Biết và khắc ghi Lời Chúa trong lòng thực sự là điều quan trọng đối với các Kitô hữu. Trong những lúc khó khăn, thử thách và tuyệt vọng, Lời Chúa sẽ đem lại cho chúng ta niềm hy vọng.

Kinh Thánh nhắc nhớ chúng ta rằng với đôi mắt đăm đăm hướng về Chúa Kitô, chúng ta có thể vượt qua bất cứ cơn bão tố nào đến trong cuộc đời chúng ta. Nhiều câu chuyện trong Kinh Thánh bảo đảm cho chúng ta rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta và Ngài luôn đón chào chúng ta trở về dưới cánh tay yêu thương của Ngài.

Đừng để ma quỷ đánh cắp niềm vui và sức mạnh trong Chúa của bạn. Hãy nhớ, hãy khắc ghi những Lời sau đây:

  1. Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn (Đnl 31, 6)
  2. Thiên Chúa sẽ luôn luôn bảo vệ bạn. (2 Tx 3, 3)
  3. Thiên Chúa sẽ ban thêm sức mạnh cho bạn từng cuộc chiến. (Is 40: 31)
  4. Thiên Chúa sẽ ban cho bạn những ơn cần thiết để chịu đựng mọi đau khổ. (2 Cr 12, 9)
  5. Thiên Chúa sẽ tha thứ cho bạn ngay cả khi bạn đã phạm tội chống lại Ngài. (1 Ga 1, 9)
  6. Thiên Chúa sẽ không bao giờ ngừng yêu thương bạn. (Ep 3, 17-19)

Lạy Thiên Chúa của con, cậy vào lòng thương xót vô biên và lời hứa vĩnh cửu của Chúa, con hy vọng được Chúa thứ tha mọi lỗi lầm con phạm, được Chúa ban cho ân sủng và đời sống vĩnh hằng của Chúa, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ của con. Amen!

Tác giả: Becky Roach

Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, SJ

(dongten.net 11.08.2018/ catholic-link.org)

GXTĐ – Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích)
Đức Giáo Hoàng Phanxico

94. Xuyên suốt bản văn, rõ ràng thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh rằng tình yêu không phải là một cảm xúc thuần túy. Đúng hơn, nó phải được hiểu theo động từ “yêu” của tiếng Hip-ri, nghĩa là “làm điều tốt”. Như thánh I-nha-xi-ô Loy-o-la nói “Tình yêu được thể hiện bằng việc làm nhiều hơn bằng lời nói”. [106]. Như vậy nó cho thấy hoa quả của nó và cho phép chúng ta cảm nghiệm hạnh phúc của việc trao ban sự cao quí và vĩ đại của việc dâng hiến chính mình một cách hào phóng, mà không yêu cầu được đền đáp, nhưng chỉ thuần túy vì niềm vui của việc trao ban và phục vụ.

5 phút lời Chúa Mỗi Ngày: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”(Ga 6,51)

Suy niệm: Trong trọn bản văn Thánh Lễ của Sách Lể Ro6ma, những chữ được in đậm và to nhất chính là ‘lời truyền phép’: TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ ĂN, VÌ NÀY LÀ MÌNH THẦY, SẼ BỊ NỘI VÌ CÁC CON… TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG, VÌ NÀY LÀ CHÉN MÁU THẦY, MÁU GIAO ƯỚC MỚI VÀ VĨNH CỮU, SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ NHIỀU NGƯỜI ĐƯỢC THA TỘI…” In đậm và to nhất, bởi vì đây là những lời quan trọng nhất, đây là khoảnh khác đậm đặc ý nghĩa YÊU THƯƠNG nhất của Thánh Lễ. Trong khoảnh khắc này, Chúa Giêsu dứt khoát trao hiến chính sự sống của Ngài cho chúng ta. Và đây không phải là một quyết định bốc đồng ‘kiểu anh hùng rơm’; đây là cả một chương trình hiến thân được vạch ra từ trước, như bản văn Tin Mừng hôm nay xác nhận.

Mời bạn: Hãy nghe với cả tâm hồm mình, hãy nghe như lần đầu tiên được nghe những lời tha thiết của Chúa: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con; này là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con…” Và bạn hãy cảm nhận niềm hạnh phúc được Chúa yêu thương đến mức đó.

Chia sẻ: Hẳn bạn từng trao tặng điều gì thật quí cho bạn hữu, người thân? Hãy mô tả kinh nghiệm ấy. Rồi bạn nhìn lại hành động của Chúa: Ngài yêu thương ta đến mức trao chính bản thân, chính sự sống của Ngài chứ không phải là một thứ gì đó ở ngoài Ngài!

Sống Lời Chúa: Bạn sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước lễ với cả tâm tình.

