Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng con vừa được nghe một bài Tin Mừng hơi khó hiểu một chút. Cha đố chúng con Chúa muốn nói gì với mọi người qua bài Tin Mừng hôm nay đấy?

Nào chúng con nói đi.

– Thưa cha Chúa nói chúng con khó hiểu quá.

– Tại sao Chúa lại bảo Chúa đến để chia rẽ.

– Tại sao Chúa lại bảo sự chia rẽ xảy ra ở ngay trong những nơi mà sự đoàn kết yêu thương cần phải được đề cao nhất đó là gia đình.

+ Đúng là bài Tin Mừng hôm nay khó hiểu thật. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cuộc sống của Chúa Giêsu thì cha lại thấy những gì Chúa nói rất đúng. Cha có thể tóm lại hai ý chính mà Chúa muốn nói:

Ý thứ nhất Chúa muốn nói về sứ mạng của Chúa khi được gửi xuống trần: “Thầy đến đem lửa xuống trần gian và Thầy muốn sao lửa đó được cháy lên”(Lc 12,49).

Ý thứ hai Chúa muốn nói đến sự chọn lựa mà những ai muốn theo Chúa phải chấp nhận. “Các con tưởng rằng Thấy đến để đem sự bình an. Không! – Thầy đến để đem sự chia rẽ rẽ” (Lc 12,51).

1. Bây giờ cha thử hỏi: Lửa mà Chúa Giêsu đem đến trần gian là thứ lửa nào?

Theo hầu hết các nhà chú giải Thánh Kinh thì Lửa mà thánh Luca muốn nói ở đây chính là “ngọn lửa của Chúa Thánh Thần”. Lửa đã được ban xuống trên các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần (Cv 2,3,4) với sức mạnh và tình yêu Thiên Chúa để biến con người của các tông đồ và những người tin Chúa thành những khí cụ rao giảng Tin Mừng Tình Thương của Chúa cho mọi người (Cv 1,8).

Chúa mong lửa đó được bùng cháy lên!

Ngày kia, tại một làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em.

Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.

Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét:

– Phong hủi! Phong hủi!

Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:

– Tại sao ông lại lo lắng cho con?

Nhà truyền giáo đáp:

– Vì Ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ là người anh lớn của em.

Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi:

– Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông?

Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:

– Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt.

Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé gái tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.

Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau:

– Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời!

Đó chúng con thấy chưa? Lửa Tình yêu của Chúa đã được cháy lên rồi. Chúng con hãy sống như thế để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa được bùng cháy to hơn nữa.
            2. Đức Giêsu còn nói: “Thầy đến để đem sự chia rẽ”(Lc 12,51).

Chúa nói như vậy nghĩa là làm sao? Tại sao không phải hoà bình mà lại là chia rẽ?

Cha mời chúng con so sánh hai câu chuyện này:

– Một hôm có một người thanh niên đến gặp Chúa và nói: “Lạy Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”

– Tại sao ngươi lại gọi ta là nhân lành. Chỉ có một đấng tốt lành mà thôi. Nếu ngươi muốn được sống thì hãy giữ các giới răn.

– Giới răn nào?

– Chớ giết người, ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, hãy thảo kính cha mẹ, hãy yêu mến đồng loại như chính mình.

– Tất cả các điều ấy tôi đã giữ từ thuở nhỏ – vậy tôi còn thiếu gì?

– Nếu ngươi muốn được trọn lành, thì hãy về, bán những thứ mình có, bố thí cho người khó và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy đến mà theo Ta.

Nghe lời ấy, người thanh niên buồn sầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải.(Mt 19,16-22)

Đó là câu truyện thứ nhất.

Và đây là câu chuyện thứ hai.

Vào một buổi sáng Chúa nhật, chừng sáu tháng sau khi cha mẹ mất, Antôn mảnh mai và xinh đẹp ngồi trong hàng ghế của gia đình trong ngôi nhà nguyện của làng. Antôn lắng nghe một cách say mê. Hôm đó vị chủ tế đọc Phúc âm theo thánh Mathêu và Tin Mừng hôm nay thuật lại y như câu chuyện trên:

“Xảy ra một người đến thưa với Chúa rằng:(Mt 19,16-22)

Nghe xong câu chuyện, Antôn đứng lên, ra khỏi  nhà thờ – cảm thấy như Chúa muốn  mời gọi anh về bán đất đai và đoàn súc vật… rồi theo Chúa. Và rồi Antôn đã làm thật.

Chúng con thấy:

– 2 người giống nhau:

– cả hai đều giàu có.

– cùng đứng trước một lời gọi của Chúa.

– người thanh niên nghe trực tiếp.

– Antôn nghe gián tiếp.

– Nhưng 2 thái độ đáp ứng khác nhau: người thanh niên bỏ Chúa, chọn của cải.  Antôn theo Chúa, và chọn sự trọn lành.

Chúa đã chia rẽ Antôn và của cải…đã lôi kéo Antôn ra khỏi cái tầm thường để vươn lên một đời sống cao cả hơn.

Bây giờ chúng con nghe câu chuyện này mới thấy Lời Chúa thật thú vị:

Odette, một cô gái xinh đẹp sinh ra trong một gia đình quí tộc nước Bỉ, năm 17 tuổi cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ cô đến bắt cô trở về.  Từ lâu, ông bà đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon thuộc lâu đài gần đó.

Vốn biết cô con gái cưng không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô đã âm thầm chuẩn bị hôn lễ, các thiệp mời đều được kín đáo gởi đi và sự chuẩn bị đều giữ bí mật cho đến giờ chót.

Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vén màn nhìn qua cửa sổ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đài.  Hỏi han đầy tớ gái, cô mới biết người ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô.  Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô, rồi họ đưa cô xuống nhà nguyện tư của lâu đài.  Nơi đây, đã có đông đủ quan khách, hàng giám mục của vùng và linh mục tuyên uý lâu đài đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.

Nghi lễ đến phần giao ước.  Vị chủ tế hỏi Odette có ưng nhận Simon làm chồng theo luật Giáo hội không?  Cô dõng dạc tuyên bố:

– Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng bởi vì tình yêu và đức tin của con đã hiến dâng cho Chúa Kitô từ lâu rồi.  Vì thế, không một tình yêu nào cho dù sự hăm dọa có thể tách con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con.

Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa đi vào phòng.  Và kìa, Odette đang gục đầu trên vũng máu.  Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp.  Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy?  Cô thản nhiên đáp: “như thế sẽ không còn ai cấm con đi tu nữa.”

Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện.  Ba năm sau đó được bầu làm tu viện trưởng vào lúc cô mới chỉ được 23 tuổi.

Anh chị em thân mến!

Sống ở trên đời, mỗi người chúng ta chỉ là người quản lý của Thiên Chúa. Thật vậy, sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp, tất cả đều là ơn Chúa ban. Nói tóm lại, tất cả những gì ta có, tất cả những gì ta là đều là của Chúa. Chắc chẳng có ai dám tự hỏi: Tại sao tôi không cao hơn, không mập hơn? Tại sao tóc tôi không vàng hoe, mắt tôi không xanh biếc? Tại sao tôi không có tài hội hoạ, có giọng ca hay? Ta không thể hỏi như vậy, vì ta không có quyền gì trên đó. Tất cả đều là của Chúa. Chúng ta chỉ là quản lý. Chúa trao sự sống, tài năng, trí thông minh cho ta gìn giữ trong một thời gian. Nói theo ngôn ngữ Trịnh công Sơn tất cả những thứ đó chỉ “ở trọ” nơi ta.

Con chim ở trọ cành tre,

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…

Môi xinh ở trọ người xinh,

Duyên dáng ở trọ đôi chân Thúy Kiều…

Tôi nay ở trọ trần gian

Mai sau về chốn xa xăm với Người.

Một Thiền sư nổi tiếng nọ đến trước cửa lâu đài của ông vua giầu có. Không người lính gác nào dám chặn ông lại. Ông chậm rãi bước vào và tiến thẳng đến ngai vàng chỗ nhà vua đang ngự.

Vua nhận ra vị khách quí ngay lập tức và nhà vua hỏi:

–  Ngài cần gì chăng?

– Tôi cần một chỗ ngủ trong quán trọ này – vị Thiền sư trả lời:

– Nhưng đây đâu phải là quán trọ – nhà vua nói. Đây là lâu đài của ta.

– Vậy tôi có thể xin ngài cho tôi biết ai là chủ của tòa lâu đài này trước Ngài không?

– Cha ta. Ông ấy đã chết rồi.

– Và ai là chủ trước cha ngài?

– Ông nội ta. Ông ấy cũng đã chết.

– Như vậy là nơi đây đã có những người đã sống trong một thời gian ngắn và sau đó đã ra đi. Có phải Ngài đã nói với tôi là nó KhÔng phải là một quán trọ không?

Sau đó vị Thiền sư thong thả giải thích cho nhà vua…. Nói rồi ông điềm tĩnh ra đi.

2. Như vậy thực chất cuộc đời cuả mỗi người chúng ta trên trần gian là gì? Thưa chỉ là một người quản lý.

a. Là người quản lý ta phải có những đức tính nào? Thưa, Chúa muốn ta là người quản lý trung tín và khôn ngoan.

