người ta gặp ở trong Cựu Ước về Thiên Chúa là hình ảnh về một Thiên Chúa đầy uy quyền và đáng sợ.

+ Ngay từ chương đầu của sách Sáng Thế Ký, chúng ta đã thấy điều đó. Chỉ cần một lời là Thiên Chúa đã làm nên mọi sự. Cả công trình sáng tạo: Chỉ cần Thiên Chúa phán một lời là có tất cả. Đối với con người thì cách diễn tả có hơi khác một chút nhưng tựu trung thì chúng ta thấy Thiên Chúa chẳng cần phải vất vả gì Người cũng làm được mọi sự Người muốn.

+ Nhưng bên cạnh đó ta cũng thấy một Thiên Chúa thật đáng sợ. Thiên Chúa tập trung mọi quyền hành trong tay của Người, sẵn sàng trừng phạt tất cả những ai dám chống đối, dám đi ngược lại với những cấm kỵ mà Người đã ban bố. Câu chuyện Adam-Evà và nhất là câu truyện lụt Đại Hồng Thủy cho chúng ta thấy điều đó. Thiên Chúa sẵn sàng dìm gần như cả loài người xuống nước khi loài người cố tình đi xa đường lối của Chúa. Cha Maurice Zundel gọi Thiên Chúa của thời kỳ này là “Thiên Chúa cảnh sát.”

b- Bước sang giai đoạn thứ hai của Cựu Ước.

Bên cạnh hình ảnh một Thiên Chúa đầy uy quyền, chúng ta còn thấy một Thiên Chúa độc tôn, duy nhất và xa cách với con người.

+ Bài sách thánh thứ I mà chúng ta vừa nghe khẳng định một chân lý thật quan trọng trong giai đoạn này: Thiên Chúa là Đấng thống trị, Chúa duy nhất.

+ Thiên Chúa duy nhất đó vẫn còn là một Thiên Chúa đáng kính sợ…loài người không xứng đáng được gần Người. Moise phải tụt giày ra mới được chạm tới nơi Người ngự xuống. Dân chúng thì phải cách xa hơn…kẻ nào dám vượt qua cái giới hạn đã được vạch sẵn thì lập tức sẽ phải chết.

+ Sau này khi hòm bia Giao Ước được trao cho con người gìn giữ thì cũng chỉ có những ai được chỉ định đặc biệt mới được vào mà dâng hương. Ngoài ra thì không ai được bén mảng tới. Kẻ nào mà dám liều lĩnh thì hình phạt sẽ không thể lường được.

Đó là hình ảnh về một Thiên Chúa mà chúng ta gặp trong Cựu Ước.

B. Bước sang thời Tân Ước, chúng ta đã thấy có một bước nhảy vọt thật đáng mừng. Thiên Chúa không còn phải là Thiên Chúa đầy uy quyền và xa cách với con người nữa mà đã trở thành một Thiên Chúa gần gũi với con người.

+ Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện sứ thần truyền tin cho Đức Maria. Thật là một sự thể không ai có thể tưởng tượng trước được. Một Thiên Chúa làm người. Người trở thành EMMANUEL…nghĩa là Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Thiên Chúa không còn xa cách con người nữa nhưng đã đi vào cuộc sống và sống như một con người, bằng xương bằng thịt. Thánh Gioan đã viết cho các tín hữu của Người như thế này: “Chúng tôi đã sờ thấy Ngôi Lời hằng sống” Phêrô cũng viết tương tự như thế: “Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người”

+ Thời đại của một Thiên Chúa đáng sợ và xa cách đã chấm dứt để nhường chỗ cho một Thiên Chúa hiền lành và khiêm nhường ở giữa loài người. Tuy nhiên đó chưa phải là hình ảnh mà Thiên Chúa muốn cho con người chúng ta có về Người.

