24/02– Thứ Bảy tuần 1 Mùa Chay.

“Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời”.

Lời Chúa: Mt 5, 43-48

Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con, để như vậy các con nên con cái của Cha các con, Ðấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương.

Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm như thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm thế ư?

Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo”.

Suy niệm: Người đời bảo rằng người ta có hai tình cảm cơ bản là Yêu và Ghét. Hai tình cảm đó lắm khi bị đẩy tới mức cực đoan và mù quáng: “Yêu thì yêu cả đường đi, ghét thì ghét cả tông chi họ hàng.” Thế nhưng Chúa Kitô dạy các kitô hữu, là môn đệ của Ngài, chỉ có một tình cảm là Yêu, yêu tới mức triệt để, yêu cả kẻ thù” (Mt 5,44) và sẵn sàng “thí mạng sống mình vì người mình yêu” (x. Ga 15,13). Lòng ghen ghét chẳng qua là thiếu vắng tình yêu và đó là một tội: Người ghét anh em mình chẳng khác nào “kẻ nói dối” (1Ga 4,20), “kẻ sát nhân” (1Ga 3,15). Hơn thế nữa, Chúa Giê-su không chỉ dạy mà còn sống điều đó như là một mẫu gương cho những ai sống và tin vào Ngài.

Mời Bạn: Yêu như Chúa yêu quả là khó. Vâng, khó nhưng có thể, vì chính Chúa Ki-tô đã làm như thế. Ki-tô hữu là người có Chúa Ki-tô, là người bạn của Chúa Ki-tô nên cũng có thể yêu như Chúa yêu nghĩa là yêu cùng với Ngài và trong Ngài. Bạn có ý thức như vậy khi tương quan với anh em mình không?

Sống Lời Chúa: ĐHY Ph. Xav. Nguyễn Văn Thuận viết trong “Đường Hy Vọng”: “Hãy lấy một tờ giấy và bình tĩnh viết trên đó đức tính của người con bất bình, con sẽ thấy họ không hoàn toàn xấu như con nghĩ từ đầu.” Bạn hãy làm điều đó riêng bạn và trong nhóm của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, trên Thập Giá Chúa đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình. Xin khơi dậy trong trái tim con tâm tình của Chúa để con cũng biết yêu thương và tha thứ cho anh em như Chúa đã yêu.

23/02 – Thứ Sáu tuần 1 Mùa Chay. – Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ

“Hãy đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã”.

Lời Chúa: Mt 5, 20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.

Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!”

Suy niệm: Steve Jobs, một thiên tài với khả năng sáng tạo dường như vô tận, có một câu nói được nhiều người nhớ là: “Tôi nghĩ rằng nếu bạn làm được một điều gì đó rất tốt, bạn nên đứng dậy và làm những thứ khác tuyệt vời hơn, thay vì ngồi một chỗ tự mãn và tận hưởng chiến thắng. Hãy nghĩ xem cái gì nên được làm tiếp theo.” Chỉ có cái chết mà ông gọi là “phát minh duy nhất, tuyệt vời nhất” mới ngăn cản ông không làm được điều tiếp theo. Chúa Giê-su dạy các môn đệ phải “công chính hơn” những người Pha-ri-sêu và các kinh sư vì họ cho rằng việc giữ luật Mô-sê của họ là quá tuyệt vời rồi, không thể tốt hơn nữa. Trong khi đó Chúa dạy phải nên “hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Vì thế, các Ki-tô hữu phải nỗ lực để nên công chính hơn, bằng cách luôn hướng đến Chúa Cha, Đấng hoàn thiện, là gương mẫu và cùng đích của mình.

Mời Bạn: Sự tự mãn là liều thuốc độc làm tê liệt mọi khả năng thăng tiến, cách riêng trong đời sống thiêng liêng. Đối nghịch với sự tự mãn này là việc nhìn nhận mình là người tội lỗi trước mặt Chúa để sám hối. Lời mời gọi sám hối không phải để gợi lên một thứ mặc cảm tự ti, tội lỗi, mà là để từ bỏ nó và quay đầu lại với Thiên Chúa là Đấng nhân từ yêu thương đang kêu gọi bạn trở về với Ngài. Người Ki-tô hữu hôm nay phải công chính hơn hôm qua và ngày mai phải hơn hôm nay, cho đến khi nên hoàn thiện như Cha trên trời”.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian xét mình, xin ơn thống hối và quyết tâm sửa chữa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

22/02 – Thứ Năm tuần 1 mùa chay. – LẬP TÔNG TOÀ THÁNH PHÊRÔ. Lễ kính.

“Con là Ðá, Cha sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.

Lời Chúa: Mt 16, 13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu đến miền Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?”

Các ông thưa: “Kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một trong các tiên tri!”

Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”

Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”.

