07/03 – Thứ Năm sau lễ Tro.
“Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống”.

Lời Chúa: Lc 9, 22-25

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Chúa nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?”

Gia đình cầu nguyện với Lời Chúa:

Tông đồ cầu nguyện – Click to Pray:

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI SÁNG

Cha trên trời của con ơi, khi xưa Cha đã sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Cha đã sai họ đi như chiên con đi vào giữa bầy sói, và việc sai đi này nhiều lúc đã khiến các Ki-tô hữu phải chịu bách hại vì đức tin của họ. Lạy Cha, vì thế, con xin dâng ngày sống của con hôm nay để cầu nguyện cho các cộng đoàn Ki-tô hữu, cách riêng là những ai đang bị bách hại, để họ cảm nhận được rằng họ đang sát gần bên Chúa Ki-tô và xin cho các quyền lợi của họ luôn được tôn trọng. Lạy Cha chúng con ở trên trời…

WITH JESUS IN THE MORNING

Heavenly Father, the Lord sends his disciples to proclaim the Gospel to all the peoples of the earth. He sends them as lambs in the midst of wolves and this sometimes causes Christians to be persecuted for their faith. For these your children, Lord, I offer you my day that Christian communities, especially those who are persecuted, feel that they are close to Christ and have their rights respected. Our Father

— ∞  +  ∞ —

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI CHIỀU

“Trong Bí Tích Hoà Giải, chúng ta tìm được con đường quay trở về với Thiên Chúa, và tái khám phá lại ý nghĩa của cuộc sống.” (ĐGH Phanxicô) Nhờ bàn tay giàu lòng thương xót của Ngài, lạy Chúa, xin dẫn chúng con trở về với Ngài.

WITH JESUS IN THE AFTERNOON

“In the Sacrament of Reconciliation we find our way back to the Lord, and rediscover the meaning of life.” (Pope Francis) Lead me, Lord, back to you through your merciful hands.

— ∞  +  ∞ —

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI TỐI

Vào lúc cuối ngày, lạy Chúa, con gẫm suy về sự hiện diện của Ngài. Con có trung thành với Chúa trong suy nghĩ, lời nói và việc làm của con không? Xin Chúa chữa lành trái tim con, và gợi lên trong con lòng yêu mến giới răn của Ngài. Kính mừng Maria…

WITH JESUS IN THE NIGHT

At the end of this day, Lord, I contemplate your presence. Was I faithful to you in my thoughts, words and deeds? Heal my heart, Lord, and infuse in me a love of your law. Hail Mary

Anh chị em thân mến,

Mỗi năm, qua Mẹ Giáo hội, Thiên Chúa lại “ban cho chúng ta mùa hân hoan này để chúng ta dọn mình mừng mầu nhiệm Vượt Qua với tâm trí đã được đổi mới… khi chúng ta nhớ lại những biến cố lớn lao đã đem lại cho chúng ta đời sống mới trong Chúa Kitô” (Kinh Tiền tụng Mùa Chay I). Vì thế chúng ta bước đi trên hành trình từ Phục Sinh năm này đến Phục Sinh năm khác hướng đến ơn cứu độ viên mãn mà chúng ta đã lãnh nhận nhờ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô – “vì nhờ cậy trông mà chúng ta đã được cứu độ” (Rm 8,24). Mầu nhiệm cứu độ này, đã hoạt động nơi chúng ta trong cuộc sống trần gian, là một tiến trình năng động bao trùm lịch sử cũng như toàn thể thụ tạo. Như Thánh Phaolô nói, “muôn loài thụ tạo những trông ngóng nhìn thấy con cái Thiên Chúa được hiển dương” (Rm 8,19). Trong viễn cảnh này, tôi muốn đưa ra một vài suy tư để đồng hành với anh chị em trên hành trình hoán cải Mùa Chay sắp tới.

1. Thụ tạo được cứu độ

Cử hành Tam nhật Vượt qua về cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, đỉnh cao của năm phụng vụ, kêu gọi chúng ta hằng năm thực hiện một hành trình dọn mình, bởi biết rằng đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô (x. Rm 8,29) là một món quà vô giá của lòng Chúa thương xót.

