Chưa bao giờ một vi khuẩn bé tí teo, mới cuối năm ngoái còn “vô danh tiểu tốt” bỗng trở thành mối đe dọa toàn cầu, khi làm mọi người hoảng loạn, hoang mang, do sức công phá kinh khủng nhanh chóng và tàn bạo.

Sức công phá vũ bão không những đang làm rối loạn, điên đảo toàn bộ sinh hoạt  của con người trong các lãnh vực sức khỏe, giáo dục, chính trị, kinh tế, xã hội… mà còn làm đảo lộn sinh hoạt tâm linh, hoạt động thờ phượng của các tôn giáo trên khắp địa cầu.

Vì lệnh cấm tập trung, hội họp do sợ bị lây nhiễm, các nhà thờ bị đóng cửa, thánh lễ không được cử hành cho cộng đoàn, các lớp giáo lý tạm ngưng, nhiều giáo phận cho phép xưng tội tập thể, và ngay tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thay đổi hầu như toàn bộ sinh hoạt mục vụ của Ngài, và chấp hành những biện pháp ngăn chặn virút đại dịch được chính quyền Ý ban bố.

Đứng trước sức xâm lấn ngạo mạn, ngang ngược của Covid-19, và những biện pháp mục vụ được đưa ra bởi các đấng bản quyền, không ít người tín hữu đã có những cảm nghĩ  trái chiều.

Có người cho rằng những biện pháp như đóng cửa nhà thờ, hạn chế sinh hoạt tông đồ giáo dân, ngưng các lớp giáo lý, chỉ cho phép rước lễ bằng tay… là những hành động biểu lộ một đức tin yếu kém, một tinh thần nhu nhược chạy theo chỉ đạo, hướng dẫn của thế gian, thế quyền, mà không biết lợi dụng cơ hội khó khăn, thử thách của dịch bệnh để làm chứng đức tin, sống tinh thần quả cảm, anh dũng, bất khuất của tiền nhân Tử Đạo.

Có người cho rằng chính lúc này, hơn bao giờ hết, Giáo Hội phải chứng tỏ là Giáo Hội của Đức Kitô, Giáo Hội có Chúa Kitô, một Giáo Hội vượt trên tất cả đe dọa, dù đe dọa đó đến từ đâu, và điều phải làm là kiên cường sống chết, liều lĩnh hi sinh với những gì Giáo Hội đang là, đang có, mà không cần phải thay đổi, thích nghi cho phù hợp. Hơn nữa, những kiểu cách “chạy theo xu hướng thế tục”, răm rắp tuân hành chỉ thị của thế quyền sẽ chỉ làm giảm thiểu lòng tin của người tín hữu vào ơn phù trợ của Thiên Chúa.

Thực ra, không chỉ ở Việt Nam, mà ngay giữa thánh đô Rôma, sau khi lệnh đóng cửa các nhà thờ trong toàn giáo phận Rôma của Đức Giám Quản Rôma, cũng có những phản ứng tương tự, không chỉ từ thành phần tín hữu, mà còn từ một vị hồng y có thế giá. Ở Pháp cũng không tránh được tình trạng này, khi một giám mục giáo phận lên tiếng không đồng ý với việc đóng cửa nhà thờ, hạn chế các sinh hoạt phụng vụ của các giáo phận khác.

Đứng trước đại dịch và những quyết định của các đấng bản quyền, người viết, với tư cách một tín hữu xin được chia sẻ với Bạn một vài suy tư:

  1. Giáo Hội là Mẹ luôn che chở, bảo vệ sự sống của con mình:

Nếu nhìn Giáo Hội là một cơ chế cứng cỏi, một cơ cấu hành chánh chặt chẽ, một pháo đài giáo lý mang tính phòng thủ, chiến đấu, chúng ta sẽ không thể hiểu được ý nghĩa cũng như giá trị của những quyết định mục vụ trước những đe dọa chính sự sống của giáo dân do Covid-19 mang lại.

Khi quyết định đóng cửa nhà thờ, ngưng các sinh hoạt phụng vụ, Giáo Hội hành xử như người mẹ yêu thương con, bằng tình mẫu tử bao la, và với quyền bảo vệ bằng bất cứ giá nào sự sống của đàn con, vì chỉ một mình mẹ là người đã cho các con sự sống.

Khi quyết tâm bảo vệ sự sống của đoàn chiên, Giáo Hội xác tín: Thiên Chúa là Sự Sống, là Thiên Chúa hằng sống, là Đấng ban sự sống cho muôn loài, nên sự sống là món quà quý báu con người nhận được từ Thiên Chúa. Vì lẽ đó, Thiên Chúa luôn trân trọng và gìn giữ sự sống mà người đã ban cho nhân loại.

Khi chọn Ápraham làm tổ phụ dân riêng, Thiên Chúa đã ban cho ông Isaác, con trai duy nhất khi ông và vợ ông đã luống tuổi (x. St 17,15-19), để ông biết: Thiên Chúa từ nay ông tôn thờ là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa ban sự sống. Ngài còn đi xa hơn, khi cho thiên sứ đến ngăn tay ông, không để  ông  làm tổn thương sự sống của con trai Isaác, khi ông vâng lời đem Isaác lên núi, giết đi làm của lễ tế Giavê Thiên Chúa, như tập tục tế sống con người cho các thần trong các tôn giáo ngẫu thần thời đó (x. St 22). Một lần nữa, Thiên Chúa mặc khải cho ông và dân riêng: Ngài không muốn của lễ dâng Ngài là mạng sống con người, vì sự sống con người là điều quý giá trước mặt Ngài, bởi do chính Ngài đã trao ban.

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu cũng đã khẳng định: Ngài không để kẻ trộm, người chăn chiên thuê hay sói rừng hãm hại hay lấy đi mạng sống của chiên Ngài, nhưng cứng rắn quả quyết : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11).

Chúa chiên nhân lành là Đức Giêsu không giống như “kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy” (Ga 10,10), hay như “người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10,12). Nhưng Ngài “tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18), để “cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10).

Như thế, mục đích hy sinh của Mục Tử nhân lành là chiên của ông được sống và sống dồi dào. Dồi dào đây là được no nê, ấm áp, được yêu thương, cưng chiều, được hạnh phúc, bình an.

Hình ảnh Mục Tử nhân lành là Giáo Hội với các Đấng Bản Quyền với quyền yêu thương, chăn dắt. Sở dĩ là quyền yêu thương chăn dắt, vì chăn dắt không yêu thương sẽ không là mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước, nhưng sẽ chỉ được gọi là kẻ chăn thuê, hay tên ăn trộm.

Do đó, quyết định của Mục Tử trước những nguy hiểm đe dọa sự sống của đoàn chiên, như đại dịch Covid 19 đang đe doạ tính mạng của mọi người phải được hiểu là quyết định xuất phát từ tình yêu mục tử đối với đoàn chiên, từ bổn phận bảo vệ đoàn chiên khỏi nguy cơ bị giết hại, và chúng ta hãy tín thác vâng phục thi hành, với lòng yêu mến, biết ơn.

  1. Phải thận trọng phân định giá trị của Lề Luật và giá trị của Con Người :

Khi bực bội, khó chịu trước những quyết định đóng cửa nhà thờ, hạn chế thời gian cử hành phụng vụ, hoặc các biện pháp khác nhằm tránh lây nhiễm và bảo vệ tính mạng cho cộng đoàn, chúng ta vô tình rơi vào tinh thần vị luật của các luật sĩ quá khích và Pharisêu cực đoan bảo thủ ngày xưa đã phản bác, bắt bẻ Đức Giêsu khi Ngài chữa người bị bệnh bại tay trong ngày sabát là ngày cấm làm việc theo luật Môsê (x. Lc 6,6-10 ; Mc 3,1-6)

Trả lời họ, Đức Giêsu khẳng định: ưu tiên luôn dành cho con người, cho sự sống và hạnh phúc của con người. Cũng như khi các môn đệ bứt lúa để  ăn vì đói, khi băng qua một cánh đồng trong ngày sabát, Ngài đã lên tiếng bênh vực các ông trước lời khiển trách nặng nề của những người Pharisêu vị luật: con người có giá hơn Lề Luật, bởi “ngày sabát  được tạo ra cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát. (Mc 2,27).

Thực vậy, hạnh phúc của con người đang sống là điều lành, việc tốt con người phải làm cho nhau, và được đặt thành ưu tiên, bởi đó chính là vinh danh đích thực  của Thiên Chúa (x. Mt 12,9-14 ; Lc 6,6-10); đồng thời là đòi hỏi của Giới Luật mới Yêu Thương.

Nay Covid-19 ập tới, đe dọa tính mạng của con người, thì luật đi lễ ngày Chúa Nhật, cũng như nề nếp sinh hoạt phụng vụ, tất cả đều có thể được thay đổi, đình chỉ, tạm ngưng, vì lợi ích chung của đoàn chiên. Và điều này không được hiểu như hành vi bất tuân lệnh Thiên Chúa, hay vi phạm giới luật của Ngài.

Thái độ bất mãn với giáo quyền trong việc đình chỉ sinh hoạt phụng tự cũng nói lên tinh thần gắn bó sai lệch của chúng ta vào những hình thức bên ngoài, mang nặng tính phô trương, biểu dương lực lượng, để rồi đức tin bị “điều kiện hoá” bởi những hình thức không luôn cần thiết, mà không ăn rễ sâu, nhờ đời sống nội tâm cầu nguyện, và thực hiện Đức Ái, trong khi cầu nguyện thì không bị lệ thuộc bất cứ hoàn cảnh nào, và Đức Ái thì không thế lực, chướng ngại, sức mạnh nào có thể hạn chế, ngăn chặn.

  1. “Thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật”.

Đức Giêsu, bên bờ giếng Giacóp đã chẳng nói với người phụ nữ Samari: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hoặc tại Giêrusalem… Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,21-26).

Nói như thế không có nghĩa chúng ta phủ nhận Giáo Hội hữu hình, chối từ giáo phận, phủ nhận giáo xứ, nhà thờ, và rút lui vào “cái tôi”, co cụm, một mình khép kín với thần khí và sự thật.

Hoàn toàn không, vì Giáo Hội là một gia đình, một cộng đồng yêu thương, đoàn lữ hành đang cùng bước đi, nên Gắn Bó, Hiệp Thông với Đầu là Đức Giêsu và với nhau là những chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là đòi hỏi tiên quyết.

Là người Kitô hữu trong Giáo Hội, chúng ta không lên thiên đàng cô đơn, cô độc, lủi thủi một mình, nhưng lên với nhau, cùng nhau lên, cùng nhau về Nước Trời, cùng nhau thực hiện hành trình về Nước Thiên Chúa, dưới sự lãnh đạo của Đức Giêsu, Mục Tử và sự cộng tác của các Đấng Bậc được Thiên Chúa tuyển chọn để quản trị, chăm nom, dẫn dắt đoàn chiên được trao phó.

Do đó, Hiệp Thông là yếu tính của Giáo Hội, Hiệp Nhất là đòi hỏi của người Kitô hữu, nên trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, người tín hữu phải gắn bó, hiệp nhất, hiệp thông với tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội, vì đức tin của Giáo Hội là hiệp nhất, hiệp thông.

Chính vì có hiệp nhất trong Giáo Hội mà chúng ta mới thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật được, cũng không phải lệ thuộc vào một đền thánh, đền thờ hữu hình ở một nơi chốn nào. Chính nhờ đức tin hiệp thông của Giáo Hội, mà chúng ta được hoàn toàn dự phần, được trọn vẹn tham dự vào sức sống và tình yêu của Giáo Hội, là Hiền Thê yêu dấu của Đức Giêsu, trong những hoàn cảnh không thể  đến nhà thờ, không thể sinh hoạt phụng tự, không thể cử hành  thánh lễ…

Vâng, Covid-19 đặt chúng ta, những người Kitô hữu vào một hoàn cảnh mà phần đông chưa bao giờ thấy. Ở vào hoàn cảnh đặc biệt này, chúng ta cần hiểu biết chính xác ý nghĩa và giá trị đức tin của các quyết định từ các đấng bản quyền, để không ai, không thế lực thần dữ nào có thể lợi dụng tình thế hầu làm suy yếu ở chúng ta đức tin, và lòng tin tưởng, tín nhiệm ở Mẹ Hội Thánh.

