31/03 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

“Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ”.

Lời Chúa: Ga 10, 31-42

Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?”

Người Do-thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: “Ta đã nói: các ngươi là thần”? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng “Ông nói lộng ngôn”, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”.

Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.

Suy niệm: “Một vị chúa cho phép ta chứng minh sự hiện hữu của ngài thì chỉ là một ngẫu tượng” (Mục sư D. Bonhoeffer). Ta không thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, chỉ có Con Thiên Chúa làm người mới có đủ tư cách để mặc khải cho ta biết về dung mạo của Thiên Chúa. Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người ấy, đã làm rất nhiều dấu lạ, các việc tốt đẹp Chúa Cha giao phó cho Ngài như chữa lành bệnh nhân, trừ quỷ, cho người chết trỗi dậy… Thế nhưng, người Do Thái chưa chịu tin, vì với họ, chừng ấy vẫn chưa đủ. Họ đòi Ngài chứng minh cho họ thấy Ngài từ trời xuống thế, một điều không thể thực hiện. Ta chỉ có thể tin dựa trên thế giá của Ngài mà thôi.

Mời Bạn: “Chỉ tin nơi sự hiện hữu của Chúa thì chưa đúng với điều tôi gọi là sự dấn thân. Xét cho cùng, ngay cả ma quỷ cũng tin rằng Chúa hiện hữu. Niềm tin phải thay đổi cung cách ta sống” (Mẹ Angelica). Bạn đã tin Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống trần để chia sẻ kiếp người, đã phục sinh để đem sự sống muôn đời cho nhân loại. Niềm tin ấy cũng phải đem lại sự hoán cải, nghĩa là bạn bỏ đi những giá trị quen thuộc của trần thế, để đón nhận các giá trị mới của Nước Trời, được tóm tắt qua Tám Mối Phúc Thật.

Sống Lời Chúa: Tôi chú tâm xem mình thích hợp với mối phúc nào trong Tám Mối Phúc Thật hơn cả, và nỗ lực thực hiện mỗi ngày, như một cách sống đức tin của mình vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa là Thiên Chúa làm người, đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Xin cho con tận lực sống niềm tin vào Chúa. Amen.

30/03 – Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay.

“Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta”.

Lời Chúa: Ga 8, 51-59

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”. Người Do-thái lại nói: “Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: “Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết”. Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?”

Chúa Giêsu trả lời: “Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Ðấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng”.

Người Do-thái liền nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?” Chúa Giêsu trả lời: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”.

Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ.

Suy niệm: “Chưa có tài năng thiên tài nào đạt được thành công nhỏ bé nhất khi giải thích về sự hiện hữu. Điều bí ẩn hoàn toàn này vẫn còn đó” (R. Emerson). Mới chỉ là sự hiện hữu của con người hay vạn vật đã không thể giải thích, huống chi sự hiện hữu của một vị Thiên Chúa làm người. Người Do Thái phẫn nộ vì chỉ thấy nơi Đức Giê-su một người chưa đến 50 tuổi – chưa đến tuổi hưu – nhưng lại cho rằng có trước tổ phụ Áp-ra-ham! Đang khi Đức Giê-su khẳng định mình là Đấng Hằng Hữu: Ngài đang nói đến bản tính Thiên Chúa vĩnh cửu của mình, thiên tính ấy kết hiệp cách hoàn hảo nơi ngôi vị Giê-su, Đấng vừa là Chúa vừa là người. Nhận biết, tin theo Ngôi Hai Thiên Chúa làm người ấy không phải là lý luận của trí tuệ, nhưng là hồng ân Chúa ban tặng.

Mời Bạn: “Hiện hữu là biến đổi, biến đổi là trưởng thành, trưởng thành là tiếp tục sáng tạo chính mình không ngơi nghỉ” (H. Bergson). Là con người, Đức Giê-su cũng phải biến đổi từ em bé sang người trưởng thành. Cũng vậy, bạn hãy chấp nhận sự biến đổi để trở thành con người trưởng thành theo hình ảnh Chúa Ki-tô. Đó là con người không sống theo tính xác thịt tự nhiên, nhưng theo Thần Khí Chúa Ki-tô hướng dẫn mỗi ngày.

