Thiếu nhi chúng con yêu quí

1. Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng rất hay của Chúa.

Cha đố chúng con, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn nói với chúng ta về vấn đề gì?

– Về vấn đề tiền bạc của cải trong cuộc sống.

– Về vấn đề phải sống cho khôn ngoan.

– Về vấn đề phải sử dụng những của cải Chúa ban như thế nào.

+ Rất tốt. Chúng con trả lời rất hay.

Bây giờ chúng ta bắt đầu vào câu chuyện.

Cha hỏi chúng con, nếu có thật nhiều tiền chúng con có vui không?

– Dạ vui.

+ Vì sao có tiền lại vui? Có tiền thì vui chứ sao. Vì tiền giúp chúng ta giải quyết được nhiều vấb đề của cuộc sống.

Chúng con có biết bài thơ này không? Đây là một bài thơ cha vô tình nhặt được ở sân nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm sau thánh lễ dành cho giới trẻ. Bài thơ như thế này:

Tiền là tiên là Phật

là sức bật của lò xo.

Là thước đo lòng người

Là nụ cười tuổi trẻ

Là sức khỏe của tuổi già

Tiền là hy vọng

Là cái lọng che thân

Là cán cân công lý

Tiền là hết ý.

Chà nghe hay quá! Tiền là hết ý.

Đúng là có tiền thì vui nhưng bên cạnh cái vui đó, cha lại cảm thấy sợ. Chúng con có biết tại sao cha lại sợ không.

Đây cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này. Một câu chuyện có thật 100%. Câu chuyện xảy ra ở Mỹ, bang Texas.

Theo báo Weekly Wprld News mới đây thuật lại: tại bang Texas Mỹ, mọi người đã phải bàng hoàng vì một vụ án hết sức nhẫn tâm và vô nhân đạo. Bị cáo là một phụ nữ 32 tuổi có tên là Diana Lunberna. Trong 14 năm qua, bà đã lần lượt giết chết hết 6 đứa con dưới 5 tuổi của mình với một mục đích rất rõ rệt. Đó là để lãnh tiền bảo hiểm. Chuyện những đứa con của bà ta chết lúc đầu tưởng là chuyện thường tình chẳng mầy ai để ý nhưng có ngờ đâu là vừa qua, qua cái chết đứa con thứ sáu của bà, người ta mới phát hiện ra bà chính là thủ phạm đã gây ra những cái chết cho tất cả những đứa con từ 14 năm qua. Luật sư Johny Actkinson cho biết: “Lúc đầu, bà ấy tìm mọi cách để chối tội, nhưng sau khi cảnh sát đưa ra những bằng chứng xác đáng, bà đành thú nhận tất cả”.

Cuộc điều tra còn cho biết: trước khi thực hiện việc làm tán tận lương tâm này, bà Diana đều đã mua phiếu bảo hiểm cho chúng, ví dụ vào năm 1982 trước khi bé Melinda chết 1 ngày, bà đã bỏ ra 15.000 đôla để đóng tiền bảo hiểm với mục đích sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

Đó chúng con thấy. Chỉ vì ham tiền mà một người mẹ đã đang tâm giết các đứa con do chính mình sinh ra. Cha không thể tưởng tượng nổi thế giới hôm nay lại có một con người như thế. Chính vì thế mà cha sợ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay chúng con thấy cũng chỉ vì tiền bạc, mà người ta đã  đánh mất cả phẩm giá làm người của mình.

Người quản lý trong bài Tin Mừng đâu phải là người nghèo khó. Nhưng ông bị đã bị tiền bạc sai khiến và đã trở thành kẻ bất lương.

Những người mắc nợ chủ cũng vì tiền bạc chi phối mà đã trở thành những kẻ đồng loã với tên quản gia gian lận

Ông chủ trong bài Tin Mừng hôm nay cũng vì tiền bạc mà làm một việc chẳng tốt đẹp chút nào khi dám mở miệng khen ngợi người quản lý bất trung của ông ta. Thật là cá mè một lứa!

2. Vậy thì Chúa muốn chúng ta phải làm thế nào?

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa đưa ra những chỉ dẫn khá rõ rệt. Chúa bảo: “Hãy dùng tiền bạc”(Lc 16,9) – Dùng là sử dụng nó. Dùng chứ không tôn thờ nó. Hãy dùng nó như một phương tiện chứ đừng coi nó như một mục đích.

Đây là một người biết sử dụng tiền bạc như ý Chúa muốn:

Tiến sĩ  Marcello Candia đã dùng tất cả tài sản để xây một bệnh viện chăm sóc bệnh nhân nghèo và người phong cùi tại Amazone ở Ba Tây. Ông tâm sự :

– Khi còn ở  bậc trung học, tôi thuộc thành phần của nhóm trẻ được phân công đi thăm các gia đình nghèo. Một hôm thầy Cêciliô nhờ tôi phát thức ăn cho người nghèo. Trên tường nơi phòng ăn dành cho người nghèo có treo tấm hình của cha Daniele Samarate, một vị thừa sai của dòng Phanxicô đã chết vì bệnh cùi sau thời gian phục vụ thổ dân ở Ba Tây. Mỗi lần phát thức ăn cho người nghèo, tôi đều nhận ra hình ảnh đau khổ của Ngài. Dần dà hình ảnh đó quen thuộc đến nỗi trong bất cứ người nghèo nào, tôi cũng nhận ra hình ảnh  ấy. Từ đó tôi muốn phục vụ những người bệnh cùi.  Sau khi tốt nghiệp đại học, với tất cả tài sản gia đình để lại, tôi xây một bệnh viện phục vụ bệnh nhân nghèo và những người phong cùi. Đó là một người đã biết dùng tiền.

Nói đến đây tự nhiên cha nghĩ đến một câu châm ngôn của Pháp. “Tiền bạc là một người đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ xấu”. Nếu không biết cảnh giác thì con người rất có thể bị tiền bạc chi phối và sai khiến…biến người có nó thành một tên nô lệ chỉ biết dùng tiền vào những việc ăn chơi. phô trương như nhiều người trong xã hội hôm nay. Hãy dùng tiền bạc mà mua lấy bạn hữu. (Lc 16,9). Biết dùng tiền bạc mà mua lấy bạn hữu chúng ta sẽ làm cho cuộc đời của chúng ta có được một điều rất quí giá trong cuộc sống này. Đó là một cuộc đời “có hậu” – Có hậu ngay trong cuộc sống hôm nay và còn có hậu cho cả cuộc sống đời đời mai sau như Chúa đã hứa.

Mẹ thánh Têrêsa Calcuta thuật lại: Trong công việc từ thiện của chúng tôi, có nhiều người chúng tôi gọi là Cộng sự viên  và chúng tôi thực sự muốn họ tiếp tay với chúng tôi để phục vụ và yêu thương những con người nghèo khổ. Tại Calcutta nầy, chúng tôi có nhiều người ngoài Thiên Chúa giáo và các anh chị em Thiên Chúa giáo cũng làm việc với chúng tôi tại ngôi nhà Hấp hối và những ngôi nhà bác ái khác. Chúng tôi cũng có những nhóm đi thay băng và phát thuốc cho người cùi.

Điển hình nhất là một người Úc, cách đây không lâu ông đã tới đây. Ông đã dâng cho chúng tô một gia tài lớn. Và sau khi đã dâng hiến tài sản lớn rồi. Ông nói:

– Đó là những của cải bên ngoài tôi, nhưng tôi còn muốn hiến những gì của chính bản thân tôi nữa.

Và bây giờ ông thường xuyên tới phục vụ nhà hấp hối. Ông hớt tóc, cạo mặt và trò chuyện với những người bị bỏ rơi nầy. Bây giờ ông không dùng thời giờ và sức lực của ông để phục vụ bản thân hoặc làm giàu nữa, nhưng ông muốn cho đi những gì của chính ông, và thực sự ông đang dâng hiến.

Cha muốn kết thúc bằng câu nói của George Horace Lorimer, chủ bút tờ Saturday Evening Post trong nhiều năm, ông viết: “Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng nếu biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn”.

Cha chúc chúng con sống đẹp như ý Chúa muốn để xứng đáng với tình thương Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày. Amen.

Chúng ta tiếp tục nói với nhau về con đường hẹp của Chúa. Hôm nay tôi muốn nói về một đặc tính được ngôn ngữ loài người nói đến rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày: Đó là tình yêu. Tình yêu của một người muốn theo Chúa.

1. Chúa muốn nói gì với chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay? Ngài muốn nói với chúng ta về những nguyên do, những động lực làm cho con người có thể lìa xa Chúa rồi sau đó Chúa cũng muốn cho chúng ta hiểu được lòng yêu thương của Ngài như thế nào.

Con người có thể lìa xa Chúa vì dại dột.

100 con chiên. 99 con lúc nào cũng đi theo chủ. 99 con lúc nào cũng đi theo đàn. Chỉ có một con. Tỉ lệ thật ít: 1/99. Một con tự tách đàn và không theo chủ.

Khi tách đàn có thể nó nghĩ rằng nó sẽ được tự do hơn, thoải mái hơn, được hưởng trọn vẹn những mảng cỏ xanh hiếm hoi trong mảnh đất khô chồi, khỏi chen nhau bên dòng nước hiếm hoi. Thế nhưng nó có ngờ đâu là bao nhiêu nguy hiểm muông sói, thú dữ đang rình chờ. Chỉ cần một sơ sót là mạng sống của nó có thể bị lâm nguy ngay.

Đó là trường hợp thứ nhất.

