Bài giảng thiếu nhi: Chúa Nhật 3 Phục Sinh, Năm A

Chúng con thiếu nhi yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe một bài Tin Mừng thật hay, thật đẹp.

Cha đố chúng con bài Tin Mừng hôm nay nói về câu chuyện gì ?

– Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus.

– Hai môn đệ này là ai vậy chúng con ?

– Có lẽ là hai người trong nhóm 72 môn đệ của Chúa.

– Họ có thuộc nhóm các tông đồ không ?

– Dạ thưa không. Họ không phải là tông đồ, nhưng chỉ là những môn đệ yêu mến và đi theo Chúa Giêsu.

Bây giờ cha có hai câu hỏi cha muốn hỏi các con.

I. Câu Hỏi Thứ Nhất: Tại sao Chúa Giêsu hiện ra đi ngay bên cạnh mà họ không nhận ra Chúa.

Chúng con thấy sau khi Chúa sống lại thì việc nhận ra Chúa không dễ dàng.

Lúc đầu, khi Chúa hiện ra với Maria Mađalêna, chúng con thấy Maria thấy Chúa ngay không ? Thưa không. Vậy Maria tưởng mình thấy ai ? – Maria tưởng Chúa là người giữ vườn. Mãi cho tới khi Chúa lên tiếng gọi, lúc đó Maria mới nhận ra Chúa.

Còn các tông đồ thì sao ? Mặc dù đã được Maria báo trước, thế nhưng khi Chúa hiện ra, cảm tưởng đầu tiên của các tông là tưởng mình thấy “Ma”. Mãi cho đến khi Chúa cho các ông ấy được nhìn xem, được sờ vào Chúa rồi Chúa ăn uống ngay trước mặt, lúc đó các ông ấy mới tin.

Hôm nay chúng con thấy….Hai môn đệ đang buồn bã cùng nhau đi trên đường…vừa đi vừa chuyện trò về câu chuyện đau thương họ mới chứng kiến…Đang lúc đó thì Chúa hiện ra cùng đi với họ…Lúc đầu họ đâu có nhận ra Chúa…Phải đợi mãi cho tới khi Chúa dùng toàn bộ Kinh Thánh và các tiên tri để giải thích, họ mới cảm thấy lòng của họ “Nóng lên”…mãi cho tới khi Chúa vào quán trọ rồi bằng một cử chỉ thật quen thuộc, Chúa cầm bánh trao cho họ y như việc Chúa làm trước đó…lúc đó họ mới nhận ra Chúa.

Cha hỏi chúng con ? Tại sao lại như thế ? Tại sao họ đã không nhận ra Chúa ngay mà phải đợi đến lúc Chúa làm lại những việc quen thuộc Chúa đã làm thì lúc đó họ mới nhận ra Chúa ?

Đây chúng con hãy nghe Sách Giáo Lý mới trả lời: “Đức Kitô đã phục sinh với thân xác riêng của Người: Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! (Lc 24,39); nhưng Người không trở lại với đời sống trần thế. Cũng vậy, trong Người, “tất cả mọi người sẽ sống lại với thân xác riêng của mình, thân xác hiện giờ họ đang mang”, nhưng thân xác này “sẽ được biến đổi thành thân xác của sự vinh quang”, thành “thân thể có thần khí” (1Cr 15,44)(999): Sự “phục sinh” đó, vượt quá trí tưởng tượng và sự hiểu biết của chúng ta; điều đó chỉ có thể đạt tới bằng đức tin.(1000)

Chúng ta chỉ có thể đạt tới niềm Phục sinh bằng đức tin.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này:

Một người Nga nọ sau khi đã mãn hạn tù đã kể lại tâm trạng của mình:

Dáng vẻ bên ngoài của tôi xấu xí đến độ không ai muốn đến gần tôi. Trong thời gian lao động cải tạo, thay vì làm việc chung với các trại viên khác, tôi bị giam mình xuống đáy hầm. Tình cờ một tai nạn xảy ra khiến lưng tôi bị gù.

Một ngày kia, có một cậu bé nhìn tôi thật lâu rồi hỏi tôi một cách ngây thơ:

– Chú ơi, chú mang cái gì trên lưng thế ?

Tôi đã nghĩ rằng cậu bé có ý chế nhạo tôi, biết thế nhưng tôi vẫn bình tĩnh trả lời:

– Cục bướu đấy cháu ạ.

Tôi chờ đợi cậu bé sẽ tiếp tục trò chơi gian ác của cậu. Nhưng không, cậu bé nhìn tôi một cách trìu mến rồi nói:

– Không phải thế đâu chú ạ. Chúa là tình yêu. Ngài không cho ai hình thù kỳ dị cả. Không phải chú có cục bướu đâu, chính chú đang mang trên lưng cái hộp đó. Trong cái hộp đó có đôi cánh của thiên thần, và một lúc nào đó đôi cánh sẽ mở ra và chú sẽ bay lên trời với đôi cánh đó.

