Ai trong chúng ta khi dấn thân vào sứ mạng tông đồ ít nhiều cũng từng kiếm tìm những cách thức đơn giản nhất có thể nhằm giải thích sự hiện diện của Thiên Chúa, sao cho mọi người, ngay cả những người chất phát nhất cũng hiểu được. Chúng ta vận dụng hết khả năng hầu thấu hiểu Ngũ Đạo (5 cách chứng minh sự tồn hữu của Thiên Chúa của thánh Tôma Aquinô), nỗ lực nghiên cứu và dịch thuật những Giáo Huấn của Giáo Hội. Chúng ta trích dẫn tư tưởng của các thánh, các vị giáo hoàng. Thậm chí, nhiều người còn sử dụng những phương thức sáng tạo hơn, hiện đại hơn như trình chiếu Video, thuyết trình với Powerpoint, hoặc lên Website Công giáo tìm kiếm những nguồn mới có thể sử dụng trong lớp học tôn giáo của mình.

Nhưng Thiên Chúa làm cho mọi thứ dễ dàng hơn chúng ta tưởng. Rốt hết, chính Ngài đã trở nên một con người đích thực. Ngài đã trải qua những kinh nghiệm rất đỗi con người, cũng đói, cũng rét, cũng mệt mỏi, cũng đau nhức như chúng ta. Chính vì vậy mà tất cả những kinh nghiệm mang chiều kích nhân loại đều có thể giúp chúng ta hiểu biết Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện hữu tròn đây nơi mọi sự, bởi chính Ngài đã kinh qua mọi sự ấy và biến chúng thành những kinh nghiệm thánh thiêng.

Vì lẽ đó, hôm nay chúng tôi mang đến cho bạn một vài ý tưởng hầu giúp bạn nhận biết rằng Thiên Chúa đã “ở đó”, Ngài bước qua “nơi ấy” nhưng không ai nhận ra Ngài. Dẫu thế, Ngài vẫn luôn hiện diện, vẫn sẵn sàng lắng nghe bạn.

Chắc chắn bạn đã từng kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời bạn; và đó là cách tuyệt vời để hiểu và diễn giải sự hiện hữu sống động của Ngài. Và đây, chúng tôi đưa ra 10 điều rất đỗi thân quen nhưng cho thấy Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời mỗi người:

  1. Trong Lần Đầu Tiên Bạn Trở Thành Cha Mẹ

Thật khó để giải thích ý nghĩa của việc trao ban sự sống. Thiên Chúa mới chính là Đấng ban tặng sự sống, nhưng với tình yêu vô biên, Ngài cho phép chúng ta trở nên những người đồng sáng tạo và cộng tác vào kế hoạch yêu thương của Ngài. Ẵm trên tay một con người do bạn LÀM RA, nhưng con người ấy đồng thời cũng là một “sản phẩm” khởi phát từ Ý Muốn thánh thiêng của Thiên Chúa, điều này chắc chắn là một trải nghiệm linh thiêng đối với bạn.

baby-22194_1920

  1. Khi Bạn Cảm Thấy Ngỡ Ngàng Trước Một Bầu Trời Hùng Vĩ Bao La

Có những lúc ta nhận ra tầm nhìn và sự hiểu biết của mình thật nhỏ bé, và mọi thứ đều nằm trong tay một ai đó vĩ đại hơn ta. Con người không thể làm gì hầu thay đổi màu sắc trên bầu trời, hình dạng của những đám mây, ánh sáng xuyên qua cửa sổ. v.v. Và đó mới chỉ là những thứ ta thấy được! Còn biết bao điều khác vẫn tồn tại nhưng con người chẳng thể nào nhận ra, chẳng thể nào thấu hiểu!

nature-sky-sunset-man

  1. Khi Chiêm Ngắm Chính Tay Của Mình

Đôi bàn tay hoàn hảo nhưng đồng thời lại vẫn chưa hoàn hảo; được thiết kế rất khéo léo, tinh tế, nhưng vẫn được đảm bảo mạnh mẽ, rắn chắc. Chiêm ngắm và bạn sẽ thấy đôi bàn tay ấy đã trải qua năm tháng cuộc đời với biết bao công việc lớn nhỏ khác nhau, nhưng nó vẫn là nó,…, và thật kỳ diệu: Thiên Chúa đã nghĩ về và thiết kế đôi bàn tay ấy cho bạn.

hands-1044882_1920

  1. Khi Bạn Trò Chuyện Với Chính Mình

Mỗi người không đơn thuần chỉ là một khối xương thịt hay một vật thể mang một kết cấu cơ học nào đó. Có thứ gì đó bên trong thôi thúc họ vươn tới điều cao quí, nghiêng chiều về điều thiện hảo, và khát khao hướng về Thiên Chúa. Cứ trò chuyện và đối diện với chính mình, trả lời những câu hỏi, giải quyết những rắc rối,…, rồi bạn sẽ nhận ra mình không phải là một sản phẩm của một định mệnh mù quáng ngẫu nhiên. Sự hiện hữu của bạn vừa phức hợp, vừa toàn vẹn, đó là Thánh Ý và là kết quả của một sự sáng tạo vô biên từ Thiên Chúa.

Processed with VSCOcam with x4 preset

  1. Một Ngày Nào Đó Bạn Thấy Bình An Khỏa Lấp Cõi Lòng, Nhưng Bạn Chẳng Sao Giải Thích Được

Có những yếu tố ngoại tại làm nên sự tĩnh mịnh an nhiên, chẳng hạn như khi bạn được đảm bảo về tài chính, thể chất lành mạnh, gia đình êm ấm, được cư ngụ giữa mọi người. Nhưng ngay cả khi một khía cạnh nào đó trên đây không thành tựu như bạn mong chờ thì vẫn có đó những giây phút bạn cảm nếm thứ bình an sâu thẳm cứ xâm chiếm nội tâm bạn. Trước điều đáng ngạc nhiên ấy, bạn chẳng sao giải thích được. Cứ như thể có ai đó vừa đặt nó trong tâm hồn bạn.

pexels-photo

  1. Khi Bạn Cảm Nghiệm Mình Được Yêu Thương

Không chỉ là chuyện của việc đón nhận hay lòng tự trọng, kinh nghiệm mình được yêu thương còn cao cả hơn thế. Cảm thấy mình được yêu cũng là cảm thấy mình xứng đáng, và cũng là hiểu được mình thực sự có giá trị. Và ngay cả khi tình yêu mang tính nhân loại có bị giới hạn và đầy bất toàn, thì nó vẫn chất chứa một tia sáng giúp diễn tả Tình Yêu Thiên Chúa, và tình yêu nhân loại vẫn gợi lên trong bạn cảm giác mình được Thiên Chúa yêu thương.

brothers-457234_1280

  1. Khi Những Thành Tựu Của Nhân Loại Khiến Bạn Ngạc Nhiên

Cứ như thể vẫn còn lại đây những hơi thở vốn tác thành mọi sự trong công trình tạo dựng. Chúng ta thấy mình rất gần gũi với trí khôn nhân loại và thân quen với tốc lực mà trí khôn ấy hằng ngày xử lý các vấn đề, những bất tiện, và ngay cả nhiều điều ta không biết mình đã ước ao. Thế nhưng ta lại không nhận ra rằng chỉ cần lui lại đôi bước là ta có thể chiêm ngắm và cảm thấy ngỡ ngàng trước sự thực con người được dựng lên và cách mà Thiên Chúa trao cho con người trí khôn để cộng tác vào công trình sáng tạo của Ngài. Với trí khôn được lãnh nhận, con người làm nên những điều đáng kinh ngạc như dựng xây những tòa cao ốc chọc trời. Và với cùng trí khôn ấy, họ tạo ra cả những điều đơn giản như chiếc muỗng nhỏ xinh.

pexels-photo (1)

