Kính thưa anh chị em

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ. Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua.

A- Chúa là Vua.

1. Hầu như trong cả cuộc đời của Chúa, ngoài một lần duy nhất Chúa được đối xử như một vị Vua lúc Chúa giáng sinh, được các nhà đạo sĩ tìm đến bái thờ, còn ngoài ra thì cuộc sống của Chúa chẳng có vẻ gì là một ông Vua. Ngài sống như một người bình thường. Có lần dân chúng muốn tung hô Ngài và tôn Ngài lên làm Vua nhưng Ngài đã không thèm .

Thế nhưng vào những ngày cuối cùng nơi cuộc sống trần thế, thì tước hiệu là Vua lại được gắn vào cuộc đời của Chúa như một sự thật càng lúc càng đậm nét hơn.

a/ Lúc vào Thành Giêrusalem một cách long trọng, cung cách của Ngài đã thay đổi một cách khác thường. Ngài để cho dân chúng tung hô Ngài như một ông Vua. Những người có trách nhiệm cai trị lúc đó cảm thấy tình hình có thể gây nên nhiều hiểu lầm cho nên đã yêu cầu Ngài ra lệnh cho quần chúng im đi. Nhưng không những Ngài đã không bảo cho dân chúng im mà ngược lại Ngài còn tuyên bố một lời đầy thách thức: “Nếu họ không nói lên thì những hòn đá này sẽ nói thay” Người ta quả khó mà hiểu được thái độ của Chúa lúc đó.

b/ Rồi khi phải đối đầu với Philatô, đại diện cho quyền lực của cả Đế quốc Roma lúc đó, vào những giờ phút nghiêm trọng nhất trong cuộc đời của Chúa, Chúa đã không một chút ngần ngại để xác nhận một sự thật mà khi làm như thế Chúa biết là sẽ dẫn Ngài đến đâu. Thế nhưng Chúa đã không sợ dù là việc đó có làm cho Philatô có đủ lý do hơn để tuyên bố án tử cho Ngài. Philatô hỏi Chúa: “Ông là Vua sao ?” Chúa trả lời một cách dứt khoát, không một chút ngại ngùng: “Quan nói đúng: tôi là Vua”

c/ Và cuối cùng như chúng ta đã thấy, khi Chúa bị treo ở trên Thập giá, chính Philatô đã truyền cho viết và gắn một tấm bảng thật lớn để mọi người có thể nhìn thấy trên đầu cây Thập giá của Chúa. Tấm bảng với dòng chữ rất rõ như thế này: “Giêsu Nazareth, Vua dân Do Thái”

2. Vâng, quả thực Chúa là Vua như Chúa đã xác nhận. Thế lực của trần gian cũng xác nhận, bằng lời nói, bằng cả cái mà chúng ta có thể coi như giấy trắng mực đen. Nhưng phải hiểu nội dung lời tuyên bố của Chúa và lời tuyên xưng của trần thế như thế nào ? Rõ ràng là Chúa là Vua nhưng cuộc sống của Chúa và cách cai trị của Chúa chẳng giống với bất cứ một ông Vua nào trên trần thế này cả.

Vậy Chúa muốn làm vua như thế nào ? Chúa đã nói thật rõ:

“Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. (Mt 20,26-28).

Đó là đường lối của Chúa. Chúa là Vua nhưng là Vua phục vụ trong hiền lành và yêu thương.

Chúng ta hãy nhớ lại một chút: Khi Gioan Tẩy giả sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải chờ một Đấng nào khác nữa ?” Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp và nói: “Đúng, tôi là Đấng ấy”. Nhưng Ngài đưa ra những sự kiện về Ngài mà nhờ đó Gioan có thể hiểu. Theo trình thuật của Tin Mừng chúng ta thấy: trong câu trả lời của Chúa Giêsu, Ngài đã đặt con người ở vị trí trung tâm. Sáu câu trả lời của Ngài là sáu lời tuyên bố về vị trí trung tâm của con người: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe:

1. Người mù xem thấy,

2. kẻ què được đi,

3. người cùi được sạch,

4. kẻ điếc được nghe,

5. người chết sống lại,

6. kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”

Đó là những dấu chỉ về Đấng Messia nơi Chúa Giêsu. Con Người, con người đau khổ, con người cần quan tâm, con người là đối tượng của lòng thương xót và tình thương. Con người mà phẩm giá phải được phục hồi. Chúa Giêsu đã không nói về Nước Thiên Chúa, là trung tâm của mọi hoạt động và sứ vụ của Ngài. Có lẽ điều này làm chúng ta ngạc nhiên. Nhưng Chúa Giêsu đã đặt con người và những người nghèo là đối tượng của Tin Mừng. Ngài trình bày điều này như là dấu chỉ đặc biệt của sứ vụ Ngài. Ngài mô tả hoạt động thiên sai không phải như việc thực thi quyền bính, hay chiếm hữu một vương quốc mà Ngài là Chủ. Nhưng đúng hơn, Ngài mô tả sứ vụ thiên sai của Ngài là một công việc phục vụ đối với con người và những nhu cầu của họ.

Vua trần gian có thần dân để cai trị, có quan quân để sai khiến, có tiền của mỹ nữ để truy hoan. Còn Chúa Giêsu trái lại, Người không làm vua theo kiểu thường tình ấy. Người đã khẳng định : “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Vì thế, cung cách của vị vua Giêsu hoàn toàn mới lạ. Tin Mừng hôm nay đã nói lên tính cách Vương Quyền ấy.

Dưới hình thức nhạo báng của các thủ lãnh Do thái, của lính tráng, của bản án treo trên thập giá, người ta đã thấy vương quyền của Chúa Giêsu, nhất là lời tuyên xưng của người trộm lành “Khi nào về Nước của Người, xin nhớ đến tôi”. (Lc 35,42).

Tuy nhiên, nước của Chúa Giêsu không nhằm tư lợi cá nhân như các thủ lãnh khiêu khích, cũng không tỏ ra oai quyền uy như bọn lính thách thức. Nước của Người là Nước Tình Yêu, vương quyền của Người là để phục vụ. Vì thế, Người đã không “xuống khỏi thập giá” cách ngoạn mục, nhưng đã “kéo mọi người” lên với Người (Ga 13, 32). Người đã không “cứu lấy chính mình”, nhưng đã “cứu lấy mọi người” khỏi chết muôn đời nhờ cái chết của Người.

Mừng lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, Giáo Hội cũng muốn chúng ta bắt chước Chúa Giêsu. Sống và cư xử với mọi người như Chúa Giêsu. Chỉ có cách đó chúng ta mới xứng đáng là thân dân trong vương quyền của Chúa.

Những người mù, què quặt, phong cùi, câm điếc, chết chóc, nghèo khó lúc nào cũng có bên cạnh chúng ta, Đó là những đối tượng Chúa đã phục vụ đến quên ăn quên ngũ năm xưa, ngày nay vẫn mong chờ tình yêu thương của mọi người.

Xanphơ (ông chủ) sai Elôp đi dò xem đám cưới của người hàng xóm có nhiều người đi dự không. Elôp đến nhà người hàng xóm, ném một khúc gỗ xuống ngưỡng cửa nhà ông ta, rồi ngồi bên cạnh chờ khách ra về. Tiệc tan, ai ra khỏi cửa cũng đều vấp phải khúc gỗ đó nhưng chỉ bực bội nhìn khúc gỗ rồi đi đường mình. Chỉ có một bà cụ già sau khi vấp đã quay lại đẩy khúc gỗ sang một bên để người khác không bị cản trở. Elôp hài lòng trở về gặp chủ.

Thế nào, ở đấy có nhiều người không ? Xanphơ vốn tò mò hỏi.

Tất cả chỉ có một con người, mà đấy lại là một bà già – Elôp trả lời.

Sao lại thế ? Người chủ ngạc nhiên.

Tất cả đều vấp phải khúc gỗ – Elôp nói – mà không ai dẹp bỏ nó đi. Lũ cừu cũng làm như vậy. Chỉ có một bà cụ già khi chân vấp vào khúc gỗ đã dừng lại, cúi xuống đẩy khúc gỗ qua một bên để những người khác đo sau không bị vấp ngã. Chỉ có con người mới làm như vậy.

Một mình bà cụ là người.

Lạy Chúa, xin làm con nên xứng đáng phục vụ anh chị em, còn đang tản mác khắp nơi trên thế giới này, những con người sống và chết giữa cô đơn nghèo khổ. Hôm nay xin Chúa dùng đôi tay chúng con ban cơm bánh thường ngày cho họ. Và nhờ tình yêu chúng con, Chúa ban tặng họ hoà bình và hạnh phúc. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quý.

Cha đó chúng con: Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ gì nào ?

– Thưa cha lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ.

– Rất đúng

– Thế vua là người như thế nào chúng con, chúng con có biết không ?
1. Đây cha cắt nghĩa cho chúng con.

