Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.
Suy niệm: Khởi đầu Mùa Chay, Giáo hội mời gọi con cái mình đi vào mối tương quan cá vị với Thiên Chúa cũng như với nhau bằng cầu nguyện. Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện đẹp nhất, kiểu mẫu cho việc cầu nguyện. Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ, cũng là Cha của chúng ta. Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta được đắm mình trong tình phụ tử, cũng như mở rộng mối tương quan huynh đệ với mọi người, vì hết thảy đều là con cái của Cha trên trời: “Lạy Cha chúng con.” Hơn nữa, ta còn là anh em với nhau, bởi được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Giê-su Ki-tô là “Trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo.” Như thế, lời kinh Lạy Cha là lời kinh của người môn đệ Chúa Ki-tô: với Cha là con thảo, với nhau là anh em. “Anh Cả Giê-su” dạy “yêu đến cùng” bằng lời tha thứ trên thập giá, nên chúng ta được mời gọi áp dụng lời kinh Lạy Cha vào cuộc sống mình, để không còn giữ bất kỳ sự oán giận nào từ trong sâu thẳm trái tim, và thanh thản cùng với mọi người cất lên lời kinh “Lạy Cha chúng con…”
Mời bạn: “Những tổn thương mà các con kinh nghiệm có thể cám dỗ các con rút lui khỏi người khác, quay lại nơi chính mình và nuôi dưỡng những cảm xúc oán giận, nhưng đừng bao giờ ngừng lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi tha thứ” (CV 165). Mời bạn chia sẻ về một kinh nghiệm tha thứ mà bạn đã thực hiện hay đã nhận được. Theo bạn, sự tha thứ có phải là một ân ban, hay đó chỉ là ‘nghĩa vụ’ làm dịu lương tâm?
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho người đang mắc lỗi với bạn.
“Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.
Lời Chúa: Mt 25, 31-46
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.
Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?”
Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.
“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!”
Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?”
Khi ấy Người đáp lại: “Quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.
Suy niệm: Ba việc đạo đức chính yếu trong Mùa Chay là ăn chay, cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo khó. Người nghèo khó được Chúa Giê-su quan tâm, yêu thương cách đặc biệt, đến độ Ngài tự đồng hóa mình với chính họ: làm phúc cho họ là làm phúc cho Ngài, lơ là không làm điều lành cho họ là tránh né làm điều lành cho Ngài. Điều phúc, việc lành ta làm không phải là điều gì cao xa, tầm cỡ vĩ mô, nhưng là những gì rất cụ thể, nhỏ bé trong đời thường: cho ăn, uống, tặng quần áo, cho chỗ trọ, thăm viếng, thăm nuôi với người đói, khát, mình trần, đau yếu, tù tội. Ngài muốn dạy ta những nghĩa cử yêu thương nhỏ bé với những con người bé nhỏ trong xã hội, những người không có gì để đền đáp lại. Đó là giá trị của hành vi “thi ân bất cầu báo” mà Mùa Chay đề cao.
Mời Bạn: Có thể bạn đã nhiều lần thấy người khác hay chính mình thực hiện các nghĩa cử bác ái này, đặc biệt trong cơn đại dịch vừa qua. Hẳn bạn cũng đã đau lòng khi biết nhiều kẻ lợi dụng trẻ em, người nghèo khổ, kẻ không còn gì để mất… để làm giàu bất chính trên xương máu của họ, những anh chị em “bé nhỏ” của Chúa. Thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối, bạn hãy thắp lên ngọn lửa yêu thương cụ thể cho họ.
Sống Lời Chúa: Tôi ghi nhớ và hành động theo Lời Chúa hôm nay để luôn được xếp là chiên ở bên phải Chúa.
Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin cho con ghi khắc Lời Chúa dạy hôm nay. Xin đổi lòng những người quá ham lợi lộc vật chất mà đánh mất lòng nhân ái, nghĩa đồng bào trong xã hội chúng con.
“Chúa Giêsu nhịn ăn bốn mươi ngày đêm, và chịu cám dỗ”.
Lời Chúa: Mt 4, 1-11
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói. Và tên cám dỗ đến gần, nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: ‘Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra'”.
Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên Thành thánh, và đặt Người trên góc tường Ðền thờ, rồi nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá”. Chúa Giêsu đáp: “Cũng có lời chép rằng: “Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi”.
Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi”. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: “Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài”.
Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.
Suy niệm: Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều tường thuật việc Chúa Giê-su bị Satan cám dỗ trong hoang địa lúc khởi đầu rao giảng để đối chiếu với việc ông bà nguyên tổ bị cám dỗ trong vườn địa đàng thuở hoang sơ. Khác một điều, bà E-và đã thất bại, còn Chúa Giê-su thì đã chiến thắng. “Vạn sự khởi đầu nan” với thất bại của ông bà nguyên tổ. Khi Chúa Giê-su đến để thiết lập một khởi đầu mới, tình hình còn tồi tệ hơn vì “sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Thế nhưng, trong thân phận con người Chúa Giê-su đã chiến thắng “tên cám dỗ”. Đó là tấm gương để chúng ta soi mà sống trọn mùa Chay với lòng tin tưởng và với quyết tâm chiến thắng tội lỗi.
Mời Bạn: Khi chúng ta ăn chay, hãm mình, cầu nguyện… thì ma quỉ cũng gia tăng cám dỗ chúng ta đi ngược lại bằng những lời hứa hẹn đường mật nhưng thực chất đều là những cái bánh vẽ không hơn không kém. Bạn hãy nhớ lại những kinh nghiệm bại trận vì nghe theo lời dụ dỗ của ma quỉ xem nó đem lại gì cho cuộc sống của bạn. Trống rỗng? Day dứt? Hụt hẫng? Hối hận?…
Chia sẻ: Đâu là những “chiến thuật” ma quỷ dùng để cám dỗ Chúa? Và đối với bạn, ma quỷ dùng chiến thuật nào?
Sống Lời Chúa: Hãy tâm niệm lời này khi gặp cám dỗ: “Con chớ thử thách Chúa là Thiên Chúa của con!”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con chiến đấu chống lại những khuynh hướng xấu trong con nhân mùa Chay này. Và trong Chúa, con tin tưởng mình cũng sẽ chiến thắng, như Chúa đã thành công vì Chúa luôn làm theo ý của Chúa Cha. Amen.
Chúng ta bước vào Tháng 3 kính Thánh Cả Giuse, xin cộng đoàn cùng đọc kinh cầu trước Thánh Lễ. Tuần này có những ngày đầu tháng. Xin anh chị em thánh hóa những ngày đầu tháng.
Kính mời cộng đoàn tham dự chặng đàng Thánh Giá vào lúc 16:30 thứ sáu hàng tuần trong Mùa Chay
Trong thư mục vụ Mùa Chay và Phục Sinh 2023, Đức Tổng có mời gọi anh chị em quảng đại hy sinh giúp cho việc trùng tu Nhà Thờ Đức Bà. Xin báo trước để anh chị em chuẩn bị Chúa nhật tuần sau 05/03/2023 nhà thờ Tân Định sẽ quyên góp lần 1 cho việc trùng tu.
Cộng tác vào việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà
Sau hết, như đã làm trong Mùa Chay của những năm qua, xin gia đình Tổng giáo phận tiếp tục đóng góp cho công trình đại tu Nhà thờ Đức Bà thân yêu. Phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta chưa có kinh nghiệm trùng tu các công trình cổ, nên phải nhờ tới kinh nghiệm và kỹ thuật của các công ty châu Âu. Mà như vậy thì cần nhiều thời gian và kinh phí. Chính những người chịu trách nhiệm thi công cũng nôn nóng mau hoàn thành, nhưng không thể đốt giai đoạn được. Xin anh chị em, mặc dù trong điều kiện kinh tế hiện nay vẫn còn rất khó khăn, luôn rộng tay đóng góp để công việc trùng tu diễn tiến đều hòa và tốt đẹp.
Kính chúc anh chị em ngày càng cảm nghiệm sâu xa tình bạn với Chúa và với nhau. Có được tình bạn như thế, đó là chúng ta đang xây dựng một Hội Thánh hiệp hành. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.
“Ta không đến kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.
