26/09 – Thứ Tư tuần 25 thường niên.
“Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân”.

Lời Chúa: Lc 9, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật.

Đoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: “Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”.

Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.

  • SUY NIỆM: Huấn Lệnh Truyền Giáo

Ðược Chúa Giêsu tuyển chọn và sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở các ông phải sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng.

So với lần Chúa sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh và quyền năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai đi trước để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông đồ trước khi lên đường có thể gồm 3 phần: Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa. Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu của những kẻ chống đối các ông.

Mỗi thời đại có những cám dỗ riêng. Ma quỉ đã cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ sứ mệnh cứu thế, cũng như cám dỗ Ngài làm những việc lạ lùng, như hóa đá thành bánh, gieo mình xuống từ nóc Ðền thờ để mọi người thấy và tin. Ngày nay, không thiếu những người chỉ muốn dùng tiền bạc để giảng dạy hoặc dùng quyền bính để làm cho người khác kinh sợ. Một cám dỗ khác mà người Tông đồ thời nay thường mắc phải, đó là sự thiếu kiên nhẫn, chờ đợi thời giờ của Chúa. Họ dễ thoái lui rời bỏ nhiệm sở, thay đổi công việc. Cũng có những người Tông đồ không dám nói rõ những sai lầm của người khác cũng như những gì trái ngược với giá trị Tin Mừng. Thái độ chung của con người thời nay là ích kỷ và hưởng thụ, số người sẵn sàng để Chúa sai đi thật hiếm hoi, số các tệ nạn do sự sai lầm thiêng liêng ngày càng gia tăng, trong khi đó cái tôi tự do được thổi phồng.

Có lần nhà hiền triết Diogène đứng ở một góc đường và cười rã rượi như người điên loạn. Một khách bộ hành hỏi ông: “Có gì mà ông cười ngặt nghẽo như thế?” Ông đáp: “Anh có thấy tảng đá to ở giữa đường kia không? Từ khi tôi tới đây, đã có mười người vấp ngã vì nó và nguyền rủa nó, nhưng không ai quan tâm lấy nó đi để tránh cho người khác khỏi vấp ngã”.

Có nhiều cách làm việc Tông đồ, nhưng hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống tốt lành của mình. Xin Chúa giúp chúng ta đáp lại lời mời của Chúa và hăng say dấn thân phục vụ những người xung quanh vì Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau. Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân. Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180925110000

25/09 – Thứ Ba tuần 25 thường niên.
“Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

Lời Chúa: Lc 8, 19-21

Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho Người rằng: “Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy”. Người trả lời với họ rằng: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

  • SUY NIỆM: Lắng Nghe và Thực Hành Lời Chúa.

Cả ba tác giả Nhất Lãm đều kể lại sự kiện Ðức Maria và các thân nhân Chúa Giêsu đi tìm Ngài, nhưng mỗi tác giả có một dụng ý riêng: Matthêu, Marcô xếp đoạn này lên trước phần Chúa Giêsu giảng dạy dụ ngôn người gieo giống, còn Luca thì đặt sau dụ ngôn ấy, liền sau dụ ngôn chiếc đèn cháy sáng. Luca không đề cập đến việc các thân nhân đến tìm Chúa Giêsu để đưa Ngài về Nazarét, nhưng nhấn mạnh đến điểm này: “Ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, đó là người sống trong gia đình Thiên Chúa, là Mẹ, là anh em của Ngài.

Một điểm nữa cần ghi nhận là trong đời sống thực tế, nhiều khi người ta cảm thấy gần gũi thân thiết với những người cùng chung chí hướng, nguyện vọng, hơn là những người ruột thịt, nhất là khi những người ruột thịt ấy không cùng chí hướng, nguyện vọng. Như thế, mối liên hệ sâu xa giữa con người với nhau không phải là liên hệ huyết thống, mà còn là liên hệ của cả tư tưởng, ý chí, tình cảm.

Chúa Giêsu đến trần gian để xây dựng một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là nguyện cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ðể cho thấy sự duy nhất về cùng một gia đình đó, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Ðó là hình ảnh Chúa Giêsu muốn diễn tả khi Ngài nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

Với ý nghĩa đó, Ðức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Chúa Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời. Trong biến cố truyền tin, Ðức Maria đã thưa với Sứ thần: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng theo lời thiên thần truyền”. Ðiều đó nói lên suốt đời Ðức Maria, người luôn làm theo ý Chúa.

