Tag Archive for: Lc

23/03 – CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY Năm C.

“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Lời Chúa: Lc 13, 1-9

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh.

Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy.

Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!”

Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.

Suy niệm: Trên núi Khô-rếp, Thiên Chúa mời gọi Mô-sê tiến đến gần Người qua bụi gai bốc cháy. Nhưng để đến gần, ông phải “cởi dép ra” và “lấy khăn che mặt,” nghĩa là khi bước vào tương quan với Chúa, ông chấp nhận lột trần đôi chân, bỏ đi sự bao bọc, che dấu con người thật của mình. Thánh Phao-lô nhắc nhớ tín hữu Cô-rin-tô về của ăn, thức uống thiêng liêng phát xuất từ Đức Ki-tô, cảnh tỉnh họ về các chước cám dỗ luôn được lặp đi lặp lại trong thân phận con người, mà sống đẹp lòng Chúa hơn. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su khẳng định: không phải những người bị chết bất ngờ bởi tai nạn hay bị người khác sát hại là bởi họ ‘đáng’ phải bị như vậy, do họ tội lỗi hơn. Trong tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sám hối. Mỗi người đều được trao cơ hội để “bắt đầu lại và lại bắt đầu.” Đức Giê-su vẫn đến để thăm nom vườn cây đức tin Ngài đã trồng trong tâm hồn mỗi người, tìm kiếm hoa thơm trái ngọt từ khu vườn này.

Mời bạn: Nhờ niềm hy vọng được cứu độ, khi nhìn thời gian trôi qua, chúng ta tin chắc rằng lịch sử nhân loại và lịch sử của mỗi người không đi vào ngõ cụt hoặc vực thẳm tăm tối, nhưng hướng tới cuộc gặp gỡ với Đức Chúa hiển vinh” (Sắc chỉ Năm Thánh, số 19). Chúng ta sẽ phải làm gì nếu hôm nay Chúa Giê-su đến tìm hoa trái trong cuộc đời mình?

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm từ bỏ một tật xấu, và có cái nhìn tích cực về người khác để thấy được điều tốt nơi họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã luôn kiên nhẫn với con. Xin cho con đáp lại lòng thương xót của Chúa với tất cả tình yêu và lòng sám hối. Amen.

22/03 – Thứ Bảy tuần 2 Mùa Chay.

“Em con đã chết nay sống lại”.

Lời Chúa: Lc 15, 1-3. 11-32

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:

“Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho.

Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Suy niệm: Cha nào không thương con. Nhưng người cha trong dụ ngôn, hình ảnh của Thiên Chúa, thể hiện một tình thương khiến ta bực tức. Khi cậu đi hoang trở về, thay vì cho thằng con hư hỏng một trận đòn nên thân, ông lại xỏ nhẫn, mang giày, mặc quần áo mới, giết bê ăn mừng. Ông có mềm yếu, nuông chiều con cái quá không? – Không hẳn, nếu ta hiểu rằng ông thể hiện tấm lòng phụ tử của rất nhiều người cha trong cuộc đời này. Họ là hình ảnh của Thiên Chúa, Người Cha luôn yêu thương con cái, yêu thương đến độ phung phí tình yêu thương ấy với con cái mình, kể cả khi con cái lầm lỗi. Ngài cũng sẽ rất vui mừng và cả thiên quốc cùng hoan hỉ với Ngài khi một tội nhân hối lỗi trở về.

Mời Bạn: Là người cha, bạn đã xử sự với con cái mình thế nào? Và nếu chẳng may có một người con hư hỏng, bạn làm gì để tìm lại con mình? – Cầu nguyện, chờ đợi, tìm kiếm mọi phương thế, giải pháp… hay bất lực, bỏ mặc con mình ra sao thì ra?

Sống Lời Chúa: Dù bạn là ai, phản ứng thế nào trước đứa con hư hỏng, bạn vẫn nhận ra cái kỳ quặc của người cha trong dụ ngôn. Chính cái kỳ quặc này sẽ giúp bạn hiểu được tấm lòng Thiên Chúa đối với tội nhân, và tội nhân ấy không ai khác là bạn và tôi.

Cầu nguyện: Con hết lòng ngưỡng mộ tấm lòng phụ tử của Chúa đối với con người tội lỗi, lạy Chúa. Con cũng kêu xin lòng nhân từ Chúa tha thứ, đón nhận con, một tội nhân. Xin giúp con xác tín tình yêu thương của Ngài. Amen.

20/03 – Thứ Năm tuần 2 Mùa Chay.

“Con đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ”.

Lời Chúa: Lc 16, 19-31

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy.

Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng: “Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được”.

Người đó lại nói: “Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”. Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”. Người đó thưa: “Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải”. Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu”.