Sống Lời Chúa: Tôi tập dần dần loại trừ lối ứng xử, suy tính theo thói đời, tính xác thịt như tìm sự an thân, hưởng thụ ích kỷ, ganh tị, thù oán, trả đũa… để nên giống môn đệ Chúa Ki-tô hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa ban cho con hồng ân lớn nhất trên đời là ơn đức tin. Xin giúp con phát triển niềm tin ấy bằng cách sống tư thế người môn đệ Chúa mỗi ngày. Amen.

29/03 – Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay.

“Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự do”.

Lời Chúa: Ga 8, 31-42

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do-thái đã tin nơi Ngài rằng: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”. Họ thưa lại Người: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói “Các ngươi sẽ được tự do”?”.

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Họ đáp lại: “Cha chúng tôi chính là Abraham!” Chúa Giêsu nói: “Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Ðiều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!” Họ lại nói: “Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!”

Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến”.

Suy niệm: Một phóng viên đã có lần hỏi Đức Gio-an Phao-lô II ngài thích câu nào nhất trong sách Tin Mừng. Người ta cứ ngỡ ngài sẽ trả lời: Anh em hãy yêu thương nhau, hay một câu tương tự. Thế nhưng, vị thánh giáo hoàng này đã trả lời: Sự thật sẽ giải thoát anh em.” Vậy thì sự thật nào sẽ giải thoát chúng ta? Thưa, đó là sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người. Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, Đấng yêu thương nhân loại đến nỗi ban Con Một cho thế gian; còn người Con Một, Đức Giê-su Ki-tô, đã loan báo Tin Mừng về Thiên Chúa, hiến thân chết cho nhân loại, phục sinh để đưa nhân loại đến hạnh phúc muôn đời, và cử Thánh Thần đến hướng dẫn nhân loại đêm ngày. Do đó, sự thật về con người có liên hệ mật thiết với sự thật về Chúa: chúng ta được Chúa yêu thương hơn mức độ mình nghĩ nhiều.

Mời Bạn: Nhận diện đúng sự thật về mình: được Chúa yêu thương quá cỡ như vậy, bạn đã đáp trả thế nào? Hiện nay bạn đang sống trong tình trạng nào trong tương quan với Chúa và anh em? Bạn có bao giờ nhận diện sự thật về mình chưa? Nhận diện rồi, bạn sẽ làm gì để đổi mới?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi sẽ dành vài phút để lượng giá lại những việc tốt, xấu mình làm trong ngày ngõ hầu ngày hôm sau sống đẹp lòng Chúa hơn nữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, như người mù ngồi bên vệ đường, xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy, thấy mình yếu đuối và nhiều khuyết điểm, với những giả hình và che đậy. Xin cho con thật sự muốn để ánh sáng Chúa chiếu dãi vào bóng tối của con. Amen.

28/03 – Thứ Ba tuần 5 Mùa Chay.

“Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”.

Lời Chúa: Ga 8, 21-30

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được”.

Người Do-thái nói với nhau rằng: “Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói “Nơi Ta đi các ông không thể tới được”?”

Chúa Giêsu nói tiếp: “Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông”.

Vậy họ liền hỏi: “Ông là ai?” Chúa Giêsu trả lời: “Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Ðấng đã sai Ta là Ðấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài”.

Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”. Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.

