30/09 – Chúa Nhật tuần 26 Thường Niên năm B.

“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”.

Lời Chúa: Mc 9, 37-42. 44. 46-47

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”.

Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.

  • SUY NIỆM: Quyền nhân danh Chúa

Bảo vệ quyền lợi là một khuynh hướng chúng ta có thể tìm thấy ngay cả ở những người đã được Thiên Chúa tuyển chọn.

Thực vậy, trong Cựu Ước, Giosuê, người tuỳ tùng của Maisen đã muốn dành ơn nói tiên tri cho một số thân tín của mình mà thôi. Con trong Tân Ước, các tông đồ đã ngăn cấm những kẻ không thuộc nhóm 12 của các ông được nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ. Thái độ của Gioduê và của các tông đồ đã tỏ lộ một cái nhìn hẹp hòi và cục bộ về quyền năng của Chúa được ban cho các ông. Các ông đã chủ quan mà nghĩ rằng: Quyền năng các ông có trong việc trừ quỷ là do thuộc về nhóm Mười Hai và được Chúa tuyển chọn. Các ông quên rằng mình đã trừ quỷ nhân danh Chúa Giêsu, chứ không phải tự khả năng của bản thân mình. Như vậy Chúa Giêsu đã bị che khuất, hay đúng hơn đã bị giới hạn bởi cái đầu óc phe nhóm và bè phái.

Thế nhưng, Thiên Chúa không muốn người ta đóng khung quyền năng của Ngài, cũng không muốn để ai chiếm lấy quyền năng đó làm của riêng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã giúp các môn đệ nhận ra sự thật, Ngài nói: Không ai nhân danh Thầy làm phép lạ, rồi lại có thể nói xấu Thầy. Các tông đồ có thể trừ được quỷ, không phải nhờ ở việc các ông thuộc về nhóm Mười Hai, mà chính là nhờ danh Chúa Giêsu, nhờ ở quyền năng của Thiên Chúa. Như thế, nhân danh Chúa Giêsu mà làm phép lạ và truỳ quỷ, tức là đã tin vào Ngài. Và một người đã làm được các phép lạ nhờ ở một lòng tin, sẽ không thể quay lưng chống lại Ngài.

Như thế, quyền năng người ta có được là do lòng tin ở Chúa, chứ không phải do bất cứ tước hiệu nào người ta mang lấy. Sở dĩ các tông đồ làm được viêc nọ việc kia cũng là do bởi đã tin vào Chúa và đã thuộc về Ngài. Phêrô sau này đã hiểu rõ bài học trên đây của Chúa Giêsu, khi ông đứng trong sân đền thờ và chữa lành cho người bất toại. Ông nói: Chính nhờ tin vào danh Đức Kitô mà anh này, như quý vị đã thấy, được làm cho vững mạnh. Và thánh Phaolô trong bức thư gởi tín hữu Côrintô cũng đã lập luận: Vậy những kẻ thuộc về Ngài thì hành động như Ngài, cũng thế, những kẻ hành động như Ngài thì thuộc về Ngài.

Để giúp các ông loại bỏ óc bè phái vị lợi, cũng như để giúp các ông biết tôn trọng những người đã tin ở Ngài, Chúa Giêsu xác quyết: Một việc làm nhỏ đối với những người tin, dù chỉ là cho đi một ly nước lã, cũng đáng được ân thưởng. Trái lại, làm cớ vấp phạm cho một kẻ bé mọn, đã tin vào Chúa, thì cũng đáng bị xô xuống biển. Là những người tín hữu, chúng ta có biết thực sự cộng tác với nhau, để danh Chúa mỗi ngày một cả sáng và Nước Chúa mỗi ngày một rộng mở hay không?

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con. Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa. Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa. Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái. Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt. Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu. S.J

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180929110000

  1. Thứ hai tuần này 01/10 lễ Thánh Têrêsa bổn mạng ca đoàn Têrêsa, xin cộng đoàn cùng cầu nguyện cho ca đoàn được luôn hăng say phục vụ bằng lời ca tiếng hát trong thánh lễ 6 giờ 15 Chúa Nhật hàng tuần.
  2. Số tiền anh chị em giúp cho việc xây dựng nhà thờ Đức Vọng – Giáo phận Vinh được 336 triệu 500 ngàn đồng. Xin cảm ơn các anh chị em. Hôm nay xin cộng đoàn giúp cho quỹ bác ái của giáo xứ.
  3. Chúa Nhật tuần tới 07/10 lễ Mân Côi, xin anh chị em nhắc nhớ nhau siêng năng lần hạt Mân Côi và cùng nhau thực hiện chuỗi Mân Côi liên kết với giáo xứ.