Khi chúng ta sống như con cái của Thiên Chúa, như những người được cứu chuộc, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn (x. Rm 8,14) và biết nhìn nhận và vâng nghe luật Chúa, khởi đi từ luật được ghi khắc trong tâm hồn và trong tự nhiên, chúng ta cũng đem lại lợi ích cho công trình sáng tạo bằng cách cộng tác vào công cuộc cứu độ các thụ tạo. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô nói rằng các thụ tạo trông ngóng nhìn thấy con cái Thiên Chúa được vinh hiển; nói cách khác, tất cả những ai được hưởng ân sủng mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu có thể cảm nghiệm được ân sủng ấy sẽ thành toàn trong việc cứu độ chính thân xác con người. Khi tình yêu của Chúa Kitô biến đổi cuộc sống của các thánh trong tinh thần, thể xác và linh hồn, các ngài ca tụng Chúa. Qua cầu nguyện, chiêm niệm và nghệ thuật, các ngài cũng đưa các thụ tạo khác vào lời ca tụng ấy, như chúng ta thấy Thánh Phanxicô Assisi đã diễn tả một cách tuyệt vời trong “Bài ca Vạn vật” (x.Laudato Si’, 87). Tuy nhiên, trong thế giới này, sự hài hòa mà ơn cứu độ tạo nên luôn bị đe dọa bởi sức mạnh tiêu cực của tội lỗi và sự chết.

2. Sức mạnh hủy diệt của tội lỗi

Thật vậy, khi chúng ta không sống như con cái Thiên Chúa, chúng ta thường cư xử theo cách triệt hạ người thân cận và các thụ tạo khác – kể cả chúng ta – vì chúng ta bắt đầu nghĩ, với ý thức ít nhiều, rằng chúng ta có quyền sử dụng chúng theo ý mình. Khi ấy, tính vô độ chiếm ưu thế: chúng ta bắt đầu sống một cuộc sống vượt quá những giới hạn mà chính thân phận và bản tính con người của chúng ta đặt ra. Chúng ta chiều theo những ham muốn bất kham mà Sách Khôn ngoan coi là điển hình của kẻ vô đạo, tức là những người hành động mà chẳng nghĩ gì đến Chúa hoặc hy vọng cho tương lai (x. 2,1-11). Nếu chúng ta không chuyên tâm hướng về lễ Phục sinh, về chân trời Phục sinh, thì não trạng diễn tả trong những khẩu hiệu này sẽ thống lĩnh: “Tôi muốn có mọi thứ và tôi muốn có ngay bây giờ!”, “Quá nhiều thì cũng chẳng bao giờ đủ”.

Gốc rễ của mọi sự dữ, như chúng ta biết, là tội lỗi, mà từ khi xuất hiện lần đầu, nó đã phá vỡ sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa, với những người khác và với chính thiên nhiên, mà chúng ta liên kết với nó theo một cách cụ thể qua thân xác của chúng ta. Sự rạn nứt mối hiệp thông với Thiên Chúa cũng huỷ hoại mối tương quan hài hòa của chúng ta với môi trường mà chúng ta được kêu gọi để sống, đến nỗi khu vườn đã trở nên nơi hoang địa (x. St 3,17-18). Tội lỗi đưa con người đến chỗ coi mình là chúa tể của tạo thành, coi mình là chủ nhân tuyệt đối của nó và sử dụng nó, không phải theo mục đích mà Đấng Tạo Hóa đã muốn mà theo lợi ích của riêng mình, gây thiệt hại cho các thụ tạo khác.

Một khi luật của Thiên Chúa, luật yêu thương, bị loại bỏ, thì luật mạnh được yếu thua sẽ thắng thế. Tội lỗi tiềm ẩn trong lòng con người (x. Mc 7,20-23) mang hình dạng của thói tham lam và tìm kiếm an nhàn cách vô độ, thiếu quan tâm đến thiện ích của người khác và thậm chí của chính mình. Nó dẫn đến việc bóc lột thiên nhiên, cả con người lẫn môi trường, do sự thèm muốn vô độ vốn coi mọi ham muốn như một quyền và chẳng sớm thì muộn sẽ hủy diệt tất cả những gì nằm trong tầm tay của nó.

