Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới (WCC) gửi sứ điệp Giáng sinh, khích lệ các Kitô hữu: “Trong thời điểm đau đớn và tuyệt vọng này, hãy tìm niềm an ủi và hy vọng trong biến cố giáng sinh của Chúa Giêsu”.

Tổng thư ký Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới (WCC) Ioan Sauca viết trong sứ điệp: “Ngày nay, cũng như vào thời Chúa Giêsu giáng sinh, có nhiều nguyên nhân làm mọi người sợ hãi và sống trong tuyệt vọng, nhưng trong những giờ phút đen tối nhất của lịch sử, các Kitô hữu thường tìm được niềm ủi an và hy vọng nơi tin vui giáng sinh của Đấng Cứu Thế tại Bê-lem”.

“Năm nay, do đại dịch, trong các nhà thờ và các gia đình, lễ Giáng sinh sẽ được cử hành cách đơn giản. Chúng tôi thương tiếc rất nhiều người chết trên khắp thế giới và chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người chăm sóc người bệnh bằng sự tận tụy và lòng can đảm tuyệt vời”.

Tổng thư ký nhận xét: “Ở khắp mọi nơi, đại dịch đã xé nát kết cấu xã hội, gây thất nghiệp, nghèo đói, và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, gieo rắc bất hòa và hỗn loạn, phá vỡ sự ổn định của các chính phủ. Trong khi bạo lực và chiến tranh tiếp tục làm cho số người tị nạn và di cư gia tăng và giết chết nhiều người”.

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký, ngay cả trong những hoàn cảnh này, lời của các thiên sứ vẫn vang lên trên các tầng trời, loan báo tin vui vĩ đại biến cố giáng trần của Đức Kitô. Là Kitô hữu chúng ta thấy trong biến cố giáng sinh của Hài Nhi Giêsu tại một ngôi làng hoang vắng ở vùng ngoại Đế quốc Roma, là khởi đầu mong manh của công trình cứu chuộc chúng ta. Là những người tin, chúng ta nhận ra lời ‘xin vâng’ của Chúa đối với sự sống và bình minh của một cuộc sống mới chiến thắng sự chết và tuyệt vọng. Nhập thể là lời ‘xin vâng’ quyết định của Chúa đối với nhân loại và tạo vật.

Kết thúc sứ điệp, Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới mời gọi các Kitô hữu hãy “để nỗi sợ hãi nhường chỗ cho niềm vui và hy vọng, lòng can đảm và tình yêu để phục vụ công lý và hòa bình. Trong một thế giới đau thương và chết chóc, lễ Giáng sinh cho phép chúng ta tìm thấy niềm an ủi, tìm lại hy vọng và nhìn mọi sự với đức tin sâu sắc về chiến thắng của tình yêu trong biến cố giáng sinh của Chúa Giêsu”.

Nguồn: vaticannews.va

Hôm thứ Hai 08/06, Phòng Báo chí Tòa thánh thông báo: Chúa nhật lễ Mình và Máu Chúa Kitô 14/06/2020, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô. Vatican News Tiếng Việt sẽ truyền hình trực tiếp Thánh Lễ.

Cũng theo thông cáo, do vẫn còn phải tuân giữ các biện pháp ngăn chặn đại dịch, nên chỉ có khoảng 50 tín hữu tham dự Thánh lễ. Vào cuối Thánh lễ sẽ có đặt Mình Thánh để chầu và phép lành Thánh Thể như trong các Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta được truyền hình trực tiếp từ ngày 09/03 đến 17/05 vừa qua, trong thời gian Ý và các quốc gia khác không thể cử hành Thánh lễ có giáo dân tham dự.

Các nơi cử hành trong những năm gần đây

Năm ngoái (2019), lễ Mình và Máu Chúa Kitô do Đức Thánh Cha chủ sự được cử hành tại sân trước nhà thờ Đức Bà An Ủi; sau đó có rước kiệu Thánh Thể qua các đường phố. Năm 2018, Đức Thánh Cha đã cử hành long trọng Lễ Mình và Máu Chúa Kitô tại giáo xứ Thánh Monica ở Ostia. Từ năm 2013 đến 2017, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, và tiếp theo sau là rước kiệu Thánh Thể đến Đền thờ Đức Bà Cả.

Nguồn gốc lễ Mình và Máu Chúa Kitô

Nguồn gốc của lễ Mình và Máu Chúa Kitô bắt nguồn từ thế kỷ XIII. Vào năm 1215, trước việc nhiều người khẳng định sự hiện diện chỉ mang tính biểu tượng và Chúa Kitô không hiện diện thực sự trong Thánh Thể, Công đồng Latêranô IV (1215) đã khẳng định sự thật về “biến đổi bản thể” (Transustanziazione) và tiếp theo Công đồng Trento năm 1551 đã xác nhận dứt khoát một lần về điều này. Tại Bỉ, sau những trải nghiệm thần bí của Thánh Juliana de Cornillon, vào năm 1247, lễ kính Mình và Máu Chúa Kitô được thiết lập trong giáo phận Liège. Một vài năm sau, năm 1263, một linh mục người Boemia đến Bolsena, Ý để hành hương, khi dâng Thánh lễ vị linh mục này nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Đến phần truyền phép, một phép lạ đã xảy ra: một vài giọt máu chảy ra từ Bánh Thánh. Sau sự kiện này, vào năm 1264, Đức Giáo hoàng Urban IV đã quyết định đưa lễ kính Mình Máu Thánh Chúa vào trong Phụng vụ của toàn Giáo hội.