Câu định nghĩa của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta con đường đi vào gia đình của Thiên Chúa, đó là làm theo thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng ta luôn biết thực thi thánh ý Chúa trong suốt cuộc sống chúng ta, để xứng đáng được thuộc về gia đình của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay. Chúng con thường xây nhà trên cát, vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con. Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ. Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng. Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180924110000

24/09 – Thứ Hai tuần 25 thường niên.

“Đặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy sự sáng”.

TẾT TRUNG THU. CẦU CHO THIẾU NHI.

Lời Chúa: Lc 8, 16-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường: nhưng đặt nó trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì kín nhiệm mà không bị tỏ ra, và không có gì ẩn giấu mà không bị lộ ra cho người ta biết. Vậy các ngươi hãy ý tứ xem các ngươi nghe thế nào! Vì ai có, sẽ được cho thêm; còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng sẽ bị lấy đi”.

  • SUY NIỆM: Ngọn Ðèn Ðức Tin

Bất cứ du khách nào sau một lần viếng thăm nước Mỹ, cũng đều phải thán phục tinh thần làm việc và óc thực dụng của người Mỹ: tất cả những nghiên cứu của đại học đều được kỹ nghệ đỡ đầu, tất cả những phát minh mới của khoa học đều tìm được ứng dụng trong kỹ nghệ. Người Kitô hữu có thể nhìn vào đó để rút ra bài học cho đời sống đức tin của mình không?

Thánh Giacôbê Tông đồ đã viết: “Một đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Một đức tin không được diễn đạt, không được ứng dụng trong đời sống hàng ngày phải chăng không là đức tin chết?

Trong Tin Mừng hôm nay, khi đưa ra hình ảnh chiếc đèn, Chúa Giêsu muốn nối lại truyền thống thực tiễn của Cựu Ước. Cựu Ước không thích những lý luận trừu tượng, uyên bác của Hy Lạp. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước không lý giải về những phẩm tính trừu tượng của Ngài, nhưng tìm cách đo lường sự trung thành của Ngài trong lịch sử nhân loại. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước luôn nói đến những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Khi Thiên Chúa phán một lời, lời đó không phải là một lời nói suông, mà trở thành thực tế; Thiên Chúa không chỉ nói qua các tiên tri, nhưng cuối cùng Lời của Ngài đã thành xác phàm.

Chiếc đèn được đốt lên phải đặt trên cao để soi cho mọi người trong nhà. Ðây là hình ảnh cuộc sống đức tin của người Kitô hữu: cũng như chiếc đèn, đức tin cần phải được thắp lên và chiếu sáng; nó phải được đốt lên bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Thiên Chúa là Ðấng chân thật, bởi vì sự chân thật ấy được thể hiện bằng một chuỗi những yêu thương đối với con người. Người Kitô hữu chỉ thực sự là Kitô hữu khi cuộc sống của họ thể hiện chính cuộc sống của Chúa, là yêu thương và phục vụ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu tạ ơn Chúa đã cho chúng con ánh sáng mặt trời, mặt trăng, và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất. Tạ ơn Chúa vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng. Đó là vinh dự và cũng là một trách nhiệm nặng nề. Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối của hận thù và bất công, của buồn phiền và thất vọng. Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con, và biết vâng theo những soi sáng của Chúa qua từng phút giây của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối vẫn còn tiếp diễn trên thế giới và trong lòng chúng con. Ước gì chúng con đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa, để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu. S.J

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180923110000

23/09 – Chúa Nhật tuần 25 Thường Niên năm B.
“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.

Lời Chúa: Mc 9, 29-36

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.

Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

  • SUY NIỆM: Phục vụ

Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay đưa ra một sự trớ trêu và sự trớ trêu này lại do chính các môn đệ, là những người thân yêu của Chúa gây nên.

Thực vậy, một lần nữa Chúa Giêsu dạy riêng các môn đệ về con đường thực hiện sứ mạng của Ngài: Con Người sẽ bị giết chết nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Và lần này cũng như lần trước, các môn đệ đã tỏ ra không hiểu, thế nhưng rút kinh nghiệm lần trước, không một ai đã lên tiếng góp ý. Điều trớ trêu và mỉa mai ở đây đó là chính lúc Chúa Giêsu muốn cho các ông hiểu về con đường đau khổ và thập giá mà Ngài phải trải qua để tiến đến vinh quang phục sinh, thì các ông lại nghĩ đến địa vị, đến chỗ đứng. Các ông tranh luận với nhau xem ai lớn hơn ai.

