23/08 – Thứ Tư tuần 20 thường niên.

“Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng”.

Lời Chúa: Mt 20, 1-16a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.

“Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

“Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.

“Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết”. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?” Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?”

“Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

Suy niệm: Có năm nhóm thợ được thuê vào vườn nho với năm khung giờ khác nhau: tảng sáng, giờ thứ ba (9g), giờ thứ sáu (12g), giờ thứ chín (15g) và giờ mười một (17g), cùng một lời mời: “hãy đi vào vườn nho!” với các thỏa thuận khác nhau. Với nhóm thợ đầu tiên là “mỗi ngày một quan tiền,” các nhóm khác là “tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng,” và nhóm cuối cùng thì dụ ngôn không nhắc đến. Vậy, “hợp lẽ công bằng” thế nào khi ông chủ trả công cho họ bắt đầu từ người sau hết với số tiền như những người làm từ tảng sáng? Những người làm từ tảng sáng có ‘thiệt thòi’ không, khi vẫn nhận được tiền công nhật là một quan, mức giá mà họ đã thoả thuận? Khi họ thất vọng và cằn nhằn ông chủ, câu trả lời họ nhận được là ông không đối xử bất công với họ, ông chỉ muốn thể hiện tình thương với đồng nghiệp của họ, và ông có quyền trên của cải của ông chứ. “Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?

Mời bạn: tưởng tượng khung cảnh bữa tối hôm ấy trong gia đình các người thợ vườn nho. Mọi người hân hoan dùng bữa, có thể lâu lắm họ mới có được bữa ăn ngon, nhất là trường hợp người thợ giờ thứ mười một. Có lẽ cả gia đình không chỉ có một bữa tối no nê, mà còn là bữa ăn đậm tình biết ơn.

Chia sẻ kinh nghiệm của bạn khi thấy người khác thành công và may mắn.

Sống Lời Chúa:Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thường không vui khi người khác được may mắn, thành công, được yêu thương hơn con. Xin giúp con mở rộng trái tim, nhận ra Chúa luôn yêu thương con, cũng như yêu thương mọi người anh em quanh con. Amen.

22/08 – Thứ Ba tuần 20 thường niên – Đức Maria Nữ Vương. Lễ nhớ.

“Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một Con trai”.

Lời Chúa: Lc 1, 26-38

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, Trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng:

“Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế, Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và đưọc gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.

Suy niệm: Trong ngày sứ thần truyền tin, Đức Ma-ri-a được loan báo cho biết Mẹ sẽ cưu mang và sinh hạ một người con, người con đó là Con Đấng Tối Cao, sẽ trị vì một triều đại vô cùng vô tận. Trong nhân loại từ xưa đến nay không ai hội đủ các điều kiện ngoại thường ấy, trừ phi Con Một Thiên Chúa. Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, nên Mẹ cũng được đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa, là Nữ vương thiên đàng, nơi Người Con mình sinh hạ ngự trị đến muôn đời muôn thuở. Mẹ chính là đối tượng của quyền năng và ân sủng thần linh được Thiên Chúa ân ban (theo E.B. Manges), Mẹ xứng đáng mang tước hiệu Nữ Vương cả trời và đất.

Mời Bạn: Chúng ta vui mừng ca tụng Mẹ vì vinh dự cao trọng này; cũng vì vinh dự cao trọng ấy của Mẹ, chúng ta chạy đến với Mẹ để xin bàu chữa cứu giúp. Bạn cũng hãy tin rằng bất cứ ai thành tâm đến với Mẹ, Mẹ sẽ “không để họ trở về tay không.”

Sống Lời Chúa: Bà Ê-li-sa-bét ca ngợi Mẹ là người có phúc vì dám tin vào những điều Chúa hứa. Điều Chúa hứa không phải được thực hiện trong ngày một ngày hai, nhưng qua một thời gian lâu dài, nhiều khi cả đời người. Tin tưởng phó thác nói tiếng “xin vâng” với Chúa không phải một lần là đủ, nhưng cần được làm mới, lặp đi lặp lại mỗi ngày. Ta hãy học nơi Mẹ bài học đức tin, luôn tín thác vào Chúa, thực hiện Lời Chúa dạy trong Thánh kinh và giáo huấn của Hội thánh.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con luôn biết thưa cùng Chúa hai tiếng “xin vâng” như Mẹ, không phải chỉ trong những ngày đẹp trời, nhưng mọi khoảnh khắc đời con. Amen.