Nguồn: Vatican News

Trưa Chúa Nhật 31/05 này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông tòa và chủ sự buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng với tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Đây là buổi đọc kinh đầu tiên tại quảng trường kể từ khi chính phủ Ý áp dụng các biện pháp cách ly để ngăn ngừa virus corona.

Thông cáo hôm 26/05 của Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết ngày 31/05 Đức Thánh Cha sẽ đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng với tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Thông cáo cũng nói rằng “cảnh sát sẽ bảo đảm việc vào quảng trường an toàn và bảo đảm rằng các tín hữu hiện diện có thể giữ khoảng cách cần thiết với người khác.”

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha chủ sự các buổi đọc kinh Truyền Tin, và kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trong mùa Phục Sinh, từ cửa sổ Dinh Tông tòa nhìn xuống quảng trường thánh Phêrô. Nhưng từ ngày 08/03 vừa qua, quảng trường phải đóng và người dân cũng phải cách ly do virus corona, Đức Thánh Cha đã chủ sự các buổi đọc kinh được truyền chiếu trực tiếp từ Thư viện Dinh Tông tòa, và đôi khi từ cửa sổ Dinh Tông Tòa, ngài ban phép lành trên quảng trường trống vắng.

Sau hơn 10 tuần lễ, Chúa Nhật 24/05 vừa qua là lần đầu tiên các tín hữu được vào quảng trường thánh Phêrô để nhận phép lành Đức Thánh Cha ban. Mỗi người vào quảng trường phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.

Phòng Báo chí Tòa Thánh cũng cho biết vào Chúa Nhật 31/05 này, trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha sẽ cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, không có giáo dân tham dự, tại nhà nguyện Thánh Thể bên trong đền thờ thánh Phêrô.

Các buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha vào thứ Tư hàng tuần được dự kiến vẫn diễn ra tại Thư viện Dinh Tông tòa và được truyền chiếu trực tiếp. (CNA 26/05/2020)

Nguồn: Vatican News

Vào thứ Bảy tuần này, nhân dịp kết thúc tháng 5 kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện đọc kinh Mân Côi tại hang đá Đức Mẹ Lộ Đức trong vườn Vatican. Các đền thánh Công giáo trên toàn thế giới sẽ kết nối với buổi cầu nguyện qua video truyền chiếu trực tiếp.

Ý chỉ của buổi cầu nguyện là cầu xin Đức Mẹ Maria giúp đỡ và an ủi trong đại dịch virus corona và phó thác toàn thể nhân loại cho Chúa.

Theo thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh, buổi cầu nguyện truyền chiếu trực tiếp sẽ vào lúc 5:30 chiều ngày 30/05 giờ Roma, có chủ đề. “Họ đồng tâm nhất trí trong cầu nguyện cùng với Đức Maria” (Cv 1,14). Các đền thánh trên thế giới sẽ liên kết trong cầu nguyện, với sự tham dự của các gia đình. Đây là giờ cầu nguyện trong đó cả thế giới hiệp nhất với Đức Thánh Cha vào chiều lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện xuống.

Các tầng lớp hiện diện trong giờ kinh

Các chục kinh sẽ do một số người đại diện các tầng lớp, đặc biệt là những người bị nhiễm virus. Trong đó sẽ có một bác sĩ và một y tá, đại diện những nhân viên y tế trên tuyến đầu ở các bệnh viện; một người được lành bệnh và một người có người thân trong gia đình qua đời vì Covid-19, đại diện cho những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi virus corona; một linh mục tuyên úy bệnh viện và một nữ tu y tá, đại diện cho các linh mục và các tu sĩ tiếp tục phục vụ tha nhân trong thời gian đại dịch; một tình nguyện viên của Bộ phận bảo vệ công dân cùng với gia đình, đại diện cho những người hoạt động để đối phó với tình trạng khẩn cấp và cho tất cả các tình nguyện viên; và một gia đình trẻ có một bé trai chào đời trong thời gian đại dịch, dấu chỉ hy vọng và chiến thắng của sự sống trên sự chết.

Các đền thánh tại 5 châu sẽ kết nối trực tiếp

Các đền thánh tại 5 châu được yêu cầu tham gia bằng cách tổ chức buổi lần hạt Mân Côi của họ, theo các biện pháp y tế của địa phương, cùng giờ và sự kiện ở Roma để cổ võ cho sáng kiến. Sẽ có các đền thánh ở châu Âu như đền thánh Lộ Đức, Fatima, Giovanni Rotondo, Pompei, Czestochowa; tại Mỹ châu có đền thánh Đức Mẹ Vô nhiễm ở Washington D.C., đền thánh Elele ở Nigeria, và Đức Mẹ Hòa bình ở Bờ Biển Ngà, Đức Mẹ guadalupe ở Mexico, Đức Mẹ Chiquinquira ở Colombia, Lujan và Milagro ở Argentina.

