Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe là một trong những câu truyện sống động nhất của Chúa Giêsu và bài học Chúa dạy cũng hết sức rõ ràng. Bài học đó là Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta theo những việc chúng ta làm cho nhau trong cuộc sống hằng ngày. Sự phán này không tùy thuộc vào kiến thức chúng ta có, sự may mắn hay tiếng tăm chúng ta đã đạt được, nhưng tùy vào sự giúp đỡ chúng ta làm cho nhau.

Như vậy rõ ràng qua câu truyện này Chúa muốn chúng ta phải giúp đỡ người nhau.

1. Ta phải giúp đỡ nhau từ những nhu cầu thật đơn giản trong cuộc sống của mọi người như kẻ đói cần được cho ăn, kể khát cần được cho uống, những người khách lạ cần được tiếp đón, những kẻ bị cầm tù cần phải được viếng thăm.

Ngày nay Mẹ Têrêsa còn cho biết thêm: có nhiều người đói thức ăn, nhưng cũng có nhiều người đói những thứ khác như đói được biết đến, đói được yêu thương, đói được tôn trọng …

Trần truồng không phải chỉ là không quần áo, mà còn là không nhân phẩm, không trong sạch, không tự trọng.

Vô gia cư không phải chỉ là không có nhà, mà còn là bị ruồng bỏ, bị coi là vô dụng.

Chứng bệnh nặng nhất của thế giới hôm nay là cảm giác bị bỏ rơi không ai để ý đến, không ai quan tâm chăm sóc….

Sự ác lớn nhất của thế giới hôm nay là thiếu tình yêu là dửng dưng với người bên cạnh.

Đó là những việc này chúng ta có thể gặp hàng ngày. Tất cả cần phải được quan tâm.

2. Phải giúp đỡ nhưng giúp đỡ với tinh thần nào ? Thưa là tinh thần không tính toán.

Tất cả những người đã giúp đỡ người khác trong câu truyện hôm nay đều không ai nghĩ rằng họ đã giúp đỡ Chúa Giêsu và tích trữ công đức đời đời cho mình. Họ giúp vì không thể không giúp, đó là bản chất tự nhiên không tính toán, phát xuất từ lòng yêu thương thật.

Oscar Wilde đã viết một câu chuyện rất đẹp, tựa đề là The Happy Prince, như sau:

Một ông Hoàng kia sống một cuộc đời rất hạnh phúc .

Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông đặt trên một cái bệ cao giữa thành phố và đặt tên là ông Hoàng Hạnh Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong thành.

Một buổi nhiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của ông Hoàng. Ông đang khóc.

– Tại sao ông khóc ? Ông là ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà!.

– Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không ?

– Không được, tôi phải bay đi Ai Cập.

– Hãy làm ơn giúp ta đêm nay đi.

– Thôi được! Bây giờ ông muốn tôi làm gì ?

– Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.

Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh.

Hôm sau ông Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo khác. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác nữa. Cứ thế hết ngày này đến ngày khác, con chim én lấy các thứ trang sức của ông Hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng trên mình ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Và lúc đó mùa đông đã tới, trời đổ lạnh rất nhiều. Sáng hôm đó, người ta thấy xác con chim én đã chết cóng dưới chân pho tượng ông Hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé kia.

Vâng có ai ngờ những việc tốt chúng ta làm cho nhau lại là làm cho chính Chúa: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25,40).

Ngược lại như Lời Chúa quả quyết những gì chúng ta từ chối không giúp đỡ người khác cũng có nghĩa là chúng ta không giúp Chúa.

Khi đã không muốn giúp đỡ những người khác thì người ta có thể nại ra đủ mọi thứ lý do để từ chối.

Năm 1880, ở thành phố Paris, có một Linh mục ăn mặc nghèo hèn đến gõ cửa nhà một Cha Sở xin được trọ qua đêm. Cha Sở tiếp rất thờ ơ rồi chỉ cho Linh mục ấy lên chiếc gác xép nhà xứ. Linh mục ấy tên là Gioan Bosco, từ Turin nước Ý sang Paris để quyên tiền về xây trường giáo dục các thiếu niên.

Nhiều năm sau, Giáo Hội đã tôn phong Gioan Bosco lên bậc hiển thánh. Khi nghe tin đó, Cha Sở nọ nói:

“Phải chi lúc đó tôi biết ông ấy là Don Bosco thì tôi đâu có để Ngài ở trên cái gác xép ấy, trại lại tôi đã dành phòng khách sang trọng nhất cho Ngài rồi.

Quả thật chúng ta không bao giờ biết rõ những kẻ chúng ta gặp là những người như thế nào. Nhưng điều này không quan trọng. Điều quan trọng đối với những kẻ có đức tin là chính Chúa hiện thân trong những người ấy.

Giúp đỡ để được người ta khen ngợi, cám ơn và công bố ra cho nhiều người biết, thì không phải là giúp đỡ nữa mà là kiêu ngạo, ích kỷ trá hình. Sự giúp đỡ đẹp lòng Chúa là sự giúp đỡ không vì mục đích nào ngoài sự giúp đỡ cả.

3. Và cuối cùng Chúa cổ võ tình yêu thương qua việc chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau để làm gì ? Câu trả lời cũng không khó lắm. Thưa để thiết lập Nước Trời của Chúa ngay trên trần gian này và mai sau được hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Ngày xưa người Do Thái hiểu Nước Thiên Chúa chính là Nước Do Thái, một nước Do Thái hùng cường phồn vinh làm bá chủ nhiều nước khác. Hiểu như vậy là sai.

Ngày nay nhiều người hiểu Nước Thiên Chúa là Giáo Hội, một Giáo Hội có rất đông tín đồ, một Giáo Hội có tổ chức quy mô, khiến cho người ngoài nể phục. Hiểu như vậy có đúng không ? Thưa chỉ đúng một phần thôi, là phần bề ngoài, phần hình thức, phần tổ chức.

Một câu chuyện vui:

Một buổi sáng tưng bừng, một bà sang trọng đi chiếc xe hơi bóng láng, lóng lánh như kim cương tới cửa Thiên đàng. Nghe tiếng còi điện lừng vang, thánh Phêrô vội vã mở cửa dẫn vào. Khi thấy Thánh Cả chỉ cho bác tài xế của mình một tòa nhà đồ sộ, bà ta sung sướng nghĩ bụng:

– Bác tài mà còn được ở một tòa nhà nguy nga tốt đẹp như thế! Tôi sẽ phải được một tòa nhà nguy nga lộng lẫy đến chừng nào!

Và bà ta xoa tay sung sướng.

Ngờ đâu khi bác tài đi rồi, Thánh Phêrô quay lại chỉ vào một túp lều lụp xụp nhỏ ở bên góc, nói:

– Đó là nhà của bà!

Bà ta hốt hoảng, cả đầu óc choáng váng lên:

– Nhà của tôi đó thật sao ? Không tôi không thể nào sống trong một căn lều xấu xí như thế được!

Thánh Phêrô đem tay vân vê chòm râu bạc, trả lời giữa hai cái nháy mắt:

Thưa bà, tôi rất tiếc không thể làm hơn thế được. Với vật liệu bà gởi tới cho tôi xưa nay, tôi chỉ có thể làm được ngần ấy thôi ?.

Một nhà giàu hỏi xem thiên đàng ở đâu ?

Ngày lễ Mông Triệu, cha xứ giảng về thiên đàng. Sau lễ, cha gặp người giàu có nhất làng. Ong này mới nói: “Thưa cha, cha vừa giảng một bài rất hay về thiên đàng, nhưng cha đã không nói thiên đàng ở đâu ?” Cha xứ trả lời: “Này ông, tôi sẽ nói cho ông biết thiên đàng ở đâu. Bên kia đường, trong một căn nhà nghèo nàn, có một bà góa sống với 2 đứa con nhỏ. Cả 3 đều lâm bệnh, đói khát và cùng khổ. Ông hãy chu cấp cho bà những gì bà cần và hãy trả tiền bác sĩ cho bà. Sau đó hãy đọc đoạn 25 Phúc âm thánh Matthêo, đoạn này nói đến phán xét cuối cùng và tôi chắc chắn là ông sẽ biết thiên đàng ở đâu. Nếu ông không biết nữa, thì hãy đến đây và tôi sẽ nói cho ông biết”. Người giàu kia làm những gì cha sở bảo và giúp đỡ tận tình bà góa. Sau này, khi gặp cha xứ, ông nói: “Thưa cha, con như ở thiên đàng trong ngày đó. Cha không thể tưởng tượng được con vui sướng hạnh phúc trong tâm hồn biết dường nào, và niềm vui ấy kéo dài cho đến ngày hôm nay”. Chính vì Thiên đàng là một trạng thái tâm hồn, là “sự bình an và niềm vui của một lương tâm ngay chính”.

Chúng con yêu quí,

Chúng con có biết hôm nay là lễ gì không ?

– Thưa cha lễ Chúa Kitô Vua.

– Chúng con có biết Chúa Giêsu muốn làm vua như thế nào không ?

……

Chúa Giêsu làm vua nhưng cách Chúa là vua chẳng giống một ông vua nào trên cõi đời này. Tại sao cha dám nói thế ? Đây chúng con hãy nghe câu chuyện này. Đây là câu chuyện do Cha Mark Link S.J kể. Theo ngài thì trong cuốn sách của mình có tựa đề là: The Christian Vision (Thị kiến của người Kitô hữu) ông John Powell có kể lại một truyền thuyết xưa kia của người Ái Nhĩ Lan. Truyền thuyết này nói về thời còn các vị vua đang cai trị nước họ.

Ngày xưa, có một vị vua đương cai trị nhưng không có con nối dõi ngai báu. Nhà vua muốn tìm một người thật xứng đáng để nối ngôi vua sau này. Chính vì thế, nhà vua đã truyền cho các sứ giả loan báo trên khắp các thành thị và phố phường trong toàn vương quốc, mời gọi tất cả những người đàn ông ưu tú đến cho Ðức vua phỏng vấn.

