Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 3 Mùa Chay, Năm C
Anh chị em thân mến,
Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay và hai Chúa nhật kế tiếp, nói cho chúng ta về con đường dẫn chúng ta đến hưởng vinh quang của Chúa. Con đường này có thể phân ra làm ba chặng:
Trước hết là sám hối
Thứ đến là quay trở về với Chúa.
Và sau cùng là lãnh nhận ơn tha thứ.
Hôm nay chúng ta nói với nhau về chặng đường thứ nhất.
Tuần sau chúng ta nói về sự trở về
Và tuần cuối cùng của Mùa Chay chúng ta nói với nhau về ơn tha thứ
Như vậy là chúng ta đã đi hết Mùa Chay để chúng ta được dón nhận niềm vui Phục Sinh.
Bây gờ chúng ta bước vào vấn đề hôm nay. Vấn đề sám hối.
Thế nào là sám hối?
Một cách thật đơn sơ chúng ta có thể trả lời như sau: Sám hối là hối hận về tội lỗi của mình và trở về với Thiên Chúa .
Như vậy muốn có được lòng sám hối thì điều kiện đầu tiên không thể thiếu đó là phải thấy được tội lỗi, lỗi lầm của mình. Nói một cách đơn giản hơn là thấy được mình là người tội lỗi.
a. Làm sao để biết được mình là người có tội?
* Ngày trước người Do thái cho rằng muốn biết ai là người có tội thì cứ căn cứ vào những dấu chỉ bên ngoài thì dụ như bị tai nạn, bị trừng phạt vvv
Tin Mừng hôm nay nói đến hai sự kiện: Một là việc Philatô giết một số người Gallilê – những người Galilê nói ở đây là những người đến Giêrusalem dâng lễ tế, chắc họ đã gây ra một vài hỗn loạn trong khuôn viên đền thờ, do đó đội binh La mã ở trong đồn Antonia đã ra tay can thiệp và tàn sát tại chỗ không nuơng tay và sự kiện thứ hai là việc tháp Siloe đổ xuống làm chết 18 người trước đó.
Phải chăng những người này có tội nên bị giết và bị chết như thế?
Đối với người Do thái thì quả là như vậy.
Nhưng với Chúa thì sao?
Chúa không khẳng định cũng như không phủ định nhưng Chúa muốn coi đó như một cơ hội để cho người ta cảnh tỉnh mà rà lại cuộc sống của mình. Đây ta hãy nghe lời của Chúa: “Không phải đâu nhưng nếu các ngươi không sám hối thì các ngươi cũng phải chết như vậy” (Lc 13,5)
* Đối với chúng ta hôm nay mỗi khi chúng ta thực hành sự sám hối, để lãnh nhận ơn hòa giải, thì chúng ta thường “xét” theo 10 điều răn của Chúa và sáu điều răn của Hội Thánh. Có nhiều người khi căn cứ vào những giới răn đó để xét mình thì thấy mình chẳng có sai phạm nào nghiêm trọng nên họ cảm thấy rất an tâm không cần phải sám hối.
Một ngày kia có hai người phụ nữ tìm đến một vị ẩn sĩ già để xin ông chỉ đạo cho mình.
Một người thấy mình là người có rất nhiều tội nặng nề…Bà tỏ ra rất đau buồn về những lỗi làm của bà.
Còn bà thứ hai thì vẫn thấy mình sống theo luật Chúa, không phạm tội, chẳng thấy mình có điều gì đáng trách nên rất hài lòng về những gì mình đang sống.
Sau khi nghe hai người bảy tỏ tâm hồn của mình, vị ẩn sĩ nói với người phụ nữ thứ nhất:
– Hỡi nữ tỳ của Thiên Chúa, con hãy đi ra ngoài hàng rào kia tìm một tảng đá thật to rồi cố mang về đây cho ta.
Sau đó Ngài quay sang phía người đàn bà thứ hai và bảo:
– Phần con, con không phạm tội gì nặng, nhưng con cũng hãy đi ra ngoài và kiếm cho ta một bao đầy đá sỏi nhỏ …. rồi cũng mang về đây cho ta.
Hai người vâng lời ra đi. Được một lúc sau thì họ trở về. Một bà vác một tảng đá rất to – một bà mang một bao đầy những hòn sỏi nhỏ.
Sau đó vị ẩn sĩ lại bảo người đàn bà tội lỗi:
– Con hãy đem tảng đá này đặt lại vào đúng vị trí của nó lúc nãy …..rồi hãy trở lại đây báo tin lại cho ta.
Ngài cũng bảo người đàn bà thứ hai y như vậy.
Rồi cả hai người lại quay ra. Người đàn bà có tội nặng rất dễ dàng đặt lại tảng đá lại vào đúng vị trí cũ của nó, còn người đàn bà thánh thiện thì không có cách nào làm được việc đó bởi vì bà không thể nhớ hết được những vị trí những viên sỏi nhỏ mà bà đã lượm lên khi nãy. Bà đành quay trở lại với bao sỏi trên vai. Bấy giờ vị ẩn sĩ mới cắt nghia cho họ nghe.
– Con thấy không, con đã đặt đúng tảng đá vào đúng vị trí của nó vì con biết rõ nó nằm ở chỗ nào.
Rồi ngài quay sang phía người phụ nữ thứ hai và nói:
– Phần con, con không thể đặt những viên sỏi này vào vị trí cũ trước đây của chúng vì con không biết đã nhặt chúng ở đâu.
Đối với một người tội lỗi thì cũng như thế. Người phạm tội nặng vì dễ nhận ra tội của mình, thấy mình bị người khác khiển trách đồng thời thấy được cả lương tâm của mình lên án, cho nên họ dễ có thái độ khiêm tốn và dễ sửa lại lỗi lầm của mình.
Còn những người phạm tội nhẹ thường thì khó thấy được tội lỗi của mình nên nhiều khi họ rất tự đắc, cảm thấy mình chẳng có gì cần phải hối cải sám hối…và từ đó họ dễ dàng đi đến thái độ tự mãn…Bởi vậy tội của họ vẫn còn…còn mãi.
Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được khiêm nhường trước mặt Chúa. Tưởng cũng nên nhắc lại đây lời của Thánh Phaolô: “Những ai đang đứng vững hãy coi chừng kẻo té”(01Cor 10,12)
b. Rổi trong Tin Mừng hôm nay chúng ta còn được nghe về dụ ngôn cây vả không sinh trái. Cây vả này được rất nhiều đặc ân hơn, nhưng nó lại tỏ ra không xứng đáng với đặc ân đó.
Chúa muốn nói với chúng ta điều gì qua dụ ngôn này? Hầu hết các nhà chú giải Kinh Thánh đều cho rằng Chúa muốn nói với chúng ta về lòng yêu thương của Ngài nhưng đồng thời Người cũng cảnh cáo mọi người rằng sự kiên nhẫn chờ đợi của Chúa là sự kiên nhẫn chờ đợi có giới hạn.
Chúa yêu thương con người, đành cho con người thật nhiều ơn huệ như ông chủ vuờn nho dành cho cây vả.
Thế nhưng thương yêu của Chúa không phải là tình yêu mù quáng. Như ông chủ có quyền đòi hỏi cây vả phải sinh trái, Thiên Chúa cũng có quyền đòi hỏi con người sống làm sao cho xứng với tình thương của Người như vậy. Chúa đỏi hỏi con người phải có quả. “Anh em hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng vội nghĩ bụng rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham; vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham”. Thánh Phaolô phụ họa thêm: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín,(Gat 5,22)
Xin được kết thúc bằng một câu chuyện. Câu chuyện này được cha Antony de Mello có kể lại trong tập sách có tựa đề “Tiếng hót của loài chim” của ngài. Câu truyện nói về tâm sự của một nhà hiền triết khi nhìn về cuộc sống đã qua của mình.
Ông tâm sự như sau: “Lúc thiếu thời tôi là một kẻ hiếu động. Trong sự hăng say của tuổi trẻ, tôi thường nguyện xin Thiên Chúa ban cho được sức mạnh biến đổi thế giới này trở nên tốt hơn. Đến lúc tôi được nửa đời làm người, tôi ý thức là mình chưa làm được gì cả, chưa thay đổi được bất cứ người nào. Tôi đổi lại lời cầu nguyện cho được thiết thực hơn:
– Lạy Chúa, giờ đây con chỉ xin Chúa cho con được sức mạnh để đổi thay cuộc sống của những người con được dịp tiếp xúc hàng ngày, những người thân trong gia đình, những bạn bè quen thuộc. Nếu được như vậy thì con cũng thỏa mãn bằng lòng rồi.
Nhưng rồi giờ đây, khi tuổi đời sắp chấm dứt, tôi sắp từ giã trần gian để về với Đấng đã ban cho tôi sự sống, tôi ý thức sự ngông cuồng điên rồ của mình, tôi thay đổi lời cầu nguyện lại:
– Lạy Chúa, xin ban ơn cho con thay đổi chính đời sống con.
Nếu ngay từ thời thanh xuân tôi đã cầu nguyện như vậy, thì có lẽ, tôi sẽ không hối tiếc là mình đã sống một cuộc đời vô ích.
Vâng! – Lạy Chúa, xin ban ơn cho con thay đổi chính đời sống con. Nếu ngay từ hôm nay con biết sống như thế thì có lẽ sau này, con sẽ không hối tiếc là mình đã sống một cuộc đời vô ích.