Trong thời gian đại dịch virus corona, nhiều đền thánh Công giáo đã phải đóng cửa, bao gồm Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp, nơi chỉ mở cửa một phần cho khách hành hương từ ngày 16 tháng 5. Đền thánh Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha cũng phải đóng cửa và lần đầu tiên trong lịch sử dịp kỷ niệm ngày 13 tháng 5 đã được cử hành mà không có sự hiện diện của tín hữu.

Giờ đọc kinh Mân Côi với Đức Thánh Cha được tổ chức bởi Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng.  Trong thư gửi các vị giám đốc các đền thánh, Đức tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng viết: “Trước tình hình khẩn cấp do đại dịch virus corona gây ra đã làm gián đoạn các hoạt động bình thường của tất cả các đền thánh và các cuộc hành hương, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn bày tỏ một cử chỉ gần gũi với mỗi người trong anh chị em bằng việc đọc kinh Mân côi.” (CNA 25/05/2020)

Nguồn: Vatican News

WHĐ, 12-05-2020 — Trong thư đề ngày 6 tháng Năm 2020, Hồng y Miguel Angel Ayuso Guixot, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn đã vui mừng giới thiệu sáng kiến của Ủy ban cấp cao về Tình huynh đệ Nhân loại, theo lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong ngày 3 tháng Năm vừa qua, mời gọi tín hữu của các tôn giáo và mọi người thiện chí hợp nhất thiêng liêng trong ngày 14.5.2020, Ngày cầu nguyện, chay tịnh và bác ái để khấn xin sự trợ giúp của Thượng Đế cho nhân loại vượt qua đại dịch do virus corona gây nên.

Văn phòng Đối thoại liên tôn và Đại kết/HĐGMVN xin gửi đến độc giả lời kêu gọi của Ủy ban cấp cao về Tình huynh đệ Nhân loại.

NGÀY CẦU NGUYỆN CHO NHÂN LOẠI: 14 THÁNG NĂM

Các bạn tín hữu thân mến,
quý anh chị em trong gia đình nhân loại thân mến,

Thế giới của chúng ta đang đối mặt với một mối nguy hiểm lớn, đe dọa mạng sống của hàng triệu người trên thế giới do sự lan rộng của đại dịch coronavirus (COVID-19).

Tuy vẫn tái khẳng định vai trò của y học và nghiên cứu khoa học trong cuộc chiến chống đại dịch này, chúng ta cũng đừng quên tìm nương ẩn nơi Chúa, khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này.

Vì thế, chúng tôi kêu gọi tất cả các dân tộc trên thế giới, tuỳ theo niềm tin tôn giáo của mình, hãy cầu nguyện, ăn chay và làm việc lành để góp phần chấm dứt đại dịch này.

Ước gì mỗi người chúng ta, dù ở đâu, khi tuân theo giáo huấn của các truyền thống và triết lý tôn giáo của chúng ta, biết tìm kiếm sự giúp đỡ thiêng liêng để cứu chính chúng ta và toàn thế giới thoát khỏi nghịch cảnh này, để truyền cảm hứng cho các nhà khoa học tìm ra phương thuốc diệt virus và cứu cả thế giới thoát khỏi những hậu quả về sức khỏe, kinh tế và nhân đạo của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này.

Trong cố gắng hiện thực hóa các mục tiêu của Tài liệu về tình huynh đệ nhân loại, Ủy ban cấp cao về Tình huynh đệ nhân loại đề nghị lấy ngày thứ Năm, 14 tháng 5 năm 2020 là Ngày cầu nguyện, ăn chay và làm việc lành vì thiện ích của toàn nhân loại.

Về vấn đề này, Ủy ban mời tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo và các dân tộc trên thế giới cùng nhau hưởng ứng lời kêu gọi này: cầu xin Thiên Chúa Toàn năng bảo vệ thế giới, giúp chúng ta vượt qua đại dịch này, phục hồi an ninh, ổn định, sức khỏe và thịnh vượng, để khi đại dịch này chấm dứt, thế giới chúng ta trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho nhân loại và cho tình huynh đệ hơn bao giờ hết.

Ủy ban cấp cao về Tình huynh đệ Nhân loại

Minh Đức (Chuyển ngữ từ bản tiếng Anh,
phỏng theo Thông cáo của Ủy ban cấp cao về Tình huynh đệ Nhân loại)

Văn phòng Đối thoại liên tôn và Đại kết / HĐGMVN

Ngày 22/04 năm nay kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Thế giới về Trái đất được thành lập. Ngày này được phong trào môi trường Mạng lưới Ngày Trái đất thành lập lần đầu vào năm 1970, nhắm cổ vũ sự dân chủ trong vấn đề về môi trường. Do đó, trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến từ Dinh Tông Tòa vào sáng thứ Tư 22/04, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành bài giáo lý để nói về đề tài này.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Hôm nay chúng ta cử hành lần thứ 50 Ngày Thế giới về Trái đất. Đây là cơ hội để canh tân sự dấn thân của chúng ta trong việc yêu quý ngôi nhà chung của chúng ta và chăm sóc nó và các thành viên yếu đuối nhất của gia đình chúng ta. Như đại dịch bi thảm virus corona cho chúng ta thấy, chỉ khi cùng nhau chăm sóc những người mỏng manh yếu đuối nhất chúng ta mới có thể chiến thắng các thách đố toàn cầu. Phụ đề của Thông điệp Laudato si’ là “về việc chăm sóc ngôi nhà chung”. Hôm nay chúng ta cùng nhau suy tư về trách nhiệm này, nét đặc trưng của hành trình của chúng ta trên trái đất” (LS, 160). Chúng ta phải gia tăng ý thức về việc chăm sóc ngôi nhà chung.