LỊCH TUẦN 30/09 – 06/10

  • Chúa nhật, 30/09: CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN
  • Thứ hai, 01/10: THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. BỔN MẠNG CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO. Lễ kính.
  • Thứ ba, 02/10: Các Thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ.
  • Thứ tư, 03/10:
  • Thứ năm, 04/10: Thứ năm đầu tháng. Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.
  • Thứ sáu, 05/10: Thứ sáu đầu tháng.
  • Thứ bảy, 06/10: Thứ bảy đầu tháng, Thánh Brunô, linh mục.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

GXTĐ – Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích)
Đức Giáo Hoàng Phanxico

101. Chúng ta đã lặp đi lặp lại rằng để yêu thương nhau, trước hết chúng ta phải yêu thương chính mình. Tuy nhiên, bài ca của Thánh Phaolô nêu rõ rằng tình yêu “không tìm ích lợi riêng mình”, cũng không “tìm kiếm chính mình”. Ý tưởng tương tự được diễn tả trong một bản văn khác: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4). Thánh Kinh cho thấy rõ rằng việc quảng đại phục vụ người khác thì cao quý hơn là yêu thương chính mình. Việc yêu thương chính mình chỉ quan trọng như một điều kiện tâm lý để có thể yêu thương người khác: “Nếu một ai bần tiện với chính mình, thì người ấy sẽ quảng đại với ai? Không ai ác hơn là người ác với chính mình” (Hc 14,5-6).

5 phút Lời Chúa Mỗi Ngày: Đức Giê-su bảo: “Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,40)

Suy niệm: Gio-an đòi loại trừ những người “không thuộc nhóm chúng ta” mà lại dám nhân danh Thầy Giê-su để trừ quỉ. Chúa Giê-su bác bỏ quan điểm đó và dạy các môn đệ phải có cái nhìn bao dung: Sứ mạng tại thế của Chúa Giê-su là xây dựng Nước Thiên Chúa. Khác với nước thế gian có ranh giới, có lãnh thổ, Nước Thiên Chúa không bị giới hạn bởi đất đai, màu da, hay chủng tộc, nhưng được loan báo cho mọi người thành tâm thiện chí, những người đứng về phía sự thật (Ga 19,37). Vì thế, chỉ có sự dữ là kẻ thù phải loại trừ, còn mọi người đều được đón nhận và Nước Thiên Chúa với điều kiện họ đứng về phía sự thật.

Mời bạn: Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giê-su, sứ mạng của Giáo Hội là làm cho Nước Thiên Chúa được loan báo đến cho mọi người. Trong một thế giới đa nguyên về ý thức hệ, văn hóa và tôn giáo, việc sống tinh thần bao dung của Chúa Ki-tô là rất quan trọng. Thay vì loại trừ người khác chỉ vì họ không thuộc về nhóm của mình, chúng ta được mời gọi để nhận ra trong thế giới đầy rẫy khác biệt này vẫn có đông đảo những người đứng về phía sự thật, họ là những người ủng hộ Chúa Ki-tô bởi vì họ không chống lại Ngài.

Chia sẻ: Chúng ta đang có thái độ, cách cư xử thiếu khôn ngoan nào khiến cho Tin Mừng Chúa Ki-tô không đến được với anh em lương dân?

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ với ý cầu nguyện cho công cuộc rao giảng Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết đón nhận những dị biệt của anh em và để nhờ đó hạt giống Tin Mừng được gieo vãi và nảy nở trong tâm hồn họ.

THÔNG TIN GIÁO XỨ:

Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. Đaminh Phạm Khắc Duy – Lm. Phêrô Ngô Lập Quốc.

Thánh lễ:

  • Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00
  • Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

  • T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
  • Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
  • Thứ hai nghỉ cả ngày

LỊCH TUẦN 30/09 – 06/10

  • Chúa nhật, 30/09: CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN
  • Thứ hai, 01/10: THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. BỔN MẠNG CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO. Lễ kính.
  • Thứ ba, 02/10: Các Thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ.
  • Thứ tư, 03/10:
  • Thứ năm, 04/10: Thứ năm đầu tháng. Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.
  • Thứ sáu, 05/10: Thứ sáu đầu tháng.
  • Thứ bảy, 06/10: Thứ bảy đầu tháng, Thánh Brunô, linh mục.

THÁNG MÂN CÔI

Chuỗi Mân Côi là một lối cầu nguyện theo Tin Mừng, là một chuỗi tình yêu gồm những lời yêu thương chân thành và đơn sơ nhất: hãy nhìn ngắm, tôn thờ, chiêm ngưỡng, suy niệm những mầu nhiệm của Chúa Giê-su và thì thầm những lời ca ngợi, những câu nài xin với Đấng đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Thế.

Các tín hữu nên cầu nguyện bằng kinh Mân Côi và hiểu rõ bản chất cũng như tầm quan trọng của kinh này. Những ai lần chuỗi Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện, hoặc trong gia đình, trong cộng đoàn tu trì, trong hiệp hội đạo đức, hoặc khi nhiều người họp nhau nhằm mục đích tốt, thì được hưởng một ơn đại xá; còn đọc trong những hoàn cảnh khác thì được hưởng một ơn tiểu xá (Ench. Indulg., ấn bản 1999, concession 17).

