“Hành trình sống Tuần Thánh trực tuyến” cho các gia đình

Do đại dịch Covid-19, mọi sinh hoạt tôn giáo bị xáo trộn, Tuần Thánh vì thế cũng có những khác biệt trong việc cử hành, đặc biệt là việc giáo dân không được tham dự trực tiếp các nghi thức cách trọng thể. Đó là lý do mà một nhóm các linh mục và giáo dân tại Giáo phận Phoenix – Hoa Kỳ đã biên soạn Hành trình sống Tuần Thánh cho các gia đình – một nguồn tài liệu trực tuyến bao gồm các bài đọc Thánh lễ, các lời cầu nguyện, các hoạt động theo chủ đề phụng vụ từ Chúa nhật Lễ Lá tới Chúa nhật Phục Sinh, các liên kết video thánh lễ, bài giảng, bài hát, các chỉ dẫn phụng vụ và nhiều hoạt động tại nhà khác nhau, để giúp các gia đình Công giáo có thể tham dự Tuần Thánh tại nhà cách sốt sắng và ý nghĩa nhất. (theo CNA)

Giải pháp “Thay thế Lá” trong Chúa nhật Lễ Lá

Theo truyền thống, ngày lễ lá, các tin hữu thường được nhận một nhánh ô-liu, một cành cọ trong nhà thờ khi tham dự Chúa nhật Lễ Lá. Năm nay, vì không có Thánh lễ, nên các tín hữu không được nhận lá, mà họ lại rất ‘nhung nhớ’ những nhành lá này. Do đó, Đức ông Joseph LaMorte, Hoa Kỳ đã đề nghị các linh mục vẫn làm phép lá, sau đó lưu trữ, và sẽ gởi đến các tín hữu khi nhà thờ được mở cửa trở lại. Cùng với giải pháp ấy là một sự thay thế nhỏ: Tín hữu có thể in hoặc tải các hình ảnh lá đã được đính kèm trên mạng làm biểu tượng cho ngày Lễ Lá năm nay. (theo Aleteia)

Ngoài ra, trong Chúa nhật Lễ Lá, các tín hữu có thể sử dụng các cây thực vật địa phương để thay thế lá cọ, như: cành ô-liu, cây vân sam, cành liễu, lá dừa, …đều có thể được. Tất cả nhằm diễn tả sự chào đón Chúa đến mang ơn cứu rỗi cho mình, đặc biệt trong Tuần Thánh (theo Aleteia)

Đặt cành ô-liu trên mỗi ngôi mộ

Chính quyền ở Barzanò, tỉnh Lecce,  miền Lombardy – tâm dịch của nước Ý – đã quyết định cử hành Lễ Lá bằng cách đặt một cành ôliu trên mỗi ngôi mộ, để mọi người cảm thấy “hiệp nhất với nhau như một cộng đồng.”

Mỗi cành ôliu trên bia mộ vừa mang ý nghĩa như một bông hoa dâng tặng người đã khuất, vừa mang dấu chỉ của hòa bình và hy vọng trong những ngày đau thương, tăm tối của nước Ý, khi mà những cái chết đến thầm lặng và những người thân của họ qua đời mà không thể nói lời từ biệt họ lần cuối.(x. Vatican News)

Hiệp thông với Thánh Tâm Chúa Giêsu trong tuần thánh giữa mùa đại dịch

Đức Tổng Giám mục Jose Gomez, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã mời gọi các linh mục và các tín hữu hãy đến với Thánh Tâm bị đâm thâu của Chúa Giêsu để có được nơi ẩn náu bình an trong mùa đại dịch.

Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Tổng Giám mục Gomez sẽ đọc Kinh Thánh Tâm Chúa Giêsu để cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt. Tất cả mọi người Công giáo đều có thể tham dự thông qua chương trình livestream trên internet. (theo CNA)

Nguồn: WGPSG tổng hợp

I. Giáo Hội Việt Nam sẽ tổ chức ngày TOÀN QUỐC CẦU NGUYỆN CHO DỊCH BỆNH SỚM CHẤM DỨT vào THỨ BẢY 04/04/2020, các Thánh lễ sẽ sử dụng bản văn “Thánh lễ trong thời gian đại dịch” do Ủy ban Phụng tự/ HĐGM phổ biến. Chính Chúa Giêsu đã dạy nếu chúng ta họp nhau cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ nhận lời (x. Mt 18, 19-20). Thánh lễ Giáo Hội Việt Nam sắp cử hành chắc chắn sẽ chạm đến trái tim giàu lòng thương xót của Chúa. Xin anh chị em cùng tham dự trực tuyến.

II. Xin anh chị em tham dự Thánh lễ trực tuyến của TGP với chương trình sau đây:

  1. Chúa nhật lễ Lá
    Nhà thờ Chính tòa và nhà thờ Tân Phước (Có trực tuyến theo lịch của ngày Chúa nhật).
  2. Lễ Dầu
    Đức Tổng Giuse chủ sự lúc 8g30 Thứ Năm Tuần Thánh, tại nhà thờ Chính tòa (Có trực tuyến). Quý cha hiệp thông trực tuyến với Giám mục Giáo phận qua Nghi thức lập lại lời hứa Linh mục.
  3. Thứ Năm Tuần Thánh – Thánh Lễ Tiệc Ly
    + Tại nhà thờ Đức Bà: Đức Tổng Giuse chủ sự, lúc 17g30 (Có trực tuyến).
    + Không trực tuyến tại Nhà thờ Tân Phước (vì cùng giờ).
  4. Thứ Sáu Tuần Thánh – Tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa
    + Tại nhà thờ Đức Bà: Đức Cha Luy chủ sự, lúc 17g30 (Có trực tuyến).
  5. Canh thức Phục Sinh
    + Tại nhà thờ Đức Bà: Đức Tổng Giuse chủ sự, lúc 20g00 (Có trực tuyến).
  6. Chúa nhật Phục sinh
    + Nhà thờ Chính Tòa: Đức Cha Luy chủ sự lúc 5g30 (Có trực tuyến).
  7. Không quy tụ cộng đoàn

Trong tình hình hiện tại, tất cả các nghi thức trên đều phải cử hành riêng tư. Xin quý cha và các cộng đoàn tuyệt đối tuân thủ chỉ thị của Đức Tổng Giám mục: “tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo với sự tham dự của cộng đoàn”, để ngăn ngừa việc lây lan dịch bệnh. Chỉ một ca nhiễm có liên quan đến sinh hoạt tôn giáo tại các cộng đoàn, xã hội có thể quy trách nhiệm không chỉ cho cộng đoàn đó mà cho cả Giáo hội Công giáo.

Anh chị em giáo dân được khuyến khích tham dự trực tuyến các Nghi thức Tuần Thánh tại Nhà thờ Chính Tòa theo lịch ấn định trên đây. Để việc đạo đức này mang lại ơn ích, mọi người cần chuẩn bị tâm hồn và cả thái độ bề ngoài cho xứng hợp, tham dự cử hành một cách ý thức, tích cực và trọn vẹn.

III. VỀ VIỆC ĐẾN NHÀ THỜ TÂN ĐỊNH CẦU NGUYỆN TRONG TAM NHẬT THÁNH (THỨ NĂM – SÁU – BẢY TUẦN THÁNH)

Nhà thờ Tân Định vẫn mở cửa để anh chị em vào cầu nguyện trong những ngày Tuần Thánh. Để tuân thủ nghiêm túc quy định mỗi lần không quá 20 người, xin anh chị em vui lòng theo sự hướng dẫn của Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ.