3. Sức mạnh chữa lành của lòng thống hối và ơn tha thứ

Thụ tạo rất cần đến sự vinh hiển của con cái Thiên Chúa, là những người đã trở nên “thụ tạo mới”. Vì “ai ở trong Đức Kitô thì đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5,17).Thật vậy, khi được vinh hiển, chính thụ tạo có thể mừng lễ Vượt qua, mở ra cho một trời mới đất mới (x. Kh 21,1). Con đường đến với lễ Phục sinh đòi hỏi chúng ta canh tân bộ mặt và con tim Kitô hữu của mình nhờ việc ăn năn, hoán cải và tha thứ, để sống trọn vẹn ân sủng dồi dào của mầu nhiệm Vượt qua.

Thái độ trông ngóng này, niềm trông đợi này của toàn thể thụ tạo, sẽ được viên mãn khi con cái Thiên Chúa được vinh hiển, nghĩa là khi các Kitô hữu và mọi người quyết tâm đi vào “cơn đau chuyển dạ” của lòng hoán cải. Mọi thụ tạo đều được kêu gọi, cùng với chúng ta, “thoát khỏi sự lệ thuộc vào cảnh hư nát để được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,21). Mùa Chay là một dấu chỉ bí tích của cuộc hoán cải này. Mùa Chay mời gọi các Kitô hữu thể hiện mầu nhiệm Vượt qua cách sâu xa và cụ thể hơn trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của mình, trước hết bằng việc ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.

Chay tịnh nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và với mọi thụ tạo: từ cơn cám dỗ muốn “ngấu nghiến” mọi thứ để thỏa mãn lòng tham đến chỗ sẵn sàng hy sinh vì tình yêu, vốn có thể lấp đầy con tim trống rỗng của chúng ta. Cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ tôn thờ ngẫu tượng và thói tự mãn, đồng thời nhìn nhận rằng chúng ta cần đến Chúa và lòng thương xót của Ngài. Làm việc bác ái giúp chúng ta thoát khỏi sự điên rồ của việc tích trữ mọi thứ cho bản thân mình với ảo tưởng có thể bảo đảm một tương lai vốn chẳng thuộc về chúng ta. Và như thế, để tái khám phá niềm vui của kế hoạch Thiên Chúa đã dành cho thụ tạo và cho mỗi người chúng ta, chính là là yêu mến Chúa, yêu thương anh chị em và toàn thế giới, để gặp được hạnh phúc thực sự của chúng ta nơi tình yêu ấy.

Anh chị em thân mến, thời gian “chay tịnh” 40 ngày mà Con Thiên Chúa đã trải qua ở hoang địathiên nhiên nhằm làm cho nơi ấy lại trở thành khu vườn hiệp thông với Thiên Chúa như trước khi có tội nguyên tổ (x. Mc 1,12-13; Is 51,3). Mong sao Mùa Chay năm nay của chúng ta sẽ là một hành trình trên cùng con đường ấy, mang lại niềm hy vọng của Chúa Kitô cho mọi thụ tạo, để thụ tạo “thoát khỏi sự lệ thuộc vào cảnh hư nát, được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,21). Chúng ta đừng để cho mùa ân sủng này qua đi cách vô ích! Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta cất bước trên con đường hoán cải thực sự. Chúng ta hãy từ bỏ thói ích kỷ và chỉ biết đến mình, để hướng về sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy gần gũi với những người anh chị em của chúng ta đang túng thiếu, chia sẻ với họ của cải tinh thần và vật chất. Như thế, khi đón nhận cuộc vinh thắng của Chúa Kitô đối với tội lỗi và sự chết vào trong đời sống của chúng ta một cách cụ thể, chúng ta cũng sẽ chiếu tỏa quyền năng có sức biến đổi của chiến thắng ấy cho mọi loài thụ tạo.

Minh Đức (chuyển ngữ) – TGP Sài Gòn

06/03 – Thứ Tư LỄ TRO. – Giữ chay và kiêng thịt.
“Cha ngươi, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.