Ý nghĩ ngộ nghĩnh của chú bé đã làm tôi sung sướng đến độ khóc thành tiếng.

Ôi sung sướng quá! Đúng là một vị thánh. Thánh nhân đã giúp tôi nhìn thấy Thiên Chúa cả trong những nơi bất hạnh, nhìn thấy sự may mắn ngay cả trong những mất mát thua thiệt, và nhất là biết nhìn thấy Chúa trong những người không ai muốn nhìn đến.

2. Câu Hỏi Thứ Hai: Chúa Đã Làm Gì Để Giúp Con Người Nhận Ra Chúa Sau Khi Chúa Phục Sinh ?

Chúng con thấy việc nhận ra Chúa sau khi Chúa Phục sinh không phải là việc dễ dàng chính vì thế mà Chúa đã có cách giúp con người nhận ra Ngài. Cha đố chúng con trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa đã dùng cách nào ?

Trước hết cha thấy Chúa đã sử dụng Kinh Thánh. Lý do vì Kinh Thánh là kho tàng Mạc Khải cho chúng ta về Chúa. Chúng con thấy, đứng trước hai người môn đệ đang buồn bã thất vọng, Chúa Giêsu đã không hề nhắc đến một việc nào có liên quan đến cái chết của Chúa mà Chúa đã dùng Kinh Thánh để giúp hai môn đệ tìm lại được niềm tin của mình. Đây là lời họ thú nhận với nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (Lc 24,32).

Rồi Chúa còn làm gì nữa chúng con ?

Chúa còn lập lại một việc trước đó không lâu Chúa đã làm khi lập Bí tích Thánh thể. Tin Mừng ghi “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24,30). Và kết quả như thế nào thì chúng con đã biết: “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24,31).

Như vậy chúng ta có thể hiểu: Thánh Kinh và Thánh Thể là hai phương thế Chúa muốn cho chúng ta dùng để có thể gặp được Chúa.

Loew là một phu khuân vác ở bến tàu. Anh là đảng viên của đảng Lao động Thụy Sĩ. Bỗng một hôm Loew nảy ra ý định thử đi tìm hiểu điều mà người Công Giáo hằng tin tưởng, có một Thiên Chúa thật không ?

Anh đến một dòng khổ tu và nói thật ý định của mình với cha bề trên. Cha không nói với anh điều gì ngoài những lời:

– Anh đã đi đúng đường rồi đó. Anh hãy tiếp tục đi đi, hãy coi tu viện này là nhà của anh.

Rồi cha bề trên giơ tay chỉ nhà nguyện, nói:

– Đây là nhà nguyện đang dâng lễ.

Loew vào, anh quì xuống như bao kẻ khác. Rồi anh cứ quì mãi trong khi những người khác đã thay đổi thế quì, thế đứng, thế ngồi. Đến lúc đã mỏi gối. Loew ngồi lên thì mọi người lại quì xuống vì lúc đó là lúc dâng Mình Máu Thánh Chúa.

Rồi đến khi rước lễ, mọi người lên rước lễ, chỉ mình Loew ngồi đó, thật chẳng giống ai, Loew nghĩ thầm.

Nhìn những người rước lễ đi xuống, Loew nhận ra những khuôn mặt: học thức, địa vị, bình dân… Loew tự hỏi: sao những kẻ này mê tín, dị đoan quá thế ? Ăn miếng bánh nhỏ bằng đồng xu thế kia để làm gì, họ có điên không nhỉ ?

Nhưng ý tưởng trên của Loew đã bị một tư tưởng khác tấn công: không lẽ những người có học thức, có địa vị xã hội hơn tôi mà họ lại điên, còn tôi thì ngược lại, khôn hơn sao ? Hay là tôi điên ?

Thế rồi, Loew tìm hiểu phép Thánh Thể với cha bề trên. Thời gian sau, Loew tâm sự:

“Bây giờ, tôi có thể nói như hai môn đệ Emmaus: “Tôi nhận ra Ngài, lúc Ngài bẻ bánh”. Chính lúc bẻ bánh chúng ta mới nhận ra chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô. Có những người mà trước đó gặp ngoài đường, chúng ta dửng dưng như người xa lạ, nhưng trên bàn tiệc thánh, chúng ta thấy gần gũi với nhau. Tôi gặp Chúa Kitô nơi họ, cũng như họ gặp Chúa Kitô nơi tôi. Bởi chúng tôi cùng tin Phúc Âm, cùng lãnh nhận một của ăn là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô”.