30/09 – Thứ Sáu tuần 26 thường niên. – Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

“Ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy”. 

Lời Chúa: Lc 10, 13-16

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi. “

Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục. “Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy”.

Suy niệm: Kẻ thù đáng sợ của luân lý là sự dửng dưng; đối thủ của đức tin không phải là bè rối, nhưng là sự dửng dưng; điều đáng sợ với sự sống không phải là sự chết, mà là sự dửng dưng… Ta có thể tìm thấy vô vàn câu nói tương tự của các danh nhân cảnh báo về mối nguy của lòng dửng dưng, sự lãnh đạm trong đời sống hằng ngày, mối nguy tác hại hơn ta tưởng nhiều. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cũng cho thấy do sự dửng dưng, lãnh đạm, người dân các thành quanh bờ hồ Ga-li-lê đã phớt lờ, không chú tâm đến các phép lạ kỳ diệu, cũng chẳng quan tâm gì đến lời rao giảng ấn tượng của Ngài. Hậu quả là họ không hoán cải, chẳng thay đổi đời sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, và vì thế, bị chúc dữ.

Mời Bạn: “Khi đời bạn dửng dưng với Đức Ki-tô phục sinh, chỉ quan tâm nửa vời tới vài điều răn thì có ngày bạn sẽ… khóc than vì đã không thay đổi” (D. Akin). Cảnh báo trên đây có thể hợp với bạn –dù bạn là môn đệ Chúa Ki-tô– khi bạn chưa dành cho Đức Ki-tô phục sinh vị trí cao nhất trong đời mình, cũng chẳng xác tín sống điều răn mến Chúa yêu người tóm tắt tất cả cách hành xử của một môn đệ Chúa Ki-tô như bạn.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ cố gắng đọc giờ kinh tối tại gia đình, quan tâm ghi nhớ Lời Chúa đọc trong giờ kinh tối, cũng như trong bài Tin Mừng trong thánh lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xin lỗi Chúa vì nhiều lúc làm cho Chúa buồn sầu, thương tiếc khi con vô cảm, lãnh đạm, dửng dưng trước Lời Chúa mời gọi hay chểnh mảng không thực hành điều răn mến Chúa yêu người. Xin giúp con thật sự hoán cải, thay đổi lối nghĩ, cách sống của mình. Amen.

29/09 – Thứ Năm tuần 26 thường niên. – CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAE, GABRIE, RAPHAE. Lễ kính.

“Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

Lời Chúa: Ga 1, 47-51

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: “Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanaen đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”.

Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”.

Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

Suy niệm: Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Chúa là ‘Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.’ Các thiên thần chính là những tạo vật vô hình đó. Sứ mạng của các ngài là phụng sự Thiên Chúa (Mi-ca-en, Gáp-ri-en; bài đọc I, Tin Mừng) và phục vụ con người (Ra-pha-en). Các ngài cũng bị thử thách để tỏ lòng trung tín với Chúa, và một số thiên thần bội phản bị phạt là ma quỉ (GLCG số 311; 391; cf bài đọc II). Tuy thiêng liêng, các ngài lại rất gần gũi với chúng ta như bạn hữu để giúp đỡ chúng ta trong cuộc chiến thiêng liêng. Giáo Hội muốn chúng ta sống thân mật với các thiên thần, nhất là thiên thần bản mệnh của mỗi người.

Mời Bạn: Các thiên thần là gạch nối giữa Thiên Chúa và con người: “Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” Học gương của các thiên thần trong việc phụng sự Thiên Chúa. Đừng nói “Non serviam” (Tôi bất tuân phục) như Sa-tan, nhưng mau mắn thực hiện ý Chúa như Gáp-ri-en. Cũng học gương các ngài để tận tình phục vụ anh chị em như Ra-pha-en (cf. truyện Tô-bi-a).