Suy niệm: Khi hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Chúa Giê-su muốn các ông nói lên niềm tin cá nhân của mình chứ không phải chỉ là lặp lại những điều thiên hạ nói về ngài. Các môn đệ khác không nhiều thì ít cũng đã tin vào Chúa, nhưng riêng thánh Phê-rô, khi nói: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống,” ông đã đưa ra được lời tuyên xưng đức tin của mình. Nếu chúng ta tin vào Chúa Ki-tô, một đàng chúng ta phải tìm hiểu chân dung đích thật của Ngài và đàng khác, phải trình bày đức tin ấy cách trung thực và làm chứng nhân đức tin ấy trong cuộc sống.

Mời Bạn: Là môn đệ Đức Ki-tô, chúng ta mong muốn cho đồng bào Việt Nam nhận biết và yêu mến Ngài. Điều chúng ta quan tâm không chỉ là nội dung đức tin mà còn là cung cách sống, công bố và chuyển tải nội dung đức tin ấy cách trung thực cho mình cũng như cho người nghe. Vì thế càng yêu mến Chúa chúng ta càng phải nói lên niềm tin mình với tất cả xác tín và đồng thời bằng những cung cách, hình ảnh, biểu tượng thích hợp để nhờ đó đồng bào chúng ta thấy Ngài hiện diện, chia sẻ đời sống và tin thật Ngài chính là Đấng Chúa Cha sai đến đem ơn cứu độ cho họ. Nếu Đức Giê-su có mặt trong xã hội Việt Nam hôm nay, Ngài muốn chúng ta nói với họ về Ngài như thế nào?

Sống Lời Chúa: Thể hiện niềm tin Công giáo theo cung cách Việt Nam qua việc bài trí bàn thờ và kính nhớ tổ tiên.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho một đức tin chân thành để con hiểu và yêu Chúa từ thâm tâm. Xin ban ơn Thánh Thần Chúa để giúp con rao truyền danh Chúa cho anh em. Amen.

21/02 – Thứ Tư tuần 1 Mùa Chay.

“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.

Lời Chúa: Lc 11, 29-32

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona.

Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.

Suy niệm: Người Do Thái xin Chúa Giê-su cho họ dấu lạ; Ngài đưa ra hai trường hợp rất quen thuộc đối với họ, đó là Giô-na và Sa-lô-môn. Có ai khôn ngoan hơn Sa-lô-môn? Thế mà ở đây, Thầy Giê-su là chính “Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Có gì lạ hơn chuyện người nằm “trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm” (Gn 2,1; Mt 12,40)? Nhưng Giô-na chỉ là hình ảnh tiên báo Đức Giê-su nằm trong lòng đất ba ngày rồi sống lại. Giô-na và Sa-lô-mon đã là ‘lạ’ nhưng vẫn không ‘qua mặt’ được dấu lạ Giê-su. Hơn nữa, dấu lạ Giô-na là lời mời gọi dân thành Ni-ni-vê sám hối, thì dấu lạ Giê-su cũng là lời mời gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng.

Mời Bạn: Ngày nay, người ta vẫn ‘đòi’ dấu lạ: nghe biết nơi nào có ‘chuyện lạ’ thì đổ xô nhau tìm đến, lắm khi chỉ để thoả mãn tính hiếu kỳ, để cầu xin cách vụ lợi chứ không phải để củng cố lòng tin, để hoán cải cuộc sống. Quả thực, dấu lạ ở ngay trong lòng bạn khi bạn lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy để bạn trở nên con cái Chúa; dấu lạ vẫn diễn ra hằng trong bí tích Thánh Thể nơi Chúa Giê-su hiện diện. Mời bạn đến với dấu lạ hàng ngày là Thầy Giê-su đang ở trong bạn và hãy làm cho Ngài lớn lên trong bạn mỗi ngày.

Sống Lời Chúa: Tham dự thánh lễ ngày thường khi có thể và bạn dành thời gian đến nhà thờ để thờ lạy dấu lạ Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hoán cải để lòng chúng con xứng đáng với dấu lạ Chúa ban cho chúng con.

20/02 – Thứ Ba tuần 1 Mùa Chay.

“Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này”.

Lời Chúa: Mt 6, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

Suy niệm: Khi dạy chúng ta kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su ban cho chúng ta một hồng ân và mở cửa cho chúng ta bước vào một mầu nhiệm. Một hồng ân: Thiên Chúa trên trời cho phép chúng ta gọi Ngài là Cha, một người Cha luôn yêu thương và tha thứ. Và một mầu nhiệm: Chúng ta được phúc gọi Chúa là Cha, đó là nhờ chúng ta được chia sẻ địa vị làm con với Chúa Giê-su là Con Yêu Dấu của Cha trên trời. Ngài xuống thế làm người, chịu chết và sống lại để chúng ta được tái sinh làm con cái Chúa. Hồng ân và mầu nhiệm đó mời gọi chúng ta đón nhận một sứ mạng: làm tất cả để “ý Cha thể hiện và danh Cha cả sáng,” đồng thời sống yêu thương, tha thứ đối với hết mọi người vì tất cả đều là anh em con một Cha trên trời.