Sau thế giới đại chiến lần thứ I, chế độ Vua cai trị, thường gọi là chế độ Quân chủ không còn được mấy nước áp dụng tuyệt đối như trước nữa. Chỉ còn lại một ít nước có mấy ông vua bà hoàng như một dấu vết của quá khứ còn lại, nhắc nhớ cho mọi người biết về một thể chế chính trị đã có trước đây như ở Thái Lan, Anh Quốc, Nhật v.v. nhưng thực quyền của họ hầu như không có gì cả. Bởi thế những người trẻ hôm nay, qua sách vở, khó hình dung rõ nét thế nào là một ông vua đúng nghĩa ngày xưa.

Chúng con học lịch sử chúng con thấy trước đây loài người cũng có một số ông vua tài giỏi về đánh giặc hay về việc cai trị. Thế nhưng con số này rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn ra thì vì họ được cha truyền con nối, cho nên họ trở nên độc tài độc đoán, chỉ biết hưởng thụ cho riêng mình, chẳng quan tâm gì đến sự lầm than đói khổ của dân chúng dưới quyền họ. Lịch sử Trung Hoa còn cho biết, các ông vua còn tự xưng mình là Thiên tử, là con ông Trời, bắt ai chết thì người đó phải chết, cho ai sống thì người đó được sống (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Các vua La Mã thì xưng mình là Thần, ngang với Thượng đế.

Nhìn chung, thì các vua trần gian ích kỷ, dâm ô. Khi họ đã nắm được ngai vàng rồi thì coi mọi người như bầy tôi, giang sơn đất nước như là tài sản riêng. Đời sống của mọi người dân trong đất nước thật tăm tối lầm than và khổ cực.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

“Đất Vĩnh Châu bên Trung Quốc về thời nhà Đường có giống rắn lạ mình đen vằn trắng, hễ nó chạm vào cây cỏ, cây cỏ chết liền; cắn người, người cũng không thuốc gì chữa nổi, nhưng dùng làm thuốc sát trùng và trị các chứng phong thì rất công hiệu.

Vì thế, nhà vua ra lệnh bắt dân mỗi năm phải hiến cho vua hai con rắn đã dành. Ai làm được như thế thì được trừ thuế ruộng.

Mọi người đều thi nhau bắt rắn. Có gia đình họ Tương đã ba đời hành nghề. Một hôm có người khách sang trọng ghé chơi, hỏi chuyện, người họ Tương than thở :

– Ông nội tôi chết về nghề này, cha tôi cũng chết về nghề này, tôi đây mới làm mười hai năm, đã bị mấy lần suýt chết.

Người khách cảm động nói:

– Nếu vậy, để tôi can thiệp với quan trên cho anh bỏ nghề và cứ nộp thuế ruộng như thường.

Người họ Tương chảy nước mắt đáp lại.

– Ngài có lòng thương, xin đa tạ, nhưng xin miễn can thiệp.

Người khách lấy làm lạ, hỏi lý do, người họ Tương kể lể :

– Nếu tôi không làm nghề này thì khốn khổ đã lâu. Gia đình tôi ba đời ở đây, hơn 60 năm. Dân làng này mỗi ngày một sống điêu linh quẫn bách vì chính sách thuế má, thậm chí không biết bao nhiêu gia đình phải bỏ xóm làng ra đi, và cũng không biết bao nhiêu kẻ chết đường chết chợ, những người trạc ông nội tôi thì mười không còn một, còn trạc tuổi cha tôi thì còn độ hai ba, và còn trạc tuổi tôi thì còn độ bốn, năm vì không chết cũng bị lưu lạc. Tôi nhờ làm nghề bắt rắn mà còn.

Các quan lại hạt này về làm thuế làng tôi đâu có rõ, họ sục hết đầu làng cuối xóm, vơ vét cả con gà con chó, thượng vàng hạ cám, không tha thứ gì. Ai nấy đều sợ, còn hơn sợ rắn. Trong lúc ấy, về phần tôi, tôi được yên, cứ thấy trong giỏ còn rắn là tôi vững bụng không sợ đói, không lo mất giấc ngủ.

Ngài thấy không tôi làm nghề này một năm chỉ sợ chết hai lần, chớ đâu đến nỗi người làng tôi hết ngày này sang ngày khác, lúc nào cũng bị khốn khổ quan lại tàn ác. Giá tôi bị chết vì rắn, thì so với kẻ xung quanh, vẫn thấy còn thọ hơn. Như thế, tôi không dám xin vì lẽ rắn độc được.

2. Còn Chúa Giêsu là vua thì sao ?

Qua bài Tin Mừng vắn vỏi chúng ta vừa nghe hôm nay, thánh sử Luca đã cho mọi người thấy hình ảnh về một Vua Giêsu thật khác lạ, không giống với bất cứ ông vua nào trên trần thế từ trước đến hôm nay. Chúa Giêsu thật hiền lành và đầy lòng yêu thương.

Đây là Lời của thánh Luca: “Sau khi đóng đinh Ðức Giêsu vào thập giá:

dân chúng thì đứng nhìn,

các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo

Lính tráng cũng chế giễu Người.

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người.

Không có một chút cảm thông, không một lời an ủi.

Vậy mà Chúa, Chúa đã làm gì chúng con biết không. Cha thấy Chúa dư sức, đủ uy quyền để trừng phạt đám dân độc ác này, thế nhưng Chúa đã không làm mà ngược lại Chúa còn cầu xin Chúa Cha tha cho họ: Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” . Sao Chúa hiền quá như vậy.

Thêm vào đó, tên gian phi cùng chịu đóng đinh bên cạnh Chúa, khi hắn cầu xin Chúa, Chúa đã thưởng cả nước Thiên đàng cho hắn. Thật không thể tưởng tượng nổi. “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng.” Cha hỏi chúng con có ông vua nào trên trần thế đối xử được như thế không ? Thật tình thương của Chúa cao cả lớn lao quá.

Chúng ta hãy bắt chước Chúa sống hiền lành yêu thương như vậy để được xứng đáng là công dân trong Nước của Chúa.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này: “Lúc còn là linh mục trẻ, cha thánh Gioan Bosco thường hay ra vào trại cải huấn thăm viếng các chú bé bị giam. Ngày kia, ngài đến gặp ban giám thị trại và đề nghị:

– Tôi xin ban Giám thị cho tôi đưa các em đi cắm trại ngoài trời một ngày để chúng được tự do thoải mái đôi chút.

Cả ban giám thị nhìn nhau ngơ ngác. Xưa nay có ai lại đề nghị như thế bao giờ đâu! Lỡ ra mấy trăm tù nhân nhóc ấy bỏ chạy tán loạn thì chết cả lũ!

– Không được đâu cha ạ! Tụi nó trốn hết.

– Xin các ông cứ tin tưởng nơi tôi. Tôi sẽ dẫn đi trong trật tự và trả về đủ số, không thiếu một người

– Thiếu thì sao ?

– Tôi sẽ ở tù thay. Mà chắc không thiếu đâu. Trái lại, tôi hy vọng sau khi trở về chúng sẽ tử tế hơn, các ông điều khiển càng dễ…

– Xin lỗi cha, nếu không quen gặp cha năng ra vào trai mấy năm qua, chúng tôi tưởng cha là một người điên, hoặc mát mát tốc tốc làm sao ấy. Nguy hiểm lắm cha à!

Cha Bosco cứ dai dẳng năn nỉ một hồi, ban Quản đốc đồng ý nhưng với một điều kiện: sẽ có một đội lính đi bọc hai bên. Cha Bosco không chấp nhận điều kiện, cương quyết chỉ có mình ngài dẫn đi. Sau hết họ siêu lòng, đánh bạo cho phép.

Rồi chủ nhật được trù định đã đến. Cha Bosco sắp các tù nhân thành đội, mỗi đội có đội trưởng phụ trách. Cửa tù mở rộng. Các tù nhân hớn hở ra đi. Vượt khỏi thành phố Turinô họ đến một khu rừng mát mẻ, soạn lều cắm trại, dọn bếp nấu ăn, thi đua thể thao, hát hò văn nghệ thỏa thích … Thật là một khung cảnh ngoạn ngục! Cha Bosco lăng xăng giữa họ đùa chơi, chuyện trò hoặc khuyên bảo.

Trời càng về chiều Ban giám thị càng hồi hộp nhìn đồng hồ, mặt mày tái mét bảo nhau:

– Dại dột quá! Không chừng chết cả lũ.

Bỗng nghe tiếng đàn hát từ xa vọng lại. Họ thở phào nhẹ nhõm. Cửa tù lại mở rộng. Các tù nhân theo hàng ngũ tiến vào. Ban giám thị giở sổ điểm danh: không thiếu một mống!

Mấy ngày sau, Ban giám thị mở cuộc điều tra. Tất cả tù nhân trẻ đều trả lời:

– Cha Bosco yêu thương chúng tôi. Chúng tôi yêu thương cha Bosco. Bởi thế, nhiều lần chúng tôi muốn đào tẩu, nhưng nhìn ngài, chúng tôi không thể nào nhẫn tâm được!

Gặp lại cha Bosco, ban giám thị bắt tay ngài và nói:

– Cha làm chúng tôi một phen hú vía! Nhưng chúng tôi hết sức cảm phục cha. Cha đã trao quả tim cho họ và chinh phục trái tim họ về với cha. Chứ chúng tôi đây, với mấy vọng gác, hàng rào, khoá sắt, chó béc-giê, bóng đèn sáng, trăm người lính gác…vậy mà tháng nào cũng có đứa thoát”

Lạy Chúa xin cho mọi người chúng con biết sống giống như Chúa.

