Chúa Giêsu không muốn đạo đức giả, trong Kinh Lạy Cha không bao giờ có từ “Tôi”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã dừng lại ở lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Trong lời chào thăm các tín hữu hiện diện tại buối tiếp kiến chung Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người hãy dấn thân cho sự trở lại của “những người ở xa” và những người gần gũi với chúng ta.

Trên đây là những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi giáo lý dành cho các tín hữu tại Đại thính đường Phaolô VI. Bài giáo lý được Đức Thánh Cha khởi đi từ Tin Mừng của Thánh Luca: “Được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Lc 10, 21-22).

Chúa Giêsu không muốn giả hình

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về cầu nguyện, như thế chúng ta luôn luôn học cầu nguyện một cách tốt hơn điều mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Chúng ta phải cầu nguyện như Ngài đã dạy chúng ta. Chúa Giêsu nói: “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha, kêu lên “Cha ơi”. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài không như bọn đạo đức giả: thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy (Mt 6,5). Chúa Giêsu không muốn giả hình. Lời cầu nguyện đích thực là những gì đang diễn ra trong nơi sâu thẳm của nội tâm, không thể dò thấu, chỉ có Thiên Chúa thấy. Tôi và Chúa. Cầu nguyện không có sự giả dối: Đối với Thiên Chúa không thể giả dối. Trước mặt Chúa không mưu mẹo nào có sức mạnh, Chúa biết chúng ta như thế, trần trụi trong lương tâm và giả vờ là không thể. Tại căn của cầu nguyện, của cuộc đối thoại với Thiên Chúa là một cuộc thưa chuyện trong thinh lặng, giống như điểm gặp nhau của ánh mắt giữa hai người đang yêu nhau: con người và Thiên Chúa. Ánh mắt gặp nhau và đó là lời cầu nguyện. Nhìn Chúa và để Chúa nhìn, đó là cầu nguyện. “Nhưng thưa cha, con không nói lời nào”. Nhưng hãy nhìn Thiên Chúa và để Ngài nhìn. Đó là một lời cầu nguyện, đó là một lời cầu nguyện đẹp!

Tuy nhiên, mặc dù lời cầu nguyện của người môn đệ là riêng tư, nhưng nó luôn thân mật. Trong bí mật của nội tâm, người Kitô hữu không để thế giới bên ngoài cánh cửa phòng mình, mà mang theo mình mọi người và hoàn cảnh của họ, những vấn đề, nhiều điều, tất cả đưa vào lời cầu nguyện.

Một từ “thiếu” trong Kinh Lạy Cha

Nếu tôi hỏi anh chị em trong bản văn Kinh Lạy Cha có một điều gì thiếu? Câu trả lời là không dễ… Một từ còn thiếu… Mọi người suy nghĩ: điều gì thiếu trong Kinh Lạy Cha? Anh chị em hãy suy nghĩ, từ nào thiếu? Một từ. Một từ mà trong thời đại của chúng ta – nhưng có lẽ luôn luôn – tất cả đều quan tâm, từ nào thiếu trong Kinh Lạy Cha mà chúng ta cầu nguyện mọi ngày? Để không làm mất thời gian tôi sẽ nói: thiếu từ “tôi”. Không bao giờ có từ “tôi”. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện trên môi từ “Cha”, bởi vì lời cầu nguyện Kitô giáo là đối thoại: “nguyện danh cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện”. Không phải danh tôi, nước của tôi, ý muốn của tôi. Tôi, tôi, không phải như vậy. Và sau đó đi đến “chúng con”. Toàn bộ phần thứ hai của “Kinh Lạy Cha” được xưng ở ngôi thứ nhất số nhiều: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi sử dữ”. Ngay cả những lời cầu xin căn bản nhất của con người – như có thức ăn để làm dịu cơn đói – đều là số nhiều. Trong lời cầu nguyện Kitô giáo, không ai xin cơm bánh cho chính mình: xin cho con lương thực hôm nay; không, xin cho chúng con, cầu xin cho tất cả, chúng ta cầu xin cho tất cả người nghèo trên thế giới. Nhưng không được quên điều này, thiếu từ “tôi. Chúng ta cầu xin với ngôi thứ hai: “Cha” và với ngôi thứ nhất số nhiều: “chúng con”. Đây là lời dạy tốt lành của Chúa Giêsu, không được quên điều này.

Lời cầu nguyện của cộng đoàn

Tại sao? Tại sao? Không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân trong khi đối thoại với Thiên Chúa. Không có sự phô trương của những vấn đề của chính mình như thể chúng ta là những người duy nhất trên thế giới phải chịu đựng. Không có lời cầu nguyện hướng về Thiên Chúa mà không phải là lời cầu nguyện của một cộng đoàn anh chị em, chúng ta: chúng ta ở trong cộng đoàn, chúng ta là anh chị em, chúng ta là một dân cầu nguyện, chúng ta. Có lần một cha tuyên úy nhà tù hỏi tôi: “Xin nói cho con biết, thưa Đức Thánh Cha, từ nào ngược với từ ‘tôi’? Và tôi, ngây thơ nói: từ “Bạn”. “Bắt đầu cuộc chiến”. Từ ngược với từ ‘Tôi’ là ‘chúng ta’, nơi đâu có hòa bình, tất cả cùng nhau”. Đó là một giáo lý đẹp mà tôi nhận được từ vị linh mục đó.

Trong lời cầu nguyện, người tín hữu mang đến tất cả những khó khăn của những người sống bên cạnh mình: khi chiều đến, người Kitô hữu thưa với Chúa về những nỗi đau mà mình đã trải qua trong ngày đó; đặt mình trước mặt Chúa nhiều khuôn mặt của bạn bè và thậm chí của thù địch; người kitô hữu không xua đuổi chúng như những điều phiền nhiễu nguy hiểm. Nếu một người không nhận ra rằng có nhiều người xung quanh mình đang đau khổ, nếu chúng ta không động lòng thương những giọt nước mắt của người nghèo, nếu chúng ta quen tất cả những điều này, điều đó có nghĩa là trái tim chúng ta ….như thế nào? Khô héo chăng? Không, tồi tệ hơn: trở thành đá. Trong trường hợp này, thật tốt khi chúng ta cầu xin Chúa chạm vào chúng ta qua Thánh Thấn của Ngài và làm mềm tâm hồn chúng ta. “Xin chạm vào trái tim con, lạy Chúa”. Đây là một lời cầu nguyện đẹp: “Xin Chúa làm mềm lòng con để con có thể hiểu và chịu trách nhiệm về mọi vấn đề, mọi nỗi đau của người khác”. Chúa Kitô đã không đi qua một cách dửng dưng trước những đau khổ của thế giới: bất cứ khi nào Ngài cảm thấy một sự cô đơn, một nỗi đau của cơ thể hoặc tinh thần, Ngài cảm thấy một lòng trắc ẩn mạnh mẽ, giống như cung lòng của người mẹ. “Lòng trắc ẩn” này là một trong những động từ chính của Tin Mừng: đó là điều thúc đẩy người Samaritano nhân lành đến gần người bị thương ở bên vệ đường, không giống như những người khác có trái tim chai cứng.