  1. Khi Thấy Người Chúng Ta Ít Mong Đợi Nhất Có Được Niềm Tin

Thường thì người ta hay đưa ra những xét đoán không có chủ đích về đời sống và Đức tin của người khác. Và họ cũng thường “chẩn đoán” một vài người như những kẻ “chẳng thể nào đem lại niềm hy vọng,” bởi vì họ nghĩ rằng trong hệ thống những giá trị của những người này, kinh nghiệm về Đức tin là điều không phù hợp. Nhưng khi nhận ra một vài trong số những “con chiên bị đã mất” này tỏ cho thấy một dấu chỉ của Đức tin trong họ, lòng chúng ta bừng sáng và niềm hy vọng được hồi sinh. Khi nhìn thấy họ làm dấu Thánh Giá, nói về Thiên Chúa, chia sẻ những sứ điệp, những trích dẫn về Thiên Chúa và Đức tin, và cả khi họ xin ta cầu nguyện cho họ, lúc ấy, lòng ta ngập tràn tình yêu Chúa, như thể ta hiểu rõ sự thật rằng Thiên Chúa ngự trị cả trong tâm hồn những người mà ta ít mong chờ nhất.

girl-388652_1920

  1. Lúc Mọi Thứ Trở Nên Tốt Hơn Sau Khi Thấy Mình Đã Mất Hết Niềm Hy Vọng

Đôi khi có vẻ như Thiên Chúa đang chờ chúng ta chạm tới những giới hạn của mình, và khi ta chẳng thể làm gì khác, lúc ấy Ngài mới bắt đầu ra tay. Điều này xảy ra cho chúng ta cũng giống như những cánh cửa vốn bị đóng kín mà nay được mở toang. Và tình huống, và cuộc vật lộn vốn bị xem là “vô phương cứu chữa” này, giờ đây lại được giải quyết gọn gàng trong giây lát.

bien

  1. Khi Ta Đồng Hành Với Một Người Thân Yêu Trong Những Giây Phút Cuối Đời Họ

Những giây phút này gợi lên một niềm đau xót, tuy nhiên, dưới ánh nhìn Đức tin, chúng ta lại được khích lệ, được ủi an để đồng hành với người thân yêu và chiêm ngắm việc họ lên đường để gặp gỡ Thiên Chúa của họ trong bình an sâu thẳm. Những ai đã từng đồng hành với người thân yêu trong những khắc cuối đời có thể được chứng kiến một cảm xúc mãnh liệt phút chia li, nhưng cũng thấy một sự bình an và niềm an ủi sâu sắc khi biết rằng người thân yêu ấy đã lên đường trở về nhà để ở cùng Thiên Chúa của họ.

enfermedad

Nguồn: dongten.net

Tác giả: Sebastian Campos

Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, SJ

Lược dịch từ: https://catholic-link.org/10-ways-prove-god-exists-atheists/

Trong những lời cầu xin của mình, chúng ta thi thoảng nhận được câu trả lời này. Đôi khi nhận được câu trả lời “không”, chúng ta dễ dàng đón nhận, bởi vì những gì chúng ta cầu xin không thực sự quan trọng. Nhiều khi, chúng ta thực sự muốn câu trả lời “có” nhưng chúng ta vẫn nhận được câu trả lời “không”. Vậy điều gì xảy ra giữa mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa? Liệu tương quan của chúng ta với Thiên Chúa hoàn toàn tan vỡ? Phải chăng toàn bộ mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa chỉ phụ thuộc vào lời đáp trả của Thiên Chúa với những lời cầu xin của chúng ta?

Đức Giêsu đã không nhận được câu trả lời “có”, khi Ngài tha thiết nài xin: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này” (Mt 26,39). Dẫu cho Đức Giêsu biết những lời cầu của Ngài đã được lắng nghe; Ngài biết Thiên Chúa có thể đáp ứng lời cầu của Ngài; và Ngài biết Chúa Cha vẫn hiện diện ở đó với Ngài dù có chuyện gì xảy ra. Mối tương quan của Chúa Giêsu với Chúa Cha đã không tan vỡ khi lời cầu của Ngài không được đáp lời, bởi vì mối tương quan của Ngài với Chúa Cha không phụ thuộc vào câu trả lời của những lời cầu xin.

Chúng ta được mời gọi có cùng một mối tương quan thiết thân với Thiên Chúa như vậy – một mối tương quan tin tưởng rằng những lời cầu của chúng ta đã được Thiên Chúa lắng nghe nhưng không yêu cầu Ngài đáp ứng theo cách thức cầu xin của chúng ta. Chúng ta được mời gọi bước vào mối tương quan của sự tin tưởng: Thiên Chúa có thể đáp ứng lời cầu của chúng ta, nhưng đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi tin tưởng hoàn toàn vào cách thức đáp trả của Thiên Chúa. Mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa không phải là một điều khoản bảo bảm để chúng ta nhận được những gì chúng ta muốn. Tuy vậy, Thiên Chúa bảo đảm Ngài đang nghe chúng ta, và ở cùng chúng ta trên mỗi bước đường chúng ta đi.

Thực vậy, nhiều người trong chúng ta đã cầu xin những điều nào đó “để vượt qua” cuộc sống hiện tại, hoặc giúp những người mà chúng ta yêu thương. Khi chúng ta nhận được câu trả lời “không” đối với lời cầu nguyện chúng ta tha thiết cầu xin, chúng ta tiếp tục chạy đến với Đức Giêsu: xin Ngài giúp chúng ta biết phó thác hoàn toàn theo Thánh Ý Chúa, và để chúng ta có can đảm để Chúa dẫn đưa chúng ta vào trong mối tương quan sâu sắc hơn.

Chuyển ngữ: Pr. Nguyễn Văn Đương, S.J.

(dongten.net 05.09.2018/ ignatianspirituality.com)

Ngày nay, việc đề cập tới sự hiện diện của các tín hữu công giáo trên internet vô cùng quan trọng. Vài năm trước, truyền hình và đài phát thanh đã là những phương tiện phổ biến của truyền thông. Nhưng hiện nay, nó không còn tách biệt mà đã hoà thành một: internet.

Vào năm 2009, khi nói về truyền thông xã hội, Đức Bênêđictô XVI thúc giục các bạn trẻ: “Các con thân mến, cha mời gọi các con hãy giới thiệu cho nền văn hoá nơi môi trường mới của truyền thông và công nghệ thông tin những giá trị mà các con xây dựng cuộc sống vào nền”

“Các con thân mến, Cha mời gọi các con giới thiệu những giá trị cuộc sống mà bản thân đã xây dựng đến văn hoá của môi trường mới, đó là môi trường của truyền thông và công nghệ thông tin”

Internet không còn được đề cập như một công cụ cho việc loan báo Tin Mừng nữa, nhưng là một môi trường, một không gian chung mà nơi đó tất cả chúng ta gặp gỡ. Cho nên, 7 gợi ý mà chúng tôi chia sẻ sau đây rất quan trọng để ghi nhớ. Chúng sẽ giúp bạn trau dồi thêm kinh nghiệm cá vị nơi phương tiện xã hội và mang sứ điệp của Đức Giêsu đến với nhiều thân hữu của bạn.