Các cha trong giáo xứ Tân Định tuy dâng lễ riêng nhưng vẫn nhớ đến cộng đoàn Tân Định thân yêu trong Thánh Lễ mỗi ngày. Kính chúc anh chị em trong đại gia đình Tân Định được tràn đầy bình an cùng ân sủng của Chúa Kitô khổ nạn và phục sinh trong suốt Tuần Thánh và mùa Phục Sinh đặc biệt của năm nay.

Lm Chánh xứ và 2 cha phó cùng HĐMV

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
( (84.8) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Hướng dẫn cử hành phụng vụ Tuần Thánh 2020

Theo Sắc lệnh trong thời kỳ đại dịch COVID-19 của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích ban hành ngày 25/3/2020, các linh mục có thể cử hành nghi thức Tuần Thánh không có giáo dân tham dự. Dựa trên những chỉ thị cụ thể của Thánh Bộ, Tòa Tổng giám mục xin gửi đến quý cha và các cộng đoàn trong Tổng giáo phận Hướng dẫn cử hành Phụng vụ Tuần Thánh cho riêng năm nay. Đại chủng viện, các cộng đoàn dòng tu và đan viện cũng thực hiện theo hướng dẫn này.

  1. Chúa nhật lễ Lá
  • Nhà thờ Chính tòa và nhà thờ Tân Phước (Có trực tuyến theo lịch của ngày Chúa nhật).
  • Nghi thức Tưởng niệm việc Chúa vào thành Giêrusalem: được cử hành bên trong nhà thờ.
  • Tại Nhà thờ Chính tòa, cử hành theo hình thức thứ hai trong Sách Lễ Rôma.
  • Tại các nhà thờ và nhà nguyện khác, theo hình thức thứ ba.
  1. Lễ Dầu

Đức Tổng Giuse chủ sự lúc 8g30 Thứ Năm Tuần Thánh, tại nhà thờ Chính tòa (Có trực tuyến).

Quý cha hiệp thông trực tuyến với Giám mục Giáo phận qua Nghi thức lập lại lời hứa Linh mục.

  1. Thứ Năm Tuần Thánh – Thánh Lễ Tiệc Ly
  • Tại nhà thờ Đức Bà: Đức Tổng Giuse chủ sự, lúc 17g30 (Có trực tuyến).
  • Không trực tuyến tại Nhà thờ Tân Phước (vì cùng giờ).
  • Trong ngày này, tất cả các linh mục đều được ban năng quyền đặc biệt để cử hành Thánh Lễ tại một nơi thích hợp, dù không có giáo dân tham dự.
  • Trong Thánh lễ Tiệc Ly, không cử hành việc rửa chân, vì đây là một thực hành mang tính tùy chọn. Sau lễ, không rước kiệu Thánh Thể, Mình Thánh Chúa sẽ được cất giữ tại Nhà Tạm.
  1. Thứ Sáu Tuần Thánh – Tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa
  • Tại nhà thờ Đức Bà: Đức Cha Luy chủ sự, lúc 17g30 (Có trực tuyến).
  • Chỉ một mình vị chủ sự hôn kính Thánh Giá.
  • Trong Lời Nguyện Chung, thêm lời nguyện sau đây do UB Phụng tự thuộc HĐGMVN soạn:

XI. Cho những nạn nhân của đại dịch hiện nay

Anh chị em thân mến, ta hãy cầu cho thế giới đang trong cơn đại dịch, và cho tất cả chúng ta biết kết hợp với mầu nhiệm Thánh Giá để đón nhận gian nan thử thách trong niềm tin yêu tín thác vào Chúa.

Thinh lặng cầu nguyện. Rồi linh mục đọc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đầy quyền năng và giàu lòng thương xót, xin đoái nhìn đến nỗi thống khổ của gia đình nhân loại trong cơn đại dịch, xin cứu chuộc những người đã qua đời, chữa lành các bệnh nhân, an ủi những gia đình đang đau khổ, nâng đỡ các bác sĩ, nhân viên y tế và những anh chị em thiện nguyện. Xin thương nghe lời Hội Thánh Chúa đang tha thiết khẩn cầu, cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt, và cho chúng con cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa để biết luôn chân thành liên kết với nhau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

  1. Canh thức Phục Sinh

Chỉ cử hành nghi thức tại Nhà thờ Chính tòa và các nhà thờ giáo xứ.

  • Tại nhà thờ Đức Bà: Đức Tổng Giuse chủ sự, lúc 20g00 (Có trực tuyến).
  • Không trực tuyến tại Nhà thờ Tân Phước (vì cùng giờ).
  • Phần “Khai mạc trọng thể giờ Canh thức hoặc Nghi thức thắp sáng”:
  • Không làm phép lửa;
  • Sau khi thắp Nến Phục sinh, hát “Exsultet” ngay để công bố Tin Mừng Phục sinh.
  • Sau đó, cử hành “Phụng vụ Lời Chúa”. Chỉ đọc 2 bài Cựu ước (bài I và III).
  • Trong phần “Phụng vụ Thánh Tẩy”, chỉ giữ việc “lặp lại lời hứa khi nhận bí tích Thánh Tẩy”.
  • Sau đó là Phụng vụ Thánh Thể.

Lưu ý: Phụng vụ Canh thức Phục Sinh trên đây tuy được rút gọn nhưng vẫn đầy đủ 4 phần. Không được phép chỉ cử hành Thánh lễ mà không có các nghi thức khác.

  1. Chúa nhật Phục sinh

Nhà thờ Chính Tòa: Đức Cha Luy chủ sự lúc 5g30 (Có trực tuyến).

Trong các Thánh lễ có trực tuyến, thay vì đọc kinh Tin Kính, có thể dùng công thức “Lập lại lời hứa khi nhận bí tích Thánh Tẩy” như trong Đêm Canh Thức.

  1. Không quy tụ cộng đoàn

Trong tình hình hiện tại, tất cả các nghi thức trên đều phải cử hành riêng tư. Xin quý cha và các cộng đoàn tuyệt đối tuân thủ chỉ thị của Đức Tổng Giám mục: “tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo với sự tham dự của cộng đoàn”, để ngăn ngừa việc lây lan dịch bệnh. Chỉ một ca nhiễm có liên quan đến sinh hoạt tôn giáo tại các cộng đoàn, xã hội có thể quy trách nhiệm không chỉ cho cộng đoàn đó mà cho cả Giáo hội Công giáo.

Anh chị em giáo dân được khuyến khích tham dự trực tuyến các Nghi thức Tuần Thánh tại Nhà thờ Chính Tòa theo lịch ấn định trên đây. Để việc đạo đức này mang lại ơn ích, mọi người cần chuẩn bị tâm hồn và cả thái độ bề ngoài cho xứng hợp, tham dự cử hành một cách ý thức, tích cực và trọn vẹn.

Chúng con kính chúc quý cha và mọi người được tràn đầy bình an cùng ân sủng của Chúa Kitô khổ nạn và phục sinh trong suốt Tuần Thánh và mùa Phục Sinh đặc biệt của năm nay.

Tòa Tổng giám mục, ngày 1 tháng 4 năm 2020

TL. Đức Tổng Giám Mục
Chưởng ấn
(đã ký)
Phêrô Kiều Công Tùng

Vatican – Các tín hữu xác tín ấy xác tín rằng nếu Con Thiên Chúa đã chọn con đường khổ giá để cứu chuộc nhân loại, thì chắc chắn hành động ấy phải có lý do, tuy rằng con người không luôn luôn muốn hiểu và chấp nhận.

