Bài giảng thiếu nhi: Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm C

Chúng con yêu quí,

Câu chuyện chúng con vừa nghe chúng con có thấy hay không?

– Hay quá đi mất!

Đây là câu chuyện về một gia đình. Gia đình này có một người cha và hai người con. Theo ý của Chúa trong bài dụ ngôn thì rõ ràng là cả hai người con này đều là những người đáng trách.

Câu chuyện xảy ra xem ra có vẻ rất bất ngờ.

Hai anh em cùng chung một cha. Người em bỏ nhà ra đi vì anh ta quyết định sống cuộc sống riêng của anh ta.

Sau thời gian một mình một cõi, sống buông thả say sưa tiêu hết tiền bạc mình có, thì cuộc sống anh ta rơi vào tình trạng hết sức bi đát. Hết tiền hết bạc thì hết bạn bè, hết mọi thứ mà anh ta mơ tưởng như trước khi bỏ nhà ra đi. Lần đầu tiên trong đời anh ta phải giáp mặt với những cảnh phũ phàng và nhiều đau khổ như thế. Anh ta phải đi làm nghề chăn heo, muốn được ăn những thứ heo ăn cho đỡ đói nhưng cũng không được. Thật là một thảm hoạ.

Rất may là anh ta đã biết nghĩ lại. Anh ta đã hiểu được lỗi lầm của mình. Anh ta hiểu thật rõ những gì anh ta đã làm mất. Và anh ta quyết định trở về nhà. Thái độ lúc này của anh ta thật khiêm tốn và xem chừng có cả một chút sợ hãi. Anh ta xưng thú tội trước mặt người đang giơ tay đón nhận anh. Người ấy chính là cha anh. Người cha đã tha thứ và ban lại cho anh danh nghĩa là con, và ôm chặt anh trong vòng tay yêu thương của mình.

Chúng con thấy người cha đó là một người cha thế nào? Thật là tuyệt vời. Không một lời trách móc. Không một cử chỉ buồn lòng. Trái lại còn hoan hỉ vui vẻ tổ chức tiệc tùng mừng anh trở về.

Câu chuyện được tiếp tục như sau: Người anh cả đi làm về và khi nghe biết những gì đang xảy ra trong nhà. Anh nổi giận. Anh trả lời với người cha đến yêu cầu anh tham gia vào cuộc vui: “Con làm việc như một kẻ làm thuê, con vâng lệnh cha thế mà cha chẳng cho con cái gì đặc biệt cả. Nhưng đứa con của cha kia đã bỏ cha mà ra đi nay trở về, thì cha mở tiệc ăn mừng để đón tiếp anh ta “.

Anh con cả này là một kẻ không tự xem mình như con cái mà chỉ là một kẻ làm thuê. Người cha kia không phải là cha của anh ta nhưng là một ông chủ. Một ông chủ khắt khe, đòi hỏi, chỉ biết ra lệnh.

Và khi người cha trả lời: “Con ơi, con luôn luôn ở với cha và bao giờ cha cũng cho con dư đầy mọi sự. Đối với con, lúc nào cũng là tiệc ăn mừng cả. Nhưng em con đã mất đi và nay tìm lại được. Chẳng phải là chuyện bình thường khi chúng ta vui mừng và mở tiệc vì chúng ta lại được đoàn tụ ư?”.

2. Cha hỏi chúng con, Chúa Giêsu kể câu chuyện này để làm gì?

Để nhắc nhở chúng ta nhớ lại địa vị làm con của mình. Phải, chúng ta là con của Thiên Chúa nhờ ân sủng Ngài ban cho ta chứ không phải nhờ tuân giữ luật lệ. Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng biết nhìn ra những gì chúng ta có, những gì chúng ta nhận được.

Như hai người con đều làm phiền lòng người cha. Xét cho cùng, chúng ta cũng thường làm phiền lòng Thiên Chúa như thế.