THÔNG BÁO

  1. Thứ hai tuần này 01/10 lễ Thánh Têrêsa bổn mạng ca đoàn Têrêsa, xin cộng đoàn cùng cầu nguyện cho ca đoàn được luôn hăng say phục vụ bằng lời ca tiếng hát trong thánh lễ 6 giờ 15 Chúa Nhật hàng tuần.
  2. Số tiền anh chị em giúp cho việc xây dựng nhà thờ Đức Vọng – Giáo phận Vinh được 336 triệu 500 ngàn đồng. Xin cảm ơn các anh chị em. Hôm nay xin cộng đoàn giúp cho quỹ bác ái của giáo xứ.
  3. Chúa Nhật tuần tới 07/10 lễ Mân Côi, xin anh chị em nhắc nhớ nhau siêng năng lần hạt Mân Côi và cùng nhau thực hiện chuỗi Mân Côi liên kết với giáo xứ.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

Theo Sách Thánh thì Thiên Chúa đã dựng nên rất đông các tạo vật thiêng liêng vô hình và các thánh tiến sĩ thì nói có lẽ các thần này được dựng nên trong ngày thứ nhất khi bắt đầu công việc tạo dựng.

Thiên Chúa dựng nên các thiên thần để chầu chực hầu hạ Đức Chúa Trời, giúp đỡ loài người và gìn giữ vũ trụ.

Theo như các lần các ngài xuất hiện, hiện ra, ta thấy các ngài là những vị thiêng liêng, tốt lành, quyền phép, mạnh mẽ và mau lẹ. Các ngài cũng đã từng trải qua cuộc thử thách. Trong cuộc thử thách này có một số đông đã tỏ ra không chịu thần phục Thiên Chúa. Đứng đầu là Luciphe nên đã bị Thiên Chúa loại bỏ.

MICAE

Theo sách Khải huyền của thánh Gioan thì khi ấy trên trời có một cuộc đại chiến. Một bên do Đức Micae lãnh đạo, bên kia là do Luciphe. Micae là thiên thần dũng mãnh. Với khẩu hiệu: “AI BẰNG THIÊN CHÚA”, ngài đã anh dũng đẩy lui bè lũ Luciphe. Khẩu hiệu này đã trở thành tên của ngài (MICAE).

Hôm nay Giáo hội mừng kính thánh Micae, vị thủ lãnh các thiên thần lành trên trời và còn là bổn mạng của Giáo hội dưới thế. Chính Ngài đã nhiều lần hiện xuống trần gian với nhiều nhiệm vụ khác nhau để thực hiện sứ mạng cao cả của Ngài.

Chúng ta hãy bắt chước Ngài: luôn trung thành với Chúa. Mỗi khi chúng ta bị thế gian xác thịt cám dỗ muốn xa lìa Chúa, chúng ta hãy lập lại lời của Ngài: Ai bằng Thiên Chúa? Vâng! Chẳng ai bằng Thiên Chúa cả. Tiền bạc, vui sướng xác thịt, chức quyền không có gì sánh được với Thiên Chúa cả.

Không có một ai, một vật nào được phép đứng ngang hàng với Thiên Chúa của chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành, thánh thiện, mạnh mẽ phép tắc vô cùng. Người nhân từ vô biên, hiểu biết mọi sự, làm được mọi sự. Ngài là cội rễ mọi sự, là cùng đích của mọi loài. Không ai bằng Thiên Chúa.

RAPHAEL

Raphael xuất hiện ở trong Cựu Ước. Cựu Ước nói về Raphael như thế này:

“Ông Tobia người Do thái thuộc chi họ Neptali bị bắt làm tôi mọi bên nước Assyria  vì dân Do thái bị bại trận. Thời gian ở đất khách quê người Tobia luôn giữ lòng trung thành làm tôi Chúa. Ông bị tai nạn làm cho đôi mắt bị mù hoàn toàn. Gia đình ông túng đói quá không có cách nào xoay trở. Lúc đó ông nhớ đến món tiền trước kia ông đã cho nhà Gabelo mượn. Ông sai người con của ông cũng có tên là Tobia – Để khỏi lầm lẫn sau này người ta gọi là Tobia-con đến nhà Gabelo để xin lại món tiền đã cho vay. Tobia-con sẵn sàng vâng lời nhưng Tobia-con không biết đường đi. Tổng lãnh Grabriel đã hiện ra dưới hình dạng một người thanh niên để đẫn đường. Dọc đàng Raphael cứu Tobia-con khỏi bị cá nuốt. Tới nơi Grabriel còn giúp cho Tobia-con cưới được vợ là Sara và đồng thời còn đòi nợ giùm Tobia.