Lời Chúa: Lc 5, 27-32
Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài.
Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.
Suy niệm:“Niềm vui lớn nhất cuộc đời là làm những gì người ta bảo là bạn không thể làm được” (W. Gagebot). Không ai dám nghĩ ông Lê-vi, kẻ bị coi là tội lỗi công khai, vào một ngày đẹp trời sẽ bỏ đống tiền lại ở bàn thu thuế và hoán cải đổi đời! Thế nhưng, chỉ cần ánh mắt và tiếng gọi của Đức Giê-su, ông đã làm được điều không tưởng: bỏ cái nghề bất chính hái ra tiền để đi theo Ngài. Kỳ lạ một điều là bỏ nhưng vui! Vui đến độ sau đó ông mở tiệc lớn đãi Đức Giê-su và cũng để mừng sự kiện ông dám bỏ mọi sự đi theo Ngài. Qua bữa tiệc này, ông cũng muốn giới thiệu các đồng nghiệp bất chính của mình với Đức Giê-su, để họ sẽ nhận được niềm vui đổi đời từ cuộc gặp gỡ này như mình.
Mời Bạn: Mùa Chay là thời gian thanh luyện tâm hồn bằng cách từ bỏ tất cả những gì đang kéo ghì, dán chặt bạn vào vòng xoay của một cuộc đời đi ngược với quỹ đạo yêu thương của Chúa. Chẳng hạn: lối sống đua đòi theo bạn bè xấu, cuộc sống tiêu cực cầu an hoặc hưởng thụ ích kỷ, thói quen nhậu nhẹt sau giờ làm việc đến nỗi chểnh mảng bổn phận với gia đình… Bạn thấy mình phải từ bỏ điều gì trong mùa Chay này?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ dành vài phút xét xem: lâu nay mình đang bị cuốn hút vào vòng xoáy hay “lỗ đen” của thói hư tật xấu nào, rồi hứa với Chúa sẽ cố gắng từ bỏ trong mùa Chay này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, ánh mắt nhân lành và tiếng gọi lôi cuốn của Chúa đã giúp Lê-vi từ bỏ cái nghề tội lỗi để bước theo Chúa. Xin cho chúng con, trong mùa Chay này, cũng nhạy bén nhận ra ánh mắt và lời mời gọi của Chúa và quảng đại đáp lại. Amen.
TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com
THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY VÀ PHỤC SINH 2023 “Anh em là bạn hữu của Thầy”
Kính gửi quí cha, quí tu sĩ và toàn thể cộng đồng Dân Chúa trong Tổng Giáo phận
“Thầy gọi anh em là bạn hữu”
Kính thưa quí cha và anh chị em,
Ngay từ đầu Mùa Chay, Hội Thánh nhắc lại lời của thánh Phaolô : “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh chị em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (1 Cr 5, 20). Khi được giao hòa với Thiên Chúa, chúng ta được trở nên bạn hữu của Chúa Giêsu : “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa … nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15, 15). Những lời này được nói với các Tông đồ là những người bạn thân thiết nhất của Chúa Giêsu, nhưng cũng được nói với tất cả những ai yêu mến và bước theo Người.
Khi phạm tội, chúng ta lìa xa Thiên Chúa và mất sự sống thần linh. Mùa Chay và Phục sinh là “mùa hồng ân, là ngày cứu độ” để chúng ta quay về với Thiên Chúa và thiết lập lại tương quan tình yêu với Thiên Chúa và anh chị em. Nhưng việc giao hòa với Thiên Chúa trước hết không phải là do nỗ lực sám hối của con người, mà là ân sủng của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa ban Con Một cho thế gian để thế gian được cứu độ nhờ mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh. “Đấng không hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (1 Cr 5, 21).
Được làm con của Cha trên trời và là bạn hữu của Chúa Giêsu, đó là ân huệ vô cùng cao cả. Hãy để cho mình được giao hoà với Cha, và hãy ở lại trong tình yêu của Cha. Đừng thờ ơ, đừng từ chối, không phí phạm. “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15, 14). Nếu không quay về với Thiên Chúa mà cứ tiếp tục đi con đường theo sở thích của mình, chắc chắn càng ngày chúng ta sẽ càng xa Thiên Chúa và đánh mất sự sống thần linh mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Chỉ có sự sống thần linh này mới xứng đáng với con người và làm cho con người cao cả hơn vạn vật.
“Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”
Được nâng lên làm bạn hữu của Chúa Giêsu, chúng ta được Người mạc khải những điều cao sâu từ cung lòng Thiên Chúa : “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 14-15).
Chính nhờ việc cầu nguyện với Lời Chúa mà các bạn hữu của Chúa ngày càng tiến sâu vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Bạn hữu của Chúa thì biết lắng nghe Lời Chúa và thực hiện những điều Chúa truyền dạy ; và ngược lại, càng thực hiện những điều Chúa truyền dạy thì càng củng cố tình bạn với Chúa.
Tôi tha thiết khẩn nài anh chị em hằng ngày hãy dành thời gian suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa, để nhờ đó chúng ta nhận ra tình thương của Chúa dành cho mình, nhận biết thánh ý Chúa về cuộc đời mình, và quảng đại đáp lại bằng cách sống theo lời Chúa truyền dạy. Hiện nay có nhiều sách hoặc nhiều bài trên các trang mạng giúp cầu nguyện với Lời Chúa. Mỗi người có thể chọn sách nào phù hợp với nhu cầu của mình.
Trong Mùa Chay này, giáo phận gửi biếu mỗi gia đình một quyển sách Tin Mừng Mátthêu loại bỏ túi để dễ sử dụng trong năm A của chu kỳ phụng vụ. Hằng tuần trên trang thông tin của tổng giáo phận, sẽ có buổi học hỏi Tin Mừng Mátthêu theo từng chủ đề.
Ngoài ra, các mục tử hãy tổ chức cho cộng đoàn tín hữu, trước hết là các đoàn thể công giáo tiến hành hay các nhóm tông đồ, được học hỏi và cầu nguyện với Lời Chúa. Chúng ta hay than phiền tại sao các tín hữu chưa tích cực sống đạo, tại sao công cuộc truyền giáo chưa đem lại nhiều kết quả. Một trong các nguyên nhân chính, đó là các tín hữu chưa quan tâm đủ đến việc học hỏi và cầu nguyện với Lời Chúa. Xin các mục tử dành ưu tiên cho công việc rất quan trọng này.
“Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”
Trong các điều Chúa truyền dạy, điều răn quan trọng nhất là đức bác ái : “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15, 17).
Việc giao hòa với Thiên Chúa được chứng thực bằng việc giao hòa với anh chị em. Làm sao chúng ta có thể đến với Thiên Chúa khi chưa hòa thuận với nhau ? Làm sao chúng ta có thể đến dâng lễ trước bàn thờ mà trong lòng biết rằng có người anh chị em còn đang bất bình với mình (x. Mt 5, 23-24) ? Làm sao chúng ta có thể trở thành bạn hữu của Chúa Giêsu khi giữa chúng ta còn những bất hòa, hận thù, nghi kỵ, ghen ghét ? Ước gì những người môn đệ của Chúa biết tha thứ và đón nhận nhau như chính Chúa đã tha thứ và đón nhận mình. Ước gì tất cả mọi thành viên trong gia đình cũng như trong các cộng đoàn biết vượt qua lòng tự ái cũng như những quyền lợi cá nhân để cùng nhau kiến tạo sự hòa giải và hiệp thông.
Một thực hành quan trọng trong Mùa Chay là thực thi bác ái đối với người nghèo khổ. Người nghèo thì lúc nào chúng ta cũng có bên cạnh mình (x. Mc 13, 7), trong khu xóm của mình, trong giáo xứ của mình, không bao giờ hết, ngay cả tại các nước giàu có tiên tiến. Chúa muốn chúng ta quan tâm chăm sóc nhau. Chia sẻ và giúp đỡ người nghèo khổ là làm cho Chúa. Càng thực thi bác ái thì càng chứng tỏ mình là bạn hữu thật của Chúa. Chúng ta có thể là bạn hữu của Chúa không, khi để trái tim mình trở thành vô cảm dửng dưng, nhắm mắt bịt tai trước các nhu cầu của tha nhân ? Xin các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu hãy thực hiện những việc bác ái cụ thể đối với những nghèo khổ trong khu vực của mình.
