01/08 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 17 thường niên. – Thánh Anphong Maria Ligôri, gm tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

“Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài”.

Lời Chúa: Mt 13, 47-53

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa: “Có”.

Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình”. Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.

Suy niệm: Chúa Giê-su là “Đấng từ trời xuống” (x. Ga 3,13), nhưng Ngài không hề đưa ra một định nghĩa nào về Nước Trời, gồm những yếu tố nào hay có những đặc tính gì. Trái lại, Chúa kể cho chúng ta nghe thật nhiều câu chuyện về Nước Trời. Bằng những hình ảnh thật quen thuộc, dễ thấy trong đời thường như: hạt muối, hạt men, việc gieo giống, thả lưới đánh cá, v.v… Chúa Giê-su đưa chúng ta đi vào huyền nhiệm khôn dò thấu của Nước Trời. Phải chăng Ngài đã chẳng nói: Nước Trời không phải ở đây hay ở kia mà “Này, Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (x. Lc 17,21) hay sao? Phải, Nước Trời đã đến rồi, nơi Đức Giê-su đang ở giữa chúng ta, Ngài “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), chỉ cần chúng ta tiếp bước đi theo Ngài là chúng ta đi vào mầu nhiệm Nước Trời.

Mời Bạn: Chúa mời gọi bạn nghiền ngẫm câu chuyện dụ ngôn Nước Trời mà Ngài kể cho chúng ta, để bạn khám phá ra rằng Nước Trời không phải là một ý niệm mà là hiện thực cuộc sống, và chúng ta không ở xa mà là đang sống trong mầu nhiệm Nước Trời đó. Chỉ cần mỗi người chúng ta cùng nỗ lực trở nên “cá tốt” và giúp cho người khác cũng trở nên “cá tốt” để được đưa vào tận hưởng niềm vui trong Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Bạn bắt đầu một ngày mới bằng tâm tình hạnh phúc vì được ở với Chúa, và bạn chia sẻ tâm tình đó bằng hành động vui tươi phục vụ tha nhân để Nước Chúa được hiện thực ngay nơi trần gian này.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.

31/07– ThứTư tuần 17 thường niên. – Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục. Lễ nhớ.

“Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó”.

Lời Chúa: Mt 13, 44-46

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy.

Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

Suy niệm: Nhiều tác giả nói với ta về ngọc trong đá, ngọc giữa đời, thế giới này tựa như con trai, dành cho bạn để bạn khám phá ra ngọc trong những trai ấy. Cũng vậy, Đức Giê-su dùng hai hình ảnh cho thấy sự cao quý của Nước Trời cũng như niềm vui lớn lao khi nhận ra Nước Trời ấy giữa đời thường. Với bao người, thửa ruộng chỉ là thửa ruộng, nhưng với người nông dân này, thửa ruộng đó có chứa kho tàng, quý giá đến độ anh sẵn sàng bán tất cả để mua thửa ruộng ấy. Đang khi đó, người thương gia kia cả đời đi tìm viên ngọc quý. Một khi tìm được, tựa người nông dân, ông cũng vui mừng bán tất cả những gì có để mua. Kho tàng hay viên ngọc quý ấy chính là Đức Giê-su, Đấng ở với ta mọi ngày cho đến tận thế, hiện hữu thực sự trong Bí tích Thánh Thể, hiện diện cách kín đáo trong Lời Chúa, được hiện thực qua các mục tử, cũng như hiện thân nơi những kẻ bé mọn ta gặp mỗi ngày.

Mời Bạn: Cuộc đời người nông dân hoàn toàn thay đổi từ khi có kho tàng, lối sống người thương gia cũng đổi mới trọn vẹn sau khi sở hữu viên ngọc quý. Cũng vậy, một khi khám phá ra kho tàng, viên ngọc quý Giê-su trong đời thường, lối sống bạn cũng sẽ khởi sắc hẳn: vui mừng, sẵn lòng “bán” đi, chấp nhận từ bỏ tất cả những gì ở đời này để có được Ngài trong cuộc sống vĩnh cửu.

Sống Lời Chúa: Mọi sự khởi đầu từ việc đổi mới cái nhìn của tôi về Chúa Giê-su. Ngài quý giá đến độ giờ đây, tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với cái lợi tuyệt vời là được biết Ngài (x. Pl 3,8).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xác tín Chúa là kho tàng vô giá, là viên ngọc quý của đời con. Amen.

30/07 – Thứ Ba tuần 17 thường niên.

“Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy”.

Lời Chúa: Mt 13, 36-43

Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”.

Người đáp lại rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.

Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

Suy niệm: “Kiên nhẫn không chỉ là khả năng chờ đợi, nhưng chính là cung cách ta cư xử đang khi chờ đợi” (Nhà văn Mỹ J. Meyer). Ta mong muốn Hội Thánh gồm các tín hữu tốt lành, hội đoàn gồm các thành viên nhiệt tâm, con cái gồm các người con hiếu thảo, láng giềng gồm những hàng xóm tốt bụng… Thế nhưng, trong thực tế ta đành phải chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn, người tốt – kẻ xấu, lúa tốt – cỏ lùng chen lẫn với nhau. Chúa Giê-su, qua dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng, dạy ta thái độ kiên nhẫn, bao dung khi sống trong “thửa ruộng thế gian.” Trong thiên nhiên, cỏ lùng muôn đời vẫn là cỏ lùng, nhưng trong “thửa ruộng thế gian,” người xấu có thể trở thành người tốt; ngược lại, người tốt có thể trở thành kẻ xấu không thể nào ngờ.

Mời Bạn: Bạn phải kiên nhẫn với chính mình, vì tâm hồn bạn cũng đang đong đưa giữa lúa tốt và cỏ lùng, giữa điều thiện bạn muốn làm nhưng lại không làm, và điều ác không muốn làm nhưng lại thực hiện. Bạn kiên trì làm cho lúa tốt nơi bạn lớn lên, và cỏ lùng không có đất sống nơi tâm hồn mình. Bạn kiên nhẫn, bao dung với người chưa sống tốt, không vội kết án họ vì chỉ có Chúa mới có quyền kết án chung cuộc.

Sống Lời Chúa: Tôi tập sống kiên nhẫn, bao dung với những anh chị em chưa sống đúng tư cách của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con tinh thần kiên nhẫn, bao dung của người công dân mới trong Nước Trời. Xin giúp con ghi nhớ và thực hành tinh thần kiên nhẫn, bao dung ấy trong cách ứng xử hằng ngày với những anh chị em chung quanh con. Amen.

29/07 – Thứ Hai tuần 17 thường niên – Thánh nữ Mát-ta, Maria và Ladarô. Lễ nhớ.

“Mát-ta đã đón Chúa vào nhà mình, Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Lời Chúa: Lc 10, 38-42

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Mát-ta rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người.

Mát-ta bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Mát-ta, Mát-ta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất”.

Suy niệm: Năm 1973, khi Mẹ Tê-rê-xa Kôn-ka-ta được trao tặng trao tặng bằng tiến sĩ danh dự về thần học của đại học Kempet, Anh quốc, một ký giả đã hỏi mẹ như sau: “Đâu là động lực thúc đẩy Mẹ bắt tay vào việc phục vụ người nghèo?” Người ta chờ đợi câu trả lời dài với rất nhiều lời giải thích. Thế nhưng trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Mẹ Tê-rê-sa chỉ đáp gọn bằng một tiếng vắn gọn: “Chúa Giê-su.” Vâng, “Tất cả vì Chúa và cho Chúa.” Hẳn là Mác-ta và Ma-ri-a cũng chỉ có một động cơ như thế. Mỗi người đón tiếp Chúa theo cách của mình. Mác-ta với lòng nhiệt thành phục vụ lo chuẩn bị bữa ăn. Còn Ma-ri-a thì ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Người. Ngài không đề cao thái độ này để hạ thái độ kia, nhưng Ngài muốn chúng ta đừng quên rằng việc ưu tiên số một là lắng nghe lời Ngài trong tâm tình cầu nguyện, và tâm tình đó không được thiếu vắng ngay cả khi bạn lăn xả vào hoạt động tông đồ.

Mời Bạn: Bạn đã thống nhất đời sống của bạn chưa? Nghĩa là việc cầu nguyện có chiếm địa vị ưu tiên nhất và có thấm nhuần vào mọi hoạt động khác trong ngày sống của bạn không? Việc hoạt động sẽ bị lạc hướng nếu không có cầu nguyện. Ngược lại cầu nguyện mà không có hoạt động thì chỉ là lời cầu suông.

Sống Lời Chúa: Khi làm việc gì bạn hãy bắt đầu bằng cách cầu nguyện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con say mê Lời Chúa, xin cho con luôn kết hiệp với Chúa khi cầu nguyện cũng như lúc làm việc để trong mọi việc con đều làm cho Chúa và vì Chúa mà thôi.

  1. Mời anh chị em Giáo khu Thánh Quý (GK1) tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho Giáo khu trong Thánh lễ 17:30 thứ tư tuần này 31/07.
  2. Các cha sẽ trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân vào thứ năm đầu tháng 01/08/2024.
  3. Thứ năm tuần này lúc 19:30 có buổi cầu nguyện với Lời Chúa và những bài Thánh ca cầu cho việc truyền giáo với chủ đề : SỐNG CHỨNG NHÂN do ca đoàn Vào Đời phụ trách. Mời cộng đoàn cùng tham dự
  4. Xin gởi đến anh chị em phần trích Sứ điệp của Đức Thánh Cha gởi cho ông bà người cao tuổi Năm 2024:

Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng (x. Tv 71,9) Thánh Vịnh được trích dẫn trên đây – với lời cầu khẩn đừng bị bỏ rơi khi về già – nói về một âm mưu vây quanh cuộc sống của người già. Những lời này có vẻ cường điệu, nhưng có thể hiểu được nếu chúng ta coi rằng sự cô đơn và bị ruồng bỏ của người già không phải là điều ngẫu nhiên hay không thể tránh khỏi, mà là kết quả của những lựa chọn mang tính chính trị, kinh tế, xã hội và cá nhân không nhìn nhận phẩm giá vô hạn của mỗi người, “vượt lên trên mọi hoàn cảnh, và mọi trạng thái hoặc tình huống mà con người có thể gặp phải” (Tuyên ngôn Dignitas Infinita, 1). Điều này xảy ra khi chúng ta mất đi ý thức về giá trị của mỗi người và con người bị đánh giá dựa trên phí tổn của họ, trong một số trường hợp bị coi là quá cao đến mức không thể trả được. Tệ hơn nữa, chính người cao tuổi cuối cùng cũng trở thành nạn nhân của não trạng này; khi họ tự coi mình là gánh nặng và cảm thấy rằng họ cần phải là người trước hết rút lui.

Trong Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ IV này, chúng ta hãy thể hiện tình yêu dịu dàng của chúng ta đối với ông bà và những người lớn tuổi trong gia đình chúng ta. Chúng ta cũng hãy dành thời gian với những người đang ngã lòng và không còn hy vọng rằng một tương lai khác sẽ có thể xảy ra. Thay vì thái độ coi mình là trung tâm dẫn đến sự cô đơn và bị bỏ rơi, chúng ta hãy thể hiện trái tim rộng mở và nét mặt vui tươi của những người có can đảm để nói “Tôi sẽ không bỏ rơi bạn”, và bắt đầu một lộ trình khác.

Trong Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ IV này, chúng ta hãy thể hiện tình yêu dịu dàng của chúng ta đối với ông bà và những người lớn tuổi trong gia đình chúng ta. Chúng ta cũng hãy dành thời gian với những người đang ngã lòng và không còn hy vọng rằng một tương lai khác sẽ có thể xảy ra. Thay vì thái độ coi mình là trung tâm dẫn đến sự cô đơn và bị bỏ rơi, chúng ta hãy thể hiện trái tim rộng mờ và nét mặt vui tươi của những người có can đảm để nói “Tôi sẽ không bỏ rơi bạn”, và bắt đầu một lộ trình khác.

Các ông bà và những người cao tuổi thân mến, tôi gửi phép lành kèm theo lời cầu nguyện của tôi tới tất cả anh chị em, và tới những người thân thiết với anh chị em.

Xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Các chủ đề Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi

  • Năm 2024: Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng (x. Tv 71,9)
  • Năm 2023: Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người (Lc 1,50)
  • Năm 2022: Trong tuổi già, vẫn sinh hoa kết quả (Tv 92,15)
  • Năm 2021: Ta luôn ở cùng anh chị em (x. Mt 28,20)

28/07 – CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN năm B.

“Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”.

Lời Chúa: Ga 6, 1-15

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ.

Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”.

Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích.

Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

Suy niệm: Các tông đồ, cụ thể là Phi-líp-phê, cảm thấy lực bất tòng tâm trước gợi ý của Thầy mình: mua bánh cho họ ăn. Mà ‘họ’ đâu phải vài chục, vài trăm người, nhưng là năm ngàn người đàn ông, chưa kể đoàn tùy tùng đàn bà con nít cùng đi theo, say sưa nghe Thầy Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời. May mắn, An-rê để mắt đến năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ của một em bé, nhưng bấy nhiêu thì “có thấm vào đâu”. Thế rồi, từ sự đóng góp nhỏ nhoi đó, Thầy Giê-su, với quyền năng của Ngài, đã khiến cho điều kỳ diệu xảy ra.

Bạn thân mến: Lắm khi chúng ta cũng choáng ngợp, bối rối khi nghĩ đến khối đông dân chúng cần phải được nghe biết, đón nhận Tin Mừng Nước Trời ngay trong địa bàn giáo xứ, giáo phận của mình. Ta nhận ra ngay cả một mê cung thách đố: tinh thần thế tục, não trạng hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ; đã thế, các môn đệ Chúa Ki-tô lại còn thờ ơ, lơ là, chểnh mảng… Bạn đừng lo lắng, nghi ngờ vì những cố gắng, những nghĩa cử nhỏ bé của mình không đem lại lợi ích gì. Bạn cứ quảng đại cho đi, vui tươi khi gặp gỡ, thành tâm khi chia sẻ, lúc đó dù việc tham gia góp phần của bạn có nhỏ bé, một khi đặt vào tay Chúa, phép lạ sẽ xảy ra.

Sống Lời Chúa: Tôi làm với hết lòng trân trọng những việc tốt nhỏ dâng lên Chúa mỗi ngày, như nói một lời tích cực, bày tỏ một cử chỉ thân ái, làm một việc giúp đỡ tận tình, Chúa sẽ biến đổi thành những điều vĩ đại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa hài lòng về món quà của em bé ngày nào. Con cũng muốn đem lại niềm vui cho Chúa với các món quà nhỏ như vậy.

27/07 – Thứ Bảy tuần 16 thường niên.

“Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.

Lời Chúa: Mt 13, 24-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất.

Khi lúa lớn lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. Đầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”.

Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.

Suy niệm: Những anh canh điền này có lý do để bực bội. Họ đã gieo giống tốt trong ruộng, thế mà kẻ xấu dấu mặt nào đó phá đám đã gieo cỏ lùng xen vào giữa lúa. Họ đã tỏ ra đầy trách nhiệm khi đến báo cáo tình hình cho chủ, lại còn sẵn sàng bỏ công sức ra để giải quyết sự cố, thế mà trước ‘diễn biến phức tạp’ đó, ông chủ vẫn trả lời ‘tỉnh queo’: “Cứ để cả hai mọc lên cho tới mùa gặt.” Thử hỏi có đáng bực mình, bất mãn không chứ? Biết bao lần và biết bao người đã bức xúc như thế: Tại sao Thiên Chúa là Đấng nhân từ lại để cho sự ác có mặt và hoành hành như thế trên các con cái của Người? Tại sao ác nhân cứ mãi thịnh đạt còn người lành gặp toàn những điều gian nan khốn khó ?

Mời Bạn: Gọi sự ác là mầu nhiệm vì chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra lời giải đáp thoả đáng cho vấn nạn sự ác mà chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của nó trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Hẳn bạn cũng đang bức xúc vì biết bao đau khổ mà bạn cũng như bao người khác đang hứng chịu? Mời bạn chiêm ngắm Chúa Ki-tô chịu đóng đinh để xác tín vào chiến thắng chung cuộc của Ngài: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần đâu là nọc độc của ngươi? Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (1Cr 14,55-57).

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện mỗi khi bạn gặp đau khổ: Chúa ơi, con thật tự phụ khi ảo tưởng rằng mình có thể “giải quyết” được vấn đề sự ác. Xin cho con biết cách chiến thắng nó nhờ chiêm ngắm Chúa Ki-tô chịu đóng đinh và cùng vác thập giá với Chúa.

26/07 – Thứ Sáu tuần 16 thường niên – Thánh Gioakim và thánh Anna. Lễ nhớ.

“Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy”.

Lời Chúa: Mt 13, 16-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe”.

Suy niệm: Những cây họ đậu có một khả năng đặc biệt. Bộ rễ của chúng có những nốt sần tích tụ rất nhiều chất đạm từ trong khí trời. Khi nó chết đi, chất đạm trong bộ rễ của nó biến thành một thứ phân bón giúp cải tạo đất xấu thành đất tốt. Thiên Chúa là chủ ruộng. Ngài gieo hạt giống Lời Chúa vào mọi tâm hồn, bất kể người tốt kẻ xấu. Điều Ngài mong muốn là mọi tâm hồn đều phải được đón nhận Lời Ngài, dù họ chưa sẵn sàng đón nhận, dù họ trổ sinh bông hạt ít hay nhiều. Ngài có lý do để lạc quan và hào phóng như thế không chỉ vì hạt giống Lời Chúa không bao giờ sợ cạn kiệt, mà cũng như các loại cây họ đậu, Lời Ngài còn có sức cải tạo những mảnh hồn sỏi đá, gai góc trở thành những cánh đồng tốt tươi màu mỡ.

Mời Bạn: Bạn có nản lòng vì mình nghe Lời Chúa đã nhiều mà chưa sinh hoa trái gì? Hoặc bạn có bi quan vì đã đổ ra biết bao công khó trong công việc tông đồ mà kết quả chỉ là số không? Mời bạn chiêm ngắm vị Thiên Chúa đầy lạc quan và nhẫn nại qua dụ ngôn người gieo giống và bạn ghi nhớ Lời Chúa trong thư thánh Phao-lô: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện…” (2 Tm 4,2-5). Bạn có sáng kiến gì để phát triển việc Chia Sẻ Lời Chúa trong giáo xứ, gia đình, hoặc cộng đoàn của bạn?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian thích hợp để suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù tâm hồn con có chai lì khô cứng, Chúa cũng không coi đó là một mảnh đất bỏ đi, xin cho con không bao giờ nản lòng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi, và cho con biết luôn quảng đại nhiệt thành rao giảng Lời Chúa cho anh chị em con.

25/07 – Thứ Năm tuần 16 thường niên. – THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

“Các con sẽ uống chén của Ta”.

Lời Chúa: Mt 20, 20-28

Khi ấy, bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì?” Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”.

Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai thì người ấy mới được”. Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em.

Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.

Suy niệm: Sa-lô-môn nổi tiếng trong Kinh thánh về cách hành xử khôn ngoan: thay vì xin Thiên Chúa ban vàng bạc, châu báu… thì lại xin ơn khôn ngoan. Bà mẹ của Gia-cô-bê và Gio-an cũng xin cho con mình một ơn nhưng không phải ơn khôn ngoan hay trung tín theo Thầy mà là xin cái ghế. Vậy là mục đích theo Thầy lâu nay bị phơi bày qua lời xin ấy: vì chức tước, quyền lực. Đương nhiên là loại quyền lực theo kiểu thế tục, nhằm thống trị người khác, thậm chí hủy diệt sự sống, gây ra chết chóc cho bao người. Nhân sự việc này, thầy Giê-su đã cho các ông biết một loại quyền lực khác, quyền lực của Nước Trời, gắn liền với cuộc đời Ngài: đến không phải để được phục vụ, mà là phục vụ và hiến dâng mạng sống. Thực vậy, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình mang thân nô lệ “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” nhờ đó chúng ta được nâng tầm lên làm con cái Chúa.

Mời Bạn: Quyền bính là hạ mình xuống để nâng người khác lên. Trong cuốn “Đối thoại với Lý Quang Diệu,” cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho rằng: “Người lãnh đạo là người sẽ đem lại những gì tốt nhất, cho nhiều người nhất, một cách công bằng, không phân biệt đối xử.” Lý thuyết về quyền lực này nhắc ta nhớ rằng Đức Giê-su “là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho các môn đệ” thì chúng ta cũng phải khiêm nhường phục vụ lẫn nhau.

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ ngay trong gia đình/cộng đoàn của bạn.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giê-su, con ước ao sống tinh thần phục vụ trong khiêm nhường như Chúa vậy. Amen.