+ Hình ảnh đúng mà con người phải có về Thiên Chúa là hình ảnh về một Thiên Chúa Ngôi vị. Đây là mặc khải quan trọng nhất trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Hình ảnh này phải đợi mãi tới những ngày cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu chúng ta mới được Người mặc khải cho chúng ta khi Người nói cho chúng ta về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần…và nhất là lệnh truyền của Người khi Người sai các sứ giả phải nhân danh Chúa Cha – Chúa Con và Chúa Thánh thần mà rao giảng cho mọi người biết về một Thiên Chúa yêu thương loài người.

Vâng chính vì yêu thương mà Chúa đã dựng nên loài người. Cũng vì yêu thương mà Người đã cứu chuộc và cũng chính vì yêu thương mà Người vẫn tiếp tục thánh hóa loài người chúng ta. Người chính là Tình yêu.

Chúng ta hãy hết lòng thờ kính Người.

C. Abraham từ ngày được Chúa chọn ngày càng sống tâm tình với Chúa và xa cách các thần tượng. Thấy thế ông thân sinh dẫn Abraham đến trước mặt vua Ramos.

Nhà Vua hỏi Abraham:

– Tại sao nhà ngươi lại không tôn thờ các thần tượng của vương quốc?

+ Tâu hoàng thượng! – Abraham trả lời một cách cương quyết. Bởi vì lửa có thể thiêu rủi các thần tượng ấy.

– Như vậy thì hãy tôn thờ lửa. Nhà vua nói.

Abraham thưa lại:

+ Nếu thế thì hạ thần tôn thờ nước thì tốt hơn. Vì nước dập tắt được lửa.

– Thế thì hãy tôn thờ nước.

+ Tâu hoàng thượng, không. Hạ thần tôn thờ mây thì tốt hơn bởi vì nước từ mây mà ra.

– Thế thì hãy tôn thờ mây đi.

+ Tâu hoàng thượng không. Vì gió mạnh hơn mây và gió thổi làm mây phải tan biến.

– Vậy thì hãy tôn thờ gió.

Nghe thế Abraham trả lời vua Ramos:

– Nếu gió là Thiên Chúa…thì ta hãy tôn thờ con người vì con người có hơi thở.

Nhà vua đã bắt đầu có dấu hiệu không còn đủ kiên nhẫn, tuy nhiên nhà vua cũng ráng giữ vẻ ôn tồn bảo Abraham:

– Vậy thì hãy tôn thờ con người

Abraham trả lời:

+ Tâu hoàng thượng không ! Vì con người phải chết.

Nhà vua giận dữ quát lên:

– Vậy hãy tôn thờ sự chết đi.

Abraham dõng dạc trả lời: “Đấng duy nhất phải tôn thờ là Chúa tể của cả sự sống và sự chết. Đấng đó là Thiên Chúa, Chúa của hạ thần”.

Vâng chúng con cũng vậy. Chúng con xin tôn thờ Chúa là Chúa của chúng con. Chính Chúa đã ban cho chúng con sự sống. Chính Chúa cứu chuộc chúng con để chúng con được sống dồi dào. Vận mệnh của mỗi người chúng con ở trong tay Chúa. Xin Chúa giữ gìn và thánh hóa chúng con, giúp chúng con đạt tới quê hương trên trời mai sau. Amen.

Chúng con yêu quí

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ gì vậy chúng con?

– Thưa cha, Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

– Rất đúng. Chúng con rất giỏi.

Chúng con đã được học giáo lý. Chúng con đã biết Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi gồm Ngôi thứ Nhất là….

– Là Chúa Cha.

– Còn Ngôi thứ Hai là….

– Thưa cha là Chúa Con

– Và Ngôi thứ Ba là

– Là Chúa Thánh Thần.

Cha không muốn dài dòng nữa. Cha muốn đi ngay vào vấn đề cha muốn nói với chúng con hôm nay.