Làm sao sống và cử hành Tuần Thánh ”đau thương” sắp tới? Hôm 27-3-2020, Ban Phụng Vụ của ĐTC đã công bố lịch trình các lễ nghi Tuần Thánh sắp tới do ĐTC cử hành:

Các lễ nghi không có dân Chúa tham dự

Chúa nhật Lễ Lá 5-4 mở đầu một Tuần Thánh chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội: lần đầu tiên các lễ nghi Tuần Thánh tại Vatican không có giáo dân trực tiếp tham dự, nhưng chỉ dự các phương tiện truyền thông. Những Chúa Nhật Lễ Lá bình thường ĐTC chủ sự tại Quảng trường Thánh Phêrô có nghi thức rước lá thật cảm động trước sự tham dự của 3, 4 chục ngàn người, nay chỉ diễn ra trong đơn sơ tột cùng tại bàn thờ cuối thánh đường thánh Phêrô. Cũng vậy với lễ nghi khác trong Tam Nhật Thánh. Không có lễ Dầu sáng thứ năm Tuần Thánh với hàng ngàn giáo sĩ các cấp đồng tế với ĐTC; buổi cử hành thương khó chiều Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô, và buổi đi dàng Thánh Giá trọng thể tại Hý trường Colosseo. Rồi tới đêm vọng Phục Sinh, thánh lễ tại thềm Đền thờ Thánh Phêrô được trang trí bằng hàng chục ngàn hoa từ Hòa Lan, và buổi công bố sứ điệp của ĐTC trước sự hiện diện của hàng chục ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô. Nhưng nay, những lễ nghi ấy đơn giản tối đa, trước sự hiện diện của một vài người, trong thái độ thận trọng hết sức để tránh lây nhiễm.

Nhiều nơi trên thế giới, kể cả tại Việt Nam, Tuần Thánh cũng diễn ra với bầu đau thương như thế.

Nhìn thực trạng dưới đôi mắt đức tin

Nhưng ”Mọi hoàn cảnh đều góp phần mưu ích cho những người mến Chúa” như thánh Phaolô đã dạy trong thư gửi tín hữu Roma (Rm 8,28). Với xác tín này, Kitô hữu không đòi Chúa làm phép lạ chữa nhân loại khỏi đại dịch coronavirus, không thắc mắc: tại sao Chúa không ra tay biểu dương uy quyền để mọi người tin vào Chúa? Họ không đặt câu hỏi: tại sao ĐGH và chúng con cầu hoài mà Chúa không lắng nghe, phá tan trận dịch Covid-19 này?

Các tín hữu xác tín ấy xác tín rằng nếu Con Thiên Chúa đã chọn con đường khổ giá để cứu chuộc nhân loại, thì chắc chắn hành động ấy phải có lý do, tuy rằng con người không luôn luôn muốn hiểu và chấp nhận.

Nhìn nhận giá trị của đau khổ và nghịch cảnh

Trong thực tế, qua dòng lịch sử, không thiếu những người nhận thức giá trị cứu độ của đau khổ, qua tấm gương của Chúa Cứu Thế.

Khi không có đức tin, người ta sẽ thấy những đau khổ và nghịch cảnh chỉ là điều vô nghĩa lý và hoàn toàn vô ích. Nhưng đối với những người có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã dùng chính đau khổ và cái chết để cứu chuộc nhân loại, thì đau khổ không còn là một bất hạnh hoàn toàn tiêu cực nữa. Một đàng các tín hữu vẫn tìm cách chữa trị bệnh tật và giải trừ đau khổ, nhưng đàng khác, họ cũng tìm cách thăng hoa giá trị của đau khổ. ĐTC Gioan Phaolô 2 đã viết trong Tông Thư ”Salvifici doloris” (Khổ đau cứu độ), rằng: ”Chúa Kitô đã dạy cho con người cách biến đổi đau khổ thành điều có lợi, và đồng thời cũng giúp đỡ những ai đang phải chịu đau khổ. Trong cả hai khía cạnh đó, Chúa tỏ lọ ý nghĩa sâu xa của đau khổ” (S.D, 30).

Gương Cha Christensen vượt thắng đau khổ

Hồi đầu tháng 3 này, trang mạng LifeSite ở Mỹ, có đăng một bài về Cha Dana Christensen Wendy Royston, 42 tuổi, cha sở giáo xứ Đức Mẹ Từ Bi (St Mary of Mercy) ở thành phố Alexandria, bang South Dakota, thuộc giáo phận Sioux Falls ở Mỹ.

Cha Christensen vốn là một LM trẻ trung, khỏe mạnh, đang hăng say hoạt động tại các giáo xứ ở Alexandria, Emery và Bridgewater, nhưng tháng 7 năm 2019, cha bắt đầu nhận thấy có gì không ổn, bắp cơ giật và đổi giọng nói. Ban đầu cha đi bác sĩ toàn khoa, rồi được bác sĩ gửi đến bác sĩ chuyên về thần kinh, với một loạt các thử nghiệm phải trải qua. Sau cùng, cuối tháng 10-2019, cha Christensen nhận được cú điện thoại của bác sĩ cho biết cha bị bệnh Xơ cứng teo cơ một bên, cũng gọi là bệnh Lou Gherig, làm cho các thần kinh điều khiển cơ xương chết đi, dần dần bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nói, nuốt và thở. Bệnh này chưa có phương thức trị liệu. Thời gian sống trung bình từ khi mắc bệnh đến lúc chết là từ hai tới 4 năm, hầu hết là do suy hô hấp.

Xác tín Chúa quan phòng

Lúc đó cha Christensen mới đi hành hương ở Fatima trở về. Cha kể: ”Tôi coi cú điện thoại xác nhận tôi bị bệnh Lou Gherig là điều diễn ra trong sự phù hộ của Mẹ Maria, một cú điện thoại trong sự quan phòng của Chúa.”

Nhưng sự chấp nhận thực tế căn bệnh của cha đòi nhiều chiến đấu. Cha kể tiếp: ”Sau lần chẩn đoán xác nhận bệnh ấy, tôi trải qua một thời kỳ kinh hãi, kể cả tình trạng xuống tinh thần trầm trọng, tôi hết sức lo sợ. Nhưng với thời gian và cầu nguyện thật nhiều, tôi đã tìm lại được an bình về căn bệnh của tôi. Tôi biết chắc chắn rằng Thiên Chúa đã để cho điều đó xảy ra để tôi được tăng trưởng trong sự thánh thiện và là cơ hội để tôi giúp tha nhân cũng được tăng trưởng. Tôi tin Chúa muốn và đang dùng tình trạng bệnh tật của tôi để mưu sự thiện và tôi tín thác nơi Chúa”.

Nghịch cảnh như một lời mời gọi của Chúa

Cha Christensen xác tín rằng căn bệnh của Cha cũng là một lời Chúa mời gọi tôi hãy thực hành điều mà tôi rao giảng: ”Tôi thường giảng dạy về sự tín thác nơi lòng thương xót của Chúa và kế hoạch của Chúa về đời sống chúng ta. Nay là lúc tôi phải mang ra thực hành”.

Ngày 10 tháng giêng năm nay (2020), lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Cha Christensen giải thích cho các giáo dân về hàng chữ bằng tiếng Hy lạp ghi ở cửa thánh đường: ”Nếu bạn chết trước khi bạn chết, thì khi bạn chết, bạn sẽ không chết”, câu này muốn nói rằng: trong bí tích rửa tội, các tín hữu Kitô được chôn táng trong nước và được sống lại để sống cuộc sống mới.