Mời Bạn: Kinh Lạy Cha là kim chỉ nam cho cuộc sống người Ki-tô hữu: xác định lại mối tương quan Cha-con giữa Thiên Chúa với tôi và mối tương quan anh-chị-em giữa tha nhân với tôi. Mỗi việc tôi làm phải được xem xét sao cho đạt được hai tiêu chí này: thực thi ý Chúa để làm vinh danh Ngài và yêu thương tha thứ, mưu ích cho tha nhân.

Sống Lời Chúa: Đọc kinh Lạy Cha nhiều lần hơn trong ngày một cách sốt sắng với ý thức bạn đang tâm sự với Chúa là Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy chúng con biết cách cầu nguyện theo ý Chúa. Chúa cũng dạy cho chúng con hiểu rõ và hiểu đúng mối liên hệ giữa chúng con với Chúa Cha và với nhau.  Xin cho chúng con biết một lòng làm vinh danh Chúa qua việc thực thi giới luật yêu thuơng một cách nhiệt thành và quảng đại. Amen.

19/02 – Thứ Hai tuần 1 Mùa Chay.

“Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

Lời Chúa: Mt 25, 31-46

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.

Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?”

Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!”

Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?”

Khi ấy Người đáp lại: “Quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.

Suy niệm: Khi phục vụ những người nghèo trong khu ổ chuột ở Ấn Độ, mẹ thánh Têrêsa Calcutta trả lời các nhà phỏng vấn: “Tôi thấy Chúa qua những con người bé nhỏ này”. Vì thế, mẹ Têrêsa đã phục vụ họ một cách trân trọng, như một con người, mang trong mình hình ảnh Đức Ki-tô. Mẹ đã sống Lời Chúa một cách triệt để. Bởi vì Chúa Ki-tô hiện thân nơi người nghèo, như Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta. Việc bác ái mang đậm chất Ki-tô này giúp ta làm việc lành mà không cầu danh lợi, không huênh hoang tự đắc, không tìm lời khen, không coi thường người nghèo nhưng luôn tôn trọng họ… Chất Ki-tô khiến chúng ta làm tất cả để tôn vinh danh Chúa, để tình người được lớn lên trong tình Chúa.

Mời Bạn: Mùa Chay kêu gọi chúng ta không phải chỉ kiêng ăn vài món bị cấm. Nhưng sống chay tịnh là bớt những thói hư tật xấu để tập tính tốt, bớt chi tiêu ăn uống để chia sẻ cho người nghèo hơn mình, bớt thời gian cho mình để quan tâm đến người khác, bớt hận thù để gia tăng yêu mến, bớt nghi ngờ để thêm tin tưởng… Đó là chay tịnh đích thực. Không chay tịnh như thế thì không thể cho đi để phục vụ Chúa nơi người anh em được.

Chia sẻ: Cho đi cách tốt đẹp nhất là cho đi với nụ cười. Tại sao?

Sống Lời Chúa: Khi làm bất cứ điều gì cho người anh em, bạn hãy tự nhủ: “Con đang làm cho Chúa đó.” Như thế mọi việc sẽ nên tốt đẹp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con thấy Chúa trong anh em, để tình Chúa thắt chặt tình người nơi chúng con.

18/02 – CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY năm B.

“Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người”.

Lời Chúa: Mc 1, 12-15

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Suy niệm: Mùa Chay là mùa “tập luyện chiến đấu thiêng liêng”. Trong cuộc chiến đó, Chúa Giê-su là vị tướng chỉ huy. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô ngắn gọn nhưng cũng cho chúng ta biết Chúa Giê-su, mang bản tính con người, Ngài cũng đương đầu chiến đấu với những cơn cám dỗ và đã chiến thắng ma quỷ thế nào. Ngài không chỉ đi bước trước mở con đường chiến thắng cho chúng ta mà còn nêu gương cho chúng ta biết làm thế nào để chiến thắng trong cuộc chiến thiêng liêng của chúng ta.

Mời Bạn: Đời sống thiêng liêng là một cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ với ba kẻ thù hiệp lực tấn công chúng ta, đó là ma quỷ, thế gian và chính xác thịt chúng ta. Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi ta hãy vào hoang địa với Đức Giêsu để chịu thử thách, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường. Không cần vào nơi rừng sâu núi thẳm mới là vào hoang địa; bằng việc thinh lặng cầu nguyện, cùng với những hy sinh khổ chế, bạn ở một mình kết hiệp với Chúa, đó là hoang địa ở ngay nội tâm mình; ở đó bạn tập quen từ bỏ ý riêng mình để khám phá thánh ý Chúa, và hành động thuận theo ý Ngài.