2. Có những người lìa xa Chúa vì sự bất cẩn của người khác.

– Khác với con chiên, đồng tiền là vật vô tri vô giác. Người đàn bà chỉ có 10 đồng tiền bị lạc mất một đồng. Tỉ lệ 1/10. Lý ra thì bà phải giữ  gìn cẩn thận. 10 tuy nhỏ không có là bao so với những người giầu có, nhưng với một người nghèo thì nó là một cái gì thật quí giá. Vậy mà vì thiếu cẩn thận mà bà đã để mất 1 đồng. Mất 1/10 những gì mình có quả thực cũng là nhiều lắm.

– Hãy nhìn vào cuộc sống hôm nay. Có biết bao nhiêu người – đặc biệt là các thanh thiếu niên – đã lạc xa Chúa để rồi sau đó bị sa lầy, bị mắc kẹt vào đủ mọi thứ tệ nạn của xã hội. Thật là đau lòng!

3. Có những người cố tình xa lìa Chúa.

Khác với con chiên xa lìa đàn, xa chủ vì dại dột, khác với đồng tiền bị lạc mất vì bất cẩn, việc người con thứ trong dụ ngôn thứ ba trong bài Tin Mừng hôm nay lìa bỏ nhà ra đi, xa nhà, xa người cha đầy lòng yêu thương mình là một chọn lựa có tính toán, có suy nghĩ thật cẩn thận.

– Xã hội hôm nay cũng có rất nhiều người ở vào trường hợp tương tự như thế. Nhiều người tưởng có tiền có bạc là có tất cả. Có tiền mua tiên cũng được. Thế nhưng cuộc sống thực tế lại không như vậy.

II. Thái độ của Chúa.

Chúa không trực tiếp cho biết thái độ của Ngài. Thái độ của Chúa rất đặc biệt, khác hẳn với những thái độ thông thường trong cuộc sống đời thường hằng ngày của con người chúng ta.

1. Trong cuộc sống đời thường, khó mà chúng ta có thể tìm thấy được một người chăn chiên nào lại mà khờ khạo đến nỗi dám để 99 con chiên của mình giữa hoang địa làm mồi ngon cho thú dữ để đi tìm một con chiên lạc như vậy.giả sử như có liều lĩnh mà làm như thế đi nữa thì khi tìm được rồi chắc chắn cũng chẳng có thể lại quá vui mừng mà “vác chiên trên vai, đi về mở tiệc ăn mừng” như trong dụ ngôn nói.

Người phụ nữ có 10 đồng không may bị mất một đồng cũng vậy.

Còn người cha trong một gia đình cũng thế làm gì mà lại có chuyện quá dễ dàng thỏa mãn một cách hầu như mù quáng trước sự đòi hỏi của một một đứa con ngông cuồng như dụ ngôn mô tả. Hơn nữa giả sử như người cha ấy quá tốt lành và đã làm như vậy thì liệu khi đứa con đó sau khi đã phung phí hết tài sản của mình rồi lê tấm thân tàn tạ trở về … liệu việc đó có xứng đáng để phục hồi quyền lợi cho nó một cách quá nhanh chóng cũng như phải tổ chức tiệc tùng ăn mừng như thế hay không? Chắc là trong cuộc sống đời thường chúng ta khó mà có thể chấp nhận được điều đó.

Trong cuốn sách tựa đề “Niềm vui sống đạo thế kỷ 21”, Đức cố Hồng Y  F.X Nguyễn Văn Thuận nói: Chúa Giêsu không biết làm toán vì Chúa bỏ 99 con còn lại đấy, để đi tìm cho kỳ được con chiên đã mất. Coi một hơn 99 thì hẳn là Chúa Giêsu không biết làm toán rồi.

Thứ đến Đức cố Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận còn bảo: Chúa Giêsu kém trí nhớ. Trong Phúc âm kể nhiều câu chuyện chứng minh điều đó. Ví dụ bà Maria Madalena, ông Giakêu, người trộm lành, v.v… Ở đây chỉ đan cử nguyên ngụ ngôn người cha nhân từ trong Phúc Âm hôm nay thì rõ. Người con thứ đòi chia gia tài, bỏ nhà ra đi sống đời phóng đãng, quên cha quên anh. Đến khi tiêu hết tiền, gặp đói thì mới quay về nhà thú lỗi mong cha già xét tình cha con mà tha thứ. Người cha không kể đến tội cũ, chỉ trông chờ con, khi thấy con đàng xa thì chạy ra đón. Con có thú tội cũng không cố nghe để hạch tội cũ mà ra lệnh lấy áo mới, giày tốt, nhẫn quý đeo cho, rồi làm thịt bê béo ăn mừng. Chúng ta thấy trí nhớ của Chúa Giêsu dường như không làm việc nữa. Ngài quên hết, quên vô điều kiện, quên tức khắc tất cả quá khứ không hay không tốt của ta mỗi khi chúng ta trở về với Ngài. Ngài chỉ nhớ rằng mỗi người chúng ta là con Cha Ngài, là em Ngài thôi.

2. Quả thật là khó mà tìm thấy trong đời thường những hình ảnh như một người cha, như một chủ chiên, như người đàn bà trong những dụ ngôn hôm nay. Thế nhưng chính từ trong cái nghịch thường của những câu chuyện Chúa  đưa ra mà chúng ta lại dễ nắm bắt được ý của Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay hơn. Rất nghịch thường nhưng qua đó chúng ta dễ hiểu được tình yêu theo kiểu của Chúa là tình yêu như thế nào!

Đó là một tình yêu so đo tính toán.

Đó là một tỉnh yêu không ngại vất vả hy sinh.

Đó là một tình yêu sẵn sàng khoan dung tha thứ.

Có một câu chuyện mà người Do Thái thường truyền tụng cho nhau như một giai thoại về Môsê như thế này:

Lúc còn lẩn trốn trong sa mạc, có lần Môsê gặp một người mục tử ngoại giáo trẻ. Ông đã trò chuyện với anh ta suốt cả ngày. Khi trời tối, Môsê thấy anh ta làm một điều hơi lạ thường. Anh ta lấy sữa đổ vào một bình da và đặt ngoài trời cách căn lều của mình một khoảng xa. Thấy Môsê thắc mắc về cử chỉ này, người mực tử liền giải thích:

– Tôi luôn luôn lựa thứ sữa hảo hạng để dâng lên Thiên Chúa.

Moise là một người vừa được Giavê Thiên Chúa hiện ra với ông trước đó vài ngày, Môsê cảm thấy không thể chịu đựng được một cử chỉ mà ông cho là dị đoan như thế. Suy nghĩ một chút, ông liền nói với người mục tử:

– Anh không biết rằng Thiên Chúa là thần linh và Ngài không bao giờ uống sữa sao?

Nhưng người mục tử vẫn không thay đổi tư tưởng, mặc cho Môsê có muốn giải thích thế nao thì giải, anh ta vẫn tiếp tục lấy sữa cho vào bình da để dâng lên Thiên Chúa như anh ta suy nghĩ. Thấy Moise có vẻ khó chịu, anh ta giải thích lý do:

– Ngài có lý. Quả thực Thiên Chúa không cần đến sữa của tôi. Tôi vẫn biết rằng đêm đến, có một con thú nào đó đã đến uống hết bình sữa của tôi. Tôi biết điều đó. Nhưng chúng là tạo vật của Chúa. Chúng cũng được Chúa yêu thương. Và sở dĩ tôi làm như thế, thưa ngài, vì đó là điều duy nhất mà tôi có thể dâng lên Thiên Chúa để bày tỏ tình yêu của tôi.

Vâng. yêu những gì Chúa yêu, làm những gì Chúa đã làm, đó là cách tốt nhất để được trở thành môn đệ của Chúa. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng thật dài. Cha đọc cha cũng thấy mệt nghỉ luôn. Thế nhưng phải đọc cả ba dụ ngôn chúng ta mới thấy được ý nghĩa đầy đủ của vấn đề Chúa muốn nói.

Vậy Cha đố chúng con với ba dụ ngôn vừa nghe, Chúa muốn dạy mọi người điều gì?

– Chúa muốn nói đến sự yêu thương.

– Chúa muốn nói đến sự tha thứ.

+ Đúng nhưng chưa đủ.

Nào còn ai trả lời thêm nữa không?

……….

Riêng đối với cha hôm nay, cha tưởng Chúa muốn nói đến những điều kiện làm nên tình yêu thương.

Bây giờ chúng ta hãy đi vào chi tiết:

1. Với dụ ngôn con chiên lạc Chúa muốn nói với chúng ta yêu thương thì không có tính toán hơn thiệt.

2. Bằng dụ ngôn đồng bạc bị lạc mất, Chúa bảo yêu thương thì không ngại vất vả cực nhọc.

3. Quan trọng nhất với dụ ngôn người cha nhân hậu, Chúa muốn nhấn mạnh đến điều này: Yêu thương thì phải biết tha thứ.

A. Bây giờ cha mời chúng con nhìn lại cả ba bài dụ ngôn. Nhìn lại chúng con sẽ thấy gì?

Trước hết trong cuộc sống hằng ngày của đời thường, chúng ta khó mà có thể tìm thấy được một người chăn chiên nào lại mà khờ khạo đến nỗi dám để 99 con chiên của mình giữa hoang địa làm mồi ngon cho thú dữ để đi tìm một con chiên lạc như vậy.giả sử như có liều lĩnh mà làm như thế đi nữa thì khi tìm được rồi chắc chắn người ta cũng chẳng có thể lại quá vui mừng mà “vác chiên trên vai, đi về mở tiệc ăn mừng” tốn kém như dụ ngôn nói. Thế nhưng khi yêu thương thì hoàn toàn khác. Khi yêu thương thì chẳng bao giờ tính toán hơn thiệt.

Đây chúng con nghe câu chuyện này:

Một hôm chiếc máy giặt nói với cái áo chùng thâm như thế này:

– Tôi thật không hiểu chủ nhân của anh vất vả với dân làm gì? Ông cứ ngồi toà, giảng đạo, thăm kẻ liệt. Rồi đâu vẫn hoàn đấy. Dân vẫn tội lỗi, dơ bẩn, ngay cả anh cũng bị lem luốc vì họ.
Áo chùng thâm trả lời :

– Nhưng rồi chị sẽ vẫn làm cho tôi sạch chứ? Và chị có vinh dự về công dụng của mình, có hãnh diện với người chế tạo ra chị không?

