31/08 – Thứ Năm tuần 21 thường niên.

“Các con hãy sẵn sàng”.

Lời Chúa: Mt 24, 42-51

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.

“Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Suy niệm: Chiều thứ Năm ngày 20/07 vừa qua, Sở Cảnh sát Berlin báo động người dân một số khu vực phải cảnh giác khi đi đường, tốt hơn nên ở trong nhà vì một con sư tử xổng chuồng đang lang thang trong vùng. Tình hình quả là nghiêm trọng: thử tưởng tượng có một con sư tử hung bạo đang rảo quanh tìm cơ hội cắn xé, ta sẽ làm gì? Đương nhiên là ta phải hết sức canh phòng. Thánh Phê-rô dùng hình ảnh đó để căn dặn ta canh thức trước mưu ma chước quỷ đêm ngày quanh ta (x. 1Pr 5,8-9). Chủ đề canh thức, sẵn sàng đón Chúa hôm nay được Đức Giê-su cảnh báo ta qua hai hình ảnh: (1) như kẻ trộm đến bất ngờ, gia chủ phải canh chừng; (2) tựa ông chủ đi dự tiệc ban đêm bất ngờ trở về, gia nhân phải canh thức. Bất ngờ là ta không thể biết trước thời điểm; phương thế duy nhất là canh thức, sẵn sàng cho giây phút bất ngờ ấy.

Mời Bạn: Thánh Gio-an Thánh giá nhắc nhở bạn đừng để đôi mắt mình bị lôi cuốn bởi những ánh đèn hải đăng giả hiệu của tiền của, địa vị, danh giá. Nhưng hãy tỉnh thức làm chủ ý định và ước muốn, bởi chúng là lực lượng nội công hư hỏng, cướp đi tự do của bạn. Bạn không thể chỉ mở to đôi mắt canh thức một lúc nào đó rồi thôi, nhưng phải là trong mọi giây phút đời mình. Mời bạn luôn tỉnh thức làm chủ bản thân bằng cách chỉ suy nghĩ và ước muốn một điều duy nhất là làm đẹp lòng Chúa, để Ngài luôn nở nụ cười hài lòng, khi bạn chu toàn bổn phận mỗi ngày với lòng mến.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chu toàn bổn phận vì lòng yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, lòng con chỉ canh cánh một điều: làm mọi sự để đem lại cho Chúa nụ cười mỗi ngày. Amen.

30/08 – Thứ Tư tuần 21 thường niên.

“Các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri”.

Lời Chúa: Mt 23, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp. Các ngươi cũng thế, bên ngoài, các ngươi có vẻ là người công chính, nhưng bên trong, các ngươi đầy sự giả hình và gian ác.

Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, các ngươi xây đắp phần mộ các tiên tri, trang hoàng mồ mả những người công chính, và các ngươi nói rằng: “Nếu chúng tôi sống thời cha ông chúng tôi, ắt chúng tôi không thông đồng với các ngài trong việc đổ máu các tiên tri”. Vì thế, các ngươi tự chứng thực các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri. Vậy các ngươi cứ đong cho đầy đấu của cha ông các ngươi”.

Suy niệm: Ta dễ xúc động, thiện cảm với hình ảnh một Chúa Giê-su hiền lành và khiêm hạ, một vị Chúa cúi xuống tựa nô lệ rửa chân cho môn đệ, Chúa Giê-su yêu kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình. Thế nhưng, ta hơi bị “sốc” trước cảnh tượng Chúa Giê-su lấy dây thừng làm roi đánh đuổi kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ, hay dùng lời nặng nề “mồ mả tô vôi” để khiển trách những người Pha-ri-sêu giả hình. Thật ra, ai sống hiền lành và khiêm hạ, cũng cần có lòng can đảm để sống hai nhân đức ấy. Cũng vậy, khiển trách-sửa lỗi vì yêu thương trong sự thật cần sự can đảm như thế. Việc sửa lỗi, khiển trách của Chúa Giê-su không nhằm kết án, chúc dữ, nhưng nhằm chữa lành. Vì thế, trên cây thánh giá, Ngài không trách móc một ai, chỉ cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ giết hại mình, vì họ không biết việc họ làm.

