Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta biết Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng khoảng 3 năm. Trước đó 30 năm, Đức Giêsu đã sống như thế nào và có những thú vị gì liên quan đến giai đoạn đó không? Đây là câu hỏi lý thú mà tôi thường nghe các bạn trẻ thắc mắc khi chúng tôi tìm hiểu về cuộc đời Đức Giêsu.

Chắc chắn tuổi thơ của Đức Giêsu không được cung phụng như nhiều cô chiêu cậu ấm của thời nay. Người không có nhiều đồ chơi mắc tiền, không có điện thoại thông minh, không được đi du lịch và không có nhiều thứ. Sau khi sinh, Đức Mẹ và Thánh Giuse đem Hài Nhi Giêsu trốn sang Aicập, vì vua Hêrôđê tìm giết Người. Chúng ta không biết các ngài ở bên đó bao nhiêu năm, nhưng chỉ biết sau đó cả nhà về sống tại ngôi làng Nazarét, một xóm nhỏ khó nghèo. Chính nơi đó, cậu bé Giêsu ở với Đức Mẹ và thánh Giuse. Hằng năm Giêsu được trẩy hội đền Giêrusalem. Nói chung cuộc sống của Đức Giêsu cứ thế êm đềm trôi qua trong suốt 30 năm trường.

Biến cố lớn nhất trong giai đoạn này là khi Đức Giêsu ở lại đền thờ Giêrusalem khi Người 12 tuổi (Lc2, 41-52). Đây là độ tuổi theo người Do Thái là khá trưởng thành về mặt đức tin. Sau kỳ lễ, Đức Mẹ và Thánh Giuse lạc mất Giêsu, lý do chắc các bạn cũng đoán ra. Khi trở lại Đền Thờ, các ngài gặp Đức Giêsu đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Sau đó, Đức Giêsu hé lộ một chút sứ mạng của Người sẽ làm trong tương lai: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Hai ông bà ngơ ngác không hiểu! Sau đó, Người cùng với cha mẹ trở về Nazarét. Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu là một người trưởng thành như thế nào khi đúc kết rằng: “Người ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.” (Lc2, 52).

Là người trẻ, chúng ta học được gì từ Đức Giêsu ẩn dật. Đó là giai đoạn Giêsu thực sự im lặng và chuẩn bị cho sứ mạng sau này. Tuy thinh lặng là vàng, nhưng “sự im lặng tột cùng dẫn tới nỗi buồn. Đây là hình ảnh của cái chết.” – như triết gia Jean Jacques Rousseau cảm nghiệm. Dĩ nhiên sự thinh lặng của Đức Giêsu không thuộc nghĩa này. Trái lại, chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu thinh lặng trong cầu nguyện với Chúa Cha. Là người trẻ, bạn Giêsu của chúng ta thinh lặng khi nghe lời Cựu Ước thường được đọc trong hội đường. Người thinh lặng để thấy được mình đang cần gì, phải làm gì và sẽ làm gì. Quan trọng hơn hết, trong thinh lặng, Đức Giêsu dần hiểu ra ý của Thiên Chúa Cha. Mỗi ngày một chút, chương trình Loan Báo Tin Mừng dần hé lộ. Nói chung, đó là thinh lặng của một tâm hồn luôn hướng về trời cao với những hoài bão lớn lao. Tôi tin rằng đôi lần các bạn cũng có những giây phút sống trong sự thinh lặng này.

Dĩ nhiên Đức Giêsu thinh lặng không có nghĩa là Người “câm như hến”. Chúng ta hiểu được bạn Giêsu cũng có nhiều người trẻ để chuyện trò, vui chơi và chia sẻ. Hơn hết, Đức Giêsu vui sống trong gia đình. Nơi đó, Người thường tâm sự với Đức Mẹ và thánh Giuse. Có thể Đức Mẹ cũng dạy cho Người từng câu thánh kinh, kể cho Người truyền thống của dân tộc mình, và biết bao sinh hoạt hằng ngày diễn ra nơi Thánh Gia. Ví dụ chúng ta có thể đọc những kỷ niệm thú vị ấy trong cuốn “Nhật Ký Đức Giêsu” mà cha Piô Ngô Phúc Hậu chiêm ngắm bạn Giêsu trong giai đoạn này. Ước gì bạn Giêsu dạy cho chúng ta biết thế nào là gia đình, là hòa hợp yêu thương. Tuy đời sống đạm bạc và đơn sơ, nhưng nơi ấy thực sự là tổ ấm vô cùng thánh thiêng. Đó mới là nền tảng của một gia đình hạnh phúc vững bền.

Tiếc là tuổi trẻ ngày nay không phải ai cũng có được gia đình hạnh phúc như thế. Dù sống trong gia đình giàu sang hay nghèo khổ, nhiều người con vẫn cảm thấy không được yêu thương hạnh phúc. Người giàu cũng khóc, kẻ nghèo cũng than. Đó là bi kịch gia đình mà chúng ta thường chứng kiến, và có khi là nạn nhân nữa. Đã đến lúc người trẻ chúng ta cần đến giai đoạn ẩn dật của Đức Giêsu để hy vọng Người cho chúng ta hướng đi. Nghĩa là giai đoạn ấy thực sự quan trọng và ý nghĩa để đưa chúng ta đến một tương lai tươi sáng.

Có bạn hỏi Đức Giêsu có đi học trong thời gian này không? Các nhà chuyên môn không biết rõ câu trả lời, chỉ có điều Người biết đọc (Lc4, 17); thêm vào đó, những kiến thức Kinh Thánh, những kỹ năng “mềm” thì người Bạn của chúng ta “hơi bị siêu”! Ngoài ra, trong thời gian ẩn dật, Đức Giêsu cũng cần cù lao động. Người làm nghề gì? Chắc hẳn Người thường theo thánh Giuse đi làm mộc, đóng tủ bàn, dựng nhà cửa…Người theo thánh Giuse như hình với bóng, đến nỗi về sau người ta gán cho Đức Giêsu một “nickname – con bác thợ mộc.” Nói chung, Đức Giêsu cho mỗi người trẻ thấy giá trị của lao động để dựng xây thế giới này. Có nhiều bạn ngây ngô nghĩ rằng mình có thể “ngồi chơi xơi nước” mà vẫn giàu sang phú túc. Thực ra đồng tiền trong sạch chỉ có được từ con đường lao động chân chính mà thôi. Đó là giá trị của lao động mà mỗi người trẻ được mời gọi bước vào. Chúng ta nghe ĐGH Phaolô khi thăm Nadarét ngưỡng mộ tinh thần lao động của Đức Giêsu biết bao: “Chúng ta ước ao được thấu hiểu và đề cao bổn phận lao động của con người, tuy nhọc nhằn nhưng đem lại ơn cứu chuộc.” (Diễn văn ngày 5-01-1964).

Với một vài chia sẻ trên đây, ước mong người trẻ chúng ta không chê ghét giai đoạn âm thầm chuẩn bị cho tương lai. Người ta chỉ thành công khi có một giai đoạn chuẩn bị kỹ càng. Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu là vậy. Rồi từng ngày với Đức Giêsu ở Nazarét, chúng ta biết phải làm gì, cần sống như thế nào để cuộc đời là những chuỗi ngày có ý nghĩa, các bạn nhé!

Nguồn: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ – Dòng Tên

Ngày này, việc kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa giáng trần đã trở thành một lễ hội dân gian quốc tế. Người không tin Thiên Chúa cũng mừng và chúc mừng chúng ta trong dịp lễ Giáng sinh. Những sự kiện đạo đời, câu chuyện và hình thức trang trí trong mùa lễ này ngày càng đa dạng, hiện đại và mang lại niềm vui cho nhiều người, từ trẻ em đến người lớn – vui khi thấy con cháu vui.

Tuy nhiên, niềm vui đến từ ngoại giới ấy không làm cho tôi quên Món quà giáng sinh đầu tiên. Chính Hài Nhi Giêsu là Món quà giáng sinh nguyên thủy mà Chúa Cha tặng ban cho toàn thể nhân loại và cho từng người chúng ta. Chính tặng phẩm thần linh này mới là suối nguồn Niềm vui đích thực, niềm vui của san sẻ, của tương quan huynh đệ.