Như những người Do Thái khác, các ông vẫn quan niệm về một vị cứu tinh trong phạm vi chính trị, sẽ lật đổ ách nô lệ của đế quốc Lamã, giải phóng dân tộc, đem lại tự do và sự phồn thịnh cho đất nước. Và nếu vị cứu tinh nhân dân đang mong đợi dó chính là Chúa Giêsu, bậc thầy của các ông, thì quả thật, các ông là những người may mắn, vì sẽ được ban cho những chỗ đứng, những địa vị cao trọng trong vương quốc của Ngài. Tin Mừng cho thấy là những cuộc tranh luận này, hay những vụ tranh giành ngôi thứ vẫn thường xảy ra giữa các môn đệ, cho tới ngày Chúa bị nộp và bị giết.

Trong bài học Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, Ngài đã muốn đảo lộn cái nhìn và cách đánh giá của các ông. Trong cái nhìn và cách đánh giá của Chúa Giêsu, thì người lớn nhất lại không phải là người ngồi vào chỗ cao nhất, trên tất cả mọi người, nhưng là người rốt hết, là kẻ tôi đòi của mọi người. Như thế, con người được đánh giá không phải ở địa vị, ở quyền cao chức trọng mà là ở khả năng phục vụ. Và con đường dẫn tới vinh quang chính là con đường phục vụ mọi người.

Bài học đó, Chúa Giêsu đã thực hiện nơi chính bản thân của Ngài. Là Con Thiên Chúa, Ngài đã không dành chỗ nhất trong xã hội, nhưng Ngài đã chọn con đường yêu thương phục vụ, trở thành hữu ích đối với kẻ nghèo khổ, đói khát, bệnh tật và bị áp bức. Ngài trở nên hữu ích bằng cách chỉ cho họ tình thương của Chúa. Cứu chữa họ, giải phóng họ, trả lại cho họ quyền lợi và chỗ đứng trong xã hội và tôn giáo. Ngài đã đi cho đến cùng con đường yêu thương phục vụ của Ngài như lời Ngài đã phán. Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Cái chết và đau khổ chính là cái giá Ngài phải trả cho sự chọn lựa này.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có biết chấp nhận đau khổ và thập giá, nhất là chúng ta có hết can đảm bước vào con đường dấn thân và phục vụ anh em như Chúa Giêsu ngày xưa hay không?

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày, nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách: những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng vì thiếu Lời Chúa; những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước, nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương; những kẻ vô gia cư, không chỉ tìm kiếm một mái nhà, nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, không chỉ trong thân xác, nhưng còn trong tinh thần nữa, bằng cách thực thi lời hy vọng này: “Điều mà ngươi làm cho người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính Ta” (Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu. S.J

Nguồn:
http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180922110000

22/09 – Thứ bảy tuần 24 thường niên.
“Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

Lời Chúa: Lc 8, 4-15

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm”.

Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: “Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ.

Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

  • SUY NIỆM: Mảnh Ðất Tốt

Mỗi người đồ đệ cần phải cộng tác vào việc làm cho Nước Chúa được ngự đến, và trước hết là nơi chính bản thân mình. Chúa Giêsu giảng giải điều này cho các môn đệ qua dụ ngôn về người gieo giống được Giáo Hội nhắc lại trong ngày hôm nay.

Chúng ta có thể lưu ý đến một chút khác biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích về dụ ngôn. Khi kể về dụ ngôn Chúa Giêsu xem ra như nhấn mạnh tới sự hiệu nghiệm của hạt giống hay đúng hơn sự thành công của người gieo giống chắc chắn thu được thành quả. Có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi trong bụi gai, nhưng có những hạt rơi trên đất tốt và trổ sinh hoa trái gấp trăm. Còn khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ thì xem ra như Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thái độ cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa sinh hoa trái tốt. Thật ra hai khía cạnh này không đối nghịch nhau mà ngược lại cả hai cùng được tổng hợp để diễn tả thực tại phong phú của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chắc chắn được phát triển nhưng phần cộng tác của con người trong việc phát triển Nước Chúa cũng không thể nào bỏ qua được.