  1. Đưa ra chứng tá về đức tin của bạn

Chìa khóa đối với điểm này luôn là xây dựng. Một Giáo Hội mà xây dựng là một Giáo Hội gợi lên Vương quốc của Đức Kitô trên trần thế này. Chứng tá đức tin của một người được thông truyền tới những người khác sẽ phát toả ra ánh sáng. Cách chung, không quá phổ biến khi một bạn trẻ quyết định tuyên xưng công khai về đức tin của họ từ đó họ sẽ chỉ nhận lại sự tra vấn hay chỉ trích. Nhưng điều ấy chẳng hề gì.  Những công kích cần luôn được đón nhận với giáo huấn của Đức Giêsu: tình yêu. Cũng có lúc chúng ta sẽ không biết trả lời những chỉ trích hay tấn kích đó như thế nào – ấy cũng là chuyện bình thường. Chúng ta không biết tất cả về nó, nhưng chúng ta có thể luôn khiêm nhường chia sẻ một số điều tương tự như: “tôi không thực sự biết, nhưng tôi sẽ tìm hiểu nó”. Chứng tá đời sống chân thực của chúng ta sẽ dẫn tha nhân tới sự nắm bắt “một số điều nào” đó mà người Kitô hữu có được, đó là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa luôn ở trong điểm cốt lõi việc rao giảng của chúng ta. Đừng sợ để nói về Thiên Chúa nơi phương tiện xã hội của bạn! hãy mạnh dạn chia sẻ đức tin của mình với những người khác!

Đoạn Kinh Thánh gợi ý: 2 Tm 1, 8

2. Hãy nói những lời mang tính xây dựng

Việc có đời sống trong môi trường online sẽ đem tới những phê phán, quan điểm, bình luận và những phản ứng chẳng khi nào cùng. Sứ điệp của chúng ta không luôn dễ dàng được đón nhận. Đôi khi, chúng ta còn bị “tấn công”, và tôi nói “bị tấn công” trong ngoặc kép là vì tôi tin rằng những tình huống như vậy có thể lại trở thành những cơ hội. Quả thế, mọi cuộc tấn công hay phản bác là một cơ hội để cho thấy chúng ta là ai, cũng là dịp để nói với những người xung quanh chúng ta rằng chúng ta yêu mến họ, cơ hội để trở nên những Kitô hữu đích thực trong lời nói mang tính xây dựng. Điều này không khó, nhưng đòi hỏi một sự khiêm nhường và phản tỉnh sâu xa, vì chỉ trong một lúc đơn độc, phản bác có thể kích động cơn giận của chúng ta, khiến chúng ta đáp lại với một thái độ không phải là một Kitô hữu nữa. Chúng ta cần dừng lại và suy nghĩ những thứ đằng sau, đánh giá phản bác ấy, nhớ lại tấm gương của Đức Kitô và sau đó mới hành động. Thánh Alberto Hurtado SJ, đã từng nói: “trong mọi sự, yêu mến và phục vụ”, điều này cũng nên hiện diện trong đời sống của chúng ta, nơi mà tình yêu đưa chúng ta vươn tới.

Đoạn Kinh Thánh gợi ý:  Eph 4, 29-32

3. Nâng đỡ những ai nản lòng

Theo kinh nghiệm bản thân, tôi phải nói rằng điểm này mang tính chính yếu. Ngay khi chúng ta bước vào những ứng dụng phương tiện xã hội hay trang mạng, chúng ta bị dội lại bởi tất cả các loại thông tin, tệ là nhiều trong số đó lại tiêu cực, bộc lộ sự chán nản hay mệt mỏi trong cuộc sống. Chúng ta có thể làm gì đây? Thánh Phanxicô Assisi từng cầu nguyện: “Ôi Thần Linh thánh ái, xin giúp con để con không quá tìm ủi an cho bằng an ủi tha nhân, không tìm được hiểu biết nhưng mong hiểu biết người, không tìm mến yêu nhưng khao khát yêu mến…”. Hướng mối quan tâm của chúng ta vào những người khác chính là hành vi của người Kitô hữu. Nói chung, phương tiện xã hội và Internet sẽ luôn là một bài tập mạnh mẽ để củng cố đức tin, nâng dậy người chán nản, an ủi người khổ đau, chia sớt với người ngã lòng và trao ban niềm hy vọng cho những người thất vọng. Nhưng bạn phải có một trái tim mạnh mẽ để chính mình khỏi rơi vào sự chán nản. Hãy thực hiện trong tâm thế của một Kitô hữu trong phòng luyện tập của đức ái!

Đoạn Kinh Thánh gợi ý: Gv 2, 1-6

4. Tránh những cuộc bàn luận vô bổ

Một dấu chỉ của sự tôn trọng và khiêm nhường là lắng nghe khi người khác nói và giữ im lặng khi bạn không biết câu trả lời. Là một Tín hữu không có nghĩa là có mọi câu trả lời. Có khi, lời khuyên khả dĩ nhất lại là giữ thinh lặng và cách tốt nhất để bảo vệ Đức tin cũng là im lặng. Đó là lý do, nếu bạn không biết về một chủ đề, điều tốt nhất phải làm là giữ thinh lặng và tránh đi những cuộc bàn luận vô nghĩa vốn vì sự thiếu kiến thức sẽ chẳng đưa tới đâu cả. Tuy vậy, bất cứ khi nào có thể, chúng ta cần nỗ lực để đào sâu Đức tin của mình và tìm hiểu thông tin, cả những tin tức mới nhất liên quan đến Giáo Hội, hầu tránh nắm bắt thụ động. Hãy luôn chân thành và khiêm nhường. Chính khi nói rằng: ”tôi không biết”, “tôi chẳng hay”, “tôi thành thực không rõ về chủ đề cụ thể đó” sẽ luôn cho thấy sự khiêm nhường.  Phần còn lại dành cho Thiên Chúa. Vũ khí mạnh mẽ nhất mà người tín hữu Công Giáo chúng ta có thể sử dụng là tình yêu, nhờ yêu mến chúng ta sẽ chinh phục được.

Đoạn Kinh Thánh gợi ý: Tt 3, 9-9

5. Chia sẻ kho tàng của chúng ta: Đức Giêsu

Một tấm gương sáng biến đổi giới công giáo bết bao! Họ đã từng gặp gỡ diện đối diện với Đức Kitô và khám phá ra Người như một kho tàng, như kho báu của họ. Như dụ ngôn của Đức Giêsu trong Tin Mừng: “Nước Trời lại giống như kho tàng ẩn giấu trong một thửa ruộng; người kia tìm thấy liền giấu lại và vui mừng đi bản tất cả những gì ông có mà mua cho được thửa ruộng ấy.” (Mt 13, 44). Họ đã để lại mọi sự mà theo Đức Kitô. Họ có được kho tàng đích thực trong đời sống của họ. Một kho tàng mà chúng ta có thể giữ cho chính mình, hay một kho thàng mà được chia sẻ. Đôi khi, chúng ta có thể mang sứ điệp của tình yêu mà chẳng cần lời nói ”vì chúng ta là hương thơm của Đức Kitô dâng lên Thiên Chúa”” (2 Cr 2, 15).

Hãy thưởng nếm Đức Kitô. Lòng chúng ta sẽ trở nên vui mừng xiết bao khi chúng ta mang Đức Giêsu đến với những người khác!

Đoạn Kinh Thánh gợi ý: Rm 10, 14-17.

6. Đừng đưa tới một đời sống hai mặt Online

Vấn đề nảy sinh khi chúng ta đưa ra một cuộc sống “xã hội” quá phô trương hay khoe khoang trên Internet. Chúng ta có thể biểu lộ về chính mình như là những môn đệ của Đức Giêsu, những Kitô hữu chân thật, cuộc sống trọn vẹn và đời sống cầu nguyện sâu xa, trong khi cuộc sống thực lại chỉ là những mảnh vụn của đức tin đó. Chúng ta tiệc tùng vào mỗi cuối tuần và làm những điều trái với Đức tin của mình. Có khi, chúng ta tin. Khi khác, chúng ta bỏ bê. Chúng ta nói “được” và sau đó lại chối bỏ. Ngày nay, chúng ta là những cá nhân công khai, đặc biệt là những Kitô hữu (vốn thường xuyên bị dò xét). Nếu trên phương tiện xã hội bạn được xem như một người đạo đức vốn dấn thân cho Thiên Chúa, nhưng trong cuộc sống hàng ngày bạn lại say sỉn và “sống cuộc đời” như thể không có ngày mai….quả là không đúng. Một cuộc sống hai mặt không chóng thì chày cuối cùng cũng sẽ đưa một người xa rời đức tin… Là chứng nhân của Đức Giêsu ấy là sống chân thật, luôn sống hội nhật.

