Đối với Kitô hữu, đặt câu hỏi như thế tức là muốn hỏi Thiên Chúa ước muốn gì khi tạo dựng hôn nhân, đâu là ý định của Ngài về hôn nhân.

1. “Con người ở một mình không tốt”

Thánh Kinh dẫn vào hôn nhân bằng một nhận xét đơn giản. “Đức Chúa là Thiên Chúa phán: ‘Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.’” (St 2,18). Khi tạo dựng mọi loài “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1,4.10.12.18.21.25) nhưng đến lượt tạo dựng Ađam, Thiên Chúa lại nói “con người ở một mình không tốt”. Phải chăng Ngài đang dựng một kịch bản để nhấn mạnh tầm quan trọng của hôn nhân, đời sống lứa đôi?

Nhận thấy con người ở một mình không tốt, Chúa đã khiến Ađam bắt đầu cuộc tìm kiếm một người “trợ tá tương xứng”. Ngài cho diễu qua trước mặt Ađam tất cả các loài vật để ông đặt tên. Trong văn hóa Hípri hành động đặt tên có ý nghĩa gì đó còn hơn là phát hiện ra một cái gì hấp dẫn hoặc đáng nhớ. Đặt tên cho một cái gì là công nhận một vai trò nào đó cho sự vật ấy, mô tả chức năng hay nhiệm vụ của ai đó hay vật nào đó. Khi đặt tên cho các loài thọ tạo, Ađam quả thực đang khám phá và miêu tả chúng là ai. Nhưng không có ai trong chúng khả dĩ được gọi tên thực sự là “người trợ tá tương xứng” với Ađam. Sau cùng, Thiên Chúa cho Ađam đi vào một giấc ngủ sâu và tạo dựng Eva:

“Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (St 2,21-22).

Khi cuối cùng Ađam gặp được người ấy, ông bỗng chốc hóa thành thi sĩ reo lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 2,23).

Đỉnh điểm của câu chuyện là câu kết sau đây của đoạn Thánh Kinh: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Câu chuyện này giải thích hôn nhân có ý nghĩa gì. Một người nam và một người nữ đến với nhau tạo lập một nhất thể mới (là “ hôn nhân – gia đình”) bởi lẽ người ta không được tiền định để sống đơn độc. Hôn nhân giải quyết vấn đề cô đơn của con người.

Nhưng khi nêu vấn đề và giải đáp cho vấn đề sự cô đơn của Ađam, Thiên Chúa không hề chỉ nói cô đơn là một sự xấu xa, và hôn nhân được tạo nên để chữa lành căn bệnh cô đơn. Thánh Kinh còn dạy điều gì hơn nữa về chuyện hôn nhân.

  1. Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu trong Đức Kitô

Người ta vẫn hay nói vợ chồng là một nửa của nhau, là “mình” của nhau, để bổ túc cho nhau. Nhưng Chúa Giêsu mới thật là Đấng bổ túc cho ta như một kẻ được tạo dựng để được sống yêu thương.

Chương 5 của Thư gởi tín hữu Êphêsô cho ta hình ảnh của ước mơ của Thiên Chúa về hôn nhân:

“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,25-27).

Nếu bạn muốn biết phải làm người chồng như thế nào, thì tốt nhất hãy nhìn ngắm Đức Giêsu Kitô đẻ xem Người đã yêu thương Hiền thê mình, là Hội Thánh, như thế nào. Lý do và mục đích của Người chỉ là để làm cho nàng thêm đẹp hơn. Người không theo một vẻ đẹp sắc vóc hời hợt bên ngoài, nhưng là vẻ đẹp nội tâm tinh tuyền và thánh thiện, không tỳ ố không vết nhăn. Người muốn Hiền Thê Người đẹp và hoàn toàn thánh thiện, đến tận chân bản thể. Để làm điều đó, Người đã hy sinh mạng sống mình vì nàng; đã chết trên thập giá vì nàng. Được yêu thương bởi một người muốn sống vì bạn, cho bạn điều tốt đẹp nhất, hiến thân để thấy bạn được trở thành một thọ tạo thành toàn, thật là điều tuyệt vời.

“Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1Pr 2,20b-25).

Thánh Phêrô khuyên nhủ: đôi khi chúng ta phải chịu đau khổ vì làm việc tốt, thì hãy vẫn kiên tâm làm việc tốt, vì chính qua đau khổ mà Chúa Giêsu thực hiện mục đích của mình vì chúng ta. Người đau khổ vì làm việc thiện và nhờ kinh nghiệm ấy Thiên Chúa có thể cứu độ chúng ta. Thánh Phêrô áp dụng sự thật này cho các chị:

“Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em” (1Pr 3,1-2).

Và kế đến, cho các anh:

“Cũng vậy, anh em là những người chồng, trong cuộc sống chung, anh em nên hiểu rằng đàn bà thuộc phái yếu; hãy tỏ lòng quý trọng vì họ cũng được hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban. Như thế, việc cầu nguyện của anh chị em sẽ không bị ngăn trở” (1Pr 3,7).

Cả người vợ lẫn người chồng đều cần phải nhìn gương của Đức Kitô khi sống với nhau trong hôn nhân. Đức Kitô chịu đau khổ vì yêu thương chúng ta, là tấm gương hướng dẫn đời sống hôn nhân. Từ khi tạo dựng, hôn nhân đã được tiền định để diễn tả tình yêu của Đức Kitô vì chúng ta (x. Ep 5,31-32).

  1. Dấn thân với ơn sủng

Một đặc tính của tình yêu sách Sáng thế chương 2 nêu lên là sự dấn thân. St 2,24 nói: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”. Thiên Chúa đã tạo dựng hai con người từ một xương thịt (Eva được tạo dựng từ xương sườn cùa Ađam) và rồi kết hợp hai người lại thành “một xương một thịt” trong hôn nhân. Hình ảnh đó cho thấy sự đồng hành (bạn đời), sự thân mật, thuộc về nhau, và ảnh hưởng nhau. Đó là hình ảnh của một sự dấn thân. Để tách lìa xương khỏi thịt từ “một xương một thịt” thì phải chịu đau đớn vô cùng, thậm chí chết chóc. Hôn nhân kết hợp một người nam và một người nữ thâm sâu đến nỗi không thể tách lìa họ ra mà không đau đớn như thể ta xẻ thịt xương một người. Bạn đã từng mất người bạn đời, bởi ly dị hay chết chóc, bạn cảm thấy nỗi đau đớn lớn tới chừng nào. Để nên một xương một thịt cách an toàn, chúng ta cần biết kết hôn sẽ được kéo dài mãi mãi, chúng ta sẽ không bị róc xé thành hai mảnh. Đó là lý do tại sao hôn nhân đòi hỏi phải có một dấn thân cho nhau vĩnh viễn, phải hứa sống với nhau mãi mãi.

Dấn thân là khó khăn đối với những con người tội lỗi như chúng ta. Tội lỗi xâu xé, hủy diệt mối hiệp nhất với Chúa và với nhau. Tội lỗi và những thiếu sót của chúng ta, lớn hay nhỏ, đều xẻ nát sự hiệp nhất. Chúng ta dù có dấn thân với bạn đời tới mức nào, chúng ta cũng cảm thấy rách nát, hay nứt vỡ. Vậy phải làm sao?

Nhờ ơn sủng của Chúa. Ân sủng là nhận được tình yêu mà chúng ta không xứng đáng và không vất vả tìm chiếm hữu. Chúa Giêsu đã vá lành mối quan hệ rách nát của ta với Chúa bằng cách để cho chính mình bị tươm nát, tách lìa trên thập giá, để chúng ta được không bị xé nát, bị tách lìa khỏi Thiên Chúa.