Với giọng run run vì hậu quả của bệnh Lou Gherig, cha Christensen diễn giải cho giáo dân: ”Nếu trong cuộc sống, chúng ta vác thánh giá mình và hằng ngày chết đi cho chính mình, nếu chúng ta chọn thánh ý Chúa thay vì ý riêng của chúng ta, nếu chúng ta hằng ngày chấp nhận những ”cái chết” đến với chúng ta, dù đó là sầu muộn hay bệnh tật, hoặc bao nhiêu cái chết hằng ngày xảy ra cho chúng ta, nếu chúng ta sống những điều đó như Chúa Giêsu đã sống, nếu chúng ta để Chúa chết trong chúng ta, thì chúng ta chẳng còn điều gì phải sợ. Vì khi cái chết của chúng ta đến, thì chúng ta đã chết rồi, và tất cả những gì còn lại cho chúng ta là sống vĩnh cửu”.

Sau bài giảng đó, cha Christensen chia sẻ trên Facebook rằng ”một linh mục phải luôn luôn giảng trước tiên cho chính mình, và điều đó cũng giúp tôi không sợ cái chết, vì nếu tôi đã chết với Chúa Kitô rồi, thì có gì mà tôi phải sợ nữa?

Trong Facebook, cha Christensen cũng viết rằng “Trong mọi sự, xin tuân theo ý Cha, chứ đừng theo ý con”. Và cha cũng viết: ”Tôi chấp nhận tất cả những gì Chúa định cho tôi và tôi dâng những sự ấy cho Chúa Giêsu nhờ tay Mẹ Maria, để đền bù tội lỗi tôi và tội lỗi của thế giới, để cứu vớt các tội nhân”. (LifeSite News 3-3-2020)

G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Vatican News

Tổng Giáo phận Sài Gòn trực tuyến Thánh lễ và Chầu Mình Thánh Chúa hằng ngày như sau:

  • Thánh lễ Ngày thường
    05:30 (Nhà thờ Đức Bà)
    17:30 (Nhà thờ Tân Phước)
  • Thánh lễ Chúa nhật:
    17:30 thứ Bảy (Nhà thờ Đức Bà)
    19:00 thứ Bảy (Nhà thờ Tân Phước)
    05:30 Chúa nhật (Nhà thờ Đức Bà)
    07:30 Chúa nhật: dành cho Thiếu nhi (Nhà thờ Tân Phước)
    09:30 Chúa nhật: Thánh lễ tiếng Anh (Mass in English) (Nhà thờ Đức Bà)
    10:30 Chúa nhật: Thánh lễ tiếng Pháp (Messe en Français) (Nhà thờ Đức Bà)
    17:30 Chúa nhật (Nhà thờ Tân Phước)
  • Chầu Mình Thánh Chúa vào lúc 20:00 mỗi ngày (Nhà thờ Đức Bà)

Trực tuyến
– tại Nhà thờ Đức Bà:

xem kênh YouTube Tổng Giáo Phận Sài Gòn: youtube.com/user/tonggiaophansaigon
 tại Nhà thờ Tân Phước:
xem kênh YouTube WGPSG Thánh lễ trực tuyến hằng ngày

Tất cả các chương trình trực tuyến này đều nằm trên trang web của Tổng Giáo phận  Sài Gòn: https://tgpsaigon.net

Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi cầu nguyện lịch sử trong quảng trường hoàn toàn trống vắng những lại có đông đảo tín hữu tham dự từ khắp nơi trên thế giới tham dự. Ngài xin Chúa ban sức khỏe cho thể xác và an ủi trái tim. Sau khi chầu Thánh Thể, Đức Thánh Cha ban phép lành Mình Thánh Urbi et Orbi cho các tín hữu trong buổi cầu nguyện đặc biệt cầu cho thế giới trước đại dịch.

Lúc 6 giờ chiều ngày 27/03, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự giờ cầu nguyện tại quảng trường thánh Phêrô để cầu nguyện cho thế giới trước đại dịch virus corona. Giờ cầu nguyện bắt đầu với nghi thức cử hành Lời Chúa.

Đoạn Tin Mừng thánh Marco được đọc trong giờ cầu nguyện thuật lại sự kiện các môn đệ đang ở trên tàu, khi Chúa Giêsu đang ngủ, thì giông bão nổi lên. Các môn đệ hoảng sợ, đánh thức Ngài dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Chúa Giêsu đã truyền cho sóng im biển lặng và ngài bảo họ “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

Suy tư về đoạn Tin Mừng trên, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy mời Chúa vào cuộc đời chúng ta, hãy phó thác những khó khăn đau khổ cho Chúa, hãy tin rằng Chúa là Đấng yêu thương và yêu chương chúng ta nhất.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha.

Chúng ta ở trên cùng con thuyền và cần cùng nhau chèo để vượt qua sóng gió

”Khi chiều xuống” (Mc 4,35). Đó là câu mở đầu đoạn Tin Mừng chúng ta đã nghe. Từ nhiều tuần nay, dường như chiều đã xuống. Những bóng đen dầy đặc phủ trên các quảng trường, các đường phố và thành thị của chúng ta; chúng chiếm hữu cuộc sống chúng ta, làm đầy mọi sự bằng một sự im lặng gây choáng váng và một sự trống rỗng thê lương, làm tê liệt mọi sự khi nó đi qua: người ta cảm thấy điều ấy trong không khí, nhận thấy nó qua các cử chỉ, qua những cái nhìn. Chúng ta lo sợ và ngỡ ngàng. Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bất ngờ bị bão tố hung bạo vùi dập. Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả được kêu gọi cùng chèo với nhau, tất cả đều cần an ủi nhau. Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy. Như những môn đệ trong bài Tin Mừng đồng thanh và lo âu nói với nhau: ”Chúng ta chết mất” (v.38), chúng ta cũng nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau.

Chúa Giêsu ngủ yên vì Ngài tín thác nơi Chúa Cha

Thật là dễ thấy mình ở trong hoàn cảnh như trình thuật này. Điều khó khăn là làm sao hiểu thái độ của Chúa Giêsu. Trong khi các môn đệ tự nhiên thấy hốt hoảng và tuyệt vọng, thì Chúa ở phần cuối thuyền, là phần sẽ bị chìm trước tiên. Ngài làm gì thế? Mặc dù những giao động, hối hả, Ngài vẫn ngủ yên, tín thác nơi Chúa Cha – đó là lần duy nhất trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu ngủ -. Và khi Ngài bị đánh thức dậy, Chúa cho gió yên biển lặng, rồi nói với các môn đệ với giọng khiển trách: ”Tại sao các con lại sợ? Các con chưa có đức tin sao?” (v.40).

Các môn đệ thiếu đức tin: họ không tin Chúa quan tâm đến họ 

Chúng ta hãy tìm cách hiểu. Sự thiếu đức tin của các môn đệ hệ tại điều gì, một thái độ trái ngược với sự tin tưởng của Chúa Giêsu? Các môn đệ không ngừng tin nơi Chúa, và thực sự họ kêu cầu Ngài. Nhưng chúng ta hãy xem cách thức môn đệ kêu cầu: ”Thưa Thầy, Thày chẳng quan tâm gì đến sự kiện chúng con sắp chết sao?” (v. 38). ‘Thầy chẳng quan tâm’: họ nghĩ rằng Chúa Giêsu không đoái hoài gì đến họ, không chăm sóc họ. Giữa chúng ta, trong các gia đình, một trong những điều làm đau lòng nhất, đó là khi chúng ta nghe nói: ”Anh chẳng quan tâm gì đến em sao?”. Đó là một câu làm thương tổn và tạo nên bão tố trong tâm hồn. Câu ấy cũng làm tổn thương cả Chúa Giêsu. Vì chẳng có ai quan tâm đến chúng ta hơn Ngài. Thực vậy, sau khi được kêu cầu, Chúa đã cứu vớt các môn đệ thiếu lòng tin.