Chính hạt giống Lời Chúa là yếu tố chính của dụ ngôn, hạt giống Lời Chúa này tự nó có sức mạnh để trổ sinh hoa trái, nhưng khi được gieo vãi, được rao giảng cho mọi người thì liền gặp phải hoàn cảnh đối nghịch, gai góc, đá sỏi tùy thuộc vào thái độ chấp nhận cộng tác của người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở đây được hiểu là chính Thiên Chúa. Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không cho tất cả mọi người ơn cứu rỗi.

Thiên Chúa đã có sáng kiến ứng trước cho con người nhưng phần con người thì cũng cần cộng tác đáp lại. Hai yếu tố không thể bỏ qua được. Thiên Chúa không áp đặt nhưng kính trọng tự do của con người. Những trở ngại không cho hạt giống Lời Chúa sinh hoa trái là thái độ hời hợt, xu thời, không kiên trì, lo lắng tích trữ giàu sang vật chất, say mê đi tìm thú vui.

Mỗi người chúng ta cần canh tân đời sống cộng tác với ơn Chúa ban, cố gắng sao để trở thành mảnh đất tốt đón nhận hạt giống Lời Chúa. Một tâm hồn cao thượng, quảng đại và kiên trì giữa những gian nan thử thách của cuộc đời, đó là điều Thiên Chúa hằng mong ước gặp được nơi mọi người đồ đệ của Ngài, nơi mỗi người chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa, xin ban cho con được trở nên mảnh đất tốt hàng ngày đón nhận và suy niệm Lời Chúa cũng như sống thực hành những gì Chúa truyền dạy.

Lạy Chúa, xin hãy phán, này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa và dạy con bước đi ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày. Xin truyền cho con sức mạnh của Người. Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con tìm lại được sức trẻ để gieo trồng hàng ngàn cây xanh cho một thế giới mới Ước gì mồ hôi con pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu. Ước gì máu con hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn vì bất công và ích kỷ. Chúc tụng Chúa là Cha, đã dẫn con đi đến cùng, đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung với tràn trề bình an và niềm vui. (ĐHY Roger Etchegaray)

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180921110000

21/09 – Thứ sáu tuần 24 thường niên – THÁNH MÁTTHÊU, TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.
“Hãy theo Ta”. – Và ông ấy đứng dậy đi theo Người.

Lời Chúa: Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông ấy đứng dậy đi theo Người.

Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?”

Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”.

  • SUY NIỆM: Vị Thánh Là Ai?

Ngày kia một em bé được theo mẹ đi chợ. Từ nhà đến chợ, hai người phải đi qua một thánh đường nguy nga, to lớn. Em bé ngước mắt nhìn thánh đường, chợt em giơ tay chỉ cho mẹ và nói: “Mẹ xem kìa, những cửa kiếng màu bị đóng đầy bụi, xem thật dơ bẩn và không đẹp tí nào”.

Bà mẹ không nói không rằng về nhận xét của con, nhưng tiếp tục nắm lấy tay dẫn em tiến vào bên trong nhà thờ. Tại đây, những cửa kiếng bên ngoài xem ra dơ bẩn, xấu xí lại trở nên sáng chói và rực rỡ nhiều màu sắc lộng lẫy.

Em bé ngạc nhiên mở to đôi mắt nhìn những cửa kiếng màu diễn tả nhiều hình ảnh đẹp mắt. Bỗng mắt em dừng lại ở cửa kiếng sau bàn thờ diễn tả hình của bốn thánh sử viết Phúc Âm trong lúc ánh mặt trời đang chiếu rọi qua. Em bé hỏi mẹ đó là những thánh nào và được mẹ giải thích vắn tắt về từng vị thánh.

Vài ngày sau, trong một lớp giáo lý, tình cờ giáo lý viên hỏi các em: “Này, trong các em có ai trả lời được: một vị thánh là ai?” Trước một câu hỏi có vẻ không có ý nghĩa, cả lớp giáo lý thinh lặng, chỉ có em bé được mẹ dẫn vào bên trong nhà thờ để nhìn ngắm các cửa kiếng giơ tay xin trả lời. Em nói: “Vị thánh là một người để cho ánh sáng mặt trời chiếu thấu qua”.