Khi ta đau khổ ta có thể vẫn có thể hy vọng vì hiểu rằng Thiên Chúa sẽ dùng những đau khổ này giúp ta lớn lên càng nên giống Chúa Kitô.

“Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8, 28-29).

Câu hỏi chia sẻ hay để thảo luận:

  1. Bạn cảm thấy thế nào khi cô đơn? Bạn cảm thấy có khác đi khi có ai đó ở với bạn, quanh bạn? bạn có nghĩ là hôn nhân và sống các mối quan hệ làm cho ta khá hơn hay tệ hơn không?
  2. Trở nên giống như Đức Giêsu có nghĩa gì? Điều đó đối với bạn có vẻ là tốt hay xấu? Bạn có cho là điều đó làm mất nhân cách của bạn không?
  3. Bạn chọn thái độ nào: hoặc “tôi muốn hôn nhân của tôi phục vụ cho ý định của Chúa” hoặc “tôi muốn hôn nhân của tôi chỉ phục vụ cho mục đích của tôi”? Nếu bạn tin rằng điều tốt nhất Chúa muốn cho hôn nhân của bạn là làm bạn trở nên giống Đức Kitô, thái độ của bạn sẽ thay đổi thế nào?

Nguồn: Văn phòng HĐGMVN

Những tháng năm dần trôi qua cuộc sống chung sau lễ cưới, đôi vợ chồng có thể dần vỡ mộng, họ không thể tránh được những cảm giác bực bội, bất mãn, hay tức giận với nhau, nhất là khi có “chuyện” gì xảy ra. Họ thường quên rằng chính hai người, chứ không ai khác, là những kẻ đang xây dựng hay đang tạo hình cho cuộc hôn nhân của họ. Trước hết, họ có thể có một hôn nhân hạnh phúc nếu họ muốn. Nhưng khi bắt đầu sống chung đời vợ chồng, họ rồi sẽ nghiệm thấy hạnh phúc mình muốn không đơn giản từ trên trời rớt xuống hay chỉ muốn là được, và nghị lực của mỗi người cũng rất giới hạn. Bao nhiêu cặp đã từng mong ước hôn nhân mình sẽ hạnh phúc nhưng rốt cuộc đã chia tay bởi những nguyên nhân bên ngoài như tiền bạc, gia đình thông gia hai bên, bà con, bạn bè, v.v…? Dù họ muốn hoàn cảnh đáng tiếc ấy sẽ thay đổi nhưng sức chịu đựng của họ không đủ. Hoàn cảnh đã không biến chuyển như mong đợi mà đôi khi lại còn thay đổi theo hướng tồi tệ hơn. Một người vợ dù rất khao khát nhưng không thể có con vì điều kiện sức khỏe tâm-thể lý của mình chẳng hạn. Hay một người chồng khuyết tật hay ốm yếu thất nghiệp triền miên. Đôi bạn cần ơn Chúa giúp sức, cho nên họ cần cầu nguyện nhiều.

Thánh Phaolô dạy: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,16-18).

Nói thế có nghĩa là dù hoàn cảnh xấu hơn hay tốt hơn, vợ chồng cũng vẫn tạ ơn Chúa, cầu nguyện không ngừng. Họ vẫn có thể hạnh phúc dù cho có chuyện gì xảy ra, vì hạnh phúc không do chính vấn đề nhưng nhờ Thiên Chúa, Đấng ban sức mạnh cho họ để đối diện và giải quyết vấn đề.

1. Chính tội lỗi là gốc rễ sâu xa

Cầu nguyện gìn giữ cho hôn nhân của đôi bạn được thánh thiện. Nhờ cầu nguyện, đôi bạn đuổi xua được ma quỷ khỏi căn nhà của mình. Satan không thể xâm nhập vào nhà bạn khi hai vợ chồng luôn cầu nguyện cùng nhau và cho nhau. Không cầu nguyện Satan dễ lôi kéo người ta phạm tội, xa lìa Chúa.

Hôn nhân là một định chế Chúa thiết lập, đòi hỏi người chồng người vợ một tình yêu vẹn toàn trong Thiên Chúa. Tội lỗi xuất hiện làm mối quan hệ yêu thương giữa vợ chồng trở nên khó khăn, và xấu đi. Tội lỗi, đặc biệt là tội xúc phạm trực tiếp đến chính hôn nhân và mối quan hệ vợ chồng như ngoại tình, bất trung, ích kỷ, v.v… thì trực tiếp phá hại hạnh phúc gia đình. Hành động nào hoặc thiếu sót nào hủy diệt mối hiệp thông vợ chồng đơn nhất hay sự bền vững hôn nhân đều sinh tội, vì nó trực tiếp tấn công vào sự thánh thiện của hôn nhân. Một tội cũng đủ hủy diệt hạnh phúc vợ chồng. Nó phá vỡ đời sống riêng tư, làm biến dạng đời sống hôn nhân, và ngay cả cắt đứt tương quan với Chúa. Không có cặp vợ chồng nào sống hạnh phúc được trong khi một người hoặc cả hai sống trong tội lỗi. Vì hôn nhân là của Thiên Chúa, còn tội lỗi là thuộc ma quỷ.

“Ai phạm tội, kẻ ấy là người của ma quỷ, vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu. Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỷ” (1Ga 3,8).

Tình yêu đích thật thì không bao che, cũng không bỏ qua tội lỗi chống lại hôn nhân, vì tội lỗi không tương hợp với tình yêu. Tình yêu không thể là lý do dung túng cho người bạn đời kia tiếp tục phạm tội chống lại hôn nhân. Dù người ta có nói tình yêu phải nhẫn nại, nhân hậu, không ghen tương, nhưng cũng nói tình yêu thì không vui mừng khi thấy điều bất chính và chỉ vui khi thấy điều chân thật (x. 1Cr 13, 4-6).

2. Tội lỗi làm xáo trộn

Có những tội không ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ vợ chồng, chẳng hạn như nghiện ngập, mê cờ bạc hay tham lam, hà tiện, ích kỷ, nhưng có ảnh hưởng gián tiếp và cũng rất nghiêm trọng. Tội lỗi ảnh hưởng lên người bạn đời hay một thành viên trong gia đình cả khi bản thân người ấy không dính bén đến hành vi phạm tội của ta.

Có những tội phá hoại trực tiếp sự thánh thiện của hôn nhân và quan hệ vợ chồng như ngoại tình, bất trung, sống chung (không hôn nhân), đa thê, đa phu (gồm cả quan hệ đồng tính luyến ái). Hầu hết các tội ảnh hưởng trực tiếp đến hôn nhân có liên quan đến các hành vi tính dục bất chính. Nhưng cũng có những tội không liên quan đến tính dục nhưng phá hoại hôn nhân. Đó là khi trong hôn nhân Thiên Chúa không được đặt ở trung tâm cuộc sống, hai người coi thường hoặc thiếu dấn thân sống chức phận vợ hay chồng của mình, không lắng nghe nhau, làm cha làm mẹ thiếu trách nhiệm, đặt những thứ ưu tiên sai lạc, có gì đó nghịch cùng sự duy nhất bất khả phân ly của hôn nhân hợp pháp.

