Ngày lễ Thánh gia là ngày lễ của các gia đình, một gia đình thánh. Chúng ta tự hỏi một gia đình thánh là một gia đình như thế nào? Đọc trong Tin Mừng nhất là Tin Mừng Luca chúng ta có thể tìm ra những bí quyết này:

1. Bí quyết thứ nhất đó là  biết vâng nghe Lời Chúa.

Trong cuốn bài giảng Chúa nhật của mình, Đức Cha Arthur Tonne có ghi lại kết quả của một cuộc điều tra xã hội tại Mỹ năm 1975 về vấn đề gia đình như sau:

Người ta lựa chọn một số gia đình rồi xếp ra từng loại căn cứ vào những tiêu chuẩn sau đây:

* Không tham dự lễ Chúa nhật + Không cầu nguyện

* Có tham dự Thánh lễ Chúa nhật nhưng không cầu nguyện.

* Có tham dự Thánh lễ Chúa nhật + đọc Kinh Thánh và cầu nguyện chung với nhau.

Sau 3 năm người ta nhận được những kết quả sau đây:

Đối với những cặp vợ chồng không bao giờ đi lễ, không cầu nguyện  thì cứ 4 cặp thì có 1 cặp ly dị. Tỷ lệ 1/4.

Đối với những cặp vợ chồng thường xuyên đi tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật nhưng không cầu nguyện chung với nhau thì cứ 57 cặp có một cặp ly dị. Tỉ lệ 1/57.

Với những cặp vợ chồng thường xuyên tham dự thánh lễ Chúa nhật, thêm vào đó còn có thời giờ để đọc Thánh Kinh và cầu nguyện chung với nhau thì kết quả hết sức tốt đẹp. Cứ 500 cặp mới có một cặp ly dị. Tỉ lệ 1/500.

Căn cứ vào kết quả cuộc điều tra này chúng ta thấy: Việc vâng nghe Lời Chúa giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống gia đình. Không có đạo đức gia đình sẽ tan vỡ. Không có đạo đức sớm muộn gì thì gia đình cũng lâm vào cảnh bế tắc không tìm được lối ra. Không có đạo đức gia đình dễ biến thành hỏa ngục.

2. Bí quyết thứ hai đó là coi con cái là vốn quí nhất.

Hồi tháng 2-1988, một trận động đất lớn đã xảy ra tại Arménia thuộc liên bang Xô viết cũ làm cho nhiều người bị thiệt mạng. Trong trận động đất này có rất nhiều cảnh thương tâm. Tuy nhiên, câu chuyện sau đây đáng chúng ta lưu ý hơn cả.

Sau cơn động đất, cũng giống như hàng trăm ngàn người khác, có hai mẹ con bị vùi lấp dưới hàng trăm ngàn tấn đá và ciment. Nhưng may mắn là họ nằm lọt trong khoảng trống nhỏ chỉ vừa để cựa quậy mà thôi. Thực phẩm duy nhất của họ là một hũ mứt nhỏ. Đứa con gái kêu lên:

– Mẹ ơi! Con khát quá! Con muốn uống nước!

Tiếng kêu khát của đứa con gái nhỏ làm bà mẹ vừa đau lòng vừa lúng túng. Thế nhưng, tình mẫu tử đã gợi lên cho bà một ý nghĩ táo bạo. Đó là bà lấy chính những giọt máu cuối cùng của mình cho con bú để có thể cầm cự được với tử thần. Lúc đó, bà mẹ đáng thương sờ soạng xung quanh mình vớ được miếng kiếng nhỏ. Bà cắt ngón tay trỏ của mình đút vào miệng và nói với con:

– Con mút đi!

Sau khi mút một hồi lâu, đứa con lại bảo:

– Mẹ cắt ngón tay nữa cho con bú đi!

Bà mẹ liền cắt một ngón tay nữa, nhưng vì trời quá lạnh nên bà không còn cảm thấy còn đau đớn gì. Sau khi được cứu sống bà mẹ thuật lại rằng: “Lúc đó, tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn cho con tôi được sống”.

Vì con cái là vốn quí nhất, nên các thánh Giuse và Đức Mẹ sẵn sàng hi sinh tất cả, chỉ mong con mình được an toàn.

3. Bí quyết thứ ba đó là con cái luôn hiếu thảo với cha mẹ.

Lịch sử thuật lại rằng, Tổng thống George Washington, một trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, là một người con luôn hiếu thảo đối với mẹ mình.

Sau những trận chiến cam go nơi sa trường, sau những cuộc họp căng thẳng với các chính khách, sau những công việc bề bộn của một nguyên thủ quốc gia, ông vẫn dành cả tiếng đồng hồ để về nhà thăm người mẹ hiền và trò chuyện với bà nhiều giờ.

Một hôm, thấy con đã vất vả công việc quốc gia, lại còn mất nhiều thời giờ thăm viêng, an ủi mình, bà mẹ mới hỏi ông:

   – Tại sao con lại chịu khó mất hàng giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?

Vị tổng thống vĩ đại của nước Mỹ đã trả lời:

  –  Thưa mẹ, ngồi bên cạnh để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất thời giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng nhân hậu của mẹ đã giúp con vui sống.

Chẳng cần phải nói nhiều chúng ta cũng có thể thấy: Ðức Giêsu là một người con rất hiếu thảo. Tin Mừng tóm tắt cuộc đời thơ ấu của Chúa bằng một câu ngắn gọn: “Sau đó Người đi xuống cùng với cha mẹ trở về Nazareth và hằng vâng phục các Ngài” (Lc 2,51).

Lạy Chúa Giêsu,

Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt.

Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh,
khôn ngoan và tràn đầy ơn Chúa. Amen.

Chúng con yêu quí,

Chúng ta đang sống trong những ngày mừng Chúa Giáng sinh.

Nhìn vào máng cỏ Belem, chúng ta thấy một gia đình. Gia đình này cũng giống như những gia đình khác trên thế giới từ trước đến nay. Chúng con thấy gia đình này gồm những ai? Nếu nhìn với đôi mắt bình thường của một con người thì chúng ta thấy có một người làm cha. Đó là ông Giuse. Có một người làm mẹ. Đó là bà Maria và có một người làm con . Đó là trẻ Giêsu.

Một gia đình có cha, có mẹ và có con. Đúng là một gia đình thật sự. Một gia đình có một người được gọi là cha, một người được gọi là mẹ và một người nữa được gọi là con và nếu phải xếp  hạng theo cái nhìn thông thường của chúng ta thì chúng ta thấy:

Người giữ vai trò số một trong gia đình này nhất định phải là thánh Giuse

Sau đó mới đến Đức Mẹ và cuối cùng mới là Chúa Giêsu.

Có phải đúng như vậy không chúng con?

Nhưng nếu đưa mắt nhìn cao và nhìn xa hơn một chút thì chúng ta sẽ thấy suy nghĩ như thế xem ra chưa hợp lý lắm.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào bài Tin Mừng hôm nay. Nhìn và suy nghĩ một chút chúng ta sẽ thấy có một điều gì đó hơi khác thường.

Điều khác thường đầu tiên đó là việc Chúa Giêsu tự ý ở lại đền thờ sau khi đã thi hành các điều luật đòi hỏi.

Chúa Giêsu tự ý ở lại đền thờ.

Chúa Giêsu tự ý ở lại đền thờ mà không có phép của cha mẹ. Chúng con có thấy Chúa Giêsu xin phép cha mẹ để ở lại hay không? Tin Mừng không cho chúng ta thấy điều đó. Rồi sau khi Thánh Giuse và Đức Mẹ trở lại và tìm thấy Chúa, thì Chúa cũng không một lời xin lỗi. Lúc Đức mẹ đưa ra lý do: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Chúng ta tưởng Chúa Giêsu sẽ lên tiếng xin lỗi rối rít! Nhưng không! Chúa Giêsu không làm như chúng ta tưởng mà ngài lại còn trả lời như là ngài có quyền làm như vậy. Đây chúng con nghe: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? “Lạ quá! Chúa Giêsu không phải là con mình sao? Tại sao ngài nói thế. Và chúng con thấy Tin Mừng chỉ còn biết cách ghi lại. “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.” Vâng! khó hiểu thật. Chúa Giêsu nói về công việc của Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu coi công việc của Thiên Chúa Cha mới là công việc chính mình phải chu toàn.

Đó là điều khác thường thứ nhất. Và điều khác thường thứ hai còn khó hiểu hơn.

Hãy nhìn lại bài Tin Mừng chúng ta sẽ thấy. Đây nguyên văn trong Tin Mừng: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiaréth và hằng vâng phục các ngài.“(Lc 2,51)

Hãy đọc lại từng chữ những lời mà thánh Luca ghi lại: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiaréth và hằng vâng phục các ngài.”(Lc 2,51)

Chúa Giêsu về sống trong gia đình ở Nagiareth. Ở đó Chúa Giêsu sống như thế nào trong suốt 30 năm trời chúng con? Chúa Giêsu đã vâng lời thánh Giuse và Đức Maria. 30 năm trời, Chúa Giêsu Con của Thiên Chúa hay nói chính xác hơn Ngài cũng chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa nhập thể làm người. Thiên Chúa vâng lời hai ông bà. Một Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá vâng lời những thụ tạo! Vâng lời suốt 30 năm trời như vậy, như một người con hiếu thảo. Điều đó có lạ lùng không? Quá lạ lùng chứ! Một Thiên Chúa vâng lời những thụ tạo suốt 30 năm trời. Lạ lùng quá!

Cha hỏi chúng con Chúa Giêsu làm như thế để làm gì? Có nhiều cách trả lời nhưng cách hay nhất cha tưởng đó là để làm gương cho chúng ta.

Chúa Giêsu trong gia đình Nagiareth, mặc dù là Thiên Chúa nhưng theo sự xếp đặt của Thiên Chúa Cha, Ngài cũng là một người con. Mà đã là con thì có bổn phận là phải vâng lời cha mẹ. Đức Maria và thánh Giuse tuy chỉ là những con người nhưng trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã xếp đặt để các ngài đóng vai trò làm cha làm mẹ của một gia đình. Đó là ý định của Thiên Chúa cho nên tất cả phải khiêm tốn chu toàn.

Như vậy chúng con thấy bài học Chúa để lại là một bài học quan trọng như thế nào.

Sự vâng lời rất quan trọng trong cuộc đời, nhất là cuộc đời của những người làm con Thiên Chúa.

Vì không vâng lời Thiên Chúa mà tổ tiên của loài người đã để lại những hậu quả đau buồn cho cả nhân loại!

Ngược lại, vì biết vâng lời Thiên Chúa mà Abraham đã trở thành cha của những người tin.

Giả như Đức Mẹ đã không nói lên hai tiếng Xin Vâng thì không biết lịch sử nhân loại và thế giới sẽ ra sao.

Trong một làng kia, ở bên Italia, có một người nông dân rất khô khan nguội lạnh, không sống đạo theo đức tin của mình. Một sáng Chúa Nhật nọ, ông bảo đứa con trai lên 11 tuổi rằng:

– Sáng nay, con ra đồng làm việc với ba nhé!

Cậu bé điềm tĩnh trả lời:

– Thưa ba! hôm nay là Chúa Nhật mà!

Người Cha ngạc nhiên hỏi lại:

– Chúa Nhật thì đã làm sao nào? Bộ Chúa Nhật là không làm việc được hả? Ý con thế nào?

– Thưa Ba, con muốn nói là giới răn thứ 03 Chúa dạy phải thánh hoá ngày Chúa Nhật, phải cầu nguyện và nghỉ ngơi trong ngày này.

Nghe vậy, người Cha bực tức gắt lên:

– Giới răn là  cái quái gì! Các giới răn là để cho mấy đứa con nít kìa. Còn mày đã lớn rồi, đâu cần nữa!

Một ý tưởng loé lên trong trí, cậu bé nhanh nhẩu thưa lại:

– Thưa ba, nếu ba nghĩ vậy thì con không phải tuân giữa các giới răn của Chúa nữa. Điều đó cũng có nghĩa là con khỏi phải tuân giữ giới răn thứ 04 Chúa dạy phải vâng lời cha mẹ phải không?

Người Cha đành im lặng, không biết phải trả lời con làm sao, và ông không bắt đứa con ra đồng làm việc nữa. Trong bụng, ông nghĩ thầm là con mình có lý!

Cha xin kết thúc bằng lời khuyên của Thánh Tông đồ gửi cho Giáo đoàn Colosé: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa.”(Col 3,22)

Ngày Đức Roncalli (về sau là Giáo Hoàng Gioan XXIII) thụ phong Giám mục, ngài được vào yết kiến Đức Piô X để tạ ơn. Đức Giáo Hoàng hỏi:

– Con chọn khẩu hiệu nào?

– Thưa “Vâng phục và bình an”.

– Tại sao con chọn khẩu hiệu đó?

– Thưa Đức Thánh Cha, lúc con còn là học sinh, chiều nào con cũng thấy Hồng Y Daronius đã già cả đi qua công trường Thánh Phêrô. Mỗi lần như thế, ngài đều lấy một ít tiền tặng cho các người nghèo, đoạn vào thẳng đền thờ Thánh Phêrô, đến ngay trước tượng Thánh nhân và hôn chân ngài, rồi gục đầu vào chân tượng, đọc thực lớn tiếng: “Vâng phục và bình an”, Ai ở gần đó đều có thể nghe được. Đọc xong, Hồng Y khả kính đó đến quỳ gối cầu nguyện trước mồ thánh Phêrô, tỏ lòng cung kính, vâng phục và trung thành với Hội Thánh rồi ra về. Hình ảnh cao đẹp và tiếng nói đanh thép ấy đã ghi sâu vào tâm trí con, nên con chọn câu nói ấy làm khẩu hiệu.

Nghe qua Đức Thánh Cha rất cảm động, hài lòng và đưa bàn tay chúc lành cho tân Giám mục Roncalli. Khẩu  hiệu ấy đã được vị Giám mục thực hiện trong suốt cả đời ngài, kể cả lúc ngài trở thành Giáo Hoàng. Chính khẩu hiệu này đã giúp ngài trở thành thánh: Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII sau này. Amen.

Trong giờ phút linh thiêng thánh thiện này, chúng ta hãy trút bỏ mọi tâm tư trần tục để chú tâm vào màu nhiệm vừa được mạc khải cho chúng ta qua lời thiên thần: “Hôm nay, Chúa Kitô, Đấng Cứu thế đã giáng sinh cho anh em”.

1. Ngài giáng sinh một cách lạ lùng ư?

Không, Ngài sinh ra như mọi người. Ngài xuất hiện nhẹ nhàng trong đêm đông cô tịch. Ngài không tìm được một chỗ trong hàng quán. Phúc âm viết rõ như vậy. Thân mẫu Ngài đã hạ sinh Ngài trong nơi hang súc vật ngoài đồng vắng. Ngài đã khởi sự cuộc đời trong tinh thần từ bỏ, khó nghèo và đơn sơ và Ngài sẽ lớn lên trong tinh thần ấy. Với tấm thân đã chịu đựng được những thiếu thốn, khổ sở ngay từ khi được sinh ra, Ngài sẽ chẳng bao giờ coi tiện nghi vật chất làm quan trọng. Thiên Chúa giáng sinh làm người. Ngài không xuống trần để tìm kiếm của cải thế gian. Ngài không màng đến vàng bạc và phô trương giầu có. Ngài kêu gọi trước hết đám mục đồng đang thức canh đàn vật trong đêm tối.

Khi vào hang đá đúng như lời chỉ dẫn của thiên thần, họ chỉ thấy một hài nhi mới sinh bọc trong khăn vải và nằm trong máng cỏ. Thiên Chúa giáng sinh vẫn giữ một cung cách khiêm tốn, thanh bần và bình dị như thế.

2. Vì sao Ngài lại chủ ý làm như vậy?

Có nhiều câu trả lời nhưng câu trả lời cụ thể và gần với con người chúng ta nhất là vì Ngài muốn chia sẻ kiếp sống làm người của chúng ta.

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã diễn tã thật hay như sau:

Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.(Pl 2,69)

Chia sẻ không phải bố thí, cũng không phải là ban ơn. Bố thí và ban ơn là đứng từ trên cao ban xuống và chỉ cho đi những gì dư thừa. Chia sẻ là đứng ngang hàng và cho đi những gì chính bản thân mình đang cần. Hiểu được như thế, chúng ta mới thấy được Đức Giêsu chính là mẫu gương chia sẻ.

Đức Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có thể ngự trên trời, dùng quyền năng mà cứu độ nhân loại, nhưng vì muốn chia sẻ với nhân loại, nên Ngài đã xuống thế làm người để ở với nhân loại.

Vì muốn chia sẻ, Ngài đã tự huỷ mình khỏi thân phận Thiên Chúa.

Vì muốn chia sẻ, Ngài đã không ngần ngại chọn xuống chỗ bé nhỏ rốt cùng của thân phận con người.

Vì muốn chia sẻ, nên Ngài đã tự nguyện nếm cảm hết những đau khổ mà con người có thể gặp. Ta đau khổ vì cảnh nghèo ư? Chính Ngài cùng chia sẻ với ta cảnh khó nghèo, đói khát, lạnh lẽo.

Ta đã chịu nhiều đau khổ ư? Chính Ngài chia sẻ với ta những thất bại, bị phản bội, bị hành hạ và chết cô đơn nhục nhã.

Ngài chia sẻ với mọi người dù ở những hoàn cảnh khốn cùng, khắc nghiệt nhất của cuộc sống.

Nằm trong hang đá nghèo hèn, với bầy chiên bò, giữa đêm đông giá rét, Đức Giêsu trở nên một lời mời gọi chia sẻ.

Giờ đây, Ngài chỉ là một em bé sơ sinh yếu ớt cần đến sự giúp đỡ của ta. Đêm đông lạnh lẽo, Ngài cần đến cả hơi thở của con bò để sưởi ấm tấm thân.

Khi trốn sang Ai cập, Ngài cần nhờ con lừa chở đi. Khi còn thơ bé, Ngài cần bàn tay săn sóc nâng niu của Đức Mẹ và thánh Giuse.

Khi đi rao giảng, Ngài cần có bạn bè giúp đỡ. Khi cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, Ngài bộc bạch lỗi buồn mong được các môn đệ an ủi.

Khi vác thánh giá, Ngài yếu nhược phải nhờ đến ông Simon giúp sức.

Ngài hoá thân làm một con người yếu ớt nhất, túng thiếu nhất, khốn cùng nhất, đau khổ nhất, để mời gọi ta biết mở rộng tâm hồn chia sẻ.

Ngài sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ, dù rất bé nhỏ, kể cả của súc vật, để mời gọi ta quảng đại.

Hôm nay, lời mời gọi chia sẻ ấy vẫn vang lên rất thiết tha, rất khẩn cấp. Đức Giêsu vẫn đang lên tiếng kêu cứu qua những trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, không những không được chăm sóc, không có cơ hội đến trường, mà còn bị hất hủi, bị lạm dụng, bị xâm hại. Đức Giêsu vẫn đang âm thầm nhẫn nhục trong số phận hẩm hiu của những người bị quên lãng. Đức Giêsu vẫn đang oằn vai ghánh nặng trong kiếp lầm than của những người nghèo nàn, vất vả vật lộn với cuộc sống. Đức Giêsu vẫn đang quằn quại trong những tấm thân gầy mòn bị cơn bệnh nan y gặm nhấm. Đức Giêsu cẫn đang tức tưởi trong những người thất bại, không tìm thấy tia sáng hy vọng cho tương lai.

Hãy mở rộng tâm hồn để chia sẻ, vì khi mở rộng tâm hồn chia sẻ, ta đón nhận ơn Chúa. Chính khi mở rộng tâm hồn để chia sẻ, ta đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu bé thơ trong hang đá Bêlem.

Xin gởi đến anh chị em câu chuyện này: Hai bố con lái xe xuống khu thị tứ để mua sắm. Cô bé học lớp bốn hỏi bố:

– Nhiều bạn trong trường con nói không có ông Noel. Các bạn nói con là ngốc khi tin rằng ông có thật, nhưng con tin vào những gì bố bảo với con phải không bố?

Xe ghé vào bên đường và tắt máy. Cô con gái bé bỏng vẫn đang ngổn ngang bao suy nghĩ.

  • Các bạn ở trường đã sai, con yêu ạ! Ông Noel có thật. Nhưng bố cần kể cho con nghe thêm về ông Noel. Bố nghĩ con đã đủ lớn để hiểu những gì bố sẽ chia sẻ với con.

Người cha nhìn con trìu mến và tiếp:

  • Ngày xưa có một người đàn ông đi đây đó khắp thế giới thưởng quà cho những đứa trẻ trên đường ông qua. Ông được biết đến ở nhiều nơi với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tình thương trong tim ông đều như nhau dù ở bất cứ nơi đâu. Ông là tâm hồn thương yêu tuyệt đối và mong muốn chia sẻ tình thương đó bằng cách tặng quà với cả con tim của mình. Tinh thần và cuộc sống thật sự của ông già thần thoại đáng yêu này mãi mãi nằm trong tim của con, tim của bố, tim của mẹ, cũng như trong tim của tất cả những người tin vào việc mang lại niềm vui cho người khác. Tinh thần thật sự của ông già Noel là những gì con mang tặng thay vì những gì con nhận được. Khi con nhận thức được điều này và khi nó trở thành một phần trong con. Giáng sinh sẽ trở nên thú vị hơn và huyền ảo hơn vì con đã lĩnh hội được điều kỳ ảo về ông già Noel khi ông tồn tại trong con. Con có hiểu những gì bố nói không ?

Cô bé nhìn ra ngoài cửa sổ vào hàng cây phía trước. Cô sợ nhìn vào bố, người từng bảo với cô rằng ông già Noel có thật. Cô muốn tin như cô đã tin hồi năm ngoái rằng ông già Noel là một ông già vui tính, to béo, mặc đồ đỏ. Cô không muốn phải trưởng thành và nhận thức bất kỳ điều gì khác.

  • Nhìn bố này – người bố chờ và cô bé quay sang nhìn ông.

Người bố đang khóc, những giọt nước mắt sung sướng. Khuôn mặt ông ngời sáng bằng ánh sáng của cả ngàn dải Ngân hà, và cô bé như thấy trong mắt ông đôi mắt của ông già Noel. Ông Noel thật sự, người đã bỏ nhiều thời gian chọn lựa những món quà đặc biệt mà cô mong ước trong những mùa Giáng sinh đã qua kể từ khi cô có mặt trên đời này. Ông Noel đã dùng món bánh mà cô bõ công trang trí cũng như uống sữa nóng cô pha. Cô đã nhận ra niềm hạnh phúc, sự chia sẻ, tình thương. Người bố ôm ghì con trong vòng tay ấm áp của mình và cứ ôm thế rất lâu. Cả hai đều khóc.

  • Giờ thì con đã thuộc một nhóm người đặc biệt. Kể từ bây giờ con sẽ được chia sẻ niềm vui Giáng Sinh mỗi ngày của năm, chứ không còn chỉ trong một ngày đặc biệt nữa. Từ bây giờ, ông già Noel sống trong tâm hồn Bố. Trách nhiệm của con là tuân theo tinh thần mang đến niềm vui cho con người khác như con là một phần của ông già Noel đang sống trong con. Đây là điều quan trọng nhất xảy ra với con trong cuộc đời mình, vì bây giờ con đã hiểu rằng ông già Noel không thể nào tồn tại nếu không có những người khiến ông được sống mãi. Con có thể chu toàn việc này không ?

Tim cô bé muốn vỡ ra vì hãnh diện, và cô tin mắt mình đang tỏa ra niềm hạnh phúc. Cô đáp:

– Thưa bố, con muốn ông mãi trong tim con như ông đã sống trong tim bố. Con yêu bố. Bố là ông già Noel tuyệt vời nhất trên thế giới này. Ông Noel không mặc đồ đỏ của con.

Lạy Chúa Giêsu bé thơ, xin dạy con biết sống trọn vẹn mầu nhiệm Giáng sinh bằng mở lòng ra chia sẻ với mọi người. Amen.

Chúng con thân mến!

Cùng với hàng triệu triệu người đang sống trên thế giới hôm nay, chúng ta hãy kính cẩn cúi đầu mừng lể Giáng sinh của Chúa.

Như lời thiên thần đã loan báo thật long trọng: “Hôm nay, Chúa Kitô, Đấng Cứu thế đã giáng sinh cho anh em”.

1. Phải chăng Chúa đã giáng sinh một cách lạ lùng ư?

Không, Ngài được sinh ra bình thường như mọi người. Ngài xuất hiện nhẹ nhàng trong đêm đông cô tịch. Ngài không tìm được một chỗ trong hàng quán. Phúc âm viết rõ như vậy. Đức Mẹ Maria, thân mẫu Ngài đã hạ sinh Ngài trong nơi hang súc vật ngoài đồng vắng. Ngài đã khởi sự cuộc đời trong tinh thần từ bỏ, khó nghèo và đơn sơ và Ngài sẽ lớn lên trong tinh thần ấy. Với tấm thân đã chịu đựng được những thiếu thốn, khổ sở ngay từ khi được sinh ra, Ngài sẽ chẳng bao giờ coi tiện nghi vật chất làm quan trọng.

Thiên Chúa giáng sinh làm người. Ngài không xuống trần để tìm kiếm của cải thế gian. Ngài không màng đến vàng bạc và phô trương giầu có. Ngài kêu gọi trước hết đám mục đồng đang thức canh đàn vật trong đêm tối.

Khi vào hang đá đúng như lời chỉ dẫn của thiên thần, họ chỉ thấy một hài nhi mới sinh bọc trong khăn vải và nằm trong máng cỏ. Thiên Chúa giáng sinh vẫn giữ một cung cách khiêm tốn, thanh bần và bình dị như thế.

2. Tại sao Chúa lại chủ ý làm như vậy?

Có nhiều câu trả lời nhưng câu trả lời cụ thể và gần với con người chúng ta nhất là vì Ngài muốn chia sẻ kiếp sống làm người của chúng ta.

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã diễn tã thật hay như sau:

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.(Pl 2,69)

Chia sẻ không phải bố thí, cũng không phải là ban ơn. Bố thí và ban ơn là đứng từ trên cao ban xuống và chỉ cho đi những gì dư thừa. Chia sẻ là đứng ngang hàng và cho đi những gì chính bản thân mình đang cần. Hiểu được như thế, chúng ta mới thấy được Đức Giêsu chính là mẫu gương chia sẻ.

Văn hào Guenter Eich có viết một vở kịch nhan đề: “Festiamus, Người Tử đạo”,với đại ý như sau:

Festiamus là người tốt lành, đơn sơ hiếm có. Mặc dù sống giữa những người gian ác, chàng vẫn luôn luôn cư xử đoan chính, giàu lòng thương đối với những kẻ bần cùng.

Sau khi chết, chàng bay tới thiên đàng. Ở đó, sau khi làm quen với các thánh, chàng để mấy ngày để đi kiếm cha mẹ, anh em và những bạn hữu xưa, nhưng không thấy ai. Chàng liền hỏi các thánh, nhưng không ai trả lời. Cuối cùng, thánh Phêrô bảo:

– Cha mẹ và bạn hữu con, họ hàng con, ngày xưa đều ăn ở gian ác, nên bây giờ họ đều ở dưới kia kìa, dưới hỏa ngục ấy!

Nghe tới đây, Festiamus liền hiểu ngay. Chàng cáo biệt các thánh và xin với thánh Phêrô:

– Con không thể ở nơi đây được khi còn nhiều người phải chịu đau khổ dưới kia.

Rồi chàng rời bỏ thiên đàng, xuống hỏa ngục để thăm cha mẹ, bạn hữu với những người thân yêu khác. Chàng làm điều đó với tất cả xác tín rằng khi một người vô tội từ trời cao đến và sống với những người bị kết án, cùng chia sẻ thân phận của họ, thì người  đó có thể phá tung địa ngục và vòng phong tỏa của quỉ ma.

Đức Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có thể ngự trên trời, dùng quyền năng mà cứu độ nhân loại, nhưng vì muốn chia sẻ với nhân loại, nên Ngài đã xuống thế làm người để ở và cứu vớt nhân loại.

3. Hãy bắt chước Chúa sống yêu thương đối với mọi người.

Louis, bá tước miền Bourgogne, vốn là cháu ruột của vua Louis XIV, ngay từ thời thơ ấu đã nổi tiếng là một cậu bé giàu lòng nhân hậu: Sau này, khi đang làm quan tại triều đình, một hôm, ông đi từ nhà riêng ở tỉnh đến cung điện Versailles đúng vào lúc thủ đô Paris xảy ra nạn đói dữ đội. Đám đông những người nghèo khổ trông thấy ông, vội chạy đến xin ông giúp đỡ cái ăn cái uống. Thoạt đầu, sau khi bàng hoàng trước cảnh tượng đáng thương, ông xuống xe giốc hết tiền bạc mang theo để chia sẻ cho mọi người

Thấy vẫn không thấm vào đâu, ông nhanh nhẹn gỡ hết những huân chương và huy chương có nạm ngọc quí và dát vàng chói lói đang đeo trên ngực, rồi quay lại bảo người hầu cận:

– Ta làm  quan lớn trong triều mà không biết đến tình cảnh trăm họ, để đến nỗi xảy ra nạn đói thê thảm như thế này, quả thật đáng tội với dân với nước. Ta không đáng được đeo những thứ vinh quang bề ngoài này nữa. Anh hãy cầm lấy tất cả, rồi chạy đi tìm cách bán hết cho ta, lấy tiền mà mua bánh mì và đem lại đây phân phát giúp ta.

Hãy mở rộng tâm hồn để chia sẻ, vì khi mở rộng tâm hồn chia sẻ, ta đón nhận ơn Chúa. Chính khi mở rộng tâm hồn để chia sẻ, ta đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu bé thơ trong hang đá Bêlem.

Lạy Chúa Giêsu bé thơ, xin dạy con biết sống trọn vẹn mầu nhiệm Giáng sinh bằng mở lòng ra chia sẻ với mọi người. Amen.

Chúng ta vừa được thánh Luca tường thuật lại cho chúng ta một câu chuyện thật đẹp, có một không hai trong Lịch sử loài người: Chuyện Đức Maria, mẹ của Thiên Chúa nhập thể làm người đi thăm người chị họ già cả của mình trong lúc bà đang cưu mang một người con của ân điển trong lòng. Phải nói rằng đây là một câu chuyện tuyệt đẹp đặc biệt vì nó mang lại những hiệu quả tuyệt vời cho cả người viếng thăm và người được thăm viếng.

Với người được viếng thăm thì con của bà nhận được hồng ân cao cả là được khỏi tội nguyên tổ ngay từ khi còn ở trong lòng mẹ. Với người đi thăm viếng thì cuộc viếng thăm đã là một cơ hội cho sự ra đời của một bài ca ca tụng tình thương của Thiên Chúa đẹp đến mức độ Giáo Hội đã phải dùng để cầu nguyện hằng ngày cho những giây phút thánh thiêng nhất để kết thúc một ngày sống trên đời. Bài ca đó là bài ca Magnificat- Linh hôn tôi ngợi khen Đức Chúa…

Trong bài ca này, hầu như Đức Maria đã không nài xin gì cùng Thiên Chúa, kể cả những điều chính đáng và cần thiết nhất cho cuộc đời của mình. Chẳng hạn như xin được bình an, khỏe mạnh trong thời mang thai, xin cho mẹ tròn con vuông khi sinh, xin cho thánh Giuse làm ăn khá giả để nuôi gia đình, xin cho mình được thánh thiện đóng tròn vai trò làm Mẹ Thiên Chúa.

Tất cả những điều đó giả sử Đức Maria có xin thì cũng là chính đáng. Tuy nhiên Người đã không xin vì Người hiểu rằng tạ ơn thì tốt hơn là xin ơn. Người chỉ nói lên niềm vui đang dâng lên trong lòng mình, rồi biến niềm vui đó thành lời chúc tụng: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa. Tâm trí tôi hớn hở reo mừng trong Chúa là Đấng Cứu dộ tôi”. Lời ngợi khen dâng lên tự phát, nhẹ nhàng, hồn nhiên, không cầu kỳ, gò bó, gọt dũa.

Chúng ta tự hỏi: Tại sao đức Maria lại có thể đem hết tâm trí để chúc tụng Thiên Chúa như vậy?

Có hai lý do: Người biết sống phó thác và Người có tâm hồn nhạy cảm.

+ Trước hết Đức Maria biết sống phó thác.

Phó thác là thế nào?

Vào một ngày thu, chim quạ nói chuyện với chim én chưa đầy một tuổi :

– Như tôi thấy, em sắp sửa đi xa phải không? Em đi đâu vậy?

Én trả lời:

– Ở đây trời sẽ lạnh hơn, em chịu lạnh không được, nên sẽ bay đến một miền ấm áp hơn.

Chim quạ chế nhạo:

– Nhưng em mới sinh ra vài tháng thôi, sao em biết có một miền ấm áp hơn để em không vì chết lạnh ?

Én trả lời:

Thiên Chúa, Đấng đặt trong lòng em cái mong ước tìm về một nơi ấm áp, sẽ không bao giờ phỉnh gạt em đâu. Em tin vào Đấng đó, nên em sẽ bay đi.

Người sống phó thác là người có một niềm tin tương tự như vậy. Người đó luôn biết rằng có Thiên Chúa hướng dẫn đời mình. Mình được che chở, giữ gìn. Điều quan trọng không phải là cái gì sẽ xảy đến, nhưng là mình có tìm thấy ý Chúa trong những điều Chúa cho xảy đến với mình hay không. Nếu có tìm thì sự dữ cũng có thể trở thành sự lành. Và như vậy thì vẫn có thể an tâm.

Người cũng tin chắc rằng: người càng nghèo khó và bất hạnh thì càng được Thiên Chúa che chở, giữ gìn. Bởi thế Người mới nói: “Người nghèo đói được no đầy ơn phúc. Kẻ giàu sang bị đuổi về tay không”. Và người khiêm tốn nhận mình thuộc hạng nghèo khó, nghĩa là thuộc hạng người có phúc. Vì thế càng phải chúc tụng Thiên Chúa hơn.

+ Tiếp đến Đức Maria còn có tâm hồn nhạy cảm

Nhạy cảm với cái tốt đẹp và những niềm vui là những điều không thế không có trong cuộc sống. Nếu chỉ thấy toàn đau buồn trong cuộc sống thì không thể chúc tụng mà cuộc đời chỉ có thể buồn chán, than vãn.

Đây là những lời rất hay của một bài thơ

Cuộc sống như một cơ may, hãy nắm lấy nó.

Cuộc sống như một nỗi buồn, hãy vuợt qua nó.

Cuộc sống thì rất đẹp, hãy chiêm ngưỡng nó.

Cuộc sống như một lời hứa, hãy cố thực hiện.

Cuộc sống như một giấc mơ, hãy đón nhận nó.

Cuộc sống như một sự bí ẩn, hãy khám phá nó.

Cuộc sống như một thử thách, hãy đáp ứng nó.

Cuộc sống như một sự phiêu lưu, hãy can đảm lên.

Cuộc sống như một trò chơi, hãy chơi với nó.

Cuộc sống như một bài ca, hãy reo hò cùng với nó.

Cuộc sống như một gia tài, hãy giữ gìn nó.

Và cuộc sống thì vô cùng tuyệt vời, đừng bao giờ phá hủy nó.

Cuộc sống như một tình yêu, hãy thưởng thức nó.

Phải là những người biết nhạy cảm lắm mới có thể cảm nghiệm được những giá trị của những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.

Đức mẹ luôn nhạy cảm với các ơn mà Thiên Chúa ban cho mình mỗi ngày. Những ơn này Chúa thường ban một cách thật kín đáo qua một cuộc sống không có gì là hào nhoáng. Ơn của Chúa không bao giờ thiếu, nhưng phải biết nhận ra. Cần có con mắt thật tinh, lòng thật ngay. Mắt tâm hồn Đức Maria luôn thật tinh và lòng Người thật ngay vì thế Người nhận thấy đời mình tràn đầy ơn phúc: “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả”.

Ngoài những ơn cá nhân Đức Maria còn nhạy cảm với những ơn Thiên Chúa ban cho toàn dân mình suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Ơn Chúa bao trùm tất cả lịch sử Israel, từ Abraham cho đến muôn đời. Đó cũng lại là một lý do để dâng lời chúc tụng.

Chúng ta hãy tập cho mình có được lời cầu kinh chúc tụng Thiên Chúa như Đức Mẹ Maria. Vì chỉ khi nào chúng ta biết cầu nguyện như thế thì lời cầu nguyện của chúng ta mới đẹp lòng Chúa và ơn Chúa sẽ đến với chúng ta.

Phải nhìn nhận rằng cách chúng ta cầu nguyện và cách chúng ta sống gắn liền nhau. Sống cách nào thì sẽ cầu nguyện như vậy. Cách cầu nguyện phản chiếu cách sống của mỗi người. Điều đó có nghĩa là chỉ khi nào chúng ta theo gương Đức Maria trong cách sống của Người thì chúng ta mới có thể theo gương Người trong cách cầu nguyện của Người.

Một linh mục để ý người đàn bà đang ngồi trong nhà thờ trống vắng, hai tay ôm đầu. Một giờ, rồi hai giờ trôi qua và bà ta vẫn ngồi yên ở đấy.

Nghĩ rằng bà đang có chuyện đau khổ trong tâm hồn và ao ước được giúp đỡ, ngài đứng dậy đến bên bà và nói

– Tôi có thể giúp bà được gì không?

Bà nói

– Thưa cha không! Con cám ơn cha. Con đang có tất cả những điều con cần.

Các người láng giềng của nhà thần bí Hồi giáo, Farid, đã thuyết phục ông đến kinh đô ở Delhi để xin hoàng đế Akhar ban cho dân làng một ân huệ. Farid đến cung điện và gặp lúc Akhar đang đắm mình cầu nguyện.

Khi hoàng đế cầu nguyện xong, Farid hỏi:

– Nhà vua vừa cầu nguyện như thế nào?

Vua đáp:

– Ta cầu xin Đấng nhân từ ban cho ta sự thành công, giàu có và được sống lâu.

Vừa nghe xong, Farid liền quay lưng lại và bỏ đi. Vừa đi ông vừa nói:

– Ta đến gặp một vị vua. Thế mà ta lại gặp một người ăn xin, không khác gì những hạng người khác!

Mẹ thánh Têrêsa nói cầu nguyện không phải là xin xỏ mà là phó thác. Mẹ Maria đã làm gương cho chúng ta điều đó.

Một nhân chứng đương thời với tổng thống A. Lincoln, kể lại rằng:

– Đêm ấy tôi không ngủ được. Tôi bèn thử dợt lại những gì phải nói trước công chúng sáng hôm sau đó. Đã quá nửa đêm, đúng ra là gần hừng đông. Chợt tôi nghe có tiếng thầm thì trong phòng Tổng Thống ngủ. Cửa phòng hé mở. Theo bản năng. Tôi bước lại gần và thấy một cảnh không thể nào quên được. Tôi thấy Tổng Thống đang quì bên một cuốn Kinh Thánh đang mở. Ánh sáng trong phòng chỉ vừa đủ. Lưng ngài quay về phía tôi nên không thấy tôi vào. Tôi đứng lặng một lúc, quá đỗi bàng hoàng và kinh ngạc. Rồi tôi nghe Tổng Thống cầu nguyện :

– Lạy Chúa, Chúa đã nghe lời cầu khấn của Salômon trong đêm khuya, xin cho được ơn khôn ngoan. Xin Chúa nhậm lời con đây, con không thể dẫn dắt dân tộc này nếu Chúa không ra tay giúp đỡ con. Con là kẻ nghèo hèn và tội lỗi. Lạy Chúa, Chúa đã nhậm lời cầu xin của Salômon, xin hãy nghe lời con nài van mà cứu lấy đất nước này!

Vâng chúng ta hãy cầu nguyện như thế để được Chúa nhậm lời. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí!

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng thật đẹp do Thánh Luca thuật lại. Cha đố chúng con câu chuyện hôm nay thánh Luca thuật lại là câu chuyện có liên quan đến ai? Và về vấn đề gì nào?

– Dạ thưa có liên quan đến Đức Maria và bà Elisabeth.

– Rất đúng! Nhưng là chuyện gì nào?

– Thưa là Đức Mẹ đến thăm bà chị họ của mình là bà Êlisabeth.

– Cũng lại đúng nữa. Thiếu nhi chúng con giỏi quá. Nhìn vào cuộc viếng thăm này chúng con có thấy cái gì đặc biệt không?

– Dạ thưa đây là cuộc gặp gỡ của hai người mẹ.

– Chúng con trả lời hay quá. Cha khen chúng con. Đúng là cuộc gặp gỡ của hai người mẹ. Người mẹ già và người mẹ trẻ. Chúng con biết hai người mẹ đó là ai rồi.

Người mẹ trẻ là người đến thăm. Người đó chính là Đức Maria, người đang cưu mang Chúa Giêsu trong lòng, người được gọi là người “có phúc hơn mọi người nữ”, và là người có một niềm tin tuyệt vời.

Còn Người mẹ già là người được thăm: Đó là bà Êlizabeth. Bà cũng đang cưu mang. Người con bà cưu mang là người con của ân sủng. Người mẹ già và cả người con của mình đều cảm thấy được diễm phúc trước sự xuất hiện của người mẹ trẻ “Bởi đâu tôi được diễm phúc là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy! Vì này tai chị vừa nghe lời em chào thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng chị”.

Chúng con hãy tập cho mình có thói quen thăm nhau như Đức Mẹ đã làm.

Lịch sử còn kể lại rằng George Washington một trong những anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con chí hiếu đối với Mẹ.

Sau những trận chiến cam go nhất, giữa những công việc nặng nề của một vị nguyên thuỷ Quốc Gia, George Washington vẫn thường trở về nhà thăm viếng và chuyện trò lâu giờ với người mẹ già. Một hôm, ngạc nhiên về sự gắn bó của ông đối với mình, mẹ ông đã hỏi ông:

– Tại sao con lại chịu khó mất hàng giờ như vậy để ngồi bên mẹ?

Vị Tổng Thống nước Mỹ trả lời:

– Thưa Mẹ, con ngồi bên mẹ để nghe mẹ nói không phải là một việc mất giờ, bởi vì sự bình thản và lòng tốt của mẹ dạy con muốn tiếp tục sống.

Chúng con hãy nhớ thăm hỏi là việc làm của lòng yêu thương. Tình thương nhiều khi đem lại những kết quả hết sức bất ngờ.

Tại một xứ nhỏ ở miền quê nước Pháp, có một người đàn ông tên là ALIX, mới ngoài 50 tuổi, nhưng chân bị bất toại nên không đi đứng được. Tay ông cũng không thể làm được việc gì. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, vợ ông thường đặt ông trên một chiếc ghế bành, và ông phải vất vả lắm mới có thể lật giở từng trang sách đọc cho qua ngày. Mặc dù, ông không phải là người Công Giáo, nhưng cha sở thỉnh thoảng vẫn đến nhà thăm ông; và tiếp đó, ngai còn lôi kéo được nhiều người trong xứ đạo đến giúp ông nữa.

Mỗi ngày thứ năm trong tuần, có một bác sỹ trẻ tuổi tình nguyện đến chăm sóc cho bệnh tình của ông. Chúa nhật nào cũng vậy, có một nhóm trẻ em vẫn đến nhà chơi với ông. Các em giúp ông lật sách, đọc truyện cho ông nghe, bưng nước, đốt thuốc, kể những mẩu chuyện vui ở trường, và làm cho ông bớt cảm thấy cô đơn.

Năm ấy, gần Lễ Giáng Sinh, ông xin cha sở cho ông rước lễ. Cha sở tỏ vẻ ngạc nhiên, bởi vì ông ta đã theo đạo bao giờ đâu, nhưng ông ta nói:

– Thưa Cha, trước đây con không tin vào Chúa. Nhưng từ ngày con được cha đến thăm, được bác sỹ săn sóc và được các trẻ em đến giúp vui, con cảm thấy như mình đã gặp được Thiên Chúa, bởi vì chỉ có Chúa mới có thể làm cho cha, bác sỹ và các em tỏ tình thương âu yếm đối với con như vậy thôi!

Thế rồi, mùa Giáng Sinh năm ấy ông được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, Giải Tội và được rước Chúa lần đầu tiên. Ông còn sống được thêm một năm nữa, sống một cách gương mẫu nhẫn nại. Chịu khó trong vui tươi, can đảm và sau cùng, ông đã chết trong bình an của Chúa!

2. Bây giờ cha hỏi tiếp: Chúng con thấy cuộc viếng thăm mà thánh Luca thuật lại là cuộc viếng thăm như thế nào? Có đẹp không?

– Đẹp quá đi chứ: đẹp trong ý nghĩa và đẹp cả trong thành quả.

Đẹp trong ý nghĩa bởi vì đây là cuộc viếng thăm của hai người mẹ đang cưu mang trong mình những con người thánh. Và đẹp trong thành quả vì cuộc viếng thăm này đã đem lại những kết quả tuyệt vời: Gioan Tẩy giả được thánh hóa ngay từ trong lòng mẹ và Mẹ Maria đã để lại cho hậu thế một bài ca, một bài ca thánh, một bài ca có một không hai trong Lịch sử ơn Cứu độ, để nói lên tâm tình tạ ơn và ca tụng lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Xin Chúa chúc lành cho những lần chúng ta thăm viếng nhau để chúng ta góp phần vào việc làm cho thế giới chúng ta đang sống có một khuôn mặt dễ thương hơn.

Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã thuật lại một câu chuyện sau nhân dịp một đài truyền hình phỏng vấn mẹ.

Mẹ nói: Một lần khi khi còn ở Úc tôi có đến thăm một người thuộc thổ dân Aborigine. Ông cụ sống trong cảnh cô độc thật thảm thương. Ông sống trong một túp lều xiêu vẹo với tuổi đã già nua của mình. Khởi đầu câu chuyện cho lần gặp đầu tiên, tôi đã đề nghị:

– Để tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông.

Ông ta trả lời hững hờ:

– Tôi đã quen sống như vậy rồi.

– Nhưng ông sẽ  cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp.

Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp lại nhà cửa cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:

– Có bao giờ ông thắp đèn này chưa?

Ông ta trả lời cộc lốc:

– Nhưng thắp đèn để cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu? Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy mặt người nào cả.

Tôi hỏi ông:

– Nếu như có người tình nguyện đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?

– Dĩ nhiên là có rồi.

Từ ngày đó, các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi qua đời ông nhờ các nữ tu ghé thăm nhắn tin giúp ông:

– Xin gửi lời nhắn với mẹ Têrêsa, bạn tôi, rằng ngọn đèn mà mẹ thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Đó chỉ là một việc nhó mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.

Vâng! Đúng là một cuộc viếng thăm thật tuyệt vời.

Ngọn đèn cũ không được thắp sẽ trở nên vô dụng và quên lãng nơi một xó xỉnh nào đấy, nhưng khi được châm vào một chút dầu tình yêu và sự bao dung thì nó đem đến sự sáng và sưởi ấm lòng người. Giờ đây, con người dù phải sống cô độc nhưng không còn cô đơn nữa vì bóng tối đã bị đẩy lui và nhường bước cho tình yêu và lòng bao dung của những đốm sáng nhỏ nơi con người, nơi nhân loại.

Xin Chúa cho những lần chúng ta gặp gỡ nhau đem lại cho nhau nhiều niềm vui thánh thiện để chúng ta xây dựng cuộc sống chúng ta đang sống được mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Amen.

Kính thưa anh chị em,

Các bản văn Phụng vụ hôm nay nói nhiều đến niềm vui. Nhưng tại sao lại vui như vậy? Thưa vì Chúa sắp đến. Cha Gutzwiller một nhà chú giải Kinh Thánh nổi tiếng có viết một câu rất đơn sơ nhưng ý nghĩa rất đẹp: Gặp được Chúa là gặp được niềm vui. Và trong bài Tin Mừng hôm nay Gioan Tẩy Giả sẽ chỉ cho chúng ta cách để chúng ta có thể có được niềm vui của Chúa.

A. Như anh chị em đã thấy, khi Gioan xuất hiện ở bên bờ sông Giorđanô để rao giảng thì có rất nhiều người tuốn đến với ông. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy trước mặt ông là cả một đám rất đông quần chúng. Đây là thành phần được Gioan Tẩy Giả dành cho những tình cảm đặc biệt. Ngoài ra, ta còn thấy có hai nhóm nhỏ hơi đặc biệt một chút. Đó là những người thu thuế và một số lính tráng, những thành phần không mấy được ưa chuộng, thậm chí còn bị liệt vào số những người tội lỗi cần phải tẩy chay. Nhưng tất cả đều cảm thấy có một khát vọng phải làm một cái gì đó sau khi được nghe những điều Gioan nói. Họ thành khẩn xin Gioan Tẩy Giả chỉ cho họ và Gioan đã không phụ lòng họ.

1. Đầu tiên là đám đông quần chúng Họ cảm thấy bị lay động một cách mạnh mẽ trước những lời Gioan giảng. Họ cảm thấy  phải làm một cái gì đó như Gioan mong đợi.

2. Tiếp đến là những người lính.

3. Cuối cùng là những người thu thuế. Đây là giai cấp bị người Do Thái ghét cay ghét đắng và luôn tìm cách xa lánh.

B. Bây giờ chúng ta hãy nghe Gioan Tẩy Giả khuyên dạy.

1. Để được hiểu rõ hơn những lời Gioan Tẩy Giả nói, ta phải lưu ý một vài chi tiết này.

a- Trước hết ta thấy Gioan có đầu óc. Ông biết những gì cần phải nói và nói những việc có thể làm được.

Gioan cũng là người rất thực tế. Ông hiểu cuộc sống của từng lớp người. Ông hiểu những gì người ta có thể làm được. Ông không đòi hỏi những điều trên mây trên gió. Ông thấy được mỗi người cần phải làm gì trong chính hoàn cảnh cụ thể của mình. Đòi hỏi một điều mà người ta không thể thi hành được thì chẳng khác gì làm một việc vô ích.

b- Bây giờ chúng ta đi vào một vài chi tiết. Tin Mừng hôm nay ghi lại.

+ Với đám đông: Ông đòi hỏi họ phải biết chia sẻ. Họ phải thực hiện Bác ái. “Ai có hai áo, hãy cho người không có. Ai có  của ăn cũng hãy làm như vậy”(Lc 3,11)

+ Với những người thu thuế ông bảo họ: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức ấn định cho các ngươi”(Lc 3,13)

+ Với những người lính thì ông lại khuyên khác: “Đừng ức hiếp ai. Đừng cáo gian ai. Hãy bằng lòng với số lương của mình”(Lc 3,14)

c- Qua những lời nói trên chúng ta thấy Gioan xứng đáng là một bậc thầy. Rất khôn khéo và cũng rất tế nhị. Không gay gắt trong ngôn từ nhưng rất quả quyết và rỏ ràng trong hành động.

+ Với những người vốn đã có một đời sống tốt đẹp như đa số đám đông quần chúng là những người đã được luật Công Bình của Cựu Ước giáo dục và chỉ dẫn, thì ông khuyên họ hãy đưa cuộc sống họ lên cao hơn một bậc nữa. Đó là cuộc sống Bác ái. Đây là cuộc sống lý tưởng mà chính Chúa Giêsu sau này cũng đòi hỏi như thế.

+ Nhưng đối với những người mà hai tiếng Công Bình còn quá xa lạ với họ như những người lính và những người thu thuế lời khuyên của Gioan hơi khác. Ông không đòi hỏi những người thu thuế phải đoạn tuyệt với người Roma mà họ đang cộng tác. Ông cũng không đòi hỏi những người lính đang phục vụ trong đạo binh của Hêrođê phải đào ngũ. Họ cứ việc giữ nguyên nghề nghiệp của họ. Thế nhưng vì họ xin ông chỉ cho họ cách họ phải làm gì thì chúng ta thấy Gioan cũng chỉ đòi hỏi họ phải đưa cuộc sống của họ lên cao hơn một bậc. Ông đề nghị với họ hãy từ bỏ những cách cư xử thiếu Công bằng: “đừng đòi gì quá mức ấn định – đừng cáo gian ai – đừng ức hiếp ai”. Đòi hỏi quá mức – cáo gian – ức hiếp người khác – Cách cư xử đó chẳng khác gì cách cư xử của muôn loài cầm thú. Cư xủ như thế là cư xử theo luật rừng. Gioan khuyên họ hãy biết sống Công bằng đối với nhau: “Hãy bằng lòng với số lương đã được ấn định cho các người”

Đó là những lời khuyên rất cụ thể và thực tế cho những người đến xin ông chỉ dẫn. Còn đối với cá nhân của Ông thì sao?

C. Khi người ta hỏi ông về vai trò của mình, ông đã trả lời một cách rất sòng phẳng và thành thật. Ở điểm này thì chúng ta phải cảm phục sự thành thật của ông. Ông không lạm dụng lòng tin của quần chúng. Giữa lúc mọi người tin rằng ông chính là Đấng Kitô, Đấng phải đến thì ông lại bảo: Ông không phải là đấng đó. Đúng là một con người ngay thẳng. Có sao thì nói vậy. Có gì thì nhận nấy. Một lời cũng không thêm, nửa chữ cũng không bớt. Khó mà tìm được một con người như thế nhất là trong xã hội nghèo khó, dầy giai cấp của người Do thái lúc đó.

Ông cũng là một con người rất khiêm nhường. Ông tự ví mình như một người không xứng đáng dù là chỉ cúi xuống cởi dây dép cho Chúa.

Vâng! Ông thành thực, ông khiêm nhường. Ông không muốn gì cho ông. Điều mà ông muốn đó là làm cho người ta nhận ra Đức Kitô. Chính Ngài mới thật là Đấng có uy quyền. Ngài mới là Đấng rửa trong Thánh Thần. Gioan chỉ rửa bằng nước. Ngài mới là Đấng đến để thánh hóa những kể thống hôí ăn năn và trừng phạt những kẻ cứng lòng.

Như vậy Gioan cũng như Sophonia, các ngài chỉ là những ngôn sứ. Các ngài là những người chỉ đóng vai trò loan báo và dọn đường. Chúa Cứu thế mới là Đấng phải đến và đã đến như lời của các ông loan báo. Ngài đến để thực hiện lời hứa cứu độ cho cả loài người. Người là Tình yêu. Ai gặp được Ngài là gặp được niềm vui.

Cha John Diamond kể lại một câu truyện như sau:

Một hôm kia có một người chẳng ưa gì đạo hỏi một cô bé có đạo:

– Em có thể cho tôi biết Thiên Chúa của em ở đâu không?

+ Xin ông vui lòng chỉ cho cháu biết chỗ nào không có Thiên Chúa!

– Thế Thiên Chúa của em có to lớn không?

+ Dạ có.

– Thế Thiên Chúa của em có nhỏ không?

+ Dạ có

– Làm sao mà lại vừa lớn vừa nhỏ như thế được?

– Vâng Ngài lớn đến nỗi cả bầu trời không chứa nổi. Nhưng lại nhỏ, nhỏ đến mức có thể ngự vào tâm hồn nhỏ bé của em.

Kính thưa anh chị em

Chúng ta sắp sửa lại mừng lễ Giáng Sinh của Chúa. Đây không phải chỉ là một việc làm ôn lại quá khứ mà là sống lại một biến cố trọng đại: Biến cố Thiên Chúa đã làm người vì chúng ta. Sự việc Ngài làm người quả đã làm cho mối tương quan giữa Ngài với con người hoàn toàn được đổi mới.

Một Thiên Chúa uy quyền cả bầu trời không chứa nổi nhưng lại có thể đến ngự ở trong mỗi tâm hồn nếu chính con người biết mở cõi lòng đón nhận. Nhưng làm sao để cho chúng ta có thể có được Ngài? Lời của Gioan Tẩy Giả nói với dân chúng, nói với những người thu thuế và lính tráng cũng chính là những lời Chúa muốn mượn miệng lưỡi của Gioan mà nói với chúng ta. Không phải thay đổi nghề nghiệp, cũng không phải thay đổi hoàn cảnh mà là phải thay đổi cách sống…sống sao cho Công Bằng, cho Bác ái. Được như thế chúng ta sẽ xứng đáng với sự Giáng Sinh của Chúa, không cần phải bằng một con người xương thịt như thuở xưa, nhưng bằng Thánh Thần và ơn Thánh Hóa để chúng ta được sống một cuộc sống xứng đáng hơn, làm con người và làm con Thiên Chúa. Amen.

Chúng con thân mến!

Hôm nay chúng con có thấy cái gì khác lạ không?

– Màu áo lễ là mầu hồng.

Rồi chúng con nghe các bài đọc vừa rồi, chúng con có thấy nói tới cái gì nhiều không? Thí dụ bài đọc thứ nhất trích từ sách Ngôn sứ Sophonia?

Ngay từ câu đầu ngôn sứ đã kêu: “Hãy vui lên”

Rồi tới bài đọc II  trích từ thư thứ I của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thexalônica, thánh Phaolô cũng nói: “Anh em hãy vui mừng luôn trong Chúa”

Tiếp theo là bài Tin Mừng theo Thánh Luca cho mọi người biết muốn có niềm vui thì phải làm gì.

Chính vì thế mà các nhà Phụng vụ thường gọi Chúa Nhật hôm nay là Chúa nhật của Niềm vui

1. Cha hỏi chúng con niềm vui là gì?

Cha kể cho chúng con câu chuyện này: Có một cậu bé muốn đi gặp Chúa Giêsu, để chuẩn bị cho cuộc hành trình, cậu bỏ vào giỏ mấy chiếc bánh và hai chai sữa tươi. Và cậu bé lên đường, lòng vui tươi hớn hở. Mới đi được mấy dãy phố, cậu chợt thấy một bà cụ già đang ngồi trên một chiếc ghế đá công viên. Cậu thấy mỏi chân nên quyết định ngồi nghỉ một chút bên cạnh bà lão. Cậu lấy một chai sữa tươi ra, định uống cho đỡ khát.

Nhưng nhìn sang, thấy bà cụ run lập cập, có lẽ vì đói quá chăng. Cậu liền lấy bánh lẫn sữa ra mời bà. Bà cụ nhận tất cả với một nụ cười cảm động và biết ơn ôi nụ cười mới đẹp làm sao? Thế là hai bà cháu mải mê ngồi ăn uống và nói chuyện vui vẻ với nhau mãi.

Buổi chiều, khi cậu bé trở về nhà, bà mẹ thấy con rất vui liền hỏi:

– Hôm nay con có chuyện gì mà vui thế?

Cậu hớn hớ khoe:

– Mẹ có ngờ được không? Hôm nay con đã cùng ngồi ăn trưa với Chúa Giêsu. Người có nụ cười thật đễ thương mẹ ạ!

Trong khi đó, bà lão cũng chậm rãi trở về nhà, lòng chan chứa một niềm bình an. Cậu con trai lớn của bà hỏi thăm ngay từ cửa:

– Mẹ ơi, sao hôm nay mẹ có vẻ vui thế nhỉ?

Bà cụ móm mém trả lời:

– Này, con có ngờ được không? Hôm nay mẹ đã cùng được ngồi ăn trưa với đức Giêsu. Người trẻ hơn mẹ tương nhiều con ạ!

2. Làm sao để mình có được niềm vui?

Thánh Gioan cho chúng ta một bí quyết: Sống mỗi ngày tốt hơn một tí

Cha thấy ông Gioan là một người rất thực tế. Ông không đòi hỏi ai điều khó, khó đến nỗi họ không làm được.

Chúng con thấy khi những người lính đến hỏi ông thì ông trả lời: “Hãy bằng lòng với đồng lương của mình.”

Với những người thu thuế thì ông bảo: “Đừng có hà hiếp ai.”

Những người có đạo, ông khuyên người ta: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.”

Cha hỏi chúng con: Tại sao ông Gioan lại đưa ra những lời khuyên khác nhau như vậy? Có phải ông phân biệt đối xử hay không? Hay là ông không muốn mọi người đều phải được đối xử như nhau.

Không phải thế chúng con! Mà phải nói như thế này mới đúng: Ông Gioan đã không dám bắt mọi người phải sống hoàn hảo như nhau. Ông chỉ muốn mỗi người sống mỗi ngày tốt hơn một tí. Những người chưa có được cuộc sống theo lẽ công bình thì hãy cố gắng sống công bình với mọi người. Những ai đã quen với cuộc sống công bình rồi thì cố gắng đưa cuộc sống mình lên cao hơn để sống bác ái.

Với những người thu thuế và những người lính, họ đã quen sống thiếu công bằng và chưa biết sống bác ái yêu thương, nghĩa là họ chỉ quen sống với điều mà người ta gọi là luật rừng, ông chỉ dám khuyên họ sống tốt hơn một chút. Sống tốt hơn ở đây là biết cư xử công bình với nhau.

Còn đối với những người đã biết sống công bình, ông khuyên họ đưa cuộc sống của họ lên cao một tí. Cao ở đây là lên tới cuộc sống bác ái yêu thương. Bác ái yêu thương ở đây là biết chia sẻ.

3. Thí dụ cụ thể.

Có lần, một sinh viên nói với nhà khoa học và triết học Blaise Pascal:

– Nếu cháu được tài giỏi như chú, cháu sẽ trở thành một người tốt hơn!

Ông Pascal trả lời:

– Điều đầu tiên là cháu hãy trở thành một người tốt hơn, rồi cháu sẽ được tài giỏi như chú!

Tại một tiệm bán thực phẩm cho các loài chim kia, vì muốn thu hút khách hàng, nên ông chủ tiệm bắt được con phượng hoàng đem nhốt vào cái lồng lớn đặt trong tiệm.

Một hôm, có hai ông cháu từ miền núi xuống thành phố mua đồ. Khi đi ngang qua tiệm, vừa trông thấy con chim phượng hoàng bị nhốt trong lồng, ông ta động lòng thương hại, liền ngỏ ý với ông chủ tiệm xin mua con chim ấy.

Không để mất cơ hội, ông chủ tiệm đòi giá tiền thật cao.

Không một lời trả giá, người khách hàng đi thẳng tới nhà ngân hàng, rút số tiền cần thiết và trở lại tiệm mua chim phượng phoàng. Ông ta vui mừng ẵm con chim trên tay bước ra khỏi tiệm. Vừa bước chân tới quãng đường vắng, ông ta liền mở tay ra để chim được tự do bay bổng giữa bầu trời mênh mông của nó.

Ngạc nhiên trước việc làm của ông, đứa cháu nhỏ tò mò lên tiếng hỏi:

– Thưa ông nội, tại sao ông lại sẵn sàng hy sinh một số tiền lớn như vậy để chuộc trả tự do cho con chim phượng hoàng ấy.

Ông vui vẻ đáp:

– Cháu hãy ghi lòng tạc dạ điều này: trên đời, giàu sang không chỉ căn cứ trên những gì mình có thể chiếm đoạt được mà thôi, nhưng chính là trên những gì mình cần phải cho đi, để có thể thực hiện được điều tốt lành cần phải làm.

Hay quá chúng con! Làm sao có thể thực hiện được những điều tốt đẹp mà mình cần phải làm. Chẳng thiếu gì những điều như thế chung quanh cuộc sống của mỗi người chúng ta. Cha cho chúng con một thí dụ.

Một cậu bé xuất hiện trước cửa hàng bán chó và hỏi người chủ cửa hàng:

– Giá mỗi con chó là bao nhiêu vậy bác?

Người chủ cửa hàng trả lời:

– Khoảng từ 30 tới 50 đô la một con!

Cậu bé rụt rè nói:

– Cháu có thể xem chúng được không ạ?

Người chủ cửa hàng mỉm cười rồi huýt sáo ra hiệu. Từ trong chiếc cũi, năm chú chó con bé xíu như năm cuộn len chạy ra, duy có một chú bị tụt lại sau khá xa. Ngay lập tức, cậu bé chú ý tới chú chó chậm chạp, hơi khập khiễng đó. Cậu liền hỏi:

– Con chó này bị sao vậy bác?

Ông chủ giải thích rằng nó bị tật ở khớp hông và nó sẽ bị khập khiễng suốt đời.

Nghe thế cậu bé tỏ ra xúc động:

– Đó chính là con chó cháu muốn mua!

Chủ cửa hàng nói:

– Nếu cháu thực sự thích con chó đó, ta sẽ tặng cho cháu. Nhưng ta biết cháu sẽ không muốn mua nó đâu.

Gương mặt cậu bé thoáng buồn, cậu nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng và nói:

– Cháu không muốn bác tặng nó cho cháu đâu. Con chó đó cũng có giá trị như những con chó khác mà. Cháu sẽ trả bác đúng giá. Thực ra, ngay bây giờ cháu chỉ có thể trả bác 2 đô la 37 xu thôi. Sau đó, mỗi tháng cháu sẽ trả dần 50 xu được không ạ?

– Bác bảo thật nhé, cháu không nên mua con chó đó, người chủ cửa hàng khuyên. – Nó không bao giờ có thể chạy nhảy và chơi đùa như những con chó khác được đâu.

Ông vừa dứt lời, cậu bé liền cúi xuống vén ống quần lên, để lộ ra cái chân trái tật nguyền, cong vẹo được đỡ bằng một thanh kim loại. Cậu ngước nhìn ông chủ cửa hàng và khẽ bảo:

– Chính cháu cũng chẳng chạy nhảy được mà và chú chó con này sẽ cần một ai đó hiểu và chơi với nó.(Dan Clark)

Muốn có được niềm vui chúng ta cũng phải làm như thế. Phải biết chia sẻ, Chia sẻ càng nhiều càng tốt. Làm được như thế nhất định chúng ta sẽ có thật nhiều niềm vui trong Mùa Giáng Sinh này. Amen.

Kính thưa anh chị em.

Lại một làn nữa, chúng ta được nghe một đoạn Tin Mừng của Thánh Sử Luca.

 Tin Mừng chúng ta vừa nghe gồm 3 ý :

1. Ý số một: Thánh Luca  muốn cho mọi người thấy Đức Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử.

Chính vì thế mà Luca liệt kê ra những nhân vật lịch sử đang hành quyền lúc Gioan Tẩy giả bắt đầu rao giảng. Trong số những nhân vật ấy,

– Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực chính trị, như Hoàng đế Tibêriô, Tổng trấn Phonxiô Philatô, các Tiểu vương Hêrôđê, Philípphê, Lyxania.

– Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực tôn giáo, như các thượng tế Khanna và Caipha.

Lãnh địa mà họ đang hành quyền vừa là phần đất Do thái (như Giuđê, Galilê), vừa là phần đất lương dân (như Iturê, Trakhônít, Abilên).

2. Ý thứ 2: Khi kê khai ra những nhân vật đang cầm quyền vừa trong lãnh vực tôn giáo lẫn lãnh vực chính trị, vừa ở đất Do thái vừa ở đất lương dân, Thánh Luca còn muốn nói Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ phổ quát, chẳng những cho người Do thái mà còn cho mọi dân tộc. Thiên Chúa là Chúa của mọi người, mọi dân tộc chứ không phải là Chúa của riêng ai, hay của một dân tộc nào.

Một thi sỹ nọ đã sáng tác một bài thơ để giúp chúng ta tránh những tư tưởng ích kỷ trong lúc đọc kinh Lạy Cha như sau:

“Bạn không thể đọc Kinh Lạy Cha

Nếu chỉ một lần bạn nghĩ là “của tôi”

Bạn không thể đọc Kinh Lạy Cha

Nếu chỉ một lần bạn nghĩ  là “cho tôi”

Bạn cũng không thể đọc Kinh Lạy Cha

Nếu không cầu cho kẻ khác”.

Khi chúng ta xin lương thực hằng ngày chúng ta phải hiểu là “cho mọi người”. Bởi lẽ mọi người đều có mặt trong mỗi một và trong tất cả câu kinh. Từ chữ đầu cho đến chữ cuối, không một chữ nào mang chữ “tôi”.

Anthony de Mello, S.J.kể lại rằng:

Một Kitô hữu nọ đến thăm một vị thiền sư và nói với vị ấy rằng:

– Xin Ngài cho phép tôi đọc cho Ngài nghe bài giảng trên núi.

Vị thiền sư trả lời:

– Rất hân hạnh được nghe ngài.

Người Kitô hữu đọc được một câu. Vị thiền sư mỉm cười bảo:

– Người tuyên bố những lời này đúng là kẻ đã giác ngộ.

Thích thú, người Kitô hữu đọc tiếp. Vị thiền sư ngắt lời và nói:

– Lời này phải là của một Đấng cứu chuộc thiên hạ.

3. Ý thứ 3: Gioan Tẩy giả chính là kẻ Tiền Hô dọn đường cho Chúa.

 Vâng! Gioan được kêu gọi “trong sa mạc”, nghĩa là trong một khung cảnh thinh lặng. Và ông cũng lại lên tiếng trong sa mạc.

“Tiếng của người hô trong sa mạc: Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi” (Mt. 3,3)

Tại sao tiếng hô lại được cất lên trong sa mạc chứ không phải là thành thị, phố xá hay phòng trà, chợ búa, nơi người ta đang quây quần đông đúc hay đang vui chơi tội lỗi? Tiếng hô phải được cất lên chính những nơi này mới có người nghe, mới mong có kẻ quay đầu qui chánh, sửa đường bạt lối, làm nên nẻo chính đường ngay cho Đấng Thiên Sai chứ!

Lạ lùng thật! Gioan sống trong sa mạc và tiếng hô của ông cũng lại vang lên giữa vùng hoang vắng.

Không biết chốn trời không mông quạnh thế kia thì tiếng hô được mấy ai chú ý. Tiếng hô vang, vang lên mãi… Nhưng trong nơi trống vắng thì ai nghe cho!

Phải chăng Gioan đã hô lên cho chính mình ông nghe?

Quả đúng như vậy. Trước khi lời kêu gọi: “Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi” đến được với mọi người thì trước tiên lời đó phải đến với chính Gioan trước.

Chính nhờ biết hô với chính mình trước hết nên Gioan đã có sức lôi kéo từng đoàn người từ khắp xứ Giuđê đến với ông, để nghe tiếng ông hô, và chịu làm theo lời ông răn dạy. Chính nhờ biết hô cho chính mình mà tiếng hô của Gioan đã vang đến tận khắp các vùng Giêrusalem, xâm nhập tới cõi lòng của bao kẻ sa đọa khô khan.

Không phải chỉ sau khi nghe tiếng hô của Gioan mới bắt đầu có người ăn năn hối cải, chịu thanh tẩy để dọn đường cho Chúa đến. Đúng hơn, từ hoang vắng của sa mạc và trong nơi tịch liêu của cõi lòng, Gioan đã nghe tiếng hô phát ra: “Hãy dọn đường cho Chúa đến”. Lời đó vang đi dội lại trong lòng ông, thúc bách ông nối dài tiếng hô bằng cách ra đi “dọn lòng người cho Chúa đến.”

Cho nên, Gioan chính là người đã dọn đường lòng mình trước nhất. Vì biết lắng nghe những điều mình hô, nên tiếng hô của mình mới có người đáp lại. Sự lắng nghe không chỉ bằng thính giác, nhưng còn bằng tâm hồn. Và từ tâm hồn mới phát sinh những thái độ sống. Một đứa trẻ “biết nghe” không nhất thiết phải là một đứa trẻ có thính giác tốt, nhưng là một đứa trẻ biết ghi tâm lời nói của bố mẹ, thầy cô, và mang ra thực hành.

Thomas Merton đã từng nhận xét:

“Nếu đời ta cứ phun ra những lời vô ích

Chẳng bao giờ ta nghe được bất cứ điều gì,

Chẳng bao giờ ta thấy bất cứ điều gì,

Chẳng bao giờ ta trở nên bất cứ cái gì.

Thế rồi,

Vì cứ nói mãi trước khi có cái gì để nói,

Ta trở thành người không biết nói.”

Không biết nói hoặc nói điều vô ích mà cứ bắt người khác lắng nghe thì chỉ tạo nên những cực hình, phản kháng.

Nhiều gia đình bất an, nhiều cộng đoàn bất thuận, nhiều quốc gia bất hoà chỉ vì có kẻ không biết nói. Nguyên do là thiếu lắng nghe, sự lắng nghe của tâm hồn. Tâm hồn không nghe được vì còn ngổn ngang đây đó nhiều chướng ngại của tự ái, ích kỷ, kiêu căng, tự mãn… Nói tới đây tôi nhớ một câu chuyện. Câu chuyện có liên quan tới một nhân vật lịch sử rất quen thuộc với nhiều người. Đó là ông Gandhi.

Mahatma Gandhi là một vị lãnh tụ chính trị chủ trương bất bạo động, do vậy ông được mọi người dân An-Độ rất tin cậy quý mến trong mọi việc lớn nhỏ. Một hôm, có một bà mẹ dắt một bé gái đến, khẩn nài Gandhi thuyết phục con bà chừa bỏ tật xấu ăn quá nhiều kẹo. Gandhi trầm ngâm hồi lâu rồi bảo:

– Thế này nhé, tôi xin hẹn 3 tuần nữa bà đưa cháu bé trở lại đây, tôi sẽ nói chuyện với cháu…

Ba tuần sau, người mẹ đưa con trở lại. Lần này Gandhi gọi bé gái đến bên cạnh và ôn tồn giải thích cho em về những tai hại của thói quen ăn quá nhiều chất ngọt như kẹo bánh. Em bé gật đầu hiểu ra và hứa sẽ chừa bỏ. Bà mẹ mừng rỡ, rối rít cám ơn Gandhi, nhưng bà cũng không quên thắc mắc:

– Thưa ngài, sao ngài không bảo ngay cho cháu cũng những lời khuyên quý báu ấy cách đây 3 tuần?

Gandhi khiêm tốn thú nhận

– Cách đây 3 tuần ư? Lúc ấy chính tôi cũng còn đang mắc phải tật xấu ăn quá nhiều đồ ngọt…”

Gandhi đã ý thức thật rõ: mình còn có tật xấu thì làm sao mà chinh phục được người khác!

 Lắm khi ta than thở: “Chúa không chịu nghe tiếng tôi”. Nhưng thử hỏi: “Chúa không nghe tiếng tôi hay vì tôi không nghe được tiếng Ngài? Rồi khi nghe được tiếng Chúa, liệu tôi có chấp nhận để tiếng ấy uốn nắn biến đổi đời mình không?”

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

 Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.

 Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.

 Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con.

 Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.

 Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh.
Amen.