Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Gioan B. Nguyễn Bá Tòng-Giám mục Việt Nam tiên khởi-nhân ngày giỗ 11.07

1.Thân thế

Đức giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng sinh ngày 07-08-1868 tại Gò Công. Thân phụ ngài là Giacôbê Nguyễn Gia Tuần, thân mẫu là Madalêna Nguyễn Thị Châu. Cụ Giacôbê Tuần trước cũng đi tu, được Giáo phận Sài Gòn gửi đi du học Đại Chủng viện Penang, do Hội Thừa Sai Ba Lê phụ trách, nhưng đã chuyển hướng, trở về Việt Nam làm thầy giảng giúp giáo phận một thời gian; sau đó, thi vào ngạch thông ngôn ở tỉnh lỵ Gò Công, rồi Trà Vinh. Cậu Nguyễn Bá Tòng đi theo cha, lúc mới 10 tuổi nhập trường Tiểu học Trà Vinh. Sau đó cậu vào trường Adran (Collège d´Adran của Hội Dòng Sư Huynh Các Trường Công giáo, Frères des Ecoles Chrétiens). Năm 1882, các sư huynh đóng cửa trường và về Pháp. Lúc đó, cậu Nguyễn Bá Tòng đã học qua 10 năm trực tiếp với các sư huynh người Pháp, nên xử dụng Pháp văn thành thạo.

Khi đang theo học tại trường Adran, cậu Nguyễn Bá Tòng được linh mục tuyên úy người Pháp, Cha Dépierre, cũng là giáo sư chủng viện, để ý hướng dẫn. Năm 1883, khi 15 tuổi, cậu vào tu tại Tiểu Chủng viện Sài Gòn. Hồi đó, Linh mục Thiriet làm giám đốc, người đã đào tạo hầu hết các linh mục giáo phận từ 20 năm. Ngày 19-09-1896, thầy Nguyễn Bá Tòng, 28 tuổi, được chính Đức Cha Dépierre, giám mục Sài Gòn từ 1895 truyền chức linh mục và đặt làm thư ký tòa giám mục. Ngài tiếp tục chức vụ này cả thời Đức Cha Mossard (11). Ngày 02-09-1917, vì đau yếu, ngài được bổ làm chính xứ Bà Rịa, với hy vọng sức khỏe mau hồi phục tại vùng ven biển. Tháng 9 năm 1926, sau khi sức khỏe hồi phục, ngài được bổ làm chính xứ Tân Định, một xứ lớn giữa Sài Gòn. Ngài hay được mời đi giảng thuyết tại các tuần tĩnh tâm hay đại phúc, thường là trong Giáo phận Sài Gòn. Ngài sáng tác kịch Thương Khó Chúa Giêsu và cho trình diễn vào năm 1913, nhân dịp mừng 50 năm thành lập Chủng viện Thánh Giuse của Giáo phận Sài Gòn và năm 1926 tại Bà Rịa và Tân Định. Tiếng tăm ngài vượt ra ngoài giáo phận. Năm 1928 Đức Cha Grangeon mời ngài ra giảng tĩnh tâm cho hàng giáo sĩ Quy Nhơn. Các bài giảng được đăng lại trong tờ « Mémorial » của giáo phận trong nhiều tháng liên tiếp. Hai Đức Cha Gendreau Đông và Marcou Thành cũng mời Cha Tòng ra Bắc giảng tĩnh tâm cho các linh mục Hà Nội (1931) và Phát Diệm (ngày 15-22 tháng 12 năm 1931).

Hai Đức Cha Hà Nội và Phát Diệm mời Cha Tòng hồi đó để hàng giáo sĩ của hai giáo phận không ngỡ ngàng, khi năm 1933 nghe tin Toà Thánh bổ nhiệm ngài làm giám mục người Việt tiên khởi.

2.Giám mục tiên khởi Việt Nam

Quyết nghị bổ nhiệm Cha Nguyễn Bá Tòng làm giám mục phó Phát Diệm với quyền kế vị được gửi tới Phát Diệm và Sài Gòn, vì lúc đó Cha Nguyễn Bá Tòng đang là cha chính giáo xứ Tân Định thuộc Giáo phận Sài Gòn. Ngày hôm sau, Đức Hồng y Carolo Salotti còn gửi một thư khác cho vị giám mục người Việt tiên khởi báo tin chính Đức Giáo hoàng Piô XI ngỏ ý sẽ đích thân truyền chức giám mục cho ngài vào Chúa nhật ngày 11-6-1933 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, nhằm ngày lễ Chúa Ba Ngôi. Cùng được tấn phong giám mục hôm đó còn có 4 giám mục khác: 3 vị người Trung Hoa và 1 vị người Ấn Độ.

1/ Lễ tấn phong giám mục

Vì tin vui này và vì Giáo phận Phát Diệm ở mãi tận miền Bắc xa xôi, nên Cha Nguyễn Bá Tòng quyết định đi Roma lãnh chức giám mục, rồi mới về Phát Diệm. Ngài lấy khẩu hiệu «Hãy châm rễ sâu trong dân ta». Khẩu hiệu ám chỉ tất cả hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và giáo dân trong giáo phận mới, xin cho họ được châm rễ sâu, tức là kiên trì trong đức tin qua suốt cuộc đời. Tại Sài Gòn Đức Cha Mossard Mão gửi thư luân lưu cho toàn giáo phận, chỉ thị trong suốt tháng 5: Các linh mục khi dâng lễ, phải thêm lời cầu Chúa Thánh Thần ban ơn riêng cho Đức Cha Nguyễn Bá Tòng.Các tu sĩ và giáo dân sốt sáng rước lễ ít là 1 lần với ý cầu nguyện cho Đức Cha mới. Ngày 11-06-1933, lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, cũng là ngày Đức Thánh Cha sẽ truyền chức giám mục cho Cha Nguyễn Bá Tòng, thì vào đầu giờ lễ ban sáng sẽ hát kinh Veni Creator (Xin Chúa Thánh Thần ngự đến) và ban chiều, trong giờ chầu Mình Thánh Chúa, thì hát kinh Te Deum (Cảm tạ Chúa) để hợp thông với lời ca Te Deum tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô được hát lên sau nghi thức truyền chức giám mục.

Đức Giám mục Sài Gòn viết trong thư luân lưu: ngày 11-06-1933 là ngày vui mừng cho Giáo phận Sài Gòn cũng như các giáo phận tại Đông Dương, đặc biệt cho Giáo phận Phát Diệm. Trong thư, Đức Giám mục Sài Gòn còn trấn an vị tân giám mục hãy «an lòng, không có điều gì đáng lo ngại» vì chính quyền Pháp – Việt cũng như giáo quyền và các chức sắc ngoài Ninh Bình, Phát Diệm «đều lấy làm vui mừng… không một lời dị nghị» đối với vị tân giám mục Việt nam.

2/ Hành trình Âu Châu

Ngày 01-05-1933 Cha Nguyễn Bá Tòng và Cha Phalô Vàng, bí thư toà giám mục, đáp tầu đi Pháp. Ra tiễn chân 2 vị có 20 linh mục Việt-Pháp từ Giáo phận Sài Gòn. Phát Diệm cử Linh mục Luca Đinh Ngọc San và 1 thầy giảng đại diện. Ngoài ra có đông đảo ban chấp hành giáo xứ Tân Định và các giáo xứ lân cận và rất nhiều giáo dân, bạn hữu.

Vị giám mục tân cử mang theo hành lý 2 món quà: món thứ nhất là một bức chân dung bán thân Đức Thánh Cha Piô XI khảm ốc xà cừ, cao 8 tấc, ngang 5 tấc, với lời đề tặng «Sanctissimo D.N. Pio Gratias», ký tên «Gioan Baotixita Tòng, Episcopus primus Annamiticus» kèm theo hình Nhà thờ Chính toà Phát Diệm và hình bán thân Đức Cha Tòng. Món quà thứ hai là tấm chân dung Đức Giám mục De Guébriant, bề trên cả Hội Thừa Sai Ba Lê, được thêu bằng tay, cũng kèm theo hình Nhà thờ Chính toà Phát Diệm. Cả hai bức ảnh lộng trong khung khảm xà cừ tuyệt đẹp.