3. Tội về tính dục phá hoại trực tiếp quan hệ hôn nhân

Thế nhưng, hầu hết các tội phá vỡ hôn nhân hay quan hệ hôn nhân có liên hệ đến dục tính.Tính dục được coi là một hành động chỉ giữa vợ chồng, biểu lộ sự dâng hiến hoàn toàn cho nhau. Nó có một vẻ đẹp hơn, đó là diễn tả một tình yêu lớn lao dâng hiến mạng sống mình vì người mình yêu (x. Ga 15,13). Tình yêu của đôi vợ chồng được biểu lộ cụ thể qua tính dục trong hôn nhân. Tính dục trong hôn nhân là một kinh nghiệm dâng hiến cho nhau hay cùng chia sẻ toàn thể con người của họ cho nhau. Tính dục vợ chồng kết hợp hai người nên một, hai thân xác cũng như hai linh hồn, trong tình yêu. Bởi thế, tính dục ngoài hôn nhân làm hư hỏng sự hợp nhất vợ chồng. Dâm ô, phóng đãng, bất trung, ngoại tình, đa thê, đa phu, sống chung, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân hoặc nhân tình nhân ngãi, v.v… tất cả đều gây tổn hại cho ý hướng hôn nhân cao cả hợp nhất hai người nên một lòng một ý một linh hồn. Tội liên hệ đến tính dục ngoài hôn nhân, dù có thực sự phạm bằng hành vi hay không, đều cướp đi của đôi vợ chồng nghị lực cùng nhau xây đắp tình yêu hoàn hảo. Nó làm méo dạng giáo lý nói hôn nhân là thánh thiêng, là một ơn gọi từ Thiên Chúa.

Dẫu biết tội lỗi làm hủy hoại hôn nhân, nhưng người chồng hay vợ có thể đôi khi cảm thấy sự việc không tiến triển như mình mong ước. Họ nhận thấy mình vẫn thiếu sót, mắc tội. Họ không ngờ rằng tội lỗi đang dần gặm mòn, hủy hoại hôn nhân của họ từng ngày bởi lẽ trong khi đó họ những tưởng mình đã đề phòng cám dỗ như thế là đủ. Hứa không phạm tội nữa nhưng rồi lại thấy mình tái phạm. Rồi cũng nhận ra mình không thể dựa vào bản thân, sự hiểu biết, sức riêng mình để chống chọi với mưu chước của ma quỷ. “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15).

Kết luận: Để sống hạnh phúc thật

Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã. Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10,12-13).

Lời khẩn nguyện mà đôi bạn dâng lên Chúa ngày thành hôn là chuẩn mực cho cuộc sống hôn nhân: xin cho chúng con, dù khi xuôi thuận hay lúc trắc trở, khi giàu có hay lúc nghèo hèn, khi ốm đau hay lúc mạnh khỏe, được hợp nhất nên một lòng một ý một linh hồn, từ hôm nay cho tới lúc mãn đời khi cái chết chìa lìa chúng con. Bất cứ điều gì cản trở đôi bạn thực hiện điều đã khấn nguyện là một cám dỗ. Vì thế, nếu họ làm gì chệch hướng với chuẩn mực của đời hôn nhân ấy, thì tội lỗi sẽ trấn áp họ. Cám dỗ trong cuộc sống hôn nhân gia đình khó tránh được; càng khó tránh hơn nếu đôi bạn không làm gì cả để kháng cự. Và khó nhất là khi họ không nhận ra ân sủng Chúa vẫn tuôn tràn trong lúc bị cám dỗ.

“Nhưng ân sủng Người ban còn mạnh hơn; vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa. Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em. Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can” (Gc 4,6-8).

Câu hỏi chia sẻ hay để thảo luận:

  1. Bạn có thường xét mình không? Bạn xưng tội bao lâu một lần?
  2. Bạn thường phạm tội nào khiến vợ chồng mất sự hòa hợp? Bạn làm gì để tránh những tội lỗi ấy? Cách tránh tội ấy có thực sự và hiệu quả không?
  3. Có tội nào bạn giữ kín dù biết rằng nó rốt cuộc sẽ phá vỡ hôn nhân của bạn không? Bạn có cố gắng hết sức để giữ gìn dây liên kết hôn phối của bạn không?

Nguồn: Văn phòng HĐGMVN

Vợ chồng sau nhiều năm vẫn còn còn sống với nhau, nhưng họ có hạnh phúc không là một chuyện khác. Hôn nhân hạnh phúc là điều hết sức quan trọng, vì đó là lý do chuẩn mực để đôi bạn tiếp tục ở lại trong hôn nhân. Nhưng làm sao ta biết một đôi vợ chồng thực sự hạnh phúc trong hôn nhân? Người ta hiểu thế nào là hạnh phúc trong hôn nhân, hạnh phúc gia đình? Phải lấy thước nào để đo hạnh phúc gia đình?

Dù chúng ta không có một con số thống kê chính thức chính xác về các gia đình hạnh phúc, nhưng ta nhận thấy vẫn có nhiều cặp rất hạnh phúc trong hôn nhân của họ. Chúng ta ít nghe nói đến các cặp hôn nhân hạnh phúc vì người ta thường chú ý đến các chuyện hôn nhân đổ vỡ hơn. Chuyện các nhân vật của công chúng như nghệ sĩ, chính trị gia … ly hôn, chia tay với bạn đời, bạn tình, thường gây chú ý dư luận. Nhưng trước hết điều quan trọng và hữu ích là biết thế nào là một hôn nhân hạnh phúc.

Hạnh phúc có hay không?

Hạnh phúc là cái gì đó tốt đẹp đáng ước ao mà ta đang có trong tầm tay, lúc này tại đây, ta quyết giữ không để nó vuột mất. “Đừng từ chối không hưởng một ngày vui, hoài bão của con, đừng để cho phần nào trôi đi mất” (Hc 14,14). Hạnh phúc là một cảm nghiệm gắn liền với việc ta đang sở hữu một điều tốt lành đáng ước ao và quyết nắm giữ. Có thể sánh nó với một kho báu chôn trong đất ruộng, một người tìm thấy và chôn nó trở lại, người ấy vui mừng đi bán hết tất cả những gì anh có và mua thửa ruộng ấy (Mt 13,44).

Đôi bạn lộ rõ rất hạnh phúc ngày cưới. Người này cũng như người kia vốn yêu thương hết mực con người đáng quý yêu kia và ước ao được có nhau, thuộc về nhau. Tình thương yêu xác nhận giá trị cao vời của người yêu, một thiện hảo nơi nhân vị đáng khao khát. Trong khi yêu thương người này nhận biết cảm xúc, tình cảm của mình đối với người kia. Chàng biết nàng là con người đặc biệt nhất mình khát mong. Chàng có thể dấn thân yêu thương đến cùng và thực hiện điều đó bất luận ra sao vì người mình yêu, người mình xem là quan trọng nhất đời. Người yêu chính là chìa khóa dẫn vào hạnh phúc cũng như chàng có thể là chìa khóa mở lối cho nàng vào hạnh phúc.

Hạnh phúc có thể mất?