* Là quản lý trung tín, ta phải biết sinh lợi những tài sản Chúa trao. Phải biết phát triển sao cho thân xác ngày càng khoẻ mạnh, trí thông minh ngày càng sáng suốt, những tài năng ngày càng đạt đến mức tinh vi hoàn hảo.

Là quản lý trung tín, ta phải biết chia sẻ. Chúa ban sức lực, tài năng không phải để ta ích kỷ vun quén cho bản thân, nhưng để ta dùng mà phục vụ. Người có của mắc nợ người nghèo. Người có tài mắc nợ xã hội. Nghệ sĩ mắc nợ khán giả. Giám đốc mắc nợ công nhân. Bác sĩ mắc nợ bệnh nhân. Linh mục mắc nợ giáo dân. Cha mẹ mắc nợ con cái.

Là quản lý trung tín, ta không được phản bội. Không được dùng những ơn Chúa ban để chống lại Chúa. Không được dùng sức mạnh mà áp bức người khác. Không được dùng tài năng để phục vụ lợi nhuận riêng mình. Không được dùng trí thông minh để gieo rắc nọc độc tư tưởng. Không được biến thân xác thành món hàng mua bán. Nhưng phải dùng tất cả để phục vụ Chúa. Dùng tất cả để làm cho Chúa được yêu mến, được vinh danh hơn.

* Là quản lý khôn ngoan, ta phải biết nhìn xa.

Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên Viên Thủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài nhỏ bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp mở ra – đóng vào được.

Khách đến chơi trông thấy cười nhạo nói rằng :

– Ngài chế ra cái này dùng để làm gì ?

Nhà sư trả lời :

– Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết phú quí, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời chẳng biết đến cái chết là gì… Mỗi khi có việc không vừa ý, tôi cầm lấy cái quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy được yên tâm trong tâm hồn ngay.

Thật là hiếm, những con người luôn ngẫm suy về cái chết của chính mình, và còn hiếm hơn nữa, những con người xem cái chết như người bạn đồng hành, giúp họ vượt qua những nỗi chán chường trong cuộc sống như nhà sư Viên Thủ Trung trong câu chuyện trên đây. Phần nhiều, người ta bôn ba để kiếm sống. Họ lo thu tích cho có nhiều của cải, vội vã thụ hưởng những thú vui trần tục, họ sống như thể sẽ không bao giờ phải chết. (TP)

Sự sống, tài năng, sức lực, trí thông minh chỉ ở trọ nơi ta một thời gian. Phải làm cho chúng biến thành vĩnh cửu. Nhiều lần Ðức Giê-su đã dậy ta: “Hãy dùng tiền của chóng qua ở đời này mà mua lấy bạn hữu. Ðể sau này họ sẽ đón rước ngươi vào chốn đời đời”. Hôm nay Người dạy ta: “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt, là kho tàng ở trên trời, nơi không có trộm cắp bén mảng, cũng không có mối mọt đục phá”. Lạ lùng hơn nữa, cách gây dựng kho tàng trên trời khác hẳn với cách gây dựng kho tàng trần gian. Ðể gây dựng kho tàng trần gian, ta phải hà tiện, ích kỷ, thu tích cho mình. Trái lại, để gây dựng kho tàng trên trời, ta phải biết cho đi. Càng cho đi lại càng giàu có. Càng phân phát lại càng dư thừa. Càng ban tặng lại càng phong phú.

* Là quản lý khôn ngoan, ta phải tỉnh thức. Cuộc đời ở trọ mau qua. Chúa lại hay đến bất ngờ. Nên ta phải tỉnh thức đợi chờ. Ðợi chờ không phải là thụ động ngồi đó khoanh tay. Ðợi chờ là phải tích cực làm việc.

La Fontaine kể chuyện ngụ ngôn sau :

Một cụ già cuốc đất trồng cây. Chợt ba chàng thanh niên đi qua, các cậu nói :

– Cụ lẩm cẩm quá, già rồi mà còn trồng cây…Thôi cụ ơi, việc ấy để tụi cháu, cụ lo dọn mình chết là vừa.

Ông cụ trả lời :

– Chắc gì lão chết trước, chắc gì các cậu sống lâu hơn lão. Tử thần xưa rầy có phân biệt già trẻ đâu. Trẻ với già có khác chi nhau về phương diện đó.

Thời gian sau, ba cậu vì công việc, đi lính, kinh doanh…đều chết cả, hoặc vì ngộ nạn, hoặc vì chết trận…

Cụ già được tin buồn, khóc thương ba trẻ.

Câu cửa miệng người đời vẫn nói: tre già, măng mọc, nhưng cũng nhiều khi tre già khóc măng non.

Lá vàng đeo đẳng trên cây

Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời ?

Trời hay, Trời biết hết chứ. Nhưng có điều cho xảy ra như vậy để con người không ai biết giờ mình chết. Có như thế con người mới lo tỉnh thức.

Một tu sĩ kia đang quét nhà trong tu viện. Chợt một người đến hỏi “Nếu một giờ nữa anh phải chết thì anh sẽ làm gì ?” Vị tu sĩ trả lời “Tôi cứ tiếp tục quét nhà cho xong”.

Lạy Chúa, xin nhắc cho con luôn luôn nhớ rằng con là người quản lý của Chúa, để dù ở đâu, dù làm gì, con cũng luôn làm cho Chúa, luôn tỉnh thức sống dưới ánh mắt của Chúa. Amen.

Thiếu nhi chúng con yếu quí.

Chúng ta vừa được Chúa dạy cho chúng ta về cách sống ở đời, Chúa muốn cho mọi người chúng ta sống thật khôn ngoan.

1. Cuộc sống ở đời.

Chúng con thấy mọi người sinh ra đều được sống ở đời. Nhưng sống ở đời là sống như thế nào?

Trong bài suy niệm Chúa nhật tuần trước Chúa đã cho chúng ta thấy cuộc sống ở đời này là cuộc sống thật mau qua, không có gì tồn tại mãi mãi . Vì là cuộc sống mau qua như thế nên Chúa khuyên chúng ta hãy tìm đến cuộc sống vĩnh cửu trên trời bằng cách làm giầu trước mặt Chúa (Lc 12,21), đừng bám víu vào cuộc sống ở đời này kẻo rồi khi cuộc đời trần thề này chấm dứt lúc đó hối cũng không kịp.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

Thành phố Priène ở Tiểu Á xưa bị quân địch tràn ngập và cướp bóc. Dân thành phố cố gắng vun quén thu xếp những đồ vật quí giá nhất và nhanh chân chạy chốn. Chỉ có nhà khôn ngoan là Bias vẫn tiếp tục bình thản đi trên đường với hai bàn tay trắng. Trên người ông chỉ có chiếc áo dài, chiếc áo khoác và đôi giày. Ông đang đi, gặp một người trong số các bạn bè của ông đang đẩy xe kéo theo mình đủ thứ đồ vật quí giá.

– Bias! – người này la lớn- Anh giàu hơn tôi, nhưng bây giờ sao anh nghèo thế?

Ngay lúc ấy bỗng xuất hiện những người lính hôi của, và chỉ trong nháy mắt, họ đã chiếm hết tất cả những gì anh này mang theo, rồi biến mất. Bias bèn cười và nói với bạn:

– Hãy làm như tôi, anh bạn yêu mến! Tôi không bao giờ cầm những vật mà người ta có thể đánh cắp mất trong chốc lát. Tôi tích lũy một kho tàng mà không ai có thể lấy của tôi được và tôi đem nó theo ra ngoại quốc!

– Anh có đem theo trong người một kho tàng ư?

– Vâng, một kho tàng quí hơn tất cả vàng bạc của Priène nữa!

– Anh có thể chia sẻ với tôi chút ít, vì bây giờ tôi đã trở thành kẻ trắng tay không?

Bias khôn ngoan trả lời ngay, miệng vẫn luôn tươi cười:

– Anh có thể lấy hết tất cả, nếu anh muốn, bởi vì điều này cũng chẳng làm tôi nghèo hơn đâu. Kho tàng ấy là lòng yêu mến, hiểu biết và nhân đức!

Của cải vật chất trên đời là như vậy. Chính vì thế mà Chúa muốn chúng ta phải biết khôn ngoan. Nhưng sống khôn ngoan là sống như thế nào chúng con?

2. Sống khôn ngoan là biết sống đúng cương vị vai trò của mình trước mắt Chúa trên trần gian này. Vai trò địa vị đó là gì chúng con? Thưa là một người quản gia quản lý những gì Thiên Chúa ban cho mỗi người cũng như cả loài người chúng ta.

a. Nhưng thử hỏi Chúa muốn một người quản gia quản lý những gia sản Chúa trao phó cho ta phải có những đức tính nào? Thưa, Chúa muốn ta phải là người quản lý trung tín và khôn ngoan.

* Là quản lý trung tín, ta phải biết sinh lợi những tài sản Chúa trao. Phải biết phát triển sao cho thân xác ngày càng khoẻ mạnh, trí thông minh ngày càng sáng suốt, những tài năng ngày càng đạt đến mức tinh vi hoàn hảo.

