Site icon Giáo xứ Tân Định

Tờ tin Giáo Xứ Tân Định – Số 202/Năm B – Chúa Nhật 11/04/2021

Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích) Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

234. Tin Mừng tiếp nối để nhắc nhở ta rằng con cái không phải là tài sản của gia đình, nhưng chúng có cuộc sống riêng để sống. Chúa Giêsu là mẫu mực của việc vâng lời cha mẹ trần thế của Người, tự đặt mình dưới quyền của các ngài (xem Lc 2:51), nhưng Người cũng chứng tỏ điều này: các quyết định liên quan tới đời sống của con cái và ơn gọi Kitô hữu của chúng có thể đòi một cách ly vì Nước Thiên Chúa (xem Mt 10:34-37; Lc 9:59-62). Chính Người, lúc 12 tuổi, đã nói với Đức Mẹ và Thánh Giuse rằng Người có một sứ mệnh lớn hơn phải chu toàn bên ngoài gia đình trần thế của Người (xem Lc 2:48-50). Qua cách đó, Người chứng tỏ việc cần phải có những dây liên kết khác, sâu xa hơn ngay bên trong gia đình: “Mẹ tôi và anh em tôi là những ai nghe lời Thiên Chúa và thực hành nó” (Lc 8:21). Cũng thế, trong quan tâm Người tỏ bầy với các trẻ nhỏ, tức những người mà các xã hội Cận Đông thời xưa coi như những chủ thể vô quyền, thậm chí chỉ là tài sản của gia đình, Chúa Giêsu tiến xa tới chỗ trình bầy các em như các thầy dạy, về phương diện đơn sơ tin tưởng và tự nhiên đối với người khác: “Tôi nói thật với các ông, trừ khi các ông trở nên giống trẻ em, các ông sẽ không bao giờ vào được nước trời. Bất cứ ai khiêm nhường như trẻ nhỏ đều là người lớn hơn hết trong nước trời” (Mt 18:3-4).

5 phút Lời Chúa Mỗi Ngày: Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20,27)

Suy niệm: Chúa Giê-su đã trỗi dậy từ cõi chết nhưng những vết thương của cuộc khổ nạn vẫn còn in dấu trên thân thể phục sinh của Người. Khi hiện ra với các môn đệ, Chúa cho phép Tô-ma xem những dấu đinh nơi tay chân mình, và mời gọi ông chạm vào cạnh sườn bị mũi giáo đâm thấu trái tim. Những vết thương ấy là bằng chứng hùng hồn về tình yêu vô bờ bến của Chúa Giê-su. Chính vì yêu thương đến cùng những kẻ thuộc về mình mà Người sẵn sàng mang thương tích. Đó là những vết thương của tình yêu! Vì thế, khi Chúa bảo Tô-ma sờ chạm vào những vết thương thì cũng là lúc Người mời gọi ông hãy tin tưởng vào tình yêu của Người.

Mời Bạn: Tin không chỉ là đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính hay làm một số việc đạo đức nào đó. Nhưng tin là cho phép tình yêu vô điều kiện của Chúa Giê-su chiếm hữu và chinh phục mình. Tình yêu ấy muôn trùng lớn hơn sự hiểu biết của trí năng. Bạn được mời gọi vượt quá sự hiểu biết của lý trí để gieo mình cho biển trời yêu thương của Chúa. Bấy giờ, bạn sẽ cảm nghiệm niềm hạnh phúc ngập tràn, vì được bao phủ và được nhận chìm bởi tình yêu ấy.

Sống Lời Chúa: Dành vài phút thinh lặng để chiêm ngắm những vết thương của Chúa Giê-su trên thập giá, và để tình yêu của Người biến đổi mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương, Chúa chịu mang thương tích để chữa lành thương tích tội lỗi chúng con. Xin lấy khỏi chúng con trái tim chai đá và ban lại trái tim thịt mềm, để chúng con tin tưởng vào tình yêu Chúa.

THÔNG TIN GIÁO XỨ:

Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. G.B Đỗ Quốc Vinh – Lm. G.B Nguyễn Trọng Tín.

Thánh lễ:

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

LỊCH TUẦN 11/04 – 17/04/2021

THÔNG BÁO: TUẦN 11/04 – 17/04/2021

  1. Lớp Kinh Thánh học trở lại vào 19 giờ 00 thứ năm 15/04/2021
  2. Số tiền anh chị em giúp cho phòng khám từ thiện của giáo xứ được 39 triệu 300 ngàn đồng. Xin cám ơn anh chị em. Hôm nay xin giúp cho Đại Chủng Viện Thánh Giuse.

Giáo Hội ban ơn toàn xá cho năm Thánh Giuse

Đức Thánh Cha viết tông thư Patris corde khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, mà người nói, nó giúp chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng của những người “bình thường”, tuy không nổi tiếng, họ vẫn kiên nhẫn và hy vọng hàng ngày. Trong ý nghĩa này, họ giống như Thánh Giuse, “một người không ai biết, một sự hiện diện kín đáo và ẩn giấu,” tuy nhiên thánh nhân đã đóng “một vai trò không thể thay thế trong lịch sử cứu độ.”

Một người cha yêu dấu, dịu dàng, vâng phục

Thật vậy, Thánh Giuse “kín đáo bày tỏ tư cách làm cha” bằng cách hiến dâng chính mình trong tình yêu “một tình yêu được dành để phục vụ Đấng Mêsia, người lớn lên trong mái nhà của thánh nhân,” ĐGH Phanxicô viết như thế khi trích dẫn vị tiền nhiệm là Thánh Phaolô VI. Và bởi vì vai trò của người trong “buổi giao thời giữa Cựu và Tân Ước,” T. Giuse “luôn được tôn kính như một người cha bởi Kitô Hữu” (PC, 1). Trong người, “Đức Giêsu nhìn thấy một tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa,” mà nó giúp chúng ta chấp nhận những yếu đuối của chúng ta, bởi vì “qua đó” và bất kể “sự sợ hãi, sự mỏng dòn, và sự yếu đuối của chúng ta” mà hầu hết các hoạch định của Thiên Chúa được thực hiện. “Chỉ có tình yêu dịu dàng sẽ cứu chúng ta khỏi cạm bẫy của tên cám dỗ,” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, và chính bởi sự gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa nhất là trong bí tích Hòa Giải mà chúng ta “cảm được chân lý và sự dịu dàng của Người,” – bởi vì “chúng ta biết rằng chân lý của Thiên Chúa không kết án chúng ta, nhưng chào đón, âu yếm, duy trì và tha thứ cho chúng ta” (2). Thánh Giuse còn là một người cha vâng phục Thiên Chúa: với lời „xin vâng‟ của người, thánh nhân đã bảo vệ Đức Maria và Chúa Giêsu và dạy bảo Người hãy “thi hành thánh ý của Chúa Cha.” Được Thiên Chúa mời gọi để phục vụ sứ mệnh của Đức Giêsu, T. Giuse “hợp tác… trong mầu nhiệm Cứu Chuộc vĩ đại,” như T. Gioan Phaolô II nói, “và thực sự là một thừa tác viên của sự cứu độ” (3).

Exit mobile version