31/10 – Thứ Hai tuần 31 thường niên.

“Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật”.

Lời Chúa: Lc 14, 12-14

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng: “Khi ông dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông.

Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn”.

Suy niệm: “Tình yêu vô điều kiện (agape) không yêu người khác vì họ xứng đáng. Tình yêu vô điều kiện ấy làm cho họ xứng đáng bằng sức mạnh và quyền năng của tình yêu. Tình yêu vô điều kiện không yêu người khác vì họ xinh đẹp, nhưng yêu theo cung cách ấy làm họ trở nên xinh đẹp” (R. Bell). Ta sẽ không có cơ hội tổ chức tiệc tùng với khách mời là người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Lời Chúa không hiểu theo nghĩa đen mặt chữ, nhưng mời gọi ta đi vào tinh thần người môn đệ Đấng Phục sinh: sống ý hướng vô vị lợi, vô cầu trong mọi hành xử của mình. Chỉ có tình yêu theo kiểu agape ấy mới giúp ta sống cung cách vô điều kiện, bởi vì ta hướng đời mình đến thời cánh chung: được Chúa đáp lễ trong ngày kẻ lành sống lại.

Mời Bạn: “Agape, tình yêu của ta dành cho người khác, từ người gần nhất đến người xa nhất, thật sự là cách duy nhất Đức Giê-su ban cho ta để tìm thấy con đường cứu độ và các mối Phúc” (Đức Phanxico). Lâu nay bạn yêu thương theo cảm xúc, sự gắn bó, tình thân thiết; bạn thi ân mong được đền đáp cách nào đó. Lời Chúa hôm nay phải tạo một quyết tâm, dấu ấn cho đời Ki-tô hữu của mình.

Sống Lời Chúa: Tôi tập cho đi, ban tặng, nâng đỡ người nghèo khó, khuyết tật, bị gạt bên lề xã hội hơn là cho người thân quen của mình, để tập sống tình yêu vô vị lợi agape như Chúa dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn dành cho người yếu thế trong xã hội lòng yêu thương, sự quan tâm đặc biệt. Xin dạy con thực thi tình yêu vô vị lợi như Chúa đã nêu gương. Amen.

30/10 – CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN năm C.

“Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Lời Chúa: Lc 19, 1-10

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”.

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”.

Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Suy niệm: “Hôm nay có thể chỉ là một ngày khác hay rốt cuộc có thể là ngày bạn vượt lên, ra ngoài cái thông thường của mình” (S. Parker). Với ông Da-kêu, lẽ ra hôm nay cũng là một ngày như mọi ngày, tiền tiếp tục chảy vào gia sản kếch xù của mình. Thế nhưng, lạ lùng thay, lại là ngày Da-kêu mở kho tiền làm việc nghĩa! Sự hiện diện bất ngờ của Thầy Giê-su trong ngôi nhà bị coi là ô uế, đồng bàn với những người bị gán cho cái mác tội lỗi, niềm nở với người được gọi cách trìu mến là “con cháu tổ phụ Áp-ra-ham,” đã đem lại ơn đổi đời cho ông và gia đình. Quảng đại “rút ruột” phân chia nửa gia tài cho người nghèo, đền gấp bốn cho người bị thiệt hại – trong khi luật chỉ buộc đền gấp hai – là nghĩa cử cao đẹp ông có thể làm để đáp trả vị Thầy đáng mến ấy.

Mời Bạn: “Có hai ngày trong năm ta không thể làm gì cả. Một là ngày hôm qua, hai là ngày mai. Hôm nay chính là ngày bạn hãy yêu, tin, làm và chủ yếu là sống” (Đức Dalai Lama). Hôm nay vị Thầy Giê-su cũng thân hành đến thăm căn nhà, tâm hồn bạn. Tựa như Da-kêu ngày xưa, bạn hãy đón tiếp Ngài với cả lòng tin yêu, đáp trả tấm lòng của Ngài bằng quyết tâm thực hiện một thay đổi quan trọng nào đó trong lối nghĩ, lối sống của mình để thực thi điều răn lớn nhất mến Chúa yêu người bạn nhé!