Tầu khởi hành từ Sài Gòn, ghé Singapore, Colombo, Djibuti, Suez, Fort Said, vượt Địa Trung Hải, tới Marseille. Tại mỗi hải cảng có sở quản lý của Hội Thừa Sai Ba Lê hay tòa giám mục đã được thông báo, nên cử người đón tiếp 2 vị khách Việt rất nồng hậu. Tại Marseille 2 vị viếng phần mộ Đức Cha Lefèvre và mấy vị thừa sai đã từng hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt viếng mộ Cha Adrien Launay, nhà viết sử thời danh của Hội Thừa Sai, tuy ngài không tới Việt Nam, nhưng nhờ công ghi chép của ngài chúng ta còn có tiểu sử của các vị tử đạo tại Việt Nam. Sau Marseille, 2 vị khách Việt trẩy Paris. Dọc đường, các ngài ghé Lyon, Valence, Dijon…để thăm một số linh mục, tu sĩ Pháp đã từng hoạt động tại Việt Nam. Tại Paris, các ngài tới thăm Đức Giám mục De Guébriant, đương kim bề trên Hội Thừa Sai Ba Lê, thăm Đức ông Boucher, Giám đốc Hội Truyền Giáo (Propagation de la Foi) tại Paris, Đức ông Olichon, Giám đốc Hội Thánh Phêrô Tông đồ (Oevre de Saint Pierre Apôtre) tại Pháp (Đức Ông Olichon chính là người đã viết cuốn Le Père Six, Baron de Phát Diệm, Cha Trần Lục, Bá tước Phát Diệm, ghi lại tiểu sử và sự nghiệp Cụ Lớn Khâm để lại cho Phát Diệm). Đức ông Olichon đã hướng dẫn 2 vị khách tham quan Paris.

3/ Tới Roma

Ngày 05-06-1933, tại nhà ga trung ương Termini, Đức Giám mục tiên khởi Việt Nam được Đức Tổng Giám mục Zanini, đại diện Bộ Truyền Giáo, Đức ông Dini, Giám đốc Trường Truyền Giáo và một số tu sĩ Việt Nam đang tu học tại đây đón tiếp nồng nhiệt và đưa về nghỉ tại trụ sở của Hội Thừa Sai Ba Lê tại Roma.

Cảnh quan và tinh thần Roma lúc đó đang hân hoan tưng bừng, vì vào Chủ nhật lễ Chúa Giêsu Lên Trời trước đó, Đức Piô XI mới phong chân phước cho nữ tu Catarina Labouré, Dòng Nữ Tử Bác Ái Ba Lê; đồng thời, đang chuẩn bị lễ tuyên thánh cho Linh mục Fournet, vị sáng lập Hội Dòng Chị Em Thánh Giá (Filles de la Croix) tại Poitiers vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Tiếp đến là lễ truyền chức giám mục cho 5 linh mục Á Châu ngày 11-06-1933.

Cha Phaolô Vàng đã ghi lại: «Không thể nào thuật lại cho đúng sự thực…Phải đến dự lễ thì mới hiểu được». Từ sáng sớm đã có xe tới trụ sở Hội Thừa Sai đón Cha Nguyễn Bá Tòng đưa tới phòng Clementia tại Vatican để mặc phẩm phục và nhập đoàn với 18 hồng y tại phòng Consistoire, rồi tiến sang Nhà Nguyện Sixtina tháp tùng Đức Giáo hoàng tới Vương cungThánh đường Thánh Phêrô.

Đoàn kiệu tiến ra từ nhà nguyện Sixtina, qua cửa Regia, xuống 100 bậc đá, giữa hàng dàn chào của 400 sinh viên tu sĩ, Đức Giáo hoàng giơ tay ban phép lành cho dân chúng trên đường tiến vào vương cung thánh đường, và tới bàn thờ hành lễ. Ca đoàn nhà nguyện Sixtina đảm trách phần thánh nhạc. Cha Vàng dành 4 trang dài ca ngợi tài nghệ tuyệt vời của ca đoàn gồm chừng 60 ca viên ở lứa tuổi 9-10 tới 50.

Ngoài Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, Đức Giáo hoàng còn truyền chức giám mục cho 4 vị khác nữa.

Đức Cha Giuse Attipety, Dòng Carmel, Tổng Giám mục phó Giáo phận Verapoly, Ấn Độ.

Đức Cha Giuse Fan, Trung Hoa, Giám mục Giáo phận Tsining, Mông Cổ.

Đức Cha Giuse Ts´oei, Dòng Tên, Trung Hoa, Giám mục Giáo phận Yungnier.

Đức Cha Matthêô Lý, Trung Hoa, Giám mục Giáo phận Yachow.

Hai vị phụ phong là Đức Tổng Giám mục Salotti, Thư ký Bộ Truyền Giáo, và Đức Tổng Giám mục Celso Costantini, Khâm sứ Tòa thánh tại Trung Hoa.

Lễ nghi truyền chức giám mục là một lễ nghi long trọng trong Giáo hộiCông giáo Roma. Sau Thánh lễ, các tân giám mục ban phép lành cho giáo dân. Đến lượt vị Giám mục Việt Nam, đúng lúc thánh đường im lặng, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng xướng câu ca bằng La ngữ với giọng rung rung, dõng dạc, hùng mạnh khiến mọi người trong thánh đường ngỡ ngàng, cả Đức Giáo hoàng cũng quay mắt sang để nhìn.

Không lạ gì, vì Đức Giám mục Việt Nam là một nhà hùng biện thời danh, có giọng thanh thoát, rõ rệt. Khi thuyết giảng, ngài thường mạnh dạn, lưu loát trong tiếng Việt cũng như tiếng Pháp.

Ở Roma, mọi việc đã được xếp đặt, chuẩn bị chu đáo. Sau lễ thụ phong, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đi thăm một số cơ quan và nhân vật để trình diện và và cám ơn. Ngài cũng đi thăm mấy Học viện Giáo hoàng, nơi có sinh viên tu sĩ Việt Nam tòng học.

Rời Roma, ngài trở lại Pháp. Tới Lyon, ngài được đón tiếp tại nhà thờ chính tòa. Ngài tới thăm Đức Cha De Guébriant, bề trên Hội Thừa Sai Ba Lê và các cơ quan truyền giáo.

Sau đó, ngài đi Paris và được Đức Hồng y Verdier, Tổng Giám mục thủ đô nước Pháp mời chủ sự chầu Thánh Thể và thuyết giảng tại Nhà thờ Chính tòa (02-07-1933). Báo chí tường thuật, phê bình rất tích cực tài hùng biện bằng tiếng Pháp của Đức Cha. Trên các bức tường trong thành phố, người ta dán la liệt bích chương kể tiểu sử Đức Giám mục Việt Nam tiên khởi. Ngoài ra ngài còn được mời tới giảng thuyết tại các thánh đường danh tiếng tại Chartres, Angers và đi hành hương Lộ Đức dịp kỷ niệm 75 năm Đức Mẹ hiện ra tại đó. Nhân ngày Đại hội Thánh Thể toàn quốc, có Đức Miaglione, Khâm sứ Tòa thánh tại Pháp chủ tọa, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng được mời chủ lễ trọng buổi sáng và chủ sự kiệu Mình Thánh Chúa ban chiều cũng như thuyết giảng về sự tôn sùng Phép Thánh Thể.

Tại các nơi kể trên, Đức Giám mục Việt Nam tiên khởi được đón tiếp nồng hậu. Những nơi ngài giảng thuyết đều chật ních thính giả, vì tiếng đồn rộng rãi về tài giảng thuyết của Đức Cha.

Qua mấy tuần lễ công du Âu Châu, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đã làm vẻ vang dòng giống Lạc Hồng. Nhất là ngài đã được danh dự tiếp kiến Đức Piô XI. Đức Giáo hoàng chúc cho « Việt Nam trở nên con đầu lòng Giáo hội bên Viễn Đông, cũng như nước Pháp là trưởng nữ của Giáo hội bên trời Âu».

4/ Trên đường về Việt Nam

Sau cuộc hành trình dài 6 tháng bên Âu Châu, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng và Cha Phaolô Vàng đã đáp tầu hồi hương, ghé thánh địa Do Thái, rồi cập bến Singapore, lấy xe lửa đi Thái Lan và Nam Vang. Tại đây có cộng đoàn giáo dân gốc Việt, do Hội Thừa Sai quản nhiệm. Họ hân hoan đón tiếp Đức Cha để tham phần vào niềm vui với Giáo hội trên quê hương Việt Nam.

