11/02 – CHÚA NHẬT TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN năm B. MỒNG HAI TẾT GIÁP THÌN. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ.

“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ”.

Lời Chúa: Mt 15, 1-6

Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? “

Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”.

Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.

Suy niệm: Dân Việt Nam từ ngàn xưa, ngay từ khi chưa nghe biết Tin Mừng đã ân cần tuân giữ điều răn “Thảo kính cha mẹ” rồi:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu ca dao ấy, người Việt Nam chúng ta già trẻ lớn bé ai mà không biết, bởi vì đạo hiếu đã ăn sâu trong tâm thức chúng ta từ bao đời nay rồi. Trong những ngày tết, đạo hiếu càng được nhấn mạnh với bầu khí gia đình thân mật ấm cúng: anh em họ hàng đoàn tụ; con cháu chúc tuổi ông bà, tưởng nhớ tổ tiên; ông bà dạy bảo con cháu giữ gìn nề nếp gia phong… Đạo hiếu thật là phù hợp với luật tự nhiên ghi khắc trong lương tâm mỗi người. Hơn nữa, Chúa Giê-su còn tiếp tục bảo vệ đạo hiếu bằng những lời răn đe nghiêm khắc: “Thiên Chúa dạy: ngươi phải thờ cha kính mẹ.” Thật khủng khiếp, Lời Chúa nói với ta hôm nay: “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử.”

Mời Bạn: Bạn có nhận thấy tinh thần đạo hiếu nơi người trẻ ngày nay có phần bị phai nhạt do tác động của những chuyển biến xã hội không? Trong bối cảnh đó, khi chu toàn giới răn “Thảo kính cha mẹ,” bạn cũng đồng thời chấn hưng những giá trị truyền thống của dân tộc mình và dọn đường cho Tin Mừng đến với anh chị em đồng bào.

Chia sẻ: Bạn sẽ làm gì để xoá đi sự hiểu lầm nơi anh chị em lương dân rằng “theo đạo là bỏ ông bỏ bà”?

Sống Lời Chúa: Bạn bố trí lại bàn thờ tổ tiên theo tinh thần dân tộc và phù hợp với đức tin. Trong ngày giỗ, bạn mời cả những người họ hàng bên lương tham dự thánh lễ cầu cho ông bà.

10/02 – Thứ Bảy tuần 5 thường niên. MỒNG MỘT TẾT GIÁP THÌN. CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI.

“Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai”.

Lời Chúa: Mt 6,25-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con. Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?

Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư?

Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin? Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?”

Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó.

Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

LỄ GIAO THỪA

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Lời Chúa: Mt 5, 1-10

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an.

Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp.

Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả.

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương.

Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Phúc cho những ai ăn ở thuận hòa, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”.

Suy niệm: Vào ngày đầu năm mới, Lời Chúa nhắc các tín hữu đừng quá lo lắng cho đời sống vật chất. Điều này không có nghĩa là cứ buông xuôi, chẳng cần lo lắng gì nữa, nhưng là biết đặt thứ tự ưu tiên trong đời sống. Đời sống tâm linh cần được quan tâm hơn việc chỉ nghĩ đến những nhu cầu vật chất như chuyện ăn, chuyện mặc. Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm chăm sóc con cái Ngài. Lời Chúa mời gọi người tín hữu hãy sống công chính, phó thác, luôn tin tưởng và đi theo đường lối của Ngài. Mọi sự Ngài sẽ ban thêm cho.

Mời Bạn: Phó thác không có nghĩa là không làm gì cả, nhưng là làm với hết mọi khả năng, mà lại phó thác mọi kết quả trong tay Chúa. Nhờ đó, ta dễ dàng đón nhận mọi kết quả, dù vừa ý hay không, như là quà tặng từ Thiên Chúa: thất bại không nản chí, thành công không kiêu căng, nhất là dễ dàng chia sẻ những gì mình có cho người khác, nhờ ý thức về ơn ban của Thiên Chúa.

Chia sẻ: Khi thành công bạn tạ ơn Chúa thế nào? Khi thất bại bạn tạ ơn Chúa ra sao?

Sống Lời Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nỗi bận tâm về đời sống hằng ngày dễ làm con quên mất mục đích đời sống mai hậu. Xin giúp con luôn biết tin tưởng phó thác mọi sự trong tay Chúa, để trong Năm Mới này, con sống đẹp lòng Chúa hơn và yêu thương anh chị em hơn. Amen.

09/02 – Thứ Sáu tuần 5 thường niên.

“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

Lời Chúa: Mc 7, 31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem đến cho Người một kẻ điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh.

Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là “hãy mở ra”, tức thì tai anh được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả.

Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

Suy niệm: Đã không nghe lại không nói được, cuộc đời của người câm điếc như bị đóng lại trước một thế giới đang mở ra. Anh giống như người tù biệt giam không thể có mối tương quan  nào với tha nhân. Chúa Giê-su không chữa lành cho anh theo kiểu người thợ chữa một cái máy. Thái độ ân cần của Chúa “kéo riêng anh ra khỏi đám đông” và những cử chỉ chăm sóc tận tình, đụng chạm đến tai anh, xức nước miếng vào lưỡi anh, đã giúp anh tái lập mối tương quan với Ngài trước khi mở lại mối quan hệ với người khác. Khi “tai được mở ra và lưỡi hết bị buộc lại” là lúc anh ta cũng được mở ra với thế giới và có khả năng cần thiết để nối kết tương giao với mọi người.

Mời Bạn: Về phương diện thiêng liêng, có lẽ lắm khi chúng ta cũng đã từng bị câm điếc mà không biết. Điếc là đóng tai lòng lại, làm ngơ trước Lời Chúa, và lời giảng dạy của những người có trách nhiệm. Câm là hờ hững, sợ sệt không dám mở miệng loan báo Tin Mừng. Để chữa bệnh câm điếc thiêng liêng, trước tiên mời bạn mỗi ngày hãy mở sách Tin Mừng để đọc và suy niệm Lời Chúa, và xin Chúa mở lòng bạn để tâm hồn bạn được đánh động và biến đổi nhờ Lời Chúa. Lúc đó môi miệng bạn mới sẵn sàng để mở ra và loan báo Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện mỗi sáng khi thức dậy: “Lạy Chúa Trời xin mở miệng con, để con nói lời của Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều lúc tâm hồn con đã bị đóng lại không nghe và không nói Lời Chúa. Xin Chúa nói lời “Ép-pha-tha” với tâm hồn con như xưa Chúa đã nói với người câm điếc.

08/02 – Thứ Năm tuần 5 thường niên.

“Những con chó ở dưới gầm bàn cũng ăn những mụn bánh rơi của con cái”

Lời Chúa: Mc 7, 24-30

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết mình, nhưng người không thể ẩn náu được.

Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-Phênixi và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà.

Người nói: “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”. Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”.

Người liền nói với bà: “Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi”. Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi.

Suy niệm: Trong lịch sử bóng đá người ta đã nghĩ ra nhiều chiến thuật khác nhau nhưng tất cả đều nhằm một mục đích là tìm chiến thắng trong trận bóng: nào là “đổ bê-tông”, nào là phòng ngự chắc phản công nhanh, v.v… Tuy nhiên, không có chiến thuật nào là tối ưu nếu các cầu thủ không có tinh thần thi đấu lăn xả, luôn tin tưởng vào chiến thắng. Người đàn bà Hy Lạp mà Tin Mừng hôm nay thuật lại chắc chắn không biết gì “chiến thuật đá banh” đó, nhưng bà đã kiên trì dùng mọi cách nài nỉ xin Chúa Giê-su trừ quỷ cho con gái bà. Mặc dù Chúa “đổ bê-tông”, từ chối mọi lời cầu xin của bà, nhưng bà vẫn “lì đòn” áp dụng cả “khổ nhục kế,” chấp nhận làm “con chó con dưới gầm bàn” để tìm kiếm “những mảnh bánh vụn.” Niềm tin vững chắc vào Chúa, tình yêu tha thiết dành cho con gái và lời cầu xin kiên trì và khiêm nhường, đó chính là “chiến thuật” của bà khiến Chúa “mềm lòng” đáp lại lời bà kêu xin.

Mời Bạn: Lời cầu nguyện của bạn sẽ có sức mạnh vô song nếu bạn đặt lời cầu đó trên nền tảng một niềm tin không lay chuyển, thúc đẩy nó bằng lòng yêu thương tha nhân như chính mình và luôn khiêm tốn cậy trông vào lòng thương xót và quyền năng của Chúa. Khi cầu nguyện như thế, bạn đã thể hiện được tính cách một người Ki-tô hữu.

Sống Lời Chúa: Trong cộng đoàn của bạn, có ai đang cần lời cầu nguyện của bạn? Bạn hãy cầu nguyện cho họ.

Cầu nguyện: Xin Chúa ban cho chúng con đức tin vững vàng, lòng trông cậy trung kiên và lòng mến yêu tha thiết để chúng con có thể đi trọn đường đời và đáng lãnh được phần thưởng Chúa ban.

07/02 – Thứ Tư tuần 5 thường niên.

“Những gì từ con người ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế”.

Lời Chúa: Mc 7,14-23

Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy.

Người liền bảo các ông: “Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra”. Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch.

Người lại phán: “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế”.

Suy niệm: Đức Giê-su kể ra một loạt những điều xấu xa: “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.” Tất cả đều phát xuất từ bên trong, từ lòng người. Ngài còn xác định ai “nhìn người nữ mà có lòng thèm muốn thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Quả thật, trước khi phạm tội trong hành động hay trong lời nói, người ta đã bắt đầu phạm tội từ trong tư tưởng, trong ước muốn rồi. Mọi tội lỗi bắt đầu phát xuất từ trong lòng; bởi thế, “những điều xấu xa từ bên trong xuất ra mới làm cho con người ra ô uế”.

Mời Bạn: Là con người, chúng ta ai mà không phạm tội? Vậy mà khi lỗi phạm, người ta lại hay ‘đổ thừa’, quy trách điều xấu đó là ‘vì lý do khách quan’, do hoàn cảnh bên ngoài, tại người này, tại người kia. Thậm chí có lúc chúng ta giống như A-đam ‘đổ tội’ cho cả Thiên Chúa nữa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (St 3,12). Bởi thế, để có thể chừa bỏ tội lỗi, thay vì nhìn ra ‘chung quanh’, trước tiên hãy dừng lại, nhìn sâu vào lòng mình để tìm ra ‘mối tội đầu’ trong lòng chúng ta và tìm phương cách ‘nhổ tận gốc’ điều xấu xa ấy khỏi tâm hồn chúng ta.

Sống Lời Chúa: Tôi dành thời gian mỗi tối để xét mình một ngày đã qua và quyết tâm sửa lỗi bằng việc làm cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúaxin ban cho con ơn khiêm nhường để con nhận ra gốc rễ tội lỗi trong lòng con. Và xin gieo lời Chúa trong lòng con để “uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa”. Amen.

06/02 – Thứ Ba tuần 5 thường niên. – Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo. Lễ nhớ.

“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.

Lời Chúa: Mc 7, 1-13

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng.

Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”.

Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử”. Còn các ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)”, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”.

Suy niệm: Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu nổi tiếng với việc tuân giữ những điều mà họ cho là “truyền thống của tiền nhân” đến độ họ biến việc thực thi giao ước mà Thiên Chúa ký kết với cha ông họ thành một thứ tôn giáo vụ hình thức bên ngoài, chỉ “tôn kính Chúa bằng môi miệng còn tấm lòng thì xa Ngài”. Điều răn Chúa dạy là phải thờ cha kính mẹ thì họ không tuân giữ, mà còn đặt ra một thực hành kỳ lạ khi họ gọi tất cả của cải là “co-ban” nghĩa là “lễ phẩm dành cho Chúa rồi” nên họ không có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ nữa. Chúa Giê-su gọi như thế là “đạo đức giả” lấy tập tục của phàm nhân để phế bỏ lời Thiên Chúa. Ngài cho biết cốt lõi của đạo Chúa không chỉ là thực hành những lễ nghi, tuân giữ những luật lệ mà còn là “không được bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công lý, lòng nhân và thành tín” (Mt 23,23).

Mời Bạn: Cốt lõi của đạo không phải là làm việc này, việc nọ mà là tấm lòng yêu mến, là động lực thúc đẩy chúng ta làm những việc đó. Những việc dự lễ, đọc kinh, làm việc từ thiện bác ái, v.v… chỉ có giá trị và giúp ta sống thánh thiện khi chúng được thực hành với lòng tin yêu Chúa, yêu thương tha nhân.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn làm ít là một việc phục vụ tha nhân và dâng việc đó lên Chúa như của lễ khi bạn tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để chúng con vì thói quen mà rơi vào tình trạng chỉ thờ phượng Chúa bằng môi bằng miệng mà lòng chúng con xa Chúa. Nhưng xin giúp chúng con thờ phượng Chúa và yêu thương tha nhân với tất cả tấm lòng chân thành. Amen.

05/02 – Thứ Hai tuần 5 thường niên. – Thánh Agata, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

“Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh”.

Lời Chúa: Mc 6, 53-56

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó.

Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.

Suy niệm: Thần thoại Hy lạp kể lại chuyện vua Midas được một vị thần ban cho một điều ước: bất cứ ông ước muốn điều gì, ông liền có được điều ấy. Ông vua tham lam ước rằng mọi thứ ông chạm đến đều hoá thành vàng. Nhưng tai hoạ cũng từ đó mà đến, ngay cả thức ăn khi vừa chạm đến miệng vua đều hoá thành vàng. Và dù có đói lả, vua cũng không thể ăn vàng mà sống được! Trái lại nơi Chúa Giê-su, bất cứ điều gì chạm đến Ngài đều được thánh hoá. Mọi kẻ ốm đau dù chỉ chạm đến tua áo choàng của Chúa đều được chữa lành. Bất cứ nơi đâu có Chúa hiện diện và được Ngài chạm đến, nơi đó “người mù sẽ nhìn thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7,18-23). Cây thập giá, vốn là nhục hình cho tử tội, nhưng khi được thân thể Chúa chạm đến, đã trở thành thánh giá ban ơn cứu độ.

Mời Bạn: Còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta được Chúa chạm đến và biến đổi? Chắc chắn rằng, Chúa luôn muốn hiện diện và chạm đến từng người trong mỗi khoảnh khắc, mỗi niềm vui, nỗi buồn, mỗi khó khăn, đau khổ mà chúng ta đang đương đầu. Bởi Người hứa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Bạn đã sẵn sàng để Chúa chạm đến cuộc đời mình chưa?

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn hướng về Chúa, xin Chúa hiện diện và thánh hoá công việc bạn sắp làm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chạm đến tâm hồn con và biến đổi đời sống con.