Thế nhưng, là người, đôi vợ chồng chắc chắn có những giới hạn, yếu kém, bất toàn. Họ phải lụy thuộc vào thời gian, không gian và sự thay đổi. Có những điều cũng tác động đến con người, tình trạng sống của hai người như sức khỏe thể lý hay tâm lý, các thực tại văn hóa – xã hội, các khuynh hướng tâm linh và chính trị, v.v… Có thể, dẫu cả hai tự mình đều đáng quý đáng yêu nhưng, với thời gian đã không được người kia tỏ lòng quý trọng đúng mực do chú ý quá đến những thiếu sót, yếu đuối, bất toàn của người phối ngẫu. Chồng dù yêu thương vợ, nhưng có thể bắt đầu tỏ lộ lạnh nhạt dần khi cảm thấy khó chịu vì những thiếu sót, khuyết điểm, lỗi lầm của nàng. Sự ham muốn nhau có thể giảm dần. Hoặc cũng có thể do người này đi làm ăn xa gia đình trong một thời gian dài, sa ngã trước cám dỗ tìm thấy một người phụ nữ khác hấp dẫn hơn vợ mình. Trong những trường hợp đó, hạnh phúc có thể mất.

“Hồn tôi hết được bình an thư thái, tôi đã quên đi hạnh phúc rồi” (Ac 3,17).

Hạnh phúc hôn nhân mong manh cho đôi bạn ý thức tính tương đối của nó, nhưng điều đó không ngăn cản họ mưu cầu hạnh phúc. Tương đối, nhưng không có nghĩa là ảo tưởng, không biện chính cho giải pháp ly thân hay ly dị khi gặp khó khăn thử thách. Hạnh phúc không hoàn hảo nhắc nhở đôi bạn phải sẵn sàng đối diện với những biến chuyển của cuộc sống, như chuyển biến từ tình trạng hạnh phúc thành không hạnh phúc, và ngược lại. Họ phải làm hết sức để duy trì và khôi phục lại hạnh phúc hôn nhân – gia đình. Một khi đã chọn nhau và tuyên bố ưng thuận thành hôn trước mặt Chúa và cộng đoàn Hội thánh, họ không thể muốn rời khỏi hôn ước. “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Họ không thể nói không còn hạnh phúc nữa thì chia tay thôi. Cả hai cùng có trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình của họ. Cả hai chịu trách nhiệm trước mặt Chúa việc họ mất hạnh phúc và hơn thế nữa, việc họ đánh mất tình yêu thương dành cho nhau và cho gia đình. “Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4).

Hôn nhân hạnh phúc

Vợ chồng hạnh phúc khi có nhau lúc mới kết hôn, mà vẫn tiếp tục quý trọng, yêu thương nhau như kho báu tìm được bằng giá trả cả một đời sống, là điều đẹp lòng Chúa.

Có ba điều tôi hết lòng ao ước, cả ba đều đẹp lòng Đức Chúa và người ta: anh em hoà thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu” (Hc 25,1).

Vợ chồng không chỉ coi nhau như kho báu phải giữ gìn, mà còn tìm sự bảo đảm cho hôn nhân hạnh phúc của họ; kẻo phải cứ lo sợ thường xuyên bị mất nhau trước khi ngày đời chấm dứt. Họ sẽ không bao giờ mất hạnh phúc chừng nào họ còn đáp ứng khát khao của nhau. Do đó, hạnh phúc hôn nhân dẫu có tương đối và bất toàn, nhưng có thể được nâng đỡ, duy trì, tiến triển chừng nào còn nhìn thấy nhau như là một phúc lành cho nhau. Hiện có và sẽ luôn có “phúc lành” ấy là người bạn đời. Hạnh phúc không chỉ vì họ có nhau nhưng còn bởi có một “phúc lành lớn hơn” là chính hôn ước của họ. Chúa Giêsu dạy rõ ràng chính Thiên Chúa thiết lập hôn phối giữa chồng và vợ, và bởi thế đó là một phúc lành tự bản chất.

[Chúa Giêsu nói:] “Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ’ và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,4-6).

Không ai được phép hạ giá hôn nhân Thiên Chúa đã thiết lập từ thuở ban đầu. Vợ chồng nên “một xương một thịt” trọn đời. Các đôi vợ chồng Kitô hữu được kêu gọi giữ gìn và bảo vệ sự thánh thiện của hôn nhân của họ qua thực hiện lời hứa kết hôn. Cả khi họ phải đi qua gian nan, thử thách, những khó khăn đó trở thành cơ hội cho họ đạt được phúc lành lớn lao hơn, là hôn ước của hai vợ chồng. Hạnh phúc của vợ chồng là ở chỗ họ thực hiện được ước nguyện không có gì có thể chia cắt họ được ngoài sự chết.

Lạy Chúa, xin cho chúng con, dù khi xuôi thuận hay lúc trắc trở, khi giàu có hay lúc nghèo hèn, khi ốm đau hay lúc mạnh khỏe, được hợp nhất nên một lòng một ý một linh hồn, từ hôm nay cho tới lúc mãn đời khi cái chết chia lìa chúng con”.

Lời cầu nguyện này dự phóng trước trong cuộc sống hôn nhân có thể xảy ra những sự kiện tiêu cực hay tích cực, nhưng đôi bạn vẫn có thể hạnh phúc, không bởi hoàn cảnh khách quan trong đó họ đang trải qua, mà do tình trạng hiệp nhất một lòng một ý một linh hồn của họ. Hẳn nhiên, vợ chồng trông mong được hạnh phúc hơn những lúc vui sướng, thịnh vượng, khỏe mạnh, nhưng họ có lý do hạnh phúc hơn nữa nếu họ vẫn một ý một lòng, một linh hồn hiệp nhất yêu thương khi phải cùng nhau chịu đựng những hoạn nạn, khốn khó, và đi qua thành công. “Kìa xem: chúng ta tuyên bố: phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì!” (Gc 5,11).

Cuối cùng, hạnh phúc trọn vẹn nhất chỉ khi hạnh phúc trong Thiên Chúa. Bởi thế, đôi bạn phải đưa nhau ra trước mặt Chúa, và khẩn cầu “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con” vì khát khao được dự phần vào hạnh phúc thật chỉ có trong Thiên Chúa. Quả thật, không có hạnh phúc hôn nhân nào lớn lao hơn thấy cả hai người hiện diện trước Chúa “xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào” (x. Ep 5,25-28).

Câu hỏi chia sẻ hay để thảo luận:

  1. Bạn có thấy vui hơn khi ở cùng vợ/chồng bạn không? Tại sao hay tại sao không?
  2. Cả hai vợ chồng bạn có sẵn sàng hy sinh vì nhau không? Tại sao hoặc tại sao không?
  3. Hai vợ chồng bạn có cầu nguyện chung với nhau không? Cầu nguyện có ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ phu thê và gia đình bạn?

Nguồn: Văn phòng HĐGMVN

Hầu hết các đôi vợ chồng mới cưới đều tin tưởng hôn nhân của họ sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng thực tế vẫn có nhiều đôi tan vỡ sau khi kết hôn sớm hay muộn ít nhiều. Hôn nhân của họ như thế có nghĩa là thất bại. Điều đó có nghĩa không gì khác hơn là vợ chồng không thực hiện được mục đích yêu thương nhau cho đến chết. Đó là bằng chứng của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Nó cho thấy có điều gì không ổn đã xảy ra trong quan hệ vợ chồng. Một trong hai người hoặc cả hai đã không thể trao chuyển tình yêu thương mà họ đã từng hứa trước mặt Chúa và trước mặt nhau.