Chăm sóc Trái Đất và các thụ tạo như Thiên Chúa đã làm

Chúng ta được tạo thành từ chất liệu của trái đất này, và các hoa quả của trái đất hỗ trợ cuộc sống của chúng ta. Nhưng, như sách Sáng Thế nhắc chúng ta, chúng ta không đơn thuần thuộc trái đất này: chúng ta cũng mang trong mình hơi thở sự sống đến từ Thiên Chúa (x. St 2,4-7). Vì thế chúng ta sống trong ngôi nhà chung như một gia đình nhân loại duy nhất và trong sự khác biệt sinh học với các thụ tạo khác của Thiên Chúa. Như là hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi chăm sóc và tôn trọng tất cả thụ tạo và nuôi dưỡng tình yêu và lòng cảm thông đối với các anh chị em của chúng ta, đặc biệt là với những người yếu đuối nhất, noi theo tình yêu thương Thiên Chúa dành cho chúng ta, tình yêu được biểu hiện nơi Chúa Giêsu Con của Người, Đấng đã nhập thể làm người để chia sẻ thân phận của chúng ta và để cứu độ chúng ta.

Chúng ta sẽ không có tương lai nếu chúng ta hủy diệt môi trường 

Do tính ích kỷ cá nhân, chúng ta trở nên kém trách nhiệm trong việc chăm sóc và cai quản trái đất. “Chỉ cần chân thành nhìn thực tại để thấy có một sự suy thoái trầm trọng trong ngôi nhà chung của chúng ta” (LS, 61). Chúng ta đã làm nó bị ô nhiễm và cướp phá nó, gây nguy hiểm cho cuộc sống của chính chúng ta. Vì thế, các phong trào quốc tế và địa phương đã được thành lập để đánh thức lương tâm. Tôi chân thành đánh giá cao những sáng kiến này, và vẫn cần con cái chúng ta xuống đường để dạy chúng ta điều hiển nhiên, đó là, chúng ta sẽ không có tương lai nếu chúng ta hủy diệt môi trường hỗ trợ chúng ta.

Trái Đất không tha thứ: nếu chúng ta đã hủy hoại Trái Đất thì hậu quả sẽ rất tồi tệ

Chúng ta đã thất bại trong việc bảo vệ trái đất, ngôi nhà-ngôi vườn của chúng ta, trong việc bảo vệ anh em của chúng ta. Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại người lân cận và cuối cùng, chống lại Đấng Tạo Hóa, người Cha tốt lành ban phát cho mọi người và muốn chúng ta sống với nhau trong sự hiệp thông và thịnh vượng. Trái Đất đã phản ứng thế nào? Có câu nói tiếng Tây Ban Nha rất rõ về vấn đề này. Đó là: “Thiên Chúa luôn tha thứ; con người chúng ta cũng đôi khi tha thứ đôi khi không; Trái đất thì không bao giờ tha thứ.” Trái Đất không tha thứ: nếu chúng ta đã hủy hoại Trái Đất thì hậu quả sẽ rất tồi tệ.

Tương quan hài hòa với Trái Đất

Làm thế nào chúng ta có thể khôi phục một mối tương quan hài hòa với trái đất và với phần còn lại của nhân loại? Một tương quan hài hòa… Nhiều lần chúng ta đã đánh mất cái nhìn hài hòa, điều Chúa Thánh Thần tạo nên. Ngay cả trong ngôi nhà chung, trên Trái Đất, ngay cả trong các mối liên hệ của chúng ta với con người, với người lân cận, với người nghèo nhất, với Trái Đất… Làm thế nào để chúng ta có thể khôi phục sự hài hòa này? Chúng ta cần có một cách nhìn mới về ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta phải hiểu rằng Trái Đất không phải là một kho tài nguyên để khai thác bóc lột. Đối với chúng ta những người có đức tin, thế giới tự nhiên là “Tin mừng về sự Sáng tạo”, thể hiện sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa trong việc tạo hình cuộc sống con người và làm cho thế giới tồn tại cùng với những gì chứa đựng trong nó để hỗ trợ nhân loại. Trình thuật Kinh thánh về sự sáng tạo kết thúc như thế này: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp.” (St 1,31). Khi chúng ta nhìn thấy những thảm kịch tự nhiên, những phản ứng của Trái Đất trước sự ngược đãi của chúng ta, tôi nghĩ: “Nếu bây giờ tôi hỏi Chúa xem Người nghĩ gì về nó, tôi không nghĩ Người nói với tôi rằng đó là một điều rất tốt.” Chính chúng ta đã hủy hoại công trình của Chúa.

Hôm nay, khi kỷ niệm Ngày Thế giới về Trái đất chúng ta được kêu gọi tái khám phá ý nghĩa của sự tôn trọng thánh thiêng đối với trái đất, bởi vì đó không chỉ là nhà của chúng ta, mà còn là nhà của Thiên Chúa. Từ đó, trong lòng chúng ta phát sinh nhận thức về việc ở trên một trái đất thánh thiêng!