Đoạn Kinh Thánh gợi ý: Cl 3, 12-15.

7. Mang ánh sáng đến cho tha nhân

Sứ mạng của chúng ta thường là “phải trở nên ánh sáng giữa đêm đen”. Cách này hay cách khác, chúng ta nối dài cánh tay của Đức Giêsu, không phải trong việc tin rằng mọi sự trên thế gian này là xấu hay sai khuấy đâu.

Chúng ta làm sáng nhân loại bằng lời nói, hành vi, cử chỉ, tư tưởng của mình và qua chính chúng ta nữa. Nhưng để trao ban ánh sáng, chúng ta ở trong ánh sáng. Việc sống đời sống “tối tăm” trong khi là một người Công Giáo thì hẳn là không mang ánh sáng đến với bất kỳ ai được rồi. Nhưng cần luôn nhớ rằng, Đức Giêsu để lại cho chúng ta Các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hoà Giải để thắp lại ngọn lửa bên trong chúng ta. Các Bí Tích ấy có thể đưa chúng ta trở về với ánh sáng, hồi phục chúng ta từ trong tội lỗi, để sống trong Đức Kitô. Đừng sợ lãnh nhận trở lại các Bí Tích, và bạn sẽ là tia sáng cho người khác trong mọi giây phút trong cuộc đời bạn.

Đoạn Kinh Thánh gợi ý: Mt 5, 14-16.

Trong kỷ nguyên số, một chứng tá đích thực sẽ là một điều gì đó để bạn bè của bạn tựa cậy. Điều tốt thì lan toả. Điều tốt lan truyền tự trong chính nó. Nếu chính mỗi người chúng ta dấn thân mình để sống theo Tin Mừng, nếu tất cả chúng ta trao đi một chút thôi, thì chúng ta sẽ nhận được nhiều chừng nào và biến đổi cả thế giới nữa. Trong một đoạn tweet, ĐTC Phanxicô đưa ra một sứ điệp sâu xa này: “đừng đánh giá thấp giá trị của gương sáng, vì nó nắm sức mạnh còn hơn cả ngàn lời nói, hơn cả ngàn cái “like” hay “retweet”, hơn cả ngàn video ở trên You Tube vậy” (23.02.2017). Thực vậy, một chứng tá chân thực của đời sống Kitô hữu, chân thật, mộc mạc, chân thành và hùng hồn sẽ thay đổi thế giới. Bạn muốn trở thành một phần của sự thay đổi này không? Hãy ghi nhớ 7 lời khuyên này, tiếp tục và làm mới lại. Giáo Hội cần bạn, Chúa Kitô cần bạn…tất cả chúng tôi cần bạn!

Tác giả: H. Edgar Henríquez Carrasco

Nguồn: catholic-link.org

Chuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.
(dongten.net 02.09.2018)

Nếu phải nói đến một mầu nhiệm gì đó mang tính hiện sinh liên quan đến Thiên Chúa mà mãi muôn đời con người chỉ có thể chiêm ngưỡng chứ không sao hiểu được, tôi sẽ chọn để nói về lòng thương xót của Ngài. Hãy tạm gác lại tất cả các kiểu phân tích ngữ nghĩa hay thần học, khi nói đến lòng thương xót của Thiên Chúa, đơn giản tôi chỉ có ý muốn diễn tả tình yêu mà Ngài dành cho toàn thể chúng sinh, loài vật cũng như loài người, cấp độ phát triển bậc thấp cũng như bậc cao, giống vô tri cũng như loài có ý thức. Tưởng tượng về Ngài, tôi thấy hình ảnh một Đấng luôn nở nụ cười tươi, luôn trao ban, hoà nhã, thân thiện, một người có sức hút. Và điều mà tôi cho là mầu nhiệm, là điều tôi chẳng thể nào hiểu được nơi lòng thương xót của Ngài chính là: làm sao Ngài có thể luôn tha thứ, tha thứ và tha thứ hoài mãi như vậy?

Trên thế giới hàng tỷ con người này, đâu phải chỉ có một người phạm tội. Và người ta phạm tội đâu phải chỉ có một lần. Người ta cũng đâu chỉ phạm một tội. Người ta luôn phạm tội, kể từ khi có cái gọi là tội xuất hiện, con người đã không ngừng hùa theo nó. Nói bằng một ngôn ngữ bình dân, ngay từ khoảnh khắc đầu tiên trong sự hiện hữu của mình, con người đã luôn chống lại Thiên Chúa, từng giây từng phút, với nhiều hình thức khác nhau, nhiều cường độ khác nhau, nhiều kiểu cách khác nhau. Thiên Chúa luôn dành mọi điều tốt nhất cho con người và cái mà Ngài nhận được luôn là những sự chống đối từ đối tượng mà mình yêu thương nhất. Vậy mà Ngài vẫn tha! Lạ chưa!

Có những tội rất đỗi “nhẹ nhàng”, dù có khi ta cảm thấy áy náy, nhưng rồi thời gian trôi qua, ta cũng chẳng còn bận tâm. Có những tội mà khi nghe xong, cha giải tội chỉ thấy buồn cười, chẳng cần giải thích hay khuyên nhủ gì, ngài ban phép xá giải ngay lập tức. Nhưng tội lỗi mà con người phạm phải đâu chỉ là những điều nhỏ nhặt như thế. Đọc lại lịch sử, ta thấy có vô vàn cảnh tượng vô cùng thê lương, những tình huống mà ngay cả cõi lòng của những con người tội lỗi như chúng ta cũng giận căm lên và tưởng chừng chẳng thể nào có thể tha thứ. Cảnh hàng ngàn con người giết chết nhau ngoài mặt trận. Cảnh người ta cứa cổ, tùng xẻo, cho voi đạp đầu, ném người cho thú dữ ăn, hãm hiếp phụ nữ, tàn sát con nít. Cảnh con giết cha, cảnh chồng giết vợ, cảnh gia đình vì đồng tiền mà tru diệt nhau… Và còn nhiều thảm cảnh khác nữa, ta không thấy không chứng kiến, còn Chúa, Ngài thấy hết, biết hết. Vậy mà Ngài vẫn tha!

Chúng ta thường lên án những tên khủng bố. Chúng ta thường đòi tử hình kẻ giết người hàng loạt. Chúng ta muốn loại trừ những tên bợm bãi ra khỏi cuộc sống… Đó là những phản ứng rất tự nhiên, vì chúng ta mong muốn mình và những người thân yêu được sống trong hoà bình, an lạc. Chúng ta căm phẫn khi công bình bị chà đạp, nhân phẩm bị xúc phạm, dù có khi những chuyện xảy ra chẳng dính dáng gì đến mình, đó là vì ta được dựng nên từ những điều tốt đẹp và để hướng về những điều tốt đẹp. Ai làm điều gì xấu xâm hại đến ta, ta nguyền rủa, muốn báo thù cho hả giận, không bằng hành động thì cũng bằng lời nói, hoặc ít ra cũng nung nấu và nảy sinh những tư tưởng không tốt về người đó trong đầu… Đó là cách hành xử của chúng ta, còn Chúa, Chúa tha thứ hết! Có nhiều khi ta, vì không hiểu được lòng thương xót của Ngài, nên còn trách Ngài sao thật dễ dãi và xem những lời dạy bảo của Ngài là chẳng thực tế tí nào! Cầu nguyện cho những tên khủng bố giết người không gớm tay sao? Làm ơn cho những người vả mình một cái đau điếng sao? Đừng quay lưng với những người vừa phản bội mình sao?