– Dĩ nhiên rồi, chúng tôi sẽ phục vụ anh dù biết rằng anh sẽ trở lại đây trong dơ bẩn, chúng tôi đủ kiên nhẫn cho tới ngày anh rách nát hay biến tan khỏi cõi đời này, trừ khi anh không cần đến chúng tôi nữa
Áo chùng thâm gật đầu:

– Chị giống như vị linh mục chủ nhân của tôi và người kỹ sư chế tạo ra chị, chúng ta có thể tạm sánh họ với Thiên Chúa.

– Chị nghĩ rằng các Ngài kém kiên nhẫn hơn chị sao?

– Ở đâu còn sự dơ bẩn, ở đấy vẫn cần người tẩy sạch để cho đời đẹp hơn trong tình thương.

– Chị thương tôi và chị chỉ ngồi đợi, còn các Ngài thương những người tội lỗi dơ bẩn và đã đi tìm. Tấm lòng của các Ngài là như thế, chắc chị đã thấy?

Tiếp đến, người phụ nữ có 10 đồng không may bị mất một đồng cũng vậy. Cha tưởng có lẽ bà cũng không đến nỗi phải tìm kiếm vất vả quá như thế. Hơn nữa khi tìm được rồi thì cũng chẳng đến nỗi phải quá vui đến mức độ đi mời bạn bè đến để chia vui vì đã tìm thấy một đồng bạc đã mất.

Lẽ thường thì là như vậy, nhưng khi yêu thương sẽ không phải là như thế. Khi yêu thương thì mọi sự sẽ khác hẳn.

Đây chúng con nghe một đoạn nhật ký của một sinh viên: Vào một buổi sáng mùa đông, tuyết rơi nặng hạt. Tôi đứng ở một góc phố tối và lạnh lẽo chờ chuyến xe buýt đầu tiên trong ngày. Cách chỗ tôi đứng không xa, có hai vợ chồng ông cụ cũng đứng chờ xe buýt, chiếc áo khoác ngoài của họ bị tuyết phủ trắng xóa. Xem ra, họ đứng đợi xe đã khá lâu. Cuối cùng chiếc xe buýt cũng đến. Người lái xe bấm còi, đi lướt qua chỗ hai vợ chồng ông cụ rồi dừng lại chỗ tôi đang đứng. Khi tôi vừa bước lên xe, người tài xế đã cho xe chạy, bỏ lại hai vợ chồng ông cụ đứng trong tuyết. Tôi tức giận hỏi:

– Chẳng lẽ cậu không nhìn thấy hai vợ chồng ông cụ đó sao?

Người lái xe trẻ tuổi ấy nói:

– Hôm nay là ngày đầu tiên tôi đi làm. Hai cụ già đó là bố và mẹ tôi. Họ đến đây để xem tôi làm việc như thế nào.

Tôi bỗng rưng rưng xúc động.

Vâng! Nếu không vì yêu thương thì hai ông bà già đã chẳng phải vất vả như vậy.

Cuối cùng, người cha trong một gia đình! Với bối cảnh của xã hội Do thái lúc đó một thì người cha của gia đình là một người tượng trưng cho uy quyền và lề luật, làm gì mà lại có truyện quá dễ dàng thỏa mãn một cách hầu như mù quáng trước sự đòi hỏi của một một đứa con ngông cuồng như dụ ngôn mô tả. Hơn nữa giả sử như người cha ấy quá tốt lành và đã làm như vậy thì liệu khi đứa con đó sau khi đã phung phí hết tài sản của mình rồi lê tấm thân tàn tạ trở về … liệu việc đó có xứng đáng để phục hồi quyền lợi cho nó một cách quá nhanh chóng cũng như phải tổ chức tiệc tùng ăn mừng như thế hay không? Làm như thế có khác gì khuyến khích, cổ võ thêm tội ác? Chắc là trong cuộc sống đời thường chúng ta khó mà có thể chấp nhận được điều đó.

Có phải đúng như thế không chúng con?

Quả là đúng như thế! Quả thật là khó mà tìm thấy trong đời thường những hình ảnh như một người cha, như một chủ chiên, như người đàn bà trong những dụ ngôn hôm nay. Thế nhưng chính từ trong cái khác thường không giống ai của những câu chuyện Chúa đưa ra mà chúng ta lại dễ nắm bắt được ý của Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay hơn. Rất khác thường nhưng qua đó chúng ta dễ hiểu được tình yêu theo kiểu của Chúa là tình yêu như thế nào!

B. Vâng! Lòng yêu thương của Chúa thật lạ lùng, nhiều khi chúng ta không thể hiểu nổi.

Thánh Irênê đã viết một câu thật đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Sự sống của con người là vinh quang của Chúa”

Một trong những câu chuyện dân gian hay nhất ở vùng cận Đông còn truyền tụng lại là câu chuyện về ông Abraham:

Abraham là người rất tốt bụng. Ông thường dời bữa ăn sáng lại chờ đến khi có một người đói đến để cùng chia sẻ bữa ăn với ông. Một ngày nọ, có một cụ già đi ngang qua và được ông mời vào và được dùng bữa.

Nhưng trước khi dùng bữa, Abraham nghe thấy cụ già thì thầm đọc lời kinh của người ngoại đạo, ông liền mời cụ già đi nơi khác. Cụ già chưa đi khuất, thì Abraham nghe tiếng Chúa trách:

– “Abraham! Abraham! Ta đã cung cấp lương thục để nuôi sống cụ già trên 80 năm qua, mặc dù cụ không phải là người tin thờ Ta, thế mà con không đủ kiên nhẫn và nhân từ để chia sẻ một bữa ăn với cụ sao?”

Chúng con yêu quí.

Cha vừa nói cho chúng con về Tình yêu theo kiểu của Thiên Chúa.

Khi đã yêu thì sẽ không còn so đo tính toán.

Khi đã yêu thì sẽ không còn ngại vất vả hy sinh.

Khi đã yêu thì sẵn sàng sống khoan dung tha thứ.

Cha chúc chúng con biết yêu thương như Chúa để chúng con được xứng đáng với tình yêu Chúa dành cho chúng con. Amen.

Kính thưa anh chị em

Hôm nay chúng ta lại tiếp tục suy niệm về con đường hẹp của Chúa. Tôi muốn nói đến sự hy sinh quên mình trên con đường theo Chúa.

I. Chúng ta hãy nhớ lại một chút về hoàn cảnh của bài Tin Mừng hôm nay .

            Hôm đó có rất nhiều người cùng đi đường với Ðức Giêsu. Tin Mừng không cho chúng ta biết họ theo Chúa vì động lực nào. Nhưng căn cứ vào những gì Chúa nói sau đó thì chúng ta có quyền bảo rằng chắc là họ theo Chúa vì những động lực không được trong sáng cho lắm cho  nên chúng ta mới thấy Chúa quay lại nói họ.

Những lời Chúa thật quyết liệt.

“Không thể làm môn đệ ta” – Chúa nhắc đi nhắc lại  đến ba lần câu đó

“Không thể làm môn đệ ta nếu không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống của mình”

“Không thể làm môn đệ ta nếu không vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta”

“Không thể làm môn đệ ta nếu không từ bỏ hết những gì mình có ”

Tiến sĩ Morgan khi chú giải đoạn Tin Mừng này đã viết rất hay như sau: “Kẻ nào theo Chúa Giêsu mà không đặt tấm lòng trung thành của mình đối với Chúa cao hơn tất cả những tình yêu trần thế dù là những tình yêu cao thượng nhất, đẹp đẽ nhất thì không thể theo Ngài được”

Vâng! Chẳng có ai có thể đi một lúc trên hai con đường.

Cuộc sống luôn đặt con người trước những lựa chọn mà chẳng lựa chọn nào mà lại không đòi hỏi phải từ bỏ.

2. Thế nhưng tại sao mà Chúa lại đòi hỏi như vậy?

Trước hết vì Ngài là Đấng tuyệt đối. Chúa không muốn cho bất cứ một giá trị nào được đặt ở trên Ngài. Ngài là giá trị tuyệt đối mà con người phải đi tìm. Trong nhiều đoạn Tin Mừng khác chúng ta đã thấy Chúa nói với chúng ta điều đó.

Tiền bạc, của cải là một giá trị. Cha mẹ, vợ con, gia đình là giá trị cao hơn. Đó là giá trị tinh thần.

Mạng sống là giá trị còn cao hơn nữa. Vì nó là phần cao quí nhất mà Thiên Chúa ban cho con người

Thế nhưng trước một giá trị tuyệt đối thì mọi giá trị tương đối phải nhường chỗ. Cho nên tuy dù những giá trị trên có cao quí đến thế nào đi nữa thì khi cần con người cũng phải hy sinh.

Đó là lý do thứ nhất.

Lịch sử Giáo hội đã chúng ta thấy được rất nhiều tấm gương về vấn đề này.

Các tông đồ là những bằng chứng trước hết. Các ngài đã bỏ tất cả để đáp lại lời mời gọi của Chúa để rồi chính nhờ các ngài mà sứ mạng cứu chuộc của Chúa được tiếp tục.

Nếu không có những con người dám từ bỏ danh vọng, của cải, mạng sống như Phanxicô khó khăn, như Đaminh, như Ignatio, như Phanxicô Xaviê, hay như các thánh vị thánh khác thì, làm sao Giáo hội có được khuôn mặt như ngày hôm nay.

2. Đàng khác qua hai thí dụ Chúa đùng trong bài Tin Mừng hôm nay:

– Thí dụ thứ nhất Chúa nói về việc xây dựng.