Sống hài hòa với Trái Đất

Anh chị em thân mến, “chúng ta hãy đánh thức ý thức thẩm mỹ và chiêm niệm mà Thiên Chúa đã đặt nơi chúng ta” (Tông huấn Querida Amazonia, 56). Lời ngôn sứ về sự chiêm niệm là điều chúng ta học được đặc biệt từ các dân tộc nguyên thủy, những người dạy chúng ta rằng chúng ta không thể chăm sóc trái đất nếu chúng ta không yêu thương và không tôn trọng nó. Họ có sự khôn ngoan “để sống tốt”, nghĩa là sống hài hòa với Trái Đất. Họ gọi sự hài hòa này là “sống tốt”.

Hoán cải sinh thái 

Đồng thời, chúng ta cần một sự hoán cải sinh thái được thể hiện bằng các hành động cụ thể. Là một gia đình duy nhất và phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta cần một kế hoạch chung để tránh các mối đe dọa đối với ngôi nhà chung của chúng ta. “Sự phụ thuộc lẫn nhau bắt buộc chúng ta phải nghĩ về một thế giới duy nhất, về một dự án chung” (LS, 164). Chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của việc cộng tác như một cộng đồng quốc tế để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Tôi kêu gọi những người có thẩm quyền hướng dẫn tiến trình chuẩn bị cho hai hội nghị quốc tế quan trọng: COP15 về sự Đa dạng sinh học ở Côn Minh (Trung Quốc) và COP26 về Biến đổi khí hậu ở Glasgow (Vương quốc Anh).

Các hoạt động được phối hợp ở cấp quốc gia và địa phương

Tôi muốn khuyến khích tổ chức các hoạt động được phối hợp ở cấp quốc gia và địa phương. Thật tốt khi gặp gỡ nhau từ tất cả các hoàn cảnh xã hội và thành lập một phong trào bình dân “đi từ hạ tầng lên”. Ngày Thế giới về Trái đất mà chúng ta kỷ niệm ngày hôm nay, được nảy sinh như thế. Mỗi người trong chúng ta có thể đóng góp phần nhỏ bé của chính mình: “Chúng ta không được nghĩ rằng những nỗ lực này sẽ không thay đổi thế giới. Những hành động như vậy lan truyền một điều tốt đẹp trong xã hội, là điều luôn sinh ra những kết quả vượt quá những gì chúng ta có thể xác định được, bởi vì nó tạo ra trong lòng đất này một điều thiện luôn có xu hướng lan rộng, đôi khi vô hình” (LS, 212).

Trong mùa Phục Sinh đổi mới này, chúng ta hãy dấn thân yêu thương và trân trọng món quà tuyệt vời của Trái Đất, ngôi nhà chung của chúng ta và chăm sóc tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại. Là anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Cha trên trời của mình: “Xin ban Thần khí của Cha và canh tân mặt trái đất” (x. Tv 104,30).

Nguồn: Hồng Thủy – Vatican

Trong Thánh lễ cử hành tại đền thánh kính lòng Chúa thương xót, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng Thiên Chúa luôn sẵn sàng nâng chúng ta dậy khi chúng ta vấp ngã, luôn chờ chúng ta dâng những đau khổ cho Người. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác về thứ virus nguy hiểm trong thời gian này, đó là virus dửng dưng ích kỷ, bỏ người khác lại đàng sau và chỉ nghĩ đến lợi ích của mình. Ngài mời gọi cùng nhau xây dựng thế giới mới khi thương xót những người nghèo khổ nhất.

Vào lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật 19/04/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương xót tại đền thánh Lòng Chúa Thương xót ở khu vực Sassia của Roma.

Giống như những Thánh lễ trong Tuần Thánh và Phục Sinh vừa qua, trong Thánh lễ hôm nay cũng không có giáo dân tham dự, ngoài một số ít người như 4 ca viên của ca đoàn giáo phận Roma và một thầy giúp lễ.

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ có Đức tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng, là người phụ trách về linh đạo lòng Chúa Thương xót; và Đức ông Josef Bart, quản đốc đền thánh.

Lòng thương xót của Chúa là khởi nguồn sự phục sinh của môn đệ

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến lòng thương xót của Chúa Giêsu Phục Sinh đối với “sự phục sinh” của người môn đệ. Dù đã nhìn thấy Chúa Phục Sinh, nhưng một tuần lễ sau, các môn đệ vẫn sợ hãi, vẫn ở trong nhà đóng kín cửa. Trước sự sợ hãi cứng lòng tin của các ông, Chúa Giêsu đã bắt đầu lại từ đầu. Người đến, đứng giữa họ như lần đầu, cùng câu nói “bình an cho anh em!” Đức Thánh Cha nhận xét: “Sự phục sinh của người môn đệ bắt đầu từ đây, từ lòng thương xót trung thành và kiên nhẫn này, từ việc khám phá ra rằng Thiên Chúa không mệt mỏi đưa tay nâng chúng ta đứng dậy trong những lần chúng ta vấp ngã.”