Bão tố cho thấy chúng ta đã bỏ qua điều nâng đỡ và ban sức mạnh cho chúng ta

Bão tố vạch trần sự dễ thương tổn của chúng ta và cho thấy những an ninh giả tạo và thừa thãi qua đó chúng ta đã xây dựng những chương trình hoạt động, những dự án, các tập quán và ưu tiên của chúng ta. Nó tỏ cho thấy chúng ta đã lơ là và bỏ qua điều nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cộng đoàn của chúng ta. Bão tố để lộ tất cả những chủ tâm ”gói lại” và quên đi những gì đã nuôi dưỡng cái hồn của các dân tộc chúng ta; tất cả những toan tính gây mê với những tập quán có vẻ là ”cứu thoát”, nhưng không có khả năng tham chiếu những căn cội và nhắc nhớ tới các vị tiền bối của chúng ta, và vì thế khiến cho chúng ta không còn khả năng miễn dịch cần thiết để đương đầu với nghịch cảnh.

Bão tố cũng làm rơi mất những mánh khóe chúng ta dùng để ngụy trang ”cái tôi” của chúng ta, luôn lo lắng về hình ảnh của mình; một lần nữa, chúng ta khám thấy điều tốt lành là chúng ta cùng thuộc về nhau, cùng là anh chị em của nhau.

Chúng con đang ở giữa biển động, chúng con khẩn cầu Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy thức dậy!”

Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có niềm tin sao?”. Lạy Chúa, Lời Chúa chiều tối hôm nay đánh động và có liên hệ tới tất cả chúng con. Trong thế giới chúng con hiện nay, thế giới mà Chúa yêu thương nhiều hơn cả chúng con yêu, chúng con tiến bước rất mau lẹ, cảm thấy hùng mạnh và có khả năng trong mọi sự. Chúng con ham hố lợi lộc, để cho mình bị vật chất thu hút mất và bị choáng váng vì vội vã. Chúng con không dừng lại trước những lời nhắc nhở của Chúa, không thức tỉnh trước những chiến tranh và bất công trên thế giới, chúng con đã không lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo và của trái đất của chúng con đang bị bệnh nặng. Chúng con cứ tiếp tục tiến bước không chút sợ hãi, nghĩ rằng mình sẽ luôn khỏe mạnh trong một thế giới bị bệnh. Giờ đây, trong lúc chúng con đang ở giữa biển động, chúng con khẩn cầu Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy thức dậy!”

Đây là thời điểm chọn lựa điều gì đáng kể và điều gì chóng qua

 “Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có đức tin sao?” Lạy Chúa, Chúa kêu gọi chúng con, một lời kêu gọi hãy tin tưởng. Không phải chỉ tin Chúa hiện hữu cho bằng hãy đến cùng Chúa và tín thác nơi Chúa. Trong Mùa Chay này vang dội lời kêu gọi cấp thiết của Chúa: ”Hãy hoán cải”, ”hãy hết lòng trở về cùng Ta” (Gl 2,13). Chúa gọi chúng con hãy đón nhận thời điểm thử thách này như ‘một thời điểm chọn lựa’. Đây không phải là thời điểm phán xét của Chúa, nhưng là lúc chúng con phải suy xét: thời điểm chọn lựa điều gì đáng kể và điều gì chóng qua, tách biệt điều cần thiết ra khỏi điều không cần. Lạy Chúa, đây là lúc điều chỉnh lại hành trình cuộc sống của chúng con hướng về Chúa và hướng về tha nhân. Và chúng con có thể nhìn bao nhiêu bạn đồng hành gương mẫu, trong sợ hãi, họ đã phản ứng bằng cách hiến mạng sống mình. Đó là sức mạnh tác động được Thánh Linh đổ xuống và nhào nặn thành những sự hiến thân can đảm và quảng đại.

Cầu nguyện và phục vụ âm thầm: đó là những khí giới chiến thắng của chúng ta

Đó là sự sống của Thánh Linh có khả năng cứu chuộc, nâng cao giá trị và tỏ cho thấy cuộc sống của chúng con được hình thành và nâng đỡ nhờ những người thường – những người thường bị quên lãng, – không được báo chí nói đến, không xuất hiện trong những cuộc biểu dương mới nhất, nhưng chắc chắn, họ đang viết lên những biến cố quan trọng ngày nay trong lịch sử chúng con: các bác sĩ, y tá nam nữ, các nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, những người giúp việc gia đình, các nhân viên chuyên chở, các nhân viên công lực, những người thiện nguyện, các linh mục, nữ tu và bao nhiêu người khác đã hiểu rằng không ai tự cứu thoát một mình. Đứng trước đau khổ, qua đó người ta đo lường mức độ phát triển đích thực của các dân tộc chúng con, chúng con khám phá và cảm nghiệm lời nguyện tư tế của Chúa Giêsu: ”Ước gì tất cả chúng được nên một” (Ga 17,21). Bao nhiêu người hằng ngày thực hành kiên nhẫn và đổ tràn hy vọng, chú tâm không gieo rắc kinh hoàng nhưng gieo vãi tinh thần đồng trách nhiệm. Bao nhiêu người cha, người mẹ, ông bà, giáo chức, chỉ cho các trẻ em chúng con – qua những cử chỉ bé nhỏ và thường nhật – cách thức đương đầu và vượt thắng một cuộc khủng hoảng, bằng cách điều chỉnh các thói quen, ngước mắt lên cao và khích lệ cầu nguyện. Bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hy sinh và chuyển cầu cho ích chung của tất cả mọi người. Cầu nguyện và phục vụ âm thầm: đó là những khí giới chiến thắng của chúng ta.

Hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta

”Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có đức tin sao?”. Khởi đầu đức tin là biết mình cần được cứu độ. Chúng ta không tự mãn, chỉ tự mình thôi thì chúng ta sẽ bị chìm; chúng ta cần Chúa như những người hải hành xưa kia cần những vì sao. Chúng ta hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta. Hãy phó thác cho Chúa những lo sợ của chúng ta để Ngài chiến thắng chúng. Như những môn đệ chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy rằng có Chúa ở trên thuyền, thuyền sẽ không bị đắm. Vì sức mạnh của Thiên Chúa là: tất cả những gì xảy ra cho chúng ta, cả những điều bất hạnh, đều mưu ích cho chúng ta. Chúa đưa sự thanh thản vào trong những bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa, sự sống sẽ không bao giờ chết.

Chúa mời gọi chúng ta hãy đánh thức và khởi động tình liên đới và hy vọng

Chúa đặt câu hỏi cho chúng ta, giữa bão tố của chúng ta, Chúa mời gọi chúng ta hãy đánh thức và khởi động tình liên đới và hy vọng, có khả năng mang lại sự vững chắc, nâng đỡ và mang lại ý nghĩa cho những lúc này, trong đó tất cả dường như bị chìm. Chúa thức dậy để đánh thưc và hồi sinh niềm tin của chúng ta nơi sự phục sinh.

Trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ

Chúng ta có một cái neo; trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: trong thập giá của Ngài chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: trong thập giá của Chúa, chúng ta được chữa lành và ấp ủ vì không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình thương cứu độ của Chúa. Giữa tình trạng cách ly, trong đó chúng ta đang thiếu thốn tình cảm quí mến và những cuộc gặp gỡ, chịu đựng bao nhiêu thiếu thốn, một lần nữa chúng ta nghe lời loan báo cứu độ: Chúa đã sống lại và Ngài sống cạnh chúng ta. Chúa kêu gọi chúng ta, từ trên thập giá của Ngài, hãy tìm lại cuộc sống đang chờ đợi chúng ta, và hãy nhìn đến những người đang kêu chúng ta hãy củng cố, nhìn nhận và khởi động ơn thánh đang ở trong chúng ta. Đừng dập tắt tim đèn còn ngún khói (Xc Is 42,3), không bao giờ yếu liệt và hãy để cho niềm hy vọng được bùng lên.

Đón nhận thập giá là can đảm đón nhận tất cả các nghịch cảnh, đón nhận hy vọng

Đón nhận thập giá của Chúa có nghĩa là tìm lại can đảm để đón nhận tất cả các nghịch cảnh của thời điểm hiện nay, tạm bỏ sự lo lắng của chúng ta về sự toàn năng và chiếm hữu, để nhường chỗ cho tinh thần sáng tạo mà chỉ có Thánh Linh mới có khả năng khơi dậy. Điều này có nghĩa là tìm lại can đảm mở ra những không gian trong đó tất cả mọi người đều thể cảm thấy được kêu gọi và thực hiện những hình thức mới của lòng hiếu khách, tình huynh đệ và liên đới. Trong thập giá của Chúa, chúng ta được cứu thoát để đón nhận hy vọng và để cho niềm hy vọng ấy củng cố và nâng đỡ tất cả các biện pháp và những con đường khả dĩ giúp chúng ta bảo tồn bản thân và giữ gìn. Đón nhận Chúa để đón nhận hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin, giải thoát khỏi sợ hãi và mang lại hy vọng.

Xin Chúa lập lại lần nữa: ”Các con đừng sợ”

Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có đức tin sao?” Anh chị em thân mến, từ nơi này, nhắc nhớ đức tin kiên vững của thánh Phêrô, tối hôm nay tôi muốn phó thác tất cả anh chị em cho Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ là sức khỏe của dân Ngài, là Sao biển giữa bão tố. Từ những hàng cột này như vòng tay ôm lấy thành Roma và thế giới, ước gì phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống trên anh chị em như một vòng tay an ủi. Lạy Chúa, xin Chúa chúc lành cho thế giới, xin ban sức khỏe cho thân xác và an ủi cho tâm hồn. Chúa dạy chúng con đừng sợ hãi. Nhưng niềm tin của chúng con yếu ớt, và chúng con nhát đảm. Nhưng lạy Chúa, Chúa không bỏ mặc chúng con trong bão tố. Xin Chúa lập lại lần nữa: ”Các con đừng sợ” (Mt 28,5). Và cùng với thánh Phêrô, ”chúng con phó thác cho Chúa mọi lo âu, vì Chúa chăm sóc chúng con” (Xc 1 Pr 5,7).

Nguồn: Vatican News

Giờ cầu nguyện đặc biệt xin ơn đẩy lui dịch bệnh Covid-19 do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại tiền sảnh Đền Thờ Thánh Phêrô vừa mới được truyền hình trực tiếp từ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Có lẽ không ai trong chúng ta những ai vừa mới theo dõi chương trình lại không ít nhiều chạnh lòng. Chúng ta chạnh lòng vì khung cảnh, vì con người, và nhất là vì ý nghĩa sâu xa của buổi cầu nguyện mang tính lịch sử chiều hôm nay.

Khung cảnh

Có thể nói từ trước đến nay, ít nhất là trong suốt 7 năm triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, chưa bao giờ một vị Giáo Hoàng lại cử hành một nghi lễ mang tầm vóc quốc tế trước một quảng trường hoàn toàn trống trải như Đức Phanxicô đã làm lúc 18h chiều hôm nay, ngày 27.03.2020.

Không những hiu quạnh vì vắng bóng cộng đồng dân chúa mà còn có phần lạnh lẽo vì trời đang đổ mưa như trút nước. Cả một quảng trường mênh mông với sức chứa trên 30 ngàn người nay chỉ vỏn vẹn có vài bóng người thưa thớt, họ là những nhân viên công lực của thành phố và của Tòa Thánh đang thi hành nhiệm vụ.

Chính trong khung cảnh trống trải hiu quạnh này mà Cây Thánh Giá Đức Kitô xem ra có cơ hội được mọi người chú ý đến nhiều hơn. Gần thập giá là bức linh ảnh Đức Maria-Phần Rỗi Dân Thành Rôma. Nhờ sự xuất hiện của 2 vật thiêng liêng này mà khung cảnh buổi cầu nguyện lúc có phần thêm ấm áp.

Phải chăng Chúa đang nói với chúng lúc này. Chính khoảng thời gian này, giữa lúc mọi người phải chịu cách ly, phong tỏa, chúng ta mới có dịp trở về để nhận ra rằng Thánh Giá Chúa là mầu nhiệm trung tâm của cuộc đời. Mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô mới chính là câu trả lời cho chúng ta những người đang mải mê tìm kiếm thế sự phù vân mà lãng quên cùng đích của đời mình (x. Bài Giảng của ĐTC).

Chính nhờ bối cảnh mưa gió bão bùng như chiều hôm nay, chúng ta mới có dịp nhận ra sự hiện diện của Mẹ. Mẹ có bao giờ rời xa con của Mẹ đâu. Mẹ không chỉ hiện diện cách thụ động mà ngược lại, Mẹ luôn dõi theo con mẹ và biết chúng ta đang cần gì. Mẹ đang thì thầm bên tai chúng ta: “Người bảo gì các con hãy làm theo” (x. Ga 2,5).

Cuối cùng, liên quan đến khung cảnh buổi cầu nguyện, chúng ta có nghe chăng Đức Thánh Cha đang nhắc đến hình ảnh 2 hàng cột đá hai bên Đền Thờ Thánh Phêrô. Như đôi tay dang rộng ôm lấy Rôma và thế giới, Đức Thánh Cha nói, ước gì phúc lành của thiên Chúa cũng lan rộng đến tất cả mọi người như một vòng tay an ủi.

Tất cả cảm giác lạnh lẽo và trống vắng bỗng chốc tan biến đi để nhường chỗ cho tâm tình nồng ấm thiêng liêng. Hơi nóng tỏa ra từ con tim của hàng trăm triệu người đang hướng về Giáo Đô La Mã, đang hiệp nhất trong tinh thần và sốt sắng trong cầu nguyện.

Con người

Chỉ vài phút sau khi buổi cầu nguyện bắt đầu, tín hiệu internet bỗng có dấu hiệu chậm lại, hóa ra là vì đã có hơn 90 triệu người đang theo dõi chương trình qua mạng internet cùng một lúc với nhau. Từ trong tim, hơn 90 triệu con người ấy như cảm thấy một sức mạnh kỳ diệu nâng đỡ họ. Phải chăng đó là sức mạnh của niềm tin và lòng trông cậy?

Thiên Chúa nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng ta bằng vô vàn cách thế khác nhau tùy ý Người muốn. Ngay lúc này, giữa buổi cầu nguyện chiều hôm nay, có lẽ cách thế mà Thiên Chúa muốn dùng để ủi an khích lệ chúng ta không gì khác hơn là chính con người và tấm lòng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Có hình ảnh nào đánh động chúng ta hơn hình ảnh một cụ già 83 tuổi, mới vượt qua cảm cúm không lâu, nay bất chấp mưa gió xuất hiện giữa cộng đồng đức tin như đá tảng vững chắc để củng cố tinh thần cho chúng ta. Đức Thánh Cha đã không quản ngại thời tiết xấu nhưng đã đến để hướng dẫn chúng ta suy niệm Tin Mừng, chầu Mình Chúa và cuối cùng ban cũng chính người ban phép lành toàn xá cho chúng ta.