Ðức vua làm thế với hy vọng có thể chọn được một người kế vị trước khi Ngài chết. Hai tiêu chuẩn được ngài nhấn mạnh đặc biệt là kẻ ấy phải có lòng mến Chúa yêu người sâu sắc.

Có một người thanh niên cảm thấy mình có đủ hai tiêu chuẩn trên. Tự thâm tâm anh cảm thấy có tiếng thúc giục anh đi dự cuộc phỏng vấn này. Nhưng phiền một nỗi là anh quá nghèo, nghèo đến mức chẳng có quần áo tươm tất để mặc khi đi dự phỏng vấn. Đồng thời anh cũng chẳng có tiền mua đồ ăn đồ uống đi đường để đến cung điện đức vua tham dự cuộc phỏng vấn. Bí quá anh đã cầu nguyện xin ơn Chúa soi sáng và trong thâm tâm, Chúa cho anh biết là anh có thể đi ăn xin. Những người tốt bụng đã cho anh đủ quần áo và lương thực cần thiết. Khi mọi sự đã sẵn sàng, anh bắt đầu lên đường.

Sau một tháng dài đi đường, người thanh niên này đã nhìn thấy cung điện đức vua. Anh ta ngồi xuống trên một ngọn đồi phía trước. Tình cờ anh trông thấy một ông lão ăn mày nghèo khổ đang ngồi bên vệ đường. Vừa thấy anh, ông cụ chìa tay ra xin anh giúp đỡ. Giọng nói ông ta thật yếu ớt:

– Tôi đói và lạnh quá, cậu có thể cho tôi cái gì mặc cho đỡ lạnh và ăn cho đỡ đói không ?

Người thanh niên nhìn ông cự lòng tràn đầy xúc động. Anh liền cởi bộ đồ ấm áp anh đang mặc bên ngoài để đổi lấy tấm áo cũ rách của ông già ăn xin, đồng thời cũng cho ông cụ phần lớn số lương thực anh mang theo trong túi xách dành cho chuyến trở về nhà của mình. Thế rồi, mặc dù lòng thấy hơi ngại nhưng anh cũng liều bước tới cung điện trong bộ áo rách nát cùng với số lương thực mang theo không đủ cho chuyến trở về của mình. Khi anh ta đến gần cổng lâu đài, thì đám lính gác chận anh ta lại rồi dẫn anh đến khu vực dành cho du khách. Sau một thời gian chờ đợi lâu, anh ta được dẫn tới diện kiến đức vua.

Ðến trước bệ rồng anh thanh niên quỳ mọp, gập sâu người xuống cúi chào. Khi ngước lên nhìn, anh không thể nào tin nổi mắt mình và run rẩy thốt lên:

– Té ra ngài chính là ông lão ăn xin bên vệ đường đó sao!

Đức vua đáp:

– Ðúng thế.

Người thanh niên liền hỏi:

– Tại sao ngài lại làm điều ấy đối với kẻ tiện dân này ?

Ðức vua trả lời:

– Bởi vì trẫm muốn thử xem ngươi có phải là thật là người có lòng mến Chúa yêu người hay không ?

Câu chuyện kết thúc thế nào thì chúng ta có thể đoán được.

Câu chuyện cho chúng ta thấy một điều rất thật. Sự thật này là: vào ngày cuối cuộc đời, mỗi người chúng ta sẽ bị xét xử về việc chúng ta đã phục vụ Chúa Kitô Vua như thế nào nơi kẻ những người mọn nhất trong anh chị em chúng ta. Hãy nhớ lại những lời Chúa nói: “Ðoạn đức vua sẽ nói “Xưa Ta đói các ngươi cho Ta ăn, Ta khát các ngươi cho Ta uống, Ta là khách lạ các ngươi đã đón tiếp Ta vào nhà, Ta đau ốm bệnh hoạn các ngươi đã chăm sóc Ta”

Bây giờ đám người công chính sẽ thưa với Ngài: “Lạy Chúa có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống đâu ? Ðức vua sẽ đáp lại: “Ta nói cho các ngươi hay, bất cứ khi nào các ngươi làm điều này cho một trong những anh em bé mọn nhất trong các ngươi tức là các ngươi đã làm cho chính Ta đó”.

Chúa không hỏi chúng ta về những điều cao siêu khó hiểu. Chúa cũng không đòi hỏi chúng ta về những việc anh hùng chỉ có những người có chí khí gan lì mới làm được. Chúa cũng không tra vấn chúng ta về những việc làm to tát chỉ có những người nhiều tiền nhiều của mới có thể thực hiện được nhưng Chúa chỉ hỏi chúng ta về những việc làm hết sức dễ dàng, hết sức nhỏ bé ai cũng có thể làm được. Đó là những việc có liên hệ đến những nhu cầu rất cần thiết của mỗi người như việc ăn ở đi mặc.

Cha hỏi chúng con: Đọc lại những lời Đức Vua nói với mọi người trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng con có thấy điều gì khó hiểu hay không.

Cha chắc là không!

Vậy thì vấn đề còn lại là chúng ta phải sống những điều Chúa nói. Hãy ghi tạc Lời Chúa vào lòng: “Ta nói cho các ngươi hay, bất cứ khi nào các ngươi làm điều này cho một trong những anh em bé mọn nhất trong các ngươi tức là các ngươi đã làm cho chính Ta đó”.

Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện này: Câu chuyện trích ở trong một cuốn sách mà cha rất thích. Truyện một tâm hồn:

Enricô ơi!

Như sáng nay, lúc đi học về, con đi trước mẹ, con đã gặp một người đàn bà nghèo bế một đứa con nhỏ xanh xao yếu đuối và chìa tay xin con. Con nhìn người ta bằng cặp mắt lạnh lùng, con chẳng cho gì cả mà chính lúc ấy túi con có tiền. Nghe mẹ, con ơi!

Con đừng tập thói làm ngơ trước cái nghèo khó nó ngửa tay xin con ; hơn nữa con lại càng không nên bước qua một người mẹ xin ăn cho con. Con hãy nghĩ đến bụng đói của đứa trẻ thơ, nghĩ đến sự đau khổ của người mẹ.

Mỗi khi mẹ bố thí cho kẻ nghèo thì bao giờ họ cũng cảm ơn và chúc cho mẹ, cho cả nhà ta được mọi sự lành. Những lời chúc tụng ấy nghe êm ái biết là dường nào! Và lòng tạ ơn họ không biết bao nhiêu.

Những lời cầu nguyện ấy sẽ thấu đến đấng Thượng đế để ngài phù hộ cho tất cả những người thân yêu của ta. Vì thế, mẹ trở về rất hài lòng và tự nhủ:

– Người ấy đã cho ta nhiều hơn là ta đãi họ!

Enricô ơi! Con hãy nghe mẹ: thỉnh thoảng nên bớt một vài xu trong túi tiền của con để cho người già không chốn nương thân, người mẹ không gạo, đứa trẻ không mẹ không cha. Những kẻ khó thích xin trẻ con vì như thế họ không nhục, vì trẻ con cũng như họ phải cần đến mọi người. Con có nhận thấy ở quanh trường thường có nhiều kẻ ăn xin không ? Sự bố thí của người lớn là một việc làm phúc, nhưng sự bố thí của trẻ con không những là một việc làm phú mà còn là một sự vỗ về nữa, vì mỗi lần đứa trẻ đem cho thì hình như đồng tiền kèm với bông hoa ở trong tay nó rơi ra.

Con ơi! Con phải biết con có đủ cả, chứ kẻ khó thì thiếu hết. Khi con mong được sung sướng thì người nghèo chỉ cầu sao cho khỏi chết. Trong một đám có bao nhiêu là nhà giàu, trong một phố có bao nhiêu người sang trọng qua lại, có bao nhiêu đứa trẻ ăn mặc xa hoa, thế mà vẫn còn thấy nhiều đàn bà và trẻ con đói khát, rách rưới! Thực đáng buồn thay!

Muốn cho người ta khỏi chê con là một kẻ vô tình thì từ sau, con đừng bước qua một kẻ khó mà không cho gì”. Mẹ con.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội Việt Nam vui mừng mừng kính các anh hùng tử đạo tại Việt Nam của chúng ta. Trong bầu khí linh thiêng và cảm động này tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài tâm tình của tôi.

1. Tâm tình thứ nhất là tâm tình tự hào.

Các thánh Tử đạo Việt Nam của chúng ta làm cho chúng ta tự hào.

Chúng ta phải tự hào vì chúng ta đã có được những vị tổ tiên anh hùng thật xứng đáng. Các Ngài đã được sinh ra, đã làm việc, đã cùng sống với những người Việt Nam chúng ta ngay trên mảnh đất quê hương thân yêu này. Các ngài đã sống như biết bao nhiêu những con người khác đã sống, nhưng các Ngài đã sống hơn hẳn rất nhiều người khác ở chỗ các ngài đã biết sống anh hùng, không để cho mình bị mua chuộc, không để cho mình bị khuất phục. Tiền bạc không làm cho các ngài mù tối. Khổ đau không làm cho các ngài chùn bước, nhục hình không làm cho các ngài ngã quỵ, và cả cái chết cũng không uốn cong được lòng trung tín của các ngài.

Lịch sử còn ghi lại những hình phạt mà người ta đã nghĩ ra và đã dùng để phạt những người theo đạo như sau:

– Nhẹ nhất là bị gông cùm. Bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói cho tới chết.

– Nặng hơn một chút thì bị voi dày, bị trói ném xuống sông, bị chôn sống, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng.

– Quyết liệt hơn một chút thì bị xử trảm, xử giảo (thắt cổ) và thiêu sống.

– Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (phân thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị xẻo từng mảnh thịt cho tới chết)

Tôi xin trích ra đây một đoạn trong bản báo cáo về việc xử cha cố Du tại Thợ Đức ngày 30-11-1835:

“Họ cột chân tay ngài vào một cây cột. Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn. Sau hồi chuông báo hiệu, tên lính cầm kìm đã được nung đỏ kẹp vào ngực kéo ra hai miếng thịt nơi vú liệng xuống đất. Tên khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông – rồi đến dùi thì chúng lấy kìm kéo thịt ra rồi dùng lưỡi dao xẻo đứt từng miếng. Cha ngất đi, đầu rũ xuống và ngài tắt hơi về chầu Chúa lúc 17 giờ.

