Thứ tư tuần 16 thường niên – THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

“Các con sẽ uống chén của Ta”.

Mt 20, 20-28

Khi ấy, bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì?” Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”.

Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai thì người ấy mới được”. Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em.

Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.

  • SUY NIỆM: Thánh Giacôbê Tông Đồ

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

Đọc lại ơn gọi của các thánh tông đồ, nhân loại không khỏi ngạc nhiên vì tính cách huyền nhiệm và diệu kỳ của Thiên Chúa trên từng con người, trên từng cá nhân. Tin Mừng của thánh Matthêu viết: ”Đang đi dọc theo biển hồ Galilê, Chúa Giêsu thấy ông Giacôbê, con ông Dê-bê-đê, và ngươi em là ông Gio-an, cả hai đang vá lưới” (Mt 4,18.21).

ƠN GỌI CỦA THÁNH GIACÔBÊ:

Chúa muốn gọi ai là tùy ý Chúa, không ai có quyền buộc Chúa phải làm thế này, phải làm thế khác. Ơn gọi là một ơn huệ nhưng không của Chúa. Thánh Giacôbê là anh của thánh Gioan, con của ông Dêbêđê. Thánh nhân là bạn đồng nghiệp với thánh Phêrô và thánh Anrê, tất cả đều làm nghề chài lưới và là những tay chài thiện nghệ. Các Ngài đã làm nghề cổ truyền này từ đời cha ông và nay họ vẫn tiếp tục sống bằng nghề đánh cá ở biển hồ Giênêsarét. Thánh Matthêu đã tường thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên như sau:” Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: ”Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4,18-22). Tin Mừng nói: Chúa gọi và lập tức họ bỏ tất cả mà theo Chúa Giêsu. Đó là một sự lạ lùng vì chỉ một tiếng gọi, các môn đệ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Thánh Giacôbê dù rằng có bị mang tiếng vì bà mẹ của hai người con ông Dêbêđê đã suy nghĩ theo ý trần gian xin cho một ông ngồi bên tả, một ông ngồi bên hữu Chúa trong vương quốc của Ngài, nhưng với sự tác động của Chúa Thánh Thần và với sự thay đổi của ơn Chúa, thánh Giacôbê và thánh Gioan đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Chúa.

THÁNH GIACÔBÊ TRỞ THÀNH NGƯỜI THÂN THIẾT CỦA CHÚA:

Được Chúa yêu thương, cải hóa, biến đổi, thánh Giacôbê đã trở nên người thân cận của Chúa, cùng với thánh Phêrô và thánh Gioan. Thánh nhân đã được chứng kiến con ông Zairô Chúa làm cho sống lại, việc chúa biến hình trên núi Tabôrê, và cơn hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu. Tất cả những điều đó nói lên con người đặc biệt và vô cùng thân tín của Ngài đối với Chúa Giêsu. Chính vì được yêu mến tin tưởng, thánh Giacôbê đã được phước trở thành người tử đạo tông đồ đầu tiên đã đổ máu ra để minh chứng cho Chúa Giêsu phục sinh dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I năm 43 hoặc 44 trước lễ phục sinh. Chúa đã trao chén đắng cho Ngài và Ngài đã chấp nhận uống chén đắng Thầy trao. Chúa đã thưởng công và trao mũ triều thiên cho Ngài. Thánh nhân đã được tôn kính đặc biệt trên thế giới từ thế kỷ IX và lòng tôn kính thánh nhân toả lan khắp thế giới.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho thánh Giacôbê vinh dự là tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho Hội Thánh tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của thánh nhân, và nhờ Người cầu thay nguyện giúp, Hội Thánh được luôn nâng đỡ phù trì (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Giacô-bê tông đồ).

  • CẦU NGUYỆN:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180724110000

Thứ ba, tuần 16 thường niên.

“Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta”.

Mt 12, 46-50

Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: “Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia”. Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: “Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy”.

  • Suy Niệm: Thực Hành Lời Chúa

Mỗi tác giả Tin Mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình của Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình thiêng liêng gồm những ai thực thi ý Chúa. Ðối với thánh Marcô, thái độ của Chúa Giêsu được tỏ ra sau khi Chúa chọn Nhóm Mười Hai. Trong Nhóm Mười Hai đã có một cuộc tranh cãi sôi nổi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa Giêsu; những người có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi ý Chúa.