Công việc xong, Tobia-con cùng với vợ trở về nhà. Raphael bảo cho Tobia-con lấy mật cá mà xức vào mắt cho Tobia cha. Tobia cha được khỏi mù. mắt được sáng trở lại, cha con Tobia hết sức vui mừng. Đứng trước những ơn mà cả nhà vừa mới được: đòi được nợ, cưới được vợ, lại khỏi bị mù cha con ông Tobia muốn lấy phân nửa số tiền đòi được để gọi là đền ơn đáp nghĩa đối với người thanh niên đã tận tình giup đỡ gia đình mình. Khi ấy “người thanh niên” tốt lành đó mới tỏ ra cho cha con Tobia biết mình là thiên thần của Thiên Chúa đã được sai đến để giúp đỡ gia đình ông. Nói xong điều đó thiên thần liền biến đi.

Câu truyện của cha con Tobia cho chúng ta thấy Thiên Chúa hằng yêu thương chăm sóc những kẻ kính sợ Người. Raphael có nghĩa là “THẦY THUỐC CỦA THIÊN CHÚA”

GRABRIEL

Tên Grabriel có nghĩa là “SỨC MẠNH CỦA THIÊN CHÚA”.

Chính đức Grabriel đã hiện ra với tiên tri Đaniel để cho Đaniel biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra.

Chính đức Grabriel đã hiện ra với Giacaria báo tin cho ông biết ông sẽ sinh được một người con trai và đặt tên là Gioan.

Luca ghi lại quang cảnh cảm động này như sau: “Khi ấy ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong đền thờ của Đức Chúa. Sứ thần của Chúa hiện ra với ông… thấy vậy ông bối rối. Sự sợ hãi ập xuống trên ông. Những sứ thần bảo ông: “Này ông Giacaria, đừng sợ vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin. Bà Elizabeth vợ của ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan”

Ông thưa lại: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điêu ấy? Vì tôi đã già và bà nhà tôi cũng đã lớn tuổi.?

Sứ thần đáp lại:” Tôi là Grabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa. Tôi được sai đến với ông và loan báo Tin vui đó cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm không nói được cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không chịu tin lời tôi là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi. (Lc 1,1-20) v.v… Và sau đó mọi việc xẩy ra như thế nào thì chúng ta đều đã được biết.

Rồi cũng theo Tin Mừng của Luca, sau sáu tháng, sứ thần Grabriel còn được Thiên Chúa gửi đến trần gian với một sứ mạng còn cao trọng hơn nhiều: Đó là sứ mạng truyền tin cho Đức Maria. Nếu Giacaria đã ngỡ ngàng thì Đức Mẹ còn  ngỡ ngàng hơn. Việc của Giacaria với bà Elizabeth chỉ là việc giữa con người với con người. Còn việc của Đức Maria là việc của Thiên Chúa: “Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế  người con do bà sinh ra sẽ là thánh và được gọi là con Thiên Chúa”(Lc 1,35)

Sau tiếng Xin vâng của Đức Mẹ cả vũ trụ đều phải nhảy mừng. Thi sĩ Hàn mặc Tử khi nghĩ đến biến cố này thôi cũng đã phải run rảy mà thốt lên như thế này:

“Hỡi sứ thần Thiên Chúa Grabriel.
Khi người xuống truyền tin cho thánh nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn loài?”

Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì Chúa đã thực hiện những việc lạ lùng trước mắt chúng ta.

WGPSG — Vào lúc 16 giờ 40, chiều thứ Sáu 28.9.2018, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski -Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam- (Đức Tổng) đã đến thăm Tòa Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn. Đức cha Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã mời ngài vào phòng khách để giới thiệu 11 vị trong ban Tư vấn và quý linh mục quản hạt. Đức Tổng cho biết trước khi ngài lên đường, Đức Thánh Cha đã dặn dò ngài rất nhiều điều, chứng tỏ ĐTC rất quan tâm đến Việt Nam.

Đón tiếp

Đúng 17g00, Đức Tổng đã vào hội trường để gặp các vị đại diện linh mục, tu sĩ, đoàn thể giáo dân. Đức cha Giám quản mở đầu buổi gặp gỡ bằng lời chúc sức khỏe Đức Tổng và giới thiệu sơ lược về ngài với cộng đoàn. Đức Tổng xuất thân từ Ba Lan, tu học tại Rôma. Ngài đã làm việc ở khắp năm châu. Cầu nguyện cho nhiệm kỳ mới của Đức Tổng tại VN. Xin gởi lời tri ân chân thành đến ĐTC và giáo triều. Hai vị đại diện đã tặng quà cho Đức Tổng khi Đức cha Giám quản dứt lời.

Kế tiếp, các em thiếu nhi đã chào mừng Đức Tổng bằng bài hát “Những bước đường thiếu nhi” với những cử điệu sinh động.

