Lời Chúa hôm nay thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành một người vừa câm lại vừa điếc.

Nghe và nói là hai khả năng rất quan trọng. Chúng được ví như hai cánh cửa được mở ra để tiếp xúc với thế giới bên ngoài: Nghe là cánh cửa mở ra để đón nhận thông tin bên ngoài. Nói là cánh cửa mở lòng ra tiếp xúc với thế giới chung quanh, Ai bị điếc, không nghe được, nên thường sống thinh lặng, cô đơn. Câm không nói được nên thường ngại ngùng và mắc cỡ.

Qua phép lạ này, Chúa muốn nhắc nhở cho chúng ta về sự câm điếc tinh thần. Chúng ta vẫn có thể nghe được bình thường, nhưng lại điếc vì không nghe hay không muốn nghe Chúa nói khi cầu nguyện, khi nghe giảng dạy. Chúng ta vẫn nói được nhưng không dám nói những điều phải nói và sợ không dám nói sự thật.

Có một ông vua nọ bị dân gán cho một căn bệnh hiểm nghèo: “Tứ chứng nan y” gồm: Mù, què, câm, điếc.

Một hôm, một người vào cung vua yết kiến. Vua hỏi:

– Nhà ngươi vào gặp ta chắc có chuyện gì?

-Tâu bệ hạ – người đó thưa –  hạ thần nghe rằng bệ hạ đang mang một căn bệnh rất hiểm nghèo là “Tứ chứng nan y” nên hạ thần vào thăm bệ hạ.

Nghe thế, nhà vua liền nổi giận quát:

– Kẻ nào dám bịa đặt bảo ta bị bệnh? Chân tay mắt mũi ta lành lặn thế này mà bảo ta mù, què, câm, điếc sao?

Người kia liền tâu:

– Thần nghe thiên hạ đồn như vậy, nay gặp vua mới biết sự thực. Nhưng xét lại, thì tin đồn ấy cũng chẳng sai.

Nhà vua chặn lời, nói:

– Vậy ngươi hãy chỉ cho ta xem!

– Tâu bệ hạ, thứ nhất dân kêu kiện nhiều mà bệ hạ không thèm trả lời, không giải quyết, nên bọn họ tưởng bệ hạ bị câm. Thứ hai, giặc ngoại bang tràn lan muốn xâm chiếm đất nước, nhân dân hoang mang lo sợ, kêu cầu nhà vua, mà vua không lo gì hết, nên họ tưởng là nhà vua họ bị điếc. Thứ ba, cuộc sống của bệ hạ thì quá sung sướng, trên nhung dưới lụa, còn ngược lại, dân chúng sống trong cùng cực, đói khổ. Họ không hề thấy bệ hạ dòm ngó gì đến họ, chẳng thèm quan tâm đến đời sống của họ, nên họ tưởng bệ hạ bị đui. Và cuối cùng, vì họ không bao giờ thấy bệ hạ ra khỏi cung điện, mà ngày đêm chỉ biết ăn chơi với các cung phi, nên họ tưởng là bệ hạ bị què!

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Cha hỏi chúng con: Chúa Giêsu đã làm gì trong bài Tin Mừng hôm nay?

– Thưa cha Chúa đã chữa cho một người mắc bệnh vừa câm vừa điếc.

– Thế chúng con đã thấy ai câm bao giờ chưa?

– Thưa cha… thấy rồi.

– Còn người điếc.

– Thưa cha cũng đã thấy.

– Thế cha hỏi chúng con, sau khi được chứng kiến việc Chúa Giêsu làm người ta đã có phản ứng như thế nào?

– Thưa cha, họ hết sự kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.“(Mc 7,37)

– Rất đúng! Chúng con trả lời hay quá. Cha khen chúng con.

– Cha hỏi câu cuối cùng: Chúng con có muốn được người ta khen chúng con như họ đã khen Chúa Giêsu không? Khỏi cần trả lời cha cũng biết ai trong chúng con mà lại không mong được như thế.

 Cha kể cho chúng con câu chuyện nhỏ này.

 Đây là một trong những câu chuyện giáo dục mà người Đức hay kể cho nhau nghe. Đó là câu chuyện kể về một em bé có tên là Jeannette. Hôm đó em Jeannette được cùng với cha mẹ đi xem một cuộc diễn binh lớn. Vì là con của một chức sắc cao cấp cho nên em được ngồi ở trên khán đài với cha mẹ. Chung quanh khán đài có cả hàng ngàn người cùng đứng xem. Hôm đó Hoàng đế và Hoàng Hậu cũng có mặt trên khán đài. Từ trên khán đài Jeannette thấy một bà cụ yếu đuối, đang cố gắng kiễng chân mình lên để xem nhưng chắc là cũng chẳng thấy gì. Khi thấy như vậy, Jeannette bèn thầm nghĩ trong lòng:

– Mình khỏe mạnh mà ngồi đây, để cho bà cụ già yếu đuối kia đứng chen chúc cố gắng mãi mà không thấy gì thì không nên. Mình phải kính trọng người già để sau này mình về già, người khác cũng sẽ kính trọng lại mình như vậy!

Nghĩ như thế nên cô bèn đi xuống mời bà cụ lên đứng vào chỗ của mình rồi tự nguyện ra đứng chỗ đám đông. Và thật bất ngờ trong khi cô đang cố nhón chân mình lên để xem thì một người lính cận vệ của nhà vua mặc áo giáp vàng, lách đám đông đến trước mặt cô và nói:

          – Cô bé ơi, hoàng hậu cho mời cô đến ngồi bên cạnh người!

          Bé Jeannette ngạc nhiên khi đứng trước mặt hoàng hậu, nhưng hoàng hậu nói rằng:

          – Hãy ngồi bên cạnh ta, ta đã thấy con nhường chỗ cho bà cụ già, nên bây giờ con được phép ngồi cạnh ta!

Cô bé này đã làm một việc mà Hoàng hậu cũng phải cảm phục vì đó là một việc tốt.

Cha thấy trong cuộc sống chẳng thiếu gì những việc tốt mà mọi người có thể làm. Chỉ tiếc có một điều là nhiều người biết là tốt mà không dám làm hay không chịu làm thôi. Chúng con hãy cố gắng để làm việc tốt, càng nhiều càng hay.

Cha lấy một thí dụ:

Một bé gái nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia, em bị bệnh nặng phải vào nhà thương. Các bác sỹ cho biết chỉ có giải phẫu mới có hy vọng cứu sống em. Trước khi cho thuốc gây mê, các bác sỹ và y tá báo cho em biết là em sẽ được ngủ một giấc dài. Nghe nói ngủ, cô bé ngây thơ đã xin được quỳ xuống cầu nguyện. Thế là trước mặt mọi người, cô bé quỳ gối cầu nguyện một cách hết sức chân thành, và em kết thúc bằng lời nguyện như sau: “Xin Chúa cho con được chóng lành bệnh”. Cầu nguyện xong, em bé nằm xuống và xin các bác sỹ và y tá tiến hành cuộc giải phẫu…

Ngày hôm sau, cô bé tỉnh dậy với nỗi đau tội cùng. Câu hỏi đâu tiên của em với bác sỹ là:

– Cháu có được lành bệnh không, thưa bác sỹ?

Vị bác sỹ nhìn thẳng vào đôi mắt của em và đáp với tất cả sự xúc động:

          – Cháu hãy để cho Chúa lo liệu, bác chưa biết được kết quả của cuộc giải phẫu. Nhưng có một điều bác tin chắc, đó là cháu đã cứu được một người, và người đó không ai khác hơn đó chính là bác đây! Từ lâu, bác đã không đến nhà thờ, bác không còn nhớ đến Chúa và cũng không bao giờ cầu nguyện nữa. Thế nhưng, hôm qua khi nhìn thấy cháu cầu nguyện một cách thật sốt sắng, bác không cầm được nước mắt. Chúa đã đánh động bác. Sáng nay, bác đã đến nhà thờ xưng tội và chịu lễ. Bác tin chắc rằng Chúa đã nhận lời cháu. Cháu đừng lo lắng nữa. Hãy phó thác cho Thiên Chúa!”.

Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới hiểu rõ điều gì tốt đẹp chúng ta người ta làm cho nhau.

Chúa Giêsu đã làm cho mọi người phải kinh ngạc mà thốt lên: Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả”(Mc 7,27). Những việc tốt đẹp Chúa làm thì không sao kể cho hết được. Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy rất rõ điều đó.