Cha chết rồi, lính chặt đầu ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi….đoạn họ cởi trói lật úp xác xuống, phân thây ra từng khúc bỏ vào thùng vôi. Tiếp theo họ lấy đầu đầu của ngài treo giữa chợ ba ngày, rồi lấy xuống nghiền nát ra bỏ vào thùng đựng xác rồi vứt tất cả xuống biển cho mất tích”

Vâng, kính thưa anh chị em.

Gian khổ có cao, hình phạt có nặng nhưng lòng thành của các ngài còn cao hơn. Cái chết của các Ngài thật đáng làm cho chúng ta phải tự hào. Trong sắc phong chân phước cho 64 anh hùng tử đạo Việt Nam ngày 27-5-1900 Chính Đức Thánh Cha Léo XIII đã nói về các Ngài với tất cả lòng khâm phục như sau: “Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa vào những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội Chúa Kitô”.

2. Tâm tình thứ hai là lòng biết ơn.

Việc mừng lễ hôm nay làm tôi nhớ lại những lời rất cảm động sau đây của Chúa Giêsu: “Kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì chúng con không vất vả làm ra. Những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng công lao khó nhọc của họ ” (Ga 4,36-37).

Sử gia Tertulianô ngày xưa khi nhìn lại những năm trời Giáo Hội bị bách hại và những cuộc trở lại đạo hàng loạt sau đó, ông đã phải viết lên những lời rất rất đáng cho chúng ta suy nghĩ như thế này: “Những hạt máu của những vị tử đạo là những hạt giống làm nảy sinh ra những người Kitô hữu khác”

Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta có được những con người anh hùng như thế. Đồng thời chúng ta cũng phải biết ơn các ngài vì chính nhớ các ngài mà hạt giống Đức tin đã nảy mầm và lớn lên trong chúng ta.

3. Tâm tình thứ 3 là bổn phận phải sống làm sao cho xứng đáng với đáng với danh nghĩa con cháu của những anh hùng.

Châm ngôn Việt Nam có câu rất hay: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”

Phải sống xứng đáng để những thệ mai sau khi nhìn vào thế hệ này, họ cũng phải cảm thấy tự hào.

Năm 1934 khi nhắn nhủ một số các em nhỏ đến mừng sinh nhật của mình, nhà bác học nổi danh nhất của thế kỷ thứ 20, Albert Einstein đã nói với các cháu những lời cảm động như sau: “Các cháu nên nhờ rằng những điều kỳ diệu các cháu được học ở trường hôm nay là do công lao của biết bao thế hệ trên khắp thế giới đã hăng hái gắng sức và cặm cụi làm việc không ngừng rồi truyền lại cho các cháu như một di sản để cho các cháu tiếp nhận, tôn trọng, tăng gia thêm và một ngày nào đó các cháu sẽ lại trung thành truyền lại cho con cháu các cháu. Nhờ vậy mà chúng ta, những con người hữu sinh hữu tử mới thành bất tử trong những vật trường tồn mà chúng ta tạo ra chung với nhau”

Chúng ta đang thừa hưởng một di sản vô cùng quí giá do cha ông chúng ta để lại. Cách trả ơn tốt nhất đối với các Ngài là tiếp nhận và trung thành truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Nhưng truyền lại bằng cách nào ?

– Thưa bằng chính cuộc sống mà tổ tiên của chúng ta đã sống.

Văn hào Tagore khi bàn về cái chết của Thánh Gandhi, đã nói: “Có lẽ thánh Gandhi không thành công, có lẽ thánh sẽ thất bại như Đức Thích Ca đã thất bại, như Đức Giêsu đã thất bại vì chưa hủy diệt được lòng ác độc của loài người. Nhưng loài người luôn nhớ tới Thánh vì thánh đã đem đời mình ra để làm bài học cho muôn thế hệ mai sau”

a- Bài học đầu tiên mà mỗi người chúng ta phải noi gương bắt chước đó là phải trung thành với niềm tin.

Đức tin là ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Hãy bảo vệ lấy, đừng để cho nó bị hao mòn đi.

Phaolô Mợi bị bắt, bị giải đến quan.

Quan dụ:

– Anh đạp ảnh đi, tôi sẽ cho anh một nén bạc.

Phaolô không trả lời.

Quan lại hỏi:

– Vậy một nén vàng!

– Bẩm quan chưa đủ.

– Vậy anh muốn bao nhiêu ?

– Bẩm quan lớn, quan lớn muốn cho tôi quá khóa thì quan phải cho tôi đủ vàng để mua được một linh hồn khác.

Nguyễn văn Lựu: “Đạo đã nhập vào xương tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được.”

b- Bài học thứ hai phải can đảm sống niềm tin đó.

Trong một bài diễn văn đọc cho binh lính trước khi họ lâm trận, Hitler đã nói: “Thế giới này sẽ thuộc về những kẻ gan dạ”

Victor Hugo: “Đồi Calvario ở đầu đường và hào quang cũng xuất hiện ở đó”

Chúa Giêsu: “Nước Trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy”(Mt 11,12)

Không có chiến thắng cho những kẻ chưa lâm trận đã đầu hàng.

Không có vinh quang cho những kẻ hèn nhát.

Phần thưởng càng lớn, vinh quang càng cao thì cái giá phải trả cho nó càng đắt.

Phải sử dụng sức mạnh mới chiếm hữu được Nước Trời.

Lời cuối cùng của tôi. Tôi xin mượn lời của Thánh Phaolô:        “Trong mọi thử thách, chúng ta sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” Và Ngài kết luận: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô Chúa chúng ta.”(Rm 8,35-39). Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí

Cha đố chúng con hôm nay là ngày lễ gì ?

– Thưa cha lễ kính các thánh Tử Đạo tại Việt nam.

– Rất chính xác! Chúng con giỏi.

– Thế tử đạo là làm sao chúng con.

– Thưa tử Đạo là chết vì Đạo.

– Thế Đạo đây là Đạo nào nhỉ ?

– Dạ thưa Đạo Chúa.

– Chúa nào ?

– Dạ thưa Chúa Giêsu.

A. Như vậy Tử Đạo là dám chết vì tin vào Chúa Giêsu và nhất định không từ bỏ niềm tin đó cho dù có phải chết, chết thật đau thương, chết thật anh hùng.

Cha nhớ trong ngày trong sắc phong 64 vị tử đạo Việt Nam lên hàng chân phước ngày 27.5.1900, Đức Thánh Cha Lêô XIII đã nói:”Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa trong những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ II trong bài giảng ngày lễ tôn phong 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh cũng phát biểu tương tự như thế. Ngài nói: “Từ năm 1533 tức là từ khi cuộc rao giảng Tin Mừng Kitô bắt đầu tại vùng Đông Nam Á, Giáo Hội Việt Nam trong suốt 3 thế kỷ đã phải chịu những cuộc bách hại liên tiếp nhau với một vai giai đoạn lắng dịu giống như các cuộc bách hại mà Giáo Hội tại Tây Phương đã chịu trong 3 thế kỷ đầu tiên. Đã có hàng ngàn tín hữu Kitô chịu tử đạo và rất nhiều người khác đã chết trong rừng núi, những vùng ma thiêng nước độc, nơi mà họ bị lưu đày tới”.

Thế chúng con có biết các thánh Tử Đạo Việt nam chịu chết vào thời gian nào trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta không ? Cha trả lời cho chúng con ngay.

+ Thời gian không xa chúng ta lắm. Các Ngài đã chịu chết ngay trên đất nước Việt nam này. Thời gian bắt đầu vào năm 1580 và chỉ kết thúc hoàn toàn vào năm 1888 có nghĩa là chỉ cách chúng ta hơn một thế kỷ kéo dài gần 3 thế kỷ. 3 thế kỷ ba thế hệ của cuộc sống làm người.

Cha hỏi tiếp: Chúng con có biết có bao nhiêu người đã chịu chết như vậy không ? Con số những người chịu ảnh hưởng của cuộc bách hại này không nhỏ: Lịch sử cho chúng ta thấy những người chịu ảnh hưởng của cuộc bách hại rất lớn.

* Có khoảng 400.000 người bị lưu đày, phát lưu và phân sáp.

* 130.000 người đã chết vì đạo trong số này đã có 117 vị được Giáo Hội chính thức tôn phong lên hàng hiển thánh vào ngày 19.6.1988 cách đây 12 năm.

Thế còn các hình khổ các thánh Tử Đạo Việt nam đã phải chịu là những hình khổ nào ?

Các ngài đã phải chịu mọi thứ cực hình mà người ta có thể nghĩ ra được

Thì dụ như bị gông cùm, bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói, bị voi giày, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng vv.Đó là những hình phạt tương đối nhẹ.

Bên cạnh đó còn có những hình khổ thật quyết liệt như bị trảm quyết – tức là bị chặt đầu- bị xử giảo – tức là bị thắt cổ -, hay bị thiêu sống.hoặc Vô cùng man rợ và hiểm độc như bị xử lăng trì – phân thây ra từng mảnh hay là xứ bá đao. Đây chúng con nghe câu chuyện về việc bị xử bá đao của Cha Cố Du:

Ngày 30-11-1835 họ chọn Thợ Đức làm pháp trường để xử Ngài.

Sáng sớm hôm đó, họ điệu ngài đến nơi hành hình. Bên một lò than đang cháy đỏ rực có 5 tên lính cầm 5 chiếc kìm sắt đã được nung đỏ.

Nghe lệnh, cùng một lúc cả 5 tên kẹp kìm nung đỏ vào mình ngài kéo ra những miếng thịt khét lẹt.