Cầu nguyện: Hát “Thầy yêu chúng con lời ai nói cho cùng… Thầy yêu chúng con Thầy ban trót thân mình, để nuôi chúng con ngày lưu ký trần gian…”

Thông báo

  1. Thứ tư tuần này lễ Đức Mẹ Hồn xác lên Trời, sau thánh lễ 17h30 có cuộc rước kiệu Đức Mẹ trọng thể. Mời cộng đoàn cùng tham dự.
  2. Số tiền anh chị em giúp Đại Chủng Viện tuần trước được 32 triệu 400 ngàn đồng. Hôm nay xin giúp cho quỹ bác ái của giáo xứ.
  3. Tuần này là hạn chốt nhận các bạn học viên lớp dự tòng và hôn nhân. Sau ngày 17/08 xin học khóa mới.

DANH SÁCH BỔ NHIỆM TÂN LINH MỤC 2018

  1. Micae Nguyễn Tiến Bình – Toà Tổng Giám Mục
  2. Giuse Nguyễn Thành Công – Gx. Bình Thuận (H. TSN)
  3. Giuse Đặng Kim Hải – Gx. Thủ Đức (TĐ)
  4. Martino Trịnh Quang Khải – Gx. Chợ Quán (SG-CQ)
  5. Tôma A. Nguyễn Đức Khôi – Gx. Jeanne d’Arc (SGCQ)
  6. Đaminh Nguyễn Tuấn Lộc – Gx. Thanh Đa (Gia Định)
  7. Gioan Đỗ Đức Minh – Gx. Tân Quy (Hóc Môn)
  8. Giuse Vũ Đức Minh – Gx. Fatima B. Triệu (TĐ)
  9. Gioan B. Phạm Ngọc Phương – Đại chủng viện Thánh Giuse
  10. Anphongsô Nguyễn Minh Tân – Gx. Xóm Chiếu (H. XC)
  11. Đaminh Lê Hiến Thành – Gx. Thánh Phaolô (TSN)
  12. Giuse Nguyễn Quốc Thuần – Gx. Phát Diệm (P. Nhuận)
  13. Giuse Nguyễn Trung Tín – Gx. Bình An (H. B. An)
  14. Martinô Nguyễn Đức Trọng – Đại chủng viện Thánh Giuse

12/08 – Chúa Nhật tuần 19 Thường Niên năm B.
“Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”.

Lời Chúa: Ga 6, 41-51

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. Họ nói: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống'”. Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: ‘Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo’. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. “Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

  • SUY NIỆM: Thánh Thể

Ta là bánh từ trời xuống ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời. Đức Kitô là bánh bởi trời, nhưng không phải đã rớt xuống như manna trong sa mạc. Trái lại cũng như tấm bánh được hình thành qua nhiều giai đoạn. Trước hết phải có hạt giống, phải có người gieo trồng, phải có người làm cỏ và bón phân. Rồi phải có mưa có nắng, phải có người gặt, phải có người xay bột và sau cùng phải có người làm bánh và khi ăn chúng ta phải bẻ, phải cắt ra từng miếng.

Đức Kitô tấm bánh chúng ta bẻ ra hôm nay trong bàn tiệc Thánh Thể cũng đã phải trải qua nhiều giai đoạn hình thành như thế. Có thể nói ngài là hạt lúa miến tinh tuyền đã được gieo cấy trong trần gian. Ngài đã lớn lên dưới ánh nắng mặt trời của xứ Nadarét, đã vươn lên trên nhân loại tội lỗi này, tựa như cây lúa vươn lên giữa khoảng bùn lầy. Rồi Ngài đã bị gặt hái, nghĩa là bị bắt, bị đánh đập, bị nghiền nát. Cuối cùng Ngài bị nướng trong lò nghĩa là đóng đinh, bị bẻ ra nghĩa là bị đâm thấu tận trái tim. Do đó trong tấm bánh bẻ ra hôm nay chúng ta phải thấy được Đức Kitô chịu chết như lời thánh Phaolô: Mỗi lần ăn và uống chén này là anh em loan truyền việc Chúa chịu chết. Đức Kitô không thể trở thành bánh nuôi chúng ta nếu Ngài không chấp nhận cái chết trên thập giá bởi vì Ngài có chết thì mới làm cho chúng ta được sống.

Đồng thời như chúng ta thường thấy: Bữa cơm quy tụ mọi người trong gia đình thế nào thì bàn tiệc Thánh Thể cũng quy tụ những người con cái Chúa như vậy. Ngay từ những ngày đầu tiên Giáo Hội đã ý thức rằng Thánh Thể là bí tích, là dấu chỉ sự sự hiệp nhất: Chúng ta tuy nhiều, nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh và làm nên một thân thể. Bởi đó nếu chúng ta đến nhà thờ mà không có sự chia sẻ hiệp thông thì bàn tiệc Thánh Thể chẳng còn ý nghĩa gì mấy. Chúng ta rước lấy Chúa vào lòng cũng giống như kẻ ngồi vào bàn ăn, nếu chỉ biết có mình với chén cơm, thì bữa ăn cũng chẳng còn ý nghĩa sâu xa tốt đẹp.

