Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 23 Thường Niên, Năm A
Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta hai điều: Trước hết là phải biết sửa lỗi cho nhau và thứ hai là phải biết tụ họp lại mà cầu nguyện chung với nhau.
I. Trước hết là việc sửa lỗi.
Con người chúng ta chẳng ai mà không có lần lầm lỗi. Châm ngôn của người La Mã nói: “Lầm lỗi là bản tính của con người”. Lý do cũng dễ hiểu bởi vì loài người chúng ta “nhân vô thập toàn”. Chẳng ai trong chúng ta hoàn thiện đến mức độ không có một tật xấu nào.
Một nhà văn Pháp đã nói:
* Tuổi trẻ thì táo bạo,
* Người trưởng thành thì háo danh, kiêu căng
* Người già thì keo kiệt, khó ưa.”
Tóm lại: Không ai trong chúng ta hoàn toàn.
Và còn một điều này nữa cũng thường xảy ra. Đó là: cái xấu của ra, ta khó thấy….Còn cái xấu của người khác ta lại rất dễ thấy.
Chính Chúa Giêsu cũng đã có lần cảnh giác người ta: “Cái xà trong mắt ngươi, ngươi không thấy. Nhưng lại rất thấy thật rõ cọng rác nhỏ trong mắt nơi người anh em “(Mt 7,3).
Chính vì thế mà việc sửa lỗi cho nhau đã được Chúa coi như một điều cần thiết cho đời sống cộng đoàn.
Bản thân ta nếu muốn thấy rõ mình, ta cũng cần phải nhờ đến người khác
“Người chỉ cho ta, mà chỉ phải, tức là thầy của ta.
Người khen ta, mà khen phải, là bạn của ta.
Còn người nịnh hót ta thì ta phải kể họ là kẻ cừu địch của ta”(Tuân Tử)
Vua Hoàn Công xưa là một người có một cuộc sống thật gương mẫu về vấn đề này.
– Vua chọn cho mình ba người bạn để ngồi chơi với mình.
– Vua chọn cho mình năm người để can ngăn mình khi mình có lỗi
– Và vua chọn cho mình 30 người để nhắc nhở cho mình mỗi khi mình có lỗi lầm điều gì.
Phải biết sửa lỗi cho nhau vì đây là một nhiệm vụ chứ không phải chỉ là một lời khuyên. Lời Chúa qua miệng tiên tri Êzêkiel cũng nhấn mạnh điều đó: “Nếu ngươi không chịu lên tiếng nói để người gian ác từ bỏ đường lối của mình…mà người gian ác phải chết trong sự gian ác của nó thì Ta sẽ đòi máu của nó bởi tay của ngươi”(Ed 33,11)
Nhưng sửa bằng cách nào thì Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta. Những chỉ dẫn của Người hết sức rõ ràng.
a/ Trước hết là tiếp xúc cá nhân. Đây là phương pháp hay nhất. Tuy nhiên phải rất khéo léo tế nhị và khôn ngoan thì mới thành công.
Thánh Phaolô đưa ra hai lời khuyên;
– Với người trên ta phải năn nỉ.
– Với người dưới ta phải nhẫn nại khuyên lơn
Thánh Philipphê Nêri một ngày kia muốn sửa lỗi cho một người phụ nữ có cái tật hay nói hành nói xấu người khác. Ngài bảo chị ta mua một con gà rồi làm cho nó chết đi….sau đó hãy đem con gà đó đến gặp Ngài với điều kiện là phải vặt hết lông con gà trên đường đi đến gặp ngài. Người phụ nữ hơi thắc mắc nhưng vì lòng mến đối với thánh nhân nên cũng vui lòng làm như ngài đòi hỏi. Khi tới nơi, ngài không khuyên lơn gì cả mà lại ra lệnh cho bà đó trở về…. vừa đi vừa lượm lại cho ngài hết số lông con gà mà bà đã vứt ở giữa đường.
Chúng ta thừa biết phản ứng của người phụ nữ đó như thế nào.
Sau đó ngài cắt nghĩa: “Những lời nói vu oan cáo vạ cho người khác khi ra khỏi miệng cũng sẽ nhanh chóng loan truyền từ tai người này sang tai người khác như vậy, khó mà con thể thu lượm lại được…chẳng khác gì phải thu lượm lại những cái lông gà….của con vậy.”. Rồi ngài thêm “Còn khi muốn nói về một người nào làm khổ mình thì chỉ nên nói với Chúa mà thôi….hãy cầu nguyện cho họ để họ biết sửa lỗi”.
b/ Tiếp theo là dùng những buổi sinh hoạt của cộng đoàn
Đây là hình thức rất được ưa chuộng ngày hôm nay. Những buổi chia sẻ lời Chúa. Những buổi tĩnh tâm, những buổi sinh hoạt tổ đều ít nhiều nhắm tới mục đích tìm ra những sai sót giúp nhau sửa lại những sai sót của mình trước mặt Chúa.
c/ Bước tiếp theo cực chặng đáng mới phải dựa vào sự phán xét của Giáo Hội.
Ngày kia vị Giám mục đến thăm mục vụ tại một làng nọ. Dân chúng bày tỏ sự bất mãn của họ đối với một vị ẩn sĩ trên núi vì ông đang chung sống với một phụ nữ mất nết. Sau khi nghe những lời kết án, vị Giám mục quyết định cùng dân làng leo lên núi. Thấy đám đông đến nơi mình ở, vị ẩn sĩ hoảng sợ bảo người phụ nữ trốn vào một chiếc thùng rỗng.
Vị Giám mục là người thứ nhất bước vào lều. Ngài đưa mắt nhìn quanh và hiểu ngay sự việc. Ngài bình thản đến ngồi trên chiếc thùng gỗ ấy và bảo dân làng vào lục soát. Tìm mãi mà không thấy ai, dân lành đành ra về. Chờ cho mọi người đi ra hết, vị Giám mục nhìn sâu vào đôi mắt nhà ẩn sĩ và nói: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ Linh hồn mình”.
II. Về việc cầu nguyện
Sau tất cả những “biện pháp như thế mà vẫn không có kết quả thì sao? Chúa bảo: “ Nếu họ không nghe….thì hãy coi họ như những người thu thuế và người ngoại giáo”(Mt 18,17). Lời của Chúa có vẻ hơi khó hiểu. Phải chăng là tuyệt vọng? Không! Bằng chứng là trong Tin Mừng Chúa đã nhiều người tội lỗi trở thành người công chính. Cụ thể như Matthêô tác giả bài Tin Mừng hôm nay.
Như vậy là còn một “chiêu” khác. Đó chính là sự hiệp lời cầu nguyện.
Lời cầu nguyện nhiều khi có một giá trị không ngờ.
Chúng ta hãy nghe những lời sau đây của Thánh Augustinô: “Nhờ ơn của mẹ tôi, nhờ lời cầu nguyện và công phúc của người mà tôi đã thành người như hiện nay. Lạy Chúa nếu con được làm con Chúa, chính vì Chúa đã ban cho con một người mẹ, một trong những tôi tá của Chúa.”
Thánh Têrêsa bằng lời cầu nguyện của mình đã làm cho một tử tội tưởng chừng như không thể khuất phục ăn năn và chịu các Bí tích cuối cùng trước khi lên đoạn đầu đài.
Ngày kia, thánh Etienne, đang giảng thuyết trước một cử tọa đông đảo, bỗng có một người dám nói với ngài:
– Thưa cha, mặc dù cha nói nhiều đến sự kinh tởm tội lỗi, con cũng chả muốn hoán cải tí nào và con rất bực bội khi nghe tin cha cầu nguyện cho con.
Ngạc nhiên trước những lời nói bạo gan này, vị thánh xúc động đến nỗi ngài phải khóc ròng. Và ngay sau đó, ngài đánh chuông tập hợp tất cả các tu sĩ lại, bảo:
– Chúng ta hãy mau cầu nguyện cho con người đáng thương này!.
Vài giờ sau đó, trái tim của kẻ tội lỗi cứng đầu này hoàn toàn thay đổi; anh ta nhận ra tình trạng thảm hại của mình và quyết định sống một cuộc đời đổi mới. Anh đến tìm gặp vị thánh, phủ phục dưới chân ngài xin tha thứ, và hứa sẽ từ bỏ các tật xấu, không bao giờ tái phạm nữa.
Lạy Chúa Giêsu
Chỉ có Chúa mới có thể làm cho chúng con những điều kỳ diệu.
Xin Chúa đừng để cho những lỗi lầm chúng con gây ra cho nhau trở thành nguyên cớ cho những mất mát và phân ly.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhân danh Chúa để sống trong sự thật, trong yêu thương.
Xin cho chúng con biết hết lòng giữ gìn, chăm sóc, vun tưới cho cuộc sống hiệp nhất giữa những người con của Chúa mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Vì chỉ có như thế chúng con mới xứng đáng là những người con và xứng đáng với tình yêu thương của Chúa mỗi ngày. Amen.