Theo truyền thống, từ ngày 18 đến ngày 25/1, các Giáo hội Kitô ở Bắc bán cầu cử hành Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu. Ở Nam bán cầu, tháng Một là thời gian nghỉ hè nên các Giáo hội ở đây thường cử hành Tuần lễ cầu nguyện này vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống; ngày này cũng là ngày tượng trưng cho sự hiệp nhất của Giáo hội.

Một số thời điểm lịch sử của Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu

Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu được Cha Paul Wattson cử hành lần đầu tiên vào năm 1908 tại Graymoor, New York, khi ngài còn là một giáo sĩ Tin Lành. Năm sau đó, năm 1909, ngài đã cùng với cộng đoàn của ngài gia nhập Công giáo.

Năm 1935 viện phụ Paul Couturier ở Pháp đã cổ võ Tuần lễ quốc tế cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu dựa trên lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho hiệp nhất.

Năm 1958, Trung tâm Đại kết Hiệp nhất Kitô hữu của Lyon, Pháp, bắt đầu chuẩn bị tài liệu cho Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, với sự cộng tác của ủy ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội.

Năm 1964, tại Giêrusalem, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Chính Thống Athenagoras I đã cùng nhau đọc kinh nguyện của Chúa Giêsu “xin cho tất cả họ được nên một” (Ga 17,21). Cùng năm này, Sắc lệnh về đại kết của Công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng cầu nguyện là linh hồn của Phong trào đại kết và khuyến khích cử hành Tuần lễ cầu nguyện.

Năm 1966, Ủy ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng Giáo hội Thế giới và Ủy ban Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô hữu (ngày nay là Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô hữu) quyết định cùng nhau chuẩn bị văn bản chính thức của Tuần Cầu nguyện hàng năm.

Năm 1968, lần đầu tiên, Kinh nguyện cho sự hiệp nhất được cử hành dựa trên văn bản được phát triển với sự cộng tác giữa Ủy ban Đức tin và Hiến pháp và Ủy ban Cổ võ Sự Hiệp nhất các Kitô hữu.

Vào năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả những người đã được rửa tội cùng nhau thực hiện hành trình xây dựng một Giáo hội hiệp hành và trong đêm canh thức đại kết ngày 30/9/2023, trước giai đoạn đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16, ngài nhận xét: “Sự thinh lặng là điều cốt yếu trong hành trình hiệp nhất của các Kitô hữu. Trên thực tế, nó là nền tảng cho việc cầu nguyện, từ đó công cuộc đại kết bắt đầu và nếu không có cầu nguyện thì đại kết sẽ không có kết quả”.

Chủ đề của Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 

Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 có chủ đề trích từ Tin Mừng Thánh Luca 10,27: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa người… và yêu thương anh em như chính mình”. Các tài liệu cử hành Tuần lễ này, do Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu và Hội đồng Giáo hội Thế giới ban hành, được chuẩn bị bởi một nhóm từ Burkina Faso, cùng với Cộng đồng Chemin Neuf – Con đường Mới.

“Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi… và yêu thương tha nhân như chính mình”. Những lời này, được Chúa Giêsu nói với một thầy thông luật, và sau đó là dụ ngôn Người Samaria nhân hậu, giải thích ai là người lân cận của mình, là chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay. Các bản văn chú giải, lời cầu nguyện và hướng dẫn về cách cử hành Tuần lễ này đã được chuẩn bị bởi một nhóm đại kết đến từ Burkina Faso, dưới sự điều phối của cộng đồng Chemin Neuf địa phương. Các thành viên cho biết, sống kinh nghiệm làm việc cùng nhau này là một con đường thực sự của sự hoán cải đại kết, khiến họ nhận ra rằng tình yêu của Chúa Kitô hiệp nhất tất cả các Kitô hữu và mạnh mẽ hơn sự chia rẽ của họ.

Tình yêu là ‘DNA’ của đức tin Kitô giáo. Thiên Chúa là Tình Yêu và “tình yêu của Chúa Kitô đã quy tụ chúng ta nên một”. Chúng ta tìm thấy căn tính chung của mình trong cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa (x. Ga 3,16) và mặc khải căn tính đó cho thế giới qua cách chúng ta yêu thương nhau (Ga 3,16). Trong đoạn văn được chọn cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2024 (Lc 10,25-37), Chúa Giêsu tái khẳng định lời dạy truyền thống của người Do Thái từ sách Đệ nhị luật (6,5), “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng và hết tâm hồn và với hết sức lực của người”; và Sách Lê-vi 19,18b, “ngươi phải yêu tha nhân như chính mình”. Người luật sĩ trong đoạn Tin Mừng liền hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người lân cận của tôi?” Câu hỏi về nghĩa vụ yêu thương trong Kinh Thánh nên đạt đến mức nào là một vấn đề gây tranh cãi giữa các tiến sĩ luật. Theo truyền thống, nghĩa vụ này được cho là áp dụng đối với những người đồng hương Israel và người nước ngoài thường trú. Sau này, do ảnh hưởng của các cuộc xâm lược của các thế lực ngoại bang, điều răn này được hiểu là không áp dụng đối với người nước ngoài thuộc lực lượng chiếm đóng. Theo thời gian, Do Thái giáo bị phân mảnh nên đôi khi người ta hiểu rằng nó chỉ áp dụng cho phe phái cụ thể của một người. Do đó, câu hỏi mà thầy thông luật đặt ra cho Chúa Giêsu là một câu hỏi mang tính thách thức. Chúa Giêsu trả lời câu hỏi bằng một dụ ngôn minh họa tình yêu vượt xa những giới hạn mà người này mong đợi.

Nhiều tác giả Kitô giáo đầu tiên như Origen, Clement ở Alexandria, Gioan Kim Khẩu và Augustino đã nhìn thấy quỹ đạo của kế hoạch cứu rỗi thế giới của Thiên Chúa trong dụ ngôn này. Họ xem người đi từ Giêrusalem xuống là hình ảnh của Adam – tức là toàn thể nhân loại – từ thiên đường xuống thế gian này, với tất cả những nguy hiểm và đổ vỡ, và bọn cướp là hình ảnh của các thế lực thù địch trần thế đang tấn công chúng ta. Họ nhìn thấy chính Chúa Kitô là Đấng đã động lòng trắc ẩn, đã đến trợ giúp người đàn ông sắp chết, chữa trị các vết thương cho ông và đưa ông đến một quán trọ an toàn, nơi họ coi đó là hình ảnh của Giáo hội. Lời hứa trở lại của người Samari được coi là báo trước lời hứa tái lâm của Chúa.

Tình yêu dành cho tha nhân thôi thúc chúng ta giúp đỡ người khác

Các Kitô hữu được mời gọi hành động như Chúa Kitô trong việc yêu thương như người Samaria nhân hậu, bày tỏ lòng thương xót và cảm thông đối với những người đang cần giúp đỡ, bất kể căn tính tôn giáo, sắc tộc hay xã hội của họ. Không phải những căn tính chung sẽ thôi thúc chúng ta đến giúp đỡ người khác, mà là tình yêu dành cho ‘người lân cận’ của chúng ta. Tuy nhiên, tầm nhìn về tình yêu thương người lân cận mà Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta đang bị thử thách trên thế giới.

Chiến tranh ở nhiều khu vực, sự mất cân bằng trong quan hệ quốc tế và sự bất bình đẳng được tạo ra bởi những điều chỉnh về cơ cấu do các cường quốc phương Tây hoặc các tác nhân bên ngoài khác áp đặt, tất cả đều ngăn cản khả năng yêu thương như Chúa Kitô của chúng ta. Chính nhờ học cách yêu thương nhau bất kể sự khác biệt của chúng ta mà các Kitô hữu có thể trở thành những người lân cận như người Samaria trong Tin Mừng.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện để tất cả những người theo Người được nên một (x. Ga 17,21), và do đó các Kitô hữu không thể mất hy vọng hay ngừng cầu nguyện và hoạt động cho sự hiệp nhất. Họ được hiệp nhất bởi tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Kitô và bởi kinh nghiệm nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Họ nhận ra trải nghiệm đức tin này ở nơi nhau khi họ cùng nhau cầu nguyện, thờ phượng và phục vụ Chúa.

Thực trạng ở Burkina Faso

Tuy nhiên, sự chung sống xã hội không hề dễ dàng ở Burkina Faso, một quốc gia Tây Phi có 21 triệu người thuộc khoảng 60 nhóm dân tộc và nơi có khoảng 64% dân số theo đạo Hồi, 9% theo các tôn giáo truyền thống châu Phi và 26% theo Kitô giáo (20% Công giáo, 6% Tin lành). Sau cuộc tấn công của các chiến binh thánh chiến vào năm 2016, điều kiện an ninh và gắn kết xã hội ở nước này đã xấu đi rất nhiều. Sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố, tình trạng vô luật pháp và nạn buôn người đã khiến ba ngàn người thiệt mạng và gần hai triệu người phải di dời trong nước; hàng ngàn trường học và trung tâm y tế đã bị đóng cửa và phần lớn cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội bị phá hủy. Đặc biệt, các Giáo hội Kitô đã trở thành đối tượng của các cuộc tấn công vũ trang: các linh mục, mục sư và giáo lý viên đã bị giết, những người khác bị bắt cóc. Do khủng bố, hầu hết các nơi thờ phượng của Kitô giáo ở phía bắc, phía đông và tây bắc đất nước đã bị đóng cửa. Các cử hành vẫn còn có thể diễn ra chỉ ở các thành phố lớn và dưới sự bảo vệ của cảnh sát.

