Tin mừng của Chúa Giêsu

03/09 – Thứ hai tuần 22 thường niên – Thánh Grêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ hội thánh. Lễ nhớ.
“Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó… Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”.

Lời Chúa: Lc 4, 16-30

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”

Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: “Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình”; “điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông”. Người nói tiếp: “Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

  • SUY NIỆM: Bụt Nhà Không Thiêng

Không thể làm tiên tri mà không trải qua bách hại, khổ đau thử thách. Ðó là số phận chung của các tiên tri từ Cựu Ước qua Tân Ước. Những kẻ không được sai đi, tự lấy danh mình mà nói, đó là những tiên tri giả; còn các tiên tri thật ý thức mình được Chúa sai đi và chỉ nói những gì Ngài muốn, một sứ mệnh như thế thường tạo ra nơi vị tiên tri một cuộc chiến nội tâm mãnh liệt. Môsê và Êlia trải qua khủng hoảng và ngay cả thất vọng khi phải trung thành với Lời Chúa; Yêrêmia đã nhiều lần ca thán và có lúc chỉ muốn đào thoát. Ðau khổ nhất cho các tiên tri là thấy lời nói của mình không được lắng nghe.

Chúa Giêsu không chỉ đến để làm cho lời các tiên tri được ứng nghiệm, Ngài cũng là vị tiên tri đúng nghĩa nhất. Nơi Ngài cũng có những đặc điểm của các tiên tri: đối đầu với những giá trị sẵn có, Ngài tỏ thái độ như các tiên tri: Ngài nghiêm khắc với những kẻ khóa Nước Trời không cho người khác vào. Ngài nổi giận trước sự giả hình của những người Biệt phái. Ngài đặt lại vấn đề tư cách là con cháu Tổ phụ Abraham mà người Do Thái vẫn tự hào. Nhất là Ngài rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả cuộc sống của Ngài; do đó, bị chống đối, bị bách hại là số phận tất yếu của Ngài.

Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu sẽ trải qua. Sau một thời gian rao giảng và làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến. Thế nhưng, khi trở về quê hương, Ngài chỉ nhận được sự hững hờ và khinh rẻ của người đồng hương mà thôi. Quả thật, như Ngài đã trích dẫn câu tục ngữ quen thuộc: “Không tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương của mình”, đó là định luật tâm lý mà chính Ngài cũng không thoát khỏi. Nhưng quê hương đối với Chúa Giêsu không chỉ là ngôi làng Nazaréth nhỏ bé, mà sẽ là toàn cõi Palestina. Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà của Ngài đã không đón tiếp Ngài. Cái chết trên Thập giá là tuyệt đỉnh sứ mệnh tiên tri của Chúa Giêsu, là lời nói cuối cùng của Ngài như một vị tiên tri.

Là thân thể, là sự nối dài của Chúa Kitô, Giáo Hội cũng đang tiếp tục sứ mện tiên tri của Ngài trong trần thế, do đó, Giáo Hội không thoát khỏi số phận bị chống đối và bách hại. Một Giáo Hội không bị chống đối và bách hại là một Giáo Hội thỏa hiệp, nghĩa là đánh mất vai trò tiên tri của mình.

Nhờ phép Rửa, người Kitô hữu cũng được tham dự vào sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô: bằng lời nói, và nhất là chứng tá cuộc sống, chúng ta thực thi vai trò tiên tri của mình trong xã hội. Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta được Thánh Thần xức dầu và sai vào trần thế. Ước gì chúng ta luôn kiên trì rao giảng Tin Mừng của Chúa dù gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, vì biết rằng mình đang sống ơn gọi tiên tri.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Cha, thế giới hôm nay cũng như hôm qua vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin; vẫn có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống; vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm; vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống; vẫn có những người bị sống bên lề xã hội, dù không phải là người phong… Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương như Con Cha. Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân chúng con.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180902110000