Chúa biết chúng ta luôn vấp ngã và Người luôn sẵn sàng nâng chúng ta đứng dậy

Đức Thánh Cha giải thích rằng Thiên Chúa muốn chúng ta thấy Người là người Cha, luôn nâng chúng ta đứng dậy. Mỗi khi chúng ta, như đứa bé chập chững tập đi, té ngã, rồi lại té ngã, thì Chúa lại nâng chúng ta đứng lên. Bàn tay nâng chúng ta đứng dậy chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa biết chúng ta không ngừng vấp ngã và Người sẵn sàng nâng chúng ta đứng lên. Đức Thánh Cha nhắc các tín hữu: “Chúa không muốn chúng ta cứ nghĩ đi nghĩ lại về những vấp ngã của mình, nhưng muốn chúng ta nhìn lên Chúa, Đấng nhận ra những đứa con cần được nâng dậy trong những lần té ngã, nhìn thấy những đứa con cần được yêu thương và thương xót trong đau khổ.” Và Đức Thánh Cha mời gọi hãy tin tưởng đón nhận sứ điệp Chúa Giêsu đã nói với thánh Faustina: “Ta là tình yêu và cũng là lòng thương xót; không có đau khổ nào có thể so sánh với lòng thương xót của Ta” (Nhật ký 14/09/1937).

Chúa chờ đợi ta dâng những đau khổ cho Người

Chúa Giêsu muốn thánh Faustina dâng cho Người sự đau khổ, điều thực sự là của chính chúng ta. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Tôi đã dâng cho Chúa đau khổ của tôi chưa? Tôi có cho Người thấy những lần tôi vấp ngã để Người nâng tôi dậy không? Hay là có điều gì đó tôi còn giữ trong lòng? Một tội lỗi, một sự hối hận về quá khứ, một vết thương trong lòng, bất hòa với ai đó, một ý tưởng về một người cụ thể … Chúa chờ đợi chúng ta mang đến cho Người những đau khổ của chúng ta, để Người giúp chúng ta khám phá lòng thương xót của Người.”

Liên kết với thử thách mà chúng ta đang sống, Đức Thánh Cha nhắc rằng chúng ta cũng như Tôma, với sự sợ hãi và nghi ngờ của chúng ta, chúng ta nhận ra mình yếu đuối. Chúng ta cần Chúa, Đấng nhìn thấy vẻ đẹp không thể thay thể nơi chúng ta bên trên những yếu đuối của chúng ta.

“Lòng thương xót không để ai phải đứng lại đàng sau”

Chúa đã đợi thánh Tôma, người đến sau. “Lòng thương xót không để ai phải đứng lại đàng sau.” Đức Thánh Cha nhắc rằng trong đại dịch này chúng ta có nguy hiểm là quên những người bị bỏ lại đàng sau. Có một thứ virus nguy hiểm hơn, đó là tính ích kỷ dửng dưng. Người ta lấy mình làm tiêu chuẩn: điều gì tốt cho mình thì là tốt, từ đó họ đi đến việc chọn lựa và loại trừ người nghèo, hy sinh những người thụt lùi trên bàn thờ của sự phát triển. “Thật ra, đại dịch này nhắc chúng ta rằng không có sự khác biệt và biên giới giữa những người đau khổ. Tất cả chúng ta đều mỏng dòn yếu đuối, bình đẳng và quý giá. Điều đang xảy ra đánh động chúng ta từ nội tâm: đã đến lúc xóa bỏ sự bất bình đẳng, hàn gắn sự bất công.”

“Trong mỗi linh hồn đau khổ chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh”

Đức Thánh Cha nhận định rằng khi Chúa sống lại, chỉ có một người đến sau còn những người khác thì chờ người này. Nhưng ngày nay chỉ có một phần nhỏ của nhân loại tiến bước trong khi quá nhiều người bị bỏ lại đàng sau. Ai cũng có thể cho rằng việc chăm sóc người nghèo không phải là nghĩa vụ của mình, mà là của người khác. Nhắc lại lời thánh Faustina: “Trong mỗi linh hồn đau khổ chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chứ không phải là một ký sinh trùng, một gánh nặng”, Đức Thánh Cha mời gọi đón nhận đại dịch như cơ hội để chuẩn bị tương lai cho tất cả. “Bởi vì không có một hướng nhìn chung thì sẽ không có tương lai cho ai cả.” “Chỉ khi chúng ta thương xót những người yếu đuối nhất thì chúng ta mới xây dựng một thế giới mới.”

Nguồn: Hồng Thủy – Vatican News

Theo thông báo của Phòng Báo chí Tòa Thánh: Vào lúc 11 giờ sáng Chúa nhật giờ Rôma (16 giờ Việt Nam) ngày 19 tháng Tư năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở lại nhà thờ mà cách đây 25 năm Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót.

Vào ngày 23/4/1995, tại Nhà thờ Chúa Thánh Thần ở Sassia, Thánh Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót. Kết thúc Thánh lễ, Thánh Gioan Phaolô II đã làm phép bức ảnh Chúa Giêsu Thương Xót được tôn kính trong Nhà thờ này. Và sau đó ngày 30/4/2000, dịp Năm Thánh, Thánh Gioan Phaolô II đã tôn phong nữ tu Faustina lên bậc hiển thánh và chính thức thiết lập và ấn định ngày lễ kính Lòng Thương Xót Chúa dựa theo yêu cầu của Chúa Giêsu với thánh Faustina Kowalska. Lễ được cử hành vào Chúa Nhật II Phục Sinh trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Kể từ đó việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa phát triển sâu rộng trên khắp Giáo hội hoàn vũ.