Dọc tuyến đường 300 km từ Nam Vang về Sài Gòn, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng được nồng nhiệt nghênh đón khắp nơi. Trong khi Đức Cha còn dong duổi trời Âu, thì tại Giáo phận Sài Gòn, Đức Giám mục Dumortier đã viết thư gửi mọi thành phần trong giáo phận xin mọi người hằng ngày cầu xin Thiên Chúa ban cho Đức Giám mục tiên khởi Việt Nam các hồng ân cần thiết. Do đó họ nao nức chờ ngày về của Đức Cha.

Đoàn xe bỏ Nam Vang hồi 7 giờ sáng ngày 24-10-1933, có Đức Cha Herrgot, Giám mục Nam Vang và giáo sĩ Pháp-Việt tiễn chân. Đúng 11 giờ, đoàn xe tới Trảng Bàng, thành phố đầu tiên sau biên giới. Có 4 cổng chào được dựng để đón đoàn tại Trảng Bàng, Tha La, Củ Chi và Chí Hòa. Đoàn xe lúc này, gồm 30 chiếc cắm cờ Tòa Thánh trực chỉ Sài Gòn. Tại Sài Gòn cờ xí tràn ngập, xen với những biểu ngữ chào mừng bằng tiếng Việt và tiếng Pháp được treo khắp nẻo đường. Trong Nhà thờ Đức Bà, trên gian cung thánh, hiện diện hơn 100 linh mục Việt – Pháp của Giáo phận Sài Gòn cũng như mấy linh mục đại diện cho Giáo phận Nam Vang. Ngoài ra, các chủng sinh, học sinh các trường Công giáo ngồi chật ních thánh đường. Gần bàn thờ, người ta đã dọn sẵn 2 ghế, 1 cho Đức tân Giám mục và 1 cho Đức Giám mục Sài Gòn, có 2 chức sắc Tòa thánh Denis Lê Phát An và Phủ Nuôi trong lễ phục Tòa Thánh ngồi 2 bên. Phía dưới bao lơn rước lễ, có ông Krantheimer, Thống đốc Nam Kỳ, ông Goulés, Chánh văn phòng Phủ thống đốc, ông Eutrope, Công sứ Sài Gòn-Chợ Lớn, Thiếu tướng Bifon và phu nhân và một số nhân vật trong các ngành hành chánh dân sự Pháp-Việt.

Khi mọi người đã an tọa, Cha Soullard, Tổng đại diện Giáo phận Sài Gòn, mời Đức tân Giám mục bước lên bàn thờ ban phép lành Tòa Thánh cho cộng đoàn. Sau đó ngài ngỏ lời chào mừng Đức Cha mới Việt Nam. Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đáp từ bằng tiếp Pháp, tỏ lòng biết ơn Hội Thừa Sai Ba Lê, Đức Giám mục Giáo phận Sài Gòn và toàn thể dân Chúa đã cầu nguyện cho ngài nhân dịp lễ thụ phong. Bằng tiếng Việt ngài cám ơn dân Chúa đã cầu nguyện cho ngài trong các thánh lễ và giờ kinh, lại còn có mặt đông đúc và góp công tổ chức nghênh đón ngài rất long trọng. Phản ứng của dân chúng Việt Pháp hôm đó rất nồng nhiệt, khi chứng kiến lần đầu tiên 1 vị giám mục Việt Nam đội mũ giám mục và cầm gậy chăn chiên đứng giữa cung thánh, giơ tay ban phép lành Tòa Thánh cho toàn thể cộng đoàn. Sau nghi lễ nghênh tiếp, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng chủ sự chầu Mình Thánh Chúa, rồi giải tán, vì bữa tiệc khoản đãi Đức Cha mới đã diễn ra lúc 10 giờ 30 sáng, do Đức Cha Dumortier, Giám mục Giáo phận Sài Gòn chủ tọa, có đủ mặt quan chức Pháp – Việt tham dự.

Trong bài diễn văn (17) chúc mừng Đức tân Giám mục, Đức Cha Dumortier nhấn mạnh một nhận xét lịch sử: Đức Cha Nguyễn Bá Tòng được Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục ngày 10-01-1933. Ngược dòng lịch sử 100 năm trước, tháng 01-1833, Giáo hội tại Việt Nam bị nhà Nguyễn bách hại. Ngày nay, sau 100 năm, vào tháng 01-1933, một vị Giám mục Việt Nam tiên khởi được bổ nhiệm và Hoàng đế Bảo Đại, thuộc dòng dõi nhà Nguyễn, đã gửi điện tín chúc mừng và tri ân Đức Giáo hoàng Piô XI nhân dịp tấn phong vị Giám mục Việt Nam tiên khởi. Sắp đến, tại điện Cần Chánh, kinh đô Huế, cũng Hoàng đế Bảo Đại sẽ mở tiệc khoản đãi Đức Giám mục thứ nhất Việt Nam. Trong những khách mời có Đức Cha A. Marcou Thành, Giáo phận Phát Diệm, Đức Cha Chabanon, Giám mục Giáo phận Huế và Đức Tổng Giám mục Dreyer, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam và chừng 40 vị quan chức trongTriều .

5/ Được Hoàng đế Bảo Đại tiếp kiến long trọng

Lịch sử đạo Công giáo tại Việt Nam có những khúc quanh kỳ diệu qua dòng thời gian. Ngày 30-11-1835, tại Kinh thành Huế, Vua Minh Mạng đã cho lệnh nổ 7 phát súng đại bác, báo cho dân chúng kinh đô biết hôm đó nhà vua hạ lệnh xử «lăng trì bá đao» Linh mục Giuse Marchand (Cố Du), thuộc Hội Dòng Thừa Sai Ba Lê, bị vu cáo là «phò phản loạn Lê Văn Khôi». Nhưng 86 năm sau, tháng 7-1921, cũng tại Kinh thành Huế, 7 phát đại bác khác nổ vang; nhưng hôm đó Vua Khải Định, cũng trong cương vị hoàng đế Việt Nam, đã ban Kim Khánh Đệ Nhất Hạng Bội Tinh, ân thưởng Giám mục Eugène Allys Lý, thuộc Hội Thừa Sai Ba Lê, vì có công tận tuỵ phục vụ suốt 46 năm trời, không những trong lãnh vực truyền giáo, mà cả trong lãnh vực văn hóa, giáo dục tại Giáo phận Huế (19).

Hôm nay, hoàng đế Bảo Đại nghênh tiếp các vị cao cấp Công giáo rất long trọng tại Điện Cần Chánh, nơi vua thường tiếp những vị thượng khách ngoại quốc hay trong nước. Các vị thượng khách tiến vào giữa 2 hàng quân đội bồng súng dàn chào, đang khi hội kèn của Triều đình trổi vang. Hoàng đế ngự chính giữa, bên hữu là Đức Khâm sứ Toà thánh, bên tả là Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, kế bên có Đức Cha Marcou Thành; đứng 2 bên là 40 vị triều thần văn võ.

Đức Khâm sứ Toà thánh nói mấy lời giới thiệu, rồi Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đứng lên dâng bức thư của Đức Piô XI đáp lễ điện văn Hoàng đế Bảo Đại gửi ngài để chúc mừng và tri ân nhân dịp ngài tấn phong vị Giám mục Việt Nam tiên khởi. Kèm với bức thư là 1 huy chương cao quí Toà Thánh kính tặng nhà vua. Liền đó Đức Cha Nguyễ Bá Tòng đọc diễn văn bằng tiếng Pháp, nội dung như sau :

Tâu Hoàng thượng, (20)

Hôm nay lần đầu tiên, tính từ đầu thế kỷ XVII, khi mà đạo Thiên Chúa được rao giảng trong nước hoàng thượng, một giám mục Việt Nam được hân hạnh đích thân tới đây và thay mặt cho giáo đoàn thuộc quyền để bái yến long nhan. Cái thời kỳ đáng ghi nhớ của lịch sử Giáo hội Đông Dương may mắn được khởi đầu cùng với lúc Hoàng thượng lên ngôi.

Hạ thần khi được sắc chỉ Toà thánh phong giám mục đã ngần ngại hồi lâu, không dám lãnh trách nhiệm đáng sợ này, vì hạ thần tựcảm nghiệm vai yếu dưới gánh quá nặng nề; tuy nhiên phải cúi đầu thọ mạng Đức Giáo hoàng. Ngoài ra, việc bổ nhiệm này là một vinh dự lớn lao cho toàn dân Thiên Chúa giáo tại Việt Nam, đồng thời là một bằng chứng rõ rệt nói lên lòng thương mến của ngài đối với họ.