Bởi trong những thời khắc khủng hoảng, thời điểm tinh thần dễ bị chao đảo, lung lay, ma qủy nhất định sẽ không bỏ qua cơ hội đánh phá Đức Ái giữa đoàn chiên và Mục Tử trong Giáo Hội, bằng khủng bố tinh thần Hiệp Nhất, và triệt hạ tinh thần Hiệp Thông bằng dấy lên ngọn lửa kiêu căng, bất tuân phục.

Hiệp cùng Hội Thánh Việt Nam và toàn cầu, chúng ta xin Chúa cứu thế giới khỏi đại dịch Covid-19 nguy hiểm, và  ban bình an cho tất cả mọi người trên thế giới.

Lời cầu nguyện chân thành ấy chắc chắn sẽ đẹp lòng Chúa gấp bội, nếu chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong tinh thần hiệp thông với Giáo Hội và tinh thần Vâng Phục của đoàn chiên biết và lắng nghe tiếng Mục Tử của mình, những mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước: biết rõ chiên mình, gọi tên từng con, “mang vào mình mùi chiên”, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15).

Jorathe Nắng Tím
Nguồn: Hội đồng Giám mục Việt Nam

Vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta có thể không lãnh nhận Thánh Thể. Có thể chúng ta phá vỡ luật giữ chay 1 giờ trước thánh lễ, hoặc đang sống trong tình trạng tội lỗi nặng nề, hay bị thúc ép ở nhà không thể đến nhà thờ để tham dự thánh lễ. Trong trường hợp này, Giáo hội khuyến khích chúng ta thực hiện việc “Rước lễ thiêng liêng”, nhờ đó chúng ta có thể kết hiệp với Chúa qua việc cầu nguyện. Đó là cách tuyệt vời để thổ lộ với Chúa ước muốn được kết hiệp với Ngài khi không thể chu toàn qua việc rước lễ.

Rất nhiều các vị thánh đã đưa cách cầu nguyện này vào trong cuộc sống hằng ngày, vì chưa thỏa lòng khi lãnh nhận Chúa Giêsu Thánh Thể chỉ một lần trong tuần hoặc trong ngày. Thực hiện hành vi rước lễ thiêng liêng là một phần thiết yếu của cuộc sống, và đưa chúng ta đến gần Chúa hơn mỗi ngày.

Thánh Josemaría Escrivá khuyến khích mỗi người nên rước lễ thiêng liêng khi nào có thể được. “Thật là một ân sủng được tìm thấy qua việc Rước lễ thiêng liêng! Thực hành điều đó thường xuyên bạn sẽ cảm nhận được sự hiện diện lớn lao của Thiên Chúa và kết hợp chặt chẽ với Ngài hơn trong mọi hành động của mình”.

Ngay cả Cha Piô cũng từng thực hiện việc này suốt ngày ngoài thánh lễ. Ngài luôn kết hiệp với Chúa Kitô trong mọi việc mình làm.

Dưới đây là một kinh truyền thống dành cho việc Rước lễ thiêng liêng mà nhiều vị thánh đã đọc trong những năm qua. Kinh này có thể đọc khi bạn đang tham dự thánh lễ nhưng không thể Rước Chúa hoặc cũng có thể đọc ngay giữa những mối bận tâm hằng ngày, bằng cách nâng tâm tình lên với Chúa.

Mục tiêu cuối cùng của cuộc đời chúng ta là hiệp thông với Thiên Chúa, và rước lễ thiêng liêng có thể giúp chúng ta tiến gần hơn với mục tiêu đó.

Lạy Chúa Giêsu,
con tin Chúa đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.

Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự,
và con luôn khát khao được rước Chúa ngự vào lòng con.
Song bây giờ con chẳng thể rước Mình Thánh Chúa,
thì ít nữa xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng. 

Ngay khi Chúa đến
Con giữ chặt Chúa và toàn thể con người con kết hiệp với Chúa,
xin đừng bao giờ để con phải xa lìa Chúa. Amen

PS: Một kinh khác rất quen thuộc mà người Việt Nam khắp nơi thường đọc trước hoặc sau khi hiệp lễ:

“Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu. Bởi Chúa hằng muốn kết hợp cùng con trong phép Thánh Thể, nên lòng con khát khao rước Chúa ngự vào lòng con lắm. Song bây giờ con chẳng được rước thật Mình Máu Thánh Chúa, thì ít nữa lại xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng. Lạy Chúa xin hãy ngự vào lòng con”.

Philip Kosloski |Aleteia
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn: Hội đồng Giám mục Việt Nam

Vì Mùa Chay là mùa thống hối chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh, Gẫm đàng Thánh Giá, theo chân Đức Giêsu từ  công đường (praetorium) của quan Philatô cho đến mộ Đức Giêsu, là thực hành đạo đức bình dân trong các giáo xứ. Vào thế kỷ XVI, con đường này chính thức được gọi là “Via Dolorosa” (Con đường thương khó) hay đơn giản là Đường Thánh Giá hoặc Các Chặng Đàng Thánh Giá.

Lòng đạo đức này tiến hóa qua thời gian. Truyền thống cho rằng chính Đức Mẹ đã hằng ngày đi thăm viếng lại các cảnh tượng của cuộc khổ nạn Đức Giêsu. Sau khi Hoàng đế Constantinô hợp pháp hóa Kitô giáo vào năm 312, những chặng quan trọng đã được đánh dấu trên con đường này. Thánh Giêrônimô (342-420), sống tại Bêlem suốt phần cuối đời mình, đã chứng nhận rằng có nhiều đám đông người hành hương thuộc các quốc gia khác nhau đã thăm viếng những nơi thánh và đi theo Đường Thánh Giá.

Đáng chú ý là Thánh Sylvia, trong cuốn sách hành hương Đất Thánh của mình là “Peregrination ad loca sancta” (năm 380), bà miêu tả rất chi tiết nhiều thực hành đạo đức khác nhau nhưng không đề cập đến thực hành đặc biệt hay bộ kinh theo các chặng đàng này; tuy nhiên, sự bỏ sót này không có nghĩa là những người hành hương không đi theo Đàng Thánh Giá.

Lòng đạo đức này tiếp tục được phổ biến rộng. Vào thế kỷ thứ V, một điều gây chú ý trong Giáo Hội là người ta đã “mô phỏng” các địa điểm thánh tại những miền đất khác để khách hành hương nào không thể đi đến Đất Thánh thì họ có thể đi hành hương cách thiêng liêng. Chẳng hạn, Thánh Petronius, Giám mục Bologna, đã xây dựng một quần thể các nhà nguyện tại Tu viện San Stefano, gợi lại những Đền thánh quan trọng ở Đất Thánh, gồm cả một vài chặng đàng.

Vào năm 1342, các tu sĩ Dòng Phanxicô được chỉ định làm người gìn giữ các đền thờ ở Đất Thánh. Các tín hữu nhận được ân xá khi cầu nguyện ở các chặng sau đây: dinh Philatô, nơi Đức Kitô gặp mẹ mình, nơi Ngài nói với các phụ nữ, nơi gặp ông Simon thành Cyrênê, nơi binh lính lột áo Ngài, nơi Ngài bị đóng đinh trên thập giá, và nơi mộ Ngài.

Một khách hành hương người Anh là William Wey đã viếng thánh địa vào năm 1462, được công nhận là người dùng từ “các chặng đàng” (stations). Ông mô tả cách mà khách hành hương theo chân Đức Kitô. Trước thời gian này, người ta thường đi theo hướng ngược lại với chúng ta hiện nay – đi từ Núi Calvariô đến dinh Philatô. Nhưng vào thời này, người ta đã đi từ dinh Philatô đến Calvariô.

Khi những người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi Giáo cấm không cho đến Đất Thánh, thì các chặng đàng được dựng lên tại các trung tâm tôn giáo nổi tiếng như  Đan viện Đaminh ở Cordova và Tu viện Clara nghèo khó ở Messina (đầu thập niên 1400); Nuremberg (1468); Louvain (1505); Bamberg, Fribourg and Rhodes (1507); và Antwerp 1520). Nhiều chặng đàng do các họa sĩ nổi tiếng thực hiện và ngày nay được xem như là những kiệt tác. Vào năm 1587, Zuallardo thuật lại rằng những người Hồi giáo đã cấm không cho ai được “dừng lại, tỏ lòng tôn kính [các chặng đàng] với đầu trần, cũng không được có bất kỳ biểu hiện gì”, cơ bản là loại bỏ lòng sùng kính này nơi Đất Thánh, tuy nhiên, nó vẫn phát triển mạnh mẽ ở Châu Âu.

Vào thời này, các chặng đàng đã thay đổi khác nhau. William Wey kê khai 14 chặng nhưng chỉ có 5 chặng là phù hợp với các chặng của chúng ta. Có vài chặng đàng thánh giá khác bao gồm cả nhà của ông Dives (người giàu có trong câu chuyện ông Lazarô), cổng thành mà Đức Kitô đi ngang qua, dinh thự Hêrôđê và nhà ông Simon người Pharisiêu. Năm 1584, cuốn sách của Adrichomius có tựa đề Jerusalem sicut Christi Tempore floruit ghi nhận 12 chặng phù hợp với các chặng của chúng ta hiện nay. Cuốn sách này được dịch ra nhiều thứ tiếng và được phổ biến rộng rãi. Vào thế kỷ XVI, những sách đạo đức đặc biệt xuất hiện ở các quốc gia vùng thấp (Bỉ, Hà Lan và Luxembourg), có 14 chặng với lời kinh cho mỗi chặng.

Vào cuối thế kỷ XVII, việc dựng các chặng đàng thánh giá trong các nhà thờ đã trở nên phổ biến. Năm 1686, Đức thánh cha Innocentê XI nhận thấy rằng rất ít người có thể đến được Đất Thánh vì sự đàn áp của người Hồi nên đã ban phép cho Dòng Phanxicô dựng các chặng đàng trong các nhà thờ của mình cũng như ban ân xá cho các tu sĩ và những người cùng với họ thực hành việc đạo đức này như là một cuộc hành hương thật sự. Và Đức Bênêđictô XIII đã mở rộng ân xá này cho hết các tín hữu vào năm 1726.

5 năm sau, Đức Clêmentê XII cho phép lập đàng thánh giá trong các nhà thờ và xác định con số 14. Năm 1742, Đức Bênêđictô XIV khuyên các linh mục đặt các chặng đàng thánh giá trong nhà thờ của mình, bao gồm cây thánh giá và một hình ảnh của chặng đó.  Việc đạo đức này cũng được các nhà giảng thuyết khuyến khích, chẳng hạn như Thánh Leonard Casanova (1676-1751) thành Porto Maurizio, nước Ý, người được cho là đã dựng 600 bộ chặng đàng thánh giá trên khắp nước Ý.

Ngày nay, có 14 chặng đàng theo truyền thống: Đức Kitô chịu xử án; Chúa Giêsu vác thánh giá; ngã lần thứ nhất; Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ; ông Simêôn vác đỡ thánh giá; bà Vêrônica lau mặt Chúa; ngã lần thứ hai; Chúa Giêsu nói với các phụ nữ thành Giêrusalem; ngã lần thứ ba; Chúa Giêsu bị lột áo; Chúa Giêsu bị đóng đinh; Chúa Giêsu chết trên thánh giá; tháo xác Chúa Giêsu; an táng Chúa Giêsu trong mồ.

