TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
E.mail: tgmsaigon@gmail.com
Số 242.3_201203_01

Ngày 03 tháng 12 năm 2020

Kính gởi: Quý Cha Sở Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh

Kính Cha,

Theo đề nghị của Ban Giám Đốc Đại chủng viện Thánh Giuse, Đức Tổng Giuse đã quyết định truyền chức phó tế cho 21 đại chủng sinh (theo danh sách đính kèm) vào lúc 8 giờ 30 ngày 07/01/2021 tại nhà thờ Chính Tòa, số 1 Công xã Paris, phường Bến Nghé, thành phố Hồ Chí Minh.

Vậy, xin cha vui lòng rao cho anh chị em giáo dân biết để hiệp thông cầu nguyện; và nếu ai biết các thầy có điều gì ngăn trở, cần báo gấp cho Tòa Tổng Giám mục hoặc Ban Giám Đốc Đại chủng viện Thánh Giuse hoặc cho chính cha trước ngày nói trên.

Theo đề nghị của Cha Giám Đốc Đại chủng viện Thánh Giuse, thời gian rao báo cụ thể:

  • Lần 1: 06/12/2020, Chúa nhật II mùa Vọng
  • Lần 2: 13/12/2020, Chúa nhật III mùa Vọng
  • Lần 3: 20/12/2020, Chúa nhật IV mùa Vọng

Xin chân thành cám ơn và kính chào cha.

Lm. Tổng Đại Diện
(đã ký với con dấu)
Inhaxiô HỒ VĂN XUÂN

DANH SÁCH CHỦNG SINH
Lãnh chức phó tế ngày 07/01/2021

Trong niềm vui đồng hành với người trẻ, thừa lệnh Đức cha Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy Ban Mục Vụ Giới Trẻ – Thiếu Nhi công bố logo Năm Mục vụ Giới trẻ 2021 qua đường link:

https://bit.ly/MVGT2021

Nội dung và quy chuẩn sẽ được cập nhật qua đường link duy nhất này để đáp ứng với nhu cầu sử dụng trong thực tế.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần canh tân mục vụ giới trẻ mọi nơi.

Ngày 03 tháng 11 năm 2020
Thư ký UBMVGT-TN
Linh mục Gioan Lê Quang Việt

 

Ý NGHĨA LOGO NĂM MỤC VỤ GIỚI TRẺ 2021
Nguồn mạch: Lc 24, 13-35.

Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 15 đã nhìn nhận hành trình Emmau (Lc 24,13-35) như là một văn bản kiểu mẫu để hiểu sứ vụ của Hội thánh trong tương quan với các thế hệ trẻ và giúp tái hiện lại cuộc đối thoại của Đức Giêsu với người trẻ hôm nay. Kiểu mẫu này mong muốn gửi đến người trẻ bài học về sự trưởng thành đức tin thông qua tiến trình 3 bước theo diễn biến tâm lý của hai môn đệ trên hành trình Emmau đó là:

1. Để Chúa Giêsu bước vào trong đêm tối của cuộc đời. (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 237).

2. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra.

3. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh.

I. Ý NGHĨA VĂN TỰ

1. Trích dẫn “Lc 24,13-35” thể hiện trên logo nhắc nhớ người trẻ về đoạn Tin mừng diễn tả cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmau. Trích dẫn đơn giản đó cũng nhắc nhở người trẻ về việc sử dụng Kinh Thánh – như kim chỉ nam cho người trẻ để tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình.