Cộng tác vào việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà
Sau hết, như đã làm trong Mùa Chay của những năm qua, xin gia đình Tổng giáo phận tiếp tục đóng góp cho công trình đại tu Nhà thờ Đức Bà thân yêu. Phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta chưa có kinh nghiệm trùng tu các công trình cổ, nên phải nhờ tới kinh nghiệm và kỹ thuật của các công ty châu Âu. Mà như vậy thì cần nhiều thời gian và kinh phí. Chính những người chịu trách nhiệm thi công cũng nôn nóng mau hoàn thành, nhưng không thể đốt giai đoạn được. Xin anh chị em, mặc dù trong điều kiện kinh tế hiện nay vẫn còn rất khó khăn, luôn rộng tay đóng góp để công việc trùng tu diễn tiến đều hòa và tốt đẹp.
Kính chúc anh chị em ngày càng cảm nghiệm sâu xa tình bạn với Chúa và với nhau. Có được tình bạn như thế, đó là chúng ta đang xây dựng một Hội Thánh hiệp hành. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.
Thứ Tư Lễ Tro, ngày 22 tháng 2 năm 2023
(đã ký)
+ Giuse NGUYỄN NĂNG
Tổng Giám mục
https://www.giaoxutandinh.net/wp-content/uploads/2023/03/thumucvu-muachay-2023.jpg10801920Giáo Xứ Tân Địnhhttps://www.giaoxutandinh.net/wp-content/uploads/2024/01/logo-vi.pngGiáo Xứ Tân Định2023-02-24 16:26:152023-03-06 16:28:50Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thư Mục vụ Mùa Chay và Phục Sinh 2023
Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?”
Chúa Giêsu nói với họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.
Suy niệm: Thường tình khi dự tiệc cưới, ai cũng ăn mặc tươm tất để bày tỏ niềm vui với cô dâu chú rể; không ai đến đến dự tiệc với bộ mặt “đưa đám,” trong y phục nhếch nhác. Niềm vui trong tiệc Thánh Thể còn đòi hỏi người tín hữu thể hiện gấp bội và sâu đậm hơn thế nữa. Bởi trong thánh lễ, Thiên Chúa mời nhân loại đến dự đại yến tiệc Ngài dọn, một tiệc cưới đã chuẩn bị từ ban đầu và suốt chiều dài lịch sử nhân loại, một tiệc cưới mà cao lương mỹ vị là chính Mình và Máu Ngài, và niềm vui cho người dự tiệc không chỉ là được thứ tha tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa, mà còn được phục hồi sự sống và sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Vì thế, niềm vui rạng rỡ trên gương mặt và cách trang phục của người tín hữu diễn tả đức tin vững chãi và cảm nghiệm sâu xa hạnh phúc được tham dự thánh lễ. Một linh hồn được cứu rỗi luôn tràn trề niềm vui. Lo âu, buồn rầu, bi quan rõ ràng tương phản với niềm vui trong Tiệc Thánh.
Mời Bạn: Bạn có sống niềm vui của Hội Thánh khi tham dự yến tiệc Thiên Chúa dọn cho nhân loại trong thánh lễ không? Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chuẩn bị xứng đáng cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn mỗi khi dự tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.
Sống Lời Chúa: Nếu bạn sống đời thánh hiến vì Nước Trời, mời bạn bày tỏ niềm vui tận hiến khi dự thánh lễ; nếu bạn sống ơn gọi gia đình, mời bạn tham dự thánh lễ và dâng hiến gia đình của bạn cho Chúa.
Cầu nguyện: Xin Chúa biến đổi những chum nước lã của cuộc đời con thành rượu ngon khi con đến dự Tiệc Thánh.
https://www.giaoxutandinh.net/wp-content/uploads/2019/03/anchay.jpg589774Giáo Xứ Tân Địnhhttps://www.giaoxutandinh.net/wp-content/uploads/2024/01/logo-vi.pngGiáo Xứ Tân Định2023-02-24 06:00:532023-02-23 11:03:12Ý nghĩa của việc ăn chay
23/02 – Thứ Năm sau lễ Tro. – Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ
“Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống”.