Năm năm sau ngày thiết lập Lễ Lòng Chúa Thương Xót, Thánh Gioan Phaolô II đã ban ơn toàn xá cho những ai tham dự Thánh lễ này và đồng thời thực hành các điều kiện thông thường như xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.

Như vậy, năm nay kỷ niệm 20 năm Lễ Lòng Chúa Thương Xót được thiết lập, vào Chúa nhật thứ II Phục Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót và sau đó ngài sẽ chủ sự buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương tại Nhà thờ Chúa Thánh Thần, cách Quảng trường Thánh Phêrô khoảng 5 phút đi bộ.

Nguồn: Ngọc Yến – Vatican

Anh chị em thân mến, tôi xin gởi lời chúc mừng Phục Sinh đến toàn thể anh chị em!

Hôm nay khắp thế giới vang vọng lời loan báo của Giáo Hội: “Đức Giêsu Kitô đã phục sinh!” – “Ngài đã thực sự phục sinh!”

Như một ánh lửa mới, Tin Mừng này được thắp lên trong đêm tối: đêm tối của thế giới đang ở trong những thách đố mang tính đời đại và giờ đây còn bị bủa vây bởi dịch bệnh khiến cho cả gia đình nhân loại rơi vào thử thách tột cùng. Trong đêm tối ấy, lời loan báo của Giáo Hội lại vang vọng: “Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh!”

Lời loan báo ấy là một sự “lây lan” khác, từ con tim đến con tim, bởi mọi con tim nhân loại đang chờ đợi Tin Mừng này. Đây là sự loan truyền của niềm hy vọng: “Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh!” Đây không phải là một công thức phù phép làm tan biến mọi khó khăn. Không phải như thế, sự phục sinh của Đức Kitô không phải như vậy. Niềm vui phục sinh là sự vinh thắng của tình yêu trước cội rễ của sự dữ, một chiến thắng không “dè bẹp” đau khổ và cái chết, nhưng vượt qua chúng ngang qua ngả đường nơi vực thẳm, ngang qua việc cải tà quy chính, đó chính là quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa.

Đấng Phục Sinh chính là Đấng Chịu Đóng Đinh, không phải ai khác. Thân thể phục sinh của Ngài vẫn mang những vết thương không thể xoá nhoà, những vết thương trở thành nguồn cội của niềm hy vọng. Chúng ta hãy chạy đến với Ngài để Ngài chữa lành những tổn thương chúng ta phải chịu.

Hôm nay, tôi muốn nhớ đến cách đặc biệt những ai bị ảnh hưởng trực tiếp bởi corona virus: những bệnh nhân, những người đã qua đời và gia quyến đang khóc thương họ, những người mà thậm chí họ không thể nói lời từ biệt sau cùng. Xin Thiên Chúa của sự sống đón nhận vào vương quốc Ngài tất cả những ai qua đời và ban an ủi và hy vọng cho những ai còn trong thử thách, nhất là những người cao niên và đơn chiếc. Xin Chúa cũng không quên an ủi và trợ lực những ai trong hoàn cảnh hiểm nguy, đó là những nhân viên bệnh viện, những ai sống trong quân đội và nhà tù. Đối với nhiều người, sẽ là một lễ Phục Sinh trong cô đơn, sống giữa nước mắt và đau khổ do dịch bệnh gây ra, từ những đau khổ thể lý đến khó khăn tài chính.

Dịch bệnh tước đi không chỉ người thân yêu của chúng ta, mà còn cả cơ hội nối kết con người đến nguồn ai ủi phát sinh từ các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hoà Giải. Nhiều nơi giáo dân không thể đến với các bí tích này, nhưng Thiên Chúa không để chúng ta đơn côi! Chúng ta liên đới trong lời cầu nguyện, chúng ta biết chắc rằng Ngài đặt bàn tay trên ta (x. Tv. 138, 5), luôn nhắc nhớ chúng ta: đừng sợ, “Thầy đã phục sinh và luôn ở bên con!” (x. Sách lễ Roma)

Lạy Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh, xin ban sức mạnh và hy vọng cho các bác sỹ, y tá khắp nơi, những người đang thực hành chứng tá bác ái và liên đới với tha nhân với tất cả sức lực của mình và ngay cả đến hy sinh sức khỏe bản thân. Chúng ta hướng đến họ với niềm cảm kích và tri ân, những người đang làm việc không ngừng nghỉ để bảo đảm những nhu cầu thiết yếu cho đời sống xã hội, cho sự ổn định và tri ân đến lực lượng quân đội mà ở nhiều nước, họ đang góp phần giải quyết những khó khăn và đau khổ của tha nhân.

Trong những tuần này, cuộc sống của nhiều triệu người bị thay đổi cách miễn cưỡng. Đối với nhiều người, ở nhà là cơ hội để suy ngẫm, để giảm bớt nhịp sống tất bật thường ngày, để ở với người thân và trân quý thời gian bên nhau. Tuy vậy, với nhiều người lại là thời điểm đầy lo lắng bởi tương lai phía trước thật vô định, công việc có thể bị đình chỉ và những hệ quả khác của cuộc khủng hoảng hiện tại. Tôi khuyến nghị những ai có trách nhiệm chính trị dấn thân hết mình cho an sinh của người dân, cung cấp phương tiện và hỗ trợ cần thiết để đi đến đồng thuận về một cuộc sống đúng nhân phẩm và hướng đến, khi điều kiện cho phép, việc trở lại nhịp sống thường ngày.