Đúng là chẳng thể nào hiểu được. Tại sao Chúa lại có một sự kiên nhẫn lớn lao như thế? Sao Chúa lại có thể lặng im mà chẳng có động thái nào giống như chúng ta? Nếu ta là Chúa, chắc là ta đã dùng quyền năng của mình mà dẹp tan hết tất cả mọi sự rồi. Nhưng may mắn thay, Chúa không phải là ta, cách Chúa nghĩ không giống như ta, con tim của Chúa không nhỏ hẹp như ta. Chúa như bờ biển dài, đón nhận hết tất cả mọi con sóng. Sóng to sóng bé, sóng lớn sóng nhỏ, dù ngày hay đêm, dù hôm qua hay hôm hay hay ngày mai, dù sóng có muôn hình vạn trạng thế nào, có hung dữ hay hiền hoà thế nào, chỉ cần sóng đổ vào, bờ biển cũng ôm trọn hết. Lòng thương xót của Chúa cũng hệt như thế. Ta thường dễ nghĩ về Thiên Chúa như một Đấng quyền năng có thể làm được mọi sự, nhưng thường rất khó để có thể cảm được rằng bên cạnh quyền năng, Ngài còn là Đấng yêu thương vô bờ bến nữa. “Yêu” và “quyền năng” đi đôi với nhau, vì khi yêu, người ta sẽ làm được mọi sự.

Vấn đề của chúng ta là nhiều khi ta không tin Chúa đã tha thứ cho mình. Ta tự kết án mình, tự cho rằng tội mình phạm quá lớn, rằng ta đã tự biến mình ra nhơ nhuốc, làm sao Chúa có thể tha thứ cho mình được. Một tấm lòng thống hối ăn năn là của lễ mà Thiên Chúa mong muốn nhất. Ta cần thống hối để được thứ tha. Nhưng thiếu niềm tin vào lòng thương xót của Chúa lại là một tội lớn khác. Thống hối ăn năn mà không tin là Chúa đã tha thứ cho mình thì chẳng khác nào tự đào hố chôn, tự đưa mình vào sâu trong bóng tối. Một sự ăn năn thống hối như thế chẳng có ý nghĩa gì, nếu không muốn nói là một điều tai hại. Ta cứ đấm ngực như thể ta là con người tội lỗi nhất thế gian, hay như thể đây là lần cuối cùng ta phạm tội. Đây là một kiểu kiêu ngạo đội lốt. Tự nó không giải phóng ta và cũng không mang lại cho ta chút lợi ích nào.

Con người có tội lỗi đến đâu cũng không thể thoát ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Con người có thần thánh đến đâu cũng không thể khiến cho Thiên Chúa không còn yêu thương mình. Chúng ta hạn hẹp, chỉ nhìn thấy được một phần nhỏ của sự việc. Còn Thiên Chúa nhìn bao quát mọi sự, thông tuệ mọi thứ. Tội lỗi của cả nhân loại từ thuở khai thiên lập địa cho đến ngày tận thế mà Thiên Chúa còn tha thứ được thì một chút nhỏ tội lỗi của ta có thấm vào đâu. Thiết tưởng rằng, bước đầu tiên để khởi đầu con đường nhân đức chính là cảm nghiệm cho được Chúa đã yêu thương vũ trụ, nhân loại và cách riêng là bản thân ta thế nào. Khi cảm nghiệm được rồi, ta mới được tình yêu ấy thánh hoá, ta mới biết mình nên làm gì, nói gì, đi đâu, hành xử thế nào. Không biết Chúa yêu mình thế nào, thì con người cứ mãi loay hoay trong vòng xoay sự dữ.

Nguồn: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ – Dongten.net

Nhiều năm trước, một Cha giáo đã dạy các thầy chủng sinh rằng: “Các con hãy nhớ, các con không được phép nhai kẹo cao su trong khi cầu nguyện.” Một trong các thầy chủng sinh liền hỏi lại: “Thưa Cha, chúng ta có được cầu nguyện trong khi nhai kẹo cao su không?” “Tất nhiên là có”, cha giáo trả lời. Các thầy ngạc nhiên vì làm thế nào để có thể thực hành những hướng dẫn mâu thuẫn này.

Mẩu truyện trên đây muốn nói rằng cầu nguyện vừa là một hành động tự thân vừa là cách thức sống của trọn đời sống con người. Cầu nguyện có khi như một nghi thức, có khi không cần như vậy. Cầu nguyện có khi bằng khẩu nguyện, có khi thinh lặng, có khi là hoạt động, có khi là chiêm niệm. Cầu nguyện là trò chuyện với Thiên Chúa. Giống như chúng ta nói chuyện và chia sẻ với những người bạn tốt nhất của mình về những gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta cũng nói chuyện với Thiên Chúa như vậy. Giống như lắng nghe bạn bè tâm sự, chúng ta cũng lắng nghe Thiên Chúa trong một cách thức tương tự.

Như khi chúng ta giao tiếp với nhau, việc cuộc gặp gỡ của chúng ta với Thiên Chúa cũng được thể hiện bằng nhiều cách thức khác nhau. Chúng ta thân thưa với Thiên Chúa bằng lời nói hay các bài thánh ca; bằng trí tưởng tượng hay bằng chính sự thinh lặng của chúng ta. Chúng ta đến với Thiên Chúa qua một nghi lễ chính thức hoặc bằng sự tự phát nào đó. Chúng ta có thể cầu nguyện trong nhà thờ, trong vườn, trên xe, hoặc ngay cả trong lúc tắm rửa. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện trên giường. Khi vừa thức dậy, chúng ta dâng ngày mới cho Chúa và tạ ơn Ngài trước khi đi ngủ. Người Công giáo tin rằng, với ý hướng ngay lành, mọi khoảng khắc của ngày sống – những niềm hy vọng, công việc, niềm vui, những nỗi khổ đau – đều có thể trở thành nội dung rất ý nghĩa cho lời cầu nguyện.

Các tín hữu cầu nguyện theo nhiều cách thức khác nhau. Tuy nhiên, trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Giáo Hội dạy chúng ta ba cách phổ biến nhất như sau.

  • Khẩu nguyện

Khẩu nguyện là thưa với Thiên Chúa tất cả những gì đang xảy ra trong tâm trí chúng ta. Khẩu nguyện có thể đơn giản mà tâm tình như “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì một buổi sáng đẹp trời này.” Đó có thể trang nghiêm như khi cử hành Thánh lễ vào một dịp đặc biệt nào đó. Khẩu nguyện cũng có thể mãnh liệt và cấp bách như lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong vườn Giệt-si-ma-ni: “Xin đừng theo Ý Con, nhưng xin cho Ý Cha được thể hiện.”

Hầu hết các tín hữu đều biết đến những lời cầu nguyện truyền thống từ khi thơ bé. Những lời cầu nguyện truyền thống như kinh Vì Dấu Thánh Giá, kinh Kính Mừng, kinh Lạy Cha, và kinh xin ơn thánh hóa bữa ăn. Đó cũng có thể là kinh Dâng Ngày và kinh trước khi đi ngủ. Theo thời gian, nhiều tín hữu đã học thêm những kinh khác như kinh Hãy Nhớ, kinh Lạy Nữ Vương, kinh Lạy Mẹ Thiên Chúa để cầu nguyện vào mỗi thời điểm thích hợp.