21/08 – Thứ Hai tuần 20 thường niên. – Thánh Piô 10, giáo hoàng. Lễ nhớ.

“Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời”.

Lời Chúa: Mt 19, 16-22

Khi ấy, có một người đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm việc lành gì để được sống đời đời?”

Người bảo kẻ ấy rằng: “Sao ngươi hỏi Ta về việc lành? Chỉ có một Ðấng nhân lành là Thiên Chúa. Nếu ngươi muốn vào nơi hằng sống, ngươi hãy tuân giữ các giới răn”. Người ấy hỏi rằng: “Những giới răn nào?” Chúa Giêsu đáp: “Ngươi chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối. Hãy thảo kính cha mẹ, và yêu thương kẻ khác như chính mình”.

Người thanh niên thưa lại rằng: “Tất cả những điều đó tôi đã giữ từ khi còn niên thiếu, vậy tôi còn thiếu sót gì nữa chăng?

Chúa Giêsu bảo anh: “Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta”.

Khi người thanh niên nghe lời đó thì buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều sản nghiệp.

Suy niệm: Anh thanh niên này là đại gia, Phúc Âm Mát-thêu cho biết “anh ta có nhiều của cải”; hẳn đó cũng là ước mơ của nhiều người. Anh cũng là người đạo đức, tuân giữ các điều răn từ thuở nhỏ. Vậy mà anh vẫn cảm thấy chưa hài lòng, tại sao vậy? – Anh ước mơ được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Thế nhưng, sau khi nghe đòi hỏi của Đức Giê-su, anh buồn rầu bỏ đi, đòi hỏi ấy khó quá! Anh muốn điều quý giá nhất của đời người, nhưng không chịu trả giá đắt. Chỉ mình Thiên Chúa mới có sự sống đời đời; thế mà Ngài là tình yêu; muốn được chia sẻ sự sống đời đời của Ngài, phải sống yêu thương như Ngài, bước theo Con Thiên Chúa làm người. Chia sẻ của cải là một cách cụ thể bày tỏ tình yêu thương ấy. Anh thanh niên không tên không tuổi này đại diện cho tất cả chúng ta. Dù giàu có hay nghèo khó, nếu cứ khư khư bám vào của cải, hưởng thụ cho riêng mình, ta cũng sẽ khó có điều kiện vào Nước Trời.

Mời Bạn: Xem xét lại cách kiếm tiền và tiêu tiền của bạn? Bạn dành một phần cho các thiện ích chung, việc từ thiện, hay chi tiêu tất cả cho gia đình, vợ con và sở thích cá nhân? Nếu chưa dành ngân khoản cho các mục đích thiện ích chung, từ thiện, bạn sẽ chỉnh sửa như thế nào?

Sống Lời Chúa: Người giàu vào Nước Trời khó như con lạc đà chui qua lỗ kim. Nhưng không có gì mà Chúa không làm được. Vậy bạn hãy tin tưởng, thực hiện Lời Chúa nhắn nhủ bạn qua bài Tin mừng hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết cho đi mà không cần tính toán, an tâm tin tưởng rằng Chúa sẽ tính toán, lo liệu cho con. Amen.

20/08 – CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN năm A

“Này bà, bà có lòng mạnh tin”.

Lời Chúa: Mt 15, 21-28

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào.

Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.

Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Suy niệm: Thoạt nghe câu nói đầy cứng cỏi của Đức Giê-su, nhiều người không khỏi bất bình nghĩ rằng sao Chúa hất hủi người đàn bà ngoại giáo này như thế. Thực ra, Đức Giê-su đang đưa cho bà một cây sào để bà nắm lấy. Ở Đông Phương, gọi người khác là “chó” là một lời nguyền rủa rất nặng. Tuy nhiên, ở đây, Đức Giê-su dùng từ “chó con” để nói lên tính cách gia đình của nó trong gia đình chủ, được nuôi nấng, cưng chiều, khác với lũ chó hoang ngoài phố chợ. Có lẽ vì nhận ra được tính thân ái này mà bà đã tiếp tục đối đáp với Đức Giê-su và cuối cùng được ơn Chúa như người Ít-ra-en từng được.