“Như hai người trẻ trên đường Emmau, các con hãy đến với Chúa Giêsu, tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.” (HĐGMVN, Thư Chung 2019)

2. Cụm từ “ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH” là chủ đề được HĐGM VN chọn để hướng đến, đồng hành và cầu nguyện cách riêng cho người trẻ theo tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới về người trẻ đưa ra. Chủ đề như một lời mời gọi, một xác nhận về sứ vụ mà Hội Thánh mong muốn đồng hành với người trẻ, để “Giáo Hội trở thành chỗ dựa vững chắc giúp người trẻ tin đó là nơi họ được thuộc về” (Văn bản tiền Thượng Hội đồng Giám mục về Người trẻ (Vatican, tháng 11/2018))Bên cạnh đó, Dòng chữ “ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH” được đặt phía dưới nền của ngôi nhà, thể hiện sự đồng hành và dìu dắt của Giáo Hội dành cho người trẻ từ những điều cốt lõi và cơ bản nhất, để họ được cung cấp đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, giáo lý Đức Tin, sẵn sàng bước vào bậc sống gia đình.

“Cần phải chuẩn bị cho hôn nhân, và điều này đòi hỏi phải tự huấn luyện mình, phát huy những đức tính tốt, nhất là yêu thương, nhẫn nại, khả năng đối thoại và phục vụ.” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, Số 265)

3. Cụm từ “MỤC VỤ GIỚI TRẺ 2021”: tên chủ đề chính trong chuỗi 3 năm đồng hành với người trẻ trong các thánh lễ, các hoạt động, để hướng người trẻ về với ý nghĩa lớn nhất của mục vụ là Bí Tích Thánh Thể – sức mạnh và là ân sủng giúp người trẻ tìm lại niềm hạnh phúc thật, kín múc ơn bình an, và sức mạnh để bước tiếp chặng đường sứ mạng cuộc đời Chúa trao cho mỗi người trẻ.

“Như hai người trẻ trên đường Emmau, các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con. Được như thế, các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin mừng của Chúa Kitô Phục sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc.” (HĐGMVN, Thư Chung 2019)

II. Ý NGHĨA HÌNH ẢNH BIỂU TƯỢNG

1. Logo mang hình dáng ngôi nhà: Đây là hình ảnh về gia đình, nơi mà người trẻ được sinh ra, được chăm sóc và dạy dỗ nên người. Và cũng là nơi mà hai người trẻ nam và nữ yêu thương nhau cùng nhau gây dựng nên những hoa trái tốt đẹp, tạo nên những gia đình mới cho Mẹ Giáo Hội.

“Gia đình không chỉ là nơi sinh ra, nhưng còn là nơi tiếp đón sự sống mới đến như một quà tặng của Thiên Chúa gửi đến. Mỗi sự sống mới cho phép chúng ta khám phá chiều kích vô vị lợi nhất của tình yêu, một tình yêu khiến chúng ta không bao giờ hết thán phục.” (Tông Huấn Niềm Vui Tình Yêu, Câu 177)

Hình ảnh hai thanh ngang hợp lại tạo thành hình mái nhà: Đây là hình ảnh mang ý nghĩa gia đình, nơi mà người nam và người nữ kết hợp với nhau tạo thành một gia đình trẻ, tiếp tục sứ vụ ươm mầm và nuôi dạy thế hệ tương lai.

“Người trẻ cảm thấy tiếng gọi của tình yêu rất mãnh liệt; họ ước mơ gặp đúng người để xây dựng một gia đình và sống chung với nhau. Rõ ràng đây là một ơn gọi mà chính Thiên Chúa kêu mời qua những tình cảm, những khát vọng và những ước mơ của người trẻ.” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, Số 259)

2. Khối ba hình ảnh con người:

– Hình người chính giữa: là hình ảnh cách điệu Chúa Giêsu Phục Sinh trong trang phục áo thụng dài với mảnh vải hình chữ S vắt qua vai. Mảnh vải vừa thể hiện rõ nét và làm sống động hình ảnh Chúa Phục Sinh; vừa vẽ nên hình ảnh con đường khúc khuỷu – đường Emmau mà Ngài đang bước đi cùng hai môn đệ, hay nhắc nhớ cho chúng ta về đoạn Tin Mừng (Ga 14,1-6) rằng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Nén trong dải vải lụa cách điệu hình chữ S, đó còn là biểu tượng đặc trưng mang bản sắc dân tộc Việt, thể hiện khao khát cách riêng của người trẻ Việt muốn ghi dấu niềm tin vào Chúa, cùng theo Chúa bước trên con đường Emmau, được Chúa đồng hành, chăm sóc và vác trên vai như con chiên lạc.