Người Công giáo thường cầu nguyện theo nhóm. Khi hai hay nhiều người tụ họp lại với nhau để dâng trọn tâm hồn mình lên Chúa thì lời cầu nguyện của họ được gọi là lời cầu nguyện chung. Những ví dụ về lời cầu nguyện chung là Kinh Mân Côi, những lời cầu nguyện sùng kính bao gồm cả những bài thánh thi và những lời kinh cầu nguyện, những lời cầu nguyện trong lớp học, và quan trọng nhất là Thánh Lễ. Cùng đứng với nhau đọc kinh Tin Kính trong Thánh lễ (“tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất…” là một kinh nghiệm mạnh mẽ vừa diễn đạt vừa định hình Đức tin của chúng ta. Mặc dù chúng ta có thể dâng những lời cầu nguyện tương tự trong suốt cuộc đời của chúng ta, nhưng ý nghĩa của những lời nguyện ấy sẽ lớn lên và thay đổi theo những kinh nghiệm sống của chúng ta. Và chắc chắn kinh Lạy Cha mang ý nghĩa rất khác biệt giữa hai người, một người vừa mới chôn cất cha mình với một đứa trẻ mới chỉ có những kinh nghiệm mơ hồ về Thiên Chúa. Những lời cầu nguyện khẩu nguyện không chỉ là “việc trải qua những cảm xúc,” nhưng chúng là dấu chỉ của một niềm tin sống động trong chúng ta.

Trong Thánh Lễ, cha chủ tế mời gọi mỗi người: “Hãy nâng tâm hồn lên.” Khi chúng ta chân thành đáp lại: “Chúng con đang hướng về Chúa”, thì chúng ta biết rằng chúng ta đang thực sự cầu nguyện, vì đó là lời cầu nguyện – nâng tâm hồn lên Thiên Chúa.

  • Suy Niệm

Suy niệm là suy ngẫm hay phản tỉnh về Thiên Chúa. Khi chúng ta suy niệm, chúng ta giữ cho lòng mình tập trung và hướng về Thiên Chúa để có thể nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống chúng ta, đồng thời đáp lại những gì Ngài đang mời gọi chúng ta thực hiện. Nhiều thứ có thể giúp chúng ta tập trung và khơi nguồn cho trí tưởng tượng khi suy niệm. Chúng ta có thể sử dụng Kinh Thánh, đặc biệt là Tin Mừng; những lời cầu nguyện truyền thống; những tác phẩm các cha linh hướng; những hình ảnh tôn giáo; hoặc lịch sử. Suy niệm còn được gọi là cầu nguyện phản tỉnh, dẫn chúng ta đến cuộc trò chuyện với Thiên Chúa. Hãy nhớ rằng chúng ta đang ở trước sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta có thể lắng nghe Ngài nói với chúng ta. Chúng ta bước vào không gian và thời gian thánh thiêng của Thiên Chúa và nhận biết rằng Ngài luôn ở bên chúng ta mọi lúc, mọi nơi.

  • Chiêm niệm

Khi chúng ta đắm chìm vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự an nhiên tự tại thì chúng ta đang cầu nguyện chiêm niệm. Khi chiêm niệm, chúng ta dành thời gian ở với Chúa trong thinh lặng và ý thức rằng Ngài đang ở bên chúng ta. Để hiểu cách thức chiêm niệm như thế nào, chúng ta có thể so sánh chiêm niệm với việc suy nghĩ hoặc chiêm ngắm một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp. Chúng ta ý thức về tất cả những đang trải nghiệm, nhưng phản ứng của chúng ta là thing lặng. Khi kinh nghiệm về Thiên Chúa một cách cá vị, chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu của Ngài và chờ đợi Ngài nói chuyện với chúng ta theo cách riêng của Ngài. Điều quan trọng là dành thời gian để thư giãn và lắng nghe trong sự hiện diện của Chúa, tìm kiếm sự hiệp nhất với Chúa, Đấng hằng yêu thương chúng ta.

Chuyển ngữ: Pr. Nguyễn Văn Đương, S.J.
(dongten.net 13.08.2018/ loyolapress.com)

Biết và khắc ghi Lời Chúa trong lòng thực sự là điều quan trọng đối với các Kitô hữu. Trong những lúc khó khăn, thử thách và tuyệt vọng, Lời Chúa sẽ đem lại cho chúng ta niềm hy vọng.

Kinh Thánh nhắc nhớ chúng ta rằng với đôi mắt đăm đăm hướng về Chúa Kitô, chúng ta có thể vượt qua bất cứ cơn bão tố nào đến trong cuộc đời chúng ta. Nhiều câu chuyện trong Kinh Thánh bảo đảm cho chúng ta rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta và Ngài luôn đón chào chúng ta trở về dưới cánh tay yêu thương của Ngài.

Đừng để ma quỷ đánh cắp niềm vui và sức mạnh trong Chúa của bạn. Hãy nhớ, hãy khắc ghi những Lời sau đây:

  1. Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn (Đnl 31, 6)
  2. Thiên Chúa sẽ luôn luôn bảo vệ bạn. (2 Tx 3, 3)
  3. Thiên Chúa sẽ ban thêm sức mạnh cho bạn từng cuộc chiến. (Is 40: 31)
  4. Thiên Chúa sẽ ban cho bạn những ơn cần thiết để chịu đựng mọi đau khổ. (2 Cr 12, 9)
  5. Thiên Chúa sẽ tha thứ cho bạn ngay cả khi bạn đã phạm tội chống lại Ngài. (1 Ga 1, 9)
  6. Thiên Chúa sẽ không bao giờ ngừng yêu thương bạn. (Ep 3, 17-19)

Lạy Thiên Chúa của con, cậy vào lòng thương xót vô biên và lời hứa vĩnh cửu của Chúa, con hy vọng được Chúa thứ tha mọi lỗi lầm con phạm, được Chúa ban cho ân sủng và đời sống vĩnh hằng của Chúa, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ của con. Amen!

Tác giả: Becky Roach

Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, SJ

(dongten.net 11.08.2018/ catholic-link.org)

Dường như có một mẫu sẵn về cách thức Thiên Chúa nói với chúng ta. Đôi khi, chúng ta nghĩ về cuộc hoán cải của Sa-un (tên cũ của thánh Phao-lô), người đã nghe tiếng Thiên Chúa qua những đám mây: “Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Có những lúc chúng ta chờ đợi và muốn nghe tiếng của Ngài khi chúng ta cảm thấy bối rối và cần câu trả lời. Ngày nay, tôi không nghĩ rằng sẽ không thể nghe tiếng Chúa theo nghĩa đen. Tôi biết nhiều người nói rằng họ đã nghe tiếng Chúa và mô tả cách thức họ đã nghe như thế nào.

Tuy vậy, sẽ rất nguy hiểm, nếu chúng ta bị cuốn vào những ý tưởng đó mà chính chúng ta không nghe thấy tiếng Thiên Chúa xung quanh chúng ta. Thực vậy, chúng ta thường chờ đợi những khoảnh khắc ‘ngoại thường’ mà chúng ta bỏ lỡ những cách thức mà Thiên Chúa đang nói với chúng ta.

Chúng ta có thể làm gì để khắc phục những lúc như vậy? Trước hết, chúng ta nên biết rằng việc học cách nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa không phải là chuyện một sớm một chiều, nhất là khi chúng ta đã bị định hình bởi một ý tưởng nào đó trong một thời gian dài. Thứ đến, ngay cả khi chúng ta học cách nghe Ngài nói với chúng ta, thì chúng ta vẫn bị lôi cuốn vào những chuyện thường ngày mà có thể dễ dàng bỏ lỡ tiếng Chúa. Chúng ta cần phải dành thời gian và phải có một trái tim quảng đại và tâm trí rộng mở mới có thể nghe được lời Ngài.

Sau đây là 5 cách mà chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa.