Hiện tượng ly hôn ngày nay nhiều đến nỗi đã tạo một phản âm bất an trên các cặp đính hôn, ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của họ. Ngày nay, ở nhiều nước xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng nam-nữ sống chung nhưng không là vợ chồng, các cặp đồng tính, nam-nữ, dấn thân sống chung như vợ chồng mà không kết hôn dân sự hay tôn giáo (gọi là sống thử). Các hình thức kết hợp này tồn tại như một tùy chọn bên cạnh sự kết hôn truyền thống. Mặc dù có nhiều lý do khác nhau cho việc chọn lựa dấn thân sống chung như thế, nhưng có một điều chắc chắn, đó là với chọn lựa đó người ta sẽ dễ dàng từ bỏ mối quan hệ hơn một khi mọi sự trở nên bất ổn giữa hai người. Dẫu thế, đối với người Kitô hữu chân tín mọi kiểu sống chung không hôn phối như thế đều không là và không thể là một hôn nhân theo nghĩa giao ước đầy đủ. Đằng sau cuộc sống chung đó, dù kiểu nào, cũng luôn ẩn tàng một tiền đề, là có thể có một ngày hai người phân ly đôi ngả. Người nam cũng như người nữ có xu hướng ngại ngần dâng hiến trọn vẹn tất cả cho nhau vì e ngại có thể có một ngày, xa hay gần, họ chia tay. Hôn nhân theo Kitô giáo thì không như thế. Nếu đó không phải là một cuộc phối hợp thiêng liêng có ý hướng mãi mãi trọn đời thì không phải là hôn nhân. Nếu kết ước không có tính bất khả phân ly, thì hôn phối không được công nhận là bí tích của Đức Giêsu Kitô. Vợ chồng mà không thể sống chung với nhau, yêu thương nhau cho đến mãn đời thì hôn nhân ấy thất bại.

Khi nào hôn nhân thất bại?

Hôn nhân bắt đầu thất bại không chỉ khi hai người phối ngẫu quyết định chấm dứt quan hệ hôn nhân, mà trước đó đã có dấu hiệu sa sút và suy sụp. Có thể có nhiều vấn đề khác nhau, như thiếu chung thủy, những “sự việc” trước khi kết hôn chưa được giải quyết, cha mẹ hay người thân thuộc của “bên kia” xâm nhập sâu vào sự riêng tư của vợ chồng, bạo hành thể lý, vợ chồng không hợp nhau, không có khả năng chu cấp cho cuộc sống gia đình và vân vân, dẫn đến hôn nhân thất bại. Có thể vì quá mê mải và lo lắng về tài chánh, việc làm, sức khỏe, con cái, vợ chồng thành ra bận rộn, rồi căng thẳng. Họ tưởng nghĩ mình đang lo cho gia đình nên mê mải nhiều sự đến nỗi phương hại đến mối quan hệ hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Họ không ý thức từng ngày mình đã đang dần đánh mất niềm say mê nhau như những năm tháng đầu lưu luyến. Những vấn đề ấy trước kia được xem nhẹ nay họ nhận ra đó là những dị biệt nghiêm trọng. Người này, hoặc cả hai, đã không còn bộc lộ tình cảm yêu quý đối với người kia như trước đây vẫn thường làm trong khi trao đổi tranh luận. Nhiều trường hợp trong đó vợ chồng chỉ còn vẫn tiếp tục sống chung nhưng quan hệ đã lạnh nhạt, chỉ biết giữ nghĩa vụ với nhau mà thôi.

Hôn nhân thất bại có thể được nhận thấy trước, khi tình cảm bắt dầu tắt dần do cách cư xử của người bạn đời thiếu yêu thương, thiếu ân cần, khi chồng hay vợ xem ra bận tâm nhiều đến niềm vui thú riêng mà không quan tâm đến hạnh phúc chung. Những dấu hiệu cho thấy một người chồng và vợ anh không yêu thương nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi đau yếu cũng như lúc mạnh khỏe.

Tại sao họ lại như vậy

Trong khi sống chung vợ chồng bắt đầu nhận ra những thói quen của nhau trái ý, gây bực bội. Dần dà khi họ không còn có thể dung thứ cho nhau nữa lại sinh ra cãi cọ, trách cứ, chỉ trích nhau. Có khi căng thẳng đến nỗi không còn giữ được bình tĩnh. Họ bộc lộ thiếu sự yêu thương quan tâm lẫn nhau. Người này xem thường công việc của người kia. Rồi ghen tuông, sỉ nhục, làm tổn thương nhau. Thường xuyên xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp vợ chồng, khiến họ cảm thấy không hạnh phúc. Nếu như họ đủ chín chắn có thể nhận ra được lầm lỗi của mình, vợ chồng có thể nói chuyện và thỏa thuận với nhau một giải pháp tương đối cho vấn đề. Đôi bạn có thể xây dựng mối quan hệ hôn nhân gia đình tốt hơn dần theo năm tháng nếu biết giải quyết các vấn đề xung khắc trong yêu thương.

Tại sao họ không thể

Hạnh phúc hay không là do thái độ hành vi của ta. Không phải những gì xảy đến trong cuộc sống làm ta hạnh phúc hay bất hạnh, nhưng là chính cách mà ta đón nhận và ứng xử trước những vấn đề đang xảy ra.

Anh D. và chị. P. lấy nhau được gần bốn năm. Họ đã có 2 đứa con nay chị lại mang thai. Anh D. nói với X. một người bạn của anh rằng anh rất không may lần này vì có một đứa con nữa là thêm một miệng ăn. X. nhắc anh rằng có một đứa con là phúc lành bởi Thiên Chúa anh chị nên vui mừng hân hoan ca ngợi Chúa. Nhưng anh D. trả lời là anh không còn có thể để dành tiết kiệm để sắm xe và nhà cửa nữa rồi.

Dĩ nhiên, hạnh phúc hay không hạnh phúc còn do hoàn cảnh khách quan nữa. Tuy nhiên, thái độ của ta trước hoàn cảnh đó rất quan trọng. Ta có thể chọn hoặc để cho mình bất hạnh với hoàn cảnh ấy đến mức tự hủy diệt chính mình, gia đình mình trong trình tự cuộc sống, hoặc chỉ buồn phiền một thời gian ngắn thôi rồi lại bước đi tiếp. Cái ta thấy và cách ta nhìn nó thường xen lẫn, kết hợp với nhau.

Vợ chồng không biết gì về việc mình không hạnh phúc

Hôn nhân không hạnh phúc thường là do duy trì một quan hệ buồn thảm hay xấu tệ quá lâu. Đó có thể là hệ quả của một sự bạo hành về thể lý hay tâm lý lâu ngày lặp đi lặp lại, hay những thói xấu của một người hay của cả hai người, sự không chung thủy, sa đọa, thường xuyên bất ổn tâm lí, v.v…

Cũng có thể lý do không hạnh phúc là bởi thường xuyên bị xì-trét (stress). Xì-trét tước mất nhiều năng lượng của đôi bạn hơn những gì đòi hỏi bình thường. Hai vợ chồng phải chịu đựng sự căng thẳng quá mức giới hạn. Để rồi họ cảm thấy buồn sầu khôn dò, tưởng chừng rơi vào trầm cảm. Họ không đủ sức lực để xây dựng hôn nhân tốt đẹp nữa.

Hôn nhân không hạnh phúc cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy.

  1. và L. kết hôn với nhau được ít là ba mươi lăm năm. Họ có hai con, T. và K., và được xem là một gia đình lý tưởng trong khu xóm. Họ có hầu như mọi thứ mà các cặp vợ chồng khác mơ ước. Rồi một ngày kia, L. khám phá ra gần đây P. đã bất trung với mình. Cô ta hỏi anh tại sao lại như vậy. P. trả lời vì đôi khi anh chợt cảm thấy thật cô đơn và tìm lời giải đáp trong vô vọng. Vì thế, để vượt qua nỗi cô đơn này, anh đi ra ngoài qua đêm “ăn bánh trả tiền” với một cô gái mại dâm.