Món quà Giáng sinh năm nay

Không biết niềm vui Giáng sinh của các Bạn năm nay là gì? Phần tôi thì món quà Noel tinh thần đã được trao cho chúng ta từ mùa Vọng. Đó là hai người trẻ: chàng thủ môn Việt kiều Nga, 23 tuổi và cô gái người Êđê, 26 tuổi.

Tôi thật ấn tượng thấy hình ảnh thủ môn đội tuyển Việt Nam trong giải AFF 2018, Đặng Văn Lâm, một mình quỳ gối làm dấu thánh giá bên cột khung thành, trước sự chứng kiến của hàng vạn khản giả.

Còn H’Hen Niê, người Êđê lọt vào Top 5 Miss Universe 2018, là một cô gái tự tin nhưng không tự kiêu. Thật vui khi biết cô là một Kitô hữu Tin Lành và thật ấm lòng khi nghe Niê tâm sự: “Từ nhỏ tôi là người theo đạo và tin rằng Chúa có chương trình và kế hoạch cho mỗi người, có gì đó tốt đẹp dành cho mình. Trong từng vòng thi, tôi đều cầu nguyện và xin Chúa ban cho mình sự bình an, bình tĩnh, tỏa sáng theo ý muốn tốt lành của Ngài. H’Hen nghĩ mọi điều đều có Chúa dẫn đường. Tôi xin theo ý muốn của Chúa chứ không phải ý muốn riêng của mình. Nếu xin theo ý mình là rất ích kỷ và chỉ muốn mọi thứ theo ý mình” (cgvdt.vn).

Mỗi chúng ta là một món quà

Các Bạn thân mến, chúng ta không chỉ nhận quà và tặng quà, mà chính chúng ta mới là quà tặng nhân bản và quý giá nhất cho tha nhân.

“Hãy đem trao tặng nhau món quà,
Là chính chúng ta bên trong giấy bọc.
Chớ lo chi bản thân riêng ta,
Mà giữ lấy khép đôi tay,
Chẳng cho ai điều chi.

Mỗi chúng ta là một món quà,
Mà chính Chúa Cha ân ban cho mình.
Hãy đơn sơ để đem cho nhau,
Bằng hết những dễ thương,
Cho cuộc sống thêm đậm đà.”

Tâm tình bài hát trên mời gọi tôi chia sẻ niềm vui mà mình nhận được từ Quà tặng Giáng sinh đầu tiên để nhân lên trong trái tim nhiều người, nhất là những anh chị em sống dưới cùng một mái nhà, những ai tôi gặp gỡ hàng ngày và cả những người chúng ta chỉ gặp một lần trong đời.

Vì mỗi chúng ta là một món quà, các Bạn cùng tôi, chúng ta hãy đơn sơ để đem cho nhau “những dễ thương, cho cuộc sống thêm đậm đà” Tình Chúa và tình người!

Viva Emmanuel!
Hãy mừng vui lên !
Thiên Chúa ở cùng chúng ta!

Nguồn: TGP Sài Gòn

Đại Thánh Đường Latêranô được dâng kính Đấng Cứu Thế và từ thế kỷ XII cũng được dâng kính Thánh Gioan Tẩy Giả, là nhà thờ cổ nhất của Đức Giáo Hoàng, được mang danh “Mẹ và là đầu của mọi nhà thờ trên thế giới”.

Sau khi chiến thắng các đối thủ tranh giành ngai hoàng đế. Contantin đã ký sắc lệnh Milanô vào năm 313 công nhận Kitô giáo là một tôn giáo hợp pháp trên đế quốc La Mã. Thế là các tín hữu lục tục từ hang toại đạo bước vào xã hội công khai, không còn sự bắt bớ nữa.

Hoàng đế Constantin làm một cử chỉ đẹp: nhường cung điện ở đồi Latran cho các Giáo Hoàng làm nơi trú ngụ. Năm 324 Đức giáo Hoàng Sylvester I đã thánh hiến đại Thánh Đường và cư ngụ tại nơi đây cho đến thế kỷ XIV, sau đó mới dời về Vatican, cạnh đền thờ thánh Phêrô. Đây cũng là Vương Cung Thánh Đường của giáo phận Rôma, lý do: ngai tòa của vị Giám mục được đặt tại đây.

Đại Vương Cung Thánh Đường Latêranô

Đền thờ này được gọi là “Mẹ các nhà thờ” vì là nhà thờ đầu tiên được chính quyền hợp pháp công nhận trên đế quốc La Mã và vì cũng là nhà thờ chính tòa của địa phận Rôma, nơi đó có ngai tòa của Đức Giáo Hoàng.

Qua các trận hỏa hoạn, động đất và càn quét của man dân, của Đức, Pháp… đại Thánh Đường Latêranô phải tái thiết lại nhiều lần. Ngày 28.04.1726 sau một công trình tái thiết lớn, Đức Bênêđictô XIII đã thánh hiến lại và công nhận ngày 09.11 là ngày thánh hiến Đền thờ.

Mừng lễ cung hiến Thánh Đường Latêranô, xin Chúa cho mỗi Kitô hữu chúng ta hãy biết trở nên những viên đá sống động xây nên ngôi đền thánh bằng lòng nhiệt thành và sự thánh thiện.

Nguồn: Tổng Giáo Phận Sài Gòn

Theo báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (số 30-10-2011), từ khoảng mươi năm nay, lễ hội Halloween được du nhập vào Việt Nam. Đây là lễ hội ở các nước phương Tây, được tổ chức hằng năm vào ngày 31-10. Sau đó, nhà báo giới thiệu những hình thức lễ hội Halloween ở một số địa điểm tại Sàigòn.

Nhắc đến ngày 31-10 là ngày hội Halloween, nhưng không nói gì đến ngày 1-11 vì không biết mối liên hệ giữa hai ngày này. Ở nguồn gốc, ngày này được gọi là All Hallows’ Eve, nghĩa là buổi chiều áp lễ Các Thánh. Kể từ thời Đức Grêgôriô III (năm 741), Lễ Các Thánh được cử hành vào ngày 1-11 hằng năm, là ngày ngài thánh hiến một nhà nguyện trong Đền Thánh Phêrô để tôn vinh toàn thể Các Thánh. Rồi sau đó, Đức Grêgôriô IV (năm 835) truyền lệnh cử hành lễ này trong toàn thể Giáo Hội. Nhưng thuở xa xưa, lễ này được cử hành vào Thứ Sáu sau lễ Phục sinh để làm nổi bật sự chiến thắng của Chúa Kitô trên tâm hồn của biết bao người, cụ thể là các thánh. Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và Người cũng chiến thắng ma quỷ qua việc chinh phục các tâm hồn. Dù sau này, ngày cử hành lễ đã được thay đổi nhưng ý nghĩa chính yếu trên vẫn được giữ lại.

Các tín hữu thời xưa tin rằng vào ngày áp lễ Các Thánh 1-11, trái đất rung chuyển, đất đai nứt nẻ và ma quỷ từ địa ngục chui lên với nỗ lực cuối cùng nhằm lôi kéo các linh hồn về với nó. Thế nên vào buổi chiều áp lễ Các Thánh, họ túa ra ngoài đường, mặc những trang phục kinh dị như ma quỷ, đồng thời miệng hô vang Danh Chúa Giêsu và khua chiêng gõ mõ để xua đuổi ma quỷ, đuổi chúng về địa ngục. All Hallows’ Eve là thế.

Rất tiếc là ngày nay, ý nghĩa tôn giáo đó đã phai mờ, nếu không nói là biến mất, để chỉ còn là lễ hội Halloween mang tính giải trí thuần túy, tệ hơn nữa còn thành dịp ăn chơi đàng điếm. Thay vì xua đuổi ma quỷ đi thì lại rước nó vào nhà mình, vào linh hồn mình. Thế nên đã có những Giáo Hội phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng này, cụ thể là Hội Đồng Giám Mục Philippines mới đây lên tiếng cảnh giác các tín hữu và gọi lễ hội Halloween là lễ hội phản Kitô.

