Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta hai bài học:

A. Trước hết là bài học về lòng bao dung và hợp tác:

Người đời, nhất là ngày hôm nay, thường có óc bè phái, ích kỷ chỉ lo bảo vệ quyền lợi của nhóm mình, đồng thời chèn ép, đố kỵ ganh ghét với những người không thuộc nhóm mình. Phương châm của họ là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”.

Còn Chúa Giêsu thì khác: Ngài dạy các môn đệ chớ nhìn ai bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ. Hãy sẵn sàng hợp tác với mọi người nhất là những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta”. (Mc 9,40)

Tại sao Chúa Giêsu lại dạy như thế? Thưa vì mọi người sinh ra đều là con Thiên Chúa và mọi người đều có quyền sống và phục vụ theo đúng ơn gọi Chúa dành cho mình. Dưới con mắt của Chúa thì không có người nào xấu đến nỗi phải loại trừ. Đã là người thì ai mà không muốn sống tốt và sống có ích cho mọi người. Thế nhưng thực tế chưa được như thế không phải vì họ mà vì những nguyên nhân khác. Tự bản chất con người là “Nhân chi sơ tính bản thiện” như cổ nhân vẫn nói. Sở dĩ có người hư hỏng là vì họ đã không nhận được sự quan tâm, yêu thương, giáo dục tốt từ xã hội, từ nhà trường nhất là từ gia đình.

Đây là câu chuyện đã xảy ra tại một thiền viện.

Một buổi sáng, khi vừa thức dậy, một số thiền sinh phát hiện mình bị mất cắp một vài vật dụng cá nhân. Họ bảo nhau cùng để ý rình rập, và họ đã bắt được quả tang một chú thiền sinh mới đến đang lấy cắp đồ dùng của họ. Họ liền ập vào bắt giữ, giải lên cho thầy viện trưởng. Thầy im lặng, và cho chú thiền sinh nọ trở về phòng.

Ít lâu sau đó, chú thiền sinh lại bị phát giác đang ăn trộm lần thứ hai, và lại bị dẫn đến viện trưởng. Lần này cũng như lần trước, thầy vẫn im lặng, không nói năng gì, chỉ đưa tay ra hiệu cho phép chú trở về phòng. Mọi người đều thấy tấm tức bực bội về thái độ xử lý quá rộng lượng của thầy mình… Đến lần thứ ba, chú thiền sinh có tật ăn cắp kia lại tái phạm. Tất cả các môn sinh đều tập trung lại, đòi thầy phải có thái độ trừng phạt xứng đáng. Họ đưa ra yêu sách:

– Thưa thầy, hoặc là tất cả chúng con, thầy phải lựa chọn, nếu không chúng con sẽ rời bỏ nơi này ngay lập tức!

Im lặng một lát, thầy viện trưởng điềm đạm trả lời:

– Tất cả các con đều đã sống tốt lành với nhau, còn chú này thì chưa được như thế vậy, thầy muốn chú ấy sẽ ở lại với thầy để thiền định tập tành cho được tốt hơn. Các con thì không cần phải làm như thế nữa, các con có thể chia tay với thầy được rồi đấy!

Mọi người đều chưng hửng, cúi đầu, lần lượt từng người không dám nói gì nữa, lặng lẽ ai về phòng nấy.

Riêng chú thiền sinh tội lỗi kia vẫn quì đấy, đôi giòng lệ lăn dài trên gò má.

Vâng! Hãy biết mở cõi lòng đón nhận mọi người chúng ta sẽ thấy đời của chúng ta đẹp và cuộc sống của chúng ta phong phú dồi dào và hạnh phúc sẽ đến với chúng ta.

B. Bài học thứ hai: là vấn đế gương mù gương xấu.

Lời của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay với một cung giọng nghiêm khắc khác thường làm cho nhiều người cảm thấy như nó quá cứng cỏi nếu không nói là hơi tàn bạo.

Điệp khúc: “Làm cớ sa ngã” được nhắc đi nhắc lại tới 4 lần và lần nào cũng kèm theo những lời cảnh cáo khắt khe khiến chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề.

Chúa nói như thế để làm gì? – Rõ ràng Chúa muốn bênh vực những ai tin Chúa và bảo vệ họ. Không phải chỉ bảo vệ họ khỏi những hiểm nguy của thân xác mà còn bảo vệ cái giá trị đích thực của cuộc sống làm con của Thiên Chúa nơi mỗi kẻ tin Ngài.

Tự mình phạm tội đã là chuyện khủng khiếp rồi, nhưng dạy kẻ khác phạm tội, lại càng vô cùng tệ hại hơn.

Chúa rất thương và khoan dung với những người tội lỗi nhưng lại rất nghiêm khắc với những người làm cớ vấp phạm cho những người khác phạm tội.

O. Henry, nhà văn Mỹ lừng danh về truyện ngắn đã sáng tác câu truyện về một em bé gái mồ côi mẹ như thế này. Cha cô bé có thói quen mỗi khi đi làm về là ngồi ngay xuống ghế, mở cặp, lôi giấy tờ ra, đốt ống điếu và gác chân lên ngăn kệ đặt gần lò sưởi. Một lần kia con ông là một bé gái mở cửa bước vào. Em xin ông chơi đùa với em một lát vì em cảm thấy rất cô đơn. Lần này cũng như những lần trước ông luôn bảo ông rất mệt, hãy để cho ông yên. Và ông bảo con ông hãy ra đường mà chơi. Thế là cô bé đi ra chơi ở ngoài đường, và truyện không tránh được đã xảy ra là sau những ngày tháng chơi ở ngoài đường, em đã trở thành một cô gái đứng đường. Thời gian trôi qua, ông bố chết và cô cũng chết. Linh hồn cô được đưa lên đến Thiên Đàng. Thánh Phêrô vừa trông thấy cô liền thưa với Chúa Giêsu:

– Thưa Thầy, đây là cô gái thật xấu nết. Con nghĩ phải đưa thẳng cô ta xuống hỏa ngục.

Nhưng Chúa Giêsu ôn tồn đáp:

– Không, hãy cho cô ấy vào.

Rồi đôi mắt ngài trở nên nghiêm nghị:

– Và con hãy đi tìm người cha đã từ chối không chịu chơi đùa với con gái nhỏ của mình, đuổi nó ra thiên đường, và đưa hắn xuống hỏa ngục.

Ai làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin vào Thầy, thà buộc cối đá xay vào cổ nó…”

Vâng! Nhìn vào cuộc sống của con người trên thế giới hôm nay quả thực không ai mà không thấy có thật nhiều dịp tội làm con người có thể sa ngã. Ngay chính bản thân chúng ta cũng có thể là những dịp tội, khiến chúng ta lỗi luật Chúa.

Khi bảo phải móc mắt, chặt chân, chặt tay, Chúa không bảo chúng phải áp dụng triệt để theo từng câu từng chữ theo nghĩa đen. Ở đây Đức Giêsu chỉ có ý đòi buộc chúng ta phải quyết tâm mạnh mẽ để khử trừ các dịp tội, các cơm cám dỗ.

Chúa muốn chúng ta “cắt bỏ” một thói hư tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cử chỉ khinh khi, cắt bỏ một lối sống buông thả, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính. Cắt bỏ như thế có khi còn đau hơn “móc con mắt, chặt chân chặt tay”. Đau vì nó quá thân thiết với cuộc đời chúng ta, đau vì nó quá gắn liền với bản thân chúng ta, vì nó quá ăn sâu trong bản chất con người chúng ta. Nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong tư cách làm người, và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Chúa. Ludovic Giraud có viết: “Nỗi đau đối với chúng ta như lưỡi cày đối với mặt đất, nó cầy xới… nhưng để làm cho đất màu mỡ, cũng như việc cắt tỉa cây cối: làm cây cối nhẹ nhàng, mạnh khỏe và đẩy nhanh những dòng nhựa lên cao”.

      Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán cho riêng mình
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng rất đặc biệt do thánh Marcô ghi lại.