– Thí dụ thứ hai Chúa nói về việc giao chiến.

Chúa đã cũng muốn nói với mọi người về công việc tại thế của Ngài: Chúng ta nhớ lại hôm ấy tại miền Cesar thuộc quyền Philipphe, trong một khung cảnh rất linh thiêng, sau khi Phêrô vừa tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu thế Con của Thiên Chúa, thì Chúa đã tiết lộ cho các tông đồ biết kế hoạch sắp tới của Ngài như thế này: Thầy sẽ xây Giáo hội của Thầy….và Chúa quả quyết và cửa hỏa ngục cũng không thắng được.

Mục tiêu Chúa nhắm rất rõ ràng: Chúa đến để xây. Ngài sẽ xây Giáo hội của Ngài, xây trên tảng đá Phêrô. Và trong quá trình đưa công trình xây dựng đến chỗ hoàn thành chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn cần phải chiến đấu để vượt qua. Đây là công việc đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh và lòng trung thành.

Muốn thành công phải biết tính toán trước một cách khôn ngoan. Nếu không thì công trình khó mà thành tựu và thay vì chiến thắng nhất định sẽ là chiến bại.

Vậy thì trong cương vị là chủ của một công trình Chúa cần có những người cộng tác với Ngài.

3. Nhưng ai là những người đáng được Chúa tin cậy?

* Chắc chắn không phải

– Là những người đi theo Chúa để xem xem Chúa là AI. Đó là đám đông những người theo Chúa vì tò mò. Họ theo đó rồi bỏ đó. Những người này chẳng có ích gì cho công trình của Chúa cả.

– Cũng không phải là những người theo Chúa vì những lý do vật chất. Chúa bảo những người đó chỉ theo Ngài vì vái bụng của họ. Những người như thế chẳng có ích gì cho công trình xây dựng của Chúa. Có họ thì công trình của Chúa không những sẽ không tiến bộ mà còn có thể bị chậm trễ thêm. Những người làm việc chỉ với mục đích để thủ lợi không xứng đáng có mặt trong công trình của Chúa.

– Cũng không phải là những người theo Chúa để lợi dụng Chúa hầu thỏa mãn những ý đồ đen tối của mình. Đây là những con người chỉ đến để phá hoại chứ không phải là xây dựng. Trường hợp của Giuda Iscario là một thí dụ điển hình.

* Vậy thì họ là những ai?

– Thưa là những con người biết tuyệt đối tin tưởng vào Chúa. Trường hợp này, Phêrô là khuôn mặt tiêu biểu. Sau câu chuyện về bánh hằng sống, lúc mà những người muốn bỏ Chúa đã ra đi, Chúa quay lại nhóm 12 và hỏi: “Còn chúng con, chúng con có bỏ đi không?” Phêrô đại diện cho các bạn để thưa với Chúa: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai. Thầy có lời ban sự sống đời đời”

Trong cuộc nói chuyện với giáo sư S.F.B. Morse (1791-1872, nhà vật lý Hoa Kỳ), người sáng chế máy điện báo, một tu sĩ đã hỏi ông:

– Thưa giáo sư, trong quá trình thí nghiệm khó khăn tại phòng thí nghiệm, có khi nào giáo sư cảm thấy bế tắc, không biết làm gì nữa không?

– Ồ, có chứ. Và rất nhiều lần.

– Những lúc ấy giáo sứ làm thế nào?

– Thưa thầy, thú thật là tôi làm một việc mà công chúng không biết. Đó là tôi cầu xin Chúa soi sáng trí khôn tôi.

– Và ánh sáng có đến chăng?

– Thưa có đến chứ. Tôi nói cho thầy biết là tôi đã nhận được rất nhiều phần thưởng, rất nhiều danh dự đến từ Châu Âu, Châu Mỹ qua các công trình sáng tạo của tôi, nhưng tôi cảm thấy mình chưa xứng đáng. Tôi đã áp dụng nhiều về điện lực, không phải vì tôi giỏi giang hơn người khác, mà chỉ bởi vì Chúa muốn trao ban cho nhân loại, nên Chúa đã soi sáng trí khôn cho nhiều người, trong đó có tôi.

Ông Morse nhớ ơn Chúa đến thế, cho nên chúng ta không lấy làm lạ là bức điện đầu tiên đánh đi trên máy điện báo ông chế tạo là: “Chúa đã làm biết bao điều lạ”. Vâng phải biết tin tưởng vào  Chúa thì mới có thể làm việc cho Chúa được.

– Hứ đến, họ còn là những người dám hy sinh vì Chúa.

Lúc gần đến ngày phải đối diện với cây Thập giá, Chúa hỏi Giacôbê và Gioan: “Chúng con có uống được chén đắng mà Thầy phải uống không?”

Giacôbê thưa lại: “Dạ được”.

Đúng như ông nói. Ông là tông đồ đầu tiên đã dám đổ máu ra vì Chúa.

Tông đồ Phaolô sau này cũng đã qủa quyết: “Tôi sẵn sàng chịu mọi sự vì Danh Đức Giêsu Kinh Kitô.”

– Họ còn là những người luôn gắn bó với Chúadám liều mạng vì Ngài. Madalena xứng đáng tiêu biểu cho những con người thuộc loại này. Sau khi Chúa chết và được an táng trong mồ, hầu như tất cả những người có liên hệ với Chúa còn bị bao trùm trong cơn sợ hãi, vậy mà ngay từ lúc sáng tinh sương của ngày đầu tuần Maria có mặt bên mộ Chúa, Thầy chí thánh của mình, thật là quả cảm và anh hùng.

Ước gì những hy sinh hằng ngày của chúng ta là những viên đá sống động, không phải chỉ để xây dựng nên một ngôi nhà trần thế, mà còn là làm nên một Giêrusalem mới, một Thiên Đàng của Chúa ở ngay trên cõi đời này của chúng ta. Amen

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe một đoạn Tin Mừng với những lời lẽ không được êm dịu cho lắm. Đây cha nhắc lại cho chúng con nghe một lần nữa.

Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.”(Lc 14,26)

“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”(Lc 14 27).

“Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”(Lc 14,32).

Cha đố chúng con qua những lời như thế Chúa muốn nói với chúng ta điều gì?

– Chúa muốn bảo theo Chúa thì phải từ bỏ.

– Chúa muốn nói theo Chúa thì phải vác thánh giá.

+ Rất đúng! Hay nói một cách khác gọn nhẹ hơn, chính xác hơn đó là phải hy sinh. Muốn theo Chúa thì phải hy sinh. Sự hy sinh được cụ thể qua việc từ bỏ và vác thánh giá.

1. Trước hết Chúa đòi chúng ta phải từ bỏ.

Tại sao thế? Chúng con thấy cuộc đời của Chúa đã là như thế.

Chúa từ bỏ cuộc sống trên trời để xuống thế làm người,

Đời sống của Chúa nơi trần thế cũng là đời sống từ bỏ mọi sự. Chúa đã từng nói: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu”.

Đến mạng sống của Chúa, Chúa cũng hy sinh luôn, hy sinh trong đau thương và đầy nhục nhã. Chúng con đã thấy điều đó.

Chính vì thế mà Chúa muốn những người theo Chúa cũng phải như vậy. Làm môn đệ là phải từ bỏ đến tận cùng.

Từ bỏ đến cùng, là từ bỏ đến cả những gì riêng tư nhất của mình. Từ bỏ chính cái tôi của mình.Có từ bỏ như thế chúng ta mới không còn bị dính bén với mọi thừ trong cuộc đời rối mới cọ tự do để theo Chúa.

Cha mời chúng con nghe câu chuyện sau đây:

Trong sách Sự tích của thánh Antôn tu rừng, người ta đọc được câu chuyện này:

Một hôm có người đến muốn xin làm môn đệ của Ngài, Ngài hỏi:

– Ở ngoài thế gian con làm nghề gì?

– Thưa con làm nghề đan thúng.

– Vậy con cũng hãy đan cho cha một cái thúng.

Đan xong, đem dến cho Ngài. Ngài xem tới xem lui rồi dạy tháo ra.

Hôm sau Ngài cũng dạy như thế – Người đó đem về đan.. rồi đem đến .. rồi cũng lại phải tháo ra.

Bữa thứ 3 Ngài cũng dạy y như thế ……rồi lại cũng cố làm … khi đem lại Ngài cũng lại bảo tháo ra. Anh ta bực mình cho là làm mất thời giờ vô ích. Lúc đó thánh Antôn mới nói:

– Hỡi con, con hãy về nhà con đan thúng và làm tôi Chúa như những người khác – Còn việc con ước ao vào dòng thì không được vì con thiếu một điều cần nhất là bỏ ý riêng của con.

Rồi chẳng bao lâu có người khác cũng xin đi tu – như lần trước: con làm nghề gì ?

Biết là người đó làm nghề nông nên thánh Antôn dạy ra đào cho ngài một chiếc hầm vuông vắn .…mỗi bề một thước, bề mặt cũng như bề sâu.

Người đó vui vẻ đào – Ngài lại dạy lấp đi.

Lần 2 cũng như thế.

Lần 3 cũng vậy… người đó vui vẻ lấp đi không có một lời than trách.

Sau, thánh Antôn kêu người đó lại và nói:

– Hỡi con, từ nay cha nhận con vào dòng và con hãy nhớ điều này là bao lâu con sống trong dòng việc trước hết là con phải lo thắng mình con và vâng lời cho trọn. Được như vậy con sẽ có phúc ở đời này và đời sau.

2. Bây giờ cha nói với chúng con về điều thứ hai: vác Thánh Giá.

Thánh giá đây không phải chỉ là cây Thánh giá bằng gỗ như cây Thánh giá ngày xưa người ta đã dùng để đóng đinh Chúa trên đó. Thánh giá đây còn phải hiểu là những gánh nặng của bổn phận, những khổ đau của cuộc sống, những thử thách vì nhiệm vụ mà một người môn đệ phải chấp nhận trên con đường theo Chúa.

