Bài giảng thiếu nhi: Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, Năm A
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Chúng ta vừa nghe Lời Chúa trong Tin Mừng Matthêô.
Cha đố chúng con hôm nay Lời Chúa nói với mọi người về vấn đề gì nào?
– Thưa cha về vấn đề sám hối.
– Chúng con giỏi. Chúng con trả lời rất hay. Cha khen chúng con.
1. Sám hối là gì?
Chúng con hãy nghe câu chuyện có thực này: Đài truyền hình Nhật bản trước đây đã trực tiếp trình chiếu hình ảnh của Ban quản trị một công ty dược phẩm tại Nhật bản đã quì gối gục đầu xuống sàn nhà để nhận tội. Trong hình ảnh mà thán thính giả trên toàn nước Nhật đã thấy được, toàn bộ Ban quản trị của một công ty cung cấp máu có tên là “Thập tự xanh” đã ra trước ống kính truyền hình để thú nhận vai trò của họ trong việc phân phối máu có nhiễm vi rút HIV hồi năm 1986 làm cho nhiều người phải mang bệnh sida. Sau khi chủ tịch của công ty đọc lời thú tội, thì trong đám đông có tiếng la lớn: “Hãy qùi xuống”. Đó là tiếng kêu của một trong những nạn nhân của hành động thiếu trách nhiệm trên đây. Liền sau đó, một người khác cũng hô lớn: “Hãy nhận lấy trách nhiệm của các ngươi về tội ác”. Tức khắc, ông chủ tịch và 5 người trong Ban quản trị công ty đã quỳ gối trước mặt cử tọa và gục đầu xuống sàn trong vòng mười phút để nhận tội và tỏ dấu sám hối.
Biết mình có tội, can đảm nhận tội, thành khẩn xin tha tội và quyết tâm sửa lại tội lỗi hay lỗi lầm của mình. Làm được như thế chúng ta gọi là sám hối. Đây là điều làm cho con người khác với ma quỉ.
Satan phàn nàn với Chúa:
– Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điếu sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời.
Chúa nói:
– Đã bao giờ ngươi ăn năn xin tha thứ chưa?
2. Tại sao phải sám hối.
Một ngày nọ, một nhà báo đã hỏi mẹ thánh Têrêsa một câu hỏi kỳ lạ. Anh ta hỏi rằng:
– Ngay cả Mẹ cũng xưng tội sao?
Tôi trả lời:
– Vâng, đúng vậy, tôi đi xưng tội mỗi tuần
Tỏ ra ngạc nhiên, anh ta nói:
– Chúa hẳn phải khắt khe lắm bởi đến Mẹ mà cũng phải xưng tội.
Tôi hỏi lại:
– Đứa con bé bỏng hiền ngoan như thiên thần của anh đôi khi cũng làm điều sai. Vậy anh nghĩ gì nếu một ngày, con anh đến gặp anh và nói: “Cha ơi, con xin lỗi? Anh sẽ làm gì? Anh sẽ vòng tay ôm lấy đức nhỏ và hôn nó. Tại sao vậy? vì đó là cách anh nói với con rằng anh yêu nó. Chúa cũng làm vậy. Ngài yêu tôi thật dịu dàng”. Ngay cả khi phạm phải điều lầm lỗi, chúng ta hãy cho phép mình đến gần hơn với Chúa. Chúng ta hãy nói với Ngài: “Con biết lỗi lầm làm con xa Cha, con không xứng đáng làm con Cha nữa, nhưng con vẫn cầu xin được tha thứ”
Nếu chúng ta mắc phải lỗi lầm hãy tìm đến Chúa và nói: “Con xin lỗi, con thực sự hối tiếc”. Chúa là một Người Cha khoan dung. Lòng nhân từ của Ngài còn lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Ngài sẽ tha thứ cho ta.
Thiên Chúa không mong chờ nơi con người điều gì khác hơn là tấm lòng sám hối: “Chúa ở bên những người sám hối, và cứu chữa những ai sầu khổ” (Tv 33,19). Chính lòng sám hối chân thành đã đem lại niềm vui cho cả Thiên đàng: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,7).