Suy niệm: Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su hai lần nói đến từ Ego eimi (Tôi Hằng Hữu), gợi lại việc ông Mô-sê được mạc khải cho biết Danh Thiên Chúa (x. Xh 3,14) trước khi được sai đến với dân, dẫn họ đi từ nô lệ đến tự do. Khi nhận danh xưng này về mình, Đức Giê-su cho biết Ngài cũng chính là Thiên Chúa, Đấng Tối Cao. Chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi bước theonhìn lên Đấng Tối Cao ấy chịu treo trên thập giá, để “vượt qua” từ cái chết đến sự sống, từ tình trạng nô lệ đến tự do. Tin vào Chúa Giê-su là tin rằng Ngài được Chúa Cha sai đến để cứu độ chúng ta; chúng ta học cách bước theo Ngài trong mầu nhiệm Vượt Qua: cuộc khổ nạn, cái chết trên thập giá và sự phục sinh. Con đường tự hạ của Chúa Giê-su là con đường được giương cao trên thập giá trong sự sỉ nhục, vừa được trỗi dậy từ cõi chết trong sự phục sinh khải hoàn.

Mời bạn: “Ơn cứu độ chỉ đến từ thập giá… Ơn cứu độ duy nhất là trong Đức Ki-tô chịu đóng đinh, bởi vì chỉ có Ngài, như con rắn đồng, (Chúa Giê-su) lấy đi tất cả nọc độc của tội lỗi và chữa lành tất cả chúng ta ở đó” (ĐTC Phan-xi-cô). Bạn có muốn nhìn lên Thánh giá, tin nhận Ngài là Đấng Cứu Độ đã chết, sống lại cho bạn, và bước theo Ngài trên con đường Ngài đi không?

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm Chúa Giê-su trên thánh giá: bạn nhìn thấy gì và quyết tâm gì?

Cầu nguyện: Hát: “Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài để được sống với Ngài vinh quang.”

27/03 – Thứ Hai tuần 5 mùa Chay.

“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.

Lời Chúa: Ga 8, 1-11

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất.

Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất.

Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó.

Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Suy niệm: Trắng ra trắng, đen ra đen thì dễ dàng chọn lựa, phán quyết. Thế nhưng, gặp trường hợp “xanh vỏ đỏ lòng,” việc lựa chọn, phán quyết trở nên khó khăn; nếu không cẩn trọng sẽ hư nếp hư đường cùng một trật. Do đó, ta cần suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra phán quyết về một con người. Phán quyết nông nổi, thiếu bao dung có thể dẫn đến tai họa, không thể sửa sai. Một quyết định sai lệch có thể huỷ hoại cả một mạng sống con người. Là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn lòng người, nhưng Chúa Giê-su cũng rất dè dặt khi lên án tội nhân; ta hãy ngắm nhìn những ngón tay Ngài chậm rãi viết trên đất như một hình thức trì hoãn, câu giờ. Huống hồ chúng ta là ai mà dám kết án tha nhân? Kết án không cải thiện tâm hồn người anh em cho bằng tha thứ; nhưng tha thứ là việc không dễ dàng, cho nên kết án thường thắng thế. Còn Thiên Chúa thì ngược lại, Ngài để lòng tha thứ luôn thắng thế việc kết án con người.

Mời Bạn: Thiên Chúa nhân hậu, không mỏi mệt khi tha thứ cho con người, là mấu chốt để chúng ta tin cậy vào tình thương của Ngài, sám hối trở về, xin ơn tha thứ, đặc biệt trong mùa Chay thánh này. Bạn đã sẵn sàng tâm tình ấy chưa?

Sống Lời Chúa: Tìm hiểu một người đang sống xa Chúa, bỏ việc thờ phượng Ngài, để an ủi, nâng đỡ, giúp họ quay về với Chúa qua Bí tích Hòa giải, cũng như qua việc tham dự phụng vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn nhìn tội nhân với cái nhìn mới mẻ, khoan dung. Chúa không lên án người phụ nữ vì tin tưởng chị sẽ đổi đời. Xin cho con nhận ra Chúa là Đấng chậm bất bình và giàu ơn cứu độ, để con luôn cố gắng sống đẹp lòng Chúa. Amen.

  1. Thứ ba tuần này 28/03/2023, có 20 cha ngồi tòa giải tội Mùa Chay từ 18 giờ 00 đến 19 giờ 30. Mời anh chị em sắp xếp để chuẩn bị tâm hồn Mừng Đại Lễ Phục Sinh. Vì có giải tội nên không có Thánh Lễ lúc 19:00.

    Lịch Giải tội:

    + Ngày thường trong tuần: Sáng : 5 giờ 30 – Chiều : 17 giờ 00 đến 17 giờ 30
    + Thiếu Nhi: từ 8g30 đến 9g45 sáng Chúa Nhật Lễ Lá 02/04/2023.
    + Người lớn : Thứ BA 28/03/2023 : từ 18 giờ 00 đến 19 giờ 30 (có 20 cha giải tội) Chúa nhật Lễ Lá 02/04/2023: từ 17 giờ 00 đến 19 giờ 30. Các cha không ngồi tòa thứ năm, sáu, bảy Tuần Thánh.
  2. Mùa Chay cũng là dịp thuận tiện để anh chị em đang bị rối hôn phối trình bày với cha sở nơi mình đang cư ngụ để được hướng dẫn cụ thể gỡ rối (nếu đủ điều kiện). Rất mong anh chị em mở lòng và đừng ngần ngại để giao hòa với Chúa và Hội Thánh trong dịp hồng phúc này. Rối hôn phối” là cụm từ chỉ tình trạng do:
    + Ly dị tái hôn
    + Hay kết hôn ngoài luật Hội Thánh. Theo kỉ luật của Hội Thánh Công giáo cho đến nay thì các trường hợp rối hôn phối không được lãnh nhận Bí tích Giải tội và Thánh Thể; không được lãnh Bí tích Xức dầu nếu không có dấu hiệu ăn năn thống hối khi nguy tử.
  3. Trong tinh thần Hiệp hành năm nay xin mời anh chị em thuộc ban thường vụ, các giáo khu, các nhóm, các giới, các đoàn thể cùng sắp xếp thời gian ra nhà thờ làm lá vào ngày thứ sáu 31/03/2023 từ 8 giờ 00 đến 21 giờ 00. Năm nay không đem lá về nhà làm mà tập trung làm ở Nhà Thờ.
  4. Tin vui cho Giáo Hội Việt Nam:

BỔ NHIỆM GIÁM MỤC CHÍNH TÒA
CÁC GIÁO PHẬN HÀ TĨNH VÀ PHÁT DIỆM,
GIÁM MỤC PHÓ GIÁO PHẬN CẦN THƠ

WHĐ (25.3.2023) – Hôm nay, ngày 25 tháng 03 năm 2023, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm:

– Đức Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay là Giám mục phụ tá (hiệu tòa Catrum) Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, Giám quản Tông tòa Giáo phận Hà Tĩnh, làm Giám mục chính tòa Giáo phận Hà Tĩnh.

– Linh mục Phêrô Kiều Công Tùng, thuộc linh mục đoàn Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh và hiện nay là linh mục Chưởng ấn Tòa Tổng Giám mục Tp. Hồ Chí Minh, làm Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm.

– Linh mục Phêrô Lê Tấn Lợi, thuộc linh mục đoàn Giáo phận Cần Thơ và hiện nay là linh mục Giám học của Đại Chủng viện thánh Quý, làm Giám mục phó Giáo phận Cần Thơ.

***

TIỂU SỬ
ĐỨC GIÁM MỤC LUY NGUYỄN ANH TUẤN

– Sinh ngày 26 tháng 12 năm 1962 tại Quảng Nam, Đà Nẵng

– 1969 – 1979: Học các trường Lasan Mossard, Lasan Taberd Saigon, Trần Quốc Tuấn

– 1979 – 1984: Học Đại học Tổng hợp (Khoa học Tự nhiên) Tp. HCM, tốt nghiệp Cử nhân Toán – Tin học

– 1993 – 1999: Tu học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Saigon

– Ngày 30/06/1999: Được Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn truyền chức linh mục tại nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, thuộc linh mục đoàn Tổng Giáo phận Tp.HCM

– 1999 – 2001: Linh mục phụ tá giáo xứ Phú Nhuận, trợ giảng sinh ngữ tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

– 2001 – 2006: Học tại Học viện Gia Đình Gioan-Phaolô II (Đại học Lateranensis), Roma; tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học (S.T.D) chuyên biệt về Hôn nhân và Gia đình

– 2006: Học về Đào tạo Ơn gọi tại Đại học Gregoriana, Roma

– 2007 – 2013: Giám đốc Nhà Huấn luyện Tiền Chủng viện Thánh Phaolô Lộc (Dự bị Đại Chủng viện) của Tổng Giáo phận Tp. HCM

– 2007 – 2017: Trưởng ban Mục vụ Gia đình Tổng Giáo phận Tp. HCM; Thư ký Uỷ ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

– 2007 – 2017: Giám đốc Nhà Huấn luyện Tiền Chủng viện Thánh Phaolô Lộc (Dự bị Đại Chủng viện) của Tổng Giáo phận Tp. HCM

– 2009 – 2014: Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam (Giáo tỉnh Saigon)

– 2014 – 2018: Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam

– Ngày 25 tháng 08 năm 2017 được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá (hiệu toà Catrum) Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh;

được truyền chức Giám mục ngày 14 tháng 10 năm 2017, khẩu hiệu Giám mục: “Này con đây”

– Ngày 19 tháng 03 năm 2021 Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Hà Tĩnh

– Ngày 25 tháng 03 năm 2023 được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa giáo phận Hà Tĩnh

Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn cũng đảm trách các trách vụ trong Hội đồng Giám mục Việt Nam:

– Tại Đại hội lần thứ XIV (30/9/2019 – 04/10/2019) của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Luy được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

– Tại Đại hội lần thứ XV (03 – 07/10/2022) của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Luy được bầu làm Phó Tổng Thư ký HĐGM

***

TIỂU SỬ
LINH
 MỤC PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG

– Sinh ngày 24/8/1964 tại Thủ Đức, thuộc Giáo xứ Cao Thái, Tổng giáo phận Sài Gòn

– 1993 – 1999: Tu học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

– Ngày 30/06/1999: Được Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn truyền chức linh mục tại nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, thuộc linh mục đoàn Tổng Giáo phận Tp.HCM

– 1999 – 2003: Phụ tá Giáo xứ Bùi Phát, Tổng giáo phận Tp. HCM

– 2003 – 2004: Phục vụ tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

– 2004 – 2009: Du học tại Hoa Kỳ (Boston College & Boston University); tốt nghiệp Thạc sĩ các chuyên ngành Mục vụ – Thánh nhạc và Thần học

– 2009 – 2010: Phụ tá nhà thờ Chính tòa

– 2010 ˗ 2016: Linh mục nội trú tại Đại Chủng viện Thánh Giuse

– 2010 – nay: Giảng dạy tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Học viện Công giáo Việt Nam và một số Học viện Dòng tu

– 2016 ˗ nay: Chưởng ấn Tòa Tổng giám mục Tổng Giáo phận TP. HCM

– 25/3/2023: Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm

***

TIỂU SỬ
LINH
 MỤC PHÊRÔ LÊ TẤN LỢI

– Sinh ngày 28 tháng 07 năm 1972, tại giáo xứ An Hội, Giáo phận Cần Thơ

– 1991 – 1993: Dự tu lớp Carôlô của Giáo phận Cần Thơ

– 1993 – 2000: Học tại Đại Chủng Viện Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ

– 22/06/2000: Được Đức Giám mục Emmanuel Lê Phong Thuận truyền chức linh mục, thuộc linh mục đoàn Giáo phận Cần Thơ

– 2000 – 2003: Phó xứ giáo xứ Phụng Hiệp, hạt Đại Hải, Giáo phận Cần Thơ

– 2004 – 2011: Du học tại đại học Giáo Hoàng Urbaniana, Rôma; tốt nghiệp học vị tiến sĩ Thần học Thánh Kinh

– Từ 2011 đến nay: Phục vụ tại Đại Chủng Viện Thánh Quý, Cần Thơ:

+ Đặc trách Chủng Sinh Giáo phận Cần Thơ

+ Năm 2012 – 2018: Trưởng Ban Thánh Kinh, Giáo phận Cần Thơ

+ Năm 2015 đến nay: Giáo sư thỉnh giảng tại Đại Chủng Viện Đức Mẹ Vô Nhiễm, Giáo phận Bùi Chu

+ Năm 2017 đến nay: Giám học tại Đại Chủng viện Thánh Quý

– 25/03/2023: Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục phó Giáo phận Cần Thơ.

WHĐ (25.3.2023) – Hôm nay, ngày 25 tháng 03 năm 2023, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm:

– Đức Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay là Giám mục phụ tá (hiệu tòa Catrum) Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, Giám quản Tông tòa Giáo phận Hà Tĩnh, làm Giám mục chính tòa Giáo phận Hà Tĩnh.

– Linh mục Phêrô Kiều Công Tùng, thuộc linh mục đoàn Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh và hiện nay là linh mục Chưởng ấn Tòa Tổng Giám mục Tp. Hồ Chí Minh, làm Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm.

– Linh mục Phêrô Lê Tấn Lợi, thuộc linh mục đoàn Giáo phận Cần Thơ và hiện nay là linh mục Giám học của Đại Chủng viện thánh Quý, làm Giám mục phó Giáo phận Cần Thơ.

***

TIỂU SỬ
ĐỨC GIÁM MỤC LUY NGUYỄN ANH TUẤN

– Sinh ngày 26 tháng 12 năm 1962 tại Quảng Nam, Đà Nẵng

– 1969 – 1979: Học các trường Lasan Mossard, Lasan Taberd Saigon, Trần Quốc Tuấn

– 1979 – 1984: Học Đại học Tổng hợp (Khoa học Tự nhiên) Tp. HCM, tốt nghiệp Cử nhân Toán – Tin học

– 1993 – 1999: Tu học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Saigon

– Ngày 30/06/1999: Được Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn truyền chức linh mục tại nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, thuộc linh mục đoàn Tổng Giáo phận Tp.HCM

– 1999 – 2001: Linh mục phụ tá giáo xứ Phú Nhuận, trợ giảng sinh ngữ tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

– 2001 – 2006: Học tại Học viện Gia Đình Gioan-Phaolô II (Đại học Lateranensis), Roma; tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học (S.T.D) chuyên biệt về Hôn nhân và Gia đình

– 2006: Học về Đào tạo Ơn gọi tại Đại học Gregoriana, Roma

– 2007 – 2013: Giám đốc Nhà Huấn luyện Tiền Chủng viện Thánh Phaolô Lộc (Dự bị Đại Chủng viện) của Tổng Giáo phận Tp. HCM

– 2007 – 2017: Trưởng ban Mục vụ Gia đình Tổng Giáo phận Tp. HCM; Thư ký Uỷ ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

– 2007 – 2017: Giám đốc Nhà Huấn luyện Tiền Chủng viện Thánh Phaolô Lộc (Dự bị Đại Chủng viện) của Tổng Giáo phận Tp. HCM

– 2009 – 2014: Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam (Giáo tỉnh Saigon)

– 2014 – 2018: Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam

– Ngày 25 tháng 08 năm 2017 được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá (hiệu toà Catrum) Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh;

được truyền chức Giám mục ngày 14 tháng 10 năm 2017, khẩu hiệu Giám mục: “Này con đây”

– Ngày 19 tháng 03 năm 2021 Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Hà Tĩnh

– Ngày 25 tháng 03 năm 2023 được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa giáo phận Hà Tĩnh

Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn cũng đảm trách các trách vụ trong Hội đồng Giám mục Việt Nam:

– Tại Đại hội lần thứ XIV (30/9/2019 – 04/10/2019) của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Luy được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

– Tại Đại hội lần thứ XV (03 – 07/10/2022) của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Luy được bầu làm Phó Tổng Thư ký HĐGM

***

TIỂU SỬ
LINH
 MỤC PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG

– Sinh ngày 24/8/1964 tại Thủ Đức, thuộc Giáo xứ Cao Thái, Tổng giáo phận Sài Gòn

– 1993 – 1999: Tu học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

– Ngày 30/06/1999: Được Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn truyền chức linh mục tại nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, thuộc linh mục đoàn Tổng Giáo phận Tp.HCM

– 1999 – 2003: Phụ tá Giáo xứ Bùi Phát, Tổng giáo phận Tp. HCM

– 2003 – 2004: Phục vụ tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

– 2004 – 2009: Du học tại Hoa Kỳ (Boston College & Boston University); tốt nghiệp Thạc sĩ các chuyên ngành Mục vụ – Thánh nhạc và Thần học

– 2009 – 2010: Phụ tá nhà thờ Chính tòa

– 2010 ˗ 2016: Linh mục nội trú tại Đại Chủng viện Thánh Giuse

– 2010 – nay: Giảng dạy tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Học viện Công giáo Việt Nam và một số Học viện Dòng tu

– 2016 ˗ nay: Chưởng ấn Tòa Tổng giám mục Tổng Giáo phận TP. HCM

– 25/3/2023: Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm

***

TIỂU SỬ
LINH
 MỤC PHÊRÔ LÊ TẤN LỢI

– Sinh ngày 28 tháng 07 năm 1972, tại giáo xứ An Hội, Giáo phận Cần Thơ

– 1991 – 1993: Dự tu lớp Carôlô của Giáo phận Cần Thơ

– 1993 – 2000: Học tại Đại Chủng Viện Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ

– 22/06/2000: Được Đức Giám mục Emmanuel Lê Phong Thuận truyền chức linh mục, thuộc linh mục đoàn Giáo phận Cần Thơ

– 2000 – 2003: Phó xứ giáo xứ Phụng Hiệp, hạt Đại Hải, Giáo phận Cần Thơ

– 2004 – 2011: Du học tại đại học Giáo Hoàng Urbaniana, Rôma; tốt nghiệp học vị tiến sĩ Thần học Thánh Kinh

– Từ 2011 đến nay: Phục vụ tại Đại Chủng Viện Thánh Quý, Cần Thơ:

+ Đặc trách Chủng Sinh Giáo phận Cần Thơ

+ Năm 2012 – 2018: Trưởng Ban Thánh Kinh, Giáo phận Cần Thơ

+ Năm 2015 đến nay: Giáo sư thỉnh giảng tại Đại Chủng Viện Đức Mẹ Vô Nhiễm, Giáo phận Bùi Chu

+ Năm 2017 đến nay: Giám học tại Đại Chủng viện Thánh Quý

– 25/03/2023: Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục phó Giáo phận Cần Thơ.

Nguồn: TGPSG

26/03 – CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM A

“Ta là sự sống lại và là sự sống”.

Lời Chúa: Ga 11, 1-45

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. (Maria này chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Em trai bà là Ladarô lâm bệnh). Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”. Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày.

Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”. Môn đệ thưa: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư?” Chúa Giêsu đáp: “Một ngày lại chẳng có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng”. Người nói thế, rồi lại bảo họ: “Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông”. Môn đệ thưa: “Thưa Thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khoẻ lại”. Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Ladarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: “Ladarô đã chết. Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông”. Lúc đó Tôma, cũng có tên là Ðiđimô, nói với đồng bạn: “Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người”.

Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách Giêrusalem chừng mười lăm dặm). Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Nói xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: “Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em”. Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp Người. Những người Do-thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ.

Vậy khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân Người và nói: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết”. Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: “Ðã an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”.

Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra.

Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”.

Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

Suy niệm: Đối với con người, một khi lưỡi hái tử thần đã buông xuống, thì mạnh như Hercule, giỏi như Cesar, quyền lực như Tần Thủy Hoàng, đẹp như Cléopâtre cũng đành cuốn gói đi về với cát bụi. Thế nhưng, có một người đã dám chống lại Tử Thần và đã chiến thắng. Đó là Đức Ki-tô Phục Sinh. Và tiếp bước theo Người, những người Ki-tô hữu cũng sẽ sống lại như thế. Nhờ vào đâu vậy? Thưa, nhờ tin và chịu phép rửa trong Đức Ki-tô, nghĩa là cùng “chịu phép rửa trong cái chết của Người, anh em cũng sẽ được cùng sống lại với Người” (Cl 2,12). Tất cả niềm tin, niềm hy vọng của người Ki-tô hữu được đặt trên nền tảng này.

Mời Bạn: Hành trình đức tin của Mác-ta vào Đức Ki-tô Phục Sinh cho thấy sự phục Sinh không phải là cái gì bên kia cái chết, nhưng đang có mặt ngay tại đây, hôm nay và mọi ngày, nơi mỗi tâm hồn đón nhận và tin kính Ngài như Mác-ta, và Chúa không ngừng chất vấn bạn như đã chất vấn Mác-ta: “Con có tin điều đó không?”

Chia sẻ: Niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh có là động lực thúc đẩy bạn dấn bước theo Chúa triệt để hơn không?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ hướng mọi việc mình làm, mọi sự kiện cuộc sống mình về mầu nhiệm phục sinh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, màu tím của mùa Chay là màu của tang tóc, đau khổ. Nhiều khi con cảm thấy hụt hẫng, tối tăm trong đời, nhất là khi đối diện với cái chết của những người thân. Xin cho màu trắng Phục Sinh giúp con can đảm trung thành sống theo những gì Mùa Chay đòi hỏi, để cũng được phục sinh với Chúa. Amen.

25/03 – Thứ Bảy tuần 4 Mùa Chay – Lễ TRUYỀN TIN. Lễ Trọng.

“Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.

Lời Chúa: Lc 1, 26-38

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.

Suy niệm: Bối rối và kinh sợ là tâm trạng của Đức Ma-ri-a khi đối diện với lời Thiên Chúa mời gọi trở nên cung lòng cho Ngôi Lời nhập thể làm người. Bối rối vì ý muốn của Chúa có vẻ vượt quá suy nghĩ của Mẹ, thậm chí ý muốn ấy làm đảo lộn dự phóng của Mẹ về tương lai cuộc đời mình. Kinh sợ vì hồng ân Chúa dành ban cho Mẹ quá lớn lao, Mẹ cũng chưa hình dung cuộc đời mình sẽ như thế nào, phải đương đầu với những gì khi đón nhận điều Chúa muốn. Trong tâm trạng bối rối, kinh sợ ấy, Mẹ khiêm tốn bàn hỏi với sứ thần về cách thức sự việc xảy ra, cũng như xin Chúa cho biết mình phải cộng tác thế nào trong chương trình cứu độ của Chúa. Để rồi khi nhận được câu trả lời, với tất cả lòng tin vào quyền năng, tình yêu của Chúa, Mẹ can đảm đáp tiếng xin vâng, nỗ lực thực hiện điều Chúa muốn.

Mời Bạn: Đã có không ít biến cố hay xì-căng-đan trong lòng Giáo Hội làm người Ki-tô hữu rơi vào tâm trạng bối rối, mù mờ, thậm chí hoang mang, kinh sợ. Như Đức Ma-ri-a, bạn và tôi được mời gọi hãy đến với Chúa, xin Ngài soi sáng cho biết điều Chúa muốn, cũng như phải đáp ứng thế nào hầu đứng vững trước những khủng hoảng, xây dựng sự hợp nhất, làm sáng danh Chúa. Để làm được điều đó, ta cần sự khiêm nhường, lòng tin tưởng vào quyền năng của Chúa.

Sống Lời Chúa: Trong mọi việc, nhất là những việc quan trọng, bạn tập cầu nguyện với Chúa, xin Ngài soi sáng cho biết việc phải làm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa chính là nguồn quang minh tâm trí chúng con. Xin giúp chúng con luôn bàn hỏi với Chúa, nhất là khi gặp khủng hoảng, và thi hành điều Chúa muốn. Amen.