Cha đố chúng con biết, qua bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn dạy mọi người điều gì không?.

– Dạ thưa cha Chúa muốn dạy mọi người bài học về sự bao dung biết đón nhận mọi người.

– Rất đúng… và còn gì nữa không?

– Dạ thưa cha Chúa muốn dạy về vấn đề phải tránh làm gương mù gương xấu cho người khác.

– Chúng con giỏi! Thật giỏi. Cha khen chúng con. Bây giờ chúng ta bắt đầu vào từng vấn đề.

1. Trước hết là vấn đề bao dung đón nhận mọi người.

Chúng con thấy ở đời, người ta thường có óc bè phái, ích kỷ chỉ lo bảo vệ quyền lợi của nhóm mình, đồng thời chèn ép, đố kỵ ganh ghét với những người khác. Phương châm của họ là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”.

Ông Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay là người thuộc loại người này. Chúng con hãy nghe lại lời ông thưa với Chúa: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.”(Mc 9,38)

Còn Chúa Giêsu thì sao chúng con. Chúa hoàn toàn khác. Đây là lời của Chúa “Ðừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Qua câu nói này cha thấy Chúa dạy các môn đệ của Ngài đừng nhìn người khác bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ. Hãy sẵn sàng biết đối xứ bao dung hợp tác với mọi người nhất là những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta”.(Mc 9,40)

Cha kể cho chúng con câu chuyện có thật này:

Vào thế kỷ 19, khi tổng thống Lincoln của nước Mỹ lên nắm quyền, bộ trưởng lục quân Stanton tỏ vẻ rất coi thường vị tổng thống này. Ông ta chế giễu Lincoln là “con đười ươi tay dài, dốt nát”, thậm chí còn nói: “Tại sao người ta phải sang mãi Châu Phi để tìm kiếm tinh tinh nhỉ? Chẳng phải có một con đang ngồi trong Nhà Trắng vò đầu gãi tai đó sao?”

Sau khi những lời công kích này đến tai Lincoln, vị tổng thống này không hề tức giận, không hề có ý trả thù, mà còn cho rằng Stanton “tuyệt đối trung thành với quốc gia”, là người có năng lực, cho dù Stanton có mắng chửi như thế nào, thì ông vẫn cất nhắc Stanton làm bộ trưởng lục quân. Sau này, Stanton bị cảm hóa trước tấm lòng bao dung độ lượng của Lincoln. Ý thức được sai lầm của bản thân, ông ta đã tìm gặp Lincoln để xin lỗi.

Ông Lincoln đã biết đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Với khả năng nhận biết, sử dụng cũng như biết tập hợp nhân tài giúp ích cho đất nước, thêm vào đó là sự quang minh lỗi lạc, phẩm chất đạo đức cao thượng, đã làm cho ông nhận được sự yêu quý và niềm tin của người dân. Người đời sau nhận xét rằng: Lincoln là vị tổng thống đáng kính nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong cuốn sách rất nổi tiếng có tên là “Quảng Gánh Lo Đi Và Vui Sống” của ông Dale Carnegie cha đọc được một lời cầu nguyện thật hay này:  “Lạy Chúa, xin hãy ban tặng cho con tấm lòng rộng mở và sự bao dung độ lượng để con có thể bình thản chấp nhận những gì không thể thay đổi. Hãy ban tặng cho con lòng dũng cảm, để con thay đổi những gì con có thể thay đổi. Hãy ban tặng cho con sự khôn ngoan để con có thể phân biệt được điều gì có thể thay đổi và điều gì không thể thay đổi được”.

Hãy biết mở cõi lòng đón nhận mọi người, chúng ta sẽ thấy đời của chúng ta đẹp và cuộc sống của chúng ta phong phú dồi dào và hạnh phúc sẽ đến với chúng ta.

2. Tiếp theo là vấn đề gương mù gương xấu.

Gương mù gương xấu là một trong những vấn đề gây ra nhiều đau khổ cho cuộc sống của mọi người. Hãy cố tránh đừng bao giờ làm gương mù gương xấu cho nhau.

Một em bé sinh ra trong một gia đình giàu có. Khi lên 4,5 tuổi đã tò mò hỏi xem cha nó làm gì mà giàu có vậy.

Người cha lúc nào cũng nói ông làm ăn buôn bán nên giàu có.

Một hôm đứa bé cứ đòi đến chỗ cha nó buôn bán để xem công việc này có thích không. Người cha nói:

– Không, con không nên đến nơi ba làm việc vì con còn nhỏ lắm. Hơn nữa, chỗ này người ta không cho con nít đến.

Thằng bé nghe cha nói thế, lại càng thắc mắc tại sao chỗ ấy người ta không cho nó đến. Nó năn nỉ mãi, cuối cùng cha nó phải cho nó đi theo.

Người cha đưa con đến cửa cấm trẻ em vô, rồi chỉ cho con:

– Đây là chỗ ba làm việc.

Đứa bé hỏi:

– Người ta làm gì trong đó hở ba?

Người cha trả lời:

– Người ta làm việc.

– Làm việc gì hở ba?

Thấy không thể giấu nổi con, người cha trả lời:

– Người ta đánh bạc.

– Đánh bạc là gì hở ba ?

Thế là người cha giải thích thế nào là đánh bạc. Đứa bé nghe xong, mỉm cười sung sướng và nói:

– Sau này lớn lên con sẽ không lo lắng gì cả. Con sẽ đến đây đánh bạc như cha là sẽ giàu có.

Người cha nghe câu nói của con mà lạnh người. Ông suy nghĩ và không nói gì nữa. Từ đó ông bỏ hẳn nghề đánh bạc.

Gương mù gương xấu là như thế đấy chúng con!

Chính vì thế mà chúng con thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với vấn đề gương mù gương xấu thật là nghiêm khắc khác thường!

Chúa nhắc đi nhắc lại tới 4 lần điệp khúc: “Làm cớ sa ngã” và lần nào Chúa cũng kèm theo những lời cảnh cáo thật khắt khe khiến ai cũng cảm thấy sợ.

Thử hỏi Chúa muốn gì khi nói như thế? – Rõ ràng Chúa muốn bênh vực những ai tin Chúa và bảo vệ họ. Không phải chỉ bảo vệ họ khỏi những hiểm nguy của thân xác mà còn bảo vệ cuộc sống tốt đẹp của những người làm con của Thiên Chúa nơi mỗi kẻ tin Ngài nữa.

Tự mình phạm tội đã là chuyện chẳng tốt lành gì rồi. Làm cớ cho những người đang sống tốt lành khiến họ sa ngã phạm tội thì quả thật là tội vô cùng đáng trách.

Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy Chúa rất thương và khoan dung với những người tội lỗi nhưng lại rất nghiêm khắc với những người làm cớ cho những người khác phạm tội.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này. Câu chuyện do ông O. Henry, một nhà văn Mỹ lừng danh về chuyện ngắn viết. Ông đã viết một câu chuyện về một em bé gái mồ côi mẹ rất hay như thế này. Cha cô bé có thói quen mỗi khi đi làm về là ngồi ngay xuống ghế, mở cặp, lôi giấy tờ ra, đốt ống điếu và gác chân lên ngăn kệ đặt gần lò sưởi. Một lần kia con ông là một bé gái mở cửa bước vào. Em xin ông chơi đùa với em một lát vì em cảm thấy rất cô đơn. Lần này cũng như những lần trước, ông luôn bảo ông rất mệt, hãy để cho ông yên. Và ông bảo con ông hãy ra đường mà chơi. Thế là cô bé đi ra chơi ở ngoài đường, và truyện không tránh được đã xảy ra là sau những ngày tháng chơi ở ngoài đường, em đã trở thành một cô gái đứng đường. Thời gian trôi qua, ông bố chết và cô bé cũng chết. Linh hồn cô được đưa lên đến Thiên Đàng. Thánh Phêrô vừa trông thấy cô liền thưa với Chúa Giêsu:

– Thưa Thầy, đây là cô gái thật xấu nết. Con nghĩ phải đưa thẳng cô ta xuống hỏa ngục.

Nhưng Chúa Giêsu ôn tồn đáp:

– Không, hãy cho cô ấy vào.

Rồi đôi mắt ngài trở nên nghiêm nghị:

– Và con hãy đi tìm người cha đã từ chối không chịu chơi đùa với con gái nhỏ của mình, đuổi nó ra thiên đường, và đưa hắn xuống hỏa ngục.

Chúng ta hãy xin Chúa cho mỗi người chúng ta được luôn sống làm gương sáng cho mọi người. Amen.

Bài Tin Mừng hôm nay có hai phần tương đối rõ rệt.

Phần thứ nhất Chúa báo trước về cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa

Phần thứ hai Chúa đề nghị một lối sống mới cho tất cả những ai muốn theo Ngài.

I. Hôm ấy Chúa Giêsu đang đi với các môn đệ. Ngài tránh không muốn cho ai biết Ngài. Ngài sợ người ta nô nức đi theo Ngài như chạy theo một “Người lớn”. Và chính trong bối cảnh này Ngài loan báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn Ngài sắp phải chịu. Đây là lần thứ hai Ngài làm như thế.

Ngài sử dụng lại các từ ngữ hầu như y hệt lần trước (8,31) “Con Người” sẽ bị “nộp” vào tay người ta.

Và cũng như lần trước lời hứa Phục sinh được thêm vào ngay sau đó, thế nhưng lời hứa này xem ra chẳng an ủi được các môn đệ trước viễn ảnh đớn đau của cái chết. Tệ hơn nữa các ông ấy còn tỏ ra hầu như chẳng hiểu gì về những lời giáo huấn của Thầy mình. Lần trước thì Phêrô đã biểu lộ sự phản kháng. Còn lần này tuy không nói ra nhưng thái độ “khép lòng” của họ được ghi nhận qua nỗi sợ hãi không dám “hỏi Ngài” chứng tỏ họ cố tránh né những khó khăn và thử thách đang chờ đợi Chúa.

Đứng trước hoàn cảnh như thế Chúa phản ứng lại như thế nào?

Một lần nữa Marco cho chúng ta thấy Chúa lại kiên trì và nhẫn nại giáo dục dạy dỗ họ.

Ngài khởi đầu công việc dạy dỗ bằng cách kéo các môn đệ về với những gì mới xẩy ra. Ngài hỏi họ về nội dung cuộc tranh luận giữa họ với nhau ở dọc đường. Nghe lời Chúa Giêsu hỏi, họ không trả lời. Thực ra họ đã tranh luận với nhau xem ai là người “lớn” nhất.

Chúa Giêsu cảm thấy có bổn phận phải can thiệp để làm cho các môn đệ mình thoát khỏi cái khuynh hướng đua đòi, chạy theo quyền lực và Ngài cho họ một bài học sống động (9,35).

Marco diễn tả Chúa ngồi xuống để biểu lộ cung cách của một vị sư phụ mà các đệ tử phải chú tâm lắng nghe. Đây là tư thế của một người giảng dạy đầy uy quyền.

Chúa Giêsu nói với họ một cách thật rõ ràng. Trong lời ngỏ với những vị lãnh đạo tương lai của dân Chúa, Chúa Giêsu đã đảo ngược cái phẩm trật thông thường của nhân loại. “Muốn làm đầu thì phải làm cuối, muốn chỉ huy thì phải làm ‘đầy tớ tất cả”.

II. Nhưng thử hỏi sứ điệp của Chúa có được đón nhận hay không? Ngài tin là có. Và để cho lời của Ngài được cụ thể hóa Ngài đặt một em bé giữa các ông, ôm nó vào lòng. Cử chỉ này tạo nên một ảnh hưởng bất ngờ. Dắt một em bé vào giữa họ rồi ôm hôn nó: Đây là một việc làm hoàn toàn trái với tập tục đương thời. Xã hội lúc đó không hề quan tâm đến trẻ em. Người ta coi rẻ trẻ em như một sinh vật vô nghĩa, thậm chí họ còn xua đuổi khai trừ chúng ra khỏi cộng đoàn vì cho rằng chúng ngu dốt không biết gì về lề luật.

Vậy khi đón nhận một em bé như thế Chúa Giêsu đã làm một công việc hết sức quan trọng. Đó là Ngài trả lại giá trị cho những con người bị loại trừ và Chúa còn nhấn mạnh thêm là việc đón tiếp những con người bị khai trừ như thế cũng chính là đón tiếp Ngài. Đây quả thật là một sứ điệp bất ngờ và cũng rất là mới mẻ của những trang Tin Mừng khả ái này.

Kính thưa anh chị em

Tới đây thì ý nghĩa của Bài Tin Mừng đã khá rõ. Điều Chúa Giêsu muốn ở nơi các môn đệ của Ngài ngày xưa cũng là điều mà Chúa muốn đối với chúng ta hôm hay. Vấn đề đặt ra là khi theo Chúa, sống cuộc đời tự hạ phục vụ như thế, Chúa sẽ dẫn chúng ta đi đến đâu. Câu trả lời tương đối cũng dễ: Đến vinh quang. Đối với Chúa thì vinh quang đã rõ. Đó là sự phục sinh của Ngài. Còn đối với chúng ta thì xem ra vinh quang còn bị che phủ chưa ló dạng. Nhưng chúng ta có cơ sở để tin rằng vinh quang đó sẽ tới.

Xin chứng minh bằng một thí dụ.

Anh chị em biết Mẹ Têrêsa, một con người sống rất gần gũi với chúng ta trong thời gian. Giáo Hội đã phong thánh cho Mẹ. Tại sao thế? Tại vì mẹ xứng đáng được tôn vinh như thế. Một con người khi còn sống chỉ biết phục vụ những người nghèo khó, bệnh tật, bị bỏ rơi….Vậy mà khi qua đời, không biết bao nhiêu danh hiệu cao quí người ta đã đặt ra để ca tụng mẹ.

Ngay khi vừa được tin Mẹ qua đời các báo đã đưa ngay lên trang nhất những bản tin với những những hàng tít thật lớn: “Mẹ của những người nghèo đói đã ra đi” – “Vị nữ thánh của những người cùng khổ không còn nữa” – “Vị nữ thánh giữa đời thường đã vĩnh viễn ra đi”

Bên cạnh những lời ca tụng của báo chí, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cũng bày tỏ lòng thương tiếc sâu sắc. Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã gửi đến Calcutta bức điện chia buồn như sau: “Buổi tối hôm nay đã có ít tình yêu hơn, ít lòng trắc ẩn hơn và cũng ít ánh sáng hơn trên thế giới”

Tại Mỹ tổng thống Bill Clinton đã nói: “Mẹ là người luôn gây ngạc nhiên, một trong những vĩ nhân của thời đại này”

Nữ hoàng Elizabeth II nước Anh gửi một bức thư chia buồn với dòng Nữ Tu thừa Sai Bác Ái đã viết: “Mẹ Têrêxa và công Chúa Diana mỗi người một cách đã nói lên tấm gương: Là con người hãy biết đối xử với nhau bằng lòng nhân ái” – Còn thủ tướng Tony Blair đã gửi đến Calcutta lời thương tiếc: “Trong một tuần đầy bi kịch, thế giới lại càng buồn hơn vì một trong những người phục vụ nhiều lòng trắc ẩn đã ra đi”

Tại Albani quê hương thứ nhất của mẹ, thủ tướng Fatos Nano đã nói: “Đất nước Albani quê hương thương tiếc mẹ vô vàn và muốn đưa thi hài của mẹ về an táng tại quê hương, nhưng ý nguyện này không thành tựu được. Albani sẽ để tang Mẹ trong ba ngày”

Còn tại Châu Á, chính phủ Indonesia bày tỏ lòng thương tiếc và kính phục. Chính phủ Philippin tổ chức lễ tang Mẹ trọng thể tại một trong những quận nghèo nhất ở thủ đô Manila. Tại Singapore thủ tướng Goh Chok Tony đã nói: “Mẹ Têrêxa là một trong những phụ nữ nổi bật nhất của thế kỷ 20” Tại Hàn quốc tổng thống Kim Yong Sam nói: “Nhân loại sẽ mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh cả cuộc đời của Mẹ Têrêxa cho những người bần cùng trên thế giới”

Đó không phải là vinh quang sao kính thưa anh chị em? Là vinh quang chứ! Có rất nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới này thèm được cái vinh quang đó nhưng nào có ai cho! Có nhiều người giầu có muốn được một chút vinh quang như thế nhưng làm sao mà có được.

Để kết thúc bài suy niệm hôm nay, tôi xin được mượn lời của tờ Báo Lao động để nói lên tâm tư của tôi: “Trong cuộc đời bình thường của mình, Mẹ Têrêsa chỉ sống bên cạnh nhưng người bần hàn cơ cực, sắp chết, lở lói, đói ăn, không nhà, không thân nhân, nhưng ngày thứ bảy vừa qua có đến hai nữ hoàng, bốn vị tổng thống đương nhiệm, ba đệ nhất phu nhân, hai thủ tướng và rất nhiều người cao sang quyền quí đã đến dưới chân bà nghiêng mình tiễn biệt. Kể từ ngày cố thủ tướng Javahartal Nerhu qua đời dến nay, chưa bao giờ người dân Ấn độ chứng kiến được một đám tang vĩ đại như vậy.”

Và lời của Chúa Giêsu: “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.”+” Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”(Ga 12,26).

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Thánh Marco vừa thuật lại một câu chuyện mà cha chắc là phải Chúa buồn.

Chúng con biết tại sao không?

– Thưa cha, tại các môn đệ của Chúa cãi nhau.

– Rất đúng! Chúng con giỏi quá. Đúng là như vậy.

– Môn đệ của Chúa cãi nhau về vấn đề gì nào?

– Thưa cha…cãi nhau xem ai là người lớn nhất.

– Giỏi nữa. Thế chúng con đã cãi nhau bao giờ chưa?

– Dạ rồi.

– Cãi nhau về vấn đề gì?

…………

Đây cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này:

Một ngày nọ, các màu sắc nổ ra một cuộc tranh cãi lớn. Màu nào cũng cho rằng mình mới là sắc màu tuyệt vời nhất, quan trọng nhất và được hết thảy mọi người yêu thích.

Màu xanh lá cây nói:

– Rõ ràng mình là màu quan trọng nhất. Mình là dấu hiệu của sự sống và hy vọng. Chính vì thế mà mình được chọn là màu của cỏ cây, của hoa lá. Không có mình, cả thế giới này chỉ là một nơi khô cằn, chết chóc. Các cậu thử nhìn khắp các vùng làng quê xem, đâu đâu cũng thấy mình trên đó.

Màu xanh dương vội ngắt lời:

– Sự tồn tại của bạn chỉ giới hạn trên đất đai mà thôi, sao bạn không thử nhìn bầu trời và mặt biển xem. Không phải nước là nguồn sống cơ bản của mọi vật à? Còn bầu trời lại cho bạn không gian, sự bình an trong tâm hồn. Rõ ràng, nếu không có tôi, thế giới này sẽ không hoàn hảo chút nào.

Nghe vậy, màu vàng mỉm cười và lên tiếng:

– Sao các bạn lại quan trọng hóa những vấn đề nhỏ nhặt như thế nhỉ? Chính mình là người mang lại tiếng cười, niềm vui và sự ấm áp cho hành tinh này, bởi mình là màu của mặt trời, mặt trăng, của các vì sao. Hãy ngắm nhìn màu vàng rực rỡ của đóa hướng dương mà xem, chẳng phải nó khiến các bạn thấy cả thế giới đang mỉm cười với mình hay sao? Không có mình sẽ không có niềm vui đâu.

Màu da cam lớn tiếng:

– Còn mình là màu tượng trưng cho sức khỏe và sự mạnh mẽ. Có lẽ các bạn ít thấy mình, nhưng mình quý lắm đấy nhé! Mình chứa đựng những vitamin quan trọng cho con người. Tuy không phải lúc nào mình cũng có mặt, nhưng khi mọi người ngắm nhìn bầu trời lúc bình minh hay hoàng hôn, không ai tránh được sự cảm phục trước vẻ kiều diễm của mình cả.

Không thể chờ đợi lâu hơn nữa, màu đỏ cất giọng phản đối:

– Mình mới là màu thống trị thế giới. Mình là màu của máu, và ai cũng biết rõ máu là thứ quan trọng nhất cho sự sinh tồn của loài người. Mình cảnh báo hiểm nguy và tượng trưng cho lòng dũng cảm. Mình sẵn sàng chiến đấu vì chính nghĩa, kêu gọi lòng nhiệt tình, tự tin chiến thắng. Không có mình, trái đất này sẽ vô vị và vắng lặng như chốn hoang mạc. Mình cũng chính là màu tượng trưng cho đam mê và tình yêu, là màu của hoa hồng, hoa trạng nguyên và của trái tim đang nồng cháy.

Đến lúc này thì màu tím mới đứng dậy, hết sức duyên dáng nhưng cũng thật sắc sảo:

– Mình là sắc màu của hoàng gia và sức mạnh. Các vì vua, các nhà lãnh đạo và các vị quyền cao chức trọng đều chọn mình cho dấu hiệu của uy quyền và thông thái. Khi đứng trước mình, mọi người đều không bao giờ dám thắc mắc. Họ chỉ biết lắng nghe và phục tùng.

Khi tiếng xôn xao còn chưa kịp lắng xuống, màu chàm đã cất giọng, rụt rè nhưng cũng khá quyết liệt:

– Còn mình, mình là màu của sự im lặng. Bạn khó mà nhận ra mình giữa đám đông, nhưng nếu không có mình, các bạn chỉ là những kẻ hời hợt, nông cạn và thiển cận. Mình tượng trưng cho tư duy, cho bề dày của lịch sử, của những điều bí ẩn… Các bạn phải cần mình mới có cân bằng, tương phản, cho những lúc lắng đọng tâm hồn và cho sự bình ổn bên trong.

Lời lẽ của màu sắc nào cũng đầy thuyết phục, nên chẳng ai chịu ai. Thế là chúng lại tiếp tục lớn tiếng đề cao bản thân và tranh cãi với nhau. Ai cũng muốn mình là sắc màu tuyệt vời nhất. Tiếng tranh cãi càng lúc càng lớn dần. Bỗng nhiên một ánh sáng lóe lên, bầu trời phủ kín đầy mây mù, sấm sét giật liên hồi. Mưa bắt đầu rơi. Các màu sắc sợ hãi nép sát vào nhau như để tìm chốn nương tựa. Giữa âm thanh hỗn độn đó, mưa bắt đầu lên tiếng:

– Các ngươi thật là một lũ ngu ngốc, tranh cãi nhau chỉ vì cái tôi ích kỷ, hẹp hòi, chỉ vì muốn mình nổi trội hơn người khác.

Đó là lý do khiến người ta hay cãi nhau. Cải nhau vì cái tôi ích kỷ, hẹp hòi, chỉ vì muốn mình nổi trội hơn người khác.

Các môn đệ của Chúa Giêsu hôm nay cãi nhau cũng vì những lý do đó. Ai cũng muốn làm lớn. Ai cũng muốn hơn người. Đó là cái gốc sinh ra những bất hoà giữa người với người và là cớ sinh ra sự cãi nhau.

2. Bây giờ cha hỏi chúng con đứng trước việc đó Chúa Giêsu đã có thái độ như thế nào?

Câu trả lời: Chúa kiên nhẫn giáo dục các môn đệ của Ngài. Chúa không giận, không la rầy. Bằng một thái độ của một bậc Thầy Chúa ôn tồn dậy dỗ các môn đệ.

Chúng con hãy nghe lời Chúa nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy.”

Chúa nói hay quá chúng con. Đây có thể coi là một toa thuốc chữa bệnh cãi nhau. Toa thuốc này gồm có hai thứ:

– Thứ nhất là sống khiêm nhường và phục vụ nhau

– Thứ hai là biết mở lòng đón tiếp và tôn trọng nhau.

Biết dùng hai loại thuốc này thì căn bệnh cãi nhau sẽ hết.

Cha mượn câu chuyện dụ ngôn này để chúng con thấy được ý của Chúa. Câu chuyện về con Ngựa và con Trâu.

Ngựa và trâu cùng ăn cỏ trên một cánh đồng. Bỗng ngựa liếc nhìn trâu và khinh bỉ nói:

– Này tên thợ cày kia! Cớ sao mi dám ngọam cỏ cạnh ta? Đứng xa ra một tí đi! Có khôn thì biến đi cho khuất mắt ta!

Trâu rất bực, nhưng cũng cố nhịn mà nói lại:

– Sao anh lại giương vây giương cánh mà coi thường tôi thế?

– Hừm! Thế mi không thấy trên lưng ta có bộ yên đẹp hay sao? -ngựa đáp- Mi không thấy người ta đã dùng vàng bạc châu báu để trang điểm cho ta hay sao? Nhà vua thân chinh cưỡi ta, thường xoa bườm, vuốt ve và khen ngợi ta. Ta vừa có tài chạy mau, lại vừa có ích. Còn mi là cái thá gì? Nhà vua đâu có thèm nhìn tới.

– Điều đó rất đúng!- Trâu cất giọng ồ ồ đáp-, nhưng dẫu sao tôi vẫn có ích hơn bạn. Tôi tuy chậm chạp nhưng có sức. Giả sử tôi không cày ruộng, không vò lúa, không kéo xe chở thóc về kinh đô, không quay bánh xe ở cối xay bột, thì chẳng những anh mà ngay cả đến nhà vua phúc hậu cưỡi anh cũng nhăn răng mà chết. Tôi đã đem sức lao động của mình làm cho nhân dân khắp thế gian được no ấm.

– Cha cái tên khốn kiếp kia!- Ngựa hí lên- , đừng có già mồm nói láo, ta đá cho lòi ruột ra bây giờ !

-Trâu cũng không lép vế, lớn tiếng mắng lại ngựa. Hai con vật sắp ẩu đả thì vừa lúc ấy voi đi tới. Voi đã nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, liền nói :

– Hai tên mất trí kia, cãi nhau như vậy thì được tích sự gì. Cả hai chú đều vô ích, mỗi chú làm được một việc khác nhau. Này, chú ngựa hãy nghe ta nói: Trâu không làm được việc của chú, còn chú cũng không thay được trâu. Chú hầu hạ người, còn trâu thì làm việc cho người, cả hai đều có ích. Những lời chú tự khen mình chỉ là những lời rỗng tuếch. Thôi đừng cãi nhau nữa, người nào việc nấy đi làm đi!

Nghe xong, thấy Voi nói phải, Ngựa đâm ngượng. Từ đó trở đi, ngựa không bao giờ khoe khoang và gièm pha người khác nữa. Ngựa hiểu rằng ai lao động thì cũng đều đem lại lợi ích cho mọi người.

Nếu ai cũng biết mình thật sự là ai và sống để làm gì thì chắc là thế giới này sẽ tốt đẹp biết bao! Amen.

Câu hỏi xưa kia Chúa Giêsu đặt cho các môn đệ: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai.” hôm nay Ngài cũng muốn đặt cho mỗi người chúng ta.

Có thể trả lời hai cách.

Hoặc trả như Phêrô: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống.”(Mc 28,27)

Trả lời như vậy là rất đúng. Nhưng sợ rằng đó là một câu trả lời lý thuyết, hiển nhiên, có sẵn, theo sách vở. Chúng ta học trong sách thế nào thì thưa lại như vậy, chứ chưa chắc đã là một xác tín của bản thân.

Cách thứ hai là trả lời theo kinh nghiệm bản thân. Sau khi suy nghĩ, cân nhắc mình nghĩ thế nào, cảm nghiệm điều gì thì nói lên trung thực như vậy.

Theo cách này thì trả lời không dễ và mỗi người phải có câu trả lời riêng của mình.

Anh chị em sẽ trả lời như thế nào? Riêng tôi, tôi sẽ thành thật thưa cùng Chúa như thế này: Thầy là người gây rất nhiều phiền toái cho người khác, là một gương mẫu không thể theo nổi nên dễ làm nản lòng… nhưng đồng thời Thầy cũng là người mà con cần đến nhất, không thể thiếu trong đời con.

1. MỘT NGƯỜI GÂY PHIỀN TOÁI

Vâng! Chúa Giêsu gây rất nhiều phiền toái cho mọi người, nhất là cho những ai muốn theo Ngài. Ngài đòi hỏi quá nhiều. Và những điều Ngài đòi hỏi thường đi ngược lại với bản năng của con người. Ngài mời gọi theo con đường hẹp, và qua cửa hẹp, vác thập giá mỗi ngày. Ngài còn đòi hỏi phải từ bỏ tất cả, kể cả chính bản thân. Tin mừng hôm nay kể lại: Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại và Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.(Mc 8,34-35)

Nhiều lúc Ngài đặt người môn đệ trước những lựa chọn rất nghiêm ngặt và gay cấn. Muốn trung tín với Ngài nhiều khi phải chịu những thiệt thòi rất lớn, chẳng hạn phải hy sinh tiền của, tình yêu, gia đình, sự nghiệp, tương lai… Và trong thực tế nhiều người đã không có đủ nghị lực để chấp nhận những hy sinh đó.

Một nhà kinh doanh nói: Nếu làm đúng theo lương tâm Kitô giáo thì chúng tôi bị thiệt thòi quá lớn, biết lấy gì mà bù lại được!

Một bà mẹ gia đình nói lên tình trạng bối rối: Nếu giữ đúng luật Chúa thì đời sống chúng tôi sẽ vô cùng chật vật, bấp bênh.

Một đôi trẻ tâm sự: Nếu không phải là người có đạo thì chuyện tình duyên của chúng tôi gỡ rối cũng chẳng có gì khó. Nhưng khổ là mình có đạo nên mới thành bế tắc.

Còn có nhiều lời khác tương tự, nhiều hoàn cảnh bi thảm khác. Quả thật Chúa Giêsu gây không ít phiền toái, rắc rối… làm nhiều người đau khổ.

Vâng! Theo Chúa Giêsu còn khó hơn leo núi. Mà chiều cao của ngọn núi này không thể đo được bằng thước trần gian. Càng leo càng thấy cao và càng thấy dốc. Làm sao đôi lúc có thể tránh được cơn cám dỗ ác hại nhất là bỏ cuộc vì nản lòng.

2. NHƯNG CHÚA LÀ NGƯỜI MÀ TA CẦN ĐẾN NHẤT

Nhưng xét cho cùng, Chúa Giêsu vẫn là người mà ta cần đến nhất. Thiếu Ngài là ta sẽ chới với, ngả nghiêng. Cuộc đời sẽ chao đảo, lạc hướng, mất hết ý nghĩa.

Cuộc sống cũng như tâm hồn chúng ta có nhiều mơ ước. Có những mơ ước dễ nhìn thấy như những mơ ước về một cuộc sống giầu sang, một cuộc sống có đầy đủ mọi phương tiện, mơ ước về một sự thành đạt để đuợc sống cao hơn, sung sướng hơn… Nếu chỉ dừng lại ở những mơ ước thường ngày, có liên quan đến cuộc sống thể xác, vật chất trước mắt như thế thì có lẽ sự hiện diện của Chúa Giêsu cũng chẳng có ích gì nhiều cho chúng ta.

Nhưng nếu suy nghĩ sâu xa hơn một chút nữa, chúng ta sẽ thấy cuộc sống của con người còn có nhiều mơ ước khác, chúng thầm kín, thâm sâu, luôn âm ỉ dưới chiều sâu, ẩn giấu… nhiều khi chính mình cũng không thể ý thức được hết. Đó là những ước mơ có liên quan đến vận mệnh và ý nghĩa của đời người. Chúng ta vẫn nhận ra mình luôn mơ ước, ít ra một cách mơ hồ về cái gì chân thật, hoàn hảo, vĩnh cửu… nghĩa là mơ ước người chân lý, về sự toàn thiện.

Vấn đề là ai có thể thỏa mãn được những ước mơ thâm sâu và thầm kín đó của chúng ta?

Chắc chắn chỉ có mình Đấng đã tự giới thiệu mình là Chân lý và là Sự sống: “Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống”.

Chúa Giêsu là Chân lý bất biến và tối hậu. Ngài là Sự sống tràn đầy và vô tận… trong khi sự sống thân xác chỉ là một tia lửa lóe lên chốc lát rồi lại tắt ngấm trong đêm dài bất tận. Ngài còn là đường an toàn, chắc chắn, đưa hết thảy chúng ta tới Chân lý và Sự sống trọn vẹn.

Chính vì thế mà Ngài là người mà chúng ta cần đến nhất, một người không thể thiếu… mặc dầu sự hiện diện của Ngài có gây phiền toái, và sự thánh thiện của Ngài đôi khi có làm cho chúng ta nản lòng.

Cho nên lời tuyên xưng xưa của Phêrô còn phải trở thành kinh nghiệm riêng của mỗi người chúng ta hôm nay: ”Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai Ai”.

3. CÔNG VIỆC PHẢI LÀM: TIN TƯỞNG VÀO CHÚA

Có người kể lại giấc mơ của mình như sau: Tối hôm qua, tôi mơ thấy mình đang cầu nguyện, bỗng chốc một luồng ánh sáng xuất hiện; trong ánh sáng huy hoàng đó, tôi nhận ra Chúa Giêsu đang đứng trước mặt tôi, Ngài mỉm cười nhìn tôi và nói:

– Con hãy đến ngồi trên tấm thảm này với Ta.

Lòng tràn đầy vui sướng, tôi tiến lại gần bên Chúa và ngồi xuống tấm thảm bên cạnh Ngài. Tấm thảm từ từ bay bổng lên không trung đưa theo Chúa Giêsu và tôi ngồi trên đó. Tôi mỉm cười, lòng đầy vui sướng và tự nhủ: thật không còn gì hạnh phúc cho bằng được ở gần bên Chúa.

Một lúc sau, tôi quay nhìn Chúa Giêsu để bày tỏ niềm vui của tôi; thế nhưng tim tôi bắt đầu đập mạnh, vì tôi có cảm tưởng như Chúa Giêsu không còn bận tâm đến tôi nữa, bởi lẽ Ngài đang chăm chú rút từng sợi chỉ của tấm thảm rồi quăng chúng vào không trung. Chẳng mấy chốc tấm thảm chỉ còn lại phân nửa. Hết sợi chỉ này đến sợi chỉ khác từ từ bay lên theo gió, chân tay tôi bắt đầu run lên vì hoảng sợ, thế nhưng Chúa Giêsu vẫn thản nhiên tiếp tục rút từng sợi chỉ. Sau cùng tôi kêu lên:

– Lạy Chúa, Chúa đang làm gì thế? Chúa không thấy là chẳng còn mấy chốc nữa tấm thảm của chúng ta sẽ tan tành hay sao?

Chúa Giêsu mỉn cười nắm lấy tay tôi và nói:

– Sao con lại nhát đảm và kém lòng tin như thế? Con hãy bám chặt vào Ta, con sẽ không phải sợ gì nữa, mặc dù con sẽ bị tước đoạt hết mọi sự, cả đến sợi chỉ cuối cùng”.

Chúa Giêsu vừa dứt lời, thì qủa thực sợi chỉ cuối cùng của tấm thảm cũng bị rút đi luôn, và tôi giật mình thức giấc.

Nguồn: Lm. Giuse Đinh Tất Quý – TGP Sài Gòn
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20180911/43894

Thiếu nhi chúng con yêu quí

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe dài và nói về nhiều vấn đề quá. Nào là việc Chúa hỏi các môn đệ xem sau một thời gian dài Chúa rao giảng cho mọi người thì người ta nghĩ Chúa là Người như thế nào. Nào là việc Chúa trực tiếp hỏi xem chính các môn đệ nghĩ Chúa là ai. Rồi sau đó Chúa công khai loan báo về cuộc khổ nạn Chúa phải chịu và cuối cùng Chúa quyết liệt đòi hỏi những ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mạng sống mình, rồi phải vác thập giá mình mà theo.

Cha hỏi chúng con với tất cả những việc như thế Chúa muốn chúng ta điều gì?

………………

Khó phải không chúng con?

Cha tưởng Chúa muốn chúng ta phải hiểu Chúa cho đúng. Hiểu Chúa cho đúng là hiểu Chúa Là Ai. Chúa xuống thế làm người để làm gì? Đâu là con đường Chúa theo để thực hiện ý muốn của Thiên Chúa Cha và muốn đi theo Chúa thì con người phải làm gì.

Nhiều quá phải không chúng con?

Bởi vậy hôm nay cha chỉ muốn nói về một điểm thôi. Đó là việc Chúa đòi hỏi những ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mình vác vác thánh giá mà theo. Nào chúng ta hãy nghe lại Lời Chúa: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(Mc 8,34) Rồi sau đó Chúa giải thích: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”(Mc 8,35)

Cha hỏi chúng con: Tại sao Chúa lại đòi hỏi quá khó như vây?

Trước khi tìm một câu trả lời, cha hỏi chúng con thêm một câu nữa: Trước khi Chúa đòi hỏi như thế, Chúa đã làm gì? Chúng con nhớ lại một chút xem. Tin Mừng ghi: Trước khi Chúa đòi hỏi các môn đệ như thế Chúa đã báo trước về cái chết Chúa sắp phải chịu. Chúa bảo các môn đệ như thế này: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.(Mc 8,31) Sau đó Tin Mừng còn nhấn mạnh thêm: “Người nói rõ điều đó, không úp mở”(Mc 8,32). Tới đây thì cha thấy câu trả lời đã rõ: Chúa muốn chúng ta noi gương bắt chước Chúa.

Chúa đã chấp nhận đi qua con đường Thánh Giá khổ nhục rồi mới đến vinh quang Phục Sinh. Chính Chúa đã muốn đi qua cái chết đau đớn rồi mới tới ngày sống lại vinh quang. Bởi vậy mà Chúa đã nói với các môn đệ: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

Sở dĩ Chúa làm thế là để làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Vì Thiên Chúa Cha muốn Chúa Giêsu Con của mình làm thế để cho loài người biết Thiên Chúa yêu thương loài người như thế nào. Chính Chúa Giêsu cũng đã có lần cũng cho biết như vậy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến thân vì người mình yêu.”

Bởi vậy tuy những lời Chúa nói hôm nay, có khó nghe và khó chấp nhận. Nhưng đó là điều Chúa muốn. Môn đệ không thể hơn Thầy. “Môn đệ không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Môn đệ được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi.(Mt 14,24-25)  Chúa đã đi qua con đường Thập Giá rồi mới tới vinh quang, phục sinh thì chúng ta là những môn đệ của Chúa muốn có vinh quang thì cũng phải đi vào con đường đó.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này. Câu chuyện có tên là: Miếng Đất Sét Và Tách Trà Quý. Chúng con đã thấy cái tách trà bao giờ chưa? Cha chắc chúng con đã thấy rồi. Câu chuyện ấy như thế này:

Cái tách trà một lần kia đã tâm sự: “Trư­ớc đây, tôi không phải là cái tách trà xinh xắn đẹp đẽ như thế này đâu. Trước đây tôi chỉ là một miếng đất sét đỏ. Rồi một hôm, ông chủ đem tôi nhào nặn, đập dẹt ra, rồi nhào, rồi lại đập dẹt ra. Tôi sợ quá, nên đã hét lên:

–  Buông tôi ra

Nh­ưng ông chỉ c­ười:

– Chư­a đ­ược đâu.

Sau đó, ông đặt tôi lên một cái bàn xoay, xoay tôi liên tục đến độ tôi phải kêu lên oai oái:

– Dừng lại đi, tôi chóng mặt lắm

Thế nhưng ông lại nói:

– Chư­a được đâu!

Rồi ông ấy đặt tôi vào lò nung, nóng khủng khiếp. Tôi không hiểu tại sao ông ta lại muốn hành hạ tôi, đốt tôi như thế. Tôi đập mạnh vào thành lò bồm bộp nhưng chỉ nghe tiếng ông nói:

– Vẫn chư­a đư­ợc đâu. Một lúc lâu sau, ông mới lôi tôi ra và đặt tôi ngồi trên kệ để ngư­ời tôi nguội dần. Tôi cảm thấy thật dễ chịu. Như­ng th­ưởng thức cảm giác đó chư­a đ­ược bao lâu, con ngư­ời khó tính kia lại bắt đầu lấy một chất lỏng quét lên bên ngoài ng­ười tôi. Tôi không chịu đ­ược và gào lên:

– Hãy dừng lại

Nh­ưng ông vẫn chỉ gật gù:

– Chư­a đâu.

 Rồi tôi lại bị đặt vào lò và lần này là cái lò nóng gấp đôi lần tr­ước. T­ưởng như­ mình chết ngạt đến nơi, tôi khóc và van xin nhưng ông vẫn kiên quyết nói:

– Vẫn chư­a được!

 Tôi chẳng còn hy vọng gì nên đành buông xuôi theo số phận.

Đột nhiên cửa lò bật mở, ông chủ bế tôi ra và cẩn thận đặt trên kệ. Ông đặt một cái gương trư­ớc mặt tôi rồi nói:

– Hãy nhìn mình xem.

Tôi nhìn và thốt lên trong ngạc nhiên:

– Tôi đây sao? Giờ tôi trở nên xinh đẹp thế này ­sao?

Lúc này, ông chủ của tôi mới bắt đầu lên tiếng:

– Ta biết con sẽ đau đớn lắm khi bị ta nhào nặn nhưng nếu ta không làm thế, con sẽ bị khô đi và trở nên vô dụng. Ta biết bị xoay trên bàn nặn là vô cùng chóng mặt, nhưng nếu ngưng lại con sẽ bị méo mó. Ta cũng biết lò nung rất nóng và làm con rát bỏng nhưng nếu không vào đó con sẽ không trở nên cứng cáp và dễ nứt vỡ. Ta cũng biết mùi sơn làm con rất khó chịu, như­ng nếu không làm vậy, con sẽ nhạt nhẽo chẳng có chút màu sắc nào cả. Ta buộc phải đặt con vào lò nung thêm một lần nữa để con cứng cáp và bền chắc. Còn giờ đây, sau bao khổ luyện, con đã là một sản phẩm đẹp và hoàn chỉnh. Ta thật sự hãnh diện về con! Phải qua những thử thách vất vả con mới trở thành một tách trà đẹp nh­ư thế con ạ.

Để kết thúc xin mượn lời của ngôn sứ Isaia để thưa với Chúa.

Lạy Chúa, Ngài là Cha chúng con. Chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài. Chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.

Cúi xin Ngài nhìn đến: chúng con tất cả đều là dân của Ngài.

Xin hãy làm cho chúng con hiểu rằng: Đau khổ, nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản lối bước, nhưng là những thềm đá nâng con lên cao hơn, cao tới tận Thiên đàng. Amen.

Nguồn: LM. Giuse Đinh Tất Quý – TGP Sài Gòn
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20180911/43895

Bài giảng Chúa Nhật 24 Thường Niên, năm B.

Trong Thánh Lễ có thực hiện Bí tích Hôn Phối dành cho anh Giuse Nguyễn Cao Kỳ và Chị Catarina Lưu Thị Yến Nhi.

Lễ 9h00 ngày 16/09/2018 tại nhà thờ Tân Định.

Lời Chúa hôm nay thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành một người vừa câm lại vừa điếc.

Nghe và nói là hai khả năng rất quan trọng. Chúng được ví như hai cánh cửa được mở ra để tiếp xúc với thế giới bên ngoài: Nghe là cánh cửa mở ra để đón nhận thông tin bên ngoài. Nói là cánh cửa mở lòng ra tiếp xúc với thế giới chung quanh, Ai bị điếc, không nghe được, nên thường sống thinh lặng, cô đơn. Câm không nói được nên thường ngại ngùng và mắc cỡ.

Qua phép lạ này, Chúa muốn nhắc nhở cho chúng ta về sự câm điếc tinh thần. Chúng ta vẫn có thể nghe được bình thường, nhưng lại điếc vì không nghe hay không muốn nghe Chúa nói khi cầu nguyện, khi nghe giảng dạy. Chúng ta vẫn nói được nhưng không dám nói những điều phải nói và sợ không dám nói sự thật.

Có một ông vua nọ bị dân gán cho một căn bệnh hiểm nghèo: “Tứ chứng nan y” gồm: Mù, què, câm, điếc.

Một hôm, một người vào cung vua yết kiến. Vua hỏi:

– Nhà ngươi vào gặp ta chắc có chuyện gì?

-Tâu bệ hạ – người đó thưa –  hạ thần nghe rằng bệ hạ đang mang một căn bệnh rất hiểm nghèo là “Tứ chứng nan y” nên hạ thần vào thăm bệ hạ.

Nghe thế, nhà vua liền nổi giận quát:

– Kẻ nào dám bịa đặt bảo ta bị bệnh? Chân tay mắt mũi ta lành lặn thế này mà bảo ta mù, què, câm, điếc sao?

Người kia liền tâu:

– Thần nghe thiên hạ đồn như vậy, nay gặp vua mới biết sự thực. Nhưng xét lại, thì tin đồn ấy cũng chẳng sai.

Nhà vua chặn lời, nói:

– Vậy ngươi hãy chỉ cho ta xem!

– Tâu bệ hạ, thứ nhất dân kêu kiện nhiều mà bệ hạ không thèm trả lời, không giải quyết, nên bọn họ tưởng bệ hạ bị câm. Thứ hai, giặc ngoại bang tràn lan muốn xâm chiếm đất nước, nhân dân hoang mang lo sợ, kêu cầu nhà vua, mà vua không lo gì hết, nên họ tưởng là nhà vua họ bị điếc. Thứ ba, cuộc sống của bệ hạ thì quá sung sướng, trên nhung dưới lụa, còn ngược lại, dân chúng sống trong cùng cực, đói khổ. Họ không hề thấy bệ hạ dòm ngó gì đến họ, chẳng thèm quan tâm đến đời sống của họ, nên họ tưởng bệ hạ bị đui. Và cuối cùng, vì họ không bao giờ thấy bệ hạ ra khỏi cung điện, mà ngày đêm chỉ biết ăn chơi với các cung phi, nên họ tưởng là bệ hạ bị què!

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Cha hỏi chúng con: Chúa Giêsu đã làm gì trong bài Tin Mừng hôm nay?

– Thưa cha Chúa đã chữa cho một người mắc bệnh vừa câm vừa điếc.

– Thế chúng con đã thấy ai câm bao giờ chưa?

– Thưa cha… thấy rồi.

– Còn người điếc.

– Thưa cha cũng đã thấy.

– Thế cha hỏi chúng con, sau khi được chứng kiến việc Chúa Giêsu làm người ta đã có phản ứng như thế nào?

– Thưa cha, họ hết sự kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.“(Mc 7,37)

– Rất đúng! Chúng con trả lời hay quá. Cha khen chúng con.

– Cha hỏi câu cuối cùng: Chúng con có muốn được người ta khen chúng con như họ đã khen Chúa Giêsu không? Khỏi cần trả lời cha cũng biết ai trong chúng con mà lại không mong được như thế.

 Cha kể cho chúng con câu chuyện nhỏ này.

 Đây là một trong những câu chuyện giáo dục mà người Đức hay kể cho nhau nghe. Đó là câu chuyện kể về một em bé có tên là Jeannette. Hôm đó em Jeannette được cùng với cha mẹ đi xem một cuộc diễn binh lớn. Vì là con của một chức sắc cao cấp cho nên em được ngồi ở trên khán đài với cha mẹ. Chung quanh khán đài có cả hàng ngàn người cùng đứng xem. Hôm đó Hoàng đế và Hoàng Hậu cũng có mặt trên khán đài. Từ trên khán đài Jeannette thấy một bà cụ yếu đuối, đang cố gắng kiễng chân mình lên để xem nhưng chắc là cũng chẳng thấy gì. Khi thấy như vậy, Jeannette bèn thầm nghĩ trong lòng:

– Mình khỏe mạnh mà ngồi đây, để cho bà cụ già yếu đuối kia đứng chen chúc cố gắng mãi mà không thấy gì thì không nên. Mình phải kính trọng người già để sau này mình về già, người khác cũng sẽ kính trọng lại mình như vậy!

Nghĩ như thế nên cô bèn đi xuống mời bà cụ lên đứng vào chỗ của mình rồi tự nguyện ra đứng chỗ đám đông. Và thật bất ngờ trong khi cô đang cố nhón chân mình lên để xem thì một người lính cận vệ của nhà vua mặc áo giáp vàng, lách đám đông đến trước mặt cô và nói:

          – Cô bé ơi, hoàng hậu cho mời cô đến ngồi bên cạnh người!

          Bé Jeannette ngạc nhiên khi đứng trước mặt hoàng hậu, nhưng hoàng hậu nói rằng:

          – Hãy ngồi bên cạnh ta, ta đã thấy con nhường chỗ cho bà cụ già, nên bây giờ con được phép ngồi cạnh ta!

Cô bé này đã làm một việc mà Hoàng hậu cũng phải cảm phục vì đó là một việc tốt.

Cha thấy trong cuộc sống chẳng thiếu gì những việc tốt mà mọi người có thể làm. Chỉ tiếc có một điều là nhiều người biết là tốt mà không dám làm hay không chịu làm thôi. Chúng con hãy cố gắng để làm việc tốt, càng nhiều càng hay.

Cha lấy một thí dụ:

Một bé gái nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia, em bị bệnh nặng phải vào nhà thương. Các bác sỹ cho biết chỉ có giải phẫu mới có hy vọng cứu sống em. Trước khi cho thuốc gây mê, các bác sỹ và y tá báo cho em biết là em sẽ được ngủ một giấc dài. Nghe nói ngủ, cô bé ngây thơ đã xin được quỳ xuống cầu nguyện. Thế là trước mặt mọi người, cô bé quỳ gối cầu nguyện một cách hết sức chân thành, và em kết thúc bằng lời nguyện như sau: “Xin Chúa cho con được chóng lành bệnh”. Cầu nguyện xong, em bé nằm xuống và xin các bác sỹ và y tá tiến hành cuộc giải phẫu…

Ngày hôm sau, cô bé tỉnh dậy với nỗi đau tội cùng. Câu hỏi đâu tiên của em với bác sỹ là:

– Cháu có được lành bệnh không, thưa bác sỹ?

Vị bác sỹ nhìn thẳng vào đôi mắt của em và đáp với tất cả sự xúc động:

          – Cháu hãy để cho Chúa lo liệu, bác chưa biết được kết quả của cuộc giải phẫu. Nhưng có một điều bác tin chắc, đó là cháu đã cứu được một người, và người đó không ai khác hơn đó chính là bác đây! Từ lâu, bác đã không đến nhà thờ, bác không còn nhớ đến Chúa và cũng không bao giờ cầu nguyện nữa. Thế nhưng, hôm qua khi nhìn thấy cháu cầu nguyện một cách thật sốt sắng, bác không cầm được nước mắt. Chúa đã đánh động bác. Sáng nay, bác đã đến nhà thờ xưng tội và chịu lễ. Bác tin chắc rằng Chúa đã nhận lời cháu. Cháu đừng lo lắng nữa. Hãy phó thác cho Thiên Chúa!”.

Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới hiểu rõ điều gì tốt đẹp chúng ta người ta làm cho nhau.

Chúa Giêsu đã làm cho mọi người phải kinh ngạc mà thốt lên: Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả”(Mc 7,27). Những việc tốt đẹp Chúa làm thì không sao kể cho hết được. Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy rất rõ điều đó.

Cha muốn kết thúc bài nói chuyện hôm nay bằng câu chuyện này. Câu chuyện được viết trong một cuốn sách mà cha rất thích. Đó là cuốn Những Tâm Hồn Cao Thượng. Đây là lời của một bà mẹ khuyên con.

Sáng hôm nay, lúc đi học về, con đi trước mẹ, con đã gặp một người đàn bà nghèo bế một đứa con nhỏ xanh xao yếu đuối và chìa tay xin con bố thí. Mẹ thấy con đã nhìn người ta bằng cặp mắt lạnh lùng và con đã chẳng cho bà ta gì cả và mẹ biết lúc ấy túi con đang có tiền. Nghe mẹ, con ơi!

Con đừng tập thói làm ngơ trước người nghèo khó ngửa tay xin con; hơn nữa con lại càng không nên bước qua một người mẹ xin ăn cho đứa con của mình. Con hãy nghĩ đến đứa trẻ thơ bụng đang đói, nghĩ đến sự đau khổ của người mẹ.

Mỗi khi mẹ bố thí cho kẻ nghèo thì bao giờ họ cũng cảm ơn và cầu chúc cho mẹ, cho cả nhà ta được mọi sự lành. Những lời chúc ấy nghe êm ái biết là dường nào! Và lòng tạ ơn họ không biết bao nhiêu.

Những lời cầu nguyện ấy sẽ thấu đến đấng Thượng đế để ngài phù hộ cho tất cả những người thân yêu của ta. Vì thế, mẹ trở về rất hài lòng và tự nhủ:

– Người ấy đã cho ta nhiều hơn là ta đãi họ!

Enricô ơi! Con hãy nghe lời mẹ: thỉnh thoảng con nên bớt một vài xu trong túi tiền của con để cho người già không chốn nương thân, người mẹ không có gạo, đứa trẻ không mẹ không có cha. Những kẻ nghèo khó thích xin trẻ con vì khi làm như thế họ không cảm thấy nhục, vì trẻ con cũng như họ là những người phải cần đến mọi người. Con có nhận thấy ở quanh trường con thường có nhiều kẻ ăn xin không? Sự bố thí của người lớn là một việc làm phúc, nhưng sự bố thí của trẻ con không những là một việc làm phúc mà còn là một sự vỗ về nữa, vì mỗi lần đứa trẻ đem cho thì hình như đồng tiền của nó có kèm theo một bông hoa ở trong tay nó rơi ra.

Con ơi! Con phải biết con có đủ cả, chứ kẻ khó thì thiếu hết. Khi con mong được sung sướng thì người nghèo chỉ cầu sao cho khỏi chết. Trong một đám người có bao nhiêu là nhà giàu, trong một dẫy phố có bao nhiêu người sang trọng qua lại, có bao nhiêu đứa trẻ ăn mặc xa hoa, thế mà mẹ vẫn còn thấy nhiều đàn bà và trẻ con đói khát, rách rưới! Thực đáng buồn thay!

Muốn cho người ta khỏi chê con là một kẻ vô tình thì từ sau, con đừng bước qua một kẻ khó mà không cho gì nhé.

Mẹ con.