1. Một trực giác:

Chúng ta thi thoảng cũng có một “cảm giác” phải làm gì đó mà chúng ta không biết tại sao. Cảm giác ấy có thể là phải rời xa ai hay một tình huống nào đó, phải cầu nguyện cho ai đó, hoặc cảm thấy một điều gì đó sắp xảy ra và bạn cần sự trợ giúp của người khác. Một trong những kinh nghiệm về trực giác gần đây nhất của tôi là khoảng bốn tháng trước. Tôi đã có mặt tại một hội nghị và có cơ hội tuyệt vời để gặp Hallie Lord và nhận được cuốn sách đã được cô ấy ký tên: “Phía sau sự sợ hãi: Cách Tôi Tìm Thấy Bình An”. Trong khi xếp hàng, tôi cảm thấy cần phải gửi một bản sao cho người bạn linh mục của tôi. Tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi chỉ biết là phải làm điều ấy. Vào sáng thứ Hai sau đó, tôi đã đi đến cửa hàng chuyển phát nhanh và gửi nó cho cha bạn, cuốn sách được ký bởi Hallie và với một lưu ý giải thích lý do tại sao tôi đã gửi nó cho cha. Khoảng một tuần sau, tôi nhận lại được một tin nhắn từ cha với nội dung: linh tính của tôi rất đúng và cha ấy đã tìm thấy một cuốn sách chứa đầy sự khôn ngoan. Khoảnh khắc đó làm tôi xác tín rằng Thiên Chúa thực sự nói với chúng ta qua “trực giác”. Hãy lắng nghe nó, theo dõi nó, vì chính Thiên Chúa đang nói với chúng ta.

2. Âm thanh của thế giới xung quanh chúng ta:

Đôi khi, chúng ta không thấy Thiên Chúa đáp lời, vì đã có những lần chúng ta không cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta ước ao có được “cảm nghiệm trọn vẹn” về Thiên Chúa sau khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, hoặc gặp gỡ Ngài khi xưng tội. Nhưng chúng ta lại không có được những cảm giác ấm áp, yêu thương, vui tươi và yên bình trong tâm hồn mình. Nếu bạn gặp giằng có như thế, bạn hãy thử nhìn ngắm thế giới xung quanh bạn. Chắc chắn, có rất nhiều điều trong thế giới này chưa được đẹp. Nhưng cũng có rất nhiều điều tuyệt vời là một phần công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Đó là cầu vồng trên bầu trời sau cơn bão, âm thanh của tiếng chim hót líu lo, một đứa trẻ cười, sóng biển vỗ bờ, và mặt trời chiếu sáng trên chúng ta, giúp chúng ta có ánh sáng và có cuộc sống tốt đẹp. Hãy nhìn vào tất cả những điều đẹp ấy và nhớ rằng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Thậm chí chỉ cần học biết cách thức thế giới hoạt động như thế nào, một hệ thống hoạt động phức tạp có thể minh chứng cho sự vĩ đại của Thiên Chúa. Khi nhìn thấy những gì chúng ta có thể làm, chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu hơn Thiên Chúa thực sự là ai.

3. Hành động giữa người khác:

Trong tác phẩm Những Người Cùng Khổ, Victor Hugo viết rằng: “Yêu người khác là phải nhìn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa” và khi chúng ta nhìn mọi người với lòng yêu thương, và sống tử tế với người khác, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa tỏ lộ nơi người ấy. Thiên Chúa là tình yêu, cho nên tất cả mọi hành động yêu thương thực sự phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa. Ngay cả khi một người nào đó thực hiện những hành động yêu thương mà chưa nhận ra Thiên Chúa, thì tôi cũng chẳng nghi ngờ rằng Thiên Chúa đang làm việc thông qua người đó.

4. Cầu nguyện:

Liệu đây có phải là một gợi ý đúng đắn hay không? Nhưng hãy nghĩ về điều này… làm thế nào có động lực để cầu nguyện khi chúng ta không cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa? Đôi khi chúng ta cảm thấy như chúng ta đang rơi xuống tận đáy vực thẳm của công việc. Nhưng còn hơn như thế…vào một ngày khác, liệu chúng ta chỉ cảm thấy thường thường thôi chăng? Không phải lúc nào chúng ta cũng cầu nguyện, nhưng hãy nhớ: đôi khi Thiên Chúa chỉ chờ chúng ta hướng lòng lên Ngài để Ngài có thể nói chuyện với chúng ta. Hoặc, có lẽ chúng ta cần thử áp dụng một cách thức cầu nguyện cụ thể: lắng nghe nhiều hơn là nói. Cầu nguyện là một cuộc trò chuyện với Thiên Chúa, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta luôn là những người nói thao thao bất tuyệt. Thực vậy, làm thế nào chúng ta có thể nghe tiếng Chúa khi chúng ta không cho Ngài cơ hội để nói chuyện? Điều này không có nghĩa là chúng ta KHÔNG BAO GIỜ nên nói với Thiên Chúa những gì chúng ta đang trải qua. Chúng ta nên thân thưa với Ngài, và Thiên Chúa cũng muốn chúng ta làm như vậy. Tuy nhiên, Ngài cũng muốn chúng ta hướng lòng lên Ngài, vì có thể chúng ta chỉ nghe thấy tiếng Ngài trong sự thinh lặng của tâm hồn. Ngoài ra, chúng ta cũng nên viếng Thánh Thể. Hãy ở cùng Ngài trong sự hiện diện đích thực của Ngài. Còn điều gì tuyệt hơn những giây phút đó?!

5. Kinh Thánh:

Một trong những cách cầu nguyện yêu thích của tôi là Lectio Divina. Về cơ bản, đó là cách đọc cẩn thận bản văn Kinh Thánh, hiểu bản văn, suy gẫm ý nghĩa bản văn, và cầu nguyện với bản văn. Hãy để tôi nói cho bạn cách cầu nguyện này tuyệt vời như thế nào! Ngay cả khi bạn đã đọc cùng một đoạn 20 lần, Thiên Chúa vẫn có khả năng chỉ ra điều gì đó cho bạn mà bạn chưa từng nhận ra trước đây. Sau hết, bạn nên đọc Lời Chúa, đọc ngay cả khi đó không phải là Chúa Nhật và để cho Ngài nói chuyện với bạn. Hãy nhớ … có thể không phải là Ngài im lặng … nhưng có thể là chúng ta không lắng nghe.

Pr. Nguyễn Văn Đương, S.J.
(dongten.net 05.08.2018/ catholic-link.org)

Suốt chiều dài lịch sử của Hội thánh, các Ki-tô hữu không ngừng được nghe nói đến hoặc chứng kiến và cảm nghiệm khá nhiều phép lạ xảy ra đó đây trên khắp thế giới. Sở dĩ các phép lạ được phép xảy ra là vì Thiên Chúa muốn bày tỏ cho con người về ý định cứu rỗi, quyền năng và tình thương quan phòng của Người. Phép lạ là một thứ ngôn ngữ và dấu chỉ cho thấy rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).

Tuy nhiên Hội thánh cũng lưu ý rằng có nhiều trường hợp xảy ra những sự kiện tôn giáo được xem là “lạ” nhưng không được công nhận là phép lạ. Bởi vì xưa nay Hội thánh rất thận trọng trong việc khẳng định một sự kiện nào đó là phép lạ. Hội thánh luôn cân nhắc cũng như căn cứ trên một số tiêu chuẩn và điều kiện nhất định. Chúng ta nên lưu ý là, “Trong ngôn ngữ của Giáo hội, tiếng ‘phép lạ’ dùng để dịch danh từ ‘Miraculum’ tiếng La-tinh. Theo nguyên ngữ, nó ám chỉ một hiện tượng khác thường, gây ra ngạc nhiên, thán phục… Trong ngôn ngữ thần học thì để một sự kiện có thể gọi là phép lạ, cần hội đủ hai điều kiện: 1- thứ nhất, việc đó mang tính cách khác thường; 2- thứ hai, nó do Chúa làm ra. Hai điều kiện đi đôi với nhau thì mới được nhận là phép lạ” (Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P, bài “Phép lạ là gì?”, nguồn daminhvn.net).