Nhắc lại nguồn gốc ngày lễ như thế để thấy rõ hơn xu hướng tục hóa trong thời hiện đại, tước đoạt nội dung tôn giáo và thay vào đó bằng nội dung phản tôn giáo. Đừng tưởng rằng xu hướng tục hóa chỉ diễn ra ở phương Tây! Tiến trình tục hóa cũng đang diễn ra ngay tại Việt Nam, nhất là khi cái hay thì ít học mà cái dở lại tiếp thu rất nhanh. Người ngoài công giáo không biết đã đành, nhưng đáng tiếc là cả người công giáo cũng không biết và cứ thế mà làm, người ta làm sao thì mình làm vậy, thay vì giúp người khác thấy được vẻ đẹp của Tin Mừng thì lại thành kẻ tiếp tay để giết chết Tin Mừng!

Nhắc lại nguồn gốc của ngày lễ như thế còn để nhắc nhở nhau sống tinh thần lễ Các Thánh, tinh thần có thể tóm gọn trong lời kêu gọi nổi tiếng của Đức Chân phước Gioan Phaolô II: “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa đón Chúa Kitô”. Cách cụ thể, hãy mang trong lòng mình những tâm tư của Đức Kitô Giêsu: tâm tư hiền lành và khiêm nhường, thương xót và tha thứ, dấn thân và phục vụ. Chính vì thế, bài Tin Mừng được công bố trong ngày lễ Các Thánh là Tin Mừng về Tám Mối Phúc Thật :

“Phúc thay những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ” (5,3-11).

Mang lấy tâm tư của Đức Kitô Giêsu giữa lòng thời đại hôm nay quả là không dễ, vì thời đại này cổ võ lối nghĩ và lối sống hầu như hoàn toàn ngược lại Tin Mừng. Sách Khải Huyền (bài đọc II) diễn tả thực tế này bằng hình ảnh vừa bi hùng vừa sống động: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến? Tôi trả lời: Thưa Ngài, Ngài biết đó. Vị ấy bảo tôi: Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,13-14).

Áo chỉ được trắng sạch khi được giặt bằng máu! Thật lạ thường. Nhưng sự thật là thế. Phải chấp nhận cộng tác với tác động thánh hóa của Chúa Thánh Thần, giặt tấm áo cuộc đời bằng máu của hi sinh từ bỏ, chiến đấu chống trả cám dỗ, gian nan tập luyện các nhân đức. Đó là tín thư mà lễ Các Thánh gửi đến tất cả chúng ta, những người cũng được gọi là “thánh” vì đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, nhưng còn phải thể hiện tiềm năng thánh thiện ấy bằng chính cuộc sống của mình. Để có thể hòa chung với Các Thánh trong lời chúc tụng:

“AMEN! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta
Lời chúc tụng và vinh quang,
Sự khôn ngoan và lời tạ ơn,
Danh dự, uy quyền và sức mạnh,
Đến muôn thuở muôn đời. AMEN!” (Kh 7,12)

Nguồn: Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Tổng Giáo Phận Sài Gòn

Yêu thương đích thực không khép kín vào bản thân, mà mở lòng ra trước Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu vợ chồng và sự phong nhiêu của tình yêu ấy diễn tả phần quan trọng của nó ở việc sẵn sàng sinh con cái và ước muốn nuôi dạy chúng nên người và nên con Chúa. Đây là vấn đề căn bản của hôn nhân Kitô giáo. Sinh sản và nuôi dạy con cái, đôi bạn cởi mở với tương lai và thành người cộng tác với Thiên Chúa trong công trình Tạo dựng. Đôi bạn sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa muốn ban cho họ vì chính chúng. Họ đón nhận con cái như một quà tặng của Thiên Chúa với ý thức rằng Chúa đã đón nhận chúng trước và yêu thương chúng từ thuở đời đời. Đứa con chính là hoa trái tuyệt diệu của tình yêu, sự kết hợp vợ chồng, và trao hiến cho nhau.

Về chuyện con cái có hai thái độ cực đoan cần phải tránh: Một là, xem con cái như một “của nợ”, một cản trở sự hoàn thành bản thân của ta và từ đó loại trừ khả năng có con ngay từ đầu; Đàng khác, đó là thái độ muốn có con “bằng mọi giá” như để thỏa mãn nhu cầu riêng của mình, mà không vì chính chúng. Vì:

Ước muốn làm cha làm mẹ không có nghĩa là được “quyền có con” bằng bất cứ cách nào, vì con cái chưa sinh ra cũng có quyền của mình. Đứa trẻ chưa sinh ra phải được bảo đảm cho có những điều kiện tốt nhất để tồn tại, nhờ sự ổn định của một gia đình được xây dựng trên hôn nhân, nhờ những sự bổ sung của hai người, là cha và mẹ. (HTXHCG 235).

Thái độ thứ nhất có thể dẫn đến tình trạng phá thai, hoặc phòng ngừa thụ thai, chỉ muốn đón nhận giới hạn con mạnh khỏe, thông minh. Đức chân phước Giáo hoàng Phaolô VI nhận thấy từ thập niên 60 thế kỉ trước với sự phát triển công nghệ, con người bị dễ tha hóa, rời xa Thiên Chúa, vì chính con người trở thành đối tượng của sự thao túng của mình, khi con người cố đặt hành vi tình dục vợ chồng phụ thuộc vào kĩ thuật, điều đó sẽ gây tác hại cho mối quan hệ vợ chồng. Sự ngừa thai có thể dễ dàng trở thành một diễn tả cho não trạng này nếu như nó định hình trên ngôn ngữ diễn tả tình yêu. Khi ấy, sự yêu thương kết hợp vợ chồng bị tách biệt khỏi sự phong nhiêu, nghĩa là khía cạnh cốt yếu của sự trao hiến không còn nữa. Phá thai còn nghiêm trọng hơn nữa, không phải chỉ vì những di chứng để lại của sự việc ấy trên con người và cuộc sống của đôi bạn, mà còn vì đó là hành vi tội ác loại trừ sự sống một con người. Ngay từ những thế kỉ đầu Hội Thánh coi đó là những tội ác luân lí. Một người phá thai hay tham gia trực tiếp vào việc phá thai là đã tự đặt mình ra ngoài Hội Thánh, tức bị vạ tuyệt thông tiền kết (Giáo luật đ.1398). Trong xã hội ngày nay, tình trạng phá thai lan tràn và được đông đảo xem (thậm chỉ còn khuyến khích) phá thai như một phương tiện điều hòa sinh sản nếu không nói là truyền lan như một ‘quyền con người’. Những hình thức chẩn đoán tiền sản còn làm gia tăng hơn nữa áp lực xã hội lên đôi vợ chồng, tuy nhiên không nên xem thường những hậu quả của việc phá thai hay sử dụng thuốc phá hay ngừa thai. Phá thai không thể là một lựa chọn.

Thái độ thứ hai, muốn có con “bằng mọi giá”, thể hiện qua nhiều chọn lựa khác nhau, nô lệ cho tên bạo chúa kĩ thuật.  Ngày nay, nổi lên rất nhiều kiểu “bệnh viện chuyên giúp thụ thai” đáp ứng cho những người có nhu cầu có con mà chưa thành tựu. Nói chung đó là thực hành việc “thụ tinh nhân tạo”. Đó là một can thiệp ‘nhân tạo’ vào hành vi vợ chồng, không những cướp đi phẩm chất của hành vi ấy mà còn thay thế nó bằng kĩ thuật. Như thế, đứa trẻ không phát xuất từ nguồn yêu thương trao hiến cho nhau của cha mẹ nó, nhưng là sản phẩm của công việc của người thầy thuốc và các người làm việc trong phòng thí nghiệm của bệnh viện. Thụ tinh nhân tạo hầu như luôn liên hệ tới sự chọn lựa chất liệu di truyền hay các phôi thai, nhất là những nơi nào có liên hệ tới sự chẩn đoán Gen di truyền tiền cấy phôi. Hệ quả của việc này là phần đầu của cuộc sống mình đứa trẻ bị đối xử chỉ như là một chất liệu của phòng thí nghiệm. Không kể hậu quả của não trạng này ảnh hưởng trên cuộc sống của đôi vợ chồng, đó còn là một sự kì thị nghiêm trọng và xúc phạm phẩm giá nhân vị. Thụ thai nhân tạo, hơn nữa, còn có thể trở thành một thử thách tác hại đến cuộc hôn nhân hai người.