Tình liên đới giữa các tôn giáo

Trong bối cảnh này, bất chấp mọi thứ, một tình liên đới nhất định đang gia tăng giữa các tôn giáo và các nhà lãnh đạo của họ đang nỗ lực hướng tới sự hòa giải và gắn kết xã hội. Một ví dụ là Ủy ban đối thoại Kitô giáo-Hồi giáo của Hội đồng Giám mục Công giáo Burkina Faso-Niger, đang thực hiện một nỗ lực đáng chú ý nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nhóm sắc tộc khác nhau. Tình yêu thương tha nhân vượt trên mọi hệ phái đã được Chúa Giêsu truyền dạy đang bị thử thách nhưng chứng tá của các Kitô hữu dường như còn cần thiết hơn ở đất nước đó. Nơi các Kitô hữu ở Burkina Faso, theo văn bản giới thiệu Tuần lễ, có một mong muốn sống động và nhận thức về nhu cầu tái khám phá sự hiệp nhất của họ trong Chúa Kitô và các cộng đồng ý thức được rằng sự chia rẽ giữa các Kitô hữu không chỉ làm tổn thương Giáo hội, mà còn cả Chúa Kitô, và vì lý do này, họ đã xây dựng những nhịp cầu bằng cách dấn thân “một cách không thể thay đổi được để đi theo con đường tìm kiếm đại kết, nhờ đó lắng nghe Thần Khí của Chúa”.

Tài liệu cử hành Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 

Sau quá trình soạn thảo ban đầu, một nhóm quốc tế được cùng bổ nhiệm bởi Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu và Ủy ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng các Giáo hội Thế giới đã gặp nhau tại Roma vào tháng 9/2022 để xem xét và soạn thảo cùng với nhóm biên tập địa phương, bản thảo cuối cùng của các văn bản cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay, hiện đã được xuất bản và có sẵn cho các Kitô hữu trên khắp thế giới. Các bản văn đó đề xuất tám mẫu cử hành Lời Chúa, được thiết kế để khuyến khích việc cầu nguyện chung cùng với anh chị em thuộc các hệ phái đức tin khác nhau hiện diện ở các vùng lãnh thổ khác nhau.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện để tất cả các môn đệ của Người nên một, nhưng con đường không hề dễ dàng. Tài liệu được chuẩn bị cho việc cử hành Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất nói rằng “sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa các Giáo hội và sự nghi ngờ lẫn nhau làm suy yếu cam kết thực hiện con đường đại kết. Một số người có thể lo sợ rằng đại kết sẽ dẫn đến việc đánh mất bản sắc hệ phái của họ và cản trở sự ‘phát triển’ của Giáo hội của họ”. Để đi trên con đường đại kết cần có sự tin tưởng và hy vọng. Các bản văn nói thêm rằng điều cần thiết là “các Giáo hội phải ngày càng đưa các sáng kiến ​​đại kết vào kế hoạch mục vụ của mình và thúc đẩy việc đào tạo đại kết giữa các nhân viên mục vụ và tất cả các tín hữu. Một cuộc hoán cải đích thực về thiêng liêng, mục vụ và Giáo hội mà không cần chiêu dụ tín đồ là điều cần thiết cho cuộc đối thoại đại kết thực sự. Sự hiệp nhất của các Kitô hữu là một ân sủng để cầu xin Thiên Chúa trong lời cầu nguyện”.

Vatican News

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức, 95 tuổi, đã từ trần vào lúc 9:34 giờ Roma tại nơi cư trú của ngài ở Vatican. Di hài của ngài sẽ được đặt tại Đền thờ thánh Phêrô từ sáng thứ Hai 2/1/2023 để các tín hữu kính viếng.

Đức Biển Đức XVI đã trở về Nhà Cha. Cách đây ít phút, Phòng Báo chí Toà Thánh đã thông báo rằng ngài đã qua đời vào lúc 9:34 giờ Roma tại đan viện Mater Ecclesiae, nơi Đức nguyên Giáo hoàng, 95 tuổi, đã chọn làm nơi cư trú sau khi từ nhiệm vào năm 2013.

Tin tức về sức khoẻ suy giảm

Từ một số ngày qua, tình trạng sức khỏe của Đức nguyên Giáo hoàng đã trở nên xấu đi rất nhiều do tuổi cao sức yếu, như Phòng Báo chí đã đưa tin khi cập nhật về diễn biến tình trạng sức khoẻ của ngài.

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn chia sẻ công khai tin tức về tình trạng sức khoẻ xấu đi của vị tiền nhiệm vào cuối buổi tiếp kiến chung cuối cùng của năm, hôm 28 tháng 12 vừa qua, khi mời gọi cầu nguyện cho Đức nguyên Giáo hoàng, “rất yếu”, để xin Chúa an ủi ngài và nâng đỡ ngài “trong chứng tá tình yêu dành cho Giáo hội cho đến cùng.” Và ngay lập tức, tại tất cả các châu lục, nhiều chương trình cầu nguyện đã được nhân rộng với các sứ điệp liên đới và gần gũi ngay cả từ những người ngoài Giáo hội.

Trong vài giờ tới, tin tức về nghi thức tang lễ sẽ được Văn phòng Báo chí Vatican thông báo.

Nguồn: vaticannews.va

Cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 28/12/2022, trong lời chào các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh Cha đã xin các tín hữu cầu nguyện đặc biệt cho Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI. Ngài cho biết Đức Biển Đức rất yếu.

Đức Phanxicô nói: “Tôi muốn xin tất cả anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức, người đang âm thầm hỗ trợ Giáo hội. Xin hãy nhớ đến ngài – đang bị bệnh nặng, xin Chúa an ủi và nâng đỡ ngài trong chứng tá về tình yêu dành cho Giáo hội, cho đến cùng.

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức tròn 95 tuổi vào tháng 4 năm nay. Sau khi từ nhiệm vào cuối tháng 2 năm 2013, ngài sống ẩn dật cầu nguyện tại đan viện Mẹ Giáo hội ở nội thành Vatican.

Đức Phanxicô và Đức Biển Đức XVI

Đức Thánh Cha Phanxincô đã nhiều lần đã nói về mối liên hệ của ngài với vị tiền nhiệm. Ngài đã gọi Đức Biển Đức XVI là “người cha”, “người anh em”.

Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã bắt đầu “truyền thống” gặp gỡ Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức, bắt đầu với chuyến thăm lịch sử đầu tiên của vị tân Giáo hoàng – đi trực thăng đến thăm Đức Biển Đức XVI tại dinh thự Castel Gandolfo, nơi Đức Biển Đức XVI đã ở vài tuần sau khi từ nhiệm và trước khi trở về cư trú tại Vatican.

Vào các dịp lễ Giáng sinh hoặc Phục sinh hoặc các Công nghị phong Hồng y, Đức Phanxicô luôn đến đan viện Mẹ Giáo hội để chúc lành và chào hỏi vị tiền nhiệm của ngài.

Trong gần mười năm qua, Đức Biển Đức XVI vẫn tiếp tục đón tiếp các vị khách. Ngày 1 tháng 12 vừa qua (2022) ngài đã gặp hai người đoạt giải Ratzinger: Cha Michel Fédou, một học giả Kinh Thánh người Pháp, và luật gia Do Thái Joseph Halevi Horowitz Weiler, cùng với Cha Federico Lombardi, Chủ tịch tổ chức Joseph Ratzinger Foundation – Benedict XVI.

Thông cáo của Phòng Báo chí Toà Thánh

Trả lời các câu hỏi của các nhà báo, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã xác nhận rằng “Trong vài giờ qua, sức khoẻ của ngài (Đức Biển Đức XVI) trở nên trầm trọng hơn do tuổi cao.” Ông nói thêm rằng tình hình “hiện tại vẫn nằm trong tầm kiểm soát” và Đức nguyên Giáo hoàng được các bác sĩ theo dõi liên tục.

Ông Bruni cũng cho biết rằng sau buổi Tiếp kiến chung tại Đại thính đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến đan viện Mater Ecclesiae – Mẹ Giáo hội – ở nội thành Vatican, nơi Đức Biển Đức XVI đang cư trú.

Ông Bruni mời gọi mọi người hiệp ý với Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

Nguồn: vaticannews.va

Trước tình hình chiến tranh tại Ucraina tiếp tục kéo dài và gây ra nhiều đau thương tàn phá, Đức Thánh Cha mong muốn đặt hai dân tộc Ucraina và Nga dưới sự che chở của Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, qua một cử hành phụng vụ. Do đó, chiều ngày 15/3 vừa qua, Phòng Báo chí Toà Thánh đã thông báo rằng “vào thứ Sáu ngày 25/3, trong nghi thức Thống hối do Đức Thánh Cha chủ sự vào lúc 5 giờ chiều tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ thánh hiến hai nước Nga và Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm của Đức Mẹ.

Thông cáo của Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết thêm: “Vào cùng ngày (25/3), hành động tương tự sẽ được thực hiện tại Fatima bởi Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha”, người được Đức Thánh Cha phái đến Fatima.

Mời các giám mục và linh mục cùng tham gia thánh hiến Nga và Ucraina

Sau đó, vào ngày 18/3/2022, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh xác nhận với các nhà báo rằng Đức Thánh Cha đã mời các giám mục trên toàn thế giới, cùng với các linh mục của các ngài, hiệp với Đức Thánh Cha trong lời cầu nguyện cho hoà bình và trong việc thánh hiến và phó dâng hai nước Nga và Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Mẹ.

Hơn thế nữa, các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới cũng được mời gọi hiệp ý cầu nguyện và tham dự nghi thức thánh hiến.

Thánh hiến là gì?

Chúng ta đã từng nghe nói đến việc thánh hiến, vậy thánh hiến nghĩa là gì? Một người hoặc một quốc gia được thánh hiến nghĩa là được dành cho một mục đích thánh. Thuật ngữ thánh hiến được dùng rất nhiều trong Công giáo, được áp dụng cho nơi chốn như nhà thờ, hay cho con người như tu sĩ hay giáo dân thánh hiến, hoặc các đồ vật phụng tự. Bằng lòng đạo đức, một người cũng có thể thánh hiến mình cách cá nhân cho Chúa Ki-tô qua Mẹ Maria. Từ thời Trung cổ, việc thánh hiến cá nhân này đã được mở rộng đến các thành phố. Vào năm 1638 vua Louis XIII đã thánh hiến nước Pháp cho Mẹ Maria, và hành động này đã được các giám mục hoặc Giáo hoàng noi theo, thánh hiến các quốc gia và nơi chốn, thậm chí là thánh hiến toàn thế giới.