* Là quản lý trung tín, ta phải biết chia sẻ. Chúa ban sức lực, tài năng không phải để ta ích kỷ vun quén cho bản thân, nhưng để ta dùng mà phục vụ. Người có của mắc nợ người nghèo. Người có tài mắc nợ xã hội. Nghệ sĩ mắc nợ khán giả. Giám đốc mắc nợ công nhân. Bác sĩ mắc nợ bệnh nhân. Linh mục mắc nợ giáo dân. Cha mẹ mắc nợ con cái.

* Là quản lý khôn ngoan, ta phải biết chọn lựa những gì tốt đẹp nhất cho cuộc sống của mình.

Đức Cha Bossuet cho làm một hang đá trong nhà nguyện của tu viện. Chiều hôm Noel, ngài trả lương cho các  người thợ. Rồi ngài nói với họ:

– Chờ một tí, tôi sẽ cho các anh quà “Giáng sinh”

Nói xong, ngài mở khăn trải bàn. Người ta thấy trên bàn, nằm kề nhau, 4 đồng tiền vàng và 4 cuốn sách “Hạnh Các Thánh “. Bossuet nói với các người thợ là họ có thể chọn, hoặc một đồng tiền hoặc một cuốn sách. Ba người đã chọn 3 đồng tiền vàng, còn người thứ tư tuyên bố:

– Ở nhà, mẹ già của tôi cũng rất cần tiền, nhưng bà cũng thích những cuốn sách tốt. Tôi 1ấy cuốn “Hạnh Các Thánh”.

Tuy nhiên, khi ông này vừa mở cuốn sách ra thì ông tìm thấy 6 đồng tiền vàng dán sát bìa cuốn sách. Hãy tương tượng niềm vui của ông và nỗi hối tiếc hờn giận của ba người kia. Ông này đã không hối hận về sự lựa chọn của mình.

* Là quản lý khôn ngoan, ta phải tỉnh thức. Cuộc đời tạm bợ này thật mau qua. Chúa lại hay đến bất ngờ. Nên ta phải tỉnh thức đợi chờ. Ðợi chờ không phải là thụ động ngồi đó khoanh tay. Ðợi chờ là phải tích cực làm việc.

Cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này:

Có một tu sĩ kia sống cuộc đời hạnh phúc và an vui trong bốn bức tường của tu viện. Đời sống tu trì đã biến đổi cuộc đời và tâm hồn của ông trở nên tốt lành, đến nỗi mọi người đều gọi ông là “Ông thánh nhỏ”.

Ngày nọ, đang lúc ông đang bắt tay vào việc rửa chén dĩa, thì một Thiên thần hiện ra và nói:

– Thiên Chúa sai ta đến là để báo cho ngươi biết là giờ ngươi lìa đời đã đến.

Tu sĩ vẫn điềm nhiên và vui vẻ trả lời:

– Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa, tôi không muốn tỏ ra vô ơn với Thiên Chúa, nhưng liệu giờ tôi được hưởng nhan thánh của Người có thể hoãn lại sau khi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không?

Nghe xong, Thiên thần biến đi. Tu sĩ trở lại công việc bổn phận một cách hăng say như quên hẳn việc gặp gỡ Thiên thần.

Bẵng đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, Thiên thần lại hiện ra. Như đoán trước được ý của Thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong vườn và nói:

– Đấy ngài xem, cỏ dại mọc đẩy vườn, liệu giờ tôi vào cõi đời đời có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không?

Cũng như lần trước, Thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.

Một ngày nọ, trong lúc vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì Thiên thần hiện ra; lần này vị tu sĩ không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân nằm trên giường. Thiên thần biến đi không nói một lời nào. Chiều đến, vị tu sĩ trở lại căn phòng nhỏ bé đơn sơ của mình, bỗng chốc, ông cảm thấy mình đã già nua, mệt mỏi; ông thốt lên lời cầu nguyện:

– Lạy Chúa, xin sai Thiên thần Chúa đến, con sẽ sẵn sàng theo Ngài.

Lời cầu nguyện vừa dứt, Thiên thần Chúa hiện đến; vị tu sĩ mừng rỡ:

– Lần này, nếu Thiên thần mang tôi đi, tôi sẵn sàng theo ngài về thiên quốc ngay.

Thiên thần nhìn vị tu sĩ với tất cả âu yếm và nói:

– Này vị thánh nhỏ, sao còn mơ ước về thiên quốc, những ngày tháng vừa qua, ông nghĩ là mình đã ở đâu vậy?

Hay quá chúng con! Làm việc bổn phận Chúa trao cho hằng ngày. Đó là người quản lý trung tín và khôn ngoan rồi. Cha chúc chúng con sống được như thế. Amen.

Kính thưa anh chị em

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay thật là thú vị. Chúng ta cũng có thể coi câu truyện hôm nay là câu truyện của nhiều người trong chúng ta.

A- Nhà phú hộ trong bài TM hôm nay là một người rất giầu có. Mùa màng đã đem lại cho ông những kết quả ngoài sự mong ước. Ông không biết tích trữ lúa thóc vào đâu cho hết.

Đứng trước cả một gia tài khếch xù như thế, tự thâm tâm ông cảm thấy an phận, ông tưởng như mình đã có tất cả. Thậm chí ông đã quên đi cái thân phận thụ tạo của mình.

Chúng ta hãy nghe ông nói:

– Linh hồn của tôi ơi!

Ngươi có nhiều của cải quá.

Thật là một sự kiêu ngạo đáng kinh tởm! Làm như linh hồn là do ông mà có và nó lệ thuộc vào quyền sở hữu của ông vậy.

Thêm vào đó là của cải mà ông bảo là của ông. Ông làm chủ. Ông quên rằng của cải là của Thiên Chúa ban. Của cải mà con người có được đều từ trời từ đất mà ra. Vàng bạc, kim cương, dầu khí đều từ đất. Lúa gạo cũng từ đất. Mà đất là do Thiên Chúa đã dựng nên.

Theo một nghiên cứa của trường đại học nông nghiệp về sự kết tinh 100 thùng bắp trên một mẫu Anh do Dr. Charles M. Crowe ghi lại, thì con người tuy có đóng góp công sức của mình, nhưng Chúa còn đóng góp nhiều hơn, Thử hỏi để có được thành quả như con người thấy thì cần phải có: 4 triệu pounds nước, 6.800 pounds o-xy, 5.200 pounds các-bon, 1.900 pounds các-bon đi-ô-xít, 160 pounds Ni-tơ, 125 pounds Ka-li, 40 pounds phốt-pho, 75 pounds lưu huỳnh vàng, 50 pounds ma-nhê, 50 pounds can-xi, 2 pounds sắt, và một lượng nhỏ i-ốt, kẽm, đồng, cùng những nguyên tố khác – tất cả đều được chứa trong 100 thùng bắp! Ai làm nên chuyện đó?

Cho nên con người chỉ trao cho làm quản lý…làn người coi sóc chứ không phải là chủ. Quản lý coi sóc thôi chứ không làm chủ. Ông đã hoàn toàn không ý thức được điều đó. Đó là lỗi lầm lớn nhất của ông.

Và Chúa sẽ cho ông biết sự sai lầm đó.

Đang lúc ông mải mê với những gì mình có thì một tiếng lạ từ đâu tự nhiên ập xuống! Kinh khủng hơn cả những sấm sét nổ ầm vang trên cả bầu trời

“Đồ điên! Đêm nay linh hồn ngươi bị đòi lại…”

Tất cả sự thật được phơi bày ra:

Linh hồn đâu phải là của ngươi

Của cải cũng đâu phải là của ngươi.

Tất cả đều không có cái gì là của ngươi cả!

Lúc này sự thật mới được lộ ra. Ông có hối cũng không kịp. Thiên Chúa mới là chủ tất cả…cả của cải, cả linh hồn. Thiên Chúa là chủ sự sống. Không ai có quyền đó ngoại trừ Ngài.

B. Rồi từ cái quan niệm sai lầm đó, ông tự phác họa ra cho ông một tương lai chẳng có gì là cao cả cho lắm. Nhiều nhà chú giải còn cho là “Bẩn thỉu” nữa. Một tương lai mà mọi người chung quanh ông đều bị gạt hẳn qua một bên.

Đây chúng ta hãy nghe ông phác họa: “Linh hồn tôi ơi. Ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm. Người hãy nghỉ ngơi, ăn uống và vui sướng đi!”

Tiến sĩ Morgan bảo: “Đây quả là một dự định thô bỉ nhất có thể nói về một cuộc đời” Của cải không có được một mục đích nào khác hơn là nghỉ ngơi, ăn chơi và vui sướng! Nghỉ ngơi, ăn chơi và vui sướng cho một mình mình…không hề có một chữ nào cho thấy ông nghĩ đến người khác.

Đây là một quan niệm hoàn toàn thực dụng. Như vậy chúng ta thấy không phải ngày hôm nay mới có chủ nghĩa thực dụng mà ngay thời của Chúa, chủ nghĩa này cũng đã có mặt rồi.

Thế nhưng hãy coi chừng. Tới một giới hạn nào đó thì Thiên Chúa lại cho toàn bộ sự thật được lộ ra.

Chúa bảo: “Đồ điên! Đêm nay linh hồn ngươi bị đòi lại, thế thì của cải mà người bảo là của người sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). Không biết sẽ là của ai nhưng chắc chắn nó không còn là của người nữa.