Mời Bạn: Tại sao bạn gặp có cơ may có đức tin? Tại sao bạn được ưu đãi cho vào ăn “bánh của con cái Thiên Chúa”? Có phải vì thế mà bạn quên đi đám đông bao la đang chờ đợi các mảnh vụn từ bàn ăn thần linh này không? Thiên Chúa chọn ai trước là để họ góp công thực hiện mục tiêu cuối cùng này, là hết thảy mọi người phải được cứu độ.

Chia sẻ: Mối tương quan của bạn đang chỉ giới hạn giữa những người cùng đạo hay bạn đang có những cố gắng kết nối tương quan thân ái với những anh chị em ngoài Công giáo nữa?

Sống Lời Chúa: Bạn sắp xếp đi thăm viếng một gia đình ngoài Ki-tô giáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dành cho con vinh dự được ăn bánh của con cái Thiên Chúa. Xin cho con biết rằng, Chúa cũng muốn nhiều anh em khác được ân phúc như con.

19/08 – Thứ Bảy tuần 19 thường niên.

“Đừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”.

Lời Chúa: Mt 19, 13-15

Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”. Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.

Suy niệm: Mẹ Tê-rê-xa kể lại: khi biết Mẹ sắp đi cứu trợ ở Ê-thi-ô-pi, nơi đang gặp nạn đói lớn, một em bé đến trao cho Mẹ một thanh kẹo xô-cô-la và nói: “Mẹ Tê-rê-xa ơi, Mẹ làm ơn đem thanh kẹo xô-cô-la này cho một em nhỏ nào đó ở Ê-thi-ô-pi giùm con nhé.” Em bé này không có nhiều để chạy theo số lượng, cũng không có tham vọng để mang bệnh thành tích. Món quà chẳng đáng là bao của em bày tỏ một tấm lòng quảng đại, thật thà, đơn sơ. Thế mà đó lại là một nhân tố tâm hồn mà Chúa Giê-su coi là điều kiện thiết yếu để được vào Nước Trời: “Cứ để trẻ em đến với Thầy… vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”

Mời Bạn: Tâm hồn trẻ thơ chứa đựng vẻ đẹp mà Thiên Chúa ưa thích, đó là sự đơn sơ, trong trắng, tin tưởng, phó thác nơi Ngài, v.v… Thật đáng ngại khi tâm hồn tôi đang bị hoen ố bởi những màu sắc u ám đối nghịch với vẻ đẹp trong sáng đó. Một mặt tôi phải tẩy rửa lòng mình sạch ‘cái tôi’ tự ái, ích kỷ, kiêu căng, vụ lợi… để phục hồi vẻ đẹp tâm hồn trẻ thơ, có như thế Nước Trời mới “trị đến” như lòng Chúa mong muốn. Mặt khác, tôi phải tẩy trừ, ngăn chặn những loại sách vở, hình ảnh, phương tiện truyền thông độc hại không cho tác hại đến những tâm hồn trẻ thơ là con em của mình.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên kiểm điểm để mau mắn loại trừ gương xấu, dịp tội ra khỏi tâm hồn mình và cộng đoàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống với Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se như một người con thảo hiếu, vâng lời. Chúa yêu quí những tâm hồn đơn sơ nhỏ bé. Xin cho con, ở mọi nơi mọi lúc, luôn sống dưới cái nhìn đầy âu yếm và yêu thương của Chúa. Amen.

18/08 – Thứ Sáu tuần 19 thường niên.

“Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy”.

Lời Chúa: Mt 19, 3-12

Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?” Người đáp: “Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly”. Họ hỏi lại: “Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?” Người đáp: “Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình”.

Các môn đệ thưa Người rằng: “Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ”. Người đáp: “Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu”.