Cách đây hàng ngàn năm, có một nhà hiền triết rất tài giỏi tên là Simonide. Ngày kia, nhà vua cho vời ông ta đến và hỏi:

– Thượng đế là gì?

Ông ta xin nhà vua cho mình một ngày để suy nghĩ. Sáng hôm sau, khi nhà vua gọi tới, thì ông ta lại xin thêm hai ngày nữa để suy nghĩ.

Và khi hai ngày đã trôi qua, ông ta lại xin thêm bốn ngày nữa. Rồi sau đó, ông ta lại xin thêm tám ngày nữa. Cứ mỗi lần nhà vua truyền cho ông ta đến, thì ông ta lại xin hoãn với số ngày gấp đôi. Sau cùng, nhà vua bực bội, cho triệu ông ta đến và giận dữ hỏi:

– Cho tới bao giờ, nhà ngươi mới trả lời câu hỏi của ta: Thượng đế là gì?

Bấy giờ nhà hiền triết mới ôn tồn trả lời:

– Xin nhà vua đừng hối thúc tôi. Vấn đề thật khó khăn và tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được câu trả lời. Bởi vì càng suy nghĩ, tôi lại càng cảm thấy bối rối. Vấn đề dường như đã vượt ra ngoài khả năng của tôi rồi.

Kể lại câu chuyện này, cha cũng muốn nói lên sự bất lực của chúng ta khi phải trình bày về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Mặc dù chúng ta đã học hỏi, đã tìm tòi, nhưng không bao giờ được quên rằng: Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Sở dĩ chúng ta biết có mầu nhiệm này là do Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi như sau: “Đức tin công giáo hệ tại điều này: thờ kính Một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Một Chúa mà không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không chia cắt bản thể: vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần khác biệt nhau; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu” (Số 2789)

Sách dạy như thế, nhưng cha thử hỏi chúng con: Chúng con có hiểu ngôi vị là gì không, chúng con có hiểu bản thể là gì không? Ngày xưa khi học trong Đại chủng viện, cha cũng phải dành một thời gian rất lâu cha giáo sư mới cắt nghĩa cho các sinh viên hiểu được một phần nào mấy từ chuyên môn đó.

Vậy thì trong ít giây phút này, cha chỉ xin nói với chúng con một vài ý nghĩ đơn sơ của cha: Trước mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trí khôn chúng ta quả quá nhỏ bé không đủ sức để diễn tả và để hiểu, nhưng chúng ta vẫn được Chúa ban cho một con tim đủ lớn để yêu mến mầu nhiệm này.

Thực vậy, trí khôn chúng ta quả quá nhỏ bé không thể diễn tả và hiểu.

Cha nhớ đến một câu chuyện. Câu chuyện có liên quan đến thánh Augustinô. Chúng ta biết thánh Augustinô là một tiến sĩ bậc thầy của Hội Thánh.

Ngày kia, để bắt đầu viết một bài khảo luận về Chúa Ba Ngôi, người đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ cầu nguyện và tìm ý. Đang lúc Ngài đi đi lại lại như thế thì bỗng Ngài nhìn thấy một em bé đang dùng một chiếc vỏ sò múc nước biển và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát. Người dừng chân và hỏi:

– Cháu làm gì thế?

Em bé bèn trả lời:

– Cháu muốn tát hết nước biển đổ vào trong chiếc lỗ này.

Thánh nhân mỉm cười và nói:

– Làm sao tát được?

Nhưng em bé nghiêm nét mặt và nói:

– Cháu làm việc này còn dễ hơn việc người muốn dùng ngôn ngữ của loài người để trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.

Nói đoạn, em bé biến mất. Thánh nhân hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa sai đến để nhắc nhở: trí khôn con người quá nhỏ bé làm sao có thể hiểu và diễn tả về mầu nhiệm này được.