1. Hôm nay Giáo hội Việt Nam hân hoan và hãnh diện mừng kính các Thánh Tử Đạo tại V.N. Chúng ta hân hoan và hãnh diện vì 3 lý do:

– Trước hết vì các ngài là người đã chết trên đất nước Việt Nam thân yêu này của chúng ta. Tertulianô sử gia của La Mã thuở xưa đã nói: “Hạt máu của những vị tử đạo là hạt giống nảy sinh ra những người kitô hữu khác.” Thật không gì vui mừng và hãnh diện, tự hào khi đất nước chúng ta có những vị thánh góp mặt với Giáo Hội toàn cầu.

– Tiếp đến là vì số lượng lớn lao đông đảo các Thánh tử đạo VN của chúng ta đã có mặt trong Lịch sử của Giáo Hội. Với 117 vị Thánh, Giáo Hội VN được xếp hạng nhất nhì trong sổ bộ các thánh đã được Giáo Hội phong thánh.

– Và cuối cùng chúng ta hân hoan và hãnh diện vì các Ngài là những người đã trung thành với niềm tin và đã lấy đời mình làm chứng nhân anh hùng cho niềm tin đó

Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi không cảm phục về đức tin kiên cường của các Ngài. Vì trung thành với Chúa, các Ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng và nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, có khi còn mất cả mạng sống vì đức tin.

Chúng ta hãy đọc lại sắc dụ cấm đạo được ban hành ngày 18-9-1855 để chúng ta thấy được một phần nào những khổ hình mà các Ngài phải chịu: “Các quan theo đạo Giatô tại triều đình Huế hạn cho một tháng phải bỏ đạo. Các quan tỉnh thì ba tháng. Lính tráng và người dân thì sáu tháng, bằng không thì phải kể là trọng phạm.

Các người theo đạo Giatô không được thi cử, không được giữ chức tước gì.

Ai đưa đường hay chứa chấp đạo trưởng thì bị xử tử. Đạo trưởng Tây phương thì chém đầu vứt xác xuống sông. Các giáo đồ giúp các đạo trưởng thì phải chém đầu.

Các cụ đạo bản quốc cũng phải chém đầu. Các giáo đồ theo các cụ đạo này thì phải thích chữ vào mặt và phát lưu.

Phải đốt cho sạch các nhà thờ nhà xứ “

Lịch sử còn ghi lại những hình phạt mà người ta đã nghĩ ra và đã dùng để trừng phạt những người theo đạo như sau :

  – Nhẹ nhất là bị gông cùm. Bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói cho tới chết.

  – Nặng hơn một chút thì bị voi dày, bị trói rồi bị ném xuống sông, bị chôn sống, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng cho đến chết.

  – Quyết liệt hơn một chút thì bị xử trảm, xử giảo (= bị thắt cổ) và thiêu sống.

  – Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (phân thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị xẻo đi từng mảnh thịt cho tới chết)

Tôi xin trích ra đây một đoạn trong bản báo cáo về việc xử Cha cố Du theo kiểu bá đao tại Thợ Đức ngày 30-11-1835:

“Họ cột chân tay Ngài vào một cây cột. Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn. Sau hồi chuông báo hiệu, tên lính cầm kìm đã được nung đỏ kẹp vào ngực kéo ra hai miếng thịt nơi vú liệng xuống đất. Tên khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông – rồi đến dùi thì chúng lấy kìm kéo thịt ra rồi dùng lưỡi dao xẻo đứt từng miếng. Cha ngất đi, đầu rũ xuống và Ngài tắt hơi về chầu Chúa lúc 17 giờ.

Cha chết rồi, lính chặt đầu Ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi….đoạn họ cởi trói, lật úp xác xuống, phân thây ra từng khúc nhỏ bỏ vào thùng vôi. Tiếp theo họ  lấy đầu đầu của ngài treo giữa chợ ba ngày…rồi lấy xuống nghiền nát ra, bỏ vào thùng đựng xác, rồi vứt tất cả xuống biển cho mất tích”

Vâng, kính thưa anh chị em.

Gian khổ có cao, hình phạt có nặng nhưng lòng trung thành của các Ngài còn còn cao còn lớn hơn. Cái chết của các Ngài thật đáng làm cho chúng ta tự hào. Trong sắc phong chân phước cho 64 anh hùng tử đạo VN ngày 27-5-1900 Chính Đức Thánh Cha Léo XIII đã nói về các Ngài với tất cả lòng khâm phục như sau: “Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa vào những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội Chúa Kitô”

Đó là chuyện cách đây hơn 300 năm.

2. Chúng ta tự hỏi chúng ta có thể học tìm được một bài học nào từ những tấm gương hào hùng của cha ông chúng ta hay không?

Ngày nay đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết người có đạo như thời vua quan ngày xưa.

Nhưng để sống đạo trong xã hội hôm nay, quả thực chúng ta gặp không ít khó khăn. Xin kể ra 2 khó khăn tiêu biểu.

Khó khăn thứ nhất đó là chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển. Ai cũng muốn thăng tiến bản thân và gia đình của mình. Ai cũng lo làm ăn, học hành, xây dựng cho bản thân. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những nhu cầu của bản thân càng ngày càng nhiều. Rõ ràng là ngày nay người ta kiếm được nhiều tiền hơn trước, có nhiều tiện nghi hơn trước, xe cộ tốt hơn, nhà cửa đẹp hơn, hưởng thụ nhiều hơn.

Báo Tuổi trẻ số Chúa nhật ngày 23-10-2005 có một bài Phóng sự nói về cuộc sống của những “Sinh viên “quý tộc” Tôi xin trích một đoạn nhỏ: “Khi tiếp cận được cậu thanh niên mới hơn 20 tuổi này, Tuấn trả lời tôi một câu xanh rờn vì tưởng là bạn học cùng lớp: “Trẻ không xông pha về già ân hận”! Hỏi: “Có đêm ông tiêu hết 20 triệu hả?”. Tuấn nhả khói thuốc lạnh lùng bảo: “Độc thuê sảnh khách sạn đã mất ngần ấy rồi ông ạ. Bữa nào khao nặng phải mất hai cục (200 triệu)!”. “Ông chơi trội quá”, “Thiếu gì thằng như tôi, mỗi thằng khao một buổi”! Vừa trả lời xong, Tuấn đã “bận” với chiếc điện thoại O2: “Lại phải xuống Hải Phòng chơi với mấy thằng bạn”…

Rõ ràng chủ nghĩa cá nhân hôm nay đã làm cho con người không bao giờ thấy thỏa mãn, đầy đủ. Vì thế càng ngày con người càng đóng kín vào bản thân, không có thời giờ để đến nghĩ đến người khác. Một câu nói được coi như châm ngôn của một số người “Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, học bình thường, chơi là chính”…

Để lựa chọn sống theo Phúc Âm, để trung thành với Lời Chúa dạy, chúng ta phải quên một phần thân mình, gia đình mình để nghĩ đến, để giúp đỡ, để vực dậy những anh em kém may mắn. Đó là điều không dễ.

Khó khăn thứ hai là kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Đồng tiền đang trở thành một thước đo cho mọi giá trị của con người. Đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người. Ai cũng muốn có thật nhiều tiền, và để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối bất cứ một phương tiện nào kể cả những phương tiện mà họ biết là bất chính như: lường gạt, lừa đảo, làm hàng giả, buôn thuốc phiện, tham nhũng, hối lộ. Nhiều vụ đại án đã xảy ra những năm gần đây là những thí dụ. Tiền bạc quả là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo, đang tàn phá những giá trị tốt đẹp, đang làm biến chất biết bao nhiêu con người trong cuộc sống hôm nay.

Đứng trước nhu cầu và ham mê tiền bạc, người Công Giáo muốn trung thành với Phúc Âm, muốn sống trọn vẹn đức tin, bắt buộc phải có sự lựa chọn.

Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền phi nhân bất nghĩa.

Thà cam chịu thiếu thốn còn hơn đánh mất đức tin.

Thà lao động cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo chân chính hơn là chạy theo những đồng tiền dễ dãi để chối từ Phúc Âm và luật Chúa.

Quả thực xã hội mới đang tạo ra những thách đố, những cơn bắt bớ mới. Để trung thành với Chúa, với Phúc Âm chúng ta cũng phải lựa chọn quyết liệt. Những chọn lựa đó làm cho chúng ta đau đớn không kém gì những khổ hình.

Những hy sinh vì Phúc Âm đó khiến lòng ta rỉ máu không kém gì phải chịu thiêu thân, hay chịu cảnh bị đầu rơi máu chảy.

Các Thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần. Còn chúng ta chết mòn mỏi mỗi ngày trong những chiến đấu, những từ bỏ đớn đau. Sống Phúc Âm trong thời đại hôm nay quả không phải là dễ. Phải nói rằng đây đúng là một cuộc tử đạo liên tục. Và sống vì đạo như thế cũng cao đẹp và cũng anh hùng không kém gì chết vì đạo. Sống vì đạo như thế, chúng ta cũng góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Phúc Âm không kém gì chết vì đạo.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các Ngài đã anh dũng hy sinh cuộc đời, dâng hiến máu đào làm chứng cho Phúc Âm. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết can đảm, hy sinh sống theo Phúc Âm để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quý,

Hôm là lễ ngày kính ai vậy chúng con ?