Vì mối liên hệ nội tại giữa cuộc khổ nạn và cái chết với sự phục sinh của Chúa nên vài sách đạo đức hiện giờ có chặng thứ 15, tưởng niệm cuộc Phục Sinh. Một ơn toàn xá được ban cho những ai đi đàng thánh giá, từ chặng này tới chặng kia, ở nơi chúng được dựng nên cách hợp pháp, trong khi suy niệm về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa chúng ta (“Enchiridion of Indulgences” No. 63).

Những ai mắc ngăn trở không đến nhà thờ được thì cũng có thể hưởng cùng một ân xá khi đọc và suy gẫm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa chúng ta trong nửa tiếng đồng hồ. Tầm quan trọng của các chặng đàng thánh giá trong đời sống đạo đức của người Công giáo cũng đã được chứng nhận bởi Đức thánh cha Phaolô VI, người vào năm 1975 đã chuẩn y bản chặng đàng dựa trên Tin Mừng, và Đức Gioan Phaolô II, người đã soạn thảo một bản suy niệm chặng đàng thánh giá của riêng mình.

Lm. William Saunders
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ catholiceducation.org
Nguồn: Hội đồng Giám mục Việt Nam

WGPSG / Aleteia — Nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta học được cách buông bỏ mọi nỗi đắng cay và đón nhận bình an trong tâm hồn.

Mùa Chay được xem là khoảng thời gian của an bình và đổi mới tâm linh, nhưng đôi khi những hy sinh ta dâng lên Chúa lại khiến ta cảm thấy cay đắng và thậm chí trở nên cọc cằn.

Chúng ta không mấy thích thú với các thao luyện tâm linh và khó trung thành thực hiện các công việc thao luyện thiêng liêng này.

Để giúp tâm hồn ta thoát khỏi những nỗi cay đắng ấy, Thánh Claude de la Colombiaière – vị linh hướng của Thánh Margaret Mary Alacoque – đã đề nghị ta học hỏi nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đó là nơi chúng ta có thể học được lòng trắc ẩn, tính kiên nhẫn và sự dịu dàng.

Khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã không hề càu nhàu hay phàn nàn, nhưng đã tự nguyện hiến tế với một tình yêu thuần khiết. Trong mùa Chay, chúng ta hãy cư ngụ trong Trái Tim của Chúa để tìm được sự bình an mà thế gian không thể mang lại cho chúng ta.

Dưới đây là lời cầu nguyện ngắn gọn được Thánh Claude de la Colombiaière soạn – tóm tắt giáo huấn này và đưa ta vào trong Trái tim của Chúa Giêsu, nơi chúng ta có thể học cách tận dụng Mùa Chay cách tích cực và thiết lập sự bình an trong tâm hồn. Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là ngôi trường nơi chúng ta có thể học được bài học ấy; hãy trú ẩn nơi Thánh Tâm Chúa trong Mùa Chay này; hãy học được những rung động của Trái Tim Chúa, và hãy làm con tim của ta trở nên giống Trái Tim của Chúa.

Vâng, lạy Chúa Giêsu! Con sẽ ở lại trong trái tim Chúa, rồi đổ vào đó toàn thể nỗi đắng cay của con và nó sẽ sớm tan biến. Khi tĩnh tâm, con sẽ không lo bị mất kiên nhẫn. Trong Trái Tim Chúa, con sẽ thực hành sự im lặng, vâng theo Thánh ý Chúa, và học kiên trì đến cùng. 

Con cảm tạ Chúa vì những thập giá con vác mỗi ngày, và xin Chúa tha thứ cho những người áp bức con. Con sẽ cố gắng đạt được đức kiên nhẫn – là nhân đức con sẽ có được không phải chỉ trong một sớm một chiều, nhưng như vậy cũng là quá đủ cho con rồi, khi con biết rằng cứ gắng công thì sẽ đạt được.

Ôi Chúa Giêsu dịu ngọt! Xin Chúa cầu nguyện cho con. Chúa đã từng cầu nguyện cho kẻ thù của Chúa. Vì Chúa yêu con, xin đừng nỡ từ chối lời cầu xin của con – con là kẻ khao khát yêu Chúa, khao khát yêu ngay cả thánh giá và cả kẻ thù của con nữa. Amen.

Philip Kosloski (Aleteia) / Thu Phượng chuyển ngữ
Nguồn: Tổng Giáo Phận Sài Gòn

Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì?

Một hôm có một thanh niên giàu có đến gần Chúa Giêsu (x. Mc 10,17-22; Mt 19,16-22; Lời Chúa 18,18-23). Anh ta hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,17-22).

Chàng thanh niên ấy hỏi một câu hỏi rất hay. Tất cả các bạn trẻ đều hỏi những câu hỏi giống nhau về ý nghĩa cuộc đời: “Làm thế nào để tôi có thể hạnh phúc?”. Người trẻ luôn đặt những câu hỏi tìm hiểu về cuộc sống, cuộc sống trên trái đất này và cuối cùng là sự sống vĩnh cửu, dù họ có nhận thức được hay không. Chỉ trong Chúa Giêsu, Thầy nhân lành, người trẻ mới tìm được câu trả lời thỏa đáng. Những chàng trai và cô gái phải học được bài học đầu tiên này. Chỉ có Thiên Chúa mới thật sự cao trọng trong cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta có tất cả mọi thứ trên đời mà chúng ta không biết Chúa Giêsu và Cha của Người thì chúng ta chẳng còn gì có giá trị vĩnh cửu.

Tình cảm mà Chúa Giêsu dành cho chàng thanh niên trong đoạn Phúc Âm thật cảm động: “Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương” (Mc 10,21). Thật sự, Chúa âu yếm nhìn từng người trẻ, không loại trừ một ai. Bằng chứng của tình yêu ấy là Thập giá, vì từ Thập giá, ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa chiếu đến một chiều sâu mới. Đây là điều Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II hy vọng cho giới trẻ: “Ước chi bạn cảm nghiệm được ánh nhìn như thế! Ước chi bạn cảm nghiệm được sự thật này là Chúa Giêsu Kitô nhìn bạn với tình yêu, tình yêu Giêsu. Ước chi từng người trong các bạn khám phá được ánh nhìn này của Chúa Kitô và cảm nghiệm được tình yêu ấy ở mức độ thẳm sâu nhất. Con người cần đến ánh mắt yêu thương này. Họ cần biết rằng họ được yêu, được yêu muôn thuở và đã được chọn từ muôn đời” (Thư gửi Người Trẻ, số 7). Chúa Giêsu nói với chàng thanh niên “Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương” (Mc 10,21).

Chúa Kitô cũng mời gọi người trẻ ngày nay như thế. Không có tiếng gọi nào lớn lao hơn và vinh dự hơn. Là môn đệ của Chúa Giêsu, là người Kitô hữu là đặc quyền lớn lao nhất và là việc dấn bước cao quý nhất.

Anh ta có nhiều của cải

Thật đáng buồn, chàng thanh niên vẫn bỏ đi mặc cho Chúa Giêsu yêu thương mời gọi. Có bao nhiêu bạn trẻ ngày nay đang tính bỏ Chúa Giêsu mà đi? Bao nhiêu bạn trẻ đã ra đi? Xã hội chúng ta đầy dẫy những khuôn mặt buồn bã, bối rối và đầy đau khổ. Đó là khuôn mặt của những người không biết đến ánh mắt đầy yêu thương của Chúa Giêsu. Tại sao thế? Vấn đề nằm sâu trong bản tính con người sa ngã. Vì các bạn trẻ cũng mang trong mình bản tính sa ngã ấy nên năng lực và sức mạnh đang phát triển vốn là đặc tính của tuổi trẻ lại tạo thành xung lực biểu lộ mình dưới những hình thức mới mang tính phá hoại. Nhóm từ “có quá nhiều của cải” có thể có nhiều mức độ ngữ nghĩa khác nhau. Ý nghĩa rõ ràng nhất là có tài sản vật chất kếch xù. Trong nền văn hóa Tây phương, trẻ con được học từ rất sớm rằng tiền bạc rất cần thiết cho hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống này. Khi trẻ lớn lên, niềm đam mê này tăng dần lên khi những thú vui trần tục khác như xe hơi đắt tiền, nhà đẹp, những kỳ nghỉ xa hoa và quần áo lộng lẫy được bày ra đầy quyến rũ trước mặt họ. Đối với nhiều bạn trẻ, “cuộc sống tốt đẹp” là giấc mơ duy nhất có tính thực tế.

Tuổi trẻ tự nó là một kho tàng vô giá, là “tài sản lớn lao”. Các bạn trẻ tinh tế trong lối sống và say mê những gì cuộc sống mang đến cho họ. Tuy nhiên họ có thể đánh giá sai tuổi trẻ của họ. Người trẻ có thể xem tuổi trẻ như thời kỳ để thỏa mãn những đam mê và khát vọng của họ. Thường thì họ bị thôi thúc sử dụng sự tự do, tiềm năng và sức mạnh mới có được theo những cách có hại cho đời sống thiêng liêng. Chẳng hạn họ sử dụng tình dục sai lạc, lạm dụng ma túy, rượu chè hay các hình thức giải trí khác. Thái độ của họ chẳng khác gì thái độ của đứa con hoang đàng phung phí hết của cải mà người cha đã chia cho anh vì tham vọng và đam mê của tuổi trẻ (x. Lc 15,11-13).

Một “tài sản lớn lao” khác lôi cuốn giới trẻ xa cách Chúa Giêsu là tương lai của họ. Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng thời gian là tài sản dồi dào nhất của họ. Họ có một quãng đời dài trước mặt. Cái chết chỉ là một cái gì mơ hồ xa xăm trong tương lai dường như bất tận. Chính vì thế mà người trẻ có khuynh hướng bảo vệ tương lai của họ một cách ích kỷ. Họ không xem tương lai là cơ hội để sống Tin Mừng, nhưng là theo đuổi sự nghiệp và tìm thành công về vật chất. Hoặc có thể họ cảm thấy thôi thúc muốn tìm và cưới một người bạn đời thích hợp. Họ chạy theo tương lai và đánh giá các chọn lựa của mình chỉ qua viễn cảnh thế tục mà thôi.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở các bạn trẻ: “Kitô giáo dạy chúng ta hiểu biết về cuộc sống ở đời tạm này từ viễn tượng của vương quốc Thiên Chúa. Nếu không có sự sống vĩnh cửu thì cuộc sống ở đời này dù có phong phú hay phát triển cao về mọi phương diện thì cuối cùng cũng chẳng đem đến cho chúng ta điều gì ngoài cái chết mà thôi” (Thư gửi các bạn trẻ, số 5)

Đến với Bí tích Hòa giải

Khi các bạn trẻ đến với Bí tích Hòa giải, họ đến đối diện với mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Bí tích này giúp họ cảm nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa trước tiên. Và đầy niềm hy vọng, họ sẽ đi đến chỗ cảm nghiệm được “cái nhìn đầy yêu thương” của Chúa Giêsu. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ như thế nào?