Kinh nghiệm và câu trả lời của em bé trên có lẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn phần nào về cuộc đời của thánh Matthêu, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, trước và sau khi được Ðức Giêsu kêu gọi, như được chính thánh nhân vắn tắt thuật lại như sau: Ði khỏi đấy, Ðức Giêsu thấy một người ngồiở bàn thâu thuế, tên là Matthêu. Chúa bảo ông rằng: “Hãy theo Ta”. Ông Matthêu liền đứng dậy và đi theo Chúa.

Một tiếng gọi và một hành động đáp trả được diễn tả vắn gọn trong những dòng trên đây có thể nói được chỉ là bề mặt của trận chiến nội tâm diễn ra từ lâu nơi ông Matthêu. Một trận chiến giằng co để suy tính thiệt hơn, để cân nhắc cái lợi và cái bất lợi, để đắn đo nhưng cái mình phải mất với những cái mình sẽ đạt được, khi ông bỏ mọi sự để theo Chúa:
– Ông phải mất một nghề hái ra bạc nhưng tìm được một số mệnh và sứ mệnh thật sự có giá trị vĩnh viễn.
– Ông phải mất một gia tài to lớn nhưng tìm lại được danh dự.
– Ông phải mất sự bảo đảm xây dựng trên của cải vật chất để đi theo Ðức Giêsu trong một cuộc hành trình dẫn đến sự sống mà trước đó ông chưa bao giờ mơ ước.

Về phần Ðức Giêsu, khi chọn lựa và kêu gọi ông Matthêu, một người hành nghề thâu thuế, bị các người đồng hương thời đó coi như là người phản quốc, nối giáo cho giặc, bóc lột đồng bào để làm lợi cho dân ngoại xâm, cũng như bị lên án là kẻ tội lỗi, biển thủ, gian lận và bị nhóm biệt phái kết án là kẻ tội lỗi, Ðức Giêsu không nhìn những lỗi lầm, những vết nhơ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn sâu thẳm tận tâm hồn, nhìn tận bên trong và nhất là Ngài đã lấy ánh sáng của tình yêu thương, lòng nhân hậu, quảng đại và tha thứ của Thiên Chúa để chiếu sáng và chiếu thấu, biến ông Matthêu từ một người thâu thuế thành một tông đồ và một thánh sử viết Phúc Âm.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm : rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân. Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu. S.J

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180920110000

20/09 – Thứ năm tuần 24 thường niên – Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ.
“Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”.

Lời Chúa: Lc 7, 36-50

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!” Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: “Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông”. Simon thưa: “Xin Thầy cứ nói”.
“Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?” Simon đáp: “Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông đã xét đoán đúng”. Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: “Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít”. Rồi Người bảo người đàn bà: “Tội con đã được tha rồi”. Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: “Ông này là ai mà lại tha tội được?” Và Người nói với người đàn bà: “Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”.

  • SUY NIỆM: Tinh Thần Khoan Nhượng

Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta một vài suy nghĩ về tinh thần khoan nhượng đích thực. Chúa Giêsu là hiện thân của tinh thần ấy. Trong những quan hệ xã hội của Ngài, Ngài vốn dành ưu tiên cho người nghèo, những người tội lỗi, những kẻ bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài tìm đến với họ và nhất là ngồi đồng bàn để ăn uống với họ, nhưng Chúa Giêsu không khơi dậy cuộc đấu tranh giai cấp. Ngài không bao giờ đi với người nghèo để kêu gọi chống lại những người giàu có. Ngài đến với những người nghèo và những kẻ tội lỗi nhưng không loại trừ những người giàu có và những người đạo đức thánh thiện. Ngài chia sẻ cơm bánh với những người tội lỗi nhưng cũng không ngại ngồi đồng bàn với những người công chính. Người biệt phái Simon được Tin Mừng hôm nay nhắc tên là một người giàu có và đạo đức, ông có thể là đại biểu cho những người giàu có và thánh thiện mà Chúa Giêsu không hề muốn loại trừ ra khỏi những quan hệ xã hội của Ngài. Chúa Giêsu kết thân với những người nghèo khổ và tội lỗi nhưng không xa cách những người giàu có và đạo đức.

Cuộc gặp gỡ được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay là điển hình của thái độ khoan nhượng của Chúa Giêsu. Chính trong một bữa tiệc được một người giàu có và đạo đức khoản đãi mà Chúa Giêsu đã gặp gỡ một người đàn bà tội lỗi nổi tiếng trong thành phố, Ngài luôn có thái độ khoan nhượng đối với mọi người.