Báo cáo sinh hoạt của TGP Sài Gòn

Sau bài múa của các thiếu nhi, linh mục Phaolô Vũ Đỗ Anh Khoa đã trình bày tổng quát về TGP Sài Gòn qua năm phần:

1. Lược sử TGPSG từ 1953 cho đến nay. Các vị Giám mục đã phụ trách TGP.

2. Thống kê: Dân số VN trên 96 triệu, trong đó có 7,1% là Công giáo, riêng TGPSG có 7,7%.

3. Cơ cấu: TGPSG hiện có 576 linh mục; 1780 nam tu sĩ; 7012 nữ tu. Có 147 chủng sinh được đào tạo qua ba giai đoạn tìm hiểu, tập trung và sau chủng viện. Số Dòng tu của TGPSG là 259/283, chiếm 89% trên cả nước.

4. Hoạt động truyền giáo:

– Cầu nguyện
– Mua đất làm giáo điểm, đã thực hiện được 22 trên 50 giáo điểm.
– Huấn luyện: Chương trình đào tạo về truyền giáo 2 năm dành cho 8 Lm. và 8 nữ tu.

5. Nhìn về tương lai: Theo đường hướng của Đức TGM Bùi Văn Đọc

– Cầu nguyện: giờ kinh tối trong gia đình
– Mục vụ gia đình
– Hướng về giới trẻ

Đức TGM Zalewski phát biểu

Sau bài thuyết trình của Lm Phaolô là phần nói chuyện của Đức Tổng với sự phiên dịch của cha Giuse Đào Nguyên Vũ: “Xin cảm ơn anh chị em đã mời tôi đến đây. Đầu tiên tôi chuyển lời của Đức Thánh Cha cho anh chị em, cho VN. Trong cuộc hội nghị trước khi nhận sứ vụ ở Singapore và VN, Đức Thánh Cha đã dành 5 phút nói về Singapore và đến 15 phút để nói về VN. Cảm ơn các thiếu nhi về phần trình diễn ấn tượng, các em đã lầm khi gọi tôi là Khâm sứ Tòa Thánh. Cấp bậc Sứ thần, Khâm sứ rồi mới đến Đại diện không thường trú là cấp thấp nhất. Nếu là Sứ thần thì không phải xin visa, và có nhiều đặc quyền.

Tôi chia sẻ và lắng nghe những thao thức, hy vọng và nhịp sống Đức tin của TGP. Giáo Hội VN trẻ trung, năng động và rất nhiệt thành. Chúng ta hướng đến tương lai nhưng đừng quên gắn bó với người khác. Theo phần trình bày, VN có rất nhiều vị thừa sai đã hy sinh cuộc đời cho chúng ta. Tương lai Hội Thánh tùy thuộc vào các chủng viện và dòng tu. Làm sao đào tạo được những người đứng vững trước các trào lưu khác nhau và những thách đố của xã hội. Đào tạo giáo dân rất quan trọng để họ có thể đương đầu với xã hội, đảm bảo tương lai cho chúng ta. Đó là những khía cạnh của con người. Nhưng chúng ta đừng quên có Thiên Chúa, khi biết cầu nguyện là được sức mạnh sống giá trị Tin Mừng.

Xin cảm ơn anh chị em đã lắng nghe. Mời anh chị em đặt câu hỏi.

Trao đổi và kết thúc

Đức Tổng đã lần lượt trả lời các câu hỏi của ba vị đại diện cho quý linh mục, nữ tu và giới trẻ:

– Ấn tượng đầu tiên là lòng nhiệt thành hăng say của giáo dân. Hai là có nhiều xe hơi quá.

– Ơn gọi là từ Thiên Chúa. Vấn đề huấn luyện tốt hết nên hỏi vị Bề trên. Ta nên theo đường lối huấn luyện của Giáo hội. Đừng sợ, cứ làm đúng theo tinh thần đã có. Làm sao đào tạo được những người thân thiện với người khác, sống giữa đời, sống đức tin vững vàng, can đảm làm Kitô hữu, rộng lượng với các tôn giáo khác. Cuối cùng, ta đừng quên bản chất của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng.

– Giáo hội không chỉ có giáo sĩ mà có nhiều thành phần, nhiều chi thể trong một thân thể. Người trẻ là tương lai của Giáo hội và xã hội.

Kết thúc phần gặp gỡ, cha Tổng đại diện Ignaxiô đã ngỏ lời cảm ơn Đức Tổng: “Chúng con rất hân hạnh được tiếp đón Đức Tổng nơi tòa TGM 118 tuổi. Đoàn con côi cút vẫn còn đau buồn vì sự ra đi của Đức Tổng Đọc dù chúng con biết việc Chúa làm là điều tốt. Sự hiện diện của Đức Tổng cho thấy sự quan tâm của Đức Thánh Cha mà Hội Thánh là mẹ dành cho chúng con. Để hoàn thành sứ mạng của Tòa Thánh, Đức Tổng chắc phải gặp nhiều trở ngại, chúng con xin cầu nguyện cho Đức Tổng hằng ngày. Nguyện vọng của chúng con là mong có một Đức Tổng Giám mục để lèo lái con thuyền giáo phận nhờ sự giúp đỡ của Đức Tổng.