  1. Các bạn trẻ cảm nghiệm được sự tự do phát sinh từ việc đặt tội lỗi của mình trong ánh sáng Chúa Kitô (x. Ga 3,20-21). Mọi thứ bên trong người trẻ có thể la lên: “Tôi không muốn đi xưng tội!”. Sự xung đột nội tâm như thế không phải chỉ người trẻ mới có. Bất cứ ai đem tội lỗi mình ra ánh sáng cũng có xung đột tương tự. Nói tội lỗi của mình ra làm cho bản tính sa ngã của chúng ta thấy khó chịu. Tuy nhiên, Bí tích Hòa Giải thúc đẩy tất cả chúng ta (kể cả các bạn tuổi mới lớn) đi vào trong ánh sáng chân lý của Chúa Kitô để cảm nghiệm được sự tha thứ của Người. Đối với người trẻ thì đây là cơ hội cảm nghiệm được sự tự do, thoát khỏi sự quấy nhiễu và rối trí do tội gây ra. Chắc chắn họ được chúc phúc nhờ được Chúa Thánh Thần tẩy sạch tội lỗi, nhờ đó tâm hồn được bình an. Lòng đầy niềm hy vọng, họ cảm nghiệm được thực tại mà Thánh Gioan mô tả: “Máu thánh của Chúa Giêsu con Thiên Chúa tẩy sạch tội lỗi chúng ta… Nếu chúng ta xưng thú tội lỗi thì Người là Đấng trung tín và công chính sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1,7-9)
  2. Bí tích Hòa Giải giúp các bạn trẻ hiểu rõ rằng họ chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ, về cách họ suy nghĩ và hành động. Họ phải xét mình để xem những lời nói và hành động của họ đã làm tổn thương và xúc phạm đến người khác như thế nào. Họ phải xét xem đời sống của họ có phản ánh lề luật Thiên Chúa hay không. Bí tích Hòa Giải thúc ép họ nhìn nhận rằng họ không phải là những cá nhân tách biệt riêng lẻ, nhưng là những chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô và là thành phần của gia đình nhân loại. Tội lỗi của họ làm tổn thương Nhiệm thể ấy và làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của những người khác. Bí tích Hòa Giải nhấn mạnh khía cạnh xã hội của tội lỗi và việc giao hòa.
  3. Qua Bí tích Hòa Giải, Chúa Giêsu đổ tràn Chúa Thánh Thần xuống để ban sức mạnh cho người trẻ sống đời sống thánh thiện. Những lời Thánh Gioan nói với người trẻ có thể thành hiện thực. Ngài kêu gọi: “Hỡi các bạn trẻ, tôi viết cho anh em vì anh em đã thắng ác thần. Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em vì anh em là những người mạnh mẽ, Lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần” (1 Ga 2,13-14).
    Qua những hành động của Chúa Giêsu, nhờ quyền năng Thánh Thần của Người, các bạn trẻ nam cũng như nữ có thể chiến thắng tội lỗi trong cuộc đời mình. Chúa Giêsu bẻ gãy xiềng xích mà Satan đã đặt lên người trẻ qua sự dục vọng của đôi mắt và sự cậy mình trong cuộc sống của họ (1 Ga 2,16). Chúng ta đừng coi thường hiệu quả thiêng liêng trong cuộc sống người trẻ nhờ việc họ năng lãnh nhận bí tích Giao Hòa.
  1. Bằng việc lãnh nhận Bí Tích Giao Hòa, người trẻ mặc nhiên, nếu không phải là rõ ràng, tái cam kết gắn bó cuộc đời mình với Tin Mừng. Người trẻ nói: “Tôi muốn xa lánh tội lỗi. Tôi muốn cố gắng hết mình một lần nữa đề sống theo giới luật của Thiên Chúa. Tôi muốn sống dưới uy quyền của Ngài. Tôi khát khao quyền năng và sự sống của Thần Khí Chúa Giêsu hoạt động trong cuộc đời tôi”. Hiển nhiên là người trẻ, cũng như tất cả chúng ta, có thể sa ngã phạm tội nữa. Tuy nhiên, việc ăn năn hối cải luôn cần thiết cho đời sống thiêng liêng ngày càng tăng trưởng. Chúa Giêsu sẽ vui lòng khi chúng ta quay về, cam kết gắn bó đời mình với Người và với Tin Mừng của Người.

Bản xét mình dành cho giới trẻ:

  1. Bổn phận đối với Thiên Chúa

Tôi có đi Lễ Chúa Nhật hay tôi chống đối, bướng bỉnh về việc tham dự Thánh Lễ?

Tôi có tích cực tham dự Thánh Lễ hay ngồi đó mơ màng?

Tôi có cầu nguyện hàng ngày không?

Tôi có đọc Kinh Thánh không?

Tôi có chống đối Thiên Chúa và các mệnh lệnh của Chúa không?

Tôi có dùng Danh Chúa mà thề thốt hay nguyền rủa không?

Tôi có thưa với Đức Chúa Cha rằng tôi yêu Ngài vì Ngài đã tạo nên tôi và cho tôi được làm con của Ngài không?

Tôi có cám ơn Chúa Giêsu vì Người đã làm người, chịu chết để chuộc tội cho tôi và đã phục sinh để ban cho tôi sự sống vĩnh cửu không?

Tôi có cầu xin Đức Chúa Thánh Thần giúp tôi chiến thắng tội lỗi và cám dỗ, giúp tôi vâng theo các lệnh truyền của Thiên Chúa không?

  1. Bổn phận đối với người khác và với chính bản thân tôi:

Tôi có nổi loạn, không vâng lời hoặc không kính trọng cha mẹ, thầy giáo và những người có quyền trên tôi?

Tôi có nói dối hay đánh lừa cha mẹ và những người khác không?

Tôi có kiêu ngạo hay cứng đầu không?

Tôi có cãi lời cha mẹ và những người có quyền trên tôi không?

Tôi có giận dữ hay giữ trong lòng sự ác cảm hay giận ghét không? Tôi có từ chối tha thứ cho người khác không? Tôi có giữ lòng thù ghét không?

Tôi có những ý nghĩ dâm ô không? Tôi có nhìn người khác với lòng dâm ô không?

Tôi có đọc sách, truyện dâm ô hay xem phim ảnh dâm ô không?

Tôi có thủ dâm không?

Tôi có hôn ai một cách dâm ô hoặc sờ mó đụng chạm người khác với ý tà dâm không? Tôi có quan hệ tình dục không?

Tôi có phạm tội phá thai hay khuyến khích người khác phá thai không?

Tôi có nói hành nói xấu người khác không? Tôi có vu khống cho ai không? Tôi có nói dối về người khác không? Tôi có chế nhạo hoặc chọc ghẹo người khác không?

Tôi có nói dối hay lừa lọc không? Tôi có ăn cắp cái gì không? Tôi đã trả lại chưa?

Tôi có ích kỷ hoặc hằn học với người khác không? Tôi có ganh tỵ không?

Tôi có uống bia rượu say hay sử dụng ma túy không?

Tôi có tham gia vào những việc dị đoan như cầu cơ, bói toán, lên đồng, tử vi không?

Tôi có kiên nhẫn, hiền lành và tự chủ không?

Khi lương tâm tôi thúc đẩy tôi làm điều tốt, tôi đã làm hay tôi bỏ qua, không thực hiện?

Linh mục Thomas Weinandy
Gioan Lê Quang Vinh chuyển ngữ từ usccb.org
Giọng đọc: Quế Phương
Nguồn: Truyền thông
HĐGMVN

Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 3 năm 2020

Các bạn trẻ thân mến,

Chủ đề suy niệm của tháng Hai vừa qua là ‘Đức Giê-su Ki-tô – Đường xuống với con người’. Trong đó, chúng ta đã cùng nhau chiêm ngắm hành trình đi xuống của Đức Giê-su Ki-tô: Xuống thế làm người, xuống Ai Cập, xuống thung lũng Giê-ri-khô, xuống với những người tội lỗi và đau khổ, đặc biệt, xuống thung lũng sự chết. Tháng Ba này, trong Mùa Chay Thánh, chúng ta suy niệm chủ đề ‘Đức Giê-su Ki-tô – Đường Thập Giá’.

Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ lại đến với con người và cứu chuộc con người qua Đường Thập Giá. Đây thật là mầu nhiệm lớn lao!

Chúng ta biết rằng, vào thời cổ đại, giữa các hình thức trừng phạt phạm nhân, khổ hình thập giá là hình thức nặng nề nhất. Khổ hình thập giá được sử dụng phổ biến nơi một số dân tộc quanh Địa Trung Hải và Trung Đông, nhất là những dân tộc thuộc quyền kiểm soát của đế chế Ba Tư (Persia) hay ở Carthage, Ma-xê-đô-ni-a, Rô-ma. Từ thời Phục Hưng trở đi, một số quốc gia khác cũng sử dụng khổ hình thập giá đối với những vị thừa sai, cũng như những người mới gia nhập Ki-tô Giáo, chẳng hạn, ở Nhật Bản, Miến Điện. Thời hiện đại, mặc dù khổ hình thập giá ít được áp dụng, tuy nhiên, đây đó hình phạt này vẫn tồn tại, chẳng hạn, Ả Rập Xê Út, I-rắc, Sy-ri-a hay ở một số quốc gia Hồi Giáo khác. Những nơi đó, khổ hình thập giá dành cho tội nhân. Riêng về việc thực hành đạo đức tôn giáo, ở Phi-líp-pin, hằng năm, dịp Tuần Thánh, một số người vẫn tự nguyện để mình được đóng đinh vào thập giá, nhằm diễn tả sự thông phần đau khổ với Đức Giê-su Ki-tô.

Trong lịch sử nhân loại, biết bao người đã chịu khổ hình thập giá, tuy nhiên, khổ hình thập giá của Đức Giê-su Ki-tô là nổi bật nhất, bởi vì, người chịu khổ hình là Con Thiên Chúa trong thân phận con người. Với Biến Cố Đức Giê-su Ki-tô, bao gồm việc Người chịu khổ hình thập giá, chết và phục sinh, một thực thể mới được hình thành trong gia đình nhân loại, đó là Ki-tô Giáo. Sau Đức Giê-su Ki-tô, đa số các môn đệ thân tín của Người đều chịu các hình thức khổ hình khác nhau, để làm chứng cho Người và Tin Mừng của Người, trong đó, một số vị phải chịu khổ hình thập giá. Chẳng hạn, thánh Phê-rô chịu khổ hình thập giá ở Rô-ma (đóng đinh ngược, đầu của thánh nhân quay về phía dưới). Tương truyền rằng thánh An-rê, anh của thánh Phê-rô, cũng chịu khổ hình thập giá.

Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su Ki-tô bị treo trên thập giá từ giờ thứ 3 đến giờ thứ 9 theo cách phân chia thời gian của Dân Do Thái lúc đó, tức là từ 9 giờ Sáng tới 3 giờ Chiều trong bối cảnh hôm nay. Trong đó, 3 giờ đầu tiên, 9 giờ Sáng đến 12 giờ Trưa, là thời gian Người bị sỉ nhục, còn từ 12 giờ Trưa tới 3 giờ Chiều là ‘thời gian tối tăm’ và Người chết lúc 3 giờ Chiều. Thánh k‎ý Mác-cô trình thuật rằng “vào giờ thứ sáu [12 giờ Trưa], bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni! Nghĩa là: Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Vì không hề phạm tội, Đức Giê-su không bao giờ bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Đức Giê-su đã đón nhận chúng ta trong tình yêu cứu chuộc hằng liên kết Người với Chúa Cha, cho đến độ Người xem như bị tách lìa Thiên Chúa vì tội chúng ta, nên Người thay chúng ta mà thốt lên trên thập giá” (GLGHCG 603).

Tiếng kêu cầu của Đức Giê-su Ki-tô trên thập giá không phải là tiếng kêu cầu của người thất vọng, nhưng là tiếng kêu cầu của người chứa chan niềm hy vọng rằng ngay cả lúc tối tăm, nhất là khi đối diện với cái chết, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện. Tối tăm là hình ảnh của đau thương, hình ảnh của sự chết, hình ảnh của thế giới ma quỉ, thế giới sự dữ, và cũng là khoảng tối của đức tin. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tình yêu Thiên Chúa hoạt động mạnh mẽ nhất. Chính Đức Giê-su Ki-tô, trong tư cách là Con Thiên Chúa làm người, nhân danh toàn thể nhân loại, tỏ bày niềm hy vọng thẳm sâu vào tình thương vô bờ của Thiên Chúa. Tiếng kêu cầu của Người vẫn còn đó, vẫn còn vang vọng cùng với tiếng kêu cầu của tất cả những ai bất lực trước những nghịch cảnh đau thương của cuộc đời trong hành trình trần thế.