Sở dĩ Đức Piô XI đã nghị quyết như thế cũng vì ngài quá hiểu biết trong một quốc gia mà người dân đã được ưu đãi như trên, thì con cái của Giáo hộiCông giáo cũng sẽ được một vị anh quân sáng suốt, quảng đại như bậc phụ mẫu chi dân.

Tâu Hoàng thượng,

Cũng nhờ ngài đồng tâm phụ họa, mà người Việt Nam mới được đặc ân cao quí này. Kính xin Hoàng thượng nhận nơi đây sự tri ân của giám mục Việt Nam và lòng trung kiên thành kính của quốc dân.

Người theo đạo Thiên Chúa tin rằng, không những phải tôn kính tuần phục nhà vua, mà còn phải yêu mến ngài. Cả trong những thời ký bi đát nhất của lịch sử chúng tôi, giáo hữu vẫn cầu nguyện cho nhà vua; đối với Hoàng thượng họ càng cầu nguyện hơn nữa, vì từ khi hồi hương từ Pháp quốc tới nay Hoàng thượng vẫn tỏ thái độ quí mến các giám mục, linh mục và giáo dân chúng tôi.

Tâu Hoàng thượng,

Không nói thì Hoàng thượng cũng quá hiểu rằng, sự phồn thịnh và quyền lực vật chất không đủ đem lại hạnh phúc cho con người. Theo gương các bậc tiền bối trị dân, Hoàng thượng đã ý thức rằng, nếu không có yếu tố tinh thần trong việc xây dựng xã tắc, thì mới chỉ là tạo ra cái xác không hồn,«người ta sống không phải nguyên nhờ tấm bánh mà thôi»!  Lời của Chúa Giêsu tồn tại đã gần 2.000 năm nay, do đó cái động lực tinh thần này càng phải tôn trọng. Là vì trải qua các thời đại nó vẫn là nguyên tắc chứng minh trong việc gíao hoá luân lý và làm nền tảng cho nền văn minh các dân tộc.

Tâu Hoàng thượng,

Đời ngài trị vì, chúng tôi tin tưởng sẽ biểu dương một thời đại mới mẻ trong kỷ nguyên thái bình và tân tiến mà chúng tôi đang sống. Hoàng thượng dẫn quốc dân đi đâu, ở đó thần dân Công giáo sẽ bước theo, bởi vì chúng tôi xác tín Hoàng thượng sẽ không đòi chúng tôi phải hy sinh đến mức độ phản lại tín ngưỡng của Giáo hội chúng tôi. Người theo đạo Thiên Chúa chỉ có một ước vọng là trở thành người giáo dân tốt lành trước, rồi sau đó làm người công dân sống đời nghĩa hiệp với nhà vua và với quê hương của mình » (21).

6/ Cụ thượng Nguyễn Hữu Bài khoản đãi

Hoàng đế Bảo Đại đáp từ, cũng bằng tiếng Pháp. Hai bên nán lại hàn huyên một lát, rồi kết thúc buổi hội kiến. Hoàng đế Việt Nam chia tay, ngự về điện, ba vị giám mục đi giữa hai hàng quân dàn chào. Tiếng nhạc thổi vang. Các ngàirời khỏi hoàng cung và đi tới dinh cụ Quận công Nguyễn Hữu Bài. Hôm đó cụ mở tiệc khoản đãi các vị. Ngoài các giám mục, có chừng 46 nhân vật Việt – Pháp, phần nhiều là giáo sĩ hai nước Việt – Pháp được mời tham dự.

Tiệc vừa tàn, cụ Quận công đứng lên xuất khẩu một bài diễn văn vắn tắt với lời lẽ trang nghiêm, đằm thắm : «Trước khi mừng đức giám mục bản quốc, tôi có mấy lời với các giám mục và các linh mục ngoại quốc. Sở dĩ hôm nay có giám mục Việt Nam tiên khởi là nhờ công ơn của Hội Thừa Sai Ba Lê, trong mấy trăm năm đã vất vả đào tạo, chuẩn bị. Công lao đó đã được Thiên Chúa chúc lành và Toà thánh công nhận…Tôi chúc cho Đức Cha mới trở thành «cao đăng cao viễn chiếu» như đèn sáng nêu cao để chiếu rọi áng sáng Phúc Âm càng xa… »  Sau đó, một linh mục Việt Nam đại diện cho các linh mục người Việt đọc bài chúc mừng Đức Cha lớn lên như cây «Tùng bá», một loại cây cổ thụ trồng trong vườn Nam Việt, tưởng rằng sẽ phát triển mãi ở đó; không ngờ, tay Chúa quan phòng lại đem trồng mãi tận miền Bắc xa xăm và rồi đâm rễ sâu tại đó: «In electis meis mitte radices» (khẩu hiệu giám mục của Đức tân Giám mục).

7/ Viếng Thánh Địa La Vang

Xe hơi chở Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đi La Vang để ngài có dịp cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ chiều hôm đó. Sau đó, xe đưa Đức Cha trở lại Huế, để dự yến tiệc do Hoàng đế Bảo Đại khoản đãi ngay trong điện An Định, hồi 8 giờ chiều. Hôm đó, trừ Đức Cha già Allys Lý, vì sức khỏe không tới được, còn tất cả các giám mục và 35 vị quan văn võ trong triều, cả ông Denis Lê Phát An cũng được mời tham dự. Cha Phao Lô Vàng trong cuốn «Cuộc hành trình Roma» (22) đã viết: «Thấy đức Bảo Đại, hoàng đế Việt Namngự giữa các quan Tây – Nam văn võ, trọng đãi một giám mục Việt Nam và khâm sứ của giáo hoàng, cùng 2 giám mục như thế, ai mà chẳng ca ngợi quyền phép Chúa khéo đổi đời». Một trăm năm về trước, 1833, Vua Minh Mạng cũng ngự giữa bá quan, nhưng chỉ là để ký chỉ dụ cấm đạo Gia Tô và ra lệnh bách hại người Công giáo!

8/ Thăm Giáo Phận Thanh Hoá

Sau những cuộc tiếp đón long trọng tại Triều đình Huế, sáng ngày 10-11-1933, phái đoàn Đức tân Giám mục tiến ra Thanh Hoá. Thanh Hoá là giáo phận anh em được phân chia từ Hà Nội, thành Giáo phận Phát Diệm năm 1901, sau đó lại tách ra từ Phát Diệm để đứng biệt lập năm 1932. Từ Huế ra, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng tới thẳng xứ Ba Làng (23), nghỉ đêm tại đó, hôm sau (11-11-1933) mới đi về phố Paul Bert. Nơi đây, những thành phần giáo dân đầu tiên, đem theo 10 chiếc lọng, phường âm nhạc, mấy đoàn học sinh của của các nữ tu và sư huynh, đoàn Nghĩa Binh Thánh Thể đã đứng trực sẵn để rước đoàn đi một quãng. Tới ngã tư, các vị khách mới xuống xe và được Đức Cha Cooman Hành, Giám mục Thanh Hoá, cùng một số linh mục Việt – Pháp và các chức sắc cũng Việt – Pháp đón chào. Đoàn đi giữa 2 hàng dân chúng lương giáo chen nhau để ngắm dung nhan Đức Giám mục Việt Nam tiên khởi. Đến gần nhà thờ, đoàn rước đi qua 2 khải hoàn môn lộng lẫy. Trên khải hoàn môn thứ nhất có câu «Vive Mgr Tòng», trên chiếc thứ hai đề 4 chữ «Thân Đẳng Vọng Phu». Các chức sắc Việt – Pháp trong lễ phục oai vệ, 2 đội quân binh và cảnh sát dàn 2 bên đợi sẵn. Khi mọi người an tọa, Đức Cha De Cooman trên gian cung thánh giới thiệu Đức Cha Việt Nam bằng 2 thứ tiếng Pháp – Việt. Đức Cha Việt Nam đáp từ cũng bằng 2 tiếng Việt – Pháp. Bằng tiếng Pháp, ngài cám ơn Hội Thừa Sai Ba Lê và bằng tiếng Việt ngài nhắc lại lời chúc mừng của Đức Thánh Cha Piô XI: Mong cho Việt Nam là con đầu lòng của Giáo hội Đông Dương. Sau đó là giờ chầu Thánh Thể do Đức tân Giám mục chủ sự.