Shakepeare có nói: “Mi giầu tức là mi nghèo vậy.

Trên đường lữ thứ, mi khòm lưng gánh thúng của

như con lừa khòm lưng xuống chở túi vàng

Thần chết sẽ tới cướp dựt hết khỏi vai ngươi”

Vâng đúng như thế! Không phải: “Không phải những ai được dư giả mà mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu” (Lc 12,15)

Năm 1923 có một cuộc Hội nghị gồm những nhà kinh tài lớn được tổ chức tại khách sạn Edgerwater Beach bang Chicago. (Tài liệu do ĐGM Arthur Tone và Cha Mark Link cung cấp) Trong số những người tham dự có 9 nhà kinh doanh thành công nhất thế giới hồi đó. Đó là những người nắm giữ những chức vụ quan trọng sau đây:

– Giám đốc công ty luyện thép độc lập.

– Giám đốc công ty hàng tiêu dùng.

– Giám đốc công ty dầu khí.

– Nhà đầu cơ lớn nhất về mễ cốc.

– Giám dốc thị trường chứng khoán tại New York.

– Một nhân viên phủ tổng thống.

– Nhà đầu tư lớn nhất ở Walt Steet.

– Chủ tịch một hãng độc quyền lớn nhất thế giới.

– Giám đốc hiệp hội Ngân hàng quốc tế

Sau 25 năm thì sự việc gì đã xẩy ra?.

Theo tài liệu còn được để lại thì:

1. Giám đốc công ty luyện cán thép Charles Schwab chết vì vỡ nợ.

2. Giám đốc công ty hàng tiêu dùng Samuel Insull phải trốn khỏi quê hương và chết không một xu dính túi.

3. Giám đốc công ty dầu khí Howard Hobson chết vì mất trí.

4. Giám đốc thị trường chứng khoán ở New York Richard Whistney bị án tù lâu năm tại khám đường Sing Sing.

5. Léon Fraser Giám đốc Nhà băng.

6. Jesse Livermore nhà đầu tư lớn nhất tại phố Walt Street

7. Ivar Kruegar người thương gia độc quyền lớn nhất

Cả ba người trên đều tự tử chết.

8. Albert Fall được tạm tha khỏi nhà tù để chết tại nhà riêng.

9. Nhà đầu tư mễ cốc…Arthur Cutten thì chết ở ngoại quốc.

Toàn là những người giầu có một thời. Cơn khủng hoảng kinh tế thế giới vào đầu thập niên 30 đã quật ngã họ một cách không nương tay. Thế là tất cả những gì mà họ tưởng là vĩnh cửu thuộc về họ đã tiêu tan thành mây khói.

Ngày hôm nay cũng có rất nhiều trường hợp như thế.

Để kết thúc ít phút suy niệm hôm bay, tôi xin mượn lời Cha Karl Rahner một trong những nhà thần học nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 nầy để thưa với Chúa như sau:

Lạy Chúa, đời con không có gì

ngoài những chuyện tầm thường của mỗi ngày,

nơi diễn ra biết bao nhiêu điều bần tiện và nhỏ nhen,

ganh đua và phù phiếm.

Tâm hồn con tựa như một cái chợ ồn ào,

Ở đó, người ta gặp nhau

để rồi bầy ra những thứ vặt vãnh,

chen chúc nhau để tranh giành của hư không,

chưa kể đến những tỳ ố nhơ bẩn.

Linh hồn con chẳng khác nào vựa thóc

chứa đầy mọi thứ hỗn tạp,

cho đến khi những cái tầm thường

của mỗi ngày đổ đầy cho đến nóc.

Ôi đời con sẽ ra thế nào

Nều đời con cứ tiếp diễn mãi như thế?

Con sẽ ra sao khi phải xuôi tay nằm xuống?

Con sẽ là gì vào lúc con phải rũ sạch tất cả

những thứ đang lấp đầy ngày sống của con?

Con sẽ là gì vào lúc con chỉ còn là chính con?

Việc gì sẽ xẩy ra vào lúc thần chết bất ngờ chụp xuống trên con

và vén mở tấm màn che giấu ý nghĩa sâu ẩn của đời con

cùng những năm tháng ngày giờ lê thê của nó?

Con phải làm gì bây giờ trước cái nhàm chán hằng ngày

vẫn đè nặng trên con?

Cứu cánh của con là chính Chúa,

lẽ nào con chết ngợp

trong những cái tầm thường?

Liệu con có thể trốn khỏi cái thường nhật ấy không?

Không, hẳn là không!

Bởi vì Chúa vẫn đi ngang qua

đời thường của con và con phải gặp Chúa ở đó.

Chính Chúa có thể biến cái thường nhật nhàm chán của con

thành nỗi khát khao vô bờ

và ngày giờ của con thành những ngày ân sủng của Chúa

nhờ tình yêu Chúa ban tặng cho con.

(Karl Rahner)

Chúng con thân mến.

Bữa hôm nay cha có hai câu chuyện muốn nói với chúng con.

Câu chuyện thứ nhất là lấy ý từ bài sách thánh thứ nhất. Câu chuyện được trích trong sách Giảng Viên. Sách Giảng viên là sách gồm những lời dạy để cho người ta biết cách sống làm sao cho khôn ngoan ở trên đời. Trong cuốn sách này có một câu cha rất thích. Câu đó như thế này: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”.

Câu này nghĩa là gì chúng con? Nghĩa quan trọng và hay nhất của câu này là: mọi sự đều chóng qua. Tất cả mọi sự rồi sẽ qua đi hết. Không có gì tồn tại trên cõi đời này. Mọi sự rồi sẽ qua thế nhưng có gì tồn tại không chúng con? Có chứ! Chỉ có một điều này sẽ tồn tại mãi không bao giờ mất, không bao giờ qua đi. Đó là Chúa. Ngoài Chúa ra thì tất cả đều hư không cả.

Bởi vậy những ai không đi tìm Chúa và gắn bó với Ngài … một ngày nào đó họ sẽ phải thất vọng.

Chúng con con nhỏ, chúng con chưa có kinh nghiệm ở trên đời cho nhiều,

Chúng con đang tuổi lớn lên, lòng chúng con đang có nhiều ước mơ, có thể những ước mơ của chúng con sẽ giống như ước mơ của nhiều người. Họ tưởng họ có được địa vị cao trong xã hội, họ tưởng họ giàu sang tiền rừng bạc biển là đời họ sẽ hoàn toàn hạnh phúc.

Nói tới đây cha nhớ câu truyện vui. Câu truyện của Raja Nasr kể.

Truyện kể rằng: có một người chăn cừu kia làm việc cho một người rất giàu có. Nó nghèo nhưng đời nó rất hạnh phúc. Nó làm nghề chăn cừu, nó có một túp lều để ở. Một phần tiền lương của nó ông chủ trả bằng “bơ” (butter). Mỗi một tuần nó có thêm bơ và nó cẩn thận tích trữ trong một cái bình lớn treo ở trong lều của nó.

Một buổi chiều nọ nó đứng ở cửa lều, tay nó cầm gậy, nó ngắm cảnh mặt trời lặn thật là tuyệt vời. Sau đó nó quay lại nhìn chầm chập vào chiếc bình nó đựng bơ. Một cảm giác tự mãn tự nhiên bộc phát ở trong lòng, nó tự nói với chính mình:

– Ta sẽ bán số bơ này và ta sẽ dùng tiền để mua một con cừu – với thời gian cừu sẽ có con – cừu con – chẳng bao lâu cừu con sẽ lớn và nó lại sinh ra cho ta những con cừu con khác và rồi chỉ trong một ít năm ta sẽ có cả một bầy cừu. Một bày cừu nó vui sướng nhắc lại và ta sẽ trở thành một người giầu có.

Sau đó ta sẽ mua một ngôi nhà được trang trí với những đồ đạc thật tốt. Ta sẽ có một thuở vườn đẹp. Con trai của ta sẽ lớn lên, ta sẽ mượn một người dạy cho nó học đọc, học viết và nó sẽ trở thành người khôn ngoan. Dĩ nhiên là nó phải nghe lời ta, nếu nó là đứa con ngoan ta sẽ chia cho nó một nửa đàn cừu, nhưng nếu nó là đứa con hư ta sẽ cho nó một cái gậy.

Vừa nói xong điều đó, người chăn cừu giơ cái gậy của mình lên và không may cái gậy của anh ta chạm vào cái bình đựng bơ, bình rớt xuống đất và bể tan tành, tất cả bơ đều hư hết.

Anh ta rất buồn và không thể tưởng tượng được là sư thật lại xảy ra như thế. Rồi anh tự nhủ ở trong lòng: “Mình quả thực là đứa ngu vì đã ước mơ nhiều quá”

Một nhà kinh doanh Mỹ – người sáng lập ra hãng Eastman Kodar – được người ta xếp vào hàng những người giàu nhất trên thế giới. Thế mà ngay trong bữa tiệc ông khoản đãi các bạn hữu, ông lẻn sang phòng bên cạnh để tư tử, để lại một bức thư tuyệt vọng, đại khái nói:

“Tôi đầy đủ mọi sự nhưng sao tôi thấy cuộc đời vô vị quá… Tôi chết không vì lý do gì hơn là cảm thấy mình sống không có chút ý nghĩa gì cả”

Đó chúng con, những người sống mà tưởng mình tưởng mình hạnh phúc ngoài Thiên Chúa thì cũng thế.

