Tin mừng chúng ta vừa nghe thuật lại cho chúng ta về việc Gioan Tẩy Giả bị chất vấn.

  1. Phái Đoàn Đến Chất Vấn Gioan Tẩy Giả Hôm Nay Gồm Hai Nhóm.

Nhóm thứ nhất có các thầy tư tế và người Lêvi. Họ chú ý đến Gioan Tẩy Giả là điều tự nhiên, vì ông là con của Giacaria, mà Giacaria là thầy tư tế (Lv l,5).

Trong Do Thái giáo, chức vụ tư tế là do cha truyền con nối. Người nào không phải là hậu duệ của Aaron, thì không có gì làm cho người ấy trở thành thầy tư tế được.

Còn nếu người ấy là con cháu của Aaron thì đương nhiên sẽ trở thành tư tế. Do đó dưới con mắt của các nhà cầm quyền, Gioan Tẩy Giả quả là một thầy tư tế, và tự nhiên các thầy tư tế phải tìm hiểu xem tại sao lại có một thầy tư tế hành động bất thường như vậy.

* Nhóm thứ hai gồm những người đại diện cho giới Biệt phái. Rất có thể là sau lưng họ còn có Toà án Tối Cao.

Một trong những nhiệm vụ của Tòa án Tối Cao là phải đối phó với những ai bị nghi ngờ là tiên tri giả. Gioan Tẩy Giả là một nhà truyền đạo được dân chúng mến chuộng và theo rất đông. Có lẽ Tòa án Tối cao thấy họ có trách nhiệm phải tra xét xem ông có phải là tiên tri thật hay không. Gioan Tẩy Giả đã không theo đúng cung cách bình thường của một thầy tư tế và ông cũng không theo đúng phong thái của một nhà giảng đạo. Chính vì thế mà các nhà chức trách tôn giáo thời đó bó buộc phải nhìn ông với cặp mắt nghi kỵ. Đó cũng là một điều hết sức tự nhiên.

1. Họ hỏi ông có phải là Đấng Messia không ? Tại sao họ lại hỏi ông như thế ? Thưa vì dân Do Thái đã trông chờ Đấng Messia từ rất lâu. Thậm chí cho đến lúc đó người ta cũng vẫn còn đang trông chờ. Bất cứ một dân tộc nào đang bị đô hộ cũng trông mong được giải phóng như thế. Dân Do Thái tin rằng họ là tuyển dân của Chúa Giavê nên họ không nghi ngờ gì về việc chẳng chóng thì chày Thiên Chúa sẽ can thiệp để cứu dân Ngài. Họ trông chờ một Đấng Messia sẽ đem hòa bình đến cho cả thế giới. Cho nên khi họ hỏi Gioan Tẩy Giả xem ông có phải là một Đấng Messia hay không thì đó là một điều rất hợp lý.

Gioan bác bỏ hoàn toàn việc tung hô đó: “Tôi không phải là Đấng Messia.”

2. Họ hỏi ông có phải là Êlia không.

Dân Do Thái tin rằng trước khi Đấng Messia giáng lâm, Êlia sẽ trở lại để loan báo trước và chuẩn bị cho thế gian tiếp rước Ngài. Đặc biệt Êlia sẽ đến để dàn xếp mọi bất hoà. Ngài sẽ phân định những gì và những ai là thanh sạch hay không thanh sạch. Ngài sẽ phân chia đâu là người Do Thái, đâu là người ngoại bang. Ngài sẽ đem lại đoàn kết, hoà thuận cho các gia đình từng xa lạ với nhau.

Họ tin tưởng điều đó mạnh đến nỗi luật xưa của người Do thái nói rằng nếu có gì về tiền bạc hay của cải còn đang tranh chấp, hoặc bất cứ tài sản nào còn bị xem là vô chủ thì đều phải đợi “cho tới khi nào Êlia đến”. Niềm tin rằng Êlia phải đến trước Đấng Messia bắt nguồn từ Malakia 4,5. Người ta còn tin rằng chính Êlia sẽ xức dầu cho Đấng Messia làm vua cũng như tất cả các vua đã được xức dầu.

Gioan Tẩy Giả cũng phủ nhận tất cả những vinh dự đó.

3. Họ hỏi ông có phải là nhà tiên tri được hứa ban và mọi người trông đợi không.

Căn cứ vào lời bảo đảm của lãnh tụ Môsê với dân trong sách Thứ Luật 18,15: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh (em), Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh (em); anh em hãy nghe vị ấy”.

Đó là lời hứa mà dân Do Thái sẽ không bao giờ quên. Họ chờ đợi sự xuất hiện của một nhân vật sẽ là tiên tri vĩ đại nhất và trông mong nhân vật ấy như là nhà “tiên tri lý tưởng”. Có nhiều người còn nghĩ rằng cả Isaia và nhất là Giêrêmia cũng sẽ trở lại lúc Đấng Messia đến.

Nhưng lại một lần nữa Gioan Tẩy Giả không thừa nhận vinh quang là của mình.

Vậy họ hỏi ông là ai ?

Ông nói mình chỉ là tiếng nói khuyến giục mọi người dọn đường cho Nhà Vua. Ý ông muốn nhắc lại một lời trong Isaia 40,3 mà tất cả các Tin Mừng đều trích dẫn câu này để ám chỉ Gioan Tẩy Giả. Ý niệm ẩn tàng trong câu ấy là: “Đường đi bên Đông phương, mặt đường gồ ghề và thường chỉ là những lối mòn. Khi một vị vua sắp đến thăm một tỉnh, hoặc khi nhà chinh phục sắp kéo quân đi qua lãnh thổ của mình thì đường xá phải được san bằng, dọn thẳng thu xếp lại cho có trật tự.” Điều mà Gioan Tẩy Giả muốn nói với mọi người là: “Ta chẳng là ai cả, ta chỉ là tiếng kêu, kêu gọi các người hãy chuẩn bị sẵn sàng đợi nhà vua đến”. Ông muốn nhắc lại rằng: “Hãy tự sửa soạn đi! Nhà vua đã lên đường rồi đó”. Ông muốn mọi người hãy quên ông đi để chỉ thấy Nhà Vua mà thôi.

2. Bài Học

Tới đây chúng ta có thể dừng lại. Thử hỏi chúng ta có thể tìm được bài học nào cho chúng ta trong hoàn cảnh hôm nay hay không ? Có rất nhiều bài học nhưng tôi xin được nói tới sự trung thực nơi con người của Gioan.

Trước hết là sự trung thực trong lời nói: Rất trung thực khi nói về chính mình, không dám nhận những vinh quang mà người đời gán cho.

Thứ đến là trung thực với lòng mình. Chính vì muốn trung thực với lòng mình nên ngài đã vui lòng chấp nhận một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối.

Vá cuối cùng là trung thực trong những phán đoán về người khác. Ngài đã không sợ khi phải thẳng thắn khuyên vua Hêrôđê không được phép lấy vợ của anh mình. Vì sự sự trung thực này mà Ngài đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân của mình.

Đức Cha Tiamer Toth trong một cuốn sách viết cho giới trẻ có tựa đề là “Chí khí người thanh niên” có nói đến một tấm gương mà ngài ước mong mọi người hãy nhìn vào đó mà bắt chước. Truyện như thế này: Regulus là một tướng của La Mã bị quân Carthage bắt làm tù binh. Sau một thời gian mệt mỏi vì chiến tranh, người Carthage muốn cầu hòa với người La Mã. Người mà thành Carthage chọn để đứng đầu phái đoàn lại chính tướng Regulus. Trước khi lên đường dân Carthage bắt Regulus phải thề: nếu sứ mạng cầu hòa của họ bị thất bại thì Regulus phải trở về nhà tù trở lại. Regulus đã thề.

Chúng ta có thể tưởng tượng được sự xúc động của tướng Regulus khi về tới La Mã, thành phố quê hương yêu quý của ông như thế nào không! Rất vui mừng nhưng cũng đầy khó khăn. Regulus sẽ phải hành động làm sao đây ?

Với tất cả tài lợi khẩu, ông yêu cầu thượng nghị viện cứ tiếp tục chiến tranh; nghị viện yêu cầu ông ở lại La Mã, viện cớ rằng: lời thề vì cưỡng bách không có giá trị. Nhưng ông trả lời:

“Các ngài có muốn để tôi mất danh dự không ? Tôi thừa biết rằng những khổ hình và giờ chết đang đợi tôi khi tôi trở lại. Nhưng những cái ấy không thấm thía vào đâu khi so sánh với sự ô nhục của một hành động bất lương với sự tổn thương của tâm hồn do một lời nói dối. Đành rằng tôi sẽ lại là tù binh của dân Cathage nhưng ít ra tôi vẫn giữ được chí khí của tôi mà dân La Mã sẵn có với sự trong sạch của nó. Tôi đã thề hứa sẽ trở về với họ thì tôi giữ lời hứa cho đến cùng. Vì thế các ngài hãy phó mặc mạng sống tôi cho các Thần Thánh”.

Và Regulus đã trở về Cathage, ở đấy tướng công đã chết giữa những cực hình khủng khiếp.

Đó là chí khí và lòng quả cảm của một người công dân La Mã!

Gioan cũng đã sống như vậy và Chúa Giêsu Chúa của chúng ta chắc cũng muốn cho chúng ta sống như thế. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Lại một lần nữa chúng ta nói chuyện với nhau về Ông Gioan Tẩy Giả.

Cha đố chúng con biết trong bài Tin Mừng hôm nay Gioan Tẩy Giả đã làm gì ?

– Thưa ông đã làm chứng cho Chúa.

– Chúng con trả lời rất đúng.

1. Lời chứng của Gioan Tẩy Giả.

Trong bài Tin Mừng hôm nay cụm từ làm chứng được dùng đến bốn lần.

Gioan được sai đến để làm chứng (x. c.6-7).

Cả câu chuyện xảy ra ở Bêtania, bên kia sông Giođan, là một lời chứng hùng hồn của ông (c.19).

Gioan không làm chứng cho mình hay về mình, bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng.