Là những người con đáng lý ra chúng phải hiểu rõ về cha của mình. Thế nhưng cả hai đã không làm được điều đó. Chính vì thế mà cách cư xử của cả hai người con đối với Cha mình có nhiều điều tắc trách.

Như vậy câu chuyện cho chúng ta thấy: Mọi tội lỗi chúng ta phạm ít nhiều đều bắt nguồn từ chỗ chúng ta còn thiếu sự hiểu biết về tình yêu của Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Có một cậu bé tự cho mình là đứa trẻ bất hạnh nhất thế giới này. Trong con mắt của bạn bè, cậu là kẻ nhát gan, yếu đuối. Trên nét mặt cậu thường lộ vẻ sợ hãi. Cậu thở phì phò giống người ta kẻo bễ vậy. Khi bị cô giáo gọi đứng dậy đọc bài hay trả lời câu hỏi, đôi chân cậu lập tức run rẩy, môi liên tục mấp máy. Đương nhiên, cậu trả lời ấp úng và đứt quãng. Cuối cùng, cậu đỏ mặt xấu hổ quay về chỗ ngồi. Nếu cậu có một gương mặt đẹp, thì người khác có thể cảm tình với cậu một chút. Nhưng khi bạn thương hại nhìn cậu ta, thì bạn có thể nhìn thấy hàm răng hô xấu xí của cậu.

Vào một ngày mùa xuân, bố cậu bé xin nhà hàng xóm một ít cây giống. Bố cậu muốn trồng chúng trước nhà. Ông bảo các con, mỗi đứa trồng một cây. Ông còn hứa với chúng, cây của ai lớn nhanh nhất, người đó sẽ được ông tặng cho một món quà giá trị. Cậu bé ấy cũng muốn nhận được món quà.

Nhưng khi nhìn thấy anh chị em hào hứng chạy đi, chạy lại tưới nước cho cây, không hiểu tại sao, trong đầu cậu lại nảy sinh ý nghĩ kỳ quặc: cậu mong cái cây mình trồng, mau chóng chết đi. Vì thế, cậu chỉ tưới nước cho cây hai lần, rồi sau đó bỏ mặc nó.

Một tuần sau, khi xem cái cây mình trồng, cậu bé ngạc nhiên khi phát hiện ra nó không những không héo úa, mà còn mọc ra mấy cái lá xanh nõn nà. So với những các cây mà anh chị em cậu trồng, dường như nó còn tươi tốt hơn và tràn đầy sức sống hơn. Bố cậu thực hiện đúng lời hứa, mua cho cậu một món quà mà cậu thích nhất. Đồng thời, ông còn nói với cậu, cứ xem cách cậu trồng cây, thì sau này chắc chắn cậu sẽ trở thành một nhà thực vật học xuất sắc.

Từ đó trở đi, cậu bé dần dần trở nên lạc quan.

Vào một buổi tối, cậu bé trằn trọc không sao ngủ được. Nhìn ánh trăng vằng vặc ngoài sân, cậu chợt nhớ đến câu nói của thầy giáo dạy sinh vật: thực vật thường lớn lên vào lúc trời tối. Cậu nghĩ bụng, tại sao mình không xem thử xem cái cây mình trồng lớn như thế nào nhỉ? Khi cậu rón rén đi ra ngoài sân. Cậu nhìn thấy bố đang dùng gáo tưới nước cho cái cây cậu trồng. Ngay lập tức, cậu hiểu ra tất cả. Hóa ra, bố cậu âm thầm bón phân cho cây cậu trồng.

Cậu trở về phòng ngủ, gục mặt xuống giương mặc cho nước mắt chảy đầm đìa trên khuôn mặt.

Thấm thoắt mấy chục năm đã trôi qua. Cậu bé với đôi chân tập tễnh ấy, mặc dù đã không trở thành một nhà thực vật học như ước nguyện của người cha, nhưng lại trở thành tổng thống của nước Mỹ. Tên của ông là Franklin Roosevelt.