– Dạ thưa lễ kính Các thánh Tử đạo tại VN.

+ Rất đúng. Các thánh TĐ tại VN là những ai vậy chúng con?

– Là những người Việt Nam, những nhà truyền giáo ngoại quốc chết vì Đạo tại VN. Các ngài là tổ tiên của chúng ta.

+ Việc các ngài chết như vậy đã lâu chưa ?

– Chưa! Mới cách đây khoảng 300 năm.

+ 300 năm với cả mấy trăm ngàn người đã dám chết vì Đạo như thế. Thật là một biến cố hết sức lạ lùng! Vậy cha hỏi chúng con, khi mừng kính các thánh Tử Đạo tại VN, chúng ta phải có những tâm tình nào? Cha thấy có nhiều tâm tình lắm nhưng đối với cha cha thích ba tâm tình này.

1. Tâm tình thứ nhất đó là tự hào.

Chúng ta tự hào 3 lý do:

– Trước hết vì các thánh là người đã chết trên đất nước Việt Nam thân yêu này của chúng ta. Tertulianô sử gia của La Mã thuở xưa đã nói: “Hạt máu của những vị tử đạo là hạt giống nảy sinh ra những người Kitô hữu khác”

Thứ đến là vì con số lượng lớn lao đông đảo các Thánh tại VN của chúng ta đã có mặt trong Lịch sử của Giáo Hội. Với 118 vị đã được Giáo Hội phong lên hàng hiển thánh, Giáo Hội VN được xếp nhất nhì trong sổ bộ các thánh đã được Giáo Hội tuyên phong.

– Và cuối cùng tự hào vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng quả cảm cho lòng tin vào Thiên Chúa.

Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi không cảm phục về đức tin kiên cường của các Ngài.

Lịch sử còn ghi lại những hình phạt mà con người đã nghĩ ra và đã dùng để trừng phạt những người theo đạo như sau:

  – Nhẹ nhất là bị gông cùm. Bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói cho tới chết.

  – Nặng hơn một chút thì bị voi dày, bị trói rồi bị ném xuống sông, bị chôn sống, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng cho đến chết.

  – Quyết liệt hơn một chút thì bị xử trảm, xử giảo (= bị thắt cổ) và thiêu sống.

  – Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (phân thây ra từng mảnh) hay bá đao ( bị xẻo đi từng mảnh thịt cho tới chết)

Chúng con yêu quý.

Nhìn lại cái chết của các thánh Tử Đạo VN, chúng ta thấy gian khổ có cao, hình phạt có nặng nhưng lòng trung thành của các Ngài còn còn cao hơn. Cái chết của các Ngài thật đáng làm cho chúng ta phải tự hào. Trong sắc phong chân phước cho 64 anh hùng tử đạo VN ngày 27-5-1900 Chính Đức Thánh Cha Léo XIII đã nói về các Ngài với tất cả lòng khâm phục như sau: “Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa vào những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội Chúa Kitô”.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ II trong bài giảng ngày lễ tôn phong 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh cũng phát biểu tương tự như thế. Ngài nói: “Từ năm 1533 tức là từ khi cuộc rao giảng Tin Mừng Kitô bắt đầu tại vùng Đông Nam Á, Giáo Hội Việt Nam trong suốt 3 thế kỷ đã phải chịu những cuộc bách hại liên tiếp nhau với một vài giai đoạn lắng dịu giống như các cuộc bách hại mà Giáo Hội tại Tây Phương đã chịu trong 3 thế kỷ đầu tiên. Đã có hàng ngàn tín hữu Kitô chịu tử đạo và rất nhiều người khác đã chết trong rừng núi, những vùng ma thiêng nước độc, nơi mà họ bị lưu đày tới”.

2. Tâm tình thứ hai: Biết ơn.

Việc mừng lễ hôm nay làm cha nhớ lại những lời rất cảm động sau đây của Chúa Giêsu: “Kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì chúng con không vất vả làm ra. Những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng công lao khó nhọc của họ ” (Jn 4,36-37).

Sử gia Tertulianô ngày xưa khi nhìn lại những năm trời Giáo hội bị bách hại và những cuộc trở lại đạo hàng loạt sau đó, ông đã phải viết lên những lời rất rất đáng cho chúng ta suy nghĩ như thế này: “Những hạt máu của những vị tử đạo là những hạt giống làm nảy sinh ra những người Kitô hữu khác”

Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta có được những con người anh hùng như thế. Đồng thời chúng ta cũng phải biết ơn các Ngài vì  chính nhớ các Ngài mà hạt giống Đức tin đã nảy mầm và lớn lên trong chúng ta và trên đất nước thân yêu của chúng ta.

3. Tâm tình  thứ 3 là bổn phận phải sống làm sao cho xứng đáng với đáng với danh nghĩa con cháu của những anh hùng.

Châm ngôn VN có câu rất hay: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”

Phải sống xứng đáng để những thế hệ mai sau khi nhìn vào chúng ta, họ cũng cảm thấy tự hào.

Năm 1934 khi nhắn nhủ một số các em nhỏ đến mừng sinh nhật của mình, nhà bác học nổi danh nhất của thế kỷ thứ 20, Albert Einstein đã nói với các cháu những lời cảm động như sau: “Các cháu nên nhờ rằng những điều kỳ diệu các cháu được học  ở trường là do công lao của biết bao thế hệ trên khắp thế giới đã hăng hái gắng sức và cặm cụi làm việc không ngừng, rồi truyền lại cho các cháu như một di sản để cho các cháu tiếp nhận, tôn trọng, tăng gia thêm và một ngày nào đó các cháu sẽ lại trung thành truyền lại cho con cháu các cháu. Nhờ vậy mà chúng ta, những con người hữu sinh hữu tử mới thành bất tử trong những vật trường tồn mà chúng ta cùng chung sức làm ra”.

Chúng ta đang thừa hưởng một di sản vô cùng quý giá do Cha Ông chúng ta để lại. Cách trả ơn tốt nhất đối với các Ngài là tiếp nhận và trung thành truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Nhưng truyền lại bằng cách nào?

– Thưa bằng chính cuộc sống mà tổ tiên của chúng ta đã sống.

Văn hào Tagore khi bàn về cái chết của Thánh Gandhi, đã nói: “Có lẽ thánh Gandhi không thành công, có lẽ thánh sẽ thất bại như Đức Thích Ca đã thất bại, như Đức Giêsu đã thất bại vì chưa hủy diệt được lòng ác độc của loài người. Nhưng loài người luôn nhớ tới Thánh vì thánh đã đem đời mình ra để làm bài học cho muôn thế hệ mai sau”

a- Bài học đầu tiên mà mỗi người chúng ta phải noi gương bắt chước đó là trung thành với niềm tin.

Đức tin là ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Hãy bảo vệ lấy, đừng để cho nó bị hao mòn đi.

Phaolô Mợi bị bắt, bị giải đến quan.

Quan dụ:

– Anh đạp ảnh đi, tôi sẽ cho anh một nén bạc.

Phaolô Mợi im lặng không trả lời.

– Vậy một nén vàng!

– Bẩm quan chưa đủ.

– Vậy anh muốn bao nhiêu?

– Bẩm quan lớn, quan lớn muốn cho tôi quá khóa thì quan phải cho tôi đủ vàng để  mua được một linh hồn khác.

Nguyễn văn Lựu: “Đạo đã nhập vào xương tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được”.

b- Bài học thứ hai phải can đảm sống niềm tin đó.

Victor Hugo: “Đồi Calvario ở đầu đường và hào quang cũng  xuất hiện ở đó”.

Chúa Giêsu :” Nước Trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy”.

Không có chiến thắng cho những kẻ chưa lâm trận đã đầu hàng.

Không có vinh quang cho những kẻ hèn nhát.

Phần thưởng càng lớn, vinh quang càng cao thì cái giá phải trả cho nó càng đắt.

Phải sử dụng sức mạnh mới chiếm hữu được Nước Trời.

Lời cuối cùng của cha. Cha xin mượn lời của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Roma. Ngài gửi những lời này cho họ vào lúc cơn bắt bớ đạo giáo tại đó bắt đầu trở thành khốc liệt. Ngài muốn dùng những lời này để khích lệ họ, để họ can đảm, để họ tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian  gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bỏ, gươm giáo?

Ngài nói tiếp như một xác tín: Trong mọi thử thách, chúng ta sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” Và Ngài kết luận: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều dài hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô Chúa chúng ta.”(Rom 8,35-39).Amen.

Kính thưa anh chị em

Chúng ta đang ở trong tháng 11, tháng Giáo hội muốn chúng ta hướng về đời sau, cụ thể là sự chết và bên kia sự chết là cuộc sống đời sau. Có cuộc sống đời sau hay không? Đó không phải là một câu hỏi dễ trả lời.