– Hình người hai bên phải trái: tượng trưng cho hai môn đệ trên đường Emmau. Cánh tay vươn lên cao như cách thể hiện sự vui mừng, hoan hỷ của hai môn đệ vì được Chúa Giêsu nắm giữ và đồng hành với họ trên đường Emmau. Nó cũng diễn tả sự vươn lên và trưởng thành về Đức tin của hai môn đệ sau khi được gặp gỡ Chúa.

– Sự liền mạch của kết cấu 3 người trong logo qua cánh tay muốn diễn tả và truyền đi thông điệp về ước mong của người trẻ trong sự gắn kết với sự sống của Đức Kitô và cùng Ngài sống lại và sống mãi. Người trẻ khao khát mình được sống lại như hai môn đệ xưa kia, được Chúa đồng hành, thêm sức, ủi an để vượt qua và đứng vững trước mọi thách đố trong đời; những trở ngại phải trải qua được ví như những con đường quanh co, núi đồi trắc trở. Điều đó cũng diễn tả hành trình mà người trẻ mong muốn được Chúa hướng dẫn để được trưởng thành toàn diện trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống thường nhật.

+ Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ cũng diễn tả sự quan tâm, quan phòng của Chúa luôn đoái nhìn mỗi người chúng ta. Cuộc đối thoại đó cũng nhắc nhớ người trẻ về ước mong được trò chuyện với Chúa mỗi ngày, và khao khát đón nhận sự đồng hành của Giáo hội trong cuộc sống đời thường.

+ Phía trước họ là con đường khúc khuỷu – diễn tả hành trình Emmau mà họ đang đi. Và con đường đó dẫn về Thánh Giá (được đặt cao nhất trong khối logo tròn) như nhắc mỗi người chúng ta cùng bước trên con đường Ngài đã đi qua, dám dấn thân, tin tưởng vào Ánh Sáng Phục Sinh đang lan tỏa và hướng chúng ta về quê trời.

3. Những tia sáng và thánh giá đi ra khỏi đường tròn của logo thể hiện tính siêu việt và phá vỡ những giới hạn mà sự Phục Sinh của Chúa mang đến cho người trẻ. Điều đó mang lại hy vọng rằng những giới hạn của bản thân sẽ được phá vỡ khi chúng ta tin vào Ánh Sáng Phục Sinh, tin vào sự đồng hành của Chúa trên tiến trình thăng tiến của mỗi người cách riêng là người trẻ. Sự phát triển toàn diện nhằm hướng người trẻ và mời gọi người trẻ chia sẻ khả năng, sử dụng nén vàng Chúa trao để can đảm dấn thân loan báo Tin mừng như hai môn đệ.

“Với niềm tin vào Đấng Phục Sinh, các bạn có thể đương đầu với thách đố ấy trong sáng tạo và trong hy vọng, luôn sẵn sàng phục vụ… Lòng thương xót, sự sáng tạo và niềm hy vọng làm đời sống triển nở.” (Tông huấn Chúa Kitô đang sốngSố 173)

III. Ý NGHĨA MÀU SẮC

Màu sắc của logo được sử dụng dựa trên 5 màu chủ đạo mang màu sắc trẻ trung, tươi vui, diễn tả ý nghĩa niềm hy vọng của mầu nhiệm Phục sinh.

– Sắc Cam của lửa – biểu tượng nguồn ơn Chúa Thánh Thần, của nhiệt huyết, được chọn tô cho hình ảnh Chúa Giêsu, như muốn tập trung nguồn ơn sức mạnh mà người trẻ cần tìm kiếm cho cuộc đời mình chính là Chúa Giêsu.

– Sắc Xanh Dương diễn tả sắc xanh của hy vọng, sự mong chờ niềm vui của ơn cứu độ.