Chẳng hạn như cuộc đời của Đức Mẹ, chúng con thấy khi Đức Mẽ đã chấp nhận nhiệm vụ trở thành mẹ Chúa Cứu Thế, chúng con thấy Đức Mẹ đã phải chịu biết bao nhiêu là khổ đau, biết bao nhiêu là vất vản để chương trinh của Chúa được thực hiện.

Rồi như Thánh Phaolô chúng con thấy, vì người đã chấp nhận làm môn đệ của Chúa, cho nên người đã phải bị tù đày vì Chúa – bị xiềng xích vì Tin Mừng.

Tù đày có ai mà ham? Bị xiềng xích có ai mà muốn – nhưng khi cần phải chấp nhận như là một việc phải làm vì bổn phận thì thánh Phaolô đã rất vui mừng.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

Đức cha Phaolô Seitz luôn hiện diện giữa lòng giáo dân.

Vào năm 1927, khi những trận đánh giải phóng Kontum bùng nổ ác liệt, ngài vẵn đánh xe đi cứu thương dưới làn bom. Một phóng viên ngoại quốc phỏng vấn ngài trên cảnh đổ nát hoang tàn này:

– Đức cha không sợ sao?

– Tôi không sợ, ngài trả lời.

Nhưng ngẵm nghĩ một lát ngài nói tiếp “Không, tôi chưa nói đúng sự thật. Tôi sợ lắm chứ! Nhưng vì bổn phận, tôi sẵn sàng sống chết với giáo dân của tôi “.

Đức Cha Phaolô Seitz đã vì bồn phận mà dám hy sinh. Thế cha hỏi chúng con bổn phận của chúng con hôm nay là gì?

Chẳng cần phải suy nghĩ dài dòng, cha cũng có thể trả lời thay cho chúng con. Đó là học hành. Học hành để chuẩn bị cho mình một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và cho cả xã hội.

Thề giới ngày nay rất cần những con người có khả năng và đạo đức để làm cho thế giới này mỗi ngày mỗi được tốt đẹp hơn. Thế nhưng làm sao có được những con người như thế nếu ngay bây giờ chúng con không cố gắng học hành.

Việc học hành phải là một công việc phải làm suốt đời. Đây là một bổn phận, một Thánh giá mà mỗi người chúng ta phải vác hằng ngày. Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

Tại trường Harvard, một đại học rất nổi tiếng của Mỹ và cả thế giới, trước một cầu thang, có một đám sinh viên năm thứ tư khoa cơ giới đang tụ tập trước cửa phòng để chuẩn bị cho môn thi cuối cùng. Họ tụ tập lại, cùng thảo luận vài phút trước khi bắt đầu thi. Trên khuôn mặt rạng rỡ của họ người ta thấy được một sự tự tin đáng nể phục. Đây là môn thi cuối cùng, tiếp theo sẽ là lễ tốt nghiệp và sẽ có việc làm tốt đẹp.

Có vài người nhắc đến công việc của họ sau này. Người khác thì nói tới công việc mà họ muốn tìm. Ôm trong lòng hoài bão của những sinh viên năm thứ tư, họ cảm thấy trong lòng đã chuẩn bị đầy đủ để có thể chinh phục thế giới bên ngoài.

Họ biết rằng trước mắt họ là cuộc thi không dễ dàng gì. Giáo sư nói buổi thi này họ có thể mang tập sách vào tham khảo nhưng không được trao đổi bài.

Họ hân hoan bước vào phòng thi. Giáo sư đi phát đề. Các sinh viên vẻ mặt rất vui vì họ chú ý thấy đề chỉ có năm câu.

Ba tiếng đồng hồ trôi qua, giáo sư bắt đầu thu bài. Các sinh viên không còn chút tự tin nữa. Trên mặt họ để lộ vẻ rất khó coi. Không ai nói với nhau câu gì, giáo sư nhìn mọi người và hỏi: “Có ai đã làm xong cả năm câu này chưa?”.

Không có cánh tay nào giơ lên.

“Bạn nàp đã làm xong bốn câu?”.

Vẫn im lặng.

“Ba câu? Hai câu?”.

Các sinh viên bắt đầu nhốn nháo, bất an.

“Vậy thì ai nào? Nhất định phải có người làm xong một câu chứ?”.

Cả lớp vẫn giữ thái độ im lặng.

Giáo sư đặt xấp bài trên tay xuống: “Đây chính là kết quả mà tôi đã dự tính từ trước. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm với các bạn, cho dù các bạn có học xong bốn năm đại học, nhưng vẫn có rất nhiều vấn đề liên quan đến ngành của mình mà các bạn vẫn chưa biết, đó là vấn đề mang tính phổ biến ngày nay”.

“Sống đến già, học đến già”. Trong đại dương tri thức, trí tuệ của mỗi người chúng ta chỉ là hạt cát, một giọt nước. Chúng ta cần phải lấy sự khát khao có được nguồn nước tri thức của mình, cần phải bồi dưỡng không ngừng. Nếu như bạn dừng bước thì xem như là kẻ vứt đi.

Anh chị em thân mến

Tuần trước Chúa nói với chúng ta: “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp” và ở một nơi khác trong TM Chúa bảo con đường Chúa mời gọi chúng ta bước vào là con đường hẹp. Đây là con đường chính Chúa đã đi và Chúa cũng muốn chúng ta cùng đi với Ngài.

Nhưng làm thế nào để có thể đi trên con đường đó thì từ Chúa nhật hôm nay cho đến Chúa nhật áp chót của mùa thường niên chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những những điều kiện giúp chúng ta có thể đi trên con đường đó.

A- Hôm nay chúng ta bắt đầu với điều kiện đầu tiên và cũng là điều kiện quan trọng nhất. Đó là sự khiêm nhường.

1. Các bản văn Phụng vụ hôm nay đều ít nhiều nói về vấn đề này.

+ Bài Sách Đức Huấn Ca nói: càng làm lớn, càng phải hạ mình trong mọi sự.

+ Bài Tin Mừng: Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.

+ Nâng lên đến đâu thì bài Thánh Thư  trả lời: Đến Thành trì của Thiên Chúa hằng sống.

2. Nói tới khiêm nhường thì cũng phải nói tới kiêu ngạo. Kiêu ngạo đối nghịch với Khiêm nhường.

+ Sách Đức huấn ca nói: tai họa dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa.

+ Bài Tin Mừng cũng cảnh cáo: Ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống.

Hôm ấy trên con đường đẫn quân đi dánh nước Nga, Vua Napoléon của nước Pháp thấy quyền uy của mình cao như núi, ông nhìn lên trời và tự nhiên buột miệng thốt lên: “Trời là của Chúa. Còn trái đất là của ta”

Chính trong trận chiến này Napoléon đã bị thảm bại và sau đó bị đầy ra đảo Saint Hélène và chết tủi nhục tại đó.

Quả đúng là “Ai tự đưa mình lên sẽ bị hạ xuống.”

Thánh Giacobê nói: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng nhưng ban ơn  cho kẻ khiêm nhường” (Jac 4,6)

Gabriel Meurier một nhà tư tưởng lớn của Pháp nói: “Kiêu căng đi trước, tủi nhục và tai họa sẽ bén gót theo sau”

II. Thiên Chúa lại yêu thích những ai khiêm nhường. Nhưng khiêm nhường là gì? Sống khiêm nhường là sống như thế nào?

+ Khiêm nhường không phải là khinh rẻ bản thân, cũng không phải là thụ động không dám nhận trách nhiệm – trách nhiệm làm người ở đời và trách nhiệm làm con Thiên Chúa.

Khiêm nhường lại càng không phải là đeo vào cho mình một thứ mặt nạ để lôi kéo sự chú ý của người khác, làm cho người khác phải để ý đến mình.

Trong Tin Mừng đã nhiều lần Chúa đã cảnh cáo mấy ông Biệt phái và luật sĩ về cái tội này: Họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, thích ngồi ở cỗ nhất trong bàn tiệc chỉ với một mục đích là làm cho người ta đễ chú ý đến mình. Đó là một thứ mặt nạ của sự kiêu ngạo.

Khiêm nhường là biết can đảm nhận lãnh những trách nhiệm cũng như biết cậy nhờ vào ơn của Chúa mà cố gắng chu toàn.

Tấm gương của Abraham trong Cựu Ước là một thí dụ. Abraham ý thức rất rõ ông chỉ là tro bụi trước mặt Chúa, (Kn 18,27) nhưng lại rất chân thành, dám cả gan nhận lấy trách nhiệm, mạnh dạn mặc cả với Chúa về số người công chính cần phải có để xin Chúa tha cho thành Sôđôma và Gomôra.

Giêriêmia đã từ chối việc Thiên Chúa chọn ông làm ngôn sứ – lấy lý do là mình còn trẻ người non dạ (Gr 1,6) Nhưng khi đã nhận trách nhiệm Chúa trao thì ông đã trở thành người hết sức khiêm tốn và can đảm.

Một vị đạo sĩ kia tu hành đã được lâu năm. Ông tự cảm thấy rất bằng lòng với các nhân đức của mình. Chính vì thế mà một hôm kia ông mạnh dạn đến trước thần Silva mà cầu nguyện như thế này:

– Lạy Ngài, con đã làm mọi việc tốt lành. Con đã chăm chỉ tu hành không sai sót một ly. Ngài hãy truyền lệnh cho con làm bất cứ điều gì, con sẽ sẵn sàng làm tất cả.