Chúng ta có thể tự hỏi: khi tôi cầu nguyện, tôi có mở lòng cho tiếng khóc của nhiều người gần xa không? Hay tôi nghĩ cầu nguyện như một loại thuốc mê, đem lại cho tôi sự yên tỉnh hơn? Tôi để câu hỏi này cho mỗi người tự trả lời. Trong trường hợp này tôi sẽ là nạn nhân của một sự hiểu lầm khủng khiếp. Tất nhiên, lời cầu nguyện của tôi sẽ không còn là một lời cầu nguyện Kitô giáo. Bởi vì từ “chúng con” mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta không cho phép tôi yên bình một mình và khiến tôi cảm thấy có trách nhiệm với anh chị em của mình.

Có những người dường như không tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta cầu nguyện cho họ, bởi vì Thiên Chúa tìm kiếm những người này trên hết. Chúa Giêsu không đến vì người khỏe mạnh, nhưng vì người đau yếu và cho người tội lỗi (Lc 5,31) – nghĩa là đối với mọi người, bởi vì những người nghĩ rằng họ khỏe mạnh, thực tế không phải vậy. Nếu chúng ta làm việc vì công lý, chúng ta sẽ không cảm thấy mình tốt hơn những người khác: vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, (Mt 5,45). Chúa Cha yêu thương tất cả! Chúng ta học được điều này từ Chúa Ngài luôn tốt với mọi người, không như chúng ta, chúng ta chỉ có thể tốt với một số người, những người chúng ta thích.

Các thánh và những người tội lỗi, tất cả đều là anh em được cùng một Cha yêu thương. Và, vào buổi xế chiều của cuộc sống, chúng ta sẽ được xét xử về tình yêu, chúng ta đã yêu thương thế nào. Không phải là một tình yêu chỉ thiên về tình cảm, mà là lòng thương xót và cụ thể, theo quy tắc Tin Mừng, không quên điều này: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).

Ngọc Yến – Vatican
(Nguồn: Vatican News)

Caritas quốc tế đang hướng về Indonesia, chung tay giúp đỡ các nạn nhân của trận sóng thần xảy ra vào ngày 22.12.2018 khiến gần 400 người thiệt mạng và khoảng 1500 người bị thương. Con số thương vong có thể tiếp tục tăng lên vì vẫn còn nhiều người mất tích.

Một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất là vùng Anyer trên đảo Java, thuộc giáo phận Bogor, và vùng Lampung trên đảo Sumatra, thuộc giáo phận Tanjungkarang.

Hiện tại Caritas Tanjungkarang đang khẩn trương phân phát thực phẩm cho người dân tại Lampungm. Các tình nguyện viên của Tổng Giáo phận Jakarta cũng đã tới Java, phối hợp với Caritas Bogor giúp đỡ các nạn nhân nơi đây.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ các nạn nhân sóng thần Indonesia tại buổi đọc kinh Truyền tin hôm Chúa nhật vừa qua. Ngài mời gọi mọi người cùng cầu nguyện, bày tỏ tình liên đới đến những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa này và khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đức Hồng y Daniel DiNardo, Tổng Giám mục Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hòa Kỳ, cho biết Giáo hội Hoa Kỳ đang kêu gọi sự đóng góp trong cộng đồng và sẽ chuyển đến Giáo hội Indonesia trong thời gian sớm nhất. Giáo hội Anh và xứ Wales cũng đã quyên được hơn 200.000 bảng Anh để hỗ trợ nạn nhân sóng thần.

Gia Hy (Vatican News, 24/12/2018)

“CÙNG VỚI NGƯỜI TRẺ, CHÚNG TA MANG TIN MỪNG CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI”

Dẫn nhập:

Truyền giáo là bản chất của Giáo hội. Giáo hội có sức sống và sự lan tỏa là nhờ vào truyền giáo, đem lời Chúa đến muôn dân. Ý thức được tầm quan trọng của sứ mạng mà Đức Giêsu đã trao gửi cho nhân loại, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn gọi mời và thúc giục Hội Thánh phải ý thức và thực thì sứ mạng cao cả đó. Cách riêng, Ngài luôn ưu tư và khuyến khích những người trẻ quan tâm về vấn đề này, bởi vì giới trẻ là tương lai của Hội thánh. Trong tâm tình đó, giới trẻ chúng ta cùng nhau học hỏi sứ điệp mà ngài đã gửi năm nay, 2018 , năm mà Giáo hội hưởng đến mục vụ cho các bạn trẻ và các gia đình trẻ.

Phần I: Giới trẻ đem tin mừng đến với mọi người.

  • Câu 1: Các bạn nghĩ gì về ơn gọi kitô hữu của mình?

Trả lời: Ơn gọi Kitô hữu là một quà tặng, một ân ban Chúa đã ban cho ta qua ngày lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy. Quà tặng này được nuôi dưỡng và lớn lên trong Giáo hội khi ta lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần thúc đây, chúng ta được trưởng thành trong đức tin, nhờ đó chúng ta có nhiệm vụ sống và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.

  • Câu 2: Tháng 10 tới đây cũng là tháng truyền giáo. Thượng Hội Đồng Giám mục sẽ nhấn mạnh đến đời sống và sứ mạng của các bạn trẻ nói chung, cách riêng là gia đình trẻ. Các bạn có suy nghĩ gì?

Trả lời: Qua lá thư này, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta suy tư về ơn gọi và sứng mạng Ki tô hữu của mình, một sứ mạng mà Chúa Giêsu, qua đức tin, muốn chúng ta như những hạt cải, ánh sáng, muối men, và chất tin mừng để sưởi ấm một thế giới đang lạnh nhạt đức tin, để thay đổi một ý thức hệ đang muốn lánh xa Thiên Chúa và để nói về Đức Kitô cho những người không biết Ngài.