Do đó, phải luôn ý thức rằng Thánh Thể là dấu chỉ của sự hiệp nhất và chúng ta chỉ thực sự có quyền đón nhận Thánh Thể khi yêu thương hiệp nhất với anh em. Đưa tay đón nhận Thánh Thể Chúa cũng chính là mở rộng bày tay đón nhận tất cả mọi anh em là chỉ thể của Ngài. Mở rộng lòng đón rước Chúa là mở rộng trái tim đón nhận mọi anh em. Chúng ta đã thực sự sống tình bác ái yêu thương và hiệp nhất mà bí tích Thánh Thể đòi hỏi hay chưa?

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ. Chúa hiện diện lặng lẽ như tấm bánh nơi nhà Tạm, nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ, những người sống không ra người. Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục, nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.

Chúa hiện diện nơi Giáo Hội gồm những con người yếu đuối, bất toàn, và Chúa cũng ở rất sâu trong lòng từng kitô hữu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy Chúa đang tạo dựng cả vu trụ và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa. Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra Chúa đang hẹn gặp con nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường. Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi, thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa. Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa trên bước đường đời của con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180811110000

Hôm 11 tháng 8 năm 2018, ngày vui của Giáo Phận Sài Gòn, cách riêng của Đức Hồng Y G. B. Phạm Minh Mẫn bởi lẽ hôm nay gia đình Giáo Phận mừng kỷ niệm ngày này cách đây 25 năm Đức Hồng Y G. B. lãnh nhận chức Giám Mục.

Tất cả là hồng ân và tất cả là hồng ân ! Đơn giản để nói như vậy về con người, cuộc đời và đời tận hiến của Đức Hồng Y.

10 g 00 sáng nay, tại Trung Tâm Mục Vụ, gia đình Giáo Phận Sài Gòn, Giáo Phận Cà Mau, Giáo Phận Mỹ Tho và nhiều giám mục cũng như linh mục, giáo dân đã hiệp cùng với Đức Hồng Y trong Thánh Lễ tạ ơn.

Trước khi bước vào Thánh Lễ, Cha Tổng Đại Diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân giới thiệu với cộng đoàn quý Đức Cha hiện diện trong Thánh Lễ hôm nay. Ngoài 2 Đức Cha của Giáo Phận Sài Gòn, hiện diện trong Thánh Lễ này có Đức Cha chính và phó Xuân Lộc, Đức Cha giáo phận Bùi Chu, Đức Cha phó giáo phận Long Xuyên, Đức Cha chính Mỹ Tho, Phú Cường, Cần Thơ.

Sau khi giới thiệu quý Đức Cha, Cha Tổng đọc thư chúc mừng của Đức Thánh Cha gửi đến Đức Hồng Y nhân ngày mừng Lễ. Trong thư, Đức Giáo Hoàng lượt qua những kỷ niệm, những dấu ấn đời Đức Hồng Y từ thời đấng tiền nhiệm là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Cha Tổng công bố thư xong, Đức Hồng Y ngỏ tâm tình cảm ơn quý Đức Cha, quý Cha, cộng đoàn dân Chúa đã đến hiệp thông và cầu nguyện cho Đức Hồng Y trong ngày mừng này.

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Giám Quản Giáo Phận Sài Gòn đã chủ tế cũng như bắt đầu Thánh Lễ tạ ơn sau lời của Đức Hồng Y.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho đã “chú giải”một chút về trách nhiệm cũng như sứ vụ giảng Lễ hôm nay.

Đức Cha Phêrô kể lại kỷ niệm ngày này cách đây 25 năm, Đức Cha G. B. được phong chức để làm giám mục Mỹ Tho nên rồi hôm nay Đức Cha Phêrô phải có trách nhiệm để chia sẻ.

Đức Cha Phêrô mượn hình ảnh đôi vợ chồng trẻ ngày xưa kể lại việc sinh hạ, ơn gọi của Gioan Tẩy Giả ngày xưa để soi rọi vào cuộc đời của Đức Hồng Y G.B.

“Hôm nay, chúng ta nhìn lại quá khứ đời Đức Hồng Y, chúng ta cảm nhận được : “Quả thật ! Bàn tay của Chúa ở với nó !”.

Không bao giờ Thiên Chúa chọn , Chúa can thiệp vào đời ai đó thì luôn luôn trao vào đời người đó một sứ mạng. Sứ mạng của Thánh Gioan thật rõ như sứ thần đã nói : Cháu sẽ đi trước mặt Chúa, dọn lối cho Người. Sứ mạng của Đức Hồng Y thì sao ? Tôi nhớ lại vào thời điểm Ngài làm giám mục phó Mỹ Tho và sau đó làm Giám Mục Sài Gòn thì gặp nhiều khó khăn. Có thể khó khăn trong Giáo Hội vì thiếu hiệp nhất hay khó khăn bên ngoài.