Lời Chúa: Mt 6, 1-6. 16-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời.

Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.

Gia đình cầu nguyện với Lời Chúa:

Tông đồ cầu nguyện – Click to Pray:

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI SÁNG

Lạy Cha giàu lòng thương xót, xin giúp con khởi đầu hành trình của Mùa Chay Thánh năm nay bằng việc đến thật gần với trái tim Cha, lắng nghe tiếng Cha và mở rộng vòng tay với những ai đang cần đến con. Con xin dâng lên Cha ngày hôm nay để cầu nguyện theo ý chỉ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tháng này. Lạy Cha chúng con ở trên trời…

WITH JESUS IN THE MORNING

Merciful Father, help me to begin this journey of Lent close to your Heart, listening to your Word, and open to those in need. I offer this day for the intention of Pope Francis for this month. Our Father

— ∞  +  ∞ —

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI CHIỀU

“Thiên Chúa, trong sự quan phòng của Ngài, hằng năm ban cho chúng ta Mùa Chay như một cơ hội để chúng ta quay trở về với Ngài trọn cả con tim và trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta.” (ĐGH. Phanxicô) Lạy Chúa, xin cho Mùa Chay năm nay trở thành thời gian đổi mới đời sống thiêng liêng của con.

WITH JESUS IN THE AFTERNOON

“God in his providence offers us the season of Lent each year as a chance to return to Him with all our hearts and in every aspect of our lives.” (Pope Francis) May this Lent be a time of spiritual renewal in my life.

— ∞  +  ∞ —

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI TỐI

Khi màn đêm tràn về, con hồi tâm nhìn lại lương tâm mình. Liệu có khi nào con chối từ cơ hội trở nên ánh sáng cho người khác không? Con có trốn tránh ai đó, và chẳng muốn làm một việc bác ái cho họ chăng? Xin tha thứ cho con, Chúa ơi. Trái tim con cần Ngài, cần tình yêu bao la của Ngài để dạy cho con biết cách yêu thương tha nhân mà không mong chờ đáp lại. Kính mừng Maria…

WITH JESUS IN THE NIGHT

As the night sky rises, I examine my conscience. Were there any times when I refused to be a light to others? Did I avoid certain people, not wanting to be charitable? Forgive me, Lord. My heart needs you and your boundless love to teach me how to give oneself to others without reserve. Hail Mary

Tro dùng trong phụng vụ có từ thời Cựu Ước. Tro biểu tượng cho sự u buồn, cái chết và sự thống hối. Chính Chúa Giêsu cũng nhắc đến tro: khi dân các thành phố từ chối thống hối dù đã chứng kiến những phép lạ và nghe Tin Mừng, Ngài nói: “Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Siđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối”  (Mt 11, 21).Chẳng hạn, trong sách Esther, Mordecai mặc áo vải thô và xức tro khi nghe chiếu chỉ của vua Ahasuerus (hay Xerxes, 485-464 BC) ra lệnh giết hết người Do Thái trong Đế quốc Ba Tư (Et 4, 1). Ông Gióp (câu chuyện được viết vào khoảng giữa thế kỷ thứ 7 và 5 trước Công nguyên) cũng mặc áo vải thô và xức tro khi sám hối (G 42, 6). Khi tiên báo thành Giêrusalem bị quân Babylon chiếm đóng, Đaniel (khoảng năm 550 BC) viết: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3). Vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, sau khi Giona rao giảng về sự thống hối và hoán cải, cả thành Ninivê ăn chay và mặc áo vải nhặm, ngồi trên đống tro (Gn 3, 5-6). Những bằng chứng trong Cựu Ước này cho thấy từ lâu đã có sử dụng tro cũng như ý nghĩa biểu tượng của nó được nhìn nhận.