I. Đặt Vấn Đề.

Trong Kinh Tin Kính của CĐ Nicêa mà chúng ta vẫn đọc: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy.Amen.” Chúng ta vẫn đọc và có thể nói chúng ta vẫn tin như thế nhưng thử hỏi có phải tất cả mọi người đều tin như vậy hay không thì đó lại là một chuyện khác.

Trên thế giới ngày xưa cũng như hôm nay, có rất nhiều người không tin có thế giới mai sau và vì thế họ cũng không tin có sự sống lại. Chẳng hạn như trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy những người phái Sađốc là những người như thế. Họ không tin có thế giới mai sau, không tin có thiên thần, không tin có linh hồn bất tử, không tin có thưởng phạt, do đó họ không tin có sự sống lại.

Chính vì thế họ đã đến gặp Chúa Giêsu với ý định muốn hạ gục Chúa để làm mất mặt Chúa trước mặt mọi người. Đó là ngày xưa.

Còn ngày hôm nay thì sao? Ngày nay cũng chẳng thiếu gì những người như thế. Đức Thánh Cha Phaolô VI có lần đã nói đến một hiện tượng đang có ở trong Giáo Hội. Đó là hiện tượng “Những người công giáo vô thần” Những người công giáo vô thần. Đó là những người đã được Rửa tội, thậm chí đã lãnh nhận Bí tích thêm sức nhưng cuộc sống của họ chẳng gì một cuộc sống không có Chúa. Họ sống như chẳng có đời sau.

II. Bây giờ đến lượt chúng ta. Chúng ta nghĩ như thế nào về cuộc sống ở thế giới mai sau và sự sống lại?

Chắc chắn chúng ta không phải là những người vô thần.

1. Căn cứ vào câu trả lời của Chúa dành cho những người thuộc phái Sa-đốc trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đã thấy thật rõ ý của Chúa. Chúa khẳng định một cách rõ rệt về cuộc sống mai sau và về việc kẻ chết sống lại. Đối với Chúa thì cuộc sống mai hậu hay đời sau có một số đặc điểm khác với cuộc sống ở đời này. Trong cuộc sống đời sau: Người ta sẽ không lấy vợ gả chồng… bởi vì họ giống như các thiên thần và là con cái của Thiên Chúa, là con cái của sự sống lại. Chính Thánh Kinh cũng quả quyết điều đó: Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống; vì mọi người đều sống cho Thiên Chúa.

2. Đàng khác trong Tin Mừng với ba phép lạ Chúa làm cho người chết sống lại:

Em bé 12 tuổi con ông Giairô, chàng thanh niên con của bà góa thành Naim và cuối cùng là Lagiarô đã chết 4 ngày được sống lại, Chúa Giêsu đã không coi sự chết như một sự chấm dứt tất cả mà Ngài chỉ coi sự chết như một giấc ngủ.

3. Cuối cùng chúng ta không thể nào không nói đến chính sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chính sự phục sinh từ cõi chết của Chúa là bằng chứng và cũng là nền tảng vững mạnh nhất cho niềm tin chúng ta về cuộc sống mai sau và cuộc sống đời đời.

Trong chương trình “Những điều người có thể chưa biết” của đài VTV3 có tường thuật một trường hợp lạ lùng: Một phụ nữ bị nhồi máu cơ tim. Chị tắt thở. Chị đã chết. Nhưng nhiều giờ sau, chị tỉnh lại. Các bác sĩ hỏi chị đã thấy gì trong thời gian ấy. Chị trả lời: chị thấy mình như bay bổng lên cao, và từ trên cao chị nhìn xuống thấy các bác sĩ, các y tá đang chăm sóc cho mình, nhìn thấy thân xác mình nằm bất động, nhìn thấy thuốc men, dụng cụ y tế. Chị cũng nhìn thấy một chiếc giày tennis cũ màu xanh da trời, đế giày bị mòn ở mép trong bàn chân, giây giày màu trắng, đầu một sợi dây thòng xuống dưới đáy giày. Nghe lời tả rất chi tiết của chị, vị bác sĩ chuyên điều tra băn khoăn để ý tìm kiếm. Một hôm vị bác sĩ đi qua tòa nhà đối diện nhìn sang bệnh viện, bà giật mình kinh hãi vì thấy ở tầng ba của tòa nhà, trên một gờ xi măng rất cheo leo, có một chiếc giày tennis cũ ai đã đặt ở đó tự hồi nào. Vị bác sĩ quan sát kỹ lưỡng và thấy chiếc giày giống từng chi tiết với chiếc giày mà người chết kể lại: chiếc giày vải cũ màu xanh, đế giày mòn ở mép trong, dây giày màu trắng, đầu một dây thòng xuống nằm ở dưới đáy giày.

Đó là một trong 1370 trường hợp trở về từ cõi chết mà các bác sĩ Đức và Mỹ đã điều tra. Theo những người có kinh nghiệm về cái chết này thuật lại thì: Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này. Và sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc, danh vọng, lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. Tất nhiên đây chưa phải là bằng chứng chắc chắn về việc người chết sống lại. Nhưng nó rất gần với mặc khải của Lời Chúa hôm nay. Và kinh nghiệm hiếm có của họ rất có thể hữu ích cho ta.

III. Kết luận: Hãy sống như những người có niềm hy vọng.

Heidegger: “Nếu chết là hết thì đời ta sẽ phải luôn sống trong lo sợ. Bởi vì biết rằng mình sẽ chết và chết là sẽ trở về với hư vô…và như vậy là đã mang sẵn hư vô trong mình rồi. Vậy thì sống mà làm gì để ngày mai phải vào cõi hư vô.”

Chiều hôm ấy, một nhà bác học đứng trên bãi biển thấy nước phẳng lặng, trời trong veo, ông liền gọi một ngư phủ lấy thuyền chèo đưa ông ra khơi. Hai người cùng trò chuyện: Nhà bác học hỏi người chèo thuyền có biết đọc không? Người chèo thuyền trả lời: “Không”.

Nhà bác học nói: “Vậy thì anh mất hết nửa đời người rồi, uổng quá! Vì biết đọc sách, người ta sẽ tiếp thu được biết bao điều hay, học thêm được bao nhiêu điều mới lạ”.

Rồi ông bắt đầu kể cho người ngư phủ: nào là lòng sâu của biển cả, nào là tuổi đời cũng như độ bơi của bao nhiêu loài cá. Người ngư phủ thích thú lắng tai nghe. Nhưng kìa, trên vòm trời xanh thấy điểm nhiều mây đen từ đâu bay đến, rồi từng cơn gió mạnh quấy động mặt nước, biển nổi sóng. Gió càng thổi mạnh, mây càng hạ thấp. Người ngư phủ đâm ra lo sợ và báo cho nhà bác học hay một cơn giông tố sắp xảy đến. Nói chưa dứt thì một làn sóng mạnh đã lật úp chiếc thuyền nan của hai người. Người ngư phủ lớn tiếng hỏi nhà bác học:

– Thưa ông, ông có biết bơi không?

– Tôi không biết bơi, nhà bác học trả lời.

– Thưa ông, thế thì ông mất hết cả đời người rồi!

Người ngư phủ lại hỏi thêm:

– Thưa ông, ông có tin đời sau không?

Nhà bác học vừa lặn hụp xuống chống chọi dưới làn sóng vừa trả lời:

– Đời sau là cái gì. Im đi! Để ta chết!

Nhưng người ngư phủ lại nói thêm:

– Thưa ông, thế thì ông chẳng những mất cả đời nầy mà còn mất cả đời sau nữa. Thật vô phúc cho ông!

Một cơn sóng lớn đã cuốn hút nhà bác học vào lòng sâu biển cả.

cách đây không lâu, trường đại học California đã thực hiện một cuộc thí nghiệm về sức chịu đựng của loài chuột đồng Na Uy. Những con chuột này được thả vào trong chậu nước và bị buộc phải bơi cho đến khi chúng kiệt sức và chết chìm. Trong lần thí nghiệm thứ nhất, các nhà nghiên cứu khám phá rằng những con chuột Na Uy có khả năng bơi khoảng 7 tiếng đồng hồ trước khi buông xuôi.

lần thí nghiệm thứ hai được thực hiện cũng như lần trước, chỉ khác một điều. đó là khi các con chuột gần như kiệt sức, không thể bơi được nữa, các nhà nghiên cứu sẽ vớt nó ra ngoài, cho nó nằm nghỉ một lát rồi lại thả vào trong chậu nước. Những con chuột này lại có thể bơi gần 20 tiếng đồng hồ trước khi chìm xuống dưới!

Các nhà nghiên cứu kết luận, sở dĩ những con chuột trong nhóm thứ hai có thể bơi lâu hơn nhóm thứ nhất là bởi vì nó có hy vọng. Nó đã có kinh nghiệm được giải cứu một lần và những gì giúp nó tiếp tục bơi lội thêm gần 20 tiếng sau đó là niềm hy vọng sẽ được giải cứu lần nữa.

con người chúng ta cũng không khác gì mấy, nếu không có hy vọng thì cuộc sống này sẽ trở nên vô nghĩa. Đó là lý do tại sao nhiều người dù gặp phải những hoàn cảnh hết sức bi đát nhưng vẫn kiên trì và quyết tâm vươn lên. Họ có hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn. Đó là động lực khiến họ không bỏ cuộc và không ít người trong số đó đã trở thành những vĩ nhân của nhân loại. Trong số những vĩ nhân đó phải kể đến những vị thánh mà chúng ta mới mừng kính mấy ngày hôm nay.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và xin Người cho chúng ta can đảm.Amen.