Mời Bạn: Khiển trách phải là một nghệ thuật của trái tim. Khiển trách như Chúa Giê-su là gởi gắm cả tấm lòng vào đó, mong muốn người được khiển trách được chữa lành. Đôi khi chúng ta chỉ trích, lên án chứ không phải là yêu thương, chữa lành. Làm như vậy chỉ là “đổ dầu vào lửa,” làm sự việc thêm trầm trọng phức tạp, hơn là làm cho giảm nhẹ chữa lành.

Sống Lời Chúa: Gia đình tôi, nếu có khiển trách nhau, từ nay sẽ tập nói lời chữa lành, thay vì nói lời thô lỗ, cọc cằn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến trần gian để chữa lành, kể cả những lúc phải dùng đến việc khiển trách.  Trong năm Hiệp Hành, hướng đến một lòng một ý, xin giúp chúng con học cách sửa lỗi nhau giống như Chúa: khiển trách trong yêu thương, khiển trách nhưng đồng thời mong vết thương tha nhân được chữa lành. Amen.

29/08 – Thứ Ba tuần 21 thường niên – Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết. Lễ nhớ.

“Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa”.

Lời Chúa: Mc 6, 17-29

Khi ấy, Hêrôđê đã sai đi bắt Gioan và giam ông trong ngục: nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan bảo Hêrôđê: “Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình”. Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe.

Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: “Con muốn gì, cứ xin, trẫm sẽ cho”, và vua thề rằng: “Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho”.

Cô ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì?” Mẹ cô đáp: “Xin đầu Gio-an Tẩy Giả”. Cô liền vội vàng trở vào xin vua: “Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa”. Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ.

Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.

Suy niệm: Ông Gio-an lên tiếng chống lại hành vi vô luân của Hê-rô-đê không phải do suy nghĩ bồng bột nông cạn, hay quá tự hào về uy tín của mình. Hơn ai hết, Gio-an biết mình đang đương đầu với ai, và điều sẽ xảy đến cho mình sau đó. Thế nhưng, ông chấp nhận tất cả chỉ vì sự thật, ý thức sứ vụ của mình là làm chứng cho sự thật, là lý do tại sao mình có mặt ở đây và lúc này. Sứ vụ ấy đòi hỏi ông sửa lại những sai lạc, lầm lỗi của người anh em lân cận. Thế nên, Gio-an đã không chọn im lặng, thỏa hiệp với sự dữ để được yên thân, nhưng can đảm lên tiếng, chấp nhận cả cái giá đắt phải trả là mạng sống chỉ vì Sự thật.

Mời Bạn: Hoàng đế Napoléon nói rằng thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của kẻ xấu, mà vì sự im lặng của người tốt. Lý do khiến người tốt chọn im lặng vì sự thật làm mất lòng; lên tiếng bênh vực sự thật không chỉ mất lòng, nhưng có khi còn mất mạng. Cũng vì ngại liên lụy, sợ thiệt thân mà bạn và tôi đã chọn giải pháp im lặng, thậm chí thỏa hiệp với sự dữ. Là Ki-tô hữu, ta được Thiên Chúa sai vào thế giới này để làm cho xã hội quanh ta trở thành nền văn minh tình thương hơn qua đời sống chứng tá cho sự thật. Bạn có xác tín như thế không?

Sống Lời Chúa: Bạn xin Chúa soi sáng cho biết việc phải làm lúc này, cũng như đủ can đảm, quyết tâm để thi hành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều khi vì sợ nhọc thân, thiệt thòi mà chúng con đã im lặng trước sự dữ. Xin ban thêm sức mạnh để chúng con dám sống chứng tá cho Chúa mỗi ngày. Amen.

28/08 – Thứ Hai tuần 21 thường niên. – Thánh Âu-tinh, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù”.

Lời Chúa: Mt 23, 13-22

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đóng cửa nước trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đọc kinh cho dài để nuốt tài sản của các bà goá, bởi thế, các ngươi sẽ chịu phán xét nặng hơn.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi rảo khắp biển khơi và lục địa, để tìm cho được một người tòng giáo, nhưng khi đã cho người đó tòng giáo, các ngươi làm cho nó trở thành con cái hoả ngục gấp hai lần các ngươi.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù! Vì các ngươi nói rằng: Ai lấy đền thờ mà thề, thì không có giá trị gì, nhưng ai lấy vàng trong đền thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi kẻ ngu ngốc và đui mù, chớ thì vàng hay là đền thờ thánh hoá vàng, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn bảo rằng: Ai lấy bàn thờ mà thề, thì không giá trị gì, nhưng ai lấy của lễ để trên bàn thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi những kẻ đui mù, chớ thì của lễ hay là bàn thờ thánh hoá của lễ, cái nào trọng hơn?

“Vậy ai lấy bàn thờ mà thề, thì lấy cả bàn thờ và mọi sự để trên bàn thờ mà thề. Kẻ nào lấy đền thờ mà thề, thì lấy cả đền thờ và Ðấng ngự trong đền thờ mà thề. Và kẻ nào lấy trời mà thề, thì lấy ngai toà Thiên Chúa và Ðấng ngự trên ngai toà ấy mà thề”.

Suy niệm: “Tất cả chúng ta đều là kẻ đạo đức giả. Ta không thể nhìn và xét đoán mình theo đúng cách ta nhìn và xét đoán người khác” (J. Pacheco). Ta áp dụng một tiêu chuẩn kép: khắt khe với người, dễ dãi cho mình. Nói theo Đức Giê-su: Người đạo đức giả bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào. Ngài gọi họ là “đồ ngu si mù quáng” vì đặt vàng bạc, của lễ cao trọng hơn Đền thờ, bàn thờ, đề cao vật chất hơn sự thánh thiêng, tách biệt Đền thờ khỏi Đấng cao cả ngự trong Đền thờ ấy. Người đạo đức giả còn làm các việc đạo đức thờ phượng không phải để tôn vinh Thiên Chúa, nhưng nhằm trục lợi vật chất. Cuối cùng, họ cản trở người đạo đức thật sự đi vào thiên đàng, do cung cách hướng dẫn sai lạc, cũng như do gương xấu họ gây ra cho các anh em này.

Mời Bạn: “Sự thật mà không có tình thương là sự tàn bạo, tình thương không có sự thật là sự giả hình” (W.Wiersbe). Sống đúng sự thật về mình: tạo vật được Chúa dựng nên, mắc nợ Ngài món quà sự sống quý giá; con cái Thiên Chúa, được Ngài yêu thương ban sự sống vĩnh cửu. Nhờ đó, bạn tránh được thói đạo đức giả. Ai sống trong tâm tình biết ơn, người ấy luôn biết cách thực thi tâm tình đạo đức đích thật.

Sống Lời Chúa: Tôi dành thời gian soi lại dung mạo của mình, xem có hành xử như người đạo đức giả Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh không. Nếu có, phải sửa đổi như thế nào?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm thấy hổ thẹn đã có các biểu hiện thói đạo đức giả như Chúa mô tả. Xin cho con luôn biết sống trong tâm tình tri ân cảm tạ, đúng với sự thật về con. Amen.

  1. Vào lúc 10 giờ 00 sáng Chúa nhật 27/08 giáo xứ trao học bổng cho 40 học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 và 5 sinh viên.
  2. Sáng Chúa nhật 27/08, Thiếu nhi tập trung, nhận lớp. Thánh Lễ khai giảng năm học giáo lý vào lúc 7:30 Chúa nhật 10/09
  3. Số tiền anh chị em giúp cho việc xây dựng Nhà Thờ Gia Hội thuộc TGP Huế trong tuần qua được 600 triệu đồng. Cha Đại diện Giám mục Giuse Nguyễn Văn Chánh xin cảm ơn anh chị em đã quảng đại giúp đỡ .
  4. Theo lệnh của Đức Tổng Giuse, các nhà thờ trong TGP chỉ cử hành Thánh lễ tại nhà cốt mỗi tháng 1 lần. Tại Nhà thờ Tân Định sẽ cử hành vào 6:15 thứ bảy đầu tháng. Sau Thánh lễ trong Nhà Thờ lúc 6:15 và 19:00 xin anh chị em cùng đọc kinh tại Nhà Chờ Phục Sinh.
  5. Có 1 số điều chỉnh trong cử hành phụng vụ được áp dụng chung, xin anh chị em đón nhận, cụ thể việc xướng ý nguyện và cầu cho các linh hồn sẽ được các cha rao trước khi thống hối,…

Lm Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

27/08 – CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN năm A

“Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời”.

Lời Chúa: Mt 16, 13-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”

Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Kitô.

Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại.

Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

Suy niệm: Qua hằng ngàn năm, dân Do Thái mong chờ Đấng Cứu Thế xuất hiện để giải thoát, đưa đất nước lên hàng cường quốc. Vậy mà, điều đáng buồn là khi Đức Giê-su, vị Cứu thế đến, họ chỉ nhìn thấy Ngài như là ông Gio-an Tẩy giả, Ê-li-a, Giê-rê-mi-a hay một ngôn sứ nào đó mà thôi! Nghĩa là một con người được Chúa đặc biệt chọn để nói lời của Ngài. Trái lại, Phê-rô, nhờ Chúa Cha mặc khải, đã nói đúng chân tướng của Đấng Cứu thế: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Phê-rô, thay mặt anh em, bày tỏ sự tin tưởng, niềm hy vọng các ông đặt nơi Thầy mình. Ngài là Đấng Ki-tô, Đấng được xức dầu, Đấng đến để chữa lành những vết thương, đổi mới trần thế. Khi quyết định theo Ngài, các ông “đặt cược” cả vận mạng, tương lai đời mình cho Ngài. Thế nhưng, chỉ sau cuộc khổ nạn và phục sinh của Thầy, Phê-rô cũng như các Tông đồ khác mới ‘ngộ’ ra Đấng Ki-tô ấy phải qua đau khổ, thập giá mới khải hoàn phục sinh, đem lại hy vọng tươi sáng cho tất cả nhân loại.

Mời Bạn: Trong Tông huấn “Đức Ki-tô hằng sống”, Đức giáo hoàng Phan-xi-cô nói rằng: Đức Ki-tô là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách kỳ diệu Người mang sự tươi trẻ đến cho thế giới chúng ta, và mọi sự được Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ, đầy tràn sức sống.” Đặt hy vọng nơi Đức Ki-tô, cuộc đời bạn mới tràn đầy niềm vui, sức sống, dù giữa muôn khổ đau, thách đố. Bạn đã chọn Đức Ki-tô là niềm hy vọng của đời mình chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy thiết tha cầu xin cho mình có được niềm hy vọng ở nơi Chúa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Trông Cậy.

 

 

26/08 – Thứ Bảy tuần 20 thường niên.

“Họ nói mà không làm”.

Lời Chúa: Mt 23, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm.

Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là “Thầy”, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là “cha”, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là “người chỉ đạo”: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô.

Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.

Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Suy niệm: Servus servorum (“tôi tớ của các tôi tớ”) là danh xưng chung của các đức giáo hoàng. Các ngài ý thức đời giáo hoàng của mình phải họa lại cuộc đời Đức Ki-tô: người tôi tớ phục vụ. Hình ảnh ấn tượng nhất là Thầy Giê-su khiêm tốn cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,5), minh họa  thế nào là làm lớn trong Nước Trời. Khi nắm giữ bất cứ chức vụ trong Giáo Hội, điều quan trọng là ta xác định mình phải thi hành chức vụ ấy theo cung cách nào, làm lớn theo kiểu thế gian “đè đầu đè cổ” thiên hạ, hay tựa người tôi tớ Thiên Chúa theo mẫu gương Đức Ki-tô. Nếu theo khuôn mẫu người tôi tớ theo Đức Ki-tô, ta nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi những người ta có nhiệm vụ chăm sóc, tiếp xúc, phục vụ.

Mời Bạn: Theo tự nhiên, ai cũng muốn có một vị trí nào đó. Chúa Giê-su không hủy bỏ tâm lý tự nhiên ấy, Ngài chỉ dạy cung cách làm lớn hay làm đầu của người môn đệ Ngài: khiêm tốn phục vụ như người tôi tớ. Nói cách khác, chấp nhận  lội ngược với dòng đời hôm nay: thay vì theo cung cách xin – cho, cầu cạnh – ban phát, chúng ta tập cho không, phục vụ mà không mong đền đáp. Đức Ki-tô trên thập giá, “nên giá chuộc muôn người” (Mc 10,45) phải luôn nằm trong tâm trí người làm lớn của Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm “tôi chỉ là đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10) để luôn làm mọi việc với lòng khiêm tốn hầu mưu ích cho anh chị em mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ưa thích tâm hồn của những người hèn mọn. Xin cho chúng con luôn cư xử với người chung quanh bằng tâm tình của người môn đệ Chúa Ki-tô, phục vụ Chúa trong anh chị em mình. Amen.

25/08 – Thứ Sáu tuần 20 thường niên.

“Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi”.

Lời Chúa: Mt 22, 34-40

Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại. Đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?”

Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất.

Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.

Suy niệm:Mức độ của tình yêu là yêu không mức độ” (Thánh Bê-na-đô). Đặc tính vô hạn, không có mức độ ấy được thể hiện rất rõ nét nơi Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, yêu đến nỗi trao ban chính Con Một yêu dấu, không còn giữ lại gì cho mình. Cũng vậy, Thiên Chúa mời gọi ta đáp trả, không chỉ với Người, mà còn với tha nhân qua điều răn yêu thương: Yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình. Đó là luật buộc và là luật cao trọng nhất trong các lề luật. Thiên Chúa và tha nhân là hai mặt của ‘đồng tiền tình yêu’ của mỗi người, đến mức không thể chỉ yêu Thiên Chúa và miễn trừ bổn phận với tha nhân, vì yêu tha nhân như chính mình do yêu mến Chúa là cách bày tỏ tình yêu mến Thiên Chúa tuyệt vời nhất.

Mời Bạn:Thiên đàng không dành cho những người cằn cỗi yêu thương” (Rosalie). Tình yêu là con đường đưa ta đến với hạnh phúc thiên đàng. Tình yêu giúp giải phóng ta khỏi những “chật chội” của tâm hồn để yêu thương, đón nhận tha nhân như họ là, chứ không phải theo cách ta muốn nơi họ. Tình yêu ấy giúp ta sống điều luật cao trọng cách đúng đắn, cũng như giúp hoàn thiện bản thân mình như Cha trên trời. Mời bạn chiêm ngưỡng và thực hành lối sống đó.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn gặp người hàng xóm với thái độ thân thiện và cư xử với họ cách tử tế, lịch thiệp.

Cầu nguyện: Lạy Cha là Tình yêu vô hạn, là mẫu gương tình yêu cho con. Xin cho con biết yêu Ngài trên hết mọi sự và nỗ lực yêu anh chị em mình như chính bản thân con vậy. Amen.

24/08 – Thứ Năm tuần 20 thường niên – THÁNH BATÔLÔMÊÔ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

“Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối “.

Lời Chúa: Ga 1, 45-51

Khi ấy, Philipphê gặp Nathanael và nói với ông: “Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét”. Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?” Philipphê nói: “Hãy đến mà xem”.

Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanael đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

Suy niệm: Cây cối luôn mang một ý nghĩa tượng trưng trong các nền văn hóa: tham thiền nhập định dưới gốc cây bồ đề của nhà Phật, cây trúc của người quân tử Nho giáo, nhánh cây ô-liu trong tay các chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình… Với người Do Thái cũng vậy, cây vả tiêu biểu cho hòa bình khi người ta thư thái ngồi yên ổn dưới bóng mát của cây này để suy gẫm. Na-tha-na-en (hay Ba-tô-lô-mê-ô) kinh ngạc không phải vì Đức Giê-su thấy ông ngồi dưới gốc cây vả, nhưng Ngài thấu suốt điều ông đang suy nghĩ, ước mơ, khao khát. Ông tâm phục khẩu phục vị ngôn sứ đọc được tâm tư của mình. Là người trung thực, ông nhanh chóng nhận ra Ngài có thể đáp ứng mọi khát vọng, chờ đợi của mình.

Mời Bạn: Bạn có nhiều mơ ước tốt đẹp cho mình và người thân. Bạn muốn tìm một ý nghĩa đích thực cho đời mình. Bạn mong ước đem an vui, hạnh phúc đến cho người bất hạnh. Mời bạn đến với Đức Giê-su, Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa là con người,  có thể giúp bạn toại nguyện. Ở với Ngài, học với Ngài, đi theo Ngài, sống như Ngài và rồi cuộc đời của bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.

Chia sẻ: Là môn đệ Chúa Giê-su nhiều năm qua, tôi nhận thấy cuộc đời mình đã đổi mới chưa? Nếu chưa, tại sao?

Sống Lời Chúa: Tin tưởng mình đã tìm ra đúng Đấng đáp ứng được mọi khát vọng của đời người, tôi sẽ dành thời gian để học hỏi, tìm hiểu và noi theo gương sống của Chúa Giê-su.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con vui mừng, hạnh phúc vì được có Chúa trong cuộc đời. Xin cho chúng con chuyên cần tìm hiểu, học tập đời sống và lời dạy của Chúa mỗi ngày. Amen.