Sự khoan nhượng là thái độ cần thiết cho mọi người bởi vì xã hội nào cũng gồm những thành phần khác biệt nhau bởi vì nhân loại gồm những con người khác biệt mà họ cần đối xử với nhau bằng thái độ khoan nhượng. Hai chìa khóa để mở cánh cửa của khoan nhượng là sự chấp nhận và cảm thông. Chấp nhận thường đi trước sự cảm thông. Chấp nhận sự khác biệt nơi người khác để dễ dàng cảm thông với họ hơn, nhưng dĩ nhiên khoan nhượng không hề đồng nghĩa với đồng lõa. Chúa Giêsu tỏ ra cảm thông và tha thứ với những người tội lỗi nhưng Ngài không bao giờ nhân nhượng trước tội lỗi; Ngài khoan dung tha thứ bao nhiêu với tội nhân thì lại càng cương quyết bấy nhiêu với tội lỗi. Chính vì thế mà sự tha thứ của Ngài luôn đi kèm với mệnh lệnh: “Con hãy đi về và đừng phạm tội nữa”. Với người biệt phái tên là Simon, Ngài đã kêu gọi với thái độ khoan nhượng khi để cho người đàn bà tội lỗi đến thể hiện lòng sám hối của mình bằng việc xức dầu thơm cho Ngài. Với người đàn bà tội lỗi, Ngài cho cảm nhận được ơn tha thứ. Ngài kêu gọi chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Lời ấy bảo đảm cho chúng ta ơn tha thứ và sự bình an của Ngài, đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy sống khoan nhượng và tha thứ đối với mọi người.

Ước gì chúng ta luôn cảm nhận được ánh mắt nhân từ tha thứ của Chúa để cũng biết sống cảm thông và tha thứ với mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện: Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi mọi biển lận tầm thường. Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên để gánh chịu mọi buồn vui. Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang để đem tình yêu gánh vác việc đời. Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó, hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy. Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày. Và cho tôi sức mạnh tràn trề để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. (R. Tagore)

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180919110000

19/09 – Thứ tư tuần 24 thường niên.

“Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc”.

Lời Chúa: Lc 7, 31-35

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng: “Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. “Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc”. Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: “Người bị quỷ ám”. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: “Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình”.

  • SUY NIỆM; Thái Ðộ Thiếu Nhất Quán

Ngày nay, nhân danh dân chủ, tự do ngôn luận, nhiều người muốn có một Giáo Hội của mình, một Giáo Hội được định đoạt theo những suy nghĩ của mình, chứ không là giáo lý do Chúa mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội nữa. Muốn là Kitô hữu, nhưng lại không muốn chấp nhận giáo huấn của Chúa Kitô được ủy thác cho Giáo Hội, đó là một thái độ thiếu nhất quán. Chúng ta có thể thấy được một thái độ như thế trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu mượn hình ảnh nhóm trẻ chơi ngoài phố chợ để nói lên thái độ ấy. Chấp nhận cuộc chơi, nhưng khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Những người Do thái thời Chúa Giêsu cũng có phản ứng đối với Ngài không khác nào đám trẻ chơi ngoài phố chợ này. Họ mong chờ Ðấng Cứu Thế, Gioan Tẩy Giả loan báo về Ngài, nhưng họ không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông, họ bảo ông bị quỉ ám; Chúa Giêsu khai mạc thời cứu thế bằng yêu thương, phục vụ, tha thứ, thì họ lại bảo rằng Ngài là tên ăn nhậu, hòa nhập với phường thu thuế và tội lỗi.

Mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng không chấp nhận những thể hiện của thời cứu thế; trông đợi Ðấng Cứu Tinh, nhưng phải là Vị Cứu Tinh do mình tạo ra, đó là thái độ của những người Do thái thời Chúa Giêsu. Thái độ ấy cũng là cơn cám dỗ triền miên của các Kitô hữu thời đại chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta”. Chúng ta mang danh hiệu Kitô, chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, nhưng có lẽ chúng ta chưa từ bỏ chính mình để chấp nhận và sống theo giáo huấn của Ngài.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mặc lấy sự khôn ngoan của con cái Chúa, đó là sự khôn ngoan của trẻ thơ luôn biết sống khiêm tốn và tin tưởng. Xin Ngài củng cố chúng ta trong tâm tình ấy, để chúng ta luôn được trung thành với giáo huấn mà Ngài đã ủy thác cho Giáo Hội.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Cha, xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian. Xin cho chúng con đến với nhau không chút thành kiến, và tin tưởng vào thiện chí của nhau. Khi cộng tác với nhau, xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện, nhờ đó chúng con vượt qua những tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ và những định kiến cằn cỗi. Ước gì chúng con dám từ bỏ mình, để tìm kiếm chân lý ở mọi nơi và mọi người, nhất là nơi những ai khác quan điểm. Lạy Cha, xin sai Thánh Thần đến trên chúng con, để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim, và hiểu nhau ngay trong những dị biệt. Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác, xin cho chúng con được triển nở không ngừng và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180918110000

18/09 – Thứ ba tuần 24 thường niên.
“Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”.

Lời Chúa: Lc 7, 11-17

Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: “Đừng khóc nữa”. Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.

Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người”. Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.

  • SUY NIỆM: Ý Nghĩa Của Cuộc Sống

Trong cuộc sống công khai, chắc chắn Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều cái chết cũng như tham dự nhiều đám tang. Nhưng việc Ngài làm cho kẻ chết sống lại được Tin Mừng ghi lại không quá ba lần: một em bé gái con của vị kỳ mục trong dân; Lazarô em trai của Marta và Maria; người thanh niên con của bà góa thành Naim. Cả ba trường hợp chỉ là hồi sinh, chứ không phải là phục sinh theo đúng nghĩa, bởi vì cuộc sống của những người này chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa, để rồi cuối cùng cũng trở về với bụi đất.

Chúa Giêsu đã không đến để làm cho con người được trường sinh bất tử ở cõi đời này, đúng hơn, Ngài đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng để đi vào cuộc sống vĩnh cửu thì điều kiện tiên quyết là con người phải kinh qua cái chết. Chết vốn là thành phần của cuộc sống và là một trong những chân lý nền tảng nhất mà Chúa Giêsu đến nhắc nhở cho con người. Mang lấy thân phận con người là chấp nhận đi vào cái chết. Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi số phận ấy. Thánh Phaolô đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết: “Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá”. Ðón nhận cái chết và đi vào cõi chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con người khi đi vào cái chết.

Một trong những cái chết vô nghĩa và do đó cũng chối bỏ ý nghĩa cuộc sống, đó là tự tước đoạt sự sống của mình. Những cái chết như thế là lời tự thú rằng cuộc sống không có, cuộc sống không còn ý nghĩa và như vậy không còn đáng sống. Jean Paul Sartre, người phát ngôn của cả thế hệ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, đã viết trong tác phẩm “Buồn Nôn”: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ngồi đây ăn uống là để bảo tồn sự quí giá của chúng ta, nhưng kỳ thực, không có gì, tuyệt đối không có lý do gì để sống cả”.

Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ðón nhận cái chết, Ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Ðón nhận cái chết như ngõ đón vào vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điểm đến và vinh quang đích thực, đó là sự sống vĩnh cửu. Ngài đã vâng phục cho đến chết. Vâng phục của Ngài là vâng phục trong tin tưởng, phó thác, trong khiêm tốn và yêu thương; đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và làm cho cuộc sống trở thành đáng sống.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta niềm tin, can đảm và vui tươi để biết đón nhận và sống từng giây phút hiện tại một cách sung mãn, để tham dự vào sự phục sinh vinh hiển của Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, Khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm quê hương. Chúa đã ban nó cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời. Nếu rừng không còn xanh, dòng suối không còn sạch, và bầu trời vắng tiếng chim. thì đó là lỗi của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người, vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói, bao trẻ sơ sinh bị giết mỗi ngày khi chưa chào đời, bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp. Đó là lỗi của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương, vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình. Chiến tranh, khủng bố, xung đột, có mặt khắp nơi. Người ta cứ tìm cách giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi. Đó là lỗi của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu ở Belem, Chúa đã cứu độ và chữa lành thế giới bằng tình yêu khiêm hạ, nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn thống trị địa cầu. Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan. Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc. Đó là lỗi của chúng con.

Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại, và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu. Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem, xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa để yêu trái đất lạnh giá này hơn, và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180917110000