Chúng con cầu chúc sức khỏe Đức Tổng. Xin Đức Tổng nhận bó hoa tươi thắm gói trọn tâm tình yêu mến của chúng con.

Sau ít phút giải lao, Đức Tổng đã dùng bữa cơm thân mật với quý Đức cha và quý vị đại diện tại hội trường Tòa TGM.

Nguồn: TGP Sài Gòn
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20180929/44104

29/09 – Thứ Bảy tuần 25 thường niên – CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MI-CA-EN, GÁP-RI-EN, RA-PHA-EN. Lễ kính.

“Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

Lời Chúa: Ga 1, 47-51

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: “Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanaen đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

  • SUY NIỆM: Bước vào Nước Trời

Bài trình thuật Phúc Âm theo thánh Gioan hôm nay diễn tả sự kiện tông đồ Philipphê muốn thuyết phục người bạn của mình là Nathanaen rằng ông đã tìm thấy Ðấng cứu thế mà Lề Luật và các ngôn sứ đã tiên đoán trước, đó là Chúa Giêsu thành Nazareth, con ông Giuse. Nhưng Nathanaen là người công chính và có lòng tôn kính Thiên Chúa, và cũng như nhiều người Do Thái thời đó ông đang trông chờ Ðấng cứu thế đến. Chính lòng khao khát được trông thấy Ðấng cứu thế đã thúc đẩy ông nghe theo lời của Philipphê mà tới gặp Chúa Giêsu. Ông gặp và tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa vì Ngài đã nhìn thấu được những khát vọng sâu xa trong tâm hồn của ông, đó là lòng ao ước được nhận biết Thiên Chúa và được hiệp thông với Ngài trong sự vinh hiển muôn đời.

Chúa Giêsu đã ban cho Nathanaen một niềm tin mới vào Ðấng cứu thế mà dân tộc Do Thái đã chờ đợi từ lâu là Ngài chính là chiếc thang nối kết giữa Nước Trời với trần gian, như Thiên Chúa đã mở rộng cánh cửa cho tổ phụ Giacóp để đưa ông và dân tộc Do Thái vào Nước Trời với Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giêsu cũng mạc khải cho Nathanaen thấy rằng Ngài chính là Ðấng sẽ phải đến để hoàn tất các lời hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ Giacóp.

Qua mầu nhiệm nhập thể, Con Một Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm cho sự cứu rỗi của nhân loại và thông qua sự cứu rỗi và mầu nhiệm Phục Sinh đã mở rộng con đường cho tất cả nhân loại bước vào một mối liên hệ mới là trở nên các con cái của Ngài. Con Một Thiên Chúa đã mở rộng con đường cho nhân loại đi vào Nước Trời cũng như mang Nưới Trời vào thế gian và vào trong đời sống mỗi ngày của chúng ta, điều đó có nghĩa là Nước Trời hiện diện ở những ai đi tìm kiếm và thực hiện thánh ý của Thiên Chúa.

Mười hai môn đệ ở kề cận với Chúa Giêsu để được dịp chứng kiến sự kiện Chúa Cha tác động và ngự trên Chúa Con. Sự kết hợp được biểu lộ một cách trọn vẹn nhất qua mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu. Chính vào giây phút Ngài được nâng lên trên thập giá để bước vào sự vinh hiển muôn đời của Chúa Cha, tất cả chúng ta cũng được gọi để dự phần vào sự mạc khải này và mỗi lần chúng ta cử hành mầu nhiệm hy tế là chúng ta sống lại mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, là vị thượng tế và là con chiên hiến tế trong giao ước mới giữa Chúa Cha và nhân loại.

Lạy Chúa Cha trên trời,

Qua Con Một của Ngài là Chúa Giêsu, Cha đã chỉ đường cho chúng con bước vào Nước Trời như chính Cha đã mạc khải cho các tổ phụ và các tông đồ. Xin Cha cũng tỏ lộ Cha cho tất cả chúng con để chúng con biết làm sáng Danh Cha qua cuộc sống chứng tá hằng ngày. Xin cho chúng con luôn tìm thấy niềm hân hoan trong sự hiện diện của Cha để tận hưởng niềm hạnh phúc và sự sống muôn đời nơi Nước Trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ, xin giúp con quên mình hoàn toàn để ở lại trong Chúa. lặng lẽ và an bình như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.

Lạy Đấng thường hằng bất biến, mong sao không gì có thể khuấy động sự bình an của con, hay làm cho con ra khỏi Chúa ; nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa! Xin làm cho hồn con bình an thanh thản, xin biến hồn con thành chốn trời cao, thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa, nơi Chúa nghỉ ngơi.

Ước chi con không bao giờ để Chúa ở đó một mình nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người, với thái độ nhạy bén trong đức tin, cung kính tôn thờ và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu. S.J

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180928110000

28/09 – Thứ Sáu tuần 25 thường niên.
“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ”.