Tiếp theo, đoàn rước tiến ra phía nhà trường Công giáo. Nơi đây, 2 vị chánh phó công sứ Pháp, các chức sắc chính phủ, ông Lê Phát An, đại diện Nam Việt, và các linh mục lần lượt bước tới chúc mừng Đức ChaTòng. Sau đó, lúc 11 giờ, ông Colombon, Chánh công sứ Thanh Hóa, mở tiệc khoản đãi phái đoàn.

9/ Giáo phận Phát Diệm hân hoan chào mừng

Sáng sớm ngày 12-11-1933, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng và Đức Cha Marcou Thành lên đường đi Ninh Bình để về Phát Diệm. Tại Ninh Bình, Cha chính xứ Delmas Pháp ra chào 2 Đức Cha và rước 2 ngài vào viếng ngôi nhà thờ thứ nhất tại Giáo phận Phát Diệm. Dân chúng lương giáo tới tham dự đông đảo. Họ ngỡ ngàng, vì trên quãng đường hôm đó tất cả xe cộ đều treo cờ xí long trọng.

Người viết những dòng này năm ấy 14 tuổi, đang học lớp IV tại Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc. Từ 1 tuần lễ trước, chúng tôi trang trí nhà nguyện, tập hát, quét dọn Chủng viện. Ngày hôm đó, cả 7 lớp chủng sinh quần áo chỉnh tề, từ 2 giờ chiều được lệnh ra đứng 2 bên đường Phúc Nhạc đi Phát Diệm, cách xứ Tôn Đạo chừng 4 cây số để đón Đức Cha Baotixita Nguyễn Bá Tòng. Tôi còn nhớ một số chức sắc Việt Nam, các quan Tuần phủ, Tri huyện Yên Mô, Kim Sơn… cũng được mời tham dự lễ nghênh đón. Các vị đó tham gia, vì đây là 1 biến cố có tính cách chính trị thuộc tầm vóc quốc gia: Vị Giám mục Việt Nam tiên khởi là biểu tượng nước Việt Nam đã tới giai đoạn độc lập, thoát khỏi khỏi tay đô hộ ngoại bang! Xe của quí vị đó, khi qua 2 hàng danh dự của học sinh Chủng viện đón chào, đã đi chậm lại và các vị giơ tay chào chúng tôi. Ai cũng thấy rõ huy chương, thẻ ngà các vị đeo trên mình. Đức tân Giám mục chứng kiến đoàn con cái đông đảo chen giữa rừng người giáo dân Phúc Nhạc đổ ra đường. Ngài xuống xe chào vị giám đốc, các cha giáo Chủng viện, các linh mục giáo xứ… rồi lên xe hướng về Phát Diệm. Tại Tôn Đạo, có đoàn 100 xe đạp đợi sẵn để tháp tùng xe Đức Cha vượt đoạn đường 7 cây số tiến về Phát Diệm. Càng về gần Phát Diệm, giáo dân các xứ Cách Tâm, Khiết Kỷ, Như Sơn, Quy Hậu, Hướng Đạo, Trì Chính chạy ào thêm ra đường. Rồi từng nhóm, họ tuôn về Phát Diệm như nước vỡ bờ. Đi qua huyện Kim Sơn, đoàn xe ngừng lại trước một khải hoàn môn. Nơi đây, ông Tri huyện Kim Sơn và các nha tịch ra đón. Ông Tri huyện đọc chúc văn:

Sách pha cổn rực thành La Mã,

Tiếng vinh quang từng cả Viễn, Đông,

Mừng thay thiên tải kỳ phùng,

Con chiên nay biết bao lòng hỷ hoan…

………………………………………..

Đuốc chân lý mở đàng mao tắc,

Chuông Phúc âm khua giấc mộng trần,

Khiến cho Hướng Đạo, Tự Tân,

Chất Thành, Qui Hậu, Hồi Thuần, Trung Lai,

Dân trong cõi ai ai đều phục,

Giáo hội ta phúc lộc vĩnh tuy,

Còn mong ngũ bách xương kỳ,

Việt Nam sẽ có hồng y, sứ thần…

Tại cầu Trì Chính, là nơi khởi đầu cuộc rước, hai Đức Giám mục Marcou Thành và Nguyễn Bá Tòng xuống xe, giơ tay chào từng hàng linh mục Việt – Pháp, sinh viên trường thần học, các chức sắc đại diện giáo dân, các đội nhạc… Đức Cha Nguyễn Bá Tòng bước lên chiếc song loan thứ nhất. Chiếc thứ hai dành cho Đức Cha Marcou Thành. Ngài đã vào tận Sài Gòn đón Đức Cha phó của mình về Phát Diệm. Đoàn rước dài hơn 1 cây số di chuyển dần về phía Tòa giám mục.

Đức tân Giám mục, trên song loan, luôn giơ tay ban phép lành cho đại chúng. Trên đường phố, trong nhà, dưới thuyền, khắp các ngã ba, ngã tư, hết cổng chào này tới cổng chào khác. Trời nhá nhem tối, đèn thắp sáng như ban ngày, rừng cờ ngũ sắc phất phới dọc 2 bên đường. Từng loạt hoan hô vang dội. Tới ao hồ, mặt nước phản chiếu ánh đèn lóng lánh tăng gấp đôi phong cảnh rực rỡ. Hai Đức Cha xuống song loan, mặc lễ phục đại trào và tiến vào Nhà thờ chính tòa. Đức Cha già Thành nói mấy lời giới thiệu Đức tân Giám mục và cám ơn toàn thể các thành phần trong giáo phận từ mấy tháng đọc kinh cầu nguyện cho Đức Cha mới; nay Chúa đã đưa ngài về với chúng ta; chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho ngài. Ca đoàn của Đại Chủng viện hát kinh Te Deum trọng thể ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa. Chiều hôm đó ở chung quanh thánh đường, ngoài Phương đình, các núi đá, đền Chúa Giêsu làm vua ở ao hồ… vẫn trưng đèn sáng rực như sao sa, vì hôm đó Phát Diệm mừng một đại biến cố và đã ghi biến cố này vào lịch sử giáo phận.

Phần đông giáo dân đến từ xa tìm cách ngủ lại tại Phát Diệm, vì ngày hôm sau giáo phận sẽ mừng Đức tân Giám mục. Mới tảng sáng, thiên hạ đã tới chật ních nhà thờ. Đức tân Giám mục cử hành đại lễ cầu cho các linh hồn. Vừa đến nhận nhiệm sở, ngài dâng lễ cầu cho các linh hồn, tức là cho những người thân mến của giáo dân, nhất là trong tháng 11, tháng dành cho các linh hồn, đó là một nghĩa cử rất tâm lý. Trong bài diễn văn, ngài tri ân Cha Trần Lục, Đức Cha Marcou Thành và các vị tiền bối đã dầy công xây dựng cơ đồ vĩ đại, nên mới có ngày nay. Ngài kể lại sự kiện Đức Giáo hoàng Piô XI chúc cho Giáo hội Việt Nam làm trưởng nam của Giáo hội bên Viễn Đông và ngài cam kết dấn thân cho giáo phận. Thay mặt cho giáo phận, Cha già Hoàng Duy Côn, cũng là Cha Tổng đại diện người Việt thứ nhất trong giáo phận, đứng ra đọc bài diễn văn như sau (25) :

Lậy Đức Cha,

Hôm nay Đức Cha đến xứ này mà chôn sâu gốc cây Hồng nhiệm, Đức Cha đến để làm rễ cái cho cây bàng thiêng: «In electis meis mitte radices». Thế là từ nay, Đức Cha cùng với Phát Diệm tạc đôi chữ Diệm Tùng nên một. Từ nay, Phát Diệm đã chiếm chỗ nhất trong quả tim Đức Cha rồi. Vậy thì chỗ Đức Cha an lạc hoan hỉ là đây, chỗ Đức Cha lao tâm khổ tứ là đây, chỗ Đức Cha an giấc ngàn thu mà đợi ngày thức dậy làm một cùng con cái cũng là đây. Thân lậy Đức Cha, Đức Cha đã một lòng vàng đá, chẳng quản ghé vai gánh lấy công cuộc rất khó, mang lấy nhiệm vụ thực to này, thì chúng con biết cám ơn, mến đức làm sao cho xứng ? Vậy mong trả nghĩa trong muôn một, thì chúng con xin đem lòng thành làm lễ hiến: là sẽ tận tâm trìu mến, tôn sùng, tùy mạng, sẽ đem tài lực đỡ gánh, sống thác chẳng nài, sẽ hiểu cái thời giờ tối hệ, mà anh em cùng nhau khắng khít, dù sao cũng trong hai chữ hiệp quần Unitas, để Đức Cha đỡ phần lo ngại mưu ích cho địa phận tiến hóa dễ dàng.

