Bài giảng thiếu nhi: Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, Năm A
Chúng con yêu quí
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ gì vậy chúng con?
– Thưa cha, Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi.
– Rất đúng. Chúng con rất giỏi.
Chúng con đã được học giáo lý. Chúng con đã biết Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi gồm Ngôi thứ Nhất là….
– Là Chúa Cha.
– Còn Ngôi thứ Hai là….
– Thưa cha là Chúa Con
– Và Ngôi thứ Ba là
– Là Chúa Thánh Thần.
Cha không muốn dài dòng nữa. Cha muốn đi ngay vào vấn đề cha muốn nói với chúng con hôm nay.
Cách đây hàng ngàn năm, có một nhà hiền triết rất tài giỏi tên là Simonide. Ngày kia, nhà vua cho vời ông ta đến và hỏi:
– Thượng đế là gì?
Ông ta xin nhà vua cho mình một ngày để suy nghĩ. Sáng hôm sau, khi nhà vua gọi tới, thì ông ta lại xin thêm hai ngày nữa để suy nghĩ.
Và khi hai ngày đã trôi qua, ông ta lại xin thêm bốn ngày nữa. Rồi sau đó, ông ta lại xin thêm tám ngày nữa. Cứ mỗi lần nhà vua truyền cho ông ta đến, thì ông ta lại xin hoãn với số ngày gấp đôi. Sau cùng, nhà vua bực bội, cho triệu ông ta đến và giận dữ hỏi:
– Cho tới bao giờ, nhà ngươi mới trả lời câu hỏi của ta: Thượng đế là gì?
Bấy giờ nhà hiền triết mới ôn tồn trả lời:
– Xin nhà vua đừng hối thúc tôi. Vấn đề thật khó khăn và tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được câu trả lời. Bởi vì càng suy nghĩ, tôi lại càng cảm thấy bối rối. Vấn đề dường như đã vượt ra ngoài khả năng của tôi rồi.
Kể lại câu chuyện này, cha cũng muốn nói lên sự bất lực của chúng ta khi phải trình bày về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Mặc dù chúng ta đã học hỏi, đã tìm tòi, nhưng không bao giờ được quên rằng: Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Sở dĩ chúng ta biết có mầu nhiệm này là do Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi như sau: “Đức tin công giáo hệ tại điều này: thờ kính Một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Một Chúa mà không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không chia cắt bản thể: vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần khác biệt nhau; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu” (Số 2789)
Sách dạy như thế, nhưng cha thử hỏi chúng con: Chúng con có hiểu ngôi vị là gì không, chúng con có hiểu bản thể là gì không? Ngày xưa khi học trong Đại chủng viện, cha cũng phải dành một thời gian rất lâu cha giáo sư mới cắt nghĩa cho các sinh viên hiểu được một phần nào mấy từ chuyên môn đó.
Vậy thì trong ít giây phút này, cha chỉ xin nói với chúng con một vài ý nghĩ đơn sơ của cha: Trước mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trí khôn chúng ta quả quá nhỏ bé không đủ sức để diễn tả và để hiểu, nhưng chúng ta vẫn được Chúa ban cho một con tim đủ lớn để yêu mến mầu nhiệm này.
Thực vậy, trí khôn chúng ta quả quá nhỏ bé không thể diễn tả và hiểu.
Cha nhớ đến một câu chuyện. Câu chuyện có liên quan đến thánh Augustinô. Chúng ta biết thánh Augustinô là một tiến sĩ bậc thầy của Hội Thánh.
Ngày kia, để bắt đầu viết một bài khảo luận về Chúa Ba Ngôi, người đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ cầu nguyện và tìm ý. Đang lúc Ngài đi đi lại lại như thế thì bỗng Ngài nhìn thấy một em bé đang dùng một chiếc vỏ sò múc nước biển và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát. Người dừng chân và hỏi:
– Cháu làm gì thế?
Em bé bèn trả lời:
– Cháu muốn tát hết nước biển đổ vào trong chiếc lỗ này.
Thánh nhân mỉm cười và nói:
– Làm sao tát được?
Nhưng em bé nghiêm nét mặt và nói:
– Cháu làm việc này còn dễ hơn việc người muốn dùng ngôn ngữ của loài người để trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.