Giáo hội sơ thời tiếp tục sử dụng tro vì các ý nghĩa biểu tượng của nó. Trong cuốn De Poenitentia (về sự thống hối), Tertullian (khoảng năm 160-220) quy định người thống hối phải “sống u buồn sầu thảm trong sự thô ráp của áo vải nhặm và tro bụi dơ dáy”. Eusebius (260-340), sử gia danh tiếng của Giáo hộ sơ thời, đã thuật lại trong cuốn Lịch sử Giáo Hội về một người bội giáo tên là Natalis đã mặc áo vải thô và xức tro, quỳ gối trước Đức giáo hoàng Zephyrinus để xin tha thứ. Trong suốt thời kỳ giáo hội sơ thời này, tro được rắc lên đầu những người bị buộc phải thú tội và sám hối công khai.

Vào thời Trung cổ (khoảng thế kỷ thứ 8) những người hấp hối được đặt nằm dưới đất trên tấm vải rắc đầy tro. Linh mục rảy nước thánh trên người hấp hối và nói: “Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”. Sau đó, linh mục hỏi: “Anh (chị) có bằng lòng với vải thô và tro bụi để minh chứng lòng thống hối trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét không?”. Người hấp hối trả lời: “Con xin bằng lòng”. Đây là những bằng chứng cho thấy ý nghĩa biểu trưng cho tang chế, cái chết và thống hối.

Cuối cùng, người ta dùng tro để đánh dấu Mùa Chay bắt đầu, một thời gian chuẩn bị 40 ngày (không kể ngày Chúa Nhật) hướng đến lễ Phục Sinh. Nghi thức “Ngày lễ tro” được tìm thấy trong cuốn Nghi thức bí tích Grêgory (thế kỷ thứ 8). Khoảng năm 1000, một linh mục Anglo-Saxon tên là Aelfric rao giảng rằng: “Trong lề luật mới lẫn cũ đều nói rằng người sám hối tội lỗi phải xức tro và mặc vải thô. Vậy thì bây giờ chúng ta phải rắc tro trên đầu để tỏ lòng thống hối vì tội lỗi chúng ta trong suốt mùa Chay tịnh này”. Để củng cố quan điểm của mình, Aelfric kể lại câu chuyện về một người đàn ông không tham dự và xức tro trong ngày thứ Tư lễ tro, liền bị chết ít ngày sau đó trong cuộc săn lợn. Ít ra là từ thời Trung cổ, Giáo hội đã dùng tro để đánh dấu sự bắt đầu của Mùa Chay thống hối, nhắc lại cái chết và sự u buồn vì tội lỗi chúng ta.

Trong phụng vụ thứ Tư lễ tro hiện hành, chúng ta dùng tro đốt từ các nhành cây được phát vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá năm trước. Vị linh mục làm phép tro và xức trên trán các tín hữu theo dấu thánh giá và nói: “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro” hay “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Bắt đầu mùa Chay thánh chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, chúng ta phải nhớ ý nghĩa của tro mình lãnh nhận: thống hối vì tội lỗi mình. Chúng ta hướng tâm hồn về với Chúa là Đấng chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại để ta được cứu rỗi. Chúng ta làm mới lại lời hứa khi chịu phép rửa tội, bỏ lối sống cũ và sống đời sống mới trong Đức Kitô. Cuối cùng, hãy nhớ rằng thế gian này sẽ qua đi, chúng ta cố gắng sống Nước Trời ngay từ bây giờ và hướng đến ngày hoàn tất trên Thiên Đàng. Điều chính yếu là chúng ta chết cho chính mình và sống cuộc sống mới trong Đức Kitô.

Khi nhớ lại ý nghĩa của tro bụi và cố gắng sống ý nghĩa ấy trong suốt thời gian mùa Chay này, chúng ta phải để cho Chúa Thánh Thần lay động để tỏ lòng bác ái đối với tha nhân. Sứ điệp mùa Chay năm 2003, Đức Thánh Cha đã nói: “Tôi hy vọng các tín hữu sẽ tìm thấy mùa Chay này là thời gian thuận tiện để làm chứng cho Tin Mừng đức ái khắp mọi nơi, vì ơn gọi đức ái là trái tim của Phúc âm hóa”. Ngài cũng lấy làm tiếc về “thời đại này đang bị tính vị kỷ cám dỗ, nó ẩn nấp trong trái tim con người … Ước muốn thái quá về của cải đã ngăn cản con người mở lòng ra với Đấng Tạo Hóa và với anh chị em mình”.