Chúng con thân mến,

Chúng ta đang ở trong tháng 11. Tháng 11 là tháng chúng ta đặc biệt nhớ đến sự chết. Nhớ đến sự chết là chúng ta nhớ đến các thánh đã chiến thắng về trời mà chúng ta đã mừng kính mấy hôm nay; và nhớ đến sự chết là chúng ta nhớ đến các linh hồn trong luyện ngục mà chúng ta có bổn phải cầu nguyện cho các ngài đặc biệt trong tháng này. Một cách đặc biệt khi tưởng nhớ tới các ngài là Giáo Hội muốn chúng ta nhớ đến mỗi người chúng ta.

1. Cha hỏi chúng con Giáo Hội muốn chúng ta nhớ đến cái gì?

Thưa nhớ đến một ngày nào đó chúng ta sẽ phải chết như các ngài.

Hãy nhớ rằng cuộc sống này là cuộc sống có cùng có tận. Và đàng sau cuộc sống này sự sống vẫn tiếp tục.

Bằng một câu chuyện rất đễ hiểu trong Tin Mừng của thánh Luca, câu chuyện về người phú hộ giầu có và Lagiarô khó nghèo, Chúa đã muốn bảo cho chúng ta rằng đàng sau cuộc sống này sự sống vẫn tồn tại. Sự tồn tại này chúng ta gọi là cuộc sống mai sau, cuộc sống đời đời.

Đây là cuộc sống có thật, thế nhưng nhiều người không tin.

Chẳng hạn như trong bài Tin Mừng hôm nay

Cha không có nhiều thời gian để cắt nghĩa dài dòng. Cha chỉ xin nói thật vắn tắt.

Người Saduceo thuộc dòng tộc Sadoc là những người có chức vị cao trong hàng tư tế. Nhưng kỳ lạ là họ không tin có thiên thần, không tin có linh hồn bất tử, không tin có trừng phạt và vì thế mà họ không tin có sự sống lại, không tin có đời sau.

Họ muốn tỏ ra cho mọi người biết là niềm tin của họ như vậy là có bằng chứng, có lý nên một hôm họ “phịa” tức là bày ra một câu truyện để thử Chúa. Câu chuyện của họ thế này:

Có 7 anh em trai. Anh cả cưới vợ –  rồi chết. Theo luật người thứ hai phải lầy người chị dâu goá của mình để nỗi giõi tông đường.

Người thứ 2 lấy chị dâu góa đó.

Rồi người thứ  2 cũng chết.

Người thứ 3 phải lấy bà chị góa góa của hai anh mình.

Người thứ 3 chết.

Người thứ 4 phải lấy người chị góa góa góa của 3 anh mình .

Người thứ 4 chết.

Người thứ 5 phải lấy bà chị góa góa góa góa của 4 anh mình.

Cứ như thế…

Đây là một trường hợp khó có thể tìm thấy được trong hoàn cảnh thực tế của cuộc sống, thế nhưng về lý thì hoàn toàn có thể xảy ra.

Chúa Giải Quyết Cách Nào?

a Trước hết Chúa xác định: “Con cái ở đời này thì cưới vợ lấy chồng – Còn ai đáng huởng đời sau và sự sống lại từ cõi chết thì sẽ không cưới vợ lấy chồng bởi họ sẽ trở nên giống như các thiên thần và nên con cái của Thiên Chúa”

b.  Và Chúa còn nói

– Sự sống mai sau là linh thiêng: Giống như các thiên thần.

– Sự sống đời này vắn vỏi nên cần sự truyền sinh. Còn cuộc sống mai sau là vĩnh cửu cho nên không cần sự truyền sinh nữa.

– Thiên Chúa là Chúa của người sống chứ không phải là Thiên Chúa của người chết.

c. Sách Thánh cũng chứng minh đều đó. Moise đã gọi Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ và việc không tin có đời sau là xỉ nhục các ngài và việc tế lễ của họ sẽ là thừa.

2. Đâu là thái độ của chúng ta?

Có nhiều người bi quan, bi quan đến mức độ muốn đầu hàng cái chết. Từ thái độ đó người ta bị dẫn đến một thái độ khác đó là người ta cho cuộc đời này là phi lý. Dù có sống như thế nào đi nữa rồi cũng kết cùng rồi cũng phải chết. Cuộc sống trở thành một thực tại phi lý hơn bất cứ một thực tại nào khác ở cõi đời này. Kết quả là một cuộc sống buông thả, muốn ra sao thì ra.

Đây quả là một thái độ nguy hiểm. Và chắc chắn đó không phải là thái độ của những người tin. Sống cuộc đời buông thả không những không thể đạt đến hạnh phúc đời đời như lời thánh Phaolô cảnh cáo mà ngay tại đời này cuộc sống như thế cũng đáng bị lên án một cách nặng lời.

b. Có người lại có thái độ khác. Họ dửng dưng trước sự chết. Họ không muốn nhìn vào sự chết như là một sự thật. Họ thản nhiên để cho cuộc đời của họ chìm sâu vào sự tận hưởng những giây phút của hiện tại mà không cần biết đến tương lai.

Đây cũng không phải là thái độ của những người tin như chúng ta.

Trên mộ của một người giầu có người ta đọc thấy một câu như thế này: “Đây là mộ của một người dại dột đã sống mà không biết tại sao mình sống”

Một trong những câu chuyện hay người ta thường kể để răn dạy người đời là câu chuyện ông vua giầu có với chú hề. Truyện như thế này: “Có một ông vua kia sống một cuộc đời giầu sang phú quí. Ông sống như là không hề biết đến tương lai. Ông cũng chẳng màng đến thế giới mai sau. Trong hoàng cung có một chú hề chuyên giúp vui cho ông mỗi khi ông cần tới. Theo nhà vua thì tên hề này là một người biết đem lại niềm vui cho những người khác nhưng lại là một người rất ngu đần. Một ngày kia không hiểu vì tức giận với anh ta truyện gì mà nhà vua cho gọi anh hề tới rồi trao cho anh ta một cây gậy gọi là thanh trượng quyền của nhà vua và nói với anh ta: “Ngươi hãy đi tìm cho ta một người ngu hơn ngươi – trao cây gậy này cho nó, rồi ta sẽ trọng thưởng cho ngươi.” Chú hề nhận cây gậy và cố gắng đi tìm nhưng tìm mãi cũng không ra.

Thời gian qua đi. Tuổi già đến lúc nào nhà vua cũng không biết. Đến khi lực đã cạn, sức đã kiệt ông cảm thấy ngày ông gần đất xa trời không còn bao xa, ông cho gọi chú hề đến và tâm sự với anh ta:

* Trẫm sắp sửa đi một chuyến đi thật xa.

– Dạ thưa Đức Vua đi tới đâu cơ ạ.

* Ta cũng không biết nữa.

– Dạ thưa đi như vậy rồi bao giờ Đức Vua trở về?

* Không bao giờ , không  bao giờ con ạ.

Anh hề là một người ngu nhưng trong trường hợp này anh lại có một phán đoán rất chính xác. Anh nhẹ nhàng đặt cây gậy mà trước kia nhà vua đã trao cho anh vào ngay bàn tay Đức Vua rồi thinh lặng bước ra, lòng cảm thấy nhẹ nhàng và vui sướng vì đã tìm thấy được một người còn ngu hơn mình mà người đó lại là chính ông vua trước kia đã tự hào là mình thông minh hơn anh gấp trăm gấp vạn lần anh ta.

c. Vậy thì dâu là thái độ của chúng ta. Đây là thái độ mà chính Chúa Giêsu đã dậy: Hãy tỉnh thức.

Chúng ta không đầu hàng sự chết. Chúng ta không lẩn trốn sự chết, coi nó như không có trong cuộc đời, nhưng chúng ta can đảm đối diện với nó bằng tất cả lòng tin yêu và phó thác của chúng ta nơi Tình yêu của Thiên Chúa để cố gắng sống một cuộc đời xứng đáng như lòng Chúa mong ước để mao sua khi kết thúc cuộc đòi chúng ta được đời đời với Chúa trong nước Trời.

Một ông cụ già đã sống đến 82 tuổi, đến khi thấy mình không còn sống thêm được bao lâu nữa, cụ dặn các con cháu hãy khắc vào tấm bia trên ngôi mộ mình một hàng chữ:

NƠI ĐÂY AN NGHỈ MỘT CỤ GIÀ VỪA TRÒN 80 CỘNG VỚI 2 TUỔI ĐỜI THẬT SỰ!

Ai cũng thắc mắc vì sao lại ghi lạ lùng như thế, cụ mới thuật lại rằng:

– Tôi đã trải qua cả một cuộc đời dài suốt 80 nằm hoàn toàn xa rời, thậm chí ngược hắn với nếp sống Tin Mùng mà Thiên Chúa đã mời gọi.