2. Bây giờ chúng con hãy nghe câu chuyện thứ hai. Câu chuyện trích trong Tin Mừng hôm nay.

Câu chuyện Chúa kể trong Tin Mừng hôm nay là câu chuyện của nhiều người.

Người giầu có trong bài Tin Mừng hôm nay là người có rất nhiều tiền bạc của cải. Tin Mừng bảo ông tự nghĩ mình không biết để cải của mình vào đâu cho hết.

Ông ta tưởng nhờ những của cải ông có mà ông được sống mãi, sống hoài… Vì thế ông đã phác họa ra cho mình một tương lai theo ông nghĩ là tuyệt vời.

Ông tự nói với mình: “Linh hồn tôi ơi! ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm… ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn chơi và vui sướng đi… Ta hãy nếm sao cho hết mùi đời đi”

Nhưng … một tiếng lạ từ đâu vọng xuống, kinh khủng hơn tiếng sấm sét nổ bên màng thái dương.

– Điên! Đêm hôm nay! Ngay đêm hôm nay, linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại, thế thì những của cải ngươi có sẽ để cho ai?

Rồi Chúa kết luận:  Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Nói tới đây cha nhớ đến một câu chuyện. Câu chuyện của ông Chuck Feeney. Ông Chuck Freeney được người ta đặt cho một cái tên thật lạ: “Tỷ phú “rỗng túi”. Ông sống với phương châm rất hay: “Sống để làm việc, chứ không phải để làm giàu”.

Đây chúng con xem ông giầu như thế nào nhé: Ông có một khối tài sản khổng lồ trị giá hàng tỷ Mỹ kim.

Đây là tài liệu người ta ghi lại được: Trong 30 năm qua, ông Feeney đã đi khắp thế giới để trao tặng số tài sản 7,5 tỉ USD. 7,5 tỷ dollars…Chúng con có biết quy đổi ra tiền Việt Nam hiện nay là bao nhiêu không? Cha thử dùng máy tính xem nhưng máy cho ra một kết quá không lồ quá cha không đếm nổi. Nguyên số tiền ông đã chi cho giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế, bảo vệ nhân quyền… tại Mỹ, Úc, Việt Nam, Nam Phi và Ireland đã lên đến có số 6,2 tỷ US doolars. Còn lại 1,3 tỷ dollars sẽ được chi hết vào năm 2016.

Điều mà cha cảm phục ông Feeney là tuy ông giầu và cho đi nhiều tiền như thế nhưng ông sống rất giản dị và tiết kiệm. Chúng con có biết ông đeo một chiến đồng hồ trị giá bao nhiêu không? 15 USdollars. Một ông nhà giầu đã cống hiến cho người khác một số tiền 7,5 tỷ dollars thế mà chỉ mang trên tay một chiếc đồng hồ trị giá có 15 dollars. Thật là hiếm có trên đời. Rồi tài liệu còn cho biết: Ông không có nhà riêng, không có xe hơi riêng. Đi đâu thì đi máy bay giá vé hạng bét.

Trong khi những người giầu có khác thì lo tích góp tài sản cho thật nhiều, càng nhiều càng tốt thì ông lại cố gắng hết sức để cho mình… rỗng túi.

Một điều đặc biệt nữa ở ông Feeney là ông cho đi một cách rất lặng lẽ. Trong 15 năm đầu tiên, Feeney luôn giấu tên. “Tôi đã phải thuyết phục ban ủy thác rằng, tiền Feeney quyên tặng là trong sạch”. Mãi cho đến năm 1997, những hoạt động từ thiện của Feeney mới bị “đưa ra ánh sáng” sau khi ông bán cổ phần trong Duty Free Shoppers cho hãng thời trang cao cấp của Pháp LVMH.

Để nói về những điều tâm huyết của mình, Feeney luôn tâm đắc câu tục ngữ của người Xentơ “Không có túi đựng tiền trong tấm vải liệm”.

Đó là một người biết làm giầu trước mặt Thiên Chúa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta cũng có được tinh thần như thế.

Kính thưa anh chị em

Chúng ta vừa được nghe những lời dạy của Chúa Giêsu về sự cầu nguyện. Có rất nhiều đề tài chúng ta có thể khái thác qua bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng ở đây tôi chỉ xin được dừng lại một vài điều tôi muốn chia sẻ với anh chị em.

1. Trước hết khi cầu nguyện Chúa dạy chúng ta phải nói với Thiên Chúa như thế nào?

Chúa bảo phải thưa với Thiên Chúa là Cha.

Thiên Chúa là Cha. Chúa Giêsu muốn chúng ta gọi Thiên Chúa như thế.

+ Thế nhưng có nhiều người đã không có được một quan niệm như thế về Thiên Chúa.

+ Trong một lá thư gửi cho các tín hữu thuộc tổng giáo phận Saint Étiene bên Pháp, các Đức Giam mục trong giáo phận này đã phải phàn nàn là: “Có nhiều người ngày nay đã biến Thiên Chúa thành một nhà phù thủy hay một người giữ kho”

Biến thành phù thủy với hy vọng có thể được thỏa mãn những gì mình mong muốn  nhưng không được thỏa mãn

Biến thành người giữ kho để khai thác kiếm chác.

Nếu quan niệm về một Thiên Chúa như thế thì việc nói chuyện với Ngài sẽ chẳng khác gì một cuộc săn lùng, trả giá hay xin xỏ.

Điều đó chắc chắn không làm Chúa bằng lòng.

+ Trong bài Tin Mừng hôm nay một cách gián tiếp Chúa bảo chúng ta không được coi Thiên Chúa như vậy. Người dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là “Ab-ba! Cha”.

+ Danh từ Abba mà Chúa dùng trong bài Tin Mừng hôm nay cũng có một ý nghĩa rất đặc biệt. Thường thì trong ngôn ngữ thông thường, người ta thường dùng từ Pater, tiếng Latinh – tiếng Père trong Pháp ngữ để xưng với một người có phúc được gọi là Cha. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay dùng tiếng Abba – Abba là Cha hay tương tự như Im-ma là Má. Đây là từ ngữ của một đứa trẻ Do thái mới tập nói gọi Cha hay Mẹ của mình.

Trong tiếng Việt chúng ta cũng thấy tương tự như thế. Một đứa trẻ khi mới bắt đầu tập nói muốn gọi tên Cha hay Má của nó thì thường nó phải bụm môi lại rồi mới có thể phát âm tiếng Ba và Má. Ừm-ba, Ừm-má: Ba – Má.

+  Vậy thì khi xử dụng kiểu nói như vậy rõ ràng là Chúa Giêsu cố dạy cho chúng ta biết khi đến với Thiên Chúa chúng ta phải đến với tâm tình nào: Đó là tâm tình của một trẻ thơ.

+ Khi Thánh Phanxicô khó khăn trình lên Đức Thánh Cha Honnriô II bản qui luật của Dòng để xin Ngài phê chuẩn thì Đức Thánh Cha có hỏi thánh nhân:

– Có bao giờ con thấy Chúa chưa?

Phanxicô:

  • Dạ thưa có. Con  vừa thấy đêm hôm qua.

Đức Thánh Cha:

  • Người có nói gì với con không?

Phanxicô:

– Người và con ở bên nhau suốt đêm mà không nói được gì. Tuy nhiên mỗi lần con nói “AB-BA” với Người thì Người lại trả lời với con: “CON TA”. Cứ  thế …chẳng có gì hơn cho tới sáng.

Hãy đến với Thiên Chúa trong tâm tình của một người con và Thiên Chúa là Cha của mình.

2. Thế như thế nào là tâm tình của một người con còn trẻ?

Thánh nữ Têrêxa trả lời thay cho tôi: Đó là luôn tin tưởng vào tình thương và sự tốt lành của Thiên Chúa.

Cũng trong buổi yết kiến Đức Thánh Cha ở trên, sau khi Đức Thánh Cha đã xem lướt qua bản qui luật, Ngài dừng lại hơi lâu một chút ở chỗ nói về sự nghèo khó, Đức Thánh Cha rất lấy làm ngạc nhiên vì những khoản luật ấy khắt khe quá. Ngài thắc mắc hỏi Phanxicô:

– Con ơi! Anh em con sẽ lấy gì mà sống?

Phanxicô trả lời:

– Dòng tu của con là một bà mẹ nghèo nhưng Thiên Chúa là một người Cha giầu có. Sau cuộc sống này Người đã hứa cho chúng con cả Thiên đàng- Vậy lẽ nào Người lại có thể có thể từ chối chúng con, những con người đang ở dưới thế này, những gì nhỏ bé theo nhu cầu của chúng con.

Qua thí dụ hai người bạn trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta tương tự như thế. Con người với con người mà còn biết đối xử với nhau như vậy, chẳng lẽ Thiên Chúa là Cha mà lại thua con người hay sao. Chính vì thế mà Chúa bảo: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mới cho” và Chúa còn nhấn mạnh: “Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ thì sẽ mở cho”  (Lc 10,9-10)

Phải biết tin tưởng vào tình thương và sự tốt lành của Thiên Chúa mỗi khi chúng ta đến với Ngài.