Khi ống kính cho phép chúng ta quan sát Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, chúng ta bắt gặp một đức tin can trường, đức cậy vững vàng, và đức mến vô cùng sống động. Nếu không vì lo lắng cho sự an nguy của nhân loại, Đức Phanxicô đã không việc gì phải tổ chức buổi cầu nguyện chiều hôm nay.

Ngài bùi ngùi xúc động trước tượng Chúa chịu nạn như một người môn đệ đang tìm sự trợ giúp của Thầy trước phong ba bão táp. Ánh mắt Đức Thánh Cha hướng nhìn về xa xăm như ánh mắt của người cha đang nặng lòng trước nỗi đau của đoàn con. Bước chân nặng nề nhưng dứt khoát đã nói lên tất cả. Cánh tay Đức Thánh Cha vươn lên chạm vào vết thương của Đức Kitô chịu đóng đinh. Cánh tay đó ngài cũng dùng để nâng Thánh Thể Chúa lên chúc phúc cho con cái ngài. Đôi tay của cụ già mặc áo chùng trắng, như thể là đôi tay của Mục Tử Nhân lành vươn xa đến đoàn chiên, đụng chạm săn sóc cho từng con chiên.

Có ai không chạnh lòng trước sự hiện thân đầy trìu mến như Đức Thánh Cha ngay trong buổi cầu nguyện hôm nay không? Cả con người Đức Thánh Cha, trái tim ngài, tâm trí ngài đã dành hết cho Đức Kitô và Thân Thể nhiệm mầu của đức Kitô là Giáo Hội rồi còn gì nữa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con mến Ngài” (Ga 21, 17).

Ý hướng

Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn có cách để bày tỏ cho chúng ta biết Người yêu thương chúng ta đến mức nào. Tất cả mọi sự xoay quanh buổi cầu nguyện chiều hôm nay đều hòa điệu với nhau để tuyên dương tình yêu Thiên Chúa. Từ khung cảnh, con người cho đến ý hướng đều toát lên một tình liên đới vô cùng thắm thiết. Từ Tòa Thánh đến mọi ngõ ngách trên khắp cùng thế giới, muôn người đều hiệp nhất trong cùng một ý hướng: Xin Thiên Chúa ban sức mạnh thể xác và ơn an ủi cho tâm hồn nhân loại hôm nay, một nhân loại đang bị nạn Covid-19 dày xéo vô cùng tang thương.

Đoạn Tin Mừng (Mc 4, 35-41) của giờ cầu nguyện hôm nay nhắc chúng ta rằng chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền và chúng ta cần đến nhau khi phải chống chọi với cuồng phong bão tố (x. bài giảng của ĐTC). Tình liên đới không chỉ giữa con người với nhau mà phải có Chúa ở đó nữa. Chúa cũng ở trên thuyền, Chúa có bỏ rơi các môn đệ đâu?

Tâm tình liên đới bên trong, vì sự cách trở thể lý, dường như có cơ hội được thể hiện ra ngoài cách rõ ràng hơn. Đấy, khi phải đối diện với dịch bệnh nguy hiểm, chúng ta đã bắt đầu biết quan tâm đến nhau, hỏi thăm nhau và cầu nguyện cho nhau nhiều hơn.

Thêm vào đó, không phải là ngẫu nhiên mà chiều hôm nay, Đức Thánh Cha chọn bài hát Sub tuum praesidium (tạm dịch là “Dưới sự bảo vệ của Người”) để cầu nguyện cùng Đức Mẹ. Cách đây 2 năm (2018) khi nổ ra các vụ bê bối về tính dục liên quan đến các chức sắc của Hội Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các Kitô Hữu khắp nơi tích cực lần chuỗi Mân Côi Kính Đức Mẹ, hát kinh Sub tuum praesidium và kêu khấn Thánh Thiên Thần Hộ Thủ Mi-ca-e để nhờ các Ngài che chở con thuyền Giáo Hội trước ba đào nguy biến. Nay, trước đại dịch Coronavirus, Đức Thánh Cha một lần nữa nhắc đến sự hiệp thông nhiệm mầu giữa các Thánh và nhân loại. Chúng ta không được phép lãng phí nguồn trợ lực hết sức kỳ diệu kỳ này nhất là trong bối cảnh nguy nan hiện nay.

Cuối cùng, với Phép Lành Urbi et Orbi, Phép Lành cho Kinh Thành Rôma và cho toàn thế giới, chúng ta được đánh động để nhớ rằng, cộng đồng nhân loại chúng ta là con cùng một Cha, anh em cùng một nhà. Chúng ta còn có chung một người Mẹ dịu hiền người hằng dõi theo chúng ta: “Đây là Mẹ con” (Ga 19, 27).

Đức Kitô muốn chúng ta đặt trót niềm tin vào lời Người đã hứa: “Thầy đây, đừng sợ” (Ga 6, 20) và tình nguyện để trở nên cánh tay nối dài tình yêu và niềm an ủi của Chúa đến cho tha nhân. “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 34).

SUB TUUM PRAESIDIUM
(Bản dịch tiếng Việt do Nhóm CGKPV)

Sub tuum praesidium confugimus, Sancta Dei Genetrix.
Nostras deprecationes ne despicias in necessitatibus nostris,
sed a periculis cunctis libera nos semper,
Virgo gloriosa et benedicta.

Lạy Đức Mẹ Chúa Trời,
Ngài xiết bao thánh thiện,
Này chúng con chạy đến
Tìm nương ẩn nơi Ngài.
Lúc sa vòng gian khổ,
Khi gặp cảnh phong trần,
Lời con cái nài van,
Xin Mẹ đừng chê bỏ.
Nhưng xin hằng giải thoát
Khỏi ngàn nỗi hiểm nguy,
Ôi vinh diệu ai bì
Trinh Nữ đầy ơn phước! Amen.

Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 27.03.2020

Nguồn: Truyền thông HĐGMVN

Thánh lễ là “hành vi cao cả được thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa con người” (Hiến chế về Phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, số 7). Vì thế, ở mọi nơi và trong mọi trường hợp, thánh lễ cần phải được chuẩn bị, cử hành và tham dự trong tâm thế và tư thế xứng hợp với giá trị linh thánh của hành vi phụng vụ cao cả này. Đối với nhiều hoàn cảnh đặc thù như tại bệnh viện, trại giam, hoặc những tình huống ngoại thường hay cấm cách, Hội Thánh không ngừng tìm kiếm những phương thế thuận lợi nhất để giúp các tín hữu không ngừng liên kết với Đức Kitô Thượng Tế và nhiệm thể của Người là Hội Thánh, nhờ đó kín múc dồi dào ân sủng từ suối nguồn Thánh Thể. Ngày nay với những phương tiện kỹ thuật trực tuyến và truyền thông xã hội, các tín hữu có thể tham dự thánh lễ theo nhiều cách thức đa dạng; tuy nhiên, các phương tiện trực tuyến có thể đánh mất tính linh thánh của cử hành phụng vụ. Vì thế, trong hoàn cảnh của đại dịch COVID-19 hiện nay, Ủy ban Phụng tự lưu ý những nguyên tắc chung cho việc cử hành và tham dự thánh lễ trực tuyến như sau:

1. Về kỹ thuật, vài cách thức trực tuyến phổ biến hiện nay gồm có (1) phát trực tiếp: thu hình/ quay phim và truyền trực tiếp cùng thời điểm (livestream); (2) phát lại: những chương trình đã được “phát trực tiếp” còn lưu trên các kênh truyền thông và không gian mạng (ví dụ: Youtube, ứng dụng truyền hình,…); (3) thu sẵn: sản xuất một chương trình với mục đích để phát lại sau đó theo thời gian định sẵn (pre-recorded).