Tuy nhiên như cha vừa nói ở trên mặc dù trí khôn không thể hiểu nhưng Chúa vẫn ban cho chúng ta một con tim đủ lớn để chúng ta có thể yêu mến Người. Thực vậy, Chúa Giêsu đã mạc khải không phải để chúng ta hiểu, nhưng để chúng ta yêu mến.

Trước hết, con tim chúng ta đủ to lớn để ca tụng Chúa. Mỗi khi hát: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Mỗi khi đọc: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Mỗi khi làm dấu thánh giá, là chúng ta ca tụng Chúa Ba Ngôi.

Hơn thế nữa, con tim chúng ta cũng đủ lớn để cảm tạ Chúa Ba Ngôi. Người đã làm gì cho chúng ta? Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta. Chúa Con đã dùng cái chết trên Thập giá để cứu chuộc chúng ta. Và Chúa Thánh Thần luôn thánh hoá chúng ta. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thêm sức, chúng ta trở nên những người lính chiến của Chúa Thánh Thần. Nhờ bí tích Giải tội, chúng ta được tẩy sạch mọi tội lỗi. Vì thế, chúng ta phải cảm tạ và yêu mến Chúa Ba Ngôi.

Sau cùng, trái tim chúng ta cũng đủ lớn để cho Chúa Ba Ngôi ngự trị. Thiên Chúa không ngự trên cõi cao xa, Người luôn muốn ngự trong tâm hồn chúng ta. Mỗi người chúng ta là đền thờ sống động của Người.

Vâng! Đúng như vậy. Chúng ta phải hết lòng yêu mến Người.

Cha xin được kết thúc bằng một câu chuyện:

Từ ngày được Chúa chọn, Abraham ngày càng sống tâm tình với Chúa và xa cách các thần tượng. Thấy thế ông thân sinh dẫn Abraham đến trước mặt vua Ramos.

Nhà Vua hỏi Abraham: “Tại sao nhà ngươi không tôn thờ các thần tượng của vương quốc?

+ Tâu hoàng thượng! – Abraham trả lời một cách cương quyết. Bởi vì lửa có thể thiêu rủi các thần tượng ấy.

– Như vậy thì hãy tôn thờ lửa. Nhà vua nói.

Abraham thưa lại:

+ Nếu thế thì hạ thần tôn thờ nước thì tốt hơn. Vì nước dập tắt được lửa.

– Thế thì hãy tôn thờ nước.

+ Tâu hoàng thượng, không. Hạ thần tôn thờ mây thì tốt hơn bởi vì nước từ mây mà ra.

– Thế thì hãy tôn thờ mây đi.

+ Tâu hoàng thượng không. Vì gió mạnh hơn mây và gió thổi làm mây phải tan biến.

– Vậy thì hãy tôn thờ gió.

Nghe thế Abraham trả lời vua Ramos:

– Nếu gió là Thiên Chúa…thì ta hãy tôn thờ con người vì con người có hơi thở.

Nhà vua đã bắt đầu có dấu hiệu không còn đủ kiên nhẫn, tuy nhiên nhà vua cũng ráng giữ vẻ ôn tồn bảo Abraham:

– Vậy thì hãy tôn thờ con người

Abraham trả lời:

+ Tâu hoàng thượng không! Vì con người phải chết.

Nhà vua giận dữ quát lên:

– Vậy hãy tôn thờ sự chết đi.

Abraham dõng dạc trả lời: “Đấng duy nhất phải tôn thờ là Chúa tể của cả sự sống và sự chết. Đấng đó là Thiên Chúa, Chúa của hạ thần”.

Vâng chúng ta cũng vậy. Chúng ta tôn thờ Chúa là Chúa của chúng ta. Chính Chúa đã ban cho chúng ta sự sống. Chính Chúa cứu chuộc chúng ta để chúng ta được sống dồi dào. Vận mệnh của mỗi người chúng ta ở trong tay Chúa. Xin Chúa giữ gìn và thánh hóa chúng ta, giúp chúng ta đạt tới quê hương trên trời mai sau. Amen.