3. Đó là nguyên tắc nhưng trong thực tế có nhiều khi chúng ta không thấy hay chưa thấy được tình thương cũng như sự tốt lành của Thiên Chúa.

Có nhiều anh chị em phàn nàn với tôi: “Con xin hoài mà chẳng thấy Chúa cho. Con đi tìm đến mỏi cả mắt mà con cũng chẳng tìm ra; gõ đến mỏi cả tay mà cũng chẳng thấy cửa mở ra đâu”.

Quả thực là nhiều lúc cũng có như vậy thật.

Tại sao thế?

Thay vì đi tìm một câu trả lời ở đâu đâu thì chúng ta hãy bình tĩnh đọc tiếp lời Của Chúa Giêsu: “Ai trong anh em là một người Cha, khi con của mình xin bánh mà lại cho nó đá sao? Khi con mình xin cá..lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó sao? Hoặc nó xin trứng mà lại cho nó con bò cạp sao?”

Chắc chắn những người làm cha sẽ không bao giờ làm như thế. Nếu con người còn biết đối xứ tốt với con cái của mình như thế thì không lẽ Chúa là Cha mà lại đối xử tệ hơn con người sao. Chắc là không thể. Tôi tin như thế.

Trong cuốn sách Giáo Lý Mới tôi đọc thấy những lời rất hay như thế này: “Bạn đừng buồn nếu bạn không được Thiên Chúa ban ngay điều bạn xin, vì Người muốn cho bạn được nhiều lợi ích hơn nữa, nhờ bạn kiên trì kết hợp với Người trong cầu nguyện. Người muốn tôi luyện những ước muốn của chúng ta trong cầu nguyện, để chúng ta có khả năng đón nhận những gì Người sẵn lòng ban” (GLM số 2737).

Thiên Chúa là Cha, Người sẽ làm những gì tốt nhất cho chúng ta. Hãy tin tưởng vào Người.

Trong truyện tích của Thánh Thomas More, một trong những vị thánh rất nổi tiếng về lòng trung thành đối với Chúa, người ta có đọc được một mẩu truyện nhỏ này:

Có một người mù kia là một người rất đạo đức thường khi cầu nguyện người đó luôn kết thúc ý nguyện bằng một câu như thế này: “Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con.”

Một hôm kia người đó được dẫn đến trước mộ thánh Thomas More thành Cantobury. Trước mộ thánh nhân, người mù cầu xin cho mình được nhìn thấy. Lời cầu nguyện của anh được nhậm lời ngay. Anh được sáng mắt, nhìn thấy tất cả. Anh vô cùng sung sướng thế nhưng khi về đến nhà anh sực nhớ ra là mình quên câu kết thúc lời cầu nguyện như anh vẫn luôn làm. Anh cảm thấy hối hận về việc đó. Sau đó anh lại ra trước mộ thánh Thomas More để cầu nguyện lại. Lần này anh cầu xin để anh mù trở lại và không quên kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng câu: “Nếu điều đó có ích cho Linh hồn của con”. Vừa kết thúc lời cầu nguyện đó anh bị mù trở lại thật. Mù trở lại nhưng anh lại rất vui. Khác hẳn với trước kia nhiều khi anh buồn anh nản về số phận hẩm hiu của mình. Bây giờ thì khác hẳn, anh sống can đảm, yêu đời, vui tươi vì anh biết rằng Chúa luôn làm  những gì tốt đẹp nhất cho anh.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

1. Chúng con vừa nghe một bài Tin Mừng dài. Có thể nói là hơi dài một chút.

Cha đố chúng con bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta về vấn đề gì nào?

– Về việc cầu nguyện.

– Rất đúng. Thế chúng con đã có bao giờ cầu nguyện chưa?

– Thưa cha rồi…

– Thế chúng con cầu nguyện với ai? Như thế nào? Cầu nguyện làm sao? Cha hỏi nhiều quá phải không? Thôi bây giờ cha bắt đầu câu chuyện hôm nay. Cha bắt đầu trả lời câu hỏi: Cầu nguyện với ai? Dĩ nhiên là với Chúa rồi nhưng…..Chúa là ai đối với chúng ta?

Câu trả lời rất vắn: Chúa là CHA. Chúa Giêsu bảo chúng ta cầu nguyện với Chúa và khi cầu nguyện hãy thưa với Chúa là CHA. Chúa thích chúng ta thưa với Chúa như thế.

Đây là câu chuyện do Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu kể trong một tập sách nhỏ của ngài. Câu chuyện như thế này:

“Một ngày kia, Thiên Chúa đưa mắt nhìn xuống trần gian để xem người ta thờ phượng Người như thế nào. Người thấy một tín đồ Ấn giáo đang ngồi trầm mặc thinh lặng như thể quên hết mọi sự trên trần gian này. Thiên Chúa rất hài lòng về cử chỉ ấy nhưng Người nói: “Tại sao phải nhọc thân khổ xác như thế?”.

Người lại thấy một nhà sư Phật giáo đang mỉm cười và cố gắng tạo ra sự hài hòa giữa cái thiện và cái ác. Thiên Chúa vui mừng vì nụ cười ấy, nhưng Người lại nói: “Tại sao con người lại tốn công nhọc sức như thế mà không nhờ đến trời cao?”.

Người lại thấy một người bán khai, người bán khai là người như thế nào chúng con? Đó là những người sống trong rừng rú, thiếu ánh sáng văn minh. Người người bán khai đang tế thần với tất cả sự run rẩy sợ hãi. Thiên Chúa xúc động trước cử chỉ ấy, nhưng lại nói: “Tại sao con người lại có thể run sợ như thế?”.

Người lại thấy một người Hồi giáo đang quì phủ phục hướng về thành La Mecque. La Mecque là một nơi hành hương nổi tiếng của người Hồi Giáo.  Thiên Chúa thấy họ cúi đầu thán phục, nhưng Người lại nói: “Tại sao lại phải phủ phục nhiều như thế?”

Người lại thấy một nhà thông luật Do thái cất tiếng đọc to những khoản luật trong Kinh Thánh. Thiên Chúa cũng hài lòng vì những lời cầu nguyện, nhưng Người lại nói: “Tại sao có quá nhiều luật lệ như thế?”

Sau khi đã quan sát tất cả những hình thức cầu nguyện và thờ phượng của con người, Thiên Chúa Cha nói với Con Một như sau: “Con hãy xuống nói với thế gian và mang Thần Khí yêu thương xuống cho chúng. Cha không muốn những hi tế vô ích bởi vì Cha là Cha. Cha không muốn sự sợ hãi bởi vì Cha là Cha. Cha không muốn lề luật bởi vì Cha là Cha. Cha chỉ muôn một tình yêu thanh thản và chân thành, bởi vì tất cả mọi người dầu là con cái của Cha”.

Khi mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là Cha, Ðức Giê-su đã đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo khác. Không những Người cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn ta đi vào tình nghĩa thâm sâu, tha thiết với Cha. Vì thế, Người đã dạy ta tiếng “Abba” là tiếng gọi “Ba ơi” rất thân thương của một đứa trẻ vừa nũng nịu, vừa tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Cha.

2. Đúng là phải cầu nguyện với Chúa như một NGƯỜI CHA. Và khi đến và cầu nguyện với Chúa, chúng ta phải đến với một tâm hồn hồn nhiên, đơn sơ và chân thành.

Nhưng phải cầu nguyện như thế nào?

Rõ rệt là Chúa không muốn có sự xa cách. Chúa muốn cho con người thân mật gần gũi với Chúa.

Có một câu chuyện trong KT Cựu Ườc rất hay cha muốn kể cho chúng con. Chúng con thấy Abraham nói truyện với Chúa thật là gần gũi và thân mật. Cha thích câu chuyện này vì nó làm cho cha cảm thấy giữa Chúa và con người dường như không còn một cái gì ngăn cách.

Abraham thấy Chúa sắp thịnh nộ giáng tai họa xuống dân thành Sodoma, Abraham liền nài nỉ Chúa tha thứ cho họ… có lẽ khi làm việc này Abraham cũng nghĩ tới gia đình của đứa cháu tên là Lot cư ngụ trong thành này, ông ta có một người vợ và hai cô con gái.

Cha nhắc lại cho chúng con câu chuyện này để chúng con thấy:

Chúa bảo với Abraham:

– Này có chuyện này Ta sắp làm mà Ta không muốn dấu ngươi. Tội lỗi của Sodoma và Gômora quá nặng nề và Ta muốn hủy diệt chúng.

Abraham muốn cứu Sodoma nên thưa với Chúa:

– Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao?

Rồi ông đưa ra một lời thắc mắc:

– Nếu có 50 người công chính trong thành chẳng lẽ họ cũng phải chung số phận? Với 50 người công chính đang cư ngụ trong đó chẳng lẽ chưa đủ để Chúa tha cho cả thành ư ?

Và sau đó ông lại can ngăn Chúa :

– Xin Chúa đừng làm vậy, xin đừng sát hại những người công chính cùng với kẻ dữ. Xin Chúa đừng làm thế.

(Đó chúng con thấy, lời lẽ của Abraham thật thân tình chưa… nói với Chúa như nói với người bạn vậy).