Bây giờ thì tuổi già đã tràn đến như sóng thủy triều, tôi đã sức tàn lực kiệt, phải ngồi một chỗ, cũng may mà đầu ốc tôi còn khá minh mẫn để đơn độc một mình hồi tương về dĩ vãng. Và vào một hôm cách đây hơn 2 năm, tôi đã có cơ may trở về với chính mình và nghiêm túc tự hỏi: Mình đã từ đâu mà đến trong cuộc đời trần gian này? Rồi mai đây mình sẽ đi về đâu? Những điều tôi đã làm được trong cả đời sẽ còn lại gì khi tôi nhắm mắt xuôi tay?

Và thế là từng ngày lặng lẽ trôi qua, đời sống của tôi như khúc phim chiếu chậm đã từ từ hiện ra trang trí nhớ già nua bằng tất cả sự thật của nó.

Tôi nhận ra rằng tôi đã phí phạm cả đời mình. Nó chỉ còn để lại cho tôi những lỗi lầm với Thiên Chúa và với vợ con, với mọi người chung quanh. Chính những suy nghĩ này đã đánh động lòng tôi và giúp tôi kịp thời quay về với nếp sống gần gũi với Tin Mừng, một nếp sống chọn lấy niềm Tin, Cậy, Mến đối với Thiên Chúa làm kim chỉ nam và tình yêu thương chân thành đối với tha nhân làm hơi thở.

Và với tâm tình như thế tôi đã sống đến hôm nay được hơn 2 năm. Tôi vui mừng thật sự bời vì 2 năm ấy chính là 2 năm tôi đã sống trọn vẹn cho Nước Trời. Amen.

Kính thưa anh chị em,

1. Chúng ta vừa được nghe lại một trong những câu truyện đẹp nhất trong Tin Mừng của Thánh Luca.

+ Mở đầu câu chuyện, hình ảnh của ông Giakêu rất xấu: Ông được mô tả như là một kẻ tội lỗi: Lý do là vì ông làm nghề thu thuế và lại là người giầu có. Nghề thu thuế xưa cũng như nay là nghề có nhiều cám dỗ về tiền bạc. Giakêu làm nghề thu thuế mà lại còn giầu có thì người ta có đủ lý do để nghi ngờ về sự giầu có bất chính của ông.

+ Nhưng đến cuối câu chuyện, hình ảnh của ông trở nên đẹp lạ thường. Lý do là vì ông thay đổi hẳn, thay đổi hoàn toàn, một sự đổi thay tuyệt vời làm cho Chúa Giêsu cũng phải nhìn nhận: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Sự thay đổi như thế nào thì đây chúng ta hãy nghe chính Giakêunói: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

Giakêu đã được gặp Chúa và cuộc đời của ông đã thay đổi. Đây chẳng phải là chuyện tình cờ.

2. Chúng ta tự hỏi do đâu mà Da Kêu đã đổi đời như thế?

Một số nhà chú giải KT cho rằng: Có hai yếu tố giúp ông Giakêu tạo nên sự thay đổi đó:

– Yếu tố thứ nhất là những cố gắng của chính Giakêu: “tìm cách xem” mặt Chúa Giêsu, “chạy tới phía trước”, “leo lên một cây sung để xem Chúa Giêsu”.

Ơn cứu độ luôn sẵn đó. Chỉ cần Giakêu chịu khó tìm đến Chúa để lãnh nhận là có ngay.

Một hoàng tử kết hôn với hoàng hậu và đăng quang Tân vương. Đang lúc mọi người vui ca xướng hát mừng tân vương và hoàng hậu thì bỗng tiếng đàn hát im bặt. Mọi người ngạc nhiên nhớn nhác không biết có chuyện gì xảy ra thì kìa ở ngay giữa công trường đền vua, một tội nhân đang run rẩy chờ án tử hình trên đoạn đầu đài.

Kinh hoàng trước cảnh tượng đó: hoàng hậu nức nở khóc, xin tân vương ân xá cho tội nhân. Để an ủi hoàng hậu, tân vương xin quan tòa ân xá cho tội nhân như món quà dâng cho vua vào dịp lễ thành hôn của mình. Thế nhưng quan tòa đã từ chối và đòi phải chuộc mạng tội nhân với số tiền lớn là 1000 đồng tiền vàng. Lập tức tân vương dốc cạn túi thì được 800, hoàng hậu cũng trút hết ví trên tay được 50. Tân vương hỏi quan tòa:

– Với 850 tiền vàng, có chuộc được mạng tội nhân không?

Quan tòa đòi đủ 1000 theo luật định. Nghe nói thế, hoàng hậu liền đi quyên góp các nhà quý tộc đến dự tiệc. Tất cả được đã 999 đồng. Chỉ còn thiếu một đồng. Hoàng hậu lên tiếng hỏi:

– Chẳng lẽ chỉ thiếu một đồng mà người nầy phải chết ư?

– Luật là luật. Không miễn trừ cho ai được cả.

Hoàng hậu mới nảy ra sáng kiến. Biết đâu tội nhân có một đồng tiền vàng, và đúng thật trong túi tội nhân người ta tìm thấy một đồng.

Khi dựng nên con nguời: Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn mỗi nguời một một đồng tiền vàng có đủ giá trị cứu vãn đời mình.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết ông Giakêu có đồng tiền vàng đó. Khi nghe tin Chúa Giêsu đến thành phố ông, “ông tìm cách để xem cho biết Chúa Giêsu là ai, nhưng không được vì dân chúng thì đông mà ông ta lại lùn. Ông liền lên phía trước leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu (Lc l9,3-4). Và khi Chúa Giêsu gọi ông, “Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người” (Lc.19,6). Đồng tiền vàng của ông Giakêu chính là: “tìm cách..xem cho biết Chúa Giêsu, là chạy đến phía trước, là leo lên một cây sung, là vui mừng đón tiếp….” (Theo “”Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày”, tập I).

– Yếu tố thứ hai là lòng nhân từ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu “nhìn lên” ông, Ngài gọi ông “xuống mau đi”, Ngài đưa ra đề nghị đến nhà ông “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Chúa Giêsu tự giới thiệu là “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

Để cảm hóa một con người thường bao giờ Chúa cũng đi một bước trước. Hai anh em Andre và Simon đang giặt lưới thì Chúa đến và gọi. Hai ông bỏ mọi sự mà đi theo Chúa ngay. Levi người thu thuế đang làm việc tại bàn thu thuế, Chúa cũng đến và lên tiếng gọi, Lêvi đứng dây ngay lập tức và hân hoan theo Ngài.

Trong kho tàng những câu chuyện về Thiền, tôi đọc được câu chuyện cảm động này. Thiền sư Sengai có mở một lớp để huấn luyện các đệ tử của mình. Có rất nhiều đệ tử đến theo học Thiền dưới sự hướng dẫn của thiền sư. Một người trong bọn họ thường hay thức dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thoả thích.

Một đêm kia, Sengai đi giám sát phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai liền dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết thầy Sengai đang đứng đúng ở vị trí chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ, nhưng Sengai nhẹ nhàng bảo:

– Sáng sớm hôm nay trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy!

Từ đó trở đi, người đệ tử ấy không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa. Anh chuyên tâm học tập và trở thành người đệ tử gương mẫu của thầy Sengai.

Thiên Chúa không những tế nhị, dịu dàng, và nhân từ như thầy Sengai mà Người còn khoan dung, tha thứ và yêu thương những con người tội lỗi hơn nhiều.

Chúng ta hãy nghe lại những lời Chúa nói với ông Giakêu: Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5). Hạnh phúc quá bất ngờ: Người không chỉ biết ông đang ở trên cây mà còn biết cả tên ông. Người không chỉ muốn đến thăm mà còn xin ở lại nhà ông. Ông chỉ có một ao ước nhỏ nhoi là được nhìn thấy Người, nhưng Người lại cho ông cả một ân huệ lớn lao vượt quá lòng ông mong ước.

Vâng, chính đôi mắt tâm hồn ông đã được bừng sáng, để ông không chỉ thấy một con người bình thường trước mặt, nhưng còn thấy Người chính là Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương; để ông không chỉ thấy tiền bạc là tất cả nhưng còn thấy được giá trị cao cả của chia sẻ và trao ban. Ông đã quá vui mừng hứa với Chúa: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Và Chúa chỉ chờ có thế, để nói với mọi người: “Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham” (Lc 19,9).

Và chắc chắn, không ai có thể ngăn cản ông ngồi đồng bàn với Chúa, trong bữa tiệc hân hoan ngay sau đó. Chắc chắn, ông Giakêu không còn giầu có như trước nữa, nhưng ông sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Chắc chắn thân xác ông vẫn lùn như xưa, nhưng tâm hồn ông đã cao thượng hơn gấp bội.

Lạy Chúa, xin cho chúng con cũng có được một tấm lòng khoan dung như Chúa, và một tâm hồn quảng đại như Giakêuđể cả thế giới này trở nên con cái Ápraham, và được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Cha Tiến Lộc có một bài hát mà cha rất thích và cha nghĩ cũng có rất nhiều người thích: Đó là bài hát “Gặp gỡ Đức Kitô”, Chúng con biết không?

– Thưa cha, chúng con biết.

Vậy chúng ta cùng hát nào:

Gặp gỡ Đức Kitô.