– Sắc Xanh Lá mang sức sống tinh thần của người trẻ, màu sắc của sự tươi mát và tinh thần sống xanh nhắc nhớ người trẻ trong việc chung tay bảo vệ ngôi nhà chung.

Sự hoà quyện của 3 sắc màu trên hướng tới Thánh Giá màu Đỏ – biểu tượng của tình yêu, nhắc nhớ về sự hy sinh của Chúa trên Thập Giá, về Bí tích Tình Yêu và con đường Trắng diễn tả sự Phục sinh – con đường hướng người trẻ về quê trời trong hân hoan và vững tin vào mầu nhiệm sống lại của Chúa Giêsu.

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
( (84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com
Số: 231.4_200907_01

THÔNG BÁO

V/v sinh hoạt mục vụ bình thường trở lại

Kính thưa quý Cha và các Cộng đoàn,

Sau hơn 40 ngày tái bùng phát, tình hình lây lan của dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống trên phạm vi cả nước. Tại thành phố chúng ta, việc phòng chống dịch được thực hiện tốt nên không có thêm ca nhiễm mới nào trong cộng đồng.

Chia sẻ niềm vui chung của cộng đồng xã hội, toàn thể gia đình Tổng giáo phận chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn vì những trải nghiệm thiêng liêng và thông điệp nhận được qua cơn đại dịnh này.

Tòa Tổng giám mục đề nghị quý cha và các cộng đoàn tổ chức lại mọi sinh hoạt mục vụ và cử hành phụng vụ như bình thường, kể từ chiều thứ Hai ngày 7/9/2020. Tuy nhiên, tất cả chúng ta vẫn phải luôn “tỉnh thức và sẵn sàng” đối phó với virus Corona (nCoV) qua việc tuân giữ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa mà ngành y tế khuyến cáo.

Xin quý ông bà anh chị em tiếp tục dâng hy sinh và những việc lành thánh hằng ngày để cầu nguyện cho toàn thể thế giới, đặc biệt cho những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Tòa Tổng Giám mục, ngày 7 tháng 9 năm 2020

TL. Đức Tổng Giám Mục

(đã ký)

Lm. Phêrô Kiều Công Tùng
Chưởng Ấn

 

Quý Đức Hồng y,
Quý Đức Tổng Giám mục, Giám mục,
Anh chị em thân mến,

Trong giai đoạn này khi đại dịch Covid-19 xảy ra ở Đông Nam Á, nhiều người đã kể với tôi về kinh nghiệm của sự bất ngờ và trạng thái đảo lộn. Qua đó, dù tôi không thể rời khỏi Singapore hoặc tiếp xúc trực tiếp với anh chị em, tôi biết được những trải nghiệm của anh chị em.

Lần cuối tôi rời Việt Nam vào ngày 5 tháng 1 vừa qua khi kết thúc chuyến thăm Tổng Giáo phận Huế nhân dịp khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 170 năm thành lập Tổng Giáo phận miền Trung lịch sử này. Kể từ đó, dường như chúng ta bị chia cách do tình trạng giãn cách xã hội và cách ly của cơn đại dịch toàn cầu. Tôi phải hủy bỏ các chương trình thăm mục vụ các giáo phận Hà Tĩnh, Qui Nhơn, và Thanh Hóa, cả chương trình tổ chức Thánh lễ và tiếp tân mừng Ngày Giáo hoàng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn lây nhiễm Covid-19: Đợt đầu từ Trung Quốc trong thời gian Tết Nguyên đán với 16 ca lây nhiễm; đợt hai từ ngày 7 tháng 3 bắt nguồn từ một du khách Việt Nam trở về từ châu Âu và lây nhiễm 124 người; sau ba tháng không có trường hợp nhiễm bệnh, dịch Covid-19 lại bất ngờ bùng phát trong cộng đồng vào ngày 25 tháng 7. Đột biến từ 400 ca nhiễm vào cuối tháng 7, nay đã xác định hơn 780 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 20 ca tử vong.