Nói đoạn, em bé biến mất. Thánh nhân hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa sai đến để nhắc nhở: trí khôn con người quá nhỏ bé làm sao có thể hiểu và diễn tả về mầu nhiệm này được.
Tuy nhiên như cha vừa nói ở trên mặc dù trí khôn không thể hiểu nhưng Chúa vẫn ban cho chúng ta một con tim đủ lớn để chúng ta có thể yêu mến Người. Thực vậy, Chúa Giêsu đã mạc khải không phải để chúng ta hiểu, nhưng để chúng ta yêu mến.
Trước hết, con tim chúng ta đủ to lớn để ca tụng Chúa. Mỗi khi hát: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Mỗi khi đọc: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Mỗi khi làm dấu thánh giá, là chúng ta ca tụng Chúa Ba Ngôi.
Hơn thế nữa, con tim chúng ta cũng đủ lớn để cảm tạ Chúa Ba Ngôi. Người đã làm gì cho chúng ta? Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta. Chúa Con đã dùng cái chết trên Thập giá để cứu chuộc chúng ta. Và Chúa Thánh Thần luôn thánh hoá chúng ta. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thêm sức, chúng ta trở nên những người lính chiến của Chúa Thánh Thần. Nhờ bí tích Giải tội, chúng ta được tẩy sạch mọi tội lỗi. Vì thế, chúng ta phải cảm tạ và yêu mến Chúa Ba Ngôi.
Sau cùng, trái tim chúng ta cũng đủ lớn để cho Chúa Ba Ngôi ngự trị. Thiên Chúa không ngự trên cõi cao xa, Người luôn muốn ngự trong tâm hồn chúng ta. Mỗi người chúng ta là đền thờ sống động của Người.
Vâng! Đúng như vậy. Chúng ta phải hết lòng yêu mến Người.
Cha xin được kết thúc bằng một câu chuyện:
Từ ngày được Chúa chọn, Abraham ngày càng sống tâm tình với Chúa và xa cách các thần tượng. Thấy thế ông thân sinh dẫn Abraham đến trước mặt vua Ramos.
Nhà Vua hỏi Abraham: “Tại sao nhà ngươi không tôn thờ các thần tượng của vương quốc?
+ Tâu hoàng thượng! – Abraham trả lời một cách cương quyết. Bởi vì lửa có thể thiêu rủi các thần tượng ấy.
– Như vậy thì hãy tôn thờ lửa. Nhà vua nói.
Abraham thưa lại:
+ Nếu thế thì hạ thần tôn thờ nước thì tốt hơn. Vì nước dập tắt được lửa.
– Thế thì hãy tôn thờ nước.
+ Tâu hoàng thượng, không. Hạ thần tôn thờ mây thì tốt hơn bởi vì nước từ mây mà ra.
– Thế thì hãy tôn thờ mây đi.
+ Tâu hoàng thượng không. Vì gió mạnh hơn mây và gió thổi làm mây phải tan biến.
– Vậy thì hãy tôn thờ gió.
Nghe thế Abraham trả lời vua Ramos:
– Nếu gió là Thiên Chúa…thì ta hãy tôn thờ con người vì con người có hơi thở.
Nhà vua đã bắt đầu có dấu hiệu không còn đủ kiên nhẫn, tuy nhiên nhà vua cũng ráng giữ vẻ ôn tồn bảo Abraham:
– Vậy thì hãy tôn thờ con người
Abraham trả lời:
+ Tâu hoàng thượng không! Vì con người phải chết.
Nhà vua giận dữ quát lên:
– Vậy hãy tôn thờ sự chết đi.
Abraham dõng dạc trả lời: “Đấng duy nhất phải tôn thờ là Chúa tể của cả sự sống và sự chết. Đấng đó là Thiên Chúa, Chúa của hạ thần”.
Vâng chúng ta cũng vậy. Chúng ta tôn thờ Chúa là Chúa của chúng ta. Chính Chúa đã ban cho chúng ta sự sống. Chính Chúa cứu chuộc chúng ta để chúng ta được sống dồi dào. Vận mệnh của mỗi người chúng ta ở trong tay Chúa. Xin Chúa giữ gìn và thánh hóa chúng ta, giúp chúng ta đạt tới quê hương trên trời mai sau. Amen.