Chuẩn bị làm cha mẹ có trách nhiệm trong việc sinh-dưỡng-dục

Đôi bạn cần phải trao đổi và thỏa thuận với nhau vấn đề con cái trước khi cưới. Họ cần được chuẩn bị tư thế làm cha làm mẹ có trách nhiệm. Điều này càng quan trọng hơn vì khi một đứa con chào đời luôn kèm theo những thách đố làm tràn ngập cuộc sống của họ. Sẵn sàng đón nhận con cái mà Chúa ban cho đôi vợ chồng là một hoa quả của sự phong nhiêu này. Công Đồng Vatican II dạy rằng đôi bạn

Sẽ chu toàn bổn phận với ý thức trách nhiệm, vừa của con người, vừa của những Kitô hữu, […] họ sẽ cùng đưa ra một phán đoán chính xác, trong khi vẫn quan tâm đến thiện ích của chính họ cũng như của con cái đã sinh ra hay dự định sẽ có, vẫn cân nhắc về những điều kiện vật chất cũng như tinh thần của hoàn cảnh sống theo từng thời điểm, và sau cùng vẫn lưu tâm đến thiện ích của cả gia đình, của cộng đồng xã hội và của Giáo Hội nữa.(Gaudium et Spes 50).

Tuy nhiên, sự phong nhiêu của hôn nhân còn hiểu theo nghĩa rộng hơn, không chỉ có nghĩa là có con cái, mà còn là những hoa trái của đời sống đạo đức, thiêng liêng và siêu nhiên mà cha mẹ được kêu gọi thông truyền cho con cái họ, và qua chúng cho Giáo hội và thế giới (Familiaris Consortio 28). Như vậy, sự phong nhiêu còn là dạy dỗ, hướng dẫn con cái đi trên nẻo đường dẫn đến cuộc sống viên mãn. Con cái là thiện ích lớn lao, và điều chính yếu, nhất là trong xã hội tục hóa ngày nay, là trao ban cho chúng một nền tảng vững chắc, để chúng có thể lội ngược dòng tinh thần thế tục (hay thói đời) mà sống tính mới mẻ của Tin Mừng một cách tròn đầy. Đây mới chính là mục tiêu thực sự của sự sống và sự phong nhiêu.

Nếu đôi bạn Kitô hữu hiếm muộn ngoài ý muốn, họ có thể tìm những phương cách khác làm cho tình yêu của họ trổ sinh hoa trái, chẳng hạn nhận con nuôi, được ủy thác nhận nuôi dạy con, liên đới giúp đỡ những người ở bên lề xã hội, hoặc nhiều cách khác nữa.

Trong lễ cưới, đôi bạn không chỉ được hỏi có sẵn sàng đón nhận con cái như tặng phẩm Chúa ban, mà còn có sẵn sàng ‘nuôi dạy con cái theo luật Chúa và Hội Thánh không’. Nhiệm vụ giáo dục này “bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn là dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa: khi sinh ra một con người mới trong tình yêu và vì tình yêu, một con người mang sẵn nơi mình ơn gọi phải lớn lên và phát triển, các cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho người ấy được sống một cuộc sống nhân bản trọn vẹn” (FC 36). Đối với các cha mẹ Kitô hữu, giáo dục con cái là một quyền và nghĩa vụ, không thể thay thế và không thể chuyển nhượng. Giáo dục là thành phần thiết yếu của vai trò làm cha mẹ. Vì tương quan giữa họ và con cái là một tình yêu không thể thay thế được, nên quyền và nghĩa vụ này là độc đáo và cơ bản so với bổn phận giáo dục của những người khác.

Các cha mẹ tự do trong việc lựa chọn môi trường giáo dục và sinh hoạt (nhà trẻ, trường học,…) của con mình, để giúp họ hoàn thành nhiệm vụ giáo dục này, họ cần chọn nơi nào phù hợp nhất với mẫu mực giáo dục Kitô giáo. Nhưng trách nhiệm cuối cùng dù sao cũng là của họ.

Giáo dục Kitô là một giáo dục toàn diện và cơ bản: làm sao giúp cho trẻ phát triển các khả năng, năng khiếu về thể lí, tinh thần, và luân lí cách hài hòa. Mục đích của nền giáo dục này là đào tạo toàn diện hướng tới các chiều kích tâm lí – tâm thần – tinh thần và xã hội của nhân vị. Bởi thế, cha mẹ không thể dùng các phương tiện vật chất (đồ chơi và các thứ thiết bị kĩ thuật,…) bù trừ hoặc thay thế trách niệm phải dấn thân để hiện diện, tạo an sinh, chăm sóc, dạy dỗ con cái. Giáo dục là một “quá trình trao đổi trong đó các cha mẹ – nhà giáo dục đến lượt mình ở mức nào đó cũng được giáo dục. Đang khi họ là thầy dạy nhân bản cho con cái thì họ cũng học nhân bản từ chúng” (Gioan Phaolô II, Thư gởi các Gia đình, 16).

Trong gia đình con trẻ không những có kinh nghiệm đầu tiên sống chung với người khác, mà còn có những kinh nghiệm đầu tiên sống đức tin, về Giáo hội, về Chúa. Bởi thế, giáo dục Kitô không những hướng tới giáo dục ý thức trách nhiệm và sử dụng đúng đắn tự do, mà còn về niềm tin, cầu nguyện, sống theo Lời Chúa và tiếng gọi của Chúa. Trong bối cảnh đó cả gia đình cùng cầu nguyện rất có ý nghĩa.

Câu hỏi suy tư hay để thảo luận

  1.     Tôi có ước muốn trở thành cha hay thành mẹ không? Tôi có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái vì chính chúng như là một quà tặng của Chúa ban cho không?
  2. Tôi có sẵn sàng và đã chuẩn bị sẵn sàng nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái chưa?
  3. Hôn nhân phong nhiêu có nghĩa là gì và thế nào, đối với tôi?
  4.     Tôi có thể đối diện, đương đầu với hoàn cảnh hiếm muộn có thể có của vợ chồng mình không?

Nguồn: Văn phòng HĐGMVN

Thế giới quanh ta được đan quyện bởi nhiều thứ âm thanh. Con người cũng chất chứa trong mình một môi trường đậm đặc các loại âm thanh. Thứ âm thanh của cuộc đời. Dầu trong môi trường nào, con người vẫn không thể tách mình khỏi âm thanh. Có loại âm thanh phát ra từ bên ngoài, nhưng có âm thanh vọng lại từ bên trong. Có những âm thanh mang ý nghĩa, nhưng có những âm thanh chỉ được coi là tiếng động vô thưởng vô phạt. Người ta thường nghe những âm thanh mà họ cho là có ý nghĩa, nhưng để âm thanh thực sự có ý nghĩa cho cuộc sống lại đòi hỏi một sự tinh tế tiếp nhận. Ta có thể tạm gọi là lắng nghe. Khi lắng nghe, đó là lúc để cho âm thanh đi vào trong cuộc sống và vọng lại trên những cuộc đời.