“Chính Chúa đã dựng nên ông Ađam, dựng nên cho ông một người trợ thủ và nâng đỡ là bà Evà, vợ ông. Và dòng dõi loài người đã sinh ra từ hai ông bà. Chính Chúa đã nói: ‘Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một người trợ thủ giống như nó’” (Tb 8,6).

Đôi bạn phải nhớ rằng hai người đến với nhau là bởi ân sủng Chúa, họ không chỉ là phương thế phục vụ cho hạnh phúc của nhau, nhưng cả hai là chính hạnh phúc cốt yếu dành cho nhau. Thiếu người này, người kia không thể đương đầu với nỗi cô đơn bất hạnh. Họ không coi nhau như đồ vật nhưng như hai chủ thể nhân vị:

“Giờ đây, Lạy Chúa, không phải vì lòng dục mà con lấy em con đây, nhưng vì lòng chân thành” (Tb 8,7).

Câu hỏi chia sẻ hay để thảo luận:

  1. Những lúc nào, hoàn cảnh nào bạn cảm thấy buồn khổ, cô đơn, hay chán chường?
  2. Bạn phản ứng, cư xử như thế nào với vợ hay chồng bạn khi bạn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức?
  3. Bạn có cảm thấy vợ/chồng bạn áp đặt ý muốn của người ấy trên mình không? Khi ấy bạn ứng xử, đối phó như thế nào?

Nguồn: Văn phòng HĐGMVN

Vợ chồng mới cưới ước mong yêu thương nhau hết mực và mãi mãi. Đôi bạn những tưởng họ sẽ có thể khác mọi người giữ được tình yêu lãng mạn sống mãi. Thuở ban đầu lưu luyến ấy đôi bạn ngập tràn hạnh phúc. Nhưng cuộc sống hôn nhân có khi đòi hỏi họ quá sức. Các “vấn đề” khó khăn, rắc rối bắt đầu lần lượt xuất hiện dọc con đường của họ. Người này đôi khi bất bình vì thái độ hay hành động của người kia. Họ cảm thấy tài chánh của họ không đủ cho nhu cầu cuộc sống gia đình. Hai người ngày càng dành ít giờ vui thú, thậm chí gần gũi vợ chồng, bên nhau. Họ cũng có khi nhận thấy gia đình “bên kia” xâm nhập vào đời sống riêng tư của họ nhiều quá và nhiều lúc bực bội. Rồi hai người bắt đầu tranh luận, tranh cãi, cãi vã nhau lắm lúc cũng chỉ về những chuyện cũ ấy. Vì những xung đột, cãi vã thường gây bất hòa ấy khiến người này hay người kia có thể nghĩ họ không còn yêu nhau nữa. Có thể ngày nào đó ‘xấu trời’ một trong hai người tuyên bố hôn nhân của họ đã ra tồi tệ, tốt hơn là nên chia tay, mỗi người mỗi ngả.

Thế rồi họ hỏi Chúa tại sao hôn nhân của họ thất bại dù đã kết hôn với lời chúc lành của Chúa qua linh mục trong Hội Thánh.

Họ không hiểu được hôn nhân là một bí tích, một huyền nhiệm thánh thiêng, là con đường nên thánh. Hôn nhân của họ thánh thiêng không phải vì đôi bạn là thánh, mà vì Thiên Chúa Đấng kết hợp hai người nam và nữ ấy là Đấng Thánh. Đó là một bí tích vì đôi bạn được mời gọi cùng nhau bước đi trên con đường nên thánh. Nhưng dù là thánh thiêng, hôn nhân vẫn không khỏi bị sự dữ tấn công. Kết hôn trong Hội Thánh không làm cho đôi bạn được miễn nhiễm trước các cám dỗ. Ma quỷ là đối thủ của Thiên Chúa, luôn cố phá hủy những gì Thiên Chúa xây dựng. Là kẻ lừa dối, nó luôn làm méo mó sự việc bằng cách trình bày sự ác thành như sự thiện. Nó muốn chia rẽ những gì Thiên Chúa đã kết hợp. Đôi vợ chồng phải đứng vững mà chuẩn bị và đón đợi những chuyện bất trắc, bất ngờ xảy đến, dù muốn dù không, như lời cầu nguyện trong lễ cưới: Lạy Chúa, xin cho chúng con, dù khi xuôi thuận hay lúc trắc trở, khi giàu có hay lúc nghèo hèn, khi ốm đau hay lúc mạnh khỏe, được hợp nhất nên một lòng một ý một linh hồn, từ hôm nay cho tới lúc mãn đời khi cái chết chia lìa chúng con.

– Ma quỷ có thật. Chiến thuật của ma quỷ ngày nay trước hết là làm cho con người tin rằng chúng không có, Thiên Chúa cũng không có hay đã chết, chỉ duy con người làm chủ thế giới này có mà thôi. Thật ra, chúng hoạt động trong thế gian để gây xung đột và chia rẽ giữa con người với nhau. Ma quỷ cám dỗ, xúi giục người nam người nữ phạm tội. Khi phạm tội, người nam hay người nữ không những sinh ra căng thẳng trong quan hệ hôn phối của họ, mà còn trong quan hệ với Chúa. Điều quan trọng cần làm ngay là đôi bạn phải quay lưng lại với tội lỗi và tìm kiếm ân sủng của Thiên Chúa:

Sau cùng, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6,10-12).

– Căng thẳng, xung đột trong đời sống hôn nhân gia đình là chuyện bình thường và không thể tránh khỏi. Nhưng xung đột do ma quỷ khiêu khích thì khác. Nó làm cho vợ, chồng thất vọng không còn muốn đối thoại với nhau nữa. Trước khi phạm tội, vợ chồng nhìn nhận nhau, kính trọng nhau, chân thành và cởi mở với nhau. Đối thoại giúp hai người nhận biết họ khác nhau: khác tính tình, khác sở thích, khác thói quen, tính cách, khác quan điểm… và nhận ra những cái cản trở họ yêu thương hiệp nhất, nên một. Ma quỷ tìm cách ngăn chặn trực tiếp cái khả năng đối thoại này giữa hai vợ chồng. Khi phạm tội, người ta không chọn chính tội lỗi, đúng hơn, người ta thấy một điều gì đó tốt và ra tay hành động, rồi thì cảm nghiệm các hệ lụy tai ác của việc làm đó của mình. Sau đó, ta nhận ra cái tưởng là tốt đẹp ấy thật ra là sự dữ, là ác hại. Khoái cảm do phạm tội làm cho tội nhân giữ im lặng. Im lặng càng làm thương tổn nặng nề đến quan hệ vợ chồng cho dẫu người bạn đời của mình không biết. Tội lỗi là ở chỗ khi cả hai người không còn muốn nói chuyện với nhau nữa. Người này cảm thấy khó khăn hay khó chịu khi nói chuyện, bộc bạch chia sẻ với người kia. Họ cảm thấy dễ nhất là cứ giấu nhẹm đi “chuyện đó” nhất là khi người kia có quyền được biết. Giữ kín bí mật của mình không chia sẻ được với nhau càng làm suy yếu hay tiêu diệt quan hệ hôn phối của họ, nhất là khi bí mật bị phát hiện.

Dẫu thật khó để nghe sự thật, trong yêu thương tin tưởng vợ chồng vẫn nên chia sẻ cho nhau những nút thắt của cuộc sống.