Cái chết của Đức Giê-su Ki-tô, xét bề ngoài, cũng giống như cái chết của những người chịu khổ hình thập giá. Tuy nhiên, cái chết của Đức Giê-su Ki-tô còn đau đớn rùng rợn hơn nhiều, rùng rợn không chỉ vì Người chết trên thập giá, mà vì Người chết vì tội lỗi của tất cả mọi người từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng vì Nguyên Tổ phạm tội, mà tội lỗi đã vào trần gian (1 Cr 15,21-22; Rm 5,13). Nguyên Tổ nhân loại đã chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa và thực thi theo lời dụ dỗ ngon ngọt của ma quỉ, đã vâng nghe ‘lời con rắn’ hơn là vâng nghe Lời Thiên Chúa.

Trong bối cảnh Kinh Thánh Cựu Ước, rắn là biểu tượng của sự dữ. Hình ảnh con rắn đầu tiên đáng chúng ta quan tâm đó là con rắn được đề cập trong sách Sáng Thế (St 3,1-16). Con rắn đã thành công khi dụ dỗ E-và, rồi E-và dụ dỗ chồng mình là A-đam. Với việc ‘ăn trái cấm’, tình trạng đơn sơ, thánh thiện không còn nữa, A-đam và E-và nhận ra mình trần truồng, họ xấu hổ khi đối mặt nhau. A-đam không nhìn nhận tội mình, nhưng chối tội. Cách gián tiếp, A-đam trách móc Thiên Chúa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (St 3,12). Cách trực tiếp, A-đam đổ tội cho E-và, còn E-và đổ tội cho con rắn. Vì A-đam và E-và phạm tội, tội lỗi đã ‘xâm nhập trần gian’ và lan tràn đến hết mọi người. Tội Nguyên Tổ có thể được ví như ‘vi-rút tâm linh’ vậy. Vi-rút này rất mạnh và sức lan tỏa thật khủng khiếp, mạnh đến nỗi đem cái chết đến cho tất cả mọi người và lan tỏa từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế [mạnh và lan tỏa hơn nhiều so với Covid-19].

Con rắn thứ hai là con rắn đồng mà Mô-sê giương cao theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa để chữa lành những người bị rắn cắn (Ds 21,4-9). Dĩ nhiên, không thể đồng hóa hình ảnh con rắn ở đây với con rắn cám dỗ trong sách Sáng Thế (St 3,1-16). Sách Dân Số tường thuật rằng trong hành trình về với Đất Hứa, Dân Do Thái mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và Mô-sê. Trong sa mạc, họ cho rằng đời sống của họ ở Ai-cập sung túc và đầy đủ hơn (Ds 11,4-6; Ds 21,5). Hậu quả là có nhiều người trong họ bị rắn cắn chết. Họ đã nhận ra tội lỗi của mình và xin Mô-sê cầu khẩn cùng Thiên Chúa cho họ. Thiên Chúa nhận lời Mô-sê và bảo ông làm một con rắn đồng và treo lên cây cột. Những ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được sống. Như vậy, bất tuân lệnh Chúa, họ bị rắn cắn chết, nhưng nếu họ tin tưởng vào Chúa, thì chính con rắn biểu tượng sự chết đó lại trở thành dấu chỉ đem lại sự sống cho họ.

Trong Tân Ước, khi trò chuyện với Ni-cô-đê-mô về việc con người cần phải sinh lại bởi ơn trên, bởi nước và Thần Khí, thì mới có thể vui hưởng sự sống muôn đời, Đức Giê-su Ki-tô đã quảng diễn căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình. Người nói về con rắn đã được đề cập trong sách Dân Số và xem đó như là hình ảnh tiên báo về Người: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15). Chúng ta có thể quảng diễn thêm rằng con rắn thứ nhất trong sách Sáng Thế, trên ‘cây hiểu biết điều thiện, điều ác’, là hình ảnh sự chết. Con rắn thứ hai trong sách Dân Số, được Mô-sê treo trên cây cột, là hình ảnh sự phục hồi thể xác. Còn Đức Giê-su Ki-tô, được treo trên cây thập giá, là hình ảnh sự sống. Với thập giá, Đức Giê-su Ki-tô đã dùng phương dược hết sức đặc biệt, đó là dùng cái chết của Người trên thập giá để tiêu diệt sự chết, nhằm đem lại sự sống vĩnh cửu cho tất cả mọi người.

Trước khi chịu chết trên cây thập giá, chính Đức Giê-su Ki-tô đã vác cây thập giá đó. Hình ảnh Người vác cây thập giá và ngã xuống đất gợi lên trong chúng ta hình ảnh sa ngã của A-đam và E-và. Hình ảnh Người trần truồng trên cây thập giá gợi lên trong chúng ta hình ảnh của A-đam và E-và sau khi phạm tội, họ nhận ra mình trần truồng, không còn phẩm giá nữa, và cần đến lá che thân để ‘giữ chút phẩm giá tối thiểu’ của thân phận con người (St 3,7). Đức Giê-su Ki-tô bị lột áo ra hết, người không còn sở hữu gì nữa. Người bị tước đi tất cả, mất hết tất cả, để phục hồi phẩm giá con người cách trọn vẹn.

Với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành thánh giá. Do đó, thập giá là dấu chỉ sự chết, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ sự sống. Thập giá là dấu chỉ của sự thất bại, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ của sự chiến thắng. Thập giá là dấu chỉ của sự đớn đau, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ của sự chữa lành. Thập giá, dấu chỉ của sự trừng phạt, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ của sự tha thứ. Thập giá, dấu chỉ của sự ghen ghét, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ của sự yêu thương. Thập giá là dấu chỉ của sự sợ hãi, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ của niềm tin vững chắc. Thập giá, dấu chỉ của vực thẳm sự chết, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ của sự sống vĩnh cửu. Chúng ta có thể kể ra rất nhiều sự đối nghịch khác nữa để diễn tả nhãn quan của nhân loại về thập giá và chương trình của Thiên Chúa được thực hiện qua Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô.

Kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng bản tính con người không thích thập giá, không thích hi sinh, không thích trút bỏ chính mình. Đặc biệt, trong thế giới hưởng thụ hôm nay, người ta muốn tránh thập giá càng nhiều càng hay, muốn xa thập giá càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng cho chúng ta biết rằng không ai trong gia đình nhân loại có thể tự giải thoát mình khỏi các hình thức thập giá, bởi vì tất cả mọi người, dù muốn dù không, đều chung sống trong ‘nền văn hóa A-đam và E-và’, nền văn hóa bị ô nhiễm vì tội lỗi. Người ta có thể tránh được hình thức thập giá này, nhưng lại không thể tránh được các hình thức thập giá khác và hình thức thập giá cuối cùng là vực thẳm sự  chết, thì không ai có thể tránh được.

Chúng ta biết rằng với Bí Tích Rửa Tội chúng ta được khỏi Tội Nguyên Tổ, tuy nhiên, hậu quả của Tội Nguyên Tổ vẫn còn đó. Con rắn cám dỗ A-đam và E-và vẫn còn đó. Thánh Phê-rô nhắc nhở các tín hữu: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).  Nhiều người trong chúng ta than trách Dân Do Thái, vì họ đã vô ơn bội nghĩa với Thiên Chúa trong Cựu Ước và đã đối xử bất nhân với Đức Giê-su Ki-tô trong thời Tân Ước. Tuy nhiên, như Dân Do Thái xưa kia, mỗi người chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về sự vô ơn bội nghĩa của mình đối với Thiên Chúa, với tha nhân, và đi ngược với Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô, ngược với những giá trị Tin Mừng mà Người loan báo (Pl 3,17-19).

Chúng ta hằng bị cám dỗ ‘bỏ Đường Thập Giá’ hoặc ‘xuống khỏi thập giá’ như các thượng tế, kinh sư, kỳ mục và nhiều người khác nói với Đức Giê-su Ki-tô khi Người chịu treo trên thập giá (Mt 27,39-44; Mc 15,29 -32; Lc 23,35). Đức Giê-su Ki-tô, trong thân phận con người, bị cám dỗ ‘bỏ Đường Thập Giá’ hoặc ‘xuống khỏi thập giá’, nhưng Người đã ‘không sa chước cám dỗ’, Người đã trung tín với chương trình của Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Nhiều người trong chúng ta muốn niềm vui mà không cần đau khổ, muốn tình yêu mà không cần hi sinh, muốn phục sinh mà không cần thập giá, muốn sự sống mà không cần phải chết, muốn về với Thiên Chúa mà không cần đi Đường Thập Giá.

Trong bài Giảng Lễ tại Casa Santa Marta (11-11-2016), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói về những người ngộ đạo thời hiện đại (contemporary gnostics) rằng họ ưa thích “một Thiên Chúa mà không có Đức Ki-tô, một Đức Ki-tô mà không có Giáo Hội, một Giáo Hội mà không có các tín hữu”. Theo dòng tư tưởng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, chúng ta có thể nói rằng trong thế giới hôm nay vẫn còn đó những người ưa thích một Đức Giê-su Ki-tô xuống thế làm người mà không chịu đau khổ, một Đức Giê-su Ki-tô chịu đau khổ mà không chịu treo trên thập giá, một Đức Giê-su Ki-tô chịu treo trên thập giá mà không phải chết. Tắt một lời, họ muốn một Đức Giê-su Ki-tô toàn năng, toàn thiện đến với con người, không qua Đường Thập Giá mà vẫn đạt tới sự sống bất diệt, để rồi họ cũng được hưởng sự sống đó theo cách thức như vậy.

Cách đây gần 2000 năm, trong thư thứ nhất gửi tín hữu ở Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết rằng: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 22-25). Với thánh Phao-lô, thập giá trở thành biểu tượng của sự nghịch lý từ khi Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, cúi xuống vác lấy và chịu đóng đinh trên đó. Cũng từ đó, thập giá trở thành thánh giá, biểu tượng của niềm tin, hy vọng và vinh thắng đối với những ai là môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su Ki-tô qua mọi thời đại. Kinh nghiệm về Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô mà thánh Phao-lô có được cũng là kinh nghiệm của Giáo Hội, của mỗi người chúng ta và tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

Đức Giê-su Ki-tô đã chọn Đường Thập Giá để đem lại sự sống cho con người. Đường của Người ngược với đường của A-đam và E-và, vì đường của Nguyên Tổ dẫn đến sự chết. Chiêm ngắm Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô cho phép chúng ta cảm nghiệm được chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa đã không chọn đi con đường nào khác để đến với con người ngoài Đường Thập Giá. Như vậy, Đường Thập Giá phải là đường có ý nghĩa nhất.

Nếu chúng ta tin tưởng rằng Đức Giê-su Ki-tô đã đau khổ, chịu nạn, chịu chết vì chúng ta, thì chúng ta cũng tin tưởng rằng tình yêu của Thiên Chúa luôn bao phủ chúng ta. Đồng thời, chúng ta không bao giờ thất vọng cho dù chúng ta phải đương đầu với muôn vàn thử thách và ngay cả vực thẳm sự chết. Chúng ta đau khổ ư? Đức Giê-su Ki-tô đang đau khổ với chúng ta. Chúng ta buồn sầu ư? Đức Giê-su Ki-tô đang đồng hành với chúng ta. Chúng ta cô đơn ư? Đức Giê-su Ki-tô luôn bên cạnh chúng ta. Chúng ta chán nản ư? Đức Giê-su Ki-tô luôn là nguồn trợ lực của chúng ta.

Trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su Ki-tô mời gọi mọi người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Trên đường dương thế, Đức Giê-su Ki-tô vẫn luôn đồng hành với mỗi người chúng ta trong mỗi giây phút của cuộc đời. Người vẫn đồng hành để chia sẻ và nâng đỡ chúng ta. Vấn đề của mỗi người chúng ta là ý thức sự hiện diện và hoạt động của Người trong đời sống mình, nhất là những lúc chúng ta phải đối diện với ‘gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo’ (Rm 8,35). Với Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Bóng tối cuộc đời phai mờ khi bình minh Đức Giê-su Ki-tô tỏa rạng.