Suy niệm: Hôn nhân hay tu trì đều có những yêu cầu riêng mà không bên nào dễ hơn bên nào. Đừng tưởng rằng sống trong bậc hôn nhân là có thể buông thả phóng túng theo những đòi hỏi của bản năng. Mối dây liên kết “một vợ một chồng và không được phân ly” là một yêu cầu rất cao: chẳng những nó bảo vệ sự cao cả thánh thiện của hôn nhân mà nó còn có sứ mạng làm chứng cho tình yêu giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh. Mặt khác đời sống tu trì không phải dành cho những ai bất lực hay mất quân bình trong khả năng tính dục; cũng không phải là nơi nương náu cho những ai muốn trốn trách nhiệm nặng nề của đời sống gia đình. Cuộc sống “độc thân vì Nước Trời” là một ơn đặc biệt mà “chỉ có ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu” mà thôi.

Mời Bạn: Thế giới và Giáo hội hôm nay đang bị khủng hoảng nặng nề về đời sống hôn nhân cũng như tu trì: những giá trị đạo đức trong tình yêu hôn nhân và gia đình bị phá đổ, số ơn gọi tu trì giảm sút, những tai tiếng ồn ào về sự lạm dụng tính dục trong hàng giáo sĩ… Mỗi người, nhờ ơn riêng Chúa ban, đều có sứ mạng làm chứng cho tình yêu Chúa và xây dựng Giáo Hội trong bậc sống của mình.

Sống Lời Chúa: Suy nghĩ chín chắn khi chọn lựa bậc sống hôn nhân hay tu trì. Và khi đã chọn lựa, hãy trung thành sống triệt để những đòi hỏi của bậc sống đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết chu toàn bổn phận theo bậc sống riêng của chúng con.

17/08 – Thứ Năm tuần 19 thường niên.

“Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

Lời Chúa: Mt 18,21 – 19,1

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. “Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.

Suy niệm: Câu chuyện dụ ngôn Chúa kể hôm nay giống như một bức tranh với những mảng màu chói chang và tương phản đến cực độ. 1/ Tương phản ‘một trời một vực’ giữa hai món nợ: một bên nợ 10.000 nén vàng – 1 nén vàng tương đương 6.000 ngày công,  bên kia nợ 100 quan tiền – tương đương 100 ngày công. 2/ Tương phản giữa hai chủ nợ: Chủ của món nợ 10.000 nén vàng rất mực khoan dung, ông xoá hết nợ ngay lập tức khi con nợ van xin. Trớ trêu thay con nợ vừa được tha bổng món nợ ‘khủng’ kia cũng chính là chủ nợ của món nợ chỉ vỏn vẹn có 100 quan tiền; tương phản ở chỗ y hành xử cực kỳ “ác độc”: y “túm lấy, bóp cổ” bạn để đòi nợ, bịt tai trước lời van xin và tống ngục bạn mình “cho đến khi trả xong nợ”. Cái kết cho y là y bị trừng trị bằng chính án phạt dành cho y trước đó. Phần chúng ta, thông điệp Chúa nhắn gửi là chúng ta phải thương xót và tha thứ cho nhau như Chúa thương xót và tha thứ cho chúng ta.

Mời Bạn: Có khi nào bạn tự hỏi: Tại sao tôi khó tha thứ cho anh em tôi những điều rất nhỏ, trong khi Chúa vẫn tha thứ cho tôi những món nợ rất lớn? Cuộc sống hôm nay cần một trái tim tha thứ hơn bao giờ hết. “Đừng mắc nợ gì nhau, ngoài món nợ tương thân tương ái”. Bạn và tôi đã giúp gì cho sự tha thứ trong thế giới hôm nay?

Sống Lời Chúa: Tôi luôn tha thứ cho kẻ xúc phạm tới tôi dù vô tình hay hữu ý.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng Xót Thương và hay tha thứ, “xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” để con không giữ lòng hiềm thù, oán hờn và ghen ghét bất cứ ai, vì chỉ khi con thứ tha cho anh em, con mới đáng được Chúa tha thứ. Amen.

16/08 – Thứ Tư tuần 19 thường niên.

“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.

Lời Chúa: Mt 18, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.

“Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.