Cha muốn kết thúc bài nói chuyện hôm nay bằng câu chuyện này. Câu chuyện được viết trong một cuốn sách mà cha rất thích. Đó là cuốn Những Tâm Hồn Cao Thượng. Đây là lời của một bà mẹ khuyên con.

Sáng hôm nay, lúc đi học về, con đi trước mẹ, con đã gặp một người đàn bà nghèo bế một đứa con nhỏ xanh xao yếu đuối và chìa tay xin con bố thí. Mẹ thấy con đã nhìn người ta bằng cặp mắt lạnh lùng và con đã chẳng cho bà ta gì cả và mẹ biết lúc ấy túi con đang có tiền. Nghe mẹ, con ơi!

Con đừng tập thói làm ngơ trước người nghèo khó ngửa tay xin con; hơn nữa con lại càng không nên bước qua một người mẹ xin ăn cho đứa con của mình. Con hãy nghĩ đến đứa trẻ thơ bụng đang đói, nghĩ đến sự đau khổ của người mẹ.

Mỗi khi mẹ bố thí cho kẻ nghèo thì bao giờ họ cũng cảm ơn và cầu chúc cho mẹ, cho cả nhà ta được mọi sự lành. Những lời chúc ấy nghe êm ái biết là dường nào! Và lòng tạ ơn họ không biết bao nhiêu.

Những lời cầu nguyện ấy sẽ thấu đến đấng Thượng đế để ngài phù hộ cho tất cả những người thân yêu của ta. Vì thế, mẹ trở về rất hài lòng và tự nhủ:

– Người ấy đã cho ta nhiều hơn là ta đãi họ!

Enricô ơi! Con hãy nghe lời mẹ: thỉnh thoảng con nên bớt một vài xu trong túi tiền của con để cho người già không chốn nương thân, người mẹ không có gạo, đứa trẻ không mẹ không có cha. Những kẻ nghèo khó thích xin trẻ con vì khi làm như thế họ không cảm thấy nhục, vì trẻ con cũng như họ là những người phải cần đến mọi người. Con có nhận thấy ở quanh trường con thường có nhiều kẻ ăn xin không? Sự bố thí của người lớn là một việc làm phúc, nhưng sự bố thí của trẻ con không những là một việc làm phúc mà còn là một sự vỗ về nữa, vì mỗi lần đứa trẻ đem cho thì hình như đồng tiền của nó có kèm theo một bông hoa ở trong tay nó rơi ra.

Con ơi! Con phải biết con có đủ cả, chứ kẻ khó thì thiếu hết. Khi con mong được sung sướng thì người nghèo chỉ cầu sao cho khỏi chết. Trong một đám người có bao nhiêu là nhà giàu, trong một dẫy phố có bao nhiêu người sang trọng qua lại, có bao nhiêu đứa trẻ ăn mặc xa hoa, thế mà mẹ vẫn còn thấy nhiều đàn bà và trẻ con đói khát, rách rưới! Thực đáng buồn thay!

Muốn cho người ta khỏi chê con là một kẻ vô tình thì từ sau, con đừng bước qua một kẻ khó mà không cho gì nhé.

Mẹ con.

Ðoạn Tin Mừng hôm nay khởi đi từ một câu chuyện nhỏ, chuyện những người Biệt Phái và luật sĩ thắc mắc về việc các môn đệ của Chúa không rửa tay theo tập tục của tiền nhân trước khi ăn. Qua câu trả lời, Chúa Giêsu đã muốn cho mọi người hiểu rằng cuộc sống có những việc còn quan trọng hơn những việc có tính cách tập tục và bên ngoài đó. Và cũng nhân câu chuyện này Chúa còn nói thêm về việc phải sống như thế nào mới là cuộc sống đẹp lòng Chúa và mang lại cho cuộc sống đó nhiều ý nghĩa hơn. Chúng ta tự hỏi Chúa muốn cuộc sống phải như thế nào?

I. Điều Chúa muốn chắc chắn không phải là cuộc sống sống giả tạo, cuộc sống không có sự ăn khớp giữa bên ngoài với bên trong của một con người.

Trong một chương trình buổi tối trên một kênh truyền hình Hoa Kỳ, một cô gái điếm đã được mời đến phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của những phóng viên. Cô trang điểm diêm dúa và mặc một chiếc váy cực ngắn. Cô đã tỏ ra không những bình tĩnh, mà còn khiêu khích trước những câu hỏi của phóng viên.

Chợt có một phóng viên nhìn thầy trên cổ của cô có đeo một sợi dây chuyền vàng với một cây Thánh giá thật đẹp, anh ta liền thay đổi một đề tài. Anh ta hỏi cô: “Tôi thấy cô đeo Thánh giá trên cổ, hẳn cô là người có Tôn giáo”.

Khán giả thấy rõ sự bối rối xuất hiện trên khuôn mặt cô, vì đây là vấn đề mà cô chưa bao giờ nghĩ tới. Sau một hồi do dự, cô trả lời: “Tôi không theo đạo nào cả”.

Người phóng viên hỏi dồn: “Vậy tại sao cô lại mang Thánh giá trên người?”.

Cô thinh lặng cúi xuống sàn nhà một hồi lâu, rồi trả lời: “Lúc nhỏ tôi có đạo, nhưng đó là chuyện xưa rồi”.

Một con người không còn tin Chúa nhưng vẫn đeo Thánh Giá của Chúa. Rõ ràng đó là việc không hợp lý tí nào. Cuộc sống như thế đáng cho mọi người gọi là cuộc sống giả hình. Và một cuộc sống với những phẩm chất giả tạo như thế nhất định sẽ chẳng đem lại niềm vui nào cho những người sống cuộc sống đó. Chính vì thế mà trong bài tin mừng hôm nay Chúa đã kịch kiệt lên án cuộc sống như thế. “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.”(Mc 7,7)

Ngày xưa thì như thế còn hôm nay thì sao?

Chắc anh chị em đã thấy ngày hôm nay người ta nói nhiều tới căn bệnh thành tích, căn bệnh phát sinh từ cuộc sống hình thức giả tạo mà ra. Bao nhiêu hệ lụy xấu xa đã phát sinh từ căn bệnh này thì mọi người chúng ta đã biết. Sống như thế có khác gì ngày xưa và nếu cứ sống mãi như thế thì chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ không thể tốt đẹp mà ngược lại nó sẽ là một cuộc sống gây nên nhiều đau khổ.

Rồi nhìn vào cuộc sống của thế giới hôm nay chúng ta thấy cũng chẳng kém gì. Đây là những nhận được Internet truyền đi khắp nơi như một hệ lụy của những lối sống mà con người hôm nay đang sống. Bên ngoài thì xem ra thật tốt nhưng nội dung thì có nhiều phải suy nghĩ. Tác giả gọi những nhận xét này là: “Những nghịch lý của thời đại chúng ta”

Chúng ta có những tòa nhà cao hơn, nhưng tư cách những người cư ngụ trong đó thì lại nhỏ hơn. Những con đường cao tốc rộng hơn, nhưng quan điểm của con người thì lại hẹp hòi hơn.

Chúng ta nói quá nhiều, yêu quá ít và ghét quá thường xuyên.

Chúng ta đã đi lên mặt trăng và quay trở về, nhưng lại cảm thấy phiền hà khi băng qua đường để gặp một người hàng xóm mới dọn đến.

Chúng ta làm trong sạch không khí, nhưng lại gây ô nhiễm tâm hồn của nhau.

Chúng ta viết lách nhiều hơn, nhưng học hành thì ít hơn.

Chúng ta dự tính nhiều hơn, nhưng thực hiện ít hơn. Chúng ta chỉ biết vội vã, mà không biết chờ đợi.

Chúng ta có thu nhập cao hơn, nhưng đạo đức thì lại thấp hơn.

Chúng ta trở nên thừa về số lượng, nhưng lại quá thiếu về chất lượng.

Đây là thời cơ có tới hai nguồn thu nhập từ cả hai vợ chồng trong gia đình, nhưng ly dị thì nhiều hơn; Thời của những căn nhà sang trọng, nhưng tổ ấm thì tan vỡ nhiều hơn.

Vâng nếu cuộc sống chỉ là như thế thì thật là tủi nhục cho Thiên Chúa khi Chúa đã cho chúng ta được làm người .