Phần II: Cuộc đời là một sứ mạng.

  • Câu 3: Các bạn trẻ có cần ý thức về sứ mạng Kitô hữu của mình không?

Trả lời: Chúng ta phải luôn ý thức và coi trọng sứ mạng này vì đó là một hồng ân Thiên Chúa ban cho những ai tin vào con của Người. Theo như lời Đức Thánh Cha Phanxicô, sứ mang này sẽ lôi cuốn người khác đến với Chúa Giêsu, đồng thời làm cho chúng ta được sai đi đên với tât cả mọi người, để nói cho họ về một Thiên Chúa Tình yêu. Chúng ta phải hãnh diện và xác tín vào sứ mạng đó: Tôi có sứ mạng ớ trần gian này.

  • Câu 4: Các bạn trẻ thực thi sứ mạng của mình như thế nào?

Trả lời: Chúng ta phải luôn vui vẻ làm chứng cho thế giới về một vị Cha chung ở trên trời; đồng thời, luôn lạc quan tin tưởng vào cuộc sống, hy vọng ở một tương lai, nơi đó sức mạnh của Đức Kitô được lan tỏa.

Phần IIl: Chúng ta rao giảng Chúa Giê su Ki tô.

  • Câu 5: Để rao giảng về chúa Giê su Ki tô cho con người ngày nay, các bạn phải nói những gì?

Trả lời: Chúng ta phải nói về con người hôm nay về con đường và sự thật. Con đường và sự thật mà Đức Giê su đã chết và sống lại cho chúng ta. Người kêu gọi sự tự do cho chúng ta và thách thức chúng ta tìm kiếm, khám phá và rao giảng sứ điệp về sự thật và sự hoàn thành này.

  • Câu 6: Đề rao giảng về Đức Kitô, chúng ta phải làm gì?

Trả lời: Chúng ta không được “sợ” Đức Ki tô và Hội Thánh của Người, Từ thập giá của Đức Giê su, chúng ta học được cái luận lý thánh của sự xả kỷ (xem Cr1:17-25) như là một lời công bố của Tin Mừng vì sự sống của loài người (Xem Ga 3:16). Được tình yêu Đức Ki tô đốt cháy là được thiêu đốt bởi ngọn lửa đấy, lớn lên trong sự hiểu biết nhờ ánh sáng của nó và được sưởi ấm bởi tình yêu của nó (xem 2Cr 5:14). Dưới mái trường của các thánh, những vị mở ra cho chúng ta những chân trời bao la của Thiên Chúa, Cha mời gọi các con đừng bao giờ ngưng tự hỏi “Nếu Đức Ki tô ở trong hoàn cảnh của tôi, người sẽ làm gì?”

Phần IV: Truyền bá đức tin cho đến tận cùng thế giới.

  • Câu 7: Phép rửa chính là cửa ngõ để đưa chúng ta vào Hội Thánh, chúng ta tiếp tục ân sủng này như thế nào?

Trả lời: Qua việc lớn lên trong đức tin mà các bí tích của Hội Thánh ban cho chúng ta, cũng như gương lành và ân phúc mà các Thánh nhân đã sống, chúng ta như những huệ duệ làm phát triển và công bố niềm vui ấy cho tất thảy mọi người.

  • Câu 8: Cụ thể cách thức truyền bá đức tin ấy bằng cách nào?

Trả lời: Thứ nhất, bằng đời sống hàng ngày như: Hiện diện, giao tiếp, chia sẻ, thăm viếng… nói chung là bằng ngôn ngữ không lời, nhưng đậm chất Kitô giáo như: Tha thứ, hy sinh, quên mình. Kế đến, bằng hành động như: Chung tay làm từ thiện, mở nhà tình thương, mở lớp giáo dục các trẻ bụi đời… Để qua đó giới thiệu về Chúa Giêsu của Chân- Thiện- Mỹ …

Phần V: Hội Thánh loan truyền đức tin.

  • Câu 9: Là con cái của Hội thánh, các bạn loan truyền đức tin ra sao?

Trả lời: Trước tiên bằng sức lôi cuốn. Do đó chúng ta phải có một tâm hồn cởi mở, đi bước trước và dĩ nhiên chùng ta phải có tình yêu thúc đẩy. Kế đến, sức lối cuốn ấy còn được ấp ủ bởi tình yêu Đức Ki tô thúc bách làm cho chúng ta dễ dàng gặp gỡ, loan báo và công bố về Chúa Giêsu cho mọi người.

  • Câu 10: Hội Thánh có giới hạn phạm vì loan báo tin mừng không?

Trả lời: Sứ vụ đến với muôn dân là một ân huệ và trách nhiệm mà mọi người phải thực thi. Hơn nữa sứ mạng đến với những vùng ngoại biên đang là ưu tư và ưu tiên hàng đầu của Hội thánh ngày nay.

Phần VI: Làm chứng cho tình yêu.

  • Câu 11: Tại sao phải làm chứng cho tình yêu?

Trả lời: Chúng ta phải cảm ơn tất cả các nhóm trong Giáo hội giúp cho có thể gặp gỡ Đức Kitô sống động trong Hội thánh; các giáo xứ, các hiệp hội, các phong trào, các dòng tu, và nhiều hình thức phục vụ truyền giáo khác nhau. Có biết bao nhiêu người trẻ coi hoạt động truyên giáo tự nguyện là một cách để phục vụ những anh chị em “bé mọn nhất” của mình (xem Mt25:40) thăng tiến phẩm giá con người và làm chứng cho niềm vui từ tình yêu và theo tư cách là Kitô hữu!

  • Câu 12: Các bạn nghĩ gì về các Hội Giáo Hoàng truyền giáo?

Trả lời: Các Hội Giáo Hoàng truyền giáo phát sinh từ những tâm hồn trẻ, như một phương tiện nâng đỡ và rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, và nhờ đó, góp phần thăng tiến nền nhân bản và văn hóa cho tất cả những ai khát khao tìm biết chân lý. Những lời cầu nguyện và quảng đại trợ giúp vật chất được cống hiến và phân phối qua các Hội Giáo hoàng truyền giáo, giúp cho Tòa Thánh bảo đảm được rằng, những người đã được trợ giúp khi gặp khó khăn, thì đến lượt họ cũng sẽ làm chứng cho Tin Mừng trong các hoàn cảnh sống của họ.