Khó khăn cho Ngài khi làm giám mục là hiệp nhất trong Giáo Hội mà thiết lập tương quan mà không đánh mất căn tính của mình. Để hoàn thành sứ mạng đó thì Giám Mục phải có lòng bao dung và điềm tĩnh. Phải có tầm nhìn, bao dung.

Trước hết là tầm nhìn.

Từ giám mục trong tiếng Hy Lạp là người nhìn từ trên cao. Nhìn từ trên cao thì mới nhìn rộng, nhìn bao quát. Về mặt Thần Học, nhìn từ trên cao hàm nghĩa cái nhìn từ Thiên Chúa – Đấng ngự trên cao. Cái nhìn của Chúa Giêsu trên thập giá là tầm nhìn từ trên cao. Giám Mục là người có tầm nhìn từ trên cao.

Trong những năm gần gũi làm việc với Đức Hồng Y : “Chúng ta chẳng theo ai ! Chúng ta chỉ theo Chúa”.

Điều quan trọng là chúng ta cầu nguyện, tìm ý Chúa, chẳng theo phe nào, nhóm nào. Theo Chúa. Cùng cái nhìn từ trên cao là lòng bao dung. Tại sao ? Vì không có tổ chức nào, không có cộng đoàn nào mà không có những khác biệt. Có những khác biệt do tầm nhìn và xung đột lợi ích. Người lãnh đạo bao dung, vượt trên những xung đột để xây dựng sự bình an của mình.

Chính vì vậy, cùng với lòng bao dung phải có sự điềm tĩnh.

Một cộng đoàn lớn thì có nhiều xung đột cho nên cần điềm tĩnh và cân nhắc trong quyết định của mình là người lãnh đạo.

Con xin lỗi Đức Hồng y vì có người tặng cho Đức Hồng Y danh hiệu là “Giám Mục Tủ lạnh”. Nhưng, ẩn bên dưới tủ lạnh không phải là dửng dưng hay hững hờ nhưng cần điềm tĩnh để cân nhắc, bàn hỏi những quyết định chín chắn, phải bàn hỏi vì nó ảnh hưởng cả Giáo Phận và Giáo Hội. Với tầm nhìn rộng, bao dung, Đức Hồng y cộng tác với ơn Chúa để tạo nên sự ổn định và phát triển những nơi Ngài được giao trách nhiệm như Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

Tôi chỉ xin nêu vài điều mà anh chị em biết : Đức Hồng Y G. B. là vị tổng giám mục đầu tiên được nâng lên hàng hồng y. Trước đây chưa có ! Không biết sau này có không ? Đó là điều đặc biệt. Đức Hồng Y được dự cơ mật viện 2 lần. Có nhiều hồng y không được đi bầu và cùng lắm 1 lần là quý nhưng ngài được 2 lần.

Đức Hồng Y phong chức cho 3 giám mục. 1 giám mục may mắn phong chức cho 1 vị phụ tá hay kế mình. Đàng này phong đến 3. 3 vị phong chức thì mất 2 rồi. Nói như ngoài đời, số ngài lớn. Cái ông đang đứng nói ở đây cũng làm lo lắng.

Đức Hồng Y còn phong chức cho 300 linh mục. Tôi gặp nhiều giám mục nước ngoài khoe được phong chức 2 linh mục. 5 năm trước không có anh nào nhưng nghe 2 anh mừng lắm. Nếu kể cho mấy ông đó nghe Đức Hồng Y phong chức 300 chắc mấy ông trợn mắt.

Đức Hồng Y đã tái lập hoạt động của nhiều hội đoàn. Ngài cũng lập Trung Tâm Mục Vụ. Tất cả những điều đó đều là hồng ân Chúa ban. Chính vì thế, chúng ta quy tụ nhau đây để cùng Đức Hồng Y dâng lời tạ ơn Chúa. Như Chúa gọi Abraham thì Chúa cũng chọn Đức Hồng Y, chọn Ngài tham dự sứ mạng của Chúa bằng ân huệ nhưng không như chính lá thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc.

Cùng với lời tạ ơn Chúa, chúng ta cũng phải cảm ơn Đức Hồng Y vì như tổ phụ Abraham ngày xưa khi Chúa kêu gọi thì đã đáp lại. Đức Hồng Y cũng đã đáp lại trong những lúc khó khăn. Tôi làm giám mục phụ tá với Ngài nhiều năm. Không phải lúc nào cũng đầy ánh sáng. Nhiều khi tăm tối lắm. Thánh Phaolô nói về Abraham : ông đi mà không biết mình đi đâu.

Đức Hồng Y G. B. cũng vậy, không biết mình đi đâu, không biết đâu là lợi ích cho Giáo Phận nhưng Ngài kiên trì gắn bó với Thiên Chúa, mang lại hoa trái cho Giáo Phận cho nên chúng ta tạ ơn.