II. Vậy chúng ta phải sống như thế nào mới đẹp lòng Chúa?

Xin muợn một câu chuyện để trả lời. Chuyện kể rằng có hai nhà sư, một già một trẻ, cùng nhau đi xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một cô thiếu nữ rất đẹp đứng bên bờ một vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua nhưng không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư già liền bế thiếu nữ lên và đi qua vũng nước và bỏ cô ở phía bên kia. Rồi hai người tiếp tục cuộc hành trình. Trở về gần đến chùa, nhà sư trẻ trách bạn: “Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế?”. Nhà sư già trả lời: “Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, còn anh, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa”.

Câu chuyện ý nhị trên đã minh hoạ rõ nét ý hai lối thể hiện cuộc sống của mình: Một lối sống đạo theo hình thức và một lối sống đạo theo nội tâm. Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương. Thế mà ông vẫn cứ yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc. Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành.

Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do thái xưa cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những luật lệ theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Đối Với họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch.

Đức Giêsu đã trách họ là giả hình. Họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Đức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám, xấu xa.

Đạo Chúa không phải là hình thức. Đạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phao-lô dạy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoang. Giá như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tính đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi đến chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,1-3).

Lạy Chúa Giêsu,

xin giúp con biết bỏ đi những bề bộn nơi tim con.

Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,

hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,

bằng trái tim bao dung của Chúa.

Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,

trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn

để yêu mến mọi người.

Vì con biết rằng với tất cả tâm tình, con mới thực sự sống đạo. Với tất cả tâm tình, đạo mới đưa con đến gần Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Tin Mừng hôm nay vừa thuật lại cho chúng ta một cuộc đụng độ giữa một bên là Chúa Giêsu và một bên là những kinh sư cùng những người biệt phái.

Cha đố chúng con hai bên đụng độ với nhau về vấn đề gì nào?

– Thưa cha về vấn đề sạch dơ.

– Chúng con trả lời rất hay. Đúng là như vậy.

Trong cuộc đụng độ này cha thấy Chúa Giêsu của chúng ta đã có những nhận xét rất hay. Đây chúng con hãy nghe lại Lời Chúa: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”(Mc 7,14-15.21-23).

Bây giờ cha tiếp tục giải thích cho chúng con nghe.

Chúng con thấy ở trên đời này có rất nhiều hạng người.

1. Có những người bên ngoài rất đẹp nhưng bên trong không biết có đẹp không. Cha kể cho chúng con câu chuyện này xem chúng con thấy như thế nào.

Trong một chương trình buổi tối trên một kênh truyền hình Hoa Kỳ, một cô gái điếm đã được mời đến phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của phóng viên. Cô trang điểm diêm dúa và mặc một chiếc váy thật ngắn. Cô đã tỏ ra không những bình tĩnh, mà còn khiêu khích trước những câu hỏi của phóng viên.

Chợt nhìn thầy trên cổ của cô một sợi dây chuyền vàng to với một cây Thánh giá thật đẹp, người phóng viên liền thay đổi một đề tài. Ông hỏi cô: “Tôi thấy cô đeo Thánh giá trên cổ, hẳn cô là người có Tôn giáo”.

Khán giả thấy rõ sự bối rối của cô, vì đây là vấn đề mà cô không bao giờ nghĩ tới. Sau một hồi do dự, cô trả lời: “Tôi không theo đạo nào cả”.

Người phóng viên hỏi dồn: “Vậy tại sao cô lại mang Thánh giá trên người?”.

Cô thinh lặng cúi xuống sàn nhà một hồi lâu, rồi trả lời: “Lúc nhỏ tôi có đạo, nhưng đó là chuyện xưa rồi”.

Cha hỏi chúng con người con gái này đẹp ở bên trong hay bên ngoài.

2. Có những người bên ngoài xem ra chẳng đẹp tí nào, nhưng bên trong không biết có đẹp hay không thì cha để chúng con xét,

Trong mẩu truyện ngắn với tựa đề Đồng vọng được đăng trong tuyển tập bốn mươi truyện rất ngắn do hội Nhà văn xuất bản, tác giả Lã Thế Khanh đã kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa hai người mù: một bà lão ăn xin và một bé gái cũng ăn xin.

Bên một đống rác lớn, bà lão van vỉ xin khách qua đường giúp đỡ nhưng không có một hồi âm nào ngoài tiếng vo ve của mấy con nhặng xanh đang tranh ăn trên một chiếc lá bánh. Bà lão vẫn tiếp tục van vỉ điệp khúc cũ, nhưng càng về sau càng thống thiết, những câu nói rời rạc như rãi chảy ra từ khuôn miệng dúm dó, xệch xạc của bà.

Trong khi đó, tại một gốc cây sếu già, một bé gái ăn xin mù lòa đang thiu thiu ngủ, nó gối đầu trên một cái túi khâu bằng nhiều loại vải cũ, một cái bát sắt hoen dỉ thủng đáy nằm lăn lóc bên cạnh. Từ sáng sớm đến giờ chưa có gì trong bụng, cho nên cô bé đói rũ người, nó hy vọng giấc ngủ xua tan cái đói. Cô bé bỗng giật tót người: có một bàn chân nào đó dẫm lên người nó. Đang lúc đói mệt, cô bé gầm lên:

– Mù à, người ta nằm đó mà dẫm lên!

Bà lão ăn xin lại van vỉ:

– Bà mù, bà mù thật cháu à. Thôi bà đã trót, cho bà xin.

Lặng đi một lát, cô bé đưa hai tay sờ mặt mình, từ hai hốc mắt của nó những giọt nước mắt mặn chát chảy ra, nó ngập ngừng:

– Cháu… Cháu xin lỗi bà, cháu không biết bà như thế.

Bà lão ngúc ngoắc đầu như thể chấp nhận, rồi tiếp tục đi về phía có đông người. Ngẫm nghĩ điều gì đó, cô bé lấy trong túi áo ra tờ giấy bạc hai trăm đồng mất góc, quả quyết:

– Bà ơi? Cháu biếu bà này!

Nhưng gió thổi lá rơi vào nón, bà lão ngộ nhận cô gái dối mình, còn cô gái thì chờ mãi mà vẫn không thấy bà lão nhận tiền.

Cha hỏi chúng con cô bé mù trong câu chuyện trên thế nào? Có đẹp không? Bên trong hay bên ngoài.

– Dạ thưa cha…bên trong.

– Rất đúng! Ước gì chúng con cũng đẹp như thế. Cha thấy có nhiều thiếu nhi chúng con rất nghèo, nhưng chúng con lại sống rất tốt. Xin Chúa chúc lành cho chúng con.

3. Bây giờ cha hỏi: Chúa muốn chúng ta sống thế nào?

Cha nghĩ phải đẹp cả bên trong lẫn bên ngoài

Người ta kể một câu chuyện có tính cách ma quái như thế này. Có hai người bộ hành đi đường xa. Đêm đến họ phải vào một cái miếu để ngủ nhờ. Đây là một ngôi miếu nổi tiếng là nhiều ma quái. Bầu không khí lạnh lẽo đến rợn người, làm cho hai người khách bộ hành cảm thấy sợ khi đã vào trong miếu.

Trong hoàn cảnh này người không có đạo nói với người bạn có Đạo của mình rằng:

– Anh làm ơn cho tôi mượn cây Thánh Giá anh đang đeo ở cổ anh đi. Tôi sợ quá! Hy vọng rằng cây Thánh Giá của anh sẽ làm cho tôi bớt sợ.

Thế là người có đạo này gỡ cây thánh giá của anh đang mang ở cổ trao cho người bạn không có đạo mượn. Và rồi hai người cùng nằm nghỉ đêm.

Trời về khuya, con yêu tinh xuất hiện, nó rờ vào cổ của người có đạo, tính sát hại người này, nhưng nó bỗng thốt lên:

– Người này có trong mà không có ngoài.

Con yêu tinh có ý nói rằng người này là một người Kitô hữu đích thực, tuy không mang trong mình một dấu hiệu của Kitô giáo cả.

Qua người không có đạo, con yêu tinh chạm đến cây thánh giá người này đeo ở cổ, nó thốt lên:

– Người này có ngoài mà không có trong.

Con yêu tinh có ý nói rằng, người này tuy mang cây thánh giá ở cổ, nhưng không phải là người Kitô giáo đích thực.