ĐGH Phanxicô: Dù các ngài “ở trong những bối cảnh khác nhau, nhưng đã sống Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay một cách tuyệt đối, không toan tính, với một tình yêu mãnh liệt”.

Sáng 14 tháng 10 năm 2018, Chúa nhật XXVIII Thường niên, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức giáo hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh lễ và chủ sự nghi thức tuyên phong hiển thánh cho các Chân phước: Phaolô VI [Giovanni Battista Montini] (1897-1978), giáo hoàng; Óscar Arnulfo Romero Galdámes (1917-1980), Tổng giám mục San Salvador, tử đạo; Francesco Spinelli (1853-1913), linh mục, Đấng sáng lập Tu hội Nữ tu tôn thờ Thánh Thể; Vincenzo Romano (1751-1831), linh mục; Maria Katharina Kasper (1820-1898), trinh nữ, Đấng sáng lập Tu hội Nữ tỳ nghèo khó của Chúa Giêsu Kitô; Nazaria Ignazia Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu (1889-1943), trinh nữ, Đấng sáng lập Dòng Misioneras Cruzadas de la Iglesia (Thừa sai Thánh giá của Giáo hội); và Nunzio Sulprizio (1817-1836), giáo dân.

Giảng về bài Tin Mừng theo Thánh Máccô, Đức giáo hoàng Phanxicô đã quả quyết rằng chúng ta cần phải quyết tâm thuộc trọn về Chúa. “Chúa Giêsu rất quyết liệt,” Đức giáo hoàng nói, “Chúa cho tất cả nhưng cũng muốn tất cả: Chúa trao ban một tình yêu nguyên vẹn và muốn một quả tim trọn vẹn”. Hướng đến các vị thánh vừa được tuyên phong, Đức giáo hoàng nói rằng dù các ngài “ở trong những bối cảnh khác nhau, nhưng đã sống Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay một cách tuyệt đối, không toan tính, với một tình yêu mãnh liệt”. Đức giáo hoàng đã kết thúc bài giảng với lời khẩn nguyện “Xin Chúa giúp chúng con noi gương các ngài”.

Để bày tỏ sự hiệp thông hữu hình với 7 vị Thánh, bên cạnh những thánh tích được đặt ở cung thánh, Đức giáo hoàng Phanxicô đã mang dây lưng quấn quanh áo alba còn nguyên vết máu của Đức Tổng giám mục Óscar Arnulfo Romero Galdámes khi ngài tử đạo, dâng lễ với chén thánh và dùng gậy mục tử của Đức giáo hoàng Phaolô VI khi ngài đang tại vị.

(Nguồn: Bollettino 14.10.2018 và Vatican News)

Chủ đề được đưa ra trong đoạn Tin Mừng hôm nay là cầu nguyện và cách thức chúng ta phải cầu nguyện. Chúa Giêsu kể cho các môn đệ về một người, vào lúc nửa đêm, gõ cửa nhà bạn mình xin đồ ăn. Và người bạn anh ta trả lời rằng lúc này không được, vì anh ta đã vào giường, nhưng sau đó, anh ta vẫn thức dậy và đưa cho người bạn mình điều người ấy cần.

Hãy xin với sự can đảm, đừng chán nản, mệt mỏi

Có ba yếu tố quan trọng: người đàn ông đang cần giúp đỡ, người bạn, và một chút bánh. Đó là cuộc viếng thăm đột ngột của người bạn cần giúp đỡ và anh kiên trì nài nỉ bởi anh tin rằng người bạn của mình có điều mình cần. Hãy cầu nguyện với “cách xông vào” và trong cách thức này, Thiên Chúa muốn dạy chúng ta cách cầu nguyện.

Hãy cầu nguyện với sự dũng cảm, bởi khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta thường có một nhu cầu, một điều cần kíp. Thiên Chúa là một người bạn: một người bạn giàu có, người ấy có bánh, người ấy có điều chúng ta cần. Giống như Chúa Giêsu muốn nói: “khi cầu nguyện, hãy xông vào quấy rầy. Đừng nản chí.” Nhưng không nản chí gì đây? Cầu nguyện. Hãy cầu xin và bạn sẽ được ban cho.”

Cầu nguyện không phải là một cây đũa thần

Nhưng cầu nguyện không phải là một cây đũa thần, không phải xin một cái là được ngay. Nó cũng không giống như việc đọc hai kinh “Lạy Cha” rồi bỏ đó.

Cầu nguyện là một công việc: một công việc đòi hỏi ước muốn, kiên trì, quyết tâm, mà không ngại ngùng. Vì sao vậy? Bởi vì tôi đang gõ cửa nhà bạn mình. Thiên Chúa là một người bạn, và với một người bạn, tôi có thể làm điều này. Một lời cầu xin liên lỉ và có vẻ quấy rầy, phiền phức. Thánh Monica là một ví dụ, ngài đã cầu nguyện như thế, với nước mắt, trong nhiều năm trời, để con mình được hoán cải. Cuối cùng, Thiên Chúa đã mở cánh cửa.

Hãy chiến đấu với Thiên Chúa để đạt được

Ở Buenos Aires: có một bác làm công nhân. Ông có một cô con gái đang thập tử nhất sinh. Các bác sĩ không có hy vọng gì và ông đã đi 70 cây số để đến đền thánh Đức Mẹ ở Luján. Khi ông tới nơi, trời đã tối và đền thánh đã đóng cửa, nhưng ông đã ở bên ngoài cầu nguyện suốt cả đêm với Mẹ Thiên Chúa: con muốn con gái của con, con muốn con gái của con. Mẹ có thể ban cho con mà Mẹ.” Và khi trời sáng, sau khi trở về bệnh viện, ông thấy vợ mình nói rằng: anh biết không, các bác sĩ đã đưa con bé đi làm một cuộc xét nghiệm khác; họ không biết tại sao con bé thức dậy và đòi ăn gì đó; và không còn vấn đề gì nữa; con bé ổn rồi, không còn nguy kịch nữa.” Người đàn ông đó đã biết cách cầu nguyện.