Lời Chúa: Lc 9, 22-25
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.
Chúa nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?”
Suy niệm: Sau lời tiên báo thương khó, Đức Giê-su đề cập ngay đến điều kiện các môn đệ phải có để theo Ngài. Chúa không chỉ nói với nhóm Mười Hai, mà còn với tất cả những ai đang đi sau Ngài. Điều kiện ấy là vác thập giá của mình hằng ngày. Thánh giá của mỗi người đều có dấu riêng, kết liên với kinh nghiệm và cuộc đời. Đức Hồng Y Martini nói: cũng như có hàng ngàn kiểu cầu nguyện, thì cũng có hàng ngàn cách tiếp cận với thánh giá và sống với thánh giá. Mỗi người có cách của mình để đảm đương thánh giá trên vai. Đó là đảm đương những bổn phận hằng ngày cách kiên trì, dù lắm khi rất nhàm chán. Dĩ nhiên, không có thánh giá nào mà không có sức nặng; chẳng có thánh giá nào mà không đòi nỗ lực, gắng sức. Chỉ có điểm chung cho mọi người môn đệ là không để thánh giá đè bẹp hay bỏ cuộc. Tất cả được kêu gọi tiến bước theo Chúa, mang cuộc đời mình theo Ngài.
Mời Bạn: Bên cạnh Đức Giê-su có hai tên trộm cướp vác thập giá và đang đi, có khi theo Đức Giê-su, lại có khi đi trước Ngài. Xét bề ngoài, họ đáp ứng đủ những đòi hỏi của Đức Giê-su. Tiếc thay lòng họ chưa muốn đi theo Ngài! Còn bạn thì sao?
Chia sẻ: Thánh giá của bạn là việc bổn phận có làm bạn nhàm chán vì sự đều đều của nó không?
Sống Lời Chúa: Bạn làm những công việc bổn phận mà không than vãn, trách móc. Bạn dâng hy sinh đó cho Chúa khi dự Thánh Lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nâng đỡ con để con trung thành vác thánh giá theo Chúa, dù lắm khi con tưởng chừng không thể đứng lên tiếp tục tiến bước.
“Cha ngươi, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.
Lời Chúa: Mt 6, 1-6. 16-18
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời.
Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.
Suy niệm: Hôm nay, Giáo Hội khai mạc mùa Chay thánh, là nhịp mạnh của đời sống đạo. Đây là thời gian Chúa tuôn đổ ân sủng và lòng từ bi chan chứa trên con người tội lỗi. Trong mùa này, người Ki-tô hữu được mời gọi cùng Chúa Ki-tô bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại ma quỷ, thế gian, xác thịt (ba thù) bằng các phương thế siêu nhiên là cầu nguyện, chay tịnh và bác ái. Như Chúa Ki-tô ở trong sa mạc 40 ngày, người Kitô hữu cũng vào “sa mạc” của lòng mình, để âm thầm, kín đáo duyệt lại và làm mới các mối tương quan: (1) với Chúa: gắn bó hơn bằng việc cầu nguyện có phẩm và lượng; (2) với mình: kềm hãm các đam mê, khát vọng bằng chay tịnh, khổ chế; (3) với tha nhân: yêu thương hơn qua việc chia sẻ vật chất và tinh thần.
Mời Bạn: Mỗi năm, bạn có mùa Chay để canh tân các mối tương quan trên. Bạn hãy tận dụng thời cơ: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.” Ước gì bạn đừng để mỗi ngày mùa Chay qua đi mà không tiến thêm một bước trên đường thiêng liêng.
Chia sẻ: Nhóm, gia đình, đoàn thể tôi sẽ làm gì để sống mùa Chay thánh này?
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi sẽ giữ chay cách nghiêm túc, để chứng tỏ lòng tôi khao khát Chúa, muốn tiết chế dục vọng xác thịt để tinh thần vươn cao.
Cầu nguyện:Lạy Chúa, hàng năm Chúa ban cho chúng con 40 ngày chay tịnh, để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ này để học biết Đức Ki-tô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ.Amen.