Cuộc sống vốn tràn ngập các loại âm thanh bên ngoài. Đi vào cuộc đời là đi vào một thế giới âm thanh. Những bước đầu đời, âm thanh đơn sơ và dịu dàng. Càng lớn lên, âm thanh cuộc sống lại càng đa dạng. Có những âm thanh nhẹ nhàng, nhưng có những tiếng động huyên náo. Có những âm thanh hài hoà như những bản nhạc dịu êm chậm rãi lại được đặt bên những tiếng vang ồn ã của cuộc sống vội vàng. Thái độ tiếp nhận đối với cho mỗi loại đó lại đem lại cho cuộc sống những dư âm khác nhau. Tiếng lá xào xạc có khi là những tiếng động vô thường, nhưng lắm lúc lại đánh thức cả một kiếp sống vồn vã. Tiếng ồn ào của động cơ hay tiếng rao lớn của cô bán hàng rong, những âm thanh mà được nghe với thái độ thành kiến, vô cảm thì trở thành những tiếng động chát chúa; âm thanh mà được lắng nghe với sự mở lòng hiếu tri nó lại trở nên một lối mở tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời; âm thanh mà được lắng nghe với nỗi niềm trăn trở, thao thức, nó trở thành những vết gợn trong lòng và thấu đến con tim, từ đó thay đổi lối nhìn của một con người. Âm thanh cuộc sống vẫn vang lên, nhưng lắng nghe với đôi tai tinh tế sẽ biến đổi những tiếng rời rạc thành một bản nhạc ý nghĩa.

Những tiếng động phát ra từ bên ngoài vốn đậm đặc, nhưng rộn rã và mãnh liệt hơn là những âm thanh dội lại tự bên trong mình. Đó là những chuyển động của cảm xúc, những khát khao thầm kín hay những vết gợn của con tim. Tiếng ở bên ngoài thì dễ được thu hút, âm thanh ở trong lòng dầu đầy ắp nhưng dễ bị lãng quên lại càng ít khi được lắng nghe và đón nhận. Vậy mà, những gì chất chứa trong lòng lại là những chất liệu của cuộc sống, là những gì làm nên con người mình. Ai đó từng nói rằng, muốn biết bạn là ai, cách khả dĩ là hãy lắng nghe chân thành tiếng lòng của mình. Vốn tự thẳm sâu con người khao khát tìm biết mình và để biết mình cần có sự lắng đọng để nghe. Cho nên, thinh lặng trở nên một nhu cầu. Nhưng người ta lại sợ thinh lặng. Đó là một nghịch lý. Người ta thường khoả lấp nhu cầu ấy trong một thứ âm thanh khác, hay đáp lại sự ồn ào bằng một sự ồn ào hơn nữa. Vì đối diện với mình, lắng nghe nhu cầu thực sự của mình nhiều khi là một thách đố. Đó có thể là những tiếng của trái tim bị tổn thương, của tương quan tan vỡ…đòi hỏi dấn thân để được chữa lành. Trở về với mình, cho phép đôi tai hướng vào con tim để biết khao khát thật của mình và đối diện với nó, ấy là một tiến trình biết mình. Nhưng điều này chưa đủ.

Có một loại âm thanh phổ rộng hơn, liên lỉ nhưng tinh tế hơn, đó là âm thanh từ thẳm sâu tâm hồn, bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Âm thanh ấy được đặt ở cả bên ngoài và bên trong. Âm thanh ấy vọng lên từ những cuộc đời, từ những con người, từ chính cuộc sống dù ồn ào hay thâm trầm, từ những hình tượng trọn vẹn hay khiếm khuyết. Âm thanh ấy đòi phải lắng nghe không chỉ bằng đôi tai, nhưng còn bằng ánh mắt và cả con tim. Âm thanh ấy cũng vừa khó nghe vừa dễ nghe. Khó là vì quá phổ biến, ở đâu cũng có, trong mọi dạng thức; dễ cũng là vì ở mọi dạng thức và tồn tại nơi khắp mọi ngõ ngách cuộc sống. Qua việc gặp gỡ con người, tiếng ấy nói qua con người. Trải qua những biến cố, tiếng ấy vang lại từ biến cố. Qua chính những chuyển động cảm xúc nơi cõi lòng mình, tiếng ấy vọng lên từ chính cõi lòng mình. Tiếng ấy có khi da diết ỉ ôi, có khi mãnh liệt ôn tồn. Tiếng ấy vang lên bằng cách này hay cách khác mặc cho người ta có nghe hay không. Tiếng ấy kiên nhẫn và đợi chờ! Tiếng ấy cất lên và khi được lắng nghe, tiếng ấy thúc đẩy, đưa dẫn người ta đi sâu và đi xa vươn tới ý nghĩa cuộc sống. Đó là tiếng yêu thương và mời gọi yêu thương. Tiếng ấy vì thế không trừ một ai, dầu tốt hay xấu hay đang ở đâu trong cuộc đời, khi mở lòng đón nhận là lúc đi vào yêu thương. Âm thanh yêu thương làm thăng hoa những âm thanh phát ra từ bên ngoài và từ cõi lòng con người, đem lại ý nghĩa đích thực cho cuộc đời và chữa lành những tổn thương trong cuộc sống.

Cuộc sống vốn là một bản hoà quyện các loại âm thanh, cuộc đời là cả một quá trình kết dệt nhiều thứ âm thanh. Do đó, cách nào đó có thể nói, sống là nghe và sống tròn đầy là biết lắng nghe.  Càng nghe, người ta càng thấy và càng thấy giúp người ta càng lắng nghe. Đâu đó trên thế giới này, trong mỗi hoàn cảnh, nơi từng con người và từ những biến cố, đều có điều gì đó đáng để lắng nghe. Khi lắng nghe với tâm hồn rộng mở ấy là lúc ta cho phép âm thanh cuộc sống đi vào đời mình và để trái tim được trầm mình trong âm thanh yêu thương, người ta sẽ được sống trong yêu thương và cũng sẽ vọng lên những tiếng yêu thương, thứ âm thanh có sức chữa lành và lan toả.

Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.

Nguồn: https://dongten.net/2018/10/06/lang-nghe-nhung-am-thanh-cuoc-song/

Theo Sách Thánh thì Thiên Chúa đã dựng nên rất đông các tạo vật thiêng liêng vô hình và các thánh tiến sĩ thì nói có lẽ các thần này được dựng nên trong ngày thứ nhất khi bắt đầu công việc tạo dựng.

Thiên Chúa dựng nên các thiên thần để chầu chực hầu hạ Đức Chúa Trời, giúp đỡ loài người và gìn giữ vũ trụ.

Theo như các lần các ngài xuất hiện, hiện ra, ta thấy các ngài là những vị thiêng liêng, tốt lành, quyền phép, mạnh mẽ và mau lẹ. Các ngài cũng đã từng trải qua cuộc thử thách. Trong cuộc thử thách này có một số đông đã tỏ ra không chịu thần phục Thiên Chúa. Đứng đầu là Luciphe nên đã bị Thiên Chúa loại bỏ.

MICAE

Theo sách Khải huyền của thánh Gioan thì khi ấy trên trời có một cuộc đại chiến. Một bên do Đức Micae lãnh đạo, bên kia là do Luciphe. Micae là thiên thần dũng mãnh. Với khẩu hiệu: “AI BẰNG THIÊN CHÚA”, ngài đã anh dũng đẩy lui bè lũ Luciphe. Khẩu hiệu này đã trở thành tên của ngài (MICAE).

Hôm nay Giáo hội mừng kính thánh Micae, vị thủ lãnh các thiên thần lành trên trời và còn là bổn mạng của Giáo hội dưới thế. Chính Ngài đã nhiều lần hiện xuống trần gian với nhiều nhiệm vụ khác nhau để thực hiện sứ mạng cao cả của Ngài.

Chúng ta hãy bắt chước Ngài: luôn trung thành với Chúa. Mỗi khi chúng ta bị thế gian xác thịt cám dỗ muốn xa lìa Chúa, chúng ta hãy lập lại lời của Ngài: Ai bằng Thiên Chúa? Vâng! Chẳng ai bằng Thiên Chúa cả. Tiền bạc, vui sướng xác thịt, chức quyền không có gì sánh được với Thiên Chúa cả.