Thần Silva hiện ra và nói:

– Tất cả mọi việc con làm đều tốt. Giờ đây, Ta sẽ thử con một lần nữa: con hãy lấy một cái đĩa đựng đầy dầu và đội ở trên đầu – rồi con cứ như thế mà đi qua các đường phố. Nhớ không được để một giọt dầu nào rơi ra ngoài.

Người tu sĩ sau khi nghe lệnh đã hân hoan lên đường. Sau khi đi một vòng, mà chiếc đĩa đựng dầu vẫn không rơi mất một giọt. Ông liền trở lại trước tượng thần Silva với hy vọng sẽ được Thần trọng thưởng. Nhưng vừa thấy vị tu sĩ đó tới Thần nói ngay:

– Quả thực con đã cố  gắng hết sức nhưng tiếc thay là đầu óc của con lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình, đến phần thưởng của mình mà chẳng bao giờ con nghĩ đến ta, đến lòng tốt cũng như tình thương của ta. Giả như con có đánh đổ một vài giọt dầu nhưng lòng của con vẫn nhớ đến ta thì điều đó có lẽ sẽ làm ta vui hơn. Hoặc như con có sống bớt khắc khổ, bớt hãm mình ép xác mà giữ được lòng yêu mến đối với ta thì điều đó có lẽ sẽ tốt hơn. Đàng này cho đến nay, con làm tất cả những điều đó vì lòng kiêu hãnh, chỉ vì muốn được ta khen và chiếm được phần thưởng mà thôi. Quả thực là con chưa xứng đáng là môn đệ của ta.

Sống sao cho đúng với đạo làm con không phải dễ. Phải có một lòng khiêm nhường chân thực mới có thể sống được như thế.

+ Theo ngài Cha Mark Link thì khiêm nhường là một cái gì sâu xa và đẹp đẽ hơn như chính lời Chúa đã chỉ dẫn: “Hãy học với ta vì ta hiền lành và khiêm nhường” Con người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ.

Vậy thì sống khiêm nhường là sống như Chúa đã sống, không phải cho mình nhưng là cho người khác.

Khiêm nhường là biết dùng những khả năng như Chúa đã dùng khả năng của Ngài để không phải làm vinh danh cho riêng Ngài nhưng là mưu ích cho người khác.

Hà khưu Thượng nhân hỏi Tôn thúc Ngao:

          – Có ba điều chuốc vạ vào thân ông đã biết chưa?

+ Tôi chưa được biết.

– Tước vị cao người ta ganh.

Quyền thế lớn người ta ghét

Lợi lộc nhiều người ta oán.

+ Không phải như thế:

Tước vị tôi càng cao tôi càng xử nhún nhường.

Quyến thế tôi càng lới tôi càng ở khiêm cung

Lợi lộc tôi càng nhiều tôi càng chia bớt cho người chung quanh. Như thế thì làm sao mà thiên hạ có thế oán tôi được!

Đó là một trong những cách sống khiêm nhường như Chúa đã sống.

+ Nhiều người còn định nghĩa khiêm nhường là biết chấp nhận sự thật. Đây là một việc không dễ dàng. Chấp nhận sự thật thường đi đôi với việc phải điều chỉnh lại cách sống của mình.

Triết gia Diogène sống với một con chó trong một cái thùng gỗ bên vệ một con đường. Ông hạn chế đến mức tối đa những nhu cầu cần thiết đến nỗi cái chén múc nước ông cũng ném đi khi thấy hai bàn tay bụm lại cũng hứng được nước.

Nghe danh nhà hiền triết, một hôm Vua Alịchsơn Đại đế ..đứng cạnh cái thùng và lễ độ lên tiếng:

– Tiên sinh cần gỗ, quả nhân xin. . .

Triết gia trả lời: “Ta cần ngươi đứng tránh ra để nắng có thể dọi vô cửa thùng của ta.”

Tên tùy tùng của nhà vua rút gươm ra toan chém, nhưng vua gạt đi và nói: “Nếu ta không là Alịchsơn thì ta muốn làm Diogène.

Sau đó bằng một giọng điệu của bậc làm thầy, Alịchsơn nói với tên lính hầu cận:

– Người sinh ra ta là cha của ta: Đó là Hoàng đế Philiphe. Người dạy ta biết sống cho xứng đáng là Thầy của ta: Đó là Aristode.

Ông ngụ ý muốn nói: Diogène là bậc thầy của mình.

Biết cúi đầu nhìn nhận điều hay lẽ phải cho dù điều đó có đụng chạm đến danh tự, dến uy quyền, đến lợi lộc của mình. Đó cũng là cách sống khiêm nhường.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe một đoạn Tin Mừng do thánh Luca thuật lại.

Cha đố chúng con qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn dạy mọi người chúng ta điều gì?

– Chúa dạy về sự khiêm nhường.

– Đúng như chưa đủ.

– Chúa dạy về cách sống ở đời!

– Rất chính xác! Đúng là muốn muốn dạy chúng ta về cách sống ở đời.

Để dạy về vấn đề này, Chúa đã dùng ngay hình ảnh một bữa tiệc mà Chúa được mời tham dự để cho những  gì Chúa muốn nói trở nên cụ thể và dễ hiểu hơn.

Nhìn vào một bữa tiệc Chúa thấy người ta có những ứng xử khác nhau. Nhân cơ hội này Chúa đã đưa ra hai lời khuyên mà cha thấy lời khuyên nào cũng một bài học rất cụ thể và hữu ích cho mỗi người chúng ta nếu chúng ta muốn sống một cuộc đời thanh thản vui tươi, hạnh phúc và được mọi người nể phục kính trọng.

1. Lời khuyên thứ nhất:

“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất.(Lc 14,8)

Tại sao thế? Thưa vì người Do thái ngày xưa cũng như nhiều người ngày nay thường làm khi được mời dự tiệc thì thường hay chọn cho mình một chỗ “nhất”, chỗ danh dự để ngồi. Chọn như thế không phải vì chỗ đó có món ăn ngon hơn, nhưng là vì chỗ đó được quan tâm, được nhiều người để ý tới nhiều hơn. Những người tự chọn chỗ cho mình chỗ danh dự như thế thường là những người tự tô vẽ danh dự cho mình, muốn cho mọi người thấy mình là quan trọng nên buộc mọi người phải quan tâm để ý đến mình. Chúa thấy đây là những việc làm nhiều khi không đúng sự thật mà cái gì không đúng sự thật thì Chúa không thích, Chúa không muốn.

Cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này: Chuyện về một nhà văn Pháp tên là Alexandre Piron ông qua đời năm 1773. Khi còn sống, ông  thường có thói quen đi dạo trong khu rừng Boulogne giữa thủ đô Paris của nước Pháp. Một ngày kia, sau khi đi dạo, ông đến ngồi nghỉ trên một ghế đá, đàng sau ghế đá có một bức tường cao. Chỉ một lát sau, ông vô cùng ngạc nhiên vì trong đám người đang đi dạo qua đó, một vài người hướng về phía ông ngả mũ cúi chào; cũng có người còn bái gối nữa. Đoàn người tiếp tục đi và vẫn có người làm như vậy. Nhà văn cúi đầu đáp lễ. Ông không thể ngờ được rằng ông lại được nhiều người ngưỡng mộ, yêu mến như thế. Ông thầm mong giả như lúc này mà các bạn bè trong văn giới chứng kiến được cảnh tượng này thì hay biết mấy. Nhà văn đang say sưa với bả vinh hoa đó thì chợt ông để ý thấy trong số những người đang bái chào ông, có một bà lão đã để lộ một thái độ khác thường. Cũng giống như những người khác, bà lão cúi chào rồi tiến lại gần chỗ ông hơn, rồi thầm thì điều gì đó ông nghe không rõ đoạn ngước mắt nhìn lên phía tường cao trên đầu ông. Ngạc nhiên trước cử chỉ đó, nhà văn ngoái lại phía sau cố nhìn lên phía trên… Thì ra những người đi dạo đó dừng lại không phải để tỏ lòng ngưỡng mộ ông, mà chỉ để tỏ lòng tôn kính, thờ lạy Chúa Giêsu trên thánh giá được treo trên bức tường đó. Hổ thẹn vì khám phá đó, Alexandre Piron vội vã đứng dậy đi nơi khác.

Hãy coi chừng chúng con! Nếu không cẩn trọng thì nhiều khi trong cuộc sống chúng ta cũng sẽ mắc vào tính kiêu ngạo như thế.

Cha kể cho chúng con thêm một câu chuyện nữa: Đây là câu chuyện do chính Đức thánh Giáo hoàng Gioan 23 kể. Ngài nói: Lúc tôi mới được bầu làm Giáo hoàng (để lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ), tôi rất lo lắng và sợ hãi, trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Một đêm kia, trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi : Kìa Gioan, đừng tự xem mình là quan trọng như vậy. Choàng tỉnh dậy, tôi ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Kể từ đó, tôi đã cố gắng áp dụng câu đó trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày: Đừng tự coi mình là quan trọng. Và thật sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo hoàng.

Còn tôi là ai trong cái thế giới bảy, tám tỷ người này. Ai cũng cho mình là quan trọng rồi, mà tôi còn muốn đòi mọi người phải coi mình là quan trọng nữa sao? Đừng tự coi mình là quan trọng, tệ hơn đừng tự coi mình quá quan trọng. Sồng như thế chúng ta mới có cuộc sống thanh thản và hạnh phúc.

2. Lời khuyên thứ hai:

 “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.(Lc 14,12-14)

Đây quả là một lời khuyên rất khó thực hiện nhất là đối với hoàn cảnh ngày hôm nay. Quả là khó nhưng không phải là không có!