Họ vu cho ngài móc mắt trẻ con khi rửa tội. Làm điều ám muội khi cử hành lễ cưới và cho ăn thịt người khi rước lễ.

Sau đó họ tiếp tục gây thêm những thương tích nữa cho đến khi ngài bất tỉnh thì họ mới hành quyết.

Họ cột chân tay ngài vào cây cột. Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn. Cha Du ngửa mặt lên trời cầu nguyện dâng mạng sống mình cho Chúa.

Sau hồi trống báo hiệu, hai tên lính cầm kìm kẹp vào ngực ngài kéo ra 2 miếng thịt nơi vú liệng xuống đất – một tên lính khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông – rồi đến bắp đùi thì chúng lấy kìm kéo ra rồi lấy dao xẻo đứt từng miếng… làm cha rất đau đớn. Không được bao lâu thì ngài ngất đi, đầu rũ xuống và ngài về chầu Chúa lúc 17g ngày 30-11-1835

Cha chết rồi bọn lính chặt đầu ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi, cởi trói lật xác úp xuống rồi phân thây ra từng khúc bỏ tất cả vào thùng vôi. Đầu ngài họ đem treo 3 ngày ở giữa chợ rồi xay nát, bỏ chung với thùng vôi đựng xác ngài đoạn quăng cả xuống biển cho mất tích”

II. Bài học.

Bàn về cái chết của Gandhi một con người mà người dân Ấn độ lúc nào cũng kính trọng và coi ông như một vị thánh nhà văn hào Tagore đã viết: “Có lẽ thánh Gandhi không thành công, có lẽ thánh sẽ thất bại như Đức Thích Ca đã thất bại, như Đức Giêsu đã thất bại vì chưa hủy diệt được lòng ác độc của loài người. Nhưng loài người luôn phải nhớ tới thánh vì thánh đã đem đời mình ra để làm bài học cho muôn thế hệ mai sau”

1. Bài học thứ 1: Giá trị của niềm tin.

Đức tin là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa nhưng nhiều khi chúng ta không ý thức được giá trị của nó. Phải ở trong những hoàn cảnh Đức tin bị đe dọa con người mới thấy được Đức tin có một giá trị to lớn như thế nào.

Phaolô Mợi bị bắt bị đem ra xử.

Quan nói với Anh: “Anh đạp lên ảnh đi, tôi sẽ cho anh một nén bạc.

Phaolô Mợi không trả lời.

Quan nói tiếp: “ Vậy thì một nén vàng.”

+ Dạ bẩm quan chưa đủ.

– Vậy anh muốn bao nhiêu ?

+ Bẩm quan lớn, quan lớn muốn cho tôi quá khoá thì quan lớn phải cho tôi đủ vàng bạc để tôi mua được một Linh hồn khác! Vâng làm sao mà có đủ vàng bạc để mua được một linh hồn!

2. Bài học về lòng trung thành.

Trong một bài diễn văn Hitler đã tuyên bố một câu làm nức lòng các chiến sĩ của ông. Ông nói: “Thế giới này sẽ thuộc về những kẻ gan dạ”

Nietszche: “Lao công của các bạn là chiến đấu. Hòa bình của các bạn là chiến thắng

Victor Hugo: “Đồi Calvaire ở đầu đường và hào quang cũng xuất hiện ở đó”

Chính Chúa Giêsu cũng đã có lần tuyên bố: “Nước Trời phải dùng sức mạnh mà cướp lấy”

Còn Nguyên văn Lựu thì nói: “Đạo đã nhập vào xương vào tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được “

Để trung thành với Chúa, các ngài đã vứt bỏ nhà cửa ruộng đất, bồng bế con cái cháu chắt chạy trốn lên nơi rừng sâu nước độc, sống cô quạnh hiểm nguy.

Để trung thành với Chúa, các ngài đã sống bập bềnh trên những con thuyền tạm bợ, lẩn lút dọc bờ sông ven biển, nhịn đói nhịn khát, bơ vơ không biết nương tựa vào đâu.

Để trung thành với Chúa, các ngài đã đành lòng chịu tịch thu gia sản, chịu cảnh phân sáp dã man, cha mẹ phải lìa xa con cái, vợ chồng không được sum họp với nhau, gia đình phải tan nát đau thương.

Để trung thành với Chúa, các ngài đã vui lòng chịu những hình khổ bạo tàn độc ác như bị cạo trọc đầu, bị kẹp các ngón tay cho ra máu, bị chặt đứt các ngón tay rồi bị thả về tàn tật, bị vấn dẻ vào đầu các ngón tay để bị đốt cháy, bị đánh bách trượng, bị xẻo bá đao, bị cắt hai tay, bị chặt chân chặt tay, bị chém đầu, bị thắt cổ, bị khắc chữ Tả Đạo vào má, bị voi chà, bị treo ngược vào cột để xé xác ra làm sáu mãnh, bị gươm đâm thâu hông, bị thả vào vạc dầu sôi, bị mang gông phơi nắng nhiều ngày, bị giam chết đói chết khát, v.v.

Sẽ không có vinh quang cho nhưng ai không chịu chiến đấu.

Sẽ chẳng có chiến thắng cho những ai không dám ra chiến trường.

Sẽ không có phần thưởng cho những ai không chịu hy sinh vì chính nghĩa Nước trời.

Kính thưa anh chị em

A. Dụ ngôn chúng ta vừa nghe là một trong những dụ ngôn quen thuộc trong Tin Mừng. Nếu chỉ nhìn dụ ngôn dưới con mắt của người Việt thì chúng ta thấy câu truyện xem ra có vẻ bày đặt, thiếu tự nhiên. Tuy nhiên nếu chúng ta đặt nó vào hoàn cảnh đất nước Do thái thì chúng ta sẽ thấy khác. Ở bên nước Do thái thì câu truyện này là một câu chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hôm nay cũng vẫn còn như vậy.

Tại vùng quê ở xứ Palestine thì đám cưới là một cơ hội rất trọng đại. Cả làng đi đưa đôi tân hôn về ngôi nhà mới của họ. Thường thì đôi tân hôn thích đi bằng con đường dài – càng dài càng tốt để họ có thể nhận được những lời chúc mừng vui vẻ của nhiều người. Và càng nhiều người chúc mừng thì càng vui, càng “hên”.

Hầu như mọi người trong làng từ sáu đến mười sáu tuổi đều tham dự. Họ đi theo tiếng trống cưới. Các Rabi còn cho phép mọi người gác lại việc học hỏi và nghiên cứu luật pháp để họ có giờ chia sẻ niềm vui với đôi tân hôn.

Đây là phong tục của người Do thái. Nó khác xa với phong tục của chúng ta.

Tiến sĩ Alexander Findlay có lần đi du lịch tại xứ Palestine về, đã kể lại những điều ông đã được chứng kiến ở xứ Palestina cho những người nghe ông như sau: “Khi chúng tôi đến gần cổng một thị xã Gallilê…tôi thấy mười cô gái được hướng dẫn bởi một đoàn thanh niên rất đông, vừa đi vừa vỗ tay và đánh đàn rất vui vẻ. Họ nhảy múa dọc theo con đường phía trước xe chúng tôi. Tôi hỏi họ:

– Các bạn đang làm gì vậy ?

Người hướng dẫn trả lời:

– Chúng tôi đang ra nhập bọn với cô dâu để chờ chàng rể đến.

Tôi hỏi người đó xem tôi có thể quan sát đám cưới này được không thì người đó lắc đầu và sau đó người đó cắt nghĩa:

– Không thể được vì đám cưới có thể là tối nay, tối mai hay có khi cả hai tuần lễ nữa, không ai biết chắc khi nào thì đám cưới cử hành.

Sau đó anh còn cho chúng tôi biết: một trong những niềm vui lớn nhất trong một đám cưới thuộc giới trung lưu ở miền Palestine này là làm sao bắt gặp nhà gái đang ngủ. Chính vì vậy mà chàng rể thường đến bất ngờ. Đôi khi vào lúc nửa đêm.

Rồi cũng theo tục lệ ở đây thì trước khi đến chàng rể phải cho một người đi phía trước để la lên: “Kìa chàng rể đang đến!”. Việc này có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên nhà gái phải luôn sẵn sàng để đón chàng rể khi anh đến.

Một chi tiết khác cũng khá quan trọng là không ai được phép ở ngoài đường lúc trời đã tối ngoại trừ khi họ có đèn cầm ở tay và khi chàng rể đã đến – cửa đã đóng lại thì những người đến trễ không được phép vào. Xét như thế thì dụ ngôn Chúa kể cũng không có gì là khác với thực tế là bao.

B. Bây giờ chúng ta tự hỏi Chúa muốn dạy gì khi đưa ra dụ ngôn này ?

Chúng ta có thể trả lời: Cũng giống như những dụ ngôn khác, dụ ngôn này cũng bao hàm nhiều ý nghĩa.

* Đối với người Do Thái lúc đó thì ý nghĩa đã quá rõ. Họ là dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Cả lịch sử của họ lý ra phải là một cuộc chuẩn bị sửa soạn cho việc đón nhận Đấng Cứu thế khi Ngài tới. Đáng lý ra thì phải là như thế. Nhưng họ đã không làm như vậy. Chính vì họ không chuẩn bị để đón tiếp Ngài cho nên họ đã bị bỏ ra ngoài. Đây là tấn thảm kịch về sự mất mát lớn lao mà người Do thái phải chịu. Chúa đã khôn khéo tế nhị cho họ thấy điều đó thế nhưng rồi mọi sự đâu cũng vào đó. Thật là xót xa cho Chúa và cũng xót xa cho cả dân tộc được Chúa yêu thương một cách đặc biệt này.

* Tuy nhiên câu chuyện không phải chỉ dừng lại ở đây. Nó còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn.

1. Trước hết là bài học về bổn phận hằng ngày của mỗi người. Bổn phận đó đòi hỏi chúng ta phải chu toàn qua từng giây từng phút của cuộc đời chứ không phải là dành mãi đến phút chót mới làm.

Một học sinh đến ngày thi mới chuẩn bị thì quá trễ.

Nếu một người không chuẩn bị sẵn sàng về khả năng và phẩm cách để làm một công việc nào đó sẽ được trao phó thì khi công tác cần đến, người đó sẽ không còn thời giờ để chuẩn bị nữa.

Đối với Chúa, cũng vậy, nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng để gặp Chúa thì khi Ngài đến chúng ta khó mà kịp trở tay và hậu quả lúc đó như thế nào thì ai cũng biết.

Người biết chuẩn bị là người khôn. Người không biết dự phòng là người dại. Hậu quả của hai thái độ đó như thế nào thì chắc là ai cũng hiểu

2. Đàng khác dụ ngôn cũng còn dạy chúng ta một chân lý nữa: Có những điều chúng ta không thể vay mượn được. Những cô trinh nữ dại khi khám phá ra đèn của mình hết dầu rồi mới đi cầu cứu thì lúc đó mới thấy được cả một thực tế phũ phàng.

Người ta chẳng có thể nào mà đi mượn được mối giây liên hệ với Chúa nếu chính họ không tự làm ra mối giây liên hệ đó.

Chúng ta cũng không thể vay mượn được nhân cách. Mỗi người phải có nhân cách riêng của mình.

Chúng ta không thể cứ sống nhờ mãi vào người khác. Đến một lúc nào đó thì chúng ta phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Đến lúc đó thì chúng ta không còn có thể cậy dựa vào bất cứ một ai hay bất cứ một quyền lực nào. Không có tiếng chuông báo tử nào nặng ký bằng tiếng chuông rung lên hai chữ “Quá muộn”.

3. Và cuối cùng là sự khôn ngoan của cuộc sống. Người sống khôn là người biết sống luôn sẵn sàng như cuộc sống chỉ là bây giờ, chỉ là hôm nay. “Các chị ra hàng mà mua thì hơn, e không đủ cho các em và các chị”

Ma quỉ rất sợ những con người như thế. Bởi vì phần thắng đã nằm ở trong tay họ.

Một ngày kia quỉ vương hỏi các quỉ cố vấn:

– Làm thế nào để những người trên trần thế sa đọa và thua mình ?

Các cố vấn đề nghị là nên phỉnh gạt người ta là không có Thiên Chúa hoặc không có sự trừng phạt gì ở đời này và đời sau. Quỉ vương suy nghĩ và chê các ý kiến đó là không hữu hiệu. Sau đó một hồi lâu, một quỉ nhỏ lại lên tiếng đề nghị: “Xin Ngài hãy nói với họ là ngày giờ còn rộng, còn dài, hãy thư thả rồi sẽ tính”

Vua quỉ vội đứng dậy vỗ tay khen hay:

– Đúng, mày nói đúng, chỉ có cách này mới làm cho con người an tâm mà xa thần thánh và không sợ trừng phạt. Bấy giờ ta sẽ mặc sức xúi dục chúng sa đọa theo ý của ta.

Các tôn giáo đã cống hiến cho chúng ta câu châm ngôn: “Hãy sống ngày hôm nay như ngày cuối cùng của đời mình để chúng ta trở về cõi thực, canh tân nếp sống.

Mẹ Têrêxa có lần đã phát biểu:

“Tôi dâng lễ này như là lễ đầu tiên, như là lễ cuối cùng và như là lễ độc nhất cuộc đời của tôi”

Nói một cách khác biết sống từng giây phút của hiện tại của đời mình một cách đầy đủ ý nghĩa – đó là cách chuẩn bị tốt nhất cho mọi tình huống có thể bất chợt xảy ra. Đó là cách giữ cho chiếc đèn đức tin của chúng ta lúc nào cũng có dầu và không bao giờ sợ bị tắt. Amen.

Chúng con yêu quí,

Cha đố chúng con dụ ngôn chúng ta vừa nghe có tên là dụ ngôn gì đó ?

– Thưa dụ ngôn mười cô trinh nữ.

– Rất chính xác. Chúng con giỏi. Bây giờ cha hỏi thêm, chúng con có thấy điều gì khác biệt giữa mười cô trinh nữ này không.

– Dạ thưa có.

– Khác biệt cái gì nào ?

– Thưa cha trong 10 cô thì có 5 cô khôn và 5 cô dại.

– Rất tốt. Nhưng làm sao mà biết được cô nào khôn, cô nào dại ?

– Thưa cha, Chúa bảo các cô khôn mang đèn và mang dầu theo. Còn các cô dại là những cô mang đèn mà không mang dầu theo.

– Chúng con giỏi quá. Chúng con trả lời rất đúng. Chính việc mangkhông mang dầu theo làm cho mười cô trinh nữ trở thành khác nhau, làm cho họ người được kể là khôn, người thì bị kể là dại.

Như vậy chúng con thấy tuỳ ở công việc của mỗi người mà người ta có thể thấy người này là khôn, người kia là dại.

Đọc trong Kinh thánh cha thấy rất rõ điều đó.

Cha kể cho chúng con một thí dụ vua Salomon là một vị vua mà kinh thánh bảo là khôn ngoan. Tại sao thế ? Thưa vì vua những việc vua làm, nhất là việc xứ án đã làm mọi người phải kính nể thán phục.

Đây là câu chuyện chính sách Các Vua kể: “Bấy giờ có hai người gái điếm vào chầu vua. Khi đứng trước mặt vua, thì một người nói:

– Ôi, thưa chúa thượng tôi, tôi và người đàn bà này cùng ở một nhà; và tôi sinh một đứa con, trong lúc chị này cùng ở đó với tôi. Tôi sinh được ba ngày, thì người đàn bà này cũng sinh. Chúng tôi ở chung với nhau; ngoài hai chúng tôi ra, không có ai khác trong nhà. Ðêm nọ, đứa con của chị này chết, vì chị đè lên nó. Giữa đêm chị thức dậy, và trong khi nữ tỳ của ngài vẫn ngủ, thì chị bế đứa con của tôi đang nằm cạnh tôi, và đặt trong lòng mình, còn đứa con đã chết của chị, chị đặt vào lòng tôi. Ðến sáng khi tôi thức dậy cho con bú, thì này đứa bé đã chết. Nhưng khi tôi nhìn kỹ nhờ ánh sáng ban ngày, thì hoá ra nó không phải là đứa con tôi đã sinh ra.”

Người đàn bà kia trả lời: “Không phải thế, vì con tôi còn sống, con chị mới là đứa chết.”

Nhưng người này lại nói: “Không phải, con chị mới là đứa chết, đứa sống là con tôi.” Và họ cãi nhau trước mặt vua.

Bấy giờ vua nói: “Chị này bảo: “Ðứa sống này là con tôi, con chị mới là đứa chết. Chị kia đáp lại: “Không phải thế, con chị mới là đứa chết, nhưng con tôi còn sống.”

Rồi vua ra lệnh:

– Ðưa cho ta chiếc gươm.

Người ta đưa tới trước mặt vua một chiếc gươm. Và vua quyết định: “Phân đứa trẻ còn sống ra làm hai, và cho mỗi người một nửa!”

Bấy giờ người mẹ của đứa trẻ còn sống, động lòng thương con mình, liền thưa với vua:

– Ôi! thưa chúa thượng tôi, xin ngài cho chị ấy đứa trẻ còn sống; còn giết chết nó, thì xin đừng!

Người kia nói:

– Chẳng phải con tôi, cũng chẳng phải con chị, cứ chia ra!

Bấy giờ vua lên tiếng nói:

– Trao đứa trẻ còn sống cho người nói trước, và đừng giết nó, chính nàng mới là mẹ nó.

Toàn thể Ít-ra-en nghe biết vụ án vua đã xử, đều kính sợ vua, vì thấy rằng Thiên Chúa đã phú bẩm cho vua một sự khôn ngoan lạ lùng để người xét xử.(1Vua 3,16-28)

Như vậy chúng con thấy đâu có ai thấy được sự khôn ngoan của Vua Salomon như thế nào đâu mà người ta chỉ thấy các việc vua làm mà biết được vua là người khôn ngoan.

Vậy thì nhìn vào bài dụ ngôn Chúa dạy hôm nay, chúng ta cũng thấy tương tự như thế. Nhờ vào việc mang hay không mang dầu theo mà những cô trinh nữ trở thành người khôn hay người dại.

2. Đến đây thì cha có thể hỏi chúng con: Chúa dùng dụ ngôn này để dạy chúng ta điều gì ? Chắc chắn Chúa không bảo chúng ta phải sống như những cô khôn ngoan nhưng qua câu chuyện những cô khôn ngoan Chúa muốn bảo chúng ta phải biết nhìn xa, biết dự phòng, như các cô ấy trong cuộc sống, làm sao cho cuộc sống của chúng ta được coi, được kể là khôn ngoan.

Nhưng biết nhìn xa trong cuộc sống là làm sao chúng con ? Chúng ta đâu có ai biết mọi việc chúng ta làm sẽ là khôn ngoan hay là dại đâu. Thiếu gì việc chúng ta không biết là dại hay là khôn. Thế thì làm sao mà chúng ta biết được một việc nào đó chúng ta là khôn thì chúng ta phải hỏi Chúa. Sách Gióp nói rất hay: “Chỉ một mình Đức Chúa Trời biết khôn ngoan ở đâu, vì Ngài nhìn thấu suốt các tầng trời và địa cầu. Chúa định hướng cho các luồng gió, và đặt biên giới cho các đại dương. Chúa ấn định luật lệ cho mưa sa xuống và vạch đường cho chớp nhoáng. Chúa biết đâu là sự khôn ngoan, và công bố cho mọi người sẵn lòng lắng nghe. Chúa xem xét nó kỹ càng và đặt nó trên căn bản vững vàng. Chúa phán bảo toàn thể nhân loại: Kính sợ Đức Chúa Trời là khôn ngoan thật, lìa bỏ gian ác mới là sáng suốt.” (Gióp 28,23-28)

Như vậy muốn biết được mình là người khôn ngoan hay không chúng ta hãy xem mình có biết hỏi Chúa hay không. Biết hỏi Chúa, biết kính sợ Chúa chúng ta sẽ tìm được sự khôn ngoan thật. Nhưng biết hỏi và kính sợ Chúa là như thế nào chúng con ? Đó là luôn biết sống và làm những gì Chúa muốn cho chúng ta làm. Những gì Chúa không muốn thì chúng ta tránh xa đừng có làm. Làm được như thế chúng ta sẽ được Chúa bảo là không ngoan. Và làm được như thế chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những mong muốn tốt đẹp giống như 5 cô trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này: Đang quỳ cầu nguyện trong nhà thờ, bà quý tộc Elisabeth bỗng nghe như tiếng Chúa nói thì thầm bên tai.

Con hãy xây nhà cho Ta cư ngụ. Xác tín đây là lời Chúa nói đặc biệt riêng cho mình, bà quý tộc Elisabeth mau mắn cho người xây một ngôi nhà nguyện riêng nơi khu đất rộng gần đó, nhưng rồi dù nhà nguyện đó được xây xong, bà Elisabeth vẫn còn nghe tiếng Chúa nói cùng một lời như vậy.

– Hãy xây nhà cho Ta cư ngụ mỗi lần bà cầu nguyện.

Nghĩ thầm rằng Chúa muốn bà xây một ngôi nhà nguyện lớn hơn, đẹp hơn cho xứng đáng với Ngài. Sự giàu có mà Chúa ban cho bà còn quá dư thừa để có thể xây một nhà nguyện lớn hơn. Thế là bà Elisabeth sang vùng bên cạnh tìm mua một miếng đất lớn hơn. Bà Elisabeth nghĩ thầm là lần này Chúa phải vui lòng lắm vì trong vùng không có một ngôi nhà thờ nào đẹp hơn, nhưng lạ thay, khi cầu nguyện bà vững còn nghe tiếng Chúa vang nài và khẩn thiết hơn nữa: “Con hãy xây nhà cho Ta cư ngụ”. Bà Elisabeth liền hỏi Chúa.

– Con đã xây cho Chúa ngôi nhà đẹp hơn lớn nhất vùng này rồi, tại sao Chúa muốn con xây nhà cho Chúa nữa ? Chúa muốn con xây nhà như thế nào đây ? Xây lên một Vương Cung Thánh Đường lớn nhất nước này chăng ? Tiếng Chúa thì thầm trả lời:

– Con hãy nhìn qua bên kia cửa sổ xem, con thấy gì ?

– Dạ, con thấy một gia đình đang nương tựa dưới bóng cây bên lề đường, và tiếng Chúa lại tiếp tục. Ta không muốn con xây cho riêng Ta một Vương Cung Thánh Đường. Con hãy xây nhà cho gia đình kia, đó là con xây nhà cho Ta. Amen.

Anh chị em thân mến,

Tuần trước chúng ta cùng nhau suy niệm về một vấn đề được coi là cốt lõi trong đạo của Chúa . Đó là vấn đề có liên quan đến giới luật yêu thương. Hôm nay Giáo hội muốn cho chúng ta suy gẫm tiếp về một trong những khía cạnh khác cũng có liên hệ đến vấn đề trên. Có thể nói đây là khía cạnh quan trọng nhất để giúp cho chúng ta dễ thực hiện giới luật yêu thương của Chúa. Đó là sự khiêm nhường, một nhân đức mà các nhà tu đức gọi là nhân đức nền tảng của đời sống thiêng liêng.

I. Như anh chị em đã biết khiêm nhường thì đối nghịch với kiêu ngạo. Mà Chúa thì không thích sự kiêu ngạo vì người kiêu ngạo thường không sống thực với lòng của mình.

– Người kiêu ngạo thường đánh giá mình theo cái mình có hơn là theo cái mà công đồng Vat gọi là cái mình là.

– Trong Tin Mừng chúng ta thấy Chúa hay đả kích những người Biệt phái và luật sĩ cũng chỉ vì họ sống như thế.

* Họ tưởng họ có được một mớ hiểu biết về luật pháp là họ đương nhiên trở thành Thầy dạy mọi người.

* Họ tưởng họ có cái quyền nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo là tất nhiên họ trở thành nhà mô phạm đối với mọi người.

* Họ tưởng họ có được một chỗ nhất trong đám tiệc, một chỗ cao trong hội đường là tự nhiên họ phải được mọi người nể vì và kính phục.

– Rõ ràng Chúa không bằng lòng với kiểu tự đánh giá mình như thế. Chúa có một cái nhìn khác về cuộc sống chứ không theo cái nhìn tầm thường như vậy.

* Đối với Chúa thì cuộc sống của những người biệt phái và luật sĩ chỉ là cuộc sống hình thức mà không có nội dung – có cái ở bên ngoài mà không có thực chất ở bên trong.

* Đã có rất nhiều lần Chúa quở trách họ một cách rất nặng lời. Thậm chí Chúa ví họ như những mồ mả bên ngoài sơn phết rất đẹp nhưng bên trong thì toàn là mùi xú uế.

– Đối với Chúa thì có phải nói có, không thì phải nói không. Và Chúa nhấn mạnh thêm: thêm điều đặt chuyện là do ma quỉ mà ra.

– Chúa thích cái gì là thật, là đúng.

Trong Tin Mừng Chúa đã nói: “Sự thật sẽ giải thoát anh em.” André Frossard thuộc viện hàn lâm Pháp là bạn thân của Đức thánh Cha Gioan Phaolô II có lần đã hỏi Ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, nếu phải chọn lấy một lời duy nhất của Tin Mừng để công bố thì Đức Thánh Cha sẽ chọn lời nào ?” Không một chút trần trừ, không cần phải suy nghĩ, Đức Thánh Cha trả lời ngay: “Sự thật sẽ giải thoát anh em”. Sống theo sự thật là sống khiêm nhường. Thánh Têrêsa Avila đã quả quyết như thế.

2. Vậy thì sống khiêm nhường là sống như thế nào ?

– Thay vì đưa ra một ý kiến riêng tôi xin mượn cách trả lời của văn hào Dostoievsky. Theo ngôn ngữ của Dostoievsky thì sống theo sự thật là biết sống thực với căn tính của mình và góp phần vào việc xây dựng một mối quan hệ hoàn toàn mới đối với những người khác.

* Căn tính của tôi là gì ? – Chỉ là một thụ tạo không hơn không kém. Là một thụ tạo cho nên tôi phải lệ thuộc vào Thiên Chúa, phải đặt mình dưới uy quyền của Ngài. Trong Tin Mừng có lần Chúa kể một câu truyện về hai người lên đền thờ để cầu nguyện: Một người biệt phái và một người thu thuế. Người biệt phái cầu nguyện trong tư thế đứng thẳng, đứng giữa cung thánh và cầu nguyện bằng cách phô trương công đức trước Thiên Chúa. Thái độ như thế không phải là thái độ của người khiêm nhường. Ngược lại người thu thuế cảm thấy mình bất xứng trước Thiên Chúa cho nên anh ta đứng cúi đầu xuống đấm ngực ăn năn và cầu xin lòng thương xót của Chúa. Thái độ như thế là thái độ của một thụ tạo khi đối diện với Đấng tạo thành. Và đó là thái độ của kẻ khiêm nhường. Trong Tin Mừng chúng ta còn thấy một lần kia, sau khi được chứng kiến mẻ cá lạ, Phêrô một ngư phủ dầy dặn về nghề đánh bắt cá, đã quì sụy lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa với Người: “Lạy Ngài . xin tránh xa con vì con là một người tội lỗi.” Thái độ đó là thái độ của một thụ tạo và đó cũng là thái độ của người khiêm nhường.

* Và từ thái độ của một thụ tạo trước Thiên Chúa mà tôi phải đi tới một thái độ khác đó là tôi phải coi và đối xử với mọi người như anh em. Lý do tại sao thì Chúa đã cho biết trong Bài TM hôm nay: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau”. Chúng ta là con của cùng một Thiên Chúa là Cha…và cùng là người được Chúa Giêsu cứu chuộc. Mọi thái độ có tính cách “cha-chú” đối với nhau đều không phải là thái độ của những người anh em và chắc là không phải là thái độ của những người biết sống khiêm nhường.

* Hơn thế nữa, nếu đọc kỹ bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy Chúa còn cổ võ một nếp sống có tính cách quyết liệt và cao hơn nữa: “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ phải là người phục vụ”. Đây quả là một quan niệm thật mới và táo bạo thời đó . Giữa lúc các xã hội còn đang bị chi phối bởi chế độ quân chủ và đầu óc con người còn nặng chất phong kiến mà Chúa đã có một quan niệm như thế thì phải nói là rất cách mạng. Không những Chúa nói mà Chúa còn sống như thế: “Thầy đến không phải được phục vụ mà là để phục vụ”.

II. Ngày 22.10.1978, trước mặt đầy đủ các vị trong hồng y đoàn, có khoảng chừng 100 phái đoàn ngoại giao và có khoảng 70.000 tín hữu tụ tập lại ở công trường Thánh Phêrô để tham dự buổi lễ đăng quang của người kế vị đức Gioan Phaolô I trên ngôi giáo hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên bố sự khởi đầu triều đại Giáo hoàng của ngài bằng những lời rất cảm động sau đây: “Người kế vị mới của Phêrô trên tòa Roma này hôm nay xin được dâng lên Chúa Kitô một lời nguyện cầu thật chân thành, khiêm tốn và tin tưởng. Đó là xin cho có thể làm một nô bộc hay đúng hơn: làm nô bộc của các nô bộc của Người. Và rồi người ta đã thấy Ngài đã sống như thế.

Trước đó, một vị Giáo hoàng cũng lấy danh hiệu là Gioan Phaolô. Đức Gioan Phaolô thứ I. Ngài chỉ sống trong chức vụ Giáo hoàng của Ngài một thời gian rất ngắn ngủi: chỉ có 33 ngày. Nhưng cuộc sống của Ngài đã để lại nhiều ấn tượng thật tốt đẹp. Jean Villot vị thư ký riêng của Ngài đã nói về Đức Thánh Cha với những lời lẽ cảm động như thế này: “Bên cạnh Ngài, tôi đã được sống những kinh nghiệm đạo đức phong phú nhất cuộc đời của tôi”

Trở về trước đó một chút nữa, ngày 14-12-1975, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Giáo Hội Roma và Giáo hội chính thống Constantinopolis xóa bỏ sự khai trừ lẫn nhau có từ thế kỷ thứ 11 dẫn tới sự ly khai như Lịch sử đã cho chúng ta biết, một buổi lễ chính thức đã được cử hành long trọng trong nhà nguyện Sixtine nơi vẫn diễn ra các cuộc bầu cử Giáo hoàng. Tham dự buổi lễ hôm đó có 40 vị hồng y, toàn thể ngoại giao đoàn, các đại diện dòng tu nam nữ. Buổi lễ diễn ra trong một bầu khí thật đạo đức và thánh thiện. Vào gần cuối buổi lễ, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã làm cho mọi người tham dự phải sửng sốt. Ngài tiến lại gần Đức Tổng Giám Mục Mêliten, vị Giáo chủ chính thống giáo, Ngài quì xuống, vén áo và hôn chân vị Giáo chủ này. Mọi người đều ngỡ ngàng.

Phải chăng đây là một sự hạ mình quá đáng ? Làm như vậy có thế mất thể diện chăng ? – Không. Không phải là hạ mình, cũng không phải là mất thể diện, mà là thể hiện tinh thần của Bài TM hôm nay. “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Dostoievsky nói: “Nếu mọi người hiểu được điều ấy thì thế gian này sẽ trở thành Thiên đàng”. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe một bài Tin Mừng Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Chúa về các luật sĩ và biệt phái đồng thời ngay sau đó Chúa cũng ban cho họ những lời khuyên để họ biết sống thế nào cho xứng đáng là môn đệ của Chúa.

1. Trước hết với những người luật sĩ và biệt phái. Chúa nói:

a. Những người luật sĩ và biệt phái, “ngồi tòa Môisên”, nghĩa là nắm quyền giảng dạy, cho nên “những gì họ nói, các con hãy làm và tuân giữ”.Nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm”.

– Họ ra luật để cho người khác giữ, còn chính bản thân mình thì không giữ.

– Họ làm những việc đạo đức chỉ cốt cho người ta thấy mà khen.

Họ ham danh vọng: ngồi chỗ nhất, thích được chào nơi công cộng, thích được gọi là Rabbi.

Đó là những việc những người biệt phái và luật sĩ thích làm. Tại sao họ thích làm những việc như vậy chúng con ?

Thưa tại vì họ kiêu ngạo.

Chúa Giêsu khiển trách họ vì họ muốn tỏ ra mình là ta đây hơn mọi người. Họ nới rộng hộp kinh, nối dài tua áo, họ muốn những thứ đó phải nổi bật hơn mọi người… Nơi công cộng họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi là “rabbi”… Nghĩa là cái gì cũng phải hơn người.

Ngày xưa là như thế còn ngày nay ra sao ?

Nếu xét cho kỹ thì có lẽ hôm nay cũng chẳng thua gì ngày xưa. Cha Mark Link kể lại một câu chuyện có thật như thế này: “Một thiếu tá vừa được thuyên chuyển về chỉ huy một tiểu đoàn mới. Ông tìm cách “hù” cho binh lính cho họ nể sợ ông. Một hôm, một anh binh nhì gõ cửa xin vào phòng ông. Ông nói:

– Vào đi. Nhưng đứng chờ đấy vì tôi đang bận tiếp điện thoại.

Rồi ông cầm điện thoại nói:

– Chào Đại tướng, rất hân hạnh được nghe ngài. Ngài muốn gì ạ ?

Ông im lặng một hồi như đang lắng nghe, rồi nói tiếp:

– Vâng, thưa Đại tướng, tôi sẽ nói lại với Tổng thống về điều ấy.

Xong, ông đặt ống nghe xuống và nói với anh binh nhì:

– Xong rồi, bây giờ tới phiên anh. Anh có việc gì nào ?

Anh binh nhì đáp:

– Dạ tôi thừa lệnh trung sĩ đến đây để nối dây điện thoại cho ngài, thưa Thiếu tá!

Những chuyện giống như thế chẳng thiếu gì trong cuộc sống hôm nay.

Hãy coi chừng! Chúa Giêsu bảo chẳng có gì có thể che giấu mãi mãi mà không bị tỏ lộ ra. Những gì mà con người không thấy thì Thiên Chúa “thấy” hết. Con người có thể lừa bịp được người khác nhưng nhất định là không thể qua mặt được Thiên Chúa.

Chuyện kể rằng: Ngày kia, Nữ hoàng Shaba gởi đến vua Salomon hai bó hoa rất giống nhau, để thử xem sự khôn ngoan của ông tới đâu. Đó là một bó hoa thật và một bó hoa giả .

Nhà vua bèn mở cửa sổ, cho bầy ong bướm bay vào. Tức thì các chú ong và các nàng bướm liền sà ngay xuống những bông hoa thật.

Những bông hoa giả có sắc mà chẳng có hương, có bóng hình mà không có sự sống.

Những người luật sĩ và biệt phái mà Chúa nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay cũng chẳng khác gì những bông hoa giả như thế. Bên ngoài cũng đẹp đấy nhưng đẹp mấy thì đẹp cũng chỉ là những thứ đồ già mà thôi. Mà đồ giả thì làm sao mà ưa được.

2. Sau đó Chúa dặn dò các môn đệ của Ngài: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Ai trong chúng ta mà lại chẳng muốn làm lớn. Nhưng làm lớn theo Chúa Giêsu là để phục vụ chứ không phải để sống theo kiểu ta đây như những người biệt phái và luật sĩ thuở xưa. Tấm gương của mẹ thánh Têrêsa Calcutta hãy còn đó. Chúng con thấy. Mẹ là người được cả thế giới này kính trọng. Thế giới kính trọng không phải mẹ giàu có sang trọng, không phải mẹ quí phái đẹp đẽ hơn người, nhưng vì mẹ biết sống theo lời Chúa dạy.

Trong một cuộc phỏng vấn, Mẹ đã thuật lại một sự kiện như sau: Ở Úc Châu có một người thổ dân Aborigines sống trong hoàn cảnh thật thảm thương. Ông ta đã khá cao niên rồi. Ông sống trong một túp lều xiêu vẹo. Khởi đầu câu chuyện tôi nói với ông:

– Để tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông.

Ông ta trả lời một cách hững hờ:

– Tôi đã quen sống như vậy rồi.

– Nhưng ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp chứ .

Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp nhà cửa lại cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:

– Có bao giờ ông thắp đèn này chưa ? Ông ta trả lời một cách cộc lốc:

– Nhưng thắp đèn cho ai ? Có ai bước vào chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy mặt người nào cả. Tôi hỏi ông:

– Nếu như các nữ tu đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không ?

– Dĩ nhiên rồi.

Từ ngày đó các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Từ đó ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi chết ông nhờ các nữ tu nhắn tin cho tôi:

– Xin nhắn với Mẹ Têrêxa, bạn tôi rằng, ngọn đèn mà Mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Đó chỉ là một việc nhỏ mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.

Ước gì mỗi người chúng ta sẽ trở thành đèn sáng cho nhau.

Ước gì mỗi người chúng ta biết đối xử với nhau thật sự như anh em trong một nhà…nhà của Thiên Chúa.

* Chúa còn dặn dò thêm: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Tôn mình lên là kiêu ngạo. Hạ mình xuống là khiêm nhường. Chúa muốn cho những môn đệ của Chúa sống khiêm nhường.

Thánh Phanxicô Salesiô, đột nhiên đau nặng và mất ngày 28 tháng 12 năm 1622. Ngày hôm trước tức là ngày 27 tháng 12, tuy cảm thấy mệt, ngài cũng ghé thăm nhà tập dòng Đức Mẹ Thăm Viếng. Mẹ Giám Đốc tập viện là nữ tu Blonay, có đưa ngài một mảnh giấy và nói:

“Các nữ tu và con thành khẩn xin Đức Cha vui lòng viết cho chúng con đôi dòng chữ, nhắc nhở chúng con tập luyện nhân đức”.

Cầm lấy trang giấy, thánh Phanxicô Saleriô viết ở đầu, giữa trang và cuối trang vỏn vẹn có chữ: khiêm nhường, khiêm nhường, khiêm nhường.

Thánh Clêmentê đi xin của bố thí để giúp đỡ một cô nhi viện. Gặp một người giàu đang thua bạc, cáu kỉnh nhổ ngay nước miếng vào mặt thánh nhân. Nhưng thánh Clêmentê bình tĩnh lấy khăn tay lau mặt và ôn tồn nói:

“Đây là quà ông tặng tôi, xin cảm ơn ông, còn quà cho cô nhi đâu ?”

Người kia cảm động vì đức khiêm nhượng của thánh nhân, và đã cho thánh nhân một số tiền lớn.

Ai cũng quý mến người khiêm nhường và hiền lành. Người khiêm nhường dễ chiếm được cảm tình những người xung quanh. Ngược lại, ai cũng ghét những người kiêu hãnh và có lối sống tịch thượng.

Trong trận phản công Đức, Bộ tham mưu đồng minh qua vùng Ardennes vào một buổi sáng mùa đông, tuyết phủ đầy đường, tới một khúc quanh, chính bộ tham mưu phải bỏ quân phục xuống thu gọn tuyết cho xe đi qua. Một quân nhân lùn, béo làm việc rất hăng. Bỗng người ta thấy một sĩ quan (sĩ quan chỉ huy miền đó) đi tới, dáng điệu trịch thượng và hỏi quân nhân có thân hình mập và lùn, đang hăng hái xúc tuyết:

– Các anh ở đâu đến và làm gì ở đây ?

Quân nhân này hỏi lại:

– Còn anh, anh là ai ? Anh đang ở đâu, khi những người này làm việc ?

Sĩ quan kia trả lời:

– Tôi hả, tôi ở trên xe, tôi là đại úy mà!

Quân nhân này nói:

– Còn tôi, tôi là thống tướng Model, tôi cần nói cho anh biết: từ nay anh không còn là sĩ quan nữa, anh bị giáng chức xuống làm binh nhì.

Chúng ta đã nghe bài Tin Mừng hôm nay rất nhiều lần và những gì Chúa nói chúng ta đã thuộc lòng ngay từ khi còn nhỏ.

1. Khi người ta hỏi Chúa xem giới răn nào là lớn nhất, thì câu trả lời của Chúa là hai giới răn và cả hai giới răn này đều đã có sẵn trong Cựu Ước. Chúa đã trưng dẫn cả hai và đặc biệt hơn là Chúa đã làm cho chúng có tầm quan trọng như nhau. Chính vì thế mà chúng ta không được tách riêng ra, như trong thực hành chúng ta thường làm như thế.

Một số người nghĩ rằng, nếu chúng ta có đủ đức tin thì cuộc sống chúng ta sẽ êm trôi suôn sẻ. Nghĩ như vậy thôi chứ thực tế không phải như vậy. Đức tin không che chắn cho chúng ta khỏi những va chạm đau thương của cuộc đời.

Vào thời các tu sĩ còn sống ở trong sa mạc, có một tu sĩ tên là Moses nổi tiếng là thánh thiện. Lễ Phục Sinh sắp đến nên các thầy họp nhau lại, bàn xem nên làm gì để chuẩn bị mừng lễ cho sốt sáng và đem lại nhiều ích lợi. Họ cùng quyết định sẽ ăn chay trọn vẹn Tuần Thánh. Để thực hiện quyết tâm này, mỗi thầy phải trở về nơi mình ở, và ở đó họ phải ăn chay và cầu nguyện.

Công việc lúc ban đầu diễn tiến rất tốt đẹp, nhưng, đến giữa tuần thì có hai thầy khách lang thang đến thăm thầy Moses. Nhận thấy rằng họ đang đói, thầy Moses nấu một chút rau cho họ ăn. Để cho họ đỡ ngại ngùng và cảm thấy thoải mái, thì chính thầy cũng ăn một ít.

Trong khi đó, thì các thầy khác thấy khói bốc lên từ chỗ ở của thầy Moses. Việc đó có nghĩa là thầy Moses đã đốt lửa để nấu ăn. Nói một cách khác, thầy đã vi phạm luật ăn chay và điều này đã làm cho họ bị dội. Chỉ trong nháy mắt cái nhìn của nhiều người đối với thầy Moises đã thay đổi hoàn toàn. Họ coi thầy như đã rơi từ đỉnh cao của sự thánh thiện xuống vực thẳm.

Nhận ra sự sự đánh giá trong mắt những người anh em, thầy Moises hỏi: “Tôi đã phạm tội gì khiến các thầy lại nhìn tôi như thế ?”

Họ trả lời: “Thầy đã vi phạm luật giữ chay.”

Thầy Moises bình tĩnh trả lời “Vâng! Đúng là tôi đã làm thế. Tôi đã vi phạm giới luật của con người trong việc chia sẻ của ăn với những người anh em của chúng ta. Nhưng tôi đã giữ giới răn của Thiên Chúa là chúng ta phải yêu thương nhau.”

Khi nghe nói như vậy, các thầy trở nên yên lặng và khôn ngoan rút lui một cách khiêm tốn.

Vâng! Có những người tuyên bố là mình yêu mến Thiên Chúa nhưng trong thực tế lại không quan tâm tới bổn phận yêu thương người khác. Những người như thế họ mới chỉ sống có một nửa của Tin Mừng.

Ngược lại, lại có những người đi đến thái cực đoan khác. Họ đã tỏ ra rất nhiệt tình để xây dựng một thế giới tốt đẹp nhưng chưa bao giờ họ nghĩ đến Thiên Chúa hoặc cầu nguyện với Người. Họ cũng chỉ là những người sống nửa phần của Tin Mừng.

Đức Kitô dạy chúng ta phải sống trọn vẹn cả Tin Mừng, nghĩa là vừa phải yêu mến Thiên Chúa và đồng thời cũng phải yêu người thân cận như chính mình. Người đã không nói rằng hai chuyện đó chỉ là một, nhưng muốn bảo rằng chúng ta không thể làm việc này mà bỏ việc kia, nghĩa là chỉ yêu mến Thiên Chúa mà lại không thương yêu anh em.

2. Đức Giêsu còn nói: “Anh em hãy yêu thương người thân cận như chính mình.”

Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận mình và bắt đầu yêu thương chính mình, chúng ta mới có thể bắt đầu yêu thương người khác như Thiên Chúa truyền dạy.

Đối với những người mà trong lòng còn chất đầy sự căm ghét và hận thù hận, thì dứt khoát là họ sẽ không có khả năng yêu thương người khác. Họ thường đổ lỗi và khiển trách người khác những điều mà họ không thích nơi chính mình. Rõ ràng người khác là đối tuợng để họ bộc lộ chính con người của họ.

Một cụ già đang ngồi trên băng ghế ở bìa làng thì có một người tới hỏi:

– Những người dân trong làng này như thế nào ?

Cụ già hỏi lại:

– Thế những người trong ngôi làng trước đây của ông ra sao ?

Người đó trả lời:

– Họ rất tốt, quảng đại, và và giả như cụ có đến đó mà gặp khó khăn thì họ sẽ làm cho cụ tất cả những gì cụ cần.

Cụ già nói:

– Vậy tôi nghĩ rằng ông cũng sẽ thấy có nhiều người như thế trong làng này.

Ít lâu sau đó, lại có một người khác cũng tới gặp cụ già và hỏi cùng một câu hỏi như trước:

– Những người dân trong làng này như thế nào ?

Và cụ già cũng hỏi lại một câu y như cụ đã hỏi người thứ nhất:

– Thế những người trong ngôi làng trước đây của ông ra sao ?

Người đó trả lời:

– Đó là một nơi kinh khủng. Thật sự là tôi rất mừng vì đã rời khỏi nơi đó. Người dân nơi đó keo kiệt, không tốt và nếu cụ đến đó mà gặp khó khăn thì chắc là cụ sẽ không gặp được ai nhấc một ngón tay để giúp cụ đâu.

Cụ già nhìn người khách là và hóm hỉnh trả lời:

– Tôi e rằng ông cũng sẽ gặp rất nhiều người như thế trong làng này.

Điểm chính yếu mà tác giả trong câu chuyện muốn chia sẻ với chúng ta là: “ Nếu chúng ta nhìn người khác không như họ lànhư chúng ta là thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều thảm họa cho cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn người khác bằng cái nhìn xấu thì đó là dấu hiệu cho thấy rằng chính chúng ta đang có rất nhiều bất ổn. Một người không có sự bình an nơi chính mình thì sẽ rất dễ dàng gây sự với những người chung quanh mình”.

Người ta kể một giai thoại về Mẹ Têrêsa Calcutta. Một lần kia trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêsa phải đối diện với một phỏng vấn viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội Công giáo. Ông ta đặt cho mẹ Têrêsa câu hỏi:

– Bà yêu thương và phục vụ người nghèo, tốt lắm, thế còn bao nhiêu của cải của toà thánh Vatican và Giáo hội thì sao ?

Mẹ Têrêsa là một người thành thực đến độ thẳng thắn mà không phật lòng người đối diện. Mẹ nhìn thẳng vào mắt người phóng viên và nói với ông:

– Ông quả là người không được hạnh phúc, có một cái gì đó đang gặm nhấm tâm hồn ông, ông không có sự bình an trong tâm hồn.

Lời nói đơn xơ và thành thực của Mẹ Têrêsa như mũi tên phóng vào tim người đối diện khiến ông để lộ rõ sự bối rối trên khuôn mặt của ông. Không để mất cơ hội, Mẹ Têrêsa như người mẹ hiền ân cần lo lắng đã ôn tồn nói với ông:

– Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin.

Đến đây người phóng viên như cá cắn câu, ông thành thật hỏi:

– Tôi phải làm gì để có đức tin ?

Mẹ Têrêsa đáp:

– Ông hãy cầu nguyện và tôi cũng sẽ cầu nguyện cho ông. Ông hãy cố gắng mỉm cười với những người xung quanh ông, một nụ cười có thể đánh động người khác, một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta.

Quả nếu chúng ta không yêu thương chính mình, chúng ta cũng không thể yêu thương người khác. Vậy trước hết, chúng ta phải yêu thương chính mình và phải yêu cho đúng đúng cách, bằng không thì chúng ta sẽ chẳng có đủ khả năng để yêu thương người khác như Chúa mong muốn.

Có người bảo rằng yêu mình là sai, thậm chí còn là một điều tội lỗi. Dĩ nhiên, có một hình thức tự ái không đúng. Chúng ta gọi nó là sự ích kỷ hoặc cố chấp. Nhưng có một hình thức yêu mình có ích lợi và nếu không có nó chúng ta không thể thật sự yêu thương người khác.

Chúng ta không thể bay mà không có cánh. Chúng ta không thể lớn lên mà không có gốc rễ. Chúng ta không thể sưởi ấm cho người khác nếu lò sưởi của chúng ta lạnh lẽo và trống rỗng. Chúng ta chỉ có thể yêu với mức độ tình yêu chúng ta có nơi chúng ta.

Thật là dễ dàng khi yêu một người nào đó mà họ dễ thương. Nhưng không dễ yêu một người nào đó khi họ có khuyết điểm một cách rõ ràng và hiển nhiên. Đó là một trắc nghiệm về tình yêu thật sự. Nơi nào không có tình yêu, hãy gieo rắc tình yêu và bạn sẽ được hưởng tình yêu. Nơi nào không có tình yêu, hãy đặt tình yêu, và bạn sẽ khám phá ra tình yêu.

Vâng đó là điều Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay. Amen.