Ngày Lễ hôm nay không mang tính lễ hội nhưng sự kiện mang tính Giáo Hội vì Giám Mục lãnh đạo giáo hội địa phương cho nên mừng Ngân Khánh Giám Mục của Đức Hồng Y. Vì vậy, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau trong chức năng của mỗi người, chúng ta góp nhau xây dựng một Giáo Hội Công Giáo, thánh thiện và tông truyền như trong Kinh Tin Kính.

Thánh Lễ tạ ơn mừng kỷ niệm Ngân Khánh Giám Mục của Đức Hồng Y G. B. đã khép lại nhưng lời tạ ơn cũng như lời nguyện xin vẫn cứ tiếp tục bởi lẽ ơn Chúa ngày mỗi ngày vẫn trào tràn trên cuộc đời của Đức Hồng Y, của Giáo Phận Sài Gòn và cả Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta, như lời Đức Cha Phêrô chia sẻ, chúng ta cũng cảm tạ Đức Hồng Y vì những gì mà Đức Hồng Y đã đóng góp cho Giáo Hội cũng như giáo phận Sài Gòn, Mỹ Tho … Xin tiếp tục trao phó cuộc đời Đức Hồng Y G. B. kính yêu như ngày nào ông bà cố đã trao dâng Đức Hồng Y trong ngày Ngài lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy như thánh Gioan Tẩy Giả ngày xưa vậy.

Người Giồng Trôm

11/08 – Thứ bảy tuần 18 thường niên – Thánh Cơlara, trinh nữ. Lễ nhớ.
“Nếu các con có lòng tin, thì chẳng có gì các con không làm được”.

Lời Chúa: Mt 17, 14-19

Khi ấy, có một người đến gần, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu mà nói rằng: “Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong và rất trầm trọng: nó thường ngã vào lửa và lắm lúc nó ngã xuống nước. Tôi đã đem nó đến cùng môn đệ Ngài, nhưng các ông không thể chữa nó được”. Chúa Giêsu đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng! Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Hãy đem nó lại đây cho Ta”. Chúa Giêsu quát mắng quỷ và quỷ liền ra khỏi đứa bé. Và nó được lành ngay trong lúc ấy.

Bấy giờ các môn đệ đến hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng con không thể trừ quỷ ấy được?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Vì các con yếu lòng tin! Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được”.

  • SUY NIỆM: Ðức Tin Rất Cần Thiết

Thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người”. Sở dĩ như vậy là vì Thiên Chúa dựng nên con người có tự do, và tự do bao hàm sự lựa chọn tin nhận hoặc khước từ Thiên Chúa. Ðức tin cần thiết cho con người, không những để được cứu rỗi, mà còn để biết vui tươi đón nhận những biến cố trong đời sống theo thánh ý Chúa.

Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chữa một đứa bé bị kinh phong. Có thể nói, không có gì đặc biệt, nếu phép lạ được thực hiện do Chúa Giêsu, bởi vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng làm được mọi sự. Nhưng điều quan trọng là phép lạ có thể xẩy ra là do đức tin của con người. Thật thế, trong bất cứ phép lạ nào, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi con người phải tin, hoặc chính đương sự hoặc cha mẹ hay người bảo trợ. Là Ðấng Cứu Thế, Chúa Giêsu yêu thương và muốn cứu chữa con người khỏi mọi tật bệnh; nhưng mỗi khi thực hiện phép lạ để cứu chữa một người nào, Ngài cũng đòi phải có đức tin. Nếu việc cứu chữa riêng lẻ đó chỉ là hình ảnh lu mờ của việc cứu chữa tối hậu mà Chúa còn đòi hỏi đức tin, thì để được cứu rỗi trong thời cứu độ viên mãn, đức tin còn cần thiết biết chừng nào.

Kết thúc bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì chẳng có gì các con không làm được. Ðức tin làm cho chúng ta từ con người tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa; đức tin giúp cho những việc tầm thường trong đời sống trở thành có giá trị vĩnh cửu; đức tin cho chúng ta có cái nhìn lạc quan tin tưởng vào mọi biến cố cuộc sống; đức tin giúp con người làm được những điều mà người không có đức tin không hiểu nổi: các thánh tử đạo can đảm chấp nhận cái chết đau thương, các thánh hiển tu đã từ bỏ tất cả để hoàn toàn sống theo Chúa.
Nguyện xin Chúa củng cố đức tin của chúng ta để nhận ra bàn tay Chúa luôn dẫn dắt chúng ta và luôn sống trong bình an dưới sự chăm sóc của Ðấng Toàn Năng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải, để con làm bật rễ khỏi lòng con những ích kỷ và khép kín. Xin cho con đức tin can đảm để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến, chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay. Xin cho con đức tin sáng suốt để con thấy được thế giới mà mắt phàm không thấy, thấy được Đấng Vô hình, nhưng rất gần gũi thân thương, thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ. Xin cho con đức tin liều lĩnh, dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân, dám tiến bước trong bóng đêm chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa, dám lội ngược dòng với thế gian và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó. Xin cho con đức tin vui tươi, hạnh phúc vì biết những gì đang chờ mình ở cuối đường, sung sướng vì biết mình được yêu ngay giữa những sa mù của cuộc sống. Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp qua những cọ xát đau thưong của phận người, để dù bao thăng trầm dâu bể, con cũng không để tàn lụi niềm tin vào Thiên Chúa và vào con người.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180810110000