Để trả lời câu hỏi “Phép lạ là gì?”, ĐGM José Luis Gutierrez thuộc Bộ Phong Thánh, tháng 10-2003 đã giải thích rằng “ Đối với những nhà thần học, phép lạ ‘thông truyền một thông điệp cứu độ, đó là một điều phi thường đặc biệt làm mọi người khâm phục, một biến cố vượt trên những luật vật chất. Mục đích của phép lạ không nhằm gây thán phục nhưng là thông truyền một thông điệp cứu độ’. Dưới khía cạnh học thuyết, ĐGM Gutierrez nói rõ rằng ‘chỉ có Thiên Chúa mới làm phép lạ, Mẹ Maria và các thánh can thiệp vào’. Theo thánh Tô-ma, ‘phép lạ vượt trên thiên nhiên được tạo dựng và chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được,’ ngài cũng nói: ‘những phép lạ thật chỉ có thể xảy ra do nhờ Thiên Chúa’ “ (LM An-tôn Nguyễn Trường Thăng, bài “Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi”, nguồn tgpsaigon.net).

* PHÉP LẠ CỦNG CỐ ĐỨC TIN

Phép lạ có một vai trò đặc biệt trong đời sống Ki-tô hữu chúng ta. Nó giúp củng cố niềm tin và loan báo một sứ điệp nào đó cho con người. Mặc dù Thiên Chúa đầy quyền năng và tình thương có thể cho các phép lạ xảy ra bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu, nhưng thực sự Người không bao giờ muốn thực hiện các phép lạ một cách tràn lan. Phép lạ chỉ thực sự xảy ra khi cần thiết và luôn có chủ đích. Mục đích của phép lạ luôn là thông truyền một thông điệp nào đó mà Thiên Chúa muốn gửi đến cho con người. Chẳng hạn năm 1917 từ Fatima, Đức Ma-ri-a đã truyền đi thông điệp cho cả thế giới, như một điều kiện khẩn thiết để thế giới được hòa bình: “Hãy siêng năng lần hạt; hãy cải thiện đời sống; hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ”.

Do đó, có thể suốt cuộc đời mình, Ki-tô hữu chúng ta không có dịp “nhìn” thấy phép lạ tỏ tường hay được hưởng những ơn đặc biệt do các phép lạ, nhưng chúng ta vẫn xác tín phép lạ là có thật vì chúng ta tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Mặt khác, chính đức tin soi sáng cho chúng ta biết ý nghĩa đích thực của các phép lạ Chúa làm.

Đức Giê-su, khi đi rao giảng về Tin Mừng Nước Thiên Chúa, ngoài việc trừ quỷ, ngài cũng đã làm nhiều phép lạ như hóa bánh ra nhiều, biến nước lã thành rượu ngon, chữa lành các bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, truyền khiến sóng gió im lặng vv… Một mặt các phép lạ Chúa làm đã giúp củng cố lòng tin của các môn đệ về những mạc khải của Ngài, mặt khác cũng giúp chứng minh hùng hồn về nguồn gốc thiên tử và sứ mệnh thiên sai của Ngài. Thực vậy, “Qua các phép lạ, Đức Giê-su chứng tỏ rằng Vương Quốc Đấng Massia được các sứ ngôn loan báo, đã hiện diện nơi chính bản thân Người (Mt 11,4 tt). Người làm cho người ta phải lưu ý đến Người và đến Tin Mừng của Vương Quốc mà Người là hiện thân. Người khơi dậy sự ngưỡng mộ và lòng kính sợ tôn giáo khiến con người phải tự hỏi xem Người là ai (Mt 8,27; 9,8; Lc 5,8 tt)” (x. Đề mục “Phép lạ”, Điển ngữ Thần học Thánh Kinh GHHV Pi-ô X Đà-lạt).

Ngày nay, trong nhiều trường hợp, phép lạ đã khơi dậy niềm tin nơi nhiều người, kể cả các Ki-tô hữu cũng như những người lương dân. Nhiều người Công giáo đã bỏ đạo hay đang sống khô khan nguội lạnh, sau khi chứng kiến các phép lạ, họ thành tâm ăn năn thống hối, cầu nguyện và đã được nhiều ơn lành Chúa ban, đã trở lại với Chúa và có một đức tin mãnh liệt. Chúng ta đã nghe nói nhiều đến các ơn lạ từ phép lạ Đức Mẹ hiện ra tại Fa-ti-ma, tại Lộ-Đức, hay tại La-Vang vv… Tại đây có nhiều người đến cầu nguyện, đã được khỏi các bệnh-tật, đã được những ơn lành cầu xin, họ trở thành các chứng nhân sống động về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa cũng như về sự cầu bầu hiệu nghiệm của Đức Ma-ri-a. Trong khi đức tin giúp soi sáng ý nghĩa và mục đích của phép lạ, thì các phép lạ giúp phát sinh lòng tin và sự hoán cải.

* PHÉP LẠ TRONG ĐỜI SỐNG KI-TÔ HỮU

Chúng ta phải khẳng định một điều là đức tin cần thiết cho đời sống Ki-tô hữu hơn là phép lạ. Có thể nói đức tin là yếu tố tiên quyết để phép lạ xảy ra. Nhất là nếu chỉ dựa vào phép lạ mới tin thì đó là dấu chứng tỏ đức tin chưa hoàn hảo (x. Ga 10, 38 ; 14,11). Chính Chúa Giê-su cũng thường xuyên nhấn mạnh đến vai trò của đức tin đối với các môn đệ và những người đi theo Ngài. Chẳng hạn Ngài nói về sức mạnh của lòng tin, “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em ” (Lc 17, 6). Và câu chuyện sau đây cũng cho thấy chính lòng tin vào Đức Giê-su đã chữa lành bệnh, “Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người, vì bà nghĩ bụng: ‘Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!’. Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: ‘Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.’ Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.” (Mt 9, 20-22).

Có thể nói phần đông các tín hữu chúng ta rất nhiệt tình đối với các sự lạ xảy ra nơi này nơi kia. Ngay cả đối với những sự kiện có thể là “lạ” nhưng chưa được giáo quyền công nhận, cũng vẫn gây sự quan tâm của nhiều người và thu hút họ đến các địa chỉ “thánh địa” để hành hương, chiêm ngưỡng và cầu nguyện. Chẳng hạn, tại Việt-Nam, thường xuyên vẫn có nhiều đoàn hành hương đi đến các địa điểm được truyền tụng là đã xảy ra các phép lạ của Đức Mẹ, như La-Vang, Tà-Pao, La-Mã (Bến Tre), Măng Đen (Kon-tum) vv…

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến điều này là, “Thật đáng buồn là có không ít các Ki-tô hữu giữ đạo chỉ vì phép lạ. Họ xem Chúa như một người làm phép lạ để phục vụ cho những nhu cầu của mình. Nơi nào xảy ra nhiều phép lạ, họ càng kéo đến đông, càng tỏ vẻ cung kính và quảng đại dâng hoa, dâng tiền bạc. Điều này chẳng những không giúp nhiều cho đời sống thiêng liêng mà còn biến tôn giáo của chúng ta thành một kiểu buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan và hạ thấp những chân lý đức tin. Dĩ nhiên, chúng ta có quyền xin Chúa thực thi những phép lạ, giúp dàn xếp những bất ổn trong gia đình, giúp chữa lành bệnh, giúp vượt qua khó khăn hoạn nạn… Nhưng chúng ta không nên xem phép lạ là điều kiện tối cần thiết phải có để tin vào Chúa. Cầu xin là việc ta cần làm, còn việc có ban cho ta theo lòng ta sở nguyện hay không là chuyện của Đấng Toàn Tri và Toàn Năng là Thiên Chúa. Ngài thừa biết điều gì tốt cho ta và khi nào ban cho ta thì có lợi cho ơn cứu độ của ta hơn” (Pr. Lê Hoàng Nam SJ, bài “Phép lạ, liệu có thật?”, nguồn dongten.net)./.

Aug. Trần Cao Khải