Không có một ai, một vật nào được phép đứng ngang hàng với Thiên Chúa của chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành, thánh thiện, mạnh mẽ phép tắc vô cùng. Người nhân từ vô biên, hiểu biết mọi sự, làm được mọi sự. Ngài là cội rễ mọi sự, là cùng đích của mọi loài. Không ai bằng Thiên Chúa.

RAPHAEL

Raphael xuất hiện ở trong Cựu Ước. Cựu Ước nói về Raphael như thế này:

“Ông Tobia người Do thái thuộc chi họ Neptali bị bắt làm tôi mọi bên nước Assyria  vì dân Do thái bị bại trận. Thời gian ở đất khách quê người Tobia luôn giữ lòng trung thành làm tôi Chúa. Ông bị tai nạn làm cho đôi mắt bị mù hoàn toàn. Gia đình ông túng đói quá không có cách nào xoay trở. Lúc đó ông nhớ đến món tiền trước kia ông đã cho nhà Gabelo mượn. Ông sai người con của ông cũng có tên là Tobia – Để khỏi lầm lẫn sau này người ta gọi là Tobia-con đến nhà Gabelo để xin lại món tiền đã cho vay. Tobia-con sẵn sàng vâng lời nhưng Tobia-con không biết đường đi. Tổng lãnh Grabriel đã hiện ra dưới hình dạng một người thanh niên để đẫn đường. Dọc đàng Raphael cứu Tobia-con khỏi bị cá nuốt. Tới nơi Grabriel còn giúp cho Tobia-con cưới được vợ là Sara và đồng thời còn đòi nợ giùm Tobia.

Công việc xong, Tobia-con cùng với vợ trở về nhà. Raphael bảo cho Tobia-con lấy mật cá mà xức vào mắt cho Tobia cha. Tobia cha được khỏi mù. mắt được sáng trở lại, cha con Tobia hết sức vui mừng. Đứng trước những ơn mà cả nhà vừa mới được: đòi được nợ, cưới được vợ, lại khỏi bị mù cha con ông Tobia muốn lấy phân nửa số tiền đòi được để gọi là đền ơn đáp nghĩa đối với người thanh niên đã tận tình giup đỡ gia đình mình. Khi ấy “người thanh niên” tốt lành đó mới tỏ ra cho cha con Tobia biết mình là thiên thần của Thiên Chúa đã được sai đến để giúp đỡ gia đình ông. Nói xong điều đó thiên thần liền biến đi.

Câu truyện của cha con Tobia cho chúng ta thấy Thiên Chúa hằng yêu thương chăm sóc những kẻ kính sợ Người. Raphael có nghĩa là “THẦY THUỐC CỦA THIÊN CHÚA”

GRABRIEL

Tên Grabriel có nghĩa là “SỨC MẠNH CỦA THIÊN CHÚA”.

Chính đức Grabriel đã hiện ra với tiên tri Đaniel để cho Đaniel biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra.

Chính đức Grabriel đã hiện ra với Giacaria báo tin cho ông biết ông sẽ sinh được một người con trai và đặt tên là Gioan.

Luca ghi lại quang cảnh cảm động này như sau: “Khi ấy ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong đền thờ của Đức Chúa. Sứ thần của Chúa hiện ra với ông… thấy vậy ông bối rối. Sự sợ hãi ập xuống trên ông. Những sứ thần bảo ông: “Này ông Giacaria, đừng sợ vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin. Bà Elizabeth vợ của ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan”

Ông thưa lại: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điêu ấy? Vì tôi đã già và bà nhà tôi cũng đã lớn tuổi.?

Sứ thần đáp lại:” Tôi là Grabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa. Tôi được sai đến với ông và loan báo Tin vui đó cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm không nói được cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không chịu tin lời tôi là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi. (Lc 1,1-20) v.v… Và sau đó mọi việc xẩy ra như thế nào thì chúng ta đều đã được biết.

Rồi cũng theo Tin Mừng của Luca, sau sáu tháng, sứ thần Grabriel còn được Thiên Chúa gửi đến trần gian với một sứ mạng còn cao trọng hơn nhiều: Đó là sứ mạng truyền tin cho Đức Maria. Nếu Giacaria đã ngỡ ngàng thì Đức Mẹ còn  ngỡ ngàng hơn. Việc của Giacaria với bà Elizabeth chỉ là việc giữa con người với con người. Còn việc của Đức Maria là việc của Thiên Chúa: “Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế  người con do bà sinh ra sẽ là thánh và được gọi là con Thiên Chúa”(Lc 1,35)

Sau tiếng Xin vâng của Đức Mẹ cả vũ trụ đều phải nhảy mừng. Thi sĩ Hàn mặc Tử khi nghĩ đến biến cố này thôi cũng đã phải run rảy mà thốt lên như thế này:

“Hỡi sứ thần Thiên Chúa Grabriel.
Khi người xuống truyền tin cho thánh nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn loài?”

Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì Chúa đã thực hiện những việc lạ lùng trước mắt chúng ta.

Người ta có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một nơi để trở về. Trong bất kỳ xã hội nào, nhất là xã hội phát triển ngày nay, chúng ta có rất nhiều nơi để đến, vì mục đích công việc, để giải trí, giao lưu và gặp gỡ, nhưng chỉ có một nơi để trở về, đó là gia đình. Gia đình là điểm hẹn thân thương, là nơi có mọi người lúc nào cũng chờ đợi chúng ta, dù bất cứ hoàn cảnh và tình trạng nào. Tiếc rằng, trong cơn giông bão của cuộc sống hiện đại, được đánh dấu bằng chủ nghĩa tiêu thụ, gia đình hôm nay đang có nguy cơ tan vỡ, không còn là chốn trở về bình yên đối với nhiều người.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, người ta thường nói thế để tự động viên và an phận trong lúc gia đình gặp khó khăn ly tán. Khó có thể thống kê chính xác tỷ lệ gia đình ly hôn ở Việt Nam, nhưng chắc chắn số gia đình tan vỡ là không nhỏ và đang có chiều hướng gia tăng. Trước đây, gia đình Công giáo vẫn tự hào là bền vững vì có mối giây hôn phối qua bí tích, tuy vậy, khá nhiều cặp đôi đã tuyên hứa trung thành trước bàn thờ Chúa mà vẫn chia tay, để lại những kỷ niệm buồn và những đứa con có cha thì mất mẹ hoặc ngược lại. Người ta tìm đủ mọi lý lẽ để biện minh cho sự chia tay. Có người đã so sánh hôn nhân giống như một quyển sách, chương đầu được viết bởi những vần thơ, nhưng các chương sau thường là văn xuôi hiện thực phê phán. Bởi lẽ khi mặn nồng thì toàn nói những lời hoa mỹ lãng mạn, khi chán nhau thì đổ lỗi cho nhau. Cũng có tác giả diễn tả một cách cay đắng đời sống gia đình: Trước hôn nhân, hai người là thi sĩ; trong hôn nhân, họ trở thành những nhà hùng biện; sau hôn nhân, họ đều là những nhà phê bình chuyên nghiệp. Dù viện cớ nào đi nữa, nguyên nhân dẫn tới ly tán vẫn là sự ích kỷ của cả hai bên. Vì ích kỷ nên họ chỉ nghĩ về mình, bắt người khác phải theo ý mình và lấy mình làm tiêu chuẩn để rồi mọi sự phải quy hướng về mình. Khi loại bỏ ích kỷ, người ta sẽ sống cho người khác, lấy niềm vui và hạnh phúc của người bạn đời cũng như của con cái làm phương châm sống. Lúc đó, cái tôi sẽ bị loại bỏ dần dần, để sống hòa hợp trong tình yêu thương. Muốn cho người khác được hạnh phúc, đó chính là tình yêu đích thực.