3. Bài học về lòng sám hối.
Chúng con hãy cùng cha suy nghĩ vể câu chuyện cảm động này. Câu chuyện có tên là: Tìm lại giá trị của cuộc đời, ở giây phút cuối”
Làm cảnh sát hơn 20 năm, từng chạm trán với vô số tội phạm nhưng ký ức về một lần truy đuổi khiến tôi suốt đời không quên.
Hôm ấy, tôi mặc thường phục đi tuần trên phố. Tôi nhìn thấy một gã thanh niên tóc dài đang bám theo sau một phụ nữ trung niên. Dựa trên trực giác của người cảnh sát, tôi đoán gã kia là một tên trộm. Quả nhiên đúng như sự dự đoán của tôi, ở chỗ rẽ gần siêu thị, hắn ta thò tay vào túi của người phụ nữ. Tôi nhanh chóng xông đến nắm chặt cái tay đang chuẩn bị rụt lại của hắn. Khi tôi rút chiếc còng từ phía sau lưng, thì hắn lùi lại một bước, bất ngờ dùng tay kia đấm thẳng vào mặt tôi, rồi co chân bỏ chạy.
Tôi vừa đuổi vừa kêu: “Bắt trộm, bắt trộm”. Lúc bấy giờ, trên đường phố có rất đông người, nhưng ai nấy đều hốt hoảng tránh ra hai bên, sau đó bàng quan đứng nhìn. Tên trộm chạy mỗi lúc một xa, nhưng chẳng có ai chịu giúp tôi một tay. Đúng lúc tôi bắt đầu nản chí, thì trước mặt tôi xuất hiện một cảnh tượng kịch tính. Từ trong đám đông, một người ăn mày chạy ra, giơ ngang chiếc gậy cản đường tên trộm. Bị tấn công bất ngờ, tên trộm ngã sõng xoài xuống đường. Người ăn mày lại xông đến, ôm chặt lấy chân tên trộm. Tên trộm thấy vậy liền bò dậy, rút dao đâm người ăn mày. Đúng lúc đó, tôi chạy đến, đấm thẳng vào mặt tên trộm.
Người ăn mày được đưa vào bệnh viện. Một lúc sau, bác sỹ từ trong phòng cấp cứu bước ra nhìn tôi, lắc đầu thất vọng. Người ăn mày được đưa ra khỏi vòng cấp cứu, hơi thở anh ra rất yếu ớt. Tôi nắm chặt lấy tay anh ta, nghẹn ngào nói:
– Tôi xin lỗi xin anh.
Người ăn mày mở to mắt, dùng chút sức lực cuối cùng, thều thào nói với tôi:
– Tôi phải cảm ơn anh. Trước đây tôi cứ nghĩ mình sẽ lặng lẽ chết đi giống như một con chó. Chính anh đã giúp tôi có cơ hội để trở thành một người đàn ông thực sự. Tôi cảm thấy mình không sống uổng phí.
Mọi người có mặt ở đó đều rơi nước mắt.
Người ăn mày đã ra đi. Ra đi một cách oanh liệt, ra đi một cách đáng được trân trọng. Trong giây phút cuối cùng, anh đã tìm lại giá trị cho cuộc sống người ăn mày vốn dĩ bị coi là thấp hèn. Anh dùng cái chết để đổi lấy sự thừa nhận của xã hội đối với anh, cùng với sự tôn nghiêm của người đàn ông.
Người ăn mày đã ra đi. Ra đi một cách oanh liệt, ra đi một cách đáng được trân trọng. Trong giây phút cuối cùng, anh đã tìm lại giá trị cho cuộc sống người ăn mày vốn dĩ bị coi là thấp hèn. Anh dùng cái chết để đổi lấy sự thừa nhận của xã hội đối với anh, cùng với sự tôn nghiêm của người đàn ông.
Người ăn mày này đã làm được một việc mà nhiều người khác trong xã hội không làm được đó là đã làm cho cuộc đời của mình trở thành ý nghĩa.
Nếu chúng ta cũng biết làm tương tự như thế khi chúng ta thấy mình có lỗi với Chúa bằng lòng sám hối ăn năn, chắc chắn Chúa sẽ ban ơn tha thứ và phần thưởng Thiên đàng cho chúng ta. Amen.