Sống Lời Chúa: Tôi thực hiện quyết tâm trên đây.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, không ai lọt khỏi tầm nhìn của Chúa: với Gia-kêu, Chúa nhìn lên; với người khác, Chúa lại nhìn xuống… Xin cho con luôn xác tín mình đang sống trong cái nhìn yêu thương của Ngài. Amen.

Tháng 11: THÁNG CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

Ý cầu nguyện: Cầu cho các trẻ em chịu đau khổ. Xin cho những trẻ em đang chịu đau khổ, nhất là những trẻ em vô gia cư, mồ côi và nạn nhân chiến tranh; được hưởng một nền giáo dục và có cơ hội sống trong tình yêu gia đình.

Ngay từ buổi đầu Kitô giáo, Hội thánh lữ hành đã hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã qua đời, vì cầu nguyện để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành thánh (x. 2Mcb 12,45). Chúng ta hãy dâng Thánh lễ và các việc lành để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.

  1. Giờ lễ 01/11 và 02/11 như bình thường: Sáng 5g00; 6g15. Chiều: 17g30 và 19g00. Thánh lễ đồng tế lúc 19 giờ 00 thứ tư 02/11 cầu nguyện đặc biệt cho các linh hồn đang an nghỉ nơi nhà chờ Phục Sinh.
  2. Hướng tới kỷ niệm 5 năm khánh thành Nhà Chờ Phục Sinh, trong Thánh lễ đồng tế lúc 19 giờ ngày 02/11/2022, cha Sở sẽ cầu nguyện đặc biệt cho các ân nhân và anh chị em đã cộng tác giúp xây dựng và bảo trì chung cư hạnh phúc của giáo xứ.
  3. Số tiền anh chị em giúp cho Quỹ Truyền Giáo tuần qua được 210 triệu đồng. Xin cám ơn anh chị em.

Lưu ý: Về việc viếng nhà thờ và viếng nghĩa địa:

1. Từ trưa ngày Lễ Các Thánh cho đến nửa đêm ngày lễ Cầu cho các tín hữu đã qua đời, ai viếng nhà thờ hoặc nhà nguyện, đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính, với những điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ, và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng), thì được hưởng một ơn đại xá, nhưng phải nhường lại cho các linh hồn. Mỗi ngày được hưởng một lần mà thôi. Ai bị ngăn trở, có thể viếng nhà thờ, nhà nguyện, lãnh ơn đại xá vào Chúa nhật trước hay Chúa nhật sau. (Enchiridion Indulgentiarum, ẩn bản 1999, concessio 29, §1, 2°)

2. Từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 11 này, ai thành tâm đi viếng nghĩa địa, và dù có cầu nguyện thầm cho các linh hồn, thì cũng được hưởng một ơn đại xá, với những điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ, và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng), nhưng phải nhường lại cho các linh hồn. Trong tám ngày, mỗi ngày được hưởng một lần mà thôi. (Enchiridion Indulgentiarum, án bản 1999, concessio 29, §1,1).

3. Các ngày khác trong năm, ai đi viếng nghĩa địa và cầu nguyện cho các linh hồn, thì được hưởng nhờ ơn tiểu xá. (Enchiridion Indulgentiarum, ấn bản 1999, concessio 29, §2,1°).

29/10 – Thứ Bảy tuần 30 thường niên.

“Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Lời Chúa: Lc 14, 1. 7-11

Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: “Xin ông nhường chỗ cho người này”, bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: “Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên”, bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. “Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Suy niệm: Một cơn bão quét qua, những cây càng to mà rễ càng trồi lên không ăn sâu dưới đất, thì càng dễ bị tróc gốc; những ngôi nhà càng cao tầng thì móng phải đào cho sâu thì mới vững chãi, tránh được sự cố sụt lún mà có khi dẫn đến bị sụp đổ bình địa. Quy luật về trọng lực cho biết trọng tâm của một công trình càng ở vị trí thấp, công trình đó càng vững chắc và có khả năng vươn cao. Bằng một dụ ngôn, Chúa Giê-su dạy chúng ta người biết hạ mình thì phẩm giá của họ lại được tôn trọng. Hạ mình không có nghĩa là làm những việc đồi bại xúc phạm đến nhân phẩm của mình, nhưng là quên mình phục vụ tha nhân trong yêu thương. Hạ mình như Ngôi Hai: từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, mặc lấy xác phàm, khiêm tốn phục vụ, chịu chết trên thập giá để cứu chuộc muôn người.