Ngày nay người ta thường dùng bữa nhậu để củng cố địa vị, mở rộng quan hệ làm ăn, gây thanh thế, mánh mung… Ai dại gì mà đãi những loại tứ cố vô thân, què quặt đui mù. Sống giữa cuộc sống hôm nay, hãy coi chừng kẻo chúng ta cũng bắt chước người khác sống theo phương châm có đi có lại, bỏ con tép bắt con tôm như thế…

Sống như thế thì có gì là tốt đẹp như ý Chúa muốn đâu. Trong Tin Mừng có lần Chúa bảo ngay cả những người bên lương, những người thu thuế, những  người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?. Chúa muốn những người làm con cái Chúa phải có cuộc sống hoàn thiện hơn, vươn cao hơn cái tầm thường của cuộc sống thế gian.
Chúng ta phải cám ơn Chúa vì hôm nay khi nhìn vào cuộc sống thực tế, chúng ta không thể không vui mừng vì thấy chung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu người hằng ngày trong các cơ quan tổ chức bác ái xã hội của Giáo Hội đang sống đáp ứng lại lời khuyên của Chúa Giêsu một cách hế sức tốt đẹp. Chúng ta hãy đứa mắt nhìn đến những việc làm của cộng đoàn Nữ tử Bác ái của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta hằng ngày chăm lo cho những bữa cơm dành cho hàng ngàn ngàn những người nghèo. Hoặc những bữa cơm của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho những người vô gia cư thiếu thốn gần đây. Hay còn nhiều những việc làm âm thầm kín đáo khác của những anh chị em thiện nguyện đang chăm lo cho những người đói khổ thiếu thốn mà không cần ai biết tới!!!

Tất cả những việc làm như thế có phải là để đáp ứng lại lời khuyên của Chúa Giêsu hay không? Phải quá đi chứ! Tất cả là để chứng minh cho thế giới, một thế giới đang cằn cỗi vì thiếu tình thương biết rằng tình thương của Chúa vẫn còn ngự trị trên trái đất này để làm cho cuộc sống của con người trên hành tinh trái đất con người đang sống được tốt đẹp hơn.

Để kết thúc cha kể cho chúng con câu chuyện này. Đây là câu chuyện tưởng tượng nhưng đã được dựng thành phim: Truyện kể rằng một ký giả nọ được phép xuống hỏa ngục làm phóng sự. Anh đến hỏa ngục đúng giờ ăn trưa. Trên bàn đầy ắp món ăn cao lương mỹ vị, nhưng trông ai cũng ốm o, gầy gò, xanh xao như chết đói vậy. Anh ta rất thắc mắc, nhưng khi thấy họ ăn thì biết ngay. Ai cũng có một đôi đũa dài được gắn vào tay, họ không thể gắp thức ăn cho mình mà chỉ có thể gắp cho người khác. Nhưng ai cũng giành giật cố sao gắp bỏ vào miệng mình. Kết quả là đồ ăn đổ tung tóe, họ lấy đũa chọc nhau, đập nhau, và kết cục ai cũng bị đói hết. Anh ký giả hoảng quá vội bay lên Thiên đàng thì cũng đúng giờ ăn. Cũng đầy đồ ăn cao lương mỹ vị, ai cũng được gắn cho một đôi đũa dài vào tay, nhưng trông ai cũng béo tốt phương phi. Bắt đầu ăn, ai cũng cố gắng gắp thức ăn cho người bên cạnh, họ cười nói vui vẻ. Kết cục ai cũng được ăn no nê, thoải mái… Kết thúc bài phóng sự, anh ký giả viết : Ích kỷ chỉ lo cho mình và vị tha lo giúp đỡ người khác cách quảng đại, đó là điểm khác biệt giữa hỏa ngục và Thiên đàng.

Lạy Chúa xin cho mỗi người chúng con biết sống khiêm nhường bác ái noi gương Chúa. Amen.

“Thưa Thầy, phải chăng chỉ có một số người được cứu độ?” Một câu hỏi do một người hỏi Chúa và có lẽ đây cũng là thắc mắc của nhiều người trong chúng ta.

I. Tại sao họ hỏi Chúa như vậy? Thưa là bởi vì lúc đó người ta không thể có được một sự nhất trí khi nhìn về tương lai cuộc sống của mình. Quan niệm về tương lai nơi người Do thái lúc đó rất khác nhau.

+ Những người Biệt phái thời Chúa Giêsu thì cho rằng tất cả những người Israel sẽ được dự phần vào thế giới mai hậu.

+ Sách Esdra (IV Esdra 5,47) bi quan hơn: chỉ có một số ít được an ủi trong thế giới mai hậu. Còn đa phần thì sẽ phải đau khổ cùng cực.

+ Nhóm Essenien, một trong những cộng đoàn đạo đức nổi tiếng thời đó lại cho rằng chỉ có các thành viên của họ mới được cứu rỗi.

Đứng trước những chủ trương khác nhau như thế, quả nhiên là có nhiều người cảm thấy bối rối. Ai sẽ là người được cứu rỗi? Chính vì thế mà họ mới đưa vấn đề ra để hỏi Chúa: “Thưa Thầy, phải chăng chỉ có một số người được cứu độ?”

II. Chúa sẽ trả lời thế nào?

+ Trước hết qua cách trả lời của Chúa chúng ta thấy rõ rệt Chúa không muốn xác định con số những người được chọn hay xác định ai sẽ là người được cứu rỗi.

Vì xác định như thế sẽ thật là nguy hiểm. Đạo của Chúa không phải là một thứ tất định hiểu theo nghĩa hẹp.

+ Đàng khác ở đây khi phải giải đáp những thắc mắc do người ta đặt ra, chúng ta thấy Chúa đã không muốn trả lời theo kiểu một đáp án có sẵn nhưng Ngài đã dùng cách trả lời mà các nhà chú giải gọi là trả lời “bản lề” Đây là kiểu trả lời theo cách  “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Trả lời như thế không phải Chúa là lẩn trốn hay tránh né vấn đề nhưng bắt người đặt vấn đề phải trở về với chính mình để tự mình tìm ra câu trả lời cho mình dưới sự gợi ý, góp ý, giúp đỡ của Chúa.

Chúa không xác định số người được tuyển chọn hay ai là người được cứu rỗi, nhưng Ngài mời gọi tất cả hãy phấn đấu để được vào số những người được cứu rỗi này.

“Hãy cố gắng đi vào cửa hẹp vì ta bảo các ngươi có nhiều kẻ tìm cách vào mà không vào được” Đó là cách thức Chúa chỉ để mỗi người để có thể tìm lấy sự cứu rỗi cho mình dưới sự nâng đỡ và hướng đẫn của Chúa.

Mathêo quảng diễn một cách rõ rệt hơn: “Các ngươi hãy vào qua cửa hẹp vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến sự hư mất và có nhiều người qua lối ấy – Còn cửa và đường đưa tới sự sống thì hẹp và ít kẻ tìm thấy” (Mt 7,13-14).

Như vậy thì chúng ta thấy lời hứa đã rõ ràng và phương thế cũng đã được vạch ra- Còn việc được cứu rỗi hay không là tùy ở mỗi người. Thiên Chúa không ép buộc một ai. Người mời gọichỉ lối. Thành hay bại là tùy ở ta chứ không phải ở Người.

Ơn cứu độ không dành riêng cho một dân tộc nào, không đương nhiên ưu đãi cho một ai nhưng theo Công đồng VaticanôII: thì đó là những người “trung thành thực hiện những giáo huấn của Chúa Giêsu – Giáo huấn mà họ biết được một cách rõ ràng hay qua trung gian của Giáo Hội hoặc thậm chí chỉ biết được một cách mù mờ và phiếm diện qua một hình thức tôn giáo nào đó hay qua lương tâm ngay thẳng của họ”.

Như vậy việc quyết định số phận cuộc đời của mỗi người là do nỗ lực của họ có biết đáp trả lại lời mời gọi của Chúa hay không chứ không phải là một thứ tất định máy móc mù quáng như nhiều người vẫn tưởng. Đó là ý của bài Tin Mừng hôm nay.

III. Bài học

“Hãy vào qua cửa hẹp”

Vì con đường đưa tới nước trời là con đường hẹp.

Sẽ không có phần thưởng cho những kẻ ươn lười. Sẽ không có sự cứu độ cho những ai không cố gắng đi theo đường lối của Chúa.

Người ta kể lại rằng: Một ngày kia Chúa Giêsu và thánh Phê-rô đi dạo trong một khu xóm lao động nghèo khó. Đi được một lúc thì Ngài thấy ở phái trước có một người đàn ông đang hì hục đẩy chiếc xe gỗ chất đầy hàng hóa của ông ta. Chiếc xe đang tiến về phía trước thì bỗng nhiên vấp phải một hòn đá ở giữa đường làm cho chiếc xe bị lật nằm chênh vênh giơ cả các bánh xe lên trời. Hàng hóa đổ ra tung tóe. Thấy vậy Ngài bảo Phê-rô cùng lánh qua một bên.

Ngài để ý quan sát xem trước sự việc đó, người đàn ông kia sẽ xử trí như thế nào. Qua cử chỉ của ông ta Chúa thấy ông như đang muốn tìm người giúp đỡ. Ông đưa mắt nhìn chung quanh nhưng chẳng gặp được một người nào. Kẹt quá, ông đành quì xuống đưa hai tay lên trời và tha thiết cầu nguyện:

– Lạy Chúa, Chúa luôn cứu giúp những người hoạn nạn. Xe của con bị lật ngửa giữa đường mà chẳng thấy có một ma nào đi qua để giúp đỡ con một tay. Chúa chỉ cần đụng một ngón tay thì phép lạ sẽ xẩy ra. Xin Chúa giúp con.

Phê-rô nghe thấy thế thì cảm thấy rất xúc động vì lời lẽ của ông chân thành quá. Thế nhưng Phê-rô lại vô cùng ngạc nhiên vì xem ra Chúa chẳng để ý gì đến những lời cầu khẩn của ông ta. Ngài tỏ ra rất lạnh lùng, không một chút xúc cảm đối với những lời cầu nguyện đó và sau đó thì Ngài rẽ qua một bên và cứ thẳng đường mà tiến bước về phía trước, trước sự ngỡ ngàng của người đàn ông kia.