Các cha tiến dâng cho Đức Cha làm kỷ niệm 1 bức khảm, bửu ấn và 2 cây bông thật tươi đẹp, quí giá.

Sau các linh mục đến lượt Hội Thầy Giảng chào mừng Đức Cha và dâng cho ngài 1 bức thêu cây tùng già lá non, dưới có hình Thánh Gioan Tẩy Giả đang ôm 2 con chiên con và chiên mẹ; ở giữa thêu 4 chữ «Nam Hải Phúc Tinh».

Sau cùng, đúng giữa bữa tiệc, hội đồng giáo xứ Phát Diệm chúc mừng Đức Cha và dâng những lễ vật rất thiết dụng. Rất nhiều nhân vật được mời và quí vị tới tham dự đầy đủ. Khung cảnh ngày lễ rất huyên náo, nhộn nhịp, nhưng rất trật tự, trang nghiêm và vui vẻ.

Chiều tối hôm đó, Đức Cha già Marcou Thành dẫn Đức tân Giám mục ra viếng hang đá Lộ Đức và tượng Chúa Giêsu làm vua, đứng giang tay giữa ao hồ, cuối Phương đình để bảo vệ và chúc lành cho con cái từ thập phương tuôn về Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm.

10/ Chặng đường Hà Nội

Đức Giám mục Việt Nam tiên khởi còn phải tới thăm một vị ân nhân sau cùng, Đức Cha già Gendreau Đông, Giám mục Giáo phận Hà Nội. Chúng ta còn nhớ (Chương II: Thành lập giáo phận), ban đầu, ý tưởng chia một phần giáo phận rộng lớn Hà Nội để lập Giáo phận Hưng Hóa và Phát Diệm xuất phát từ sáng kiến của Đức Cha già Gendreau Đông. Vào năm 1900, Đức Cha già Gendreau Đông đi Roma dự lễ tuyên phong Chân phước đầu tiên cho một số linh mục Việt Nam và Pháp tử đạo tại Việt Nam. Trước khi lên đường, ngài đã thảo luận với Đức Cha Marcou Thành về ý định phân chia này. Do đó, Hà Nội là giáo phận mẹ sinh ra Phát Diệm năm 1901.

Ngày 14-11-1933, haiĐức Cha đi Hà Nội. Các ngài ghé Nam Định, nơi các cha Dòng Đa Minh đã xây cất 1 Đại Chủng viện lớn. Hôm đó lại trùng lễ Thánh Alberto cả, quan thầy của Đại Chủng viện này.

Trước khi vào Thành phố Hà Nội, các ngài ghé thăm Đại Chủng viện Kẻ Sở thuộc Giáo phận Hà Nội và dùng cơm trưa tại đó. Nơi đây, một số linh mục Phát Diệm đã được đào tạo trước khi chia giáo phận (1901).

Khu vực Nhà thờ Chính tòa Hà Nội và con đường dẫn vào Phố Nhà chung đã được trang trí, cờ quạt sẵn sàng. Đúng 3 giờ chiều, chuông Nhà thờ Chính toà đổ hồi, báo tin cho dân chúng túc trực. Họ đứng chật ních trước Nhà thờ Chính tòa, học sinh nam nữ từ các trường Công giáo ùa tới, các hội đoàn Nghĩa Binh xếp hàng rước các Đức Cha vào thẳng Nhà thờ Chính tòa, 4 cây lọng vàng che 4 vị Giám mục: Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, Đức Cha Chaize Thịnh, Đức Cha Marcou Thành và Đức Cha già Gendreau Đông. Tới gian cung thánh, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng trong phẩm phục đại lễ bước lên tòa giảng. Ngài cám ơn Hội Thừa Sai Ba Lê đã mang tin mừng của Chúa đến đến Đàng Ngoài 300 năm trước; kể chuyện được Đức Giáo hoàng Piô XI truyền chức giám mục và cầu chúc cho Giáo hội Việt Nam trở nên trưởng nam của Giáo hội Đông Dương, kể tiếp chuyện đã tới Huế yết kiến Hoàng đế Bảo Đại; đặc biệt, ngài đề cao công ơn Đức Cha già Gendreau Đông, cầu chúc ngài khang an trường thọ; cuối cùng, ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài. Năm đó, ngài đã 66 tuổi.

Lúc 7 giờ tối, Giáo phận Hà Nội mở tiệc mừng lúc tại khuôn viên trường tư thục của giáo phận. 130 vị quan khách được mời. Bên cạnh 4 Giám mục có sự hiện diện của ông Tissot, Thống đốc Bắc Kỳ, cụ Thiếu bảo Hoàng Trọng Phu, cụ Thượng Hoánh, cụ Thượng Tường, cụ Đô đốc Thuật và rất đông chức sắc Việt và Pháp tòng sự tại Phủ toàn quyền Hà Nội. Tới phần uống sâm-banh, cụ Thượng Hoánh đứng lên đọc chúc từ bằng 2 thứ tiếng Việt và Pháp, để kết thúc ngày linh đình, trọng thể, trước khi quí khách ra về.

Ngày sau cùng, 17-11-1933, haiĐức Cha Phát Diệm ra Trường tư thục Giáo phận để dâng lễ cho dân chúng. Sau đó, các ngài đi thăm mấy cơ sở Nhà chung, sau cùng thăm Đại Chủng viện Xuân Bích tại Liễu Giai và dùng cơm trưa ở đó. Ban chiều, haiĐức Cha tới thăm ông Thống sứ Bắc Kỳ, thăm Hoà thượng Đỗ Văn Hỉ tại chùa Bà Đá. Bỏ Hà Nội, haiĐức Cha đi Hà Đông thăm Cha Aubert, Tổng Đại diện Giáo phận và là Quản hạt vùng ngoại ô Giáo phận Hà Nội.

Tới đây, chúng tôi đã đưa độc giả đi du ngoạn trong một khoảng thời gian khá lâu, kể từ ngày 10-01-1933, khi Đức Cha Nguyễn Bá Tòng được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục tiên khởi người Việt (26).

  • Tiếp đó, ngày 01-05-1933, ngài xuống tầu Athos II đi Roma thụ phong giám mục. Ngài cũng qua Pháp làm quen nhiều cơ sở truyền giáo và tham quan nhiều thắng cảnh.
  • Ngày 13-09-1933, ngài đáp tầu hồi hương từ Marseille, ghé Palestine viếng Thánh địa và đi tiếp tới Singapore. Từ đây lấy xe lửa đi Thái Lan, rồi Nam Vang. Ngày 24-10-1933 về tới Sài Gòn.
  • Ngày 08-11-1933, đi Huế yết kiến Hoàng đế Bảo Đại.
  • Tới nhiệm sở Phát Diệm ngày 12-11-1933. Sau đó, đi thăm Hà Nội, giáo phận mẹ.
  • Ngày 18-11-1933, ngài trở lại Phát Diệm khởi công thi hành chức vụ giám mục.
  • Đức Cha già Marcou Thành đã tính toán và chuẩn bị sẵn sàng tất cả. Ngày 20-10-1935, ngài xin từ chức giám mục, về hưu trí tại Thanh Hoá.

3.Giám mục Phát Diệm

1/ Thi hành sứ vụ giám mục

Khi nhận chức Giám mục Việt Nam tiên khởi, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đã ở tuổi 66. Ngài cảm thấy gánh chủ chăn đè nặng trên vai, nên việc đầu tiên là lưu tâm đến việc tìm trong hàng giáo sĩ của giáo phận 1 vị linh mục có khả năng để san sẻ gánh nặng. Năm 1935, ngài chọn Linh mục Gioan Phan Đình Phùng, bổ nhiệm làm Cha tổng đại diện, kiêm Giám đốc Đại Chủng viện Thượng Kiệm và Bề trên Dòng Mến Thánh Giá Lưu Phương.

Hàng năm, ngài tổ chức tĩnh tâm cho các linh mục và truyền chức một số linh mục mới. Trong số đó, người viết còn nhớ 1 trong 6 vị tân linh mục năm 1934 là Cha Lê Quý Thanh (sau này sẽ là phó giám mục) và năm 1937 có 11 tân linh mục, trong số đó, có Linh mục Bùi Chu Tạo (sau này là giám mục chính tòa). Ước tính trong 10 năm tại chức, Đức Cha Nguyễn Nguyễn Bá Tòng đã truyền chức tổng cộng 50 linh mục.