Mời Bạn: Chúa đã nêu gương hạ mình cho chúng ta, còn chúng ta lại muốn ngoi lên “đè đầu cưỡi cổ” người khác. Đành rằng mọi cộng đoàn nhân loại đều cần có quyền bính nhưng là để phục vụ chứ không phải để thống trị nhau. Nếu bạn muốn phẩm giá mình được tôn trọng, nhất là được tôn trọng trước mặt Chúa, thì càng ở địa vị cao, bạn càng cần hạ “trọng tâm” của mình xuống.

Chia sẻ kinh nghiệm về một lần bạn nâng mình lên chẳng may bị hạ xuống.

Sống Lời Chúa: Làm một cách chu đáo một việc thật nhỏ phục vụ người khác mà lâu nay bạn không làm vì cho rằng nó quá tầm thường.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin cho con biết học gương khiêm nhường của Chúa, để con biết khiêm tốn phục vụ anh chị em con.

28/10 – Thứ Sáu tuần 30 thường niên – THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

“Người chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ”.

Lời Chúa: Lc 6, 12-19

Trong những ngày ấy Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Đó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội.

Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.

Suy niệmHội Thánh được xây trên nền móng là các Tông đồ, những người đã được chính Thầy Giê-su – đá tảng góc tường – tuyển chọn, gọi tên. Hội Thánh này là Thân thể của Chúa Ki-tô, gồm những chi thể thánh thiện và tội lỗi. Khi thiết lập Nhóm Mười hai và Hội thánh, Thầy Giê-su trao cho các Tông đồ cũng như những người kế vị ba nhiệm vụ Thầy đã lãnh nhận từ Chúa Cha: (1) kêu gọi người tội lỗi thống hối; (2) cứu độ thế gian; và (3) tìm kiếm, làm theo ý Chúa Cha. Kế hoạch Tông đồ ấy đã được thi hành và còn đang tiếp tục trong Hội Thánh (x. Lc 6,17-19), là Thân thể của Chúa Ki-tô và là Đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. Ep 2,19-22).

Mời bạn: Bạn được gọi là “người nhà của Thiên Chúa,” một ân ban phát xuất từ Tình yêu và bởi Tình yêu: Thiên Chúa yêu bạn. Thầy Giê-su đã cầu nguyện và còn tiếp tục cầu nguyện cho bạn. Bạn sẽ làm gì để tiến lại gần Thiên Chúa hơn, và giúp người khác cũng được như mình?

Sống Lời Chúa: “Quy tắc cạnh-giường”: “Cạnh giường” là một nơi tuyệt vời để bắt đầu ngày mới và kết thúc một ngày với Chúa. Nó quan trọng đối với cha mẹ cũng như con cái. Con hãy quyết tâm không rời khỏi giường khi chưa dâng lời cầu nguyện buổi sáng. Tương tự vào mỗi buổi tối, con hãy quyết tâm ngồi lại bên cạnh giường, ít ta cũng một khoảnh khắc, để trò chuyện với Chúa và rồi đắm mình trong bình an của Ngài (Youcat thiếu nhi, tr. 206).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã gọi chọn con nên “người nhà của Ngài.” Xin cho con đáp trả Tình yêu ấy mỗi ngày một hơn. Amen.

27/10 – Thứ Năm tuần 30 thường niên.

“Không lẽ một tiên tri phải giết chết ngoài thành Giêrusalem?”

Lời Chúa: Lc 13, 31-35

Trong ngày ấy, có mấy người biệt phái đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy”.

Người trả lời: “Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: “Đây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời. Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường, vì không lẽ một tiên tri bị giết chết ngoài thành Giêrusalem”.

“Ôi Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!”