10/08 – Thứ sáu tuần 18 thường niên – THÁNH LÔRENXÔ PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO. Lễ kính.
“Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

Lời Chúa: Ga 12, 24-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

  • SUY NIỆM: Tài sản của Giáo Hội

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được tôn kính rất nhiều trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo: đó là thánh Lôrenxô. Thật ra, người ta biết rất ít về vị thánh này…

Theo tương truyền, thì Lôrenxô là một vị phó tế người Roma phục vụ Giáo Hội dưới thời Ðức Giáo Hoàng Sixtô II, và có lẽ cũng đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại của Hoàng đế Velerianô vào thế kỷ thứ 3.

Chuyện kể lại rằng, cũng như các phó tế trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Lôrenxô được giao phó trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo Hội và trợ giúp người nghèo. Ngày nay chúng ta gọi là hoạt động xã hội của Giáo Hội.

Sau khi Ðức Sixtô II bị bắt giữ, phó tế Lôrenxô cũng đã nghĩ ngay đến số phận chờ đợi mình mà Giáo Hội phải trải qua. Ngài tập trung lại tất cả những người nghèo, các bà góa và các em cô nhi tại Roma. Tất cả tài sản của Giáo Hội, ngài phân phát cho họ. Ðể cung cấp đủ cho số người túng thiếu quá đông, ngài đã cho bán cả các chén thánh dùng trong phụng tự…

Hoạt động bác ái quá rầm rộ này không mấy chốc đến tai viên thị trưởng Roma. Ông cho rằng, Giáo Hội phải có rất nhiều kho tàng. Thế là Lôrenxô đã bị điệu đến để cung khai về tất cả tài sản của Giáo Hội. Vị phó tế khôn ngoan này đã xin hoãn lại một thời gian để xếp đặt mọi sự và lập danh sách của cải của Giáo Hội. Trong suốt ba ngày, ngài cho triệu tập những người tàn tật, đui mù, góa bụa, cô nhi… và cho họ xếp hàng đứng trước dinh viên thị trưởng. Rồi ngài dõng dạc tuyên bố: “Ðây là tất cả tài sản của Giáo Hội”.

Viên thị trưởng đã cho lời tuyên bố này là một thách thức ngạo mạn. Ông truyền lệnh cho thiêu sống Lôrenxô trên một chiếc giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay phiên nhau để quay trở thân xác của thánh nhân như một con thú…

Câu chuyện trên đây có thể chỉ là sản phẩm của một lòng tôn kính cao độ mà các tín hữu thời sơ khai dành cho một vị thánh. Nhưng, dù không biết nhiều về vị thánh này, chúng ta vẫn có thể xác quyết một điều: ngài đã chết vì Ðức Kitô. Sự thánh thiện ở thời đại nào cũng được định nghĩa như một sự đáp trả hoàn toàn đối với lời mời gọi bước theo Ðức Kitô.

Sống và chết cho Ðức Kitô: đó là ơn gọi từng ngày của người Kitô. Có nhiều hình thức bắt đạo khác nhau: từ những sắc lệnh cấm đạo công khai cho đến những hạn chế tự do tín ngưỡng một cách tinh vi.
Có nhiều hình thức tử đạo khác nhau: từ cảnh đầu rơi, máu đổ cho đến những cái chết dần mòn trong nơi lao tù, cũng như những khước từ hy sinh từng ngày mà mỗi người Kitô đang phải trải qua.
Sống trọn vẹn ơn gọi của người Kitô cũng là một hình thức tử đạo từng ngày. Quyết trí trung thành lắng nghe tiếng nói của lương tâm để không chạy theo những cám dỗ của quyền lực, của tiền bạc, của gian dối, của lường gạt: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.

Quyết trí trung thành với Giáo Hội dù phải chịu những phân biệt đối xử, dù phải bị tước đoạt quyền lợi: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, Xin hãy khắc ghi thật sâu vào tâm trí con Lời Chúa dạy về hy sinh và phục vụ. Vì công nghiệp của thánh Laurentio tử đạo, xin ban cho con ơn can đảm và trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh và ngay cả khi phải hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh em.

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180809110000

09/08 – Thứ năm tuần 18 thường niên.
“Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời”.

Lời Chúa: Mt 16, 13-23

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Kitô.

Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

  • SUY NIỆM: Vác Thập Giá Theo Chúa Giêsu

Có lẽ chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh của Thập giá. Nơi nào có người Kitô hữu thì nơi đó có Thập giá. Vào thời Chúa Giêsu, Thập giá là một cực hình làm cho con người khiếp sợ, tủi hổ. Hằng ngày, người Do thái chứng kiến cảnh các tội nhân vác những khúc gỗ lớn tuần hành qua các khu phố trước khi đến Núi Sọ; những khúc gỗ sần sùi ấy sẽ được sử dụng để treo chính các tội nhân.
Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết của Ngài, đồng thời mời gọi các môn đệ Ngài cũng hãy vác Thập giá của mình để tiến bước theo Ngài. Theo Chúa Giêsu, đó là lời mời gọi cốt yếu của Kitô giáo. Vì sự nghiệp, vì lý tưởng, người ta có thể hy sinh mạng sống của mình. Một người vô tín ngưỡng có thể vì lý tưởng dám hy sinh tất cả cuộc đời của mình; thế nhưng điểm chính yếu của Tin Mừng lại là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Ðời sống Kitô giáo chỉ có thể là đời sống, nếu nó được tiếp tục nuôi dưỡng bởi con người Chúa Kitô như là nguồn mạch của sự sống.

Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang Thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Ðấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất công trình cứu rỗi của Ngài. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải đươc tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: “Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô”.

Thập giá đang được vẽ lại dưới muôn nghìn hình thức. Chúa Kitô đang tiếp tục vác Thập giá với những người đang bị giam giữ một cách bất công, những người bị tước đoạt quyền sống, những người bị tra tấn và hành hạ. Chúa Kitô đang tiếp tục cuộc tử nạn của Ngài qua con người chúng ta. Người Kitô hữu chịu gian khó thử thách vì ý thức rằng Chúa Kitô đang sống trong chúng ta.

Xin cho Lời Chúa và sức sống của Chúa nâng đỡ chúng ta, để giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống hiện tại, chúng ta luôn kiên vững và an vui.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, Xin nhìn đến Hội Thánh của Chúa trên khắp hoàn cầu, Hội Thánh Chúa đã lập bằng rất nhiều tình yêu. Xin nhìn đến những nơi thiếu nhà thờ, cần chủ chăn, những đồng lúa chín vàng chờ người gặt. Xin nhìn đến những thánh đường vắng bóng giáo dân, những chủng viện và tập viện phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi. Xin thương những kitô hữu đang bị bách hại ở nhiều nơi, và bao người trẻ mất đức tin, mất niềm hy vọng vào Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Hội Thánh sau hai ngàn năm đã lớn mạnh hơn nhiều, nhưng vẫn bị đe dọa bởi bao sóng gió bên ngoài và bên trong. Xin cho Hội Thánh biết không ngừng canh tân nhờ Thánh Thần, để có thể đồng hành và đối thoại với con người hôm nay. Xin cho các kitô hữu sống thánh thiện như Cha trên trời. để những khiếm khuyết của chúng con khỏi làm cớ cho nhiều người bỏ Chúa. Cuối cùng, xin Chúa cho Hội Thánh chúng con những vị thánh mới, tươi tắn, khiêm hạ và nhân từ như Chúa, để cuộc sống ngát hương của họ khiến Hội Thánh đáng tin hơn, và chinh phục được những tâm hồn chưa biết Chúa.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180808110000

  • Thánh lễ:

Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00.
Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00.

Những ngày lễ lớn, giờ lễ cụ thể sẽ được cập nhật theo các bản tin bên dưới.

  • Giải tội:

Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường;
Chúa nhật: 17g00-19g00.

  • Chầu Thánh Thể:

Mỗi ngày – Tại nhà chầu;
Chúa nhật – 15g00 tại Nhà Thờ.

  • Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa nhật mỗi cuối tháng.

Lịch làm việc Văn phòng Giáo Xứ:

  • T3-T7: 7g30-11g30; 14g30-18g30.
  • Chúa nhật: 6g30-10g30; 16g30-20g30.
    (Thứ hai nghỉ cả ngày).

========= English =========

  • Mass Schedule:

Weekdays: 5h00; 6h15; 17h30; 19h00.
Sunday: 5h00; 6h15; 7h30; 9h00; 16h00; 17h30; 19h00.

Please note that all mass are in Vietnamese. In special events, Mass Times will be update in articles below.

  • Reconciliation:

Weekdays: After morning mass and before evening mass;
Sunday: 17h00-19h00.

  • Eucharistic Adoration:

Everyday – Anytime at Adoration Chapel;
Sunday – 15h00 at Main Church.

  • Infant baptism: 10h15 last Sundays each month.

Church office’s working schedule:

  • From Tuesday to Saturday: 7h30-11h30; 14h30-18h30.
  • Sunday: 6h30-10h30; 16h30-20h30.
    (Monday closed).