Sống Lời Chúa: Tích cực chọn làm những điều đẹp lòng Chúa trong mọi việc bổn phận hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khổ chế, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần. Xin Chúa thêm lòng tin, lòng cậy và lòng mến nơi con để nhờ ơn Chúa con có thể kiên trì trong cuộc chiến đấu này. Amen.

17/02 – Thứ Bảy sau lễ Tro.

“Ta không đến kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

Lời Chúa: Lc 5, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài.

Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

Suy niệm: ‘Sinh, lão, bệnh, tử’ – làm người không ai là không mắc bệnh. Theo lẽ tự nhiên, bệnh nhân thì mong gặp thầy gặp thuốc. Với căn bệnh thể xác là vậy, còn tâm hồn thì sao? Tin Mừng hôm nay cho thấy Lê-vi thật may mắn. Ngồi nơi bàn thu thuế, có vẻ như ông đang rất ổn với công việc hái ra tiền này, nhưng ông biết rõ mình đang đau đáu một căn bệnh trong tâm hồn. Dưới con mắt ghẻ lạnh của đồng bào, ông bị coi là ‘kẻ thù của dân tộc’, tiếp tay với đế quốc Rô-ma bóc lột dân mình qua công việc thu thuế. Hơn nữa, ông còn đứng trước toà án lương tâm vì những tội biển thủ, chiếm đoạt bất công của ông khi ông hành nghề thu thuế. Ông cần thầy thuốc, nhưng chưa kịp đi tìm thì Đức Giê-su, vị lương y tình yêu đã đến và gọi ông. Thế nên, lập tức, ông đứng dậy và đi theo Ngài.

Bạn thân mến, “thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai”, nếu có lúc bạn đã phải dằn vặt vì những sai lầm, hay thậm chí nản lòng thất vọng vì thấy tội mình quá lớn, thì hôm nay, hãy tin rằng Chúa đến để “tìm và cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Hơn nữa, bạn đã có kinh nghiệm được Chúa tha thứ và chữa lành thì bạn cũng có thể làm như Lê-vi, mời gọi những người khác đang cần tới vị lương y tình yêu để họ cũng được đến với Ngài.

Sống Lời Chúa: Bạn đến thăm một người vốn bị coi là ‘bên lề giáo xứ’, tạo điều kiện để họ dễ dàng đến với Chúa

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con, biết lòng Chúa nhân từ để chạy đến với Chúa khi con phạm tội, biết sự yếu hèn của con để biết cư xử bao dung với tha nhân. Amen.

16/02 – Thứ Sáu sau lễ Tro.

“Khi tân lang ra đi, bấy giờ họ mới ăn chay”.

Lời Chúa: Mt 9, 14-15

Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?”

Chúa Giêsu nói với họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.

Suy niệm: Tôn giáo nào cũng thực hành việc ăn chay. Những người Pha-ri-sêu, rồi môn đệ Gio-an Tẩy giả cũng ăn chay. Nên họ thắc mắc tại sao môn đệ Chúa Ki-tô lại không ăn chay. Đức Giê-su cho biết môn đệ của Ngài có lý do khác để ăn chay. Họ không ăn chay để giống với người khác hay để giữ ‘đúng luật’. Trái lại, môn đệ Chúa Ki-tô quy hướng mọi hoạt động về Ngài, như trong tiệc cưới mọi người đều hướng về chàng rể. Họ sẽ ăn chay khi chàng rể của họ là Đức Ki-tô “bị đem đi”, khi họ tham dự vào cuộc thương khó với Ngài.

Mời Bạn: Thời nay nhiều người còn có nhiều lý do để ăn chay, vì sức khoẻ chẳng hạn. Người ki-tô hữu giữ chay là để biểu lộ lòng sám hối tội lỗi; việc ăn chay luôn được làm cùng với việc cầu nguyện và thực thi bác ái. Qua việc chay tịnh, họ khiêm cung tự hạ, nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa. Và nhất là, cùng với Chúa Ki-tô “ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4,2; x. Lc 4,2), người Ki-tô hữu ăn chay là để tưởng nhớ và hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô. Như thế, giữ chay không chỉ là việc kiêng khem ăn uống bên ngoài, mà quan trọng hơn vẫn là việc ‘chay lòng, chay tâm trí, chay miệng lưỡi’ để đạt được sự hoán cải sâu xa tự trong lòng.

Sống Lời Chúa: Thực hành việc ‘chay lòng’ bằng cách ‘kiêng’ xét đoán, nói xấu người khác nhưng sống tinh thần thấu hiểu, cảm thông.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết chay tịnh như Chúa, không chỉ kiêng bớt chớ mê ăn uống, mà con giữ chay tịnh trí lòng. Amen.