Tiếng khóc của con trẻ rốt cuộc cũng được nhận lời

Hãy nghĩ về những đứa trẻ bướng bỉnh, tính khí thất thường. Khi chúng muốn gì đó, chúng gào lên, chúng khóc và nói: con muốn! con muốn! Và cuối cùng, cha mẹ của chúng thua cuộc. Thực ra, ai đó có thể tự hỏi rằng: nhưng Thiên Chúa không bực mình nếu tôi làm như thế chứ? Chính Chúa Giêsu thấy trước điều này, nên Ngài đã nói với chúng ta: “nếu các con là những kẻ xấu mà còn biết cho con mình những điều tốt, thì Cha các con ở trên trời lại chẳng ban Thánh Thần cho những ai cầu xin Người sao?”

Ngài là một người bạn: Ngài luôn cho ta điều tốt lành. Ngài sẽ ban nhiều hơn nữa: con xin Chúa giải quyết vấn đề này, và Ngài giải quyết nó và Ngài cũng ban cho bạn Chúa Thánh Thần. Nhiều hơn rồi! Chúng ta thử nghĩ: cầu nguyện thế nào nhỉ? Có giống một con vẹt không? Tôi có cầu nguyện với điều cần thiết nơi con tim mình không? Tôi có chiến đấu với Thiên Chúa trong cầu nguyện bởi Ngài sẽ ban cho tôi điều mà tôi cần nếu nó chính đáng hay không? Từ đoạn Tin Mừng này, ta học được cách cầu nguyện thế nào.

Nguồn: Trần Đỉnh, SJ – Dongten.net

Vatican – Điều răn thứ ba liên quan tới ngày nghỉ trong sách Xuất Hành có mục đích chúc tụng việc tạo dựng, nhưng trong sách Đệ Nhị Luật nó còn nhằm mục đích kỷ niệm biến cố chấm dứt kiếp sống nô lệ nữa. Trong ngày này, nô lệ cũng phải nghỉ ngơi như chủ nhân để cử hành kỷ niệm lễ Vượt qua của việc giải phóng. ĐTC Phanxi cô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 12.09.2018.

Ngày sabát – ngày nghỉ để tưởng niệm sự giải thoát

Bắt đầu bài huấn dụ ĐTC nói: trong bài giáo lý hôm nay chúng ta còn trở lại điều răn thứ ba liên quan tới ngày nghỉ. Mười Điền Răn công bố trong sách Xuất Hành được lập lại hầu như y nguyên trong sách Đệ Nhị Luật, trừ Điều răn thứ ba, trong đó xuất hiện một sự khác biệt quý báu: trong khi trong sách Xuất Hành, lý do của sự nghỉ ngơi là việc chúc phúc của thụ tạo, thì ngược lại, trong sách Đệ Nhị Luật, nó tưởng niệm việc chấm dứt kiếp nô lệ. Trong ngày này nô lệ cũng phải nghỉ ngơi như chủ nhân, để cử hành việc tưởng niệm lễ Vượt Qua của sự giải phóng.

Nô lệ ngoại tại và nội tại

Thật thế những người nô lệ, theo định nghĩa, không thể nghỉ ngơi. Nhưng có nhiều kiểu nô lệ ngoại tại cũng như nội tại. Có những ràng buộc bên ngoài như các áp bức, các người bị bắt cóc bởi bạo lực và nhiều loại bất công khác. Thế rồi cũng có các nhà tù nội tại, chẳng hạn các ngăn chặn tâm lý, các mặc cảm, cạn hẹp tính tình và nhiều điều khác. Trong các điều kiện này có sự nghỉ ngơi không? Một người bị tù hay bị áp bức cũng vẫn có thể tự do không? Một người bị tra tấn bởi các khó khăn nội tâm có thể tự do không?

ĐTC trả lời cho các câu hỏi này như sau: Thật ra có những người kể cả trong tù vẫn sống một sự tự do nội tâm lớn lao. Chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ tới thánh Massimiliano Kolbe, hay ĐHY Nguyễn Văn Thuận, là những người đã biến các áp bức đen tối trở thành các nơi sáng láng. Cũng như có những người mang dấu vết của những giòn mỏng nội tâm lớn lao nhưng biết tới sự nghỉ ngơi của lòng thương xót và biết thông truyền sự nghỉ ngơi đó.

Lòng thương xót của Thiên Chúa giải thoát chúng ta. Và khi bạn gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa, bạn có một sự tự do nội tâm lớn lao và bạn cũng có khả năng thông truyền nó. Bởi vật mở lòng mình ra với lòng thương xót của Thiên Chúa để không là nô lệ cho chính mình là điều thật quan trọng.

Nô lệ của chính cái tôi

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nêu lên các câu hỏi sau đây: Như vậy sự tự do đích thực là gì? Có lẽ nó hệ tại khả năng lựa chọn chăng? Chắc chắn đây là một phần của sự tự do rồi và chúng ta dấn thân để nó được bảo đảm cho mọi người nam nữ (x. GS 73). Nhưng chúng ta cũng biết rõ rằng có thể làm điều mình ước muốn không đủ để tự do đích thực và để hạnh phúc. Sự tự do đích thực hơn thế rất nhiều.

Thật vậy, có một sự nô lệ xiềng xích hơn một nhà tù, hơn một cuộc khủng hoảng của khiếp sợ, hơn một áp đặt thuộc bất cứ loại nào: đó là sự nô lệ của chính cái tôi. Người suốt ngày nhìn mình trong gương để thấy cái tôi. Và chính cái tôi có một tầm mức cao hơn thân thể mình. Họ nô lệ cái tôi. Cái tôi có thể trở thành một lý hình tra tấn con người cho dù họ ở bất cứ nơi đâu và gây ra cho nó sự áp bức sâu thẳm nhất, đó là điều người ta gọi là “tội lỗi”: nó không chỉ là việc vi phạm một bộ luật cách bình thường, nhưng là sự thất bại của cuộc sống và là điều kiện của những người nô lệ (x, Ga 8,34).

Sau cùng tội lỗi là nói và làm cái tôi: “Tôi muốn làm điều này, và không quan trọng nếu có một cấm cản, nếu có một giới răn; nếu có tình yêu cũng không quan trọng đối với tôi.”