– Trong hôn nhân, vợ với chồng là một. Họ luôn nghĩ về mình đồng thời quy chiếu về người phối ngẫu kia, không bao giờ hình dung mình là một thực thể biệt lập. Họ xem thành công của người này cũng là thành công của người kia, thất bại của người này cũng là thất bại của người kia. Họ cùng sống và chung sống với nhau, cả hai đã hứa thuộc về nhau và không còn chỉ thuộc về cá nhân mình nữa. Họ cùng nghĩ và hành động thống nhất. Trách nhiệm đầu tiên của họ là duy trì và bảo vệ sự hợp nhất và thống nhất trong suy nghĩ, lời nói, và việc làm như một đôi vợ chồng sống trong ơn nghĩa của Chúa.

Sau khi sa ngã, con người cảm thấy xấu hổ vì mình trần truồng và đi trốn. Thiên Chúa tìm hỏi “Ađam, ngươi ở đâu? [..] Ai nói với ngươi là ngươi trần truồng?” Thiên Chúa dò thấu lương tâm con người và cái cảm giác xấu hổ, lo sợ vì “trần truồng”, tìm phát hiện ra ai hay cái gì là nguyên do cho nỗi sợ hãi ấy. Chất vấn ấy của Thiên Chúa đã dẫn Ađam đến tận gốc rễ của đổ vỡ quan hệ. Con người thật sự không biết trả lời, không bao giờ nhận ra chính mình là nguyên nhân gây ra chính tình trạng mất sức sống này. Con người không thấy vì một kẻ ích kỉ thì khó nhận ra tội lỗi của mình, tội lỗi nơi mình. Họ quên điều cốt yếu của hôn nhân là nên một. Trong hôn nhân, vợ chồng phải biết rõ hơn rằng cả hai người đều mỏng manh, yếu đuối, họ cần nhau, nhất là trong những lúc hoang mang hay thất vọng. Người này cảm thấy mình thiếu thốn khi không có người kia. Chỉ khi phó mình cho nhau họ mới cảm thấy trọn vẹn. Chăm sóc cho cái “chúng ta” là cách biểu lộ thương thân cách vị tha.

– Thiên Chúa muốn vợ và chồng nhận biết không những trách nhiệm cá nhân , mà còn cùng chung trách nhiệm đối với những việc cá nhân từng người làm. Cả hai người đều góp phần làm thăng tiến hay làm giảm thiểu mối dây hôn phối của họ. Họ chỉ cần nhận thấy điều gì sai hay không ổn trong quan hệ vợ chồng và cùng nhau giải quyết nó mà không phàn nàn hay trách cứ ai. Tình yêu đích thực “luôn khiêm nhường biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi, tha lỗi để được gần nhau” và luôn thể hiện bằng việc làm cụ thể. Nếu vấn đề, xung khắc được giải quyết bằng sợi dây tình yêu vô hình, hôn nhân sẽ được tăng lực.

– Đôi bạn phải biết rằng hôn nhân luôn đòi hỏi ta phải cố gắng mỗi ngày điều chỉnh chính mình trong khi sống chung với nhau, phải hiểu rằng kết hôn là sống và yêu nhau cho đến chết. Đó là điều họ phải cam kết làm suốt cuộc đời, không bao giờ mỏi mệt. Đó là cuộc sống chung cho đến khi một hoặc cả hai người lìa đời bằng cái chết.

Câu hỏi để suy tư và thảo luận:

  1. Đâu là những mảng cuộc sống của anh/chị cần được cải thiện hay thay đổi để cho hôn nhân của anh chị được hài hòa?
  2. Xin anh/chị thử nghĩ xem mình có thể vẫn tiếp tục cuộc hôn nhân trong khi mâu thuẫn, xung đột giữa vợ chồng cứ thường xuyên xảy ra hay không?
  3. Trong những hoàn cảnh nào anh chị nên đối thoại với nhau để giải quyết vấn đề hôn nhân của mình?

Nguồn: Văn phòng HĐGMVN

I. Chuyện tình yêu:

Trong mỗi câu chuyện tình yêu thông thường, một người nam bị thu hút bởi một người nữ khởi đi từ cái nhìn cuốn hút hướng về nàng. Rồi anh tìm cách bắt chuyện với nàng khi có cơ hội thuận tiện. Anh sẽ gọi điện hay liên lạc với nàng bằng những cách thế nào đó. Anh sẽ thăm cô ấy tại nhà, ở trường, hay ở sở làm. Anh sẽ làm mọi thứ để chinh phục tình cảm của nàng. Nếu người nữ ấy cũng bị thu hút bởi người đàn ông kia, thì nàng sẽ khiến anh cảm thấy được tiếp đón bước vào cuộc đời của mình. Khi ấy anh và cô nàng sẽ thường hẹn hò đi với nhau đến một nơi ưa thích nào đó. Sau một thời gian tán tỉnh, và tìm hiểu nhau, họ sẽ cảm thấy sẵn sàng kết hôn với nhau hoặc không thực sự là người dành cho nhau. Họ sẽ nói chia tay hoặc tiếp tục chỉ là bạn bè nếu như họ thấy không thích hợp làm bạn đời của nhau. Nhưng nếu người đàn ông cầu hôn và được người nữ chấp nhận, thì họ sẽ chuẩn bị kế hoạch từng bước cho lễ cưới.

Khi quyết định kết hôn đôi bạn phải suy nghĩ mình đã thực sự sẵn sàng để chung sống với nhau suốt đời chưa? Sẵn sàng về điều kiện sức khỏe thể lý, tâm lý, xã hội, điều kiện tài chánh, điều kiện về tình cảm, tâm linh. Hai anh chị phải tự trả lời một số câu hỏi:

  1. Anh Chị đã quen nhau và hẹn hò thường xuyên bao lâu?
  2. Anh Chị hướng tới mục đích gì trong mối quan hệ này?
  3. Anh/Chị quan tâm đến lợi ích của người kia như thế nào?
  4. Anh/Chị thẩm định mức độ dấn thân của mình trong quan hệ này như thế nào?
  5. Anh/Chị có dịp nào tốt hơn để sống hòa hợp với nhau không?
  6. Anh/Chị có hiểu mối quan hệ này đòi hỏi ở mình điều gì không?
  7. Anh/Chị thấy có được Chúa kêu gọi sống đời hôn nhân không (ơn gọi hôn nhân)?
  8. Người bạn đời tương lai của Anh/Chị có tự do và sẵn sàng để chung sống ơn gọi này với Anh/Chị không?
  9. Anh/Chị sẵn sàng để kết hôn như thế nào? (chung thủy và suốt đời)
  10. Anh/Chị sẽ làm gì sau khi kết hôn? (Trăng mật chỉ là khúc dạo đầu cho bản nhạc ơn gọi suốt đời tìm kiếm một tình yêu hoàn hảo).

Đối với một đôi bạn kitô hữu đính hôn, họ vốn biết và hiểu hôn nhân là thiêng thánh thì họ sẽ muốn đám cưới của họ được cử hành trang trọng trong nhà thờ bởi một linh mục. Ngày đám cưới đánh dấu thời gian đính hôn cùng những hẹn hò, tán tỉnh, và tìm hiểu nhau chấm dứt, mộng ước chung của hôm qua nay đã thành tựu. Những người thân trong gia đình và bạn bè chúc mừng đôi tân hôn hạnh phúc. Sau đám cưới, đôi tân hôn sống tuần trăng mật. Một số người sẽ nghĩ chuyện tình của đôi bạn chấm dứt, từ đây bắt đầu một chuyện khác: câu chuyện hôn nhân. Nhưng có phải lễ cưới là kết thúc không hay chỉ là bắt đầu? Chúng ta vẫn thỉnh thoảng nghe người xưa nói “đám cưới là chuyện một ngày, hôn nhân là chuyện một đời”; “vợ chồng là chuyện trăm năm”.