Chúng ta đi Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô khi chúng ta dâng đau khổ của chúng ta cho Người. Chúng ta đi Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô khi chúng ta biết cảm thông với những đau khổ của người khác. Chúng ta đi Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô khi chúng ta trung tín với ơn gọi Ki-tô hữu của mình giữa những bấp bênh của cuộc sống hằng ngày. Chúng ta đi Đường Thập Giá khi chúng ta cố gắng sống đời công chính, thánh thiện giữa muôn hình thức cạm bẫy ở thế gian này. Chúng ta đi Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô khi chúng ta sống trong tinh thần biết ơn Chúa, biết ơn người trong mọi hoàn cảnh của đời mình, nhất là những lúc chúng ta phải đối diện với muôn hình thức đau khổ, khó khăn.

Đức Giê-su Ki-tô đã đi Đường Thập Giá và Người mời gọi mỗi người chúng ta cũng hãy đi trên Đường đó. Thánh ký Mác-cô cho chúng ta biết rằng trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, khi căn tính của Người là ‘Đấng Ki-tô’ được biểu lộ, Người nói với các môn đệ về Đường Thập Giá của mình: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8,31). Đồng thời, Người mời gọi họ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,34-36).

Chương trình của Thiên Chúa qua Biến Cố Đức Giê-su Ki-tô, qua Đường Thập Giá luôn là mầu nhiệm khôn dò khôn thấu. Chương trình này vượt quá sự nhận thức của con người. Do đó, Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô vẫn mãi mãi là ‘đường điên rồ’ đối với ai coi sức mạnh vật chất, sức mạnh thể lý hay sức mạnh tri thức như là khí cụ toàn năng để thiết lập các tương quan, để tiếp cận vạn vật, để hoàn thiện chính mình. Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô vẫn mãi mãi là ‘đường ô nhục’ đối với những ai đề cao chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa khoái lạc và tôn thờ những vị thần không đụng chạm hay nếm trải bất cứ hình thức đau khổ nào của con người.

Hôm nay, Đức Giê-su Ki-tô đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy đi Đường Thập Giá với Người. Đường Thập Giá là đường hi sinh, quên mình, từ bỏ, hy vọng, tín thác. Đường Thập Giá luôn luôn là đường chân thật hay nói đúng hơn, Đường Thập Giá là ‘Đường Duy Nhất Chân Thật’. Đức Giê-su Ki-tô đã đi Đường Thập Giá để đến với thế giới thụ tạo, đến với chúng ta. Do đó, chúng ta đừng chọn đường theo ý riêng mình nữa. Chúng ta hãy đi theo Đường Thập Giá của Người và phản chiếu ánh sáng của Đường này trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên
Chủ Tịch Ủy Ban Mục Vụ Giới Trẻ và Thiếu Nhi / HĐGMVN

Các chủ đề học hỏi và suy niệm năm 2020:

WGPSG — Theo sách A Pulpit Commentary on Catholic Teaching (Giải nghĩa trên tòa giảng về Giáo huấn Công giáo), một trong những lý do thứ Tư và thứ Sáu được chọn là ngày ăn chay ở Roma – đó là để thay đổi thói quen tội lỗi của những người ngoại đạo vào những ngày đó.

Lịch trình của Mùa Chay

Mùa Chay khởi sự từ thứ Tư Lễ Tro, kéo dài đến Chúa nhật Phục Sinh. Và theo ý nghĩa phụng vụ, Mùa Chay kéo dài 40 ngày, tương đương với 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay trong sa mạc.

Tuy nhiên, bạn có thể tự hỏi: làm thế nào Mùa Chay có thể là 40 ngày được nếu thứ Tư Lễ Tro luôn nằm trước Lễ Phục Sinh 46 ngày? Đó là bởi vì việc ăn chay của mùa Chay không bao gồm các ngày Chúa nhật – được coi là các Ngày Lễ (kỷ niệm Chúa phục sinh); vì vậy, trừ đi 6 ngày Chúa nhật trước lễ Phục sinh không ăn chay, số ngày còn lại của Mùa Chay sẽ tròn 40 ngày.

Ý nghĩa của việc ăn chay vào thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh

Theo sách A Pulpit Commentary on Catholic Teaching (Giải nghĩa trên tòa giảng về Giáo huấn Công giáo), một trong những lý do khiến thứ Tư và thứ Sáu được chọn là ngày ăn chay hằng tuần của các tín hữu thời sơ khai ở Roma – đó là để thay đổi thói quen tội lỗi của những người ngoại đạo vào những ngày đó.

Vào thời Giáo hội sơ khai, thứ Tư (Mercredi) đã được những người ngoại đạo hiến dâng cho thần Mercury, vị thần trộm cắp và bất công; còn thứ Sáu (Vendredi) đã được dâng cho thần Venus, thần Vệ nữ của tình yêu xác thịt và đồi trụy. Việc ăn chay vào những ngày ấy đã được suy tính kỹ lưỡng để góp phần đền bù vô số tội lỗi do những bất công và ô uế gây ra ở khắp mọi nơi gần như không có sự kiềm chế, và như thế nhằm giữ cho các Kitô hữu không sống buông thả như vậy.

Tuy nhiên, có thể lý do đầu tiên khiến ngày thứ Tư trở thành ngày ăn chay là để ghi nhớ sự phản bội của Giuđa: ăn chay để phần nào đền bù sự phản bội này, cũng là để xin lỗi Chúa vì bao nhiêu lần các Kitô hữu cũng phản bội Chúa Giêsu do tội lỗi của họ.

Còn ăn chay vào thứ Sáu vì thứ Sáu là ngày Chúa chết.

Sau này, vì nhiều lý do, Giáo hội chỉ buộc ăn chay vào thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, đồng thời buộc kiêng thịt vào thứ Sáu hằng tuần. Ở đây ta cũng thấy được sự trùng hợp lý thú khi ngày khởi đầu 40 ngày của mùa Chay lại nằm đúng vào thứ Tư, là ngày ăn chay của các tín hữu thời sơ khai ở Roma.

Lệ Hương tổng hợp từ Aleteia
Nguồn: TGP Sài Gòn

Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 2 năm 2020

Tháng 1 năm 2020 vừa qua, cùng nhau, chúng ta đã suy niệm hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô là Hoàng Tử Hòa Bình. Tháng 2 này, chúng ta suy niệm hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô là Đường, Đường xuống với con người. Đức Giê-su Ki-tô xuống với con người để thông phần với con người trong muôn hình thức đau khổ do tội lỗi gây nên và dẫn đưa con người về với Thiên Chúa.

Sách Sáng Thế, chương 1, cho chúng ta biết con người là đỉnh cao của chương trình Thiên Chúa sáng tạo. Sách Sáng Thế, chương 2, cho chúng ta biết con người là trung tâm của chương trình Thiên Chúa sáng tạo. Tuy nhiên, sang chương 3, trình thuật sách Sáng Thế lại cho chúng ta thấy bộ mặt khác của con người: Con người vô ơn, con người kiêu ngạo, và con người phạm tội. Con người đã tìm cách đi lên, ‘lên bằng Thiên Chúa’, với sức riêng của mình, qua hình ảnh ăn trái cây biết lành biết dữ để được tinh khôn, ‘được như Thiên Chúa’ (St 3,4-6). Tiếp đó, sách Sáng Thế chương 11 cho chúng ta biết rằng, sau Hồng Thủy, con người vẫn tìm cách vươn lên bằng Thiên Chúa, qua ‘sự vô ơn và kiêu ngạo tập thể’, được diễn tả trong câu chuyện xây tháp Ba-ben. Hậu quả là, tháp bị sụp đổ hoàn toàn, con người bị chia ly phân tán khắp mặt đất và sống trong cảnh tăm tối, không lối thoát. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn trung tín, luôn yêu thương con người. Sách Sáng Thế chương 12 cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tuyển chọn Áp-ra-ham, để từ ông, chương trình cứu độ của Thiên Chúa được diễn tiến trong lịch sử và được thực hiện cách trọn vẹn nhờ Đức Giê-su Ki-tô.

Trong Cựu Ước, khoảng 700 năm trước biến cố Giáng Sinh, tiên tri I-sai-a nói với A-khát, vua Giu-đa rằng: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14). Lời này được nhắc lại nơi Tân Ước và được giải thích một cách cặn kẽ hơn trong biến cố truyền tin cho ông Giu-se rằng: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23). Thiên Chúa từ môi trường vĩnh cửu xuống với môi trường thế giới thụ tạo, môi trường thời gian, môi trường con người. Đây thật là Tin Mừng lớn lao cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế.

Trong Tân Ước, thánh Gio-an tông đồ viết rằng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Cũng theo thánh nhân: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành”“ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,3,4). Như vậy, trong tương quan với Thiên Chúa, Ngôi Lời hằng hữu. Trong tương quan với thế giới thụ tạo, Ngôi Lời đóng vai trò quan trọng trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Khi con người làm méo mó và biến dạng chương trình này, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô, đã làm người và cư ngụ giữa lòng nhân loại (Ga 1,14).

Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an cũng cho chúng ta biết rằng sau Bữa Ăn Cuối Cùng, Bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su Ki-tô đã tâm sự riêng với các môn đệ và mặc khải cho họ nhiều điều quan trọng, chẳng hạn, giới răn mới, giới răn yêu thương, yêu như Đức Giê-su Ki-tô đã yêu, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, vai trò của Chúa Thánh Thần, sự bình an, tình hiệp nhất… Đặc biệt, khi Đức Giê-su Ki-tô nói với các môn đệ của Người rằng: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14,3-4). Ông Tô-ma hỏi Đức Giê-su Ki-tô: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14,5). Đức Giê-su Ki-tô trả lời: “Chính Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Chúng ta biết rằng đường, sự thật và sự sống là những điều quan trọng nhất mà tất cả mọi người trong gia đình nhân loại luôn tìm kiếm. Những điều này được diễn tả nơi Biến Cố Đức Giê-su Ki-tô. Trong dòng lịch sử, nhiều người cho rằng mình là người chỉ đường cho người khác, còn Đức Giê-su Ki-tô nói rằng chính Người là Đường, Đường dẫn tới sự thật và sự sống viên mãn.

Để chuẩn bị cho Đức Giê-su Ki-tô, chuẩn bị cho Đường xuống với con người khi thời gian tới hồi viên mãn, Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa xuống với con người và hướng dẫn con người, nhất là tổ tiên Dân Do-thái, theo nhiều cách thức khác nhau. Trong Tân Ước, tác giả Thư gửi tín hữu Do-thái, ngay phần mở đầu, đã tóm tắt chương trình của Thiên Chúa trong Cựu Ước cho tới Biến Cố Đức Giê-su Ki-tô rằng: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Như vậy, nhờ Đức Giê-su Ki-tô là Thánh Tử của Thiên Chúa, con người nhận ra khuôn mặt hữu hình của Thiên Chúa vô hình. Hơn nữa, để trở thành Đường nối kết Tình yêu Thiên Chúa với con người và dẫn con người về với Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô đã đi trên con đường làm người dương thế như chúng ta (Dt 4,15). Thật vậy, Thánh Tử của Thiên Chúa đã trở thành Thánh Tử của Gia Đình Thánh Gia, trong gia đình lớn hơn là gia đình nhân loại, nhờ sự trung tín, vâng phục và cộng tác chân thành của Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se.