Bộ Phụng tự định nghĩa việc thánh hiến cho Mẹ Maria là sự thừa nhận công khai về “vai trò đặc biệt của Đức Maria trong Mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Giáo hội, về tầm quan trọng phổ quát và gương mẫu của chứng tá Tin Mừng của Mẹ, về sự tin cậy vào lời chuyển cầu của Mẹ, và hiệu quả của sự bảo trợ của Mẹ.”

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II – người đã thánh hiến toàn thể Giáo hội và thế giới cho Mẹ Maria ba lần trong triều đại giáo hoàng của ngài – đã dạy rằng bằng cách thánh hiến mình cho Mẹ Maria, chúng ta chấp nhận sự giúp đỡ của Mẹ trong việc dâng mình trọn vẹn cho Chúa Kitô.

Tại sao lại thánh hiến nước Nga?

Trong lần hiện ra tại Fatima vào ngày 13/7/1917, Đức Mẹ đã yêu cầu thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ. Nữ tu Lucia, một trong ba trẻ mục đồng được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra, nói rằng Mẹ Maria đã nói với chị: “Nếu những yêu cầu của Mẹ được chú ý, nước Nga sẽ được hoán cải, và sẽ có hòa bình; nếu không, nó sẽ gieo rắc sai lầm của mình ra khắp thế giới, gây ra chiến tranh và đàn áp Giáo hội. Những người tốt phải tử đạo; Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ; các quốc gia khác nhau sẽ bị tiêu diệt.”

“Cuối cùng, Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ sẽ chiến thắng. Đức Thánh Cha sẽ thánh hiến nước Nga cho Mẹ, và nó sẽ được hoán cải, và một thời kỳ hòa bình sẽ được ban cho thế giới.”

Thánh hiến Giáo hội và thế giới

Sau những lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nhiều Giáo hoàng đã thánh hiến toàn Giáo hội và thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria.

Vào ngày 31/10/1942, Đức Piô XII đã thánh hiến toàn thế giới, và vào ngày 7/7/1952 ngài đã thánh hiến các dân tộc của Nga cho Trái tim Vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria trong Tông thư Sacro vergente anno: “Cũng như cách đây vài năm, chúng ta đã thánh hiến toàn thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Thiên Chúa, thì bây giờ, theo cách đặc biệt nhất, chúng ta thánh hiến tất cả các dân tộc của Nga cho cùng Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội.” – Đức Giáo Hoàng Piô XII

Vào ngày 21/11/1964, thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã tái thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội trước sự hiện diện của các nghị phụ của Công đồng Vatican II.

Sau đó, để đáp lại những yêu cầu của Đức Mẹ trọn vẹn hơn, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn thực hiện rõ ràng trong Năm Thánh Cứu chuộc hành động phó thác vào ngày 7/6/1981, được lặp lại tại Fatima vào ngày 13/5/1982. Để nhớ đến lời thưa Xin Vâng của Đức Maria vào giây phút Truyền tin, ngày 25/3/1984, tại Quảng trường thánh Phêrô, trong sự hiệp thông thiêng liêng với tất cả các giám mục trên thế giới, đã được “triệu tập” trước đó, thánh Gioan Phaolô II đã phó thác mọi dân tộc cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria.

Việc Đức Gioan Phaolô II dâng hiến cho thế giới ngày 25/3/1984, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, đã gây ra nhiều tranh cãi và thậm chí cả thuyết âm mưu. Vào tháng 6/2000, Tòa Thánh đã công bố phần thứ ba của bí mật Fatima. Vào thời điểm đó, Đức tổng giám mục Tarcisio Bertone, Tổng Thư ký Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ, đã nhấn mạnh rằng nữ tu Lucia, trong một lá thư năm 1989, đã đích thân xác nhận rằng hành động thánh hiến trọng thể và phổ quát này tương ứng với những gì Đức Mẹ muốn. Chị viết: “Vâng, nó đã được thực hiện giống như Đức Mẹ đã yêu cầu, vào ngày 25/3/1984”.

Yêu cầu của các giám mục Ucraina

Quyết định thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ đã được Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo sau khi các giám mục Ucraina xin ngài thực hiện hành động thánh hiến này. Trong thư được đăng trên trang web của các giám mục hôm thứ Tư Lễ Tro ngày 2/3/2022, các giám mục Ucraina nói rằng họ đã viết thư thỉnh cầu Đức Thánh Cha “trong những giờ phút đau đớn khôn lường và thử thách khủng khiếp đối với nhân dân của chúng tôi”. Đáp lại nhiều yêu cầu thánh hiến, các giám mục “khiêm tốn xin Đức Thánh Cha công khai thực hiện hành động thánh hiến Ucraina và Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, theo yêu cầu của Đức Trinh Nữ ở Fatima.” “Xin Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương Hòa bình, cầu cho chúng con: Regina pacis, ora pro nobis.” Các giám mục Ucraina cũng đăng trên trang web của mình một kinh cập nhật bằng tiếng Ucraina về việc thánh hiến nước này cho Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ, yêu cầu các tín hữu đọc kinh này cách cá nhân và sau mỗi Thánh lễ.

Phản ứng của các giám mục Ucraina về việc thánh hiến

Quyết định thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ đã được các giám mục của Ucraina và Nga hân hoan đón nhận. Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 16/3/2022, Đức tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk, tổng giám mục trưởng của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina, giải thích rằng đó là một “hành động tinh thần được người dân Ucraina chờ đợi từ lâu”, không chỉ kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công hiện tại của Nga mà còn kể từ khi bắt đầu bị Nga xâm lược, vào năm 2014, những người Công giáo Ucraina thỉnh nguyện việc thánh hiến này “như một nhu cầu cấp bách để tránh sự gia tăng chiến tranh và những nguy cơ đến từ Nga”. Đức tổng giám mục Shevchuk cho biết thêm rằng sau cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24/2/2022, những lời cầu nguyện đã đến từ khắp nơi trên thế giới để sự thánh hiến này diễn ra. Ngài khẳng định: “Với những cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Thánh Cha, tôi đã đệ trình mong muốn này của các tín hữu của Giáo hội chúng tôi”.

Lãnh đạo Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina tuyên bố cách mạnh mẽ: “Chúng tôi phó thác cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria mọi đau khổ và hy vọng về hòa bình cho dân tộc tử đạo của chúng tôi.” Chính ngài, vào ngày 23/10/2016, tại Fatima, đã thánh hiến Ucraina cho Trái tim Đức Mẹ.

Phản ứng của các giám mục Nga về việc thánh hiến

Về phần mình, Đức tổng giám mục Paolo Pezzi, Tổng giám mục Giáo phận Mátxcơva, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Liên bang Nga, khẳng định với hãng tin SIR của Ý rằng ngài đã hoan nghênh quyết định của Đức Giáo hoàng với “niềm vui và lòng biết ơn to lớn”. Ngài nói: “Fatima, ít nhất là đối với Giáo hội Công giáo, có mối liên hệ đặc biệt với Nga và với mọi xung đột phát sinh trên thế giới”. Ngài nhấn mạnh rằng ý nghĩa biểu tượng của sự thánh hiến này tất nhiên gắn liền với nhu cầu để ngăn chặn đổ máu ở Ucraina.

Còn Đức cha Clemens Pickel của giáo phận Saratov của Nga nói rằng các giám mục Nga vui mừng vì Đức Thánh Cha đã quyết định thực hiện việc thánh hiến. Ngài nói với Vatican News rằng các giám mục Nga đang chuẩn bị cho Hành động Thánh hiến bằng cách chú trọng đến việc giúp tín hữu Nga hiểu rõ việc này. Ngài giải thích: “Điều quan trọng là chính chúng ta cùng cầu nguyện và nó thuộc về tấm lòng của chúng ta.” Ngài nói thêm rằng “việc dâng mình cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria không phải là ma thuật; đó là lời cầu nguyện.” “Chúng tôi muốn cầu xin Đức Mẹ với quyền năng trên trời của Mẹ cho sự đổ máu có thể ngừng lại, càng sớm càng tốt.”

Nhiều giám mục trên thế giới sẽ tham gia việc thánh hiến vào ngày 25/3/2022

Đáp lại lời Đức Thánh Cha mời gọi cùng với ngài thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ, nhiều hội đồng giám mục đã công khai bày tỏ sự ủng hộ và tham gia sáng kiến của Đức Thánh Cha. Tại Hoa Kỳ, nhiều giám mục của các giáo phận đã thông báo chương trình cử hành ngày 25/3 tới đây với các Thánh lễ hay giờ cầu nguyện và mời gọi các tín hữu cùng tham gia cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina và trên thế giới. Nhiều nhà thờ sẽ đánh chuông vào giờ quy định để nhắc các tín hữu cầu nguyện theo ý chỉ của Đức Thánh Cha.

Tại Syria, Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, cho biết ngài mời gọi các giám mục Syria hợp với Đức Thánh Cha thánh hiến Ucraina và Nga cho Trái tim Đức Mẹ. Ngài nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Liệu chúng ta có thể thoát ra khỏi vòng xoáy của đau đớn và chết chóc này không? Liệu chúng ta có thể lại học cách bước đi và bước đi trên những con đường hòa bình không? Cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa, dưới cái nhìn của Mẹ Thiên Chúa, tôi muốn trả lời: Vâng, điều đó có thể cho tất cả mọi người!’”

Tại Âu châu, các giám mục Anh và xứ Wales thông báo hôm 17/3/2022 rằng họ sẽ tham dự việc thánh hiến. Đức Hồng y Vincent Nichols, Chủ tịch Hội đồng giám mục Anh và xứ Wales, sẽ thực hiện việc thánh hiến trong Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Westminster lúc 5:30 chiều ngày 25/3/2022.