Suy niệm: Trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay đồng tiền được tôn vinh: Để có một nền kinh tế ‘khoẻ mạnh’, người ta áp dụng những biện pháp nào là ‘kích cầu’, nào là ‘khuyến mãi’, cốt sao cho hàng hóa được sản xuất thật nhiều và được tiêu thụ cũng nhiều như thế. Thế nhưng đồng tiền là máu huyết để tạo sự lưu thông hàng hoá đó lại có xu hướng ‘tụ máu’ nơi một thiểu số. Vì thế khoảng cách phân hóa giàu nghèo mỗi ngày một rộng hơn… Trong xã hội vẫn tồn tại những ông phú hộ, đồng thời cũng xuất hiện nhiều anh La-da-rô hơn. Cứ cho là đồng tiền của những ông phú hộ – xưa cũng như nay – là do chính công sức lao động của họ; họ đâu có trấn lột ai để ăn xài xa xỉ! Điều đáng trách nơi họ chính là thái độ vô tình: vô tình trước nỗi đau, trước những hoàn cảnh khó khăn của anh chị em mình đang cần được chia sẻ trợ giúp.

Mời Bạn: Vấn đề ở đây chính là thái độ quan tâm của chúng ta trong cách sống với đồng loại của mình. Có lần nào bạn nhận ra chính mình đang là ông phú hộ trong cách xử sự với đồng loại? Hãy học cùng Chúa Giê-su để có một trái tim biết thương cảm, và có một đôi mắt biết chạnh lòng thương đối với anh chị em đồng loại của mình.

Sống Lời Chúa: Bình tâm xét xem mình đang vô tình, vô cảm trước nỗi đau, nhu cầu nào của tha nhân. Và bạn tìm cách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo bằng cách chia sẻ những phương tiện để phát triển (kiến thức, tiền bạc, thời giờ…) bạn đang sở hữu.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

17/03 – Thứ Hai tuần 2 Mùa Chay.

“Hãy tha thứ thì các con sẽ được thứ tha”.

Lời Chúa: Lc 6, 36-38

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con.

Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!”

Suy niệm: “Tôi cầu nguyện cho người anh em, người đã tấn công tôi, người mà tôi chân thành tha thứ,” đó là những lời  ĐGH Gio-an Phao-lô II đã thốt lên sau khi bị Ali Agca bắn trọng thương tại quảng trường thánh Phê-rô (13/05/1981). Hơn thế nữa, hai năm sau, khi đã bình phục, ngài còn đến nhà tù Rebibbia ở Rôma gặp anh, nói với anh lời tha thứ và xin chính quyền Ý ân xá cho anh. Vị thánh giáo hoàng đã để lại cho chúng ta một mẫu gương sáng rất đáng ngưỡng mộ và noi theo về việc thực hành lệnh truyền của Đức Ki-tô hôm nay: “Hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”. Quả thật, ai tha thứ thì không sợ bị Thiên Chúa xét xử vì họ đã trở nên giống Chúa là Đấng “luôn sẵn sàng tha thứ, Ngài từ bi, nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Nkm 9,17; Tv 103,8).

Bạn thân mến, những điều anh em lỗi phạm đến chúng ta chẳng là gì so với những tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa. Thế mà Ngài đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta, thì phần chúng ta, lẽ nào không thể tha thứ cho anh chị em mình? Thiên Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét ai?

Sống Lời Chúa: Chủ động làm hòa với người mà mình cho rằng họ đang làm mình bị tổn thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con phải biết tha thứ như trên Thánh Giá, Chúa đã tha thứ cho những kẻ làm hại mình; thế nhưng lắm lúc con vẫn mãi chấp nhất những điều anh chị em xúc phạm đến con. Xin Chúa giúp con trong mùa chay thánh này biết tha thứ cho nhau, để được Chúa thứ tha và vui sống bình an. Amen.

12/03 – Thứ Tư tuần 1 Mùa Chay.

“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.

Lời Chúa: Lc 11, 29-32

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona.

Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.

Suy niệm: Chúa Giê-su thường dùng hình ảnh so sánh thật đậm nét khiến cho không ai có thể hiểu sai sứ điệp của Ngài. Vị trí của dân thành Ni-ni-vê ở rất xa trong chương trình cứu chuộc so với dân Ít-ra-en, dân riêng của Chúa. Còn ngôn sứ Giô-na dẫu sao cũng chỉ là sứ giả, hoàn toàn không thể so sánh với Đức Ki-tô: “Ở đây còn hơn ông Giô-na nữa.” Nếu như dân Ni-ni-vê đã sám hối ngay khi vừa nghe Giô-na rao giảng, thì dân riêng của Chúa còn phải sám hối cách mau mắn và triệt để hơn biết bao!