Đài truyền hình Việt Nam, trên kênh VTV1 hằng tuần đều có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Những cuộc gặp gỡ của những người thân thật cảm động, lấy đi bao nước mắt của cô dẫn chương trình cũng như những người xem truyền hình. Quả thật, cuộc gặp gỡ sau bao năm xa cách làm cho niềm vui vỡ òa. Nhưng hỡi ôi, nếu có những người bỏ cả đời để đi tìm người thân, chấp nhận bao phiền lụy và tốn kém, thì trong khi đó lại có những người họ hàng gần gũi, thậm chí là anh chị em ruột thịt, chỉ ở cách nhau vài trăm mét mà chẳng bao giờ muốn nhìn mặt nhau. Nguyên  nhân cũng chỉ vì tiền bạc, đất đai hoặc chia gia tài của cha mẹ không đồng đều. Cuộc đời vẫn có những mâu thuẫn nghịch lý như thế. Tiền bạc vật chất làm cho người ta sẵn sàng bán đứng anh em máu mủ, để rồi coi nhau như kẻ thù.

Người ta có thể dùng tiền để mua một ngôi nhà, nhưng không thể mua một mái ấm.  Nhiều người trong chúng ta đã hơn một lần cảm nhận điều này. Một hai thập kỷ trước đây, gia đình lý tưởng được diễn tả như sau: một vợ, hai con, ba phòng bốn bánh (một vợ, hai con, nhà có ba phòng và gia đình có xe hơi). Tuy vậy, những mơ ước trên ngày hôm nay đã thành hiện thực với rất nhiều người, vậy mà hạnh phúc vẫn không bền, gia đình vẫn ly tán. Nhiều cặp vợ chồng giàu có, thành đạt, mà vẫn không hạnh phúc trong hôn nhân. Điều đó chứng minh, hạnh phúc lâu bền không chỉ nhờ vật chất, mà còn ở tình yêu, lòng trung thành, sự tôn trọng nhau và tâm tình đạo đức.

Người ta chỉ có một chốn để về, nhưng về với chốn ấy đôi khi lại không dễ. Người viết bài này luôn bị ám ảnh bởi khuôn mặt đau buồn của một người đàn ông luống tuổi, chiều 30 tết, đi ngang qua cửa nhà mình mà không muốn bước vào, vì những đứa con bất hiếu, đòi bán nhà để chia gia tài ngay khi bố mẹ còn sống. Được biết, cuối cùng người đàn ông bất hạnh ấy đã tìm đến nhà một người bạn, trong lúc giao thừa thiêng liêng của đầu năm mới. Những mâu thuẫn bất hòa đã làm cho ngôi nhà không còn là một mái ấm, không còn là nơi trở về, nhưng là nơi xung đột cãi vã và khắc sâu hận thù.

Tìm lại những giá trị nền tảng của gia đình, đó là một trong những ưu tư hàng đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngay vừa khi mới được bầu làm Chủ chăn của Giáo Hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha đã có sáng kiến triệu tập Thượng Hội đồng ngoại thường về gia đình được tổ chức tại Rôma, từ ngày 5 đến ngày 18-10-2014 với chủ đề “Các thách đmục vcủa gia đình trong bối cảnh Tân Phúc âm hóa”. Năm sau, 2015, Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 14 được tổ chức tại Rôma từ ngày 4 đến 25-10, với chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của các gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới đương đại”. Trong giáo huấn của vị Giáo Hoàng người Achentina, vai trò gia đình luôn được nhấn mạnh. Ngài cũng luôn khích lệ những cặp vợ chồng đang gặp khó khăn thử thách, khẳng định với họ rằng Giáo Hội luôn yêu thương và chăm sóc họ với tình mẹ hiền.

Gần đây nhất, Cuộc Gặp gỡ thế giới các Gia đình lần thứ 9 (9th World Meeting of Families) đã được tổ chức tại Dublin, thủ đô Ái Nhĩ Lan, với đề tài “Tin Mừng gia đình: Niềm vui cho thế giới”. Cuộc gặp gỡ này được tổ chức 3 năm một lần. Đức Thánh Cha Phanxicô đã hiện diện tại Dublin và chủ sự thánh lễ tạ ơn vào thứ Bảy, 25-8. Mục đích và ý nghĩa của sự kiện này được Đức Thánh Cha nêu rõ trong thông điệp Video gửi cho nhân dân Ái Nhĩ Lan trước ngày khai mạc: Như các bạn đã biết, Cuộc Gặp gthế giới các Gia đình là một cuộc cử hành vẻ đẹp của kế hoạch Thiên Chúa dành cho gia đình. Đây cũng là dịp để các gia đình khắp thế giới gặp gỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong việc sống ơn gọi đặc biệt của họ. Các gia đình ngày nay phải đối diện với nhiều thách đố trong các nỗ lực của họ muốn hiện thân cho tình yêu trung thành, nuôi dưỡng con cái bằng các giá trị vững chắc và trở thành chất men cho sự tốt lành, tình yêu và quan tâm lẫn nhau trong cộng đồng lớn hơn.

Trở lại Rôma sau khi tham dự Cuộc Gặp gỡ thế giới các Gia đình lần thứ 9, Đức Thánh Cha chia sẻ trong cuộc tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 29-8: Giấc mơ của Thiên Chúa là sự hiệp nhất, hòa hợp, và hòa bình, trong các gia đình và trong thế giới hoa trái của lòng chung thủy, sự tha thứ và hòa giải mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Chúa Kitô. Thiên Chúa mời gọi các gia đình tham dự vào giấc mơ đó và làm cho thế giới trở thành một ngôi nhà, nơi không ai phải cô đơn, không ai cảm thấy không được thương mến và bị loại trừ. Vì thế thật là thích hợp khi đề tài của cuộc gặp gỡ quốc tế này là “Tin Mừng gia đình, niềm vui cho thế giới”.

Theo Đức Thánh Cha, hạnh phúc của các gia đình, không chỉ là niềm mong ước của con người, mà còn là giấc mơ của Thiên Chúa! Mỗi chúng ta đang cộng tác phần mình để làm cho giấc mơ này được thực hiện. Giữa cuộc sống hiện tại, có biết bao người, nam cũng như nữ, đang kiên trì nhẫn nại để diễn tả vẻ đẹp của hôn nhân. Trong cuộc gặp gỡ tại Dublin, nhiều chứng từ cụ thể đã được trình bày, để khẳng định với thế giới hôm nay rằng, dù trong bất cứ xã hội nào và trong hoàn cảnh nào đi nữa, hạnh phúc hôn nhân và lòng chung thủy vẫn là điều có thể thực hiện được, với ơn phù trợ của Thiên Chúa và với lòng bao dung độ lượng và kiên nhẫn của con người. Gia đình hạnh phúc là khởi đầu cho một xã hội ổn định và một cộng đoàn Kitô hữu thánh thiện.

“Hỡi gia đình, hãy trở nên đúng với bản chất của mình!” Đó là lời kêu gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (Tổng huấn Familiaris Consortio, số 17). Ngài ước mong cho mỗi gia đình hãy trở thành “cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu”. Khi thấm đượm tình yêu, gia đình không chỉ là một “ngôi nhà” cho con người trú mưa trú nắng, nhưng là “mái ấm”, là chốn trở về thân thương, để mọi người được bù đắp những thiệt thòi cô đơn trong những lúc xa nhà.

Hải Phòng, 13/9/2018

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chon-tro-ve-binh-yen-34305

Thứ Sáu Tuần Thánh khi tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu thì chúng ta cũng nghĩ đến Đức Mẹ Sầu Bi. Michelangelo thành Florence, thế kỷ 15, đã khắc một pho tượng rất nổi tiếng về Đức Mẹ Sầu Bi gọi là Pietà. Cũng có một lễ dành cho tước hiệu này vào ngày 15/09, sau lễ Suy Tôn Thánh Giá.

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (hay lễ Đức Bà Bảy Sự, lễ kính Bảy Sự Thương Khó của Đức Bà) trong tiếng Latin là Mater Dolorosa (hay Septem Dolorum), trong tiếng Anh là Dolors of Our Lady (hay Seven Dolors of Blessed Virgin, Seven Sorrows of Our Lady).

1. Nguồn gốc ngày lễ.

Trước cuộc cải tổ phụng vụ của Công Đồng Vatican 1969, trong phụng vụ có hai thánh lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi. Việc tôn kính Đức Mẹ Sầu Bi do Dòng Citercian và Dòng Phanxicô khởi xướng từ thế kỷ XII và thế kỷ XIII.

Đến năm 1423, Công Đồng Cologne đã quy định thành lập lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi (điều luật 11). Ý niệm khởi đầu chỉ hướng về mối đau khổ tổng thể, cụ thể hơn là tôn kính Đức Mẹ đau khổ đứng dưới chân thập tự giá. Thánh lễ được cử hành vào ngày thứ Sáu của tuần III sau lễ Phục Sinh.

Năm 1482, bảy sự thương khó của Đức Mẹ mới được khai triển và truyền giảng ở Âu Châu. Năm 1725 Đức Gíao Hoàng Bênêđictô XIV đưa lễ Đức Mẹ Sầu Bi qua ngày thứ Sáu trong tuần Khổ Nạn, trước Lễ Lá, đó là lễ thứ I. Năm 1668, Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ được Toà Thánh cho phép mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngày Chúa Nhật III tháng Chín.

Năm 1912 Đức Gíao Hoàng Piô X quyết định toàn thể Giáo Hội cử hành lễ này một lần nữa vào ngày 15/09 hàng năm, sau lễ kính Thánh Giá, đó là lễ thứ II. Cả hai thánh lễ đều dùng thánh thi “Stabat Mater” (Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân Thập Giá) của Giacopone da Todi (1360), tu sĩ dòng Phanxicô, làm thánh ca cho buổi lễ.

Năm 1969, lễ Đức Mẹ Sầu Bi là ngày thứ Sáu trong tuần Khổ Nạn bị bãi bỏ do việc cải tổ phụng vụ sau Công Đồng Vatican II. Lý do việc bãi bỏ là vì Giáo Hội không muốn mừng một biến cố hay một mầu nhiệm hai lần trong một năm.

2. Ý nghĩa của “Đức Mẹ Sầu Bi”.

2.1. Đức Mẹ Sầu Bi có nghĩa là Đức Mẹ đau khổ, thương khó, thống khổ… Đức Mẹ là mẹ Chúa Giêsu, trong cuộc đời 33 năm của Chúa Giêsu, Mẹ đã cảm nhận nhiều nỗi đau thương:

1. Lời tiên báo của ông Simêon (Lc 2, 34-35);

2. Cuộc chạy trốn sang Ai-cập (Mt 2, 13-21);

3. Lạc mất Chúa ba ngày (Lc 41, 50);

4. Vác thập giá lên đỉnh Calvê (Ga 19, 17);

5. Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập giá (Ga 19, 18-30);

6. Tháo xác Chúa (Ga 19, 39-40);

7. Táng xác Chúa (Ga 19,40-42).

Và cho đến ngày hôm nay, tuy đã về trời, Mẹ Maria vẫn còn tiếp tục phải chịu bao đau khổ khi chứng kiến biết bao ích kỷ, hận thù, chia rẽ, chiến tranh… giữa đoàn con cái của mình. Nhưng nỗi thống khổ lớn nhất của Mẹ chính là việc trầm luân của biết bao linh hồn đang sống trong tội lỗi và sẽ sa xuống hỏa ngục.

Lời tiên tri của cụ già Simêon khi xưa quả rất hiện thực, vì con tim của Mẹ vẫn không ngừng bị bao lưỡi đòng đâm thấu, và người đâm thấu tâm hồn Mẹ lại chính là những đứa con mà Mẹ đã một lần sinh ra trong ân sủng. Trong số những đứa con phản nghịch ấy, phải chăng có tôi và bạn?.

2.2. Giáo Hội đã đặt lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngay sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá để như muốn nói rằng: “Khi Đức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ”.

Cuộc đời Mẹ luôn kết hiệp với những nỗi khổ đau của Con. Có lẽ không đau khổ nào lớn hơn đau khổ của chính Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà theo lời của thánh Gioan “đã đứng kề bên thập giá Đức Giêsu” (Ga 19, 25) trên đồi Calvê . Không ai hiểu con cho bằng người mẹ, và cũng không ai đau khổ hơn người mẹ khi phải chứng kiến sự đau khổ và cái chết của con mình:

“Mẹ sầu bi, tầm tã giọt châu,
đang đứng bên cây thập giá,
nơi Con Người đã bị treo lên.
Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua
tâm hồn Bà đang rên siết,
đang sầu khổ và đau buồn…”
(Thánh thi Stabat Mater)

Như Đức Giêsu Con của Mẹ, Mẹ Maria cũng tự đồng hóa chính mình với mầu nhiệm đau thương của thập giá. Bởi thế, Mẹ đáng được gọi là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Qua việc cử hành lễ Mẹ Sầu Bi, Giáo Hội mời gọi con cái mình hãy chiêm ngắm hình ảnh của một người Mẹ đau thương vì Con và vì chúng ta:

“Ai là người không tuôn châu lệ,
khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô,
trong cảnh cực hình như thế?
Ai có thể không buồn bã nhìn xem
Mẹ Chúa Kitô, đang đau khổ cùng với con người ?’…”
(Thánh thi Stabat Mater)

Đồng thời Giáo Hội kêu mời chúng ta hãy an ủi Mẹ bằng cách bắt chước và yêu mến Mẹ hơn:

“Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến,
xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương,
để cho con được khóc than cùng Mẹ.
Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu,
mến yêu Đức Kitô là Thiên Chúa,
để cho con có thể làm đẹp ý Người…”
(Thánh thi Stabat Mater)

2.3. Chúng ta hãy nhớ rằng Mẹ Maria đã bắt đầu cuộc lữ hành đức tin bằng những lời xin vâng: “Tôi là nữ tỳ Chúa. Tôi xin vâng như lời Ngài truyền” (Lc 1,38) và những lời vui tươi hăng hái của người mẹ trẻ: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa … vì Chúa đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Chúa …”.

Vì vậy, khi ngắm nhìn sự đau thương của Đức Giêsu và Mẹ Ngài trong ánh sáng Thánh Kinh, chúng ta không thể đồng hóa sự tuân phục của các Ngài với định mệnh thuyết hay thụ động tính. Trái lại, như Công Đồng Vatican II dạy: “Đức Trinh Nữ đã vững tiến trong cuộc lữ hành đức tin, và trung thành hiệp nhất với Con Mẹ cho tới khi đứng dưới chân thập giá, theo đúng chưng trình của Thiên Chúa” (LG 58):

“Ðức Maria, Nữ Vương cả đất trời,
Vẫn hiên ngang đứng vững
Gần bên thập giá Ðức Ki-tô.
Diễm phúc thay, Ðấng không phải chết
Mà được lãnh cành thiên tuế
Dành cho người tử đạo”
(Xướng đáp, Kinh Chiều Lễ Đức Mẹ Sầu Bi)

và đó là niềm vui của Mẹ cũng là niềm hi vọng của chúng ta:
Mừng vui lên, lạy Mẹ Sầu Bi,
Xưa kia cùng với Con yêu dấu,
Mẹ thông phần đau khổ,
Ngày nay Mẹ lại được cùng Người
Chung hưởng phúc vinh quang.
(Điệp ca Tin Mừng, Kinh Sáng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi)

3. Kết luận.

Dựa theo giáo huấn Công Đồng Vatican II, Giáo Hội muốn lòng sùng kính Đức Mẹ của chúng ta hướng về Chúa Kitô. Do đó, Giáo Hội muốn chúng ta sùng kính Đức Mẹ đồng thụ nạn với Chúa Kitô khổ nạn để chúng ta noi gương Mẹ, mà kết hợp cuộc đời khổ đau của ta với cuộc đời tử nạn của Chúa Kitô, ngõ hầu mai sau chúng ta cùng được hưởng phúc trường sinh vinh hiển với Người như Đức Mẹ.

“Khi chúng con kính nhớ tình yêu đau khổ của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho chúng con biết dùng đời sống mình để bù đắp những gì còn đang thiếu sót trong những đau khổ của Chúa Kitô để mưu ích cho Hội Thánh” (Lời nguyện hiệp lễ ngày 15-09).