31/10 – Thứ Ba tuần 30 thường niên.

“Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to”.

Lời Chúa: Lc 13, 18-21

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó”.

Người lại phán rằng: “Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men”.

Suy niệm: Một nắm men nhỏ có thể làm cho cả khối bột nở ra, trở thành tấm bánh thơm ngon. Nắm men trong dụ ngôn làm cho ba thúng bột, tương đương 50 kg, dậy men, đủ cho cả trăm người ăn no. Chúa dùng “nắm men” làm ẩn dụ nói lên sự tác động diệu kỳ từ bên trong, đem lại hiệu quả gấp nhiều lần từ những gì rất nhỏ bé. Chẳng hạn: người ta tin rằng lòng quyết tâm như men làm cho sự nỗ lực phát huy, tăng trưởng, hay lòng nhiệt thành tựa men giúp niềm hy vọng bay cao như những vì sao. Đức Giê-su cũng sử dụng hình ảnh men như tác động của Nước Trời từ bên trong, âm thầm, lặng lẽ, nhưng tạo hiệu quả sâu đậm trong thế giới con người. Ta nhận ra nắm men Nước Trời ấy đã tạo ra rất nhiều thay đổi tích cực nơi xã hội nhân loại từ hơn 2.000 năm nay.

Mời Bạn: “Đời sống sinh động với nụ cười tựa như cho men vào tô bột, thêm chút nước ấm, rồi chờ bột dậy men. Bột sẽ nở ra gấp nhiều lần” (J. Templeton). Các nghĩa cử bác ái, hy sinh quên mình, dấn thân vì Nước Trời của đời Ki-tô hữu thường rất bình dị, nhỏ nhoi, không mấy người quan tâm, nhưng lại có tác dụng diệu kỳ nơi người khác, đem lại những hiệu quả tích cực bạn không ngờ. Vì thế, bạn hãy tiếp tục thực hiện các nghĩa cử tựa như men Nước Trời ấy.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi thực hiện một nghĩa cử yêu thương, một việc tốt đẹp cho vài ba người lân cận của mình, với ý hướng vì Tin Mừng Nước Trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống hết mình, chết trọn tình để Nước Trời hiện diện giữa chúng con. Xin cho con làm chứng cho Nước Trời bằng chút men yêu thương mỗi ngày. Amen.

30/10 – Thứ Hai tuần 30 thường niên.

“Chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat sao?”

Lời Chúa: Lc 13, 10-17

Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: “Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà”. Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.

Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: “Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat”.

Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?” Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện.

Suy niệm: Ông chủ tịch hội đường này cũng ‘né’ Chúa Giê-su, không dám trực tiếp hạch sách Ngài, nhưng lại quay qua ‘bắt nạt’ dân chúng, những người đang chen chúc đến xin Chúa chữa bệnh trong ngày sa-bát. Thật mỉa mai thay vì người ta lắm khi coi trọng những hệ thống luật pháp hơn cả lòng nhân đạo, thậm chí coi trọng súc vật hơn chính con người. Và đáng ngại hơn nữa, người ta quan tâm tháo gỡ những chướng ngại để thụ hưởng vật chất cho thật nhiều trong khi đó vẫn tiếp tục duy trì những trói buộc khiến con người tâm linh cứ phải “còng lưng” mãi không thể “đứng thẳng” lên được.

Mời Bạn suy nghĩ về cách thức bạn “giữ ngày Chúa Nhật.” Có thực sự bạn không thể “kiêng việc xác” ngày Chúa Nhật vì cuộc sống bạn quá khó khăn không hay chỉ vì bạn bị trói buộc quá nhiều vào cuộc sống vật chất? Hay ngược lại bạn nghỉ cả ngày thứ bảy lẫn Chúa Nhật nhưng chủ yếu tập trung cho vui chơi giải trí và chỉ dành cho Chúa một chút thì giờ khít khao cho việc “đi lễ” để gọi là có “giữ ngày Chúa Nhật”?

Sống Lời Chúa: Bạn lập chương trình cho ngày Chúa Nhật của bạn sao cho ngày đó bạn được thực sự giải phóng khỏi mọi ràng buộc để có một một ngày thật trọn vẹn dành cho Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sẵn sàng phụng sự Chúa với tất cả lòng trung tín và sẵn sàng phục vụ tha nhân với tất cả lòng quảng đại.

  1. Chúng ta đang sống những ngày cuối của tháng Mân Côi xin anh chị em siêng năng lần chuỗi mân côi liên kết với giáo xứ trong 10 kinh mân côi hàng ngày.
  2. Giờ lễ các thánh 1/11 và lễ các đẳng linh hồn 2/11 như sau: Sáng 5g00 và 6g15; Chiều: 17g30 và 19g00.
  3. Số tiền anh chị em giúp cho Quỹ Truyền Giáo được 145 triệu đồng. Xin chân thành cám ơn anh chị em
  4. Thứ năm ngày 2/11/2023 vào lúc 1900 Đức Cha Phụ Tá Giuse sẽ dâng Thánh Lễ làm phép Nhà Chờ Phục Sinh nối dài của giáo xứ. Sẽ có thêm 6240 chỗ mới (nhà chờ PS cũ có 7.004 chỗ)
    • Nhà Chờ Phục Sinh của giáo xứ Tân Định hiện tại có : 44 căn, mỗi căn 160 chỗ. Tổng cộng: 7.004 chỗ. Hiện nay còn trống 286 chỗ. (Chưa tinh tầng trên cao 1.408 chỗ)
    • Nhà chờ Phục Sinh nối dài của giáo xứ Tân Định sẽ có 39 căn, mỗi căn 160 chỗ. Tổng cộng: 6.240 chỗ (chưa tính tầng trên cao 1.348 chỗ)
    • Trung bình mỗi năm giáo xứ có khoảng 27 người qua đời. Nên xin anh chị em yên tâm.
      Số cănSố chỗ / cănTổngTầng trên cao
      Nhà chờ PS hiện tại441607.004 chỗ1.408 chỗ
      Nhà chờ PS mới391606.240 chỗ1.348 chỗ
      Tổng cộng8313.244 chỗ+ 2748 chỗ
  5. Bắt đầu từ ngày 01/11/2023, Giáo xứ Tân Định có quy định mới về việc gởi tro cốt thay cho quy định ký ngày 01/11/2017.

QUY ĐỊNH MỚI VỀ VIỆC GỬI TRO CỐT

Bắt đầu từ ngày 01/11/2023, Giáo xứ Tân Định có quy định mới về việc gởi tro cốt thay cho quy định ký ngày 01 /11/2017

  1. Giáo dân hiện đang cư ngụ trong giáo xứ Tân Định (có ghi danh nhập xứ) khi qua đời: miễn phí. Các hũ cốt sẽ được đặt tại vị trí A 26,27,28,29 và B16,17,18,19,20. Trường hợp đặt chỗ trước: xin góp 5 triệu đồng / 1 hũ cốt. Trường hợp có hoàn cảnh khó khăn xin trình bày với cha Sở.
  2. Anh chị em không thuộc giáo xứ Tân Định xin góp lệ phí: 5 triệu đồng /1 hủ cốt.
  3. Từ ngày 01/11/2023 đến hết ngày 31/12/2023 gia đình nào có ý nguyện đưa các người thân về gần nhau, xin liên hệ trực tiếp với cha Sở. Quá thời gian này sẽ không giải quyết. Xin nộp lại tất cảc các phiếu hài cốt cũ để nhận phiếu mới.
  4. Trường hợp đặt chỗ trước: xin nộp photo CCCD, sổ gia đình công giáo và điền vào phiếu đăng ký. Khi nhận biên nhận xin giữ kỹ, và chỉ giải quyết cho hũ cốt đúng tên đã đăng ký.
    Trường hợp khác tên xin đăng ký mới và chỉ được nhận nếu nhà chờ Phục Sinh của Giáo xứ còn chỗ.
  5. Cha sở đương nhiệm và Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ sẽ bàn giao cho cha sở mới toàn bộ danh sách đặt chỗ trước. Khi ký biên bản bàn giao sẽ có phần ghi nhớ: cha sở mới tiếp tục cho anh chị em đã đăng ký giữ chỗ được gởi cốt vào đúng vị trí đã đăng ký khi xuất trình phiếu gởi.
  6. Gia đình tự lo liệu hũ cốt và hình ảnh. Kích thước của hũ cốt tối đa là: 13 cm x 23 cm. Xin liên hệ với Văn Phòng giáo xứ để được hướng dẫn.
  7. Khi Nhà Chờ Phục Sinh không thể nhận thêm, sẽ có thông báo không nhận hài cốt từ các nơi khác gởi đến.

Lm Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

29/10 – CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN năm A

“Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi”.

Lời Chúa: Mt 22, 34-40

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?”

Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.

Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.

Suy niệmYêu mến một Thiên Chúa duy nhất hết lòng hết dạ, hết sức lực, là lời kinh rất quen thuộc người Do Thái vẫn đọc sáng tối hằng ngày. Lời kinh này được dân Chúa lặp lại mỗi ngày không chỉ để cầu nguyện, hay chỉ để nhắc nhở nhau phải ghi tạc vào lòng, thực thi giới răn Thiên Chúa, nhưng còn giúp định hướng ngày sống, toàn bộ đời mình vào Thiên Chúa. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, là Đấng con người phải đặt để trên tất cả mọi sự, và lòng yêu mến Thiên Chúa ấy sẽ giúp người ta nhận ra việc phải làm để sống đẹp lòng Ngài. Nói khác đi, khi yêu mến Thiên Chúa trên tất cả mọi sự thì con người sẽ lắng nghe, thi hành mọi điều Thiên Chúa truyền dạy để tôn vinh Ngài.

Mời Bạn: Thánh Gio-an đã xác quyết rằng: “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình”… “vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20b-21). Bạn xét xem bạn đã yêu mến Thiên Chúa đủ để giúp bạn yêu thương người thân cận như Chúa muốn không? Nếu chưa, bạn làm gì để thêm lòng yêu mến Chúa hơn trong đời mình?

Sống Lời ChúaMỗi ngày bạn làm ít nhất một việc bác ái cho người thân cận để tỏ lòng yêu mến Chúa, chứ không vì một động lực nào khác.

Cầu nguyệnLạy Chúa, cảm tạ Chúa đã yêu thương chúng con đến cùng. Xin giúp chúng con ngày càng cảm nghiệm sâu hơn về tình yêu ấy. Nhờ đó, chúng con nỗ lực gắn kết với Chúa mỗi ngày, biết sống yêu thương, quảng đại với mọi người để làm vinh danh Chúa. Amen.

28/10 – Thứ Bảy tuần 29 thường niên – THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

“Người chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ”.

Lời Chúa: Lc 6, 12-19

Trong những ngày ấy Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Đó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội.

Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.

Suy niệm: “Tông đồ mà không cứu các linh hồn và thiết lập Giáo hội thì tựa nông dân không sản sinh ra mùa gặt” (D. Cannistraci). Tông đồ là người ở với Đức Giê-su, rồi được Ngài sai đi. Như vậy, điều kiện đầu tiên là ở với Đức Giê-su: học hỏi, chiêm ngắm, sống mối tương quan thân thiết với Ngài như người môn đệ, tựa người bạn thân. Một khi đã là môn đệ thân tín của Ngài, ta sẽ tiến thêm bước nữa: nhận sứ vụ Tông đồ loan báo Ngài cho người lân cận. Si-mon và Giu-đa (hay Ta-đê-ô) đã lần lượt thực hiện hai bước này: ở với Thầy trong ba năm, rồi được Thầy sai đi đến tận cùng trái đất. Si-mon rao giảng Tin Mừng ở Ai Cập, sau đó sang Ba Tư; Giu-đa loan báo Tin Mừng ở Mêsôpôtamia; rồi cả hai vị cùng lãnh triều thiên tử đạo ở Ba Tư.

Mời Bạn: Hãy đến nhà thờ học biết về lòng tha thứ; để rồi trở về trở thành người thứ tha. Hãy đến nhà Chúa học biết về sự tốt bụng; rồi trở về trở thành người tốt bụng. Cứ như thế sau mười lần đến nhà thờ trong mười Chúa Nhật, bạn sẽ là hình ảnh thật của Chúa Ki-tô (theo I. Ayivor). Trong Thánh lễ, bạn ở lại với Chúa Ki-tô, đặc biệt trong hai phần phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể: học với Chúa Ki-tô, nhìn ngắm Ngài, ghi nhớ Lời Ngài trong phần đầu, rồi hiệp thông, kết hợp với Ngài ở phần sau. Để rồi kết thúc Thánh lễ, bạn được sai đi, là Tông đồ của Tin Mừng yêu thương, tha thứ, tốt bụng.

Sống Lời Chúa: Tôi tập ở lại với Chúa mỗi ngày trong kinh nguyện, rồi ý thức được sai đi đến với người khác, làm Tông đồ của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa tin tưởng sai con đi làm Tông đồ giữa đời. Xin cho con ghi nhớ sứ mạng ấy. Amen.

27/10 – Thứ Sáu tuần 29 thường niên.

“Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?”

Lời Chúa: Lc 12, 54-59

Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: “Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế.

Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng”.

Suy niệm: Ngày xưa Chúa Giê-su trách người Do Thái sáng suốt đoán trước thời tiết qua hiện tượng thiên nhiên, nhưng lại mù tối không biết suy xét, nhận ra những dấu chỉ Chúa đang ngỏ với họ qua các phép lạ và giáo lý của Ngài. Vì thế, Đức Giê-su nhắc nhở: “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?” Ngày nay ta đang sống trong nền văn hóa mới, tạm gọi là văn hóa “lướt qua”: lướt mạng, lướt Facebook, lướt web. Ta nhìn xem, hối hả thu thập bao hình ảnh, thông tin, nhưng chẳng bao giờ  dừng lại, ngẫm nghĩ, xét mình xem Chúa muốn ta làm gì trong hoàn cảnh hôm nay. Do đó, ta lướt qua rất nhiều thứ, nhưng lại bỏ qua cái quan trọng. Ta có thể nắm rõ tỏ tường tình hình thế giới, sự kiện xã hội, nhưng lại mù mờ về chính tâm hồn, cuộc sống đức tin của mình. Ta không dành đủ thời gian cho Chúa, người thân, cũng như cho chính tâm hồn mình. Từ đó, đánh mất chính mình, mối tương quan với Chúa, và những người thân của mình.

Mời Bạn: Dành thời gian dừng lại,  xem xét lại các mối tương quan với Chúa, người thân và với chính mình đang có những trục trặc nào, để tìm phương cách điều chỉnh.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian trò chuyện với một người thân trong gia đình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong một thế giới đang diễn tiến quá nhanh, con cũng bị lôi kéo chạy theo. Xin giúp con biết dừng lại, suy xét xem đâu là đích điểm tối hậu của cuộc đời. Để rồi con sẽ dành thời gian để bồi đắp cho đời sống đức tin, cũng như sống tốt đẹp các mối tương quan quan trọng cho cuộc đời mình. Amen.

26/10 – Thứ Năm tuần 29 thường niên.

“Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ”.

Lời Chúa: Lc 12, 49-53

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất.

Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ.

Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.

Suy niệm: Nơi mỗi người chúng ta luôn tồn tại hai thái cực đối lập: ánh sáng và bóng tối. Cả cuộc đời ta là cuộc chiến dai dẳng, đấu tranh trường kỳ giữa ánh sáng và bóng tối ấy. Mang thân phận làm người, Đức Giê-su cũng đã phải “khắc khoải” trong cuộc đấu tranh này. Để hoàn tất ý định của Chúa Cha, Người phải đương đầu với cám dỗ (x. Mt 4), chọn lựa ý Cha trước cuộc Tử nạn (x. Mt 26,42), nhất là khi hấp hối trên thánh giá (x. Mc 15,34). Ngài đã sẵn lòng chịu “phép rửa” ấy, để cứu độ nhân loại.

Mời BạnLà người Ki-tô hữu từ khi lãnh nhận phép Thánh tẩy, ta nỗ lực bảo vệ chiếc áo trắng Thánh tẩy ấy trong cuộc chiến chống lại bóng tối tội lỗi, thế gian. Ta mong muốn hoàn toàn thuộc về Chúa, ánh sáng Ngài luôn chiếu tỏa trong cuộc đời mình. Tâm tình ấy có thể được diễn tả một cách trọn vẹn nơi thánh Augustinô: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Ngài.” Ắt hẳn bạn đang phải đấu tranh một mất một còn để ‘ánh sáng’ (sự thiện)  đẩy lùi ‘bóng tối’ (sự ác) trong mình. Bạn có mang nỗi khắc khoải như Thầy Giê-su không, hay cũng chỉ chiến đấu ‘cầm chừng’ theo bản tính tự nhiên?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm mỗi sáng thức dậy: tôi sẽ luôn chọn những giá trị của Nước Trời hơn là những gì thuộc về thế gian.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn muốn nhân loại trở về với Chúa là cội nguồn mọi sự thiện hảo. Xin cho chúng con luôn biết hướng về Chúa trong mọi hoàn cảnh, để cũng sẽ chiến thắng, cùng với Đức Ki-tô, trong cuộc chiến trần gian này. Amen.

25/10 – Thứ Tư tuần 29 thường niên.

“Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều”.

Lời Chúa: Lc 12, 39-48

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.

Suy niệm: Cứ nghĩ “chủ ta còn lâu mới về,” nên người đầy tớ trong Tin Mừng “đánh đập tôi trai tớ gái,” “chè chén say sưa,”  phung phí, gây thiệt hại tài sản của chủ, thay vì chăm sóc gia nhân, “cấp phát phần thóc gạo đúng giờ.” Thái độ ấy dẫn đến cái kết khủng khiếp là “bị loại bỏ” không thương tiếc khi chủ nhân thình lình trở về. Tất cả cũng vì chủ quan Còn lâu, khinh suất, “không biết ý chủ” làm anh đánh mất sự trung tín vốn có để trở thành kẻ bất tín đáng chê trách. Khi lần lữa, chần chờ chưa muốn thực hiện một công việc hay bổn phận, ta thường dựa vào hai chữ Còn lâu. Hai chữ Còn lâu ấy đã gây bao thất bại, thậm chí thảm bại cho rất nhiều người. Trong đời sống thiêng liêng, tâm thế Còn lâu ấy chặn đứng khả năng tỉnh thức của ta trước tiếng Chúa gọi.

Mời BạnThật bất ngờ” là câu nói trên môi miệng ta về sự ra đi đột ngột của một người, đồng thời là lời nhắc nhở người còn sống phải sẵn sàng. Ki-tô hữu là người biết ý của chủ nên cần ở trong tư thế chờ đợi liên lỉ để không phung phí ân sủng và thời gian Chúa ban. Loại bỏ ý nghĩ Còn lâu và sống tỉnh thức là điều bạn cần phải có.

Chia sẻTâm thức Còn lâu có là phong cách sống lâu nay của bạn không? Bạn có muốn điều chỉnh cái nhìn đó cho phù hợp với Tin Mừng?

Sống Lời ChúaHôm nay bạn chu toàn công việc được giao phó như thể ngày cuối cùng của cuộc đời bạn.

Cầu nguyệnLạy Chúa, con không đợi chờ, con quyết sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương… Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. (ĐHY P.X. Nguyễn Văn Thuận).

24/10 – Thứ Ba tuần 29 thường niên.

“Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức”.

Lời Chúa: Lc 12, 35-38

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức.

Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy”.

Suy niệm: Chủ nhân các công ty, xí nghiệp muốn tăng hiệu suất làm việc của công nhân thường tạo cho họ có tình cảm gắn bó như là gia đình của mình. Còn người tôi tớ trong dụ ngôn của Chúa Giê-su không phải là người thợ làm công ăn lương sau khi lao động ngày tám tiếng rồi về nhà mình; trái lại, người ấy ở luôn tại nhà chủ như người ăn kẻ ở trong nhà. Vì thế, dù phải thức đến canh hai hoặc canh ba, người đó vẫn chờ để mở cửa khi chủ trở về. Hạnh phúc cho kẻ phụng sự Chúa như người tôi trung không phải là sẽ được lên chức, tăng lương mà thật bất ngờ: chủ sẽ đổi thân phận làm đầy tớ phục vụ họ: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”.

Mời Bạn: Phải chăng Chúa đã không gọi các môn đệ Ngài là bạn hữu đó sao? Ngài đã không thân hành rửa chân cho họ đó sao? Và phải chăng Chúa đã không yêu các bạn hữu Ngài đến nỗi chịu chết vì những người Ngài yêu đó sao? Thật phúc dường nào khi được phụng sự Chúa và được Ngài đối xử như bạn hữu, như con cái, được thừa hưởng gia nghiệp vĩnh cửu với Ngài.

Chia sẻ: Chúa muốn bạn làm gì khi nói: “Các con cũng hãy rửa chân cho nhau”?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chu toàn thật tốt việc bổn phận của bạn với tấm lòng tận tuỵ của người tôi trung.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, kể sao cho xiết ơn Chúa dành cho con; tình yêu Chúa đánh động tận đáy lòng con. Con sẽ bội bạc với Chúa biết chừng nào nếu con không yêu Chúa với tất cả con người của con. Lạy Chúa, con xin dâng hiến cuộc đời con để phụng sự Chúa như người tôi trung.