Trong mùa Chay, các hành vi của tình yêu trao ban cho những ai đang thiếu thốn sẽ phải là một phần trong sự thống hối, hoán cải và đổi mới của chúng ta, bởi vì những hành vi đó cấu thành tình liên đới và sự công bằng để xây dựng Nước Trời trong thế gian này.

Lm. William Saunders
Tạp chí Arlington Catholic Herald
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC

180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
E.mail: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 28 tháng 02 năm 2019

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY VÀ PHỤC SINH 2019

Kính gởi: quý linh mục, quý nam nữ tu sĩ,
quý thầy đại chủng sinh,
và toàn thể anh chị em giáo dân trong Tổng giáo phận.

Anh chị em rất thân mến,

1. Chúng ta lại bước vào mùa Chay thánh, mùa của sám hối. Trong sứ điệp mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô giúp chúng ta suy niệm tư tưởng của Thánh Phaolô: “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19). Con cái Thiên Chúa là phẩm giá mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta qua công trình tạo dựng và công trình cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, ngày nay phẩm giá ấy không ngừng bị đe dọa bởi tội lỗi, nhằm phá vỡ những mối tương quan căn bản của con người: với Thiên Chúa, với tha nhân, và với chính mình. Cùng với thao thức của Đức Thánh Cha, chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài điểm thực hành sám hối, hầu có thể đón nhận trọn vẹn niềm vui Phục Sinh, niềm vui của con cái Thiên Chúa:

2. Sống tư cách con cái Thiên Chúa trong tương quan với chính Thiên Chúa. “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2). Trong mùa Chay thánh này, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy gia tăng việc lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là bí tích Thống Hối và bí tích Thánh Thể; nhờ đó, mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa không chỉ được chữa lành, nhưng còn được nuôi dưỡng và củng cố. Ngoài ra, anh chị em cũng hãy chuyên cần hơn trong việc cầu nguyện, không chỉ cầu nguyện cá nhân, nhưng còn cầu nguyện với gia đình và cộng đoàn. “Cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ thói thờ ngẫu tượng và sự tự mãn của bản thân, giúp ta nhận ra rằng chúng ta cần đến Chúa và lòng thương xót của Người”*.

3. Sống tư cách con cái Thiên Chúa trong tương quan với tha nhân. Việc củng cố mối tương quan với Thiên Chúa là Cha đồng thời đòi hỏi chúng ta đón nhận nhau như anh chị em. Để thực hiện điều ấy, chúng tôi khuyến khích anh chị em gia tăng việc bác ái. “Việc thực thi bác ái giúp chúng ta thoát khỏi sự điên cuồng tích trữ mọi thứ cho bản thân […]. Và như thế, chúng ta có thể tái khám phá niềm vui trong chương trình của Thiên Chúa dành cho sáng tạo và cho mỗi người chúng ta, đó là yêu mến Người và anh chị em mình”*. Chúng ta cần thực thi bác ái không chỉ qua việc đón nhận, cảm thông, nâng đỡ những anh chị em đang gặp khó khăn về đời sống vật chất; nhưng còn chú tâm cách đặc biệt đến ba mục tiêu trong định hướng mục vụ năm nay của Tổng giáo phận: đồng hành với giới trẻ, dấn thân loan báo Tin Mừng, và quan tâm đến những gia đình gặp khó khăn.

4. Sống tư cách con cái Thiên Chúa trong tương quan với chính mình. Noi gương Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ sống mùa hồng ân này trong chay tịnh. Việc chay tịnh giúp chúng ta “từ bỏ cám dỗ ‘ngấu nghiến’ mọi thứ nhằm thỏa mãn lòng khao khát tham lam của mình, và sẵn sàng chịu đau khổ vì tình yêu, là thứ có thể lấp đầy sự trống rỗng trong con tim chúng ta”*. Do vậy, chay tịnh không chỉ được thực thi qua việc tiết chế ăn uống và tiêu xài, nhưng còn trong việc hạn chế sử dụng internet, điện thoại, hay các phương tiện giải trí… để sứ điệp Tin Mừng của Chúa mới có thể lấp đầy con tim khao khát của chúng ta.