Cái tôi, ví dụ chúng ta hãy nghĩ tới các đam mê của con người: Người tham ăn, người dâm dục, người hà tiện, người ghen tương, người ươn lười, người kiêu ngạo  vv. Họ là nô lệ các tính xấu của họ, chúng chế ngự họ và tra tấn họ. Không có sự dừng lại cho người tham ăn, bởi vì cái họng là sự giả hình của dạ dầy, đầy rồi nhưng làm cho chúng ta tin rằng nó trống rỗng. Dạ dầy giả hình khiến cho chúng ta tham ăn. Chúng ta là nô lệ của một cái dạ dầy giả hình.

Ghen tương khiến linh hồn vàng úa

Không có ngưng chiến đối với kẻ tham ăn. Không có ngừng chiến đối với kẻ tham ăn và người dâm dục phải sống vì khoái lạc; sự âu lo chiếm hữu, hủy hoại người hà tiện, luôn luôn chất đống tiền của bằng cách làm hại tha nhân; lửa giận dữ và con mọt ghen tương làm hư hại các tương quan. Các nhà văn nói rằng sự ghen tương khiến cho thân xác và linh hồn vàng vọt đi như một người bị bệnh gan: họ trở thành vàng. Những người ghen tương có linh hồn mầu vàng, bởi vì họ không bao giờ có được sự tươi mát của sức khỏe linh hồn. Ghen tương giết chết. Sự ươn lười tránh né mọi mệt nhọc khiến cho người ta không có khả năng sống. Chủ trương coi cái  tôi là trung tâm kiêu căng đào hố sâu giữa mình và người khác.

Anh chị em thân mến, vậy ai là nô lệ đích thực? Ai là người không biết sự nghỉ ngơi? Đó là người không có khả năng yêu thương.

Và tất cả các tính xấu này, tất cả các tội này, sự ích kỷ này khiến cho chúng ta xa rời tình yêu và làm cho chúng ta không có khả năng yêu thương. Chúng ta là nô lệ của chính mình và chúng ta không thể yêu thương, bởi vì tình yêu luôn luôn hướng tới các người khác.

Tình yêu của Chúa Kitô đóng đinh ban tự do đích thật

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Điều răn thứ ba mời gọi cử hành sự giải phóng trong việc nghỉ ngơi, đối với các ki tô hữu, đó là lời tiên tri của Chúa Giê su, là Đấng bẻ gẫy sự nô lệ nội tâm của tội lỗi để khiến cho con người có khả năng yêu thương. Tình yêu đích thật là sự tự do đích thật: nó tách rời khỏi sự chiếm hữu, tái tạo các tương quan, biết tiếp đón và đánh giá người lân cận, biến đổi mọi mệt nhọc thành tươi vui và làm cho có khả năng truyền thông. Tình yêu khiến cho được tự do cả trong tù, cả khi yếu đuối và bị hạn chế. Đó là sự tự do mà chúng ta nhận được từ Đấng Cứu Thế của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô.

Nguồn: Linh Tiến Khải – Vatican
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2018-09/dtc-phanxico-muoi-dieu-ran-no-le-cai-toi-tu-do-dich-that.html

Vatican – “Anh chị em thân mến, ở khắp nơi, người ta nói về sự thiếu đạo đức giữa anh chị em và về một thứ vô luân mà không xảy ra ngay cả giữa dân ngoại. Nhưng anh chị em là các Kitô hữu và anh chị em sống như thế sao?” Đó là những lời chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất, trong đó thánh Phaolô khiển trách nặng nề các tín hữu Corintô, vì có nhiều người sống cuộc sống hai mặt nhưng lại hãnh diện mình là các Kitô hữu công khai; họ tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô nhưng đồng thời chấp nhận cách sống vô luân.

Tin mừng biến đổi toàn thể con người

Chúa Giêsu đã khuyên nhủ các môn đệ của Người: “Rượu mới thì đựng trong bình mới.”

“Cái mới” của Tin mừng, của Chúa Kitô, không chỉ biến đổi linh hồn chúng ta mà toàn bộ con người chúng ta: linh hồn, tinh thần và thể xác, tất cả mọi thứ, toàn bộ; biến đổi rượu và men thành những  bình rượu mới, biến đổi hoàn toàn; nó biến đổi chúng ta tất cả, bởi vì nó biến đổi chúng ta từ nội tâm đến bên ngoài: tinh thần, thể xác và cuộc sống hàng ngày.

“Cái mới” của Tin mừng và “những sự mới lạ” của thế gian

Các tín hữu giáo đoàn Côrintô không hiểu được điều mới mẻ tổng thể của Tin mừng, điều không phải là một ý thức hệ hay một cách sống trong xã hội được sống với những thói tục của dân ngoại. Điều mới mẻ của Tin mừng là sự phục sinh của Chúa Kitô, là Thần Khí – Đấng sai chúng ta đi “để Người đồng hành với chúng ta trong cuộc sống.” Các Kitô hữu chúng ta là những con người của cái mới, chứ không của những sự mới lạ.

Rất nhiều người tìm cách sống đạo Kitô “của những thứ mới lạ.” Nhưng ngày nay người ta có thể làm như thế. Không! đúng hơn là ngày nay người ta sống như thế…”. Và những người sống những thứ mới lạ được thế gian đưa ra là những người thuộc về thế gian, không chấp nhận điều mới mẻ của Tin mừng. Có một sự đối nghịch giữa sự mới mẻ của Chúa Giêsu Kitô và những điều mới lạ mà thế gian đề nghị cho chúng ta sống.

Yếu đuối nhưng không giả hình

Những người dân mà thánh Phaolô lên án là “thứ người nửa nóng nửa lạnh, là dân sống vô đạo đức, (…) đó là dân sống bắt chước, là dân giả hình. Lời mời gọi của Chúa Giêsu là một lời mời gọi đến với điều mới mẻ.

Một người nào đó có thể nói: “Nhưng mà thưa cha, chúng ta là những người yếu đuối, chúng ta là người tội lỗi…” – Ồ, điều này lại là chuyện khác.” Nếu bạn chấp nhận mình là người tội lỗi và yếu đuối, Chúa tha thứ cho bạn, bởi vì điều mới mẻ của Tin mừng bắt đầu từ việc tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô đã đến để tha tội cho các tội nhân. Nhưng nếu bạn nói rằng mình là Kitô hữu nhưng lại sống theo sự mới mẻ của thế gian, thì điều này là giả hình. Đây là sự khác biệt. Và trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Anh em hãy coi chừng khi người ta nói với anh em: ‘Chúa Kitô ở đó, ở kia, vv. Những điều mới mẻ của thế gian là: không! ơn cứu độ là điều này, chuyện kia…” Chúa Kitô là Đấng duy nhất. Và sứ điệp của Chúa Kitô rất rõ ràng.

Con đường theo Chúa Kitô là con đường tử đạo

Chúa Giêsu không lừa dối những ai theo Người. Nhưng con đường của người chỉ sống cái mới của Tin mừng và không muốn sống những sự mới lạ của thế gian là gì? Đoạn Tin mừng hôm nay kết thúc với việc các ký lục và tiến sĩ luật quyết định giết Chúa Giêsu; họ muốn loại trừ Người.

Con đường của những người đón nhận điều mới mẻ của Chúa Giêsu Kitô cũng giống với con đường của Chúa Giêsu: con đường đến tử đạo. Tử đạo không luôn là đổ máu, nhưng là điều xảy ra mọi ngày. Chúng ta đi trên đường và bị những kẻ tố cáo dữ tợn theo dõi để tạo nên những lời tố cáo chống lại chúng ta. Nhưng không cần điều đình thỏa hiệp với những sự mới mẻ, không cần giảm nhẹ lời loan báo của Tin mừng.

Hồng Thủy – Vatican

Ơn cứu độ của Chúa Giêsu không phải là đồ “trang sức”, nhưng nó mang lại sự biến đổi. Để nhận được ơn cứu độ, ta phải chân nhận mình là tội nhân, nghĩa là biết tự lên án chính mình, chứ không phải lên án người khác. Đức Thánh Cha đã nói như thế trong thánh lễ tại nhà nguyện Marta sáng ngày 06.9.2018.

Trong đoạn Tin Mừng thánh Luca (Lc 5,1-11), Chúa Giêsu hỏi Phêrô để Ngài có thể lên thuyền của ông và giảng dạy cho dân chúng. Sau đó, Ngài mời gọi ông thả lưới và thu được một mẻ cá lạ lùng. Trình thuật này làm ta nhớ lại một mẻ cá lạ khác trong biến cố hậu Phục sinh. Khi ấy, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem họ có gì để ăn không. Trong cả hai trường hợp này, ta đều thấy Phêrô được tấn phong: lúc đầu là kẻ đánh lưới người ta, và sau đó là một mục tử, một vị chủ chăn. Chúa Giêsu đã đổi tên của ông, từ Simon thành Phêrô, và như là một người Israel tốt lành, Phêrô hiểu rằng việc thay đổi tên nghĩa là thay đổi sứ vụ. Phêrô “đã cảm thấy tự hào bởi vì ông thực sự yêu mến Chúa Giêsu” và mẻ lưới lạ lùng này cho thấy một bước tiến trong cuộc đời ông.

Hành trình thứ nhất: nhận ra chính mình là những tội nhân

Sau khi nhận thấy lưới sắp rách vì quá nhiều cá, ông đã quỳ xuống dưới chân Chúa Giêsu và nói rằng: Thưa Thầy, xin rời xa con, vì con là kẻ có tội”.

Việc thú nhận chính mình là kẻ có tội chính là một bước tiến quyết trên con đường trở thành môn đệ Chúa Giêsu của Phêrô. Bước đầu tiên này của Phêrô cũng là bước đầu tiên của mỗi người chúng ta, nếu ta muốn đi vào đời sống thiêng liêng, đi vào đời sống của Chúa Giêsu, để phục vụ Người, để theo Người. Tự thú nhận mình là điều cần thiết. Nếu không biết tự lên án mình, ta không thể bước vào đời sống của người Kitô hữu.

Ơn cứu độ của Chúa Giêsu không phải là đồ trang sức nhưng mang lại sự biến đổi

Tuy nhiên, có một nguy cơ ở đây. Tất cả đều “nhận mình là kẻ có tội” nhưng “không dễ” thú nhận mình là những tội nhân cách cụ thể. Chúng ta thường quen miệng nói rằng “con là kẻ có tội”, nhưng cũng cùng một cách như thế, ta nói rằng “con là con người” hoặc “con là công dân Ý”. Tự thú nhận thì phải cảm nhận được sự đau xót nơi chính mình: cảm thấy sự đáng thương, nghèo nàn của mình trước mặt Thiên Chúa. Đó cũng chính là việc cảm thấy hổ thẹn. Và (đôi khi) điều này cần phải được thực hiện bằng con tim, chứ không phải bằng lời nói. Nghĩa là, ta cần phải kinh nghiệm cách cụ thể như Phêrô: ông đã xin Chúa Giêsu tránh xa mình vì mình tội lỗi. Phêrô thực sự nhận thấy mình là kẻ có tội và rồi ông đã được cứu. Ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang lại cho ta cần một sự xưng thú chân thành vì “nó không phải là một thứ trang sức, thứ làm đẹp,” thứ chỉ làm thay đổi khuôn mặt với “hai cái quẹt”; nhưng ơn cứu độ biến đổi ta, vì khi bạn bước vào đó, bạn phải dành chỗ cho nó bằng sự xưng thú chân thành về chính những tội lỗi của mình. Và từ ấy, ta kinh nghiệm được sự ngạc nhiên như Phêrô.

Đừng nói về những người khác

Tóm lại, hành trình đầu tiên trong cuộc hoán cải là tự lên án, tự thú nhận chính mình với sự xấu hổ và cảm thấy sự ngạc nhiên vì mình được cứu. Ta cần phải hoán cải, ta cần phải sám hối. Có những người thường thích nói về người khác, lên án người khác, và không bao giờ suy nghĩ về chính họ. Rồi khi đến tòa giải tội, người ấy xưng tội thế nào? Như một con vẹt? “Bla, bla, bla … Con đã làm thế này, thế kia…” Nhưng liệu điều bạn đã làm có đụng chạm đến bạn, đến con tim? Và trong nhiều lần, thì không. Bạn đến đó để xức mỹ phẩm, để trang điểm, để trông đẹp hơn khi ra về. Nhưng việc này không hề đi vào con tim của bạn, vì bạn không cho nó không gian, vì bạn không để cho mình tự lên án chính mình.

Ân sủng của việc nhận thấy mình là tội nhân thực sự

Vì vậy, hành trình đầu tiên là một ân sủng: đó là mỗi người hãy học cách tự lên án chính mình chứ không phải lên án người khác.

Một dấu chỉ cho thấy một người không biết, hay một Kitô hữu, không biết cách tự lên án chính mình là khi người ấy hay cố cáo người khác, xía mũi vào chuyện của người khác. Đó là một dấu hiệu xấu. Tôi có đang làm điều này không? Đó là một câu hỏi tốt và cần thiết để đi vào con tim của ta. Ngày hôm nay, chúng ta xin Chúa ân sủng, ân sủng để gặp gỡ chính mình trong ánh nhìn của Ngài, với sự ngạc nhiên rằng ngài đang hiện diện, và ân sủng để nhận thấy mình là những tội nhân, nhưng một cách cụ thể và để nói như Phêrô: “xin tránh xa con vì con là kẻ có tội.”

 (Nguồn: WHĐ Theo Vatican)

Trần Đỉnh, SJ – Vatican

Vatican – Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hiệp thông với Chúa Giêsu, bánh ban sự sống, qua việc lãnh nhận Thánh Thể, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu siêng năng tham dự Thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa.

Chúa Giêsu chính là bánh ban sự sống được trao ban cho chúng ta qua lễ hy sinh của Ngài. Chúng ta được lãnh nhận bánh sự sống đó khi đến với bàn tiệc Thánh Thể, nhờ đó chúng ta được hiệp thông vào sự sống của Chúa Giêsu, tham dự trước Nước Trời, trở nên đồng điệu với Ngài trong các tâm tình cũng như cách hành xử. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hiệp thông với Chúa Giêsu, bánh ban sự sống, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 19 tháng 8, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu siêng năng tham dự Thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa. Mở đầu bài huấn dụ, ĐTC nói:

“Đoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Ga 6,51-58) dẫn chúng ta vào phần thứ hai của bài diễn từ của Chúa Giêsu tại hội đường ở Capharnaum, sau khi đã cho đám đông dân chúng được ăn no từ 5 chiếc bánh và 2 con cá; sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Chúa Giêsu giới thiệu mình như “bánh hằng sống từ trời xuống”, là bánh ban sự sống đời đời…”

ĐTC cũng nói rõ thêm rằng khi dấu chỉ bánh được chia sẻ cho thấy ý nghĩa thật sự của nó, đó là sự trao ban chính mình làm của lễ hy sinh, thì lại xuất hiện sự không hiểu, lại nổi lên cả sự chối từ chính Đấng mà không lâu trước đó họ muốn tôn phong… “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (câu 52)…

Bánh sự sống là chính Chúa Giêsu được ban tặng qua cái chết hy sinh của Ngài.

Dựa trên lời khẳng định của Chúa Giêsu: ‘Nếu các ngươi không ăn thịt và uống máu Con Người, các ngươi sẽ không có sự sống nơi mình’ (câu 53), ĐTC giải thích rằng “thịt và máu trong ngôn ngữ Thánh kinh diễn tả con người cụ thể. Dân chúng và chính các môn đệ nhận ra rằng Chúa Giêsu mời gọi họ hiệp thông với Ngài, mời gọi họ “ăn” Ngài, con người của Ngài, để chia sẻ với Ngài món quà sự sống cho thế gian, hơn là chiến thắng và ảo ảnh của thành công! Chính qua lễ hy sinh Chúa Giêsu ban tặng chính Ngài cho chúng ta.”

Bánh Thánh Thể giải cơn đói khát thiêng liêng

Cũng theo ĐTC: “Bánh sự sống này, bí tích Mình và Máu Chúa Kitô, được ban tặng nhưng không cho chúng ta trong bàn tiệc Thánh Thể. Ở nơi bàn thờ, chúng ta tìm thấy điều giúp chúng ta không còn đói khát về thiêng liêng, hôm nay và mãi mãi. Mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ, trong một nghĩa nào đó, chúng ta tham dự trước Nước Trời trên trần thế, bởi vì từ lương thực Thánh Thể, Mình và Máu Chúa Giêsu, chúng ta học điều gì là sự sống vĩnh cửu. Đó là sống nhờ Chúa, như Chúa nói: “Kẻ ăn Ta sẽ sống nhờ Ta” (câu 57). Thánh Thể tạo hình chúng ta bởi vì chúng ta không chỉ sống cho chính mình, nhưng sống cho Chúa và cho tha nhân. Hạnh phúc trong cuộc sống và cuộc sống vĩnh cửu hệ tại ở việc chúng ta có khả năng làm cho tình yêu Tin Mừng được sinh sôi khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể”.

Qua Thánh Thể, hiệp thông với Chúa và tha nhân

ĐTC nhắc các tín hữu: “Hôm nay, như ngày xưa đó, Chúa Giêsu lập lại “nếu các con không ăn thịt và uống máu Con Người, các con không có sự sống nơi các con” (câu 53). Đó không phải là lương thực vật chất, nhưng là bánh sự sống và hằng sống, trao ban chính sự sống của Thiên Chúa. Khi chúng ta rước lễ, chúng ta nhận chính sự sống của Thiên Chúa và để có sự sống này, cần nuôi dưỡng mình bằng Tin Mừng và tình yêu tha nhân. Trước lời mời gọi của Chúa Giêsu nuôi dưỡng mình bằng chính Mình và Máu Ngài, chúng ta có thể cảm thấy cần tranh luận và chống lại, như những thính giả trong bài Tin Mừng đã làm. Điều này xảy ra khi chúng ta không thể sống theo cách thế của Chúa Giêsu, khi khó phản ứng theo tiêu chuẩn của Ngài, chứ không theo tiêu chuẩn của thế gian. Khi nuôi dưỡng mình bằng lương thực này, chúng ta có thể hoàn toàn trở nên đồng điệu với Chúa Kitô, với các tâm tình cũng như cách hành xử của Ngài. Do đó, hiệp thông với Chúa thật là quan trọng; thật là quan trọng khi tham dự Thánh lễ và rước lễ, bởi vì đó là lãnh nhận Mình Chúa Kitô, lãnh nhận Chúa Kitô, Đấng biến đổi chúng ta từ bên trong và nhận Chúa Kitô hằng sống, Đấng chuẩn bị chúng ta lãnh nhận Nước Trời”.

Cuối cùng, ĐTC cầu xin Đức Trinh nữ Maria “nâng đỡ ý muốn hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, khi nuôi dưỡng mình với Thánh Thể của Ngài, để đến lượt chúng ta cũng trở thành bánh được bẻ ra cho anh chị em”.

Nguồn: Đài Vatican