Bài giảng thiếu nhi: Lễ Thánh Gia Thất, Năm A
Thiếu nhi chúng con yêu quý,
Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng lễ Thánh Gia: Chúa Giêsu – Đức Mẹ và thánh Giuse.
Nhìn vào Gia đình Thánh Gia Nagiareth chúng con có thấy cái gì đặc biệt không ? Bên ngoài có lẽ chẳng có gì đặc biệt. Có một người làm chồng. Đó là Thánh Giuse. Có một người làm vợ đó là Đức Maria và cũng có một người làm con đó là Chúa Giêsu. Đúng là bên ngoài dường như không có gì đặc biệt nhưng nhìn thật kỹ thì thấy đây là một gia đình THÁNH. Lý do vì mọi thành viên trong gia đình này đều sống thật xuất sắc vai trò của mình trước mặt Thiên Chúa.1. Trước hết là Thánh Giuse. Thánh Giuse được Tin Mừng gọi là người công chính. Người công chính là người luôn chu toàn mọi lề luật của Chúa. Thánh Giuse là một người chồng và là một người cha tuyệt vời. Ngài là một người chồng thuỷ chung và cũng như một người cha hết lòng yêu thương chăm lo gia đình với một trách nhiệm cao độ. Tin Mừng cho chúng ta thấy thánh Giuse đã sống làm người có trách nhiệm của mình cao độ trong việc chăm lo cho cũng như bảo vệ cho gia đình trong những hoàn cảnh khó khăn như thế nào. Ước gì mỗi người hãy biết sống trách nhiệm với những việc mình làm để xã hội được luôn ổn định và cuộc sống có nhiều niềm vui hơn.
Chúng con hãy nghe câu chuyện này.
Vào một buổi tối, bốn sinh viên kéo nhau đi nhậu nhẹt thâu đêm mà chẳng lo chuẩn bị cho bài kiểm tra ngày mai. Sáng hôm sau, họ đã nghĩ ra một cách vô cùng “thông minh”.
Bốn người lấy dầu nhớt và bụi bẩn tự bôi hết lên quần áo, mặt mũi. Sau đó, họ đến gặp giáo sư và nói rằng đêm qua họ đi ăn cưới một người bạn, trên đường về, xe bị nổ lốp và bốn người họ phải cùng nhau… đẩy xe cho đến khi tìm được chỗ sửa. Thế nên, họ vừa bẩn thỉu lại mệt mỏi vì không được ngủ, không thể làm bài kiểm tra được.
Giáo sư quay lưng đi suy nghĩ một lúc rồi nói rằng họ có thể làm lại bài kiểm tra sau 3 ngày nữa. Họ cảm ơn ông và hứa rằng sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho bài kiểm tra lần tới.
Đúng 3 ngày sau, họ đến gặp giáo sư như đã giao hẹn. Ông nói rằng vì đây là một bài kiểm tra đặc biệt nên cả bốn người họ phải làm bài kiểm tra trong bốn phòng riêng biệt. Tất cả đều đồng ý vì họ đã chuẩn bị rất kỹ trong 3 ngày vừa qua.
Bài kiểm tra chỉ có 2 câu hỏi với tổng điểm là 100:1. Họ tên: __________ (1 điểm)
2. Lốp xe nào bị nổ ? __________ (99 điểm)
a. Lốp trước bên trái
b. Lốp trước bên phải
c. Lốp sau bên trái
d. Lốp sau bên phải
Chúng con hiểu được hậu qua câu chuyện như thế nào rồi. Đúng là”Chạy trời không khỏi nắng” – Bởi vậy dám chịu trách nhiệm là một yếu tố quan trọng để trưởng thành và gây dựng thành công cho bản thân. Phần lớn những điều tốt đẹp có diễn ra trong đời bạn hay không, đa số đều đến từ sự tin tưởng.
2. Bây giờ cha nói về Đức Mẹ Maria.
Trong gia đình thì vai trò của người mẹ cũng hết sức đặc biệt.
Khi viết về người Mẹ một nhà văn Pháp đã có những lời diễn tả như thế này: Bà mẹ không phải như một họa sĩ vẽ cái đẹp lên tranh, không như một nhà điêu khắc chạm hình trong đá, không như nhà văn diễn đạt tư tưởng hay bằng những lời chọn lọc, cũng không như một nhạc sĩ ký thác tâm tình đẹp trong tiếng đàn. Phận sự của bà mẹ chính là nhờ ở sức Chúa giúp đỡ, hình thành nên trong linh hồn những người con hình ảnh của Chúa trên trời”. Chúa Giêsu với tư cách là một con người, chắc chắn Chúa đã chịu ảnh hưởng rất nhiều điều từ Mẹ Maria.
Như thử hỏi để làm được điều đó Đức Mẹ phải là người thế nào.
Chúng con hãy nghe câu chuyện cảm động này: Ông Comolet Sue, nhà giáo dục danh tiếng, đã điều tra và kể lại trong bản báo cáo về Hội Hôn nhân Thiên Chúa giáo ở Pháp câu chuyện này: Có lần ông gặp một bà mẹ góa. Các con bà giữ đạo sốt sắng và thành công một cách vinh quang trên đường đời. Ông hỏi bà: – Bà đã làm gì trong công việc giáo dục con cái bà ? Bà đã dìu dắt con bà một cách thực tế như thế nào trong cuộc đời ? Bà đã một mình làm tròn sự nghiệp phức tạp ấy!
Bà trả lời cách gọn gàng, giản dị: – Tôi không biết.
Ông gặng hỏi: – Bà giấu đấy chứ ? Các con trai bà đã làm cách nào để tạo được những địa vị danh giá mà đồng thời vẫn là tín đồ đáng nể phục ? Các con bà hình như rất bằng lòng với cuộc sống của mình. Có bao bà phải thất vọng không… ?
Bà mỉm cười và hỏi: – Ông có tin tưởng Thiên Chúa không ?
– Chắc là Thiên Chúa cai trị sóng gió, nhưng nếu bà không biết lo liệu thì thuyền cứ chìm.
– Lo liệu phòng ngừa là phải cầu nguyện cho nhiều.
– Không đủ, thưa bà. Bởi chắc không phải lúc nào bà cũng chắp tay quỳ gối trong nhà thờ ?
Bị hỏi dồn, bà nói thiệt: – Ngày chồng tôi chết, để lại cho tôi mười đứa con nhỏ, đứa lớn chưa đầy 15 tuổi. Tiền của eo hẹp, nên tôi phải quả quyết… Trước hết là… Là xét lại lương tâm, khi xét mình tôi đã nhận thấy cần phải tu chỉnh, cải tạo đời sống mình cho tốt hơn, thêm nhiều đức tính tốt hơn nữa. Tôi làm ngay… và cứ thế mà tiến…
– Có thế thôi sao ? Bà còn làm gì hơn nữa cho con bà ?
– Không có gì khác cả, thưa ông. Tôi tự sửa mình và chính Chúa đã đào tạo chúng nó.
Ngạn ngữ của người Roma có câu: Không ai có thể cho cái mình không có”. Nếu Đức Mẹ không cố gắng trở nên thánh thiện thì làm sao có thể làm cho sự thánh thiện của mình tràn qua người con của mẹ là Chúa Giêsu được.
3. Cuối cùng là Chúa Giêsu.
Câu chuyện của Chúa Giêsu mới là câu chuyện cảm động. Tin Mừng nói về Chúa Giêsu như thế nào chúng con có biết không ? Đây chúng con nghe: Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài.(Lc 2,51).
Chúa Giêsu vâng phục Thánh Giuse và Đức Mẹ. Một Thiên Chúa vâng phục những con người.
Nếu nhìn và thứ tự quan trọng trong gia đình Thánh Giá chúng ta phải thấy: Chúa Giêsu là số 1
Đức Mẹ Maria là số 2 vì Đức Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, sau cùng mới là thánh Giuse.
Thế nhưng trong thực tế thì lại hoàn toàn ngược lại. Thánh Giuse là số 1, Đức Mẹ là số 2 và Chúa Giêsu là số 3. Chúa cốt ý làm thế để nêu gương cho chúng ta.
Chúa muốn cho những người làm con phải biết vâng lời Cha mẹ mình.
Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận đã để lại trong cuốn Đường Hy Vọng của ngài rất nhiều bài học về sự vâng lời.
Ngài nói: Chúa Cứu Thế đã cách mạng, muôn triệu người hưởng ứng, khẩu hiệu của Ngài: Vâng lời đến chết” (ĐHV 395).
“Vâng lời trọng hơn của lễ” vì của lễ là hoa quả, hương trầm, súc vật, tiền bạc v.v… Khi vâng lời, con lấy chính mình con làm của lễ, giết chết ý riêng con, tự ái của con làm của lễ toàn thiêu (ĐHV 406).
Và đây là câu chuyện Ngài kể lại. Câu chuyện có liên quan đến Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII.
Ngày Đức Roncalli (về sau là Giáo Hoàng Gioan XXIII) thụ phong Giám mục, ngài được vào yết kiến Đức Piô X để tạ ơn. Đức Giáo Hoàng hỏi: – Con chọn khẩu hiệu nào ?
– Thưa “Vâng phục và bình an”.
– Tại sao con chọn khẩu hiệu đó ?
– Thưa Đức Thánh Cha, lúc con còn là học sinh, chiều nào con cũng thấy Hồng Y Daronius đã già cả đi qua công trường Thánh Phêrô. Mỗi lần như thế, ngài đều lấy một ít tiền tặng cho các người nghèo, đoạn vào thẳng đền thờ Thánh Phêrô, đến ngay trước tượng thánh nhân và hôn chân ngài, rồi gục đầu vào chân tượng, đọc thực lớn tiếng: Vâng phục và bình an”, ai ở gần đó đều có thể nghe được. Đọc xong, Hồng Y khả kính đó đến quỳ gối cầu nguyện trước mồ thánh Phêrô, tỏ lòng cung kính, vâng phục và trung thành với Hội Thánh rồi ra về. Hình ảnh cao đẹp và tiếng nói đanh thép ấy đã ghi sâu vào tâm trí con, nên con chọn câu nói ấy làm khẩu hiệu.
Nghe qua Đức Thánh Cha rất cảm động, hài lòng và đưa bàn tay chúc lành cho tân Giám mục Roncalli. Khẩu hiệu ấy đã được vị Giám mục thực hiện trong suốt cả đời ngài. Chúng con hãy biết vâng lời vì vâng lời sẽ làm cho chúng con nên giống Chúa Giêsu.