Mời Bạn: Công Đồng Tren-tô định nghĩa: “Sám hối là cảm thấy đau buồn gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải” (DZ. 1676). Đau buồn và gớm ghét quá khứ tội lỗi để từ bỏ, còn quyết tâm chừa cải là nhắm tới tương lai tốt đẹp, và thánh thiện. Vì thế, sám hối không chỉ dừng lại ở tâm tình mà còn phải biến thành hành động cụ thể là nhìn nhận việc làm sai trái để hoà giải với Chúa và anh em, đồng thời đền bù những thiệt hại mình đã gây ra. Trong Mùa Chay, chúng ta được kêu gọi sám hối một cách khẩn thiết hơn. Chỉ nhờ nghe lời Giô-na mà dân Ni-ni-vê đã được Chúa nguôi cơn giận mà tha thứ; phần chúng ta nghe lời của Đức Giê-su, Con của Ngài, chúng ta còn được tha thứ và yêu thương biết mấy! Bạn còn chần chờ gì mà không sám hối trở về làm hoà với Chúa trong bí tích Hoà Giải?

Chia sẻ cảm nghiệm của bạn sau khi lãnh nhận bí tích Hòa Giải.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm sám hối thật lòng và lãnh nhận bí tích Hoà Giải.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

09/03 – CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY năm C.

“Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ”.

Lời Chúa: Lc 4, 1-13

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ.

Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”.

Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.

Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá”. Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!”

Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

Suy niệm: Cám dỗ đầu tiên ma quỷ tấn công Chúa Giê-su là một điều hết sức bình thường của cuộc sống: có một tấm bánh để ăn trong lúc đói lòng. So với hai cám dỗ tiếp theo về quyền lực và danh vọng thì có vẻ nó là chuyện ‘lẻ tẻ’, thế nhưng nó lại là cơn cám dỗ ghê gớm nhất. Những ai đã từng chịu đói, đã từng phải chạy đôn chạy đáo kiếm bữa cháo qua ngày sẽ thấy sự kinh khủng của cơn cám dỗ này. Vì miếng ăn, người ta có thể bán rẻ lương tâm, lường gạt bạn bè, cướp giật và thậm chí chém giết nhau. Chúa Giê-su đã chịu đựng cơn cám dỗ này sau một chuỗi dài 40 ngày nhịn đói và Ngài đã anh hùng chiến thắng nó với lời khẳng định: “Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh”. Lương thực của Ngài là “thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

Mời Bạn: Người ta vẫn thường nói: “Có thực mới vực được đạo”. Nhưng nhiều khi chúng ta chỉ lo cho phần ‘có thực’, nghĩa là chỉ lo cho việc ăn uống nuôi thân xác, mà quên mất việc ‘được đạo’, nghĩa là nuôi sống phần hồn bằng Lời Chúa, bằng đời sống đạo sốt sắng và sống theo tinh thần Tin Mừng của Chúa.

Sống Lời Chúa: Lấy câu Lời Chúa: “Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh” làm châm ngôn sống đạo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, những cơn cám dỗ thỏa mãn thân xác vẫn đến và muốn đánh ngã con mỗi ngày. Xin giúp con sức mạnh để vượt thắng chúng bằng việc bớt chăm sóc thân xác nhưng quan tâm lo lắng đến phần hồn nhiều hơn. Amen.

08/03 – Thứ Bảy sau lễ Tro.

“Ta không đến kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

Lời Chúa: Lc 5, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài.

Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

Suy niệm: Có một người dự tòng thắc mắc: mình vốn sống lương thiện, nay tin Chúa, muốn theo đạo, có làm gì sai mà phải “sám hối”, phải “rửa tội”? Thắc mắc đó đi vào đúng trọng tâm của Ki-tô giáo. Thánh Gio-an Tẩy giả đúc kết lời rao giảng bằng lời kêu gọi: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Và Chúa Giê-su khi khởi đầu rao giảng cũng lặp lại chính những lời này: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Vì thế mục tiêu của Chúa trong chương trình cứu độ là tìm kiếm những người tội lỗi, hay nói đúng hơn, là những người nhận biết mình tội lỗi và kêu gọi họ sám hối để được cứu độ. Và không chỉ rao giảng bằng lời, Chúa còn nêu gương bằng cách chính Ngài gánh lấy tội lỗi muôn người làm tội của mình để mà đền thay.

Mời Bạn: Việc đầu tiên người tông đồ phải làm để loan báo Tin Mừng là chính mình phải sám hối vì nhận thức được rằng mình là người có tội với Chúa và với tha nhân: có tội vì đã không tôn thờ Chúa như Chúa đáng được tôn thờ, đã không yêu thương tha nhân như tha nhân đáng được yêu thương; hơn nữa, phải cảm nhận được trong tội lỗi của tha nhân cũng có phần trách nhiệm của tôi: nếu tôi thánh thiện hơn thì những tội lỗi như thế có thể đã không xảy ra.

