01. Cha THÉODORE LOUIS JOSEPH WIBAUX (VỊ)

Tiểu sử

Cha sinh ngày 29/3/1820 tại Roubaix, Pháp, sang truyền giáo ở Việt Nam năm 1854. Lúc đó Ngài đang làm Bề trên địa phận, kiêm Giám đốc chủng viện, nơi đào tạo các linh mục Việt Nam. Khi thấy nhóm giáo hữu này siêng năng tụ họp cầu nguyện chung, Cha đã đến tiếp xúc với họ, tự nhận trách nhiệm coi sóc họ và Ngài đã trở thành Cha Sở đầu tiên của Họ Tân Định.

Sinh hoạt

Mặc dầu bận rộn với công việc xây cất chủng viện và huấn luyện các chủng sinh, Cha Wibaux cố gắng dành một phần thời giờ vào những chiều thứ bảy và các ngày áp lễ trọng để đến giải tội cho giáo dân. Cha cũng đến dâng lễ vào ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc.

Trong thời Cha Wibaux phụ trách Họ Đạo An Hòa (Tân Định) Ngài vẫn được Cha Thiret đến giúp giải tội và dâng lễ, nhất là khi Cha Wibaux bận công việc. Chủng viện Sài Gòn có ghi lại nhiều công lao khác của Cha Wibaux. Ngài đã xây cất chủng viện, huấn luyện chủng sinh, lo nuôi dưỡng các thầy và các chủng sinh.

Giáo dân

Năm 1862, nhiều gia đình khác cũng kéo đến vùng này lập nghiệp. Một việc rắc rối xảy ra:những người công giáo từ Cầu Bông đến, muốn tách ra khỏi Họ Đạo An Hòa để lập một Họ Đạo mới. Họ dựng một căn nhà lá để làm Nhà Nguyện riêng. Cha Wibaux Vị đã kịp thời can ngăn. Ngài giải thích cho họ thấy hành động này là bất lợi, chỉ làm cho Họ Đạo suy yếu, hơn nữa nghịch với tinh thần đoàn kết và bác ái của Kitô giáo. Anh em đến trước và đến sau cần phải cộng tác với nhau mới có thể xây dựng một Họ Đạo vững mạnh được. Cha Wibaux đã tìm cách giải quyết khi chọn ông Trùm Văn, người gốc Cầu Bông lên làm Trùm Họ và một số Biện chức khác để giúp Ngài trong việc phục vụ Họ Đạo. Dần dần tinh thần hiểu biết và thông cảm đã xóa được những hiểu lầm, đố kỵ và chia rẽ lúc ban đầu.

Số giáo dân Họ Đạo An Hòa từ đó tăng lên rất nhanh. Một phần vì ở nhiều nơi, người công giáo đang bị truy nã, bắt bớ nên chạy đến tị nạn. Phần khác vì có nhiều người muốn chạy theo phong trào mới, cũng xin tòng đạo. Đặc biệt ở xã Phú Nhuận có nhiều người bên lương tình nguyện xin theo Chúa.

Lúc đó Cha AnTôn Triêm, quản lý Tòa Giám Mục, đang coi sóc hai Họ Cầu Bông và Thị Nghè, đã xung phong lãnh nhận việc dạy giáo lý cho đồng bào dự tòng ở Phú Nhuận. Ngài rất vui mừng và cảm thấy được an ủi khi rửa tội cho một số đông “chầu nhưng” (tân tòng). Những tân tòng này gia nhập vào Họ Đạo An Hòa. Vùng Phú Nhuận từ đó (1863) trực thuộc Họ Đạo An Hòa (Tân Định).

Phong trào tòng giáo ngày càng gia tăng. Nhiều người xin theo đạo công giáo. Một số khá đông người bên lương lầm tưởng: theo đạo sẽ được ơn huệ, hoặc ít ra sẽ tránh được sự phiền toái đối với chính quyền Pháp mới lên cai trị. Do đó khi toàn quyền Bonard ra thông tư xác định việc theo đạo Công giáo là không bắt buộc và cũng không phải là dấu chứng trung thành với chính quyền Pháp thì nhiều người vừa được rửa tội đã bỏ đạo vì thấy không được lợi lộc vật chất, trong đó có một số đông là những người tòng đạo ở Phú Nhuận.

Có người cho đây là điều đáng buồn, nhưng cũng có người cho đây là sự may mắn để giúp cho người ta phân biệt được giữa đạo và đời, giữa tôn giáo và một chế độ chính trị. “Đây là một điều hay vì nhờ đó người ta phân biệt được đạo Công giáo không phải là đạo của thực dân Pháp hoặc của Nhà nước Pháp hay một chế độ nào, nhưng là đạo của Đức Kitô.” (Đức Cha Nilcolas Huỳnh Văn Nghi)

Chính một số vua chúa Việt Nam lúc đó cũng nghĩ rằng: theo đạo Gia tô là theo Pháp, phản bội lại quê hương, bỏ ông bà tổ tiên và tập tục cổ truyền tốt đẹp của Cha ông. Thật ra khi người công giáo sống đúng theo điều Đức Kitô dạy, phải yêu thương quê hương, đất nước và đồng bào của mình thì lúc đó họ còn tốt hơn nhiều người khác. Nếu có những người công giáo chạy về vùng quân Pháp chiếm đóng thì phần lớn là để trốn tránh những cuộc bách hại của vua quan triều đình.

Cơ sở vật chất

Thời gian này, Cha Wibaux bắt đầu cho xây dựng một ngôi thánh đường mới, giáo dân vẫn tụ họp dâng lễ trong ngôi Nhà nguyện cũ vách ván, cột gỗ.

Sau những năm tháng cực nhọc vất vả, hăng say phục vụ cho Họ Đạo An Hòa (Tân Định) và chủng viện Sài Gòn, Cha Wibaux qua đời ngày 7/10/1868, hưởng thọ 57 tuổi. Xác được an táng phía sau Nhà Nguyện của tiểu chủng viện Sài Gòn.

Phần mộ Cha THÉODORE LOUIS JOSEPH WIBAUX (VỊ) – Vị Cha sở đầu tiên của Họ đạo Tân Định

Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”