Suy niệm: Nể phục tấm gương can đảm dấn thân cho sứ vụ rao giảng Nước Trời của Chúa Giê-su, ta cũng phải chấp nhận cái giá phải trả khi là chứng nhân cho Tin Mừng Nước Trời của Ngài. Chúng ta thường than phiền bao bóng tối trong xã hội, Giáo hội, nhưng có dám liều thắp lên một ngọn nến không? Chẳng hạn: than vãn tỷ lệ giáo hữu ngày một nghịch với đà gia tăng dân số, nhưng ít khi tự hỏi rằng mình có dám “chết trong thành Giê-su-sa-lem” không hay viện dẫn nhiều lý do để né tránh, biện minh cho thái độ tìm an toàn của mình? Chúng ta say sưa viện dẫn câu nói: “Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh các Ki-tô hữu,” nhưng máu đấy – đúng thật là của ai đó – chứ chẳng phải của bạn, của tôi, của chúng ta hôm nay!

Mời Bạn: “Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được” (c. 33). Mặc lời đe dọa, cũng chẳng màng an toàn bản thân, Chúa Giê-su cứ tiếp tục thi hành sứ vụ Chúa Cha giao phó. Chọn lựa đi vào Giê-ru-sa-lem có thể bị coi là “thiếu khôn ngoan” theo nhãn quan con người, nhưng lại cần thiết để làm trọn thánh ý Chúa Cha. Mẫu gương can trường của Chúa có giúp bạn kiên trì, mạnh mẽ hơn trong nỗ lực truyền giáo không?

Sống Lời Chúa: Tôi nghiền ngẫm hình ảnh hạt lúa mì chịu mục nát… để rồi chính mình cũng là một hạt lúa hy sinh quên mình để sản sinh những kết quả truyền giáo tốt đẹp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm phục lòng can đảm của Chúa. Xin ban cho con lòng can đảm và khôn ngoan để khi biết chết đi cho Tin mừng thì cũng là lúc con được vui sống muôn đời. Amen.

26/10 – Thứ Tư tuần 30 thường niên.

“Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa”.

Lời Chúa: Lc 13, 22-30

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được.

Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: “Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: “Ta không biết các ngươi từ đâu tới”. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi”. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta”.

Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết”.

Suy niệm: Chuyện kể có một chú lừa bị rớt xuống một cái hố sâu. Sau nhiều nỗ lực bất thành, người ta nảy ra sáng kiến cứu chú lừa bằng cách lấp cái hố. Khi từng xẻng đất lấp xuống trên người, chú lừa đã không cam chịu để mình bị chôn vùi nhưng chú cộng tác bằng cách lắc mình để đất rơi xuống và chú bước lên đó. Hố có sâu, nhưng cứ mỗi tảng đất rơi xuống chú lừa lại bước lên cao một chút, và khi cái hố bị lấp đầy là lúc chú được cứu ra khỏi hố. Cũng thế, cánh cửa cứu độ có hẹp, Chúa vẫn ban ơn, nhưng chúng ta phải chiến đấu để đi qua cách cửa hẹp đó rồi mới đạt tới ơn cứu độ.

Mời Bạn: Cuộc đời chúng ta là những lựa chọn giữa việc tốt và việc xấu; nhưng trên hết đó là lựa chọn điều Chúa muốn mà Người gợi ý qua những bổn phận của mỗi người chúng ta. Đó là những lựa chọn hy sinh từ bỏ, dù nhỏ bé nhưng làm chúng ta trở nên giống Chúa hơn.

Mời Bạn: Đi theo Chúa, làm theo lời Chúa dạy luôn đòi hỏi lựa chọn từ bỏ và hy sinh mỗi ngày. Đó thực sự là những nỗ lực đi trong con đường hẹp với niềm hy vọng. Bạn có sẵn sàng để từ bỏ, để vác thánh giá Chúa gởi đến qua những hoàn cảnh cụ thể của mình không?

Chia sẻ: Chia sẻ một niềm vui bạn cảm nhận được khi đã can đảm chấp nhận từ bỏ và đảm nhận những đau khổ qua công việc mỗi ngày.

Sống Lời Chúa: Suy ngẫm câu Lời Chúa sau: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Lc 9,22)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thêm cho con lòng mến và ơn can đảm, để con có thể sẵn sàng và vui vẻ đón nhận những điều trái ý, những đau khổ mỗi ngày vì lòng yêu mến Chúa. Amen.

25/10 – Thứ Ba tuần 30 thường niên.

“Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to”.

Lời Chúa: Lc 13, 18-21

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó”.

Người lại phán rằng: “Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men”.