Ngài mời 3 linh mục người Bỉ thuộc Hội Truyền Giáo, SAM (Société des Auxiliaires des Missionaires), tới phục vụ tại Phát Diệm: Linh mục Jacques Houssa (Cố Sang), người sẽ đi Mỹ và tìm được nhiều học bổng choPhát Diệm; Linh mục Dieudonné Bourguignon (Cố Bửu) làm giáo sư Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc, sau chuyển về Thượng Kiệm; Linh mục Robert Willichs (Cố Lịch hay Cố Uy) đã từng học Y khoa và cũng là kỹ sư, ngài cộng tác với các nữ tu săn sóc bệnh nhân tại nhà thương Phu Vinh, dậy Toán mấy lớp cao của Tiểu Chủng viện và lập nhà máy phát điện đủ sức cung cấp điện cho khu Nhà chung và vùng phụ cận.

2/ Hai cột thu lôi bảo vệ giáo phận

Ngay từ khi mới được trạch cử làm Giám mục Phát Diệm, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đã ao ước thiết lập 2 tu viện chiêm niệm, một nam một nữ, chuyên lo cầu nguyện cho giáo phận. Ngài coi đó là những cột thu lôi bảo vệ sự an ninh thiêng liêng cho giáo phận.

  1. Dòng Kín tại Trì Chính

Xây theo kiểu mẫu của Dòng Kín tại Lisieux (Pháp), được cất lên năm 1939 tại một khu đất rộng cạnh bờ sông Trì Chính. Mấy nữ tu Dòng Kín được mời sang từ Pháp. Rất tiếc, điều kiện khí hậu và địa điểm không thích hợp cho việc tu trì, vì quá gần đồn công an với tầng lầu cao và sau này, quân đội Pháp với một đơn vị trọng pháo tới chiếm đóng. Hoàn cảnh gây cản trở cho cuộc sống chiêm niệm, nên các nữ tu đã bỏ Phát Diệm và trở về Pháp. Cơ sở đó được dùng làm trụ sở nhà in Lê Bảo Tịnh và tờ nguyệt san Đường Sống. Năm 1965 bị bom Mỹ phá bình địa.

  1. Dòng khổ tu Châu Sơn

Toàn khu nhà dòng vốn là đồn điền của ông Lacombe (Nho Quan, Ninh Bình), nhưng sau khi ông qua đời, không có người thay thế trông coi. Linh mục Paul Henri Germain Delmas (Cố Pháp), thuộc Hội Thừa Sai Ba Lê, hồi đó đang làm chính xứ Ninh Bình biết câu chuyện, đã báo cho Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, để mua lại. Cha Delmas còn nhờ quả phụ Lacombe giúp mua cả khu đất chung quanh. Từ lâu, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng mong muốn có 1 đan viện trong Giáo phận Phát Diệm, cho nên ngàiđã liên lạc với Cha Henri François Denys Benois Thuận, Bề trên nhà mẹ Phước Sơn. Cha Bề trên gửi Cha Lê Hữu Từ, Phó Bề trên tu viện, cùng với 12 thầy tình nguyện đi lập nhà mới tại Nho Quan, Phát Diệm (27).

Cha Lê Hữu Từ và 12 tu sĩ đã cặm cụi lao động, vượt mọi khó khăn ban đầu, biến đổi miền rừng núi hoang vu, đầy sỏi đá thành một tu viện. Các ngài đã xây cất 1 thánh đường rộng lớn, nguy nga, ở đó, đêm ngày đã vọng lên tiếng hát du dương của những đan sĩ đắc đạo ca ngợi Thiên Chúa. Và cũng từ đây, tiếng chuông thánh đường sẽ ngân vang trong không gian tĩnh lặng của núi rừng trầm mặc. Tu viện Châu Sơn bắt đầu phát triển lớn mạnh.

Tuy nhiên biến cố đau thương của quê hương cũng ập đến Châu Sơn. Tu viện lâm cảnh li tan (Xin đọc thêm về Đan Viện Châu Sơn ở Chương III, Mục VIII trên đây).

Vào Nam năm 1954 Châu Sơn dừng chân tại Phước Lý, sau thuyên chuyển về Đơn Dương (Đà Lạt). Anh em của các tu viện di cư đã thành công trong việc ổn định nhân sự và duy trì nếp sống chiêm niệm khổ tu. Năm 1961 Đan viện Xitô khổ tu Phước Sơn (Thủ Đức), Phước Lý và Đơn Dương được Tòa Thánh chấp nhận và nâng lên hàng Đan phụ viện. Các đan viện anh em đã liên kết thành Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, sát nhập Dòng Citeaux thế giới. Ngày 06-10-1964 hội dòng được Tòa Thánh châu phê và đặt dưới quyền của một Đan viện phụ Hội trưởng, do các tu sĩ lựa chọn. Hiện nay Đan viện phụ Duy Ân Vương Đình Lâm (Phước Sơn) là Đan viện phụ Hội trưởng và Đan viện phụ Nguyễn Văn Thất là tổng quản lý (28).

3/ Các công trình khác

Xây cất thêm các cơ sở

Trong 10 năm tại chức, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đã cho xây cất một số cơ sở sau đây :

  1. Dòng Mến Thánh Giá Lưu Phương bằng tiền riêng, ngài cho xây nhà tập Dòng Mến Thánh Giá Lưu Phương, giúp bảo toàn ơn gọi nữ tu. Năm 1968, nhà này bị bom Mỹ phá hủy.
  2. Trường Thử tại Trì Chính để thu nạp và đào luyện các học sinhcó chí hướng đi tu.
  3. Đền Đức Mẹ Nam Dân: Ngài mua khu đất gần chợ Nam Dân, đối diện phố Thượng Kiệm, trong chương trình xây cất Đền Đức Mẹ nhằm thỏa mãn lòng sùng kính của con dân Phát Diệm đối với Đức Trinh Nữ. Nhưng cuộc di cư vĩ đại năm 1954 làm ngưng trễ công cuộc xây cất. Sau đó, khu đất bị nhà cầm quyền trưng thu.
  4. Nhà nghỉ mát Kim Đài: Ngài cho xây 1 nhà nghỉ mát cho giáo sĩ tại Kim Đài, trước cửa vịnh Bắc Việt, nơi chứng kiến dòng nước thủy triều lên xuống mỗi ngày.

  1. Hội quán Nam Thanh: Hội quán Nam Thanh (có tài liệu ghi là Kim Thanh, cách đặt tên giống như Kim Sơn, Kim Tùng ?) hay còn gọi là Nhà Hát Lớn, Nhà Hát Nam Thanh. Thời Cụ Sáu Trần Lục, Phát Diệm thường tổ chức những điệu múa, dâng hoa, có khi làm sân khấu có mái che bằng chiếu để diễn các vở kịch «Các Thánh Tử Đạo», kịch «Thương Khó Chúa Giêsu»…Đức Cha Tòng vốn là tác giả vở tuồng «Thương Khó» nổi tiếng ở miền Nam. Khi về Phát Diệm, nhận thấy giáo dân yêu thích kịch nghệ, cho nên ngài quyết định xây một Hội quán làm nơi diễn kịch. Ngài cũng muốn cho giáo dân Phát Diệm được thưởng thúc vở tuồng «Thương Khó» do ngài biên soạn. Hội quán có tên là Hội quán Nam Thanh, nằm kế bên khuôn viên quần thể thánh đường Phát Diệm về phía Tây. Hội quán Nam Thanh có nhiều công dụng, vừa để diễn kịch vừa để tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị hoặc mở các lớp huấn luyện cấp giáo phận. Hội quán cũng như Nhà thờ Chính toà Phát Diệm đã bị đánh bom vào ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời 15-8-1972. Nhà thờ Chính toà hư hại nặng, còn Hội quán thì bị phá gần như bình địa. Nhân dịp ông Tổng bí thư Đỗ Mười về thăm Phát Diệm, Đức Cha Bùi Chu Tạo có ngỏ ý xin trùng tu, nhưng ông bảo hãy giữ nguyên như thế để mọi người thấy rõ tội ác của Mỹ. Nhưng rồi tới năm 1995, chính quyền trả lại cho Nhà chung và Đức Cha phó Nguyễn Văn Yến đã cho tái tạo Nhà Hội quán giống như xưa.Ngoài những cơ sở trên đây, người ta không thể không nhắc tới một công trình to lớn khác của Đức Cha Nguyễn Bá Tòng. Đó là đập Kim Tùng.
  2. Đập Kim Tùng: Danh xưng Kim Tùng nhằm ghi nhớ công ơn Đức Cha Nguyễn Bá Tòng (Tùng : Tòng). Xin nhắc lại: Sông Hồng với các chi nhánh bồi thêm cho vùng đồng bằng ven biển 100m đất phù sa trù phú mỗi năm. Sau 100 năm tăng thêm 10 cây số. Đây là đất trời cho, nhưng ban đầu còn ngập mặn. Vì thế để có thể canh tác, cần đắp đê chặn nước biển. Trong khi chờ thiên nhiên cải lọc nước mặn, người ta trồng cói, vì gốc cây cói có sức giữ đất phù sa, khiến cho đất mỗi ngày một cứng thêm. Vùng Phát Diệm dân cư đông đúc. Đắp đê là vây kín một vùng mấy chục ngàn mẫu đất, tạo cơ hội cho dân chúng tụ về lập nghiệp. Để ngăn mặn, cứu lấy đồng ruộng cho nông dân, Đức Cha Tòng đã góp một phần lương thực và đứng ra tổ chức dân chúng góp công sức đắp con đê dài 10 cây số, có sức bảo vệ mùa màng cho nhiều làng mạc phía trong đê; đồng thời, các giáo xứ Tân Khẩn, Như Tân, Tân Mỹ, Tùng Thiện, Kim Tùng (năm 1953 đổi thành Cồn Thoi) cũng dần dần được thành lập.Để ghi nhớ sự nghiệp của ngài, Triều đình Huế đã khen thưởng ngài Nam Long bội tinh và Kim khánh; chính phủ Pháp cũng tặng ngài huy chương Bắc đẩu Bội tinh. Chính Đô đốc Decoux, Toàn quyền Đông Dương đã về gắn huy chương cho ngài tại Phát Diệm ngày 03-12-1940, nhân dịp lễ tấn phong giám mục cho Cha Gioan Phan Đình Phùng.

4/ Sự nghiệp tinh thần

Đức Cha Nguyễn Bá Tòng nổi tiếng có tài giảng thuyết. Ngài đã viết và giảng thuyết nhiều, cả bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Một số những công trình này còn tồn tại tới ngày nay, nhưng một số đã thất lạc với thời gian. Chúng tôi xin liệt kê sau đây những công trình này:

*Mgr Pigneau de Béhaine (Đức Cha Bá Đa Lộc), Hà Nội, 03-01-1937

*Đi dự đại hội Thánh Thể quốc tế tại Thủ đô Phi Luật Tân : « Evangélisation des Pécheurs : Cuộc truyền giáo của các cha Dòng Thuyết Giáo », Manille, 3-7 tháng 2 năm 1937.

*Temps nouveaux doctrines nouvelles : Thời cuộc mới, lý thuyết mới, Huế, 1937, nhân dịp lễ truyền chức giám mục cho Cha François Lemasle (Lễ).

*Lời chúc lành (20-04-1937), tinh thần người làm văn hóa.

Le Père Six, Curé et Baron de Phat Diệm : Cha Trần Lục, chính xứ và bá tước Phát Diệm, Hà Nội, 1938.

*Sermons catéchistiques : Các bài giảng về giáo lý, Qui Nhơn, 1939.

*Bài điếu văn lễ quy lăng Đức Cha A. Marcou Thành, 1939, Thanh Hoá, do Đức Khâm sứ Dreyer chủ tọa, với sự hiện diện 7 giám mục Pháp, Việt.

Những bài thuyết giảng còn nghe kể, nhưng đã thất lạc. Chúng tôi rất cám ơn quí vị nào có thể chỉ giáo để tìm lại :

*Les Martyrs d´Annam.

*Enquête de la Vérité : Đi tìm chân lý, 1937.

*Evangélisation de l´Indochine : Cuộc truyền giáo tại Đông Dương, 1938.

*La Papauté : Quyền bính giáo hoàng, 1940.

*Le Salut du monde par le Christ : Chúa Kitô cứu chuộc thế giới,1940.

*Apparition et Miracles de Lourdes : Đức Mẹ hiện ra và phép lạ Lộ Đức.

*Le sens de Vie: Ý nghĩa đời sống.

*Sermons cathéchistiques.

4.Mệnh chung

Khi về nhận chức giám mục Việt Nam tiên khởi tại Phát Diệm, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đã 66 tuổi đời. Mười năm tại chức, Đức Cha vất vả mang gánh nặng mục vụ trên vai. Vì thế, Toà Thánh bổ nhiệm Cha Phan Đình Phùng làm giám mục phó, để chia bớt gánh nặng cho ngài. Lễ truyền chức giám mục cho Cha Phan Đình Phùng được tổ chức ngày 03-02-1940 tại Nhà thờ Chính toà Phát Diệm. Sau đó, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng xin nghỉ hưu và ngày 27-12-1943, ngài đi dưỡng bệnh tại Xuân Đài, thuộc Giáo phận Bùi Chu.

Bất ngờ, trong chuyến viếng thăm mục vụ Tu viện Châu Sơn, Đức Cha Phan Đình Phùng cảm thấy khó chịu và đột ngột qua đời ngày 28-05-1944, sau ba năm rưỡi làm gám mục và mới chính thức cầm quyền giáo phận được 5 tháng, hưởng thọ 53 tuổi.

Linh cữu của Đức Cha Phan Đình Phùng được đưa về quàn tại Phương đình để giáo dân tới kính viếng. Sáng ngày 14-07-1944, lễ an táng cử hành long trọng tại Nhà thờ Chính tòa. Sau lễ, ngài được an táng ngay giữa gian cung thánh.

Đức Cha Phan Đình Phùng qua đi, Giáo phận Phát Diệm trống ngôi. Toà Thánh tạm thời xin Đức Cha Nguyễn Bá Tòng về làm giám quản. Khi Đức Cha Lê Hữu Từ được đặt làm giám mục Phát Diệm, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng truyền chức giám mục cho ngàingày 25-10-1945, rồi Đức Cha Tòng lại trở về Xuân Đài để nghỉ hưu.

Vào dịp lễ kim khánh linh mục của Đức Cha Nguyễn Bá Tòng ngày19-9-1946, Đức Cha Lê Hữu Từ mời ngài về Phát Diệm, để con cái xưa lại được chiêm ngưỡng và chúc mừng. Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đã trở lại Phát Diệm, không những vào dịp lễ kim khánh linh mục, mà cuối tháng 6 năm 1949, ngài còn đổi ý về ký thác đời mình chính nơi Toà Thánh đã bổ nhiệm ngài làm giám mục năm xưa (1933). Giữa đoàn con qui tụ tại Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm, Đức Cha Tòng đã bộc lộ tâm tình rất xúc động: «Hôm nay tuổi già, sức yếu, tôi ý thức mình không sống được bao lâu nữa. Tôi sợ phải chết xa anh chị em, do đó thu xếp về đây, để hy vọng được chết giữa anh chị em. Xin mọi người cầu nguyện cho tôi được dọn mình chết lành. Tôi xin sống gửi nạc, thác gửi xương ở Phát Diệm này».

Đức Cha Nguyễn Bá Tòng sang nghỉ tại bệnh viện Phu Vinh của giáo phận được 10 ngày, rồi ra đi vĩnh viễn ngày 11-07-1949, hưởng thọ 81 tuổi. Hôm sau, rước quan tài ngài sang quàn ở Phương đình, để tiện cho giáo dân kính viếng và cầu nguyện. Sáng ngày 14-07-1949, rước linh cữu chung quanh ao hồ, rồi về Nhà thờ Chính toà. Thánh lễ an táng do Đức Cha Lê Hữu Từ chủ tế, rồi hạ huyệt ngay trong gian cung thánh, bên cạnh mộ Đức cố Giám mục A. Marcou Thành, thể hiện lời ước nguyện chân tình đã một lần ngài thốt lên: «sống gửi nạc, thác gửi xương» tại Phát Diệm.

(Trích Lịch Sử Giáo phận Phát Diệm, Vinhsơn Trần Ngọc Thụ, Roma 2001, có nhuận sắc).

Nguồn: Giáo phận Phát Diệm