Suy niệm: Trong cuộc sống thường ngày không thiếu gì cơ hội để “hai hoặc ba người tụ họp nhau”: có những cuộc gặp để bàn tính công việc làm ăn, có những cuộc gặp nối kết tình bằng hữu lâu ngày không gặp, những cuộc gặp đoàn tụ gia đình bấy lâu ly tán; nhưng cũng có những cuộc gặp để ‘tám chuyện’, để nhậu nhẹt, bài bạc,… dẫn đến táng gia bại sản, đổ vỡ gia đình. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta gặp nhau “nhân danh Chúa” để cầu nguyện, tạ ơn tôn vinh Chúa, để chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, chia sẻ tình yêu thương cho nhau, để an ủi, khuyên bảo, khích lệ nhau… Những cuộc gặp gỡ nhau “nhân danh Chúa” như thế, chắc chắn “có Chúa ở cùng, ở giữa họ”.

Mời Bạn: dừng lại một chút để nhận định xem những lần bạn đến gặp gỡ người khác, bạn nhắm mục đích gì? Và bao nhiêu lần bạn gặp gỡ nhau “nhân danh Chúa”? Những lần gặp gỡ nhau để lo toan công việc đời thường, để chia sẻ tương quan, bạn có ý thức mời Chúa hiện diện ở giữa các bạn để Ngài chúc phúc cho cuộc gặp gỡ của bạn không? Hơn nữa, các cuộc gặp gỡ phải là cơ hội để bạn ‘mặc lấy’ tâm tình của Chúa để rồi chia sẻ tình yêu, niềm vui, bình an của Ngài cho anh em.

Sống Lời Chúa: Trước mỗi cuộc họp mặt bất cứ vì mục đích gì, bạn có thể thầm cầu nguyện trong lòng: “Xin Chúa hiện diện với chúng con!”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin sự hiện diện của Chúa là nguồn mạch sự Khôn Ngoan, ơn can đảm và lòng yêu mến trong tâm hồn chúng con, xin ngự trị và điều khiển trí ý, hành động và môi miệng chúng con!

15/08 – Thứ Ba tuần 19 thường niên – ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.

“Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ”.

Lời Chúa: Lc 1, 39-56

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa.

Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh.

Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không.

Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”.

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà Mình.

Suy niệm: “Thiên Chúa cứu độ”, một ý niệm không hề xa lạ với niềm tin và lòng mong đợi của dân Do-thái như được nhắc  tới rất nhiều trong Cựu Ước, đặc biệt các thánh vịnh. Nhưng mức độ nhận hiểu của họ về công trình ấy vẫn còn nhiều giới hạn. Lắm khi mầu nhiệm “cứu độ” chỉ còn là kỷ niệm về những chiến tích oai hùng trong quá khứ mà ngày nay “cha ông thuật lại cho con cháu” (x. Xh 10,2). Lắm khi dân Do thái lại chỉ mong đợi một vị vua trần thế đến giải cứu họ khỏi ách đô hộ của ngoại bang và ban cho họ của cải, quyền lực ở thế gian này. Thế nhưng mục tiêu tối hậu của chương trình cứu độ là giải thoát nhân loại khỏi án phạt tội lỗi để được cùng Chúa hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên quốc. Điều đó đã được khởi đầu nơi Đức Ki-tô phục sinh rồi đến những kẻ thuộc về Ngài (x. 1Cr 15,23), và nay được chứng thực nơi Đức Ma-ri-a khi Mẹ được đưa về trời cả hồn và xác.

Mời Bạn: Được ban tặng biết bao diễm phúc, Đức Ma-ri-a đã hớn hở vui mừng ngợi khen “Thiên Chúa là Đấng Cứu độ”, lời ngợi khen bao hàm lời tuyên xưng với thái độ khiêm tốn, tạ ơn và sẵn sàng để Ngài cứu độ Mẹ theo ý Chúa muốn và theo cách Chúa làm: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Thái độ và lời ngợi khen của Mẹ là cách tuyệt hảo nhất để đáp lại hồng ân cứu độ của Thiên Chúa cũng phải là cách chúng ta đáp lại hồng ân Chúa ban cho chúng ta để chúng ta được ơn cứu độ.

Sống Lời Chúa: Thiên Chúa cứu độ ta ta qua mỗi giây phút hiện tại. Hãy luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Ngài.

Cầu nguyện: Đọc hoặc hát bài ca “Linh hồn tôi Ngợi Khen Chúa” (Magnificat).