Còn Đức cha Mark O’Toole của Plymouth, miền nam nước Anh, sẽ hướng dẫn giờ lần hạt Mân Côi tại Nhà thờ Chính tòa Đức Maria và Thánh Bonifaxio vào sáng ngày thánh hiến. Ngài nói: “Tôi rất cảm động trước sáng kiến của Đức Thánh Cha và mong muốn được hợp nhất với ngài, các giám mục anh em của tôi, và những người Công giáo ở Anh và xứ Wales trong hành động thánh hiến này.” “Chúng ta biết rằng chúng ta rất cần món quà của hòa bình và hòa giải, và chúng ta sẽ phó thác tất cả những ai đang đau khổ vào thời điểm này cho Đức Mẹ, vì biết rằng Mẹ sẽ dâng tất cả những đứa con đau khổ của Mẹ cho Chúa của chúng ta.”

Trong khi đó, các giám mục Mỹ châu và vùng Caribe cho biết các ngài sẽ tham gia vào sáng kiến thánh hiến được Đức Thánh Cha khởi xướng. Các ngài mời các tín hữu Công giáo, và 22 Hội đồng giám mục trong vùng hợp với ý chỉ của Đức Thánh Cha.

Từ Á châu, các giám mục Philippines và Malaysia cũng đã bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của Đức Thánh Cha trong việc thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ.

Nguồn: vaticannews.va

“Làm lành, ta đừng quản ngại từ nan; đến thời đến buổi, ta sẽ gặt, miễn là đã không bỏ buông trôi. Vậy bao lâu còn dịp, ta hãy làm lành đối với mọi người” (Gl 6, 9-10).

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay là thời gian thuận lợi để canh tân cá nhân và cộng đoàn, mùa dẫn đưa chúng ta đến mầu nhiệm vượt qua về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Trong hành trình Mùa Chay 2022, chúng ta sẽ suy gẫm về lời khích lệ của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Galát: “Làm lành, ta đừng quản ngại từ nan; đến thời đến buổi, ta sẽ gặt, miễn là đã không bỏ buông trôi. Vậy bao lâu còn dịp (kairós), ta hãy làm lành đối với mọi người” (Gl 6, 9-10).

1. GIEO VÀ GẶT

Bằng những lời này, thánh Tông đồ gợi lên hình ảnh gieo và gặt, rất đỗi thân thương với Chúa Giêsu (x. Mt 13). Thánh Phaolô nói với chúng ta về một kairós: một dịp hay một thời cơ thích hợp để gieo vãi điều tốt, hướng nhìn về một vụ mùa tương lai. “Thời cơ” đối với chúng ta là gì? Mùa Chay chắc chắn là một thời cơ thuận lợi, nhưng toàn bộ cuộc sống chúng ta trên dương gian này đều là thời cơ như thế, trong đó Mùa Chay, theo cách nào đó, là một trường hợp điển hình của thời cơ này[1]. Trong cuộc đời này, chúng ta thường tham lam, kiêu căng, ham muốn chiếm hữu, tích lũy và hưởng thụ, như dụ ngôn người đàn ông ngu dại trong Tin Mừng cho thấy, ông nghĩ rằng cuộc sống mình ấm no hạnh phúc, nhờ lúa thóc dồi dào và hoa trái mùa màng chất đống trong kho (x. Lc 12, 16-21). Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải, thay đổi tâm thức, sao cho chúng ta thấy được vẻ chân thật và tuyệt mỹ của cuộc đời không hệ tại ở việc sở hữu nhưng là việc cho đi, không phải là tích lũy nhưng là gieo vãi và chia sẻ điều tốt.

Người gieo hạt đầu tiên là chính Thiên Chúa, Đấng với lòng quảng đại cao cả “tiếp tục vãi gieo những hạt giống tốt trong gia đình nhân loại” (Fratelli Tutti, số 54). Trong suốt Mùa Chay, chúng ta được kêu gọi để đáp lại ân huệ này của Thiên Chúa bằng cách đón nhận lời Người là lời “sống động và linh hoạt” (Hr 4, 12). Nhờ thường xuyên lắng nghe lời Chúa, chúng ta cởi mở và ngoan ngoãn, sẵn sàng để Ngài hoạt động (x. Gc 1, 21), làm cuộc sống chúng ta trổ sinh hoa trái. Điều này mang lại cho chúng ta nỗi hân hoan vui mừng, thậm chí còn hơn thế nữa, vì chúng ta được trở thành cộng tác viên của Thiên Chúa (x. 1 Cr 3, 9), khi tận dụng thời buổi hiện tại (x. Ep 5,16), chúng ta cũng có thể gieo vãi những hạt giống tốt lành. Không nên coi lời mời gọi gieo vãi sự tốt lành này như gánh nặng, nhưng như là ân huệ, qua đó Đấng Tạo Hóa mong muốn chúng ta tích cực kết hợp với sự tốt lành vô biên của Ngài.

Còn vụ mùa thì thế nào? Chúng ta gieo trồng không để gặt hái hay sao? Dĩ nhiên là có! Thánh Phaolô chỉ ra mối tương quan chặt chẽ giữa gieo và gặt khi ngài khẳng định: “Gieo sẻn thì gặt sẻn; gieo hậu thì gặt hậu” (2Cr 9, 6). Nhưng chúng ta đang nói về mùa gặt nào? Hoa trái đầu tiên của những điều tốt lành mà chúng ta gieo xuất hiện nơi chính chúng ta và trong đời sống hàng ngày của chúng ta, thậm chí ngay cả trong những nghĩa cử nhỏ bé của chúng ta. Trong Chúa, không một hành vi yêu mến nào, dẫu có nhỏ bé đến đâu, không một “cố gắng quảng đại” nào sẽ bị mất đi (x. Evangelii Gaudium, số 279). Cây được nhận biết nhờ hoa trái của nó (x. Mt 7, 16.20), cũng vậy một đời sống đầy những việc lành sẽ tỏa sáng (x. Mt 5, 14-16) và mang hương thơm của Đức Kitô đến cho thế giới (x. 2Cr 2, 15).

Khi không vương tội lỗi, việc phụng sự Thiên Chúa của chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái thánh thiện cứu độ tất cả (x. Rm 6, 22). Thực tế, chúng ta chỉ thấy phần nào hoa trái mà chúng ta gieo vãi, bởi vì, theo câu tục ngữ  trong Tin mừng : “Người này gieo kẻ khác gặt!” (Ga 4, 37). Chính khi gieo vãi vì lợi ích của người khác, chúng ta thông dự vào lòng đại lượng bao dung của Thiên Chúa: “Phải thật cao thượng mới có thể khởi sự những tiến trình mà người khác sẽ thu lượm hoa trái, trong khi luôn đặt hy vọng nơi sức mạnh tiềm ẩn của những hạt giống tốt lành được vãi gieo” (Fratelli Tutti, số 196). Việc gieo vãi sự tốt lành vì lợi ích của người khác giải thoát chúng ta khỏi thói tư lợi hẹp hòi, khiến những hành vi của chúng ta thấm đẫm sự vô vị lợi, đưa chúng ta đến viễn tượng tuyệt vời trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

Lời Chúa mở rộng và nâng cao tầm nhìn của chúng ta: Lời Chúa nói với chúng ta rằng mùa gặt đích thực là mùa gặt cánh chung, mùa gặt của ngày sau hết, ngày mặt trời không bao giờ lặn. Hoa màu sung mãn trong đời sống và hoạt động của chúng ta là “hoa màu sự sống đời đời” (Ga 4, 36), là “kho tàng trên trời” của chúng ta (Lc 12, 33; 18, 22). Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt lúa vùi trong đất chết đi và mang lại hoa trái như biểu tượng của mầu nhiệm chết và phục sinh của Người (x. Ga 12, 24), trong khi Thánh Phaolô dùng cùng một hình ảnh để nói về sự phục sinh thân xác của chúng ta: “Gieo xuống trong hư hoại, sống lại trong bất hoại; gieo xuống trong ô nhục, sống lại trong vinh quang; gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong quyền năng; gieo xuống là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng!” (1Cr 15, 42-44). Niềm hy vọng phục sinh là nguồn ánh sáng huy hoàng mà Đức Kitô phục sinh mang lại cho thế giới, vì “Nếu ta đặt mối hi vọng vào Ðức Kitô vẻn vẹn cho lúc sinh thời này thôi, thì quả ta là những kẻ khốn nạn nhất trong cả thiên hạ! Nhưng kỳ thực, Ðức Kitô đã sống lại từ cõi chết, tiên thường của các vong linh” (1Cr 15, 19-20). Những ai kết hợp mật thiết với Ngài trong tình yêu, “nên đồng hình với sự chết của Ngài” (Rm 6, 5) cũng sẽ được liên kết vào sự phục sinh của Ngài để được sống đời đời (x. Ga 5, 29). “Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha họ” (Mt 13, 43).

2. “LÀM LÀNH, TA ĐỪNG QUẢN NGẠI TỪ NAN”

Sự phục sinh của Chúa Kitô làm sinh động niềm hy vọng trần thế bằng “niềm hy vọng lớn lao” về cuộc sống vĩnh cửu, và đã gieo trồng hạt giống cứu độ ngay thời hiện tại này rồi (x. BÊNÊĐICTÔ XVI, Spe Salvi, số 3 và 7). Khi đối diện với nỗi thất vọng đắng cay vì ước mơ tan vỡ, mối bận tâm sâu xa trước những thử thách đang chờ đón và sự ngã lòng chán nản trước những nguồn lực nghèo nàn, chúng ta có thể bị cám dỗ muốn ích kỷ thu mình lại và tìm nơi ẩn náu trong thái độ thờ ơ trước những khổ đau của người khác. Thật vậy, ngay cả các nguồn lực tốt nhất thì cũng có giới hạn: “Trẻ trung thì mệt, thì mỏi, tráng đinh nghiêng ngả bổ nhào”(Is 40, 30). Tuy nhiên, Thiên Chúa “ban sức mạnh cho kẻ mệt mỏi và kẻ không cường tráng được Người tăng thêm khang kiện. […] những ai trông vào Đức Chúa, sẽ có sức mạnh luôn luôn đổi mới, chúng mọc cánh như những phụng hoàng; chúng chạy mà không mỏi, chúng đi mà không mệt” (Is 40, 29.31). Mùa chay kêu gọi chúng ta đặt niềm tin và trông cậy vào Chúa (x. 1Pr 1, 21), vì chỉ khi nào chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh (x. Dt 12, 2) chúng ta mới có thể đáp lại lời kêu gọi của Thánh Tông đồ: “Làm lành, ta đừng quản ngại từ nan” (Gl 6, 9).

Khi cầu nguyện, đừng quản ngại từ nan. Chúa Giêsu dạy chúng ta “phải cầu nguyện luôn, đừng nhàm chán” (Lc 18, 1). Chúng ta phải cầu nguyện vì chúng ta cần Chúa. Nghĩ rằng không cần gì khác ngoài chính bản thân mình là một ảo tưởng nguy hiểm. Nếu cơn đại dịch có nâng cao nhận thức chúng ta về sự mong manh của mỗi cá nhân và cả xã hội, thì ước mong sao mùa Chay này cho phép chúng ta cảm nghiệm được niềm an ủi nhờ niềm tin vào Thiên Chúa, vì không có Ngài chúng ta không thể đứng vững (x. Is 7, 9). Không ai được cứu độ một mình, vì tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền, giữa những cơn bão tố của lịch sử[2]; và chắc chắn không ai được cứu độ mà không cần Chúa, vì chỉ có mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô mới chiến thắng vùng nước tối đen của tử thần. Đức tin không miễn trừ cho chúng ta khỏi những gánh nặng và gian truân trên đường đời, nhưng nó cho phép chúng ta đương đầu với chúng qua việc kết hiệp với Thiên Chúa trong Đức Kitô, với niềm hy vọng lớn lao chẳng làm chúng ta thất vọng, và dấu chứng bảo đảm cho điều đó chính là tình yêu mà Thiên Chúa đã tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5, 1-5).

Đừng quản ngại từ nan khi nhổ bỏ cái ác ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Ước mong việc chay tịnh phần xác mà Mùa Chay kêu gọi, làm tinh thần chúng ta thêm vững mạnh để chiến đấu chống trả tội lỗi. Đừng quản ngại từ nan khi cầu xin ơn tha thứ trong Bí tích Sám hối và Hòa giải, vì biết rằng Thiên Chúa chẳng bao giờ mệt mỏi khi tha thứ[3]Đừng quản ngại từ nan khi chống lại dục vọng. Đây chính là điểm yếu dẫn đến tính ích kỷ và tất cả mọi thói xấu, và theo suốt dòng lịch sử, với những cách thức khác nhau đã mê hoặc con người khiến họ đắm chìm trong tội (x. Fratelli Tutti, số 166). Một trong các thói xấu này là chứng nghiện phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Thói tật trên làm cho các mối tương quan của con người hóa ra nghèo nàn. Mùa Chay là thời gian thuận lợi để chống lại những loại cám dỗ này và thay vào đó là vun đắp một hình thức giao tiếp trọn vẹn tình người hơn (x. Fratelli Tutti, số 43), vốn được tạo thành từ “những cuộc gặp gỡ đích thực” (Fratelli Tutti, số 50), trực tiếp mặt đối mặt.

Đừng quản ngại từ nan khi tích cực làm các việc bác ái đối với những người thân cận. Trong suốt Mùa Chay này, chúng ta hãy vui vẻ thực hành bố thí (x. 2 Cr 9, 7). Thiên Chúa là “Ðấng đã cung cấp giống cho kẻ gieo, và bánh nuôi mình cho họ” (2 Cr 9, 10), ban cho mỗi người chúng ta không chỉ có lương thực để ăn, mà còn để quảng đại làm điều tốt cho người khác. Dù đúng là chúng ta có cả cuộc đời để gieo vãi sự tốt lành, nhưng chúng ta hãy đặc biệt tận dụng Mùa Chay này để quan tâm đến những người thân cận với chúng ta, để làm cho những anh chị em đang bị tổn thương trên đường đời trở thành những người thân cận với chúng ta (x. Lc 10, 25-37). Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để tìm gặp, chứ không phải để lảng tránh những người thiếu thốn; để tiếp cận, chứ không phớt lờ những người muốn được lắng nghe và cần một lời nói tử tế; để thăm viếng, chứ không bỏ rơi những người cô đơn. Chúng ta hãy thực hành lời mời gọi làm điều tốt lành với tất cả mọi người, dành thời gian để yêu thương những người nghèo hèn và yếu đuối, những người bị bỏ rơi và khinh miệt, những người bị kỳ thị và bị gạt ra bên lề xã hội (x. Fratelli Tutti, số 193).

3. “ĐẾN THỜI ĐẾN BUỔI, TA SẼ GẶT, MIỄN LÀ ĐÃ KHÔNG BỎ BUÔNG TRÔI”

Hàng năm trong Mùa Chay chúng ta được nhắc nhở rằng “Điều thiện hảo, cũng như tình yêu, công lý và sự liên đới không cứ giành được một lần là có mãi nhưng phải chinh phục mỗi ngày” (Fratelli Tutti, số 11). Vì vậy, hãy xin Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng kiên trì nhẫn nại của nhà nông (x. Gc 5, 7) để không thôi làm điều tốt, làm từng việc một. Nếu chúng ta quỵ ngã, hãy chìa tay ra cho Chúa Cha, Người luôn luôn nâng chúng ta dậy. Nếu chúng ta lầm đường, lạc lối bởi những cám dỗ của sự dữ, chúng ta đừng ngần ngại trở về với Thiên Chúa, “Người giàu ơn tha thứ” (Is 55, 7). Trong mùa sám hối này, được nâng đỡ bởi ân sủng của Thiên Chúa và sự hiệp thông trong Hội Thánh, chúng ta đừng chán nản và mệt mỏi khi gieo vãi điều tốt trên mảnh đất được chuẩn bị bằng chay tịnh, được tưới bón bởi cầu nguyện và được trở nên màu mỡ nhờ đức ái. Chúng ta hãy vững tin rằng “đến thời đến buổi, ta sẽ gặt, miễn là đã không bỏ buông trôi”, và với ơn kiên trì, chúng ta sẽ đạt được điều Chúa đã hứa (x. Dt 10, 36) cho chúng ta và cả người khác cùng được hưởng ơn cứu độ (x. 1Tm 4, 16). Bằng cách vun đắp tình huynh đệ với mọi người, chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô, Đấng hiến ban sự sống mình vì chúng ta (x. 2Cr 5, 14-15), và chúng ta được hưởng nếm trước niềm vui của Nước Trời khi Thiên Chúa “là tất cả trong mọi sự” (1Cr 15, 28)

Lạy Đức Trinh nữ Maria, từ cung lòng Mẹ, Đấng Cứu Thế đã được sinh ra và Mẹ đã “giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19), xin Mẹ bầu cử cho chúng con có được ơn kiên trì. Xin Mẹ hiện diện bên chúng con bằng tấm lòng từ mẫu của Mẹ, để mùa sám hối này mang lại hoa trái ơn cứu độ đời đời.

Roma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 11 tháng 11 năm 2021, lễ nhớ Thánh Máctinô, Giám mục.

Phanxicô

Bản dịch của Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
WHĐ (24.02.2022)


[1] X. THÁNH AUGUSTINÔ, Bài giảng 243, 9,8; 270, 3; Giải thích Thánh vịnh 110, 1.

[2] X. Thời khắc cầu nguyện đặc biệt trong mùa đại dịch (27.03.2020).

[3] X. Giờ kinh Truyền tin 17.03.2013.

Kinh nguyện được đọc bằng những ngôn ngữ khác nhau, với sự tham gia của Đức cha Laurent Noël, 101 tuổi, là giám mục cao tuổi nhất thế giới.

Kinh nguyện chính thức của Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa
cho con được an ủi qua sự hiện diện của Chúa:
Ngay cả trong khi cô đơn lẻ loi,
Chúa là hy vọng và sự tin tưởng của con;
Chúa là đá tảng và thành trì của con từ thời niên thiếu!

Con cảm ơn Chúa đã ban cho con một gia đình,
và đã ban phúc cho con được sống lâu dài.
Con cảm ơn Chúa về những phút giây vui mừng và khó khăn,
về những giấc mơ đã thành sự thật trong cuộc sống của con
và về những gì đang còn ở phía trước.
Con cảm ơn Chúa về thời gian này
khi Chúa mời gọi con tiếp tục mang lại hoa trái.

Lạy Chúa xin ban thêm đức tin cho con;
xin biến con thành khí cụ bình an của Chúa;
xin dạy con đón nhận những người đau khổ hơn con;
xin dạy con đừng bao giờ thôi ước mơ
và dạy con tường thuật những điều kỳ diệu của Chúa cho các thế hệ trẻ.

Xin bảo vệ và hướng dẫn Đức Giáo hoàng Phanxicô và Giáo hội,
để ánh sáng Tin Mừng có thể chiếu rọi đến tận cùng trái đất.

Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến canh tân thế giới,
để cơn bão đại dịch được dịu êm,
để người nghèo được an ủi và chiến tranh chấm dứt.

Xin nâng đỡ con khi yếu đuối
và giúp con sống tràn đầy mỗi giây phút Chúa ban cho con,
với xác tín rằng Chúa ở với con mọi ngày
cho đến tận thế. Amen (CSR_5150_2021)

Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất tại Roma

Tại Roma, Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất sẽ được cử hành với Thánh lễ vào lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 25/7?2021 tại đền thờ thánh Phêrô, với sự tham dự của 2.000 người của giáo phận và các hiệp hội tham gia hoạt động mục vụ người cao tuổi. Phần lớn trong số những người này sẽ là các ông bà được các cháu đi cùng, nhưng cũng có vài trăm người cao niên, những người mà đây là lần thứ nhất họ có thể rời nhà từ sau hơn một năm đại dịch, sẽ đến tham dự Thánh lễ.

Vào cuối Thánh lễ, những người trẻ hiện diện tại đền thờ thánh Phêrô sẽ tặng cho các ông bà và những người cao tuổi hiện diện trong Thánh lễ một bông hoa cùng với lời của Đức Thánh Cha: “Tôi luôn ở với anh chị em”.

Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống mời gọi mọi người, đặc biệt những người trẻ, cử hành Ngày Thế giới Ông bà và người Cao tuổi bằng cách thăm viếng ông bà của họ hoặc những người cao tuổi sống trong cộng đoàn của họ. Việc thăm viếng – có thể được nhận ơn Toàn xá – là cơ hội để trao sứ điệp của Đức Thánh Cha và đọc lời kinh nguyện nhân Ngày này. (CSR_5151_2021)

Nguồn: Hồng Thủy – Vatican News

WHĐ (28.1.2021) – Ngày 11 tháng 11 năm 2020, Lễ nhớ Thánh Mactinô thành Tours, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp mùa Chay 2021 với chủ đề: “Mùa Chay: Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu.” Sau đây là bản dịch Việt ngữ của Ban dịch thuật HĐGMVN.

Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Này chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20,18)
Mùa Chay: Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu

Anh chị em thân mến,

Khi loan báo cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người để hoàn thành Thánh ý Cha, Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ ý nghĩa sâu sắc nhất về sứ mạng của Người và mời gọi họ chia sẻ sứ mạng này để cứu độ thế giới.

Trong hành trình Mùa Chay hướng về Phục Sinh, chúng ta hãy nhớ đến Đấng đã “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi đã bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phi 2,8). Trong suốt mùa sám hối này, chúng ta hãy làm mới lại đức tin của chúng ta, kín múc “nước hằng sống” của niềm hy vọng, và mở lòng đón nhận tình yêu Chúa là Đấng đã làm cho chúng ta trở nên anh chị em trong Chúa Kitô. Vào đêm Canh thức Vượt qua, chúng ta sẽ làm mới lại lời hứa của Bí tích Rửa tội để được tái sinh nên những con người mới nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Hành trình Mùa Chay này, cũng như toàn bộ cuộc lữ hành của đời Kitô hữu, ngay lúc này được chiếu soi nhờ ánh sáng phục sinh, trở nên nguồn cảm hứng cho những suy nghĩ, thái độ và quyết định của các môn đệ Chúa Kitô.

Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như lời rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 6, 1-18), là điều kiện giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải. Nẻo đường khó nghèo và bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và như trẻ thơ trò chuyện với Chúa Cha (cầu nguyện) làm cho chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái tích cực.

  1. Đức tin mời gọi chúng ta chấp nhận sự thật và làm chứng cho sự thật trước Thiên Chúa và trước toàn thể anh chị em mình.

Trong Mùa Chay này, chấp nhận và sống sự thật được mặc khải trong Chúa Kitô, trước hết là mở rộng tâm hồn trước Lời Chúa mà Giáo hội đã trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sự thật này không phải là loại khái niệm trừu tượng dành riêng cho một số người thông thái được tuyển chọn, nhưng là một sứ điệp mà tất cả chúng ta có thể nhận lãnh và hiểu biết nhờ vào sự khôn ngoan của một tâm hồn biết mở rộng trước sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta ngay cả trước khi chúng ta nhận thức về điều này. Sự thật này là chính Chúa Kitô. Bằng cách mang lấy thân phận con người của chúng ta, ngay cả trong những giới hạn của nó, Người đã làm cho chính mình trở nên con đường dẫn đến sự sống viên mãn. Đây là con đường tuy đòi hỏi nhưng mở ra cho tất cả mọi người.

Được kinh nghiệm như một hình thức tự hủy, việc ăn chay sẽ giúp cho những ai thực hành với tâm hồn đơn sơ tái khám phá ân huệ của Thiên Chúa và nhận ra rằng sự thành toàn của mình là ở nơi Thiên Chúa bởi lẽ con người được dựng nên theo hình ảnh và giống với Người. Cùng với kinh nghiệm về sự khó nghèo, người ăn chay làm cho chính mình trở nên nghèo với người nghèo và tích lũy kho báu của tình yêu vừa đón nhận vừa chia sẻ. Được hiểu và thực hành như thế, ăn chay giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, vì yêu mến, như Thánh Tôma Aquinô dạy, là một chuyển động hướng ngoại tập chú vào người khác và xem họ như một với chính mình (x. Fratelli Tutti, 93).

Mùa Chay là thời gian để tin tưởng, nghĩa là để đón tiếp Thiên Chúa vào cuộc đời chúng ta và ưng thuận để Người “ở lại” với chúng ta (x. Ga 14, 23). Ăn chay giải thoát chúng ta khỏi tất cả những gì xâm chiếm cuộc đời chúng ta, như khỏi chủ nghĩa tiêu thụ và thừa mứa thông tin (cả thông tin thật lẫn thông tin giả), để mở lòng ra với Đấng đến với chúng ta, Người nghèo khó trong mọi sự nhưng “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14): Người là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta.

  1. Niềm hy vọng như “nước hằng sống” cho phép chúng ta tiếp tục hành trình

Người phụ nữ Samari mà Chúa Giêsu xin nước uống bên giếng đã không hiểu khi Chúa Giêsu nói rằng Người có thể cho bà “nước hằng sống” (Ga 4,10). Một cách tự nhiên, bà nghĩ rằng Người đề cập đến nước vật chất, nhưng Chúa Giêsu có ý nói về Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người sẽ ban dồi dào qua mầu nhiệm Vượt qua, Đấng tuôn đổ trên chúng ta niềm hy vọng không gây thất vọng. Khi loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa Giêsu đã nói về niềm hy vọng này: “ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20,19). Chúa Giêsu đang nói về một tương lai rộng mở nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Hy vọng với Người và vì Người có nghĩa là tin tưởng rằng lịch sử không chấm dứt với những lầm lỗi của chúng ta, với những bạo lực và bất công của chúng ta, hay với tội ác đã đóng đinh Đấng là Tình Yêu. Niềm hy vọng đó cũng có nghĩa là đón nhận từ trái tim rộng mở của Người ơn tha thứ của Thiên Chúa Cha.

Trong hoàn cảnh lo âu hiện nay, khi mọi việc có vẻ mong manh và bấp bênh, thì việc nói về niềm hy vọng dường như là một thách đố. Nhưng Mùa Chay chắc chắn là mùa hy vọng, khi chúng ta quay trở lại với Thiên Chúa là Đấng vẫn tiếp tục nhẫn nại để chăm sóc thụ tạo của Người, đang khi chúng ta lại thường ngược đãi (x. TĐ. Laudato si’, 32-33; 43-44). Thánh Phaolô thúc giục chúng ta đặt niềm hy vọng nơi việc hòa giải: “Hãy giao hòa với Thiên Chúa” (2Cor 5,20). Bằng cách đón nhận ơn tha thứ trong bí tích vốn là trọng tâm quá trình hoán cải của chúng ta, đến lượt mình, chúng ta có thể lan truyền ơn tha thứ cho người khác. Một khi bản thân đã nhận được ơn tha thứ, chúng ta có thể trao tặng nó qua việc sẵn sàng đi vào cuộc trò chuyện ân cần với người khác và an ủi những người đang trải qua nỗi buồn đau. Ơn tha thứ của Thiên Chúa, cũng được trao ban qua lời nói và hành động của chúng ta, có thể giúp chúng ta trải nghiệm ngày Phục sinh của tình huynh đệ.

Trong Mùa Chay, ước mong chúng ta chú ý hơn để “nói những lời tích cực để vỗ về, trợ lực, an ủi và khích lệ chứ không nói những lời miệt thị, bi quan, khích bác hoặc chê bai” (Fratelli Tutti, 223). Đôi khi để trao tặng niềm hy vọng, chỉ cần là một người tử tế, “sẵn sàng bỏ qua những bận tâm và việc cần làm ngay của mình để lưu tâm đến người khác, để trao tặng một nụ cười, để nói một lời khích lệ, để lắng nghe giữa một nơi chốn đầy vẻ dửng dưng (nt., 224).

Qua việc tĩnh tâm và thinh lặng cầu nguyện, chúng ta được ban cho có niềm hy vọng như sự cảm hứng và ánh sáng nội tâm, soi sáng những thử thách và những chọn lựa trong sứ vụ của mình. Vì thế, tĩnh tâm cốt yếu là để cầu nguyện (x. Mt 6,6) và để gặp gỡ, trong nơi kín ẩn, Thiên Chúa Cha đầy nhân ái dịu dàng.

Sống Mùa Chay trong niềm hy vọng có nghĩa là ý thức rằng, trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta là những chứng nhân của thời đại mới, nơi mà Thiên Chúa “đổi mới mọi sự” (x. Kh 21,5). Nghĩa là đón nhận niềm hy vọng của Chúa Kitô, Đấng đã trao ban sự sống của Người trên thánh giá và được Thiên Chúa cho trỗi dậy vào ngày thứ ba, đồng thời “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3, 15).

  1. Theo bước Chúa Kitô, trong việc quan tâm và động lòng thương mọi người, tình yêu là biểu hiện cao nhất của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta.

Tình yêu vui mừng khi thấy người khác lớn lên. Vì vậy nó đau khổ khi người khác đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị khinh thường hoặc thiếu thốn. Tình yêu là bước nhảy vọt của con tim, đưa chúng ta ra khỏi chính mình và tạo nên mối liên kết chia sẻ và hiệp thông.

“Tình yêu thương mang tính xã hội giúp chúng ta có khả năng tiến tới nền văn minh tình yêu, mà mọi người chúng ta đều cảm nhận mình được kêu gọi đến. Lòng bác ái, nhờ sức năng động phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới . Bác ái không đơn thuần là tình cảm, nhưng là phương thế tốt nhất để khám phá những con đường phát triển hữu hiệu đối với mọi người” (Fratelli Tutti, 183).

Tình yêu là món quà mang lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta. Nó làm cho chúng ta nhìn những người thiếu thốn như những thành viên trong gia đình mình, như bạn hữu, như anh chị em. Một số lượng ít ỏi, nếu được trao ban bằng tình yêu, sẽ không bao giờ cạn nhưng trở nên nguồn sống và hạnh phúc. Như trường hợp bình dầu và hũ bột của bà góa thành Xarépta, người đã tặng chiếc bánh cho tiên tri Êlia (x. 1V 17,7-16); đó cũng là trường hợp những chiếc bánh được Chúa Giêsu chúc lành, bẻ ra rồi trao cho các môn đệ để phân phát cho đám đông (x. Mc 6,30-44). Cũng xảy ra như thế qua những chia sẻ dù ít hay nhiều của chúng ta, khi được trao tặng với niềm vui và sự đơn thành.

Sống Mùa Chay với tình yêu nghĩa là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tương lai vô cùng bất ổn, hãy ghi nhớ lời Chúa nói với tôi tớ Người: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43,1) để với tình bác ái, chúng ta biết trao tặng những lời nói làm vững dạ an lòng và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con.

“Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hóa của họ được tôn trọng và do đó được thực sự hòa nhập vào xã hội” (Fratelli Tutti, 187).

Anh chị em thân mến! Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta.

Nguyện xin Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế và cũng là Mẹ các tín hữu, đứng dưới chân thánh giá và ở trong lòng Giáo Hội, nâng đỡ chúng ta bằng sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ. Nguyện xin phúc lành của Chúa Phục Sinh đồng hành với chúng ta trong hành trình hướng về ánh sáng Phục Sinh.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 11 tháng 11 năm 2020, Lễ nhớ Thánh Mactinô thành Tours.

Đức Thánh Cha Phanxicô

Tải về file word Sứ điệp Mùa Chay 2021 tại đây!

Ban dịch thuật HĐGMVN

Lúc 7giờ30 tối 24/12, ĐTC dâng Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh tại đền thờ Thánh Phêrô. Năm nay, do đại dịch để tránh giờ giới nghiêm, Thánh Lễ được cử hành sớm hơn mọi năm và chỉ một số ít người tham dự.

Bài giảng Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh

Đêm nay ứng nghiệm lời của đại ngôn sứ Isaia: “Một trẻ thơ đã chào đời vì chúng ta, một người con được ban tặng cho chúng ta” (Is 9,5).

Một người con được ban tặng cho chúng ta. Người ta thường nói thế này: niềm vui lớn nhất của cuộc sống, đó là niềm vui khi một trẻ thơ chào đời. Điều ấy thật phi thường, vì điều ấy thay đổi tất cả, điều ấy mang lại sức mạnh không thể hình dung, giúp vượt thắng khó khăn vất vả, giúp đánh thức khỏi mơ ngủ, bởi vì điều ấy mang lại niềm hạnh phúc lớn lao, để thấy rằng trước mắt chẳng có chi là đáng kể. Và Giáng Sinh là thế: Cuộc hạ sinh của Chúa Giêsu luôn là điều mới mẻ, giúp chúng ta mỗi năm lại được tái sinh từ bên trong, để tìm thấy nơi Người sức mạnh giúp chúng ta đối diện với mọi thử thách. Đúng thế, Người hạ sinh là vì chúng ta, là cho chúng ta: cho tôi, cho bạn, cho từng người. Và đó cũng là lời ngôn sứ Isaia chúng ta nghe đêm nay: “Một trẻ thơ chào đời vì chúng ta”, và chúng ta nhẩm đi nhắc lại trong Thánh Vịnh: “Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta”. Chúa Giêsu “đã trao ban chính mình Người cho chúng ta” (Tt 2,14), thánh Phaolo tuyên xưng như thế. Trong Tin Mừng, các thiên thần cũng loan báo: “Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,11).

Thế nhưng, có ý gì khi nói: “cho chúng ta, vì chúng ta”? Có nghĩa là, Con Thiên Chúa, bởi bản tính đầy ơn phúc, đã đến ban ơn chúc phúc cho chúng ta, để làm cho chúng ta trở thành những người con được chúc phúc. Đúng thế, Thiên Chúa đã đi vào thế giới trong vị thế của một Người Con, để nâng chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Thật là món quà tuyệt vời! Hôm nay Thiên Chúa làm cho chúng ta phải ngạc nhiên, và Ngài nói với từng người trong chúng ta rằng: Con thật tuyệt.  Anh chị em thân mến, đừng để mình bị nản lòng. Anh chị em có thể có cám dỗ nghĩ về những sai lầm của mình? Nhưng Thiên Chúa nói với anh chị em rằng: “Không, con là con của Cha!”. Anh chị em cảm thấy là sẽ không làm được, hoặc sợ là không xứng đáng, sợ là không thể thoát ra khỏi đường hầm? Nhưng Chúa nói: “Can đảm lên, vì Ta ở cùng con”. Thiên Chúa không nói với anh chị em bằng lời, nhưng chính Ngài đã trở nên một người con giống như bạn, như tôi, để giúp bạn nhớ điểm xuất phát của mọi cuộc tái sinh: đó là nhận biết rằng, bạn là con cái Thiên Chúa. Đây là tâm điểm không thể xóa nhòa của niềm hy vọng của chúng ta, đây là cốt lõi, là trụ cột nâng đỡ sự hiện hữu của chúng ta. Vượt qua tất cả những gì là phẩm chất và khiếm khuyết, vượt qua tất cả những gì là tổn thương lớn nhất và những thất bại nặng nề của quá khứ, vượt qua những gì là sợ hãi và bất an về tương lai, vượt qua tất cả những điều ấy, có một sự thật là: chúng ta là những người con được thương yêu. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, không phụ thuộc và không bao giờ phụ thuộc vào chúng ta: Tình yêu thương của Ngài hoàn toàn nhưng không, hoàn toàn là quà tặng, hoàn toàn là phúc lành. Đêm nay, thánh Phaolo nói với chúng ta: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2,11). Chẳng có gì đáng giá hơn thế.

Một người con được ban tặng cho chúng ta. Chúa Cha đã không ban cho chúng ta một điều gì đó, mà đã ban chính Người Con Duy Nhất của Ngài, vốn là tất cả niềm vui của Ngài. Thế nhưng, nếu chúng ta nhìn vào sự vô ơn mà con người dành cho Thiên Chúa và nhìn vào sự bất công mà con người dành cho nhau, sẽ nảy sinh nghi ngờ rằng: Thiên Chúa đã làm tất cả mọi điều tốt lành cho chúng ta, đã ban cho chúng ta như thế, liệu chúng ta có thực sự đáng tin nữa không? Thiên Chúa có đánh giá chúng ta quá cao hay không? Đúng, Thiên Chúa đánh giá chúng ta quá cao, đến nỗi Ngài yêu thương chúng ta cho đến chết. Ngài không thể không yêu thương chúng ta. Ngài là thế, Ngài khác chúng ta quá nhiều. Ngài luôn luôn yêu mến chúng ta, hơn tất cả những gì mà chúng ta có thể dành cho chính bản thân mình. Đó là bí mật của Ngài để đi vào trái tim chúng ta. Thiên Chúa biết rằng, cách thức duy nhất để cứu chúng ta, để chữa lành chúng ta, là yêu thương chúng ta. Thiên Chúa biết rằng, chúng ta có thể trở nên tốt hơn, chỉ bằng cách đón nhận tình yêu thương không mệt mỏi của Ngài, tình yêu mến ấy không bao giờ thay đổi, tình yêu mến ấy biến đổi chúng ta. Chỉ có tình yêu mến của Chúa Giêsu mới biến đổi cuộc đời, chữa lành những vết thương sâu kín nhất, giải thoát chúng ta khỏi vòng luẩn quẩn của những bất mãn, giận dữ và than phiền.

Một người con được ban tặng cho chúng ta. Trong máng cỏ nghèo nàn của chuồng bò tối tăm, ở đó có chính Con Thiên Chúa. Câu hỏi nảy sinh là: Tại sao Ngài sinh ra trong đêm, không ở một nơi xứng đáng, nhưng trong cảnh nghèo nàn và bị bỏ mặc, trong khi Ngài xứng đáng được hạ sinh nơi vĩ đại nhất nơi đẹp nhất trong các cung điện? Tại sao? Tại vì, để làm cho chúng ta hiểu tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta tới đâu, Ngài yêu thương chúng ta đến mức yêu mến thân phận con người, đến nỗi chạm vào cái khổ đau tồi tệ nhất của chúng ta, bằng tình yêu thương của Ngài. Con Thiên Chúa sinh ra đã bị từ chối, bị bỏ mặc, để nói cho chúng ta rằng, tất cả những ai bị bỏ mặc, đều là con Thiên Chúa. Ngài đã đến thế gian trong vị thế của một trẻ thơ yếu đuối, để chúng ta có thể đón nhận sự mỏng dòn của bản thân bằng sự hiền lành dịu dàng. Và để khám phá ra một điều quan trọng: Cũng giống như Belem, Thiên Chúa thích làm nên những điều lớn lao qua sự khó nghèo của chúng ta. Ngài đã đặt tất cả niềm hy vọng của chúng ta nơi máng cỏ và Ngài không sợ cái nghèo của chúng ta: Chúng ta hãy để cho tình thương của Ngài, lòng thương xót của Ngài biến đổi những nỗi khốn cùng của chúng ta.

Vậy, đó là điều muốn nói “một người con được ban tặng cho chúng ta”. Nhưng vẫn còn một điều khác, đó là điều mà thiên thần nói với các mục đồng: “Đây là dấu cho anh em: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Dấu chỉ này, Hài Nhi nằm trong máng cỏ, cũng là dành cho chúng ta, để định hướng cuộc đời chúng ta. Ở Belem, cũng có nghĩa là “Nhà của bánh”, Thiên Chúa ở trong máng cỏ, trong máng đựng thức ăn, điều ấy nhắc chúng ta nhớ rằng, để sống, chúng ta cần Ngài như cần bánh để nuôi sống. Chúng ta cần biết để cho mình được vượt thắng và đụng chạm tới tình yêu nhưng không, tình yêu không biết mệt mỏi, tình yêu cụ thể của Ngài. Biết bao lần, chúng ta chỉ dừng lại với những thú vui, những thành công và tính thế gian; những điều ấy nuôi chúng ta, nhưng cũng để lại khoảng trống trong tâm hồn! Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã than thở rằng: trong khi bò lừa còn nhận biết máng ăn, còn chúng ta là dân Chúa, thì không nhận biết Ngài là nền tảng cuộc đời (Is 1,2-3). Thực tế là: với sự sở hữu vô độ, chúng ta tự ném mình vào bao nhiêu máng cỏ của sự phù vân, trong khi quên đi máng cỏ Belem. Máng cỏ Belem nghèo nàn về mọi thứ, nhưng giàu có về tình yêu thương, điều ấy dạy chúng ta rằng, điều cần thiết của cuộc đời là để cho mình được Thiên Chúa yêu thương và yêu thương anh chị em mình. Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta: Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, là trẻ thơ, không nói, nhưng trao tặng sự sống. Còn chúng ta, chúng ta nói quá nhiều, nhưng lại mù quáng và không biết gì về lòng tốt.

Một người con được ban tặng cho chúng ta. Ai đã có một hài nhi bé nhỏ, sẽ biết được mức độ của tình yêu thương và sự kiên nhẫn mà chúng ta cần có. Biết bao điều cần làm, nào là cho ăn, chăm sóc, vệ sinh, chăm lo cho những gì là yếu ớt mong manh của trẻ thơ và những nhu cầu, thường thì rất khó để hiểu được. Một đứa trẻ khiến bạn cảm thấy được yêu thương, nhưng cũng dạy bạn cách yêu thương. Thiên Chúa hạ sinh làm trẻ thơ, để thôi thúc chúng ta biết chăm sóc tha nhân. Tiếng khóc dễ thương của trẻ thơ khiến chúng ta hiểu rằng, rất nhiều ý tưởng của chúng ta thực ra là vô ích. Tình yêu của Chúa nhắc nhở chúng ta rằng, thời gian chúng ta có, không phải để khóc cho chúng ta, mà là để xoa dịu những giọt nước mắt của người khổ đau. Thiên Chúa ở gần chúng ta, nơi những người nghèo khó và thiếu thốn, để nói với chúng ta rằng, bằng cách phục vụ người nghèo, là chúng ta yêu mến Ngài. Từ đêm nay, như lời của một nhà thơ viết rằng: “Nhà của Chúa ở gần nhà tôi. Và nội thất của căn nhà là tình yêu thương” (E. DICKINSON, Poems, XVII).

Một người con được ban tặng cho chúng ta. Lạy Chúa Giêsu, chính là Ngài, Ngài là Người Con, đã nâng con lên làm con cái Thiên Chúa. Ngài đã yêu mến con như chính con là, chứ không như con mơ tưởng. Con xin ẵm lấy Ngài, lạy Hài Nhi bé nhỏ trong máng cỏ, xin hãy ẵm lấy cuộc đời con. Khi đón nhận Ngài là Bánh sự sống, con cũng muốn trao tặng cuộc sống của con. Lạy Chúa, Ngài đã cứu độ con, xin cũng dạy con biết sống phục vụ. Ngài chẳng khi nào bỏ mặc con, xin dạy con biết giúp đỡ và an ủi anh chị em con, bởi vì từ đêm nay tất cả chúng con đều là anh chị em.

Chuyển ngữ: Tứ Quyết SJ – CTV Vatican News

Ngày 8/12/2020, nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021.

Ngày 8/12/1870, chân phước Giáo hoàng Pio IX đã ban hành sắc lệnh Quemadmodum Deus, công bố thánh Giuse là Đấng Bảo trợ Giáo hội.

Tông thư Trái tim của người Cha được Đức Thánh Cha viết trong bối cảnh của đại dịch Covid-19. Theo ngài, đại dịch giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của những con người vì công ích, những người xa ánh đèn sân khấu, kiên nhẫn mỗi ngày và nuôi dưỡng hy vọng, lan toả sự đồng trách nhiệm. Chúng ta có thể tìm thấy nơi thánh Giuse, “một người không được chú ý, người hiện diện hàng ngày, kín đáo và âm thầm, người chuyển cầu, là sự nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn”. Thánh nhân nhắc chúng ta rằng những người dường như “giữ vai trò phụ”, âm thầm, lại là “những vai chính không thể so sánh trong lịch sử cứu độ”.

Người cha được các tín hữu yêu mến

Trong Tông thư, điểm đầu tiên Đức Thánh Cha miêu tả về thánh Giuse đó là thánh nhân là người cha được các tín hữu yêu quý, vì ngài đã thể hiện một cách cụ thể tình phụ tử của mình “khi dâng cuộc đời mình làm của lễ trong tình yêu phục vụ Đấng Cứu Thế”.

Người cha dịu dàng

Điểm thứ hai, thánh Giuse là người cha dịu dàng, nơi ngài, “Chúa Giê-su nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa”, điều giúp chúng ta đón nhận sự yếu đuối của mình”, bởi vì “chính nhờ và bất chấp sự yếu đuối của chúng ta” mà hầu hết các kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện. Thật vậy, Thiên Chúa “không lên án chúng ta, nhưng đón nhận, ôm lấy chúng ta, nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta”.

Người cha vâng lời Thiên Chúa

Thứ ba, thánh Giuse là người cha vâng lời Thiên Chúa; bằng sự vâng phục, ngài đã cứu Mẹ Maria và Chúa Giê-su và dạy Con của ngài “thi hành ý Chúa Cha”.

Người cha của sự đón tiếp

Thứ tư, thánh Giuse cũng là “người cha của sự đón tiếp” bởi vì ngài “đón nhận Mẹ Maria vô điều kiện”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh cử chỉ này ngày nay vẫn quan trọng. Qua thánh Giuse, Thiên Chúa lập lại với chúng ta “Đừng sợ!” bởi vì “đức tin mang lại ý nghĩa cho mọi biến cố. Sự đón nhận của thánh Giuse mời gọi chúng ta đón tiếp người khác như chính họ là, không loại trừ, ưu tiên cho những người yếu đuối”.

Người cha can đảm sáng tạo

Điểm thứ năm Đức Thánh Cha miêu tả thánh Giuse đó là lòng can đảm sáng tạo, “biết cách biến vấn đề thành cơ hội bằng cách luôn đặt niềm tin vào Chúa Quan Phòng lên hàng đầu”. Thánh nhân phải đối mặt với “những vấn đề cụ thể” của gia đình mình, giống hệt như những gia đình khác trên thế giới, đặc biệt là những người di cư. Là người bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thánh Giuse “không thể không là người bảo vệ Giáo hội”, của tình mẫu tử và Thân thể Chúa Kitô: mọi người túng thiếu đều là “Hài nhi” mà thánh Giuse bảo vệ và từ ngài, người ta có thể học cách “yêu mến Giáo hội và người nghèo.

Người cha lao động

Thứ sáu, thánh Giuse là người lao động. Là người thợ mộc lương thiện để nuôi sống gia đình, thánh nhân cũng dạy chúng ta “giá trị, phẩm giá và niềm vui” của việc “ăn miếng cơm thành quả lao động của mình.” Đức Thánh mời gọi hiểu ý nghĩa của lao động, điều mang lại phẩm giá và là sự tham gia vào chính công trình cứu độ. Lao động là cơ hội cho các gia đình; không có việc làm các gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, căng thẳng, rạn nứt và thậm chí là sự cám dỗ tuyệt vọng và phân tán.

Do đó, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người “khám phá lại giá trị, tầm quan trọng và sự cần thiết của lao động”, để “làm nảy sinh một chuẩn mực mới, trong đó không ai bị loại trừ”. Đặc biệt, khi nhìn vào tình trạng thất nghiệp ngày càng trầm trọng do đại dịch Covid-19, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người dấn thân để chúng ta có thể nói: “Không có người trẻ nào, không có người nào, không có gia đình nào không có việc làm!”

Người cha luôn là bóng mát che chở

Điểm cuối cùng Đức Thánh Cha miêu tả thánh Giuse đó là người cha luôn che chở. Thánh nhân gìn, giữ, bảo vệ, không rời Chúa Giê-su, đảm nhận trách nhiệm trong cuộc sống của Chúa. Thánh Giuse được gọi là Đấng rất thanh khiết, nghĩa là “đối nghịch với sự chiếm hữu”: ngài biết yêu thương cách tự do, không chiếm hữu, biết từ bỏ mình để đặt Chúa Giê-su và Mẹ Maria ở trung tâm của đời mình. Hạnh phúc của ngài là “trao tặng chính mình”: không bao giờ thất vọng nhưng luôn tin tưởng, luôn thinh lặng, không than van, nhưng có những cử chỉ cụ thể tín thác.

Do đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hình ảnh của thánh Giuse là gương mẫu, trong một thế giới “cần những người cha và từ chối những ông chủ”, từ chối những người nhầm lẫn “quyền hành với sự độc tài, phục vụ với nô lệ, đối mặt với áp bức, bác ái với phúc lợi, sức mạnh với sự phá hủy”.

Đức Thánh Cha đọc một kinh nguyện thánh Giuse mỗi ngày

Chú thích số 10 của Tông thư cho biết một thói quen trong cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxicô: mỗi ngày ngài đều đọc một kinh cầu nguyện với thánh Giuse, từ cuốn sách có từ những năm 1800, của các nữ tu dòng Chúa Giê-su và Mẹ Maria. Đức Thánh Cha giải thích đó là lời cầu nguyện “bày tỏ lòng sùng kính và tin cậy” đối với thánh Giuse, nhưng cũng là “một thử thách nhất định”, vì nó kết thúc bằng những lời: “Xin đừng để người ta nói rằng họ đã cầu khẩn ngài vô ích, xin hãy chứng tỏ rằng lòng tốt của ngài cũng lớn như quyền năng của ngài”.

Nguồn: vaticannews.va