Biến đổi cuộc đời mình.

Gặp gỡ Đức Kitô,

đón nhận ơn tái sinh,

Gặp gỡ Đức Kitô.

Chân thành mình gặp mình,

Gặp gỡ Đức Kitô

Nảy sinh tình đệ huynh.

Chúng con hát rất hay cha khen chúng con.

1. Gặp gỡ Chúa, biến đổi cuộc đời mình.

Ông Giakêu là người như thế nào thì Tin Mừng đã cho chúng ta biết. Ông là người thu thuế và là một người thu thuế rất giầu có. Ông bị mọi người ghét bỏ. Lý do tại sao thì có lẽ nhiều người cũng biết. Nhưng sau khi được gặp Chúa, ông đã trở nên một con người hoàn toàn. Ông đã được biến đổi trở nên một con người mới.

Ernest Gordon cô viết cuốn sách nhan đề “Ngang qua thung lũng sông Wai”, trong đó ông mô tả chuyện thật xảy ra tại trại tù binh Nhật dọc bờ sông Wai trong thế chiến thứ hai. Tại đây 12 ngàn tù binh chết vì bệnh tật và vì bị đối xử tàn nhẫn trong khi họ phải xây dựng một tuyến đường xe lửa. Họ làm việc cực nhọc dưới nắng nóng gần 50 độ, đầu trần, chân đất, quần áo tả tơi!…

Nhưng điều đau khổ nhất không phải do lao động mà do họ cư xử xấu với nhau. Họ chỉ điểm nhau, trộm cắp của nhau, đánh đập chửi, mắng nhiếc nhau như cơm bữa!….

Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra. Hai tù nhân nọ tổ chức học hỏi Kinh Thánh với các tù nhân khác. Nhờ đó họ khám phá Chúa Giêsu đang sống giữa họ, thông cảm với họ, vì Người đã từng chịu đói khát, phản bội, đòn vọt đến chết và chết treo trên khổ giá. Từ đó họ không còn chỉ điểm nhau, thù ghét nhau. Họ hoán cải rõ rệt và bắt đầu cầu nguyện cho nhau. Cả trại biến đổi lạ thường. Không còn tiếng than van oán trách mà chỉ còn lời ca tiếng hát vui vẻ, mặc dầu vẫn phải lao lực cực khổ hằng ngày. Một sự khác biệt giống như cái chết biến hình cuộc sống vậy.

2. Gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh.

Sau khi được gặp Chúa, thấy được tình thương của Chúa đối với mìnnh, Giakêu đã được thay đổi hoàn toàn. Chính Chúa Giêsu cũng đã xác định điều đó: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.”(Lc 19,10)

Sở dĩ Giakêu được Chúa thương như thế là vì Giakêu đã thấy được quá khứ những lỗi lầm của mình và quyết tâm sửa lại. Từ nay ông đã biết đối sử tốt với mọi người. Lòng tốt của ông làm Chúa cảm động.

Mátcô đi học về. Chợt cậu thấy trước mặt một học sinh cũng trạc tuổi cậu vấp phải một hòn đá, ngã xấp mặt xuống đất, làm tập sách và dụng cụ rơi tung tóe trên đường. Mátcô vội vàng chạy đến giúp và được biết người đó tên là Bin cũng từ trường về. Từ đó hai anh em bắt đầu quen nhau và trò chuyện với nhau thật vui vẻ. Bill tới nhà trước, nên mời Mátcô vào uống nước và tiếp tục câu chuyện. Hai người trở thành bạn thân. Bốn năm sau, trước ngày ra trương Bill mới tâm sự với Mátcô:

– Anh còn nhớ lần đầu tiên chúng ta gặp nhau không? Hôm đó trên đường về, anh thấy tôi ôm nhiều sách vở và dụng cụ học. Anh có biết tại sao không? Vì hôm đó tôi đã quyết định đem hết sách vỡ vật dụng về nhà, rồi tôi uống thuốc tự tử. Nhưng thấy cử chỉ anh tận tình của anh. Anh đã giúp đỡ và đối xử với tôi thật tử tế, nên tôi đã bỏ ý định đó. Tôi được sống đến ngày nay và học thành tài là nhờ công ơn anh. Anh đã cứu sống tôi, giúp tôi tìm lại được ý nghĩa cuộc đời và niềm vui sống. Tôi chân thành cám ơn anh. Hai người trở nên như ruột thịt với nhau suốt đời.

3. Gặp gỡ Đức Kitô, nảy sinh tình đệ huynh.

Từ lúc gặp Đức Giêsu, Giakêu thấy mình phải thay đổi cách sống. Ông đã chuộc lại những lỗi lầm, đền bù những bất công đã gây ra trong quá khứ. “Tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã lường gạt ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.

Nhà văn Pháp St EXUPEY trong Terre des hommes đã viết rất hay: “Chúng ta sống thật là khi nào chúng ta được cột chặt lại với anh em trong một mục đích chung, không riêng cho người nào cả, và kinh nghiệm cho thấy rằng: yêu thương không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng. Chỉ là bạn khi nào mình đã cùng sống với nhau trong một toán, nối với nhau theo một đoạn dây, cùng leo chung lên một đỉnh núi, và khi lên đến đó chúng ta lại gặp nhau”.

Thi hào LAMARTINE người Pháp cũng để lại một câu chuyện rất hay:

Ngày xưa, tại một vùng nông thôn giáp kinh đô Giê-ru-sa-lem nước Do-Thái, có hai anh em trai cùng làm ruộng chung trên một thửa đất nhỏ. Người anh về sau đã lập gia đình và con cái ngày một đông, trong khi đó người em vẫn sống độc thân. Thế nhưng cả hi vẫn giữ đúng lời di chúc của cha mẹ, đó là luôn sống bên nhau, cùng ra sức cày cấy trên mảnh ruộng nhà. Tới vụ mùa, họ thu gặt rồi bó những bó lúa thành hai đống bằng nhau, rồi cứ thế để nguyên trên bờ ruộng…

Một năm, gặp cơn mất mùa đói kém, lúa thu về giảm hẳn đi nhưng cả hai vẫn chia đều nhau một cách vô tư. Đến đêm, người em trằn trọc mãi không ngủ được, cậu nghĩ:

– Tội nghiệp ông anh mình phải vất vả. Một tay phải nuôi vợ nuôi con năm sáu miệng ăn, nếu phần thóc lúa thu hoạch của mình mà cũng bằng ngang với phần của anh ấy thì không công bằng chút nào. Vậy mình hãy bí mật ra đồng lấy chục bó lúa trong đống của mình mà bỏ thêm sang cho đống của anh ấy. Anh ấy có lẽ không để ý và không nhận ra đâu!”

Đoạn anh trở dậy, thực hiện ngay ý định dễ thương này..

Cũng đêm hôm ấy, ở gian nhà bên cạnh, người anh cũng trăn trở mãi không ngủ được, anh đánh thức vợ dậy để bàn bạc:

– Mình xem, em trai tôi, chú ấy còn trẻ, lại cứ sống cô độc không có ai giúp đỡ trong công việc nặng nhọc hoặc an ủi chăm sóc chú ấy những khi trái gió trở trời. Cùng làm chung thửa ruộng với chú ấy, mà chúng mình lại cũng nhận số lúa bằng với chú ấy thì coi không được chút nào! Mình nghĩ sao? Hay là tiện dịp đêm nay tối trời không có trăng, để tôi lén ra ruộng, chia thêm độ chục bó lúa phần chúng mình sang cho đống của chú ấy…” Người vợ nhân hậu đồng ý và người anh thực hiện ngay như dự tính…

Ngày hôm sau, cả hai anh em cùng ra đồng thì đều ngạc nhiên thấy hai đống lúa của họ sao lại vẫn cứ bằng nhau y như trước, không thay đổi suy suyển gì như dụng ý của họ. Trong thâm tâm cả hai đều thầm nhủ: đúng là do mình đã quá dè xẻn ích kỷ, chuyển số lúa ít quá, chẳng đáng bao nhiêu!

Thế là đến khuya, người em lại trở dậy, bí mật ra ruộng bỏ số bó lúa nhiều gấp đôi hôm trước sang cho anh. Đến rạng sáng thì người anh cũng nhẹ bước rời nhà ra đồng bỏ số lúa nhiều gấp đôi sang cho em…

Sáng hôm sau, một lần nữa, cả hai lại kinh ngạc vì hai đống lúa vẫn cứ y nguyên như cũ. Họ tự giận mình mà làm đi làm lại như thế mấy đêm liền, nhưng vì người này mang bỏ vào đống của người kia số bó lúa xấp xỉ như nhau, nên hai đống lúa vẫn cứ bằng nhau!

Cuối cùng, một đêm nọ, hai anh em cùng chạm mặt nhau trên bờ ruộng, bắt gặp người này đang lấy lúa mình mà bỏ thêm cho người kia. Họ chưng hửng và chợt hiểu ra tất cả. Họ xúc động ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào trong nước mắt. Từ đó, hai anh em quyết định nhập chung số lúa lại để dùng chung cho cả hai nhà trong thuận hòa hạnh phúc còn hơn cả những ngày trước đó…

Đẹp quá phải không chúng con?