15/01 – Thứ Tư tuần 1 thường niên.

“Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

LỜI CHÚA: Mc 1, 29-39

Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài. Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Suy niệm: Một ngày sống của Chúa Giê-su luôn tất bật: Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, đã có người kéo đi tìm Ngài; rồi khi chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta còn đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến với Ngài. Nhưng, giữa muôn vàn bận rộn ấy, Ngài vẫn giữ được nhịp sống và ưu tiên cho điều cần thiết nhất: Ngài “đi ra” nơi thanh vắng cầu nguyện với Chúa Cha và cũng “đi ra những nơi khác nữa” để tiếp tục rao giảng Lời Thiên Chúa ở đó. Đành rằng, những phép lạ luôn cần để đem niềm an ủi, và biểu dương là dấu chỉ của Triều Đại Đấng Thiên Sai (x. Is 35,5-7), nhưng cầu nguyện và rao giảng vẫn là việc cần thiết hơn cả, vì như lời Đức Giê-su khẳng định: “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa” (Ga 14,12). Nhưng làm sao có thể tin, nếu không được nghe rao giảng (x. Rm 10,14)?

Bạn thân mến, Đức Giê-su đến thế gian cốt là để rao giảng, nhưng bao giờ Ngài cũng có thời gian cầu nguyện để lĩnh ý Chúa Cha. Chúng ta cũng được sai đi rao giảng, nhưng điều cần trước tiên là lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe cả trong lúc thinh lặng, đó là hai nhịp đập của trái tim tông đồ, là ưu tiên hàng đầu trong nhịp sống hằng ngày của bạn.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian lắng nghe Lời Chúa trước khi dấn thân trong hoạt động bên ngoài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe.

14/01 – Thứ Ba tuần 1 thường niên.

“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.

LỜI CHÚA: Mc 1, 21-28

(Ðến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy.

Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”.

Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

Suy niệm: Các kinh sư là những người thông thạo lề luật; họ giải thích để người ta hiểu và giữ luật cho chính xác. Họ có thể trích dẫn các khoản luật hay cách diễn giải luật của các bậc thầy chứ không dám đưa ra phán đoán cá nhân của mình. Trong khi đó, khi giảng dạy, Chúa Giê-su trình bày giáo huấn riêng của Ngài. Ngài hành xử như Đấng có quyền trên cả lề luật khi đề ra những gì phải làm, phải tránh cách rành mạch và triệt để. Quả thật, Đức Giê-su luôn ý thức về uy quyền của Ngài khi giảng dạy, không bao giờ mập mờ hay tỏ ra thỏa hiệp khoan nhượng trong các giáo huấn của mình. Ngài xưng mình là “đuờng, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), là Đấng “đến không phải để hủy bỏ nhưng là để kiện toàn lề luật” (Mt 5,17).

Mời Bạn: Trước những cảnh báo về “lạm dụng quyền bính” trong Hội Thánh, chúng ta đuợc mời gọi để hiểu, thực thi và tuân thủ quyền bính hợp pháp trong Hội Thánh đúng  theo tinh thần Tin Mừng. Đối với Chúa Giê-su, quyền bính không phải là để thống trị nhưng là để phục vụ, để làm cho tình yêu đuợc bảo vệ và tăng trưởng. Quyền bính tồn tại để cho đàn chiên của Chúa đuợc “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Sống Lời Chúa: Tôi tôn trọng những vị thay quyền Chúa coi sóc đoàn chiên và sẵn sàng vâng phục với lòng yêu mến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Mục tử nhân lành. Xin cho vâng phục với tinh thần siêu nhiên những vị mục tử thay quyền Chúa chăm sóc đoàn chiên. Xin ban cho con ơn sức mạnh để con can đảm nói ‘không’ với những gì trái với giới răn Chúa; và nói ‘có’ với những gì làm đẹp lòng Chúa. Amen.

13/01 – Thứ Hai tuần 1 thường niên.

“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

LỜI CHÚA: Mc 1, 14-20

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người.

Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Suy niệm: Trong dịp hành hương Fatima năm 2010, ĐGH Bê-nê-đi-tô XVI kêu gọi mọi tín hữu phải sám hối, vì “sự bách hại ác liệt nhất đối với Giáo Hội không đến từ kẻ thù bên ngoài, mà xuất phát từ tội lỗi ngay trong lòng Giáo Hội, vì thế Giáo Hội cần khẩn thiết học lại bài học sám hối, cần chấp nhận thanh luyện.” Như vậy, sám hối trở thành “đặc sản” của Ki-tô hữu, bởi mọi Ki-tô hữu phải từ bỏ tội lỗi, hướng lòng về với Chúa và uốn nắn đời sống của mình theo Tin Mừng. Sám hối trở thành việc thường xuyên trong đời Ki-tô hữu và là cách tiếp nhận quyền năng của lòng Chúa thương xót. Không như một số người lầm tưởng Chúa thương xót là Chúa cảm thông sự yếu đuối của chúng ta nhưng bất lực cứu độ; trái lại, lòng Chúa thương xót có quyền năng tha thứ và cho chúng ta một cơ hội mới sống lại tình thân với Chúa. Một lời tổng nguyện cổ xưa đã khẳng định quyền năng này của Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa là Đấng cao cả vô song, Chúa đã mạc khải về quyền năng của Chúa trước hết là trong lòng thương xót và sự khoan dung.”

Mời Bạn: Có người viết rằng, xấu hổ chẳng khác gì con sư tử thu mình để phóng tới, thì đối với Ki-tô hữu, sám hối là cách thức đón nhận quyền năng tha thứ và phục hồi từ Thiên Chúa để trở nên người mới đó bạn!

Sống Lời Chúa: Dành vài phút cuối ngày để gặp gỡ Chúa, xét mình và thực hành sám hối.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thương xót tội nhân và sẵn lòng tha thứ để cứu độ họ. Xin đừng để con hư mất vì thiếu lòng ăn năn sám hối.

  1. Thứ năm tuần này 16/01/2025 vào lúc 8 giờ 30 Đức cha phụ tá Giuse sẽ phong chức phó tế cho 22 thầy, trong đó có thầy Giacôbê Lê Anh Tài giáo dân Gx Tân Định và thầy Nguyễn Anh Tuấn đang giúp mục vụ tại gx Tân Định. Xin anh chị em cùng hiệp thông cầu nguyện cho các tiến chức.
  2. Lúc 17:30 thứ năm 16/01 tại nhà thờ Tân Định, Đức Cha Giuse Bùi Công Trác sẽ dâng Thánh lễ Tạ ơn cuối năm với giáo xứ và các tân phó tế. Mời các thành phần Dân Chúa trong xứ đạo tham dự. Không có Thánh lễ lúc 19:00.
  3. Số tiền anh chị em giúp cho việc xây dựng Nhà Tĩnh dưỡng tuần trước được 300 triệu đồng, trong đó Hội các bà mẹ công giáo đóng góp 21 triệu 400 ngàn, một ân nhân giúp 50 triệu.
  4. Xin lưu ý có một vài người ăn trộm hoa, bình hoa dâng Đức Mẹ,… Đây là 1 việc làm rất không tốt cần chấm dứt ngay.
  5. Tuần sau xin anh chị em giúp cho việc xây dựng Nhà Thờ Bến Võng, Giáo phận Vĩnh Long.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

12/01 – CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA năm C.

“Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”.

Lời Chúa: Lc 3, 15-16. 21-22

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Ðấng Kitô không?”, Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”

Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Suy niệm: Hành vi đầu tiên của Đức Giê-su ngay lúc chào đời là đồng hành với các người di dân và vô gia cư, khi sinh ra trong hang bò lừa, máng cỏ. Việc làm đầu tiên của Ngài khi xuất hiện công khai là đồng hành với các tội nhân sám hối bên giòng sông Gio-đan. Hành vi cuối cùng của Ngài khi chịu chết là đồng hóa với các tử tội trên thập giá. Trọn cuộc đời của Con Thiên Chúa làm người ấy luôn là đồng hành, liên đới với những người nghèo dễ bị tổn thương, bé mọn, tội lỗi, thất bại trong nhân loại. Muốn đồng hành, Ngài phải hạ mình xuống ngang hàng với họ; để liên đới, Ngài phải chia sẻ nỗi đau của họ. Khi hạ mình cúi xuống với con người, Ngài nâng họ lên, đưa họ vào hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mời Bạn: Nhờ lòng thương xót cụ thể qua cung cách đồng hành và liên đới ấy của Con Thiên Chúa, bạn được nâng lên hàng con cái Chúa, là công dân của Nước Trời, bạn hữu của Đức Ki-tô. Bạn được mời gọi từ bỏ ích kỷ, bớt sống cho mình, để đồng hành liên đới với những người bất hạnh trong xã hội hôm nay.

Sống Lời Chúa: Tôi bày tỏ tình liên đới bằng cách tích cực tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, các công tác tông đồ của hội đoàn hay các công việc thiện nguyện xã hội.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn… Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá nhiều điều không cần giữ. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

(Rabbouni)

11/01 – Thứ Bảy sau lễ Hiển Linh.

“Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân lang”.

LỜI CHÚA: Ga 3, 22-30

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục.

Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: “Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!”

Gioan trả lời rằng: “Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.

Suy niệm: Người sứ giả không nói về mình mà là nói lời của người sai mình. Gio-an đã thể hiện xuất sắc vai trò sứ giả đó cho đến giây phút cuối cùng. Trước nguy cơ tranh dành ảnh hưởng giữa các môn đệ mình và môn đệ Đức Giê-su – mà sau đó điều này đã thực sự xảy ra – Gio-an, từ trong ngục, nhắc nhở cho các môn đệ của mình nhớ lại vai trò ngôn sứ-chứng nhân của họ: giới thiệu Đức Ki-tô, chứ không phải giới thiệu mình; hướng dẫn người khác đến với Đức Ki-tô, chứ không phải giữ chặt họ ở lại với mình. Không cần lý luận cao siêu, Gio-an đã làm điều mà các nhà thần học ngày nay gọi là một nền thần học ki-tô hướng tâm (christocentric).

Mời Bạn: Từ thời của Gio-an đến giờ, việc loan báo Tin Mừng đã bao lần phải đình trệ vì các môn đệ Đức Ki-tô lại trở nên đối thủ tranh dành ảnh hưởng lẫn nhau mà vẫn ảo tưởng rằng mình đang phục vụ Ngài. Xét cho cùng, mọi hình thức bè phái đều là do cái tôi ích kỷ, muốn lấy mình làm trung tâm thay vì quy hướng mọi sự về Đức Ki-tô. Giữa các đồng nghiệp, các đoàn thể trong giáo xứ đang có những xung đột nào? Bạn thử tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp.

Sống Lời Chúa: Bắt chước tinh thần khiêm tốn quên mình của Gio-an trong mọi hoạt động, đặc biệt khi làm việc tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hy sinh quên mình mỗi khi làm việc, để con loan báo về Chúa mà không làm Chúa bị lu mờ đi vì cái tôi ích kỷ của con.

10/01 – Thứ Sáu sau lễ Hiển Linh.

“Lập tức người ấy khỏi phong hủi”.

LỜI CHÚA: Lc 5, 12-16

Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch”.

Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: “Ta muốn, hãy nên trơn sạch”. Lập tức, người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: “Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch”.

Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện.

Suy niệm: Người phong hủi rất muốn mình được lành bệnh, nhưng có lẽ ngoài anh ra, không có ai ước muốn điều đó hay có một hành động nào đó chữa lành anh; trái lại, chỉ có hất hủi, xua đuổi, bỏ rơi. Điều đó làm anh đã xa lại càng xa cách hơn với cộng đoàn. Được gặp Chúa Giê-su hôm nay anh khám phá ra rằng ít ra còn có Ngài quan tâm đến anh, không xua đuổi anh. Trong cuộc gặp thân mật này, anh khám phá rằng ước muốn của anh trùng khớp với ý muốn của Chúa: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Ngài không chỉ muốn mà còn có quyền năng chữa lành và phục hồi con người của anh để anh có thể hòa nhập với Dân-được-chọn, Dân của Thiên Chúa. Anh cũng nhận ra rằng đời sống của anh có ảnh hưởng đến người khác. Nếu tội lỗi nơi anh đã đẩy anh xa cộng đoàn, có nghĩa cộng đoàn mất đi một người và một người con xa lìa Thiên Chúa. Nay, khi được phục hồi, anh loan báo về điều Thiên Chúa làm cho mình, có nghĩa là cộng đoàn có cơ hội được lớn lên.

Mời Bạn: Thiên Chúa muốn bạn sống thánh, bạn có ý thức điều đó và nỗ lực nên thánh không? Thiên Chúa muốn mọi người được nên thánh. Còn bạn, có muốn như Ngài không?

Sống Lời Chúa: Bạn nhớ xét mình hằng ngày và xin ơn hoán cải để bạn mỗi ngày được nên thánh hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn con nên thánh và cũng muốn anh chị em con sống thánh. Xin cho chúng con biết tiếp nhận ơn thánh của Chúa và sống thánh hằng ngày.

 

09/01 – Thứ Năm sau lễ Hiển Linh.

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này”.

LỜI CHÚA: Lc 4, 14-22a

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền năng của Thánh Thần và danh tiếng Người đồn khắp miền xung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và ai nấy đều ca tụng Người.

Người đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, Người vào hội đường ngày Sabbat, và đứng dậy đọc sách. Người ta trao cho Người cuốn sách Tiên tri Isaia.

Người mở sách và gặp chỗ có chép rằng: “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”. Người xếp sách lại, trao cho viên phụ trách, đoạn ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều đưa mắt chăm chú nhìn Người.

Người bắt đầu nói với họ rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”. Và ai nấy đều công nhận lời Người và ngạc nhiên vì những lời hấp dẫn thốt ra từ miệng Người.

Suy niệm: Có bước lên đỉnh đồi Na-da-rét mới thấy được nỗi cảm khái của những ai thao thức với vận mạng Ít-ra-en. Đằng kia dưới chân đồi về phía tây nam là cánh đồng Ét-rê-lon với chiến tích lẫy lừng của bà Đê-bo-ra và ông Ba-rắc, của thủ lĩnh Ghi-đê-on. Xa xa về phía tây là đỉnh núi Các-men nổi bồng bềnh trên thảm mây như trong cõi thần tiên nhắc nhớ cuộc đối đầu hào hùng giữa tiên tri Ê-li-a với bà hoàng Giê-da-ben hiểm ác. Na-da-rét đâu phải là một nơi “nào có chi hay” (x. Ga 1,46), vì cách đó 8 km về phía bắc, là thành Xép-pho-rít được xây dựng vào thời Rô-ma – các nhà khảo cổ mới khai quật di tích này được ít lâu. Chạy ngang qua đó là ngã tư quốc tế với “con đường ven biển” (x. Mt 4,15) nối Đa-mát với Giê-ru-sa-lem, con đường huyết mạch nối Ai Cập với Li-băng và sang miền đông hướng về xứ Ba Tư. “Chúa Giê-su trở về Na-da-rét, nơi người sinh trưởng… để ứng nghiệm lời Kinh Thánh” trong bối cảnh như thế.

Bạn thân mến, bạn thử đặt mình vào địa vị dân thành Na-da-rét xem họ nghĩ gì khi Đức Giê-su, người đồng hương nổi tiếng của họ trở về quê nhà và nói: “Lời Kinh Thánh hôm nay ứng nghiệm” trong khi họ đang mong chờ một sự giải phóng khỏi ách nô lệ Rô-ma mà nào có thấy gì đâu? Thế mà Lời Kinh Thánh lại ứng nghiệm vào một Đấng Cứu Thế bằng khổ giá. Chả trách gì họ nổi giận!!! Bạn có cảm thông với Ngài không?

Sống Lời Chúa: Hình dung bạn đang đứng trên đỉnh đồi Na-da-rét với Chúa Giê-su, và nhìn ngắm, lắng nghe Ngài với tâm tình yêu mến, cảm thông.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin cho con được chia sẻ nỗi niềm với Chúa. Amen.

 

08/01 – Thứ Tư sau lễ Hiển Linh.

“Họ thấy Người đi trên mặt biển”.

LỜI CHÚA: Mc 6, 45-52

(Khi năm ngàn người đã được ăn no), Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng.

Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện.

Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất.

Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ. Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ”. Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh: lòng họ còn mù tối.

Suy niệm: Thánh Mác-cô không có ý nói đến vị trí địa lý của chiếc thuyền cho bằng khoảng cách giữa các môn đệ với bờ, nơi Đức Giê-su đang đứng. Ngài sai họ ra khơi, đến chỗ nước sâu để bắt cá, nhưng không có Ngài cùng đi. Ngài ở xa họ. Hốt hoảng khi sóng gió ập đến, thắc mắc khi không thấy Chúa là tâm trạng của các tông đồ trong những chuyến ra khơi như thế. Tông đồ mọi thời đại đều cảm nghiệm nỗi cô đơn này. Thiên Chúa dẫu xa nhưng lại rất gần. Ngài thấy trước những bất trắc đe dọa con thuyền Giáo Hội, thấy những cơn sóng hung dữ của thế lực tối tăm đang gầm thét hòng nhận chìm những kẻ Ngài sai đi. Ngài đến bên họ kịp thời, bày tỏ quyền năng để nâng đỡ đức tin, nhẹ nhàng loan báo Tin Mừng “chính Thầy đây, đừng sợ”.

Mời Bạn: Nhìn xuống sóng gió, các tông đồ hốt hoảng. Nhìn lên Đức Giê-su, các ông tìm được bình an. Bạn rút được bài học quí giá nào từ những sự kiện đó để áp dụng vào đời tông đồ của bạn? Sóng gió trong đời tông đồ vẫn có, vậy nhờ đâu bạn vững lòng tiếp tục ra khơi?

Sống Lời Chúa: Bạn lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho những người làm việc truyền giáo đang gặp thử thách.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con muốn tận hiến cho Chúa cuộc đời con. Nhưng chỉ xin Chúa một điều, là hãy cho tay con nắm được tay Chúa những lúc con gặp gian nan, thử thách. Amen.