Trong Tin Mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.

Ðoạn Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỷ. Ma quỷ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỷ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỷ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.

Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.
Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.

Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.

Ước gì chúng ta biết chạy đến với Ðức Maria như mẫu gương của lắng nghe và thực hành Lời Chúa; chạy đến với Người như người Mẹ thân thương của mỗi người, chúng ta cũng hãy đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương, để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước, đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men được vùi sâu trong khối bột loài người để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước, nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời, nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian, nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180724110000

Thứ hai, tuần 16 thường niên.

“Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này”.

Mt 12, 38-42.

Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ”. Người trả lời: “Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona. Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy. Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Giona. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó: vì bà từ biên thuỳ trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Salomon”.

  • SUY NIỆM: Dấu Chỉ Yêu Thương

Trong quyển tự thuật “Vì Danh Ta”, một Mục sư người Hungari đã kể lại kinh nghiệm của ông. Bị bắt và bị chuyển từ trại này sang trại khác, vị Mục sư vẫn âm thầm rao giảng Lời Chúa cho các bạn tù. Trong 13 năm tù, ông đã giúp cho rất nhiều bạn tù được gặp gỡ Chúa. Ông đã kết thúc quyển tự thuật cũng là bài ca tuyên xưng đức tin của ông như sau:

“Trong suốt thời gian bị tù đày, tôi đã hiểu được rằng Lời Chúa đi vào tâm hồn con người dễ dàng hơn giữa những đau khổ và bách hại. Ðó là lý do cho thấy mùa gặt thiêng liêng trong các ngục tù luôn luôn dồi dào. Tôi không tự cho mình là người anh hùng, lại càng không phải là vị tử đạo. Nhưng vào lúc sống tự do, nhìn lại đằng sau, tôi có thể nói với tất cả thành thật rằng 13 năm bị tra tấn đánh đập, đói khát, 13 năm đau khổ và xa gia đình để làm mục sư cho hàng ngàn tù nhân trong các trại giam, 13 năm như thế quả thật đáng giá”.

Những dòng trên đây quả là một phấn khởi cho tất cả những ai đang vì niềm tin của mình mà phải chịu bách hại và đau khổ. Những đau khổ thử thách mà các Kitô hữu phải trải qua thường là dấu chỉ cao đẹp nhất, qua đó Thiên Chúa tỏ mình cho con người.

Chúa Giêsu như muốn nói đến điều đó, khi Ngài mượn hình ảnh tiên tri Yôna để loan báo về chính cái chết của Ngài. Cũng như Yôna đã vâng phục Thiên Chúa đến rao giảng sự sám hối cho dân thành Ninivê, thì Chúa Giêsu cũng vâng phục Chúa Cha để sống kiếp con người và trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa cho con người. Qua hình ảnh Yôna để loan báo sự vâng phục cho đến chết của Ngài, Chúa Giêsu muốn nói đến con đường mạc khải của Thiên Chúa, đó là con đường tình yêu. Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, nghĩa là có tự do và biết yêu thương, cho nên Thiên Chúa đã chọn con đường yêu thương để đến với con người. Ngài đã hóa thân làm người, sống trọn vẹn kiếp người, và cuối cùng chịu chết treo trên Thập giá, tất cả để trở thành lời mời gọi đối thoại yêu thương.

Mãi mãi Thiên Chúa chỉ đến với con người qua dấu chỉ của tình yêu. Người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những chúc lành và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau thua thiệt nữa. Nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống, người Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Ngài cho mọi người chung quanh. Trở thành dấu chỉ yêu thương có nghĩa là chấp nhận sống vâng phục và vâng phục cho đến chết như Chúa Giêsu. Trở thành dấu chỉ yêu thương giữa tăm tối của cuộc sống, giữa đọa đày bách hại, người Kitô hữu vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tín thác, yêu thương, phục vụ, tha thứ.

Xin cho lý tưởng chứng nhân luôn bừng sáng trong chúng ta, để dù sống trong đau khổ, thử thách, chúng ta vẫn trung thành với tình yêu Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180722110000