Qua nghi lễ kết hôn, hai người nhận lãnh quyền và nghĩa vụ đánh dấu khởi đầu cuộc sống gia đình. Họ trở thành là vợ, là chồng của nhau. Rồi vợ mang thai sinh con trở thành mẹ, đồng thời chồng trở thành bố. Cả hai rồi sẽ thành ông thành bà khi con cái họ lớn khôn lập gia đình và có con. Họ cùng nhau đối diện với những khó khăn của cuộc sống và tìm cách vượt qua các trở ngại dọc dài thời gian. Lễ cưới xem ra đã kết thúc và nhường chỗ cho những khởi đầu mới sống yêu thương cho đến mãn đời. Đôi bạn cần có dự phóng chung cho một cuộc sống hôn nhân-gia đình vì từ nay họ không còn là người độc thân nữa. Họ phải chọn nơi chốn cho tổ ấm, cùng quyết định có bao nhiêu con, đồng thời xem xét ngân khoản thu nhập để lo liệu xây dựng, chăm sóc gia đình.

Trong dự phóng đó, đôi bạn cũng cần chú ý đến xây dựng mối quan hệ hôn nhân – gia đình vốn có nhiều khó khăn trong chính các thực tại thường ngày xuất hiện ngay từ buổi ban đầu.

II. Hôn nhân biến chuyển trong những cái thường ngày:

1. Hôn nhân biến chuyển khi chúng ta nhận ra chương trình của Chúa trong những thời khắc thường nhật

“Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,7-8).

Đôi bạn kết hôn vì tình yêu, hay ít ra cũng vì hy vọng vào tình yêu, nhưng lại cảm thấy khó khăn thực hiện việc yêu thương hay không cảm thấy được yêu thương, nhất là trong những lúc gặp khó khăn. Khi ấy, họ không nên cứ chăm chắm vào cuộc hôn nhân của mình, nhưng nên nhìn sâu vào quan hệ của mình với Chúa. Nếu cuộc hôn nhân của bạn có vấn đề tức là quan hệ của bạn với Chúa không ổn. Thiên Chúa vẫn ở đó luôn gần gũi chăm sóc bạn, hãy để Ngài hiện diện trong bạn và trong gia đình. Nếu ta tin Thiên Chúa là tình yêu, thì Ngài phải là giải đáp cho những vấn đề của ta. Thật ra, Ngài phải là phần quan trọng nhất, điều lớn nhất ở giữa mọi sự, mọi chi tiết của cuộc sống hằng ngày.
Trong hôn nhân của đôi bạn, yêu nhiều hơn có nghĩa là có Chúa nhiều hơn.

2. Hôn nhân biến đổi khi ta sẵn sàng yêu thương bằng những việc làm cụ thể giống như Chúa Kitô, nhất là lúc gặp thử thách

“Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 9-10).

Tình yêu không cốt ở cảm xúc yêu. Tình yêu cốt yếu không là cảm tình nhưng, như Thánh Kinh dạy, là một con người, một ngôi vị Thần-Nhân, Giêsu Kitô đang sống giữa chúng ta. Khi bạn cần giúp đỡ để yêu thương người bạn đời của mình, bạn đừng chờ mình cảm thấy yêu thương hoặc mong đợi có lại những giờ phút lãng mạn vốn đã qua rồi nay sẽ lại đến, mà hãy nhìn vào Chúa Giêsu và học với Người. Vì Yêu thương, Người hành động. Người nói và làm một cách độc đáo, theo những cách thức khiến tình yêu xuất hiện hữu hình giữa chúng ta. Tin tưởng vào Người và học hỏi với Người, chúng ta cũng có thể hành động yêu thương như thế. Bạn hãy tin trước hết: tin rằng Chúa Giêsu sẽ giúp bạn biết yêu thương đúng cách. Nhưng tin chỉ mới là khúc nhạc dạo đầu, đức tin ấy hoàn tất khi bạn hành động bởi tin (x. Gc 2,22). Tình yêu không hệ tại ở cảm xúc, tình cảm, nó chỉ có trong Chúa Giêsu và xuất hiện hữu hình trong các việc nhỏ nhặt thường ngày trong hôn nhân của bạn.

3. Hôn nhân biến đổi khi chúng ta sẵn sàng yêu thương bền bỉ không vì người bạn đời của mình thay đổi mà vì ta đang tiến triển trong mối quan hệ với Chúa

“Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1Ga 4,11-12).

Khi yêu thương nhau bạn sẽ thấy ít là hai phép lạ. Một là Thiên Chúa ở trong các bạn. Hai là Thiên Chúa trở nên rất hữu hình. Cái không thấy được trở nên thấy được, đó là phép lạ. Trong hôn nhân, có khi bạn nhận thấy không thể làm cho vợ hay chồng mình thay đổi.

Nếu bạn cứ loay hoay muốn làm cho nàng/chàng thay đổi bạn tất sẽ thất vọng vì đã cố làm điều không thể. Chúa sẽ ban cho bạn điều còn tốt hơn là muốn làm thay đổi người bạn đời. Bạn hãy để cho Chúa sống trong bạn để tình yêu của Người trở nên hữu hình trong thế giới, một thế giới đang vỡ tan từng mảng. Có thể vợ/chồng bạn bắt đầu có thay đổi một khi bạn ngưng ra sức thay đổi nàng/chàng và thay vào đó bạn tập chú vào cuộc sống tương quan với Chúa. Hoặc cũng có thể không. Nhưng hôn nhân của bạn sẽ biến chuyển tốt hơn khi có chọn lựa khác trong ánh sáng quan hệ gắn bó với Chúa, một quan hệ lớn lao hơn hôn nhân của bạn. Người bạn đời khi ấy sẽ nhận ra bạn đang thay đổi và cũng sẽ rất có thể thay đổi theo. Thay vì tìm xảo thuật, bạn nên sẵn sàng bước lên con đường dài đi cả đời nhưng được ta sống mỗi lúc một ngày, cái ngày hôm nay.

Câu hỏi để suy tư và thảo luận:

  1. Đâu là những giờ phút thời khắc thường nhật trong hôn nhân của anh chị? Những việc gì nghiêm trọng, những xung khắc vợ chồng nào, hay những thất vọng nào về người bạn đời của anh chị cứ xảy ra ngày này đến ngày khác? Có những suy nghĩ, cảm nhận chung nào giữa các vợ chồng như thế không?
  2. Bạn có cầu xin Chúa giúp đỡ những lúc khó khăn, căng thẳng? Bạn thấy có biến đổi nào hay không? Bạn có chiến đấu với cảm giác bị bỏ rơi, tức giận, thất vọng không?
  3. Hãy nghĩ đến một vài thời điểm thường nhật trong hôn nhân của bạn. Bạn làm sao để chỉ cần thay đổi chỉ một chút ý nghĩ, thái độ, lời nói, hoặc việc làm nhỏ để cho tình yêu Chúa trở thành hữu hình? Những khoảnh khắc thường nhật ấy có thể nên khác biệt thế nào nếu bạn nhận ra trong lúc ấy Chúa đang yêu thương và nâng đỡ bạn khi bạn làm cho tình yêu Ngài trở nên thấy được?

Nguồn: Văn phòng HĐGMVN