Trong phụng vụ, khi giám mục giáo phận cho phép, chương trình trực tuyến thánh lễ trong giáo phận chỉ được sử dụng cách thức “phát trực tiếp” để thu và phát sóng thánh lễ đang cử hành cho cộng đoàn tham dự từ xa. Như thế, trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay, các tín hữu nên tham dự thánh lễ “phát trực tiếp” để được hiệp thông cách trọn vẹn và sống động, hơn là xem các thánh lễ được “phát lại” trên mạng sau thời điểm đã cử hành. Phương thức “thu sẵn” một thánh lễ với ý định để phát lại vào thời điểm sau đó thì không được chấp nhận là một cử hành phụng vụ trực tuyến.

2. Do “việc truyền thanh và truyền hình về những hoạt động thánh, đặc biệt về việc cử hành thánh lễ, phải được thực hiện cách xứng đáng và thận trọng dưới sự hướng dẫn và đảm bảo của người có đủ năng lực do các giám mục chỉ định” (SC số 20), giám mục giáo phận chịu trách nhiệm đối với các chương trình trực tuyến thánh lễ để luật phụng vụ được tuân thủ cách đầy đủ: cử hành đúng lịch phụng vụ, đúng bản văn phụng vụ và kinh thánh đã được phê chuẩn,… (x. SC số 22). Vì thế, trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay, giám mục giáo phận cần chỉ định các nhà thờ và linh mục được chính thức cử hành thánh lễ phát trực tuyến nhằm tránh những vi phạm kỷ luật phụng tự đối với bí tích cao cả này.

3. Vì bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ Hội Thánh nên dù thánh lễ được cử hành riêng hoặc với cộng đoàn phụng vụ, được phát trực tuyến hay không, các linh mục vẫn cần có những chuẩn bị xứng hợp về tâm hồn cũng như những yếu tố đòi buộc theo quy chế tổng quát của sách lễ Rôma:

– Thành tâm cử hành mầu nhiệm thánh thật sốt sắng và trang nghiêm; không hời hợt, vội vã;

– Lưu tâm đến lễ phục (áo alba, dây các phép và áo lễ), khung cảnh phụng tự và chỉ cử hành trong nhà thờ hoặc nhà nguyện;

– Không tự ý bỏ hoặc giảm bớt các yếu tố của nghi thức thánh lễ.

Cách riêng khi cử hành các thánh lễ được phát trực tuyến, vì cộng đồng mạng tham gia chương trình trực tuyến bao gồm anh chị em thuộc các tôn giáo bạn và nhiều thành phần xã hội mở rộng nên chủ tế cần lưu tâm thêm đến những yếu tố sau:

– Chuẩn bị bài giảng chu đáo, ý thức đây là cơ hội loan báo Tin Mừng;

– Chọn lựa ngôn từ để xây dựng một cộng đồng yêu thương, hợp nhất theo tinh thần Phúc Âm;

– Cần tập trung làm nổi bật sự hiện diện của Chúa Kitô trong cử hành phụng vụ, tránh những thái độ phô diễn cá nhân;

– Ý thức đang cử hành với cộng đoàn phụng vụ tham dự trực tuyến.

4. Khi người tín hữu ở trong hoàn cảnh đặc thù như hiện nay, không thể tham dự cử hành bí tích tại giáo xứ, họ vẫn có thể hiệp thông với Hội Thánh đồng thời lãnh nhận ơn chữa lành và an ủi của Chúa qua việc tham dự thánh lễ trực tuyến tại nhà. Tuy nhiên, các tín hữu vẫn phải tham dự thánh lễ được trực tuyến một cách ý thức, tích cực và trọn vẹn với những ưu tiên sau:

– Chuẩn bị tâm hồn và y phục như tham dự thánh lễ tại giáo xứ với cộng đoàn phụng vụ, có thể đọc kinh, suy niệm Lời Chúa trước giờ tham dự trực tuyến;

– Tham dự thánh lễ trực tuyến như khi đang hiện diện giữa cộng đoàn phụng vụ tại giáo xứ: không sử dụng điện thoại, không làm việc riêng, vẫn thưa đáp (và hát), thực hiện các tư thế, cử chỉ tôn kính và giữ thinh lặng theo quy định của thánh lễ;

– Hiệp ý với chủ tế để cầu nguyện cho các nhu cầu của Hội Thánh, cộng đoàn và cá nhân, đặc biệt cho các nhu cầu khẩn thiết trong cơn đại dịch này;

– Cần có tâm hồn thành tâm thống hối và ước ao kết hợp với Chúa bằng việc rước lễ thiêng liêng. Mỗi giáo phận có thể hướng dẫn kinh nguyện cho tín hữu chuẩn bị tâm hồn rước lễ thiêng liêng;

– Sau khi tham dự thánh lễ cách trọn vẹn (từ xa), cần ý thức sống giá trị bí tích vừa tham dự và bổn phận loan báo Tin Mừng cứu độ.

Ngày 27 tháng 03 năm 2020.
Ủy ban Phụng tự
trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

Cây thánh giá linh thiêng mà Đức Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện vào Chủ nhật tuần trước để xin chấm dứt cơn dịch bệnh covid-19 đã được gỡ xuống và đưa đến Quảng trường Thánh Phêrô, vì vậy nó có thể sẽ có mặt vào ngày Thứ Sáu trong buổi lễ ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Giáo hoàng.

Thánh giá linh thiêng được tháo ra ở thờ San Marcello al Corso ngày 25 tháng 03. Thành phố Vatican, lúc 03 giờ 10 phút ngày 25 tháng 3 năm 2020 chiều (CNA)

Theo nhà báo Vatican – Francesco Antonio Grana, cây thánh giá đã được đưa ra khỏi Nhà thờ San Marcello al Corso vào tối thứ Tư và dự kiến ​​sẽ được đặt tạm thời tại Quảng trường Thánh Phêrô, vào thứ Năm.

Sự linh thiêng của cây thánh giá được người dân Rôma tôn kính sau vụ cháy nhà thờ ngày 23-05-1519. Vụ cháy đã thiêu mọi thứ trong nhà thờ nhưng cây thánh giá thì vẫn còn nguyên vẹn.

Chưa đầy ba năm sau, Thành Rôma bị tàn phá bởi bệnh dịch hạch đen. Theo yêu cầu của các tín hữu công giáo Rôma, cây thánh giá đã được rước từ tu viện của Dòng các tôi tớ Đức Maria ở Via del Corso đến Quảng trường Thánh Phêrô, được dừng lại ở mỗi khu phố của Thành Rôma. Cuộc rước kéo dài 16 ngày, từ ngày 4 đến ngày 20 tháng 8 năm 1522. Khi thánh giá được trả lại cho Thánh Marcellus, thì bệnh dịch đã biến mất khỏi Rôma.

Từ đó, cây thánh giá đã được rước đến Quảng trường Thánh Phêrô, mỗi dịp Năm Thánh Thành Rôma – khoảng 50 năm một lần – và người ta đã khắc trên cây thánh giá tên của mỗi giáo vị Giáo hoàng tham dự đoàn rước đó. Tên vị Giáo hoàng cuối cùng được khắc là của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ngài đã ôm cây thánh giá này vào “Ngày Tha Thứ”, dịp Năm Thánh 2000.

Nguồn: Truyền thông HĐGMVN