Một lát sau cả hai đến gần một cái chợ. Một cảnh tương tự lại xảy ra. Một chiếc xe chất đầy hàng hóa cũng bị lật ngửa giữa đường. Người lài xe thay vì quì gối cầu nguyện thì lại hì hục cố gắng để lật chiếc xe lên. Mồ hôi mồ kê nhễ nhãi ướt đẫm cả người mà chiếc xe vẫn không nhúc nhích. Mặc dầu vậy, người đàn ông ấy vẫn  kiên trì dùng hết sức của mình để kéo chiếc xe lên….vừa đẩy, vừa kéo, và nhiều lúc còn văng ra những câu chửi thề.

Thấy thế Chúa Giêsu quay lại nói với Phê-rô:

– Nào chúng ta hãy đến giúp ông ta một tay.

Phê-rô không thể hiểu nổi thái độ của Chúa. Ông liền bạo miệng hỏi Chúa:

– Thưa Thầy, lúc nãy người nông dân đã quì xuống cầu nguyện với tất cả lòng chân thành của mình…tại sao Thầy không đếm xỉa gì đến lời van xin của ông ta. Còn tên này chửi bới rủa xả đủ điều mà Thầy lại muốn giúp đỡ hắn?”

Chúa giải thích:

– Con không thấy hai trường hợp khác nhau rất xa sao? Lúc nãy người kia chỉ biết quì gối cầu nguyện và chờ đợi sự giúp đỡ của Thầy, còn tự người đó, người đó không hề làm một cái gì để tự cứu lấy mình, dù một ngón tay cũng không đụng tới. Ngược lại người lái buôn đang ở trước mắt chúng ta, dù có nó nói những lời thô tục nhưng con có thấy không, nó vẫn cố gắng xoay sở hết sức để tự cứu lấy mình. Hắn cần phải được chúng ta giúp đỡ”.

Người Pháp có một câu châm ngôn này: “Bạn hãy tự cứu lấy mình trước và trời sẽ giúp bạn sau ” (Aide toi, le ciel t’ aidera)

Thánh Augustinô cũng nói một câu tương tự như thế: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con Chúa không thể không có con” (Creasti me sine me – Non salvasti me sine me).

Vâng hãy cố mà vào qua cửa hẹp.

Bao nhiêu tấm gương trên đời để lại đã cho chúng ta thấy rằng: Muốn có vinh quang thì phải trả giá. Vinh quang càng cao thì cái gía phải trả càng lớn.

Để hoàn thành tác phẩm nổi tiếng Éneade Virgile đã phải để ra gần 30 năm trời.

Để hoàn thành tác phẩm “Những kể khốn cùng” (Les miserables) Victor Hugo cũng đã phải mất gần 40 năm.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Qua bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, cha đố chúng con Chúa muốn nói về vấn đề gì?

– Chúa muốn nói về những điều kiện mà những người muốn vào nước trời của Chúa phải có.

– Chúa muốn nói về những kết cục của những người không chịu đi theo con đường của Chúa.

– Rất đúng! Chúng con rất thông minh. Bây giờ cha cắt nghĩa thêm.

Cha thấy như Chúa nói: Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người đều vào được, vì vào Nước Trời đòi có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời.

Như vậy, ai muốn vào Nước Trời thi phải nỗ lực phấn đấu. Nhưng phấn đấu thế nào?

1. Trước hết phải phấn đấu để hạ mình xuống. Chúng con thấy ở đời người ta thường phấn đấu để vươn lên. Người ở địa vị thấp phấn đấu để được địa vị cao. Người hèn kém phấn đấu để được trọng vọng. Người phải phục vụ phấn đấu để được người khác phục vụ mình. Người nghèo phấn đấu để trở thành giầu có. Nhưng trong Nước Trời thì ngược lại. Phải phấn đấu để đi xuống. Phải phấn đấu để tìm chỗ thấp hèn nhất. Phải phấn đấu để phục vụ anh em. Như lời Chúa dậy: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,11). “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22, 26). “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15).

Sau đó phải phấn đấu để bé nhỏ lại. Thông thường ở đời người ta phấn đấu để phình to ra. Ai có nhà nhỏ phấn đấu để có nhà lớn hơn. Ai có ruộng vườn nhỏ cũng phấn đấu để vườn ruộng lớn rộng thêm. Ai cũng phấn đấu để có nhiều của cải hơn, có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Trái lại, người muốn vào Nước Trời phải phấn đấu để trở nên bé nhỏ. Phải phấn đấu để trở nên nghèo. Phải phấn đấu để bỏ bớt của cải đi. “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19, 21). “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).

2. Thứ đến phải nhớ: Cửa vào Nước Trời thì hẹp vì được làm theo kích thước của Ðức Giê-su.

Cửa này “thấp” vì Ðức Giê-su đã hạ mình thẳm sâu. Là Thiên Chúa, Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Từ trời cao, Người đã tự nguyện xuống nơi đất thấp. Là Thầy, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phục vụ. Vô cùng thánh thiện nhưng Người đã để bị đối xử như một đại tội phạm. Người đã bị vùi dập xuống tận bùn đen.

Cửa này vì Ðức Giê-su đã trở nên bé nhỏ. Người đã sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Người đã bị bóc lột hết, không phải chỉ quần áo mà cả uy tín và danh dự.

Ðức Giê-su đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Ðức Giê-su đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Ðức Giê-su đã qua. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Ðức Giê-su phấn đấu hạ mình thẳm sâu và thu mình thành bé nhỏ nghèo khó. Chỉ những ai hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp này để vào được Nước Thiên Chúa mà thôi.

Vì con đường đưa tới nước trời là con đường hẹp:“Hãy vào qua cửa hẹp”

Sẽ không có phần thưởng cho những kẻ ươn lười. Sẽ không có sự cứu độ cho những ai không cố gắng đi theo đường lối của Chúa.

Cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này: Câu chuyện về DÉMOSTHÈNE nhà hùng biện danh tiếng nhất cổ Hy Lạp (385-322 tr.Th. C).

Chúng con có biết DÉMOSTHÈNE đã mất bao nhiêu năm để rèn luyện mình trở thành người hùng biện số một của Hy Lạp không? – 15 năm năm đấy chúng con.  Nói vậy chúng con cũng chưa thấy hết được nỗ lực của ông như thế nào. Lịch sử kểm lại rằng: Ngay từ nhỏ ông là người bị ngọng.

Để sửa lại tật bị ngọng này, ông ngậm sạn và ra bãi biển để tập nói.

Để đánh át được tiếng ồn của đám đông, ông cũng lại ra tận bờ biển tập gầm thét làm sao cho tiếng của ông lấn át được tiếng sóng gió. Để cho ngực khỏe, và sức chịu đựng được lâu, ông đọc những bài văn thật dài. Trời sinh ra, ông không có được con người lịch thiệp như mọi người, ông đã nghĩ ra cách này để sửa chữa những bộ điệu vụng về của ông. Chúng con có biết ông làm cách nào không? Ông cắm bốn thanh gươm giới hạn bốn phía. Rồi ông tập múa may tay chân trong giới hạn những thanh gươm đó. Bất cứ cử động nào ra ngoài mực thước đã định, sẽ mang lại cho chủ nó một vết thương.

Người đời sau này hết lời ca tụng ông, coi ông như một mẫu gương sáng cho một con người biết làm cho mình thành một con người nổi tiếng.

Đây là một ít lời khôn ngoan chúng ta có thể suy nghĩ:

“Hoạn nạn không thể làm ngã lòng một người can đảm”. (Sách châm ngôn, 2)

“Tai họa sinh ra đức hạnh”. (CN. 4, 6)

“Lửa thử vàng, gian nan thử người quả quyết”. (CN. 5, 8)

Lịch sử của các bậc vị nhân còn ghi lại biết bao gương sáng để khích lệ chúng ta. Nhiều khi chính số phận hình như chống lại họ. Nhiều khi cản trở hiện ra trước dự định, nhưng rồi họ chỉ dùng tính lạc quan để chống lại nó, và họ đã thắng.

Cha kể thêm cho chúng con câu chuyện này: Christopher Columbus, (khoảng 1451 – 1506) là một nhà hàng hải người nước Tây Ban Nha….Lịch sự kể lại Christopher Columbus trước khi hoàn thành dự định của mình, trong 18 năm trường, ông đã đi khắp Châu Âu, chỗ nào ông cũng thấy những lời vu khống ông. Nhưng với bầu nhiệt huyết sôi nổi, với ý chí sắt đá, ông đã thắng tất cả những lời đó và đã thực hiện được cái một giấc mơ vĩ đại trong đời ông: Đó là đi tìm Tân Thế giới – một lục địa mới. Chúng con có biết lúc ấy ông bao nhiêu tuổi không? Năm mươi tám tuổi! Năm mươi tám tuổi! Cái tuổi mà thường thường người ta đã được nghỉ. Thế mà lúc ấy ông mới bắt đầu công việc ông đã dự định và ông đã thành công. Hay như  Beethoven, một nhạc sĩ trứ danh, đến khi gần điếc hẳn, mới sáng tác được một bản nhạc hay nhất.

Người Pháp có một câu châm ngôn này: “Bạn hãy tự cứu lấy mình trước và trời sẽ giúp bạn sau ” (Aide toi, le ciel t’ aidera)

Vâng quả đúng như thế. Chúng ta không thể vào Nước Trời mà không phải cố gắng. Xin Chúa giúp cho chúng ta được can đảm vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống nhất là phải can đảm làm những gì Chúa đã làm, sống những gì Chúa đã sống để mai sau chúng ta được Chúa thưởng công trên nước trời. Amen.