Đây không phải là thời điểm của sự vô tâm, bởi cả thế giới đang đau khổ và phải hiệp nhất chống lại bệnh dịch. Xin Đức Giêsu phục sinh ban tặng niềm hy vọng cho tất cả người nghèo, những ai đang sống ở vùng xa, những người tị nạn và người vô gia cư. Ước gì những anh chị em thiệt thòi nhất không bị bỏ rơi, họ có thể được nhận ra ở các thành phố, vùng ven đô khắp nơi trên thế giới. Chúng ta không để họ thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu, những điều mà hiện tại rất khó đáp ứng vì nhiều hoạt động bị đình chỉ, cũng như thuốc men và nhất là trợ giúp y tế cần thiết. Trước tình hình hiện tại, ước gì các lệnh trừng phạt quốc tế được nới lỏng, những lệnh ngăn cản các Quốc gia hỗ trợ công dân của mình và hỗ trợ các Nước, nhất là những nước nghèo nhất, đối diện với nhu cầu hiện tại bằng cách giảm bớt, nếu không thể xoá bỏ, khoản nợ đang làm cho tình hình thêm khó khăn.

Đây không phải thời điểm của ích kỷ, bởi vấn đề chúng ta đang đối diện liên hệ đến tất cả và không phân biệt ai. Trong nhiều nơi trên thế giới bị thiệt hại do corona virus, tôi bày tỏ tâm tình đặc biệt đến Châu Âu. Sau Chiến Tranh Thế Giới lần thứ hai, châu lục quý mến này có thể hồi sinh là nhờ tinh thần liên đới cụ thể giúp vượt qua xung đột quá khứ. Hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện tại, những xung đột ấy không được phép tái hiện, nhưng mọi người cần nhận ra mình là một phần của một gia đình duy nhất và cần giúp đỡ lẫn nhau. Hiện tai, Châu Âu đang đối diện với một thử thách thời đại, quyết định không chỉ tương lai của mình mà còn của cả thế giới. Ước mong chúng ta không được đánh mất cơ hội thể hiện nỗ lực liên đới, ngay cả khi phải thử đến những hướng giải quyết mới. Nếu không sẽ rơi vào chủ nghĩa ích kỷ của tư lợi và cám dỗ trở về với quá khứ, cùng với nguy cơ phá vỡ tương giao hoà bình và phát triển cho các thế hệ kế tiếp.

Đây không phải thời điểm của chia rẽ. Xin Đức Kitô, hoà bình của chúng ta, soi sáng những ai có trách nhiệm trong các xung đột, hầu chúng ta có đủ can đảm tuân thủ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu và ngay lập tức trên khắp thế giới. Đây không phải là thời điểm để tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí, sử dụng những khoản đầu tư lớn mà đáng lẽ phải được dùng để chăm lo cho con người và cứu vớt mạng sống. Ước gì đây là lúc để kết thúc cuộc chiến dai dẳng đã nhuốm máu cả Siria, kết thúc xung đột ở Yemen và kết thúc những căng thẳng ở Iraq cũng như ở Liban. Cầu mong đây là lúc Israen và Paletine nối lại đàm phán để tìm ra hướng giải quyết lâu dài và ổn định để cả hai bên được sống trong hoà bình. Cũng là lúc ngừng lại những đau khổ của dân chúng ở các vùng phía đông Ucraina và ngừng các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào người vô tội ở nhiều nước của Phi Châu.

Đây không phải là thời điểm của lãng quên. Cuộc khủng hoảng chúng ta đang đối diện không làm chúng ta quên đi nhiều tiếng kêu cứu của rất nhiều người đau khổ khác. Xin Thiên Chúa hằng sống đến với các dân tộc ở Châu Á và Châu Phi, những nơi đang trải qua khủng khoảng nhân đạo, như ở vùng Cabo Delgado, phía bắc Mozambic. Xin Chúa sưởi ấm tâm hồn những ai đang chịu tị nạn và di dời vì chiến tranh, hạn hán và đói kém. Xin Chúa che chở những người tị nạn và di dân, trong số họ có rất nhiều trẻ em, đang sống trong cảnh cơ cực, đặc biệt là ở Libia và ở vùng biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Cầu mong cho Venezuela có thể đạt đến những giải pháp cụ thể và mau chóng, nhiều khi cần đến trợ giúp quốc tế đối với dân tộc đang chịu cảnh đau khổ do tình hình chính trị, kinh tế-xã hội và y tế gây ra.

Anh chị em thân mến,

Vô tâm, ích kỷ, chia rẽ, lãng quên thực sự không phải là những ngôn từ mà chúng ta muốn nghe lúc này. Chúng ta muốn cấm nói đến chúng luôn mãi! Những từ ngữ này dường như chiếm ưu thế khi nơi chúng ta, lo sợ và cái chết đang thắng thế, khi chúng ta không để cho Đức Giêsu ngự trị trong con tim và đời sống chúng ta. Ngài đã chiến thắng sự chết và mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến ơn cứu độ vĩnh cửu, xoá đi bóng tối của kiếp nhân sinh và dẫn đưa con người tới ngày vinh thắng không bao giờ tàn lụi.

Chuyển ngữ: Mai Kha, SJ
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt