Tag Archive for: Ga

28/04 – Thứ Hai tuần 2 Phục Sinh.

“Nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa”.

Lời Chúa: Ga 3, 1-8

Khi ấy, trong nhóm biệt phái, có người tên là Nicôđêmô, một đầu mục của người Do-thái. Ông đến thăm Chúa Giêsu ban đêm và thưa rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị tôn sư Thiên Chúa uỷ phái đến. Vì không ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người đó”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa”. Nicôđêmô thưa Chúa rằng: “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?”

Chúa Giêsu đáp: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là thần linh. Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”.

Suy niệm: Ta không thể điều khiển gió theo hướng mình muốn, nhưng có thể lái con tàu theo hướng mình muốn đi nhờ cánh buồm. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su đã dùng hình ảnh gió để diễn tả Thánh Thần hay Thần Khí hoạt động trong đời ta. Ta không thấy Ngài vì Ngài thiêng liêng, nhưng có thể nhận ra hoạt động của Ngài trong đời mình, người khác, cũng như trong Hội thánh. Ta không thể bắt Ngài hành động thế này thế kia theo ý mình, nhưng phải điều khiển cuộc đời mình theo sự thúc đẩy của Ngài, một sự thúc đẩy có lúc nhẹ nhàng tựa cơn gió hiu hiu, cũng có lúc mạnh mẽ như cơn bão. Khi ngoan ngoãn bước theo Thánh Thần mỗi ngày, ta được tái sinh, sinh lại lần nữa về đời sống tâm linh, lớn lên dần dần, được Ki-tô hóa, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài lặng lẽ âm thầm, nhưng mạnh mẽ tựa hạt giống thầm lặng lớn lên.

Mời Bạn: Đời sống thiêng liêng của bạn thay đổi từ từ mỗi ngày, đâu phải kiểu bỗng vươn vai lớn mạnh như Thánh Gióng ngày xưa. Kiên trì thực hiện Lời Chúa dẫu khó hiểu và khó làm; kiên tâm tin tưởng Chúa trong mọi tình huống cuộc đời; kiên nhẫn giữ các điều răn, nhất là mến Chúa yêu người. Đó là những phương cách tuyệt hảo giúp bạn tái sinh trong Thánh Thần mọi ngày.

Sống Lời Chúa: Mỗi sáng khi thức dậy tôi nhớ đến hai từ “tái sinh” để đời mình hôm nay được sinh ra lần nữa trong Chúa Ki-tô nhờ ngoan ngùy vâng theo Thánh Thần thúc đẩy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi con tái sinh trong đời sống thiêng liêng. Xin giúp con tái sinh nhờ bỏ mình, vâng theo Thánh Thần. Amen.

22/04 – Thứ Ba tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.

“Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy”.

Lời Chúa: Ga 20, 11-18

Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?”

Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni!” (nghĩa là “Lạy Thầy!”). Chúa Giêsu bảo bà: “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”.

Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.

Suy niệm: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần ấy trong khu vườn có ngôi mộ trống âm vang tiếng khóc thổn thức của bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Nhìn thấy hai thiên thần qua làn nước mắt nhưng bà không quan tâm. Điều bà đau đáu trong lúc này là thi thể Thầy biến mất và bà muốn biết người ta đã để Thầy ở đâu để bà đem Thầy về. Thầy Giê-su phục sinh đứng đó nhưng bà không nhận ra cho đến khi Thầy gọi chính tên bà, bằng giọng nói quen thuộc như bà đã từng nghe. Lúc đó bà mới chợt nhận ra đúng là Thầy. Trong tình yêu và đối thoại chân thành, nhìn nhận nhau, cảm mến, hiểu biết nhau, sẵn lòng thực hiện điều người kia mong muốn. Ở đây Chúa Phục sinh muốn Ma-ri-a đi báo tin vui cho môn đệ, trở thành “Tông đồ của các Tông đồ.” Lời loan báo của bà: “Tôi đã thấy Chúa” đã trở nên mẫu mực cho mọi lời loan báo của mọi chứng nhân.

Mời Bạn: Có nhiều loại nước mắt; không phải nước mắt nào cũng là nước mắt cá sấu. Ai đó có thể không chảy nước mắt khi cảm động, nhưng khóc không phải là giả dối. Trái lại, nước mắt có thể biểu thị một tình mến nồng nàn, cảm xúc sâu xa. Đàng sau nước mắt là hành động, việc làm cụ thể, thực thi những nghĩa cử tốt đẹp cho tha nhân.

Sống Lời Chúa: Tình cảm và lý lẽ một khi được sử dụng đúng cách, hợp thời hợp buổi sẽ giúp ta nhận ra đâu là chân, thiện, mỹ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con được tâm tình của thánh Ma-ri-a Mác-đa-la trong cuộc sống đức tin, để con thấy Chúa vẫn ở bên con. Amen.

20/04 – CHÚA NHẬT PHỤC SINH năm C.

“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Lời Chúa: Ga 20, 1-9

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”.

Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong.

Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước.

Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Suy niệm: “Những gì thiết yếu quan trọng trong cuộc sống, chúng ta không thể nhìn thấy bằng đôi mắt thường, nhưng nhìn thấy bằng con tim” (Nhà văn St. Exupéry). Đôi mắt thường của Gio-an chỉ nhìn thấy ngôi mộ trống, các đồ khâm liệm không bị vứt bừa bãi, nhưng đều nằm y nguyên tại chỗ: những băng vải nằm đó, khăn che đầu cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Thế là đã đủ cho Gio-an tin Thầy mình đã phục sinh. Ông đã không nhìn bằng đôi mắt thường, nhưng nhìn thấy bằng quả tim của “người môn đệ Đức Giê-su thương mến,” cũng như bằng con tim của người môn đệ thương mến Thầy mãnh liệt. Tình yêu đã giúp cho đôi mắt Gio-an thấy và đọc được các dấu hiệu, tâm trí ông đã hiểu và ông đã tin.

Mời Bạn: Gio-an là người môn đệ đầu tiên tin Thầy mình sống lại. Tô-ma cứng cỏi hoài nghi như Tào Tháo rồi cũng trở thành người tin; các tông đồ trước đây ích kỷ khép kín bây giờ quảng đại dấn thân cho Nước Trời. Cái gì đã tạo nên sự thay đổi thần kỳ ấy? Thưa, những lần Đức Giê-su hiện ra với các ông, củng cố niềm tin phục sinh của các ông, khiến các ông luôn xác quyết đã gặp Đấng Phục Sinh. Bạn nghĩ sao về những người dám sống dám chết cho lời chứng của mình?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ nỗ lực sống như người có niềm tin phục sinh qua việc siêng năng phụng thờ Thiên Chúa, vui vẻ thực hiện Tám Mối Phúc Thật.

Cầu nguyện: Lạy Đấng Phục Sinh, xin cho niềm tin phục sinh chi phối mọi sinh hoạt trong cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng con. Allêluia!

18/04 – THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA.

“Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

Lời Chúa: Ga 18, 1 – 19, 42

C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu

C. Bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi với môn đệ sang qua suối Xêrông, ở đó có một khu vườn, Người vào đó cùng với các môn đệ. Giuđa, tên phản bội, đã biết rõ nơi đó, vì Chúa Giêsu thường đến đấy với các môn đệ. Nên Giuđa dẫn tới một toán quân cùng với vệ binh do các thượng tế và biệt phái cấp cho, nó đến đây với đèn đuốc và khí giới. Chúa Giêsu đã biết mọi sự sẽ xảy đến cho Mình, nên Người tiến ra và hỏi chúng: J. “Các ngươi tìm ai?” C. Chúng thưa lại: S. “Giêsu Nadarét”. C. Chúa Giêsu bảo: “Ta đây”. C. Giuđa là kẻ định nộp Người cũng đứng đó với bọn chúng. Nhưng khi Người vừa nói “Ta đây”, bọn chúng giật lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi chúng: J. “Các ngươi tìm ai?” C. Chúng thưa: S. “Giêsu Nadarét”. C. Chúa Giêsu đáp lại: “Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi”. C. Như thế là trọn lời đã nói: “Con chẳng để mất người nào trong những kẻ Cha đã trao phó cho Con”. Bấy giờ Simon Phêrô có sẵn thanh gươm, liền rút ra đánh tên đầy tớ vị thượng tế, chém đứt tai bên phải. Đầy tớ ấy tên là Mancô. Nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô rằng: J. “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén Cha Ta đã trao lẽ nào Ta không uống!” C. Bấy giờ, toán quân, trưởng toán và vệ binh của người Do-thái bắt Chúa Giêsu trói lại, và điệu Người đến nhà ông Anna trước, vì ông là nhạc phụ của Caipha đương làm thượng tế năm ấy. Chính Caipha là người đã giúp ý kiến này cho người Do-thái: để một người chết thay cho cả dân thì lợi hơn. Còn Phêrô và môn đệ kia vẫn theo Chúa Giêsu. Môn đệ sau này quen vị thượng tế nên cùng với Chúa Giêsu vào trong sân vị thượng tế, còn Phêrô đứng lại ngoài cửa. Vì thế, môn đệ kia là người quen với vị thượng tế, nên đi ra nói với người giữ cửa và dẫn Phêrô vào. Cô nữ tì gác cửa liền bảo Phêrô: S. “Có phải ông cũng là môn đệ của người đó không?” C. Ông đáp: S. “Tôi không phải đâu”.

C. Đám thủ hạ và vệ binh có nhóm một đống lửa và đứng đó mà sưởi vì trời lạnh, Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế hỏi Chúa Giêsu về môn đệ và giáo lý của Người. Chúa Giêsu đáp: J. “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ, Tôi thường giảng dạy tại hội đường và trong đền thờ, nơi mà các người Do-thái thường tụ họp, Tôi không nói chi thầm lén cả. Tại sao ông lại hỏi Tôi? Ông cứ hỏi những người đã nghe Tôi về những điều Tôi đã giảng dạy. Họ đã quá rõ điều Tôi nói”. C. Nghe vậy, một tên vệ binh đứng đó vả mặt Chúa Giêsu mà nói: S. “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư”. C. Chúa Giêsu đáp: J. “Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó; mà nếu Ta nói phải, thì tại sao anh lại đánh Ta?” C. Rồi Anna cho giải Người vẫn bị trói đến cùng vị thượng tế Caipha. Lúc ấy Phêrô đang đứng sưởi. Họ bảo ông: S. “Có phải ông cũng là môn đệ người đó không?” C. Ông chối và nói: S. “Tôi không phải đâu”. C. Một tên thủ hạ của vị thượng tế, có họ với người bị Phêrô chém đứt tai, cãi lại rằng: S. “Tôi đã chẳng thấy ông ở trong vườn cùng với người đó sao?” C. Phêrô lại chối nữa, và ngay lúc đó gà liền gáy.

Bấy giờ họ điệu Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến pháp đình. Lúc đó tảng sáng và họ không vào pháp đình để khỏi bị nhơ bẩn và để có thể ăn Lễ Vượt Qua. Lúc ấy Philatô ra ngoài để gặp họ và nói: S. “Các ngươi tố cáo người này về điều gì”. C. Họ đáp: S. “Nếu hắn không phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan”. C. Philatô bảo họ: S. “Các ông cứ bắt và xét xử theo luật của các ông”. C. Nhưng người Do-thái đáp lại: S. “Chúng tôi chẳng có quyền giết ai cả”. C. Thế mới ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói trước: Người sẽ phải chết cách nào. Bấy giờ Philatô trở vào pháp đình gọi Chúa Giêsu đến mà hỏi: S. “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” C. Chúa Giêsu đáp: J. “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?” C. Philatô đáp: S. “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” C. Chúa Giêsu đáp: J. “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng nước tôi không thuộc chốn này”. C. Philatô hỏi lại: S. “Vậy ông là Vua ư?” C. Chúa Giêsu đáp: J. “Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi”. C. Philatô bảo Người: S. “Chân lý là cái gì?” C. Nói lời này xong, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ: S. “Ta không thấy nơi người này có lý do để khép án. Nhưng theo tục lệ các ngươi, ta sẽ phóng thích cho các ngươi một tù nhân vào dịp Lễ Vượt Qua. Vậy các ngươi có muốn ta phóng thích Vua Do-thái cho các ngươi chăng?” C. Họ liền la lên: S. “Không phải tên đó, nhưng là Baraba”. C. Baraba là một tên cướp. Bấy giờ Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn Người. Binh sĩ kết một triều thiên bằng gai nhọn đội lên đầu Người và nói: S. “Tâu Vua Do-thái!” C. Và vả mặt Người. Philatô lại ra ngoài và nói: S. “Đây ta cho dẫn người ấy ra ngoài cho các ngươi để các ngươi biết rằng ta không thấy nơi người ấy một lý do để kết án”. C. Bấy giờ Chúa Giêsu đi ra, đội mão gai và khoác áo đỏ. Philatô bảo họ: S. “Này là Người”. C. Vừa thấy Người, các thượng tế và vệ binh liền la to: S. “Đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!” C. Philatô bảo họ: S. “Đấy các ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào kết tội ông”. C. Người Do-thái đáp lại: S. “Chúng tôi đã có luật, và theo luật đó nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Thiên Chúa”. C. Nghe lời đó Philatô càng hoảng sợ hơn. Ông trở vào pháp đình và nói với Chúa Giêsu: S. “Ông ở đâu đến?”

C. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại câu nào. Bấy giờ Philatô bảo Người: S. “Ông không nói với ta ư? Ông không biết rằng ta có quyền đóng đinh ông vào thập giá và cũng có quyền tha ông sao?” C. Chúa Giêsu đáp: J. “Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho, vì thế nên kẻ nộp tôi cho quan, mắc tội nặng hơn”. C. Từ lúc đó Philatô tìm cách tha Người. Nhưng người Do-thái la lên: S. “Nếu quan tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xêsa, vì ai xưng mình là vua, kẻ đó chống lại Xêsa”. C. Philatô vừa nghe lời đó, liền cho điệu Chúa Giêsu ra ngoài rồi ông lên ngồi toà xử, nơi gọi là Nền đá, tiếng Do-thái gọi là Gabbatha. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Philatô bảo dân: S. “Đây là vua các ngươi”. C. Nhưng họ càng la to: S. “Giết đi! Giết đi! Đóng đinh nó đi!” C. Philatô nói: S. “Ta đóng đinh vua các ngươi ư?” C. Các thượng tế đáp: S. “Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Xêsa”. C. Bấy giờ quan giao Người cho họ đem đóng đinh.

Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá đến nơi kia gọi là Núi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đinh Người trên thập giá cùng với hai người khác nữa: mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa. Philatô cũng viết một tấm bảng và sai đóng trên thập giá. Bảng mang những hàng chữ này: “Giêsu, Nadarét, vua dân Do-thái”. Nhiều người Do-thái đọc được bảng đó, vì nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh thì gần thành phố, mà bảng viết thì bằng tiếng Do-thái, Hy-lạp và La-tinh. Vì thế các thượng tế đến thưa với Philatô:

S. Xin đừng viết “Vua dân Do Thái”, nhưng nên viết: “Người này đã nói: ‘Ta là vua dân Do-thái'”. C. Philatô đáp: S. “Điều ta đã viết là đã viết”. C. Khi quân lính đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá rồi thì họ lấy áo Người chia làm bốn phần cho mỗi người một phần, còn cái áo dài là áo không có đường khâu, đan liền từ trên xuống dưới. Họ bảo nhau: S. “Chúng ta đừng xé áo này, nhưng hãy rút thăm xem ai được thì lấy”. C. Hầu ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Chúng đã chia nhau các áo Ta và đã rút thăm áo dài của Ta”. Chính quân lính đã làm điều đó.

Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: J. “Hỡi Bà, này là con Bà”. C. Rồi Người lại nói với môn đệ: J. “Này là Mẹ con”. C. Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói: J. “Ta khát!” C. Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói: J. “Mọi sự đã hoàn tất”. C. Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.

 

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ: để tội nhân khỏi treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày đại lễ, nên người Do-thái xin Philatô cho đánh dập ống chân tội nhân và cho cất xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân của người thứ nhất và người thứ hai cùng chịu treo trên thập giá với Người. Nhưng lúc họ đến gần Chúa Giêsu, họ thấy Người đã chết, nên không đánh dập ống chân Người nữa, tuy nhiên một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra. Kẻ đã xem thấy thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cho các người cũng tin nữa. Những sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Người ta sẽ không đánh dập một cái xương nào của Người”. Lời Kinh Thánh khác rằng: “Họ sẽ nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu qua”.

Sau đó, Giuse người xứ Arimathia, môn đệ Chúa Giêsu, nhưng thầm kín vì sợ người Do-thái, xin Philatô cho phép cất xác Chúa Giêsu. Philatô cho phép. Và ông đến cất xác Chúa Giêsu. Nicôđêmô cũng đến, ông là người trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn lẫn với trầm hương. Họ lấy xác Chúa Giêsu và lấy khăn bọc lại cùng với thuốc thơm theo tục khâm liệm người Do-thái. Ở nơi Chúa chịu đóng đinh có cái vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mộ đó.

Suy niệm: Một cô bé tuổi mười lăm thắc mắc hỏi cha mình: ‘Cha ơi sao Chúa không chọn cách khác để cứu độ nhân loại, có nhiều cách mà phải không cha?’ Đúng là Chúa có nhiều cách cứu độ nhưng Ngài lại chọn cứu độ nhân loại bằng cách chịu đóng đinh trên thập giá, cách mà “người Do-thái coi là ô nhục, và dân ngoại coi là điên rồ” (1Cr 1,23), cách mà cả người môn đệ thân tín là Phê-rô cũng lên tiếng can ngăn Chúa (x. Mt 16,22). Chúng ta có thể hỏi nhiều câu hỏi tại sao như thế. Nhưng sẽ chỉ có một câu trả lời: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Mời Bạn: Tình yêu luôn có nhiều sáng kiến. Tình yêu Thiên Chúa thì vô biên, nên sáng kiến của tình yêu của Ngài cũng hết sức cao vời vượt quá điều chúng ta có thể tưởng nghĩ tới. Chương trình cứu độ bằng thập giá chính là sáng kiến tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa để mặc khải tình yêu của Ngài cho chúng ta. Vì thế, tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa không chỉ là than khóc vì những nỗi thống khổ, đau đớn Ngài phải chịu. Trái lại chúng ta suy tôn sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa cho Con Một Ngài hiến thân chịu đóng đinh, chịu chết để cứu độ chúng ta. Và chúng ta đồng cảm với Chúa, cùng vác thánh giá với Ngài thay vì tiếp tục đóng đinh Chúa bằng những tội lỗi của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Mỗi lần xưng tội, bạn quyết tâm dứt khoát chừa bỏ tội lỗi và đền bù bằng đời sống bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, đã chịu đóng đinh thập giá để cứu độ chúng con. Xin cho con vác thập giá mình đi theo Chúa để đáp đền tình yêu ấy. Amen.

17/04 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY.

“Ngài yêu thương họ đến cùng”.

Lời Chúa: Ga 13, 1-15

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa.

Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.

Suy niệm: Ở miền Cận Đông thời Chúa Giê-su, tại các bữa tiệc, người ta nằm nghiêng trên các ‘giường tiệc’ để vừa với bàn tiệc rất thấp. Tư thế đó khiến đôi chân lộ rõ trên giường ăn. Chính vì thế, buộc phải rửa chân cho sạch những bụi bặm dính vào khi đi đường. Nhưng rửa chân là công việc của đầy tớ, của nô lệ. Thế nên các môn đệ hết sức sững sờ khi Đức Giê-su cúi xuống rửa chân cho họ. Dù Phê-rô vẫn cố phản kháng, không để Thầy rửa chân mình, nhưng Chúa cho biết đó là điều kiện để được “dự phần” với Chúa; điều kiện đó lại kéo theo một yêu cầu: các môn đệ của Ngài cũng phải noi gương Thầy mà phục vụ lẫn nhau: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.

Bạn thân mến, Thầy Giê-su đã làm một hành vi thật ấn tượng và lại kèm theo một lệnh truyền không thể hiểu khác: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Phải chăng chúng ta một khi đã nhận mình là môn đệ của Chúa thì nhất định phải “rửa chân” nghĩa là phải phục vụ anh em? Địa vị của bạn trong xã hội hay cộng đoàn càng cao thì càng phải đặt mình trong tư thế tôi tớ khiêm tốn, để phục vụ cả trong những việc nhỏ bé, âm thầm, tầm thường nhất. Rửa chân cho nhau cũng là quan tâm chia sẻ, không từ nan trước khó khăn, đau khổ của người khác. Bạn nhớ “khiêm nhường phục vụ không làm mình hèn kém, mà giúp mình trở nên giống Chúa hơn.”

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm ít là một việc phục vụ nhỏ bé, âm thầm, dù người khác có biết hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa vì tình yêu khiêm nhường của Chúa. Xin giúp chúng con biết yêu thương và khiêm nhường phục vụ người khác như Chúa đã dạy. Amen.

 

15/04 – THỨ BA TUẦN THÁNH.

“Một người trong các con sẽ nộp Thầy… Trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần”.

Lời Chúa: Ga 13, 21-33. 36-38

Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: “Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy”.

Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: “Hỏi xem Thầy nói về ai đó”. Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy, ai vậy?”

Chúa Giêsu trả lời: “Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó”. Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: “Con tính làm gì thì làm mau đi”. Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối.

Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: “Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được”, nay Thầy cũng nói với các con như vậy”.

Simon Phêrô hỏi Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy”.

Phêrô thưa lại: “Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần”.

Suy niệm: Có những thí sinh được tôn vinh nhờ đạt được kết quả xuất sắc trong kỳ thi. Cũng có những vận động viên được tôn vinh khi đăng quang ngôi vô địch trong các cuộc thi đấu. Tổ quốc cũng tôn vinh những chiến sĩ lập được những chiến công anh hùng. Nhiều người muốn tôn Đức Giê-su làm vua sau khi Ngài phép lạ hoá bánh ra nhiều. Chí ít họ cũng có dịp tung hô Chúa là vua khi Ngài công khai tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem ít ngày trước lễ Vượt Qua (Ga 12,12-14). Nhưng với Đức Ki-tô, lúc Ngài được tôn vinh thực sự và Thiên Chúa, Cha của Ngài cũng được tôn vinh chính là lúc Giu-đa rời phòng Tiệc Ly đi cấu kết với người Do Thái để nộp Ngài, lúc đó Chúa nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh”. Giờ Chúa được tôn vinh là lúc cuộc Thương Khó, cuộc chiến cuối cùng, bắt đầu.

Mời Bạn: Được tôn vinh, theo Chúa Giê-su, không phải là lập được thành tích xuất sắc, được số đông thán phục, mà là được Chúa Cha tôn vinh vì đã hoàn thành chương trình cứu độ của Ngài trong yêu mến vâng phục. Là môn đệ Chúa, chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân của tình yêu, để Thiên Chúa được tôn vinh, và nhờ đó, chúng ta cũng được Thiên Chúa tôn vinh.

Sống Lời Chúa: Dâng một việc hy sinh để cầu nguyện cho những ai không có thiện cảm về mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã hạ mình, chịu đóng đinh, chịu chết để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con biết khiêm nhường phục vụ tha nhân để mai ngày, chúng con được chung hưởng vinh quang phục sinh với Chúa. Amen.

14/04 – THỨ HAI TUẦN THÁNH.

“Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta”.

Lời Chúa: Ga 12, 1-11

Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà.

Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?” Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu”.

Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại.

Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.

Suy niệm: Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su đến nhà ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô tại Bê-ta-ni-a. Giữa bầu khí thù địch khi mà giới chức lãnh đạo Do Thái đang tìm giết Ngài, gia đình cô Mác-ta lại đón tiếp Chúa thật trọng hậu và trân quý. Hơn thế nữa, trong bữa ăn, cô Ma-ri-a quỳ xuống, dùng một bình dầu thơm hảo hạng chỉ để xức chân Chúa, rồi lấy tóc mình lau chân Ngài. Nghĩa cử cực kỳ hào phóng khi cô hiến dâng cho Chúa những gì là quý giá nhất đó, không chỉ nói lên lòng kính mến vô bờ cô dành cho Ngài, mà Chúa còn cho biết, đó chính là hành vi mang tính ngôn sứ, “dành cho ngày mai táng Chúa”, hành vi suy tôn cuộc khổ nạn Ngài sắp chịu để cứu độ trần gian.

Mời Bạn: Với trào lưu tục hoá và não trạng ‘có thực mới vực được đạo’, nhiều Ki-tô hữu coi những việc đạo đức như cầu nguyện, thờ phượng… là vô bổ và tốn thời gian, họ chỉ ‘giữ đạo’ ở mức tối thiểu. Trong mùa Chay, có rất nhiều thực hành đạo đức như ăn chay, kiêng thịt, gẫm Đàng Thánh Giá, ngắm 15 Sự Thương Khó (Lễ Đèn)… cùng với những cử hành trọng thể như Đêm Thánh Vượt Qua. Tham dự những cử hành đó cách quảng đại với lòng sốt sắng kính mến Chúa chính là để đồng cảm và thông phần cuộc khổ nạn cứu độ với Ngài.

Sống Lời Chúa: Tôi cố gắng thu xếp công việc để tham dự đầy đủ các cử hành Tuần Thánh tại giáo xứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Xin cho con cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho con trong cuộc Thương khó để con sẵn sàng đón nhận đau khổ và cùng thông phần khổ nạn với Chúa. Amen.

 

12/04 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

“Ðể quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối”.

Lời Chúa: Ga 11, 45-56

Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: “Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta”. Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: “Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.

Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: “Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?” Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.

Suy niệm: Một số giải pháp của con người thời đại hôm nay không khác gì lối giải quyết của Cai-pha xưa, thoạt nghe rất hợp lý nhưng thực ra chúng che đậy một động cơ vừa phi nhân vừa ích kỷ. Với lập luận ‘thà giết chết một người để mọi người được cứu sống,’ Cai-pha nhân danh số đông để huỷ diệt một con người, nhưng thực ra ông ấy đang cố cứu lấy thế lực của mình. Hôm nay, người ta có thể nhân danh sự an ninh của mình để tiêu diệt một dân tộc; nhân danh sức khỏe cộng đồng để dùng một con người làm vật thí nghiệm; và để nâng cao mức sống, người ta dám khử trừ các thai nhi… Sự rách nát của lương tâm đang được che phủ bằng những lý lẽ thực dụng đầy hấp dẫn. Chúa Giê-su đã bị giết vì lối lập luận phi nhân của Cai-pha; ngày nay, trong những con người yếu kém, bé nhỏ, Người vẫn đang tiếp tục bị coi là ‘dê tế thần’ như thế.

Mời Bạn: Não trạng thực dụng có khi đang len lỏi một cách tinh vi vào cuộc sống của chúng ta. Tôi làm việc bác ái, đấu tranh cho công bằng khi điều đó có lợi hay ít là không có hại cho tôi. Ngược lại, biết đâu tôi cũng sẵn sàng chà đạp lên quyền lợi của người khác để bảo vệ quyền lợi của mình! Nhìn lại cách bạn giải quyết các vấn đề. Giải pháp của bạn có làm hại người khác không?

Sống Lời Chúa: Bạn xét mình và lãnh nhận bí tích Giao Hoà.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù con không đáng, nhưng xin Chúa cứ đến chọn hồn con làm nhà của Chúa ngự. Ở đó, xin Chúa điều khiển mọi lựa chọn của con và con sẽ đi trong đường lối Chúa.

 

11/04 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

“Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ”.

Lời Chúa: Ga 10, 31-42

Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?”

Người Do-thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: “Ta đã nói: các ngươi là thần”? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng “Ông nói lộng ngôn”, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”.

Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.

Suy niệm: Cuộc đấu khẩu giữa Chúa Giê-su và biệt phái, kinh sư mà Tin Mừng thuật lại cho chúng ta mấy ngày nay đã lên đến cao độ. Chúa Giê-su sắp bị khai tử chung quy cũng chỉ vì Ngài xưng mình là Con Thiên Chúa. Không vì thế mà chùn bước, Chúa Giê-su trưng dẫn những dấu lạ Ngài làm như bằng chứng để thuyết phục họ. Nhưng kết cục thật đáng buồn, họ vẫn không tin. Nghịch lý thay! Kẻ thông thái am tường Kinh Thánh thì không tin, còn kẻ bình dân ít học lại tin vì “những lời Gio-an nói về Ngài đều đúng” (c. 41). Đức tin là ơn Chúa ban không, Ngài có ban thì con người mới được. Về phía con người, Chúa chỉ đòi họ tấm lòng thành, điều mà các kinh sư và biệt phái không có.

Mời Bạn: Ý thức đức tin mà bạn đang có hôm nay là do Chúa thương ban, và hết sức gìn giữ đức tin đến cùng, noi gương thánh Phao-lô: “Tôi đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7).

Chia sẻ: Cùng những người trong gia đình hay cộng đoàn của bạn rà soát lại niềm tin của mình. Điểm mặt những cạm bẫy đang hòng lôi kéo bạn ra khỏi niềm tin, để đề phòng kẻo vấp ngã.

Sống Lời Chúa: Thư gửi tín hữu Do thái đoạn 11 nói đến những mẫu gương đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng những điều ta không thấy...” Mời bạn đọc tiếp để xin Chúa ban cho đức tin của bạn thêm xác tín và vững mạnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con ơn đức tin. Xin cho con thành tâm tin tưởng, quyết bảo vệ đức tin đến cùng, biết thể hiện đức tin bằng hành động cụ thể, và luôn kiên vững trong niềm tin vào Chúa. Amen.