Vừa sinh ra chưa được bao lâu, các thành viên của Gia Đình Thánh Gia (Đức Giê-su Ki-tô, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se) đã phải xuống Ai Cập để tránh sự lùng bắt của vua Hê-rô-đê. Câu chuyện bắt đầu với việc ba nhà đạo sĩ nhìn thấy vì sao của Đức Giê-su Ki-tô Giáng Sinh ở Phương Đông và họ đã tới Giê-ru-sa-lem để hỏi thăm các thượng tế và kinh sư Do-thái, dưới sự chủ tọa của vua Hê-rô-đê về việc Giáng Sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Vua Dân Do-thái. Sau khi ba nhà đạo sĩ gặp gỡ Đức Giê-su Ki-tô và tiến dâng lễ vật (vàng, nhũ hương và mộc dược), họ ‘không trở lại đường cũ’ để tường thuật cho vua Hê-rô-đê biết về sự gặp gỡ của họ với các thành viên của Gia Đình Thánh Gia. Vua Hê-rô-đê phẫn nộ, ra lệnh lùng bắt và giết chết các bé trai tại Bê-lem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống. Thế nên, Thánh Gia phải lánh sang Ai Cập. Khi vua Hê-rô-đê băng hà, các thành viên Gia Đình Thánh Gia từ Ai Cập trở về Na-da-rét, miền đất của Ít-ra-en, và sinh sống tại đó.

Đức Giê-su Ki-tô trải qua thời gian dài trong thinh lặng nơi làng quê Na-da-rét cho đến năm 30 tuổi. Để bắt đầu sứ mệnh công khai, Người đi từ phía Bắc xuống phía Nam của đất nước Do-thái, tới thung lũng Giê-ri-khô, tới sông Gio-đan nối liền với Biển Chết, chỗ sâu nhất trên địa cầu (khoảng 400m dưới mực nước biển). Dòng sông Gio-đan, nơi Đức Giê-su Ki-tô chịu Phép Rửa cũng là nơi xưa kia, sau thời gian dong duổi 40 năm trong thân phận nô lệ, Dân Do-thái băng qua để về với Đất Hứa, đất chảy sữa và mật. Tại đó, Đức Giê-su Ki-tô, tuy vô tội, Người đã chịu Phép Rửa để thông phần với con người trong các hình thức đau khổ do tội lỗi gây nên. Hình ảnh Người chịu Phép Rửa diễn tả việc Người xuống thung lũng tội lỗi của con người, của con cháu A-đam qua muôn thế hệ.

Trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô đã cúi xuống với những người bệnh tật, những kẻ bị quỉ ám để chữa lành và hồi phục phẩm giá cho họ. Người đã cúi xuống với những người nghèo khổ, những người cô thế cô thân và nạn nhân của vô số hình thức bất công trong xã hội Do-thái. Người đã đến với những người bị loại trừ, chẳng hạn, những người thu thuế hay những phụ nữ ngoại tình để an ủi họ. Hơn nữa, Người còn cho họ trở thành môn đệ của Người trong hành trình trần thế. Đặc biệt, Người đã cúi xuống với những người tội lỗi và tha thứ cho họ. Trong mọi hoàn cảnh, Đức Giê-su Ki-tô luôn diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, mà không quan tâm đến điều kiện văn hóa, truyền thống, chủng tộc hay bất cứ hình thức phân chia nào theo cách thức loài người.

Đức Giê-su Ki-tô, Đường xuống với con người không chỉ dừng lại ở đó. Người đã thông phần với con người trong muôn hình thức đau khổ mà đỉnh cao là sự chết. Người đã chết và xuống ngục tổ tông, xuống cõi âm ty, xuống nơi hoàn toàn thiếu vắng tình thương, để trao ban tình thương Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho tất cả. Theo mặc khải Ki-tô giáo, những người chết không thể tự mình ra khỏi vực thẳm này, nhưng cậy nhờ vào sự giải thoát của Thiên Chúa, được thực hiện qua Biến Cố Đức Giê-su Ki-tô. Thánh Phê-rô viết rằng: “Đức Giê-su đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm” (1 Pr 3,19) và rằng: “Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết, để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của loài người, họ được sống về phần hồn theo ý định của Thiên Chúa” (1 Pr 4,6).

Trong nhãn quan của thánh Phao-lô, Đức Giê-su Ki-tô xuống để kéo mọi người lên: “Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Ep 4,9-10). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “Đức Ki-tô đã xuống âm phủ” (Mt 12,40; Rm 10,7; Ep 4,9) để “kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa và ai nghe thì được sống” (Ga 5,25; GLGHCG, 635) và rằng: “Đức Giê-su Ki-tô, Đấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3,15), đã “nhờ cái chết của Người, tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2,14,15; GLGHCG, 635). Điều này giúp chúng ta xác tín rằng với Đức Giê-su Ki-tô, những gì ‘không thể đối với con người’ thì lại ‘luôn có thể’ đối với quyền năng của Thiên Chúa.

Đức Giê-su Ki-tô là Đường xuống với con người, đồng thời, là Đường duy nhất dẫn tất cả mọi người trong gia đình nhân loại lên với Thiên Chúa. Thánh Phê-rô đã minh định với các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giê-ru-sa-lem rằng: “Ngoài Đức Giê-su Ki-tô ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Tương tự như thế, thánh Phao-lô nói: “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1 Tm 2,5). Đối với những người có kinh nghiệm trực tiếp về Đức Giê-su Ki-tô lịch sử và Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh như thánh Phê-rô và Phao-lô thì những khẳng định trên đây là nền tảng không lay chuyển của nội dung đức tin Ki-tô Giáo.

Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã tới vực thẳm sâu nhất của thân phận con người là vực thẳm sự chết, cũng chính là Đấng phục hồi phẩm giá con người. Trong hành trình dương thế, Đức Giê-su Ki-tô gọi các môn đệ của mình là bạn (Ga 15,13-15). Vị Thiên Chúa toàn năng toàn thiện gọi thụ tạo mình là bạn, đây thật là điều không thể tưởng tượng được, nhưng thực sự đã xảy ra. Thánh Phao-lô diễn tả Đức Giê-su Ki-tô là Anh Cả của tất cả mọi người cùng muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Theo thánh nhân, Người vừa là “trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo”, vừa là “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (Cl 1,15.18). Điều này, một lần nữa, cho phép chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su Ki-tô, Đường xuống với con người. Hơn nữa, trong nhãn quan của thánh Gio-an Tông Đồ, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, con người không chỉ trở về tình trạng nguyên thủy là được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, mà còn trở thành con cái Thiên Chúa (Ga 1,12; 1 Ga 3,1).

Đức Giê-su Ki-tô vừa là Đường xuống với con người, vừa là Đường lên với Thiên Chúa. Quả thật, nếu hành trình của Đức Giê-su Ki-tô, chỉ là hành trình xuống, xuống tận vực thẳm sâu nhất và rùng rợn nhất là sự chết, thì quả thật Đức Giê-su Ki-tô cũng như muôn người khác trong gia đình nhân loại vậy. Không! Đức Giê-su Ki-tô xuống để dẫn tất cả mọi người lên. Lời tựa Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an làm nổi bật rằng Đức Giê-su Ki-tô đến từ Thiên Chúa để cứu độ mọi người và dẫn đưa mọi người về với Thiên Chúa  (Ga 1,1-18). Do đó, ai muốn theo Người là Đường lên với Thiên Chúa, thì trước hết hãy theo Người là Đường xuống với con người. Ai muốn theo Người, Đường lên với Thiên Chúa, thì hãy học nơi Người, Đường xuống với con người, xuống với anh chị em mình. Cách cụ thể là: Trong mọi hoàn cảnh, các môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô phải luôn hạ mình, luôn cúi đầu, luôn đấm ngực ăn năn về những tội lỗi và bất xứng của bản thân trong các tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.

Ai không thông phần với Đức Giê-su Ki-tô, Đường xuống với con người, thì cũng không thể thông phần với Người, Đường lên với Thiên Chúa. Ai từ chối ‘sự đụng chạm’ của Đức Giê-su Ki-tô, từ chối tình yêu của Người, thì cũng không thể thông phần gia nghiệp vĩnh cửu với Người trong Nước Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, trong Bữa Tiệc Ly, khi Đức Giê-su Ki-tô cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau nhằm diễn tả tình yêu tự hạ, tình yêu của Đường xuống với con người, Đức Giê-su Ki-tô đến với Phê-rô, để rửa chân cho Phê-rô, nhưng Phê-rô từ chối. Đức Giê-su Ki-tô nói với Phê-rô: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13,8). Phê-rô đã đồng ý để Đức Giê-su Ki-tô rửa chân cho mình và đã cảm nghiệm được tình yêu vô bờ của Thầy mình.

Điểm lại chương trình mặc khải của Thiên Chúa nơi Biến Cố Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta nhận ra bảy hình thức hiện diện đặc biệt của Người: (1) Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa, (2) Đức Giê-su Ki-tô xuống thế làm người, (3) Đức Giê-su Ki-tô chịu thương khó, (4) Đức Giê-su Ki-tô chịu chết, (5) Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh, (6) Đức Giê-su Ki-tô Thánh Thể, (7) Đức Giê-su Ki-tô Thân Thể Mầu Nhiệm (Giáo Hội). Chúng ta nhận thức rằng trong bảy hình thức hiện diện của Đức Giê-su Ki-tô, ngoại trừ hình thức thứ nhất (Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa) và thứ năm (Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh), các hình thức khác đều diễn tả Đức Giê-su Ki-tô, Đường xuống với con người. Đức Giê-su Ki-tô chịu chết là hình thức Người xuống thấp nhất. Vị Thiên Chúa chết để tất cả mọi người trong gia đình nhân loại được sống! Đây quả thật là hình thức diễn tả tình yêu sâu đậm và nhiệm mầu nhất của Đức Giê-su Ki-tô, của Thiên Chúa, đối với con người.

Nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đường xuống với con người, Vương Quốc Thiên Chúa hiện diện trên trần gian. Vương Quốc này tiếp tục hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội, đồng thời, Vương Quốc này hướng về sự sung mãn khi Thiên Chúa qui tụ muôn vật muôn loài trong Đức Giê-su Ki-tô quang lâm (Ep 1,9-10). Như vậy, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, nhờ Đường xuống với con người, Thiên Chúa hiện diện giữa con người, vĩnh cửu hiện diện trong thời gian, vô hạn hiện diện trong hữu hạn và sự sống hiện diện trong cõi chết. Điều này gợi lên nơi tất cả mọi người sự cần thiết để theo Đường Đức Giê-su Ki-tô trong hành trình trần thế của mình.

Người theo Đường Đức Giê-su Ki-tô là người làm những việc Đức Giê-su Ki-tô đã làm, nói những điều Đức Giê-su Ki-tô đã nói và hành động như Đức Giê-su Ki-tô đã hành động. Người theo đường Đức Giê-su Ki-tô là người đến với mọi người như Đức Giê-su Ki-tô đã đến, yêu mọi người như Đức Giê-su Ki-tô đã yêu và phục vụ mọi người như Đức Giê-su Ki-tô đã phục vụ. Người theo Đường Đức Giê-su Ki-tô là người ngày càng trở nên giống Đức Giê-su Ki-tô trong mọi sự. Người theo đường Đức Giê-su Ki-tô là người luôn vâng theo Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô là Chúa Thánh Thần trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình. Người theo Đường Đức Giê-su Ki-tô là người luôn thiết lập mối tương quan liên vị với Người, đồng thời, luôn sẵn sàng đến với mọi người để dẫn đưa họ về với Thiên Chúa.

Chúng ta không chỉ được mời gọi học hỏi Đường Đức Giê-su Ki-tô, suy niệm Đường Đức Giê-su Ki-tô, tin tưởng Đường Đức Giê-su Ki-tô, dạy Đường Đức Giê-su Ki-tô, mà còn thực hành Đường Đức Giê-su Ki-tô nữa. Chúng ta biết rằng thực hành Đường Đức Giê-su Ki-tô luôn là việc lắm khó khăn và nhiều thách đố, bởi vì, để thực hành Đường Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta phải từ bỏ chính mình, phải xuống sâu tận đáy lòng mình để nhận ra tội lỗi, yếu đuối và các hình thức bất xứng của bản thân. Để thực hành Đường Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta phải xuống với những người bần cùng khốn khổ, xuống với những người đơn hèn, yếu đuối, xuống với những người bị xã hội bỏ rơi và muôn hình thức bất hòa hợp khác trong gia đình nhân loại.