Tôi cũng được biết về nhiều chương trình bác ái của các giáo hội địa phương, vươn ra nâng đỡ những mảnh đời thất nghiệp vì giãn cách xã hội, nuôi dưỡng những người bán hàng rong bị thất thu từ ít đồng bạc lẻ kiếm sống mỗi ngày, mở lối cho nhiều lao động nhập cư bị sa thải. Tất cả những việc lành anh chị em đã thực hiện, cá nhân hay tập thể, cho những người nhỏ bé nhất đã được ghi dấu nơi Đức Kitô – Đấng cứu độ nhân loại.

Việc tạm dừng các đường bay từ Singapore đã giới hạn sự hiện diện hữu hình của tôi ở giữa anh chị em, nhưng không thể hoàn toàn ngăn trở sứ vụ của tôi. Tôi luôn trao đổi thông tin với anh chị em, lắng nghe những trăn trở của anh chị em và tiếp tục phục vụ các nhu cầu của Hội Thánh tại Việt Nam. Chúng ta cùng ở trong sự hiệp thông!

Thư này là một cách thế bày tỏ với tất cả mọi người tình huynh đệ của tôi và sự hiệp thông của Hội Thánh trong giai đoạn khó khăn và lo âu này. Do sự sáng suốt và lòng nhiệt thành tông đồ của anh chị em thúc đẩy, tôi viết thư này vì tôi muốn được ở gần anh em, các vị Lãnh đạo Hội Thánh tại Việt Nam, và cùng đồng hành với các tín hữu Công giáo cũng như dân tộc Việt Nam trên cùng một hành trình. Điều quan trọng là không để mất lòng nhiệt thành của đức tin và niềm hy vọng của Tin Mừng!

Như Đức Thánh cha Phanxicô đã nói trong cơn đại dịch Covid-19 này: “Niềm hy vọng cũng bởi nỗ lực của chúng ta, và chúng ta cần giúp nhau để giữ cho niềm hy vọng được sống động và hiệu nghiệm. Tôi muốn nói rằng một niềm hy vọng lan tỏa được nuôi dưỡng và xác tín trong sự gặp gỡ với người khác, và, như một món quà và bổn phận, được trao ban cho chúng ta để tạo nên một “trạng thái bình thường” mới mà chúng ta đang hết lòng mong đợi”.

Kính thưa quý Đức Hồng y, quý Đức Tổng Giám mục và Giám mục, anh chị em thân mến,

Tôi nhắc lại với từng cá nhân lời tri ân sâu sắc vì những gì anh chị em đã làm trong giai đoạn phức tạp này. Xin Chúa Giêsu chúc lành cho anh chị em và xin Đức Nữ Đồng Trinh, mà hôm nay chúng ta kính nhớ Đức Mẹ Lên Trời, canh giữ anh chị em luôn mãi.

Với phép lành Tông Toà,

Tổng Giám mục Marek Zalewski
Đại diện Tòa Thánh        

Singapore, ngày 15 tháng 8 năm 2020
Lễ Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
( (84.28) 3930 3828
E.mail : tgmsaigon@gmail.com

THÔNG BÁO
V/v tạm ngưng các sinh hoạt cộng đoàn

Kính thưa quý Cha và các Cộng đoàn,

Dịch Covid-19 đang tái bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước sau hơn ba tháng tạm lắng xuống. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có rất nhiều người vừa trở về từ vùng dịch, và cũng đã xuất hiện một số ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, Tòa Tổng Giám mục xin thông báo đến quý cha cùng các cộng đoàn một số điểm như sau:

  1. Tạm ngưng các sinh hoạt mục vụ và các buổi cử hành phụng vụ chung của cộng đoàn từ ngày 31/7/2020 cho đến khi có thông báo mới. Trong thời gian này, mọi tín hữu được miễn chuẩn bổn phận tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật.
  2. Từ thứ Bảy ngày 01/8/2020, các thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa sẽ được phát trực tuyến, để mọi người hiệp thông trong bầu khí gia đình.
  3. Quý cha có thể cử hành thánh lễ hằng ngày quy tụ không quá 30 người, kèm theo biện pháp giãn cách (giữ khoảng cách 2m), để nhân danh Hội Thánh cầu nguyện cho cả thế giới mau thoát khỏi đại dịch.
  4. Tại các nhà thờ hay nhà nguyện, phải triệt để tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế như: khử khuẩn không gian sinh hoạt, đeo khẩu trang, rửa tay sát trùng…
  5. Những ai có triệu chứng bệnh về đường hô hấp hoặc mới trở về từ những địa phương có người nhiễm bệnh cần có ý thức cách ly và tuyệt đối không đến những nơi công cộng.

Ngoài ra, xin quý cha tiếp tục áp dụng các hướng dẫn mục vụ trong hoàn cảnh dịch bệnh qua các văn bản trước đây của Đức Tổng Giám mục Giuse.

Xin mọi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận không ngừng dâng hy sinh và lời cầu nguyện, để xin Chúa đoái thương toàn thể nhân loại trước cơn đại dịch.

Tòa Tổng Giám mục, ngày 31 tháng 7 năm 2020

TL. Đức Tổng Giám Mục

(đã ký)

Lm. Phêrô Kiều Công Tùng
Chưởng Ấn

Bài giảng của Lm Ignatio Hồ Văn Xuân trong Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi – 07/06/2020.

Nguồn: WGPSG

Bài giảng của Lm Ignatio Hồ Văn Xuân trong Chúa Nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống – 31/05/2020.

Nguồn: WGPSG

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
( (84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 08 tháng 05 năm 2020

Kính gửi: quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân trong Tổng giáo phận

Quý cha và anh chị em thân mến,

Đến nay công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp tại Việt Nam đã đạt kết quả tích cực, các địa phương trên cả nước đang cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ và Văn thư của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 8/5/2020, các hoạt động tập trung đông người thuộc nhiều lĩnh vực được tổ chức sinh hoạt trở lại bình thường, nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, Tòa Tổng Giám mục xin thông báo đến quý cha và anh chị em tin vui đặc biệt này. Xin quý Cha tổ chức lại các sinh hoạt mục vụ và cử hành Phụng vụ cộng đoàn trong các giáo xứ, giáo khu hay giáo điểm kể từ ngày thứ Bảy 9/5/2020. Tuy nhiên, xin quý cha và anh chị em tiếp tục nêu cao ý thức cùng với toàn xã hội phòng chống dịch bệnh qua các biện pháp như: khử trùng và giữ thông thoáng không gian sinh hoạt, tăng cường việc lau khử khuẩn các bề mặt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang…

Trong suốt thời gian hơn 6 tuần tạm ngưng các sinh hoạt và cử hành cộng đoàn trong toàn giáo phận, mọi người chúng ta đều cảm nhận rõ ràng sự thiếu thốn thiêng liêng để thêm trân trọng và khát khao lãnh nhận các bí tích. Mong rằng điều này sẽ được thể hiện qua các sinh hoạt sống động tại các giáo xứ trong thời gian sắp tới. Chúng ta tiếp tục dâng hy sinh và những việc lành thánh của cá nhân cũng như cộng đoàn để cầu xin cho nạn dịch sớm được khống chế và đẩy lùi.

Kính chúc quý cha và các cộng đoàn luôn tràn đầy niềm vui, bình an và sức sống của Chúa Phục Sinh.

TL. Đức Tổng Giám Mục
Lm. Tổng Đại Diện

(đã ký)
Inhaxiô Hồ Văn Xuân

Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng trong ĐẠI LỄ KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT CHÚA NHẬT tuần 2 PHỤC SINH. Cử hành lúc 5g30 sáng Chúa Nhật, ngày 19 tháng 04 năm 2020 . tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn.

Nguồn: WGPSG