5. Cuối cùng, một việc rất cụ thể để tất cả chúng ta thể hiện tư cách con cái Thiên Chúa của mình trong hoàn cảnh hiện tại của Tổng giáo phận là tiếp tục cộng tác tích cực trong công việc trùng tu Nhà Thờ Chánh Tòa qua lời cầu nguyện cũng như những hy sinh đóng góp vật chất. Đợt quyên góp này sẽ kéo dài từ đầu mùa Chay đến hết mùa Phục Sinh năm nay.

Ước mong khát vọng sống tư cách con cái Thiên Chúa của chúng ta trong mùa Chay thánh này đem lại hoa trái thật dồi dào, và niềm vui Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô sẽ kiện toàn khát vọng ấy nơi anh chị em.

(Đã ký và đóng dấu)
+ Giuse ĐỖ MẠNH HÙNG
Giám Quản Tông Tòa

+ Louis NGUYỄN ANH TUẤN

____________________
* Trích Sứ Điệp Mùa Chay năm 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thứ tư Lễ Tro đánh dấu Mùa Chay bắt đầu, giáo xứ Tân Định có 4 lễ:

Buổi sáng:

  • Lễ 5g00: Nhà thờ.
  • Lễ 6g15: Nhà thờ.

Buổi chiều:

  • Lễ 17g30: Nhà thờ.
  • Lễ 19g00: Nhà chờ phục sinh.

Kính mong anh chị em sắp xếp công việc tham dự thánh lễ thật sốt sắng.

05/03 – Thứ Ba tuần 8 thường niên.
“Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu”.

Lời Chúa: Mc 10, 28-31

Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?”

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.

Gia đình cầu nguyện với Lời Chúa:

Tông đồ cầu nguyện – Click to Pray:

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI SÁNG

Lạy Cha trên trời, con bắt đầu ngày mới dưới ánh nhìn yêu thương trìu mến của Cha. Xin giúp con mang tình yêu ấy đến với những người con gặp gỡ hôm nay. Con cũng xin dâng lên Cha ngày sống của con để cầu nguyện cho cộng đoàn Kitô hữu, cách riêng là những người đang bị bách hại, cảm nhận được rằng Đức Ki-tô luôn gần gũi họ, và xin cho các quyền lợi của họ được tôn trọng. Lạy Cha chúng con ở trên trời….

WITH JESUS IN THE MORNING

Heavenly Father, I begin this day underneath your loving gaze. Help me to bring that love to those I meet today. I also offer to you this day that Christian communities, especially those who are persecuted, feel that they are close to Christ and have their rights respected. Our Father

— ∞  +  ∞ —

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI CHIỀU

“Với quá nhiều việc phải làm, chúng ta dễ dàng sao lãng việc thực sự quan trọng: đó là đời sống thiêng liêng của chính mình và mối tương quan của ta với Thiên Chúa. Vậy, chúng ta hãy dừng lại và dành thời gian để cầu nguyện.” (ĐGH Phanxicô) Lạy Chúa, ngay cả khi con rất bận rộn, con cũng sẽ dành thời gian cho Ngài.

WITH JESUS IN THE AFTERNOON

“With so much to do, we often neglect what is really important: our spiritual lives, and our relationship with God. So let’s stop and take time to pray!” (Pope Francis) Even when I am busy, Lord, I will make time for you.

— ∞  +  ∞ —

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI TỐI

Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa vì ngày hôm nay, đặc biệt vì Ngài đã ban cho con những cơ hội để con có thể chia sẻ những điều tốt lành của Ngài gửi đến cho con. Xin ban cho con một trái tim tinh tuyền và một thần trí kiên vững. Xin cho con cảm nhận được niềm vui tình yêu của Ngài, nhờ đó con có thể đem tình yêu ấy đến cho những người con gặp gỡ. Kính Mừng Maria….

