Tương truyền, Đức Mẹ hiện ra tại La Vang năm 1798. Vào thời gian đó, vua Cảnh Thịnh (Tây Sơn – con thứ Vua Nguyễn Huệ – Quang Trung) ra chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn tại núi rừng La Vang, và thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.
1. NHÀ THỜ NGÓI CỔ LA VANG (1901 – 1923)
Tương truyền, Đức Mẹ hiện ra tại La Vang năm 1798. Vào thời gian đó, vua Cảnh Thịnh (Tây Sơn – con thứ Vua Nguyễn Huệ – Quang Trung) ra chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn tại núi rừng La Vang, và thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.
Một hôm đang khi cùng nhau lần hạt kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng Giêsu, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân. Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.
Sự kiện xảy ra trên thảm cỏ gần gốc cây đa cổ thụ nơi giáo dân đang cầu nguyện. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.

Từ chân tượng Đức Mẹ nhìn về phía Quảng trường, tháp cổ và nhà hành hương. Dưới chân tượng đá có hình 2 em bé được bố mẹ chúng dán lên trên bệ đá. Rất nhiều lời cầu nguyện của con cái Mẹ khắp nơi đã được thực hiện tại đây!
Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi, và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Đức Mẹ. Đức Mẹ La Vang thường được biểu tượng bằng một phụ nữ mặc áo dài Việt Nam bế con cũng mặc trang phục truyền thống Việt Nam.
***
Lịch sử nhà thờ La Vang vốn được xây trên nền của một miếu thờ Bà (có thể là Phật Bà Quan Âm hoặc bà chúa Liễu Hạnh) cho người đi rừng, nguyên là một mái nhà tranh dưới gốc cây đa và rào sơ bốn mặt, sau biến cố Mẹ Maria hiện ra năm 1789 được nhường cho giáo dân để xây một nơi tôn kính Mẹ Maria.
Những nhà thờ trước năm 1900 đều chưa tìm được hình ảnh. Khoảng từ năm 1886, Đức Cha Marie Antoine Caspar (Lộc) cho xây lại một ngôi nhà thờ bằng ngói và cho mãi đến năm 1901 nhân dịp đại hội La Vang đầu tiên được tổ chức vào ngày 08 tháng 08 thì mới có Lễ mừng khánh thành nhà thờ.
Ngôi nhà thờ này tồn tại từ năm 1901-1923, Ngôi đền thánh bên trong theo kiểu cách Annam có cột kèo xuyên trên có sức chứa khoảng 400 người. Mặt tiền có hơi theo kiểu Tây với hai tháp vuông. Thiết kế này giống với một số nhà thờ hiện tại ở Miền Bắc (Bùi Chu, Bắc Ninh…) là nhìn mặt tiền thì nhà thờ khá rộng (nhờ có thêm 2 tháp vuông) nhưng trong lòng nhà thờ thì hẹp hơn nhiều. Bên trong, trên bàn thờ có tượng ảnh Đức Chúa Bà mua bên Tây, một bên có Đức Chúa Giêsu đứng là Notre Dame des Victoires. Dưới bàn thờ có tượng ảnh Đức Bà Môi Khôi, có ông thánh Đôminicô và bà thánh Catarinà chầu.

Trong ảnh, Ngôi nhà thờ đã xuống cấp nhiều, tháp bên phía trái đã có dấu hiệu bị nứt và nghiêng lún và sau đó tự động đổ xuống vào tháng 5.1925 nhưng không làm ai bị thương. Hình ảnh của ngôi nhà thờ này hiện đang được lưu trữ tại Hội Thừa Sai Paris.
2. LINH ĐÀI ĐỨC MẸ 1
Linh đài theo kiểu Việt Nam được xây vào khoảng năm 1950 và nằm trước linh đài hiện nay khoảng 15 thước. Linh đài này tồn tại trong khoảng từ năm 1950 – 1960. Có thể thấy bức tượng Đức Mẹ La Vang bên trong linh đài.

3. TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG 1
Trong dịp Đại Hội La Vang lần đầu tiên – khánh thành nhà thờ ngói vào ngày 08.08.1900, Đức cha Caspar Lộc đã cung thỉnh bức thánh tượng Đức Mẹ La Vang theo mẫu tượng Đức Bà Chiến Thắng đặt trong ngôi nhà thờ ngói.
“Đức Mẹ mặc áo choàng màu thiên thanh, phủ trên áo trắng ngà, đầu đội triều thiên vàng, chân đứng trên đám mây. Đức Mẹ nhìn đàn con, nét mặt dịu hiền, dáng điện uy nghi. Hai tay Mẹ nâng đỡ Chúa Hài Đồng đứng bên tay mặt như muốn đưa ra giới thiệu cùng chúng ta, trao ban cho chúng ta. Chúa Giêsu Hài Đồng thật duyên dáng trong bộ áo màu hồng, đầu đội triền thiên, chân đứng trên quả địa cầu lấp lánh mấy vì sao. Chúa Hài Đồng một tay níu áo Mẹ, nương tựa vào Mẹ như để làm gương cho ta, một tay giơ ra như để mời gọi ta chay đến cùng Mẹ để tỏ lòng hiếu thảo mến yêu và lãnh nhận muôn ơn lành nhờ lời Mẹ chuyền cầu.

Bức thánh tượng quý giá này đã bị hủy hoại trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, nay không còn nữa.

Bức tượng Đức Mẹ La Vang (phục hồi) lại được để trên bệ thờ bên hông tháp cổ. Bức tượng Mẹ theo hình dáng này hiện cũng được khá nhiều người đặt trên bàn thờ tại nhà hoặc các Tượng đài Mẹ La Vang ở các nhà thờ, nhà nguyện….
4. NHÀ THỜ LA VANG GIAI ĐOẠN 1923 – 1961
Trong dịp Đại Hội La Vang 8 (1923), Đức cha Allys Lý nhận thấy số giáo dân hành hương ngày một đông, ngôi nhà thờ ngói thì quá chật hẹp, lại đã xuống cấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nên đã quyết định xây dựng ngôi đền thánh rộng lớn tại La Vang.
Ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11.02.1924, cha sở Cổ Vưu Morineau Trung phát hiệu lệnh khởi công xây dựng đền thánh La Vang theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier, với mức kinh phí dự trù tối thiểu phải hai mươi ngàn đồng bạc.

Ròng rã bốn năm trời với biết bao công sức tiền của đổ ra, công trình Đền Thánh La Vang vĩ đại đã hoàn thành, một Ngôi thánh đường với hai tầng mái và hai cánh thánh giá cổ điển, cùng với cây tháp vuông hai tầng cao ngất nổi bật lên giữa cảnh đồi cát chung quanh và núi rừng xa xa.
Vào lúc 08 giờ sáng ngày 20.08.1928, nhân dịp Đại Hội La Vang 9, Đức cha Allys Lý đã long trọng cử hành nghi thức làm phép nhà thờ mới.
Nhà thờ La Vang vào thời kỳ mới được xây dựng xong:

Hình ảnh Vương cung thánh đường La Vang chụp năm 1931, giáo dân với trang phục đặc trưng và nón lá. Các công trình kiên cố khác xung quanh Thánh đường vẫn chưa có nhiều. Trong hình, Nhà thờ cũng đã có dấu hiệu xuống cấp do thời tiết khắc nghiệt của miền trung. Gần khu vực Linh đài hiện tại vẫn là ngôi nhà tranh.
5. GIAI ĐOẠN KIẾN THIẾT TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG (1961 – 1963)
Ngày 13.04.1961, Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam đã quyết định La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc và chọn đền thánh La Vang làm đền thờ dâng trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. Đồng thời chấp thuận một chương trình kiến thiết Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang.

Sáng 22.08.1961, ngày xức dầu đền thánh, cũng là ngày cuối cùng trong 6 ngày Đại Hội La Vang 15, trước hàng giáo sĩ và 300.000 giáo dân, Đức ông De Nitris, thư ký Tòa Khâm Mạng, đại diện Tòa thánh tuyên đọc nguyên văn bằng La ngữ sắc chỉ MAGNO NOS SOLATIO của Đức Thánh cha Gioan XXIII nâng Đền Thờ La Vang lên bậc VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG.

Những hình ảnh ngày đại lễ Đại Hội La Vang lần 15 ngày 22.08.1961:





Sáng 22.08.1961, ngày xức dầu đền thánh, cũng là ngày cuối cùng trong 6 ngày Đại Hội La Vang 15, trước hàng giáo sĩ và 300.000 giáo dân, Đức ông De Nitris, thư ký Tòa Khâm Mạng, đại diện Tòa thánh tuyên đọc nguyên văn bằng La ngữ sắc chỉ MAGNO NOS SOLATIO của Đức Thánh cha Gioan XXIII nâng Đền Thờ La Vang lên bậc VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG.
Những hình ảnh ngày đại lễ Đại Hội La Vang lần 15 ngày 22.08.1961:


Đây là bức thánh tượng thứ ba được tôn kính tại La Vang, mẫu tượng mới với chủ đề hoàn toàn khác với hai mẫu tượng cũ Đức Bà Chiến Thắng. Linh đài ba cây đa nhân tạo được khởi công ngày 20.06.1963, vừa xong phần bê tông cốt thép, chưa có phần trang trí mỹ thuật bên ngoài thì bị đình đốn do biến cố ngày 01.11.1963 xảy ra. Hơn 40 năm qua, linh đài vẫn tồn tại nguyên trạng ban đầu.
7. NHỮNG CÔNG TRÌNH CỦA TRUNG TÂM LA VANG TRƯỚC NĂM 1972
Công trường Mân côi Là khuôn viên trước đền thờ, đã hoàn thành với diện tích 30 x 480 mét, rải đá, tráng nhựa. Hai bên là 15 pho tượng bằng đá cẩm thạch được chạm khắc công phu theo nghệ thuật hiện thực – loại hình nghệ thuật tượng thánh thường thấy – diễn tả Mười Lăm Mầu Nhiệm Mân Côi.


Trong hình trên, Hồ Tịnh Tâm dự tính nằm ở hai bên hình, là khoảng ruộng trước đền thờ rộng 6 ha, đã đào xong với 30.000 ngày công do giáo dân Huế tự nguyện. Theo thiết kế, hồ được tạo hình theo kiểu hồ Tịnh Tâm thành nội Huế, giữa mỗi hồ có một cù lao nhỏ, bên hồ này xây đài kỷ niệm các đấng Chân Phước tử đạo Việt Nam, bên hồ kia xây đài kỷ niệm các đấng bổn mạng xứ truyền giáo. Nội dung phần này chưa thực hiện.
Phía sau Thánh đường có những công trình như Nhà Tĩnh Tâm, khởi Công ngày 24.04.1962. Hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 10.1963. Đó là ngôi nhà lầu bê tông tường gạch một tầng, hình chữ U, ngang 10 mét, rộng 36 mét, cộng với hai cánh, mỗi cánh 12 mét. Được thiết kế gồm nhiều phòng ngủ, hội trường, phòng đọc sách, phòng giải trí, nhà xe, nhà bếp, và nhà ăn 500 khẩu phần một lúc. Chúng ta có thể nhìn thấy công trình này trong hình dưới đây:

Trong hình trên, Ba Vị Giám mục đứng ở đây lúc đó chắc cũng không nghĩ là ngôi Thánh đường trước mặt sẽ bị bom đạn phá tan tành và trong tương lai sẽ có một ngôi thanh đường nguy nga khác được xây nên trên ngay chỗ các Ngài đang đứng. Ngôi nhà hành hương bề thế 2 tầng bên cạnh nhà thờ cũng bị tàn phá không còn dấu tích gì. Ba cây đa và tượng đài Đức mẹ nằm khuất trong lùm cây bên phía phải hình. Các công trình khác như Nhà Hành Hương, Công Trường Thánh Tâm (với tượng đài Kitô Vua đứng trên quả cầu hình bán nguyệt. Một bàn thờ bằng đá cẩm thạch lộ thiên dưới chân tượng. Một hồ nước trong xanh phía trước và một hoa viên tươi tốt bao quanh), Hồ GIÊNÊZARÉT (với hai cầu vồng bắc qua hồ, mỗi cầu rộng 6 mét dài 30 mét, nối liền lộ trình Đền Thánh – Đồi Calvariô – Đền Thánh. Đây là lộ trình chính dành cho các cuộc kiệu lớn) và hệ thống đường sá, điện nước, mương cống, nhà vệ sinh…. Riêng chỉ với những công trình kiến thiết trên đây thôi cũng đã khiến La Vang “phảng phất như một lâu đài thiên quốc…, một kinh thành ánh sáng…, một mảnh thiên đàng rớt xuống miền rừng núi hoang vu.

Hình ảnh các đoàn lễ sinh và giáo dân hướng về phía lễ đài. 40 năm sau, sau nhiều thăng trầm, cũng tại chính vị trí này đã diễn ra nhiều buổi Lễ trọng đại của Giáo hội Việt Nam trong đó có buổi lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng một Vương cung thánh đường mới. Ngôi thánh đường trong hình giờ chỉ còn di tích tháp chuông.
8. LA VANG – NHỮNG NĂM THÁNG YÊN BÌNH (~1970)
Mặc dù chiến tranh đã lan rộng ra toàn miền trung từ những năm 1967 nhưng miền La Vang vẫn tương đối yên bình và hầu như chưa bị ảnh hưởng gì!

Đường vào La Vang 1967
Những hình ảnh Trung tâm La Vang chụp vào thập niên 60 khi chiến tranh chưa lan tới, một khung cảnh yên bình và thanh thản:



9. CHIẾN SỰ LAN TỚI LA VANG
Sự hiện diện của xe quân sự và binh lính báo hiệu chiến sự đã lan tới La Vang (1970)

Đỉnh điểm của cuộc chiến là vào ngày giữa năm 1972, chiến sự ác liệc giữa Cộng quân và Quân đội VNCH đã tàn phá thành bình địa toàn bộ Thánh địa La Vang. Ngày 7/7/1972, mặc dù tái chiếm lại được Thành Quảng Trị và La Vang, nhưng tất cả chỉ còn là đống đổ nát. Ngôi thánh đường xinh đẹp trước đây đã bị tàn phá nặng nề.

Vị Tổng thống VNCH lúc đó là Ông Nguyễn Văn Thiệu đã đến quỳ gối cầu nguyện trước tại gian cung thánh lộng lẫy một thời của Thánh đường với bàn thờ cẩm thạch xinh đẹp thủa nào, giờ chỉ còn là đống đổ nát.

Mặc dù đã Quảng Trị đã được tái chiếm cuối tháng 12 năm 1972, những người lính VNCH hiện diện tại La Vang, linh đài vẫn còn nhưng tượng Đức Mẹ đã bị hư hại với phần đầu tượng đã bị bể.
10. LA VANG – NHỮNG NĂM THÁNG TRẦM LẶNG VÀ HỒI SINH 1975 – 2010
La Vang sau những năm 1972, chiến sự tiếp tục lan rộng cộng với khung cảnh đổ nát khiến khu vực linh địa trở nên trống vắng và hoan tàn. Đặc biệt, sau năm 1975 thì các buổi lễ cũng không được phép tổ chức hoặc gặp rất nhiều khó khăn. Những người muốn đến bên Mẹ La Vang bị xét hỏi, đuổi về nhà, đất đai Linh địa bị thu hẹp nhiều… Giáo hội chỉ còn giữ được Linh đài, Di tích Thánh Đường và phần phụ cận nhỏ xung quanh.
Tại Linh địa cũng không còn Linh mục phụ trách, Linh Mục giáo xứ Diên Sanh gần đó là người duy nhất quản nhiệm La Vang nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.
10.1 DI TÍCH VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG
Thực ra, sau năm 1975, ngôi Thánh đường La Vang chưa bị sập hẳn hoàn toàn, phần thiệt hại nặng nề nhất là khu vực giữa nhà thờ và làm kết cấu nhà thờ yếu đi rất nhiều. Năm 1985, cơn siêu bão đổ bộ vào miền Trung đã “giúp” di tích thiệt hại thêm. Tuy vậy, cho tới năm 1997, phần gian cung thánh và phần phía sau (Tháp chuông) vẫn còn tồn tại:


Toàn cảnh ngôi Thánh Đường sau năm 1975. Ngôi tháp cổ có hình dạnh như thế này cho đến năm 2000 mới mới được “phục chế lại” cho vuông vức hơn. Phía lòng nhà thờ giờ thành nhà nguyện “tiền chế”. Những phần tường đổ nát còn lại đã bị dỡ bỏ đi vì rất khó phục hồi nguyên trạng.
10.2 DI TÍCH THÁP CỔ
Những hình ảnh cận cảnh ngôi tháp cổ sau khi được trùng tu và vá lại các phần bị trúng đạn pháo:









10.3 GIẾNG NƯỚC ĐỨC MẸ:

Năm 1903, khi lên chăm sóc vườn Mẹ, cha phó Cổ Vưu Giuse Nguyễn Xuân Cảnh đã cho đào một giếng đất ngay trước nhà thờ ngói. Giáo dân quen gọi là GIẾNG ĐỨC MẸ.

Nước giếng Đức Mẹ không trong lắm nhưng có vị ngọt và mát, không bị ô nhiễm bởi môi trường bên ngoài nên có thể uống ngay, không cần nấu chín.
Vẫn biết nước giếng Đức Mẹ là nước uống bình thường không mang dược tính gì cả, nhưng từ truyền khẩu ngày xưa đến thực tế ngày nay nhiều bệnh nhân uống nước giếng Đức Mẹ mà được lành các bệnh tật là do bởi lòng thành kính cậy tin quyền phép Đức Mẹ được Mẹ ban ơn lành theo ý nguyện mà thôi.

Ngày nay, hơn một thế kỷ trôi qua, giếng Đức Mẹ vẫn được bảo quản sạch đẹp, vệ sinh làm tăng vẻ mỹ quan vườn Mẹ, nhưng trên hết giếng Mẹ là một bảo chứng tình yêu tuyệt vời đối với con cái Mẹ. Từ mạch tự nhiên này, biết bao ơn lành hồn xác Đức Mẹ đã đổ xuống cho con cái Người.
Hiện nay, nước giếng được bơm trực tiếp lên bồn và mọi người lấy nước qua hệ thống vòi phía sau Linh Đài (theo hướng mũi tên chỉ trên miệng giếng như trong hình):

10.4 LINH ĐÀI ĐỨC MẸ
Như đã nói trên, kể từ sau năm 1963 đến tận năm 2010 thì Linh đài Đức Mẹ (Cây đa bê tông) vẫn để nguyên phần thô rêu phong cùng đạn pháo và nắng mưa. Trận chiến năm 1971 tuy phá hủy hầu hết các công trình trong khu La Vang bao gồm cả tượng Đức Mẹ Xuống Ơn trong Linh Đài nhưng ba cây đa vẫn còn hầu như nguyên vẹn.

Linh đài Đức Mẹ vẫn giữ nguyên hình hài cũ cho đến tận năm 2010
Sau đó, năm 1980, HĐGM Việt Nam mới quyết định Tượng Đức Mẹ mang hình dáng người phụ nữ Việt Nam và Bức Tượng này được đặt lại vị trí cũ cùng năm đó:

10.5 TRÙNG TU LINH ĐÀI ĐỨC MẸ – BA CÂY ĐA
Như đã nói trên, Linh đài Đức Mẹ với hình dáng cách điệu ba cây đa bê tông do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và xây dựng từ những năm 1960 nhưng chưa bao giờ được hoàn thành và khối bê tông thô vẫn để như vậy cho đến hơn 40 năm sau thì mới được tô vẽ cho đúng vẻ kiến trúc của nó. Quá trình này được bắt đầu làm lại trong năm 2010 thì hoàn thành. Tuy nhiên, khung cảnh hoang sơ của Linh đài mẹ đã không còn nữa. Thay vào đó là khung cảnh lộng lẫy hơn.



Linh đài Đức Mẹ La Vang hiện nay với Bức Tượng Mẹ mặc áo dài khăn đống theo truyền thống phụ nữ Việt Nam tạc trên đá quý từ năm 2011
11. LA VANG NGÀY NAY
Thật ra, từ lúc nhà nước “mở cửa”, các công trình tại La Vang cũng đã được xây thêm, trùng tu tôn tạo nhưng hầu như là mang tính tự phát và chưa gắn kết được với nhau thành một khối tổng thể.
Nhà hành hương đối diện với Linh đài được xây dựng bề thế phục vụ chỗ ở cho khoảng 300 khách hành hương một lúc. Theo các thiết kế mới thì nhà hành hương này cũng sẽ bị đập bỏ để phù hợp với quy hoạch chung.

Lễ đài nhìn từ phía tháp cổ dịp đại lễ 1999

Toàn cảnh công trường mân côi. Theo thiết kế mới, Công trường mân côi sẽ giữ nguyên và hầu như không thay đổi gì.
12. THIẾT KẾ LA VANG

Hình chụp Linh đài năm 1999 cho thấy lúc đó La vang vẫn còn hoang sơ và hoang tàn lắm!

Linh đài lúc chưa trùng tu!
Năm 2010, HĐGM Việt Nam ủy quyền cho Tòa Tổng Giám Mục Huế tổ chức cuộc thi Thiết kế lại toàn bộ Linh địa La Vang với tiêu chí về kiến trúc như sau:
– Giữ gìn và Bảo tồng phần Tháp cổ, Giếng nước, Quảng trường Mân côi và Linh đài.
– Mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và phù hợp với kiến trúc tôn giáo.
– Phân khu chức năng, không gian kiến trúc và quy hoạch, sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật. Thể hiện hài hòa giữa Trung tâm hành hương và các vùng lân cận.
– Kiến trúc quy hoạch quan tâm đến môi trường, khí hậu nhiệt đới gió mùa. Định hướng phát triển không gian mở rộng Trung tâm Hành hương về phía Đông Tây.
– Tính khả thi, kỹ thuật của đồ án: Giải pháp kỹ thuật – Phân kỳ thực hiện – Đề xuất xây dựng công trình – Định hướng nguồn năng lượng thay thế …
Và quan trọng hơn, đồ án phải “thổi được hồn Đạo và hồn Việt vào các công trình kiến trúc của Trung Tâm này”.
Có nhiều Công ty tham gia thiết kế, rất nhiều ý tưởng thiết kế được đưa ra, để chọn được một thiết kế để xây dựng không phải là một điều dễ dàng. Nhưng cũng phải hết sức trân trọng các ý tưởng thiết kế của các người tham gia vì họ cũng đã bỏ công bỏ sức tâm huyết vào thiết kế của mình.
Ngày 21/8/2010, tại Trung tâm Mục Vụ Huế đã diễn ra Lễ Công bố & Phát thưởng giải cuộc Thi Thiết kế quy hoạch Dự Án Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang. Tuy nhiên, cuộc thi đã không tìm ra được thiết kế để xây dựng (không có giải nhất). Chúng ta hãy cùng xem lại các phương án thiết kế này.








7. THAY LỜI KẾT – THIẾT KẾ LA VANG THEO PHONG CÁCH LA VANG
Vì La Vang nằm ở Miền Trung (Huế) và nếu đọc, hiểu, cảm nhận được hết lịch sử, con người, văn hóa… của La Vang thì mới thiết kế được La Vang. Nhưng thiết kế phải là như thế nào? Không thể giống với Phát diệm, không thể giống với phương Tây…La Vang nên phải là La Vang.

Lễ khởi công xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang
Tuy nhiên, có rất nhiều phương án thiết kế và điều quan trọng là phải chọn ra được phương án thiết kế phù hợp dự án cho tương lai. Nếu phân vân, chờ đợi, lựa chọn, thiết kế, và không dám quyết định… thì e rằng sẽ khó có thể có một La Vang cho tương lai vì chín người mười ý đó là chưa kể phải tốn thêm nhiều nguồn tài chính nữa… Câu trả lời dành cho những người có thẩm quyền trong giáo hội, giáo quyền và … giáo dân.

Thánh lễ khởi công trên nền đất mà khu vực năm xưa các Đức Cha tiền nhiệm đã từng có những buổi đại lễ (Xem hình trắng đen ở phần đầu)
Xin kết thúc phóng sự Lịch sử La Vang bằng hình trên với mô hình thiết kế mới nhất được lựa chọn. Tuy có nhiều ý kiến khen chê nhưng nếu mọi người cùng góp ý theo hướng tích cực thì hy vọng sẽ có một La Vang được nhiều người đồng tình nhất. Như theo lời Đức Cha phụ trách nghệ thuật thánh thì: “… là công trình đòi hỏi một sự hiểu biết khá sâu rộng về văn hóa Việt Nam với một thế giới biểu tượng vô cùng sâu sắc về ý nghĩa và phong phú, đa dạng, về hình ảnh và màu sắc. Hơn nữa, điều khó khăn hơn là làm thế nào sử dụng các biểu tượng văn hóa Việt Nam để diễn tả các mầu nhiệm đức tin. Đó là vấn đề hội nhập văn hóa. Trong tiến trình xây dựng vẫn có thể chỉnh sửa những chi tiết trong đồ án nếu cần. Rất mong quí vị cao minh, thông thạo văn hóa, rộng tình chỉ bảo, để công trình kiến trúc được hoàn hảo.
Ngoài ra, bất cứ sự lựa chọn nào cũng bao hàm một định hướng, một giới hạn, không thể đáp ứng hết mọi đòi hỏi hay mọi quan điểm, nhất là trong lãnh vực nghệ thuật. Rất mong sự thông cảm của tất cả mọi người.”

“Chỉ có Chúa Thánh Thần là ngôi ba Tình Yêu đổ tràn Tình Yêu. Từ Tình Yêu và Ngọn Lửa yêu thương khơi lên cho chúng ta sống bác ái yêu thương và phục vụ”. Đó chính là tâm tình hết sức tâm tình mà Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu – Chủ Tịch Ủy Ban Bác Ái Xã Hội Caritas Việt Nam gửi đến cộng đoàn sáng hôm nay trong bài chia sẻ của Đức Cha trong Thánh Lễ tạ ơn mừng kính Thánh bổn mạng.

Trong tâm tình hân hoan cùng với Giáo Hội mừng kỷ niệm năm thánh 30 năm các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam được tuyên thánh, Caritas Việt Nam cũng mừng kính nhưng lại mừng kính cách trọng thể hơn vì Caritas Việt Nam đã nhận Thánh Antôn Nguyễn Đích làm bổn mạng.

Với niềm vui này, hôm nay, Chúa nhật ngày 12 tháng 8 năm 2018, Caritas Việt Nam đã hội tụ về Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn để mừng Lễ.

Từ rất sớm, nhiều người đã quy tụ về khuôn viên TTMV để mừng Lễ. Nét mặt hân hoan, vui tươi cùng với những câu hỏi thăm, chào nói với nhau đượm tình bác ái yêu thương.

9 g 00, cộng đoàn bắt đầu vào chương trình mừng với phần diễn nguyện “Hạt giống đức tin” được trình bày hết sức sốt sắng bởi Cha Giuse Trần Cao Thăng – chính xứ Bắc Dũng và nghệ sĩ, nhóm múa. Kèm theo đó là phần đóng góp của Ban Hợp Xướng và nhạc sĩ Lê Đức Hùng (nhóm Lửa Hồng)

Sau phần diễn nguyện là phần rước kiệu kính Thánh Tử Đạo Antôn Nguyễn Đích.

10 g 00, Thánh Lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Antôn.

Chủ tế Thánh Lễ sáng nay là Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu – Chủ Tịch Ủy Ban Bác Ái Xã Hội Caritas Việt Nam. Cùng đồng tế với Đức Cha có quý Cha Giám Đốc Caritas Việt Nam và một số giáo phận và một số Cha khác nữa.

Trong lời mở đầu Thánh Lễ cũng như bài chia sẻ, Đức Cha Tôma mời cộng đoàn cùng nhìn lại gương sáng đời sống đạo đức của các Thánh Tử Đạo, cách riêng thánh Antôn Nguyễn Đích.

Đức Cha không quên mời cộng đoàn dâng lời cầu nguyện cho những người đã khuất, cho những ân nhân đã đóng góp cho Caritas.

Đức Cha nói rất rõ về chứng tá gương sống của mỗi người : “Đây là niềm tự hào của Caritas cũng như của mỗi người chúng ta. Trong 1 gia đình có 4 người tử đạo nhưng có 2 người được tuyên thánh. 2 người con trai được phúc tử đạo và chúng ta mong ước những người con đó chúng ta mong được tuyên thánh. Trong số chúng ta cũng có chúng ta quen biết quê hương Quần Cống – quê hương Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt. Quê hương rất tự hào “tam gia nhất thánh”. Trong gia đình có 3 người được tuyên thánh. Đó là những bậc tiền nhân của Đức Tổng Giuse.

Từ đời sống đức tin, mẫu gương như vậy, bổn mạng chúng ta là chứng nhân anh dũng. Chứng nhân anh dũng từ việc yêu mến hàng giáo sĩ, giáo dân. Nhất là Cha Năm cùng phúc tử đạo với thánh Đích. Đó chính là lòng yêu mến sẵn sàng phục vụ. Chăm sóc lo lắng cho các chủng sinh, thời gian bận bịu nhưng sẵn sàng đón nhận các Thầy nhưng không lo lắng gì, bận tâm gì. Bên cạnh đó, ngoài việc chăm sóc việc nuôi các vị truyền giáo, ta thấy là vị chứng nhân anh dũng. Khi chúng ta nhìn lại suốt 200, chúng ta thấy xuất hiện hàng trăm ngàn chứng nhân. Trong đó, Thánh Đích đã nêu gương đời sống đạo hạnh để mỗi người chúng ta bắt chước. Mỗi hội viên Caritas nhắc nhớ nhau. Đó là niềm tự hào và vinh hạnh của chúng ta. Đó là mẫu gương phục vụ.

Nói đến phục vụ, hội viên Caritas quan tâm nhu cầu của người khác, chúng ta để ý người bệnh tật, neo đơn, kém may mắn hơn chúng ta. Họ cần được chúng ta quan tâm. Chúa ban cho Caritas sứ mạng phục vụ. Phục vụ với tất cả sự yêu mến. Dù chúng ta hy sinh thời giờ, sức lực nhưng chúng ta noi gương thánh bổn mạng, chúng ta không quản ngại hy sinh phục vụ. Chúng ta bắt chước thánh bổn mạng để làm chứng cho đức tin kiên cường mạnh mẽ của chúng ta …

Kèm theo lời nhắc nhớ về gương sáng đời sống của Thánh Bổn mạng về sự hy sinh, chia sẻ, Đức Cha nhắc cho cộng đoàn biết rằng tất cả những điều mà hội viên làm đều phải kết hợp với Chúa và đặc biệt khi chúng ta có đầy Chúa Thánh Thần. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới làm cho các vị tử đạo kiên vững và tràn đầy Tình Yêu. Chỉ có Thánh Thần mới khơi dậy chúng ta ngọn lửa yêu thương và phục vụ.

Logo Caritas Việt Nam mà chúng ta đang mang chúng ta thấy điều đó, trong suốt thời gian này, chúng ta đọc lại và tôn vinh các thánh tử đạo Việt Nam. Chúng ta qua lời cầu nguyện, các Ngài đã quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường thập giá. Chắc chắn Chúa Thánh Thần khơi ngọn lửa đức tin đó nơi tâm hồn chúng ta … Khi có Chúa Thánh Thần, chắc chắn chúng ta có thể nói như Thánh tông đồ Phaolô : “Không có gì tách chúng tôi ra khỏi tình yêu Đức Kitô …”. Chúng ta có thể làm được những điều đó, trở nên dấu chỉ đời sống của chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần.

Ước mong hội viên chúng ta noi gương các Thánh tử Đạo Việt Nam, đặc biệt chúng ta noi gương Thánh Antôn Nguyễn Đích, chúng ta luôn sống đức tin của mình và luôn kiên vững sống liêm khiết, công bằng và bác ái với mọi người dù chung quanh chúng ta có những người cản trở chúng ta. Xin các Ngài chuyển cầu, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta sống công chính, công bình và bác ái. Với sức mạnh và ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể sống chứng tá cho Chúa giữa lòng xã hội và Giáo Hội nữa.

Xin các Thánh Tử đạo và Thánh Antôn Nguyễn Đích chuyển cầu cho mỗi hội viên chúng con”.

Trước khi kết lễ, đại diện cộng đoàn ngỏ tâm tình cảm ơn Đức Cha, cảm ơn quý Cha và cộng đoàn cũng như Cha chính xứ Bắc Dũng, nhạc sĩ Lê Đức Hùng, nhóm hợp xướng và nhóm múa diễn nguyện.

Sau lời cảm ơn, Đức Cha cảm ơn Đức Cha Giám Quản, Cha giám đốc Trung Tâm Mục Vụ và mọi người. Rất tâm tình, Đức Cha Tôma nói : “Ước mong mọi người chung vui với nhau, chúng ta tiếp tục sứ mạng của chúng ta và chúng ta xin các Ngài đổ mưa hồng ân trên Caritas để chúng ta hoàn thành sứ mạng Chúa trao phó”.

Thánh Lễ mừng kính Thánh bổn mạng Caritas Việt Nam hôm nay khép lại với tâm tình bài hát tạ ơn : “Lời tạ ơn ! Dâng lên những lời tạ ơn ! Tạ ơn Chúa chúng con cảm tạ ơn Chúa, đã thương xem chúng con như là dân riêng. Cánh tay Ngài tháng năm ôm ấp giữ gìn, trọn đời con yêu mến cậy tin … “và những tấm hình lưu niệm ghi nhớ ngày vui này.

Nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần, đặc biệt qua lời chuyển cầu của Thánh Anton Nguyễn Đích, ban cho mỗi hội viên Caritas Việt Nam những ơn lành cần thiết để mỗi hội viên sống chứng tá cho tình yêu của Chúa giữa đời như các Thánh Tử Đạo và như Thánh bổn mạng Antôn.

Người Giồng Trôm

Trong dịp mừng kỷ niệm 70 năm Legio Mariae hiện diện hoạt động tại Việt Nam (1948-2018), sáng ngày 13 tháng 8 năm 2018, gần 400 hội viên Legio Mariae thuộc Comitium Bắc Ninh đã quy tụ về Nhà thờ Chính Toà Lạng Sơn để tham dự họp thường kỳ và Thánh lễ tạ ơn trọng thể.

Chị Maria Nguyễn Thị Hiếu, Trưởng Curia Lạng Sơn Cao Bằng, thay mặt toàn Curia chào mừng sự hiện diện rất đặc biệt của Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri – Giám mục Lạng Sơn Cao Bằng, quý Cha Linh giám, Đại diện Ban quản trị Regia Hà Nội, Comitium Bắc Ninh và đông đảo Anh chị em Hội viên Legio thuộc Comitium đã về tham dự chương trình Tạ ơn trong ngày hôm nay được tổ chức tại Lạng Sơn.

Chương trình bắt đầu lúc 8 giờ sáng. Ban ủy viên và quý hội viên Legio Mariae đã tề tựu trong Nhà thờ Chính Toà để bắt đầu họp thường kỳ. Cộng đoàn dâng lên Đức Mẹ lời kinh Mân Côi, sau đó là phần tổng kết, phúc trình những hoạt động, công tác đã thực hiện trong thời gian qua, những điểm điểm mạnh cần phát huy và những vấn đề cần phải được khắc phục. Sau khi đọc kinh Catena, các hội viên đang hiện diện trong buổi tổng kết lắng nghe bài huấn từ của Đức cha Giuse và quý Cha linh giám.

Sau giờ họp, quý hội viên Legio Mariae có những giây phút giải lao, chuẩn bị tâm hồn để hiệp dâng Thánh lễ. Thánh lễ tạ ơn diễn ra lúc 10h30 do Đức cha Giuse chủ sự. Đồng tế với ngài có Cha Tổng Đại diện Giuse Trần Đức Hạnh, quý cha linh giám, quý cha khách với sự tham dự quý hội viên Legio Mariae và đông đảo bà con giáo hữu.

Trong bài giảng lễ, Đức cha mời gọi cộng đoàn Phụng vụ chiêm ngắm gương mẫu Đức Maria hoan hỷ đến thăm viếng Bà Isave. Ngài nhấn mạnh: mỗi ngày chúng ta đọc lời nguyện của người hội viên Legio là ta hiệp cùng Mẹ dâng lời ngợi khen Thiên Chúa khi nhận ra biết bao ơn lành Chúa ban trong cuộc đời mình.

Thiên Chúa không chỉ là bao điều trọng đại nơi Đức Maria nhưng ngài cũng làm bao điều kỳ diệu nơi cuộc sống mỗi người chúng ta hôm nay. Ơn cứu độ đã được ban cho mỗi chúng ta qua Đức Giêsu Kito và trong sự cộng tác của Đức Maria. Hãy nhận biết xem đâu là những ơn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Ơn cao quý nhất là chúng ta được làm con cái Chúa, chia sẻ tâm tình của Đức Maria và cùng Mẹ lên đường đem Chúa cho mọi người. Cùng Mẹ chúng ta hoan hỉ tiến bước về tương lai trong tâm tình tạ ơn qua từng phút giây cuộc đời.

Mỗi hội viên Legio bước theo Mẹ và đọc lời kinh của Mẹ mỗi ngày, hãy cố gắng làm cho muôn người ngợi khen Thiên Chúa và được diễm phúc kề bên Mẹ trong mọi bước chân Tông đồ. Hãy thực sự mang lấy tâm tình của Đức Maria trong từng hoạt động Tông đồ của người hội viên Legio. Hãy khiêm nhường thẳm sâu, vâng lời trọn vẹn, thanh khiết không tì ố, nhân hậu yêu thương và can đảm lên đường như chính Mẹ đã nêu gương.

Khi họp nhau mừng kỷ niệm 70 năm hiện diện của Legio tại Việt Nam, với tâm tình tạ ơn, ta hãy hướng về tương lai để quyết tâm mạnh bước theo Mẹ hơn nữa đến với mọi người. Đâu có Legio Mariae là nơi đó ghi đậm dấu chân nhiệt thành Tông đồ của mỗi Hội viên. Hãy hân hoan phấn khởi bước đi theo Mẹ, bất chấp khó khăn thách đố, hãy dành thời gian vàng cho Mẹ trong sứ vụ Tông đồ Legio Mariae. Với ơn Chúa và sự nâng đỡ của Mẹ, chúng ta tin tưởng những bước chân hoạt động nhiệt thành của chúng ta sẽ đem lại nhiều hoa trái tốt lành cho chính chúng ta và mỗi người.

Cuối Thánh lễ, chị trưởng Maria Nguyễn Thị Hiếu thay mặt Curia Lạng Sơn Cao Bằng nói lên tâm tình tri ân Đức cha Giáo phận, quý Cha Linh giám, quý Đại diện Ban quản trị Regia Hà Nội, Comitium Bắc Ninh và đông đảo quý hội viên Legio Maria trong Comitium đã lên với miền đất Lạng Sơn xa xôi này để tham dự ngày họp mặt đầy ý nghĩa và Thánh lễ tạ ơn trọng thể hôm nay. Tâm tình tri ân cũng được dâng tặng Đức cha, quý Cha trong món quà xứ Lạng thân thương.

Đức cha Giuse ban Phép lành với ơn Toàn xá trong Năm Thánh tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam cho toàn thể cộng đoàn hiện diện.

Tại Toà Giám mục Lạng Sơn, tất cả tham dự viên cùng chia sẻ với nhau trong bữa trưa thân mật agape, cùng được lắng nghe những làn điệu dân ca quan họ do các anh chị Hội viên từ Bắc Ninh trình bày.

Ngày họp mặt kết thúc trong niềm vui tràn ngập trên mỗi người tham dự. Với niềm vui và ơn Chúa, Hội viên Legio Mariae tiếp tục dấn thân mạnh mẽ hơn nữa trong sứ vụ Tông đồ giáo dân, tiến bước dưới hiệu kỳ của Đức Mẹ để đem tình yêu thương bác ái và sự chia sẻ chân thành với mọi người.

Ban truyền thông Giáo phận LSCB

Hôm 11 tháng 8 năm 2018, ngày vui của Giáo Phận Sài Gòn, cách riêng của Đức Hồng Y G. B. Phạm Minh Mẫn bởi lẽ hôm nay gia đình Giáo Phận mừng kỷ niệm ngày này cách đây 25 năm Đức Hồng Y G. B. lãnh nhận chức Giám Mục.

Tất cả là hồng ân và tất cả là hồng ân ! Đơn giản để nói như vậy về con người, cuộc đời và đời tận hiến của Đức Hồng Y.

10 g 00 sáng nay, tại Trung Tâm Mục Vụ, gia đình Giáo Phận Sài Gòn, Giáo Phận Cà Mau, Giáo Phận Mỹ Tho và nhiều giám mục cũng như linh mục, giáo dân đã hiệp cùng với Đức Hồng Y trong Thánh Lễ tạ ơn.

Trước khi bước vào Thánh Lễ, Cha Tổng Đại Diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân giới thiệu với cộng đoàn quý Đức Cha hiện diện trong Thánh Lễ hôm nay. Ngoài 2 Đức Cha của Giáo Phận Sài Gòn, hiện diện trong Thánh Lễ này có Đức Cha chính và phó Xuân Lộc, Đức Cha giáo phận Bùi Chu, Đức Cha phó giáo phận Long Xuyên, Đức Cha chính Mỹ Tho, Phú Cường, Cần Thơ.

Sau khi giới thiệu quý Đức Cha, Cha Tổng đọc thư chúc mừng của Đức Thánh Cha gửi đến Đức Hồng Y nhân ngày mừng Lễ. Trong thư, Đức Giáo Hoàng lượt qua những kỷ niệm, những dấu ấn đời Đức Hồng Y từ thời đấng tiền nhiệm là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Cha Tổng công bố thư xong, Đức Hồng Y ngỏ tâm tình cảm ơn quý Đức Cha, quý Cha, cộng đoàn dân Chúa đã đến hiệp thông và cầu nguyện cho Đức Hồng Y trong ngày mừng này.

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Giám Quản Giáo Phận Sài Gòn đã chủ tế cũng như bắt đầu Thánh Lễ tạ ơn sau lời của Đức Hồng Y.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho đã “chú giải”một chút về trách nhiệm cũng như sứ vụ giảng Lễ hôm nay.

Đức Cha Phêrô kể lại kỷ niệm ngày này cách đây 25 năm, Đức Cha G. B. được phong chức để làm giám mục Mỹ Tho nên rồi hôm nay Đức Cha Phêrô phải có trách nhiệm để chia sẻ.

Đức Cha Phêrô mượn hình ảnh đôi vợ chồng trẻ ngày xưa kể lại việc sinh hạ, ơn gọi của Gioan Tẩy Giả ngày xưa để soi rọi vào cuộc đời của Đức Hồng Y G.B.

“Hôm nay, chúng ta nhìn lại quá khứ đời Đức Hồng Y, chúng ta cảm nhận được : “Quả thật ! Bàn tay của Chúa ở với nó !”.

Không bao giờ Thiên Chúa chọn , Chúa can thiệp vào đời ai đó thì luôn luôn trao vào đời người đó một sứ mạng. Sứ mạng của Thánh Gioan thật rõ như sứ thần đã nói : Cháu sẽ đi trước mặt Chúa, dọn lối cho Người. Sứ mạng của Đức Hồng Y thì sao ? Tôi nhớ lại vào thời điểm Ngài làm giám mục phó Mỹ Tho và sau đó làm Giám Mục Sài Gòn thì gặp nhiều khó khăn. Có thể khó khăn trong Giáo Hội vì thiếu hiệp nhất hay khó khăn bên ngoài.

Khó khăn cho Ngài khi làm giám mục là hiệp nhất trong Giáo Hội mà thiết lập tương quan mà không đánh mất căn tính của mình. Để hoàn thành sứ mạng đó thì Giám Mục phải có lòng bao dung và điềm tĩnh. Phải có tầm nhìn, bao dung.

Trước hết là tầm nhìn.

Từ giám mục trong tiếng Hy Lạp là người nhìn từ trên cao. Nhìn từ trên cao thì mới nhìn rộng, nhìn bao quát. Về mặt Thần Học, nhìn từ trên cao hàm nghĩa cái nhìn từ Thiên Chúa – Đấng ngự trên cao. Cái nhìn của Chúa Giêsu trên thập giá là tầm nhìn từ trên cao. Giám Mục là người có tầm nhìn từ trên cao.

Trong những năm gần gũi làm việc với Đức Hồng Y : “Chúng ta chẳng theo ai ! Chúng ta chỉ theo Chúa”.

Điều quan trọng là chúng ta cầu nguyện, tìm ý Chúa, chẳng theo phe nào, nhóm nào. Theo Chúa. Cùng cái nhìn từ trên cao là lòng bao dung. Tại sao ? Vì không có tổ chức nào, không có cộng đoàn nào mà không có những khác biệt. Có những khác biệt do tầm nhìn và xung đột lợi ích. Người lãnh đạo bao dung, vượt trên những xung đột để xây dựng sự bình an của mình.

Chính vì vậy, cùng với lòng bao dung phải có sự điềm tĩnh.

Một cộng đoàn lớn thì có nhiều xung đột cho nên cần điềm tĩnh và cân nhắc trong quyết định của mình là người lãnh đạo.

Con xin lỗi Đức Hồng y vì có người tặng cho Đức Hồng Y danh hiệu là “Giám Mục Tủ lạnh”. Nhưng, ẩn bên dưới tủ lạnh không phải là dửng dưng hay hững hờ nhưng cần điềm tĩnh để cân nhắc, bàn hỏi những quyết định chín chắn, phải bàn hỏi vì nó ảnh hưởng cả Giáo Phận và Giáo Hội. Với tầm nhìn rộng, bao dung, Đức Hồng y cộng tác với ơn Chúa để tạo nên sự ổn định và phát triển những nơi Ngài được giao trách nhiệm như Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

Tôi chỉ xin nêu vài điều mà anh chị em biết : Đức Hồng Y G. B. là vị tổng giám mục đầu tiên được nâng lên hàng hồng y. Trước đây chưa có ! Không biết sau này có không ? Đó là điều đặc biệt. Đức Hồng Y được dự cơ mật viện 2 lần. Có nhiều hồng y không được đi bầu và cùng lắm 1 lần là quý nhưng ngài được 2 lần.

Đức Hồng Y phong chức cho 3 giám mục. 1 giám mục may mắn phong chức cho 1 vị phụ tá hay kế mình. Đàng này phong đến 3. 3 vị phong chức thì mất 2 rồi. Nói như ngoài đời, số ngài lớn. Cái ông đang đứng nói ở đây cũng làm lo lắng.

Đức Hồng Y còn phong chức cho 300 linh mục. Tôi gặp nhiều giám mục nước ngoài khoe được phong chức 2 linh mục. 5 năm trước không có anh nào nhưng nghe 2 anh mừng lắm. Nếu kể cho mấy ông đó nghe Đức Hồng Y phong chức 300 chắc mấy ông trợn mắt.

Đức Hồng Y đã tái lập hoạt động của nhiều hội đoàn. Ngài cũng lập Trung Tâm Mục Vụ. Tất cả những điều đó đều là hồng ân Chúa ban. Chính vì thế, chúng ta quy tụ nhau đây để cùng Đức Hồng Y dâng lời tạ ơn Chúa. Như Chúa gọi Abraham thì Chúa cũng chọn Đức Hồng Y, chọn Ngài tham dự sứ mạng của Chúa bằng ân huệ nhưng không như chính lá thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc.

Cùng với lời tạ ơn Chúa, chúng ta cũng phải cảm ơn Đức Hồng Y vì như tổ phụ Abraham ngày xưa khi Chúa kêu gọi thì đã đáp lại. Đức Hồng Y cũng đã đáp lại trong những lúc khó khăn. Tôi làm giám mục phụ tá với Ngài nhiều năm. Không phải lúc nào cũng đầy ánh sáng. Nhiều khi tăm tối lắm. Thánh Phaolô nói về Abraham : ông đi mà không biết mình đi đâu.

Đức Hồng Y G. B. cũng vậy, không biết mình đi đâu, không biết đâu là lợi ích cho Giáo Phận nhưng Ngài kiên trì gắn bó với Thiên Chúa, mang lại hoa trái cho Giáo Phận cho nên chúng ta tạ ơn.

Ngày Lễ hôm nay không mang tính lễ hội nhưng sự kiện mang tính Giáo Hội vì Giám Mục lãnh đạo giáo hội địa phương cho nên mừng Ngân Khánh Giám Mục của Đức Hồng Y. Vì vậy, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau trong chức năng của mỗi người, chúng ta góp nhau xây dựng một Giáo Hội Công Giáo, thánh thiện và tông truyền như trong Kinh Tin Kính.

Thánh Lễ tạ ơn mừng kỷ niệm Ngân Khánh Giám Mục của Đức Hồng Y G. B. đã khép lại nhưng lời tạ ơn cũng như lời nguyện xin vẫn cứ tiếp tục bởi lẽ ơn Chúa ngày mỗi ngày vẫn trào tràn trên cuộc đời của Đức Hồng Y, của Giáo Phận Sài Gòn và cả Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta, như lời Đức Cha Phêrô chia sẻ, chúng ta cũng cảm tạ Đức Hồng Y vì những gì mà Đức Hồng Y đã đóng góp cho Giáo Hội cũng như giáo phận Sài Gòn, Mỹ Tho … Xin tiếp tục trao phó cuộc đời Đức Hồng Y G. B. kính yêu như ngày nào ông bà cố đã trao dâng Đức Hồng Y trong ngày Ngài lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy như thánh Gioan Tẩy Giả ngày xưa vậy.

Người Giồng Trôm