08/08 – Thứ tư tuần 18 thường niên – Thánh Đaminh, linh mục. Lễ nhớ.
“Này bà, bà có lòng mạnh tin”.

Lời Chúa: Mt 15, 21-28

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”.

Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”.

Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.

Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

  • SUY NIỆM: Sống Niềm Tin

Mahatma Gandhi, người có công giành độc lập cho Ấn Ðộ bằng con đường bất bạo động, đã có lần tuyên bố: “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không phục những người Kitô hữu”. Câu nói của con người đã từng lấy giáo lý của Chúa Kitô làm nền tảng cho chủ trương bất bạo động đáng làm cho chúng ta suy nghĩ.

Giáo lý của Chúa Kitô thì cao đẹp, nhưng nhiều Kitô hữu làm cho bao nhiêu người xa lánh Giáo Hội, chỉ vì cuộc sống của họ đi ngược lại với những gì họ tuyên xưng. Người ta thường nói: “Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Ðôi khi chúng ta cảm thấy gần gũi với những người láng giềng hơn là với những người thân thuộc. Trong liên hệ với Chúa Giêsu cũng thế, có biết bao người chưa từng được nghe nói đến Chúa Giêsu, có biết bao người không mang danh hiệu Kitô, nhưng lại gần gũi với Chúa Kitô và sống tinh thần Kitô hơn chính những người Kitô hữu.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cao lòng tin của người đàn bà xứ Canaan, tức là một người ngoại giáo. Một trong những điều hẳn sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng, đó là trên Thiên đàng, chúng ta sẽ gặp gỡ những người chúng ta chưa từng quen biết, ngay cả những người chưa một lần mang danh hiệu Kitô hay đặt chân đến nhà thờ.

Thời Chúa Giêsu, có biết bao người ngoại giáo có lòng tin sâu sắc hơn cả những người Do thái. Trước hết, tiên tri Isaia đã từng khiển trách lòng giả dối của người Do thái: “Dân này thờ Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng họ thì xa Ta”. Thời Chúa Giêsu, có biết bao người bị loại ra khỏi xã hội, bị đặt bên lề Ðền thờ, và có lẽ cũng không hề thuộc toàn bộ lề luật của Môsê, nhưng lại có lòng sám hối và tin tưởng sâu xa hơn. Nói với những người chỉ giữ đạo một cách hình thức, Chúa Giêsu đã cảnh cáo: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời; nhưng là những kẻ thực thi ý Chúa”.

Người đàn bà Canaan có lẽ không hề biết đến lề luật Môsê, nhưng đã sống niềm tin của mình một cách mãnh liệt. Lòng tin đó được thể hiện qua việc phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Chúa Giêsu. Trong tình thế hầu như tuyệt vọng, bà đã chạy đến với Chúa Giêsu; sự van nài của bà cho thấy sự kiên nhẫn và lòng tin sắt đá của bà. Sự khác biệt cơ bản giữa một người có niềm tin và một người không có niềm tin, không hệ tại ở danh hiệu Kitô hay những thực hành đạo đức, mà chính là lòng tin. Tin vào sự hiện diện quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc sống, tin vào tình yêu vô biên của Ngài, tin vào ý nghĩa của cuộc sống, tin vào tình người, đó là sắc thái chủ yếu của người có niềm tin: chính trong niềm tin đó, con người gặp gỡ Chúa Giêsu.

Trong một hoàn cảnh mà cái nhìn của con người có thể cho là tuyệt vọng, người Kitô hữu hơn bao giờ hết được mời gọi để nêu cao niềm tin của mình. Ðây là thời điểm để họ chứng tỏ bản sắc đích thực của mình. Trong cuộc sống chỉ có nghi kỵ và hận thù, họ được mời gọi để đốt lên ngọn đuốc của yêu thương. Trong một xã hội bị gậm nhấm bởi chán nản tuyệt vọng, họ được mời gọi để mang lại niềm hy vọng. Chỉ khi nào giữ đúng vai trò đó, người Kitô hữu mới thực sự xứng đáng với danh hiệu của mình.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải, để con làm bật rễ khỏi lòng con những ích kỷ và khép kín. Xin cho con đức tin can đảm để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến, chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay. Xin cho con đức tin sáng suốt để con thấy được thế giới mà mắt phàm không thấy, thấy được Đấng Vô hình, nhưng rất gần gũi thân thương, thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ. Xin cho con đức tin liều lĩnh, dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân, dám tiến bước trong bóng đêm chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa, dám lội ngược dòng với thế gian và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó. Xin cho con đức tin vui tươi, hạnh phúc vì biết những gì đang chờ mình ở cuối đường, sung sướng vì biết mình được yêu ngay giữa những sa mù của cuộc sống. Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp qua những cọ xát đau thuong của phận người, để dù bao thăng trầm dâu bể, con cũng không để tàn lụi niềm tin vào Thiên Chúa và vào con người.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180807110000