Lời Chúa: Lc 9, 18-22

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”

Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

  • SUY NIỆM: Cầu nguyện như Chúa

Lời tuyên xưng của thánh tông đồ Phêrô: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” được nhắc lại trong đoạn Phúc Âm hôm nay. Lời tuyên xưng đó chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong cuộc đời của Chúa Giêsu, giai đoạn được bắt đầu cuộc hành trình tiến về Giêrusalem để hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại.

Ðoạn Phúc Âm được chia ra làm ba phần:
– Chúa Giêsu hỏi các tông đồ xem người ta nghĩ gì về chính Ngài và hỏi các tông đồ xem các ông nghĩ như thế nào về Chúa.
– Lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa”
– Chúa Giêsu loan báo lần đầu tiên về cuộc thương khó của Ngài. Biến cố này cũng được kể như Phúc Âm theo thánh Marcô và Mátthêu, nhưng Luca có ghi thêm chi tiết đặc biệt, đó là việc Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi hỏi các môn đệ về thực thể mình là ai?

Chúng ta biết rằng thánh sử Luca luôn luôn ghi lại chi tiết Chúa Giêsu cầu nguyện trong những giây phút quan trọng của cuộc đời Chúa. Chúa cầu nguyện khi lãnh nhận phép rửa của Gioan tiền hô để bắt đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng; Chúa cầu nguyện suốt đêm trước khi gọi riêng mười hai tông đồ; rồi Chúa cầu nguyện trước khi hỏi các môn đệ: “Các con nghĩ Thầy là ai?”; Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi dạy các tông đồ kinh Lạy Cha; Chúa Giêsu cầu nguyện nơi vườn cây dầu trước khi bước vào cuộc thương khó và Chúa Giêsu cầu nguyện trên thập giá. Việc Chúa cầu nguyện cho những giây phút quan trọng của cuộc đời Chúa, mời gọi chúng ta tự vấn về đời sống thiêng liêng của mình: “tôi thường cầu nguyện lúc nào và trong những giây phút quan trọng của cuộc đời tôi có cầu nguyện hay không và cầu nguyện như thế nào?”

Biến cố Chúa Giêsu tra hỏi các môn đệ về thực thể Ngài là ai để cuối cùng đi đến lời tuyên xưng đức tin: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” là một biến cố quan trọng. Chúa Giêsu đã cầu nguyện trước khi bắt đầu tra hỏi các môn đệ: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” để theo Chúa trọn vẹn, không cần biết rõ cái chết của Chúa cho bằng có được mối tương quan thân tình mật thiết với Chúa. Chúa Giêsu không hỏi các môn đệ về giáo lý nhưng về chính mình, về chính thực thể Ngài là ai đối với họ. Và để trả lời được cho câu hỏi này thì cần phải trả lời hai điều: thứ nhất là biết Chúa và thứ hai là yêu mến Chúa. Ðây không phải là vấn đề biết Chúa một cách trí thức qua sách vở, nhưng là biết cảm nghiệm trực tiếp giữa người với người, giữa Chúa và đích thân mỗi người, biết Chúa như biết một người bạn; đây không phải là vấn đề giáo thuyết nhưng là vấn đề cụ thể con người, hoặc trực tiếp tiếp xúc với con người Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng hằng luôn luôn hiện diện bên cạnh mỗi người chúng ta. Do đó, cần phải có đức tin và tình yêu thương thì ta mới có thể trả lời đúng cho câu hỏi Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Một người không có đức tin hay ít đức tin, sống nguội lạnh thì quả thực là khó để trả lời cho câu hỏi của Chúa.

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, Xin thương ban cho con được ơn trưởng thành trong đức tin và trong tình thương Chúa. Xin cho con luôn được trung thành với lời tuyên xưng “Thầy là Ðấng Kitô” để rồi có thể múc lấy từ đó sức mạnh để dấn thân phục vụ Chúa và anh chị em chung quanh trong mọi hoàn cảnh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180927110000

27/09 – Thứ Năm tuần 25 thường niên – Thánh Vinh sơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ.
“Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế”.

Lời Chúa: Lc 9, 7-9

Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: “Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại”; còn kẻ khác lại nói: “Ông Êlia đã hiện ra”; kẻ khác nữa nói rằng: “Một tiên tri thời xưa đã sống lại”. Nhưng Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?” và vua tìm cách gặp Người.

  • SUY NIỆM: Dấu hỏi cho người khác

Trong những dòng cuối cùng của Thông điệp “Hòa Bình Dưới Thế”, Ðức Gioan XXIII đã định nghĩa một người Kitô hữu chân chính: Mỗi người Kitô hữu trong thế giới phải là một mảnh sao băng chiếu sáng, là tụ điểm của tình yêu, là men sống động giữa anh em mình. Người Kitô hữu càng đóng trọn vai trò của mình, khi càng sống mật thiết với Chúa. Người Kitô hữu không sống cho mình, nhưng sống cho và vì người khác. Một mảnh sao băng chỉ chợt lóe lên rồi lịm tắt, nhưng cũng đủ thu hút con người về một góc trời nào đó; một chút men bé nhỏ trong khối bột, nhưng cũng đủ làm dậy cả khối bột. Như thế đó, sự hiện diện của người Kitô hữu, có sức thu hút, tạo chú ý, quấy rầy lương tâm người khác, nếu cuộc sống ấy là một cam kết, một dấn thân trọn vẹn.

Tin Mừng hôm nay cũng muốn nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy. Qua lời nói, việc làm, và nhất là cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng Vua Hêrôđê, ông tiến thêm một bước là muốn đến gặp Chúa Giêsu.

“Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không ngừng đặt ra cho chúng ta, và qua chúng ta, Ngài tiếp tục đặt ra cho mọi người. Qua cuộc sống của mình, người Kitô hữu cũng phải là một câu hỏi cho những người chung quanh; và dĩ nhiên câu hỏi càng trở nên dồn dập khi cuộc sống ấy là một hành trình đi ngược dòng đời.

Giữa một xã hội lấy bon chen làm khuôn vàng thước ngọc, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tinh thần nghèo khó. Giữa một xã hội lấy hận thù làm luật sống, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi nếu họ vẫn tiếp tục yêu thương và tha thứ đến cùng. Giữa một xã hội mà nhiều người thường buông xuôi, thất vọng, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống lạc quan tin tưởng vào Ðấng luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại. Giữa một xã hội mà sự tử tế đối với nhau đã thành một thứ xa xỉ phẩm, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tử tế với mọi người, ngay cả những người thù địch. Sống như thế quả là một đòi hỏi gay go, nhưng đó không chỉ là một cố gắng suông, mà là một thể hiện của một cuộc sống mật thiết với Chúa. Không có ơn Chúa, không sống kết hiệp với Chúa, người Kitô hữu không thể đi đến cùng những cam kết sống chứng nhân của họ.

Xin Chúa ban thêm sức mạnh, để trong cuộc sống chứng tá, chúng ta luôn xác tín rằng chúng ta đang sống nhờ Chúa, với Chúa và cho Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, khi đến với Chúa con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con, con đóng lại bút viết: các quan điểm của con, con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con, để con được ở một mình với Ngài, lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Sau khi được ở với Ngài, con sẽ xỏ giày vào để đi theo đường của Chúa, con sẽ đeo đồng hồ để sống trong thời gian của Chúa, con sẽ đeo kính vào để nhìn thế giới của Chúa, con sẽ mở bút ra để viết những tư tưởng của Chúa, con sẽ cầm chìa khóa lên để mở những cánh cửa của Chúa. (Graham Kings)

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx…

26/09 – Thứ Tư tuần 25 thường niên.
“Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân”.

Lời Chúa: Lc 9, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật.

Đoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: “Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”.

Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.

  • SUY NIỆM: Huấn Lệnh Truyền Giáo

Ðược Chúa Giêsu tuyển chọn và sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở các ông phải sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng.

So với lần Chúa sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh và quyền năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai đi trước để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông đồ trước khi lên đường có thể gồm 3 phần: Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa. Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu của những kẻ chống đối các ông.

Mỗi thời đại có những cám dỗ riêng. Ma quỉ đã cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ sứ mệnh cứu thế, cũng như cám dỗ Ngài làm những việc lạ lùng, như hóa đá thành bánh, gieo mình xuống từ nóc Ðền thờ để mọi người thấy và tin. Ngày nay, không thiếu những người chỉ muốn dùng tiền bạc để giảng dạy hoặc dùng quyền bính để làm cho người khác kinh sợ. Một cám dỗ khác mà người Tông đồ thời nay thường mắc phải, đó là sự thiếu kiên nhẫn, chờ đợi thời giờ của Chúa. Họ dễ thoái lui rời bỏ nhiệm sở, thay đổi công việc. Cũng có những người Tông đồ không dám nói rõ những sai lầm của người khác cũng như những gì trái ngược với giá trị Tin Mừng. Thái độ chung của con người thời nay là ích kỷ và hưởng thụ, số người sẵn sàng để Chúa sai đi thật hiếm hoi, số các tệ nạn do sự sai lầm thiêng liêng ngày càng gia tăng, trong khi đó cái tôi tự do được thổi phồng.

Có lần nhà hiền triết Diogène đứng ở một góc đường và cười rã rượi như người điên loạn. Một khách bộ hành hỏi ông: “Có gì mà ông cười ngặt nghẽo như thế?” Ông đáp: “Anh có thấy tảng đá to ở giữa đường kia không? Từ khi tôi tới đây, đã có mười người vấp ngã vì nó và nguyền rủa nó, nhưng không ai quan tâm lấy nó đi để tránh cho người khác khỏi vấp ngã”.

Có nhiều cách làm việc Tông đồ, nhưng hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống tốt lành của mình. Xin Chúa giúp chúng ta đáp lại lời mời của Chúa và hăng say dấn thân phục vụ những người xung quanh vì Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau. Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân. Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180925110000