WITH JESUS IN THE NIGHT

Thank you for this day, Lord, especially for the opportunities of sharing the good things that you have given me. Grant me a pure heart and a firm spirit. Make me feel the joy of your love so that I can give it to every person I meet. Hail Mary

GXTĐ – Sáng Chúa Nhật 03/03/2019, trong niềm hân hoan vui sướng, các em thiếu nhi giáo xứ Tân Định đã có buổi sơ kết học kì I năm học giáo lý 2018-2019 với chủ đề “Học với Chúa Giê-su”.

Trong buổi tổng kết, cha đặc trách Phêrô Ngô Lập Quốc cũng đã có lời khen thưởng và động viên các em thiếu nhi có thành tích xuất sắc bằng những món quà nho nhỏ.

Đồng hành cùng với ban giảng huấn, còn có sự góp mặt của anh Hoài Lộc – Đại diện Hội đồng Mục vụ và hội phụ huynh học sinh – Những bàn tay luôn thầm lặng miệt mài đóng góp công sức để các em thiếu nhi có được môi trường học tập thật tốt.

Trải qua hơn một nửa năm học 2018-2019, các kết quả học tập lời Chúa của các em ngày hôm nay đã trở thành nguồn động lực rất lớn cho các cha, các sơ, các anh chị huynh trưởng và giáo lý viên… để mọi người cùng nhau tiếp tục tận tụy dìu dắt, hướng dẫn các em tiếp bước trên con đường thập giá Chúa Ki-tô.

Nguyện xin ơn đức Chúa Thánh Thần soi sáng cho các thành viên trong ban mục vụ thiếu nhi đã các ngài tiếp tục công việc đầy khó nhọc nhưng cũng đầy vinh quang này.

Một số hình ảnh trong buổi Sơ kết học kỳ I năm học 2018-2019:

Giáo xứ Tân Định

04/03 – Thứ Hai tuần 8 thường niên.
“Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.

Lời Chúa: Mc 10, 17-27

Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.

Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”.

Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao”. Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó.

Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”.

Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

Gia đình cầu nguyện với Lời Chúa:

Tông đồ cầu nguyện – Click to Pray:

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI SÁNG

Lạy Cha nhân lành, một ngày mới mở ra cho con tình yêu vô biên của Cha. Xin giúp con mở lòng để trao phó chính mình cho Cha trong từng biến cố cụ thể và bình dị hằng ngày. Con xin dâng lên Cha ngày sống hôm nay, lẫn niềm vui cả nỗi buồn để cầu nguyện theo ý của Đức Giáo Hoàng trong tháng này. Lạy Cha chúng con ở trên trời….

WITH JESUS IN THE MORNING

Father of All Goodness, a new day opens me to your boundless love. Help me to open myself to you, in the concreteness and simplicity of everyday events. I offer this day, all my joys and sufferings, for the intention of the Holy Father for this month. Our Father

— ∞  +  ∞ —

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI CHIỀU

“Dù cho đôi khi ngọn lửa bác ái dường như tắt lịm trong trái tim chúng ta, nhưng nó chẳng bao giờ lụi tàn trong trái tim Thiên Chúa.” (ĐGH Phanxicô) Lạy Chúa, xin làm mới lại trong con tình yêu chân thành dành cho những người bên cạnh con.

WITH JESUS IN THE AFTERNOON

“If sometimes the flame of charity seems to die in our hearts, it never dies in the heart of God!” (Pope Francis) Renew in me, Lord, a sincere love of my neighbor.

— ∞  +  ∞ —

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI TỐI

Lạy Chúa, trước khi chìm vào giấc ngủ, con hồi tâm nhìn lại ngày sống đã qua trong ánh sáng của Chúa, và con nhận ra rằng biết bao lần con phớt lờ những dấu chỉ tình yêu của Chúa. Xin giúp con ngày càng nhạy bén hơn với các dấu chỉ tình yêu của Ngài để con diễn tả những dấu chỉ yêu thương đó cho những người con gặp gỡ với tâm hồn rộng mở. Kính Mừng Maria….

WITH JESUS IN THE NIGHT

Before falling asleep I review my day again in your light, Lord, and I realize all those times that I have ignored the signs of your love. Make me ever more sensitive to recognizing them and expressing them openly to those I encounter. Hail Mary