Tờ tin Giáo Xứ Tân Định – Số 195/Năm B – Chúa Nhật 24/01/2021

Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích) Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

228. Trong một số trường hợp, một trong hai người phối ngẫu không chịu phép rửa hay không muốn thực hành đức tin. Điều này khiến cho ước nguyện của người kia muốn sống và lớn mạnh trong lối sống Kitô Giáo trở nên khó khăn và đôi lúc đau khổ. Tuy nhiên, một số giá trị chung vẫn có thể được tìm thấy và được chia sẻ và trân qúi. Dù sao, tỏ lòng yêu thương đối với người phối ngẫu không có đức tin, đem lại hạnh phúc, làm dịu các vết thương và cùng nhau chia sẻ cuộc sống quả đã nói lên con đường nên thánh thực sự. Lòng yêu thương luôn là ơn phúc của Thiên Chúa. Bất cứ phát xuất từ đâu, nó vẫn làm người ta cảm nhận được sự hiện diện đầy biến đổi của nó, nhiều khi một cách đầy huyền nhiệm, thậm chí tới chỗ “người chồng không tin được thánh hiến nhờ vợ mình, và người vợ không tin được thánh hiến nhờ chồng mình” (1Cr 7:14).

5 phút Lời Chúa Mỗi Ngày: Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (Mc 1,14)

Suy niệm: Đức Giê-su đến trần gian để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa: Thiên Chúa là Cha yêu thương, muốn cứu độ tất cả nhân loại, ai tin vào lời rao giảng của Thầy Giê-su, chịu phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, bước theo Ngài trong cuộc đời, thì có được sự sống đời đời. Đức Giê-su đã nhiệt thành, tận tụy sống chết với sứ vụ, dành vị trí ưu tiên số một cho việc rao giảng Tin Mừng ấy: “Lương thực nuôi sống thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người‟ (Ga 4,34). Không chỉ ưu tiên số một, mà sứ vụ ấy còn là lẽ sống của Ngài. Những giây phút cuối cùng trên thập giá cho thấy Tin Mừng ấy đã thành toàn: „Mọi sự đã hoàn tất‟ (Ga 19,30); „khi nào Ngài về nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng‟ (Lc 23,42); „quả thật ông này là Con Thiên Chúa (Mt 27,54).

Mời Bạn: Mỗi ngày Chúa Nhật, chúng ta vẫn thường đọc kinh Mười điều răn: „Thứ nhất: thờ phượng và kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự‟. Nhưng liệu chúng ta đã dành ưu tiên hàng đầu cho việc thờ phượng và kính mến Ngài chưa? Bạn nghĩ sao khi cứ để Chúa đứng hàng thứ yếu, đứng sau những mối bận tâm hàng ngày của mình?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi phân vân trước một sự chọn lựa, bạn hãy chọn Chúa, dù cảm thấy thiệt thòi, vì tin rằng “Tôi coi mọi sự là thua thiệt, trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô” (Pl 3,8).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con dám khẳng định „có Chúa là có tất cả,‟ để không một lý do nào làm con mất Chúa, vì „mất Chúa là con mất tất cả.‟ Amen.

THÔNG TIN GIÁO XỨ:

Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. G.B Đỗ Quốc Vinh – Lm. G.B Nguyễn Trọng Tín.

Thánh lễ:

  • Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00
  • Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

  • T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
  • Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
  • Thứ hai nghỉ cả ngày

LỊCH TUẦN 24/01 – 30/01/2021

  • Chúa nhật, 24/01: CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN.
  • Thứ hai, 25/01: THÁNH PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ, TRỞ LẠI. Lễ kính.
  • Thứ ba, 26/01: Thánh Timôthêô và thánh Titô, giám mục. Lễ nhớ.
  • Thứ tư, 27/01: Thánh Angêla Mêrici, trinh nữ.
  • Thứ năm, 28/01: Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
  • Thứ sáu, 29/01:
  • Thứ bảy, 30/01:

THÔNG BÁO: TUẦN 24/01 – 30/01/2021

  1. Thứ hai tuần này kính mời cộng đoàn cùng tham dự Thánh Lễ kính thánh Phaolô Tông đồ trở lại kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu. Thứ sáu 29/01 không có thánh lễ 19 giờ 00.
  2. Số tiền anh chị em giúp cho giáo điểm Nhà Thờ Lộ Đức tuần qua được 290 triệu và 154 usd . Xin cám ơn.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

ĐTC Phanxicô: Lời nói có thể là nụ hôn nhưng cũng có thể là lưỡi dao.

Ngài nhấn mạnh cuộc chiến đấu chống lại sự nhiều chuyện, tầm quan trọng của việc dùng lời nói cách đúng đắn và mời gọi tái khám phá lời cầu nguyện thinh lặng.

Thinh lặng là ngôn ngữ của tình yêu

Đức Thánh Cha viết trong lời tựa cuốn sách: “Thinh lặng là một trong những ngôn ngữ của Thiên Chúa và cũng là một ngôn ngữ của tình yêu. Trích lời thánh Augustinô: „Nếu bạn thinh lặng, hãy thinh lặng vì tình yêu; nếu bạn nói, hãy nói vì yêu thương‟”, Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc không nói xấu người khác còn hơn cả một hành động luân lý, vì “khi nói xấu người khác, chúng ta bôi nhọ hình ảnh của Thiên Chúa ở nơi mỗi người.”

Sử dụng lời nói cách đúng đắn

Từ đó Đức Thánh Cha nhắc rằng “sử dụng lời nói cách đúng đắn là điều quan trọng. Lời nói có thể là những nụ hôn, sự âu yếm, liều thuốc, nhưng chúng cũng có thể là những con dao, thanh kiếm hoặc viên đạn.” Ngài nhận định rằng lời nói có thể được dùng để chúc lành hay nguyền rủa, “chúng có thể là những bức tường đóng kín hay những cánh cửa sổ mở.” Ngài so sánh những người ném “bom” tin đồn và vu khống với những “kẻ khủng bố” gieo rắc sự hủy diệt.

Từ thinh lặng đi đến bác ái

Đức Thánh Cha cũng trích dẫn lời Mẹ Teresa Calcutta như một bài học nên thánh có thể áp dụng cho mọi Ki-tô hữu: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện; hoa trái của cầu nguyện là đức tin; hoa trái của đức tin là tình yêu; hoa trái của tình yêu là phục vụ; hoa trái của phục vụ là hòa bình.” Ngài nhận định: “Một người bắt đầu bằng việc thinh lặng sẽ đi đến lòng bác ái đối với người khác.”Lời tựa được Đức Thánh Cha viết cho cuốn sách kết thúc với lời cầu nguyện: “Xin Đức Mẹ của sự Thinh lặng dạy chúng ta cách dùng đúng miệng lưỡi của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để chúc cho mọi người được bình an trong tâm hồn và niềm vui trong cuộc sống.” (CNS 15/01/2021).

[Tải về bản in – PDF]