Sống Lời Chúa: Tin Mừng kể lại rằng khi Chúa giáng sinh, các thiên thần ca hát chúc tụng Chúa (cf.Lc 2,13); khi Đức Giê-su chịu cám dỗ, các thiên thần đến hầu hạ Người (cf.Mt 4,11), và trong cơn hấp hối ở Vườn Cây Dầu, Đức Giê-su cũng được các thiên thần đến an ủi (cf.Lc 22,43). Bạn hãy là một ‘thiên thần’ chia vui sẻ buồn với anh chị em xung quanh.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần, con xin đàn ca kính Chúa” (Tv 137,1).

28/09 – Thứ Tư tuần 26 thường niên.

“Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy”.

Lời Chúa: Lc 9, 57-62

Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy”. Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu”.

Người bảo một kẻ khác rằng: “Hãy theo Ta”. Người ấy thưa: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã”. Nhưng Người đáp: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”.

Một người khác thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã”. Nhưng Chúa Giêsu đáp: “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”.

Suy niệm: Tin Mừng hôm nay trình bày cho ta về ba loại ứng viên môn đệ của Thầy Giê-su: – tự nguyện xin theo; – được chính Thầy Giê-su gọi; – đi theo với điều kiện. Thầy Giê-su có câu trả lời rất riêng với từng loại người, tựu trung đòi hỏi ba điều kiện: (1) chấp nhận đời sống phiêu lưu, nghèo khó; (2) đặt Nước Trời ở vị trí ưu tiên cao nhất; (3) dứt khoát và hy sinh. Theo Thầy Giê-su, trở thành môn đệ của Ngài, là “Một sự lựa chọn tự do và có ý thức, xuất phát từ tình yêu thương, để đáp lại ân sủng vô giá của Thiên Chúa, chứ không phải là đánh bóng bản thân” (Đức Phanxicô). Theo Thầy Giê-su là cùng mơ, hiện thực ước mơ của Ngài: lửa mến bùng cháy. Theo Thầy Giê-su là cùng Ngài “lên Giê-ru-sa-lem” (c.51).

Mời bạn: “Sequela Christi” (theo Đức Ki-tô) là việc họa lại nếp sống tại thế của Ngài, tận hiến cho sứ vụ phục vụ Nước Thiên Chúa, thông dự vào mầu nhiệm Vượt Qua. Lời mời gọi này không phải lúc nào cũng dễ đáp trả, đòi hỏi người môn đệ luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường, làm chứng cho các giá trị Tin Mừng. Bạn có muốn và sẵn sàng đáp lại, bước theo Thầy Giê-su chưa?

Sống Lời Chúa: Quan tâm, nghiêm túc “xem xét” tiếng gọi Theo Thầy Giê-su trong lòng bạn, trong bậc sống, để dấn thân cho Ngài cách cụ thể, hiệu quả hơn: sống ơn gọi tu trì hay gia đình, làm chứng trong hoàn cảnh, môi trường riêng của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, lời mời gọi của Ngài luôn mới mẻ, đang khi cách chúng con đáp trả chẳng luôn dứt khoát và sẵn sàng. Xin cho chúng con nghiệm thấy tình thương của Chúa trong đời mình và dấn thân hơn nữa cho tình yêu ấy.

27/09 – Thứ Ba tuần 26 thường niên. – Thánh Vinh sơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ.

“Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem”.

Lời Chúa: Lc 9, 51-56

Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người.

Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?”

Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Và các Ngài đi tới một làng khác.

Suy niệm: Dân chúng một làng xứ Sa-ma-ri lạnh lùng không đón tiếp thầy trò Đức Giê-su cũng là điều dễ hiểu vì giữa họ với người Do Thái vốn đã có mối hiềm khích truyền kiếp; hơn nữa, Ngài đi lên Giê-ra-sa-lem chứ đâu có dừng lại ở đền thờ Ga-ri-dim của họ. Thế nhưng, thái độ “cáo mượn oai hùm” của Gia-cô-bê và Gio-an mới là đáng trách. Chứng kiến các dấu lạ mà Thầy Giê-su đã làm, các ông tưởng rằng mình là môn đệ của Ngài thì mình có quyền dựa hơi Thầy thi thố quyền năng để trả thù vặt những người Sa-ma-ri. Thái độ cậy quyền thế đầy tính thế tục đó hoàn toàn trái ngược với tính cách hiền lành, khiêm nhường của Thầy Giê-su, Người “đến để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ” (x. Mc 10,45)

Mời Bạn: Cứu thế là hy sinh quên mình, cho đi cả sự sống mình, chứ không phải dùng quyền uy thống trị và hủy diệt. Nhiều bạo chúa độc tài đã sử dụng quyền lực để củng cố địa vị cá nhân, đàn áp dân nghèo, khử diệt người chống đối, gây bao gây khổ đau cho đồng bào mình cũng như các dân tộc khác. Bạn học được bài học cơ bản ấy để rồi noi gương Chúa Giê-su, bạn dùng khả năng, quyền lực… để phục vụ người thân, người lân cận, không đè nén họ.

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm Đức Giê-su, Đấng “không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói” và làm một việc thể hiện lòng nhân ái và tinh thần phục vụ với người thân cận trong gia đình và trong cộng đoàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con làm chủ được sự nóng nảy của con để có thể sống tình bác ái. Amen.

26/09 – Thứ Hai tuần 26 thường niên.

“Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.

Lời Chúa: Lc 9, 46-50

Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.

Gioan lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con”.

Suy niệm: Nói đến trẻ em là nói đến tính cách nổi bật của chúng: sự đơn sơ. Trẻ em luôn bày tỏ lòng yêu mến cha mẹ cách chân thành chỉ vì đó là cha mẹ của chúng; chúng luôn đặt một sự tin tưởng tuyệt đối vào cha mẹ: mọi sự lý giải chỉ có giá trị nhờ vào thế giá của cha mẹ chúng; với chúng chỉ cần có cha mẹ bên cạnh là đủ. Người có tinh thần đơn sơ như trẻ nhỏ chính là người biết đặt niềm tin và hoàn toàn phó thác mọi sự trong tay Chúa vì lòng mến yêu và tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài. Họ nhìn thấy Thiên Chúa đang hoạt động nơi họ và trong thế giới này và hết lòng tin tưởng rằng Ngài sẽ làm cho tất cả trở nên tốt đẹp hoàn hảo. Nơi họ chỉ có kế hoạch của Chúa, chỉ có bận tâm tìm điều Chúa muốn nơi mình và làm theo điều ấy mà thôi, đó chính là nhân đức đơn sơ theo tinh thần của Tin Mừng.

Mời Bạn: Thiên Chúa mời gọi chúng ta biết sống chân thành đơn sơ với Ngài: biết bỏ qua những bận tâm để không quá quay quắt với những lo toan và đau khổ thường ngày, nhưng hết lòng tin tưởng rằng Người luôn yêu thương hết mực và luôn ban điều tốt đẹp nhất cho chúng ta. Bạn có sẵn sàng để sống sự đơn sơ như Chúa muốn không?

Chia sẻ: Chia sẻ một trải nghiệm của mình về một lần được Chúa yêu thương và xếp đặt những khó khăn, làm cho nó trở nên kết thúc tốt đẹp như thế nào?

Sống Lời Chúa: Đọc và suy gẫm: “Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm lòng mến cho con, để con dám can đảm tin tưởng và phó thác hoàn toàn cuộc đời con trong tay Ngài. Amen.

Tháng Mười :THÁNG MÂN CÔI

Ý cầu nguyện: Cầu cho Giáo hội mở ra với mọi người. Xin cho Giáo hội luôn trung thành và can đảm trong việc rao giảng Tin mừng, để Giáo hội là một cộng đoàn của tình liên đới, huynh đệ và chào đón mọi người, luôn sống trong bầu không khí hiệp hành.

“Kinh Mân Côi, dù rõ ràng gắn liền với Đức Maria, chủ yếu là một lời kinh lấy Đức Kitô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị của các yếu tố, lời kinh có được chiều sâu của toàn bộ sứ điệp Tin Mừng, mà ta có thể gọi là một bản tóm lược. Qua lời kinh ấy vang vọng lại lời kinh của Đức Maria, kinh Magnificat ca ngợi việc Nhập thể và Cứu chuộc đã khởi sự trong cung lòng trinh khiết của ngài. Với Kinh Mân Côi, dân Kitô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Kitô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua Kinh Mân Côi các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế.” (Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ngày 16.10.2002, số 1).

Những ai lần chuỗi Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện, hoặc trong gia đình, trong cộng đoàn tu, trong hội đoàn giáo dân, hoặc khi có nhiều người họp nhau nhằm mục đích tốt, thì được hưởng một ơn toàn xá; trong những hoàn cảnh khác, thì được hưởng một ơn xá từng phần. (Enchiridion Indulgentiarum, an bàn 1999, concessio 17, §1,1°)

  1. Xin anh chị em cùng thực hiện việc lần chuỗi Mân Côi liên kết nơi gia đình, trong các đoàn thể,nơi các lớp giáo lý, các giáo khu,…Xin đăng ký với trưởng khu để cùng đọc kinh liên gia trong suốt tháng Mân Côi
  2. Thứ bảy tuần này ca đoàn Teresa xin mừng bổn mạng lúc 17 giờ 30. Xin chúc mừng và hiệp thông cầu nguyện.
  3. Số tiền anh chị em giúp cho việc bác ái tuần trước được 152 triệu, trong đó có 2 vị chuyển khoản cho cha sở 100 triệu. Xin chân thành cám ơn sự chia sẻ của anh chị em.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

25/09 – CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN năm C.

“Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ”.

Lời Chúa: Lc 16, 19-31

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy.

Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng: “Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này’. Abraham nói lại: ‘Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được’.

“Người đó lại nói: ‘Đã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này’. Abraham đáp rằng: ‘Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài’. Người đó thưa: ‘Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải’. Nhưng Abraham bảo người ấy: ‘Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu’”.

Suy niệm: Điểm đáng lưu ý trong dụ ngôn ông nhà giàu và La-da-rô không phải sự khác biệt mà là điểm tương đồng trong thân phận của hai người: đó là cả hai người cuối cùng đều chết; và tiếp đến nếu những thức ăn thừa mứa rớt xuống từ bàn ăn của ông nhà giàu không thể đến được tay La-da-rô thì ngược lại một giọt nước mát từ ngón tay La-da-rô đang ngồi trong lòng Áp-ra-ham cũng không thể nhỏ xuống đầu lưỡi của ông nhà giàu trong âm phủ. Trong xã hội văn minh hiện đại vẫn tồn tại thứ vực thẳm ngăn cách ấy nhưng lớn hơn nhiều: bờ bên này vực thẳm là những người ăn một tô súp giá hằng trăm đô với những thìa muỗng mạ vàng, bờ bên kia là những người bới móc trong các núi rác tìm kiếm những mảnh thức ăn thừa. Nếu như ngay trong thế giới này không san lấp được vực thẳm ấy, thì nó sẽ vẫn tiếp tục tồn tại trong thế giới bên kia với số phận đôi bên bị đảo ngược; lúc ấy “bên này muốn qua bên đó” cũng không thể được nữa.

Mời Bạn: Dù bạn chưa phải là tỷ phú, bạn cũng có thể vô tình hay hữu ý đào ra những hố ngăn cách kiểu đó giữa bạn với tha nhân do lối sống hưởng thụ ích kỷ của mình. Bạn hãy san lấp những hố ngăn cách đó bằng một lối sống biết chia sẻ với tha nhân vì theo lời thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, “người giàu không phải là người sở hữu nhiều của cải mà là người có khả năng cho đi.”

Sống Lời Chúa: Trích một phần thu nhập của mình để dành vào việc chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sẵn sàng chia sẻ để con trở nên giống Đức Giê-su, Con Chí Ái Chúa hơn.

24/09 – Thứ Bảy tuần 25 thường niên.

“Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy”.

Lời Chúa: Lc 9, 43b-45

Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”.

Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.

Suy niệm: Chúa Giê-su vừa cho các môn đệ biết Ngài sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết. Tất nhiên các ông hiểu Chúa nói những gì. Nhưng các ông không hiểu tại sao Thầy lại phải chết như thế, tại sao với biết bao quyền năng trổi vượt, Thầy không trở thành một vị vua bách thắng, bá chủ thiên hạ. Là học trò, không hiểu bài cũng là chuyện bình thường. Điều bất thường là các ông đã sợ và không dám hỏi Chúa. Phải chăng mối quan hệ thầy trò, dĩ nhiên là từ phía các ông, vẫn chưa đạt tới mức thân tình để các ông có thể chia sẻ tâm sự cách cởi mở với Thầy mình? Điều đáng sợ hơn: không dám hỏi vì các ông không đồng quan điểm với Thầy mình. Trong khi Thầy dạy sống khiêm nhường phục vụ, các ông bận tâm tranh cãi xem ai làm lớn hơn. Trong khi Thầy theo đuổi con đường cứu thế bằng thập giá, các ông lại tìm kiếm vinh quang và quyền lực. Chưa từ bỏ mọi sự để theo Thầy, các ông sẽ vẫn còn sợ Thầy.

Mời Bạn: Bạn có dám hỏi Chúa mỗi khi bạn gặp những vấn nạn, cuộc đời bạn gặp phải bế tắc? Hay bạn không dám hỏi vì thấy trước Chúa sẽ đặt ra cho bạn những đòi hỏi mới? Bạn cứ đến bộc lộ với Thầy Giê-su tất cả nỗi niềm của bạn đi. Thầy sẽ dắt bạn theo con đường thập giá như Ngài đã đi, nhưng bạn nhớ con đường đó sẽ dẫn bạn tới vinh quang phục sinh đấy.

Chia sẻ: Đã có lần bạn tìm kiếm và chọn theo ý Chúa. Mời bạn chia sẻ kinh nghiệm đó.

Sống Lời Chúa: Ôn lại một biến cố trong đời bạn để nghiệm ra ý Chúa qua biến cố đó.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con, lối bước của Ngài.”

23/09 – Thứ Sáu tuần 25 thường niên. – Thánh Piô Pietrelcina, linh mục. Lễ nhớ.

“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ”.

Lời Chúa: Lc 9, 18-22

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?”

Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”.

Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”

Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Suy niệm: Nếu có người nói yêu bạn chỉ vì bạn giông giống một ai đó, và bạn chỉ được yêu như một người thay thế cho người kia thì không biết bạn thất vọng đến chừng nào, và hẳn bạn đâu muốn được yêu trong vai “người đóng thế”. Từ kinh nghiệm đó chúng ta có thể hiểu được tâm tình của Chúa Giê-su đâu có muốn các tông đồ chỉ biết “người ta bảo Đức Giê-su là ai” rồi thôi! Quả thật các tông đồ có thể nêu rất nhiều “thông tin” về Thầy là Ê-li-a, là Gio-an Tẩy Giả, hay là một tiên tri nào đó. Dù người ta xếp Chúa vào hạng những người đáng kính trọng… thì cũng mới gần đúng thôi, nghĩa là chưa đúng một tí nào! Chúa Giê-su gọi Phê-rô là người có phúc (Mt 16,17) chẳng những bởi ông được Chúa Cha mạc khải để nói rất chính xác, mà còn vì ông nói lên lời tuyên xưng của chính mình và với tất cả xác tín: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”

Mời Bạn: Bạn là một trong số hơn một tỷ người được mệnh danh là Ki-tô hữu, bạn có thể trả lời câu hỏi: “Đối với bạn, Đức Giê-su là ai?” một cách chính xác và xác tín như thánh Phê-rô chưa? Bạn nhớ, Chúa không thích bạn trả lời trong vai “người đóng thế” mà thích chính bạn trả lời bằng lời tuyên xưng cũng của chính bạn.

Chia sẻ : Sống đời Ki-tô hữu cách gương mẫu là làm chứng cách mạnh mẽ nhất về niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Năng đọc suy gẫm Lời Chúa và học hỏi Lời Chúa để biết và yêu mến Đức Giê-su.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết theo Chúa, sống cho Chúa và đặt Chúa trên mọi sự của đời con để con đạt tới hạnh phúc đích thực. Amen.