Ðiều kiện tiên quyết của người làm chứng là sống đúng như chứng từ của mình.

Martin Luther King viết: “Chúng ta không chỉ làm chứng bằng lời nói, mà còn làm chứng bằng cuộc sống của mình”. Có những tâm hồn dần dần cải hóa nhờ việc làm của ta, nhưng chính ta lại không ngờ tới. J. Basquin nói: “Sống chứng nhân không phải là đuổi theo các tâm hồn, mà là sống làm sao để các tâm hồn chạy theo ta”.

Gioan Tẩy giả là người làm chứng như thế. Ðoạn Tin Mừng hôm nay viết: “Ông đến để làm chứng về ánh sáng”. Trung thực với chứng từ này, một mặt ông cố gắng chỉ cho người ta thấy Ánh Sáng là ai, mặt khác khi có người tưởng ông là Ánh sáng ấy thì ông thẳng thắn phủ nhận. Rồi khi Ánh sáng xuất hiện, ông âm thầm rút lui: “Ngài phải sáng lên, còn tôi phải mờ đi”.

Sứ mạng của Gioan Tẩy Giả là làm chứng cho Sự Sáng đích thực chính là Ðức Kitô. Ðức Kitô đến để chiếu ánh sáng cho trần gian. Toàn bộ Tin mừng Gioan chỉ là để trả lời cho câu hỏi này: “Giêsu Nagiarét, Người là ai ?” Gioan không dùng danh từ Phúc âm mà chỉ dùng từ ngữ “chứng nhân”. Ðộng từ “làm chứng” được Gioan nhắc đến 33 lần. Tin Mừng Gioan được khai mở bằng lời chứng của Gioan Tiền Hô và kết thúc với minh chứng của Gioan Tông đồ: “Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra. Chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thực” (Ga. 21, 24).

Qua lối sống khổ hạnh khác người, qua lời rao giảng sám hối, và qua lời chứng: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi” (Ga. 1, 23) đã minh chứng Gioan là vị Tiền Hô của Ðấng Cứu Thế, là chứng nhân của Thiên Chúa. Gioan chỉ đứng ra làm chứng và báo trước ngày Chúa xuất hiện, rồi rút lui vào bóng tối.

Có thể nói, Gioan là người tôi tớ, còn Ðức Giêsu mới là ông chủ, Gioan là đèn soi, còn Ðức Giêsu mới là ánh sáng, Gioan là tiếng kêu, và Ðức Giêsu mới là lời hằng sống.

Đây chúng con hãy nghe một lời chúng nữa về Chúa. Lời chứng này không phải là lời chứng có từ thuở xưa mà là lời chứng của những người sống với chúng ta ngày hôm nay. Cha muốn nói đến cuộc sống của Thánh Gioan Vianney như một con người sống giữa thế giới hôm nay như là một con người đang sống để qua ngài mọi người thấy được Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.

Đây là lời chứng của một người bổn đạo: Mấy mươi năm liền, ngài luôn giam mình trong toà giải tội, mỗi ngày 18 tiếng đồng hồ, để đem các tội nhân về trong vòng tay Chúa. Không những thế, ngài còn luôn canh cánh bên lòng mối bận tâm về cảnh nghèo túng cơ cực của nhân dân. Chính ngài đã lập nên các viện cô nhi, lớp học mẫu giáo và sẵn sàng cho kẻ nghèo tất cả những gì ngài có hay kiếm được.

Trong lúc toà án giáo phận Belley đang tiến hành việc điều tra về hạnh tích của vị Linh mục, đề lập hồ sơ xin phong thánh, thì có một cụ già quê mùa nghèo khó đến làm chứng như sau:

“Hôm ấy, trời đã sẩm tối, tôi thấy cha Vianney đi giúp tuần đại phúc ở một xứ xa về; giữa đường vắng chỉ có tôi với ngài; vừa gặp tôi, ngài liền lên tiếng chúc một cách vui vẻ:

– Chào ông, mấy lâu nay có được khoẻ không ?

Công việc làm ăn ra sao ?

Chào cha, dạ cám ơn Chúa, con cũng thường luôn; nhưng cũng giấu gì cha, con túng thiếu quá, mất liên tiếp ba vụ mùa liền!

– Tội nghiệp! Tôi thương ông và các cháu lắm:

– Chúng nó rất ngoan.

Vừa nói ngài vừa xỏ tay vào túi áo, lục soát khắp cùng mà cũng chẳng lòi ra được một xu. Nhìn trước nhìn sau, ngài ghé vào tai tôi bảo nhỏ:

– Ông chịu khó đợi cha một chút nghe!

Tôi vâng lời đứng đợi. Ngài rón rén đi ra sau một lùm cây… Mấy phút sau ngài trở lại, trao tận tay tôi một vật và nói:

– Cha không còn gì cả. Ông vui lòng lấy cái quần của cha đây đem bán mà mua bánh mì cho các cháu. Ông thông cảm, bữa sau có gì cha sẽ giúp cho thêm. Thôi chào ông nhé!

Tôi chưa kịp cám ơn vì quá xúc động nghẹn ngào thì bóng dáng ngài đã biến mất sau hàng cây ở trước mặt…”

Cũng trong dịp điều tra để phong thánh cho vị Linh mục thánh thiện, một bác nhà quê khác đã làm chứng rằng: ‘Tôi quê mùa chất phác, chẳng biết nói chi, chỉ xin thưa thế này: Tôi nghĩ Thiên Chúa hẳn tốt lành vô cùng vì cha sở chúng tôi là một người phàm giữa thế gian mà đã tốt lành quá sức tưởng tượng…”

2. Lời chứng của mỗi người chúng ta.

Như Gioan, người tín hữu cũng phải là chứng nhân cho Ðức Kitô trong cuộc sống. Về điểm này, Teihard de Chardin đã ví von rất sống động: “Ánh sáng xuyên qua những áng mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta mọi người cũng đoán được có Ðức Kitô”.

Một ngày Chủ nhật nọ, có một người đàn ông đã từng sống một đời sống vô cùng lạnh nhạt, khô khan về việc đạo. Tình cờ ông đi ngang qua nhà thờ giáo xứ Churning, ông gặp một cô bé đang vào nhà thờ với các em nhỏ khác. Ông dừng lại quan sát thái độ tử tế khác lạ của cô và ông đã theo cô vào nhà thờ lúc nào không hay. Trong nhà nguyện chật chội và nghèo nàn đó, ông thấy cô ngoan ngoãn quì xuống đất, chắp tay ngước mắt nhìn Chúa Giêsu trong Nhà Tạm với tất cả lòng tin yêu cung kính như khi ta đến trước mặt người có chức tước đáng quí trọng. Tới lúc vị linh mục dâng thánh lễ, ông cũng quì gối để dễ bề quan sát thái độ của cô. Ông cảm động khi thấy gương mặt của cô tươi đẹp như người xuất thần với đức tin mạnh mẽ vào sự hiện diện của Chúa trong phép Thánh Thể. Cảm động, ông trở về nhà và từ đó ông ăn năn trở lại sống đời giáo hữu thật sốt sắng.

Cô bé đó chính là Laura Diconia, có lẽ cô không nhận ra hiệu lực của lòng sốt sắng nơi mình, nhưng chính hành vi và lẽ sống của cô đã là một chứng tá cho đức tin và tình yêu Chúa. Thái độ bên ngoài của cô tuy rất tầm thường và đơn sơ nhưng chính sự trịnh trong của tâm hồn và tình yêu sâu đậm của con tim đã mặc cho những cử chỉ bên ngoài đó một vẻ sâu xa khác thường khiến cho người ta cảm thấy ngay sự hiện diện của Chúa.

Ước gì khi nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng có thể nói như đã nói về Thánh Gioan Vianney “Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người”.

Kính thưa anh chị em

Hằng năm cứ mỗi lần Mùa Vọng trở về là chúng ta có dịp gặp lại một trong những khuôn mặt rất đặc biệt của Tin Mừng. Tôi muốn nói đến Gioan Tẩy Giả.

I. Hồi ấy Gioan xuất hiện trong hoang địa miền Giuđêa. Ông xuất hiện với một cung cách hơi đặc biệt. Tin Mừng nói về ông như sau: “Ông mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, cũng chẳng muốn khác người, nhưng ông làm thế là vì ông ý thức về sứ mệnh cao cả của mình. Ông đã từ bỏ hầu như hết mọi thứ mà người đời thường tìm kiếm.

a/ Ăn mặc: Ông ăn mặc rất đơn sơ dân dã.

Làm người ai mà chẳng muốn ăn ngon mặc đẹp ? Gioan có đủ và có thể nói còn có dư điều kiện để làm việc đó. Chúng ta nhớ ông là người con duy nhất của một gia đình giàu có. Cha mẹ ông là người có địa vị, có thế giá trong xã hội. Vì cha của Gioan Thuộc giai cấp tư tế. Thế nhưng Gioan đã hy sinh.

Của ăn thức uống của ông không phải là những thứ cao lương mỹ vị. Tin Mừng cho chúng ta biết ông ăn châu chấu và thêm vào đó có một chút mật ong trong rừng. Áo mặc của ông cũng không phải là thứ đắt tiền. Chúng được làm bằng lông da thú, một thứ áo mặc thường dùng của những người mục tử nghèo khó. Đôi dép ông mang ở dưới chân cũng thế. Tất cả đều bằng da thú – vừa sẵn có vừa rẻ tiền.

b/ Về cuộc sống thường ngày của ông thì thánh Luca bảo: ngay từ thuở còn niên thiếu ông đã chọn chốn hoang vu làm nơi cư ngụ cho mình. Ông tự nguyện sống một cuộc sống khắc khổ khó khăn như thế để tự rèn luyện mình nên một con người sắt đá hầu có thể đối mặt, đương đầu với những thách đố do sứ mệnh của ông đòi buộc sau này.

Claude Tassin nói về ông như thế này: “Ông không lập dị nhưng ông coi thường những tiện nghi vật chất. Ông muốn sống hoàn toàn tự do không để cho mình bị ràng buộc vào bất cứ một thứ gì mà người trần thế coi trọng”. Ta có thể tóm lại trong hai tiếng: Ông muốn sống siêu thoát để ông được tự do hành động theo sứ mạng của ông. Đó là sứ mạng dọn đường cho Chúa

Một khách du khách nhân lúc mệt mỏi trưa vắng đã ghé vào túp lều tranh của vị thừa sai trong một làng xa xôi hẻo lánh tại Ấn Độ. Bước vào lều, người khách chỉ thấy có cái chõng tre trải chiếu sơ sài, cái bàn cái ghế cũng bằng tre với đống sách trong góc nhà.

Anh không hiểu sao một linh mục thừa sai mà sống đơn sơ nghèo khó đến thế, có thể nói được khắc khổ nữa là khác. Anh ngạc nhiên hỏi linh mục:

– Thưa Cha, đồ đạc của Cha chỉ có bấy nhiêu đó thôi sao ? Vị thừa sai mỉm cười đáp:

– Vậy chớ đồ đạc anh bao nhiêu ? Chỉ có chiếc ba lô nhỏ đó chớ gì.

Anh thành thật đáp:

– Nhưng con chỉ là khách du lịch. Con đi đường vài ngày, đâu cần mang theo đồ đạc nhiều. Còn cha ở luôn đây.

Vị thừa sai hóm hỉnh nói:

– Anh là khách đi đường. Tôi cũng thế. Tôi chỉ là khách dọn đường

Phải chăng vị thừa sai và thánh Gioan Tiền hô muốn dạy chúng ta: muôn dọn sẵn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đến cứu chúng ta, chúng ta phải hy sinh từ bỏ tất cả những gì là chướng ngại vật.

II. Bây giờ chúng ta hãy nghe lại nội dung những lời ông tuyên bố trong bài Tin Mừng hôm nay: Hãy dọn đường cho Chúa.(Mc 1,3)

Vâng “Hãy dọn đường”. Đường đi có một giá trị rất quan trọng trong cuộc sống.

Chắc anh chị em đã từng được đi trên những con đường cao tốc mới có ở Việt nam gần đây. Những ai đã từng được đi trên con đường cao tốc, chúng ta đã cảm nhận được sự tiện lợi và thoải mái như thế nào.

Vâng! Con đường vật lý mà đã cần như thế thì con đường thiêng liêng còn cần như thế nào. Nếu con đường vật chất hư hỏng thì tai nạn sẽ rất dễ xảy ra. Cũng vậy nếu con đường thiêng liêng không tốt đẹp thì sự tương giao gặp gỡ giữa người với người hay giữa người với Thiên Chúa sẽ bị bế tắc.

Như vậy, ta cần có những con đường thiêng liêng thật tốt để đón Chúa đến.

Thật ra Chúa đã đến từ lâu, từ hơn hai mươi thế kỷ nay nhưng nhiều người vẫn chưa gặp được Chúa. Tại sao thế ?

Thưa vì tâm hồn con người còn có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác.

Vì Tâm hồn con người còn có những ngọn núi cao tự ái, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.

Vì tâm hồn con người còn có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng.

Vì tâm hồn con người còn có những hố sâu chia rẽ, thích gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ.

Vì tâm con người còn có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú.

Vì tâm con người còn có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.

Vì tâm con người còn có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với cả chính mình.

Vì tâm con người còn có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.

Vì tâm con người còn có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn.

Vì tâm con người còn gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân, ưa phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.

Vâng! Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy đang ngăn chặn Chúa đến với ta. Chính vì thế mà hôm nay, thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi ta hãy sửa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa Giêsu đến.

Đổi mới một con đường vật chất thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Nhiều khi phải thật can đảm người ta mới có thể làm được

Charles de Foucauld là một sĩ quan kỵ mã, vì mê cô đào Mimi, phạm quân kỷ, nên đã bị loại khỏi gia đình quân đội. Từ đó Charles de Foucauld đã sống một đời tội lỗi, xa bỏ Chúa. Vì mất ơn Chúa, đức tin trở nên yếu ớt, Charles de Foucauld đã có những tư tưởng chống đạo. Một lần kia, đến gặp cha Huvelin, Charles de Foucauld muốn bày tỏ những tư tưởng nghịch đạo, và xin giải đáp những thắc mắc. Cha Huvelin biết Charles de Foucauld là người đạo dòng, sống xa Chúa, kém đức tin; và như được ơn Chúa soi sáng, cha nói với Charles de Foucauld:

– Anh cứ dọn mình xưng tội đi đã, rồi tôi sẽ giải đáp mọi thắc mắc cho anh cách thỏa đáng.

Cha Huvelin đã giúp cho Charles de Foucauld dọn mình xưng tội cách sốt sắng. Sau khi lãnh phép giải tội, ơn Chúa đổ tràn xuống tâm hồn anh, khiến đức tin anh trở nên mạnh mẽ, đến nỗi khi cha Huvelin hỏi:

– Bây giờ có thắc mắc gì anh hãy nói.

Charles de Foucauld trả lời:

– Thưa cha, sau khi chịu phép giải tội, con thấy các thắc mắc và tư tưởng chống đạo đều tan biến hết.

Rồi từ lúc đó, Charles de Foucauld quyết chí bỏ thế gian, đi tu làm linh mục, lập tu hội Tiểu đệ và Tiểu muội, chuyên lo việc thờ phượng Chúa và thực thi đức bác ái giúp đỡ tha nhân.

Trong chúng ta cũng thế, tội nhẹ là quả đồi, tội trọng là quả núi, đã ngăn cản con đường không cho Chúa đến ban ơn cho ta. Vậy trong Mùa Vọng này, Giáo hội khuyên chúng ta hãy dọn mình xưng tội, để bạt đồi núi trong linh hồn, để dọn cho Chúa một con đường nhẵn nhụi và phẳng phiu, để Chúa đến ban ơn cho chúng ta trong ngày lễ Giáng sinh của Chúa như Chúa đã ban ơn cho cha Charles de Foucauld sau khi chịu phép giải tội.

Thiếu nhi chúng con yêu quý.

Chúng con đang sống trong Mùa Vọng. Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa đến. Thường thì trong cuộc sống mỗi khi có một nhân vật nào quan trọng xuất hiện thì chúng con thấy người ta luôn phải có sự chuẩn bị. Nhân vật càng lớn, càng quan trọng thì người ta lại càng phải chuẩn bị kỹ hơn.

Tin mừng hôm nay nói về Gioan Tẩy giả. Gioan Tẩy Giả là người đến trước để dọn đường cho Chúa.

Ông Gioan đã chuẩn bị đón Chúa như thế nào chúng con ? Chúng con thấy Gioan rất hay. Trước khi ông xuất hiện để chuẩn bị cho mọi người đón Chúa thì chính ông, ông cũng đã tự dọn đường để Chúa đến với mình trước.

1. Gioan dọn đường để Chúa đến với mình.

Đọc Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy ông Gioan xuất hiện trong hoang địa. Nhìn vào cuộc sống của Ông, chúng ta biết ông đã chuẩn bị đời sống của ông như thế nào. Ông sống trong khung cảnh cô tịch nơi sa mạc. Ông sống rất khắc khổ: Áo ông mặc là một tấm da lạc đà khoác trên mình, cột thêm một dây da thắt lưng cho khỏi lòa xòa, loại da thuộc sơ sài còn thô nhám thời đó. Thức ăn của ông là châu chấu và mật rừng, loại thức ăn của người du mục nghèo khổ lúc đó thường dùng khi họ dẫn đoàn vật đi ăn cỏ nay đây mai đó trong rừng. Châu chấu thì thường nướng hay luộc, ướp muối. Còn mật thì đôi khi mới có khi tìm được tổ ong trong hốc đá, nhưng rất hiếm. Còn đa số là nhựa của cây tây hà liễu (Tamaris) ăn hơi ngọt ngọt.

Với thức ăn và áo mặc như thế, ông Gioan đã nói lên tinh thần sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì là dễ dãi, là thoải mái, là tiện nghi mà mọi người thường ưa chuộng. Ông sống thánh thiện, khắc khổ để đón Chúa và cũng để nêu gương cho người khác nữa.

Điều đáng cảm phục hơn nữa là tinh thần khiêm tốn của ông. Lúc đó uy tín của ông đã lên rất cao và tiếng tăm của ông đã lan rộng khắp nơi. Có người coi ông là ngôn sứ, thậm chí có người còn coi ông là Đấng Cứu Thế nữa. Thế nhưng, khi người ta hỏi ông là ai, thì ông Gioan đã trả lời: “Có Đấng quyền thế hơn tôi, đang đến sau tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dép cho Ngài” (Mc 1,7). Chúng ta đừng quên ở Do Thái chỉ có nô lệ, đầy tớ mới cởi dép cho chủ mình mà thôi. Ông Gioan đã từ bỏ tất cả, sống khiêm tốn để chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng để đón Chúa.

Một du khách nhân lúc mệt mỏi đã ghé vào túp lều tranh của vị thừa sai trong một làng xa xôi hẻo lánh tại Ấn Độ. Bước vào lều, người du khách chỉ thấy có cái chõng tre trải chiếu sơ sài, cái bàn cái ghế cũng bằng tre với đống sách ở trong góc nhà. Anh ta không hiểu sao một linh mục thừa sai Tây phương mà lại sống đơn sơ nghèo khó đến thế, có thể nói được khắc khổ nữa là khác. Anh ngạc nhiên hỏi vị thừa sai:

  • Thưa cha, đồ đạc của cha chỉ có bấy nhiêu đó thôi sao ?

Vị Thừa sai mỉm cười đáp.

  • Vậy chớ đồ đạc của anh có bao nhiêu ? Chỉ có chiếc ba lô đó chớ gì ?

Anh thành thật đáp:

  • Nhưng con chỉ là khách du lịch. Con đi đường vài ngày đâu cần mang theo nhiều đồ đạc làm chi ? Còn cha ở đây luôn mà!

Vị thừa sai hóm hỉnh nói:

  • Anh là khách đi đường. Tôi cũng thế! Tôi chỉ là khách dọn đường thôi. Đúng vậy, vị thừa sai chỉ đến để dọn cho dân làng biết Chúa, lãnh nhận ơn cứu độ. Ngài cũng như thánh Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta muốn dọn đường, sửa lối cho Chúa đến, chúng ta phải hy sinh từ bỏ tất cả những gì là chướng ngại vật cản trở.

2. Gioan Tẩy Giả đã dọn đường cho Chúa đến với mọi người như thế nào ?

Với sứ mạng tiền hô (đi trước loan báo) và tẩy giả (làm phép rửa nói lên lòng sám hối), ông Gioan còn giúp mọi người chuẩn bị Chúa đến bằng cách kêu mời mọi người dọn cho Chúa một con đường để Chúa đến.. Ông chuẩn bị thế nào chúng con. Ông dùng những hình ảnh rất cụ thể để giúp người ta hiểu phải làm gì.

  • Ông kêu gọi hãy lấp mọi hố sâu: Nghĩa là hãy thanh tẩy khỏi lòng mình những giận hờn, ghen ghét, hận thù là những vực thẳm khôn dò làm chúng ta không thể đón Chúa.
  • Ông bảo mọi người hãy san phẳng những núi đồi, tức là tính tự kiêu tự phụ, tự ái, luôn coi mình hơn người khác để sống một cuộc sống khiêm nhường và đồng lòng nhân hậu. Sống như thế thì Chúa mới đến với mình.
  • Thêm nữa ông còn muốn mỗi người uốn cho ngay thẳng những chỗ cong queo tức sự dối trá, gian ngoa, lừa đảo người khác. Sóng như thế mới xứng đáng với Chúa.

Lần kia một người đàn ông lịch sự tìm đến gặp cha Gioan Maria Vianney, cha sở xứ Ars có ý muốn tranh luận vài vấn đề thuộc tôn giáo. Thánh nhân nhìn thẳng vào mặt vị khách và nói:

  • Ông hãy xưng tội đã rồi muốn tranh luận gì cũng được. Bị chạm tự ái, ông muốn nổi nóng, nhưng nghĩ lại cũng khá lâu chưa xưng tội. Ông nén lòng ngồi yên lặng. Trong yên lặng, ông thấy mình đã lỗi bao điều luật Chúa và Hội Thánh. Ông hối hận ăn năn rồi xưng tội sốt sắng. Sau khi xưng tội xong, ông thấy tâm hồn bình an thư thái. Bấy giờ cha Vianney nói:
  • Xin ông cho biết ông thắc mắc điều gì ?

Ông trả lời:

  • Lúc mới vào đây con thắc mắc nhiều chuyện, nhưng giờ đây, con không còn thắc mắc điều gì nữa.

Có kiểm điểm đời sống nghiêm chỉnh, chúng ta sẽ thấy mình còn nhiều hố sâu ghen ghét hận thù, nhiều núi đồi kiêu căng tự phụ, nhiều chỗ cong queo gian tham, lừa đảo… Còn nhiều đam mê xấu như say sưa, nóng nảy, lười biếng, hay xem phim ảnh xấu và nhiều khuyết điểm, lầm lỗi khác. Ước mong ngay từ hôm nay chúng con hãy kiểm điểm đời sống và sốt sắng lãnh Bí tích Hòa giải để dọn đường đón mừng Chúa đến.

Hãy tích cực chuẩn bị sửa lại đời sống cho thật tốt đẹp thánh thiện để Chúa có thế đến với mình. Cụ thể trong Mùa Vọng này, chúng con hãy cố gắng sống tốt hơn, thánh thiện hơn. Cha tin là Chúa sẽ hài lòng và Chúa sẽ đến mang lại cho chúng con nhiều hồng ân của Chúa.

Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện có thật này:

Bé Josiah Duncan, năm tuổi, đi ăn với mẹ. Bước vào tiệm, bé thấy người đàn ông nọ ăn mặc rách rưới, nghèo khổ, ngồi trước cửa tiệm với tấm bảng ghi hàng chữ: ”Tôi vô gia cư, chẳng có gia đình, tôi bị bệnh, xin làm ơn giúp tôi.”

Bé Josiah hỏi người ấy: ”Ông có đói bụng không ?”

Ông ta gật đầu. Josiah bèn đến nói với mẹ: ”Mẹ ơi, mẹ mua cho ông ấy một bữa ăn, mẹ nhé!”

Mẹ bé đồng ý và người đàn ông theo bé vào tiệm ăn.

Thấy ông ấy nghèo nàn, dơ bẩn nên, khi ông ta vào ngồi bàn, nhân viên phục vụ làm lơ. Bé bèn đi lấy thực đơn cho ông xem. Ông đọc qua nó, rồi chọn món rẻ nhất.

Bé liền nói: ”Không sao, ông cứ kêu thêm đi, kêu nhiều một chút để ăn cho no.”

Và, khi dĩa đồ ăn được bưng ra, bé Josiah nói với người đàn ông: ”Cháu hát cho ông nghe, nhé. Mẹ cháu hay hát cho cháu nghe khi cháu buồn.”

Và, giữa tiệm ăn, bé hát: ”Lạy Thiên Chúa trên Trời, Thiên Chúa của con, con cám ơn Ngài về những ơn lành Ngài ban cho con, con cám ơn, con cám ơn Ngài. Amen.. Amen…”

Người đàn ông khóc!

Mẹ cậu bé rơi lệ!

Tất cả khách hàng trong tiệm ăn chứng kiến cảnh ấy, đều chảy nước mắt…!

Hôm nay bắt đầu đổi mùa: Mùa Vọng

A. Vọng là gì ?

Người ta vẫn thường nói: Hy vọng, thất vọng.

Mong chờ một Tin Vui sẽ có: Hy vọng.

Mong chờ một tin vui nhưng không bao giờ có: Thất vọng.

Vua Fédéric nước Đức xưa tính mỗi năm chim sẻ sẽ ăn hết 2.000.000 thùng lúa. Ông cho mở chiến dịch bài trừ chim sẻ – Toàn dân hưởng ứng: mỗi đầu chim sẻ là một phần thưởng. Ông hy vọng một vụ mùa bội thu. Nhưng rồi ông thất vọng vì lúc lúa mới trổ bông thì từng đoàn từng đoàn sâu bọ khổng lồ bò ra ăn sạch những cây lúa mới trổ bông trên quê hương đất nước của ông. Ông hối hận: “Giá những con chim sẻ kia không bị tiêu diệt thì chúng sẽ giúp ông thanh toán những đàn sâu bọ này… Nhưng bây giờ thì đã quá muộn rồi. Thế là hy vọng biến thành thất vọng.

Ngược lại trong Tin Mừng… Người mù ăn xin ở vệ đường… Khi nghe tin Chúa đi qua… Anh mong gặp được Chúa với hy vọng Chúa sẽ chữa cho anh. Anh đã gặp được Chúa và Ngài đã cho anh được sáng mắt. Hy vọng của anh đã biến thành sự thật…

B. Khi lập ra Mùa Vọng Giáo Hội muốn nói với chúng ta điều gì ?

Giáo Hội muốn nói tới một tin vui: Tin Vui ấy chính Chúa cũng đã nói trước. Đó là ngày Chúa trở lại trong vinh quang của Ngài.

Vọng là mong chờ cái Ngày Vinh quang đó của Chúa.

Thánh Cyrillô thành Giêrusalem cắt nghĩa vấn đề này rất hay: “Những gì liên hệ tới Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta thường diễn ra hai lần. Hai lần Người sinh ra: một lần bởi Thiên Chúa từ trước muôn đời; một lần bởi đức Trinh nữ vào lúc thời gian viên mãn.

Hai lần Người xuống thế: lần thứ nhất thì lặng lẽ như hạt mưa rơi xuống lông chiên; Còn lần thứ hai, chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai thì oai hùng rực rỡ.

Lần giáng lâm thứ nhất, Người được bọc tã đặt nằm trong máng cỏ; lần thứ hai người khoác cẩm bào là muôn ánh hào quang.

Lần thứ nhất. Người vác Thập Giá chẳng nề nhuốc hổ; còn lần thứ hai, Người chiến thắng khải hoàn có thiên thần hộ tống.

Vậy chúng ta đừng dừng lại ở lần giáng lâm thứ nhất mà phải đợi chờ lần giáng lâm thứ hai. Lần thứ nhất chúng ta đã tung hô Người: Chúc tụng đấng ngự đến nhân danh Chúa thì chúng ta sẽ lập lại y như thế trong lần thứ hai. Lúc đó chúng ta sẽ cùng với các thiên thần ra nghênh đón Chúa mà thờ lạy và tung hô: Chúc tụng đấng ngự đến nhân danh đức Chúa”

C. Như vậy Mùa Vọng là mùa giúp ta nhìn về tương lai… Tương lai huy hoàng của Chúa Giêsu Chúa chúng ta.

Một thắc mắc có thể đặt ra ở đây ? Mùa Vọng có ăn nhằm gì với việc mừng lễ Giáng Sinh hay không ? Và việc mừng lễ Giáng sinh sẽ đem lại những ích lợi cụ thể nào ?

Vâng! Mùa Vọng nào cũng được kết thúc bằng lễ Giáng Sinh. Giáo Hội đặt ra Mùa Vọng trước lễ Giáng Sinh không đơn thuần chỉ là nhắc lại một việc của quá khứ. Vâng! Không phải đơn giản như vậy. Không phải nhắc lại một quá khứ như một kỷ niệm nhưng là như một biến cố, biến cố cống hiến cho chúng ta một kinh nghiệm sống và một hướng đi giúp chúng ta chuẩn bị ngày Chúa Kitô lại đến để hoàn tất chương trình cứu độ của Ngài một cách tốt đẹp hơn. Như vậy mỗi lần chúng ta mừng lễ Giáng sinh là mỗi lần chúng ta có kinh nghiệm thêm về việc gặp Chúa trong cuộc sống hôm nay để tiến dần đến việc chiếm hữu được Chúa trong vinh quang của Người. Và đó là ý nghĩa chính của Mùa Vọng

D. Vậy thì chúng ta phải sống tâm tình Mùa Vọng như thế nào ?

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa đã chỉ dẫn cho chúng ta. Chúa bảo chúng ta: “Hãy tỉnh thức”(Mc 13,37). Chỉ trong một đoạn văn ngắn ngủi Chúa nhắc đi nhắc lại điều này tới 4 lần.

Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ, vì đó là điều bất khả về phương diện thể lý. Để hiểu đúng ý mà Chúa Giêsu muốn nói, chúng ta có thể nghĩ đến một lời mời gọi tỉnh thức đặc biệt mà chính Chúa đưa ra cho các môn đệ thân tín của Người trong một hoàn cảnh khác. Trong vườn Ghếtsêmani, vào đêm Chúa Giêsu bị bắt, Người nói với ba đồ đệ thân tín: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (14,38). Trong vườn Ghếtsêmani, lời mời gọi này phải được hiểu trước hết theo nghĩa đen của các từ ngữ. Nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta giải thích rằng sự tỉnh thức sâu xa ra, chính là một thái độ sống hoàn toàn quy hướng một cách rõ ràng về Thiên Chúa, tức là một thái độ cầu nguyện ở mức độ thâm sâu và thực chất. Áp dụng cách hiểu đó vào lời mời gọi ở đây chúng ta có thể hiểu: sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu muốn nói đến chính yếu là một cách sống hoàn toàn trong ý thức liên tục quy hướng về ông chủ và nhiệm vụ mà ông trao phó. Người đầy tớ tỉnh thức là người luôn luôn đặt mình trong ý thức về tư cách của mình là người phục vụ ông chủ và thi hành một cách tốt nhất nhiệm vụ mà ông trao phó cho mình. Khi ông chủ đi xa, người đầy tớ dễ bị cám dỗ quên ông và quên nhiệm vụ ông trao phó, từ đó hành xử như thể mình là ông chủ, theo hướng riêng của mình từng lúc. Người đầy tớ tỉnh thực sẽ luôn luôn gắn kết cuộc sống mình với ông chủ và luôn luôn sẵn sàng trả lời ông về việc thực hiện nhiệm vụ mà ông đã trao phó cho mình. Khi Chúa Giêsu nói các môn đệ của Người phải tỉnh thức như các đầy tớ trong dụ ngôn phải tỉnh thức, là Người muốn nhấn mạnh đến thái độ sống đó, chứ không phải là một sự canh thức về phương diện thể lý đơn giản.

Kết thúc diễn từ cánh chung, Chúa Giêsu khẳng định: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải tỉnh thức!” (c.37). Chúa Giêsu không ngần ngại nhắc đến tư cách và vị trí đặc biệt của bốn đồ đệ thân tín đang nghe Người tâm sự đây. Họ là những đồ đệ đầu tiên mà Người đã kêu gọi để biến đổi thành những kẻ lưới người (x. 1,16-20). Nhưng lời kêu gọi tỉnh thức và sẵn sàng không chỉ dành riêng cho họ mà thôi. Chúa nói rõ ý của Người là kêu gọi tất cả mọi người đều phải tỉnh thức như vậy, không trừ một ai. Nói cách khác, ở bên dưới lời khẳng định này là một lệnh truyền được ngỏ với các môn đệ thân tín, sai họ đi thông truyền cho tất cả mọi người điều mà Chúa Giêsu đang nói với họ đây, để mọi người đều tỉnh thức đón chờ Ngài đến hoàn thành công trình cứu độ của Ngài.

Ngày kia có một khách du lịch dừng chân trước một biệt thự rất sang trọng cạnh một hồ nước trong xanh ở Thụy Sĩ, nhưng không phải trên con đường mà khách vãng cảnh thường qua lại. Khách du lịch gõ vào hàng rào sắt, tức thì một cụ già coi vườn ra mở cái cổng nặng nề vẫn đóng chặt. Sung sướng vì được thấy một người khách, cụ dẫn ông tham quan cả một khu vườn rộng lớn. Người khách hỏi:

– Cụ ở đây bao lâu rồi ?

– Thưa ông, tôi ở đây đã được hai mươi bốn năm.

– Chủ của cụ ít khi ngủ lại biệt thự này, có phải không ? Cụ đã trông thấy ông ta mấy lần rồi ?

– Tôi đã trông thấy ông ấy bốn lần. Lần cuối cùng cách đây đã mười hai năm.

– Ông có viết thư cho cụ chăng ?

– Chẳng bao giờ.

– Thế ai trả công cho cụ ?

– Người quản gia của ông.

– Thế người quản gia này có năng đến đây không ?

– Tôi chưa hề thấy mặt ông. Ông ấy luôn liên lạc với tôi qua thư từ.

– Thế thì ai hưởng sự đẹp đẽ này ?

– Trừ vợ tôi và tôi thì không ai hưởng hết.

– Cụ à, tôi có cảm giác như là cụ coi sóc vườn này, sân hoa này, bãi cỏ này cách chu đáo, như là ngày mai ông chủ cụ sẽ đến vậy!.

– Ồ! Thưa ông, tôi phải làm như chủ tôi phải đến ngày hôm nay, vâng thưa ông, ngày hôm nay.

Vâng chúng ta hãy sống như là chủ – Chúa của chúng ta đến với chúng ta ngay trong ngày hôm nay. Nếu chúng ta tỉnh thức như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ không phải ngỡ ngàng và phần thưởng cho một người sẽ nằm trong tay chúng ta.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Cha đố chúng con hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào Mùa nào trong năm Phụng Vụ đó ?

– Thưa cha, Mùa vọng

– Chúng con giỏi – Cha khen chúng con. Bắt đầu vào Mùa vọng Giáo Hội khuyên chúng ta điều gì nào ?

– Thưa cha, Giáo Hội khuyên tỉnh thức.

– Rất đúng…Giáo Hội mượn lời thánh Marco khuyên mọi người hãy tỉnh thức.

“Anh em hãy tỉnh thức”

– Thế tỉnh thức là thế nào nào ?

……

Đây cha cắt nghĩa cho chúng con. Trước hết chúng con nghe một câu chuyện nhỏ:

Một vị Bà La Môn hỏi Đức Phật:

– Ngài có phải là Thượng Đế không ?

 Đức Phật trả lời.

– Không, thưa ông.

– Vậy Ngài là một vị thánh ?

– Cũng không phải, thưa ông. Đức Phật trả lời.

– Vậy Ngài là một ảo thuật gia ?

– Cũng không phải, thưa ông. Đức Phật trả lời.

– Vậy Ngài là ai ?

– Ta là sự Tỉnh thức.

Tỉnh thức là gì ? Chữ “tỉnh” là tỉnh táo, chữ “thức” là nhận biết phân biệt. Như vậy khi gặp bất cứ việc gì trong cuộc sống, người tỉnh thức là người biết tỉnh táo nhận định cho chính xác, hiểu thật rõ ràng rồi mới đi đến quyết định hành động.

Cha muốn minh hoạ bằng một câu chuyện:

Hai thầy trò dẫn nhau vào rừng để tu luyện.

Dọc đường, thầy căn dặn trò hãy tỉnh thức đề phòng cạm bẫy và các thuốc độc giết người của trần gian đầy đau khổ và sự dữ. Bỗng hai thầy trò thầy một gói to nằm trên đường. Trò vội vàng chạy lại mở ra, rồi la lớn:

– Thầy ơi, có lẽ trời Phật đã thưởng công tu luyện cho thầy trò ta rồi. Đây là gói vàng, với số vàng này chúng ta tha hồ sống hạnh phúc.

Nghe thế, vị đạo sĩ nghiêm sắc mặt nói:

– Này con, đây không phải là nguồn hạnh phúc mà là thuốc độc đấy. Nếu không tin, con cứ để gói vàng tại đây, chúng ta leo lên một cây kia rồi sẽ thầy.

Hai thầy trò leo lên một cây gần đấy và quan sát.

Nửa giờ sau, có ba người nét mặt hung dữ đi ngang qua đó. Họ thầy cái gói mở ra và cả ba đều vui mừng kêu lên:

– Trời thương chúng ta rồi. Từ nay chúng ta không còn phải đi ăn trộm, ăn cắp nữa.

Người đầu nhóm ra lệnh cho em út:

– Chú mày đi vào làng mua rượu và đồ nhắm ra đây. Hôm nay, anh em mình phải nhậu một bữa cho đã rồi chia nhau số vàng này.

Thế là người em út đi vào làng, còn lại hai người ngồi canh giữ. Trong lúc này cả hai đều có ý định thanh toán nhau để một mình hưởng trọn gói vàng. Thế là một trong hai người đã chết, còn người kia thoi thóp nằm ôm gói vàng.

Người em út trở về với rượu và đồ nhậu, thầy cảnh trên và nghĩ đây là cơ hội để mình chiếm trọn gói vàng. Hắn vất rượu và đồ nhắm, khiêng tảng đá to giáng xuống đầu người bạn đang nằm đó và ôm gói vàng tẩu thoát.

Nhưng phần vì vừa phạm tội ác khiến lương tâm cắn rứt, phần vì mải mê nghĩ đến gói vàng nên hắn đã tông vào một chiếc xe hơi và nằm chết bên gói vàng.

Sau khi quan sát những gì đã xảy ra, thầy bảo trò:

– Đấy con thầy chưa ? Điều thầy nói lúc nãy là sự thật.

Và thầy trò tụt xuống, tiếp tục đi vào rừng.

2. Tỉnh thức để làm gì chúng con ?

Thưa để gặp được Chúa khi Ngài đến.

Thế cha hỏi chúng con: Chúa đã đến chưa ?

Thực ra thì Chúa đã đến rồi, đến cách nay hơn hai ngàn năm, nhưng theo thánh Sirilô thành Giêrusalem cắt nghĩa thì chúng ta phải hiểu thế này: “Những gì liên hệ tới Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta thường diễn ra hai lần. Hai lần Người sinh ra: một lần bởi Thiên Chúa từ trước muôn đời; một lần bởi đức Trinh nữ vào lúc thời gian viên mãn.

Hai lần Người xuống thế: lần thứ nhất thì lặng lẽ như hạt mưa rơi xuống lông chiên; Còn lần thứ hai, chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai thì oai hùng rực rỡ.

Lần giáng lâm thứ nhất, Người được bọc tã đặt nằm trong máng cỏ; lần thứ hai người khoác cẩm bào là muôn ánh hào quang.

Lần thứ nhất. Người vác Thập Giá chẳng nề nhuốc hổ; còn lần thứ hai, Người chiến thắng khải hoàn có thiên thần hộ tống.

Vậy chúng ta đừng dừng lại ở lần giáng lâm thứ nhất mà phải đợi chờ lần giáng lâm thứ hai trong vinh quang. Lần thứ nhất chúng ta đã tung hô Người: Chúc tụng đấng ngự đến nhân danh Chúa thì chúng ta sẽ lập lại y như thế trong lần thứ hai. Lúc đó chúng ta sẽ cùng với các thiên thần ra nghênh đón Chúa mà thờ lạy và tung hô: Chúc tụng đấng ngự đến nhân danh đức Chúa”.

Hơn nữa giữ hai lần đến quan trọng đó Chúa còn đến với mỗi người trong ngày Chúa gọi chúng ta ra khỏi cuộc sống sống này. Đây cũng là lần Chúa đến thật quan trọng.

Bên cạnh đó chúng con thầy Chúa còn hứa đến với những ai biết họp nhau cầu nguyện: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”(Mt 18,20) cũng như khi lãnh nhận bí tích đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể.

Như vậy chỉ có những người biết tỉnh thức và sằn sàng thì mới dễ gặp được Chúa.

Có một cậu bé muốn đi gặp Chúa Giêsu, để chuẩn bị cho cuộc hành trình, cậu bỏ vào giỏ mấy chiếc bánh và hai chai sữa tươi. Và cậu bé lên đường, lòng vui tươi hớn hở. Mới đi được mấy dãy phố, cậu chợt thấy một bà cụ già đang ngồi trên một chiếc ghế đá công viên. Cậu thầy mỏi chân nên quyết định ngồi nghỉ một chút bên cạnh bà lão. Cậu lấy một chai sữa tươi ra, định uống cho đỡ khát.

Nhưng nhìn sang, thấy bà cụ run lập cập, có lẽ vì đói quá chăng. Cậu liền lấy bánh lẫn sữa ra mời bà. Bà cụ nhận tất cả với một nụ cười cảm động và biết ơn ôi nụ cười mới đẹp làm sao ? Thế là hai bà cháu mải mê ngồi ăn uống và nói chuyện vui vẻ với nhau mãi.

Buổi chiều, khi cậu bé trở về nhà, bà mẹ thầy con rất vui liền hỏi:

– Hôm nay con có chuyện gì mà vui thế ?

Cậu hớn hở khoe:

– Mẹ có ngờ được không ? Hôm nay con đã cùng ngồi ăn trưa với Chúa Giêsu. Người có nụ cười thật dễ thương mẹ ạ!

Trong khi đó, bà lão cũng chậm rãi trở về nhà, lòng chan chứa một niềm bình an. Cậu con trai lớn của bà hỏi thăm ngay từ cửa:

– Mẹ ơi, sao hôm nay mẹ có vẻ vui thế nhỉ ?

Bà cụ móm mém trả lời:

– Này, con có ngờ được không ? Hôm nay mẹ đã cùng được ngồi ăn trưa với đức Giêsu. Người trẻ hơn mẹ tương nhiều con ạ!

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ. Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua.

1. Hầu như trong cả cuộc đời của Chúa, ngoài một lần duy nhất Chúa được đối xử như một vị Vua lúc Chúa giáng sinh, khi các nhà đạo sĩ tìm đến bái thờ, còn ngoài ra thì Ngài sống như một người bình thường.

Thế nhưng vào những ngày cuối cùng trên trần thế cuộc sống của Chúa có thật nhiều đổi thay.

a/ Lúc vào Thành Giêrusalem một cách long trọng, Ngài để cho dân chúng tung hô Ngài như một ông Vua.

b/ Rồi trong cuộc đối đầu với Philatô, đại diện cho quyền lực của cả Đế quốc Roma lúc đó, Chúa đã không một chút ngần ngại để xác nhận một sự thật khi Philatô hỏi Chúa: “Ông là Vua sao?” Chúa trả lời một cách dứt khoát, không một chút ngại ngùng: “Quan nói đúng: tôi là Vua”

c/ Chưa hết trong cuộc xét xử Chúa, khi được bà vợ báo tin cho biết Chúa là người vô tội, Philatô đã muốn tìm cách cứu Chúa Giêsu. Ông đã làm cho Chúa ra tiều tuỵ bằng những trận đòn ông cho lính hành hạ Chúa, rồi ông đưa Chúa ra trình diện với người Do thái: “Đây là Vua các ngươi”. Quả thực là Philatô đã muốn cứu Chúa nhưng sự việc lại không diễn ra như ông mong mỏi.

d/ Và cuối cùng như chúng ta đã thấy, khi Chúa bị treo ở trên Thập giá, chính Philatô đã truyền viết và gắn một tấm bảng thật lớn để mọi người có thể nhìn thấy trên đầu cây Thập giá của Chúa. Tấm bảng với dòng chữ rất rõ như thế này: “Giêsu Nagiareth, Vua dân Do thái”

2. Vâng, quả thực Chúa là Vua như Chúa đã xác nhận. Thế lực của trần gian cũng xác nhận, nhưng phải hiểu nội dung lời tuyên bố của Chúa và lời tuyên xưng của trần thế như thế nào? Rõ ràng là Chúa là Vua nhưng cuộc sống của Chúa và cách cai trị của Chúa chẳng giống với bất cứ một ông Vua nào trên trần thế này cả.

a- Nói đến Vua, người ta thường liên tưởng đến một người có uy quyền. Uy quyền đó thường do hai cách: hoặc là tự mình cướp được hay là do người khác ủy cho. Thí dụ như các vua Do thái vào thời của Chúa Giêsu đều là những người đã được các Vua Roma phong cho.

Với Chúa Giêsu thì không như thế. Trước khi về trời Chúa đã long trọng tuyên bố với các môn đệ của Ngài: “Mọi quyền trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy” (Mt 28,18). Đây là uy quyền tuyệt đối dù cửa hỏa ngục cũng không thắng được.

b- Tiếp theo khi nói đến Vua thì người ta thường liên tưởng đến một lãnh thổ nơi mà Vua cai trị. Lãnh thổ của một ông vua trên trần thế thường là một không gian có biên giới, có bờ cõi, trong đó thần dân của vua sinh sống.

Đối với Chúa thì không như thế. Chúa nói thẳng với Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” Chúa không muốn uy quyền của Chúa bị đóng khung trong một thứ không gian nhỏ bé ở trên đất này. Vương quốc của Ngài là vương quốc của sự thật, của sự sống, của sự thánh thiện, của công chính, yêu thương và an bình. Vương quốc đó vượt xa mọi thứ vương quốc chóng tàn và mau qua ở dưới trần gian

c- Khi nghĩ đến một ông vua thường chúng ta cũng còn liên tưởng đến đường lối mà vua thường dùng dể cai trị cũng như những phương thức ông dùng để chinh phục và mở mang bờ cõi cho vương quốc của ông.

Còn Chúa Giêsu thì không như thế. Ngài không đến để thống trị, nhưng để phục vụ. Chúa nói với  các môn đệ của Ngài: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ” (Mt 20,26-27). Chính Ngài cũng đã làm như thế: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người “ (Mt 20,28). Vào những giờ phút chót trong cuộc đời trần thế của Người, Người đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Và Chúa khuyên các môn đệ cũng hãy bắt chước mà làm như thế (Ga 13,12-18)

d – Cuối cùng khi nói đến những ông vua, chúng ta còn hay liên tưởng đến một cuộc sống giầu có và sang trọng của họ. Họ thường sống cách ly với mọi người nhất là những người nghèo khổ. Rất ít khi có một vị vua biết sống gần gũi với dân. Trong một cuộc nói truyện với dân, Chúa Giêsu đã đưa ra một nhận xét rất hay. Chúa bảo: “Những kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung điện” (Lc 7,25). Ở trong cung điện, sang trọng và kín cửa cao tường.

Còn Chúa thì không như thế. Ngài đã từng tuyên bố: “Con chim có tổ, con chồn có hang nhưng con người không có chỗ tựa đầu”. Cả cuộc đời công khai hầu như chỉ là cuộc sống ở ngoài đường. Người ở giữa dân của Người. Không nhà cao cửa rộng. Không lụa là gấm vóc, không cao lương mỹ vị. Người bước những bước đi với dân của Người. Người chia sẻ với dân từng miếng cơm manh áo. Bệnh tật Người chữa cho lành. Què quặt Người làm cho đứng dậy mà đi. Mù loà Người cho được nhìn thấy. Sa đọa Người vực dậy. Tội lỗi Người tìm cách để được trở về đường ngay nẻo chính. Cây lau bị dập Người không nỡ bẻ gẫy. Tim dèn còn khói người không nỡ dập tắt đi. Người làm tất cả những điều đó chỉ vì lòng yêu thương. Người yêu thương dân như yêu thương chính mình. Chẳng có một ông Vua nào trên trần thế này làm được như thế.

3. Bây giờ đến lượt chúng ta kính thưa anh chị em. Chúng ta phải làm gì để xứng đáng với danh nghĩa là thần dân của Vua Giêsu.

Trong một cuộc thi hùng biện hồi còn là một học sinh, Lý quang Diệu người đã làm nên những “phép lạ” biến hòn đảo Singapore trở thành một trong những con rồng ở Châu Á, đã nói với các bạn của ông bằng những lời như thế này: “Thưa các bạn, cha mẹ cho chúng ta cuộc sống nhưng chúng ta sống vì mục đích gì?. Câu hỏi đó không phải là dễ đối với nhiều người. Có người trả lời: tôi sống vì tiền của và mong trở thành một thương gia cự phách. Có người vì địa vị quyền uy mà phấn đấu. Mục tiêu cuối cùng của tôi là đại quan. Có người nỗ lực cho những gì mình ưa thích để sau này sẽ là nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ v.v.. Tôi không hề hoài nghi là sự lựa chọn của họ có điều gì không thỏa đáng nhưng tôi nghĩ rằng trong lúc bươn chải cho những hoài bão lớn lao đó, họ đã thiếu vắng một linh hồn cao thượng đó là CHÂN LÝ.

Sau đó ông nại tới Tân Ước dể giúp cho nhưng người nghe biết giá trị chân lý là gì. Ông nói tiếp: “Bạn hãy mở lại chương thứ 18 Phúc Âm thánh Gioan của Kinh Thánh Tân Ước mà xem” Trong chương này Chúa Giêsu Chúa của chúng ta đã nói về chân lý nhưng những người trong cuộc hầu như chẳng ai hiểu được chân lý là gì kể cả con người có quyền uy vào hạng tuyệt dối trên đất nước Do thái lúc đó tức là Philatô, đại diện cho uy quyền của cả một đế quốc rộng lớn bao la. Muốn hiểu được chân lý con người phải có một cái tâm trong sáng, phải có một cái nhìn không bị vẩn đục bởi những giá trị phàm trần.

Rồi ông dõng dạc nhấn mạnh từng tiếng để kết thức bài diễn thuyết của ông. Ông nói:Dũng cảm đi tim chân lý là thiên chức của con người. Người bạn vĩ đại nhất của chân lý là thời gian. Kẻ thù ác độc nhất của chân lý là thiên kiến và khiêm tốn chính là người tình vĩnh hằng nhất của nó. Các bạn đồng học thân mến! Hãy sống vì chân lý. Trên đường đời muôn dặm hãy luôn tìm đến chân lý, nghiên cứu chân lý và cống hiến cho chân lý”

Những lời này tự nhiên làm cho tôi liên tưởng đến những lời của Chúa Giêsu: “Chân lý sẽ giải phóng anh em” “Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng của tôi”

“Trên đường đời muôn dặm hãy luôn tìm đến chân lý, nghiên cứu chân lý và cống hiến cho chân lý. Hãy sống vì chân lý.”

Và tôi lại nhớ tới một lời dạy khác của Chúa Giêsu. Chúa nói với các môn đệ: “Thầy là đường, là chân lý và là sự sống” Và tôi muốn thay đổi một chút lời kết thúc bài diễn văn của Ông Lý quang Diệu

“Trên đường đời muôn dặm hãy luôn đi tìm Chúa Giêsu, nghiên cứu những lời dạy của Người và cống hiến cuộc đời làm nhân chứng cho Người. Hãy sống cho Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu” Làm được như thế chúng ta sẽ xứng đáng là thần dân của Người .Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ. Giáo Hội dùng Chúa nhật hôm nay để tôn vinh Chúa Giêsu là Vua.

Chính vì thế mà hôm nay cha muốn nói với chúng con về Vua-Giêsu.

1. Trước hết cha phải nói ngay. Chúa Giêsu là vua nhưng Chúa không muốn làm vua theo kiểu của con người trần thế chúng ta.

Đây chúng con hãy nghe Chúa giải thích:  “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Rồi khi ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Ðức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”(Ga 18,37)

Vì Chúa không phải là vua theo kiểu của thế gian nên Chúa không sống theo lối sống của hầu hết các vua chúa trên trần gian này.

Cha hỏi chúng con vua chúa trên thế gian này thường sống như thế nào? Cha không dám nói là tất cả nhưng cha có thể nói hầu hết các vua chúa trên thế gian này khi làm vua thì chỉ biết sống hưởng thụ.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

Có một ông Vua nọ bị dân gán cho một căn bệnh hiểm nghèo, đó là “Tứ chứng nan y” gồm: Mù, què, câm, điếc.

Một hôm, một người vào cung Vua, yết kiến. Vua hỏi:

– Nhà ngươi vào gặp Ta chắc có chuyện gì?

– Tâu bệ hạ – người đó thưa lại-  hạ thần nghe rằng bệ hạ đang mang một căn bệnh rất hiểm nghèo là “Tứ chứng nan y” nên hạ thần vào thăm bệ hạ.

Nghe thế, Nhà vua liền nổi giận quát:

– Kẻ nào dám bịa đặt bảo ta bị bệnh? Chân tay mắt mũi ta lành lặn thế này mà bảo ta mù, què, câm, điếc sao?

Người kia liền tâu:

– Thần nghe thiên hạ đồn như vậy, nay gặp Vua mới biết sự thực. Nhưng xét lại, thì tin đồn ấy cũng chẳng sai.

Nhà vua chặn lời và nói:

– Vậy ngươi hãy chỉ cho ta xem nào!

– Tâu bệ hạ, thứ nhất dân kêu kiện nhiều mà bệ hạ không thèm trả lời, không giải quyết, nên bọn họ tưởng Bệ Hạ bị câm. Thứ hai, giặc ngoại bang tràn lan muốn xâm chiếm đất nước, nhân dân hoang mang lo sợ, kêu cầu nhà Vua mà vua không lo gì hết, nên họ tưởng là nhà Vua họ bị điếc. Thứ ba, cuộc sống của bệ hạ thì quá là sung sướng, trên nhung dưới lụa, còn ngược lại, dân chúng sống trong cùng cực, đói khổ. Họ không hề thấy bệ hạ dòm ngó gì đến họ, cũng chẳng thèm quan tâm lo lắng đến đời sống của họ, nên họ tưởng bệ hạ bị đui.cuối cùng, vì họ không bao giờ thấy bệ hạ ra khỏi cung điện, mà ngày đêm chỉ biết ăn chơi với các cung phi, nên họ tưởng là bệ hạ bị què!

Đọc lại tiểu sử của rất nhiều vua trên trái đất này, cha thấy rất nhiều ông vua đã sống như thế kể cả một ông vua nổi tiếng là khôn ngoan trong Kinh Thánh đó là vua Salomon. Sách Các Vua 1 V 11, 2-3 nói Salômôn có đến 700 bà vợ chính thức và 300 thê thiếp! Khiếp chưa chúng con?

2. Còn Vua Giêsu thì sao chúng con?

Chúng ta hãy nghe lời chính Chúa nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”(Mt 20,28)

Chúa Giêsu là Con của Thiên Chúa xuống thế làm người. Chúa Giêsu là hoàng tử từ trời cao được Thiên Chúa Cha gửi xuống trần thế này là để làm Vua. Chúa Giêsu cảm thấy hạnh phúc vì được ở giữa loài người. Vua Giêsu sống giữa dân, lo cho dân, vui với cái vui của dân, khổ với nỗi khổ của dân. Tất cả vì dân mà phục vụ, vì dân mà sống. Toàn bộ Tin Mừng đạ cho chúng ta thấy điều đó. Đây là một trong những câu chuyện mà Tin Mừng Luca ghi lại:

Hôm đó, Vua Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người.Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa! ” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! ” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”.17 Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận.(Lc 7 …)

3. Cuối cùng, cha hỏi chúng con: Vua Giêsu muốn cho các thần dân của Người sống với nhau thế nào?

Đây là ước nguyện của Chúa Giêsu:Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”(Lc 12,49).

Vua Giêsu muốn cho mọi người yêu thương nhau. Bởi vì chỉ có tình yêu mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống này.

Có một cậu bé tự cho mình là đứa trẻ bất hạnh nhất thế giới này. Trong con mắt của bạn bè, cậu là kẻ nhát gan, yếu đuối. Trên nét mặt cậu thường lộ vẻ sợ hãi. Cậu thở phì phò giống người ta kẻo bễ vậy. Khi bị cô giáo gọi đứng dậy đọc bài hay trả lời câu hỏi, đôi chân cậu lập tức run rẩy, môi liên tục mấp máy. Đương nhiên, cậu trả lời ấp úng và đứt quãng. Cuối cùng, cậu đỏ mặt xấu hổ quay về chỗ ngồi. Nếu cậu có một gương mặt đẹp, thì người khác có thể cảm tình với cậu một chút. Nhưng khi bạn thương hại nhìn cậu ta, thì bạn có thể nhìn thấy hàm răng hô xấu xí của cậu.

Vào một ngày mùa xuân, bố cậu bé xin nhà hàng xóm một ít cây giống. Bố cậu muốn trồng chúng trước nhà. Ông bảo các con, mỗi đứa trồng một cây. Ông nói với chúng, cây của ai lớn nhanh nhất, người đó sẽ được ông tặng cho một món quà giá trị. Cậu bé ấy cũng muốn nhận được món quà.

Nhưng khi nhìn thấy anh chị em hào hứng chạy đi chạy lại tưới nước cho cây, không hiểu tại sao, trong đầu cậu lại nảy sinh ý nghĩ kỳ quặc: cậu mong cái cây mình trồng mau chóng chết đi. Vì thế, cậu chỉ tưới nước cho cây hai lần, sau đó bỏ mặc nó.

Một tuần sau, khi xem cái cây mình trồng, cậu bé ngạc nhiên phát hiện nó không những không héo úa, mà còn mọc ra mấy cái lá xanh nõn nà. So với những cái cây mà anh chị em cậu trồng, nó dường như tươi tốt hơn và tràn đầy sức sống. Bố cậu thực hiện đúng lời hứa, mua cho cậu một món quà mà cậu thích nhất. Đồng thời, ông còn nói với cậu, cứ xem cách cậu trồng cây, thì sau này chắc chắn cậu sẽ trở thành một nhà thực vật học xuất sắc.

Từ đó trở đi, cậu bé dần dần trở nên lạc quan.

Vào một buổi tối, cậu bé trằn trọc không sao ngủ được. Nhìn ánh trăng vằng vặc ngoài sân, cậu chợt nhớ đến câu nói của thầy giáo dạy sinh vật: thực vật thường lớn lên vào lúc trời tối. Cậu nghĩ bụng, tại sao mình không xem thử xem cái cây mình trồng lớn như thế nào nhỉ? Khi cậu rón rén đi ra ngoài sân. Cậu nhìn thấy bố đang dùng gáo tưới nước cho cái cây cậu trồng. Ngay lập tức, cậu hiểu ra tất cả. Hóa ra, bố cậu âm thầm bón phân cho cái cây cậu trồng. Cậu trở về phòng ngủ, gục mặt xuống giương mặc cho nước mắt chảy đầm đìa trên khuôn mặt.

Thấm thoắt mấy chục năm đã trôi qua. Cậu bé với đôi chân tập tễnh ấy mặc dù không trở thành một nhà thực vật học như ước nguyện của người cha, nhưng lại trở thành tổng thống của nước Mỹ. Tên của ông là Franklin Roosevelt.

Kính thưa anh chị em.

Hôm nay Giáo hội Việt Nam chúng ta hân hoan và hãnh diện mừng kính các Thánh Tử Đạo tại VN.

1. Chúng ta hân hoan và hãnh diện vì 3 lý do:

– Trước hết vì các ngài là người đã chết trên dất nước Việt Nam thân yêu này của chúng ta. Tertulianô sử gia của Lamã thuở xưa đã nói: “Hạt máu của những vị tử đạo là hạt giống nảy sinh ra những người kitô hữu khác.” Thật không gì vui mừng và hãnh diện, tự hào khi đất nước chúng ta có những vị thánh góp mặt với Giáo Hội toàn cầu.

– Tiếp đến là vì số lượng lớn lao đông đảo các Thánh tử đạo VN của chúng ta đã có mặt trong Lịch sử của Giáo Hội. Với 117 vị Thánh, Giáo Hội VN được xếp hạng nhất nhì trong sổ bộ các thánh đã được Giáo Hội phong thánh.

– Và cuối cùng chúng ta hân hoan và hãnh diện vì các Ngài là những người đã trung thành với niểm tin và đã lấy đời mình làm chứng nhân anh hùng cho niềm tin đó

Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi không cảm phục về đức tin kiên cường của các Ngài. Vì trung thành với Chúa, các Ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng và nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, có khi còn mất cả mạng sống vì đức tin.

Chúng ta hãy đọc lại sắc dụ cấm đạo được ban hành ngày 18-9-1855 để chúng ta thấy được một phần nào những khổ hình mà các Ngài phải chịu: “Các quan theo đạo Giatô tại triều đình Huế hạn cho một tháng phải bỏ đạo. Các quan tỉnh thì ba tháng. Lính tráng và người dân thì sáu tháng, bằng không thì phải kể là trọng phạm.

Các người theo đạo Giatô không được thi cử, không được giữ chức tước gì.

Ai đưa đường hay chứa chấp đạo trưởng thì bị xử tử. Đạo trưởng Tây phương thì chém đầu vất xác xuống sông. Các giáo đồ giúp các đạo trưởng thì phải chém đầu.

Các cụ đạo bản quốc cũng phải chém đầu. Các giáo đồ theo các cụ đạo này thì phải thích chữ vào mặt và phát lưu.

Phải đốt cho sạch các nhà thờ nhà xứ “

Lịch sử còn ghi lại những hình phạt mà người ta đã nghĩ ra và đã dùng để trừng phạt những người theo đạo như sau :

  – Nhẹ nhất là bị gông cùm. Bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói cho tới chết.

 Nặng hơn một chút thì bị voi dầy, bị trói rồi bị ném xuống sông, bị chôn sống, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng cho đến chết.

 Quyết liệt hơn một chút thì bị xử trảm, xử giảo (= bị thắt cổ) và thiêu sống.

 Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (phân thây ra từng mảnh) hay bá đao ( bị xẻo đi từng mảnh thịt cho tới chết)

Tôi xin trích ra đây một đoạn trong bản báo cáo về việc xử Cha cố Du theo kiểu bá đao tại Thợ Đức ngày 30-11-1835:

“Họ cột chân tay Ngài vào một cây cột. Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn. Sau hồi chuông báo hiệu, tên lính cầm kìm đã được nung đỏ kẹp vào ngực kéo ra hai miếng thịt nơi vú liệng xuống đất. Tên khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông – rồi đến dùi thì chúng lấy kìm kéo thịt ra rồi dùng lưỡi dao xẻo đứt từng miếng. Cha ngất đi, đầu rũ xuống và Ngài tắt hơi về chầu Chúa lúc 17giờ.

Cha chết rồi, lính chặt đầu Ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi….đoạn họ cởi trói, lật úp xác xuống, phân thây ra từng khúc nhỏ bỏ vào thùng vôi. Tiếp theo họ  lấy đầu đầu của ngài treo giữa chợ ba ngày…rồi lấy xuống nghiền nát ra, bỏ vào thùng đựng xác, rồi vất tất cả xuống biển cho mất tích”

Vâng, kính thưa anh chị em.

Gian khổ có cao, hình phạt có nặng nhưng lòng trung thành của các Ngài còn cao còn lớn hơn. Cái chết của các Ngài thật đáng làm cho chúng ta tự hào. Trong sắc phong chân phước cho 64 anh hùng tử đạo VN ngày 27-5-1900 Chính Đức Thánh Cha Léo XIII đã nói về các Ngài với tất cả lòng khâm phục như sau: “Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa vào những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội Chúa Kitô”

Đó là chuyện cách đây hơn 300 năm.

2. Chúng ta tự hỏi chúng ta có thể học tìm được một bài học nào từ những tấm gương hào hùng của cha ông chúng ta hay không?

Ngày nay đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết người có đạo như thời vua quan ngày xưa.

Nhưng để sống đạo trong xã hội hôm nay, quả thực chúng ta gặp không ít khó khăn. Xin kể ra 2 khó khăn tiêu biểu.

Khó khăn thứ nhất đó là chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển. Ai cũng muốn thăng tiến bản thân và gia đình của mình. Ai cũng lo làm ăn, học hành, xây dựng cho bản thân. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những nhu cầu của bản thân càng ngày càng nhiều. Rõ ràng là ngày nay người ta kiếm được nhiều tiền hơn trước, có nhiều tiện nghi hơn trước, xe cộ tốt hơn, nhà cửa đẹp hơn, hưởng thụ nhiều hơn.

Báo Tuổi trẻ số Chúa nhật ngày 23-10-2005 có một bài Phóng sự nói về cuộc sống của những “Sinh viên “quí tộc”” Tôi xin trích một đoạn nhỏ: “Khi tiếp cận được cậu thanh niên mới hơn 20 tuổi này, Tuấn trả lời tôi một câu xanh rờn vì tưởng là bạn học cùng lớp: “Trẻ không xông pha về già ân hận”! Hỏi: “Có đêm ông tiêu hết 20 triệu hả?”. Tuấn nhả khói thuốc lạnh lùng bảo: “Độc thuê sảnh khách sạn đã mất ngần ấy rồi ông ạ. Bữa nào khao nặng phải mất hai cục (200 triệu)!”. “Ông chơi trội quá”, “Thiếu gì thằng như tôi, mỗi thằng khao một buổi”! Vừa trả lời xong, Tuấn đã “bận” với chiếc điện thoại O2: “Lại phải xuống Hải Phòng chơi với mấy thằng bạn”…

Rõ ràng chủ nghĩa cá nhân hôm nay đã làm cho con người không bao giờ thấy thỏa mãn, đầy đủ. Vì thế càng ngày con người càng đóng kín vào bản thân, không có thời giờ để đến nghĩ đến người khác. Một câu nói được coi như châm ngôn của một số người “Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, học bình thường, chơi là chính”...

Để lựa chọn sống theo Phúc Âm, để trung thành với Lời Chúa dạy, chúng ta phải bỏ quên một phần thân mình, gia đình mình để nghĩ đến, để giúp đỡ, để vực dậy những anh em kém may mắn. Đó là điều không dễ.

Khó khăn thứ hai là kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Đồng tiền đang trở thành một thước đo cho mọi giá trị của con người. Đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người. Ai cũng muốn có thật nhiều tiền, và để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương tiện nào kể cả những phương tiện mà họ biết là bất chính như: lường gạt, lừa đảo, làm hàng giả, buôn thuốc phiện, tham nhũng, hối lộ. Vụ Điện kế điện tử trước đây ở Thành Phố Hồ Chí Minh chúng ta là một thí dụ. Tiền bạc quả là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo, đang tàn phá những gía trị tốt đẹp, đang làm biến chất biết bao nhiêu con người trong cuộc sống hôm nay.

Đứng trước nhu cầu và ham mê tiền bạc, người Công Giáo muốn trung thành với Phúc Âm, muốn sống trọn vẹn đức tin, bắt buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền phi nhân bất nghĩa. Thà cam chịu thiếu thốn còn hơn đánh mất đức tin. Thà lao động cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo chân chính hơn là chạy theo những đồng tiền dễ dãi để chối từ Phúc Âm và luật Chúa.

Quả thực xã hội mới đang tạo ra những thách đố, những cơn bắt bớ mới. Để trung thành với Chúa, với Phúc Âm chúng ta cũng phải lựa chọn quyết liệt. Những chọn lựa đó làm cho chúng ta đau đớn không kém gì những khổ hình. Những hy sinh vì Phúc Âm đó khiến lòng ta rỉ máu không kém gì phải chịu thiêu thân, hay chịu cảnh bị đầu rơi máu chảy. Các Thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần. Còn chúng ta chết mòn mỏi mỗi ngày trong những chiến đấu, những từ bỏ đớn đau. Sống Phúc Âm trong thời đại hôm nay quả không phải là dễ. Phải nói rằng đây đúng là một cuộc tử đạo liên tục. Và sống vì đạo như thế cũng cao đẹp và cũng anh hùng không kém gì chết vì đạo. Sống vì đạo như thế, chúng ta cũng góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Phúc Âm không kém gì chết vì đạo.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các Ngài đã anh dũng hy sinh cuộc đời, dâng hiến máu đào làm chứng cho Phúc Âm. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết can đảm, hy sinh sống theo Phúc Âm để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.