Câu chuyện là như vậy! Chắc chúng con cũng thấy: Có rất nhiều người có đạo như chúng con. Bên ngoài xem ra họ rất tốt, thế nhưng không biết tâm hồn của họ có phải là tâm hồn của người có đạo đích thực không? Hay như chúng con, cha thấy cũng có nhiều đứa đeo Thánh Giá vàng trên cổ, mang chuỗi Mân côi nhỏ trên cổ tay nhưng không biết chúng con có thực sự tốt như Chúa Giêsu mong muốn không hay chỉ là cái vẻ bên ngoài.

 Xin Chúa cho tất cả chúng ta biết sống thật đẹp. Đẹp cả bên ngoài lẫn bên trong. Có như thế chúng ta mới xứng là Con của Thiên Chúa.

Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện đẹp này:

Năm 1914 một cuộc hỏa hoạn đã làm tiêu tan sản nghiệp của Thomas Edison. Chỉ trong một phút chốc bao nhiêu thiết bị và các tài liệu phát minh của ông đã trở thành mây khói.

Khi cơn hỏa hoạn vừa bộc phát, cậu con trai của ông là Charles đã vội chạy đi tìm Cha và đã nhìn thấy ông đang đăm chiêu trước ngọn lửa.

Tuy nhiên khi vừa trông thấy con, Edison đã gọi: “Charles, mẹ con đâu Con hãy đi kiếm mẹ con đến đây vì mẹ con sẽ chẳng còn bao giờ còn được thấy cảnh như thế này nữa trong cuộc đời của bà.”

Ngày hôm sau khi rảo quanh đống tro tàn của biết bao mơ ước và hy vọng, cụ già trên 60 tuổi đã thốt lên những lời rất cảm động như sau: “Cơn hỏa hoạn này thật là giá trị: Tất cả lỗi lầm của chúng ta đã được đốt sạch. Cám ơn Chúa đã cho chúng ta có dịp để bắt đầu làm lại.” Ba tuần sau ông cho ra đời chiếc dĩa hát đầu tiên. Amen.

Bài Tin Mừng hôm nay được coi như đoạn kết cho một câu chuyện tương đối dài trong TM của Gioan. Câu chuyện bắt đầu bằng một phép lạ rất đặc biệt được cả bốn Tin Mừng ghi lại. Đó là phép lạ bánh hóa nhiều. Sau phép lạ Chúa giảng một bài giảng rất đặc biệt với đề tài cũng rất đặc biệt. Đó là bài giảng về bánh hằng sống. Bài giảng này đã gây ra một sự phân hoá chưa từng thấy trong thái độ của những người nghe Chúa lúc đó. Ngoài thái độ của những kẻ đã có sẵn một ác ý và luôn thù nghịch với Chúa, chúng ta còn có thể thấy ba thái độ rất khác nhau về vấn đề này.

A. 1. Trước hết là thái độ của đa số quần chúng.

– Được Chúa cho ăn bánh no nê, họ cảm thấy vui. Hơn nữa họ còn muốn tôn Chúa lên làm vua để cai trị họ, với hy vọng họ sẽ có được một tương lai sáng sủa và oai hùng hơn.

– Chính vì quá mong mỏi một tương lai có tính cách trần thế như vậy cho nên khi thấy Chúa không đáp ứng được những mong ước của mình, dân chúng đã bắt đầu lạnh nhạt với Chúa. Khi Chúa nói với họ về một thứ bánh mà Chúa gọi là bánh hằng sống thì họ tỏ ra lãnh đạm lạ thường. Thái độ đó dần dần đã làm cho họ trở thành những người sẵn sàng đối đầu với Chúa sau này.

2- Thái độ thứ hai là thái độ của một số các môn đệ.

– Lý ra thì họ phải là những người hiểu Chúa, tha thiết với Chúa nhiều hơn. Cho dù những lời Chúa giảng có khó chấp nhận thì họ cũng phải luôn gắn bó với Chúa. Thế nhưng thật không may cho Chúa, Chúa mới chỉ đề cập đến một vấn đề hơi khó hiểu một chút thế mà họ đã bỏ Chúa, bỏ một cách không một chút nuối tiếc. Charles Erdman bảo họ bỏ Chúa vì họ thất vọng. Họ thất vọng vì Chúa không trở thành một nhà lãnh đạo chính trị như lòng họ vẫn thầm mong.

– Trước sự ra đi của họ, xem ra Chúa hơi đau xót một chút nhưng Chúa vẫn giữ nguyên thái độ và không chịu lùi bước.

3- Thái độ cuối cùng là thái độ của nhóm 12.

– Sau khi một số các môn đệ bỏ đi, Chúa hướng mắt của Người về nhóm 12.

– Phêrô đại diện cho tất cả nhóm nói lên một lời mà cho dù không phải là Chúa chúng ta cũng dư biết là Chúa rất vui lòng.

– Thái độ của Phêrô làm Chúa cảm động. Phêrô đã dứt khoát chọn Chúa… Một chọn lựa không có gì làm cho ông thay đổi.

B- Vấn đề của ta: Tại sao cùng đứng trước một Chúa Giêsu mà lại có nhiều thái độ khác nhau như thế? Tại vì những lời Chúa nói và vấn đề Chúa đặt ra khó tin quá.

+ Dân chúng không hiểu được vì họ không muốn hiểu.

+ Một số môn đệ không những đã không muốn hiểu mà còn cho đó là những lời quá chói tai nghe không được nên họ bỏ đi.

+ Chỉ còn lại một nhóm nhỏ tuy không hiểu nhưng vẫn tin và vẫn chấp nhận. Họ chấp nhận bởi vì họ cảm thấy không thể bỏ Chúa. Lòng tin của họ rất chân thành. Niềm tin của nhóm 12 chẳng khác gì niềm tin của Giosuê thuở xưa trong thời Cựu ước. Tại Sikem nơi mà trước đây Abraham đã dựng bàn thờ đầu tiên để dâng đất Canaan này cho Thiên Chúa (Kn 12,6), nơi mà Giacob và con cái của ông đã để lại rất nhiều kỷ niệm (Kn 33;35), nơi mà trước đây ông đã chọn để tuyên bố luật pháp. Chính tại nơi đây một lần nữa Giosuê biểu lộ lòng trung thành của ông và gia đình ông. Ông nói với những người Do thái như thế này: Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần khác mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA.”

Vâng đó là một chọn lựa thật đẹp, đẹp trong thái độ của ông và gia đình ông, và còn đẹp cả ở trong ý nghĩa nữa: “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA.”

Giosuê quả xứng đáng là một nhà lãnh đạo. Lòng tin và lòng trung thành của ông đã trào qua và thấm vào lòng của toàn dân. Dân chúng cũng cảm thấy họ không thể chọn con đường nào khác. Họ đã đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ ĐỨC CHÚA để phụng thờ các thần khác! Vì chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. ĐỨC CHÚA đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi dân tộc cũng như người E-mô-ri ở trong xứ. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”

Đó là những gì đã xẩy ra từ ngàn xưa, cách chúng ta cả gần 3000 năm.

Thế còn bây giờ thì sao?

Vào năm 1924 ở nước Anh, có một người tên là Eric Liddell. Eric Liddell là vận động viên xuất sắc trong môn chạy 100 mét. Mọi người đều hy vọng anh sẽ đem về cho quê hương chiếc huy chương vàng tại đại hội Olympic được tổ chức tại Paris nước Pháp năm đó. Nhưng rồi họ ngỡ ngàng bực tức khi nghe tin anh từ chối không tham dự đại hội đó. Lý do là vì đại hội đó tổ chức nhằm ngày Chúa nhật. Anh không thể bỏ lễ Chúa nhật để đi tìm một huy chương vàng. Mọi người đều gây sức ép trên anh. Cả hoàng tử xứ Walles cũng cố gắng thuyết phục anh đi dự đại hội đó. Thế nhưng anh nhất định không chịu đổi ý, báo chí Anh quốc cho anh là tên phản bội.

Vài năm sau, anh còn làm cho mọi người sửng sốt hơn nữa, khi anh đến Trung Hoa làm trong vai trò của một nhà truyền giáo.

Thế rồi thế chiến thứ hai xảy ra. Khi Nhật nhả̉y vào cuộc chiến, anh bị bắt và bị giam trong một trại tập trung. Tại đây anh vẫn tiếp tục việc mục vụ bên cạnh các tù nhân. Vài năm sau, anh đã anh dũng chết tại trại tập trung nầy. Năm 1980, có người đã dựng lên cuốn phim về cuộc đời hy sinh vì Chúa của anh. Cuốn phim tựa đề là “Chuyến xe chở lửa”.  Cuốn phim đã phá kỷ lục về lợi nhuận mà còn đoạt giải thưởng Hàn Lâm năm 1982.

Cuộc đời của Eric Liddell đã làm sáng tỏ thái độ dứt khoát mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ của Ngài trong bài Tin Mừng hôm nay.

Một khi đã quyết định theo Chúa Giêsu, Eric cứ nhắm thẳng phía trước mà tiến bước, không bao giờ ngó lại phía sau dù phải đối diện với áp lực khủng khiếp của dân chúng, dù bị gọi là tên phản bội.

Bí quyết nào giúp anh can đảm, trung thành bền đỗ đến thế?

Anh luôn thức dậy sớm mỗi ngày, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện. Đó là bí quyết của anh. Và chắc chắn đó cũng là bí quyết cho chúng ta, nếu chúng ta muốn làm môn đệ Chúa bền vững. Và “ai bền đỗ dến cùng sẽ được cứu thoát” (Theo “Sunday  homilies”).

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Đọc lại Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay, cha thấy có hai câu chuyện làm cha cảm động. Một câu chuyện trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Gio-suê của Cựu Ước. Một từ bài Tin Mừng với lời tuyên xưng trung thành theo Chúa của các tông đồ.

1. Trước tiên là câu chuyện trong sách Giôsuê. Câu chuyện hết sức cảm động. Đây chúng con nghe.

Được sinh ra từ Ai Cập, Giô-suê cảm thấy sự nhục nhã của thân phận tôi đòi, nô lệ. Được Chúa đưa ra khỏi Ai Cập cùng với toàn dân, ông luôn  luôn ở gần Môise và thi hành các chỉ thị của Ngài. Suốt cuộc đời, dù gặp gian nan thử thách, Giô-suê vẫn một mực trung thành với Chúa. Không bao giờ ông tỏ ra nao núng trước những cơn thử thách. Ông luôn tin tưởng. Khi Môise qua đời ông được Chúa chọn kế vị Moise. Ông dẫn dân vào miền đất hứa.

Chiếm được đất hứa xong, ông chia đất cho các chi họ.

Nhưng thói thường là sau khi đã được hưởng hòa bình thì người ta dễ dàng mắc phải những tật xấu. Thấy dân chúng đã dần dần quên Chúa, xa Chúa mà hướng về những thần bằng đất bằng đá. Ông nhóm họp các chi phái với các trưởng lão ở Sichem, nơi Apram lãnh lời hứa thứ nhất của Chúa sau khi đến xứ Canan.

Trước mặt các trưởng lão và các chi họ, ông bắt họ phải lặp lại giao ước mà từ bỏ mọi hình tượng.

Ông nói với toàn dân bằng những lời lẽ rõ rệt như thế này: “Ðức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này: “Thuở xưa, khi còn ở bên kia Sông Cả, cha ông các ngươi, đã phụng thờ các thần khác. Hôm nay nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Ðức Chúa, thì anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Ðức Chúa.”

Dân đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Ðức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Ðức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Ðức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”(Giô-suê 24,1-2a.15-18b)

Gio-suê và gia đình ông và cả dân It-ra-en đã chọn Chúa và hứa sẽ chỉ phụng thờ Người mà thôi. Thật là một thái độ rất đẹp và chắc chắn sẽ làm Chúa vui lòng.

Chúng con hãy noi gương Giô-suê và gia đình ông mà chọn và phụng sự Chúa.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này:

Vua Thánh LOUIS nước Pháp sau khi lên ngôi đã không ký tên vào các văn tự, sắc chỉ hay tài liệu là “Louis IX Hoàng Đế” như thói quen của các vị vua tiền nhiệm, nhưng đã ký tên mình là “Louis thành Poissy”. Được hỏi lý do tại sao lại ký như vậy, nhà vua trả lời: “Poissy là nơi tôi được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Tôi thường nhớ đến Nhà thờ nơi tôi được rửa tội ở thành này hơn là Nhà thờ chánh toà thành Reims, nơi tôi được lãnh nhận triều thiên để trở thành Hoàng Đế. Theo tôi, được trở nên con cái Thiên Chúa cao trọng hơn là được làm vua một đến quốc, bởi lẽ vì khi tôi nhắm mắt xuôi tay, tôi sẽ mất chức vua; nhưng được làm con cái Thiên Chúa là sổ thông hành đưa tôi vào cuộc sống vĩnh cửu”.

Chọn được Chúa là được tất cả.

2. Câu chuyện thứ hai.

Tin Mừng cho chúng ta biết khi Chúa Giêsu bắt đầu đi giảng đạo, ngoài những người được Chúa gọi tông đồ tức nhóm 12, còn có nhiều người theo Chúa nữa. Trong số những người này có một nhóm được gọi là môn đệ. Họ theo Chúa nhưng không phải vì Chúa mà vì họ. Họ mong muốn Chúa đem lại cho họ những lợi lộc trần thế. Chính vì thế mà khi thấy Chúa không phải là người đem lại cho họ những lợi lộc trần thế như họ muốn thì họ sẵn sàng bỏ Chúa.

Hôm nay sau khi Chúa giảng bài giảng về bánh hằng sống, nhất là khi Chúa quả quyết: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.(Ga 6,53-57)

Nghe Chúa nói thế họ buồn. Họ bảo lời đó nói chói tai quá, nghe không được và họ bỏ Chúa.

Chúa buồn nhưng Chúa không lùi bước. Quanh Chúa còn lại nhóm 12. Chúa quay lại hỏi họ.

– Cả chúng con, chúng con có muốn bỏ đi không ?

Phêrô đại diện cho các anh em mình thưa với Chúa:

– Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống.

 Câu trả lời của Phêrô đã làm Chúa cảm động.

Ông Phêrô và cả nhóm 12 đã chọn Chúa.

Các ông đã bỏ tất cả để đi theo Chúa.

Ông không thể bỏ Chúa để đi theo bất cứ ai, bất cứ cái gì.

Lý do ông đưa ra, vì Chúa có lời ban sự sống đời đời.

H. Homen Dixon kể lại, ngày xưa có một ông vua, ông có hai người con. Ông muốn thử xem con nào là đứa con khôn để ông trao lại quyền cai trị của ông sau khi ông qua đời. Ông lấy một viên kim cương thật quí gói trong một tờ giấy thật xoàng, rất khó coi – còn viên kim cương giả bằng thủy tinh thì ông bỏ vào một cái hộp rực rỡ. Sau đó ông gọi 2 người con lại. Ông cho người con cả chọn trước, cậu con cả nhìn hai gói, thấy gói xấu nên bỏ qua và anh ta đã chỉ tay vào cái hộp đẹp.

Sau đó đến phiên người con út. Nó nhìn vào hai món đồ. Sau một phút suy nghĩ nó nhìn cha nó và nó nói với cha “Thưa cha, xin cha lựa giùm con”.

Và vua đã tìm ra được người kế vị mình. Ngay sau đó nhà vua đã cho mở gói quà được bọc trong tờ giấy thật xoàng ra. Ai nấy đều ngỡ ngàng. Ngay sau đó nhà vua liền sai thợ làm một cái mũ triều thiên thật đẹp và viên kim cương thiệt được đính lên đó. Xong, nhà vua cho đặt cái triều thiên đó trong cái hộp bằng vàng đẹp hơn cái hộp trước ngàn lần. Cuối cùng vua triệu tập thần dân lại và tuyên bố “Mai sau con út ta sẽ được nối ngôi làm vua và sẽ dùng cái mũ kim cương quí giá này làm vương miện” ..

Chúng con yêu quí,

Chúng con hãy bắt chước ông Phêrô mà chọn Chúa. Chọn Chúa không phải vì Chúa giầu sang phú quí. Không phải để được Chúa ban cho chức cao quyền cả nhưng chọn Chúa vì yêu mến Chúa và nhất là để được Chúa ban Lời hằng sống đời đời để giúp chúng ta đạt được hạnh phúc vô cùng quí giá với Chúa mai sau. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng con vừa được nghe một đoạn Tin Mừng do thánh Gioan ghi lại.

Chẳng cần phải nói dài chúng con cũng thấy đây là đoạn Tin Mừng được trích từ bài giảng về Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu.

Nói thế có nghĩa là bài Tin Mừng hôm nay nối tiếp tư tưởng các bài Tin Mừng của ba Chúa nhật trước đây. Trong những bài Tin Mừng trước, chúng ta thấy Chúa đã tuyên bố những lời làm cho người nghe khó hiểu. Hôm nay những lời tuyên bố của Chúa lại càng làm cho người ta khó hiểu hơn.

Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa những lời tuyên bố của Chúa: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”(Ga 6,51).

1. Chúng ta phải hiểu lời Chúa làm sao?

Lời Chúa rõ ràng quá. Chúng ta không thể hiểu cách nào khác.

Khi người Do thái phản ứng: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52), người ta cứ tưởng Chúa sẽ dịu giọng lại, nhưng ai dè Chúa còn mạnh miệng quả quyết: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. (Ga 6,53-55)

Bằng nhiều phép lạ xuyên qua suốt dòng lịch sử của Giáo Hội chúng ta thấy những lời quả quyết của Chúa Giêsu là điều không thể hiểu cách nào khác.

Vào năm 700, lịch sử vẫn còn ghi lại. Tại Lanciano, Ý. Trong thánh lễ do một linh mục dòng Basiliô cử hành tại nhà thờ thánh Legozianô, vì một chút nghi ngờ đối với sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, cho nên, ngay sau khi đọc lời truyền phép, phép lạ đã xảy ra ngay trong tay vị linh mục: Bánh trở nên thịt sống và Rượu trở nên máu tươi rồi đông đặc lại thành năm cục to nhỏ.

Cho đến nay, sau 13 thế kỷ, người ta vẫn còn nhìn thấy rõ miếng bánh đã biến thành thịt có màu hơi nâu. Nếu nhìn dưới ánh sáng, ta sẽ thấy có màu hồng hồng, được đặt trong một mặt nhật bằng thủy tinh. Còn năm cục máu đổi thành màu vàng nghệ, được đặt trong một chén thánh cũng bằng thủy tinh, trưng bày trong nhà thờ thánh Legozianô – Lanciano, để khách hành hương tự do kính viếng.

Trong suốt dòng thời gian, giáo quyền đã cho làm nhiều cuộc thử nghiệm để kiểm chứng sự lạ này. Những cuộc giám nghiệm được tiến hành vào những năm 1574, 1637, 1770, 1886. Hai lần giám nghiệm mới đây nhất được tiến hành vào năm 1971 và 1981.

Rõ ràng là Chúa muốn hiến Mình và Máu Thánh Chúa làm lương thực nuôi linh hồn chúng ta.

Chỉ có một điều là làm sao chúng ta có thể “ăn thịt và uống máu” Chúa được?

Ở đây cha thấy Chúa thật khôn ngoan vô cùng. Chúa hiểu thật rõ, chẳng ai có thể làm như thế. Việc ăn thịt người từ xưa đến nay luôn là một điều mọi người ghê sợ và nhiều quốc gia cấm kỵ.

Vậy thì Chúa làm thế nào để giải quyết?

Thưa Chúa dùng con đường Bí Tích.

Sách Giáo lý chung viết rất hay: “Bạn hỏi: làm thế nào Bánh (1375) trở nên Mình Đức Kitô và Rượu trở nên Máu Đức Kitô? Tôi xin thưa với bạn: Chúa Thánh Thần ngự đến và thực hiện những điều đó, những điều vượt trên mọi lời nói và mọi tư tưởng”(1106).

Bí tích là sáng kiến độc đáo tuyệt vời của Chúa. Bằng Bí tích Thánh thể Chúa đã biến bánh thành Mình Thánh Chúa, rượu thành Màu Thánh Chúa để những ai tin Chúa có thể lãnh nhận một cách dễ dàng. Thiên Chúa có quyền làm như thế.

Khi thánh nữ Ghertrude suy niệm về bí tích Thánh Thể và tự hỏi làm sao Chúa có thể tự hạ mình xuống thấp như thế để hiện diện trên bàn thờ dưới hình bánh, thì chính Chúa Giêsu (2816) đã trả lời bà bằng câu chuyện sau:

Một hoàng tử nhỏ ở trong một lâu đài rộng lớn với đủ loại đồ chơi, ngày kia nhìn qua cửa sổ và thấy các đứa bé nghèo chơi trên đường. Thấy hoàng tử nhìn qua cửa sổ như thế, người giám hộ liền hỏi:

– Hôm nay hoàng tử muốn ở chơi trong lâu đài hay muốn ra ngoài chơi với các đứa bé trên đường phố?

– Tôi muốn ra ngoài chơi với chúng.

Được phép, hoàng tử khoác vào người bộ đồ cũ nhất và cả ngày chơi với các trẻ nghèo. Đây là một trong những ngày hạnh phúc nhất của cậu bé chốn cung đình.

Rồi Chúa nói với thánh Ghertrude:

– Ta giống như vị hoàng tử nhỏ kia. Ta muốn ở với con người, (788) đàn ông cũng như đàn bà. Bất cứ ai không đến với Mình Thánh hoặc ngăn cản kẻ khác đến rước lễ, kẻ ấy lấy mất đi của Ta một niềm vui lớn.

2.“Ta là bánh và là bánh trường sinh” (Ga 6,35,48).

Bánh trường sinh là bánh ban sự sống, không phải là sự sống của thân xác ở đời này – mà là sự sống muôn đời. Sự sống ấy bắt đầu ở đời này và tiếp tục mãi mãi về sau bất kể việc thân xác có bị kết thúc ở đời này bằng cái chết hay không. Đức Giêsu là bánh ban sự sống muôn đời vì Ngài là bánh hằng sống (Ga 6,51) – bánh có sự sống. Sự sống ở nơi Đức Giêsu là sự sống đã đạt tới mức độ hoàn hảo khi Ngài được phục sinh. Ngài được Cha ban cho sự sống dư tràn để rồi Ngài trở thành “Thần khí ban sự sống” cho chúng ta. (1Cr15,45).

Marthe Robin sinh năm 1902 tại Drôme (Pháp) trong một gia đình tiểu nông. Ngay từ nhỏ, sức khỏe của cô rất kém, nhưng bù lại tính tình lại luôn lạc quan vui vẻ. Năm 16 tuổi cô bị tê liệt, có lẽ vì bị viêm màng não. Luôn sống trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Sau hai năm chữa chạy, bệnh tình của cô đỡ hơn đôi chút. Năm 20 tuổi, cô cảm thấy như Chúa thúc đẩy muốn cô phải hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa qua việc chịu đau khổ. Năm 1925 tức năm cô được 23 tuổi, sức khỏe cô suy giảm trầm trọng, cô bị tê liệt hoàn toàn. Từ đó cô không thể rời khỏi giường. Cô luôn bị bệnh mất ngủ, không ăn uống gì được, chỉ rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày. Tháng 9.1923, trong một thị kiến, cô được chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Kitô và được in năm dấu thánh trên mình. Kể từ đó cứ vào ngày thứ sáu hàng tuần, cô bước vào cuộc thương khó của Chúa Kitô. Cô chỉ còn sống nhờ tình yêu và cho tình yêu Chúa Kitô thôi. Năm 1940, cô bị mù hoàn toàn. Năm 1980, cột sống cô bị vẹo đi, khiến cô bị đau đớn vô cùng. Cô qua đời ngày thứ sáu đầu tháng 6 năm 1981 thọ 79 tuổi. 56 năm không ăn không uống gì, chỉ sống nhờ việc rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày.

Chúng ta hãy hết lòng yêu mến Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Thánh Don Bosco có lòng yêu mến phép Thánh Thể nồng nàn. Hằng ngày ngài dành thời giờ để viếng Chúa, cả khi lúc về già, sức yếu lực tàn ngài vẫn giữ thói quen ấy. Những lúc chân ngài bị đau, ngài phải cố gắng lắm mới qùy được. Khi ngài sốt sắng cầu nguyện thì mặt ngài sáng lên như một thiên thần. Mỗi lần đi qua nhà thờ, ngài đều giở mũ ra chào. Ngài khuyên các linh mục nên đọc kinh thần tụng trước Thánh Thể. Đối với các thanh thiếu niên, Ngài luôn cổ vũ các em yêu mến Mình Màu Thánh Chúa. Ngài nói:

– Nếu chúng con muốn Chúa ban cho chúng con nhiều ân sủng, hãy năng đến viếng Ngài. Nếu chúng con ít đi viếng Chúa, ma quỉ sẽ tấn công chúng con. Nếu chúng con muốn ma quỉ xa lánh chúng con, chúng con hãy siêng viếng Chúa. Nếu chúng con muốn chiến thắng ma quỉ, chúng con hãy ẩn núp dưới chân Chúa Giêsu. Nếu chúng con không viếng Chúa, chúng con sẽ thua ma quỉ. Chúng con thân mến, siêng năng viếng Thánh Thể là một phương thế hữu hiệu để chiến thắng ma quỉ. Hãy cố gắng siêng năng viếng Chúa Thánh Thể thì ma quỉ sẽ không thể chiến thắng chúng con được. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí

Cha hỏi chúng con: Ai sinh ra chúng con nào?

– Dạ thưa, cha mẹ.

– Đúng! Cha mẹ sinh ta chúng con. Cha mẹ sinh ra chúng con để chúng con làm gì?

– Thưa để làm người.

– Cũng rất đúng!

– Cha hỏi thêm, khi chúng con được lãnh Bí Tích Rửa tội chúng con trở thành ai?

– Thưa cha, chúng con trở thành Con Thiên Chúa.

– Rất hay! Sau khi được chịu phép Rửa tội, chúng ta thành Con Thiên Chúa, tuyệt với quá. Mình là người mà lại được trở thành Con Thiên Chúa.

Như vậy là mỗi người chúng ta có hai tư cách: Một làm con người, một làm con Thiên Chúa!

1. Bánh của con người.

Khi làm người chúng ta mỗi người đều có một thân xác. Thân xác của chúng ta muốn sống thì phải ăn.

Trong bài nói truyện tại sở y tế thành phố HCM ngày 28.8.1980, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa cho biết: “Giống như cái cây cần hút chất nuôi dưỡng từ lòng đất để phát triển, con người cũng cần thông qua ăn uống, có đầy đủ chất dinh dưỡng mới có thể sống, phát triển và hoạt động bình thường.

Nhu cầu dinh dưỡng gồm 3 loại:

– Một là nhu cầu để tạo cơ thể.

– Hai là nhu cầu để tạo nhiệt lượng cần thiết cho hoạt động.

– Ba là nhu cầu bảo vệ cơ thể.

Không ăn uống con người không thể tồn tại.

Ăn uống không đủ thì con người không thể sống khỏe mạnh.

Con người không thể sống mà không có cơm bánh.

Đây là câu chuyện có thực. Câu chuyện về một nhà thám hiểm. Sau hai ngày lang thang trong sa mạc, nhà thám hiểm nọ đã cạn hết lương thực, cũng như cạn sức hết sức lực cùng niềm hy vọng. Ông ta cố gắng lê gót đi thêm một ngày nữa, nhưng chung quanh chỉ thấy cát và cát. Cuối cùng, ông cũng đã đến được một ốc đảo. Sau khi xoa dịu được cơn khát, ông lại bị cơn đói hành hạ. Chính lúc đó, ông chợt thấy một bị da đóng kín nằm lăn lóc nơi ông đang quằn quại vì đói. Ông hy vọng tìm được trong cái bị da mà ai đó đã vất lại, một chút gì để ăn, để rồi có thể đi cho hết cuộc hành trình qua xuyên sa mạc. Ông cố mở bị da ra và mắt ông hoa lên. Thay vì lương thực là điều bây giờ ông đang cần thiết nhất, thì ông lại chỉ thấy trong bị toàn là kim cương. Trong nỗi thất vọng ê chề của cơn hấp hối, ông đã cay đắng thốt lên: “Giữa chốn sa mạc tôi đang chết đói thế này thì kim cương mà để làm gì?”

Ít lâu sau, một đoàn thám hiểm khác băng sa mạc ngang qua chỗ ấy, họ thấy một bộ xương đang ôm chặt cái bị da, trong đó có cả một kho tàng nhưng nó đã trở nên vô ích đối với người chết đói trong sa mạc.

Câu chuyện Elia vừa nghe cho chúng ta thấy việc ăn uống cần thiết như thế nào.

Chuyện kể rằng sau khi đã chiến thắng 450 ngôn sứ Ba-an và tiêu diệt họ, ngài bị vua A-khap dùng tay bà I-de-ven lùng bắt. Thấy mạng sống mình lâm nguy, ngài đã bỏ trốn. Khi tới Bơ-e Se-va thuộc Giu-đa, ngài để đứa tiểu đồng lại đấy, còn ngài thì đi một ngày đàng trong sa mạc. Ngài đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ngài xin cho được chết và nói: “Lạy Ðức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.” Rồi ngài nằm dưới cây kim tước đó và thiếp đi. Nhưng này có một thiên sứ đụng vào người ngài và nói: “Dậy mà ăn!” Ngài đưa mắt nhìn thì thấy ở phía đầu ngài có một chiếc bánh nướng trên những hòn đá nung và một hũ nước. Ngài ăn bánh, uống nước, rồi lại nằm xuống. Thiên sứ của Ðức Chúa trở lại lần nữa, đụng vào người ngài và nói: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa.” Ngài dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ngài đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa. (1Vua 19,4-8)

Như vậy chúng con thấy tiên tri Isaia nhờ được ăn bánh Thiên Chúa ban mà đi hết được đoạn dường dài để đến nơi Chúa chỉ định.

2. Bánh của những người là con Thiên Chúa.

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã nói cho chúng ta về một loại bánh mới mà Chúa gọi là bánh trường sinh: Bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời (Ga 6,50-51).

Thứ bánh mà Chúa nói đây là bánh cho linh hồn.

Nếu thân xác con người cần một thứ bánh vật chất để sống cuộc sống làm người trên trần gian này thì linh hồn con người cũng thế! Linh hồn cũng cần một thứ bánh mà Chúa gọi là bánh trường sinh để có thể sống cuộc đời làm Con Thiên Chúa ở đời và nhất là đời sau được hưởng cuộc sống đời đời với Chúa.

Như vậy chúng con thấy: Đối với Chúa, cả hai cuộc sống đều quan trọng. Nếu chỉ lo cho cuộc sống đời này mà đánh mất cuộc sống đời sau thì thật là thảm bại, chính Chúa đã cảnh cáo mọi người về điều đó. “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26)

Cuộc sống đời này sớm muộn gì cũng phải kết thúc bằng cái chết. Chẳng ai sống mãi trên cõi đời này. Khi sự chết đến thì tất cả đều phải nhường bước.

Vua Charles Quint (1519 – 1558) thân hành đến thăm vị quan trung thành nhất đang yếu nặng khó qua khỏi. Để tỏ ra biết ơn người đã suốt đời tận tụy với mình, Vua nói:

– Khanh có thể xin trẫm ơn nào cũng được. Trẫm muốn thưởng lòng trung thành của khanh và làm nhẹ phần nào cơn đau của khanh.

Nghĩ ngợi một lát kẻ liệt đưa mắt nhìn vua và nói:

– Tâu Hoàng thượng, hạ thần chỉ ao ước được sống thêm mấy ngày thôi, chẳng muốn xin gì khác nữa.

Vua Charles nói:

– Việc đó quá sức ta, vua chúa trên đời đều chịu, không tài nào kéo dài hơn sự sống thêm một giây.

Nghe vua trả lời như vậy, kẻ liệt quay vào vách, thở dài, và vừa rướm nước mắt vừa nói: “Tôi thực là ngu dại, tôi đã cống hiến cả một đời để phụng sự nhà vua, thế mà vua không thể cho tôi sống thêm một ngày. Giả như tôi khôn ngoan hơn đem cái đời dài ấy mà phụng sự Thiên Chúa thì chẳng những Chúa có thể cho sống thêm mà lại cho cả sự sống đời đời nữa.”

Bởi vậy mỗi người phải biết chăm lo cho cuộc sống đời đời mai sau. Làm sao để cho cuộc sống đời này chấm dứt, chúng ta được trở về trời với Chúa.

Để kết thúc cha muốn gửi đến chúng con câu chuyện này.

Một ngày nọ, triết gia Diogenes (412BC-323BC) của Hy Lạp đến giữa chợ thành Athène của nước Hy Lạp dựng lên một chiếc lều. Ngay trước lều ông gắn một cấm bảng có ghi đậm hàng chữ này: “Ở đây có bán sự khôn ngoan”.

Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều, đọc được lời rao báo đó, mới cười thầm trong bụng… Muốn biết đằng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.

Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ… Anh đưa cho Diogenes 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogenes nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau: “Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: “Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.

Nhận được lời khôn ngoan đó, vị khoa cử thành Athène vô cùng thích thú nên ông đã cho viết và treo lên trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông cũng đều có thể đọc thấy…“Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.

Mỗi người chúng ta cũng vậy. Hãy luôn nghĩ tới đời sau của mình, sống cho thật xứng đáng để mai sau khi Chúa đến gọi, chúng ta sẳn sàng để về Thiên đàng với Chúa. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Bài Tin Mừng hôm nay là bài Tin Mừng rất hay nhưng hơi khó cắt nghĩa.

Cha đố chúng con qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa muốn nhắn gửi chúng ta điều gì?

……………………………….

Hơi khó phải không chúng con.

Đây cha cố gắng cắt nghĩa cho chúng con.

1. Trước hết chúng con hãy nhớ lại hoàn cảnh câu chuyện lúc đó đã.

Thế hoàn cảnh hôm ấy như thế nào?

Hôm ấy Chúa vừa mới làm một phép lạ lớn: Chúa biến 5 chiếc bánh và hai con cá do một em bé dâng tặng ra nhiều, nhiều đến mức độ hơn 5000 người ăn mà vẫn còn dư.

Đứng trước việc lạ lùng ấy dân chúng cảm thấy hết sức phấn khởi. Họ muốn tôn Chúa lên là vua của họ. Thế nhưng Chúa đã không muốn điều đó. Chính vì thế mà Chúa đã trốn họ, bỏ họ mà đi. Chúa đi cùng với các môn đệ của Ngài bằng thuyền mà qua bờ biển bên kia trước. Dân chúng thấy vậy. Họ cũng chẳng chịu thua. Họ lại lên thuyền và đi tìm kiếm Chúa. Họ không muốn Chúa bỏ họ. Thật vậy, họ mong được Ngài cho ăn tiếp. Chúa Giêsu không bằng lòng với thái độ đó nên khi gặp lại họ Ngài nói thẳng:“Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”Khi nói điều đó, Chúa Giêsu không muốn nói là việc cần có bánh để ăn là xấu nhưng Chúa muốn cho người mọi người hiểu rằng: Đừng tìm Chúa với thái độ tầm thường như thế nhưng hãy đến với Chúa bằng một thái độ cao cả hơn. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Ðấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”.(Ga 6,27).

2. Quả đúng như thế chúng con. Lương thực của trần gian thì mau hư nát lắm.

Tại sao Chúa nói như vậy?

Bởi vì lương thực của trần gian dù quí giá đến đâu đi nữa cũng không thể bảo đảm mãi mãi cho sự sống của con người được.

Ai trong chúng con có điện thoại, giơ tay cha coi!

Chúng con có bao giờ nghe thấy cái tên Steve Jobs không?

Steve Jobs là một trong những người sáng chế ra điện thoại mang nhãn hiệu Apple nổi tiếng trên thế giới. Ông là người có trong tay hơn 7 tỷ USD cổ phiếu. Khi gần chết Jobs đã để lại cho những người đang sống lời nhắn nhủ này: Cái giường nào đắt giá nhất trên đời? Đó là giường bệnh viện, vì nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xế lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh thay cho bạn. Mất tài sản mình có thể tìm lại được, nhưng có một cái khi đã mất thì không thể tìm lại được: sự sống. Dù đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời, cuối cùng, tất cả phải đối diện khi bức màn sự sống kéo xuống”.

Một vị hoàng đế thời trung cổ có đầy đủ giàu sang danh vọng, trong giây phút nằm liệt trên giường và biết mình sắp chết đã thều thào nói lên ước nguyện của mình như sau: “Nếu bảo tôi đem đổi tất cả tiền của danh vọng đang có, để đổi lấy thêm vài giờ sống trên trần gian này tôi cũng sẽ đổi.” Hơn ai hết, chính lúc phải kết thúc cuộc sống trên trần gian này, vị hoàng đế giàu sang kia mới hiểu rằng: Sự sống là điều quí giá nhất không gì có thể đánh đổi được.

Chúng con hay nghe câu chuyện này nữa: Câu chuyện người ta kể về Hoàng đế Charles Quint của Đế quốc Đức ngày xưa. Đây là một giai thoại như sau rất đẹp về hoàng đế:

Sau nhiều năm tận tụy hy sinh phục vụ Hoàng đế, một vị trung thần của ông ngã bệnh và đang chiến đấu với tử thần. Để tỏ lòng biết ơn và cảm mến đối với con người đã suốt đời trung thành với mình, Hoàng đế Charles Quint đã đích thân đến ngay bên giường bệnh của ông. Cầm tay vị trung thần, Hoàng đế nói:

– Khanh đã hết dạ phục vụ trẫm, nay trẫm xin được dịp đền đáp, khanh hãy cho trẫm biết khanh mong ước điều gì, trẫm sẽ thỏa mãn yêu cầu của khanh.

Trong hơi thở đứt đoạn, vị trung thần liền tâu:

– Thần ước ao nhận được từ tay bệ hạ một ân huệ.

Đôi mắt Hoàng đế như sáng lên, ông hỏi nhanh:

– Khanh cứ nói, ân huệ gì trẫm cũng ban cho khanh.

Kẻ hấp hối nói một cách chua xót:

– Xin bệ hạ hãy ban cho hạ thần một ngày sống nữa, chỉ một ngày thôi.

Nghe xong lời của vị trung thần, Hoàng đế Charles chỉ biết lắc đầu chán nản:

– Trẫm đã được xem là quân vương quyền thế nhất trên thế gian này, nhưng điều khanh xin hoàn toàn ở ngoài tầm tay của trẫm, chỉ Thiên Chúa mới có thể ban và bảo đảm hồng an sự sống mà thôi.

Trong tiếng thở dài, vị trung thần mới thốt lên như một lời nhắn nhủ cho chính hoàng đế:

– Thật là vô ích cho tôi, vì tôi đã điên dồ đến độ không biết dành nhiều thời gian hơn để phục vụ Chúa, mà lại hoang phí thời giờ trong việc phục vụ các vua chúa trần gian”.

Đó chúng con thấy: Ngay sự sống trần gian mà con người còn phải lệ thuộc vào Thiên Chúa thì huống chi là sự sống trường sinh mà Chúa hứa cho những ai biết tìm kiếm Chúa.

Chính vì thế mà Chúa bảo: Các ông hãy ra công làm việc để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông” (Ga 6,27)

Thứ lương thực này là lương thực nào thì trong các bài Tin Mừng của 3 Chúa Nhật tiếp theo Chúa sẽ nói cho mọi người.

Ngày hôm nay chúng ta hãy đáp lại lời Chúa kêu gọi. Khi người Do thái hỏi Chúa “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? thì Chúa đã trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Ðấng Người đã sai đến”.(Ga 6,28-29)

Hãy tin vào Chúa Giêsu. Tin vào Chúa Giêsu chúng ta sẽ thấy những điều kỳ diệu Chúa làm cho chúng ta.

Lịch sử còn ghi: Mézeray là một sử gia danh tiếng tại làng Ri nước Pháp vào năm 1610-1689. Cả đời ông không tin có thần thánh, hơn nữa ông còn cho đạo công giáo là mê tín dị đoan. Năm 1683 lúc ốm nặng nằm trên giường bệnh, thấy mình sắp chết, ông đã nhờ người nhà mời linh mục đến dạy đạo và rửa tội cho ông. Hay tin này, các bạn thân đến khuyên bảo và can ngăn. Nhưng sử gia Mézeray đã bảo họ rằng:

– Này các bạn, như các bạn đã biết cả đời tôi không tin tưởng thần thánh. Nhưng những năm nằm trên giường bệnh chờ thần chết, tôi thấy nảy ra trong đầu óc thắc mắc này: Tại sao tôi phải chết giữa lúc tôi còn đang muốn sống? Ai bắt tôi phải chết giữa lúc tôi còn chưa muốn chết? Các bác sĩ thời danh nhất cũng không thể chữa tôi khỏi chết được? Chính các bác sĩ đã chữa cho nhiều bệnh nhân được khỏi, nhưng tới phút cuối cùng các ông cũng không thể chữa mình cho khỏi chết được. Thắc mắc này, khoa học không thể giải đáp cho tôi được, nên tôi phải tìm đạo công giáo để tin Thiên Chúa. Vậy các bạn hãy tin tôi: Mézeray lúc sắp chết đáng tin hơn Mézeray lúc khỏe mạnh.

Hãy tin Chúa! Đó là điều Chúa muốn. Phải tin thật mạnh mới thấy được những việc kỳ diệu Chúa làm cho chúng ta.  Amen.