Chia sẻ : Cảm thức về tội lỗi như thế có phải là mặc cảm tội lỗi và làm suy giảm phẩm giá con người không?

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và siêng năng lãnh nhận bí tích hoà giải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội.

 

06/03 – Thứ Năm đầu tháng, sau lễ Tro.

“Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống”.

Lời Chúa: Lc 9, 22-25

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Chúa nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?”

Suy niệm: “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”, câu thơ của Tào Tùng thời Đường (Trung Quốc) diễn tả tâm trạng ngậm ngùi của vị tướng chiến thắng khải hoàn trong vinh quang nhưng với cái giá phải trả là hằng vạn binh sĩ của ông đã phải phơi xương tại trận tiền. Quả thật, Chúa không hứa hẹn cho những kẻ theo Ngài một cuộc sống dễ dàng, được giàu sang phú quý nơi trần thế, mà trái lại phải chấp nhận hy sinh, gian khổ, và kể cả cái chết. Mặt khác, Ngài không phải là vị tướng ‘sát quân, thí tốt’ khi kêu gọi “ai muốn theo tôi, phải bỏ mình vác thập giá mình mà theo”. Nhưng, trước khi yêu cầu điều đó, Ngài báo trước chính Ngài “sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị loại bỏ, bị giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Chính Ngài đã đi trước chúng ta trên con đường khổ giá đó, và mời gọi chúng ta vác thập giá theo Ngài, cùng chết với Ngài và sẽ được cùng Ngài sống lại.

Bạn thân mến, đi theo Đức Ki-tô là đi vào con đường từ bỏ và hy sinh. Đó là “từ bỏ chính mình”, nghĩa là từ bỏ lòng tự mãn, ý riêng, từ bỏ những đam mê bất chính đối nghịch với Tin Mừng. Đồng thời, đó cũng là “vác thập giá mình hằng ngày”, là hy sinh, đón nhận những lao nhọc vất vả, bệnh tật… trong cuộc sống, với những thách đố của đức tin. Bạn có sẵn sàng từ bỏ và hy sinh để bước theo Ngài không?

Sống Lời Chúa: Thực hành hy sinh qua thái độ vui tươi nhẫn nhịn trước sự khó chịu, xúc phạm người khác gây ra.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết từ bỏ tính ích kỷ, để chúng ccon quảng đại đón nhận tha nhân dù họ vẫn còn những khuyết điểm khó thương.

02/03 – CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN năm C.

“Miệng nói những điều đầy ứ trong lòng”.

Lời Chúa: Lc 6, 39-45

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.

“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.

“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.

Suy niệm: Hãy thử tưởng tượng một người mang đôi kính vấy bẩn rồi phàn nàn rằng mọi thứ xung quanh đều mờ đục. Thực ra, vấn đề không nằm ở xa bên ngoài mà là ở chính đôi kính anh ta đang đeo. Dùng một hình ảnh rất dí dỏm nhưng thật ý nhị: một người có cái xà to đùng trong mắt mà lại đòi lấy cái rác nhỏ xíu trong mắt người khác, Đức Giê-su dạy các môn đệ thay vì xét đoán tha nhân, trước tiên phải nhìn lại chính mình và sửa đổi bản thân trước đã. Thật vậy, khi tâm hồn bị lấp đầy bởi tính ích kỷ và kiêu ngạo, khi cái nhìn bị che khuất bởi thành kiến, thì mọi sự, từ nhận thức đến hành động của ta, đều trở nên méo mó sai lệch. Và nếu lấy cái sai lệch đó làm thước đo cho sự ngay chính thì hậu quả sẽ nguy hại khôn lường, vì “mù mà lại dắt mù” thì cả hai sẽ “sa xuống hố”.

Mời Bạn: Chúa không bảo ta đừng giúp anh em sửa lỗi, nhưng Ngài dạy rằng trước khi làm điều đó, ta cần khiêm tốn xét mình, thanh luyện bản thân để có cái nhìn trong sáng, bao dung thì lời nói của ta mới có sức thuyết phục và mang lại điều tích cực cho tha  nhân.

Sống Lời Chúa: Thay vì lấy mình làm tiêu chuẩn xét đoán người khác, mỗi ngày bạn dành thời gian để xét mình dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều khi con dễ dàng phán xét anh em mà quên xét lại chính mình. Xin cho con biết khiêm tốn để nhận ra và sửa chữa những nết xấu của bản thân; xin cho con tấm lòng bao dung nhân hậu như Chúa để đón nhận tha nhân với tất cả những khuyết điểm lầm lỗi của họ và giúp nhau chữa lành những tật bệnh tâm hồn. Amen.