Và Chúa cũng nói với ông một cách thân tình như thế:

– Nếu Ta tìm thấy trong thành Sodoma 50 người công chính, ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả thành.

Thấy ý định của mình có mòi không thành, Abraham thưa lại với Chúa:

– Dù tôi chỉ là tro bụi, nhưng con đã bắt đầu nói thì con cũng xin thưa: nếu trong số 50 người công chính … còn thiếu 5 người thì sao?

Rồi ông tỏ ra như có vẻ thắc mắc.

– Vì 45 người công chính Chúa có tàn phá cả thành không?

Chúa trả lời cho ông biết:

+ Nếu ta tìm thấy 45 người công chính Ta sẽ không phá huỷ cả thành.

Abraham thấy Chúa có vẻ dễ dãi và xuống nước, Abraham “quất” thêm một câu nữa:

– Giả tỉ như chỉ có 40 người công chính thôi, thế Chúa sẽ làm gì?

+ Ta sẽ vì 40 người đó mà tha cho cả thành.

Abraham thấy thế cũng chưa thành công… nhưng lại không dám can đảm ..

– Nếu Chúa không nổi giận cơ … thì con mới dám nói: nếu chỉ có 30 người thì sao?

– Ta sẽ …

– Con trót nói… nếu chỉ có 20 …

– Vì 20 người đó Ta sẽ không tàn sát.

– Xin đừng nổi giận, một lần cuối… nếu chỉ có 10 người?

– Vì 10 người đó Ta sẽ không tàn phá.

Sáu lần Abraham đặt điều kiện để xin Chúa tha cho thành  Sodoma.

Đó chúng con thấy, Chúa thích sự gần gũi thân thiện… như những người bạn nói truyện với nhau.

Thánh Gérald Majeiia hồi còn nhỏ ở giúp việc cho đức cha Lacedogma. Một ngay kia đức cha đi vắng giao chìa khóa cho cậu, bảo cậu kín nước đổ vào bồn. Chẳng may khi cúi xuống chùm chìa khóa rớt xuống giếng sâu, sợ quá… không biết sao để lấy lên.

Bỗng cậu nhớ đến Chúa Giêsu Hài Đồng, cậu vội chạy vào máng cỏ trong nhà thờ quì cầu nguyện rồi ẵm Chúa ra giếng… trước sự kinh ngạc của mọi người.

Cậu cột Chúa vào giây vừa thả Chúa xuống giếng vừa nói: “Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới giúp con lấy lại chìa khóa”

Rồi cậu từ từ kéo Chúa lên. Lạ lùng thay … chìa khoá trong tay Chúa hài đồng.

Cha kết thúc ở đây nhé!

A. Chẳng cần phải nói nhiều: Đọc bài Tin Mừng hôm nay chúng con em cũng thấy xem ra Chúa có vẻ bằng lòng với thái độ của Maria hơn của Matta.

1. Thái độ của Matta trong bài Tin Mừng hôm nay rất giống với thái độ của người Samaria trong bài Tin Mừng Chúa nhật trước. Cung cách có khác nhau nhưng nội dung cũng chỉ là một. Đó là phục vụ.

Dưới con mắt của Matta thì Chúa chỉ là một con người. Có thể là một người đặc biệt, một vị khách rất quí chính vì thế mà chị đã đem hết khả năng ra để phục vụ, không những cho Chúa mà còn cho cả những người có liên hệ với Chúa nữa. Công việc phục vụ như thế quả thực là vất vả. Giá Chúa tưởng thưởng cho chị một vài lời khen thì chắc là chị vui lắm. Thế nhưng Chúa lại không làm như thế. Tại sao vậy?

2. Chúng ta nhìn vào thái độ của Maria chúng ta sẽ thấy câu trả lời?

Giữa lúc Matta vất vả cực nhọc phải làm đủ mọi thứ để đón đoàn khách quí thì Maria lại tỏ ra là rất lãnh đạm thờ ơ với những việc có tính cách bên ngoài đó.

Giữa lúc Matta bôn chôn lo lắng làm mãi mà không hết việc thì Maria lại bình thản ngồi ở bên chân Chúa mà nghe lời của Người.

Nếu phải đánh giá và phê phán về thái độ của hai người thì có lẽ chúng ta sẽ nghiêng về việc bênh vực Matta hơn.

B. Thế nhưng Chúa Giêsu không nghĩ như vậy. Rõ ràng là Ngài có thái độ của một bậc làm thầy. Chúa quan sát và Chúa đánh giá. Chúa không kết án nhưng Chúa cho biết đâu là thái độ làm Chúa vui.

a- Thái độ của Matta chứng tỏ bà mới chỉ có được một quan niệm tốt về Chúa. Nếu phải so sánh với thái độ của Maria thì chúng ta thấy thái độ của Maria cao hơn nhiều.

Chúng ta hãy nghe Matta nói:

“Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm đến sao? Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi một tay!”.

Một câu nói:

– Vừa có tính cách kể công: “Tôi hầu hạ một mình”

– Vừa có tính cách trách móc: “mà thầy không quan tâm đến sao'”

– Và vừa có tính cách áp đặt ý muốn của mình trên ý muốn của Chúa. Lời nói tuy có nhẹ nhưng nội dung quả đúng là như thế: “Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi một tay”

Hoàn toàn như một con người với một con người.

b- Trái lại Maria thì khác hẳn. Điều mà Maria cần ở nơi Chúa là những Lời dạy bảo của Người. Chính vì thế mà Maria đã biết chọn cho mình một vị trí thật khiêm hạ. Vị trí của một người học trò, một người tôi tớ. Chúa Giêsu cũng ngồi nhưng ngồi trong tư thế của một bậc làm thầy. Còn Maria ngồi và Luca ghi rất rõ: ngồi dưới chân của Chúa.

Nếu được phép nhìn toàn cảnh cuộc đối thoại giữa ba người theo ngôn ngữ của hình ảnh thì chúng ta sẽ thấy rõ hơn: Chúa Giêsu ngồi. Maria cũng ngồi nhưng ở bên chân của Chúa. Còn Matta thì đứng. Với tư thế này thì chúng ta thấy vị trí ba cái đầu: một của Chúa, một của Matta và một của Maria ở một độ cao khác nhau. Đầu của Matta ở độ cao nhất. Sau đó mới đến vị trí đầu của Chúa và cuối cùng mới đến Maria.

Từ vị trí đó chúng ta sẽ dễ hiểu lý do tại sao mà Matta lại dám kể công, trách móc và muốn áp đặt ý muốn mình trên ý muốn của Chúa. Còn Maria thì trái lại, lại mở thật rộng cõi lòng để đón nhận mọi lời Chúa dạy bảo.

Mối tương quan giữa Chúa và Maria đẹp hơn. Maria đã biết chọn Chúa làm Chúa cuộc đời của mình. Bà đã dành cho Chúa một vị trí thật xứng đáng.

c- Bây giờ chúng ta nghe sự phán quyết của Chúa. Chúa không trách nhưng Chúa dạy. Chúa muốn cho mọi người phải có một quan niệm đẹp và đúng về Ngài. Ngài đến không phải vì miếng ăn. Ngài đến để dạy cho người ta biết con đường đi đến Nước Trời. Có lần Ngài đã công khai tuyên bố điều đó. Và chính vì thế mà Ngài mới đến trong thế gian: “Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”.

Maria đã làm đúng ý của Chúa. Chúa bảo Maria đã chọn phần tốt nhất.

C. Đi xa hơn một chút chúng ta còn có thể coi thái độ của Maria như là thái độ mẫu mực của Tình yêu đối với Thiên Chúa. Bằng những việc làm cụ thể của mình, Maria đã cho chúng ta thấy thế nào là lòng yêu đích thực đối với Người.

Con người phải yêu mến Thiên Chúa, yêu hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn. Nhưng yêu bằng cách nào?  Rõ ràng là con người không thể thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa theo cùng một cung cách với cách biểu lộ tình yêu giữa người với người.

Người Samaria đã biểu lộ tình yêu giữa người với người một cách thật tốt đẹp bằng những hy sinh thật đáng nể phục.

Matta đã thể hiện tình yêu đối với Chúa và các môn đệ của Ngài qua việc phục vụ thật chu đáo.

Những thái độ như thế quả là rất đáng khen. Chính Chúa cũng khuyên người ta làm như thế. Thế  nhưng đó mới chỉ là những việc giữa người với người.

Thiên Chúa đòi chúng ta phải yêu Người ở một mức độ cao hơn.

Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy rất rõ điều đó:

“Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời thầy cha của thầy sẽ yêu mến người ấy” (Ga 14,23) –

“Tôi bảo thật các ông: Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi thì sẽ có sự sống đời đời” (Ga 5,24)

“Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy (Ga 14,21)

Maria đã chọn phần tốt nhất vì Maria đã chọn thánh ý của Chúa và thi hành thánh ý đó. Việc làm của Maria đẹp lòng Chúa. Nó vừa nói lên ý thức của Maria đối với Chúa và đồng thời nó cũng nói lên vị trí của Chúa trong cuộc đời của mình.

Người ta kể lại rằng Charles Lamb là một văn sĩ người Anh rất nổi tiếng về tài hài hước một cách nhẹ nhàng. Ông cũng là một người có một lòng quí mến và nhiệt tình hiếm có đối với gia đình và bạn bè. Ông thường tụ tập các bạn bè lại để trao đổi về vấn đề văn chương. Một lần kia trong một buổi họp, có một người bạn của ông đặt vấn đề: “Nếu chúng ta được trực tiếp nói truyện tay đôi với các văn sĩ nổi tiếng trên thế giới mà nay đã qua đời thì không biết chúng ta sẽ có phải có thái độ như thế nào đây?”

Rồi một người đưa ra một thí dụ: “Thí dụ như Dante (Người viết cuốn Hài kịch thánh về Thiên đàng – Địa ngục, luyện ngục…) bước vào phòng này thì chúng ta sẽ phản ứng ra sao?

Người khác hỏi: Nếu Shakespeare, một văn sĩ người Anh rất nổi tiếng, cùng tham dự với chúng ta đêm nay thì sao?

Ông Lamb nói thật lớn: “Tôi sẽ hân hoan đưa cả hai tay vui mừng đón tiếp tất cả những vị đó.Thật là một vinh dự vô cùng lớn lao không biết diễn tả sao cho hết.”

Câu truyện đang có vẻ vui như thế thì có một người khác lên tiếng đặt vấn đề: “Giả sử như Chúa Kitô bước vào phòng này?”

Nét mặt của Ông Lamb bỗng trở nên nghiêm nghị khác thường. Im lặng một chút rồi ông trả lời: “Dĩ nhiên là tất cả chúng ta phải quì xuống!”

Chẳng cần phải nói thêm nữa, chúng ta cũng thấy được Maria đã chọn được phần tốt nhất là phần như thế nào. Maria đã không đón tiếp Chúa như một con người mà Maria đã nhận ra Chúa Giêsu là Chúa cuộc đời của mình nên Maria đã chọn cho mình một vị trí thật xứng hợp: ngồi bên chân Chúa để được dạy bảo. Đó là thái độ mà Chúa thích nhất và sự chọn lựa này đem đến cho Maria thật nhiều niềm vui và thật nhiều hạnh phúc là điều không ai lấy được.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe thánh Luca thuật lại cho chúng ta một câu chuyện có liên quan đến một gia đình rất quen thuộc với Chúa Giêsu.

Cha đố chúng con đó là gia đình nào và ở đâu?

– Gia đình của ba chị em Matta, Maria và Lagiarô!

– Rất đúng! Chúng con rất giỏi.

– Gia đình này ở đâu vậy chúng con?

– Ở Bêtania gần thành Giêrusalem.

– Lại giỏi nữa.

– Câu chuyện hôm nay có mấy nhân vật chúng con?

– Có ba.

– Những ai nào? Kể ra cho cha nghe.

– Chúa Giêsu – Matta và Maria.

– Đúng rồi. Bây giờ chúng ta bắt đầu vào câu chuyện.

1. Hôm đó, Chúa Giêsu và có lẽ có cả các môn đệ của Chúa ghé vào một gia đình mà mỗi khi có dịp đi Giêrusalem, Chúa thường làm thế. Đây là gia đình không hiểu vì lý do gì mà Chúa rất thương. Chúng ta có thể nhận ra tình thương của Chúa đặc biệt qua biến cố anh Lagiarô chết. Đọc lại Tin Mừng chúng ta sẽ thấy rất rõ điều đó. Chính ở đây Chúa đã làm một phép lạ lớn lao chưa từng có. Đó là cho Lagiarô đã chết. Người ta đã chôn Lagiarô được 4 ngày rồi vậy mà Chúa đã cho anh ta được sống lại trước sự kinh hoàng và ngỡ ngàng của mọi người.

Đó là gia đình Bêtania.

Bởi thế việc Chúa ghé thăm gia đình này hôm nay có lẽ cũng là việc bình thường.

Thế nhưng sự việc có tính cách hơi khác thường một chút đó là hôm nay Chúa làm cho mọi người phải thắc mắc và suy nghĩ vì Chúa công khai khen Maria và một cách nào đó Chúa muốn nói với mọi người ý nghĩ của Chúa qua cách hai chị em đón tiếp Chúa.

Chúng con thấy, khi Chúa đến nhà, cô Matta là chị cả trong gia đình đã phải tất bật vất vả như thế nào để làm những việc cần thiết trong việc tiếp đón, phục vụ Chúa. Chúa đâu có phải là một vị khách tầm thường hoặc là những con người như biết bao người khác trong xa hội đâu. Chúa là vị khách đặc biệt, quá đặc biệt là đàng khác, cho nên việc tiếp đón Chúa cũng phải đặc biệt hơn những trường hợp khác trong cuộc sống. Chính vì vậy mà chị Matta đã dốc hết sức lực của mình ra để lo cho công việc đón tiếp và phục vụ này thật xứng đáng. Đâu có phải ai cũng được cái diễm phúc Chúa đến thăm một cách thân tình như thế. Đây là một vinh dự lớn cho gia đình nên nếu cô Matta có bỏ hết công sức ra mà làm thì cũng thật là bình thường.

Đang khi, cha nhấn mạnh đang khi cô chị vất vả bận rộn như thế thì cô em có vẻ như chẳng thấy có gì đáng quan tâm. Cô thản nhiên thảnh thơi đến bên chân Chúa và chăm chú ngồi ở đó để lắng nghe những lời Chúa dạy. Cô Maria tỏ ra như không hề biết đến những việc mà chị cô đang làm. Mặc kệ! Chị muốn làm gì thì làm cô không cần biết. Điều mà cô thích thú bây giờ là việc Chúa đến thăm gia đình. Một việc hiếm hoi lắm mới có được. Chúa đến thăm nhà. Một cơ hội ngàn vàng đâu phải lúc nào cũng có, cho nên phải tận dụng hết thời gian khi Chúa viếng thăm để gặp và nghe Chúa dạy bảo. Việc này đâu phải dễ có và đâu phải ai củng có được như cô lúc này. Bởi vậy cô như cô không muốn đến bất cứ một việc nào khác ngoài việc ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Lời Chúa.

Matta chẳng làm sao mà hiểu được thái độ cô em gái của mình. Chị cũng không hiểu được Ðức Giêsu như thế nào. Hình như Chúa cũng chẳng quan tâm đến việc chị đang làm mà chỉ biết hứng thú trong việc dạy dỗ Maria.

Cuối cùng thì những gì phải tới đã tới. Matta mạnh dạn đến với Chúa và không ngần ngại nói lên tiếng nói của mình. Chị muốn Thầy để ý đến việc mình đang làm, muốn Thầy nhận ra sự vất vả mình phải chịu. “Em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao?”

Một câu nói vừa mang tính van xin nhưng đồng thời cũng mang vẻ trách móc. Làm sao mà Chúa vô cảm đến thế.

“Xin Thầy bảo em giúp con một tay”.

Một đề nghị hết sức nhân bản và cũng rất hợp với lẽ thường tình. Ai đâu chỉ có hai người trong gia đình. Ở đây chúng ta không thấy nói tới Lagiarô. Chúng ta không biết tại sao hay Luca cố ý làm như thế để làm nổi bật lên bài học Chúa muốn dạy trong Tin Mừng hôm nay. Ai đâu trong gia đình chỉ có hai chị em mà một người vất vả, còn một người thì hầu như vô xảm đối với việc rất quan trọng là đón tiếp Chúa.

Đến đây thì chúng ta mới thấy câu chuyện đã rẽ sang một hướng mới: Ý kiến của Chúa Giêsu.

Sau khi nghe lời đề nghị của Matta, Chúa Giêsu đã lên tiếng. Chúa lên tiếng thật vắn gọn nhưng ai cũng có thể hiểu được ý Chúa muốn nói gì. Rõ ràng là Chúa không “chê” thái độ của Matta nhưng xem ra Chúa thích thái độ của Maria hơn: “Matta! Matta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.

  Tại sao Chúa lại bảo: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”Để hiểu được Lời của Chúa  chúng con hãy nhớ lại khi bị ma quỉ cám dỗ biến đá thành bánh mà ăn, Chúa đã trả lời: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”(Mt 4,4).

Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện có thật này: Tokichi IshiI, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát được nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tượng tưởng nổi.

Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ, kể cả trẻ con. Với bàn tay khát mát, hắn thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết.  Nhưng cuối hắn cũng bị bắt và kết án tử  hình.

Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với cặp mắt dữ tợn như một hung thú.

Cuối cùng mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn cuốn Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động khi tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. IshiI đã đọc và những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Câu Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: “ Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng  làm’’, đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó anh thuật lại: “đọc đến câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là một tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài? Tôi không biết, nhưng điều duy nhứt tôi biết là hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin’’.

Ông Chirgwin, tác giả viết câu chuyện này trong quyển sách mang tựa đề “Thánh Kinh Trong Thế Giới Truyền Giáo’’ đã kết câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ IshI đi hành quyết.  Họ đã không gặp một tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa nhã, lễ độ. IshiI, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.

Lời Chúa có sức mạnh vạn năng. Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn một sát nhân giết người không gớm tay  như anh Tokichi IshiI và bao tâm hồn sa ngã khác. Lời Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ, đang dấn thân phục vụ những trẻ con bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội.