Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những đoạn Tin Mừng đẹp nhất trong toàn bộ Tin Mừng. Xin được nói về vài nội dung:

1. Nội dung thứ nhất: Chúa muốn nói với chúng ta về những sắc thái mới mẻ của luật yêu thương.

a- Như anh chị em đã thấy cuộc sống của con người trên trần gian này bị nhiều thứ luật lệ chi phối. Trong số những lề luật đó có một thứ rất quen thuộc và hầu như nó chi phối thường xuyên cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đó là luật Công bằng. Ngôn ngữ thông thường của chúng ta thường nói là luật có đi có lại – luật vay trả.

– Cựu ước đã diễn tả luật này thành một công thức tương đối cũng rất dễ hiểu. Đó là luật:”Răng thế răng, mắt đền mắt”
– Đây là luật có tính cách sòng phẳng.
Sống như thế theo cách nhìn của trần thế kể như là cũng đã tốt lắm rồi. Thế nhưng đối với Chúa thì chưa đủ. Sống như thế theo như Chúa Giêsu nói: “người tội lỗi, những người thu thuế và cả những người dân ngoại cũng làm được.”

b- Chính vì thế mà hôm nay Chúa đề nghị chúng ta phải vươn lên tới một cuộc sống được chi phối bởi một thứ luật cao hơn. Đó là luật Bác ái. Chúa diễn ta luật ấy bằng những lời lẽ rất cụ thể như thế này:
” Hãy yêu thương kẻ thù.
Hãy làm ơn cho những kẻ ghét anh em
Hãy chúc lành cho những kẻ nguyền rủa anh em.
Hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống cho anh em
– Như thế chúng ta thấy rõ ràng Chúa đã muốn những ai muốn theo Chúa phải vượt lên trên cái lẽ thường tình của cuộc đời làm người . Những đòi hỏi của Chúa không còn nằm trên bình diện “có đi có lại nữa”. Nó đã tiến xa hơn, xa tới mức “có đi mà không có lại:
” Ai xin thì hãy cho
Ai vả má bên này thì hãy giơ cả má bên kia nữa
Ai đoạt áo ngoài của anh em thì đừng cản nó lấy cả áo trong”
Thật không còn gì để có thể nghi ngờ. Rõ ràng là Chúa đòi hỏi những người theo Chúa phải sống một cuộc sống được chỉ đạo bằng một luật cao hơn luật Công bằng. Phải vươn lên đến luật bác ái yêu thương, yêu thương dường như không có bờ không có bến.

Và theo Chúa có sống một cuộc sống như thế thì mới xứng đáng là con Đấng Tối cao.
Đó là nội dung thứ nhất.

2. Nội dung thứ hai: Chúa chỉ cho những người làm con của Chúa cách thức thực hành để sống cuộc sống như Chúa mong muốn đó..

a- Qua những chỉ dẫn này chúng ta thấy Chúa là một người rất thực tế. Chúa không đòi hỏi những gì quá sức của con người. Chúa cũng không đòi hỏi những gì quá cao siêu, quá khó hiểu. Nguyên tắc Chúa đưa ra ở đây ai nghe cũng có thể hiểu.

Chỉ có một điều hơi lạ là ở trên thì chúng ta thấy Chúa đòi hỏi một mức độ thật cao nhưng khi đưa nguyên tắc áp dụng thì Chúa lại tỏ ra rất thông cảm với con người.
Đây  là nguyên tắc của Chúa :”Điều gì anh em muốn người ta làm cho mình thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” Chỉ dẫn này rõ ràng là còn nằm trên bình diện công bằng. Thế nhưng thực hành được như Chúa nói cũng không phải là một điều dễ.

b- Tôi tự hỏi: Tôi muốn người ta làm gì cho tôi.
– Điều tôi không bao giờ muốn là người ta xử tệ với tôi, người ta lừa đảo tôi, người ta nói xấu tôi, người ta thù oán tôi, người ta xỉ nhục tôi vv và vv.
– Và điều mà tôi luôn muốn là tôi được sống an bình, tôi được tôn trọng, tôi được kính nể, tôi được yêu thương, tôi được tha thứ…

c- Vâng kính thưa anh chị em tất cả những điều ấy tôi tưởng có lẽ không có gì là khó hiểu. Rất dễ hiểu là đàng khác. Thế nhưng làm được như thế có phải là dễ không?.
Tôi nhớ lại một câu truyện nhỏ trong cuộc đời của thánh Gioan Don Bosco. Một hôm Ngài đang đi trên đường thì bị một nhóm trẻ “bụi đời” làm hàng rào cản lối không cho Ngài đi qua. Ngài thản nhiên dừng lại và bằng một cử chỉ rất lịch thiệp Ngài bỏ mũ xuống và nói:
“Xin các bạn cho phép tôi đi qua”
Nhóm trẻ ngỗ nghịch ấy lập tức im lặng. Chúng ngạc nhiên về cung cách lịch thiệp của Ngài và sau đó chỉ còn biết trả lời:
” Thưa Cha, xin cha cứ việc đi”
Pascal có nói một câu rất hay:”Biết làm khơi dậy sự kính trọng lẫn nhau đó là kết quả lớn lao của lòng yêu mến”
Đó là nội dung thứ hai.

3. Nội dung thứ ba: Mẫu mực và phần thưởng cho những ai dám sống đời sống yêu thương như Chúa mời gọi.

a- Mẫu mực. Đó chính là Thiên Chúa. Và phần thưởng sẽ rất lớn lao.

Chính Thiên Chúa là mẫu mực. Thánh Gioan gọi đã gọi tên Người là Tình yêu. Anh chị em thấy mấy dòng chữ mà chúng tôi gắn trên tấm bảng và treo ở dưới cuối nhà  thờ: “Thiên Chúa là Tình yêu”. Có lẽ không có tên gọi nào để gọi Thiên Chúa đẹp đến như thế. Thiên Chúa là Tình yêu.
Ở cuối bài Tin Mừng hôm nay, chỉ bằng một câu nói thật vắn gọn Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Thiên Chúa thực hiện lòng yêu thương như thế nào: “Người nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”.

Thật không còn gì có thể hồ nghi về ý muốn của Chúa. Chúa muốn chúng ta nên giống Người.
Dan Clark đã thuật lại một câu truyện rất cảm động như sau: Buổi tối hôm đó trời rất lạnh. Một em bé khoảng 6-7 tuổi đang đứng tần ngần trước một cửa hàng. Đứa bé rất nghèo. Nó không có giầy. Quần áo của nó chỉ là những miếng giẻ rách được khâu lại. Bỗng có một thiếu phụ đi qua. Trông thấy cậu bé, người thiếu phụ dừng lại. Bà dư sức hiểu được cậu bé đang thèm khát những gì qua cặp mắt xanh u uẩn của nó. Bà cầm tay cậu bé, dắt cậu vào trong tiệm. Bà mua cho cậu một đôi giầy mới và một bộ quần áo ấm.

Sau đó cả hai lại trở ra phố. Bà nhìn cậu bé một lần nữa và nói:
– Bây giờ cháu có thể về nhà và hưởng một ngày thật vui vẻ nhé.
Cậu bé ngạc nhiên đưa cặp mắt ngước nhìn lên người thiếu phụ và hỏi:
– Thưa bà, bà có phải là Chúa không?
Bà cúi xuống mỉm cuời với cậu và trả lời:
– Con ơi! Không phải đâu. Bà chỉ là một trong những đứa con của Ngài thôi.
Lúc đó cậu bé nói:
– Cháu biết ngay mà bà có họ hàng với Ngài mà.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe một bài Tin Mừng hết sức độc đáo của Chúa Giêsu do thánh Luca ghi lại.

Đây là câu chuyện nói cho chúng ta biết về lối sống của Chúa Giêsu cách tuyệt với nhất.

Vậy thử hỏi Chúa đã sống như thế nào? Thưa Chúa đã sống trọn vẹn lý tưởng yêu thương mà Chúa luôn giảng dạy. Bài Tin mừng hôm nay là một minh chứng cụ thể.
Cha hỏi chúng con: sống yêu thương là sống như thế nào chúng con?
Có nhiều cách nhưng cách rõ rệt và cụ thể nhất đó đó là phải biết tha thứ cho nhau.
Cha hỏi tiếp:
– Tại sao phải tha thứ chúng con? Thưa vì hận thù sẽ làm cho cuộc sống này mất đi nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Cha chắc chúng con còn nhớ lời của nhà văn Alfred D’Souza mà cha đã nói với chúng con tuần trước: Đời sống có hạnh phúc hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào cách suy nghĩ và cách sống của mỗi người” Vậy thì muốn có hạnh phúc chúng ta không được nuôi dưỡng cưu mang hận thù trong lòng. Sẽ chẳng có hạnh phúc cho những ai cứ nuôi dưỡng cưu mang mãi trong lòng sự hận thù và đeo đuổi mãi sự báo thù trong cuộc sống của mình.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này: Đây là câu chuyện do nhà Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể. Câu chuyện như sau: có một người hành khất kia đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu được những lời van xin đó, thay vì bố thí, người giàu có đã lấy một hòn đá ném vào người hành khất

Con người khốn khổ ấy lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”.
Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó người hành khất cũng chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có vào ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng, ông đi theo đoàn người áp tải, tay không rời hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng trong lòng ông.
Nhưng cuối cùng khi nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta lại mang nặng hòn đá từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây cũng chỉ là một kẻ khốn khổ đâu có hơn gì ta”.

Hận thù tai hại như thế đó chúng con.

Thánh Mahasma Gandhi nói: “Thế Giới đã mệt mỏi vì hận thù. Tôi cảm thấy không thể nào chất chứa trong lòng sự hận thù oán ghét đối với bất cứ một tạo vật nào. Nhờ sự huấn luyện lâu năm trong việc tự chủ và cầu nguyện, hơn 40 năm nay, tôi đã chấm dứt được sự giận ghét và oán thù bất cứ một người nào. Kẻ thù của bạn sẽ đầu hàng khi bạn làm cho họ kiệt sức, nhưng họ sẽ chịu thua khi tâm hồn bạn từ chối, không tiếp tục sử dụng bạo lực nữa. Một trái tim dù chai đá tới đâu cũng trở nên mềm mại trong lò lửa của Tình yêu”
Karl Menninger nói: “Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu chữa trị mọi vết thương của cả người cho lẫn người nhận”.

Lev Tolstoy còn nói mạnh hơn “Tình yêu diệu kỳ. Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống”.Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy điều đó.
Một hiệp sỹ dũng cảm tên là Hidebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hidebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng, ông chọn địa điểm và thời giờ thuận lợi. Ông thức dậy giữa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết Bruno sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một nhà nguyện mở cửa. Ông vào đó để chờ sáng, và trong khi chờ đợi ông tiêu khiển bằng cách nhìn các bức tranh trong nhà nguyện.
Bức tranh thứ nhất vẽ Chúa Giêsu mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi bằng chữ Latinh câu này: “Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại bằng lăng nhục”.
Bức thứ hai nhắc lại cảnh đau buồn khi Ngài bị đánh đòn, với hàng chữ “Khi chịu những khổ đau như thế, Ngài không hề đe dọa”.

Và cuối cùng bức thứ ba trình bày Chúa Giêsu trên Thập Giá, hàng chữ là: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Nhìn liên tiếp ba bức tranh như thế, tâm hồn Hidebrand bị xúc động mạnh. Ông quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ để tha thứ tận tình và để làm hoà với nhau. (Góp nhặt)

Đọc trong lịch sử của các vĩ nhân trên thế giới, cha thấy Mục sư Martin Luther King là người đã biết đem tình yêu vào cuộc sống một cách rất tuyệt vời.
Lịch sử còn ghi lại: Ngày 4-4-1968 mục sư Luther King lãnh tụ da đen tranh đấu cho quyền bình đẳng của người Mỹ da đen bị bắn chết. Hằng triệu người da đen và những người da trắng hiểu biết đã thương tiếc ông.

Martin Luther King đã hy sinh cả cuộc đời mình để ôn hòa đấu tranh, chống cảnh kỳ thị chủng tộc mầu da. Cũng chính vì đã dám lên tiếng đòi cho mọi người được đối xử bình đẳng như nhau trong một đại gia  đình của Thiên Chúa mà ông đã bị bắn gục.

Những ai đã nghe nói về Martin Luther King đều không thể quên được tinh thần yêu thương tha thứ của ông với những bất công do nạn kỳ thị chủng tộc gây ra. Câu chuyện sau đây do ông kể lại là một bằng chứng:
Chú bé da đen tên là Tom, theo thói quen, vừa tan trường là chạy đi phân phát báo cho các trường để lấy tiền giúp đỡ gia đình. Hôm ây chú bé bất ngờ mót tiểu quá, thay vì chạy đến một gốc cây hay là bờ tường, nó chạy ngay vào nhà vệ sinh dành riêng cho người da trắng, vừa để tiểu và cũng vừa để cho biết một lần.

Được vào trong nhà vệ sinh sạch sẽ, mát mẻ, Tom thấy sung sướng. Bất ngờ Tom nghe có tiếng chân người bước nhanh đập trên nền nhà đi về hướng nhà vệ sinh mà em đang ở trong đó, chưa kịp phản ứng gì thì em đã bị người da trắng vừa mới ập tới, đánh Tom một cái làm em ngã dúi vào nhà vệ sinh. Kèm theo với cái đạp lên thân đó là những lời nguyền rủa thằng bé da đen đã dám vi phạm luật lệ của bang Alabana Mỹ. Theo đó thì người da đen bị cấm không được bén mảng đến những nơi dành cho người da trắng, kể cả nhà vệ sinh.
Được chứng kiến cảnh đau lòng trên, ông Martin Luther King khuyên chú bé Tom da đen:
– Cháu Tom bé nhỏ đáng thương ơi, cháu có thể lựa chọn giữa hai thái độ, hoặc là cháu nhanh chạy ra khỏi nhà vệ sinh kia nhặt những cục đá lên rồi liệng vào người da trắng đã hạ nhục cháu kia, rồi cháu chạy về khu vực của người da đen và đề nghị với những người da đen như thế này: Một ngày kia, chúng mình sẽ giết sạch những người da trắng.

Nhưng cũng còn một thái độ, một sự lựa chọn khác nữa cao thượng hơn thái độ trên đây nhiều, đó là cháu sẽ im lặng nhớ đến Chúa Giêsu ngày xưa, Ngài cũng đã bị người ta xô té mấy lần trên đường vác thập giá. Nhưng lần nào cũng thế, Ngài cũng chỉ im lặng, chỗi dậy để tiếp tục đi đến đồi Golgotha. Cháu hãy tha thứ cho người da trắng kia đã hạ nhục cháu. Cháu Tom ơi!  Trả thù là điều quá dễ, nhưng yêu thương mới là khó. Chúng ta là những người da đen Hoa- Kỳ, chúng ta muốn xây dựng ngày mai tươi sáng hơn nhưng chỉ có tình thương mới làm được việc đó!

Chúng ta hãy nhớ: “Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu chữa trị mọi vết thương của cả người cho lẫn người nhận”.Amen.

Kính thưa anh chị em,

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng rất hay do Thánh Luca ghi lại. Đây là bài Tin Mừng hơi khó giải thích. Thế nhưng đây lại là bài Tin Mừng hết sức quan trọng vì nó đề cập đến một vấn đề cũng hết sức quan trọng trong cuộc sống của con người. Đó là vấn đề Hạnh Phúc.

Khi bàn về đời sống hạnh phúc, sách Giáo Lý chung ngay từ số đầu tiên (Số 1) đã có những diễn tả hết sức ấn tượng như sau:
“Thiên Chúa, tự bản thể là Đấng vô cùng hoàn hảo và hạnh phúc. Theo ý định hoàn toàn do lòng nhân hậu, Ngài đã tự ý tạo dựng con người, để cho họ được thông phần sự sống hạnh phúc của Ngài. Do đó, trong mọi thời và mọi nơi, Ngài đã đến gần với con người. Thiên Chúa kêu gọi con người, giúp họ tìm kiếm Ngài, nhận biết và đem hết tâm lực yêu mến Ngài. Thiên Chúa triệu tập mọi người, vốn đã bị phân tán vì tội lỗi, để hợp nhất thành gia đình của Ngài là Hội Thánh. Để thực hiện điều này, khi thời gian tới hồi viên mãn, Ngài đã sai Con Ngài đến làm Đấng Chuộc Tội và Cứu Độ. Trong và nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa kêu gọi loài người để trong Chúa Thánh Thần, họ trở nên dưỡng tử của Ngài và do đó, được thừa hưởng sự sống hạnh phúc của Ngài.” (Số 1)

Chúng ta hãy nhắc lại một lần nữa để chúng ta thấy được tầm quan trọng của vấn để mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập tới như thế nào: “Theo ý định hoàn toàn do lòng nhân hậu, Thiên Chúa đã tự ý tạo dựng con người, để cho họ được thông phần sự sống hạnh phúc của Ngài”+ “Thiên Chúa kêu gọi loài người để trong Chúa Thánh Thần, họ trở nên dưỡng tử của Ngài và do đó, được thừa hưởng sự sống hạnh phúc của Ngài.”

Đúng là Thiên Chúa muốn cho con người được sống hạnh phúc, thế nhưng làm sao con người có thể có được hạnh phúc theo lòng nhân hậu của Thiên Chúa đây?
Có một câu chuyện cổ phát xuất từ Ba Tư là nơi người ta bảo là cái nôi của sự khôn ngoan trên thế giới như sau.
Ngày xưa, tại quảng trường của thành phố nọ có một nhà hiền triết đã xuất hiện và tuyên bố sẽ giải đáp được mọi thắc mắc của bất cứ ai tới vấn kế. Một hôm, giữa lúc mọi người đang say mê lắng nghe lời của nhà hiền triết thì có một người mục tử trên núi cao đi xuống. Nghe tiếng về sự thông thái của nhà hiền triết nên anh muốn chứng kiến tận mắt và nghe tận tai, nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông. Anh đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chắc một con chim nhỏ. Anh hỏi:
– Thưa ngài, tôi nghe đồn ngài là một người thông thái khôn ngoan, vì vậy ngài có thể nói cho tôi rõ con chim tôi đang cầm trong tay là con chim sống hay con chim đã chết được không?
Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử đang giương, nếu ông bảo rằng nó còn sống thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết, trước khi anh ta mở bàn tay ra. Còn nếu như ông bảo con chim không còn sống thì người mục tử sẽ mở bàn tay để chim bay đi. Sau một hồi thinh lặng trước sự hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết trả lời như sau:
– Con chim, mà ngươi đang cầm trong tay đó sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết thì nó sẽ chết.
Hạnh phúc cũng tương tự như thế. Hạnh phúc có được hay không là tuỳ ở mỗi người chúng ta.

Có nhiều người trong chúng ta tưởng hạnh phúc ở chỗ nọ chỗ kia nên đã dốc công đi tìm. Có người tìm ở nơi tiền bạc. Có kẻ đi tìm ở nơi lạc thú. Có kẻ khác đi tìm ở nơi danh vọng nhưng thử hỏi đã có ai thực sự tìm thấy hạnh phúc ở nơi tiền bạc, lạc thú, danh vọng hay chưa thì quả là chưa có ai dám can đảm quả quyết đã tìm thấy.
Hôm đó Đức Thích Ca vào thủ đô của vua Kaniska. Nhà vua đã thân hành ra đón chào Ngài. Nhà vua là bạn thân của thân phụ Đức Thích Ca. Đức Thích Ca nhìn sâu vào đôi mắt nhà vua và nói: “Xin Ngài hãy thành thực nói với tôi: Trong tất cả những thú vui mà Ngài đang có, Ngài có thực sự được một ngày hạnh phúc không?”
Vua Kaniska cúi nhìn xuống đất và giữ thinh lặng.

Nhà vua im lặng vì không có can đảm trả lời là có.

Ermann Coen được mệnh danh là thánh Augustinô của thời đại chúng ta. Ngài là một người Do thái rất giàu có, thời trai trẻ ngài chỉ biết ăn chơi và chạy theo thế gian. Sự nhàm chán cứ đè nặng trên vai ngài. Ngày kia ngài từ chối tất cả và xin vào tu viện. Trong buổi giảng mùa vọng tại đền thờ đức bà ở Balê, ngài nói:
– Tôi đã đi khắp cả mặt đất, tôi đã yêu thế gian. Tôi đã biết thế giới và tôi đã học được một điều: không có hạnh phúc ở trên thế gian này. Tôi đã tìm nó ở những nơi tôi tưởng có nó: ở những nụ cười, ở những cuộc giải trí, ở những ngày lễ, ở những nơi vàng bạc, ở nơi sắc đẹp… Ôi lạy Chúa, điều con mơ ước mọi giờ mọi ngày ở đâu? Và con chỉ tìm được nó trong Chúa và trong tình yêu Chúa mà thôi.
Vua Abder Rahman Đệ Tam Vị vua Hồi giáo nổi tiếng nhất của Tây Ban Nha , đã biến đất nước Tây Ban Nha thành trung tâm khoa học của Âu Châu vào thế kỷ thứ 10 vào cuối đời rằng Ông đã tuyên bố:
– Ta đã ngồi trên ngai vàng 50 năm, đã kinh nghiệm chiến thắng và hòa bình, được thần dân mến phục, kẻ thù sợ hãi, và đồng minh kính nể. Danh lợi, quyền quí và tất cả các thú vui trên trần gian ta đều có cả. Nhưng khi ngồi tính thật kỹ số ngày ta được hoàn toàn hạnh phúc, thì con số đó quá ít ỏi, chỉ vốn vẹn có 14 ngày.

Làm vua một nước lớn, có quyền thế, danh vọng, giàu sang trong tay suốt 50 năm, tức là 18.250 ngày, vậy mà chỉ hương được có 14 ngày hạnh phúc! Nhiều người ngày nay tương rằng danh vọng, giàu có, quyền thế là hạnh phúc, nhưng thật ra những thứ đó đều không thể hoàn toàn đem lại hạnh phúc. Những ngày hạnh phúc do các thứ ấy mang lại rất là ít ỏi.
Xét như vậy thì Hạnh Phúc không phải là thứ mà con người muốn có là có. Muốn có Hạnh Phúc con người phải tìm đến với một nguồn cội khác. Nguồn cội ấy là Thiên Chúa.

Khi hoàng đế Napoléon của Nước Pháp bị đày sang đảo Saint Hélène sau những thất bại thê thảm trên chiến trường và chính trường. Người viết tiểu sử vẫn theo sát bên cạnh ông để ghi lại từng chi tiết của cuộc đời một con người rất nổi tiếng, đã từng chinh phục một phần khổng lồ của lục địa Châu Âu.

Một hôm, biết ngày tận cùng của Napoléon đã đến gần, người viết tiểu sử mới hỏi ông
– Thưa hoàng đế, xin ngài cho biết trong suốt cuộc đời của ngài, ngày nào là ngày hạnh phúc nhất?
Vị cựu hoàng, lúc ấy đang nằm liệt giường, không vội trả lời ngay. Ông quay đầu ra cửa sổ, nhìn biển xanh thắm một lúc rồi quay lại, nói như một lời tâm sự cuối cùng:
– Ta nhớ, ta nhớ rất rõ, ngày hạnh phúc nhất trong đời ta đã diễn ra cách đây lâu lắm rồi, khi ta còn thơ bé. Đó chính là ngày ta được rước lễ lần đầu!
Đức Cha Fulton Sheen trong tác phẩm bàn về Hạnh Phúc đã có một xác tín rất hay khi Ngài nói: “Cho dầu thế giới này có xa cách Thiên Chúa đi nữa, thì con tim của mỗi người cũng không xa cách Ngài”.

Vâng! Đúng như vậy. Chỉ khi nào con người biết tin vào Chúa xót thương, để rồi cũng xót thương kẻ khác như Chúa xót thương mình, chúng ta mới có được hạnh phúc, một thứ hạnh phúc ngọt ngào, đầy bình an, vượt trên mọi thứ hạnh phúc, mà trần gian tôn vinh tìm kiếm, một thứ hạnh phúc vượt trên không gian và thời gian, hòa nhập vào hạnh phúc của Thiên Chúa Ba Ngôi.Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí

1. Chúng ta vừa được nghe một bài Tin mừng được thánh sử Luca ghi lại. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta nói cho chúng ta và mọi người biết về một điều mà mọi người ai cũng mong ước trong cuộc sống ở trần gian.
Cha đố chúng con điều đó là điều gì?
– Thưa cha đó là hạnh phúc.
– Chúng con trả lời rất đúng.

Nếu chúng con để ý một chút, chúng con sẽ thấy: ở đời này những lời được nói nhiều nhất trong cuộc sống là lời Hạnh phúc; chữ được viết nhiều nhất là chữ Hạnh phúc, lời cầu mong lớn nhất là cầu mong Hạnh phúc. Những hiện tượng trên đây chứng tỏ Hạnh phúc là khát vọng mạnh nhất của con người. Con người luôn đi tìm Hạnh phúc cho mình.
Lúc 15 giờ ngày mồng hai tết vừa qua, cha vào Google nhập từ hạnh phúc thì trong vòng chỉ có 0,47 giây Google đã cho cha khoảng 96.900.000 kết quả.
Cha tò mò muốn biết xem những người ở Tây Phương quan tâm đến vấn đề hạnh phúc như thế nào, cha lại vào Google nhập từ “Happiness” (Hạnh Phúc) thì trong vòng khoảng 0,80 giây Google cho cha một kết quả không ngờ: 652.000.000 kết quả (0,80 giây) nhiều hơn gấp 6 lần chúng ta.

Cha hỏi chúng con: Tất cả những kết quả đó cho chúng ta thấy điều gì? Thưa, cho chúng ta thấy hạnh phúc là đều có thật. Hạnh phúc là điều mà con người hằng tìm kiếm. Người ta đã nói nhiều đến hạnh phúc, cầu chúc cho nhau có nhiều hạnh phúc, ước mong cho mình tìm được thật nhiều hạnh phúc trên đời. Hạnh phúc trở thành một ám ảnh chi phối toàn bộ cuộc sống của con người.

Thế nhưng nếu phải hỏi hạnh phúc là gì và ở đâu thì chằng ai có thể trả lời được.
Cha kể cho chúng con câu chuyện vui này:
Một con chó lớn đang quan sát một chú chó con loay hoay cố chụp bắt chiếc đuôi của chính nó.
– Chú mày làm gì thế?. Con chó lớn hỏi.
– Dạ, cháu đang tìm kiếm hạnh phúc. Chú chó con trả lời. Rồi nó nói tiếp: “Cháu nghe bảo rằng hạnh phúc nằm trong cái đuôi của cháu; nếu cháu chụp được cái đuôi mình, cháu sẽ có hạnh phúc”

Con chó lớn cười ồ. Nó nói rằng chính nó cũng từng nghe thiên hạ đồn như thế. Nhưng rồi nó đã khám phá ra rằng mỗi lần mình cố đuổi bắt chiếc đuôi thì chiếc đuôi luôn luôn vượt khỏi mình. Vì thế nó nói: “giờ đây tao chẳng cố sức vô ích như vậy nữa. Tao chỉ làm những công việc bình thường của một con chó và tao nhận thấy hạnh phúc tự kéo đến với tao”.
Có nhiều người trong chúng ta cũng tưởng hạnh phúc ở chỗ nọ chỗ kia nên đã dốc công đi tìm. Có người tìm ở nơi tiền bạc. Có kẻ đi tìm ở nơi lạc thú. Có kẻ khác đi tìm ở nơi danh vọng nhưng thử hỏi đã có ai thực sự tìm thấy hạnh phúc ở nơi tiền bạc, lạc thú, danh vọng hay chưa thì quả là chưa có ai dám can đảm quả quyết đã tìm thấy.

Hôm đó Đức Thích Ca vào thủ đô của vua Kaniska. Nhà vua đã thân hành ra đón chào Ngài. Nhà vua là bạn thân của thân phụ Đức Thích Ca. Đức Thích Ca nhìn sâu vào đôi mắt nhà vua và nói:
– Xin Ngài hãy thành thực nói với tôi: Trong tất cả những thú vui mà Ngài đang có, Ngài có thực sự được một ngày hạnh phúc không?
Vua Kaniska cúi nhìn xuống đất và giữ thinh lặng.
Nhà vua im lặng vì không có can đảm trả lời là có.

2. Chính vì thế mà trong bài Tin mừng hôm Chúa Giêsu hướng chúng ta về một bí quyết mới để chúng ta có thể có được hạnh phúc trong cuộc đời của chúng ta. Theo Chúa thì chẳng cần phải đi tìm hạnh phúc ở đâu xa bởi vì hạnh phúc ở ngay trong cuộc sống của mỗi người. Hạnh phúc không ở đâu xa, Hạnh phúc ở ngay trong cuộc sống của mỗi người.
Sống làm sao để có hạnh phúc. Đó là mơ ước của mọi người. Nhà văn Alfred D’Souza từng chia sẻ: “Trước đây, tôi thường cho rằng nếu tôi vượt qua hết những khó khăn trước mắt thì mọi thứ sẽ ổn hơn, tôi sẽ có thời gian cho chính mình và tận hưởng hạnh phúc. Nhưng cuối cùng, tôi nhận thấy cuộc sống có tốt đẹp, hạnh phúc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách suy nghĩ và cách sống của chính tôi”.

Cha xin nhắc lại: Có hạnh phúc hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào cách suy nghĩ và cách sống của chính tôi”. Chính cách suy nghĩ và cách sống của chúng ta đem lại hạnh phúc hay bất hạnh cho chúng ta.

Tôi phải có thái độ nào đối với những giá trị vật chất của trần gian và phải sống thế nào trong tương quan với mọi người. Suy nghĩ đúng và sống đúng, tôi sẽ có hạnh phúc. Ngược lại tôi sẽ trở thành người bất hạnh.

Đây là câu chuyện từ Internet: Như thường lệ, sáng nay, tôi đến phòng tập thể dục trước khi đến sở làm. Ớ đó, tôi có một người bạn già nhưng rất thân thiết. Tuy đã 79 tuổi nhưng ông vẫn giữ được thân thể tráng kiện và một tinh thần yêu đời đặc biệt. Khi gặp tôi, ông nhận ra ngay tâm trạng bất ổn của tôi. Sau đó hai bác cháu nói chuyện với nhau thật lâu.
– Trong cuộc đời bác, bác cảm thấy lúc nào mình hạnh phúc nhất?
Tôi hỏi và chợt nhận ra mình đã thay đổi câu hỏi. Lẽ ra tôi phải hỏi là có khi nào bác gặp phải cảm giác buồn chán như tôi bây giờ không.

Hồi bác còn nhỏ, cuộc sống thật khó khăn. – Ông bắt đầu kể. – Bố mẹ bác đi làm ở xa, cả ngày mới về. Thỉnh thoảng, mẹ mua quà về cho mấy anh chị em bác, khi thì những chiếc bánh, khi thì mấy viên kẹo. Những lúc đó, bác thực sự thấy mình là người hạnh phúc nhất.

Đến tuổi đi học, lần đầu tiên bác đánh vần và đọc được tên mình. Bác thấy tự hào vô cùng, chạy đi khoe khắp nơi, lúc đó là thời gian hạnh phúc nhất
Khi tốt nghiệp đại học, bác được nhận vào làm việc ở một công ty lớn. Cầm trên tay tháng lương đầu tiên, bác vui sướng biết bao.

Có lần bác bị tai nạn phải nằm bệnh viện khá lâu. Những ngày ở bệnh viện bác có giờ suy nghĩ được nhiều điều mà trước kia bác không nghĩ đến, được gặp lại bạn bè và người thân. Khoảng thời gian ấy thật là tuyệt vời.

Và giờ đây, ở tuổi bảy mươi chín, bác vẫn có thể đến đây tập thể dục hàng ngày. Bác thấy mình vẫn còn có ích cho mọi người xung quanh. Đây là thời khắc tuyệt vời nhất của bác.
Cháu hãy nghĩ một giai đoạn mới của cuộc đời cũng giống như một chương mới của quyển sách. Dù có đau khổ, buồn hay vui đều có giá trị cho quyển sách cuộc đời. Cháu cứ đọc rồi sẽ thấy.(Thảo Nguyên theo Internet)
Một sinh viên Nhật bản đến văn phòng của một linh mục ở Boston, nói:
– Thưa cha, con đang đi tìm một đời hạnh phúc tốt đẹp. Cha có thể chỉ cho con biết phải tìm ở đâu.
Linh mục đáp:
– Chắc anh muốn trao đổi về tôn giáo?
– Thưa không, con không muốn trao đổi lý thuyết. Việc đó con thấy nhan nhản rồi. Con cần thứ khác Cha biết không. Khi còn ở ký túc xá đại học Cambridge, con ở chung phòng với một anh thợ mộc. Anh có đời sống rất đẹp. Anh không bao giờ nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về người khác. Sinh viên tụi con nhiều khi sống cẩu thả, chén dĩa lung tung, đồ ăn vứt bừa bãi. Thấy thế, anh không nói gì nhưng khi mọi người ra khỏi phòng ăn, một mình anh đi thu dọn, sắp xếp lại cho ngăn nắp.

Nghe thế, cha đưa cho anh cuốn Thánh Kinh và nói:
– Hãy cầm lấy. Nếu anh muốn tìm một đời hạnh phúc tốt đẹp anh hãy tìm trong dó.
Hai năm sau, anh đến gặp cha cười cười nói:
– Cha có nhận ra con không?
– Hình như tôi đã gặp anh ở đâu, nhưng không nhớ rõ.
Anh đưa cuốn Thánh Kinh ra và nói:
– Con đã tìm thấy đời sống hạnh phúc tốt đẹp rồi cha ạ. Con đã tìm thấy đời sống đó nơi Đức Kitô.

Như vậy chúng con thấy, hạnh phúc không phải là điều gì xa vời, khó tìm. Hạnh phúc có thể tìm thấy ngay ở trong cuộc sống. Vậy nếu cha hỏi đâu là cuộc sống mang lại cuộc sống cho con người thì câu chuyện chúng ta vừa nghe là câu trả lời: Sống như Chúa đã sống, sống như Chúa dạy đó là cách chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc cho chúng ta trên đời.
Cha chúc mỗi thiếu nhi yêu quí của cha tìm được hạnh phúc khi chúng con biết sống như thế. Amen.

Kính thưa anh chị em
Chúng ta vừa đọc lại một trong những câu chuyện đẹp nhất trong Tin Mừng của thánh Luca. Nếu phải đặt cho câu chuyện này một tên gọi thì tôi sẽ đặt là “Con đường chinh phục của Chúa”. Đây là cách Chúa thường làm trong việc chinh phục một con người. Chúng ta thử phác họa ra một vài mốc tiêu biểu.

1. Chúa làm quen

Tin Mừng hôm nay cho biết khi Chúa và dân chúng kéo đến thì Ông Simon và bạn bè đã ra khỏi thuyền và họ đang cùng nhau giặt lưới. Việc Chúa mượn con thuyền của Simon hôm nay quả là một biến cố lớn lao đối với ông.
Tin Mừng không cho chúng ta biết nội dung những lời rao giảng của Chúa hôm đó như thế nào. nhưng chắc chắn những lời rao giảng của Chúa cũng có một tác động rất mạnh đối với ông Simon.

2. Bước thứ hai Chúa làm cho ông phải cảm phục.

Cũng từ trên con thuyền sau khi giảng cho dân chúng, bằng những lời lẽ rất thân tình, Chúa nói với Simon: “Hãy chèo thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”. Simon không ngần ngại trình bày với Chúa những thất bại sau cả một đêm dài:”Thưa Thầy chúng tôi đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết”.
Nhưng ngay sau đó ông chân thành thưa với Chúa: “Nhưng vì lời Thầy con sẽ thả lưới”. Và kết quà như thế nào thì chúng ta đã rõ. Tin Mừng ghi lại cho chúng ta thái độ rất đặc biệt của ông Simon lúc đó: “Ông kinh ngạc”. Cả bạn bè của ông là ông Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê cũng thế. Riêng đối với ông Simon, ngoài thái độ kinh ngạc ra, chúng ta còn thấy một sự thay đổi lạ lùng.

Ông tự cảm thấy mình bất xứng, tự cảm thấy mình tội lỗi không xứng đáng gần gũi với Người: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con vì con là người tội lỗi”
Thế là từ chỗ làm cho ông kinh ngạc Chúa đã làm cho ông cảm phục để rồi ông sẽ thuộc hẳn về Ngài.

3. Và cuối cùng là những chọn lựa. Chúa chọn ông và ông cũng chọn Chúa.

Tin Mừng không nói cho chúng ta biết cử chỉ và thái độ của Chúa lúc ấy như thế nào. Theo lẽ thường tình tôi tưởng thì thái độ của Chúa trong trường hợp này sẽ phải là rất đặc biệt. Bằng một cử chỉ thật đẹp Chúa cúi xuống, đỡ ông dậy và sau đó bằng những lời tuy nhẹ nhàng êm ái nhưng cũng không kém tính cách quả quyết, Chúa nói với Simon: “Đừng sợ hãi. Từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”

Nhưng để được như thế Chúa đòi hỏi ông phải đi một bước xa hơn nữa: Ông phải từ bỏ tất cả mọi sự  để đi theo Chúa.
Tin Mừng đã cho chúng ta thấy thái độ rất đáng nể phục của Simon cũng như bạn bè của ông: “Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”. Chúng ta hãy đọc lại một lần nữa những lời thật cảm động trên: “Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.
Kính thưa anh chị em.

Không biết anh chị em nghĩ như thế nào chứ riêng tôi tôi rất cảm phục thái độ chân thành và tốt bụng của ông Simon. Thái độ của ông thật là trong sáng và chân thành.
Theo Tin mừng chúng ta thấy cuộc đời của ông có nhiều sai lỗi thế nhưng sau những sai lỗi đó ông lại cuơng quyết đứng dậy.
Cuộc đời của ông có những mềm lòng yếu đuối và có cả những vấp phạm đắng cay. Nhưng ngay sau đó ông lại tìm lại được niềm tin, tìm lại được lòng yêu mến và ông lại tiếp tục cuộc hành trình, can đản đi tới, không một chút mặc cảm.

Vâng kính thưa anh chị em.

Không ai trong chúng ta là thánh. Nhưng tất cả chúng ta đều được Chúa mới gọi nên thánh. Chẳng ai trong chúng ta dám tự hào mình là người không bao giờ sai lỗi và cũng chẳng bao giờ vấp phạm. Tự hào như thế là kiêu ngạo. Vấn đề đối với Chúa qua cuộc đời của Simon – Phêrô rõ ràng không phải ở chỗ ông có yếu đuối, có sa ngã hay không, nhưng vấn đề là sau những vấp ngã sa lầy đó ông đã biết làm gì để sửa lại. Ơn của Chúa lúc nào cũng như mưa sa, nước mát trên cả cuộc đời của ông. Ông đã biết cộng tác với ơn của Chúa. Chính vì thế ông đã có thể biến thất bại thành chiến thắng, biến đen tối thành ánh sáng huy hoàng. Ông đã viết trong thư thứ nhất gửi cho các giáo đoàn như thế này: “Đức Kitô là Đấng thánh. Hãy tôn vinh người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15). Vâng cuộc đời của Phê-rô quả thực đã là một tấm gương thật sáng để soi cho chúng ta.

Một mẩu truyện nhỏ được ghi lại ở trong cuốn Góp nhặt rất cảm động như sau: Hôm đó một nhà phẫu thuật nổi tiếng người Hòa Lan thực hiện một ca mổ tử thi trong hội đường của một trường đại học. Chung quanh ông có cả một đoàn sinh viên đông đảo cùng tham dự. Tử thi này là xác của một tội nhân phạm trọng tội và bị án treo cổ. Khi phóng tầm nhìn trên khuôn mặt của tử thi, ông cảm thấy như có một cái gì quen quen. Ông nhìn đi nhìn lại nhiều lần và không bao lâu thì các sinh viên thấy mặt của thầy mình tự nhiên biến sắc rồi cả con người của ông run lên. Các sinh viên cảm thấy vô cùng ngạc nhiên vì bình thường thì ông là một con người rất bình tĩnh.
Cuối cùng thì ông phải lên tiếng để giải thích: “Các bạn ạ! Người này là một trong số những người bạn trong thời thơ ấu của tôi. Bây giờ tôi là người như thế nào thì các bạn đã thấy. Hãy để tôi nói cho các bạn điều này: Nếu không có ơn của Thiên Chúa thì tôi thấy chẳng có cái gì khác có thể giúp tôi tránh khỏi cái tình trạng của người bạn tôi đang nằm ở trước mặt các bạn đây”

Hãy cộng tác với ơn của Chúa. Hãy mau mắn đáp lại lời mời gọi của Người. Có Người chỉ đường dẫn lối chúng ta sẽ không sợ lạc hướng. Có Người bảo trợ chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

Một câu chuyện khác cũng có thể minh hoạ cho chúng ta về vấn đề này:
Đây là câu chuyện do Anatole France đã viết và đã được dựng thành phim được chiếu nhiều trước đây tại Việt Nam. Câu chuyện có liên quan đến một người đà bà tên là Thái.
Và Thái sống ở Aicập vào thế kỷ thứ tư và có một cuộc sống nổi tiếng là phóng đãng. Nhà ẩn tu Paphnatius biết được tin ấy  thì cầu xin với Chúa soi sáng giúp đỡ cho ngài để ngài có thể tìm phương tìm cách giúp đỡ cho người đàn bà này được trở về với Chúa. Sau khi được Chúa soi sáng, Paphnatius cải trang tìm đến gặp nàng và xin được gặp nàng ở một nơi thật kín đáo. Nàng dẫn Ngài qua rất nhiều phòng nhưng chỗ nào Ngài cũng chê là chưa đủ an toàn. Thai dẫn Ngài đến một nơi cuối cùng và ngoài ra thì không còn một chỗ nào khác.Thế nhưng nhà ẩn tu cũng cho là chưa đủ an toàn. Tức quá không còn kiên nhẫn thêm được nữa, nàng nó thật to:
” Chắc chắn là không ai có thể nhìn thấy chúng ta ở trong nơi này. Tuy nhiên nếu ngài muốn tránh được sự hiện diện của Thiên Chúa thì Ngài sẽ chẳng bao giờ mà làm được điều đó dù ngài có ẩn trốn ở một nơi kín đáo nào đi nữa”

Vừa nghe thấy thế Paphnatius vội hỏi ngay: “Thế nào? Nàng mà cũng biết là có một Thiên Chúa sao?
– Có lẽ thế! Tôi còn biết có một thiên đàng dành cho những người thánh thiện và một hỏa ngục dành cho những người gian ác.

+ Nàng đã biết các điều trên….vậy thì làm sao mà nàng còn dám sống một cuộc đời như thế trước một vị Chúa luôn luôn thấy nàng?
Những lời như thế đã xoáy vào tâm tư người đàn bà tội lỗi. Với một thái độ hoán cải nàng sấp mình xuống thú nhận tội lỗi của mình quyết làm lại cuộc đời và sau nàng đã chết như một vị thánh.

Thiều nhi chúng con yêu quí,
Thánh Luca vừa kể cho chúng ta một câu chuyện thật đẹp trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Câu chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô.
Trong câu chuyện này cha thấy ông Phêrô là người thật tốt với Chúa. Chúng con có biết tại sao cha dám nói với chúng con như thế không? Đây chúng con hãy nhìn lại bài Tin Mừng chúng ta sẽ thấy ông Phêrô là con người như thế nào.

1. Trước hết ông cho Chúa mượn thuyền.

Tin Mừng kể “Hôm đó, đám đông chen lấn nhau đến sát bên Người để nghe lời Thiên Chúa, mà Người thì đang đứng bên bờ hồ Ghennêxarét. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Ðức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.”(Lc 5,1-3)
Cha hỏi chúng con nếu Phêrô không tốt thì Chúa có dám tự nhiên xuống thuyền của ông rồi lại còn như truyền lệnh cho ông đưa thuyền của mình ra xa một chút để Chúa tiện giảng dạy dân chúng không? Ở đây cha thấy ông Phêrô đã coi Chúa như người nhà của mình vậy. Mọi việc diễn ra hết sức tự nhiên. Phải có lòng kính trọng và yêu thương Chúa lắm thì mới có được cách ứng xử như vậy.

Tiếp đến Tin Mừng nói gì nữa? Tin Mừng ghi “Giảng xong, Người bảo ông Simon: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”.(Lc 5,4-5)

Chúng con thấy ông Phêrô có ngoan không? Cha thấy ông Phêrô quá ngoan đi chứ. Chúa Giêsu là người ông chỉ mới quen biết. Kinh nghiệm chài lưới của Chúa thì đâu bằng ông. Sau một đêm trời vất vả cực nhọc mà ông cũng như bạn bè không bắt được một con cá nào. Vậy mà khi Chúa bảo ông chèo thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá, Tin Mừng ghi: “Giảng xong, Người bảo ông Simon: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Phêrô đã phản ứng như thế nào? Lúc đầu chúng con thấy ông cũng hơi e ngại. “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.”(Lc 5,5). Ông đã trình bày với Chúa một cách rất chân thành. Suốt cả một đêm với kinh nghiệm của những người làm nghề chài lưới chúng tôi – cả một tập thể vất vả đã hoàn toàn thất bại. Cha hỏi chúng con sau khi nghe ông trình bày như vậy, Chúa có rút lại lệnh truyền của Chúa không? Tin Mừng không nói gì nhưng cha chắc qua thái độ của Chúa lúc đó Phêrô hiểu được đó là một lệnh truyền nghiêm tức. Phêrô hiểu được ý Chúa và ông lễ phép thưa lại: “Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Và ngay sau đó, ông đưa con thuyền của ông có Chúa Giêsu ở trên đó ra khơi và làm những gì Chúa bảo làm. Kết quả như thế nào chúng con? “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ Làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. (Lc 5,6-7)
Đúng là một mẻ cá lạ. Có thể nói đây là phần thưởng cho những người tốt với Chúa.

Chúng ta hãy tập cho mình có thói quen đối xứ tốt với nhau để cuộc sống này có nhiềm niềm vui như ý Chúa muốn. F. W. Faber viết rất hay: “Lòng tốt hoán cải được nhiều người hơn giáo huấn, kiến thức và tranh luận. Những thứ ấy chẳng giúp được gì nếu không có sự tử tế đi kèm.

Một trong các vị đại thánh thời Giáo hội sơ khai là thánh Augustine. Ngài là một triết gia rất thông thái. Chúng ta thử nhớ lại, hồi đức thánh giám mục Ambrose cải hóa Augustine về với Kitô giáo, ngài có dùng lý lẽ triết học vững chãi nào để minh chứng các luận điểm của mình chăng. Không một chút lý sự nào. Chính thánh Augustine thừa nhận rằng lòng tốt của thánh Ambrose đã làm thay đổi cuộc sống ngài chứ không phải kiến thức hay lý lẽ .

Các bạn có nhớ không, kẻ trộm “lành ” đã “ăn trộm” được Nước Trời vì anh có lòng tốt với Chúa Giêsu trên thánh giá.

2. Sau câu chuyện mẻ cá lạ, cha hỏi chúng con còn chuyện nào lạ hơn nữa không?

Chuyện Chúa thưởng cho Phêrô là chuyện lạ, nhưng chuyện sau đó còn lạ hơn: Chúa chọn Phêrô làm môn đệ của Chúa.

Sau khi được chứng kiến phép lạ Chúa làm, chúng con thấy Phêrô nhận ra mình quá nhỏ bé bất xứng trước mặt Chúa. Lúc này ông mới cảm thấy ông đang đứng trước một Đấng mà ông không biết gọi tên là gì. Ông cảm thấy ông bất xứng. Tin Mừng cho biết: “Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Ðức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”(Lc 5,8)

Và đây mới là giây phúc thật cảm động: “Bấy giờ Ðức Giêsu bảo ông Simon: “Ðừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá.”(Lc 5,10).
Đẹp quá chúng con.

Phêrô không còn phải là người làm nghề chài lưới nữa mà Chúa Giêsu đã biến Phêrô thành một con người khác. Phêrô sẽ là một lãnh tụ trong chương trình cứu chuộc của Chúa. Rồi đây ông sẽ được Chúa huấn luyện, không phải để thành một người chài lưới để bắt cá ở giữa biển khơi mà ông sẽ thành một lãnh tụ đi chinh phục loài người cho Chúa.
Chúng ta hãy kính cẩn nghe lại những lời thật cảm động này để thấy được lòng tin tưởng Chúa đặt nơi con người của Phêrô lớn như thế nào.

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”(Mt 16,18-19)
Tới đây cha nhớ lại một câu chuyện xảy ra hồi đệ nhị thế chiến. Hồi ấy ông thủ tướng Bismark, là một nhà độc tài đã thao túng chính đường Đức quốc cuối thế kỷ vừa rồi. Ông đã gây ra rất nhiều khó khăn cho Giáo Hội Đức vì Giáo Hội phản đối đường lối độc tài phát- xít của ông.

Trong những tháng ngày đen tối ấy, giáo dân Đức đã có sáng kiến rất hay. Họ in ra một bức hí họa để nhà nào cũng treo. Các tiệm vàng thì dán trước cửa kính. Bức hí họa ấy trình bày một tên khổng lồ đang hì hục toát mồ hôi để cố xô một tảng đá xuống biển. Bên cạnh đó, một thằng qủy Satan ngồi nhe răng cười nham nhở và bảo tên khổng lồ kia:
– Tao đã mệt nhọc suối 20 mươi thế kỷ nay mà vẫn chưa làm được. Còn mày, mày là ai mà dám cả gan làm?

Bismark biết được ý nghiã của bức họa thì vô cùng tức tối, nhưng chẳng biết làm sao! Cuối cùng, cuộc “Đấu tranh văn hoá, Kulrurkampf” nhằm chống tôn giáo của ông thất bại và ông cũng nằm xuống như bao nhà độc tài khác trong đắng cay và thất sủng đối với hoàng đế Guillaume. Hai người thù hằn nhau đến nỗi trước khi chết, Bismark đã trối với gia đình phải liệm xác ông ấy gấp, kẻo phải giáp mặt Hoàng đế Guillaume đến phúng điếu!

Hãy tin vào Chúa Giêsu và quyền năng của Ngài. Chúa đã biến Phêrô thành đá tảng và trên tảng đá đó Chúa đã xây Giáo Hội của Ngài để cho chúng ta luôn được sống trong bình an mặc cho những sóng gió phũ phàng nhiều lúc làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng con thuyền Giáo Hội như có vẻ sắp chìm. Hãy nhớ Chúa Giêsu luôn ở với Giáo Hội của Người. Amen.

Anh chị em thân mến.

Khung cảnh của bài Tin Mừng hôm nay cũng giống như bài Tin Mừng tuần trước: trong Hội đường của người Do thái ở Nazatreh, quê hương của Chúa Giêsu. Khán giả nghe Chúa nói hôm nay cũng là những người quen thuộc với Chúa. Điều khác biệt mà bài Tin Mừng hôm nay muốn cho chúng ta thấy không phải là những lời do Chúa dậy mà là thái độ của những  người nghe Chúa hôm đó. Thái độ đó như thế nào? Lúc đầu thiện cảm và thán phục. Sau đó là bất mãn và căm phẫn và cuối cùng là muốn thủ tiêu Chúa. Câu hỏi chúng ta đặt ra ở đây là tại sao thái độ ấy lại có thể thay đổi mau chóng và quyết liệt đến như thế? Chúng ta sẽ tìm hiểu lý do.

I. Như Tin Mừng Mathêô, Marco và Luca thuật lại thì trước khi về Nazareth Chúa đã làm hai Phép lạ tại Carphanaum: Một là phép lạ Chúa chữa người đàn bà loạn huyết; hai là Chúa phục sinh đứa con gái của ông hội trưởng hội đưởng ở đó. Chắc chắn những điều ấy đã đến tai những người ở Nazareth vì Nazareth và Carphanaum cách nhau không bao xa.
+ Một Chúa Giêsu được đã nổi tiếng như thế bây giờ trở về quê hương của mình thì làm sao mà những người đồng hương cùng sống với Chúa bao nhiêu năm trời …lại không cảm thấy tự hào? Chắc chắn là phải có.

Tin Mừng cho chúng ta thấy tất cả những người có mặt trong hội đường hôm đó đều cảm thấy tràn ngập sự thán phục trước những lời đầy vẻ duyên dáng của Chúa. Họ ngỡ ngàng trước con người mà họ đã từng quen biết từ bao nhiêu năm nay….ngỡ ngàng đến nỗi họ phải thốt lên: “Người này không phải là con của ông Giuse đó sao? (Mc 6,2-4). Bởi đâu ông ấy được như thế? – Tại sao mà ông ta được khôn ngoan như vậy? – Ông ấy không phải là con bác thợ mộc, mẹ của ông ta không phải là bà Maria và anh em của ông ta không phải là Giacôbê, Giuđa và Simon đó sao vv và vv.

+ Nhưng rồi đàng sau sự tự hào đó là một cái gì khác hơn. Luca không nói thắng ra những gì họ mong ước nơi Chúa nhưng Luca cho chúng ta thấy chính Chúa đã thấy rõ ý đồ của họ nên Chúa đã vạch mặt chỉ tên những gì mà họ mới chỉ mong ước ở trong lòng: “Hẳn các ngươi sắp nói cho ta nghe câu ngạn ngữ này: Hỡi thầy thuốc hãy tự cứu lấy chính mình. Những gì chúng tôi nghe đã xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông đi” Không biết anh chị em nghĩ sao chứ riêng tôi tôi tưởng những người ở Nazareth mong ước như thế cũng là lẽ rất thường tình. Thế nhưng ở đây Chúa lại từ chối. Không những Chúa không đáp ứng những gì người đồng hương của Ngài mong mỏi mà ngược lại thái độ của Chúa xem ra có vẻ khiêu khích và thách thức đối với họ cho nên từ thái độ cảm phục tự hào lúc ban đầu, những người Nazareth đã chuyển qua thái độ bất mãn và thậm chí còn muốn giết cả Chúa.

+ Những mong ước của họ quá ích kỷ.

Họ tưởng họ là người đồng hương với Chúa và họ có quyền đòi hỏi Chúa phải ưu tiên làm cho họ những gì họ mong muốn.

Còn Chúa thì rõ rệt là Ngài không muốn như thế. Ngài là Thiên Chúa của mọi người. Con người không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì từ Thiên Chúa. Thiên Chúa hoàn toàn tự do.
Những người ở Nazareth cay cú không phải là vì Chúa vung vãi những phép lạ trong những thành khác và từ chối không làm ở quê hương, nhưng họ cay cú vì Chúa đã dùng hai thí dụ thời ngôn sứ Êlia và Êlisê để nói thẳng cho họ biết rằng Ngài có quyền làm Phép lạ cho cả dân ngoại, coi dân ngoại ngang hàng và nhiều khi còn có vẻ ưu tiên hơn cả dân Do thái. Điều đó đối với họ thật là quá đáng và chính vì thế mà họ tỏ ra phẫn nộ mặc dầu họ rất cảm phục trước những lời từ môi miệng Ngài nói ra.
+ Lý do thứ hai theo Charde R. Erdman: Tại họ chưa đủ niềm tin nơi Chúa. Sở dĩ như thế là vì họ quá quen với Chúa. Ông nói:”Những kẻ quá quen thuộc với những bậc vĩ nhân thường lại không thể nhận ra hết sự vĩ đại của họ và nhiều khi người ta không hiểu được những kẻ mà họ tưởng là quen biết hơn hết
Xin được minh họa bằng một chứng từ có thật:
Một hôm cậu bé Tagore làm thơ và đưa lên cho cha cậu xem. Ông thân sinh chê:
– Dở lắm!
Hôm sau, cậu bé lại đem cho cha một sáng tác mới. Ông thân sinh cũng bỉu môi:
– Thơ này là thơ thẩn!
Tagore mới nghĩ ra một kế. Cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và ghi xuất xứ là trích sao trong một tập thơ cổ. Cậu lại đề tên cuốn thơ cổ ấy cẩn thận. Lần này ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen:
– Tuyệt !tuyệt! – rồi đem khoe tíu tít với con trai lớn của ông hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học:
– Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này!
Ông con trai chủ nhiệm đọc xong, cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen ngợi là hay đáo để và muốn trích đăng lên tờ báo của ông. . . Bấy giờ ông anh cũng như ông thân sinh đòi Tagore phải đem cuốn thơ cổ kia để đối chiếu chứng minh và cũng để dễ bề ghi xuất xứ khi đăng.
Đến đây câu chuyện mới vỡ lẽ ra: Có ai ngờ trên đây là một cuộc dàn cảnh bịa đặt của thằng bé Tagore. Ông thân sinh giận sôi máu lên. Nhưng rồi cũng phải nhìn con với cặp mắt thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình trước đó.
Ngạn ngữ của chúng ta có câu: Quen quá hóa nhàm.
Hay câu khác: Gần chùa gọi Bụt bằng anh.

Con người thường hay phán đoán người khác theo những tiêu chuẩn nhiều khi rất giả dối, có khi chỉ theo những giáng vẻ bên ngoài thậm chí nhiều khi còn chụp lên họ những hình ảnh hoàn toàn méo mó theo cách nhìn và cách phán đoán rất chủ quan của mình.

Nhưng người Nazareth trong bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy. Họ tưởng được gần gũi với Chúa bao nhiêu năm trời là họ đã hiểu được Chúa. Thật là sai lầm. Đối với họ Chúa dù có thế nào đi nữa thì cũng chỉ là con bác thợ mộc………Trong trường hợp như thế nếu Chúa có làm được phép lạ thì phép lạ của Chúa cũng chẳng có được một giá trị nào ngoài việc thỏa mãn sự tò mò của họ. Và chính vì thế mà Chúa đã không làm được phép lạ nào. Ngược lại Chúa còn phải buồn mà nói cho họ biết một sự thực này: “Không một tiên tri nài mà được nổi tiếng tại quê hương mình

Thế là những người đồng hương với Chúa đã để mật một cơ hội bằng vàng để được hưởng những hồng ân Chúa ban cho.
Còn chúng ta thì sao? Trên đời có những cơ may chỉ đến có một lần. Hãy biết quí trọng những hồng ân Chúa ban cho chúng ta hằng ngày.

Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết rơi lệ khi tổn thương, biết đau đớn khi mất mát, biết khát khao và nuôi dưỡng những giấc mơ, biết cố gắng làm lại khi thất bại, bởi vì chỉ có như vậy, mọi người mới biết trân trọng những gì đã và đang đến trong cuộc đời mình.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng con lại vừa được nghe một bài Tin Mừng nữa do thánh Luca kể lại.
Câu chuyện hôm nay tiếp nối câu chuyện tuần trước.
Phải nói câu chuyện hôm nay là một câu chuyện buồn đối với Chúa đồng thời cũng là câu chuyện buồn với cả những người ở Nagiareth.

1. Chúa Giêsu buồn.

Chúa buồn vì thấy những người ở quê hương mình không có niềm tin vào Chúa. Họ chỉ coi Chúa như một con người bình thường không hơn không kém, thậm chí còn thua kém nhiều người khác ở trong xã hội nữa: “Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4,22). Rồi từ chỗ coi thường Chúa như thế họ muốn thách thức Chúa. Chúa đã đọc được những ý nghĩ như thế trong lòng của họ cho nên Chúa đã thẳng thắn trả lời: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”(Lc 4,24). Đúng là họ coi Chúa chẳng ra gì. Có gì đi nữa thì cũng chỉ là con một người làm thợ mộc!

Với những người coi thường Chúa như thế thì làm sao mà kéo được tình thương của Chúa đến với mình được. Chính vì thế mà chúng con thấy Chúa đã từ chối thẳng thừng không một chút nhẹ nhàng. Hơn thế nữa Chúa còn tỏ ra như muốn khiêu khích họ khi trưng ra hai thí dụ trong Cựu Ước làm cho họ phẫn uất và muốn giết luôn Chúa cho bõ ghét.

Cha hỏi chúng con những Nagiareth có thể thực hiện được ý muốn của họ không?

-Thưa không.

– Chúng con trả lời rất đúng.

Chúng ta đã thấy Chúa thoát âm mưu của những người Nagiareth như thế nào thì tất cả chúng ta đã thấy.

Chính vì thế mà chúng con phải tập cho mình biết sống khiêm nhường trước mặt Chúa. Chỉ có những ai biết sống khiêm nhường mới xứng đáng được Chúa yêu thương.

Một vị ẩn tu nọ sau 50 năm sống khắc khổ giữa sa mạc bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng, mình chưa làm được một phép lạ nào như các vị tiền bối. Ông quyết định rời bỏ sa mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường thường như mọi người. Nhưng đôi mắt Chúa lúc nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông… Biết ông đang tính toán bỏ cuộc để trở lại đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến nói với ông. Và vị sứ thần đã đến nói với ông những lời này:

– Ngươi đang tính toán điều gì thế? Ngươi hãy thử nghĩ, có phép lạ nào kỳ diệu hơn chính cuộc sống của ngươi không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể cầm cự được ở nơi hoang vu này mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi dùng trong những tháng ngày qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? Ngươi hãy ở lại đây và xin Chúa ban cho ngươi lòng khiêm nhường.

Được lời của một vị sứ thần nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì. Từ đó trở đi ông cảm thấy cuộc đời của mình tràn đầy hạnh phúc với niềm tin thật vững vàng: Mỗi một giây phút qua đi trong cuộc sống là một phép lạ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho mình.

2. Những người ở Nagiareth buồn.

Tin Mừng thuật lại: Chúa đã làm rất nhiều việc lạ lùng tại Capharnaum. Lý ra thì khi nghe được đó những người ở Nagiareth phải hân hoan vui sướng và tin Chúa. Nhưng rất tiếc là họ đã không làm như thế. Họ đã đánh mất một cơ hội ngàn vàng để được Chúa ban ơn. Lý do tại sao? Chỉ vì họ không biết nhận ra những gì hồng ân quí giá mà họ đang có ở trước mặt. Chỉ vì họ ích kỷ hẹp hòi mà họ đã không nhận ra Chúa.

Nói tới đây cha nhớ đến một câu chuyện vui. Câu chuyện như thế này. Đây là câu chuyện mà những người Đức thường kể cho nhau về việc phải biết nhận ra những hạnh phúc Thiên Chúa dành cho mình mỗi ngày.

Có một nhà hiền triết nọ chuyên cố vấn giúp đỡ những ai gặp buồn phiền, chán nản trong cuộc sống. Bất cứ ai đến xin chỉ bảo cũng đều nhận được lời khuyên thiết thực.

Một hôm,  có một người thợ may mặt mày thiểu não chạy đến xin cầu cứu. Gia đình ông gồm có ông, vợ ông và 7 đứa con trai nhỏ. Tất cả chen chúc nhau trong một căn nhà gần như đổ nát.  Người vợ phải la hét suốt ngày vì sự quấy phá của 7 đứa con. Xưởng may của ông lúc nào cũng lộn xộn, bẩn thỉu vì những nghịch ngợm của lũ con. Thêm vào đó là những tiếng la hét, khóc nhè suốt ngày,  khiến người thợ may không thể chú tâm làm việc được.

Nghe xong câu chuyện, nhà hiền triết mới đề nghị với người thợ may như sau:

– Anh hãy ra chợ mua cho kỳ được con dê, rồi dắt nó về cột ngay trong xưởng may của anh.

Người đàn ông đáng thương không đoán được ẩn ý của nhà hiền triết, nhưng đặt tất cả tin tưởng vào ông, cho nên anh về thu góp hết tiền của trong nhà để ra chợ mua cho kỳ được con dê.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng: sự hiện diện của con dê trong xưởng may sẽ giúp được gì cho anh ta? Con vật hôi hám ấy không những phóng uế nhơ bẩn lại suốt ngày còn kêu những tiếng không êm ái chút nào. Cái xưởng may chỉ trong một ngày đã biến thành một chuồng súc vật bẩn thỉu không thể chịu được…
Người thợ may lại đến than phiền với nhà hiền triết vì sự hiện diện của con dê. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới bảo anh:

– Anh hãy tức khắc mang nó ra chợ và bán lại cho người khác.

Người đàn ông cảm thấy như nhẹ nhõm cả người. Anh dắt con vật ra chợ. Trong khi đó, ở nhà, vợ anh mang nước vào tẩy uế cái xưởng may. Bảy đứa nhóc con của anh bắt đầu trở lại xưởng may và hò hét trở lại. Người đàn ông nhìn xuống sàn nhà của xưởng may rồi mỉm cười nhìn thấy mấy cậu con trai của anh đang chạy nhảy la hét.  Anh tự nhủ: dù sao, tiếng la hét của mấy đứa con của mình, so với tiếng kêu của con vật dơ bẩn, vẫn dễ chịu hơn … Và chưa bao giờ anh cảm thấy hạnh phúc cho bằng ngày hôm đó.

Tâm lý thông thường, chúng ta dễ có thái độ “đứng núi này nhìn núi nọ”. Những cái quen thuộc, những cái trước mặt, những cái thường ngày,  những cái nhỏ bé thường dễ bị khinh thường. Chúa Giêsu hôm nay cũng chịu một cảnh tượng tự như vậy. Chúa đã bị đuổi đi và cơ hội đã không bao giờ trở lại.
Chúng ta hãy coi chừng. Đừng bao giờ xem thường những hồng ân của Chúa.

Giá trị của cuộc sống chính là được gặp gỡ Chúa mỗi ngày. Không ai trong chúng ta được chọn lựa cha mẹ và gia đình để được sinh ra. Có người sinh ra trong cảnh giàu sang phú quý. Có người sinh ra trong cảnh nghèo nàn. Có người thông minh, có người đần độn…Chúa mời gọi chúng ta đón nhận cuộc đời như một Hồng ân của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đón nhận từng phút giây của cuộc sống như một ân huệ… Nói như thánh Phaolô “tất cả đều là ân sủng của Chúa”: tất cả đều phải được đón nhận với lòng biết ơn và tín thác.Amen.