Hôm nay đây, Đức Giê-su Ki-tô vẫn luôn xuống, xuống với những ai đặt niềm hy vọng vào Người: Niềm hy vọng vào quyền năng của Người trên sự dữ, của vĩnh cửu trên thời gian, của vô hạn trên hữu hạn, của sự sống trên sự chết. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có sẵn sàng đón nhận Người hay đang bận rộn với ai đó, hiện tượng nào đó, biến cố nào đó? Chúng ta đang theo đường nào? Rất nhiều người nói rằng mình đang theo Đường Đức Giê-su Ki-tô; tuy nhiên, trong thực tế, họ đang theo đường mà họ tưởng tượng ra, theo Đức Giê-su Ki-tô mà họ tưởng tượng ra hơn là Đức Giê-su Ki-tô, Đường xuống với con người, Đức Giê-su Ki-tô đích thật, là Con Thiên Chúa, là Đấng đã chết và đã xuống vực thẳm sự chết để diễn tả tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đối với con người.

Dư âm của Tội Nguyên Tổ, dư âm của sự vô ơn và kiêu ngạo vẫn tồn đọng trong tất cả mọi người. Dư âm của Tội Nguyên Tổ vẫn còn khi mỗi cá nhân muốn xây dựng cuộc sống bằng sức riêng của mình, muốn về với Thiên Chúa bằng sức riêng của mình. Dư âm của Tội Nguyên Tổ vẫn còn khi các hình thức cộng đoàn muốn xây dựng đời sống chung dựa trên sự đồng thuận của các cá nhân, mà không màng quan tâm hay quy chiếu mặc khải Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô. Con người, trên bình diện cá nhân và tập thể, được mời gọi chiêm ngắm Đức Giê-su Ki-tô, Đường xuống với con người, để không ngừng biến đổi bản thân và các hình thức tập thể khác trong xã hội.

Xét về mặt thể l‎ý, hành trình của mỗi người trên trần gian là hành trình xuống. Mỗi giây qua đi, mỗi phút qua đi, mỗi giờ qua đi, mỗi ngày qua đi, mỗi tháng qua đi, mỗi năm qua đi, con người ‘càng gần hơn’ với vực thẳm sự chết, vực thẳm mà ai cũng run sợ, ai cũng muốn trì hoãn, ai cũng bồn chồn lo lắng. Vực thẳm sự chết là vực thẳm nhiệm mầu và không ai có thể tránh được. Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, cũng đã bồn chồn lo lắng trước vực thẳm này; tuy nhiên, Người đã vượt thắng tất cả trong sự vâng phục và tin tưởng phó thác vào tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Đức Giê-su Ki-tô đã Phục Sinh! Niềm vui tràn ngập toàn thể địa cầu. Với Đức Giê-su Ki-tô, hừng đông của cánh chung ló rạng cho tất cả những ai tin tưởng, yêu mến và đặt hy vọng vào Đường của Người.

Sự quan sát, đánh giá và diễn tả trên đây cho phép chúng ta nhận biết rằng Đức Giê-su Ki-tô là Đường xuống với con người. Bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và sự vâng phục cộng tác của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Giê-su Ki-tô đã xuống thế làm người, xuống Ai Cập, xuống thung lũng Giê-ri-khô, xuống sông Gio-đan, xuống với những người tội lỗi, bị quỉ ám, và muôn hình thức đau khổ khác trong xã hội loài người. Người đã chết và đã đến vực thẳm sâu nhất của thân phận con người là vực thẳm sự chết, để trao ban sự sống vĩnh cửu cho tất cả mọi người. Ước gì mỗi người chúng ta luôn là môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su Ki-tô là Đường xuống với con người trong hành trình trần thế này, để nhờ Người là Đường lên với Thiên Chúa, chúng ta được hưởng bình an và hạnh phúc muôn đời trên Nước Trời.  

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên
Chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ Giới Trẻ và Thiếu Nhi / HĐGMVN

Các chủ đề học hỏi và suy niệm năm 2020:

Đối với dân tộc Việt Nam, mùa Xuân bắt đầu bằng những ngày Tết, là những ngày đoàn tụ gia đình. Những ngày giáp Tết, ông bà cha mẹ ở nhà trông ngóng con cháu đi xa trở về, còn con cháu ở nơi xa dù đã thành danh, công tác hay còn đi học… cũng trông mong được trở về sum vầy bên những người thân trong ba ngày Tết. Sự trở về của những con, cháu – dù sống trên quê hương hay phiêu bạt khắp năm châu – còn là dịp để thể hiện lòng thành kính, tri ân và nhớ về tổ tiên.

Không chỉ là ngày lễ của người sống, những người đã chết cũng thực sự tham dự vào cuộc sống của gia đình và con cháu trong ba ngày Tết. Trong truyền thống dân tộc, ngày 23 tháng Chạp, người ta tổ chức tiễn ông Táo về trời, và sau đó là mời tổ tiên về cùng “ăn” Tết với gia đình. Vào thời khắc giao thừa và sáng mùng Một tết, gia đình giàu sang hay nghèo khó đều cố gắng sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn hoặc chí ít là mâm cơm đạm bạc để dâng lên ông bà, mong ông bà phù hộ cho một năm mới bình an, vạn sự như ý.

Tứ thời xuân tại thủ
Bách hạnh hiếu vi tiên.
(Xuân khởi đầu bốn mùa
Hiếu đứng trên trăm nết)

Còn trong đời sống người Kitô hữu, chữ Hiếu càng được quý trọng hơn vì đó là một trong 10 Điều Răn mà Thiên Chúa trao ban cho con người: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi (Xh 20,12).

Chúa Giêsu cũng nhắc lại lời ông Mô-sê: “Ngươi phải thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử” (Mc 7,10). Ngài phản đối việc hiếu kính “giả tạo” của con người, mặc dù đã được che đậy qua nhiều lễ nghi, phong tục, truyền thống. Ngài khiển trách những luật sĩ và biệt phái về việc áp dụng sai luật Chúa, vì đối với họ, đã dâng lễ vật cho Chúa rồi thì họ không còn bổn phận giúp cha mẹ nữa: “Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa”. (Mt 15,4-6)

Người Công giáo Việt Nam ngay từ lúc học giáo lý vỡ lòng đã được dạy dỗ: “Thảo kính cha mẹ là yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời”. (sách giáo lý Tân Định)

Với các tín đồ Công giáo vùng Á Đông, huấn thị “Plane compertum est” của Đức Thánh Cha Piô XII ngày 08/12/1939 đã công nhận những nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã có những quy định và những giáo huấn liên quan đến việc thờ phượng ông bà tổ tiên trong sứ mạng truyền giáo tại Việt Nam.

Từ đó nhiều phong tục đẹp mà cha ông đã lưu truyền từ đời này sang đời khác được đưa vào trong các nghi lễ Công giáo. Những ngày giáp tết, gia đình nào cũng sửa sang bàn thờ (trên là Thiên Chúa – dưới là gia tiên), ra nghĩa trang sửa sang, chăm sóc phần mộ ông bà. Và trong ngày đầu Xuân, nhiều gia đình đã đến nhà chờ Phục Sinh, hoặc ra nghĩa trang giáo xứ viếng mộ ông bà, cha mẹ hoặc những người thân yêu trong gia đình.

Cũng trong truyền thống đạo hiếu của dân tộc trong những ngày khởi đầu một năm mới, Giáo hội Công giáo Việt Nam dành ngày mồng Hai tết để kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, là những bậc có công thông truyền sự sống cho chúng ta. Ai cũng mong được đón nhận những giờ phút linh thiêng nhất của ngày đầu năm bên cha mẹ, ông bà dù còn sống hay đã qua đời.

Ngày đó, các người thân trong gia đình cùng nhau đến nhà thờ với tâm trạng bồi hồi xúc động. Có những gia đình đông vui với những mái đầu xanh bên mái đầu bạc, có những gia đình quạnh quẽ vơi bóng người thân… Nhưng tất cả đều cùng nhau hiệp dâng Thánh lễ thật sốt sắng để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân đã qua đời của mình.

Trong Chúa Giêsu Kitô phục sinh, họ tin rằng niềm vui tết của họ chỉ là tạm bợ và chỉ là hình bóng của niềm vui vĩnh cửu trên thiên đàng. Nơi mà tổ tiên, ông bà cha mẹ và những người thân đi trước đang hưởng một mùa xuân đích thực, bất tận và hạnh phúc viên mãn.

Khi cha mẹ còn sống nếu con cái chỉ tỏ lòng yêu mến và biết ơn thì chưa đủ, còn phải thực hiện bằng việc làm là giúp đỡ cha mẹ, nhất là khi các ngài đã về già. Tuổi già với những khó khăn, hạn chế về thể xác là kết quả của những tháng ngày dài vất vả nuôi dạy con cái, vì thế việc chăm sóc cha mẹ già không phải là dễ. Nhiều người đã coi cha mẹ già là một gánh nặng nên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, hoặc cung phụng cho cha mẹ tiền bạc rồi cho đó là thảo hiếu cha mẹ, nhưng không hề về thăm hỏi cha mẹ dù là ngày lễ, tết (vì bận đi du lịch, thư giãn…!).

Khi cha mẹ qua đời, con cái vẫn còn bổn phận giúp đỡ cha mẹ qua Thánh lễ và kinh nguyện hàng ngày vì các ngài chỉ an nghỉ về mặt thể xác nhưng phần hồn vẫn còn hiện diện và trông chờ con cháu cầu nguyện cho các ngài. Nhất là trong những ngày đầu năm mới, ngày linh thiêng của người Kitô hữu, ngày mà bất kỳ người con nào cũng không được phép quên cha mẹ đã qua đời của mình, dù tóc đã bạc, răng đã long. Mỗi người con phải để cao bổn phận làm con của mình cho thế hệ mai sau được biết, để thế hệ này qua đi, vẫn còn có thế hệ kế tiếp sẽ làm công việc đền ơn báo nghĩa trong những ngày đầu năm mới.

Thắp lên những nén hương thơm ngày tết, chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa là cội nguồn sự sống đã tạo dựng nên muôn loài, tứ thời Xuân Hạ Thu Đông; tạ ơn Thiên Chúa đã cho ông bà cha mẹ sinh ra chúng ta làm người. Chúng ta tri ân các ngài vì công ơn sinh thành, dưỡng dục và không chỉ thông truyền sự sống làm người cho chúng ta mà còn thông truyền cả sự sống đức tin cho chúng ta.

Chúng ta có được như ngày hôm nay chính là nhờ công ơn của các ngài: những giọt mồ hôi, những vất vả, những lắng lo và hy sinh tột bực có khi phải đổ cả máu đào để nuôi dưỡng không chỉ phần xác mà còn cả phần hồn chúng ta. Các ngài như gốc mai đại thụ xù xì già cỗi để cho chúng ta là những cánh hoa vàng rực rỡ khoe sắc trong nắng xuân. Công ơn ấy cao ngất tựa Thái Sơn, bao la như biển Thái Bình mà những kẻ làm con không bao giờ đáp đền cho đủ.

Xin các ngài bầu cử cho chúng ta là con cháu, mỗi năm thêm một tuổi mới được sống xứng đáng hơn với kỳ vọng của các ngài. Biết dạy cho con cháu nhìn lại quá khứ để hãnh diện với công lao của tổ tiên và bảo tồn truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp. Góp phần làm rạng rỡ gia phong, cùng như góp phần xây dựng cộng đồng mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những bậc sinh thành của chúng ta còn tại thế. Xin Chúa ban cho các ngài được hồn an xác mạnh, vui hưởng tuổi già bên “con đàn cháu đống”, mỗi ngày một thêm phúc đức, làm trụ cột cho con cháu noi theo.

Nguồn: Jos. Hoàng Mạnh Hùng
TGP Sài Gòn