Suy niệm: Có lẽ chẳng ai hy vọng một hạt cải được gieo xuống khu vườn có thể đem lại sự thay đổi gì to tát. Hạt cải quá nhỏ bé trong khi khu vườn lại rộng lớn. Thế mà, từ hạt cải nhỏ bé, tưởng chừng chẳng có gì để hy vọng đó, một cây lớn đã mọc lên và trở thành nơi trú ngụ cho chim trời.

Mời Bạn: Nhiều người thường nghĩ muốn tạo nên sự thay đổi tích cực, sâu rộng nơi đời sống con người thì người ta phải làm những việc to tát, tầm cỡ, như thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã viết: Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông. Lối suy nghĩ ấy lắm lúc, khiến ta không mấy hy vọng, ít chú tâm đến những điều nhỏ bé, tầm thường. Tuy nhiên, qua dụ ngôn hạt cải, Chúa Giê-su mời ta hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ bé, hãy cứ gieo những hạt giống bác ái bình thường nơi chúng ta hiện diện, bởi từ những hạt giống bác ái đơn sơ ấy, Thiên Chúa sẽ làm cho Nước Trời lớn lên trong lòng con người. Thiên Chúa cần sự cộng tác tích cực của bạn, để cho thấy những giá trị Nước Trời đang hiện diện trong môi trường bạn sống.

Sống Lời ChúaMỗi ngày bạn hãy gieo ít nhất một lời nói yêu thương khích lệ, một sự giúp đỡ, hy sinh nào đó trong gia đình, khu xóm và xứ đạo của mình.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu được bài học của hạt cải, để chúng con cố gắng mỗi ngày kiên nhẫn gieo hạt giống bác ái nhỏ bé âm thầm trong việc bổn phận, trong lời ăn tiếng nói, cũng như trong cách đối xử với tha nhân với niềm hy vọng chính Chúa sẽ làm cho những nỗ lực của chúng con sinh hoa kết trái, làm cho Nước Chúa được hiển trị. Amen.

24/10 – Thứ Hai tuần 30 thường niên.

“Chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat sao?”

Lời Chúa: Lc 13, 10-17

Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: “Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà”. Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.

Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: “Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat”.

Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?” Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện.

Suy niệm: Hai thái độ trái ngược nhau trước nỗi khổ của người bên cạnh. Đức Giê-su, hiện thân của tình thương, cảm nhận được nỗi đau của người phụ nữ bị còng lưng 18 năm, đã vượt qua giới hạn của lề luật để giải thoát cho chị. Trong khi ấy ông trưởng hội đường lại vụ hình thức, vô cảm trước nỗi thống khổ của người lân cận. Ông tìm lý do biện hộ cho thái độ thiếu cảm thông của mình nơi luật Mô-sê: “đừng có đến vào ngày Sa-bát.” Thực ra khi ban bố luật giữ ngày Sa-bát, Thiên Chúa muốn thể hiện sự yêu thương dành cho dân Người, nhưng dần dà luật được giải thích quá tỉ mỉ, trở thành gánh nặng. Thậm chí trở thành thứ bình phong che giấu sự giả hình, thái độ vô cảm trước nỗi khổ của đồng loại. Đức Giê-su nhập thể đã lấy lại ý nghĩa đích thực của luật Thiên Chúa ban: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế. Con người làm chủ ngày Sa-bát” (Mt 12,7-8).

Mời Bạn: Ngày Chúa Nhật là ngày chúng mình tạ ơn Chúa vì đã giải thoát bạn và tôi khỏi cái chết đời đời. Vậy bạn thánh hóa ngày của Chúa thế nào: Thấy mình bị trói buộc bởi luật đi dự lễ hay thấy hạnh phúc vì được Chúa cứu, gặp Chúa để tạ ơn Ngài mỗi Chúa Nhật?

Chia sẻ: Nếu thấy mình may mắn vì được biết và tin Chúa, bạn hãy đem tâm tình tri ân ấy đến chia sẻ cho những người còn nguội lạnh, thờ ơ với Thánh lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đặt tay lên chúng con để chúng con được ‘đứng thẳng.’ Xin cũng biến đổi chúng con trở thành chỗ dựa cho những anh chị em bị ‘còng lưng’ vì tội lỗi nữa. Amen.